540. ☀ Nguồn gốc và vai trò của nha chương trong văn hóa Á Đông

Nha chương là một trong những hiện vật quan trọng nhất trong vùng Đông Á, chúng xuất hiện trong một địa bàn rất rộng, với các vùng xuất hiện: Hoa Bắc, Dương Tử, Tứ Xuyên, Việt Nam, Quảng Đông. Việc xuất hiện trên một địa bàn rất rộng như vậy khiến nha chương trở thành một chủ đề thu hút sự quan tâm và nghiên cứu của đông đảo học giả Việt Nam và quốc tế. Việc xác định nguồn gốc, chức năng, vai trò của nha chương sẽ cung cấp cho chúng ta những thông tin rất thú vị.

Nha chương cũng xuất hiện tại miền Bắc Việt Nam trong văn hóa Phùng Nguyên, vì nhiều nguyên nhân, nên đã có nhiều tác giả đề xuất về nguồn gốc của nha chương là từ phía Bắc, với các văn hóa Nhị Lý Đầu, Tam Tinh Đôi, tuy nhiên, chúng tôi sẽ chứng minh rằng nha chương Phùng Nguyên có một nguồn gốc khác với những gì các nghiên cứu đề xuất. Nha chương cũng là một biểu hiện quan trọng giúp chúng ta thấy được một phần tổ chức nhà nước trong giai đoạn đầu thời kỳ Hùng Vương.

I. Nguồn gốc và sự phân bố của nha chương:

Nha chương có nguồn gốc sớm nhất là từ văn hóa Đại Vấn Khẩu giai đoạn muộn, có niên đại vào khoảng 3000-2600 TCN, vào thời điểm đó thì nha chương chưa có chức năng đại diện quyền lực. Sau đó từ văn hóa Đại Vấn Khẩu, nha chương đã lan tỏa rộng khắp ra vùng Đông Á, với các văn hóa Long Sơn tại vùng Hoa Bắc và Thạch Gia Hà tại vùng Dương Tử. Sau đó tiếp tục lan rộng xuống các vùng Tứ Xuyên, miền Bắc Việt Nam và sau đó là Quảng Đông.

Nha chương văn hóa Đại Vấn Khẩu giai đoạn muộn. [1]

Về tên gọi, thì nha chương được xác định xuất hiện trong Chu Lễ, tên gọi 牙璋 có nghĩa là cái răng bằng ngọc, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế vẫn chưa thực sự thống nhất trong cách gọi cổ vật này, có nhiều tên gọi khác nhau được đặt cho nó, nhưng tên gọi nhận được sự đồng thuận nhiều nhất là nha chương.

Nha chương sau đó được tìm thấy rộng khắp trong vùng Đông Á, các vùng chủ yếu xuất hiện nha chương đó là Hoa Bắc, Tứ Xuyên, Dương Tử, Quảng Đông và Việt Nam. Các bản đồ dưới đây sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn sự phân bố của nha chương.

Bản đồ phân bố nha chương. [2]

Bản đồ phân bố nha chương. [3]

II. Nguồn gốc nha chương Phùng Nguyên:

Nha chương văn hóa Phùng Nguyên tìm thấy 8 chiếc, tại hai di chỉ đó là Phùng Nguyên và Xóm Rền, chúng có niên đại vào khoảng 1700-1400 TCN [4]. Nha chương được các học giả Việt Nam như Hà Văn Tấn [5] và học giả Trung Quốc [6] giả thuyết rằng có nguồn gốc từ Nhị Lý Đầu, được đưa sang Tam Tinh Đôi sau đó được đưa xuống miền Bắc Việt Nam, tuy nhiên giả thuyết này không đủ cơ sở, vì văn hóa Tam Tinh Đôi có niên đại vào khoảng 1200 TCN, có nghĩa sau nha chương Phùng Nguyên khoảng 200-500 năm, nên nha chương Phùng Nguyên không thể có nguồn gốc từ nha chương Tam Tinh Đôi. Thay vào đó, nha chương Phùng Nguyên có nguồn gốc từ vùng Dương Tử, với văn hóa Thạch Gia Hà.

Tại văn hóa Thạch Gia Hà, một số nha chương đã được tìm thấy trong vùng Hồ Bắc, với niên đại vào khoảng 2500-2000 năm TCN.

Nha chương văn hóa Thạch Gia Hà. [7]

Người Việt thời văn hóa Phùng Nguyên có nguồn gốc từ vùng Dương Tử, di cư về Việt Nam khoảng 4000 năm trước theo các nghiên cứu di truyền [8][9], khi di cư về Việt Nam, họ đã đem theo kỹ thuật chế tác ngọc và nha chương, theo đó nha chương Phùng Nguyên được kế thừa từ vùng Dương Tử.

Nha chương văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: Bảo tàng Hùng Vương, dẫn]

Toàn bộ 8 chiếc nha chương tìm thấy tại Việt Nam, bản ảnh và bản vẽ. [10][6]

Trong văn hóa Phùng Nguyên đã tìm thấy những công xưởng chế tác ngọc tại Gò Chè, Hồng Đà với hiện vật như hạt chuỗi, hoằng, vòng, khuyên tai, công cụ sản xuất có cùng chất liệu ngọc, kỹ thuật chế tác với Nha chương [11].

Đây là các tư liệu cho chúng ta thấy nha chương Phùng Nguyên có nguồn gốc từ vùng Dương Tử, khi di cư về miền Bắc Việt Nam họ đã đem theo kỹ thuật chế tác nha chương, chế tạo tại chỗ và sử dụng cho mục đích tế lễ và chính trị. Điều này sẽ được chúng tôi tìm hiểu thêm trong phần III.

III. Vai trò và chức năng của nha chương:

Các tài liệu lịch sử và tài liệu khảo cổ sẽ cung cấp cho chúng ta những thông tin quan trọng để có thể xác định vai trò của những chiếc nha chương trong văn hóa Á Đông.

1. Nha chương với chức năng chính trị:

Đoạn ghi chép trong Chu Lễ cho chúng ta thấy được chức năng điều động và tổ chức quân đội của các quốc gia có tồn tại nha chương: “Nha chương dùng để điều động quân đội, chỉ huy quân đồn trú”.

Ý kiến về việc nha chương được sử dụng để điều động quân đội, chỉ huy quân đồn trú cũng được một số học giả Trung Quốc đề xuất [12][13]. Theo đó, nó là một công cụ nghi lễ tượng trưng được sử dụng bởi nhóm cai trị trong các quốc gia để cai trị và kiểm soát các lãnh thổ trong quốc gia của mình [12], tức là Nha chương là được sử dụng như một công cụ công nhận hoặc một biểu tượng xác định mối quan hệ giữa các vùng lãnh thổ và chính quyền trung ương. [13]. Có tác giả khác lại đi xa hơn cho rằng nha chương là biểu tượng quyền lực trung tâm của người Hoa Hạ trong văn hóa Nhị Lý Đầu với các vùng có xuất hiện nha chương [14], quan điểm này có tính thực dân, không đủ cơ sở để khẳng định về quyền lực nhà nước của văn hóa Nhị Lý Đầu với các văn hóa ngoài vùng Hoa Bắc thông qua nha chương.

Qua đây chúng ta thấy được rằng nha chương là một vật biểu tượng cho quyền lực, chế độ chính trị ở đây có khả năng là chế độ phong kiến phân quyền phổ biến trong vùng Đông Á trước khi xuất hiện chế độ tập quyền, mỗi quốc gia, mỗi vùng văn hóa thì nha chương lại tập trung vào những người nắm quyền lực cao nhất để quản lý quốc gia.

Ở Việt Nam cũng như vậy, trong thời kỳ này, thì nha chương tương ứng với giai đoạn đầu của thời kỳ Hùng Vương, sau khi người Việt di cư từ vùng Dương Tử về [8][9], thì quyền lực nhà nước đã được chứng minh trong văn hóa Thạch Gia Hà cũng được dịch chuyển về Việt Nam, khi di cư, họ đã đem theo nha chương từ văn hóa Thạch Gia Hà, đây chính là một yếu tố thể hiện biểu tượng quyền lực nhà nước quan trọng trong thời kỳ Hùng Vương.

2. Nha chương với chức năng lễ khí:

Bên cạnh chức năng quyền lực được xác định qua các tài lịch sử và khảo cổ, thì các tài liệu khảo cổ tại văn hóa Tam Tinh Đôi cũng cho chúng ta thấy được những chiếc nha chương có khả năng được sử dụng như một vật lễ khí, sử dụng trong các dịp tế lễ.

Văn hóa Tam Tinh Đôi có đặc trưng rất quan trọng đó là rất chú trọng vào việc tế lễ, tượng người quỳ cầm nha chương cho thấy một hình ảnh về việc tế lễ, vì trong các dịp tế Trời, thì thường các văn hóa thường sử dụng đĩa bích, vậy nên nha chương có khả năng được sử dụng để tế vật Tổ, có nhà nghiên cứu cho rằng đó Rồng và rắn [13]. Chúng tôi cho rằng giả thuyết này có cơ sở, vì ngoài tế trời, đất, thì việc cúng tế vật Tổ là đặc trưng quan trọng của văn hóa vùng Đông Á.

Tượng người quỳ cầm nha chương văn hóa Tam Tinh Đôi. [10][15]

IV. Kết luận:

Vì thông tin về nhà chương hiện nay rất hạn chế, nên chúng tôi chỉ có thể chia sẻ một phần thông tin về các vấn đề về nguồn gốc, phân bố của nha chương trong vùng Đông Á và nha chương của văn hóa Phùng Nguyên. Nha chương trong văn hóa Đông Á khả năng có hai vai trò chính, đó là biểu tượng quyền lực nhà nước và là vật lễ khí. Nha chương văn hóa Phùng Nguyên không phải có nguồn gốc từ Tam Tinh Đôi và Nhị Lý Đầu, mà có nguồn gốc từ văn hóa trong vùng Dương Tử, khi về Việt Nam, nha chương đã được chế tác tại chỗ, được sử dụng cho các mục đích chính trị và tâm linh.

Lang Linh


Tài liệu tham khảo:

[1] Đặng Thục Bình 邓淑苹, Khám phá Nha chương – Văn hóa Đại Vấn Khẩu đến thời kỳ Nhị Lý Đầu 牙璋探索—大汶口文化至二里头期
http://kaogu.cssn.cn/zwb/xsyj/yjxl/qt/202106/W020210621537633228278.pdf

[2] Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học Trịnh Châu, Đặng Công, Trung tâm Nghiên cứu Nghệ thuật Khảo cổ học Trung Quốc, Đại học Trung Quốc Hồng Kông, Yazhang và nguồn gốc của đất nước: Danh mục Yazhang và các bài tiểu luận được sưu tầm 牙璋与国家起源:牙璋图录及论集, Báo chí khoa học xuất bản 科学出版社, 2018.

[3] Li, M. (2018). The Longshan Transition: Political Experimentation and Expanding Horizons. In Social Memory and State Formation in Early China (pp. 82-174). Cambridge: Cambridge University Press. doi:10.1017/9781316493618.005

[4] Trịnh Sinh, Nha chương – Biểu tượng quyền lực thủ lĩnh
http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3101/71626/nha-chuong-bieu-tuong-quyen-luc-thu-linh.html

[5] Hà Văn Tấn: “Về những chiếc “nha chương” trong văn hoá Phùng Nguyên”, trong tạp chí Khảo cổ học, số 2 năm 1993, tr. 16-27.

[6] Peng Changlin 彭长林. Nghiên cứu về Nha chương ở miền Bắc Việt Nam 越南北部牙璋研究[J]. Khảo cổ học Trung Quốc 华夏考古,2015(01):63-71. [J] .

[7] Zhang Changping, Guo Weimin, Wang Mingqin, Yu Yajao, The Complete Collection of Jades Unearthed in China, Tập 10: Hubei-Hunan, Nhà xuất bản Khoa học Trung Quốc

[8] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

[9] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

[10] Hán Văn Khẩn, Đặng Hồng Sơn: “Trở lại vấn đề nha chương trong văn hóa Phùng Nguyên”, trong tạp chí Khảo cổ học, số 5 năm 2010, tr. 50-63.

[11] Nguyễn Kim Dung, Truyền thống chế tạo đồ ngọc ở Việt Nam thời tiền sử, Tạp chí KHẢO CỔ HỌC số 4 năm 1998, tr.23-40.

[12] Wang Yongbo 王永波. Nghiên cứu về Ruigui ở Trung Quốc cổ đại 中国上古瑞圭研究 [J] Học thuật Tử Cấm Thành, 1992 (Tập 10, Số 2) 故宫学术季刊, 1992. (第十卷 第二期):55-102..

[13] Qin Xiaoli 秦小丽. Nha chương và tầm quan trọng của nó trong việc hình thành nhà nước sơ khai của Trung Quốc 中国初期国家形成过程中的牙璋及意义[J]. Nghiên cứu văn hóa trung nguyên 中原文化研究,2017,5(04):85-94. . [J].

[14] Gu Bin 谷斌. Nguồn gốc của nha chương và sự thờ cúng của Rồng và Rắn — Lấy các địa điểm Nhị Lý Đầu, Tam Tinh Đôi và Thạch Trại Sơn làm ví dụ 牙璋的起源与龙蛇崇拜——以二里头、三星堆、石寨山遗址为例[J].三峡大学学报(人文社会科学版),2018,40(04):79-86.

[15] Jay xu. (2008). The Sanxingdui site: art and archaeology vol. 1. PhD Dissertation.
https://www.academia.edu/43276842/THE_SANXINGDUI_SITE_ART_AND_ARCHAEOLOGY_VOL_1_TEXTS_A_DISSERTATION_PRESENTED_TO_THE_FACULTY_OF_PRINCETON_UNIVERSITY_IN_CANDIDACY_FOR_THE_DEGREE_OF_DOCTOR_OF_PHILOSOPHY_RECOMMENDED_FOR_ACCEPTANCE_BY_THE_DEPARTMENT_OF_ART_AND_ARCHAEOLOGY

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.