543. ☀ Nguồn gốc và sự ảnh hưởng của văn minh Đông Sơn

Văn hóa Đông Sơn, một trong những nền văn hóa nổi tiếng nhất trong thời kỳ đồ đồng trong vùng Đông Á và Đông Nam Á, văn hóa này có những ảnh hưởng rộng lớn, với những đặc trưng xuất hiện trên diện rất rộng trong vùng phía Đông của châu Á, tuy có sức ảnh hưởng lớn như vậy, nhưng hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào xác định sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn tới các vùng khác.

Văn hóa Đông Sơn cũng chính là nền văn hóa lớn cuối cùng của cộng đồng tộc Việt trước khi tan rã, kế thừa từ các nền văn hóa trong vùng Dương Tử, đặc trưng văn hóa của cộng đồng tộc Việt được thể hiện rất rõ qua các di vật khảo cổ của văn hóa Đông Sơn. Văn hóa này nổi tiếng nhất với những chiếc trống đồng, mà hiện nay chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những tộc người sử dụng trống đồng trong vùng nam Đông Á và Đông Nam Á, bên cạnh đó, những đặc trưng văn hóa Đông Sơn vẫn tiếp tục hiện diện ở các dân tộc trong vùng Đông Á và Đông Nam Á. Điều này cho chúng ta thấy được một sức sống rất mạnh mẽ của văn hóa Đông Sơn.

Ở bài viết này, chúng tôi sẽ đi qua tìm hiểu về những ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á, từ thời cổ đại cho tới thời hiện đại, để từ đó chúng ta thấy được sự phát triển và sức ảnh hưởng của văn hóa này trong thời gian tồn tại, từ đó góp phần làm rõ về trình độ phát triển của văn hóa Đông Sơn, giải tỏa những giả thuyết cho rằng văn hóa Đông Sơn chỉ là những bộ lạc kém phát triển, không có văn minh.

A. NGUỒN GỐC CỦA VĂN HÓA ĐÔNG SƠN VÀ NGUỒN GỐC CỦA TRỐNG ĐỒNG:

Văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc từ vùng miền Bắc Việt Nam, phát triển và kế thừa từ văn hóa Phùng Nguyên, hình thành các đặc trưng văn hóa Đông Sơn dựa trên nền tảng văn hóa Phùng Nguyên. Miền Bắc Việt Nam cũng chính là trung tâm hình thành nên nền văn hóa trống đồng, với nhiều cơ sở hỗ trợ chứng minh.

1. Văn hóa Đông Sơn và sự kế thừa văn hóa Phùng Nguyên:

Các văn hóa kể từ Phùng Nguyên cho tới Đông Sơn có nguồn gốc từ vùng Dương Tử theo các nghiên cứu di truyền [1][2], bên cạnh việc kế thừa các đặc trưng văn hóa Dương Tử mà chúng tôi đã chứng minh trong bài viết khác [3], thì văn hóa Phùng Nguyên tới Đông Sơn đã tiếp tục phát triển tại miền Bắc Việt Nam, hình thành nên những đặc trưng văn hóa riêng biệt, có sức ảnh hưởng rộng lớn. Văn hóa Đông Sơn kế thừa trực tiếp từ văn hóa Phùng Nguyên rất nhiều đặc trưng văn hóa, các hoa văn trên trống đồng Đông Sơn đều có thể tìm thấy sự kế thừa từ các hoa văn Phùng Nguyên.

Các loại hình đồ gốm kế thừa trực tiếp kể từ thời văn hóa Phùng Nguyên tới văn hóa Đông Sơn. [4]

Các loại hình đồ gốm kế thừa trực tiếp kể từ thời văn hóa Phùng Nguyên tới văn hóa Đông Sơn. [4]

Các loại hình đồ gốm kế thừa trực tiếp kể từ thời văn hóa Phùng Nguyên tới văn hóa Đông Sơn. [4]

Rìu lưỡi hài văn hóa Phùng Nguyên và rìu lưỡi hài văn hóa Đông Sơn. Sự kế thừa trong loại hình rìu đá và rìu ngọc thể hiện một tiến trình phát triển liên tục: những người kiến tạo nên văn hóa Phùng Nguyên cũng là những người xây dựng nên văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: 1. Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Gary Todd, dẫn; Bảo tàng Barbier-Mueller, dẫn]

Vòng ngọc văn hóa Phùng Nguyên và vòng tay văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, chụp bởi báo Kiến Thức; 2. Bảo tàng Barbier-Mueller]

Một số hoa văn trên đồ gốm Phùng Nguyên và hoa văn trên đồ đồng Đông Sơn. [5]

Trống Kính Hoa là một chiếc trống rất đặc biệt, cho chúng ta thấy được sự kế thừa văn hóa Phùng Nguyên trong văn hóa Đông Sơn, với hoa văn chữ S tiếp tuyến rất đặc trưng trên đồ gốm Phùng Nguyên.

Trống đồng Kính Hoa với hệ thống hoa văn đặc sắc. [Nguồn: dẫn]

2. Nguồn gốc của trống đồng:

Trống đồng có nguồn gốc chính từ nền văn minh tộc Việt, là sở hữu chung của cộng đồng tộc Việt, không phải sở hữu của riêng dân tộc nào ngày nay. Nhưng về mặt niên đại, thì trống đồng được tìm thấy sớm nhất tại miền Bắc Việt Nam và Vân Nam (700-800 năm BC). [6]. Tại vùng đồng bằng sông Hồng, đã tìm thấy mô hình trống đồng bằng gốm có niên đại vào khoảng 850 năm TCN, đây là phiên bản sơ khai nhất và sớm nhất của trống đồng Đông Sơn được tìm thấy.

Trống đồng gốm tí hon có niên đại vào khoảng 850 năm TCN được tìm thấy tại vùng đồng bằng sông Hồng. [7]

Về loại hình trống đồng thực sự sớm nhất được tìm thấy, chúng tôi nhận thấy loại hình trống đơn giản, không được xếp trong 4 loại hình trống chính theo phân loại của Heger tìm thấy nhiều ở Việt Nam và Vân Nam có thể là những phiên bản sớm nhất của trống đồng Đông Sơn. Trên các trống này hoa văn thường rất đơn giản chỉ bao gồm Mặt Trời và các hoa văn hình học khác.

Trống Tùng Lâm, loại hình trống sơ khai của trống đồng Đông Sơn, bên cạnh đó tại Việt Nam cũng tìm thấy nhiều loại trống đồng tương tự như trống Tùng Lâm. [8]

Theo thống kê năm 2015, thì số lượng trống đồng loại I Heger đã được tìm thấy tại các vùng là như sau: 137 ở Việt Nam, 73 ở Trung Quốc, 8 ở Thái Lan, 9 ở Lào, 2 ở Campuchia, 4 ở Malaysia và 12 ở Indonesia, 5 ở Myanmar, tổng số 250 chiếc trống đồng loại I [9]. Chúng ta thấy được Việt Nam đã chiếm quá nửa trong tổng số 250 chiếc trống đồng Heger loại I trong tất cả các vùng xuất hiện trống đồng, ở đây cũng là nơi tìm thấy nhiều trống loại I lớn và đẹp nhất, chính là các trống “mẹ” của các trống Đông Sơn khác, các vùng khác trống đa phần đều thấp và nhỏ hơn so với trống đồng Đông Sơn tại Việt Nam. Đây cũng là một cơ sở cho chúng ta thấy được trung tâm của văn hóa trống đồng.

Bên cạnh đó, trống đồng cũng là vật lễ khí, biểu tượng quyền lực [7][10], nên những trống lớn nhất cũng đồng nghĩa với quyền lực cao nhất, điều đó cũng góp phần chứng minh về tính trung tâm của vùng miền Bắc Việt Nam trong nền văn hóa trống đồng, khi những trống lớn nhất và sớm nhất đều tập trung tại miền Bắc Việt Nam.

Từ những cơ sở nghiên cứu trên, chúng ta có thể tạm thời kết luận trống đồng có nguồn gốc từ nền văn hóa tộc Việt, loại hình trống bằng đồng, tiền thân của trống Đông Sơn đầu tiên xuất hiện đồng thời trong văn hóa Đông Sơn tại Việt Nam và Vân Nam, tuy nhiên trung tâm của văn hóa trống đồng là vùng miền Bắc Việt Nam, đây là trung tâm lan tỏa và sản xuất trống đồng lớn nhất trong các vùng tộc Việt.

3. Người Việt và sự kế thừa văn hóa Đông Sơn:

Về vấn đề kế thừa văn hóa Đông Sơn và văn hóa tộc Việt, chúng tôi cũng đã có một số bài khảo cứu về vấn đề này [11][12], chính vì vậy chúng tôi sẽ không nhắc lại ở đây, bạn đọc có thể theo dõi trong các liên kết chúng tôi đã dẫn.

Người Việt kế thừa và sử dụng đầy đủ trống đồng, cũng như tiếp tục kế thừa các đặc trưng quan trọng của văn hóa Đông Sơn trong thời kỳ Bắc thuộc và thời kỳ tự chủ. Văn hóa Việt có sự biến đổi dưới sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa và văn hóa Ấn Độ, tuy nhiên, cốt lõi vẫn là văn hóa Việt thời Đông Sơn.

4. Loại hình cổ vật và kiến trúc Đông Sơn:

Cổ vật Đông Sơn tại miền Bắc Việt Nam được thiết kế rất tinh xảo, với nhiều kiểu dáng đa dạng, chính là trung tâm sản xuất và lan tỏa các loại hình đồ đồng trong cộng đồng tộc Việt. Ở đây chúng tôi sẽ chỉ dẫn những cổ vật đẹp nhất của văn hóa Đông Sơn, cũng là những cổ vật cơ bản xuất hiện rộng khắp trong các vùng tộc Việt khác, bạn đọc có thể theo dõi thêm cổ vật Đông Sơn khác trong bài khảo cứu của chúng tôi [13].

Các loại hình cổ vật Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Martin Doustar, Bảo tàng Barbier-Mueller]

Kiến trúc văn hóa Đông Sơn chúng ta chỉ được biết qua những hình vẽ trên trống đồng, chính vì vậy mà những ngôi nhà trên trống đồng Đông Sơn thường được vẽ ước lệ, cô đọng, nên gây khó khăn nhất định cho chúng ta trong việc hình dung hình hài thực sự của những ngôi nhà, nhưng qua những hình vẽ trên trống đồng, chúng ta cũng nhận thấy được những đặc trưng quan trọng thể hiện sự ảnh hưởng rộng khắp trong vùng Đông Á và Đông Nam Á.

Nhà sàn mái cong trên trống đồng Đông Sơn. [8]

Hình ảnh người đội mũ lông vũ cũng là đặc trưng rất quan trọng của văn hóa Đông Sơn, đặc trưng này chúng ta có thể thấy được ở khắp các dân tộc trong vùng nam Đông Á và Đông Nam Á.

Hình ảnh người đội mũ lông chim trên trống đồng Đông Sơn. [8]

B. SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HÓA ĐÔNG SƠN TRONG THỜI CỔ ĐẠI:

Thời kỳ cổ đại chính là thời kỳ Hùng Vương, khi người Việt còn là một quốc gia độc lập, đây cũng chính là thời điểm mà văn hóa Đông Sơn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới các vùng xung quanh. Trong thời kỳ này, văn hóa Đông Sơn không chỉ giới hạn ảnh hưởng trong vùng nam Đông Á và Đông Nam Á, mà còn vươn tới các vùng Nhật Bản, Tứ Xuyên với những dấu ấn văn hóa Đông Sơn rõ nét tại các vùng này. Các định nghĩa về nguồn gốc của những nhà khảo cổ lớn có sức ảnh hưởng như Gs Phạm Huy Thông, Heine Geldern cũng cho chúng ta thấy khái niệm văn hóa Đông Sơn là một khái niệm rộng lớn, chỉ các vùng có xuất hiện đặc trưng của văn hóa Đông Sơn.

Heine Geldern xác định về phạm vi của văn hóa Đông Sơn như sau:“Tôi đề nghị hiểu dưới thuật ngữ văn hóa Đông Sơn tất cả các văn hóa thời đại đồng thau đã biết ở Vân Nam, Đông Dương và Indonesia, dầu biết rằng những nghiên cứu tương lai có thể cho chúng ta nhận ra giữa những nhóm văn hóa đó những nhóm địa phương khác biệt, những trật tự và niên đại khác nhau.” (Heine Geldern 1937: 186)

Giáo sư Phạm Huy Thông (1990:272), người đứng đầu Viện Khảo cổ học Việt Nam trong những năm 1967 – 1988, đã đề xuất quan điểm cho rằng văn hóa Đông Sơn có phạm vi phân bố bao gồm vùng nam Đông Á và miền Bắc Việt Nam: “với vùng trung du sông Hồng là trung tâm, phía Nam tới tận xứ Quảng, phía Bắc không xa hồ Động Đình gồm Vân Nam và Lưỡng Quảng của Trung Hoa”. [14]

Chúng ta sẽ thấy được cơ sở trong việc xác định phạm vi của văn hóa Đông Sơn với những cổ vật Đông Sơn tại vùng lõi nam Đông Á và miền Bắc Việt Nam và nam Dương Tử cũng như có sự ảnh hưởng rộng tới các vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo.

I. Sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn trong cộng đồng tộc Việt:

Cộng đồng tộc Việt hay Bách Việt trong lịch sử, là cộng đồng sinh sống trong địa bàn phía nam sông Dương Tử tới miền Bắc Việt Nam. Cộng đồng này đã xây dựng nên những nền văn hóa lớn mạnh đó là Lương Chử và Thạch Gia Hà, sự sụp đổ do hạn hán [15] đã khiến cộng đồng tộc Việt tản ra khắp vùng nam Đông Á cho tới miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Trong thời kỳ đồ đồng, thì cộng đồng tộc Việt tiếp tục phát triển trong một cộng đồng chung, chịu ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn, với sự thống nhất trên hầu hết các loại hình cổ vật. Văn hóa Đông Sơn hiện diện trên đúng địa bàn phân bố của cộng đồng tộc Việt được sử sách ghi chép lại.

Sách Thông Điển của Đỗ Hữu 杜佑 thời Đường (801), phần Châu quận chép: “自嶺而南,當唐、虞、三代為蠻夷之國,是百越之地” – “Từ dải núi Ngũ Lĩnh về phía nam, vào thời Đường – Ngu, Tam đại là nước của người Man Di, là đất của người Bách Việt .”. Sách này chú thêm: “或曰自交趾至於會稽七八千里,百越雜處,各有種姓.” – “Từ Giao Chỉ đến Cối Kê, bảy tám ngàn dặm, người Bách Việt xuất hiện khắp mọi nơi, mỗi nơi đều có một chủng tính.”

Từ Giao Chỉ tới Cối Kê là nơi sinh sống của cư dân tộc Việt, các di vật khảo cổ của các vùng có cư dân tộc Việt sinh sống có sự tương đồng trên diện rộng, cùng một hệ thống cổ vật với văn hóa Đông Sơn.

1. Hồ Nam:

Hồ Nam nằm ở phía Nam hồ Động Đình, đây chính là nguồn gốc của người Việt nhóm Nam Á, với hậu duệ là người Việt (Kinh) và các dân tộc thuộc hệ ngữ Nam Á trong vùng Đông Nam Á ngày nay. Người Việt và người tiền Việt đã có một quá trình sinh sống trong khoảng hơn 8000 năm tại đây, phát triển nên những nền văn hóa phát triển trong vùng Đông Á cổ đại. Trong thời kỳ đồ đồng, thì văn hóa Đông Sơn hiện diện rất rõ nét trong vùng đất Tổ này của người Việt.

Các cổ vật đặc trưng văn hóa tộc Việt được tìm thấy tại tỉnh Hồ Nam. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hồ Nam, Bảo tàng thành phố Trường Sa, dẫn: 1, 2, 3, 4, 5]

2. Quý Châu:

Quý Châu trong thời kỳ Đông Sơn là địa bàn sinh sống của cư dân tộc Việt thuộc hệ ngữ Tai-Kadai, với hậu duệ là người Bố Y ngày nay, người Bố Y hiện tại vẫn tiếp tục kế thừa văn hóa trống đồng cổ đại của dân tộc mình. Tại Quý Châu cũng là nơi tìm thấy rất nhiều các cổ vật đặc trưng của văn hóa Đông Sơn.

Các cổ vật đặc trưng văn hóa Đông Sơn tìm thấy tại Quý Châu. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Quý Châu]

3. Quảng Đông:

Quảng Đông là nơi sinh sống của cư dân tộc Việt thuộc hệ ngữ Nam Á, hiện nay hầu hết các cư dân tộc Việt tại đây đã bị đồng hóa thành người Hán, nhưng vùng này vẫn giữ được phương ngữ riêng và vẫn kế thừa nhiều nét văn hóa riêng của cộng đồng tộc Việt. Tại đây cũng có nền tảng chính là văn hóa Đông Sơn với rất nhiều cổ vật được tìm thấy có phong cách Đông Sơn.

Các cổ vật đặc trưng văn hóa Đông Sơn tại tình Quảng Đông. [Nguồn: Bảo tàng Nanshan, Thâm Quyến; Bảo tàng tỉnh Quảng Đông]

4. Quảng Tây:

Quảng Tây là nơi sinh sống của các dân tộc thuộc các hệ ngữ Tai-Kadai, Hmong-Mien, trong đó các dân tộc thuộc hệ ngữ Tai-Kadai chiếm đa số. Đây là nơi hình thành hệ ngữ Tai-Kadai trước khi cư dân hệ ngữ này lan tỏa ra khắp vùng Đông Nam Á lục địa. Đây cũng chính là nguồn gốc của Thục Phán, An Dương Vương trong lịch sử Việt Nam.

Các cổ vật Đông Sơn tìm thấy tại Quảng Tây. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Quảng Tây, Bảo tàng Châu giang]

5. Vân Nam:

Vân Nam nổi tiếng nhất với văn hóa Điền Việt, đây là nơi sinh sống của cư dân Nam Á, là một trong những trung tâm văn hóa lớn của cộng đồng tộc Việt. Ở một vị trí có sự giao lưu và tiếp xúc văn hóa rất phức tạp, nên văn hóa Điền Việt có sự pha trộn với nhiều nền văn hóa khác như văn hóa Trung Á, Ba Thục, Hoa Hạ, tuy nhiên nền tảng văn hóa chính vẫn là văn hóa tộc Việt.

Các cổ vật của văn hóa Điền Việt. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Vân Nam, Bảo tàng thành phố Côn Minh, Bảo tàng thành phố Ngọc Khê.]

6. Hồng Kông:

Vùng đảo Hồng Kông cũng là nơi sinh sống của cư dân tộc Việt, các cổ vật được tìm thấy tại vùng đảo nào trước thời kỳ Hán thuộc có đặc trưng của văn hóa Đông Sơn, trước đó, vào thời đồ đá mới thì phong cách cổ vật của vùng này rất tương đồng với văn hóa Phùng Nguyên, cho thấy sự thống nhất ngay từ thời kỳ này.

Các cổ vật được tìm thấy tại Hồng Kông. [Nguồn: Gary Todd chụp tại Bảo tàng lịch sử Hồng Kông.]

7. Chiết Giang:

Chiết Giang cũng là nơi sinh sống của các cư dân có nguồn gốc tộc Việt, vùng đất này tuy đã thuộc về người Hoa Hạ trong thời gian dài, tuy nhiên chúng ta vẫn thấy được những đặc trưng văn hóa Đông Sơn hiện diện rõ nét tại đây.

Rìu đồng và chuông trống Đông Sơn tìm thấy tại tỉnh Chiết Giang. [Nguồn: 1. Bảo tàng thành phố Ninh Ba, Chiết Giang; 2. [16]]

II. Sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn bên ngoài cộng đồng tộc Việt:

Văn hóa Đông Sơn không chỉ xuất hiện trong vùng lõi của cộng đồng tộc Việt, mà còn có sự lan tỏa xa hơn sang phía Tây, phía Đông và xuống toàn bộ vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo.

1. Tứ Xuyên:

Tứ Xuyên là địa bàn của các quốc gia Ba, Thục cổ đại với các văn hóa Tam Tinh Đôi và Kim Sa, trong đó có văn hóa Tam Tinh Đôi chịu ảnh hưởng khá mạnh của văn hóa tộc Việt [17]. Tại vùng này các nhà khảo cổ cũng tìm thấy rất nhiều các cổ vật có phong cách của văn hóa Đông Sơn.

Tại vùng Tứ Xuyên tìm thấy khá nhiều trống đồng Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng Tam Tinh Đôi, chụp bởi Gary Todd, dẫn]

Bên cạnh đó tại đây cũng tìm thấy rất nhiều các di vật có đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng Tam Tinh Đôi, chụp bởi Gary Todd, dẫn]

Về đặc trưng văn hóa mai táng, chúng ta cũng thấy được những sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn với mộ táng hình thuyền, là đặc trưng văn hóa quan trọng của văn hóa Đông Sơn. Người Ba Thục có cùng nguồn gốc với người Hoa Hạ, đặc trưng của họ là xây dựng các lăng mộ to lớn, tuy nhiên họ không theo đặc trưng văn hóa Hoa Hạ mà theo phong tục của cộng đồng tộc Việt trong văn hóa Đông Sơn.

Các ngôi mộ hình thuyền được tìm thấy tại Thành Đô. [Nguồn: 1. CGTN, dẫn; 2. Kaogu, dẫn]

2. Nhật Bản

Văn hóa Yayoi, chính là nền văn hóa nền tảng hình thành nên người Nhật Bản, với khoảng 80-90% nguồn tổ tiên người Nhật Bản là từ văn hóa Yayoi [18]. Văn hóa Yayoi có nguồn gốc từ vùng Trung Quốc lục địa, có thể là từ Giang Tô hoặc Sơn Đông di cư sang khoảng 2500-2300 TCN [19]. Vùng Giang Tô có phong tục tương đồng với tộc Việt, chính vì vậy người Yayoi cũng có văn hóa tương đồng với tộc Việt cổ, chịu ảnh hưởng từ cộng đồng tộc Việt trong thời văn hóa Đông Sơn. Điều này chúng ta thấy rất rõ thông qua kiến trúc và một số cổ vật đặc trưng của văn hóa Yayoi có chịu ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn.

Mô hình nhà sàn văn hóa Yayoi. [Nguồn: Osaka Prefectural Museum of Yayoi Culture, dẫn]

Kiến trúc Yayoi thể hiện đặc trưng nhà sàn của văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: dẫn]

Chuông dotaku của văn hóa Yayoi thể hiện dấu ấn của văn hóa Đông Sơn với hình dáng tương đồng, hoa văn chữ S tiếp tuyến và hoa văn tam giác đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Christie, dẫn]

Cư dân văn hóa Yayoi cũng đội mũ lông chim tương tự như trên trống đồng Đông Sơn. [Nguồn: dẫn]

3. Miền Trung và miền Nam Việt Nam:

Miền Trung và miền Nam Việt Nam, xưa kia không phải đất của người Việt, nhưng cũng là nơi có sự di cư của các cư dân có nguồn gốc tộc Việt, tại đây cũng xuất hiện những đặc trưng Đông Sơn rất rõ rệt, các cư dân của văn hóa này có thể nhập trực tiếp kỹ thuật đúc đồng từ văn hóa Đông Sơn.

Trống đồng Đông Sơn tại miền Trung Việt Nam. [Nguồn: Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, dẫn]

Tại Tây Nguyên cũng tìm thấy nhiều trống đồng Heger loại I và các trống giai đoạn muộn. [Nguồn: dẫn]

Cổ vật Đông Sơn tại miền Nam Việt Nam. [20]

4. Thái Lan và Campuchia:

Thái Lan và Campuchia là hai vùng có địa bàn sinh sống chủ yếu của người Nam Á trong thời kỳ tồn tại của văn hoá Đông Sơn, các di vật tại các vùng này thể hiện sự ảnh hưởng của văn hoá Đông Sơn rất rõ trên nhiều loại hình.

Trống đồng Đông Sơn tại Thái Lan. [Nguồn: Bảo tàng Songkhla, dẫn]

Các trống đồng tìm thấy tại Campuchia. [Nguồn: dẫn]

Trống đòng loại I Heger được tìm thấy tại Campuchia. [Nguồn: Bảo tàng Quốc gia Phnom Penh, Campuchia, chụp bởi Helmut Loofs-Wissowa]

Loại hình chuông đồng của tộc Việt thấy được sự ảnh hưởng tại các văn hóa Ban Chiang và tại Campuchia.

Chuông đồng của văn hóa Ban Chiang, Thái Lan và tại Campuchia. [Nguồn: 1. Martin Doustar, 2014, Art of Bronze Age in Southeast Asia; 2. Bảo tàng Barbier-Mueller.]

Các cổ vật nhiều loại hình có đặc trưng Đông Sơn tại Thái Lan hoặc Campuchia. [Nguồn: Martin Doustar, 2014, Art of Bronze Age in Southeast Asia]

Rìu các loại hình và mũi giáo phong cách Đông Sơn tại Thái Lan. [Nguồn: Bảo tàng Quốc gia Thái Lan, dẫn]

5. Timor Leste:

Trống đồng Đông Sơn tại Timor Leste. [Nguồn: Nuno Vasco Oliveira, Sue O’Connor & Peter Bellwood, Dong Sons drums from Timor-Leste: prehistoric bronze artefacts in Island Southeast Asia]

Rìu cân xòe phong cách Đông Sơn tại Timor Leste. [Nguồn: Nuno Vasco Oliveira, Sue O’Connor & Peter Bellwood, Dong Sons drums from Timor-Leste: prehistoric bronze artefacts in Island Southeast Asia]

6. Tại Indonesia:

Tại Indonesia cũng có sự hiện diện của văn hóa Đông Sơn trên nhiều loại hình cổ vật.

Những trống đồng Đông Sơn tìm được ở đảo Java, Indonesia (Hình 1: trống ở Tjiandjur, hình 2: trống ở Semarang, hình 3: trống ở Banjumas) (Nguồn: H. Van Heekeren 1958. Hình 8, dẫn lại bởi Trịnh Sinh, đường dẫn.)

Trống đồng Đông Sơn được trưng bày tại bảo tàng quốc gia Djakarta. [Nguồn: dẫn]

Bên cạnh đó tại Indonesia còn tìm thấy loại hình cổ vật mô phỏng hình thuyền Rồng hai đầu đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: dẫn]

7. Malaysia:

Các trống đồng tìm thấy tại Malaysia. [Nguồn: dẫn]

Chuông đồng phong cách Đông Sơn tìm thấy tại Malaysia. [Nguồn: dẫn]

8. Myanmar:

Trống đồng Đông Sơn tại bảo tàng Loikaw Kayah. [Nguồn: dẫn]

9. Lào:

Trống Đông Sơn tìm thấy tại Lào. [Nguồn: Trường Viễn Đông Bác Cổ, dẫn]

Trống đồng tìm thấy tại tỉnh Savannakhet, Lào. [Nguồn: Trịnh Sinh, Phát hiện Sê Pôn và vấn đề mới đặt ra, dẫn]

10. So sánh cổ vật tại các vùng Đông Nam Á lục địa:

So sánh cổ vật có phong cách Đông Sơn tại các vùng Đông Nam Á lục địa. [20]

C. SỨC SỐNG CỦA VĂN HÓA ĐÔNG SƠN TRONG THỜI TRUNG, CẬN VÀ HIỆN ĐẠI:

Văn hóa Đông Sơn từng có sức ảnh hưởng rất rộng lớn trong vùng nam Đông Á và Đông Nam Á, sau khi nền văn minh Đông Sơn sụp đổ, thì văn hóa trống đồng vẫn tiếp tục hiện diện cho tới tận ngày nay, cũng như rất nhiều những đặc trưng Đông Sơn tiếp tục được các dân tộc từng chịu ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn kế thừa, hiện tại nền văn hóa trống đồng vẫn giữ ảnh hưởng vẹn nguyên ở khu vực ảnh hưởng cũ của văn hóa Đông Sơn, thậm chí còn ảnh hưởng xa hơn tới cả các vùng Hoa Bắc, Mông Cổ.

Theo các tài liệu và nghiên cứu, chúng ta biết được rằng trống đồng hiện vẫn được rất nhiều các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt trong vùng nam Đông Á sử dụng, tại Việt Nam là các dân tộc như Mường, Lô Lô, trong vùng nam Trung Quốc như Choang [21], Bố Y [22], Thủy [23], Miêu [24], Dao [25], bên cạnh đó trống hiện tại vẫn được sử dụng rất rộng rãi tại các vùng khác như Tứ Xuyên [26], Đông Nam Á lục địa và hải đảo, thậm chí là cả một số dân tộc ở Hoa Bắc như Hán, Mông Cổ cũng sử dụng trống [27].

Văn hóa trống đồng được kế thừa xuyên suốt và liên tục trong hơn 2000 năm lịch sử tồn tại và phát triển, trống đồng Đông Sơn từ một loại gốc ban đầu, đã phát triển thành 4 loại trống đồng khác nhau gắn liền với từng tộc người.

Trống đồng Đông Sơn nguyên bản và 4 loại hình trống phát triển từ trống Đông Sơn. (Loại II, III, IV và trống Moko)

Các loại hình trống đồng được phân chia khá rõ rệt về vùng phân bố và các dân tộc sở hữu chúng. [27]

– Trống đồng loại II Heger được phân bố chủ yếu ở vùng Hoa Nam (Trung Quốc) và Bắc Việt Nam. Trống loại II được các nhà nghiên cứu thống nhất là có khung niên đại thiên niên kỷ I sau Công nguyên đến thế kỷ XVI-XVII.
– Trống loại III theo phân loại của F. Heger phân bố rộng rãi ở miền Nam Trung Quốc, Việt Nam và ở hầu hết các nước Đông Nam Á lục địa. Có niên đại vào khoảng TK 6 SCN.
– Trống đồng loại IV Heger phân bố trên một phạm vi rất rộng, có đến vài chục tộc người sử dụng, kể cả một số tộc người ở phía Bắc như người Hán, Mông Cổ… Niên đại của loại trống này được xác định vào thiên niên kỷ II sau Công nguyên, nghĩa là từ thế kỷ X cho đến thời gian gần đây.
– Trống đồng Moko nằm ngoài phân loại của Heger gắn liền với các cư dân hệ ngữ Nam Đảo trong vùng Đông Nam Á hải đảo.

Bên cạnh đó, các dân tộc trong khắp vùng Đông Á và Đông Nam Á vẫn giữ gìn và kế thừa nhiều đặc trưng văn hóa Đông Sơn trong văn hóa của dân tộc mình, trong đó phổ biến nhất là đặc trưng nhà sàn, hầu hết các dân tộc thiểu số tại khắp vùng Đông Á và Đông Nam Á vẫn tiếp tục kế thừa đặc trưng văn hóa này cũng như nhiều đặc trưng văn hóa khác mà chúng tôi sẽ dẫn ra ngay sau đây.

1. Việt Nam:

Trong vùng miền Bắc Việt Nam, hiện tại có một số dân tộc vẫn tiếp tục sử dụng trống đồng: người Mường, người Lô Lô, cũng như những đặc trưng văn hóa tộc Đông Sơn cũng hiện diện rất đậm nét trong văn hóa các dân tộc Việt Nam. Người Việt vẫn tiếp tục kế thừa trống đồng Đông Sơn và sử dụng trống tới khoảng thời Lý – Trần.

Trống đồng người Mường và trống đồng của người Lô Lô. [Nguồn: Viện Viễn Đông Bác Cổ, Thông Tấn Xã Việt Nam]

Nhà sàn người Thái, Mường, Tày, Tây Nguyên [Nguồn: 1, 2, 3, 4]

Người Tây Nguyên hiện vẫn đội khăn có gắn lông chim. [Nguồn: dẫn]

Hoa văn thổ cẩm Tây Nguyên vẫn thể hiện nhưng ảnh hưởng đậm nét của hoa văn văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: 1,2, 3]

Khăn Piêu của người Thái cũng chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của hoa văn Đông Sơn. [Nguồn: dẫn]

2. Trung Quốc:

Trong vùng nam Trung Quốc ngày nay, vẫn còn rất nhiều các dân tộc sử dụng trống đồng như Choang, Bố Y, Thủy, Miêu, Dao, bên cạnh đó trống hiện tại vẫn được sử dụng rất rộng rãi tại các vùng khác như Tứ Xuyên.

Trống đồng các dân tộc: 1. Bố Y, 2. Dao, 3. Miêu, 4. Thủy, 5. Choang [Nguồn: 1, 2, 3, 4, 5]

Trống đồng vào thời nhà Minh tìm thấy tại Quý Châu và trống đồng vào thời nhà Đường tìm thấy tại Hồ Nam. [Nguồn: 1. Bảo tàng tỉnh Quý Châu, 2. Bảo tàng thành phố Trường Sa, dẫn]

Sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn thể hiện trực tiếp trên kiến trúc của người Hoa Hạ. Các nghiên cứu của Trung Quốc cũng công nhận kiến trúc si vẫn (họ gọi là si vĩ Việt) có nguồn gốc từ văn hóa tộc Việt thời Đông Sơn [28], bên cạnh đó, kiến trúc mái cong họ cũng tiếp nhận từ văn hóa Đông Sơn, kiến trúc các triều đại dần dần có xu hướng cong dần qua thời gian. [28]

Kiến trúc thời Tùy- Đường. [29]

Si vẫn trên mái nhà thời nhà Đường. [Nguồn: dẫn]

Kiến trúc các triều đại Hoa Hạ có xu hướng cong dần theo thời gian: 1. Hán, 2. Tấn, 3. Nguyên, 4. Minh. [29]

Người Động hiện tại vẫn đội mũ lông chim tương tự như trên trống đồng Đông Sơn. [Nguồn: dẫn]

Mũ lông chim của người Lô Lô tại vùng Vân Nam. [Nguồn: dẫn]

Hoa văn trên thổ cẩm người Choang hiện tại vẫn còn dấu ấn của văn hóa Đông Sơn. [30]

3. Thái Lan:

Người Thái tại Thái Lan có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt, từ vùng Quảng Tây họ đã tiến xuống vùng Đông Nam Á lục địa và lập quốc tại vùng này. Trong văn hóa của Hoàng Gia Thái Lan, trống đồng vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong văn hóa của họ.

Trống đồng được sử dụng trong hoàng gia Thái Lan. [Nguồn: dẫn]

Trống đồng Hoàng Gia Thái Lan. [Nguồn: dẫn]

Trống đồng loại III có niên đại vào thế kỷ 14-17 tìm thấy tại Thái Lan. [Nguồn: Metmuseum, dẫn]

Hoa văn trên các trống loại III Heger cũng kế thừa các hoa văn đặc trưng của văn hóa Đông Sơn, được bố trí theo băng dải như hoa văn gạch dọc, hạt lúa, vòng tròn đồng tâm, chim, hoa văn kỷ hà tương tự như trên trống đồng Đông Sơn truyền thống.

Hoa văn trên trống đồng loại III Heger tìm thấy tại Thái Lan với các hoa văn kế thừa từ trống đồng Đông Sơn. [Nguồn: The Metropolitan Museum of Art, dẫn]

Bánh xe pháp luân là đặc trưng của văn hóa Ấn Độ, tuy nhiên trên một số bánh xe pháp luân được tìm thấy tại Thái Lan chúng ta có thể thấy được sự giao thoa của văn hóa tộc Việt với văn hóa Ấn Độ, khi các tia được mô phỏng theo tia mặt trời, khác biệt khá cơ bản với các bánh xe pháp luân truyền thống, bên cạnh đó còn có sự xuất hiện của các hoa văn xoắn ốc.

Bánh xe pháp luân thể hiện sự giao thoa văn hóa Đông Sơn với văn hóa Ấn Độ. [Nguồn: Bảo tàng quốc gia Thái Lan, chụp bởi Gary Todd, dẫn]

4. Champa:

Theo nghiên cứu di truyền, thì người Champa có nguồn gốc từ người Nam Á [1], là cư dân của vùng miền Trung Việt Nam trong quốc gia Văn Lang và quận Nhật Nam trong thời Hán thuộc. Sau đó người Nam Đảo đã xâm chiếm, đồng hóa người Chăm, cũng như đánh chiếm quận Nhật Nam và dần dần hình thành vương quốc Champa. Văn hóa Chăm có nguồn gốc từ Đông Sơn, nên họ vẫn giữ được nhiều nét văn hóa của Đông Sơn như chữ viết [31], trống đồng, hoa văn xoắn ốc, một phần nào đó là kiến trúc Đông Sơn.

Trống đồng bằng vàng của Vương quốc Champa. [Nguồn: dẫn]

Hoa văn xoắn ốc trên tượng gốm Champa. [Nguồn: dẫn]

Kiến trúc của Champa chịu ảnh hưởng rất sâu sắc của văn hóa Ấn Độ, tuy nhiên trong 3 ngôi đền Pô-Klaung Garai có một kiến trúc rất khác biệt so với kiến trúc Ấn Độ truyền thống. Chúng ta rất dễ dàng nhận ra đây là một đặc điểm rất đặc trưng của kiến trúc nhà sàn Đông Sơn, với mái cong hình thuyền. [32]

Ngôi đền Pô-Klaung Garai có dấu ấn kiến trúc Đông Sơn. [Nguồn ảnh: bazantravel.com]

5. Myanmar:

Myanmar là địa bàn của cư dân hai hệ ngữ chính là Hán-Tạng và Tai-Kadai, cả hai nhóm hệ ngữ này đều có các dân tộc sử dụng trống đồng, đó là các dân tộc Karen thuộc hệ ngữ Hán-Tạng và Shan thuộc hệ ngữ Tai-Kadai. Trống đồng của các dân tộc trong vùng Myanmar chủ yếu là trống đồng loại III theo phân loại của Heger.

Trống đồng của người Karen tại Myanmar. [Nguồn: 1, 2]

Trống đồng của người Shan. [Nguồn: Christie, dẫn]

Cả người Karen và người Shan hiện tại vẫn ở nhà sàn đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: dẫn]

6. Indonesia:

Indonesia là địa bàn chính của các dân tộc thuộc hệ ngữ Nam Đảo. Các dân tộc thuộc hệ ngữ Nam Đảo hiện vẫn sử dụng trống đồng, đó là trống Moko, một loại trống được cải tiến từ trống đồng Đông Sơn. Trong giai đoạn đầu, người Nam Đảo nhận trực tiếp trống từ Đông Sơn tại miền Bắc Việt Nam, tuy nhiên, sau đó, dần dần họ đã họ được kỹ thuật luyện kim và bắt đầu đúc loại hình trống của riêng mình.

Sự biến đổi loại hình trống Đông Sơn truyền thống sang trống Moko. [34]

Trống Moko trong một gia đình tại đảo Alor, Indonesia. [Nguồn: dẫn]

Bên cạnh đó, các dân tộc tại Indonesia hiện vẫn còn giữ được kiểu kiến trúc truyền thống Đông Sơn, với mái nhà con hình thuyền, không chỉ một mà rất nhiều dân tộc hiện vẫn giữ đặc trưng này.

Nhà sàn mái cong của người Batak. [Nguồn: dẫn]

Nhà sàn mái cong của người Toroja. [Nguồn: dẫn]

Kiến trúc của người Minangkabau cũng rất gần với nhà của văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: dẫn]

Thổ cẩm các dân tộc thuộc hệ ngữ Nam Đảo tại Indonesia cũng thể hiện sự ảnh hưởng rất rõ nét của các hoa văn hóa Đông Sơn.

Hoa văn Đông Sơn và thổ cẩm của người Nam Đảo. [34]

Hiện nhiều dân tộc trong vùng Indonesia cũng đội mũ lông chim giống như trên trống đồng Đông Sơn.

Người Dayak đội mũ lông chim. [Nguồn: gettyimages, dẫn]

D. ĐÔNG SƠN: VĂN HÓA HAY VĂN MINH?

Từ những ảnh hưởng cực kỳ rộng lớn và sâu sắc của văn hóa Đông Sơn, chúng ta có thể đặt câu hỏi: liệu đây có phải là một nền văn hóa đang còn trong trạng thái dã man, nguyên thủy như các nhà nghiên cứu Việt Nam đã phác họa hay không? Nếu đang còn trong trạng thái nguyên thủy, chắc chắn văn hóa Đông Sơn sẽ không có sức ảnh hưởng rộng lớn đến như vậy. Chúng ta có thể khẳng định rằng chủ nhân của văn hóa Đông Sơn đã có một trình độ văn minh cao, họ đã xây dựng nên một nền văn hóa có sức ảnh hưởng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á trong thời kỳ đồ đồng. Cũng từ đây, chúng ta có thể đặt vấn đề về sự tồn tại của một nhà nước phát triển trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn, phải có một nhà nước phát triển, mới có thể xây dựng nên một văn hóa lớn và có sức ảnh hưởng mạnh như vậy.

Với những bằng chứng về mặt khảo cổ, chúng ta cũng thấy được sự thống nhất văn hóa của cộng đồng tộc Việt trong vùng phía nam sông Dương Tử tới miền Bắc Việt Nam, các vùng tộc Việt đều có các cổ vật thống nhất với nhau về loại hình cũng như phong cách, trang trí, đều mang đặc trưng của văn hóa Đông Sơn, chúng khác biệt đáng kể so với hệ thống cổ vật của các dân tộc cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn trong vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo.

Cũng từ việc khảo cứu sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn, chúng ta cũng có thể cân nhắc xem đây như một nền văn minh, bởi một nền văn minh luôn luôn có trình độ phát triển cao, cùng với đó là sự ảnh hưởng rộng lớn tới các vùng xung quanh, Đông Sơn hội đủ các yếu tố của một nền văn minh lớn, với sức ảnh hưởng rộng rãi và sâu sắc trong vùng phía Đông của châu Á. Văn hóa Đông Sơn trước khi các văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ bắt đầu phát triển mạnh, chính là văn hóa cốt lõi của cộng đồng tộc Việt cũng như là nền tảng văn hóa của các dân tộc khắp trong vùng Đông Nam Á. Sau khi văn minh Đông Sơn sụp đổ khi người Việt thất bại trong cuộc chiến tranh chống xâm lược trước người Hán, thì văn hóa Trung Hoa và văn hóa Ấn Độ với sự phát triển vượt bậc của mình đã thay thế những ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn, tuy nhiên, sự ảnh hưởng đó không thay thế hoàn toàn được nền tảng văn hóa Đông Sơn đã có từ trước đó, các dân tộc từng chịu ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn tới tận ngày nay vẫn tiếp tục kế thừa những yếu tố cốt lõi của nền văn hóa này đã chứng tỏ sức sống và sức ảnh hưởng rất mãnh liệt của văn hóa Đông Sơn đối với các dân tộc trong vùng nam Đông Á và Đông Nam Á.

E. KẾT LUẬN:

Qua việc khảo cứu toàn diện sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á, chúng ta đã thấy được sự phát triển và sức ảnh hưởng rộng lớn của văn hóa Đông Sơn, cũng như một sức sống rất mạnh mẽ và lâu bền của văn hóa này trong văn hóa Á Đông, điều này giúp cho chúng ta có được một cái nhìn chính xác về văn hóa Đông Sơn, thay vì là một nền văn hóa kém phát triển, thì đây có thể được xem như một nền văn minh lớn, sánh ngang với các văn minh Trung Hoa và Ấn Độ về sức ảnh hưởng, văn hóa Đông Sơn là cốt lõi của văn hóa nam Đông Á và Đông Nam Á trong một thời gian khá dài trước khi các nền văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ phát triển vượt bậc và tạo nên những ảnh hưởng lớn tới văn hóa vùng Đông Nam Á và Đông Á.

Từ những cơ sở này, chúng ta có đủ cơ sở để kết luận về trình độ phát triển của người Việt trong thời văn hóa Đông Sơn, cũng như có đầy đủ bằng chứng chứng minh sự thống nhất của cộng đồng tộc Việt. Sự phát triển của văn hóa Đông Sơn cũng là nền tảng để chúng ta có thể xác định thời kỳ văn hóa Đông Sơn khả năng đã có một tổ chức nhà nước phát triển, không phải những bộ lạc nguyên thủy kém phát triển như kết luận của một số nhà nghiên cứu Việt Nam.

Văn hóa Đông Sơn là cốt lõi của văn hóa người Việt, chính vì vậy, chúng ta rất cần sự nghiên cứu, khôi phục những giá trị của nền văn hóa này, làm nền tảng phục hưng văn hóa Việt, từ đó đưa đất nước phát triển lên những tầm cao mới, để phần nào đó khôi phục được ánh hào quang cổ đại mà nền văn hóa Đông Sơn đã từng gây dựng được trong thời gian tồn tại.

Lang Linh


Tài liệu tham khảo:

[1] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

[2] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

[3] Lang Linh, Tìm hiểu về văn hóa Phùng Nguyên
https://luocsutocviet.com/2021/01/23/505-tim-hieu-ve-van-hoa-phung-nguyen/

[4] Nguyen Ba Phach, 1978, “Phung Nguyen”
https://www.jstor.org/stable/42929153

[5] Hà Văn Tấn, Theo dấu các văn hoá cổ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1997.

[6] Han Xiaorong, 1998, The present echoes of the ancient bronze drums: Nationalism and archaeology in modern Vietnam and China.
https://scholarspace.manoa.hawaii.edu/handle/10125/2545

[7] Loofs-Wissowa H (1991). Dongson drums: instruments of Shamanism or regalia?. Arts asiatiques, p.39-49. Doi: 10.3406/arasi.1991.1300
https://www.researchgate.net/publication/250235416_Dongson_Drums_Instruments_of_Shamanism_or_Regalia

[8] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.

[9] Li Kunsheng, Huang Derong 李昆声,黄德荣. Trên trống đồng loại I Heger 论黑格尔Ⅰ型铜鼓[J]. Tạp chí Khảo cổ học Trung Quốc 考古学报,2016(02):173-208.

[10] Higham C (2014). Early mainland Southeast Asia: from first humans to Angkor. River Books, p.200.

[11] Lang Linh, Khảo cứu về nền văn hóa Đông Sơn
https://luocsutocviet.com/2020/10/11/502-khao-cuu-ve-nen-van-hoa-dong-son/

[12] Lang Linh, Người Việt và sự kế thừa văn hóa tộc Việt
https://luocsutocviet.com/2021/05/06/531-nguoi-viet-va-su-ke-thua-van-hoa-toc-viet/

[13] Lang Linh, Tinh hoa cổ vật văn hóa Đông Sơn
https://luocsutocviet.com/2020/11/22/503-tinh-hoa-co-vat-van-hoa-dong-son/

[14] Phạm Huy Thông, Phạm Minh Huyền, Lại Văn Tới. Dong Son Drums in Viet Nam. Ha Noi: Viet Nam Social Sciences Publishing House. 1990, page.272.

[15] Bing Li, Cheng Zhu, Li Wu, Feng Li, Wei Sun, Xiaocui Wang, Hui Liu, Huaping Meng, Di Wu (2013). Relationship between environmental change and human activities in the period of the Shijiahe culture, Tanjialing site, Jianghan Plain, China
https://www.researchgate.net/publication/260850162_Relationship_between_environmental_change_and_human_activities_in_the_period_of_the_Shijiahe_culture_Tanjialing_site_Jianghan_Plain_China

[16] Yang Yong 杨勇. Trên những chiếc trống đồng nhỏ được khai quật từ các lăng mộ Tây Hán ở Thượng Sơn, Anji, Chiết Giang 论浙江安吉上马山西汉墓出土的小铜鼓[J]. Văn hóa Đông Nam 东南文化,2017(01):90-95.

[17] Lang Linh, Văn hóa Ba Thục với văn hóa tộc Việt
https://luocsutocviet.com/2021/04/09/523-van-hoa-ba-thuc-voi-van-hoa-toc-viet/

[18] Kanzawa-Kiriyama, H., Jinam, T., Kawai, Y., Sato, T., Hosomichi, K., Tajima, A., Adachi, N., Matsumura, H., Kryukov, K., Saitou, N., & Shinoda, K. (2019). Late Jomon male and female genome sequences from the Funadomari site in Hokkaido, Japan. Anthropological Science, 127, 83-108.

[19] Miyamori, Daisuke & Ishikawa, Noboru & Idota, Nozomi & Kakiuchi, Yasuhiro & McLean, Stuart & Kitamura, Tadaichi & Ikegaya, Hiroshi. (2015). Miyamori, D., Ishikawa, N., Idota, N., Kakiuchi, Y., McLean, S., Kitamura, T., & Ikegaya, H. (2015). Tracing Jomon and Yayoi ancestries in Japan using ALDH2 and JC virus genotype distributions. Investigative genetics, 6(1), 14.. Investigative Genetics. 6. 10.1186/s13323-015-0031-1.

[20] Phạm Đức Mạnh, Dấu ấn Đông Sơn ở “Phương Nam” Việt Nam, Tạp chí phát triển khoa học và công nghệ, tập 17, số X5-2014

[21] He Zhengting 何正廷. Nghiên cứu về văn hóa trống đồng của dân tộc Choang 壮族铜鼓文化研究[J]. Tạp chí Trường Cao đẳng Sư phạm Wenshan 文山师范高等专科学校学报,2008(03):23-26.

[22] Yang Yi 杨毅. Nghiên cứu về bản sắc và văn hóa trống đồng của dân tộc Bố Y 身份认同与布依族铜鼓文化研究[J]. Tạp chí của Đại học Quốc gia Xingyi cho các dân tộc 兴义民族师范学院学报,2013(01):44-48.

[23] Pan Lihong 潘利红. Điều tra và nghiên cứu về các thuộc tính văn hóa của trống đồng dân tộc Thủy 水族铜鼓文化属性的考察与研究[J]. Tạp chí của trường cao đẳng sư phạm dân tộc học Qiannan 黔南民族师范学院学报,2005(04):86-89.

[24] Tao Lei 陶磊. Nghiên cứu về phong tục trống đồng của dân tộc Miêu ở Zhongbao, Nandan. Đại học dân tộc Quảng Tây 南丹中堡苗族铜鼓习俗研究[D].广西民族大学, 2015.

[25] Hoàng Hải 黄海. Văn hóa trống đồng của dân tộc Yao ở Quý Châu 贵州瑶族的铜鼓文化[J]. Nghiên cứu Dân tộc Quý Châu 贵州民族研究,1998(04):26-31.

[26] Hu Wenqiang 胡文强. Nghiên cứu về Văn hóa trống đồng Tứ Xuyên 四川铜鼓文化研究[D]. Học viện Khoa học Xã hội Tứ Xuyên 四川省社会科学院,2018.

[27] Lưu Trần Tiêu, Trống đồng Việt Nam.
http://baotang.thanhhoa.gov.vn/portal/Pages/2015-3-30/TRONG-DONG-VIET-NAM5keow4.aspx

[28] Zhou Yuan周源. Điều tra về Nguồn gốc Văn hóa của Si Vĩ Việt 鸱尾越文化起源考[J]. Bảo tàng Văn hóa Phúc Kiến 福建文博,2016(02):26-32.

[29] Nancy Shatzman Steinhardt, Chinese Architecture: A History. Princeton University Press. 2019.

[30] Lu Qiong 路琼. Nghiên cứu về trang trí thổ cẩm Choang 壮锦纹饰研究[D]. Đại học Sơn Đông 山东大学,2017.

[31] Lê Trọng Khánh, 1986, Sự hình thành và phát triển chữ Việt cổ.
https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/08/06/502-su-hinh-thanh-va-phat-trien-chu-viet-co/

[32] Văn Ngọc, “Một dấu tích giao thoa văn hóa?”, Diễn Đàn Forum, Paris, số 145 tháng 11/2004.
http://vietsciences.free.fr/lichsu/lichsucacnuoc/motdautichgiaothoavanhoa.htm

[33] Triwurjani, Rr. (2016). Representation of Kettledrums at Several Megalithic Sites in Indonesia: The Relation With Southeast Asia. AMERTA. 34. 115. 10.24832/amt.v34i2.178.
https://www.researchgate.net/publication/316479073_Representation_of_Kettledrums_at_Several_Megalithic_Sites_in_Indonesia_The_Relation_With_Southeast_Asia

[34] Buckley, Christopher. (2012). Investigating Cultural Evolution Using Phylogenetic Analysis: The Origins and Descent of the Southeast Asian Tradition of Warp Ikat Weaving. PloS one. 7. e52064. 10.1371/journal.pone.0052064.
https://www.researchgate.net/publication/234000360_Investigating_Cultural_Evolution_Using_Phylogenetic_Analysis_The_Origins_and_Descent_of_the_Southeast_Asian_Tradition_of_Warp_Ikat_Weaving

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.