552. ☀ Ngữ hệ Nam Á và nền văn minh sông Dương Tử

Văn hóa Đông Á cổ đại là nguồn gốc hình thành nên cư dân của 5 hệ ngữ: Nam Á và Hmong-Mien trong vùng Dương Tử, Nam Đảo, Tai-Kadai và Hán Tạng trong vùng đồng bằng sông Hoàng Hà. Nền văn hóa Đông Á cổ đại phát triển và kế thừa từ thời kỳ đồ đá cũ tới thời kỳ đồ đá mới, có nguồn gốc từ cư dân thuộc hai thành phần là từ Đông Nam Á di cư lên, và từ cư dân cổ Bắc Á di cư xuống, với văn hóa của cư dân gốc Đông Nam Á có vai trò quan trọng hơn trong sự hình thành của văn hóa Đông Á. Tới khoảng 9000 năm trước, sự thuận lợi của khí hậu đã thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp lúa nước trong vùng Dương Tử và nông nghiệp trồng kê trong vùng bắc Đông Á, đã tạo nền tảng hình thành nên các văn hóa lớn thuộc thời kỳ đá mới trong vùng Đông Á: Cao Miếu, Hà Mẫu Độ, Lăng Gia Than, Mã Gia Banh trong vùng Dương Tử, và các văn hóa Ngưỡng Thiều, Hồng Sơn, Đại Vấn Khẩu trong vùng đồng bằng sông Hoàng Hà và sông Liêu. Từ các văn hóa này, các hệ ngữ đã được hình thành, tiếp nối theo đó là các cuộc di cư, hòa huyết và sụp đổ, phân tán của các nền văn hóa Đông Á.

Đông Á cổ đại phân tách thành 5 hệ ngữ. [1]

Ngữ hệ Nam Á có nguồn gốc từ vùng trung lưu Dương Tử, là một thành phần dân cư quan trọng của nền văn hóa Đông Á cổ đại, họ có nguồn gốc chủ yếu là từ cư dân Đông Nam Á di cư lên phía Bắc trong khoảng 12.000 năm trước, có sự hòa huyết với cư dân Bắc Á để dần dần hình thành chủng da sáng. Trong thời kỳ tồn tại, cư dân trong vùng Dương Tử đã xây dựng nên các nền văn hóa lớn phát triển hơn so với các nền văn hóa cùng thời trong vùng Đông Á, có sự lan tỏa và ảnh hưởng khá rộng lớn tới các văn hóa Đông Á cổ đại trong vùng bắc Đông Á. Họ cũng là nhân tố chính trong quá trình hình thành và phát triển văn minh của cộng đồng tộc Việt trong vùng Dương Tử, với các đại văn hoá là Lương Chử và Thạch Gia Hà, là những văn hóa có trình độ phát triển vượt bậc so với các văn hóa bắc Đông Á trong cùng thời kỳ.

Nguồn gốc của hệ ngữ Nam Á vì nhiều lý do, chưa được nghiên cứu và tìm hiểu một cách toàn diện và sâu sắc. Ngữ hệ Nam Á có địa bàn phân bố chủ yếu trong vùng Đông Nam Á và Ấn Độ, nên một phần không nhỏ các nghiên cứu trước đây, thường theo hệ tư tưởng “nước chảy chỗ trũng”, cho rằng cư dân Nam Á tại vùng Đông Nam Á có nguồn gốc từ Ấn Độ, bởi Ấn Độ thường được xem là trung tâm truyền bá văn minh sang Đông Nam Á, đây là một tư tưởng gây hiểu nhầm rất lớn về nguồn gốc các dân tộc. Vì vậy việc tìm hiểu nguồn gốc của hệ ngữ này là rất cần thiết, quá trình tìm hiểu toàn diện các nghiên cứu về di truyền, khảo cổ, ngôn ngữ, sẽ cung cấp cho chúng ta những thông tin và hiểu biết quan trọng về nguồn gốc của cư dân Nam Á, từ đó có thể thấy được trình độ phát triển văn minh cao độ của cư dân thuộc hệ ngữ Nam Á trong vùng Dương Tử, những nhận thức mới này sẽ góp phần giải tỏa những giả thuyết chưa chính xác về nguồn gốc của hệ ngữ này, cũng đồng thời làm rõ vấn đề nguồn gốc của dân tộc Việt.

I. Nguồn gốc ngữ hệ Nam Á và sự hình thành văn minh trong vùng Dương Tử:

1. Nguồn gốc ngữ hệ Nam Á:

Ngữ hệ Nam Á từng được các nghiên cứu ngôn ngữ giả thuyết có nguồn gốc từ vùng Ấn Độ [2], tuy nhiên các nghiên cứu di truyền mới nhất đều ủng hộ khả năng ngữ hệ này có nguồn gốc từ vùng Dương Tử, sau đó di cư xuống vùng Đông Nam Á và sang Ấn Độ. Cư dân vùng Dương Tử có nguồn gốc chính là cư dân rời khỏi châu Phi di cư tới Đông Nam Á vào khoảng 60.000-30.000 năm trước, xây dựng văn hóa Hòa Bình, sau đó di cư lên vùng Dương Tử vào khoảng 12.000 năm trước khi nước biển dâng [3]. Họ đã sinh sống và phát triển các nền văn hóa trong vùng Dương Tử trong thời kỳ đồ đá mới, các văn hóa trong vùng Dương Tử có trình độ phát triển khá cao so với các văn hóa Đông Á cùng thời kỳ. Các nghiên cứu di truyền được công bố trong thời gian gần đây cũng cho thấy vùng trung lưu Dương Tử là cái nôi hình thành nên hệ ngữ Nam Á, sau đó, hệ ngữ này đã lan tỏa xuống phía Nam và sang vùng Ấn Độ.

Gen O-M95 là một trong những gen đặc trưng của cư dân Nam Á, theo nghiên cứu di truyền mới nhất của Singh et al. 2021 [4], thì cư dân thuộc các hệ ngữ Nam Á vùng Đông Nam Á đa dạng O-M95 hơn so với Ấn Độ, nên các nhà nghiên cứu đã ủng hộ giả thuyết cư dân nói tiếng Nam Á tại Ấn Độ di cư sang từ Đông Nam Á. Nghiên cứu của Kutanan et al. 2021 cũng ủng hộ giả thuyết hệ ngữ Nam Á có quê hương tại miền nam Đông Á và mở rộng đến Đông Nam Á lục địa trong thời kỳ đồ đá mới [5]. Theo nghiên cứu của Wang et al. 2021 [6], thì cư dân các hệ ngữ Nam Á, Nam Đảo và Tai-Kadai có nguồn gốc từ vùng Dương Tử (các hệ ngữ Nam Đảo và Tai-Kadai từ bắc Đông Á xuống Dương Tử sau đó mới di cư xuống Đông Nam Á, chính vì vậy, nghiên cứu này mới kết luận các dân tộc thuộc các hệ ngữ này có nguồn gốc từ vùng Dương Tử), các nghiên cứu di truyền cho thấy cư dân Nam Á có nguồn gốc từ vùng trung lưu Dương Tử. [7][8]. Nghiên cứu của Huang et al. 2020 [9] cho thấy hệ ngữ Nam Á có nguồn gốc từ vùng trung lưu Dương Tử cùng với hệ ngữ Hmong-Mien.

Hệ ngữ Nam Á có nguồn gốc từ vùng trung lưu Dương Tử. [9]

Nghiên cứu ngôn ngữ học của Jerry Norman và Tsu-lin Mei [10], cho thấy một số từ vựng của hệ ngữ Nam Á (trong đó có tiếng Việt) đã được tiếng Hán mượn và sử dụng trong ngôn ngữ của mình, có thể ví dụ như 澳 [chó], 札 [chết], 獲 [ruồi], 虎 [hổ], 牙 [ngà], 弩 [ná], hay quan trọng nhất, đó là 江“giang” [krong trong tiếng Nam Á hay sông trong tiếng Việt] trong tên của con sông Trường Giang (hay tên gọi quốc tế là sông Dương Tử), trong nghiên cứu này, Jerry Norman và Tsu-lin Mei đã tổng hợp được tổng cộng 7 từ cho thấy tiếng Hán đã mượn của ngữ hệ Nam Á trong thời kỳ tiếp xúc của hai hệ ngữ trong vùng Dương Tử. Dựa trên cơ sở khảo cứu về nguồn gốc từ vựng, các nhà nghiên cứu cũng kết luận rằng hệ ngữ Nam Á đã từng hiện diện trong vùng trung lưu Dương Tử, tương ứng với chi tiết truyền thuyết họ Hồng Bàng của người Việt có nhắc tới nguồn gốc của người Việt là từ vùng hồ Động Đình, người Hán, có thể là vào thời Sở đã mượn chữ “giang” của người Việt vào khoảng 500 – 1000 BC, để chỉ con sông Trường Giang. Nghiên cứu cũng đề xuất hệ ngữ Nam Á là một thành phần của cộng đồng Việt (Yue) được ghi chép lại trong cổ sử Trung Hoa, từng hiện diện trong địa bàn phía nam sông Dương Tử.

Hệ ngữ Nam Á theo các nghiên cứu ngôn ngữ học có niên đại hình thành vào khoảng 7000 năm trước, đây là một trong những hệ ngữ hình thành sớm nhất trong vùng Đông Á, tương ứng vào khoảng thời kỳ tồn tại của các văn hóa Cao Miếu và Đại Khê trong vùng trung lưu Dương Tử, Hà Mẫu Độ, Mã Gia Banh trong vùng hạ lưu Dương Tử.

Niên đại hình thành ước tính của các hệ ngữ Đông Á cổ đại. [1]

Như vậy, về nguồn gốc thông qua các nghiên cứu di truyền và ngôn ngữ học học, thì ngữ hệ Nam Á hình thành vào khoảng 7000 năm trước tại vùng Dương Tử, họ chính là những cư dân bản địa của vùng này. Trong thời gian đầu, trung tâm của cư dân cổ Đông Nam Á di cư lên là vùng trung lưu Dương Tử, nơi đây đã hình thành nên ngữ hệ Nam Á, từ đây, cư dân Nam Á đã lan tỏa sang 4 phía để mở rộng địa bàn canh tác lúa nước, do sự gia tăng dân số và yêu cầu phát triển của xã hội thời kỳ đó.

2. Tương quan các văn hóa trong vùng Dương Tử:

Cư dân gốc Đông Nam Á trong giai đoạn đầu di cư lên vùng Dương Tử, đã định cư tập trung trong vùng trung lưu Dương Tử, các văn hóa khảo cổ vùng Dương Tử trong thời kỳ này tập trung chủ yếu trong vùng phía Bắc của hồ Động Đình, phần ven biển của vùng hạ lưu Dương Tử thời kỳ này đang còn ngập chìm dưới nước biển, nên cư dân cổ gốc Đông Nam Á di cư lên chỉ sinh sống ở một số vị trí cao trong vùng hạ lưu sông Tiền Đường.

Bản đồ phân bố các văn hóa thời đồ đá sớm trong vùng Dương Tử. [11]

Tới thời kỳ đồ đá giữa, thì cư dân trong vùng trung lưu Dương Tử đã di cư khắp sang các vùng xung quanh, phía Đông sang vùng hạ lưu Dương Tử, phía Nam xuống tới vùng Quảng Đông, mang theo những đặc trưng văn hóa mà họ đã phát triển được trong vùng trung tâm hồ Động Đình.

Các địa điểm khảo cổ trung kỳ thời đồ đá mới ở vùng Dương Tử. [11]

Từ một trung tâm phát triển tập trung ban đầu, với sự phát triển dân số và văn minh với nền tảng lương thực từ nền nông nghiệp lúa nước, cư dân Nam Á vùng Dương Tử đã di cư, lan tỏa và phát triển thành hai trung tâm là trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử, đây cũng chính là hai trung tâm quan trọng nhất của người Việt, đánh dấu sự xuất hiện của cộng đồng tộc Việt với văn hóa Lương Chử trong vùng hạ lưu Dương Tử, và văn hóa Thạch Gia Hà trong vùng trung lưu Dương Tử.

3. Cư dân Nam Á và nền văn minh lúa nước:

Lúa nước là nền tảng của nền văn minh của cư dân vùng Dương Tử, theo nghiên cứu di truyền về gen lúa [12], thì lúa đã được thuần hóa trong vùng biên giới Việt Nam và Trung Quốc, tương ứng với thời kỳ văn hóa Hòa Bình và nền văn hóa sơ khai đã được cư dân cổ Đông Nam Á xây dựng nên trong vùng đồng bằng vịnh Bắc Bộ. [3]. Khi nước biển dâng vào khoảng 12.000 năm trước, cư dân cổ Đông Nam Á đã đem theo lúa nước được thuần hóa lên vùng Dương Tử. Tới khoảng 9000 năm trước, diễn ra thời kỳ gia tăng gió mùa hoạt động và nhiệt độ ấm, thuận lợi cho sự phát triển của lúa nước, tạo dựng nền tảng cho sự phát triển về văn minh vật chất của cư dân vùng Dương Tử.

Lúa nước được thuần hóa sớm nhất trong vùng Dương Tử đã được tìm thấy tại văn hóa Shangshan trong vùng hạ lưu Dương Tử, có niên đại vào khoảng 10.000 năm trước, đồng thời với những phát hiện trong vùng trung lưu Dương Tử, cả hai vùng trung và hạ lưu Dương Tử đều có dấu tích lúa nước được thuần hóa từ sớm. Dấu tích lúa trong văn hóa này là những vỏ trấu được tìm thấy trong các nguyên liệu làm đồ gốm, trấu và thực vật thường được trộn với nguyên liệu làm gốm nhằm không gây ra những vết nứt khi sấy và nung. Những phát hiện tại di chỉ Shangshan cho thấy cư dân Dương Tử thời kỳ này đã có khả năng sản xuất gạo số lượng lớn, có khả năng lưu trữ gạo với các hố lưu trữ được tìm thấy, và cùng với đó là phương pháp nấu cơm chín. [13]

Vỏ trấu được tìm thấy trong di chỉ Shangshan: a, b, c, d: vỏ trấu của lúa japonica, e: vỏ trấu lúa dại. [13]

Như vậy, về nghiên cứu khảo cổ lúa nước được tìm thấy sớm nhất trong vùng Dương Tử với niên đại vào khoảng 10.000 năm trước, có nguồn gốc từ lúa được thuần hóa trong vùng Đông Nam Á, được đem lên vùng Dương Tử theo dòng di cư của cư dân Đông Nam Á vào khoảng 12.000 năm trước.

Vì là cư dân bản địa của vùng Dương Tử, nên cư dân Nam Á chịu trách nhiệm chính trong sự phát triển của nền văn hóa lúa nước, kể từ thời kỳ hình thành cho tới khi nền văn minh Dương Tử sụp đổ. Theo nghiên cứu ngôn ngữ học, thì từ vựng Nam Á liên quan tới lúa nước, các ngữ hệ Hán-Tạng và Tai-Kadai (anh em của ngữ hệ Nam Đảo) mượn từ ngữ hệ Nam Á. [14]. Nền văn minh lúa nước duy trì trong vùng Dương Tử khoảng 6000 năm, trước khi sự biến đổi khí hậu diễn ra khiến cư dân Dương Tử phân tán ra khắp châu Á, nghiên cứu gen lúa sẽ cung cấp thêm cho chúng ta những thông tin về nguyên nhân sụp đổ và và các con đường phân tán của lúa japonica từ vùng Dương Tử.

Nghiên cứu di truyền cây lúa của Gutaker et al. 2020 [15] thực hiện trên 1443 mẫu gạo trong vùng nam Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á, trong số các mẫu này, có 833 mẫu là indica, 372 mẫu là japonica và một số loại lúa khác, đây có thể nói là nghiên cứu toàn diện nhất về di truyền cây lúa đã được thực hiện cho tới nay. Các loại lúa japonica và indica là các loại lúa chính được trồng trong vùng phía Đông và phía Nam của châu Á. Nghiên cứu khảo cổ đã xác định giống lúa japonica có niên đại khoảng 9.000 năm trước trong vùng Dương Tử, lúa indica có niên đại vào khoảng 4200 năm trước tại Ấn Độ. Trong giai đoạn Holocene Climate Optimum (HCO), một thời kỳ gia tăng gió mùa hoạt động và nhiệt độ ấm hơn từ 9.000 đến 4.000 năm trước, cây lúa này đã làm nền tảng cho các nền văn hóa Đông Á cổ đại và sau đó là nền văn hóa tộc Việt phát triển và đạt tới sự thịnh vượng, có những thành tựu văn minh lớn trong quá trình phát triển. Dựa trên các nghiên cứu chúng tôi đã dẫn, thì lúa nước trong vùng Dương Tử gắn liền với các hệ ngữ Nam Á và Hmong-Mien, đây là các hệ ngữ có nguồn gốc bản địa trong vùng Dương Tử, trong đó hệ ngữ Nam Á đóng vai trò chủ yếu và quan trọng hơn trong cộng đồng tộc Việt và nền văn hóa lúa nước.

Nghiên cứu cũng cho thấy lúa từ vùng Dương Tử đã phân tán ra phía Nam trong khoảng 4200 năm trước, khi một sự kiện biến đổi khí hậu rất lớn đã diễn ra khiến nhiều nền văn minh lớn trên thế giới sụp đổ, trong đó có cả văn minh Dương Tử, nghiên cứu chúng tôi đã dẫn ở trên cũng đã thể hiện điều này [16]. Lúa japonica từ vùng Dương Tử đã lan tỏa ra khắp vùng Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á vào khoảng 4200 năm trước theo các dòng di cư của cư dân Dương Tử, vùng Dương Tử thời điểm này là không gian sinh sống chính của cộng đồng tộc Việt. Trong vùng Đông Á, thì lúa đã du nhập vào Hàn Quốc và Nhật Bản, trong vùng phía Nam, lúa đã du nhập vào vùng Lĩnh Nam, Việt Nam và vùng Đông Nam Á lục địa. Lúa cũng đã theo dòng di cư vào khoảng 4000 năm trước, có khả năng là của cư dân Nam Á, sang phía Tây tới Ấn Độ, đem theo lúa nước vào vùng Nam Á.

Nghiên cứu cũng cho thấy giống lúa indica xuất hiện vào khoảng thời gian lúa nước được du nhập vào Ấn Độ, tức là khoảng 4000 năm trước, sau đó, tới khoảng 1900 năm trước, giống lúa indica đã theo các thầy tu của Phật Giáo đi vào Trung Quốc. Vùng Đông Nam Á có thể tiếp nhận lúa nước trực tiếp từ Ấn Độ hoặc đi qua ngả Trung Quốc, muộn hơn nhiều so với thời điểm xuất hiện tại Trung Quốc.

Cư dân Nam Đảo trong vùng Đông Nam Á hải đảo tuy chung sống với cư dân tộc Việt trong vùng Dương Tử sau đó mới xuống vùng Đông Nam Á hải đảo, tuy nhiên, nghiên cứu này đã cho thấy họ mới chỉ bắt đầu trồng lúa với giống lúa nhập trực tiếp từ Việt Nam vào thời văn hóa Đông Sơn khoảng 2500 năm trước, cùng với sự truyền bá trống đồng vào vùng Đông Nam Á hải đảo.

Bản đồ thể hiện các hướng phân tán của lúa japonica từ vùng Dương Tử. [15]

Như vậy, nghiên cứu di truyền của lúa đã cho thấy văn hóa lúa nước có nguồn gốc trong vùng Dương Tử, sau đó lan tỏa ra khắp vùng phía Đông và phía Nam của châu Á theo các dòng di cư của cư dân Dương Tử, làm nền tảng phát triển cho các nền văn hóa lớn trong vùng này.

II. Những thành tựu văn hóa nổi bật của cư dân Nam Á vùng trung lưu Dương Tử:

Văn hóa vùng Dương Tử đã có những đóng góp quan trọng vào sự hình thành của Đông Á cổ đại, một số đặc trưng quan trọng nhất như chim Phượng, thờ Trời, rìu lễ khí có nguồn gốc từ vùng trung lưu Dương Tử, từ đây lan tỏa theo các dòng di cư của cư dân Nam Á tới các văn hóa phía Bắc.

1. Những thành tựu văn hóa quan trọng nhất của vùng trung lưu Dương Tử:

◊ Văn hóa thờ Trời:

Văn hóa thờ Trời là một trong những đặc trưng quan trọng nhất của văn hóa Đông Á cổ, văn hóa thờ Trời được tìm thấy vết tích sớm nhất ở văn hóa Thành Bắc Khu (Chengbeixi, 5800-4700 BC) trong vùng trung lưu Dương Tử, từ đây, văn hóa thờ Trời, tôn thờ Mặt Trời lan tỏa sang các văn hóa Đông Á khác.

Phiến đá được khắc hình tượng thần Mặt Trời của văn hóa Thành Bắc Khu. [17]

◊ Chim Tiên (Phượng Hoàng):

Chim Tiên (Phượng Hoàng) có nguồn gốc từ văn hóa Cao Miếu (Gaomiao, 5000 BC), được khắc trên nhiều đồ gốm của văn hóa này, từ văn hóa Cao Miếu, chim Tiên đã lan tỏa ra khắp Đông Á, trở thành một trong những đặc trưng quan trọng nhất của văn hóa Đông Á cổ đại.

Hình tượng Phượng Hoàng trên các đồ gốm của văn hóa Cao Miếu. [18]

◊ Rìu lễ khí:

Tên Việt của tộc Việt được hình thành từ hình ảnh chiếc rìu, từ vùng Dương Tử, với văn hóa Cao Miếu, thì chiếc rìu ngọc đã được các vùng văn hóa Đông Á khác tiếp nhận, sau đó, khi cộng đồng tộc Việt hình thành, chiếc rìu đã trở thành biểu tượng cho tên gọi của dân tộc Việt.

Rìu ngọc đầu tiên của Đông Á tìm thấy tại văn hóa Cao Miếu tại tỉnh Hồ Nam, vùng trung lưu Dương Tử. [19]

2. Những cuộc di cư của người Nam Á lên vùng bắc Đông Á:

Trong thời kỳ tồn tại của văn hóa Đông Á cổ, các văn hóa trong vùng bắc Đông Á và nam Đông Á đã có sự tương tác và hòa huyết liên tục với nhau, điều này đã được chúng tôi khảo cứu khá kỹ lưỡng trong một bài nghiên cứu khác [3]. Các nghiên cứu di truyền cũng cho thấy các dòng di cư lên phía Bắc của cư dân vùng Dương Tử.

Theo nghiên cứu truyền của Wang et al. 2021 [20], thì cư dân Tây Liêu cổ đại (3800 BP) trong vùng Đông Bắc Trung Quốc (nơi xuất hiện văn hoá Hồng Sơn) có khoảng 33% gen của cư dân Dương Tử, cho thấy đã có những cuộc di cư của cư dân vùng Dương Tử lên phía Bắc, có thể ngay từ thời văn hoá Hồng Sơn.

Nghiên cứu của Ning et al. 2020 [21] cho thấy đã diễn ra một cuộc di cư của cư dân Dương Tử lên văn hóa Ngưỡng Thiều đồng thời với sự gia tăng trồng lúa nước của văn hóa này.

Đây là các nghiên cứu cho chúng ta thấy được vai trò của cư dân Nam Á trong văn hóa Đông Á với các cuộc di cư, hòa huyết và lan tỏa, hòa hợp văn hóa của cư dân Nam Á vùng Dương Tử lên các văn hóa phía Bắc.

III. Nhà nước, thành phố và chế độ xã hội của người Nam Á:

Thông qua các nghiên cứu di truyền, chúng ta đã biết được ngữ hệ Nam Á có nguồn gốc từ vùng trung lưu Dương Tử, vùng trung lưu Dương Tử là một trong những vùng có trình độ phát triển văn minh cao nhất của văn hóa Đông Á trong thời kỳ tồn tại. Các tài liệu khảo cổ cung cấp cho chúng ta những thông tin rất quan trọng, để biết được trình độ phát triển, chế độ xã hội, thành phố và nhà nước của người Nam Á trong giai đoạn đầu của văn minh trong vùng trung lưu Dương Tử.

1. Chế độ xã hội của cư dân Nam Á trong vùng trung lưu Dương Tử:

Tại thành phố cổ Thành Đầu Sơn (Chengtoushan) trong vùng đồng bằng Lễ huyện (Lixian) tại vùng Hồ Nam là nơi có sự xuất hiện của một trong những thành phố sớm nhất trong vùng Đông Á, với khu di tích có quy mô 100km từ đông sang tây và hơn 50 km từ bắc xuống nam ở điểm rộng nhất. Đây là vùng đồng bằng và thành phố có sự định cư của các cư dân từ thời kỳ văn hóa Đại Khê (Daxi, 5000 – 3300 BC), Khuất Gia Lĩnh (Qujialing, 3000 – 2600 BC) và văn hóa Thạch Gia Hà (Shijiahe, 2500 – 2000 BC) [22]. Thành phố cổ này hội đủ những yếu tố để có thể được xem là một quốc gia có tập trung quyền lực, quản lý nhà nước và có quy hoạch bài bản, nó sớm hơn so với văn hóa Lương Chử hay sau đó là Thạch Gia Hà, hai nhà nước được xem là nơi hình thành nên cộng đồng tộc Việt. Tuy nhiên thì tổ chức nhà nước của thành phố này còn cần phải tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn, bên cạnh đó cũng cần chờ các nghiên cứu quốc tế xác nhận về sự tồn tại của quốc gia trong thời kỳ này, các nghiên cứu này mới chỉ dừng ở mức tổng hợp và phân tích từ các nhà khảo cổ Trung Quốc.

Sự xây dựng các thành phố và tường thành:

Thành phố cổ Thành Đầu Sơn được xây dựng dựa trên nền văn hóa Đường Gia Cảng (Tangjiagang), trong thời gian tồn tại, nó được xây dựng bốn lần từ văn hóa Đại Khê đến đầu thời kỳ văn hóa Thạch Gia Hà. Tường thành và các chiến hào được xây dựng vào đầu thời kỳ văn hóa Đại Khê, cách đây 6400 đến 6200 năm. Thành phố Thành Đầu Sơn là một trong những địa điểm thành phố sớm nhất từng thấy ở Trung Quốc. [22]

Chiều cao của tường thành là 4.8 mét, tổng diện tích khoảng 1.870.000 mét vuông, diện tích thành phố khoảng 80.000 mét vuông. Hình dáng tổng thể gần như hình tròn, với đường kính trong từ 314 đến 324 mét, và 4 khoảng trống ở cổng, tương ứng với đông và tây, bắc và nam. Tường thành bắt đầu được xây dựng vào giai đoạn đầu của văn hóa Đại Khê cách ngày nay 6200 năm, tiếp tục được củng cố lần thứ hai vào giai đoạn thứ ba và thứ tư của văn hóa Đại Khê, lần thứ ba là vào thời kỳ đầu của văn hóa Khuất Gia Lĩnh, lần thứ tư vào giai đoạn giữa của văn hóa Khuất Gia Lĩnh, cách đây cách đây 5300-5000 năm. Tổng thời gian xây dựng và sử dụng của thành phố cổ này là hơn 1000 năm, tới thời kỳ văn hóa Thạch Gia Hà mới bị bỏ hoang. Có ý kiến nghi ngờ rằng chức năng của tường thành này là để phòng chống lũ lụt, tuy nhiên, kết cấu của tường thành cho thấy nó không đủ khả năng để chống nước, mà thể hiện chức năng của một cơ sở phòng thủ để chống lại kẻ thù. [22]

Trong văn hóa Khuất Gia Lĩnh, cũng đã phát hiện một cụm nhà nhiều khả năng là một khu cung điện của văn hóa này. Khu nhà được xây dựng trên nền đất bằng phẳng, dài 21m, rộng 14m, gồm 5 phòng, phòng lớn nhất có diện tích 44m vuông, trong phòng không có các tiện nghi sinh hoạt như đồ gốm, bếp nấu. Trong kiến trúc chung của nhà, thì có thể những cột gỗ đã được dựng lên trên cấu trúc nền và sàn gỗ cũng đã được thi công. Quy mô lớn của tòa nhà và sự phân chia không gian mở chứng tỏ rằng phòng sau phải là không gian dành riêng cho nhà lãnh đạo và cung điện cho nhà lãnh đạo tham gia vào các công việc của chính phủ, không gian của tòa F87 phù hợp cho 20 – 30 người trong một cuộc họp của chính phủ. Tòa F23 được tìm thấy 4 bếp, cho thấy đây có thể là bếp hoặc phòng ăn. Tòa F57 có thể là nơi ở của các thành viên trong hoàng tộc. [22]

Khu cung điện của thành phố Thành Đầu Sơn. [22]

Các khám phá khảo cổ cũng cho thấy rằng thành phố này đã có những “cảnh vệ” để bảo vệ các luật lệ và tổ chức xã hội của thành phố, có sự thi hành những hình thức cưỡng chế như chặt tay chân, trói người và súc vật để chôn cất. Bên cạnh đó, ở Cổng Nam, các nhà khảo cổ đã phát hiện một bức tường được thiết lập phía nam của lối đi duy nhất vượt qua hào và tường thành, tại đây cũng đã tìm thấy một công trình công sự được xây dựng để tăng cường sự bảo vệ, chứng minh rằng đã có những lực lượng cảnh vệ đóng vai trò bảo vệ cả trong và ngoài thành phố, đặc biệt là tại vị trí nhạy cảm bậc nhất của thành phố. [22]

Sự nâng cao năng suất:

Trong văn hóa Khuất Gia Lĩnh, văn hóa này cũng đã phát minh ra bàn xoay và gốm đen (sớm hơn văn hóa Long Sơn khoảng 1000 năm), đã nâng cao hiệu suất sản xuất lên nhiều lần, đặc điểm của nung gốm đen là tiết kiệm được nhiên liệu, đồng thời gốm chắc hơn nên có thể nâng cao hiệu quả sản xuất. Sự phát triển đáng kể của năng suất đã thúc đẩy sự phức tạp và văn minh của các quan hệ xã hội. [22]

Tại văn hóa Khuất Gia Lĩnh, cũng là nơi xuất hiện kỹ thuật luyện đồng sớm nhất Đông Á, nhiều quặng đồng đã được tìm thấy trong các ngôi mộ văn hóa Khuất Gia Lĩnh, sau đó được kế thừa ở văn hóa Thạch Gia Hà [22], qua quá trình dài phát triển như vậy, thì kỹ thuật luyện đồng của người Việt trong thời kỳ văn hóa Thạch Gia Hà đã tiến tới một trình độ cao trong tinh chế và sản xuất đồ đồng [23]. Việc xuất hiện kỹ thuật luyện đồng cũng đã nâng cao năng suất lên cao hơn nhiều so với các dụng cụ bằng đá.

Bàn thêm về nguồn gốc của kỹ thuật luyện đồng, thì kỹ thuật luyện đồng của người Hoa Hạ có nguồn gốc từ Tây Á, với đồng asen với các đặc điểm của đồng Tây Á đã xuất hiện ở Nhị Lý Đầu (Erlitou), đây được xem là thời kỳ nhà Hạ trong huyền sử Trung Quốc) và các địa điểm phía bắc khác. [22]. Về cơ bản, nguồn gốc Tây Á của kỹ thuật luyện đồng của người Hoa Hạ, và cả người Ba Thục, tộc người có nguồn gốc gần gũi với người Hoa Hạ đã được đa số các học giả quốc tế và Trung Quốc chấp nhận [24]. Kỹ thuật luyện đồng của tộc Việt và người Hoa Hạ vì vậy có sự khác nhau cơ bản về nguồn gốc, kỹ thuật luyện đồng của tộc Việt có nguồn gốc từ sự phát triển nội sinh, còn kỹ thuật luyện đồng của người Hoa Hạ có nguồn gốc từ Tây Á.

Sự xuất hiện của gia đình một vợ một chồng và chế độ phụ hệ:

Gia đình một vợ một chồng cũng là một biểu hiện quan trọng của một xã hội tiến tới một trình độ phát triển và phân hóa cao. Đặc trưng của chế độ xã hội mẫu hệ đó là các ngôi mộ chủ yếu được phân chia giữa nam và nữ trưởng thành (nghĩa là chôn cùng giới hoặc chôn riêng), một ngôi mộ thường chôn nhiều người. Khi phát triển chế độ gia đình phụ hệ, thì hai vợ chồng trong gia đình phụ hệ được chôn chung trong một ngôi mộ tương tự như hình thức chôn cất còn tới ngày nay ở văn hóa Việt và các dân tộc theo chế độ phụ hệ. [22]

Trong giai đoạn văn hóa Đại Khê, thì có rất ít ngôi mộ chôn cất đồng giới tính cho người lớn được tìm thấy, về cơ bản, văn hóa này không có ngôi mộ chôn cất nhiều người cùng một mộ, cho thấy chế độ xã hội của văn hóa này đã vượt qua chế độ mẫu hệ. Bên cạnh đó, tại văn hóa Đại Khê cũng có rất nhiều khu nhà được tìm thấy có thể phản ánh gia đình một vợ một chồng. Phần lớn các nhà ở Văn hóa Đại Khê là những công trình dành cho một gia đình, được chia thành lớn, vừa và nhỏ, với diện tích khoảng 20-52m2. Trong văn hóa Khuất Gia Lĩnh, đã tìm thấy hai ngôi nhà nối liền nhau ở phía bắc và phía nam, mỗi ngôi có 4 phòng, mỗi phòng có diện tích từ 15 đến 30 mét vuông. Trong ngôi nhà được tìm thấy một số lượng lớn đồ dùng sản xuất và sinh hoạt, trong số 45 ngôi mộ ở khu mộ chỉ tìm thấy 18 đồ tùy táng, có thể thấy đây là một ngôi nhà bình thường của một gia đình. [22]

Sự xuất hiện của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ba đời và hệ thống cha truyền con nối dòng dõi nam:

Hệ thống cha truyền con nối nam giới có xuất hiện trong văn hóa Đại Khê hay không, chúng ta có thể thấy từ các di tích tôn giáo thời bấy giờ. Tôn giáo không phải lúc nào cũng xuất hiện trong các nền văn hóa, tôn giáo cấp cao và văn hóa tế lễ là một bộ phận quan trọng trong các yếu tố của nền văn minh. Mức độ phát triển của nó phản ánh trực tiếp trình độ văn minh. [22]

Tại thành phố cổ Thành Đầu Sơn, người ta tìm thấy những bàn thờ lớn thuộc giai đoạn đầu tiên đến giai đoạn đầu tiên của giai đoạn thứ hai của nền văn hóa Đại Khê (khoảng 6.400 đến 5.800 năm trước) trong thành phố cổ Thành Đầu Sơn, có 3 bàn thờ (bàn thờ) đều là hình tròn. Bàn thờ số 2 và 3 có tường bên cao khoảng 30 cm xây bằng gạch nung, bên trong tường bên là bệ đất cao ở giữa, xung quanh thấp làm bằng hoàng thổ nguyên chất. Đáng chú ý nhất là viên sỏi lớn hình “祖” (tổ) đặt trong hố tế lễ thuộc giai đoạn thứ hai của Văn hóa Đại Khê. Xét về phần mộ nam và nhóm đá nổi bật với hình “tổ” mang ý nghĩa cúng tế tổ tiên, bàn thờ này mang ý nghĩa chuyển từ lễ tế trời thuần túy sang thờ cúng tổ tiên và duy trì hai nghi lễ cùng lúc. [22]

Tôn giáo và các yếu tố khác của nền văn minh có sự phát triển tương ứng. Thông qua việc phân tích mối quan hệ giữa hai yếu tố này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về giá trị và ý nghĩa hiện tượng tôn giáo. Sự thay đổi nội dung và phương pháp tế lễ tôn giáo ở trung lưu sông Dương Tử từ năm 6400 đến 5500 năm trước có liên quan mật thiết đến sự xuất hiện của xã hội phụ hệ và sự xuất hiện của các gia đình nhỏ một vợ một chồng vào thời điểm đó. [22]

Sự ra đời của chữ viết:

Theo quan niệm chung, thì người ta thường tin rằng chữ viết là một trong những dấu hiệu của nền văn minh, là một trong những nhân tố để xác định sự hình thành của nhà nước. Trong văn hóa Đại Khê và Khuất Gia Lĩnh, đã tìm thấy nhiều ký hiệu, khả năng là tên gia đình hoặc biểu tượng dòng tộc, và một số có thể là tên của người, giống như các bia ký trên gốm sau này khắc tên trên đồ gốm. Các biểu tượng văn hóa Đại Khê ~ Khuất Gia Lĩnh rất trừu tượng, không giống như các bản khắc ngẫu nhiên, chúng có thể ở trạng thái phôi thai ban đầu của chữ viết.

Các ký hiệu có thể là chữ viết của văn hóa Đại Khê và Khuất Gia Lĩnh. [22]

Những sự thay đổi phát triển từ thủ phủ thành thành bang:

Khi giai đoạn hai của bức tường thành (khoảng 5800 năm trước) của thành phố được tiến hành xây dựng, và khi “thủ đô” xuất hiện cách đây khoảng 5500 đến 5300 năm, thủ phủ tại Thành Đầu Sơn dần phát triển thành một thành bang. Điều này chủ yếu được thể hiện ở các khía cạnh sau [22]:

Thứ nhất, tường thành đã thay đổi từ xếp đơn giản trong giai đoạn đầu sang xây dựng trong giai đoạn thứ hai, và hàng rào được thiết lập trên đỉnh tường. Độ dốc bảo vệ hào dốc hơn ở Giai đoạn 1. Kể từ đó, liên tiếp xuất hiện các đồn cảnh vệ canh gác nghiêm ngặt; thứ hai là lăng mộ nam giới, bàn thờ lớn, đền thờ tổ tiên, nhà nước; thứ ba, thành phố có các khu chức năng khác nhau bao gồm khu tiểu thủ công nghiệp, khu dân cư, lăng mộ, các khu vực và khu vực tế lễ. Quy hoạch hoàn chỉnh và sự vắng mặt của các khu vực canh tác sau khi thành lập cho thấy rằng thành phố đã xuất hiện.

Thứ tư, thành phố, hào và các dự án xây dựng trong thành phố rất rộng lớn, cư dân của thành phố khó có thể hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ như vậy. Lực lượng lao động phải được huy động trên địa bàn rộng hơn, thẩm quyền quản lý lớn hơn. Hàng trăm địa điểm trên đồng bằng Liyang trong cùng thời kỳ nên được bao phủ bởi các khu vực chính trị và tôn giáo của thành phố Thành Đầu Sơn.

Thứ năm, cần thiết phải nuôi dưỡng nhiều nhân công để phục vụ sửa chữa các công trình bên trong thành phố. Theo cách này, trung tâm quyền lực bao gồm các vùng nông thôn rộng lớn với thành phố là trung tâm của thành phố được hình thành, và nhóm tòa nhà tiêu chuẩn cao (cung điện) của chính quyền bang là biểu tượng của nó. Nhà nước thành phố xuất hiện cách đây 5300 năm trùng với sự xuất hiện của thành phố cổ Thạch Gia Hà và nhóm nhà nước thành phố ở trung lưu sông Dương Tử.

Kết luận:

Đây là những cơ sở nghiên cứu cho thấy vùng trung lưu Dương Tử, trung tâm của người Nam Á có một trình độ phát triển cao trong nền văn hóa Đông Á cùng thời điểm, họ đã sớm chuyển sang chế độ phụ hệ, có tổ chức thành phố, có thể là một tổ chức nhà nước sớm nhất trong vùng Đông Á. Trong quá trình hình thành cộng đồng tộc Việt, thì cư dân Nam Á cũng là thành phần cốt yếu của các nền văn hóa tộc Việt, trực tiếp góp phần xây dựng nên những nền văn hóa lớn trong quá trình tồn tại và phát triển của cộng đồng này.

2. Sự hình thành tộc Việt và vai trò của người Nam Á trong cộng đồng tộc Việt:

Người Nam Á đã xây dựng nên những nền văn hóa lớn trong vùng trung lưu Dương Tử, kế thừa chúng, là sự hình thành cộng đồng tộc Việt với sự di cư về Dương Tử của cư dân thuộc các hệ ngữ Nam Đảo và tiền Tai-Kadai từ vùng Sơn Đông [25][26], nơi có văn hóa Đại Vấn Khẩu, khi di cư về, cư dân các hệ ngữ này đang còn ở chế độ mẫu hệ [27]. Họ đã hợp nhất với người Nam Á bản địa theo chế độ phụ hệ, để hình thành cộng đồng tộc Việt, khởi nguồn tại văn hóa Lương Chử ở vùng hạ lưu Dương Tử, sau đó tiếp tục được kế thừa trong văn hóa Thạch Gia Hà. Tại vùng Dương Tử, đã tìm thấy một số bằng chứng chứng minh sự hình thành tên gọi Việt, ý thức Việt trong văn hóa Lương Chử.

a. Sự hình thành tộc Việt và ý thức Việt:

Văn hóa Lương Chử là văn hóa đã đánh dấu sự hình thành cộng đồng tộc Việt, bắt đầu xuất hiện ý thức Việt và một tổ chức quốc gia phát triển trong thời kỳ này. Về nguồn gốc tên của người Việt, chúng ta có thể tìm thấy nguồn gốc sớm nhất của tên Việt trong các ký hiệu của các văn hóa Đại Khê (hình A2), Đại Vấn Khẩu (hình A1) với biểu tượng chiếc rìu, sau đó, được kế thừa trong văn hóa Lương Chử (hình A3), biểu tượng chiếc rìu đại diện cho tên Việt cũng được người Hoa Hạ chép lại dựa trên cách tự nhận của người Việt (hình D).

A. Các biểu tượng của văn hóa Đại Vấn Khẩu (1), Đại Khê (2), Lương Chử (3) và Thạch Gia Hà (4) [28]. B. Biểu tượng thủ lĩnh cầm rìu của văn hóa Thạch Gia Hà [29]. C. Biểu tượng thủ lĩnh cầm rìu văn hóa Đông Sơn. [30] D. Tiến trình phát triển của chữ Việt dựa trên hình ảnh chiếc rìu và thủ lĩnh cầm rìu trong các dạng chữ Hán. [31][32]

Trong văn hóa Lương Chử, văn hóa đầu tiên hình thành cộng đồng tộc Việt, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy một chiếc nồi gốm đen có khắc 4 ký hiệu, đây là các ký hiệu có ý nghĩa rất quan trọng để có thể biết thêm thông tin về sự hình thành của tộc Việt. Các ký hiệu được khắc trên nồi gốm Lương Chử các ký hiệu hậu duệ của văn hóa Đông Á cổ đại mà chúng tôi đã dẫn ở bài [33], được kế thừa trực tiếp từ các văn hóa Đông Á cổ đại, vì chữ của người Việt và chữ của người Hoa Hạ đều có nguồn gốc từ văn hóa Đông Á cổ, nên chữ viết có nhiều điểm tương đồng với các chữ viết của các triều đại Hoa Hạ, đặc biệt là biểu tượng chiếc rìu, cũng đã được tìm thấy rất nhiều trong Giáp Cốt văn, đại diện cho chữ Việt giai đoạn đầu từ văn hóa Lương Chử, sau đó được người Hoa Hạ chép lại.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc, Đổng Sở Bình đã giải mã ý nghĩa các chữ này dựa trên sự so sánh về văn tự, tìm hiểu về bối cảnh lịch sử, nguồn gốc dân tộc của văn hóa Lương Chử, so sánh với các cách giải mã đã có trước đó của các học giả, ông đã giải mã các chữ này là “方钺会矢” – “Phương Việt hội thi”, có thể hiểu là “Liên minh quốc gia Việt” [34], các chữ này được viết và đọc theo thứ tự từ trái qua phải, theo như cách viết truyền thống của người Việt. Cách giải mã này đã giải thích khá vẹn toàn các ký hiệu trên bình gốm của văn hóa Lương Chử, có một số học giả không xem đây là chữ viết, chỉ đơn thuần là biểu tượng đại diện cho một ý niệm nào đó, nhưng cũng có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nó là chữ viết, và đã thử giải mã nó, trong đó bao gồm một số cách giải mã như sau: đầu tiên là cách giải mã “方钺会矢” của Đổng Sở Bình như chúng tôi đã dẫn, cách thứ hai là của Lý Học Cần: “戉五簇” [35], hay cách giải nghĩa của Vương Huy: “巫戌五俞” [36], cách giải thích của Lý Học Cần không giải quyết được vẹn toàn 4 ký hiệu trên bình gốm Lương Chử, cách giải thích của Vương Huy lại sử dụng chữ 戌 (tuất) để chỉ biểu tượng chiếc rìu, trong khi thực tế biểu tượng chiếc rìu là đại diện cho chữ Việt như chúng tôi đã chứng minh ở trên, được thể hiện trong cả Giáp Cốt văn, nên cách giải thích này có thể bác bỏ. Chỉ duy nhất cách giải nghĩa của Đổng Sở Bình phù hợp với hình thái văn tự, thực tế lịch sử và nguồn gốc dân tộc của văn hóa Lương Chử.

4 biểu tượng trên nồi gốm văn hóa Lương Chử được giải mã cho thấy ý thức Việt đã xuất hiện từ thời văn hóa Lương Chử. [34]

Hình ảnh thực tế chiếc bình gốm có khắc chữ của văn hóa Lương Chử. [Nguồn: CSSToday, dẫn]

Đây là các tư liệu cho thấy ý thức Việt, tên gọi Việt của cộng đồng tộc Việt được hình thành trong văn hóa Lương Chử, tại văn hóa này, cũng đã được các nhà nghiên cứu quốc tế công nhận là nơi có tổ chức nhà nước sớm nhất Đông Á.

b. Nhà nước của cộng đồng tộc Việt:

Cư dân tộc Việt trong vùng Dương Tử đã hình thành các văn hóa lớn đó là Lương Chử và Thạch Gia Hà, văn hóa Lương Chử đã được các nhà khảo cổ chứng minh có tổ chức nhà nước sớm nhất trong vùng Đông Á [37][38], với niên đại khoảng 5300 năm trước, tại văn hóa Thạch Gia Hà, thì văn hóa Thạch Gia Hà có thể được coi như một nhà nước cổ đại với tổ chức xã hội tương đối tiên tiến của nó [39][40][41]. Các học giả Trung Quốc cho rằng các văn hóa trong vùng Dương Tử như Thạch Gia Hà hay trước đó là Lương Chử phức tạp hơn về mặt xã hội và phát triển hơn so với các văn hóa cùng thời ở vùng bắc Đông Á. [39]. Các nhà nước này là cơ sở chứng minh về tổ chức nhà nước của cộng đồng tộc Việt, cũng là cơ sở chứng minh trình độ văn minh của cộng đồng này. Các nhà nước tại các văn hóa này tương ứng với quốc gia Xích Quỷ được nhắc tới trong truyền thuyết họ Hồng Bàng được người Việt giữ gìn trong dòng văn hóa dân gian.

Những nhà nước xuất hiện rất sớm trong vùng Dương Tử chứng minh sự phát triển của văn hóa tộc Việt trong thời kỳ hình thành, đây cũng là cơ sở chứng minh rằng cộng đồng tộc Việt đã có sự thống nhất dưới những tổ chức nhà nước phức tạp và phát triển, không còn là những bộ lạc man rợ, không có văn minh như cổ sử Trung Hoa, hay các quan điểm thường thấy về cộng đồng này qua cổ sử Trung Hoa thường nhận định.

c. Thành phần của cư dân văn hóa Lương Chử:

Văn hóa Lương Chử, theo nghiên cứu di truyền của Li et al. 2007 [42], đây là nghiên cứu duy nhất được thực hiện tới nay về các bộ gen cổ trong văn hóa Lương Chử và các văn hóa trong vùng Dương Tử, kết quả cho thấy gen của văn hóa Lương Chử chủ yếu là thành phần gen của người Nam Đảo, tuy nhiên, có một số vấn đề như sau về nghiên cứu mà chúng tôi muốn đặt sự nghi vấn: thứ nhất, đó là vấn đề chọn mẫu, mẫu có độ ô nhiễm nên chưa thể kết luận về nguồn gốc cư dân văn hóa Lương Chử, nghiên cứu này cũng chưa nghiên cứu trên toàn bộ hệ gen, chưa có sự so sánh với di truyền của các dân tộc, xem xét kỹ hơn, thì các mẫu của văn hóa Lương Chử và Mã Kiều có tới 30% là chưa xác định. Tương tự như vậy là văn hóa Đại Khê, có tới hơn 50% gen là chưa xác định, các văn hóa Ngô Thành và Giao Tự cho thấy các thành phần gen rõ ràng và không có thành phần chưa xác định, nhưng 3 văn hóa sớm và quan trọng nhất trong vùng Dương Tử lại có nhiều thành phần “chưa xác định”, chúng ta có cơ sở để đặt nghi vấn về tính khách quan của nghiên cứu này.

Bản đồ gen trích từ nghiên cứu của Li et al. 2007, các văn hóa Đại Khê, Lương Chử và Mã Kiều đều có thành phần chưa xác định. [42]

Vì vậy, cần có những nghiên cứu gen cổ được thực hiện một cách toàn diện, khách quan và nhiều mẫu hơn, để có thể xác định chính xác nguồn gốc dân cư. Tuy nhiên, dựa trên một số yếu tố, chúng ta hoàn toàn có thể xác định rằng văn hóa Lương Chử không chỉ có thành phần Nam Đảo, và người Nam Đảo cũng không phải là thành phần chính của văn hóa này. Thông qua các nghiên cứu chúng tôi đã dẫn ở trên, thì người Nam Á là bản địa của vùng Dương Tử, theo chế độ phụ hệ, người Nam Đảo có nguồn gốc từ Bắc Đông Á di cư xuống vùng Dương Tử [25][26], khi đó, họ theo chế độ mẫu hệ [27], cho tới tận ngày nay, thì người Nam Đảo vẫn duy trì chế độ mẫu hệ trong xã hội của họ. Đây là yếu tố rất quan trọng để nhận định về thành phần dân cư của văn hóa Lương Chử, văn hóa Lương Chử có chế độ xã hội là phụ hệ [43][44], nên chắc chắn, người Nam Đảo không phải là thành phần chính và tinh hoa của văn hóa Lương Chử, họ chỉ có thể là một thành phần dân cư mà thôi. Thêm nữa, người Nam Đảo có nguồn gốc từ bắc Đông Á, xuống hòa hợp với người bản địa Nam Á đã ở vùng Dương Tử từ lâu, nên họ không thể ngay lập tức trở thành thành phần chính xây dựng nên văn hóa Lương Chử.

Bên cạnh đó, trong văn hóa Lương Chử, các ngôi mộ quý tộc của văn hóa Lương Chử cũng là dạng mộ thuyền [45], tương tự như văn hóa Đông Sơn, thể hiện tầng lớp quý tộc và hoàng tộc của văn hóa Lương Chử, cũng là người Nam Á, có chung đặc trưng văn hóa như tại văn hóa Đông Sơn, sự kế thừa của tầng lập quý tộc và hoàng tộc của cộng đồng tộc Việt từ văn hóa Lương Chử tới văn hóa Đông Sơn có thể nói là liên tục qua hình thức cha truyền con nối, dòng dõi Hồng Bàng mặc dù đã qua sự hòa huyết, thay đổi di truyền, nhưng vẫn tiếp tục được kế thừa tính chính thống trong hơn 3000 năm lịch sử, cho tới thời điểm văn hóa Đông Sơn sụp đổ trước sự xâm lược và chiếm đóng của người Hoa Hạ.

Mộ thuyền văn hóa Lương Chử và mộ thuyền văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: 1,2. [45], 3. Bảo tàng lịch sử Việt Nam]

IV. Ngôn ngữ Nam Á, tiếng Việt, tiếng Hán và tiếng Mân Việt:

1. Ngôn ngữ Nam Á và những ảnh hưởng của nó tới tiếng Hán:

Văn hóa Hoa Hạ nói chung, hay tiếng Hán nói riêng, từ trước tới nay, với qua niệm “Hoa Di” thì người ta thường mặc định rằng sự ảnh hưởng là một chiều từ văn hóa và ngôn ngữ Hoa Hạ tới các nền văn hóa xung quanh, tuy nhiên, thông qua sự khảo cứu kỹ lưỡng các yếu tố văn hóa, ngôn ngữ, chúng ta có thể thấy được chiều ảnh hưởng ngược lại từ các nền văn hóa đã bị người Hoa Hạ hấp thụ, trong đó tiêu biểu và quan trọng nhất là từ nền văn hóa tộc Việt sang văn hóa Hoa Hạ, với các đặc trưng của các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà đã ảnh hưởng rất sâu sắc tới cổ vật của các triều đại của Hoa Hạ [46]. Ngôn ngữ vì vậy cũng có thể xác định chiều ảnh hưởng từ văn hóa tộc Việt, hay chủ yếu là từ ngữ hệ Nam Á tới người Hoa Hạ, thông qua sự gần gũi về mặt địa lý, sự lan tỏa về mặt văn hóa. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ nổi tiếng: Jerry Norman vá Tsu-Lin Mei đã thực hiện một nghiên cứu nhằm tìm hiểu những từ mượn của tiếng Hán có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á [10], trong số các ngôn ngữ, thì các từ mượn của tiếng Hán có tương quan nhiều nhất là từ tiếng Việt. Các từ mượn sẽ lần lượt được chúng tôi tổng hợp chi tiết trong phần dưới đây.

Giang: 江* *krong / kang / chiang:

Giang trong tên của con sông Trường Giang là một từ gốc Nam Á, được người Hán mượn trong thời kỳ tiếp xúc với văn hóa tộc Việt nằm ở vùng phía nam sông Dương Tử để gọi con sông này theo cách gọi của người Việt. Âm phục nguyên của Giang theo hệ thống của Li Fang-kuei là krung.

Từ này hiện vẫn còn thấy được trong nhiều ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Nam Á: VN sông; Bahnar, Sedang krong; Katu karung; Bru klong; Gar, Koho rong; Laven dakhom; Biat n’hong; Hre khroang; Old Mon krung.

Tiếng Hán mượn tiếng Việt tên gọi sông Trường Giang vào khoảng 1000 năm TCN, thời điểm này ở vùng tiếp giáp với đất Việt cũ, là nước Sở.

Từ “sông” của nhánh Tibetan của hệ ngữ Sino-Tibetan (Hán-Tạng) và hệ ngữ Tai-Kadai cũng mượn từ klun khlɔ:ŋ của hệ ngữ Nam Á.

◊ Chết 札 – tsɛt:

Trong Chu Lễ, Cheng Hsüan (thời Đông Hán) đã chú giải rằng người Việt (Yue) gọi chết là 札. Âm phục nguyên của chết là tsɛt, từ này còn tìm thấy nhiều trong các ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Nam Á: Việt chết; Mường chít, chét; Chrau chu’t, Bahnar kɣcit; Katu chet; Gua test; Hre ko’chit; Bonam kachet; Brou kuchêit; Mon chɒt.

Chó 𤠚 – ʂɪ̯ô(g):

Trong sách Thuyết văn giải tự chép: “南越名犬搔狠” – “Nam Việt gọi chó là *nôg-ʂɪ̯ô(g)”, trong đó ʂɪ̯ô(g) là âm Hán cổ đại (OC).

Từ chó trong các ngôn ngữ Nam Á: VN chó; Palaung shɔ:; Khum, Wa soʔ; Riang s’oʔ; Kat, Suk, Aak, Nihon, Lave ; Boloben, Sedang ; Curu, Crau ʃð; Huei, Sue, Hin, Cor sor; Sakai cho; Semang cu, co; Kharia sɔ’lɔʔ, ʃɔ’:ɔʔ; Ju solok; Gutob, Pareng, Remo guso; Khasi ksew; Mon klüw; Old Mon clüw; Khmer chkɛ.

Ruồi 𧋆 riwai / iwi / wei:

Từ ruồi người Hán cũng mượn từ ngữ hệ Nam Á, nó có âm phục nguyên là rwai.

Từ ruồi trong các ngôn ngữ Nam Á: VN ruồi; Camb. ruy; Lawa rue; Mon rùy; Chaobon rùuy; Kuy ʔaruəy; Souei ʔarɔɔy; Bru rùay; Ngeʔ, Alak, Tampuon rɔɔy; Loven, Brao, Stieng ruay; Chong rɔɔʔy; Pear roy. Cf. Proto-AA *ruwaj.

Từ này chỉ được tìm thấy trong các văn bản của nước Sở xưa, có thể bởi sự tương tác giữa người Việt và người nước Sở, khi nước Sở lập quốc trên vùng đất của tộc Việt bị nhà Thương chiếm vào khoảng 3300 năm trước.

Hổ 虎 **k’la(g) / χuo / hu:

Hổ trong tiếng Hán có âm phục nguyên là k’la(g), rất gần với các ngôn ngữ Nam Á hiện đại và cổ đại.

Hổ trong ngôn ngữ Nam Á: *kalaʔ; Munda ki’r̥ʔ, kul, kula, kilo, etc.; Old Mon kla; Mon kla; Bahnar, Sedang kla; Sue kala; Brou klo; Old Khmer, klã; Khmer khla ‘felines’; Khasi khla; VN khái; Muong k’al, k’lal, kanh, etc.

Răng, Ngà 牙 **ngra / nga / ya:

Từ 牙 có âm phục nguyên trong giai đoạn Hán cổ đại là *ngra, rất gần với các ngôn ngữ Nam Á như Việt, Mnong.

Trong các ngôn ngữ Nam Á: VN ngà; Proto-Mnong (Bahnar) *ngo ‘la ‘răng’.

Ná 弩 **na / nuo / nu:

Nỏ, ná là vũ khí có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt ở phía Nam, sau đó du nhập vào Trung Hoa, từ ná / nỏ vì vậy cũng từ ngôn ngữ của người Nam Á du nhập vào tiếng Hán.

VN ná; Proto-Mnong *so’na; Proto-Tai *hnaa. Cf. Mon, Old Mon tŋa; Palaung kaŋ, kaŋa; Tibeto-Burman: Nung the-na; Moso ta-na.

Nghiên cứu đã cho thấy tiếng Việt là tiếng đại diện tốt nhất cho những ảnh hưởng của ngữ hệ Nam Á với tiếng Hán, chứng tỏ sự tiếp xúc và ảnh hưởng của tiếng Việt với tiếng Hán diễn ra trực tiếp giữa người Việt và người Hán trong thời kỳ cổ đại, với sự di cư trở lại của người Việt tại vùng Dương Tử mà chúng tôi đã đề xuất trong các bài khảo cứu khác. [47]

2. Tiếng Mân Việt và những dấu ấn của ngữ hệ Nam Á:

Tiếng Mân Việt, một trong những ngôn ngữ có sự pha trộn giữa tiếng Việt cổ đại với tiếng Hán, về di truyền, thì người Mân Việt gần gen với người Việt và các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt hơn là người Hán. Trong ngôn ngữ của họ, cũng cho thấy nhiều từ có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á, với tương quan rõ nhất là với tiếng Việt, thể hiện ngôn ngữ của vùng Mân Việt cổ đại có thể là tiếng Nam Á. Có 8 từ trong tiếng Mân đã được Jerry Norman và Tsu-lin Mei [10] xác định có nguồn gốc từ ngôn ngữ Nam Á.

◊ Phúc Châu tɸyŋ / Amoy taŋ “pháp sư, người chữa bệnh tinh thần, phương tiện”:

Từ này có âm Proto-Min là *doŋ, từ này tương đồng cả về mặt ngữ nghĩa và âm vị học với từ đồng trong tiếng Việt (đồng cô, đồng cậu, đồng bóng, bà đồng, đồng cốt).

◊ 囝 Phúc Châu kiaŋ / Amoy kiã ‘con, trẻ”:

Dạng Proto-Min của từ này là *kian, có liên quan tới từ con trong tiếng Việt. Từ con còn xuất hiện rất rộng trong các ngôn ngữ Nam Á khác: Khmer: koun, Mon (nói) kon, Mon (viết) kon, kwen, Bru kɔɔn, Chong kheen, Wa’ kɔn, Khasi khu:n.

◊ Amoy tam / Fuan tam ‘ẩm ướt’:

Dạng này có liên quan tới tiếng Việt ‘đằm, đầm‘ cũng có nghĩa là ẩm ướt.

◊ Phúc Châu siŋ / Amoy tsim ‘một loại cua’:

Dạng này có quan hệ với từ ‘sam‘ trong tiếng Việt.

◊ Phúc Châu paiʔ / Amoy bat ‘biết, nhận ra’:

Cả hai từ đều có liên hệ với tiếng Việt là ‘biết‘.

◊ Phúc Châu p’uoʔ / Amoy p’eʔ, cf. Fuan p’ut ‘bọt’:

Từ này tương ứng với tiếng Việt là ‘bọt‘.

◊ Phúc Châu p’iu / Amoy p’io ‘bèo’:

Từ bèo của tiếng Việt liên quan cả 2 dạng của tiếng Mân. Từ ‘bèo‘ của người Việt có thể liên quan tới Môn (nói) ‘‘ và Mon (viết) ‘bew‘.

◊ Phúc Châu kie / Amoy kue, cf. Kienyang ai ‘một loại cá biển’:

Các dạng này tương ứng với từ , là một loại cá nhỏ và giống với tắc kè.

Như vậy, tiếng Mân có tương quan rất rõ với tiếng Việt, nhiều khả năng, tiếng Mân có nguồn gốc từ cư dân nói tiếng Nam Á trong vùng Phúc Kiến, có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt, sau đó đã bị đồng hóa thành người Hán, tuy nhiên, về di truyền, họ vẫn gần với các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt ngày nay, và ngôn ngữ cũng như vậy, có sự tương quan rất rõ với người Việt, thể hiện một nguồn gốc chung từ cộng đồng tộc Việt của tiếng Việt và tiếng Mân Việt.

V. Bộ lịch của người Việt cổ và nguồn gốc của 12 con giáp:

Người Việt trong vùng Dương Tử, đã sáng tạo ra một bộ lịch riêng, được ghi nhận trong các thư tịch cổ Trung Hoa, hiện người Mường vẫn còn giữ một bộ lịch cổ, có thể là bộ lịch được tổ tiên người Việt – Mường sáng tạo nên, và theo tính toán chu kỳ thay đổi đều đặn của mặt trăng là 12 năm, họ đã đặt ra 12 con giáp, tương ứng với 12 giờ trong ngày, 12 tháng trong năm, 12 năm trong một giáp. Vấn đề bộ lịch của người Việt cổ, và nguồn gốc của tên 12 con giáp, sẽ được chúng tôi tìm hiểu trong các phần sau đây.

1. Bộ lịch của người Việt cổ [48]:

a. Lịch của người Việt trong các thư tịch cổ Trung Hoa:

Trong các thư tịch cổ của Trung Hoa, đã cho thấy những ghi chép về bộ lịch của người Việt cổ, được người Việt cống cho nhà Hạ vào thời Đào Đường.

Thái Bình ngự lãm thời Tống viết:” 任昉《述異記》曰:陶唐之世,越裳國獻千歲神龜,方三尺餘。背上有文,皆科斗書,記開辟已來命錄之龜歷。伏滔《述帝貢月銘》曰:胡書龜歷之文.” [49] – “Thuật dị kí” của Nhậm Phưởng (thời Nam Bắc triều) viết: Thời Đào Đường, nước Việt Thường dâng rùa thần nghìn tuổi, rộng hơn ba thước. Trên lưng có hoa văn, đều là chữ khoa đẩu, ghi lịch rùa từ thủa mới mở mang đến nay. “Thuật Đế cống nguyệt minh” của Phục Thao viết: Văn lịch rùa là chữ của người Hồ Man”.

Sách Thông Chí của Trịnh Tiều thời Tống viết [50][51]: “又按陶唐之世,越裳國獻神龜,蓋千歲,方三尺餘,背有科斗文記開闢以來,堯命錄之,謂之龜歴。” – “Lại xét đời Đào Đường, nước Việt Thường dâng con rùa thần, phải đến hơn nghìn năm tuổi, mình nó hơn ba thước, trên lưng có văn khoa đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở mang trở về sau. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là Quy Lịch tức Lịch rùa.” [51]

Như vậy, người Việt đã có lịch từ ít nhất là vào thời Đào Đường, tức là vào khoảng năm 2357 – 2257 TCN, trong thời điểm này, người Việt vẫn đang sinh sống tập trung trong vùng Dương Tử, với nhà nước tại văn hóa Thạch Gia Hà do nhóm Nam Á nắm vai trò quản lý, trong không gian văn hóa gần nhau, người Việt và người Hoa Hạ đã có những giao tiếp với nhau (chắc chắn là hai chiều), các tài liệu lịch sử cũng đề cập tới việc dâng cống phẩm là một con rùa thần của người Việt tới vua Nghiêu, trên đó có chép lịch. Điều này góp phần chứng minh rằng người Việt đã có lịch, sau đó thông qua sự thông giao, thì người Hoa Hạ đã học hỏi bộ lịch của người Việt, gọi là Lịch rùa. Việc tìm hiểu các bộ lịch cổ ở người Mường, sẽ góp phần cho thấy người Việt thực sự đã có một bộ lịch cổ, được người Mường giữ gìn cho tới ngày nay.

b. Lịch Đoi của người Mường:

Người Mường, dân tộc gần gũi nhất với người Việt cả về di truyền, ngôn ngữ và văn hóa, hiện vẫn giữ nhiều bộ lịch cổ, như lịch Đá rò (lịch Rùa), lịch cơm mới, lịch Khao roi (hay còn gọi là lịch Sao roi), lịch Con rác (lịch Con nước), nhưng quan trọng nhất, đó là lịch Khao roi hay lịch Đoi.

Lịch Khao Roi (lịch Đoi) của người Mường dựa trên quy luật vận động của mặt trăng và sao Roi (sao Tua Rua – Pleiades) để làm căn cứ tính ra ngày, tháng, năm [52]. Lịch Đoi chậm khoảng 2 tháng so với Âm lịch. Tháng 1 theo Âm lịch là tháng 11 của lịch Đoi, tháng 2 Âm lịch là tháng 12 của của lịch Đoi. Tết năm mới của người Mường bắt đầu từ tháng 11 của lịch Đoi, được gọi là tết lúa mới. Ngày trong lịch Đoi chậm hơn một ngày so với âm lịch. Như vậy, Tết lúa mới của người Mường cũng trùng với Tết Âm lịch nhưng chậm hơn 1 ngày.

Theo nhà nghiên cứu Chu Văn Khánh [53], thì lịch Đoi của người Mường có những đặc điểm sau:

  • Là loại lịch âm dương, tính theo vận động thực của Mặt Trắng và năm thời tiết.
  • Ngày bắt đầu từ thời điểm trước bình minh và được chia làm 16 giờ tính theo các hiện tượng tự nhiên.
  • Tháng tính theo tuần Trăng thực, lấy ngày Trăng non làm đầu tháng, cuối tháng là ngày Giao hội. Trật tự tháng thiếu, đủ trong năm không tính trước được, mà xác định cụ thể ở từng tháng.
  • Tháng được chia làm 3 tuần: Cây, Lôồng và Cối phản ánh chu kỳ chợ phiên cổ truyền.
  • Phép đặt tháng nhuận dựa vào chu kỳ Giao hội với sao Đoi của Mặt Trăng.
  • Năm thường có 12 tháng và năm nhuận có 13 tháng.

Như vậy, người Việt từ thời nhà Nghiêu, hay tương ứng với thời văn hóa Thạch Gia Hà, đã có một bộ lịch riêng, bộ lịch cổ và cách tính lịch có thể được người Mường lưu giữ. Đây cũng là cơ sở cho thấy người Việt có hiểu biết sâu sắc về thiên văn, xây dựng nên bộ lịch của riêng mình, sau đó, họ đã gắn chu kỳ 12 năm của lịch vào 12 con vật gần gũi với đời sống của họ cho dễ nhớ, được gọi là 12 con giáp. Việc tìm hiểu nguồn gốc tên gọi của 12 con giáp cũng sẽ cho thấy nguồn gốc Việt của nó.

2. Nguồn gốc của 12 con giáp:

Nguồn gốc của 12 con giáp thường được xem như một sản phẩm của nền văn minh Trung Hoa, từ văn minh Trung Hoa lan tỏa và ảnh hưởng tới các nền văn hóa xung quanh, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học quốc tế và Việt Nam đã tìm hiểu về nguồn gốc của các tên gọi 12 con giáp dựa trên phương pháp phục nguyên ngôn ngữ học, kết quả cho thấy 12 con giáp có nguồn gốc trực tiếp từ ngữ chi Vietic trong ngữ hệ Nam Á. Người Việt đã sáng tạo nên lịch và 12 con giáp dựa trên những quan sát thiên văn, từ đó, 12 con giáp của người Việt đã được người Hoa Hạ tiếp nhận, trong các giai đoạn sau, họ đã cố gắng thay đổi, xóa dấu vết ảnh hưởng của văn hóa tộc Việt trong 12 con giáp, tuy nhiên, họ đã không thành công, để ngày nay, những nghiên cứu ngôn ngữ học đã góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc của 12 con giáp, chứng minh nó có nguồn gốc từ sự sáng tạo của người Việt.

a. Công trình nghiên cứu của các tác giả: Jerry Norman, Tsu-lin Mei, Michel Ferlus:

Jerry Norman [54], Tsu-lin Mei [55], Michel Ferlus [56] đã thực hiện một số công trình nghiên cứu cho thấy nguồn gốc Nam Á của 12 con giáp, trong số 12 con giáp, các nhà nghiên cứu đã xác định được 6/12 từ của 12 con giáp có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á.

Sửu 丑 chǒu: Âm phục nguyên: OC(B-S) nruʔ, OC(MF) ᴸC.ruʔ ; EMC trʰuwˀ. So sánh các ngôn ngữ Nam Á: Norman: VN trâu, Old Mon glau, dlau, Spoken Mon klɛa. Ferlus: PVM *c.luː, Ruc kluː, Vietnamese trâu. Khmer cʰluː. Cả 3 nhà nghiên cứu Norman, Mei và Ferlus đều cho rằng từ này có nguồn gốc từ ngôn ngữ Nam Á.

Thìn 辰 chén: So sánh với các ngôn ngữ Nam Á: VN trăn, Mon klan klɔn, Chrau klăn. Norman cho rằng từ Thìn có gốc Nam Á.

Ngọ 午 wǔ: Âm phục nguyên: OC(B-S) m.qʰˤaʔ ; OC(MF) ᵀs.ŋaʔ ; EMC ŋɔˀ. So sánh các ngôn ngữ Nam Á: PVM *m.ŋəːˀ; Maleng kari măŋəː⁴, VN ngựa. Ferlus cho rằng từ này có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á.

Mùi 未 wèi: Norman cho rằng từ Mùi có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á.

Hợi 亥 hài: Âm phục nguyên: OC(B-S) gˤəʔ, OC(MF) ᵀC.gɨʔ ; EMC ɣəjˀ. So sánh các ngôn ngữ Nam Á: PVM *kuːrˀ (north) / *guːrˀ (south) ; Ruc *kuːl⁴, Maleng Brô kùːr ; Viet cúi. Norman và Ferlus cho rằng từ này có thể có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á.

Dậu 酉 yǒu: Âm phục nguyên: OC(B-S) m.ruʔ, OC(MF) ᴸ-ruʔ ; EMC juwˀ. So sánh các ngôn ngữ Nam Á: PVM *r.kaː ; Ruc rə̆kaː; VN . Ferlus cho rằng không tương quan. Norman đề nghị tiếng Hán và tiếng Thái có nguồn gốc từ tiếng Việt Mường rə̆k/ruk được hình thành bằng cách cắt ngắn của PVM *r.ka

Người Khmer cũng đã tiếp nhận 12 con giáp từ người Việt vào khoảng thời kỳ đồ đồng và đồ sắt. Mười hai con giáp Khmer và cả từ năm của người Khmer cũng bắt nguồn từ ngôn ngữ Vietic, sau đó, người Thái cũng tiếp nhận 12 con giáp từ người Khmer, vì vậy, nguồn gốc của 12 con giáp có thể xác định là từ người Việt – Mường và ảnh hưởng tới người Hoa Hạ và các dân tộc Đông Nam Á. [56]

Nguồn gốc Việt Nam của 12 con giáp và từ năm của người Khmer. [56]

Như vậy thông qua các nghiên cứu của các nhà nghiên cứu quốc tế, có cơ sở rất vững chắc để có thể xác định 12 con giáp có nguồn gốc từ hệ ngữ Nam Á, trong đó trực tiếp hơn là tiếng Việt thuộc ngữ chi Vietic.

b. Công trình nghiên cứu của Nguyễn Cung Thông:

Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam, Nguyễn Cung Thông, đã tiếp nối các nghiên cứu của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ quốc tế, để chứng minh một cách toàn diện bằng ngôn ngữ học (phân tích âm, biến âm, phân tích chữ Trung Quốc cổ cùng các dữ kiện lịch sử) [57], để bổ sung và củng cố thêm cơ sở cho thấy nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á và tiếng Việt của mười hai con giáp.

◊ Mão/Mẹo, Ngọ/Ngựa, Tý/Chuột: hầu như chỉ có người Việt mới dùng mèo cho chi Mão, việc xác định nguồn gốc của các từ Mão/Mẹo/mèo và Ngọ/ngựa có thể dễ dàng nhận ra trong sự biến đổi của tiếng Việt, ở Mão/Mẹo/mèo, nguyên âm e hay iê là các dạng cổ hơn của a, Ngọ/ngựa có tương quan rất rõ. Ở Tý/chuột, thì trong tiếng Việt, *chụt/chuột chính là các dạng của tý.

◊ Thìn: theo tác giả Nguyễn Cung Thông, nếu phục hồi âm cổ của Thìn/Thần là *tsri(a)n thì có thể hiểu được các dạng sau này như Thìn/Thần, tlan (âm r chuyển thành l) và trăn, lươn (âm ts- mất đi), rắn, trình (loài cá giống con lươn), rồng/long (nguyên âm o thay cho a như nôm/nam, vốn/bản…) và khuynh hướng đơn âm hoá trong tiếng Việt để cho ra các dạng từ ghép như tlăn > thằn lằn, *tlian > thuồng luồng … Các loài vật này đều có hình dáng như con rồng.

◊ Tỵ: âm cổ phục hồi của Tỵ là *zji? (theo William Baxter), tác giả Nguyễn Cung Thông cho rằng từ này có liên hệ đến rít hay rết tiếng Việt. Kasit (tiếng Mường Ruc) nghĩa là con rít (rết, rệt) cho thấy dạng âm cổ *sit, phụ âm đầu s- thường biến thành t- khi nhập vào tiếng Việt. Tỵ (sì theo tiếng Bắc Kinh) có thể giải thích theo dạng rít của tiếng Việt. Tiếng Việt còn có dạng biến đổi s-r như sầu-rầu, sờ-rờ… Cách dùng rắn rít còn thấy trong tiếng Việt cho thấy hai loài vật này rất gần với nhau, là những loài sống trong hang hốc, bò sát và có thể rất độc hại. Vì vậy, Tỵ có thể đã từng là rít.

◊ Tuất: Tác giả Nguyễn Cung Thông cho rằng các từ Tý/Tí/Tử liên hệ đến chuột qua biến âm t-ch thì Tuất cũng có thể liên hệ đến chó (qua phụ âm đầu). Tiếng Hán có chữ chúc/túc trong từ Hán Việt được viết bằng bộ khuyển hợp với chữ túc Hán Tạng (chân, cẳng) nghĩa là con chó nổi tiếng – giọng Bắc Kinh bây giờ là què, hú, qiăo, răn so với zoek, coek Quảng Đông cok, sit Hẹ … Chữ này là một tàn tích của Tuất hàm nghĩa chó trong vốn từ Trung Hoa hiện đại. So sánh các từ chỉ chó như chọ (tiếng Mường), cho (Sakai, Boloven), chuô (Kháng), txo (Danaw), xoq (Wa), choq (Sơđăng), axu, chuak, chook (Môn), xo (Kơho, Stiêng, Chơro), achoq (Chứt), xor (Savana), cho (Laqven, Biat) …v..v… cho thấy tiếng Môn còn duy trì dạng chuak (hay tuất).

◊ Mùi: Mùi/Vị: Các dạng âm cổ phục hồi theo Jerry Norman hay các tác giả trước đây như *mjôdh đều không giải thích được mối liên hệ đến dê, nhưng dựa vào cặp mùi-vị, có thể khôi phục một dạng cổ là *mvji(e), nhóm phụ âm mv- đọc như và giọng Nam (tiếng Việt), và từ đó nó có một dạng nữa là dê. Tác giả Nguyễn Cung Thông chú thích thêm, nếu chúng ta chú ý tiếng kêu đặc thù của loài dê là ‘be be’ hay mị Hán Việt, mie, mi, măi BK có nhiều cách viết khác nhau như dùng bộ khẩu, bộ dương (dê), cho thấy Mùi/Vị có thể có nguồn gốc tượng thanh – hay bắt chước tiếng kêu con vật giống như tên gọi của chim cu, con quạ (ác), con mèo… đây cũng là một hiện tượng tự nhiên.

◊ Dậu: Vốn từ Trung Hoa hiện đại có chữ dậu (đọc là you theo giọng Bắc Kinh) viết bằng bộ điểu hợp với chữ hữu bên trái (rất hiếm) nghĩa là một loại chim giống loại trĩ, mà có thể coi như là loại gà, có một chi tiết quan trọng là hai chữ trĩ và kê (gà) trong chữ Hán đều viết bằng bộ chuy (chim đuôi ngắn, bộ thủ thứ 171 trong 214 bộ). Theo Nguyễn Cung Thông, đây là sợi dây nối liền dậu và gà mà ta vẫn còn thấy vết tích trong chữ cổ (hiếm) Trung Hoa. Thêm vào đó, một cách giải thích khác theo tác giả Jerry Norman dựa trên kết quả nghiên cứu của André Haudricourt (1965) rằng các phụ âm v, d, g của tiếng Mường và Việt có thể là vết tích của các tiền tố cổ. Từ đó, Norman đưa ra dạng âm cổ phục hồi của gà là *rơka hay *ruka. Theo Nguyễn Cung Thông thì quá trình mất tiền tố này cũng giống như dạng kasit cho ra *sit hay rít đã nói ở phần Tý trên.

◊ Hợi: âm cổ phục hồi của Hợi có dạng *goi/kui- liên hệ của hợi và heo có thể thấy được qua tiếng Mường củi/kun/kul: phụ âm đầu h-k cùng vị trí phát âm nên dễ hoán chuyển cho nhau, Đại Nam Quốc Âm Tự Vị (Huỳnh Tịnh Của, 1895) còn ghi là “cá cúi: thứ cá biển nhiều mỡ như heo, cũng gọi là heo biển; Heo cúi: tiếng đôi nghĩa là con heo.”. Gỏi có thể đã từng làm bằng thịt heo, nhưng nghĩa đã mở rộng để chỉ cá, tôm, gà… trộn với rau. Theo Jerry Norman thì gỏi có nghĩa là heo. Ngoài ra thì chữ Hợi còn có liên hệ với vốn từ Trung Hoa hiện đại. Tiếng Thái bây giờ gọi năm Hợi là bpee goon – để ý dạng cun là con heo của tiếng Mường – cho thấy tiếng Thái vẫn còn duy trì một số tiếng Việt cổ và là một dây nối quan trọng để hiểu rõ hơn nguồn gốc tên 12 con giáp.

◊ Thân: Nguyễn Cung Thông đã khôi phục một dạng âm rất cổ của Thân là *khân/khiôn hay khọn, hay chính xác hơn là kh-sh theo tiến trình : *khiôn > *shiēn (Bắc Kinh) > Thân (Hán Việt). Nói cách khác, tiếng Hán đã mượn từ tiếng Việt cổ âm *khôn hay khọn (con khỉ), sau biến âm thành shēn (Bắc Kinh) và nhập ngược vào tiếng Việt qua dạng Thân. Ta đã đưa ra các tương quan sh-th rất rõ nét như trên, còn tương quan kh-sh có thể nhận ra được khi so sánh tiếng Mường và tiếng Việt.

◊ Sửu: Sửu có dạng âm cổ phục nguyên là *trhuw theo Edwin Pulleyblank so với dạng *drju theo cách phục hồi của William Baxter, và *tn’njôg của Bernhard Karlgren và plau của Li Fang-kuei – hai dạng đầu gần với trâu/tru tiếng Việt nhất. Chúng ta có thể liên hệ Sửu (chŏu BK) với dạng tlu/klu tiếng Mường (tru giọng Ninh Bình đến Thanh Hoá …). So với dạng Hán Thượng Cổ phục hồi của ngưu (niú BK) là *ngiơ (hay *ngwơ) khá nhất trí từ các tác giả Bernhard Karlgren (1957), Edwin Pulleyblank (1991), William Baxter (1992), Axel Schuessler (2007). Tóm lại, ta có thể thiết lập liên hệ Sửu và trâu qua các tương quan giữa phụ âm đầu s- và kl/tl/tr- , thanh điệu cũng như nguyên âm có cơ sở rất rõ ràng, nhưng không có tương quan ngữ âm nào giữa ngưu HV (niú BK) và trâu cả. Điều này cho thấy tiếng Hán đã mượn từ trâu (hay *klu) của phương Nam – hay là cả tên 12 con giáp – tuy rằng đã có tên gọi chúng trong tiếng Hán rồi (có thể ví dụ như ngưu).

◊ Dần: Theo tác giả Nguyễn Cung Thông, thông qua các dữ kiện ngữ âm được ông tổng hợp và phân tích cho thấy Dần đã từng có âm kian (hay kễnh), các thay đổi tự nhiên của ngôn ngữ (của Hán và Việt) làm cho ta khó nhận ra tương quan của Dần-kễnh, nhưng Dần-kính-kễnh có cơ sở giải thích khá vững chắc. Một số từ lắp láy như cập kễnh, khập khễnh… mang hàm ý không hợp, không ăn khớp trong tiếng nói hàng ngày cho thấy mối liên hệ gắn bó giữa cập (cạp) và kễnh: cách ghép này không phải là ngẫu nhiên, có thể cả hai chữ đều từng chỉ loài cọp.

3. Kết luận:

Thông qua các nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học quốc tế, thì 6/12 tên gọi các con giáp có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á, trong đó trực tiếp nhất là tiếng Việt, những từ này đủ cơ sở để có thể kết luận 12 con giáp có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á. Những khảo cứu sâu và toàn diện hơn về tiếng Việt của nhà nghiên cứu Nguyễn Cung Thông cũng đã chứng toàn bộ 12 con giáp đều có thể tìm thấy nguồn gốc của nó trong tiếng Việt. Vì vậy, chúng ta có thể kết luận rằng 12 con giáp của người Hán có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á, trong đó trực tiếp hơn là người Việt (Kinh). Người Hán đã tiếp nhận và có những thay đổi theo hướng nhân hóa, xóa dấu tích của tiếng Việt và văn hóa Việt trong tên gọi và tính cách của các loài vật, nhưng đã không thay đổi được bản chất và nguồn gốc của chúng.

VI. Người Việt (Kinh) và vị trí của họ trong ngữ hệ Nam Á và văn minh Dương Tử:

Chúng tôi đã đưa ra các nghiên cứu, phân tích và chứng minh ngữ hệ Nam Á là những người đã xây dựng nên nền văn minh sông Dương Tử, họ cũng là những người chủ trương sự đoàn kết, đóng vai trò cốt lõi trong sự hình thành cộng đồng tộc Việt, với sự hòa hợp của các nhóm dân cư có nguồn gốc khác nhau, được cố kết với nhau bằng ý thức thần thoại Tiên – Rồng về nguồn gốc, hàm ý tất cả đều cùng sinh từ một bọc, sinh ra cùng một thời điểm, cùng mang trong mình cả phần âm của Mẹ Âu Cơ và phần dương của Cha Lạc Long Quân. Trong quá trình tồn tại trước khi văn minh Dương Tử sụp đổ, họ đã xây dựng nên những nhà nước phát triển trong vùng Dương Tử tại các văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà.

Người Việt thuộc ngữ hệ Nam Á có nguồn gốc trực tiếp từ vùng Dương Tử di cư về Việt Nam khoảng 4000 năm trước theo các nghiên cứu di truyền và khảo cổ. [58][59] [Nguồn hình ảnh: [60]]

Qua các nghiên cứu ngôn ngữ học, chúng ta cũng đã thấy được người Việt là thành phần quan trọng nhất, có nhiều liên hệ nhất qua các ghi chép, vay mượn về ngôn ngữ, 12 con giáp cũng được người Hoa Hạ mượn trực tiếp từ người Việt. Từ đây, có thể thấy người Việt thực sự đã nắm một vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của cộng đồng tộc Việt. Người Việt là dân tộc duy nhất còn duy trì tên gọi Việt trong tên đất nước và dân tộc mình, bên cạnh đó, truyền thuyết họ Hồng Bàng, truyền thuyết ghi lại về lịch sử của tộc Việt trong thời kỳ văn minh sông Dương Tử, đã được người Việt lưu giữ qua thời Bắc thuộc và được ghi thành văn vào thời tự chủ, cùng với đó, là những di tích thờ tự các nhân vật trong thời kỳ Hồng Bàng cũng được người Việt giữ gìn, đời đời hương khói cho tới tận ngày nay [61], đây là những cơ sở cho thấy người Việt là hậu duệ trực tiếp của tầng lớp tinh hoa trong thời kỳ Hồng Bàng.

A. Đồ gốm Thạch Gia Hà [62]; B: Đồ gốm Phùng Nguyên. [63]

Người Việt có nguồn gốc từ các văn hóa trong vùng Dương Tử, trong đó trực tiếp và gần nhất là văn hóa Thạch Gia Hà, với sự kế thừa được thể hiện rất rõ trên đồ gốm (hình trên). Nhà nước trong thời kỳ Hồng Bàng có thể đã được kế thừa trong văn hóa Phùng Nguyên với những chiếc nha chương bằng ngọc, đại diện cho quyền lực nhà nước và quân đội trong văn hóa Đông Á cuối thời kỳ đồ đá mới. Văn hóa Phùng Nguyên chính là khởi đầu của thời kỳ Hùng Vương.

Nha chương văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: Bảo tàng Hùng Vương, dẫn]

Cũng thông qua các nghiên cứu về ngôn ngữ về việc tiếp xúc giữa người Việt và người Hán, với sự vay mượn từ tiếng Việt trong khoảng 3000 năm trước vào tiếng Hán, kết hợp với dòng di cư về Việt Nam vào thời văn hóa Đông Sơn [58][59], thì nhiều khả năng, người Việt đã di cư trở lại vùng Dương Tử vào khoảng 3500 năm trước, sau đó mới trở lại Việt Nam để hình thành văn hóa Đông Sơn [47]. Sự kế thừa và nối tiếp giữa hai nền văn hóa là liên tục, văn hóa Đông Sơn là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Phùng Nguyên dựa trên sự kế thừa di vật khảo cổ và hoa văn. [64]. Cả hai nền văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn đều là của người Nam Á, với các hậu duệ trực tiếp là người Việt, người Mường ngày nay. [65]

Trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn, nền văn hóa này tương ứng với giai đoạn tồn tại cuối cùng của thời kỳ Hùng Vương, văn hóa Đông Sơn có trung tâm và nguồn gốc là từ miền Bắc Việt Nam [64], từ trung tâm là vùng miền Bắc Việt Nam, văn hóa này đã có những ảnh hưởng rất sâu và rộng tới 4 phía [66], những ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn có thể xác lập nên một “bầu văn minh Đông Sơn”, với các ảnh hưởng còn dư âm rất sâu sắc cho tới tận ngày nay, những ảnh hưởng của các nền văn minh khác như Trung Hoa, Ấn Độ không thể xóa nhòa đi dấu ấn của văn hóa Đông Sơn. Trong các vùng ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn, vùng quan trọng nhất, đó là vùng nam Đông Á và vùng miền Bắc Việt Nam, đây là nơi sinh sống của cộng đồng tộc Việt, được hình thành từ các cuộc di cư từ vùng Dương Tử, cùng với đó là sự hòa huyết liên tục, dẫn tới di truyền của cộng đồng tộc Việt trở nên rất gần nhau [3], các cổ vật văn hóa Đông Sơn được phát hiện tại các vùng tộc Việt cũng đã cho thấy sự thống nhất của cộng đồng tộc Việt. Thời kỳ này, quốc gia chung của cộng đồng tộc Việt nằm dưới sự quản lý của các vị vua Hùng.

Từ đó, chúng ta có thể thấy được người Việt có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình tồn tại và phát triển văn minh của cộng đồng tộc Việt, họ trực tiếp góp phần phát triển nên những nền văn hóa lớn nhất của tộc Việt trong vùng Dương Tử, và sau đó là ở miền Bắc Việt Nam, là thành phần chính của ngữ hệ Nam Á và văn minh sông Dương Tử, duy trì sự tồn tại, hòa hợp và phát triển của cộng đồng tộc Việt trong hơn 3000 năm lịch sử. Cho tới ngày nay, người Việt vẫn giữ gìn rất nhiều nét văn hóa cổ xưa của tộc Việt [67], giữ gìn hương khói các vị Tiên Tổ thời kỳ Hồng Bàng và thời kỳ Hùng Vương, điều đó càng chứng tỏ người Việt chính là hậu duệ quan trọng nhất của cộng đồng tộc Việt.

VII. Kết luận:

Thông qua các nghiên cứu về di truyền, khảo cổ, ngôn ngữ, văn hóa, chúng ta đã có một cái nhìn toàn diện và cận cảnh hơn về nguồn gốc, trình độ phát triển và sự hình thành văn minh của cư dân ngữ hệ Nam Á. Ngữ hệ Nam Á có nguồn gốc từ vùng trung lưu Dương Tử, với nguồn gốc xa hơn là cư dân cổ Đông Nam Á di cư lên, họ đã đóng vai trò chính trong việc xây dựng nên văn minh sông Dương Tử, ngữ hệ này cũng có những đóng góp lớn cho sự phát triển của văn hóa Đông Á cổ đại, với những thành tựu văn minh và đặc trưng văn hóa quan trọng, có sự lan tỏa và ảnh hưởng rộng tới các văn hóa xung quanh, truyền bá văn hóa lúa nước và văn minh Dương Tử lên vùng bắc Đông Á.

Ngữ hệ Nam Á cũng là thành phần chính và quan trọng nhất trong sự hình thành và phát triển của cộng đồng tộc Việt tại các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà. Thông qua các nghiên cứu di truyền, khảo cổ ngôn ngữ, chúng ta cũng thấy được vai trò quan trọng của người Việt (Kinh) thuộc hệ ngữ trong quá trình hình thành và tồn tại của cộng đồng tộc Việt, là thành phần chính và quan trọng nhất xây dựng nên các nền văn hóa kế thừa nhau trong vùng Dương Tử và miền Bắc Việt Nam, qua nhiều nghiên cứu tổng hợp, chúng ta cũng thấy được họ đã có sự quan sát, nghiên cứu thiên văn để có thể sáng tạo nên lịch, sau đó là 12 con giáp, 12 con giáp từ văn hóa Việt đã được người Hoa Hạ tiếp nhận biến đổi, đưa nó trở thành một đặc trưng văn hóa quan trọng của họ. Những bằng chứng này đã chứng tỏ người Việt là hậu duệ quan trọng nhất của cộng đồng tộc Việt, có vai trò giữ gìn, kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa của cộng đồng này.

Việc nhận thức chính xác hơn về vai trò của người Việt trong cộng đồng tộc Việt và của ngữ hệ Nam Á trong nền văn minh sông Dương Tử, giúp chúng ta có được cái nhìn khách quan và trung thực hơn về trình độ văn minh của người Việt và cư dân Nam Á. Những kiến thức này sẽ giúp chúng ta ý thức rõ hơn về giá trị của người Việt, hiểu hơn về nguồn gốc thực sự của người Việt, từ đó vượt qua những mặc cảm tự ti bởi những giả thuyết tuyên truyền suy diễn, bịa đặt, sai lệch nhằm mục đích bôi xấu, hạ thấp người Việt trong giai đoạn trước đây. Sự nhận thức chính xác hơn về nguồn gốc dân tộc sẽ làm nền tảng cho sự tự tin, tự tôn dân tộc, từ đó, góp phần lớn vào sự phát huy và phát triển một nền văn hóa mới rực rỡ hơn với nền tảng kế thừa từ di sản quá khứ, chúng tôi tin tưởng rằng, nó cũng sẽ tác động không nhỏ tới sự phát triển về kinh tế, xã hội của người Việt, để người Việt có thể sánh vai với cường quốc năm châu trong tương lai không xa.

Lang Linh


Tài liệu tham khảo:

[1] Unger, J. Marshall. “The Peopling of East Asia: Putting Together Archaeology, Linguistics and Genetics . Edited by Laurent Sagart, Roger Blench, & Alicia Sanchez-Mazas.” Diachronica 24, no. 1 (2007): 199–204. doi:10.1075/DIA.24.1.14UNG.

[2] Fuller, D. Q. Non-human genetics, agricultural origins and historical linguistics in South Asia. In The Evolution and History of Human Populations in South Asia 393–443 (Springer, Dordrecht, 2007).

[3] Lang Linh (2021), Bức tranh di truyền về nguồn gốc của người Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/08/19/550-buc-tranh-di-truyen-ve-nguon-goc-cua-nguoi-viet/

[4] Singh, P.P., Vishwakarma, S., Sultana, G.N.N. et al. Dissecting the paternal founders of Mundari (Austroasiatic) speakers associated with the language dispersal in South Asia. Eur J Hum Genet 29, 528–532 (2021). https://doi.org/10.1038/s41431-020-00745-1

[5] Wibhu Kutanan, Dang Liu, Jatupol Kampuansai, Metawee Srikummool, Suparat Srithawong, Rasmi Shoocongdej, Sukrit Sangkhano, Sukhum Ruangchai, Pittayawat Pittayaporn, Leonardo Arias, and Mark Stoneking. Reconstructing the Human Genetic History of Mainland Southeast Asia: Insights from Genome-Wide Data from Thailand and Laos. Molecular Biology and Evolution, 2021. doi.org/10.1093/molbev/msab124.

[6] Wang, CC., Yeh, HY., Popov, A.N. et al. Genomic insights into the formation of human populations in East Asia. Nature 591, 413–419 (2021). https://doi.org/10.1038/s41586-021-03336-2

[7] Zi-Yang Xia, Shi Yan, Chuan-Chao Wang, Hong-Xiang Zheng, Fan Zhang, Yu-Chi Liu, Ge Yu, Bin-Xia Yu, Li-Li Shu, Li Jin, Inland-coastal bifurcation of southern East Asians revealed by Hmong-Mien genomic history. bioRxiv 730903; doi: https://doi.org/10.1101/730903

[8] Cai, X., Z. Qin, B. Wen, S. Xu, Y. Wang, Y. Lu, L. Wei, C. Wang, S. Li, and X. Huang, Human migration through bottlenecks from Southeast Asia into East Asia during Last Glacial Maximum revealed by Y chromosomes. PLoS One, 2011. 6(8).

[9] Huang, X., Xia, Z., Bin, X., He, G., Guo, J., Lin, C., Yin, L., Zhao, J., Ma, Z., Ma, F., Li, Y., Hu, R., Wei, L., & Wang, C. (2020). Genomic Insights into the Demographic History of Southern Chinese. bioRxiv.

[10] Jerry Norman & Tsu-Lin Mei (1976) The Austroasiatics in Ancient South China: Some Lexical Evidence, Monumenta Serica, 32:1, 274-301, DOI: 10.1080/02549948.1976.11731121

[11] Li Liu, Xingcan Chen (2012). The archaeology of China: from the late Paleolithic to the early Bronze Age: Cambridge University Press.

[12] Huang X, et al (2012), A map of rice genome variation reveals the origin of cultivated rice. Nature, 490(7421): 497-501

[13] Zheng, Yunfei & Jiang, L.-P. (2007). Remains of Ancient Rice Unearthed from the Shangshan Site and Their Significance. Chinese Archaeology. 9. 159-163. 10.1515/CHAR.2009.9.1.159.

[14] Pittayaporn, Pittayawat. “Layers of Chinese Loanwords in Protosouthwestern Tai as Evidence for the Dating of the Spread of Southwestern Tai.” (2014).

[15] Gutaker, R.M., Groen, S.C., Bellis, E.S. et al. Genomic history and ecology of the geographic spread of rice. Nat. Plants 6, 492–502 (2020). https://doi.org/10.1038/s41477-020-0659-6

[16] Li, Bing & Zhu, Cheng & Wu, Li & Li, Feng & Sun, Wei & Wang, Xiaocui & Liu, Hui & Meng, Huaping & Wu, Di. (2013). Relationship between environmental change and human activities in the period of the Shijiahe culture, Tanjialing site, Jianghan Plain, China. Quaternary International. 308. 45-52. 10.1016/j.quaint.2013.05.041.

[17] Tranh khắc đá “Sun Man” “太阳人”石刻[J]. Khoa học xã hội Hồ Bắc 湖北社会科学,2014(06):2.

[18] Li Zhenhao 李振豪. Nghiên cứu về sự thờ cúng Mặt trời thời đồ đá mới ở vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử 长江中下游新石器时代太阳崇拜研究[D]. Đại học Sư phạm Trùng Khánh 重庆师范大学,2018. 

[19] Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học tỉnh Hồ Nam, Neolithic Gaomiao Site in Hongjiang City, Hunan

[20] Wang, CC., Yeh, HY., Popov, A.N. et al. Genomic insights into the formation of human populations in East Asia. Nature 591, 413–419 (2021). https://doi.org/10.1038/s41586-021-03336-2

[21] Ning, C., Li, T., Wang, K. et al. Ancient genomes from northern China suggest links between subsistence changes and human migration. Nat Commun 11, 2700 (2020). https://doi.org/10.1038/s41467-020-16557-2

[22] Liu Junnan 刘俊男. Sự hình thành của thành phố núi Chengtou – Dựa trên quan điểm về các đặc điểm cơ bản của đất nước 城头山城邦的形成-基于国家本质特征的视角[J]. Tìm kiếm 求索, 2018(05):162-171.

[23] Gorodetsyaka, Olga & Shiying, Qiu & Guo, Li-Xin. (2019). Shijiahe Culture: Original Bronze Civilization of East Asia 石家河文化 东亚自创的青铜文明 (上) . 2019. 67-82.

[24] Mei, Jianjun & Chen, Kunlong. (2017). The Appropriation of Early Bronze Technology in China.

[25] Sun, Jin & Li, Yingxiang & Ma, Pengcheng & Yan, Shi & Cheng, Hui-Zhen & Fan, Zhi-Quan & Deng, Xiao-Hua & Ru, Kai & Wang, Chuan-Chao & Chen, Gang & Wei, Ryan. (2021). Shared paternal ancestry of Han, Tai-Kadai-speaking, and Austronesian-speaking populations as revealed by the high resolution phylogeny of O1a-M119 and distribution of its sub-lineages within China. American journal of physical anthropology. 174. 10.1002/ajpa.24240.
https://www.researchgate.net/publication/349144829_Shared_paternal_ancestry_of_Han_Tai-Kadai-speaking_and_Austronesian-speaking_populations_as_revealed_by_the_high_resolution_phylogeny_of_O1a-M119_and_distribution_of_its_sub-lineages_within_China

[26] Ko AM, Chen CY, Fu Q, et al. Early Austronesians: into and out of Taiwan. Am J Hum Genet. 2014;94(3):426-436. doi:10.1016/j.ajhg.2014.02.003

[27] Hage, Per & Marck, Jeffrey. (2003). Matrilineality and the Melanesian Origin of Polynesian Y Chromosomes. Current Anthropology – CURR ANTHROPOL. 44. 10.1086/379272.

[28] Zhang Ziping 张子平. Biểu tượng chạm khắc trên đồ gốm cổ và nguồn gốc của chữ Hán 上古陶器刻划符号与汉字起源[D]. Đại học Vân Nam 云南大学,2010.

[29] Đội khảo cổ Thạch Gia Hà 石家河考古队 (1999). Tiêu Gia Ốc Tích 肖家屋脊: Nhà xuất bản Văn Vật 文物出版社.

[30] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.

[31] Richard Sears. Các kiểu chữ Việt 戉. https://hanziyuan.net/#%E6%88%89.

[32] Richard Sears. Các kiểu chữ Việt 越. https://hanziyuan.net/#越.

[33] Lang Linh (2021), Khảo cứu về chữ Việt cổ từ những tư liệu khảo cổ
https://luocsutocviet.com/2021/08/25/551-khao-cuu-ve-chu-viet-co-tu-nhung-tu-lieu-khao-co/

[34] Đổng Sở Bình 董楚平; “Phương Việt hội thi” “方钺会矢” – Một trong những diễn giải về các nhân vật Lương Chử 良渚文字释读之一[J];东南文化;2001年03期.

[35] Li Xueqin 李学勤: ” Văn tự đồ gốm của văn hóa Lương Chử” “良渚文化的多字陶文”, Tạp chí Đại học Tô Châu 苏州大学学报 (Đặc san Nghiên cứu về Ngô 吴学研究专辑)”, 1992年。

[36] Wang Hui 王晖: Nhìn vào niên đại xuất xứ của các ký tự Trung Quốc từ việc so sánh các bản khắc và chữ khắc trên xương bằng thần tiên với các tài liệu khảo cổ – và thảo luận về nguồn gốc của các bản khắc gốm và chữ Hán một phần của nhóm văn hóa Lương Chử 从甲骨文金文与考古资料的比较看汉字起源时代 – 并论良渚文化组词类陶文与汉字的起源”, “Tạp chí Khảo cổ học” “考古学报” 2013年第3期。

[37] Colin Renfrew, Bin Liu (2018). The emergence of complex society in China: the case of Liangzhu. Antiquity;92(364):975-90.
https://www.cambridge.org/core/journals/antiquity/article/abs/emergence-of-complex-society-in-china-the-case-of-liangzhu/0D4FD61E9460755CED69047FAD7FA2AD

[38] Tống Kiến 宋建 (2017). Liangzhu – một quốc gia cổ đại phức tạp bị chi phối bởi thần quyền 良渚——神权主导的复合型古国. 东南文化;(1):6-15.

[39] Zhang, Chi; Hung, Hsiao-chun (2008), “The Neolithic of Southern China-Origin, Development, and Dispersal”, Asian Perspectives, 47 (2): 299–329, doi:10.1353/asi.0.0004

[40] Li Liu, Xingcan Chen (2012). The archaeology of China: from the late Paleolithic to the early Bronze Age: Cambridge University Press.

[41] Chi Hung 洪曉純 Zhang, Hsiao-Chun (2009). The Neolithic of Southern China–Origin, Development, and Dispersal. Asian Perspectives;47.

[42] Li H, Huang Y, Mustavich LF, Zhang F, Tan JZ, Wang LE, Qian J, Gao MH, Jin L. Y chromosomes of prehistoric people along the Yangtze River. Hum Genet. 2007 Nov;122(3-4):383-8. doi: 10.1007/s00439-007-0407-2. Epub 2007 Jul 27. PMID: 17657509.

[43] Maya Zhen 马亚振, Về nguồn gốc và sự lan truyền của câu chuyện Yu và Shun từ văn hóa Liangzhu 从良渚文化看虞舜故事的起源与传播
http://yushun.zj.cn/Article.asp?GuideID=603

[44] Chen Minghui 陈明辉, Trung Quốc và thế giới trong kỷ nguyên Lương Chử 良渚时代的中国与世界, xuất bản 2019, Nhà xuất bản Đại học Chiết Giang.

[45] Zhao Ye 赵晔. Một cuộc thảo luận sơ bộ về di tích bằng gỗ của văn hóa Lương Chử 初论良渚文化木质遗存[J].南方文物,2012,{4}(04):74-83+55.

[46] Lang Linh (2021), Những ảnh hưởng của văn hóa tộc Việt tới văn hóa Hoa Hạ.
https://luocsutocviet.com/2021/07/03/544-nhung-anh-huong-cua-van-hoa-toc-viet-toi-van-hoa-hoa-ha/

[47] Lang Linh (2021), Khảo cứu về nền văn hóa Đông Sơn.
https://luocsutocviet.com/2020/10/11/502-khao-cuu-ve-nen-van-hoa-dong-son/

[48] Phần này chúng tôi lấy tư liệu từ nghiên cứu của tác giả Hoàng Nguyễn: “Bộ lịch của người Việt cổ và ngày Tết âm lịch” được đăng lại trên trang Lược Sử Tộc Việt năm 2021.
https://luocsutocviet.com/2021/02/13/506-bo-lich-cua-nguoi-viet-co-va-ngay-tet-am-lich/

[49] Lý Phưởng (thời Tống). Thái Bình Ngự Lãm. https://ctext.org/text.pl?node=409512&filter=612947&searchmode=showall&if=gb#result

[50] Phan Anh Dũng. Lại bàn về nguồn gốc người Việt. http://fanzung.com/?p=2141

[51] Trịnh Tiêu (thời Tống). Thông Chí. https://ctext.org/wiki.pl?if=gb&chapter=229778&remap=gb#p42

[52] Lịch Mường. http://lacson.hoabinh.gov.vn/index.php/t-lia-u/2874-la-ch-m-a-ng

[53] Chu Văn Khánh (2001). “Lịch tre của người Mường” trong Các công trình nghiên cứu của bảo tàng dân tộc học Việt Nam Tập 2 .(2005). Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội. p.248

[54] Norman, Jerry (1985). A Note on the Origin of the Chinese Duodenary Cycle. In: Graham Thurgood; James A. Matisoff; David Bradley (editors), Linguistics of the Sino-Tibetan Area: The State of the Art: 85–89. Pacific Linguistics, Series C 87.

[55] Mei, Tsu-lin (梅祖麟) (1980). “Chinese and the languages of Southeast Asia”. Association for Asian Studies Conference.

[56] Ferlus, Michel (2013). “The sexagesimal cycle, from China to Southeast Asia”. 23rd Annual Conference of the Southeast Asian Linguistics Society, Bangkok, Thailand.
https://halshs.archives-ouvertes.fr/halshs-00922842/document

[57] Nguyễn Cung Thông, Loạt bài nghiên cứu: “Nguồn gốc Việt (Nam) của 12 con giáp)”.
Full PDF: https://drive.google.com/file/d/1PTmCRbHEymW9BDodwalqfFTYLR9HVHAv/view?usp=sharing

[58] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

[59] Lipson M, Cheronet O, Mallick S, Rohland N, Oxenham M, Pietrusewsky M, Pryce TO, Willis A, Matsumura H, Buckley H, Domett K, Nguyen GH, Trinh HH, Kyaw AA, Win TT, Pradier B, Broomandkhoshbacht N, Candilio F, Changmai P, Fernandes D, Ferry M, Gamarra B, Harney E, Kampuansai J, Kutanan W, Michel M, Novak M, Oppenheimer J, Sirak K, Stewardson K, Zhang Z, Flegontov P, Pinhasi R, Reich D. Ancient genomes document multiple waves of migration in Southeast Asian prehistory. Science. 2018 Jul 6;361(6397):92-95. doi: 10.1126/science.aat3188. Epub 2018 May 17. PMID: 29773666; PMCID: PMC6476732.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/92

[60] David Reich. Who we are and how we got here: Ancient DNA and the new science of the human past. 2018: Oxford University Press.

[61] Lang Linh (2021), Cơ sở tiếp cận và nghiên cứu về thời kỳ Hồng Bàng.
https://luocsutocviet.com/2021/07/24/547-co-so-tiep-can-va-nghien-cuu-ve-thoi-ky-hong-bang/

[62] Thai Hâm Thành 邰鑫成, 石家河文化墓地研究 Nghiên cứu về nghĩa trang văn hóa Thạch Gia Hà 石家河文化墓地研究[D]. Đại học Cát Lâm 吉林大学,2014.

[63] Hán Văn Khẩn, Văn hóa Phùng Nguyên, Nhà xuất bản đại học quốc gia Hà Nội (2005).

[64] Lang Linh (2021), Nguồn gốc của trống đồng và văn hóa Đông Sơn.
https://luocsutocviet.com/2021/07/01/541-nguon-goc-cua-trong-dong-va-van-hoa-dong-son/

[65] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

[66] Lang Linh (2021), Nguồn gốc và sự ảnh hưởng của văn minh Đông Sơn.
https://luocsutocviet.com/2021/07/03/543-nguon-goc-va-su-anh-huong-cua-van-minh-dong-son/

[67] Lang Linh (2021), Người Việt và sự kế thừa văn hóa tộc Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/05/06/531-nguoi-viet-va-su-ke-thua-van-hoa-toc-viet/

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.