573. ☀ Nước Nam Việt trong tiến trình lịch sử tộc Việt

Nước Nam Việt và nhà Triệu trong lịch sử Việt Nam có thể nói là một giai đoạn lịch sử gây ra những tranh cãi khá gay gắt trên các diễn đàn lịch sử, văn hóa của người Việt ngày nay. Sự tranh cãi diễn ra xung quanh các vấn đề: liệu nhà Triệu có phải là triều đại đầu tiên trong lịch sử Việt Nam hay không? Liệu Triệu Đà có phải là người khai sáng cho cư dân Bách Việt? Nhà Triệu là triều đại chính thống hay là triều đại khởi nguồn cho thời kỳ Bắc thuộc của người Việt? Câu chuyện công nhận hay không công nhận đã được tranh luận từ lâu, với những tài liệu lịch sử Việt Nam trong thời trung đại thường cho rằng nhà Triệu là triều đại chính thống của người Việt, tới gần đây, thì chính sử Việt Nam không công nhận nhà Triệu là một triều đại trong lịch sử của người Việt.

Với nền tảng từ sự công nhận trong lịch sử, cũng như những ảnh hưởng của giả thuyết cho rằng Triệu Đà là người Việt, thì đa phần người Việt đều đồng thuận với tiền nhân, cho rằng nhà Triệu là triều đại chính thống của người Việt. Họ cũng cho rằng Triệu Đà đã có công lao thống nhất Bách Việt, dựng lên triều đại độc lập đầu tiên của người Việt, dám đối lại với Trung Hoa, bên cạnh đó, thì những người công nhận cũng cho rằng Triệu Đà theo văn hóa Việt, lấy vợ Việt, sống trên đất Việt, nên việc công nhận tính chính thống của nhà Triệu là một giả thuyết đáng tin cậy hơn.

Qua một quá trình dài tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, nguồn gốc dân tộc, chúng tôi nhận ra có một yếu tố quan trọng tác động tới việc nhận định về tính chính thống của nhà Triệu mà đa phần người Việt không nhận ra, đó là phần lớn người Việt chưa thực sự hiểu rõ về nguồn gốc của dân tộc mình, không biết rõ những thông tin về lịch sử của dân tộc Việt trước thời Triệu Đà. Không hiểu rõ về nguồn gốc dân tộc mình, chúng ta rất dễ rơi vào sự cảm tính, chủ quan khi xác định về tính chính thống của nhà Triệu, bởi nhà Triệu vốn nằm trong một bối cảnh lịch sử rất phức tạp, đây là giai đoạn chuyển giao giữa độc lập và nội thuộc trong lịch sử người Việt, nếu không biết rõ lịch sử trước Triệu Đà của người Việt, tâm lý chung sẽ mặc định rằng trước đó người Việt không có lịch sử, thời Hồng Bàng, thời Hùng Vương cũng không có thực, hay người Việt chỉ là những bộ lạc dã man, từ đó, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận rằng Triệu Đà đã có công thống nhất, khai sáng Bách Việt, nhà Triệu là triều đại tự chủ đầu tiên của người Việt.

Từ cách tiếp cậncủa những người nghiên cứu về nguồn gốc bằng một tinh thần khách quan, khoa học, chúng tôi thực hiện bài viết này, là nhằm tìm hiểu, xác minh lại vấn đề nguồn gốc của Triệu Đà, khảo cứu về cơ cấu văn hoá nước Nam Việt dựa trên các bằng chứng khảo cổ học, tìm hiểu vị trí của nước Nam Việt trong dòng lịch sử tộc Việt từ các ghi chép lịch sử, để từ đó xác định về vị trí của nhà Triệu và nước Nam Việt trong dòng lịch sử Việt Nam bằng một góc nhìn mới, đưa ra những nhận định mới về nhà Triệu, góp phần làm sáng tỏ lịch sử thời cổ đại của người Việt.

I. Cơ sở tiếp cận khi tìm hiểu và nghiên cứu về nhà Triệu:

Yếu tố cốt lõi trong việc tìm hiểu về tính chính thống của nhà Triệu, đó là chúng ta cần có những hiểu biết chính xác về nguồn gốc dân tộc Việt, sự nhận thức về nguồn gốc dân tộc sẽ tạo nền tảng để từ đó có thể xác định được vị trí của nhà Triệu trong lịch sử Việt Nam. Về nguồn gốc của người Việt đã được chúng tôi thực hiện tìm hiểu trong nhiều bài khảo cứu dựa trên các nghiên cứu di truyền, khảo cổ, ngôn ngữ, nhân chủng [1][2], các kết quả nghiên cứu đã cho thấy nguồn gốc của người Việt là từ một tiến trình phát triển liên tục ở vùng phía Đông của châu Á, khởi nguồn từ văn hoá cổ Đông Nam Á, tới văn hoá Đông Á cổ đại được hình thành khi cư dân Đông Nam Á di cư lên vào thời điểm hơn 12.000 năm trước, và sau đó là văn hoá tộc Việt được hình thành trong vùng Dương Tử tại văn hóa Lương Chử vào khoảng 5300 năm trước [1]. Nhà nước [3][4] và ý thức Việt [5] đã được hình thành trong văn hóa Lương Chử. Sau đó kế thừa văn hóa Lương Chử là văn hóa Thạch Gia Hà, chính là các văn hóa đại diện cho quốc gia Xích Quỷ trong lịch sử của người Việt.

Từ cơ sở xác định về nguồn gốc này, có thể thấy nguồn gốc của người Việt là từ một tiến trình phát triển liên tục, trong quá trình phát triển đó, họ đã xây dựng nên những nền văn minh lớn và có sức ảnh hưởng rộng lớn trong vùng Dương Tử. Cội nguồn đầu tiên và quan trọng nhất của người Việt chính là các quốc gia Xích Quỷ và Văn Lang. Quốc gia Xích Quỷ của Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân trong vùng Dương Tử hình thành và tồn tại trong khoảng thời gian từ 5300 năm tới 4000 năm trước với các văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà, kế thừa quốc gia này là quốc gia Văn Lang nằm trong thời kỳ Hùng Vương với địa bàn trong vùng phía nam sông Dương Tử tới Việt Nam trong khoảng thời gian từ 4000 năm tới 2200 năm trước tương ứng với các văn hóa Phùng Nguyên, Ngô Thành và Đông Sơn [6]. Chúng tôi đã chứng minh những cơ sở tồn tại của các quốc gia này trong từ các nghiên cứu di truyền, khảo cổ học, lịch sử trong nhiều bài viết khác [1][6][7][8], tất cả những bằng chứng đều cho thấy sự tồn tại của các quốc gia của người Việt như truyện họ Hồng Bàng hay chính sử là Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép lại.

Bản đồ mô phỏng nước Xích Quỷ, nước Văn Lang, trung tâm từng thời kỳ và các dòng di cư hình thành các quốc gia. [Ý tưởng và thực hiện: Lược Sử Tộc Việt, designer: Quốc Toản.]

Chính vì vậy, khi tiếp cận về nhà Triệu, chúng ta không thể nói rằng đây là triều đại độc lập đầu tiên của người Việt, điều đó có thể đúng trong bối cảnh thiếu thốn tư liệu trong giai đoạn trước, nhưng ở thời điểm hiện tại, với đầy đủ những tư liệu chứng minh về quốc gia Xích Quỷ và Văn Lang của người Việt, thì những lập luận đó không còn thực sự phù hợp.

Có thể kết luận rằng, chắc chắn nhà Triệu không phải là triều đại khai sáng đầu tiên của người Việt, mà là các quốc gia Xích Quỷ và Văn Lang. Câu chuyện về sự chính thống của nhà Triệu và nước Nam Việt thì có phần phức tạp hơn, chúng ta cần một cái nhìn bao quát và toàn cảnh hơn, dựa trên những chứng tích về vật chất và khảo cổ. Sự khảo sát toàn diện nguồn gốc của Triệu Đà, cơ cấu của văn hoá nước Nam Việt, cũng như vị trí của nước Nam Việt và Triệu Đà trong dòng lịch sử tộc Việt, sẽ cung cấp cho chúng ta những thông tin quan trọng để nhận diện được vai trò của nhà Triệu và nước Nam Việt trong dòng lịch sử tộc Việt nói chung và lịch sử của người Việt nói riêng.

II. Triệu Đà và nước Nam Việt trong dòng lịch sử tộc Việt:

Dòng lịch sử tộc Việt là một sự phát triển liên tục trong hơn 3000 năm, với sự hình thành nhà nước và ý thức dân tộc bắt nguồn từ thời văn hóa Lương Chử [5], sau đó người Việt tiếp tục phát triển trong một cộng đồng chung cho tới hơn 4000 năm trước, nạn hạn hán diễn ra trong vùng Dương Tử đã khiến tộc Việt tan rã lần đầu tiên, là nguyên nhân tạo nên những cuộc di cư của các hệ ngữ Nam Á và Nam Đảo xuống vùng Đông Nam Á, trong đó ngữ hệ Nam Á xuống vùng Đông Nam Á lục địa và hệ ngữ Nam Đảo xuống vùng Đông Nam Á hải đảo, sau thời điểm này, thì cộng đồng tộc Việt tiếp tục phát triển trong một cộng đồng chung, một quốc gia chung trong địa bàn từ vùng Dương Tử tới miền Bắc Việt Nam. [1]

Từ khoảng 3500 năm trước, đã bắt đầu diễn ra những cuộc xâm lược của các triều đại Hoa Hạ vào các vùng đất của tộc Việt, đất đai của cộng đồng tộc Việt dần dần thu hẹp qua các cuộc xâm lược. Bắt nguồn của quá trình xâm lấn đó là nhà Thương, triều đại này đã mở rộng lãnh thổ của mình ra khắp vùng bắc Đông Á, sau đó, họ cũng đã thực hiện cuộc xâm lược vào các vùng đất tộc Việt ở phía Nam, sự kiện này được ghi dấu trong truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc Ân (Thương), sau đó, khoảng 3300 năm trước, họ đã chiếm thành công các vùng Hồ Bắc ở vùng trung lưu Dương Tử, Giang Tô, Chiết Giang ở vùng hạ lưu Dương Tử. [6]

Sau đó, bắt đầu từ thời nhà Sở, các triều đại Hoa Hạ đã liên tục tổ chức những cuộc xâm lược vào các vùng đất của tộc Việt, trong đó là Sở chiếm các vùng Hồ Nam, Quý Châu, Vân Nam, sau đó nhà Tần chiếm các vùng Quý Châu, Lĩnh Nam [6], cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Tần vào đất Lĩnh Nam là một dấu mốc quan trọng khiến lịch sử của người Việt dần dần chìm vào bóng tối.

1. Cuộc hành quân xâm lược của nhà Tần vào đất Việt:

Sau khi thống nhất được vùng Hoa Bắc, nhà Tần đã lăm le xâm chiếm các vùng lãnh thổ xung quanh. Tần Thủy Hoàng đã sai úy Đồ Thư tổ chức một đội quân có tới 50 vạn quân xâm lược vào đất Việt, chia thành 5 đạo. Các đạo này đi theo nhiều con đường khác nhau xâm nhập vào vùng Lĩnh Nam.

Bản đồ tương đối về lãnh thổ của nước Tây Âu Lạc so với nhà Tần và các quốc gia tách từ tộc Việt khác. [Nguồn bản đồ: Quora, đã chỉnh sửa cho phù hợp hơn với thực tế lịch sử thời kỳ này]

Hoài Nam Tử do Lưu An đời Hán viết, phần Nhân Gian huấn chép: “见其传曰:“亡秦者,胡也。”因发卒五十万,使蒙公、杨翁子将,筑修城。西属流沙,北击辽水,东结朝鲜,中国内郡挽车而饷之。又利越之犀角、象齿、翡翠、珠玑,乃使尉屠睢发卒五十万,为五军,一军塞镡城之岭,一军守九疑之塞,一军处番禺之都,一军守南野之界,一军结馀干之水。三年不解甲驰弩,使临禄无以转饷。又以卒凿渠而通粮道,以与越人战,杀西呕君译吁宋。而越人皆入丛薄中,与禽兽处,莫肯为秦虏。相置桀骏以为将,而夜攻秦人,大破之。杀尉屠睢,伏尸流血数十万,乃发谪戍以备之。” [9] – “Truyện xưa viết: “Nhà Tần vong, tại sao vậy”. Nguyên nhân là sai Mông công (Mông Điềm) và Tương ông đưa 50 vạn quân xây trường thành. Phía tây thì chiếm Lưu Sa, phía bắc thì đánh Liêu, phía đông thì liên kết với Triều Tiên, các quận của Trung quốc phải kéo xe đi chinh chiến. Lại ham những món lợi như sừng tê giác, ngà voi, ngọc phỉ thúy, trân châu, nên sai quan úy là Đồ Thư mang 50 vạn quân, chia làm 5 đạo đi xâm chiếm (đất Việt). Một đạo đóng ở Đàm Thành, một đạo phòng thủ ở Cửu Nghi là chỗ hiểm yếu, một đạo đóng ở Phiên Ngung làm đô thành, một đạo đóng ở Nam Dã là nơi biên giới, một đạo đóng ở sông Dư Can. Ba năm quân không cởi giáp, lúc nào cũng phải mang theo cung nỏ. Sử Lộc không tìm được hướng (để tiến quân), mới tuyển lính đào kinh để chuyển binh lương đánh người Việt, giết vua Tây Âu là Dịch Hu Tống. Vì vậy người Việt vào rừng rậm sống chung cùng muông thú, không chịu để quân Tần bắt làm tù binh. Họ kén chọn người tài trí và kiệt tuấn làm tướng, cứ đến đêm tối tấn công quân Tần, đạt được chiến thắng lớn, giết quan úy Đồ Thư, quân Tần chết cả chục vạn.” [10]

Quốc gia của tộc Việt thời kỳ này đã đổi chủ, khi Thục Phán đã giành ngôi của vua Hùng, nên ngôi lấy hiệu là An Dương Vương. Quốc gia của An Dương Vương ban đầu có lãnh thổ là vùng Lĩnh Nam tới Việt Nam, ông cai trị đất Việt trong vài chục năm, sau đó, cũng chính An Dương Vương đã lãnh đạo người Việt chống lại nhà Tần.

Sách Dư địa chí của Cố Dã Vương 顾野王 (519 – 581) đã viết như sau: “ 交趾,周时为骆越,秦时曰西瓯。”- “Giao Chỉ, Chu thời vi Lạc Việt, Tần thời viết Tây Âu” [11], cho thấy Giao Chỉ (là một khái niệm lớn) thời Chu là Lạc Việt, thời Tần là Tây Âu, tức Tây Âu là quốc gia bao gồm cả vùng Lĩnh Nam trở về Việt Nam, tương ứng với lãnh thổ còn lại của tộc Việt sau khi các cuộc xâm lược của nhà Sở thành công, tách các vùng Hồ Nam và Vân Nam ra khỏi tộc Việt.

Trong Hoài Nam Tử chép về việc nhà Tần “giết vua Tây Âu là Dịch Hu Tống”, chúng tôi cho rằng tác giả của Hoài Nam Tử là Lưu An đã tưởng tượng ra một nhân vật không có thực, nhằm bào chữa cho sự thất bại của nhà Tần trước người “man di”. Vị vua lãnh đạo tộc Việt thời kỳ này là An Dương Vương, ông đã lên ngôi từ năm 258 TCN, tức trước khi nhà Tần xâm lược khoảng 40 năm, sau đó chính ông đã trực tiếp tổ chức cuộc kháng chiến chống Tần. Vì vậy, hoàn toàn không có cơ sở nào cho thấy có một nhân vật tên Dịch Hu Tống là vua của người Tây Âu.

Các ghi chép trong Hoài Nam Tử cũng đã cho chúng ta thấy được rằng, cộng đồng tộc Việt đã tổ chức một cuộc kháng chiến kiên cường và có chiến lược rõ ràng, khiến quân Tần phải khốn khổ, tiến không được, mà thoái cũng không xong, tổn hao nhân lực vật lực vô số kể. Tuy nhiên, cuối cùng, nhà Tần cũng đã chiếm ưu thế, kiểm soát được đất Việt trong vùng Lưỡng Quảng.

Diêm thiết luận – Địa quảng (Hán – Hoàn Khoan soạn): “文學曰:「秦之用兵,可謂極矣,蒙恬斥境,可謂遠矣。今踰蒙恬之塞,立郡縣寇虜之地,地彌遠而民滋勞。朔方以西,長安以北,新郡之功,外城之費,不可勝計。非徒是也,司馬、唐蒙鑿西南夷之塗,巴、蜀弊於邛、筰;橫海征南夷,樓船戍東越,荊、楚罷於甌、駱;左將伐朝鮮,開臨屯,燕、齊困於穢、貉,張騫通殊遠,納無用,府庫之藏,流於外國;非特斗辟之費,造陽之役也。由此觀之:非人主用心,好事之臣為縣官計過也。」” – “Văn học chép: “Nhà Tần dùng binh có thể nói là cùng cực rồi, Mông Điềm mở cõi có thể nói là dài rồi. Nay (nhà Hán) còn vượt cả lũy thời Mông Điềm, cướp lấy đất địch đặt quận huyện, đất dài ra mà dân khổ sở. Từ quận Sóc Phương về phía tây, từ thành Tràng An lên phía bắc, công sức để đặt quận mới, phí tổn để đắp thành ngoài cõi thì không thể kể hết. Cũng không chỉ có vậy, bọn Tư Mã (Tương Như), Đường Mông mở đường đến chỗ người Di miền tây nam, do đó người miền Ba-Thục vất vả vì người Cung-Tạc; Hoàng hải tướng quân (Hàn Thuyết) đánh người Di (Việt) miền nam, Lâu thuyền tướng quân (Dương Bộc) đóng giữ ở đất Đông Việt, do đó người miền Kinh-Sở khổ sở vì người Âu-Lạc; Tả tướng quân (Tuân Trệ) đánh nước Triều Tiên, đặt ra quận Lâm Đồn, người miền Yên-Tề khốn đốn vì người Uế-Mạch; Trương Khiên đi sứ qua lại miền xa lạ (các nước Đại Uyển, Đại Hạ) thu lấy những đồ vật vô dụng, khiến cho đồ vật trong kho phủ đem ra nước ngoài, không chỉ là phí tổn cho miền xa xôi, lao dịch cho miền Tạo Dương vậy. Do đó thấy rằng: Đấy không phải là chủ ý của nhà vua, mà là do từ bầy tôi ham việc (lập công) chuốc họa cho nhà nước vậy.”” [Bản dịch của Tích Dã]

Đoạn trích trên cung cấp thêm một số thông tin: nhà Tần còn tổ chức đánh đất của người Việt tại các vùng khác, ở đây họ gọi là người Di, bên cạnh cuộc chiến tranh xâm lược lãnh thổ của người Âu – Lạc. Họ gọi đất của người Việt lúc này là “Âu-Lạc” cũng thể hiện cho chúng ta thấy tộc Việt lúc này có hai thành phần dân cư dưới hai khái niệm chính là Tây Âu và Lạc Việt, trong đó Tây Âu là khái niệm chỉ quốc gia tộc Việt thời kỳ này và cũng được sử dụng để chỉ người Việt tại Quảng Tây, Lạc Việt và danh xưng chung của tộc Việt và cũng được sử dụng để chỉ người Việt tại Việt Nam. Sau rốt, thì người Việt cũng đã không đủ sức để giữ lại vùng Lưỡng Quảng, nhà Tần cũng đã chiếm được thành công vùng đất này của tộc Việt, đặt ách đô hộ và cai trị, di dân tới nhằm mục đích bắt đầu quá trình đồng hóa.

Sử ký, Tần Thủy Hoàng bản kỷ chép: “Năm thứ ba mươi ba, đưa những kẻ từng bỏ trốn, ở rể, lái buôn đánh lấy đất Lục Lương, đặt làm Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải, cho kẻ đi đày tới giữ, Phía tây bắc xua đuổi Hung Nô. Từ Du Trung theo Hoàng Hà về đông đến Âm Sơn, đặt bốn mươi bốn huyện, xây thành men theo Hoàng Hà làm nơi hiểm yếu. Lại sai Mông Điềm vượt Hoàng Hà đánh lấy vùng Cao Khuyết, Dương Sơn, Bắc Giả, xây thành lũy để đuổi người Nhung. Dời những kẻ đi đày tới các huyện mới đặt. Cấm không được thờ tự. Sao chổi xuất hiện ở phương tây. Năm thứ ba mươi tư, đày quan coi ngục không ngay thẳng đi xây Trường thành, hoặc tới (đóng giữ) đất Nam Việt.” [12]

Đất đai của tộc Việt sau khi nhà Tần chiếm vùng Lưỡng Quảng, chỉ còn lại vùng miền Bắc Việt Nam và đảo Hải Nam, An Dương Vương đã lui về đây để hình thành nước Âu Lạc hay Tây Âu Lạc.

Sử Ký, Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: “佗因此以兵威邊,財物賂遺閩越、西甌、駱,役屬焉,東西萬餘里。” – “Đà nhân đó, dùng uy lực uy hiếp nơi biên giới, đem đồ đạc của cải đút lót các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc theo mình.” [13]

Sau đó, thì Triệu Đà, làm quan úy nhà Tần, đã được cử làm huyện lệnh Long Xuyên, khi nhà Tần sụp đổ, ông đã thành lập nên nước Nam Việt trên vùng Lưỡng Quảng mà nhà Tần đã chiếm được của người Việt.

Bản đồ các quận thuộc nhà Tần (Lĩnh Nam) và sau đó là quốc gia Nam Việt của Triệu Đà (bao gồm cả Việt Nam).

2. Sự hình thành quốc gia Nam Việt của Triệu Đà:

Sau khi nhà Tần chiếm được thành công đất Việt, thì Triệu Đà được phân làm huyện lệnh Long Xuyên, khi nhà Tần suy yếu và sụp đổ, Triệu Đà đã lợi dụng cơ hội này để cát cứ thành một quốc gia riêng, là quốc gia Nam Việt, được lập nên trên đất Việt mà ông ta đang cai trị. Về nguồn gốc của Triệu Đà, thì Sử Ký của Tư Mã Thiên đã chép rất rõ, ông là người huyện Chân Định, quận Hằng Sơn, nay là Chính Định, tỉnh Hà Bắc, thuộc vùng miền Bắc Trung Quốc. Có nguồn gốc Hoa Hạ, nên nhà Hán đã sử dụng nguồn gốc này để chi phối Triệu Đà trong các hoạt động ngoại giao giữa hai nước.

Sử ký, Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: “Vua Nam Việt họ Triệu tên là Đà người huyện Chân Định, trước làm quan úy. Bấy giờ nhà Tần đã chiếm cả thiên hạ, cướp lấy đất Dương Việt, đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận để đưa những người bị đày đến ở lẫn với người Việt. Như thế đã mười ba năm. Thời Tần, Đà được làm lệnh ở huyện Long Xuyên, thuộc quận Nam Hải. Đến đời Nhị Thế, quan úy ở Nam Hải là Nhâm Ngao, ốm sắp chết, mời huyện lệnh Long Xuyên là Triệu Đà đến (dặn Triệu Đà cát cứ trong vùng Lĩnh Nam). Đà nghe theo, khi Nhâm Ngao chết, “Đà lập tức truyền hịch bảo các cửa quan Hoành Phố, Dương Sơn, Hoàn Khê rằng: – Quân giặc sắp đến, phải chặn ngay đường, tụ tập quân sĩ để tự bảo vệ. Rồi dần dần ông dùng hình pháp giết các trưởng lại do nhà Tần đặt ra, dùng những người đồng đảng để thay thế. Khi nhà Tần đã bị tiêu diệt, Đà lập tức đánh chiếm lấy cả Quế Lâm, Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vũ Vương.” [13]

Chúng ta thấy được rằng Triệu Đà có nguồn gốc từ người Hoa Hạ, làm quan trong nhà Tần, rồi lên làm huyện lệnh Long Xuyên, tiếp đó, ông lại nghe theo Nhâm Ngao, được Nhâm Ngao hỗ trợ để lên nắm quyền cai trị toàn bộ vùng đất mà nhà Tần đã chiếm được của tộc Việt. Từ đây, Triệu Đà hoàn toàn có vị thế là một người ngoại tộc cai trị người Việt, nó cũng giống như thời kỳ thuộc Pháp thời cận đại, thực hiện cai trị người Việt trên đất đai của người Việt.

Phần “Tự tự” của Thái Sử Công (Tư Mã Thiên tự viết bài tựa sách Sử Ký) viết như sau: “漢既平中國,而佗能集楊越以保南藩,納貢職。作南越列傳第五十三” – “Nhà Hán đã bình được Trung quốc, mà Triệu Đà biết chiêu tập được bọn Dương Việt để bảo vệ bờ cõi phía Nam, chịu nạp cống lễ. Nên ta viết thành quyển thứ 53 “Nam Việt Liệt Truyện”.

Triệu Đà đã có công “chiêu tập được bọn Dương Việt”, để “bảo vệ bờ cõi phía Nam”, và còn “chịu nạp cống lễ”, nên mới được Tư Mã Thiên viết thành một phần riêng, trong quyển thứ 53, ‘Nam Việt liệt truyện’. Từ đây, chúng ta thấy được Triệu Đà đối với Hoa Hạ, chính là có công mở rộng và “bảo vệ” đất phương Nam, là đất của tộc Việt mà ông ta đã cai trị, kế thừa từ vùng đất nhà Tần đã chiếm được của tộc Việt. Sự cai trị và lập quốc của ông ta đã làm nền tảng để nhà Hán có thể chiếm gọn được đất đai của tộc Việt mà không phải tốn quá nhiều công sức, trong triều đại của ông, cũng bắt đầu sự “hòa hợp Bách Việt”, tức hòa hợp giữa văn hóa tộc Việt với văn hóa Hoa Hạ, là một bước đệm để dần dần truyền bá văn hóa Hoa Hạ, từ đó tiến tới việc đồng hóa của các triều đại sau được thuận lợi hơn.

Nếu xét về thực tế lịch sử, thì quốc gia Nam Việt của Triệu Đà cũng giống như các quốc gia Sở, Ngô, Việt, vị thế của họ là có tầng lớp cai trị là người Hoa Hạ, văn hóa triều đình cũng là văn hóa Hoa Hạ, nhưng về thành dân cư, thì họ lập quốc trên các quốc gia của tộc Việt, nên phải thuận theo tên tự nhận của người Việt, văn hóa, ngôn ngữ của tộc Việt. Việc nhận tên Việt, theo một số phong tục tộc Việt không thể xem là những biểu hiện để có thể công nhận các triều đại này là chính thống của lịch sử tộc Việt. Ý thức về văn hóa và nguồn gốc Hoa Hạ của Sở, Ngô, Việt hay quốc gia Nam Việt của Triệu Đà vẫn là rất mạnh, vì vậy, họ luôn giữ quan hệ mật thiết với các quốc gia và các triều đại Hoa Hạ khác, thường tỏ ý xem thường người Việt. Trong thời kỳ này, thì Triệu Đà cũng đã thực hiện chính sách hòa hợp với Bách Việt theo yêu cầu của nhà Hán, hay nói trắng ra, đây chính là bước đệm để đồng hóa dần dần người Việt, bắt đầu từ sự đưa người ở lẫn được nhắc tới trước đó sau khi nhà Tần chiếm thành công đất Việt.

Sử ký, Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: “Sau khi Hán Cao Đế bình định được thiên hạ, thấy Trung Quốc mới khổ nhục, cực nhọc, nên tha Đà không trị tội. Năm thứ 11 (năm 196 trước Công nguyên), Hán sai Lục Giả sang, nhân tiện phong cho Đà làm Nam Việt Vương, chặt phù để làm tin, cho phép phái sứ giả đi lại với Trung Quốc, bảo phải hòa hợp với Bách Việt, không được gây việc lo ngại ở biên giới phía Nam.” [13]

Quốc gia Nam Việt của Triệu Đà tuy có độc lập, nhưng thực tế vẫn phụ thuộc vào nhà Hán, ý thức hướng về triều đình Hoa Hạ là rất mạnh, một phần bởi nguồn gốc và mồ mả của gia đình ông ta đều ở đất Hán, một phần bởi ý thức về nguồn gốc dân tộc cũng được duy trì trong tâm thức của Triệu Đà.

Sử ký, Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: “Lục Giả đến nơi, Nam Việt Vương sợ hãi, làm giấy tạ tội rằng: “Thần tên là Đà, là một kẻ già ở man di. Ngày trước Cao Hậu gạt bỏ Nam Việt, thần trộm ngờ Trường Sa Vương đã gièm pha thần. Lại nghe đồn Cao Hậu giết hết họ hàng Đà, đào mồ mả, đốt hài cốt cha ông Đà. Vì thế nên liều mạng xâm phạm biên cảnh quận Trường Sa. Vả lại phương Nam đất thấp, ẩm, dân man di ở vào giữa. Ở phía Đông đất Mân Việt chỉ vẻn vẹn nghìn người, cũng xưng hiệu là “vương”, ở phía Tây, nước Âu Lạc là nước trần truồng, cũng xưng là “vương”. Lão thần trộm dùng bậy danh hiệu “đế” chỉ để tự vui, chứ đâu dám để nói đến tai bệ hạ?”.” [13]

Như vậy chính Triệu Đà đã xác định về nguồn gốc của mình, họ hàng, mồ mả, hài cốt cha ông của ông đều ở vùng Trung Nguyên, vậy nên, nhà Hán đã sử dụng yếu tố này để chi phối Triệu Đà, sau đó thì “Đà bèn dập đầu xuống tạ tội, xin mãi mãi làm phiên thần dâng lễ cống.”. Trong lời nói của mình, Triệu Đà cũng thể hiện thái độ rất khinh thị đối với người Việt, thể hiện tư tưởng tự cho mình là vượt trội của người Hoa Hạ, xem người Việt chỉ là man di, thậm chí còn nói “nước Âu Lạc là nước trần truồng“, tâm tưởng của ông mang đặc trưng văn hóa Hoa Hạ rất rõ rệt. Nếu ông ta thực sự muốn lập nước cho riêng người Việt, bảo vệ nền độc lập cho dân tộc Việt, thì khẩu khí có lẽ đã khác.

Thời điểm nước Nam Việt được lập, thì tộc Việt vẫn còn là một vùng đất độc lập, chính là nước Âu Lạc của An Dương Vương, với lãnh thổ trong vùng Việt Nam và vùng Hải Nam, sự kiện thành lập nước Nam Việt đã đe dọa tới vùng đất độc lập nhỏ nhoi còn lại của người Việt. Trong các ghi chép lịch sử, cho thấy Triệu Đà sau đó đã nỗ lực để “chinh phục”, hay nói cách khác chính xác hơn là “xâm lược”, chiếm đoạt vùng đất còn lại của người Việt.

Tam quốc chí – Ngô thư – Tiết Tống truyện: “呂岱從交州召出綜懼繼岱者非其人上疏曰「昔帝舜南巡卒於蒼梧。秦置桂林、南海、象郡然則四國之內屬也有自來矣。趙佗起番禺懷服百越之君珠官之南是也。漢武帝誅呂嘉開九郡設交阯刺史以鎮監之。” – “Lữ Đại từ châu Giao được gọi về, Tiết Tống sợ người thay Đại không được như Đại, dâng sớ nói: “Ngày xưa vua Thuấn đi tuần miền nam chết ở quận Thương Ngô. Nhà Tần đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải, Tượng, vậy thì bốn quận đã nội thuộc có từ đấy đến nay rồi. Triệu Đà nổi lên ở thành Phiên Ngu, vỗ về chinh phục quân trưởng của người Bách Việt, là những nước ở phía nam quận Châu Quan (trước là quận Hợp Phố, sau nhà Đông Ngô đổi tên ấy). Võ Đế nhà Hán đánh diệt Lữ Gia, đặt ra chín quận, đặt quan Thứ sử bộ Giao Chỉ để trông coi chín quận.” [Bản dịch của Tích Dã]

Cựu Đường thư (Hậu Tấn – Lưu Hú soạn), quyển 41 Chí 21 Địa lí 4 dẫn “Nam Việt chí” chép: “交趾之地,最為膏腴。舊有君長曰雄王,其佐曰雄侯。後蜀王將兵三萬討雄王,滅之。蜀以其子為安陽王,治交趾。其國地,在今平道縣東。其城九重,周九里,士庶蕃阜。尉佗在番禺,遣兵攻之。王有神弩,一發殺越軍萬人,趙佗乃與之和,仍以其子始為質。安陽王以媚珠妻之,子始得弩毀之。越兵至,乃殺安陽王,兼其地。” – “Đất quận Giao Chỉ rất là màu mỡ, ngày xưa có quân trưởng gọi là Hùng Vương, phụ tá là Hùng Hầu. Sau có vua Thục đem ba vạn lính đánh diệt Hùng Vương đi. Vua Thục nhân đó cho con mình làm An Dương Vương, trị đất Giao Chỉ. Đất nước ấy ở phía đông huyện Bình Đạo ngày nay. Thành nước ấy có chín vòng, chu vi chín dặm, dân chúng đông đúc. Úy Đà đóng đô ở thành Phiên Ngung phát binh sang đánh. Vương có nỏ thần bắn một phát giết một vạn quân Việt. Triệu Đà bèn hòa với vương, rồi sai con mình tên là Thủy làm con tin. An Dương Vương đem con gái tên là Mị Châu gả cho Thủy, Thủy thấy được nỏ thần bèn hủy đi. Kịp khi quân Việt đến liền giết An Dương Vương, chiếm cả nước ấy.” [Bản dịch của Tích Dã]

Thủy kinh chú – Diệp Du hà (Lịch Đạo Nguyên thời Bắc Ngụy soạn) dẫn Giao châu ngoại vực kí (tác giả khuyết danh thời Tấn) chép: “交趾昔未有郡縣之時,土地有雒田,其田從潮水上下,民墾食其田,因名為雒民,設雒王、雒侯,主諸郡縣。縣多為雒將,雒將銅印青綬。後蜀王子將兵三萬來討雒王、雒侯,服諸雒將,蜀王子因稱為安陽王。後南越王尉佗舉衆攻安陽王,安陽王有神人名臯通,下輔佐,為安陽王治神弩一張,一發殺三百人,南越王知不可戰,却軍住武寧縣。按《晉太康記》,縣屬交趾。越遣太子名始,降服安陽王,稱臣事之。安陽王不知通神人,遇之無道,通便去,語王曰:能持此弩王天下,不能持此弩者亡天下。通去,安陽王有女名曰媚珠,見始端正,珠與始交通,始問珠,令取父弩視之,始見弩,便盜以鋸截弩訖,便逃歸報南越王。南越進兵攻之,安陽王發弩,弩折遂敗。安陽王下船逕出于海,今平道縣後王宮城見有故處。《晉太康地記》,縣屬交趾,越遂服諸雒將。” – “Đất Giao Chỉ ngày xưa khi chưa đặt thành quận huyện, đất đai có ruộng Lạc, dân làm ăn ở ruộng ấy theo nước thủy triều lên xuống, nhân đó có tên là dân Lạc, đặt ra Lạc Vương-Lạc Hầu để làm chủ các quận huyện, huyện phần nhiều có chức Lạc tướng, Lạc tướng đeo ấn đồng thao xanh. Sau có con vua Thục đem ba vạn lính đánh Lạc Vương-Lạc hầu, chinh phục các Lạc tướng, con vua Thục nhân đó xưng là An Dương Vương. Sau nữa vua Nam Việt là Úy Đà đem quân đánh An Dương Vương, An Dương Vương có người thần tên là Cao Thông xuống phụ tá, làm cho An Dương Vương một chiếc nỏ thần, bắn một phát giết ba trăm người, vua Nam Việt biết không đánh được, rút quân về đóng ở huyện Vũ Ninh. Xét sách Tấn Thái Khang kí chép huyện này thuộc quận Giao Chỉ. Vua Nam Việt sai Thái tử tên là Thủy hàng phục An Dương Vương, xưng thần mà thờ vương. An Dương Vương không biết Thông là người thần, đối đãi không phải đạo, Thông bèn bỏ đi, bảo vương rằng: “Giữ được nỏ này thì làm vương thiên hạ, không giữ được nỏ này thì mất thiên hạ.” Thông đi rồi, An Dương Vương có con gái tên là Mị Châu thấy Thủy đoan chính, Châu thông giao với Thủy, Thủy hỏi Châu xin lấy nỏ của cha ra cho mình xem, Thủy thấy nỏ, bèn lén cưa đứt lẫy nỏ rồi trốn về báo cho vua Nam Việt. Vua Nam Việt tiến binh đánh vương, An Dương Vương bắn nỏ thì nỏ đã gãy, liền thua. An Dương Vương xuống thuyền đi tắt ra ở ngoài biển, thành cung cũ của vương ở huyện Bình Đạo ngày nay còn thấy vết tích. Tấn Thái Khang địa kí chép huyện này thuộc quận Giao Chỉ. Vua Nam Việt bèn chinh phục các Lạc tướng.” [Bản dịch của Tích Dã]

Triệu Đà đã dùng đủ mọi phương cách, từ chiến tranh xâm lược, tới bày mưu tính kế để có thể chiếm đoạt được vùng đất còn lại của tộc Việt, chúng tôi không cho rằng ông ta có ý định thống nhất Bách Việt, mà thực hiện công việc này với tâm thế mở rộng đất đai cho cố quốc của mình, đây cũng không khác gì hành động xâm lược của nước Sở đối với tộc Việt, cũng là vị trí của những vị vua gốc Hoa Hạ, cai trị trên đất Việt, sử dụng người Việt để chiếm đất của tộc Việt, mở mang đất đai đất đai cho triều đại của mình, hay chính xác hơn là cho tộc Hoa Hạ của mình. Nước Âu Lạc vẫn là một nước độc lập, có chủ quyền, Triệu Đà xâm lược đất Việt, biến đất Việt nội thuộc Nam Việt, cũng là một hành động xâm phạm chủ quyền quốc gia, là bước đệm, để khiến đất Việt rơi vào vòng nội thuộc nhà Hán, khởi nguồn cho giai đoạn 1000 năm Bắc thuộc đầy giông bão của người Việt.

Bản đồ nước Nam Việt thời Triệu Đà sau khi ông ta chiếm được thành công nước Âu Lạc. [Nguồn]

Sau khi Triệu Đà chết, đã xảy ra những biến cố lớn, khiến Lữ Gia, thừa tướng người Việt đã không giữ được nước Nam Việt, câu chuyện được chép lại rất rõ trong sách Sử ký của Tư Mã Thiên, chúng tôi sẽ tổng hợp lại một cách ngắn gọn nhất các chi tiết quan trọng, để thấy được tiến trình lịch sử sau khi Triệu Đà chết tới khi nhà Hán chiếm được đất Nam Việt.

Thái tử Anh Tề được cử sang nhà Hán làm con tin. Khi Anh Tề ở kinh đô nhà Hán, có lấy người con gái họ Cù và sinh với bà một người con. Tới khi anh Tề xin về, lên làm vua Nam Việt, bèn dâng thư xin cho Cù thị lên làm hậu, Hưng làm thái tử nối nghiệp. Anh Tề mất, Hưng lên thay, mẹ làm thái hậu. Từ khi chưa làm vợ của Anh Tề, thì Cù thị đã dan díu với người huyện Bá Lăng là An Quốc Thiếu Quý. Lợi dụng điểm này, vua Hán đã sai An Quốc Thiếu Quý sang dụ vua và thái hậu sang chầu. Thiếu Quý sang, lại tư thông với Cù thị. Khi ấy người trong nước phần nhiều không theo Cù thị. Thừa tướng Lữ Gia là người có quyền lực và vai trò lớn trong triều đình Nam Việt, ông vốn là người Việt, làm quan trong triều đình quốc gia này. Người Việt tin ông, ông được lòng dân hơn là vua. Cù thị sau đó đã trở thành nội gián cho nhà Hán. Lữ Gia sau đó không chấp nhận khuất phục, nên làm phản, “Lữ Gia bèn cùng em đem quân đánh giết vương, thái hậu, cùng các sứ gia của nhà Hán.” Nhà Hán sau đó đã sai đem tội nhân và mười vạn quân lâu thuyền xuống đánh Lữ Gia. Đội quân xâm lược được Lộ Bác Đức lãnh đạo, có hàng binh người Việt trợ giúp. Đội quân của Lộ Bác Đức vây hãm thành Phiên Ngung, Lữ Gia và Kiến Đức cùng gia thuộc vài trăm người chạy trốn ra biển, lấy thuyền về phía Tây. Lộ Bác Đức cho quân đuổi theo, vị quan người Việt là Đô Kê đã bắt được Gia. Từ đây, nước Việt chính thức rơi vào bóng đêm lệ thuộc các triều đại Hoa Hạ.

Bản đồ nhà Hán khi sáp nhập thành công nước Nam Việt vào lãnh thổ của mình. [Nguồn bản đồ]

Nguồn gốc Hoa Hạ là tất cả nguyên nhân giúp cho nhà Hán chiếm được thành công đất Nam Việt, ban đầu, nhà Hán sử dụng nguồn gốc của Triệu Đà để chi phối ông ta, sau đó nhà Hán tiếp tục sử dụng mưu mô, xây dựng mối quan hệ giữa Cù thị với Thái tử Anh Tề của nước Nam Việt, nhằm mục đích sử dụng làm nội gián, từ đó, là một bước đi thẳng xuống bùn lầy của Nam Việt. Cù thị đã trực tiếp khiến nước Nam Việt mất đi sự tự chủ, trở thành vùng nội thuộc nhà Hán. Nhưng đây có lẽ chỉ là câu chuyện thời điểm, bởi bối cảnh về nguồn gốc Hoa Hạ của tầng lớp hoàng tộc và quý tộc nước Nam Việt, thì tư tưởng hướng về triều đình trung ương sớm muộn gì cũng sẽ diễn ra.

Từ những cơ sở lịch sử này, chúng ta đã thấy được một vị thế bắt nguồn từ quan đô hộ nhà Tần, Triệu Đà đã cát cứ, lập nên nước Nam Việt trong vùng đất mà ông ta đang cai trị. Khi Triệu Đà lập nên nước Nam Việt, thì người Việt vẫn còn là một quốc gia độc lập trong vùng miền Bắc Việt Nam, bằng những hành động quân sự, những toan tính chính trị, Triệu Đà đã chiếm nốt phần đất còn lại của người Việt, sáp nhập vào nước Nam Việt, chính thức khiến người Việt mất đi chủ quyền và sự tự chủ. Vì vậy, về lịch sử, thì Triệu Đà không phải là vị vua chính thống của người Việt, ông là ngoại tộc, quan của quân xâm lược cai trị người Việt, sau đó còn xâm phạm chủ quyền chính thống của người Việt trong vùng đất độc lập cuối cùng tại Việt Nam. Ở các phần sau, chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm về nguồn gốc của Triệu Đà, phản biện các giả thuyết không chính xác liên quan tới nguồn gốc của ông, xác định cơ cấu văn hóa của nước Nam Việt, từ đó củng cố nhận định về vị trí của nước Nam Việt và nhà Triệu trong lịch sử Việt Nam.

III. Nguồn gốc Triệu Đà và các giả thuyết về nguồn gốc của Triệu Đà:

Một vấn đề rất quan trọng trong việc tìm hiểu và xác định về tính thống của nhà Triệu và nước Nam Việt trong dòng lịch sử Việt Nam, đó là vấn đề về nguồn gốc của Triệu Đà. Trong thời gian gần đây, thì có một số giả thuyết đã được đề ra bởi một số tác giả cho rằng Triệu Đà là người Việt, thậm chí là con cháu của vua Hùng! Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân chính tác động tới việc nhận định về nhà Triệu và nước Nam Việt, khi nhiều người đã cho rằng Triệu Đà là người Việt, nên triều đại này từ đó mặc định là của người Việt, cũng từ đó, một số người đồng thuận với giả thuyết Triệu Đà là người Việt cũng cho rằng Sử ký của Tư Mã Thiên đã ngụy tạo lịch sử để biến Triệu Đà thành người Hoa Hạ.

Nhưng những giả thuyết về Triệu Đà là người Việt, nếu bạn đọc xem xét kỹ, sẽ nhận thấy các tác giả đề ra những giả thuyết này đã dựa trên những cơ sở lập luận rất yếu, chủ yếu dựa trên sự suy diễn chủ quan, không có bất cứ bằng chứng nào từ lịch sử chứng minh những điều họ tuyên bố, thậm chí có tác giả còn ngụy tạo ghi chép, gán ghép cho người đời trước để biến một thuyết mới về nguồn gốc của Triệu Đà trở nên có cơ sở. Chúng tôi sẽ từng bước phân tích các giả thuyết liên quan tới nguồn gốc của Triệu Đà, phân tích sự sai lệch trong suy diễn lịch sử và ngụy tạo lịch sử của các tác giả này.

1. Triệu Đà người Thái Bình:

Giả thuyết Triệu Đà là người Thái Bình bắt nguồn từ bài viết của Bách Việt trùng cửu [14], trong bài viết này, thì tác giả Bách Việt trùng cửu chủ yếu dựa trên những lập luận rất mơ hồ, dựa trên một số chi tiết nhỏ trong ghi chép lịch sử, từ đó suy diễn một cách rất chủ quan về vấn đề nguồn gốc của Triệu Đà.

Trong bài viết của mình, tác giả Bách Việt trùng cửu cho rằng: “Cùng năm Tần đánh Việt thì Mông Điềm mới vượt sông Hoàng Hà đánh Hung Nô và người Nhung, lập các huyện mới. Vậy đất Hà Bắc, tức là Bắc sông Hoàng Hà, tới lúc này mới lọt vào tay Tần, lấy đâu ra ông Triệu Đà người Hà Bắc lại cùng năm đó làm tướng Tần đánh Việt được?”. [14]

Ngay trong đoạn trích từ Sử Ký (Tần bản kỷ) mà tác giả đã dẫn cũng đã nói: “Ở phía Tây Bắc đánh đuổi Hung Nô”, Hung Nô có địa bàn chủ yếu là phía Tây Bắc Trung Quốc, Hà Bắc cũng nằm ở phía Bắc sông Hoàng Hà nhưng lại ở phía Đông, nhà Tần “đánh Hung Nô” tức là đánh họ ở phía Tây Bắc thượng nguồn của con sông Hoàng Hà, hoàn toàn không phải là vùng Hà Bắc như tác giả Bách Việt trùng cửu đã suy diễn. Vùng Hà Bắc đã thuộc lãnh thổ của người Hoa Hạ từ thời kỳ nhà Thương, tới thời kỳ nhà Tần thì vùng này đã thuộc về lãnh thổ của người Hoa Hạ khoảng hơn 1000 năm, đây cũng chính là một trong những vùng đất diễn ra cuộc nội chiến đẫm máu: Xuân Thu – Chiến Quốc của các quốc gia hậu duệ nhà Chu của người Hoa Hạ. Vì vậy, tác giả Bách Việt trùng cửu cho rằng tới thời nhà Tần Hà Bắc mới thuộc lãnh thổ của người Hoa Hạ, từ đó suy diễn rằng Triệu Đà không thể có gốc Hoa Hạ là hoàn toàn không chính xác.

Bản đồ sông Hoàng Hà, Vạn Lý Trường Thành, và tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc. [Nguồn: chinahighlights]

Bản đồ thời nhà Thương đã bao gồm vùng Hà Bắc. [Nguồn]

Bách Việt trùng cửu lại tiếp tục lập luận trong bài viết của mình: “Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: “Bấy giờ nhà Tần đã chiếm cả thiên hạ, cướp lấy đất Dương Việt, đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận”. Như vậy thời kỳ này đất Giao Chỉ đã nằm trong đất nhà Tần. Huyện Chân Định hoàn toàn có thể nằm ở chính Giao Chỉ chứ không đâu xa. Sự thật thì huyện Chân Định thời Tần là ở đất Thái Bình ngày nay. Chân Định là tên cũ của huyện Kiến Xương, mãi tới thời Thành Thái (1889) mới đổi là huyện Trực Định phủ Kiến Xương tỉnh Thái Bình.” [14]

Đây là một lập luận rất nguy hiểm, khi tác giả này viết rằng “như vậy thời kỳ này đất Giao Chỉ đã nằm trong đất nhà Tần“, thời kỳ này, nhà Tần chưa chiếm được vùng miền Bắc Việt Nam. Vùng họ chiếm được mới chỉ là vùng Lĩnh Nam, Việt Nam vẫn là một quốc gia độc lập dưới sự lãnh đạo của An Dương Vương, chính là quốc gia Âu Lạc trong lịch sử, bản thân lịch sử Trung Hoa cũng đã chép về quốc gia này.

Sử ký, Nam Việt Úy Đà liệ truyện chép: “Đà nhân đó, dùng uy lực uy hiếp nơi biên giới, đem đồ đạc của cải đút lót các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc theo mình.” [13]

Từ một lập luận không chính xác làm cơ sở để tác giả này suy diễn và đưa ra giả định Chân Định có thể nằm ở Giao Chỉ! Không biết tác giả lấy logic gì để suy luận như vậy. Huyện Kiến Xương đúng từng có tên là huyện Chân Định, nhưng cái tên này thực tế mới chỉ có từ thời Lê Trung Hưng, vào thời nhà Trần, nó có tên là Chân Lợi, tới thời Lê mới đổi ra Chân Định, sau được Minh Mạng đổi thành Kiến Xương. Bởi vậy, không thể dùng tên gọi này để gán ghép với lịch sử một cách vô căn cứ như cách Bách Việt trùng cửu đã thực hiện được.

Tác giả Bách Việt trùng cửu lại viết: “Huyện Kiến Xương nay còn di tích là đền Đồng Xâm tại xã Hồng Thái thờ Triệu Vũ Đế, là bằng chứng rõ ràng rằng Chân Định của Triệu Đà là ở đất Thái Bình chứ không hề ở Hà Bắc, Trung Quốc. Tại Đồng Xâm Triệu Vũ Đế lấy vợ là Hoàng hậu Trình Thị. Như vậy Triệu Đà là người Việt chính gốc, chứ chẳng phải Tần hay Triệu nào ở tận Bắc Hoàng Hà.” [14]

Như chúng tôi đã chứng minh, việc gán ghép tên gọi Chân Định xuất hiện vào thời Lê Trung Hưng của huyện Kiến Xương vào ghi chép lịch sử là vô căn cứ. Thái Bình cũng là quê của vợ ông, nên việc có đền thờ ông và vợ ông tại đây cũng là một điều bình thường, sự xuất hiện đền thờ Triệu Đà ở Thái Bình cũng không thể là cơ sở để kết luận về nguồn gốc của ông.

Như vậy, thì tác giả Bách Việt trùng cửu đã dựa trên một số những lập luận không chính xác, có cơ sở hỗ trợ rất yếu để cho rằng Triệu Đà là người Việt, hoàn toàn không đưa ra được bằng chứng xác đáng nào từ lịch sử chứng minh rằng Triệu Đà là người Việt.

2. Triệu Đà là con cháu vua Hùng:

Đây là giả thuyết được Bùi Văn Nguyên đề xuất trong cuốn “Nguyễn Trãi và bản hùng ca đại cáo” xuất bản năm 1999 bởi Nhà xuất bản Khoa học Xã hội [15]. Trong cuốn sách, tác giả này đã viết ra một câu chuyện lịch sử cho rằng Triệu Đà là con cháu vua Hùng.

Theo cuốn sách Nguyễn Trãi và bản hùng ca đại cáo, thì Triệu Đà là con đẻ của Hùng Dực Công, gọi Hùng Duệ Vương (tức Hùng Vương 18) bằng bác. Lúc đầu, ông tên là Nguyễn Thân, sinh quán tại làng Chèm (Từ Liêm, Hà Nội ngày nay). Có viên quan úy nhà Tần là Nhâm Ngao làm chức úy ở quận Nam Hải, do có quan hệ qua lại với An Dương Vương Thục Phán nên xin Nguyễn Thân về làm gia nhân thân tín trong phủ. Sau đó, Nhâm Ngao đề nghị với An Dương Vương cử Nguyễn Thân sang làm con tin trong triều đình của Tần Thủy Hoàng. Do cao lớn, khỏe mạnh, giỏi võ nghệ, Nguyễn Thân được Tần Thủy Hoàng phong là Tư lệ Hiệu úy (một chức võ tướng) và gả con gái cho. Nguyễn Thân trở thành phò mã nhà Tần và là một võ tướng tài giỏi, đã có công lớn trong việc đánh dẹp quân Hung Nô. Ỏng đổi tên là Lý Ông Trọng. Được ít lâu, Lý Ông Trọng nhớ nhà, xin về thăm quê ở Chèm rồi không sang nữa. Quân Hung Nô lại xâm phạm biên giới nhà Tần. Tần Thủy Hoàng lại đòi ông sang nhưng An Dương Vương phải nói dối là ông đã chết. Sự thật thì Lý Ông Trọng chưa chết mà Nhâm Ngao đưa ông sang làm con nuôi Triệu Cao, viên hoạn quan thân tín của Tần Thủy Hoàng. Từ đây, Lý Ông Trọng đổi tên, gọi là Triệu Đà, theo họ của bố nuôi. Thủy Hoàng chết, Nhị Thế lên thay. Lúc này, Triệu Đà được làm chức huyện lệnh huyện Long Xuyên. Khi Nhâm Ngao, quan úy Nam Hái sắp mất, có gọi Triệu Đà đến, trao cho tờ chiếu giả, cho Đà thay Ngao làm úy Nam Hải. Từ đây, Đà bành trướng thế lực, đem quân đánh An Dương Vương. Việc Đà đánh An Dương Vương, xâm lược Âu Lạc được tác giả cho là chính đáng, để “đòi lại ngôi vua nhà Hùng” bị Thục Phán cướp mất trước đó 50 năm để “nối lại dòng chính thống họ Hùng”. [16]

Câu hỏi đầu tiên, là tác giả dựa vào đâu để viết ra câu chuyện rất chi tiết này? Ở phần đầu sách, tác giả gán ghép câu chuyện này cho tác giả Hồ Tông Thốc trong cuốn Việt Nam thế chí, nhưng Nam Việt thế chí đã thất truyền từ lâu, vậy làm sao tác giả Bùi Văn Nguyên có thể đọc được cuốn sách này để “viết lại” câu chuyện trên? Trong phần sau, thì tác giả lại viết rằng câu chuyện này do Nguyễn Phi Khanh, thân phụ Nguyễn Trãi viết ra, nhưng Nguyễn Phi Khanh là một nhà thơ, không có tác phẩm nào là về lịch sử, cụ thể là tác giả đã lấy từ sách nào của Nguyễn Phi Khanh thì cũng không được nói rõ. Vì vậy, đây hoàn toàn là sáng tác của Bùi Văn Nguyên, nhưng ông lại gán ghép cho các tác giả thời cổ đại để giúp sự sáng tạo của mình có phần đáng tin. [16]

Xét về nội dung câu chuyện, thì sách ghi lại sớm nhất về Lý Ông Trọng là Lĩnh Nam chích quái, truyện chỉ chép như sau: “Cuối đời Hùng Vương, ở huyện Từ Liêm, quận Giao Chỉ, có một người họ Lý tên là Thân, sinh ra to lớn, cao hai trượng ba thước; hung tợn, Thân giết người, tội đáng tử hình, nhưng Hùng Vương tiếc không nỡ giết.” [17], ngoài ra truyện không nhắc tới bất cứ mối liên hệ nào giữa vua Hùng và Lý Thân, hay giữa Lý Thân và Triệu Đà.

Về nội dung câu chuyện, thì nó cũng chỉ nhắc về việc An Dương Vương cống Lý Thân cho nhà Tần, sau đó được cho về nước, Tần Thủy Hoàng gọi nhưng Lý Thân không sang, phải bỏ mạng để vua Tần tin là ông đã chết thực. Ngoài ra không có thông tin nào khác về việc Lý Thân “sống lại” như những gì Bùi Văn Nguyên đã viết.

Truyện Lý Ông Trọng chép: “Đến đời An Dương Vương, Tần Thủy Hoàng muốn đem binh sang đánh nước ta, An Dương Vương bèn đem Lý Thân cống hiến; Thủy Hoàng được Lý Thân rất mừng, dùng làm quan Ty Lệ hiệu úy, Kịp lúc Thủy Hoàng nhất thống thiên hạ, Thân được sai đem binh ra giữ Lâm Thao, Hung nô không dám gần biên tái nên Thân được phong tước Vạn Tín Hầu, và được cho trở về nước. Sau Hung nô xâm phạm bờ cõi, Thủy Hoàng nhớ đến Lý Thân sai sứ sang vời; Thân không chịu đi mới trốn vào rừng khe; vua Tần trách hỏi; An Dương Vương tìm lâu không được, nói dối là Thân đã chết rồi, Vua Tần hỏi chết vì cớ gì. An Dương trả lời là đau bệnh tả. Thủy Hoàng sai Sứ sang nghiệm xem có phải không thì An Dương cho nấu cháo đổ xuống ao để làm thực tích. Thủy Hoàng bảo lấy thây đưa qua; Lý Thân bất đắc dĩ phải tự tận mà chết; người ta lấy thủy ngân ướp vào thây Lý Thân đưa sang nạp.” [17]

Có thể thấy, câu chuyện gốc hoàn toàn khác với những gì mà Bùi Văn Nguyên đã viết. Vậy nên, câu chuyện mà Bùi Văn Nguyên đã viết trong sách Nguyễn Trãi và bản hùng ca đại cáo hoàn toàn không có căn cứ, mà chính là một sự sáng tạo của tác giả này, lồng ghép vào trong tác phẩm của mình. Đây là một hành động rất nguy hiểm đối với vấn đề nguồn gốc dân tộc, bôi nhọ Tổ Tiên, làm vấn đề nguồn gốc của người Việt trở nên phức tạp và rắc rối hơn, đây cũng là một phần nguyên nhân khiến người Việt có những hiểu nhầm về thời kỳ Hùng Vương hay thời kỳ nước Nam Việt do Triệu Đà xây dựng nên.

3. Nguồn gốc của Triệu Đà:

Giả thuyết của Bách Việt trùng cửu phủ nhận nguồn gốc của Triệu Đà được ghi chép trong sách Sử ký của Tư Mã Thiên, nhưng hoàn toàn không đưa ra được bằng chứng nào chính xác hơn để hỗ trợ cho giả thuyết của mình, mà dựa trên những lập luận không có thực. Giả thuyết của Bùi Văn Nguyên cũng là một sự sáng tạo của tác giả này sau đó gán ghép cho các nhà Nho thời trung đại. Lịch sử Trung Quốc tuy không ít điều chép sai về người Việt, nhưng về cơ bản, nó cũng là nguồn tham khảo đáng tin cậy nhất mà chúng ta có được để tìm hiểu về lịch sử, tài liệu lịch sử Trung Quốc vẫn được các nhà nghiên cứu trên thế giới sử dụng làm nguồn tư liệu để tìm hiểu về lịch sử thời cổ của vùng Đông Á, hay thậm chí là cả vùng Đông Nam Á. Nếu không thể phủ nhận được toàn bộ giá trị của lịch sử Trung Quốc, thì đây vẫn là một nguồn tư liệu giá trị.

Về nguồn gốc của Triệu Đà, thì Tư Mã Thiên đã chép rõ, viết hẳn cho Triệu Đà một phần trong liệt truyện (Nam Việt Úy Đà liệt truyện), tường trình rất chi tiết gốc tích, việc làm quan trong nhà Tần, cát cứ xây dựng nên nước Nam Việt, sự bang giao với nhà Hán, hay sau đó là sự sụp đổ của nhà Triệu. Chắc chắn Tư Mã Thiên không thể sáng tạo nên một lịch sử chi tiết và chính xác với các tài liệu khảo cổ như vậy.

Sử ký, Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: “Vua Nam Việt họ Triệu tên là Đà người huyện Chân Định, trước làm quan úy. Bấy giờ nhà Tần đã chiếm cả thiên hạ, cướp lấy đất Dương Việt, đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận để đưa những người bị đày đến ở lẫn với người Việt. Như thế đã mười ba năm. Thời Tần, Đà được làm lệnh ở huyện Long Xuyên, thuộc quận Nam Hải.” [13]

Như vậy, thì sử Ký chép Triệu Đà quê ở huyện Chân Định, đây là một huyện nằm trong vùng Hà Bắc. Triệu Đà là một vị quan trong triều Tần, sau được phân làm huyện lệnh Long Xuyên trong vùng đất mà nhà Tần đã chiếm được của người Việt. Trong bức thư mà Hán Văn đế đã gửi Triệu Đà cũng cho thấy rằng Chân Định là quê hương của Triệu Đà, nơi có gia đình, anh em họ hàng và mồ mả tổ tiên.

Trong bức thư của Hán Văn đế gửi Triệu Đà chép như sau: “Trẫm xem thư của vương đã rút tướng quân Bác Dịch hầu về, còn các anh em của vương ở Chân Định cũng đã cho người đến hỏi thăm tư cấp, lại sửa sang cả phần mộ của tiên nhân.” [18]

Chính Triệu Đà cũng đã xác nhận về việc “Cao Hậu giết hết họ hàng Đà, đào mồ mả, hài cốt cha ông Đà”, sự kiện ấy chắc chắn không thể diễn ra trong vùng miền Bắc Việt Nam (mà khi ấy Triệu Đà chưa chiếm được).

Sử ký, Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: “Lục Giả đến nơi, Nam Việt Vương sợ hãi, làm giấy tạ tội rằng: “Thần tên là Đà, là một kẻ già ở man di. Ngày trước Cao Hậu gạt bỏ Nam Việt, thần trộm ngờ Trường Sa Vương đã gièm pha thần. Lại nghe đồn Cao Hậu giết hết họ hàng Đà, đào mồ mả, đốt hài cốt cha ông Đà. Vì thế nên liều mạng xâm phạm biên cảnh quận Trường Sa.” [13]

Nguồn gốc của Triệu Đà đã được các tài liệu lịch sử Trung Quốc ghi chép rất chi tiết và đầy đủ. Qua việc khảo cứu về văn hóa nước Nam Việt từ lăng mộ Nam Việt Vương Triệu Mộ và một số yếu tố văn hóa của quốc gia này, những bằng chứng khảo cổ cũng sẽ trực tiếp xác minh về nguồn gốc của Triệu Đà như các tài liệu lịch sử đã ghi chép lại.

IV. Những yếu tố văn hóa của nhà Triệu và triều đình Nam Việt:

Từ các ghi chép lịch sử, chúng ta đã biết được rằng Triệu Đà có quê ở huyện Chân Định, thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày nay, vì vậy, Triệu Đà có nguồn gốc từ người Hoa Hạ, lịch sử đã cho thấy được sự duy trì nguồn gốc Hoa Hạ, cũng như tâm thức hướng về triều đình phương Bắc của ông. Các tài liệu khảo cổ cũng sẽ cho chúng ta thấy được ý thức duy trì văn hóa Hoa Hạ rất mạnh của Triệu Đà, hay cháu (người kế thừa trực tiếp ngôi vị của ông) là Triệu Mộ, chúng cũng cho thấy được nền tảng văn hóa của nước Nam Việt, từ đó giúp chúng ta có cơ sở để nhận định về tính chính thống của nhà Triệu trong lịch sử Việt Nam.

1. Cốt lõi văn hóa của triều đình Nam Việt:

Các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã khám ra lăng mộ của Nam Việt Vương Triệu Mộ (Triệu Văn Vương), Triệu Mộ là cháu nội của Triệu Đà, được cho là con của Trọng Thủy, ông đã kế thừa trực tiếp ngôi vị từ ông nội của mình. Những khám phá từ khu lăng mộ của Triệu Mộ là những tư liệu cực kỳ quan trọng, cho chúng ta thấy được cơ cấu và cốt lõi văn hóa của triều đình nước Nam Việt.

1.1. Đặc trưng văn hóa lăng mộ:

Đầu tiên, thì lăng mộ chính là đặc trưng cơ bản nhất của các bậc đế vương Trung Hoa, họ thường xây dựng nên những lăng mộ to lớn khi chết, được chôn cùng với khối lượng khổng lồ những cổ vật đắt giá bằng đủ loại chất liệu, giống như một cung điện đích thực như khi họ còn sống. Thông qua lăng mộ của Nam Việt Vương Triệu Mộ, chúng ta thấy được rằng cách thức chôn cất theo hình thức lăng mộ cho thấy văn hóa cốt lõi của triều đình Nam Việt là văn hóa Hoa Hạ. Văn hóa Việt hoàn toàn không tồn tại hình thức lăng mộ to lớn như vậy, các bậc đế vương của người Việt chỉ được táng địa (cùng với mộ thuyền) như thường dân, khác biệt là sẽ được chôn một khu riêng, có thêm nhiều cổ vật có giá trị hơn được chôn cùng so với các ngôi mộ của thường dân. Đây là một đặc trưng phân biệt rất rõ ràng về văn hóa Việt và văn hóa Hoa Hạ, cho thấy được nguồn gốc văn hóa của triều đình nước Nam Việt.

Một số bức ảnh về khu lăng mộ Nam Việt Vương Triệu Mộ. [Nguồn: tổng hợp]

1.2. Triệu Mộ được chôn cất cùng với ngọc y:

Một điểm quan trọng nữa, là Triệu Mộ, vua của nước Nam Việt đã sử dụng ngọc y 玉衣, một bộ áo táng bằng ngọc, là đặc trưng quan trọng trong văn hóa chôn cất của nhà Hán, tất nhiên người Việt cũng không có hình thức sử dụng ngọc làm thành bộ trang phục tùy táng (rất xa hoa) như nhà Hán, nên đây cũng là một cơ sở để cho thấy rằng Triệu Mộ hay triều đình Nam Việt nói chung có ý thức văn hóa Hoa Hạ rất mạnh.

Ngọc Y sử dụng cho Triệu Mộ trong lăng mộ của ông được tìm thấy tại Quảng Tây. [Nguồn: Museum of the Western Han Dynasty Mausoleum of the Nanyue King]

Ngọc Y nhà Tây Hán. [Nguồn: The Metropolitan Museum of Art]

1.3. Văn hóa của triều đình Nam Việt thông qua các cổ vật:

Văn hóa của triều đình Nam Việt cũng đã thể hiện rõ ràng thông qua các cổ vật của lăng mộ Nam Việt Vương Triệu Mộ dưới từng loại hình cổ vật. Văn hóa Hoa Hạ mang đặc trưng quan trọng nhất, đó là cực kỳ chuộng đồ ngọc, sau đó là các cổ vật bằng vàng, bằng gốm và bằng đồng, tất cả các loại hình cổ vật đều mang đặc trưng của văn hóa Hoa Hạ, người Việt ưa chuộng đồ đồng, hầu hết các cổ vật đều được đúc bằng đồng (với ý nghĩa tâm linh quan trọng với người Việt), mang những đặc trưng hoàn toàn khác biệt so với các cổ vật của nhà Hán.

 Những chiếc ấn bằng ngọc và vàng:

Ấn là loại hình hiện vật đặc trưng của các triều đình Hoa Hạ, chúng thường xuyên xuất hiện và có vai trò quan trọng trong hoạt động của các quốc gia của người Hoa Hạ. Trong khu lăng mộ Nam Việt Vương Triệu Mộ tìm thấy rất nhiều ấn bằng vàng và bằng ngọc dùng cho cả vua và quan lại của triều đình quốc gia này. Chữ được khắc trên các chiếc ấn là chữ Hán.

Những chiếc ấn bằng ngọc và bằng vàng của nước Nam Việt. [Nguồn: Museum of the Western Han Dynasty Mausoleum of the Nanyue King]

Các cổ vật bằng ngọc:

Ưa chuộng ngọc là một trong những đặc trưng văn hóa quan trọng của người Hoa Hạ, người Việt từng rất chuộng ngọc trong các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà, nhưng khi xuất hiện đồ đồng, với đặc tính tâm linh và cảm ứng của chất liệu đồng, họ đã chuyển hẳn sang sử dụng đồ đồng, chỉ còn sử dụng ngọc trong một số trang sức như vòng cổ, khuyên tai, vòng tay.

Đây cũng là một đặc điểm phân biệt giữa văn hóa tộc Việt và văn hóa Hoa Hạ, các cổ vật trong khu lăng mộ Nam Việt Vương Triệu Mộ nổi bật nhất chính là các cổ vật bằng ngọc, với bộ đồ tùy táng vua bằng ngọc như chúng tôi đã dẫn ở trên, ngoài ra, thì còn rất nhiều những cổ vật bằng ngọc khác hoàn toàn là của văn hóa Hoa Hạ như những cổ vật dưới đây.

Những cổ vật bằng ngọc của nước Nam Việt. [Nguồn: Museum of the Western Han Dynasty Mausoleum of the Nanyue King]

Các cổ vật bằng đồng:

Quan sát những cổ vật bằng đồng, có thể nhận thấy hầu hết những cổ vật trong lăng mộ Nam Việt Vương Triệu Mộ là của người Hoa Hạ, hoàn toàn khác với các loại hình cổ vật bằng đồng truyền thống của người Việt thời văn hóa Đông Sơn [7], cả về kỹ thuật đúc, hình dáng và chức năng.

Những cổ vật bằng ngọc của nước Nam Việt. [Nguồn: Museum of the Western Han Dynasty Mausoleum of the Nanyue King]

Bên cạnh đó, trong lăng mộ này cũng tìm thấy rất nhiều đỉnh đồng, đây chính là hiện vật cốt lõi của văn hóa Hoa Hạ, tương đương với vai trò của trống đồng trong văn hóa Đông Sơn, cũng có chức năng biểu trưng cho quyền lực và thờ Trời.

Đỉnh đồng trong lăng mộ Nam Việt Vương Triệu Mộ. [Nguồn: Bảo tàng Lăng mộ vua Nam Việt Tây Hán]

Các cổ vật bằng vàng:

Người Việt không chuộng vàng, nhưng văn hóa Hoa Hạ lại ưa chuộng các đồ vật bằng vàng, trong lăng mộ của Nam Việt Vương Triệu Mộ đã tìm thấy một số cổ vật bằng vàng với hình dáng, hoa văn, kỹ thuật chế tác là của người Hoa Hạ.

Những cổ vật bằng vàng của nước Nam Việt. [Nguồn: Museum of the Western Han Dynasty Mausoleum of the Nanyue King]

Các cổ vật bằng gốm sứ:

Gốm sứ cũng có thể nói là một trong những đặc trưng quan trọng nhất trong văn hóa vật chất của người Hoa Hạ, trong khu lăng mộ Nam Việt Vương Triệu Mộ, cũng đã tìm thấy rất nhiều các cổ vật bằng gốm sứ với kiểu dáng, kỹ thuật hoàn toàn là của người Hoa Hạ.

Những cổ vật bằng gốm sứ trong lăng mộ Nam Việt Vương Triệu Mộ. [Nguồn: Museum of the Western Han Dynasty Mausoleum of the Nanyue King]

Dàn nhạc của nước Nam Việt:

Dàn nhạc của triều đình nước Nam Việt mang hoàn toàn những đặc trưng của văn hóa Hoa Hạ, với chuông đồng và chuông đá tạo thành các bộ nhạc cụ thường xuất hiện trong các triều đình Hoa Hạ.

Dàn nhạc bằng đồng và bằng đá trong lăng mộ Nam Việt Vương Triệu Mộ. [Nguồn: Bảo tàng lăng mộ Nam Việt Vương, chụp bởi Gary Todd: 1, 2]

Tiểu kết:

Ngoài những cổ vật đã được chúng tôi dẫn trong bài viết này, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về cổ vật nước Nam Việt qua các trang bảo tàng: Bảo tàng lăng mộ Nam Việt Vương, chụp bởi Gary Todd; Museum of the Western Han Dynasty Mausoleum of the Nanyue King, Google Arts & Cultures; Bảo tàng Lăng mộ vua Nam Việt Tây Hán, các cổ vật đặc trưng văn hóa Hoa Hạ còn nhiều loại hình mà chúng tôi không dẫn ra để tránh cho bài quá dài.

Qua một hành trình tìm hiểu về toàn bộ các loại hình cổ vật trong lăng mộ Nam Việt Vương Triệu Mộ, chúng ta thấy được rằng các cổ vật của triều đình Nam Việt có đặc trưng của văn hóa Hoa Hạ thống trị tuyệt đối, dấu ấn duy nhất từ văn hóa Đông Sơn của tộc Việt trong khu lăng mộ này, đó chỉ là một số chiếc thạp đồng, hiện vật quan trọng nhất trong văn hóa Việt là trống đồng thì lại không có, từ đó chúng ta thấy được rằng triều đình Nam Việt hầu như hoàn toàn không quan tâm tới việc bảo tồn văn hóa Việt, chỉ xem văn hóa Việt như một nền văn hóa của người man di, những chiếc thạp đồng xuất hiện trong lăng mộ này có thể nói chỉ như một sự “sưu tầm” tô điểm thêm cho khu lăng mộ mà thôi.

Thạp đồng Đông Sơn trong lăng mộ Nam Việt Vương Triệu Mộ. [Nguồn: Museum of the Western Han Dynasty Mausoleum of the Nanyue King]

1.4. Kiến trúc nước Nam Việt:

Bên cạnh lăng mộ Nam Việt Vương Triệu Mộ, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã tìm thấy dấu tích công trình kiến trúc cung điện của quốc gia Nam Việt trong vùng Quảng Châu. Họ cũng đã tiến hành phục dựng kiến trúc của kinh đô nước Nam Việt dựa trên những khám phá từ các nghiên cứu khảo cổ học, kiến trúc của trung tâm Nam Việt là kiến trúc đặc trưng của văn hóa Hoa Hạ vào thời nhà Hán, hoàn toàn không có liên hệ gì tới kiến trúc truyền thống của văn hóa Đông Sơn là nhà sàn mái cong.

Phối cảnh kiến trúc nước Nam Việt được thực hiện bởi Bảo tàng địa điểm khảo cổ Cung điện Nam Việt tại Quảng Châu dựa trên các cuộc khai quật khảo cổ. [Nguồn: 1,2,3; 4.]

Ngói, một bộ phận trong kiến trúc nước Nam Việt cũng mang những đặc trưng của văn hóa Hoa Hạ. [Nguồn]

1.5. Chữ viết của nước Nam Việt:

Chữ viết của nước Nam Việt là chữ Hán, trên nhiều cổ vật của quốc gia này đã được khắc chữ Hán, ví dụ như những viên ngói mang đặc trưng văn hóa Hoa Hạ ở phía dưới có khắc chữ: “Nam Việt vạn tuế”.

Những viên ngói có khắc chữ 南越国万岁 Nam Việt vạn tuế. [Nguồn]

Trong tất cả các cổ vật có chữ khác trong lăng mộ Nam Việt Vương Triệu Mộ, thì các văn tự được khắc và vẽ đều là chữ Hán.

Các cổ vật có khắc và vẽ chữ trong khu lăng mộ Nam Việt Vương Triệu Mộ. [Nguồn: Google Arts & Cultures]

1.6. Chiến xa, giáp và trang phục nam giới nước Nam Việt:

Chiến xa là một trong những đặc trưng phân biệt văn hóa Việt và văn hóa Hoa Hạ, văn hóa Hoa Hạ tiếp nhận kỹ thuật xe ngựa từ vùng Tây Á vào khoảng thời kỳ nhà Hạ, đó là nền tảng quan trọng tạo nên sức mạnh quân sự vượt trội của tộc người này. Trong lăng mộ của Nam Việt Vương Triệu Mộ cũng đã tìm thấy kết cấu một bộ xe ngựa và xương ngựa.

Chiến xa và dây buộc ngựa trong lăng mộ Nam Việt Vương Triệu Mộ. [Nguồn: Bảo tàng lăng mộ Nam Việt Vương, chụp bởi Gary Todd: 1, 2]

Giáp trụ của nước Nam Việt cũng là giáp lamellar với kết cấu đặc trưng của nhà Hán.

Giáp chiến binh nước Nam Việt cũng là giáp đặc trưng của nhà Hán. [Nguồn: Gary Todd, chụp tại bảo tàng Lăng mộ Nam Việt Vương]

Nam giới nước Nam Việt cũng mặc áo giao lĩnh, nhưng đã chuyển sang vạt phải, ngược với truyền thống áo vạt trái của người Việt.

Trang phục nam giới nước Nam Việt trên cổ vật trong lăng mộ vua Nam Việt Triệu Mộ. [Nguồn: Google Arts & Cultures]

1.7. Tiểu kết:

Từ tất cả các đặc trưng văn hóa của quốc gia Nam Việt, chúng ta thấy được rằng triều đình nước Nam Việt kế thừa ý thức văn hóa Hoa Hạ rất mạnh mẽ, hầu như không thấy sự xuất hiện của những dấu ấn rõ nét của văn hóa Việt trong triều đình nước Nam Việt, từ kiến trúc, trang phục, kiến trúc lăng mộ đế vương, ngọc y, tới tất cả các loại hình cổ vật đều có đặc trưng của văn hóa Hoa Hạ. Cổ vật mang đặc trưng văn hóa tộc Việt hiếm hoi, đó là những chiếc thạp bằng đồng, sự xuất hiện của chúng lọt thỏm trong không gian văn hóa chỉ toàn văn hóa Hoa Hạ của triều đình Nam Việt, nó xuất hiện giống như một vật sưu tầm, một công cụ tô điểm thêm chút khác biệt cho lăng mộ của Triệu Mộ thôi vậy.

Nếu xét về huyết thống, thì Triệu Mộ là cháu của Triệu Đà, cũng mang trong mình dòng máu của người Việt, sinh ra và lớn lên ở đất Việt, đáng lẽ ông phải có chút gì đó hướng về văn hóa Việt hơn, tuy nhiên, trong văn hóa triều đình Nam Việt được thể hiện trong lăng mộ của ông hầu như không thấy dấu ấn của văn hóa Việt. Từ đó, thì chúng ta cũng thấy được rằng Triệu Đà còn duy trì những đặc trưng văn hóa Hoa Hạ nhiều hơn là Triệu Mộ, bởi ông là hậu duệ trực tiếp của người Hoa Hạ, không có dòng máu Việt. Vì vậy, hoàn toàn không cơ sở để cho rằng Triệu Đà, hay quốc gia Nam Việt do ông ta xây dựng nên duy trì văn hóa Việt như chúng ta vẫn thường nhận định, mà ngược lại, còn thực hiện những chính sách truyền bá và ảnh hưởng văn hóa Hoa Hạ tới văn hóa tộc Việt, hay chính là chính sách “hòa hợp Bách Việt” mà tài liệu lịch sử chúng tôi dẫn đã nhắc tới.

2. Chính sách hòa hợp Bách Việt và sự truyền bá văn hóa Hoa Hạ vào thời nhà Triệu:

Như chúng tôi đã dẫn tài liệu ở trên, thì Triệu Đà mang sứ mệnh “hòa hợp Bách Việt”, thực ra, thì sứ mệnh này chính là sự truyền bá một chiều văn hóa Hoa Hạ tới văn hóa tộc Việt. Những sản phẩm văn hóa Hoa Hạ đã theo cuộc xâm lược của nhà Tần, theo di dân mà triều đại này đem xuống vùng Lĩnh Nam mà ảnh hưởng tới văn hóa tộc Việt.

Người Việt vào thời kỳ Nam Việt thành lập, vẫn là một quốc gia Âu Lạc độc lập trong vùng miền Bắc Việt Nam, tuy nhiên, trong cơ cấu văn hóa Âu Lạc, chúng ta đã thấy được những ảnh hưởng của văn hóa Hoa Hạ tới văn hóa tộc Việt, với những mảnh ngói, sành sứ có đặc trưng văn hóa Hoa Hạ đã xuất hiện trong khu di tích thành Cổ Loa.

Ngói phong cách Tần – Hán tìm thấy trong khu vực thành Cổ Loa, kinh đô nước Âu Lạc. [Nguồn: Trịnh Hoàng Hiệp]

Triệu Đà và nước Nam Việt cũng đã thực hiện truyền bá chữ Hán vào văn hóa Việt, trong văn hóa Đông Sơn giai đoạn muộn, có một số cổ vật như trống đồng, thạp đồng Đông Sơn đã được khắc chữ Hán, vì là thứ chữ ngoại lai được người Việt khắc lên các đồ đồng nên không đẹp như các cổ vật do chính người Hoa Hạ tạo ra.

Chữ Hán bắt đầu được khắc trên các trống đồng và đồ đồng Đông Sơn vào thời Triệu Đà – An Dương Vương. [Nguồn: 1, 2, 3]

3. Triệu Đà và một số yếu tố được cho là theo văn hóa của người Việt:

Trong việc công nhận nhà Triệu là triều đại chính thống của Việt Nam được dựa trên một số yếu tố nhỏ như việc Triệu Đà lấy vợ Việt, hay Triệu Đà có theo phong tục của người Việt như mặc áo vạt trái hoặc ngồi xổm (điều mà sử sách Trung Quốc cho rằng là đặc trưng của người Việt).

Về vấn đề lấy vợ Việt, thì Triệu Đà lập quốc trên đất của người Việt, thì ông cũng phải thực hiện một số chính sách hòa hoãn nhất định để người Việt không nổi dậy chống lại ông ta, việc lấy vợ Việt là một trong những hành động để lấy lòng người Việt, vì vậy nên chúng tôi cho rằng đây không phải là cơ sở để cho rằng Triệu Đà lập nên quốc gia vì người Việt. Bên cạnh đó, thì chi tiết Triệu Đà mặc áo vạt trái hoàn toàn không chính xác, bởi câu được cho là về Triệu Đà thực ra là ghi chép về một người đàn ông nước Triệu trong vùng Đông Bắc Trung Quốc.

Bản dịch trước đây về câu trong Sử Ký nhắc tới phong tục áo vạt trái: “Phu (Triệu Đà) cắt tóc xăm mình, mặc áo quấn thân áo sang trái, giống như dân Âu Việt vậy”, câu chính xác trong Sử Ký là: “翦發文身,錯臂左衽,甌越之民也” [19] – tạm dịch: “Phu cắt tóc, xăm mình, mặc áo vạt trái giống như dân Âu Việt vậy” nằm trong phần Triệu thế gia của Sử ký. Câu này hoàn toàn không có ý nhắc tới Triệu Đà. Như vậy thì chi tiết này về vấn đề Triệu Đà mặc áo vạt trái giống như người Việt là không chính xác.

Vì vậy, cơ sở để cho rằng Triệu Đà theo phong tục của người Việt, lập nên quốc gia riêng cho người Việt là rất yếu, thực tế thì qua những bằng chứng khảo cổ, chúng ta đã thấy được cơ cấu văn hóa của nước Nam Việt từ cung điện, kiến trúc, phong tục mai táng, các loại hình cổ vật, chữ viết tới phong tục, đều mang đặc trưng của văn hóa Hoa Hạ, hầu như không thể tìm thấy những dấu ấn rõ nét của văn hóa Việt. Nên câu chuyện Tư Mã Thiên viết rằng “Triệu Đà biết chiêu tập được bọn Dương Việt để bảo vệ bờ cõi phía Nam” là có cơ sở trong thực tế khảo cổ học. Triệu Đà đã thực sự xây dựng nên một triều đại do người Hoa Hạ làm chủ, truyền bá những đặc trưng văn hóa Hoa Hạ tới cộng đồng tộc Việt trong vùng Lĩnh Nam, xây dựng nên một phương quốc để “bảo vệ bờ cõi phía Nam” (mà họ chiếm được của người Việt) như Tư Mã Thiên đã nói.

V. Phân tích và kết luận:

Câu chuyện tính chính thống của Triệu Đà gây ra những tranh cãi khá gay gắt, vốn xuất phát từ vấn đề người Việt chưa thực sự hiểu rõ về nguồn gốc của dân tộc mình, bên cạnh đó, họ cũng chưa tiếp cận vấn đề cơ cấu văn hóa của nhà Triệu dựa trên những cơ sở về khảo cổ học, mà mới chỉ tiếp cận vấn đề bằng những biểu hiện bề ngoài có phần nào đó cảm tính và không có căn cứ thực tế. Từ những cơ sở khảo cổ học và lịch sử lịch sử, chúng ta đã thấy được nước Nam Việt là một triều đại kế thừa truyền thống và văn hóa Hoa Hạ, toàn bộ những đặc trưng văn hóa của nước Nam Việt, đều là văn hóa Hoa Hạ, triều đình Nam Việt cũng đã thực hiện chính sách “hòa hợp Bách Việt”, có thể hiểu đó là một sự dung hợp hai nền văn hóa Việt và Hoa, trong đó chủ yếu là sự truyền bá văn hóa Hoa Hạ tới văn hóa Việt, chính là một bước đệm để giúp cho tiến trình đồng hóa sau này của các triều đại Hoa Hạ trở nên dễ dàng hơn. Vì nguồn gốc của Triệu Đà là Hoa Hạ, nên về ý thức, ông cũng hướng về Hoa Hạ rất mạnh, các cổ vật và đặc trưng văn hóa nước Nam Việt đã cho thấy rõ ràng điều đó. Cũng vì gốc Hoa Hạ, nên ông ta cũng dễ dàng chấp nhận “cống lễ”, xưng thần với nhà Hán, mặc dù bên trong xưng đế, nhưng nó cũng không có nhiều ý nghĩa để nhận định về vai trò của nước Nam Việt với người Việt trong mối quan hệ với Trung Hoa. Cháu của ông là Triệu Mộ tuy sinh ra ở đất Việt, có mẹ và bà là người Việt, nhưng những dấu ấn trong lăng mộ của ông đã cho thấy ông đã kế thừa rất toàn diện ý thức Hoa Hạ của Triệu Đà.

Từ đây, chúng ta đã có cơ sở để nhận định khách quan hơn về nhà Triệu và nước Nam Việt: triều đại này là một triều đại do người Hoa Hạ lập nên, văn hóa nước Nam Việt có nền tảng là văn hóa Hoa Hạ, xét từ thực tế này, thì vị trí nước Nam Việt cũng giống hệt như các triều đại Sở, Ngô, Việt trong lịch sử Hoa Hạ, cũng có cư dân là tộc Việt và quý tộc, hoàng gia là Hoa Hạ, nhưng xét ra, thì ít nhất hoàng tộc các triều đại Ngô, Việt còn theo văn hóa Việt như cắt tóc, xăm mình để lập quốc, các cổ vật cũng có bản sắc riêng, pha trộn giữa văn hóa Hoa Hạ và văn hóa Việt, còn Triệu Đà còn không thực hành những phong tục đó của người Việt, tất cả những đặc trưng của triều đại mà ông ta dựng nên đều hoàn toàn có nguồn gốc từ văn hóa Hoa Hạ, không có bất cứ sự hòa trộn văn hóa Việt và Hoa nào được tìm thấy trên các cổ vật, từ đó có thể thấy Triệu Đà duy trì ý thức Hoa Hạ còn mạnh hơn các quốc gia Ngô và Việt.

Vì vậy, chúng tôi mong muốn đề xuất rằng nhà Triệu không phải là triều đại chính thống của người Việt, nước Nam Việt cũng không phải là quốc gia đầu tiên của trong lịch sử Việt Nam, mà đây là một quốc gia do người Hoa Hạ lập nên trên đất nhà Tần đã chiếm được của người Việt, nước Nam Việt có nền tảng hoàn toàn là văn hóa là Hoa Hạ. Quốc gia này không những không xây dựng nên một quốc gia thống nhất cho tộc Việt, mà còn xâm phạm chủ quyền trên lãnh thổ độc lập chính thống duy nhất còn lại của người Việt là nước Âu Lạc tại miền Bắc Việt Nam, khiến người Việt chính thức mất đi sự tự chủ, độc lập dưới sự cai trị của một triều đại gốc Hoa Hạ.

Lang Linh


Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1] Lang Linh (2021), Bức tranh di truyền về nguồn gốc của người Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/08/19/550-buc-tranh-di-truyen-ve-nguon-goc-cua-nguoi-viet/

[2] Lang Linh (2020), Khảo cứu về nguồn gốc dân tộc Việt https://luocsutocviet.com/2020/06/04/497-khao-cuu-ve-nguon-goc-dan-toc-viet/

[3] Colin Renfrew, Bin Liu (2018). The emergence of complex society in China: the case of Liangzhu. Antiquity;92(364):975-90.
https://www.cambridge.org/core/journals/antiquity/article/abs/emergence-of-complex-society-in-china-the-case-of-liangzhu/0D4FD61E9460755CED69047FAD7FA2AD

[4] Tống Kiến 宋建 (2017). Liangzhu – một quốc gia cổ đại phức tạp bị chi phối bởi thần quyền 良渚——神权主导的复合型古国. 东南文化;(1):6-15.

[5] Lang Linh (2021), Khái niệm tộc Việt và nguồn gốc cộng đồng tộc Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/09/29/553-khai-niem-toc-viet-va-nguon-goc-cong-dong-toc-viet/

[6] Lang Linh (2021), Lịch sử hình thành và tan rã của cộng đồng tộc Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/10/21/565-lich-su-hinh-thanh-va-tan-ra-cua-cong-dong-toc-viet/

[7] Lang Linh (2020), Tương quan cổ vật thời kỳ đồ đồng trong vùng Đông Á.
https://luocsutocviet.com/2020/05/25/494-tuong-quan-co-vat-thoi-ky-do-dong-trong-vung-dong-a/

[8] Lang Linh (2021), Phân tích về di truyền của cộng đồng tộc Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/10/12/556-phan-tich-ve-di-truyen-cua-cong-dong-toc-viet/

[9] Lưu An (đời Hán), Hoài Nam Tử, Nhân gian luận. https://ctext.org/huainanzi/ren-xian-xun

[10] Trần Việt Bắc (2007), Giao Chỉ và Tượng Quận
https://nghiencuulichsu.com/2019/01/17/giao-chi-va-tuong-quan/

[11] Phan Anh Dũng, Về phạm vi cư trú của người Lạc Việt
http://fanzung.com/?p=2379

[12] Tư Mã Thiên, Sử ký – Bản kỷ, Trần Quang Đức dịch, Nhà xuất bản Văn học. 2014.

[13] Sử ký Tư Mã Thiên, Tư Mã Thiên (Phan Ngọc dịch), NXB Văn Học, 2003.

[14] Bách Việt trùng cửu, Những nỗi oan của một vị vua Việt mang tên Triệu Đà.
https://trithucvn.org/van-hoa/nhung-noi-oan-cua-mot-vi-vua-viet-mang-ten-trieu-da.html

[15] Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Trãi và bản hùng ca đại cáo. NXB.Khoa học xã hội, Hà Nội (1999).

[16] Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ, Nhìn lại lịch sử. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2003.

[17] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, bản dịch Lê Hữu Mục, nhà sách Khai Trí (1960).

[18] Hán Thư, Nam Việt truyện. An Nam truyện, Châu Hải Đường (dịch và biên soạn). Nhà xuất bản Hội Nhà Văn (2021).

[19] Tư Mã Thiên, Sử Ký, Triệu Thế Gia. https://ctext.org/shiji/zhao-shi-jia/

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.