Hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay không thể thoát ly khỏi những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà, ngược lại, phải được xây dựng trên nền tảng những giá trị văn hóa truyền thống. Chính vì vậy, việc nghiên cứu sâu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là những giá trị văn hóa tinh thần mà cha ông ta đã dày công vun đắp và gìn giữ qua hàng nghìn năm, là rất cần thiết để xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay.
Giá trị văn hóa tinh thần truyền thống là những giá trị tốt đẹp tiêu biểu cho một nền văn hóa, tạo nên bản sắc văn hóa của một dân tộc, được chắt lọc, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong suốt chiều dài phát triển của lịch sử. Các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống đó kết tinh lại trong quan niệm, tư tưởng, triết lý, trong đạo đức và cách thức ứng xử, phản ánh diện mạo tinh thần, tâm hồn và tình cảm của cả một dân tộc, có trong các sản phẩm vật thể và phi vật thể của văn hóa.
1. Cơ sở hình thành các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam
Các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc ta được hình thành và phát triển chịu tác động của những yếu tố cơ bản sau:
Thứ nhất, hoàn cảnh địa lý (tự nhiên) của nước ta.
Vị trí địa lý của đất nước ta đã tạo ra những điều kiện tự nhiên vừa thuận lợi vừa hết sức khắc nghiệt cho cuộc sống con người.
Đất nước ta có núi cao, sông dài, có những cánh đồng trải rộng, nhiều loài động, thực vật quý hiếm; có khoáng sản phong phú, đa dạng. Nhưng mặt khác, đất nước ta nắng lắm mưa nhiều vừa có lũ lụt vừa hạn hán. Chính vì vậy, cha ông ta đã phải bỏ rất nhiều công sức để có thể trụ lại trên mảnh đất này. Lao động cần cù và sáng tạo là phẩm chất quan trọng đầu tiên được hình thành và dần trở thành truyền thống quý báu của dân tộc. Thích nghi với điều kiện tự nhiên này là một tâm lý và lối sống truyền thống thích ổn định, cầu an và trọng tĩnh.
Đặc trưng của địa hình Việt Nam có nhiều sông ngòi, hồ, đầm, ao… tạo ra một truyền thống văn hóa sông – nước, có tư duy của cư dân vùng sông nước. Hoàn cảnh sống trên sông nước, gần sông nước tạo cho người Việt có khả năng đối phó rất linh hoạt với mọi tình thế và có lối ứng xử mềm dẻo.
Nước ta nằm ở khu vực giao lưu, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa lớn và có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Chính vì vậy, nước ta luôn phải đối phó, đương đầu với nhiều kẻ thù ngoại xâm lớn. Đồng thời, nước ta cũng giao lưu, tiếp biến với nhiều nền văn hóa khác nhau. Đặc điểm này góp phần tạo nên tính cách dễ thích ứng và nhạy cảm của dân tộc ta.
Thứ hai, đấu tranh bền bỉ chống giặc ngoại xâm
Hiếm có một dân tộc nào mà phần lớn thời gian lịch sử lại phải liên tục chống lại những kẻ thù lớn mạnh hơn ta nhiều lần về mọi phương diện như dân tộc Việt Nam. Chính hoàn cảnh đó đã tạo nên truyền thống anh dũng quật cường, mưu trí sáng tạo và trong cuộc đấu tranh giữ nước ấy lòng yêu nước, yêu độc lập dân tộc, ý thức tự tôn dân tộc và tinh thần tự lập. tự cường đã được hun đúc tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn giúp nhân dân ta chiến thắng được mọi kẻ thù. Trên cái nền của truyền thống này, một số truyền thống khác được hình thành như truyền thống sùng bái và thờ cúng anh hùng, truyền thống thượng võ…
Thứ ba, tác động của quá trình lao động sản xuất
Ở nước ta, hoạt động sản xuất ra của cải vật chất chủ yếu là nông nghiệp trồng lúa nước. Lao động nông nghiệp Việt Nam rất cần tới sức mạnh tập thể. Hơn nữa, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đã khiến các thành viên của cộng đồng phải cố kết lại với nhau, nương tựa vào nhau để làm ăn và sinh sống. Điều đó dẫn tới hình thành truyền thống cộng đồng mà mặt tích cực của nó là đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày cũng như lúc gặp khó khăn, hoạn nạn. Đoàn kết, tương trợ là một truyền thống hình thành trong lao động sản xuất, sau đó được nâng lên, trở thành một chuẩn mực đạo lý, một giá trị thiêng liêng của dân tộc khi dân tộc ta phải đối mặt với thảm họa xâm lăng của ngoại bang.
Do hoạt động chính cơ bản là sản xuất nông nghiệp nên người Việt có điều kiện gần gũi, hòa đồng với thiên nhiên, tạo nên truyền thống giản dị, chất phác, ưa đơn giản, ghét cầu kỳ, xa hoa. Quá trình vật lộn với những khó khăn, thử thách để lao động sản xuất và tạo dựng cuộc sống đã rèn đúc truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó của dân tộc ta. Do trong sản xuất nông nghiệp, kinh nghiệm về thời tiết, mùa màng… đóng một vai trò quan trọng nên hình thành truyền thống trọng tuổi tác, trọng người già. Cũng do đặc điểm của sản xuất nông nghiệp truyền thống đã hình thành tập tính kém hạch toán, không quen lường tính xa. Hơn nữa, sự thành bại của nông nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên nên tạo tâm lý cầu an, cầu may, “ăn xổi”. Sự tồn tại dai dẳng của chế độ công hữu ruộng đất và các quan hệ làng xã là mảnh đất màu mỡ dung dưỡng tâm lý bình quân chủ nghĩa của dân tộc.
Thứ tư, giao lưu văn hóa cũng góp phần tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống phong phú, đa dạng
Do nước ta nằm ở ngã tư đường, cả đường bộ cũng như đường biển nên ngay từ buổi đầu khai quốc, nước ta chịu ảnh hưởng của nhiều luồng văn hóa khác nhau. Hơn nữa, do cấu trúc tổ chức xã hội truyền thống tương đối lỏng và khai phóng của văn hóa Đông Nam Á, Việt Nam cũng là một dân tộc dễ thích nghi và hội nhập. Chính vì vậy, các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc ta được hình thành và phát triển trong sự ảnh hưởng với những mức độ khác nhau của các trào lưu văn minh, văn hóa thế giới như Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Thiên chúa giáo, chủ nghĩa Mác – Lê nin.
Đặc biệt, nền văn hóa nước ta chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa lớn là Trung Hoa và Ấn Độ. Dưới ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa, nhiều yếu tố văn hóa mới du nhập vào Việt Nam, rõ nét nhất là Nho giáo. Những chuẩn mực Nho giáo được điều chỉnh và hòa trộn với các giá trị vốn có của người Việt tạo nên một số truyền thống như hiếu học… Tư tưởng “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” của Nho giáo khúc xạ qua lăng kính của người Việt tạo thành truyền thống nhân nghĩa. Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ ở Việt Nam thể hiện đặc sắc trong ảnh hưởng của Phật giáo. Những tư tưởng Phật giáo tích hợp với tính cách của cư dân bản địa tạo nên truyền thống nhân ái vị tha, rộng lượng của người Việt.
2. Nội dung của các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam
Nhiều học giả, những nhà nghiên cứu về văn hóa đã đúc kết nên những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống rất quý báu của dân tộc Việt. Theo GS. Trần Văn Giàu, có bảy giá trị mang tính tổng quát nhất của dân tộc Việt Nam, đó là: yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa. Đào Duy Anh trong “Việt Nam văn hóa sử cương” cũng nêu lên bảy giá trị có thể xem là bản sắc văn hóa Việt: “Sức ký ức” [trí nhớ] tốt, thiên về nghệ thuật và trực giác; Ham học, thích văn chương; “Ít mộng tưởng” [thiết thực]; “Sức làm việc khó nhọc” [cần cù] ở mức độ “ít dân tộc bì kịp”; “Giỏi chịu… khổ và hay nhẫn nhục”; “Chuộng hòa bình, song ngộ sự thì cũng biết hy sinh vì đại nghĩa”; Khả năng “bắt chước, thích ứng và dung hóa rất tài” [Đào Duy Anh 1938/1998]. Còn GS Nguyễn Trọng Chuẩn cho rằng những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc ta cần phải kể đến là “truyền thống yêu nước mãnh liệt, ý thức liên kết cộng đồng và đoàn kết dân tộc vô cùng bền bỉ, đức tính tiết kiệm và tự lập, tự cường, ý chí vượt qua mọi gian khổ, khó khăn và tinh thần cần cù, sáng tạo trong chiến đấu và lao động, cách ứng xử linh hoạt và thích nghi nhanh với cái mới và cả những biến động bất thường. Cùng với các truyền thống quý giá kể trên, dân tộc Việt Nam còn có hàng loạt các truyền thống khác mà chúng ta không thể không nhắc tới như tinh thần hiếu học, lòng tôn sư trọng đạo, đức tính kính trọng người già giàu kinh nghiệm, lòng nhân ái, tính khoan dung. Đặc biệt sự tôn trọng gia đình và ý thức xây dựng, giữ gìn gia đình bền vững là một giá trị đã tồn tại lâu dài cùng với sự thăng trầm của đất nước và dân tộc” [Nguyễn Trọng Chuẩn 2002: 764]. Vấn đề này được cả những học giả nước ngoài quan tâm nghiên cứu. Tác giả người Ý Claude Falazzoli trong cuốn “Việt Nam giữa hai huyền thoại” nói đến bảy giá trị của người Việt là: Ý thức “giữ phẩm giá, không chịu để mất nó trong bất cứ thử thách nào”; “Nết cần cù có thể lấp biển”; “Lịch thiệp, tế nhị… khiến cho không khí ở đây không thô lỗ và nặng nề”; “Một sự tinh tế cố tình chẻ sợi tóc làm tư”; “Tính dè dặt, kéo dài sự cân nhắc, xét đoán, quyết định”; “Tính thực dụng… khả năng thích ứng khéo léo và sáng suốt với mọi tình huống”;“Đặc biệt lãng mạn và đa cảm” [Palazzoli Claude 1981].
Như vậy là mặc dù có những quan điểm cụ thể khác nhau nhưng các nhà nghiên cứu đều thống nhất một số giá trị văn hóa tinh thần truyền thống cơ bản của dân tộc ta sau đây:
Thứ nhất, lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc
Lòng yêu nước không phải là giá trị tinh thần riêng có của dân tộc Việt Nam. Theo Lênin, “chủ nghĩa yêu nước là một trong những tình cảm sâu sắc nhất đã được củng cố qua hàng trăm hàng nghìn năm tồn tại của các tổ quốc biệt lập” [Lê-nin V.I. 1981: 226]. Tuy nhiên, trong bảng các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc ta thì chủ nghĩa yêu nước luôn được xếp ở vị trí đầu tiên. Nó trở thành “tiêu điểm của các tiêu điểm, giá trị của các giá trị” là “động lực tình cảm lớn nhất của đời sống dân tộc, đồng thời là bậc thang cao nhất trong hệ thống các giá trị đạo đức của dân tộc ta” [Trần Văn Giàu 1980].
Yêu nước là tình cảm thiêng liêng của nhân dân ta từ xưa đến nay. Lòng yêu nước có nguồn gốc sâu xa từ ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – tổ quốc. Yêu nước biểu hiện ở khát vọng và hành động luôn đặt lợi ích của tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, là chăm lo xây dựng quê hương đất nước, sẵn sàng chống ách đô hộ và kẻ thù xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Từ những tình cảm bình dị và gần gũi đối những người ruột thịt, dần dần phát triển thành tình cảm gắn bó với làng xóm, quê hương và cao hơn hết là lòng yêu nước, tự tôn dân tộc.
Chủ nghĩa yêu nước của Việt Nam được sản sinh và nuôi dưỡng trong lịch sử dựng nước và giữ nước hằng nghìn năm vừa anh hùng vừa bi tráng của dân tộc. Nó được định hình và thử thách trong hoàn cảnh rất đặc thù của dân tộc là luôn phải chống thiên tai và chống ngoại xâm. Có lẽ ít có dân tộc nào mà thời gian chống giặc ngoại xâm lại chiếm tới hơn một phần hai lịch sử của dân tộc. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần dân tộc sâu sắc vẫn tồn tại một cách bền bỉ và tỏa sáng rạng rỡ trên gương mặt tinh thần của cả dân tộc. Lòng yêu nước của nhân dân ta không chỉ là tình cảm mà còn trở thành triết lý sống và thành phương châm ứng xử, chỉ dẫn hành động, khẳng định các giá trị. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam không chỉ là một giá trị, mà điều quan trọng hơn nữa nó còn là cội nguồn, cơ sở của hàng loạt các giá trị khác nhất là các giá trị văn hóa. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam là cơ sở của chủ nghĩa anh hùng, tinh thần đoàn kết, đức tính cần cù, chịu khó, lối sống lành mạnh, lạc quan, yêu đời của nhân dân Việt Nam, làm nên cốt cách Việt Nam.
Chính chủ nghĩa yêu nước, lòng tự hào dân tộc là nguồn sức mạnh vô địch giúp cho nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi thiên tai, địch hoạ, vững vàng tiến lên phía trước. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được hình thành từ rất sớm, được thử thách và khẳng định qua bao thăng trầm của lịch sử, được bổ sung, phát triển qua từng thời kỳ theo yêu cầu phát triển của dân tộc và thời đại, đã trở thành một trong những giá trị cao quý và bền vững nhất của dân tộc ta.
Thứ hai, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng dân tộc
Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước và là biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước. Chính trong hoàn cảnh luôn luôn phải chống lại giặc ngoại xâm với tiềm lực kinh tế, quân sự lớn hơn ta gấp nhiều lần mà truyền thống này được hình thành và củng cố. Bởi vì trong thử thách đầy cam go, khắc nghiệt ấy chỉ có đoàn kết một lòng nhân dân ta mới có sức mạnh để bảo tồn dân tộc, phát triển sản xuất. Cha ông ta đã ý thức sâu sắc rằng “đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.
Tinh thần đoàn kết là nguồn sức mạnh to lớn để nhân dân ta đánh thắng mọi thế lực ngoại xâm. Lịch sử dân tộc đã cho thấy rằng bất cứ khi nào chúng ta không thực hiện được đoàn kết toàn dân, trong nội bộ có sự chia rẽ thì sức mạnh đất nước bị suy yếu, kẻ thù dễ dàng chiến thắng, còn đất nước bị đặt trước sự tồn vong. Thất bại của nhà Hồ trong cuộc kháng chiến chống quân Minh đầu thế kỷ XV là một trường hợp tiêu biểu. Còn khi nào nhân dân ta trên dưới đoàn kết một lòng thì cho dù kẻ thù có hùng mạnh đến đâu cũng bị nhân dân ta chặn bước tiến xâm lược. Những trang sử hào hùng và vẻ vang của nhà Trần chống quân Nguyên Mông, của cả dân tộc ta chống Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ là minh chứng hùng hồn cho chân lý mà Hồ chí Minh đã tổng kết “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Ông cha ta từ xưa đã ý thức rõ rằng với một dân tộc đất không rộng, người không đông chỉ có đoàn kết chúng ta mới có sức mạnh để chiến thắng mọi kẻ thù. Chính vì vậy cha ông ta kiên quyết chống lại chính sách chia rẽ của các thế lực ngoại bang và xu hướng cát cứ của các thế lực phong kiến.
Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng dân tộc sâu sắc là một truyền thống văn hóa của dân tộc ta mà ngày nay vẫn cần được giữ gìn và phát huy. Trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh vẫn khẳng định rằng “đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta” [Hồ Chí Minh 1996: 510].
Thứ ba, lòng nhân ái, khoan dung, hiếu học, khát vọng hòa bình, yêu hòa bình
Lòng nhân ái cũng là một giá trị văn hóa tinh thần truyền thống rất nổi bật của dân tộc ta. Nhân ái nghĩa là yêu thương con người. Lòng nhân ái được nảy nở và phát triển trong nhân dân ta chính trong cuộc sống lam lũ, khó khăn hàng ngày. Hàng nghìn năm dưới ách thống trị của bọn phong kiến, cuộc sống của nhân dân lao động nước ta vô cùng cực khổ. Chính sách nô dịch, cướp bóc của bọn thống trị nước ngoài, sự bóc lột dưới nhiều hình thức của bọn địa chủ phong kiến trong nước cùng với bão lụt, hạn hán, mất mùa, dịch bệnh… đè nặng lên cuộc sống của nhân dân lao động nước ta. Họ cảm thấy thương mình và thương những người cùng cảnh ngộ với mình. Trong lúc khó khăn, hoạn nạn ấy, chính tình yêu thương, đùm bọc, sẻ chia lẫn nhau đã giúp họ vượt qua hoàn cảnh thực tại. Vì vậy, lòng yêu thương con người “thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” từ lâu đã trở thành nếp nghĩ, cách ứng xử, triết lý sống của con người Việt Nam, chi phối mối quan hệ giữa người với người trong xã hội. Khi có sự du nhập của Phật giáo, Nho giáo thì quan niệm “từ bi” của Phật giáo và “nhân” của Nho giáo có ảnh hưởng nhất định.
Tình yêu thương con người của người Việt Nam thấm đượm trong các mối quan hệ từ gia đình, làng xóm đến cộng đồng xã hội. Trong gia đình, bố mẹ có trách nhiệm lo cho con cái khi còn nhỏ, còn con cái phải biết vâng lời, chăm sóc bố mẹ. Với anh chị em thì phải biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau “anh em như thể chân tay”, “chị ngã, em nâng”… Trong quan hệ làng xóm thì “tối lửa tắt đèn có nhau”, “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “chín bỏ làm mười”. Còn với những người trong cùng một nước thì luôn lấy tình nghĩa để đối đãi. Cha ông ta luôn nhắc nhở mình và con cháu rằng “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Lòng yêu thương con người truyền thống của dân tộc ta còn bao hàm cả lòng khoan dung, vị tha với những kẻ lầm đường lạc lối, biết lấy công chuộc tội, trở về với chính nghĩa, “mở đường hiếu sinh” với kẻ thù một khi chúng thất bại.
Lòng thương người truyền thống của dân tộc ta còn là cơ sở của tinh thần yêu chuộng hoà bình và tình hữu nghị với các dân tộc khác của nhân dân ta hiện nay. Trong lịch sử, nước ta bao giờ cũng giữ tình hoà hiếu với các nước khác, cố gắng tránh xảy ra xung đột dẫn đến cảnh máu chảy, đầu rơi, tận dụng mọi cơ hội có thể có để giải quyết hoà bình mọi xung đột, cho dù nguyên nhân là từ phía kẻ thù bên ngoài. Bởi lẽ chúng ta ý thức rõ ràng trong chiến tranh, dù thua hay thắng thì đều phải đổ máu, với một dân tộc có truyền thống nhân ái thì đó là điều không mong muốn, dù là máu ta hay máu địch. Tiếp nối truyền thống đó, hiện nay Đảng và nhà nước ta thực hiện đường lối đối ngoại “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”.
Dân tộc ta cũng luôn tự hào về truyền thống hiếu học của mình. Tinh thần hiếu học ấy thể hiện trước hết ở sự chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn vươn lên nắm bắt tri thức của thời đại, phục vụ cuộc sống của bản thân, gia đình, đất nước. Ngay từ thuở lọt lòng, truyền thống ấy đã thấm vào máu cùng dòng sữa ngọt ngào và lời ru của mẹ:
Con ơi mẹ dặn câu này
Chăm lo đèn sách cho tày rá cơm
Làm người đói sạch rách thơm
Công danh là nợ, nước non phải đền.
Và trong sử sách vẫn còn lưu danh những tấm gương vượt lên nghèo khó, vươn lên trong học tập để trở thành những con người có ích cho xã hội như Mai Thúc Loan do không có điều kiện học tập đã phải nghe trộm, học lỏm mà sau trở thành một vị vua nổi tiếng. Nguyễn Hiền mồ côi cha, sống nơi cửa chùa, phải bắt đom đóm làm đèn học mà trở thành trạng nguyên nhỏ tuổi nhất trong lịch sử nước ta. Quan trọng hơn, mục đích học tập của nhiều bậc trí thức lớn không phải là vinh thân phì gia mà là để đem tài trí ra giúp đời, giúp nước. Ngày nay trong thời đại kinh tế tri thức, tri thức khoa học là cơ sở của mọi của cải, là con đường duy nhất để phát triển đất nước thì truyền thống quý báu của dân tộc này càng cần được giữ gìn và phát huy.
Thứ tư, cần cù, lạc quan, khiêm tốn, giản dị, trung thực
Sự cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động sáng tạo của cải vật chất cũng như tinh thần cũng là một giá trị văn hóa nổi bật, hàng đầu trong giá trị văn hóa truyền thống của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam mà ngày nay chúng ta phải bảo tồn và phát huy. Bởi lẽ nước ta là một nước nông nghiệp, trong điều kiện lao động cơ bắp, thiên nhiên khắc nghiệt, hơn nữa các cuộc chiến tranh xâm lược và sự thống trị của các thế lực bên ngoài đã phá hoại nền kinh tế, làm cho nền kinh tế và đời sống của nhân dân bị kéo lùi hàng thế kỷ so với sự phát triển bình thường thì nếu không cần cù thì khó có thể tồn tại được, chứ chưa nói đến sự phát triển. Cần cù vừa là điều kiện để đảm bảo nhu cầu sống của con người, vừa thể hiện ý thức trách nhiệm của người Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Hình ảnh “ăn cơm bằng đèn, đi cấy sáng trăng”, “cày đồng đang buổi ban trưa”, hay “tát nước đêm trăng” đã trở nên quá đỗi quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Đó không chỉ là những hình ảnh đẹp, mà còn thể hiện đức tính cần cù, yêu lao động của nhân dân ta.
Ý thức đề cao lao động, chống thói lười biếng đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi con người Việt Nam từ bao đời. Cha ông ta ý thức được rằng lao động cần cù là nguồn gốc của mọi của cải và hành phúc. Họ luôn nhắc nhở nhau rằng “ năng nhặt chặt bị”, “kiến tha lâu đầy tổ”, “Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu”. Đồng thời, người Việt Nam cũng tỏ rõ thái độ phê phán thói lười biếng “ăn rồi lại nằm”. Họ hiểu rằng ăn không ngồi rồi là nguồn gốc của tội lỗi “nhàn cư vi bất thiện”.
Mặc dù cha ông ta luôn phải sống trong hoàn cảnh khó khăn vừa chống thiên tai, vừa chống địch hoạ, luôn phải đối mặt với cả kẻ thù hai chân và bốn chân nhưng họ vẫn luôn lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp phía trước. Theo GS. Trần Văn Giàu, lạc quan là “một đức tính lớn có từ thời thiên cổ”. Chính sự lạc quan ấy đã giúp chúng ta vượt qua được những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua nổi. Người Việt Nam khiêm tốn nhưng không hạ thấp mình, giản dị nên ghét thói xa hoa, cầu kỳ, phô trương hình thức, trung thực nên ghét bỏ kẻ “lá mặt, lá trái”, “tiền, hậu bất nhất”.
Thứ năm, tinh thần dũng cảm, bất khuất
Có thể nói, dân tộc Việt Nam anh hùng trước hết vì mỗi con người dù là đàn bà, trẻ thơ đều có phẩm chất dũng cảm, kiên cường, bất khuất. Chính vì lẽ đó mà nhà thơ Tố Hữu từng viết “Đến em thơ cũng hóa những anh hùng”. Người Việt Nam thơ mộng, lãng mạn là thế nhưng trước kẻ thù bất nhân dù có hùng mạnh đến đâu cũng không bao giờ khiếp sợ. Chính vì sự dũng cảm, bất khuất ấy mà chúng ta mới có thể chiến thắng được những kẻ thù lớn mạnh hơn ta về nhiều mặt. Lịch sử dân tộc ở thời kỳ nào cũng sáng ngời những tấm gương dũng cảm, anh hùng, bất khuất. Trần Bình Trọng khi bị giặc bắt đã thét to: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”, Trần Quốc Toản dù tuổi còn nhỏ nhưng đã trả lời vua Trần Thánh Tông “Bệ hạ muốn hàng hãy chém đầu tôi trước đã”. Trong thời hiện đại, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Nguyễn Viết Xuân với tinh thần “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”.
Vật chất quyết định tinh thần, song văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam thể hiện rõ rệt sự ưu trội khi lựa chọn giá trị, biết đề cao giá trị làm người và tìm thấy động lực sống, động lực phát triển không chỉ là lợi ích vật chất mà còn là các giá trị tinh thần, đạo đức, lương tâm, danh dự.
Nhìn lại lịch sử chúng ta thấy rằng các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống đã ăn sâu vào máu thịt của con người Việt Nam qua các thế hệ và đó chính là sức mạnh Việt Nam suốt nhiều thế kỷ. Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam thì “chính cộng sản là những người đã có công phát hiện lại một cách có cơ sở khoa học và có hệ thống các giá trị đạo đức, giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam”. Đảng ta đã biết khơi dậy và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống này trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhờ đó mà dân tộc Việt Nam đã làm được những điều kỳ diệu mà cả thế giới phải khâm phục. Ngày nay, những giá trị truyền thống này vẫn đang được tiếp nối và phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, do tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, cũng như do yêu cầu của thời đại mới, những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của cha ông đang có sự biến đổi theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Chính vì vậy, bên cạnh việc xác định rõ, hiểu sâu sắc những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc ta thì việc nắm bắt được hướng biến đổi của những giá trị này để có những tác động phù hợp nhằm xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam là rất cần thiết.
ThS. Hà Thị Thùy Dương
Học viện Chính trị khu vực IV, TP. Cần Thơ
Original
Tranh minh họa: Tôn Bùi.
Tài liệu tham khảo và trích dẫn
- Đảng CSVN 1995: Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị khoá VII ngày 18/2/1995 về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay. – H.: NXB Chính trị Quốc gia.
- Đảng CSVN 1998: Văn kiện hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khoá VIII. – H.: NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Đào Duy Anh 1938/1998: Việt Nam văn hóa sử cương. – NXB Tổng hợp Đồng Tháp.
- Hồ Chí Minh 1996: Toàn tập, tập 12. – H.: NXB Chính trị Quốc gia
- Lê-nin V.I. 1981: Toàn tập, tập 29. – Mátxcơva: NXB Tiến bộ.
- Nguyễn Trọng Chuẩn 2002: Một số vấn đề triết học – con người – xã hội. – H. NXB Khoa học Xã hội.
- Palazzoli Claude 1981: Le Vietnam entre deux mythes. – Paris: Economica.
- Trần Văn Giàu 1980: Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. – NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.