530. ☀ Lúa chiêm và vấn đề trồng lúa của người Việt

Trong bài viết: “Giống lúa chiêm của người Champa cổ” của tác giả Đồng Thành Danh [1], tác giả này cho rằng người Việt biết trồng lúa hai vụ là nhờ biết tới lúa Chiêm của người Champa. Trong các sách Hậu Hán Thư, Thủy Kinh chú cũng chép rằng người Việt phải nhờ tới Tích Quang, Nhâm Diên mới viết cày cấy, trồng lúa. Vậy sự thực là như thế nào? Chúng tôi sẽ khảo qua một số vấn đề liên quan tới bài viết này và vấn đề trồng lúa của người Việt.

I. Các giả thuyết về vấn đề trồng lúa của người Việt:

1. Giả thuyết về lúa chiêm của người Champa:

Trong bài viết chúng tôi đã dẫn của tác giả Đồng Thành Danh, tác giả này có viết như sau về lúa chiêm:

“Tài liệu cổ nhất ghi nhận về giống lúa này dưới tên gọi là bạch điền và xích điền có thể là Thủy Kinh chú (thế kỷ VI), sách chép: “…Nhân dân biết cày bừa cách đây hơn 600 năm… ruộng gọi là bạch điền thì trồng lúa trắng, tháng 7 đốt rẫy, tháng 10 lúa chín; ruộng gọi là xích điền thì trồng lúa đỏ, tháng 12 trồng thì tháng 4 lúa chính, người ta gọi hai vụ lúa là vậy…”

Giống lúa này đã nhanh chóng vượt ra khỏi biên giới quốc gia Champa để truyền sang Đại Việt. Người Việt gọi đây là giống lúa “Chiêm” (lúa của người Chiêm, Chiêm Thành tức Champa). Sau khi du nhập vào Đại Việt, giống lúa này đã tạo một cuộc cách mạng trong nghề trồng lúa, từ đây nông dân Đại Việt chuyển từ sản xuất một vụ trong một năm với giống lúa mùa trong vụ xuân – hè sang hai vụ với giống lúa “chiêm” vào vụ Đông – Xuân.” [1]

Như vậy tác giả Đồng Thành Danh cho rằng người Việt trồng lúa được hai vụ là nhờ có lúa chiêm du nhập từ Champa vào Đại Việt.

Vấn đề đầu tiên chúng tôi muốn đề cập tới, là cách trích dẫn của tác giả Đồng Thành Danh chưa ổn, đoạn trích mà tác giả Đồng Thành Danh dẫn từ Thủy Kinh chú là đoạn trích nói về việc trồng lúa ở Cửu Chân và Giao Chỉ.

Bản gốc trong Thủy Kinh chú: “Ruộng gọi là bạch điền, thì trồng lúa trắng. [Thủ Kính chú: theo “Tấn thư, Phó Huyền truyện”, ruộng bạch điền thu đến hơn 10 hộc, ruộng nước thu được vài mươi hộc, bạch điền thu đén hơn 10 hộc, ruộng nước thu được vài mươi hộc, bạch điền có phải là ruộng khô không? Tháng 7 đốt rẫy, [Thủ Kính chú: “Ngự lãm” dẫn câu này viết là tháng 7 đại tác là tháng 7 làm lớn. “An Nam chí lược” viết là tháng 5. Khảo cứu “Tề dân yếu thuật” dẫn “Dị vật chí” nói: lúa trồng hai vụ hè và đông ở Giao Chỉ, gọi vụ hè thì chữ tháng 5 là đúng, ở dưới “tháng 12 làm” là thí dụ, thì chữa hỏa trong hỏa tác là đốt rẫy, là thừa, sửa lại chữ đại cũng sai.] tháng 10 có lúa chính, ruộng gọi là xích điền, thì trồng lúa đỏ, tháng 12 trồng, tháng 4 có lúa chín, người ta gọi hai vụ lúa là vậy.” [2]

Như vậy tác giả Đồng Thành Danh dẫn tài liệu trong Thủy Kinh chú để xác định về nguồn gốc của lúa chiêm là có sự nhầm lẫn. Sách Thủy Kinh chú chép đoạn trên là về việc trồng lúa ở Giao Chỉ, Cửu Chân, không nói gì tới việc lúa Champa du nhập vào Việt Nam. Tài liệu này cũng đồng thời phủ nhận lập luận của tác giả Đồng Thành Danh cho rằng người Việt biết trồng lúa vụ đông là nhờ vào lúa của người Champa, người Việt (Giao Chỉ) đã biết canh tác lúa hai vụ, vụ hè vào tháng 5 và vụ đông vào tháng 12.

Vấn đề tiếp theo, chúng tôi sẽ khảo cứu các tài liệu khảo cổ, để tìm hiểu thông tin về nghề trồng lúa cũng như các giống lúa và các vụ lúa trong đời sống của người Việt các thời kỳ.

2. Giả thuyết về vấn đề người Việt không biết trồng lúa và cày bừa:

Các sách Hậu Hán Thư, Thủy Kinh chú chép như sau về người Việt:

Hậu Hán Thư chép: “Quang Vũ trung hưng, Tích Quang coi Giao Chỉ, Nhâm Diên coi Cửu Chân, mới dạy cho dân ở đó biết cày cấy.” [3]

Thủy Kinh chú chép: “Thái thú quận Cửu Chân là Nhâm Diên, bắt đầu dạy dân cày bừa. Việc giáo hóa tập tục ở đất Giao Chỉ đã nhanh chóng lan đến đất Tượng Lâm. Nhân dân biết cày bừa đến nay đã hơn 600 năm.” [2]

Chúng ta cần chú ý tới tổng thể nội dung của các sách này, các tác giả đã không khách quan và trung thực trong các đoạn chép về người Việt, sử dụng những hình ảnh và câu từ xấu xí để mô tả người Việt, xem người Việt như một giống người không có văn minh, sống như người nguyên thủy, với những thiên kiến nặng nề như vậy, thì chúng ta có thể kết luận những điều sách này viết về trình độ văn minh của người Việt là không đủ cơ sở tin cậy. Ở phần tiếp theo, chúng tôi cũng sẽ khảo cứu sâu về các tài liệu khảo cổ để chúng ta biết được người Việt trồng lúa từ khi nào, kỹ thuật trồng lúa ra sao, có thực phải nhờ tới Nhâm Diên, Tích Quang khai sáng việc trồng lúa và cày bừa hay không.

II. Các tài liệu khảo cổ về lúa nước:

Phần này chúng tôi sẽ tìm hiểu qua về nguồn gốc của cây lúa nước, cũng như tìm hiểu về nguồn gốc của cây lúa, thời điểm người Việt trồng lúa, bên cạnh đó vấn đề trồng lúa một hoặc hai vụ vào thời Đông Sơn nhằm làm sáng tỏ các giả thuyết về việc người Việt không biết trồng lúa, và người Việt chỉ biết trồng một vụ lúa.

Như chúng tôi đã dẫn và chứng minh trong nhiều bài viết, thì người Việt có nguồn gốc từ vùng Dương Tử theo các nghiên cứu di truyền [4][5], chính vì vậy để tìm hiểu về nguồn gốc cây lúa, chúng ta cần kết hợp cả các tư liệu tại vùng Dương Tử để thấy được sự phát triển và lịch sử canh tác lúa của người Việt.

1. Tài liệu khảo cổ tại vùng Dương Tử:

Dấu tích khảo cổ về lúa nước được thuần hóa sớm nhất được tìm thấy tại vùng hạ lưu Dương Tử, có niên đại vào khoảng 10,500 tới 12,000 trước ngày nay tại di chỉ Shangshan [6], đây là dấu tích khảo cổ về hạt lúa được thuần hóa sớm nhất trên thế giới được tìm thấy.

Untitled1f

Dấu tích lúa tìm thấy tại các di chỉ Xiaohuangshan (~9000 năm BP) (a: japonica, b: lúa dại) và Shangshan (c: lúa dại, d: japonica) (~ 11000 năm BP), tại vùng hạ lưu Dương Tử, tỉnh Chiết Giang. [6]

Tại vùng Dương Tử đã xuất hiện lúa nước thuần hóa từ rất sớm, đây là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của người tiền Việt trong vùng này. Trong vùng trung lưu Dương Tử và hạ lưu Dương Tử cũng tìm thấy những cánh đồng lúa sớm nhất thế giới.

Vào năm 2020, khảo cổ học Trung Quốc đã công bố nghiên cứu về cánh đồng lúa cổ đại sớm nhất trên thế giới, được tìm thấy tại Dư Diêu, thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang. Đây là là cánh đồng lúa cổ lớn nhất, lâu đời nhất và được chứng minh đầy đủ nhất trên thế giới. [7]

Các cuộc thăm dò ban đầu đã phát hiện ra rằng tổng diện tích của các cánh đồng lúa cổ đại tại di chỉ Shi’ao là khoảng 900.000 mét vuông, bao gồm các thời kỳ văn hóa Hà Mẫu Độ, Lương Chử sớm và muộn kéo dài từ 7000 năm trước đến khoảng 4500 năm trước ngày nay. [7]

Không ảnh cánh đồng lúa cổ đại lớn nhất thế giới được tìm thấy tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. [7]

Ngoài cánh đồng lúa tại văn hóa Hemudu ở hạ lưu Dương Tử, thì tại vùng trung lưu Dương Tử, với văn hóa Tangjiagang (Đường Gia Cảng, 7000-6400 BP) cũng tìm thấy một trong những cánh đồng lúa lớn và cổ nhất thế giới có niên đại vào khoảng 6500 cách ngày nay. [8]

Cánh đồng lúa được khai quật tại văn hóa Tangjiagang. [8]

Như vậy chúng ta thấy được ở vùng Dương Tử, cư dân cổ tiền thân của tộc Việt, tổ tiên trực tiếp của người Việt đã thuần hóa và trồng lúa nước từ rất sớm, đến thời điểm di cư về Việt Nam, ở văn hóa Phùng Nguyên, thì ở đây cũng đã tìm thấy dấu tích của lúa, các văn hóa sau đó: Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn đều tìm thấy dấu tích hạt lúa. [9]

Nền văn minh sông Dương Tử là di sản chung của cộng đồng tộc Việt qua các thời kỳ, trong đó bao gồm cả người Chăm, người Chăm vốn là người Nam Á bị đồng hóa sang nói hệ ngữ Nam Đảo [4], cũng di cư về cùng đợt với người Việt trong khoảng 4000 năm trước, tuy nhiên nền văn hóa lúa nước được duy trì và phát triển nhiều nhất bởi cư dân tộc Việt trong vùng miền Bắc Việt Nam, đây là một đồng bằng khá lớn trong vùng Đông Nam Á, tuy kém nhiều so với vùng Dương Tử, nhưng cũng là một trong những nơi thuận lợi nhất cho điều kiện phát triển nông nghiệp lúa nước, người Việt cũng là một thành phần quan trọng trong cộng đồng tộc Việt, trung tâm tộc Việt nhiều thời điểm được đặt tại miền Bắc Việt Nam, chính vì vậy nói về sự phát triển trong nông nghiệp lúa nước, thì người Việt đóng vai trò quan trọng hơn so với các nhóm khác trong cộng đồng tộc Việt.

2. Tài liệu khảo cổ về vấn đề trồng lúa nước thời Đông Sơn:

Các bằng chứng khảo cổ cũng đã chứng minh văn hóa Đông Sơn có là văn hóa có nền tảng cơ bản là lúa nước, với sự tồn tại của các loại lúa nếp và lúa tẻ.

Theo các nghiên cứu khảo cổ, thì các bằng chứng về lúa nước được tìm thấy sớm nhất tại Việt Nam ở văn hóa Phùng Nguyên, các văn hóa kế tiếp nó: Đồng Đậu, Gò Mun cho tới Đông Sơn đều tìm thấy các dấu tích hạt gạo cháy và vỏ trấu. Tại văn hóa Đông Sơn, trong di chỉ Làng Cả đã tìm thấy 6 vỏ trấu, trong đó hạt tròn, hạt thon và hạt dài, nghiên cứu kỹ hơn, cũng như so sánh với các loại hình lúa được trồng tại miền Bắc Việt Nam, thì các vỏ trấu này khả năng là lúa chiêm. Như vậy qua các tài liệu khảo cổ, chúng ta có thể thấy được văn hóa có khá đa dạng các loại hình lúa, và giai đoạn này cũng đã xuất hiện lúa Chiêm, lúa được trồng thành nhiều vụ chứ không chỉ một vụ. [9]

Các tài liệu lịch sử cũng cho thấy tình hình trồng lúa ở miền Bắc Việt Nam thời kỳ này. “Sách Thủy Kinh chú của Lịch Đạo Nguyên viết rằng, đất Giao Chỉ, Cửu Chân có ruộng lúa trắng, tháng 7 làm, tháng 10 chín; ruộng lúa đỏ, tháng 12 làm, tháng 4 chín, đó là lúa hai mùa… Lúa sớm, lúa muộn, tháng nào cũng tốt (Thủy Kinh chú q.XXXVI). Muộn hơn, có sách Quảng chí của Quách Nghĩa Cung đầu thời Tấn (dẫn ở Sơ học ký q.VIII), nói khá kỹ về các giống lúa và thời vụ gieo trồng ở Giao Châu. Sách chép rằng, ở đấy mỗi năm có 3 vụ lúa chín vào mùa xuân, hạ và đông, giống lúa có hổ trưởng, tử mang, xích khoáng, tranh vu… Theo Nam phương thảo mộc trạng, vào buổi đầu Công nguyên, vùng này còn trồng nhiều nếp và dùng nếp nấu rượu. Theo Thủy Kinh chú, năm 111 trước Công nguyên, sứ giả của Giao Châu và Cửu Chân đã nộp cho tướng Hán Lộ Bác Đức tới 1000 hũ rượu. Điều này chứng tỏ lúa nếp đã được trồng nhiều và trồng từ lâu trước đó (Trần Quốc Vượng 1963: 102, 105 – 107).” [9]

Đất đai miền Bắc trong thời kỳ Đông Sơn cũng rất màu mỡ, như trong các tài liệu Nam Việt chí của Thẩm Hoài Viễn được dẫn lời trong Cựu Đường thư – Địa lý chí của Lưu Hu và Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử thời Tống, chép rằng: “Đất Giao Chỉ xưa rất phì nhiêu”. Sách Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn dấn sách Phiên Ngung tạp ký của Trịnh Hùng thời Đường, viết rằng: “Đất Giao Chỉ đất lầy tốt, nhiều màu mỡ”. [8] Nền tảng nông nghiệp lúa nước màu mỡ tại đây đã cung cấp lương thực nuôi sống một lượng rất lớn cư dân, với dân số thời kỳ đầu công nguyên tại miền Bắc Việt Nam theo sách Tiền Hán thư lên tới hàng triệu người.

Các tài liệu khảo cổ cũng cho thấy kỹ thuật canh tác lúa nước của cư dân Đông Sơn đạt tới trình độ rất cao, với nhiều công cụ hỗ trợ cho hoạt động trồng lúa như cuốc, xẻng, mai, thuổng, lưỡi cày…

Các loại hình công cụ lao động nông nghiệp của văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Gary Todd, Bảo tàng lịch sử Việt Nam]

Như vậy với các tài liệu khảo cổ và lịch sử, chúng ta có thể thấy người Việt đã thuần hóa lúa nước từ rất sớm, cư dân văn hóa Đông Sơn cũng đã canh tác nhiều loại lúa nước, có nguồn gốc từ các văn hóa tại vùng Dương Tử, cũng như có trình độ cao trong kỹ thuật canh tác lúa nước với nhiều công cụ đa dạng được chế tạo phục vụ hoạt động trồng lúa. Lúa thời kỳ này cũng được trồng trong 2-3 vụ chứ không chỉ trong một vụ.

3. Người Việt và nền văn hóa lúa nước:

Đời sống của người Việt có nền tảng cơ bản là nông nghiệp lúa nước, lúa nước trong vùng Dương Tử, nguồn gốc chính của người Việt được thuần hóa từ rất sớm, phát triển mạnh vào thời các văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà, chính vì vậy người Việt đã có một quá trình dài phát triển văn minh với nền tảng là nông nghiệp lúa nước.

Chính vì vậy, các đoạn trong các sách Hậu Hán Thư và Thủy Kinh chú ghi chép về người Việt không biết trồng lúa là không có cơ sở, người Việt đã biết trồng lúa từ rất sớm, là những người thuần hóa lúa nước đầu tiên, và đã có một thời gian rất dài phát triển và canh tác lúa nước, làm nền tảng cho văn minh của người Việt. Người Hoa Hạ sống chủ yếu ở vùng Hoa Bắc, với cây nông nghiệp chủ yếu là cây kê, phải tới khi chiếm được vùng Dương Tử của tộc Việt, họ mới bắt đầu phát triển và canh tác lúa nước. Từ đó chúng ta có thể nói điều ngược lại với những gì họ ghi chép: họ học cách canh tác của người Việt đã bị họ đồng hoá, chứ không phải ngược lại.

Các bằng chứng khảo cổ cũng đã cho thấy thời Đông Sơn người Việt trồng được rất đa dạng các loại lúa, lúa được trồng hai vụ, chứ không chỉ một vụ như kết luận của tác giả Đồng Thành Danh.

Nền văn minh lúa nước tại vùng Dương Tử gắn với cư dân thuộc hệ ngữ Nam Á, với một trong những hậu duệ là người Việt và người Mường, hơn là các dân tộc khác, các dân tộc thuộc các hệ ngữ Hán-Tạng và Tai-Kadai đều mượn từ vựng về lúa nước từ cư dân hệ ngữ Nam Á. [10]

III. Kết luận:

Như vậy dựa trên các tài liệu khảo cổ, chúng ta đã thấy được trình độ và tiến trình phát triển văn minh lúa nước của người Việt và cộng đồng tộc Việt, các ghi chép của sách Hậu Hán Thư và sách Thủy Kinh chú vì vậy là không có cơ sở. Bằng chứng khảo cổ và lịch sử thời Đông Sơn cũng đã cho chúng ta thấy người Việt trồng lúa chiêm, hay lúa vụ đông từ sớm, việc cho rằng người Việt tiếp nhận lúa chiêm từ người Chăm như kết luận của tác giả Đồng Thành Danh cũng là chưa thực sự phù hợp.

Lang Linh


Tài liệu tham khảo:

[1] Đồng Thành Danh, Giống lúa “Chiêm” của người Champa cổ.
https://elearning.tdmu.edu.vn/elearning-ebook/T%E1%BA%A1p%20Ch%C3%AD%20S%E1%BB%91%20Ho%C3%A1/14.Giong%20lua%20Chiem%20cua%20nguoi%20Champa%20co.pdf

[2] Lịch Đạo Nguyên, Thủy Kinh Chú Sớ, Nguyễn Bá Mão dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2005.

[3] Hậu Hán Thư, Quyển 86 – Nam Man, Tây Nam Di liệt truyện, dẫn lại từ An Nam truyện, dịch bởi Châu Hải Đường, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2018 (tái bản 2021).

[4] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

[5] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

[6] Yunfei Zheng, et tl (2007), Characteristics of the short rachillae of rice from archaeological sites dating to 7000 years ago.
https://www.researchgate.net/publication/250967454_Characteristics_of_the_short_rachillae_of_rice_from_archaeological_sites_dating_to_7000_years_ago

[7] Jiang Yang, Ye Song Shu, Wang Yonglei, 2020, Chiết Giang: Ninh Ba phát hiện ra cánh đồng lúa cổ đại sớm nhất trên thế giới.
http://www.kgzg.cn/a/396855.html

[8] Yoshinori Yasuda, 2013, Water Civilization: From Yangtze to Khmer Civilizations, Springer, Tokyo.

[9] Hà Văn Tấn (1994). Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam. Viện Khảo cổ học.

[10] Pittayaporn, P. (2014). Layers of Chinese Loanwords in Protosouthwestern Tai as Evidence for the Dating of the Spread of Southwestern Tai.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.