596. ☀ Ngôn ngữ ở kinh đô Thăng Long thời nhà Trần

Trong giả thuyết về sự phân biệt Kinh-Trại của Keith Weller Taylor hay một số giả thuyết khác liên quan tới vấn đề nguồn gốc ngôn ngữ của vùng đồng bằng sông Hồng cho rằng vùng đồng bằng sông Hồng là một vùng nói ngôn ngữ Hán, còn ngôn ngữ Vietic chỉ có ở vùng Thanh Nghệ, thời Lê, ngôn ngữ này đã Bắc tiến và thay thế ngôn ngữ ở vùng đồng bằng sông Hồng lúc đó được cho là tiếng Hán.

Nhưng những tư liệu ghi chép từ An Nam Tức Sự, được chép bởi sứ giả nhà Nguyên là Trần Cương Trung, viết về một số từ vựng tại kinh thành Thăng Long (vào năm 1293) [1], đã cho thấy, ngôn ngữ của vùng đồng bằng sông Hồng khi ấy là tiếng Việt.

  • Thiên 天 gọi là 勃末勃 (bột mạt) → blời (bmời) > trời
  • Địa 地 gọi là 炟 (đắc) → đất
  • Nhật 日 gọi là 扶勃末 (phù bột mạt) → ~ mặt trời
  • Nguyệt 月 gọi là 勃菱 (bột lăng) → ~blăng > trăng
  • Phong 風 gọi là 教 (giáo) → gió
  • Vân 雲 gọi là 梅; (mai) → mây
  • Sơn 山 gọi là 斡隈 (quản ôi) → quả núi (?)
  • Thủy 水 gọi là 掠 (lược) → nước
  • Nhãn 眼 gọi là 末 (mạt) → mắt
  • Khẩu 口 gọi là 皿 (mính) → miệng
  • Phụ 父 gọi là 吒 (tra) → cha
  • Mẫu 母 gọi là 媚 (mi) → mẹ
  • Nam tử 男子 gọi là 乾多 (can đa) → con trai
  • Nữ tử 女 gọi là 乾丐 (tử cái) → con gái
  • Phu 夫 gọi là 重 (trùng) → chồng
  • Phụ 婦 gọi là 陀被 (đà bị) → đàn bà (?)
  • Hảo 好 gọi là 领 (lãnh) → lành
  • Bất hảo 不好 gọi là 张领 (trương lãnh) → chẳng lành

Các từ này phần lớn có phát âm gần giống với tiếng Việt ngày nay, tra trên cơ sở dữ liệu về từ mượn tiếng Việt cơ bản được thực hiện bởi Mark Alves [2], phần lớn các từ trong số này đều là từ thuần Việt.

Trần Cương Trung chép lại tiếng nói của người Việt qua việc nghe phát âm tiếng Việt và viết lại bằng chữ Hán có âm gần giống, nên các âm được ghi lại cũng chỉ mang tính chất tương đối, không chính xác tuyệt đối với cách phát âm của người Việt. Nhưng qua những ghi chép này, có thể khẳng định ngôn ngữ thời Trần không quá khác biệt so với thời nay, nếu chúng ta quay về thời đó, có lẽ vẫn có thể hiểu được một phần. Một điểm đáng chú ý khác, là tiếng Việt thời Trần có nhiều từ đơn âm hơn là đa âm, cho thấy sự đơn âm hóa của tiếng Việt là một quá trình lâu dài, từ đa âm tới thời Trần vẫn chưa mất hẳn.

Như vậy, những ghi chép này đã khẳng định ngôn ngữ tại vùng đồng bằng sông Hồng trước thời Lê là tiếng Việt, những bằng chứng này đã phủ nhận hoàn toàn giả thuyết của Taylor cho rằng vùng đồng bằng sông Hồng trước thời Lê nói ngôn ngữ Hán, cũng đồng thời phủ nhận giả thuyết về cái gọi là mâu thuẫn Kinh-Trại mà ông ta đã sáng tạo ra.

Lang Linh


Tài liệu tham khảo:

[1] Tổng hợp, đối chiếu từ các dị bản Trung Quốc và Việt Nam.

https://ctext.org/wiki.pl?if=gb&chapter=224481&remap=gb

https://zh.m.wikisource.org/zh-hant/%E5%85%83%E8%A9%A9%E7%B4%80%E4%BA%8B/%E5%8D%B709

http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1550&Catid=718

https://www.otofun.net/threads/dich-sach-co-an-nam-tuc-su-cua-su-than-nha-nguyen.1782760/page-2

[2] https://wold.clld.org/vocabulary/24

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.