523. ☀ Văn hóa Ba Thục với văn hóa tộc Việt

Các nước Ba, Thục là nước có địa bàn phân bố tại bồn địa Tứ Xuyên, đây là vùng đồng bằng rộng lớn, nằm tại thượng lưu của sông Dương Tử. Các quốc gia này khá nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa, những khám phá khảo cổ tại vùng này đã thể hiện sự phát triển của các quốc gia này, trong đó nổi tiếng nhất là các di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi và Kim Sa.

Về mặt địa lý và lịch sử, bồn địa Tứ Xuyên được chia thành hai phần, phía Tây Bắc là nước Ba, phía Đông Nam là địa nước Thục, gần với nước Tần, nước Ba có địa lý gần hơn với cộng đồng tộc Việt tại vùng Dương Tử và các vùng Quý Châu, Vân Nam.

Bản đồ mô phỏng vị trí và phân bố các nước Ba Thục, văn hóa Tam Tinh Đôi cùng các nền văn hóa của tộc Việt trong vùng Dương Tử và miền Bắc Việt Nam. (Dựa theo [1])

Các quốc gia này có nguồn gốc và sự liên hệ gần gũi hơn với người Hoa Hạ, tuy nhiên, trong dòng văn hóa các quốc gia này có tồn tại sự giao lưu với văn hóa của cộng đồng tộc Việt, bên cạnh đó có thể có cả sự di cư của một lượng nhất định cư dân tộc Việt sang vùng này vào thời điểm khoảng 4000 năm trước khi văn minh Dương Tử sụp đổ vì nạn hạn hán. Điều này sẽ được chúng tôi tìm hiểu ở các phần sau của bài viết này.

I. Lịch sử và nguồn gốc các nước Ba, Thục:

Tuy cách xa các quốc gia Hoa Hạ, nhưng lịch sử về các quốc gia Ba Thục cũng được ghi chép lại khá rõ ràng, cung cấp cho chúng ta những thông tin về nguồn gốc của các quốc gia này, cũng như tiến trình lịch sử, hình thành và diệt vong.

Về nguồn gốc của nước Thục, thì theo truyền thuyết, Tàm Tùng, một nhân vật thần thoại được ghi lại như người có công dạy dân trồng lúa, có hậu duệ là Đỗ Vũ nhân khi nhà Chu suy yếu xưng đế, lấy đế hiệu là Thục Vọng Đế. Thục Vọng Đế sau mất ngôi vào tay Biết Linh, Biết Linh lên ngôi lấy hiệu là Khai Minh Đế, bắt đầu triều đại Khai Minh của nước Thục. Triều Khai Minh Đế kéo dài được 12 đời thì bị nước Tần tiêu diệt. Tài liệu lịch sử cũng có ghi rất rõ ràng về nguồn gốc của nước Thục.

Hoa Dương quốc chí – Ba Thục chí chép: “蜀之為國,肇於人皇,與巴同囿。至黃帝,為其子昌意娶蜀山氏之女,生子高陽,是為帝嚳。封其支庶於蜀,世為侯伯。歷夏、商、周。武王伐紂,蜀與焉。- Người Thục dựng nước có từ thời Nhân Hoàng, cùng chỗ với người Ba. Đến thời Hoàng Đế, cho con tên là Xương Ý lấy con gái họ Thục Sơn, sinh con tên là Cao Dương, đấy là Đế Khốc. Phong con thứ của mình ở đất Thục, thay nhau làm hầu bá. Trải qua thời Hạ, Thương, Chu. Vũ Vương đánh vua Trụ, người Thục cũng đi theo.”

Về nguồn gốc của nước Ba, thì triều đình nước Ba mang họ Cơ cùng với vương triều nhà Thương. Tuy cùng họ với nhà Thương nhưng Ba và nhà Thương thường có mâu thuẫn với nhau. Sau đó quốc gia này cũng đã tham gia cuộc chinh phạt nhà Thương của nhà Chu cùng với nước Thục.

Hoa Dương quốc chí – Ba Thục chí chép: “武王既克殷,以其宗姬封於巴,爵之以子。- Vũ Vương đã diệt nhà Ân, dùng người họ Cơ phong ở đất Ba, cho lấy tước tử.”

Như vậy qua Hoa Dương quốc chí, chúng ta biết được các nước Ba, Thục có cùng nguồn gốc với người Hoa Hạ, nước Thục thuộc dòng dõi của Hoàng Đế, nước Ba có họ Cơ được phong cho đất Ba sau khi đánh bại nhà Thương. Chính vì vậy lịch sử của họ gắn liền rất mật thiết với các quốc gia Hoa Hạ.

Cả hai nước Thục và Ba đều tham gia vào cuộc chinh phạt nhà Thương của triều Chu, các quốc gia này đã đóng góp nhiều sức lực vào cuộc chiến đánh nhà Thương, Ba sau đó đã được nhà Chu phong là “Tử quốc” vì những chiến công của mình. Cuộc chiến này cũng cho thấy các nước Thục và Ba trong vùng Tứ Xuyên có một liên hệ mật thiết với cư dân Hoa Hạ.

Vào khoảng năm 703 TCN, trong sách Tả truyện đã chép về sự kiện nước Ba tham gia hoạt động quân sự của nhà Chu để chống lại nước Đặng.

Vào khoảng năm 316 TCN, nước Ba và Thục xảy ra xung đột, vua Thục cử quân đánh sang nước Thư, một đồng minh của nước Ba. Sự kiện này đã được Sử ký của Tư Mã Thiên ghi lại.

“Nước Thư và nước Thục đánh nhau, cả hai đều cấp báo với Tần. Tần Huệ vương muốn xuất quân đánh Thục, nhưng cho đường hẹp khó đi, lại sợ Hàn thừa cơ đánh lén, Tần Huệ vương muốn đánh Hàn trước, đánh Thục sau, e bất lợi, muốn đánh Thục trước, sợ Hàn thừa cơ Tần trống trải đến đánh úp, do dự cho quyết. Tư Mã Thác và Trương Nghi tranh luận trước mặt Huệ vương. Tư Mã Thác muốn đánh Thục, Trương Nghi nói: ‘Chẳng bằng đánh Hàn.’ Huệ vương nói: ‘Xin được nghe ý ông.’.” [2]

Huệ vương sau đó đã nghe theo Tư Mã Thác, quyết định xuất quân đánh xuống nước Thục. Ông sai Tư Mã Thác, Trương Nghi và Đô úy Mặc đem quân đánh xuống nước Thục, nước Ba đã liên minh cùng nhà Tần đánh Thục, tuy nhiên nhà Tần sau đó cũng đánh luôn cả đồng minh của mình là nước Ba, mười tháng sau thời điểm khởi hành, đoàn quân của nhà Tần đã chiếm trọn được cả 3 nước Thục, Ba và Thư, làm chủ hoàn toàn vùng bồn địa Tứ Xuyên. Đây là mốc chấm dứt của các triều đại Ba Thục tại Tứ Xuyên, vùng này nội thuộc đất Trung Quốc kể từ đó.

Như vậy chúng ta có thể thấy rằng lịch sử và truyền thuyết của các nước Ba, Thục gần gũi và có sự gắn bó mật thiết với văn hóa của người Hoa Hạ, cùng một nguồn gốc với các quốc gia ở vùng Hoa Bắc. Các tài liệu khảo cổ cũng sẽ cho chúng ta thấy những điểm gần gũi của văn hóa các nước Ba Thục với văn hóa Hoa Hạ, bên cạnh đó văn hóa Ba Thục cũng chịu ảnh hưởng khá sâu sắc, cũng như giao lưu với văn hóa tộc Việt trong các thời kỳ đá mới và thời kỳ đồ đồng.

II. Văn hóa vùng Ba Thục dựa trên các tài liệu khảo cổ:

Vùng bồn địa Tứ Xuyên là một vùng đồng bằng màu mỡ, có địa thế cao về phía Tây Bắc, thấp về phía Tây Nam, vùng này có rất nhiều sông, có địa thế bằng phẳng, đất đai phì nhiêu, có điều kiện thuận lợi cho dẫn nước tưới ruộng, khí hậu ôn hòa ẩm ướt, từ xưa đến nay đều là một vùng có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Điều kiện thuận lợi đó đã làm nền tảng cho sự phát triển của các quốc gia Ba Thục.

Văn hóa nổi tiếng nhất trong vùng này là văn hóa Tam Tinh Đôi, nằm trong khu di chỉ Tam Tinh Đôi, nằm ở trung tâm của vùng bồn địa Tứ Xuyên, có niên đại vào khoảng thế kỷ 11-12 TCN. Di chỉ này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1929. Các nhà khảo cổ Trung Quốc thực hiện nhiều cuộc khai quật, xác định văn hóa này có sự phát triển liên tục từ các văn hóa Bảo Tôn tới Tam Tinh Đôi và kế thừa ở văn hóa Thập Nhị Kiều. [3]

Các cuộc khai quật, trong đó có cuộc khai quật hai hố rất quy mô vào năm 1986 đã tìm thấy hơn 1000 hiện vật có giá trị lớn, to lớn, được chế tác tinh xảo đã thu hút sự chú ý của thế giới. Các hố cổ vật này được cho rằng là các hố tế lễ. Các cổ vật đặc trưng nhất của văn hóa Ba Thục là các mặt nạ bằng đồng và bằng vàng, bình đựng rượu cũng như những cây đồng khổng lồ.

Các loại hình cổ vật đặc trưng của văn hóa Tam Tinh Đôi. [Nguồn: Bảo tàng Tam Tinh Đôi, dẫn]

Văn hóa các nước Ba và Thục dựa trên các tài liệu khảo cổ có thể thấy có trình độ phát triển cao, có hệ thống cổ vật gần với cổ vật các triều đại Thương – Chu của người Hoa Hạ, tuy nhiên họ hệ thống cổ vật của họ có những đặc trưng rất riêng, chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của các cổ vật các văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà, và bên cạnh đó các quốc gia này cũng có sự giao lưu với văn hóa của cộng đồng tộc Việt trong giai đoạn đồ đồng.

II. Văn hóa tộc Việt và văn hóa Tam Tinh Đôi:

Văn hóa Tam Tinh Đôi có sự học hỏi các văn hóa tại vùng Dương Tử, là các văn hóa Lương Chử (Liangzhu, 3300-2000 BC) và Thạch Gia Hà (Shijiahe, 2500 – 2000 BC) của cộng đồng tộc Việt, sự ảnh hướng của văn hóa tộc Việt trên văn hóa Tam Tinh Đôi được thể hiện trên nhiều yếu tố văn hóa và cổ vật.

Hình tượng vị thần có nguồn gốc sớm nhất từ văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà, sau đó lan tỏa ra khắp vùng Đông Á, ảnh hưởng tới cả văn hóa Tam Tinh Đôi.

Hình tượng vị thần văn hóa Lương Chử. [4]

Các cổ vật có hình tượng vị thần của văn hóa Tam Tinh Đôi. [Nguồn: Bảo tàng Tam Tinh Đôi, dẫn]

Ngọc tông có chức năng tế đất, xuất hiện sớm nhất trong văn hóa Lương Chử và lan tỏa ra các vùng xung quanh. Tại văn hóa Tam Tinh Đôi cũng có sự xuất hiện của ngọc tông.

Ngọc tông Lương Chử và ngọc tông văn hóa Tam Tinh Đôi. [Nguồn: 1. Bộ sưu tập tư nhân được trích trong catalogue của J.J. Lally & Co. – Oriental Art, dẫn; 2. Bảo tàng Tam Tinh Đôi, dẫn]

Ngọc bích có chức năng tế trời, có nguồn gốc sớm nhất là từ văn hóa Hồng Sơn, tuy nhiên tới văn hóa Lương Chử, thì đĩa bích mới thực sự trở nên phổ biến, ảnh hưởng tới các vùng xung quanh, trong đó có văn hóa Tam Tinh Đôi.

Đia bích văn hóa Lương Chử và đĩa bích văn hóa Tam Tinh Đôi. [Nguồn: 1. Bộ sưu tập tư nhân được trích trong catalogue của J.J. Lally & Co. – Oriental Art, dẫn; 2. Gary Todd, Bảo tàng tỉnh Tứ Xuyên, dẫn]

Hình tượng mặt nạ hình người của văn hóa Tam Tinh Đôi có thể tìm thấy nguồn gốc sớm hơn từ văn hóa Thạch Gia Hà, các cổ vật văn hóa Tam Tinh Đôi đúc các mặt nạ đồng dựa trên hình tượng của văn hóa Thạch Gia Hà.

Ngọc văn hóa Thạch Gia Hà (2.3, 2.5, 2.7) và mặt nạ bằng đồng văn hóa Tam Tinh Đôi (2.4, 2.6, 2.8). [5]

Ngọc vị thần Thạch Gia Hà và mặt nạ đồng văn hóa Tam Tinh Đôi. [Nguồn: 1. Kaogu.cn, dẫn; 2. Bảo tàng Tam Tinh Đôi, dẫn]

Hình tượng cô gái trên tượng ngọc Thạch Gia Hà và trên đồ đồng văn hóa Tam Tinh Đôi. [5]

Tượng người Thạch Gia Hà và tượng người Tam Tinh Đôi. [Nguồn: 1. dẫn; 2. [6]]

Ngọc hổ văn hóa Thạch Gia Hà và ngọc hổ Tam Tinh Đôi. [Nguồn: 1. Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, dẫn; 2. [6]]

Nha chương của văn hóa Tam Tinh Đôi có thể cũng có nguồn gốc từ nha chương văn hóa Thạch Gia Hà. Văn hóa Long Sơn cũng có Nha chương từ sớm, sớm hơn văn hóa Tam Tinh Đôi, tuy nhiên xét về nguồn gốc của nhiều cổ vật văn hóa Tam Tinh Đôi, cũng như hình thức của nha chương văn hóa Thạch Gia Hà và Tam Tinh Đôi, thì nhiều khả năng văn hóa Tam Tinh Đôi tiếp nhận nha chương từ văn hóa Thạch Gia Hà. Chúng ta cũng có thể nhận thấy sự khác biệt đáng kể trong một số nha chương của văn hóa Long Sơn với văn hóa Tam Tinh Đôi, đa phần nha chương Tam Tinh Đôi đều có đầu chữ V tương tự như Thạch Gia Hà, nha chương văn hóa Long Sơn thường có đầu tròn hoặc ngang.

Nha chương văn hóa Tam Tinh Đôi, nha chương Thạch Gia Hà và nha chương Long Sơn. [Nguồn: 1. Gary Todd, Bảo tàng tỉnh Tứ Xuyên, dẫn; 2. Zhang Changping, Guo Weimin, Wang Mingqin, Yu Yajao, The Complete Collection of Jades Unearthed in China, Tập 10, Nhà xuất bản Khoa học Trung Quốc; 3. Gu Fang, Chinese Jades in Traditional Collections, Tập 1.]

Bên cạnh đó một số cổ vật khác của văn hóa Tam Tinh Đôi cũng thể hiện sự học hỏi văn hóa Thạch Gia Hà, trong đó các cổ vật bằng ngọc, mũi lao, rìu đồng của văn hóa Tam Tinh Đôi có nguồn gốc và học hỏi trực tiếp từ văn hóa Thạch Gia Hà. [6]

Ngọc văn hóa Thạch Gia Hà (2.11, 2.13) và đồ đồng văn hóa Tam Tinh Đôi (2.12, 2.14). [5]

1. Bình gốm Tam Tinh Đôi (a) và Lương Chử (b). [6] 2. Bình gốm Tam Tinh Đôi (a) và Thạch Gia Hà (b). [6] 3. Bình gốm Tam Tinh Đôi (a) và bình gốm Thạch Gia Hà (b). [6]

Ngọc hình dùi văn hóa Tam Tinh Đôi (a, b) và ngọc hình dùi văn hóa Lương Chử (c). [6]

Tượng gốm hình gà văn hóa Tam Tinh Đôi (a) và tượng gốm hình gà văn hóa Thạch Gia Hà. [6]

Qua so sánh một số cổ vật, chúng ta có thể thấy được sự ảnh hưởng của văn hóa tộc Việt vùng Dương Tử tới văn hóa Tam Tinh Đôi. Văn hóa tộc Việt vì nguyên nhân thiên tai, cũng như điều kiện tại đồng bằng sông Hồng không đủ thuận lợi để phát triển, nên nghệ thuật có phần kém hơn các thời gian trước, tuy nhiên người Việt vẫn tiếp tục kế thừa ý thức văn hóa cốt lõi từ các văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà, văn hóa Tam Tinh Đôi chịu ảnh hưởng của văn hóa tộc Việt trong giai đoạn này và sau đó vẫn tiếp tục kế thừa trong thời kỳ đồ đồng, không phải người Việt chịu ảnh hưởng của văn hóa Ba Thục mà là ngược lại, văn hóa Ba Thục chịu ảnh hưởng của tộc Việt trong nhiều giai đoạn.

Sự giao lưu và ảnh hưởng văn hóa của tộc Việt vẫn tiếp tục diễn ra trong các giai đoạn sau, được thể hiện trực tiếp trên các cổ vật chúng tôi sẽ dẫn ở phần phía sau đây.

III. Sự giao lưu của văn hóa Ba Thục với văn hóa tộc Việt giai đoạn sau:

Sau thời điểm chịu ảnh hưởng của văn hóa tộc Việt qua các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà, thì thời điểm sau khi nền văn minh sông Dương Tử sụp đổ, văn hóa Tam Tinh Đôi và vùng Ba Thục tiếp tục có sự giao lưu và chịu ảnh hưởng của văn hóa tộc Việt trên nhiều khía cạnh, điều này được thể hiện rất rõ trong các loại hình cổ vật và văn hóa.

1. Sự giao lưu qua một số đặc trưng văn hóa:

a. Quan tài hình thuyền:

Người Ba Thục có nguồn gốc gần gũi hơn với Hoa Hạ, tuy nhiên về mặt khảo cổ mộ táng, thì các phát hiện cho thấy đặc trưng mộ táng của Ba Thục lại gần hơn với văn hóa tộc Việt.

Đặc trưng mộ táng của người Hoa Hạ là lăng mộ, với những ngôi mộ được xây to lớn, nguy nga, các ngôi mộ nhỏ hơn cũng thường được xây bằng gạch, như một kiểu lăng mộ nhỏ, tuy nhiên lăng mộ của vùng Ba Thục lại gần là dạng mộ quan tài hình thuyền, được chôn trực tiếp dưới đất, không phải theo kiểu lăng mộ như người Hoa Hạ.

Các ngôi mộ hình thuyền được tìm thấy tại Thành Đô. [Nguồn: 1. CGTN, dẫn; 2. Kaogu, dẫn]

b. Áo vạt trái:

Áo vạt trái được các tài liệu lịch sử như một đặc trưng của văn hóa tộc Việt:

Trong sách Luận Ngữ có ghi lại chi tiết: “Quản Trọng theo giúp Tề Hoàn Công nên nghiệp bá, nhờ vậy mà thiên hạ từ loạn đổi sang trị. Nếu không có Quản Trọng thì chúng ta phải gióc tóc và vắt vạt áo bên trái như bọn man di. Lẽ nào vì tấm lòng trung quân nhỏ hẹp tầm thường mà đi treo cổ bên lạch suối sao?”. [Luận Ngữ, 14:17] [Man di là cách gọi có tính miệt thị được người Hoa Hạ sử dụng để chỉ người Việt]

Dạng áo vạt trái này cũng được thể hiện trên tượng của văn hóa Tam Tinh Đôi vùng Ba Thục.

Áo vạt trái được thể hiện trên tượng người Tam Tinh Đôi. [Nguồn: Bảo tàng Tam Tinh Đôi, dẫn]

2. Sự giao lưu được thể hiện qua cổ vật:

a. Giai đoạn Phùng Nguyên và Đồng Đậu:

Các văn hóa Phùng Nguyên và Đồng Đậu là các văn hóa có nguồn gốc từ vùng Dương Tử di cư về theo các nghiên cứu di truyền [7][8], hạn hán diễn ra tại vùng Dương Tử [9] đã khiến cư dân tộc Việt di cư về phía Nam. Trong cuộc di cư này, có thể có cả một nhóm tộc Việt đã di cư sang vùng Ba Thục, đem theo các đặc trưng văn hóa vùng Dương Tử sang vùng này.

So sánh các đồ ngọc của Tứ Xuyên và văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu. [3]

So sánh đồ gốm của văn hóa Phùng Nguyên và các văn hóa Phùng Nguyên, Đông Sơn. [3]

Giả thuyết này của chúng tôi còn được hỗ trợ bởi thông tin về việc khoảng 11,8% cư dân Thành Đô, có nghĩa khoảng 1,18 triệu trong số 10 triệu người Thành Đô có gốc gác M88 [10], M88 là nhóm gen (haplogroup) đặc trưng của người Việt (Kinh) và một số dân tộc có nguồn gốc tộc Việt. [11]

Tạm thời qua các thông tin này, chúng ta có thể tạm kết luận về việc một số lượng nhất định cư dân tộc Việt đã di cư sang vùng Tứ Xuyên, lượng người di cư sang có thể không nhiều, nhưng cũng đã tạo nên những ảnh hưởng nhất định trong văn hóa vùng Ba Thục. Có thể trước hoặc sau thời điểm cuộc di cư này diễn ra, cư dân Hoa Hạ đã di cư xuống vùng đất này, chiếm ưu thế về số lượng hơn so với các cư dân tộc Việt, trở thành chủ thể của nền văn hóa vùng bồn địa Tứ Xuyên, phát triển những đặc trưng văn hóa của riêng mình.

b. Giai đoạn Đông Sơn:

Giai đoạn văn hóa Đông Sơn, thì các cổ vật cũng cho thấy có thể có sự giao lưu của văn hóa tộc Việt với văn hóa vùng Ba Thục, một số cổ vật có sự tương đồng với nhau.

So sánh các cổ vật của Tứ Xuyên với văn hóa Đông Sơn. [3]

Một số cổ vật khác của văn hóa Đông Sơn và các văn hóa vùng Tứ Xuyên. [3]

Cổ vật như viện ngọc có nguồn gốc từ vùng Dương Tử, các loại hình rìu là đặc trưng của văn hóa tộc Việt, bên cạnh đó có một số cổ vật bằng đồng như dao đồng, qua đồng (mác đồng ở hình trên) có nguồn gốc sớm là từ các văn hóa Hoa Hạ thời Thương – Chu, có sự giao lưu và lan tỏa xuống cả Việt Nam và Tứ Xuyên.

c. Sự giao lưu thể hiện qua vỏ sò:

Trong văn hóa Tam Tinh Đôi tìm thấy rất nhiều vỏ sò và ngà voi, đây không phải là sản phẩm bản địa Tứ Xuyên, mà có nguồn gốc từ bên ngoài. Có nhiều học giả Trung Quốc cho rằng các sản vật này có nguồn gốc từ Ấn Độ Dương, được đưa vào thông qua con đường bờ biển Việt Nam. [3]

Vỏ sò văn hóa Tam Tinh Đôi. [Nguồn: Bảo tàng Tam Tinh Đôi, dẫn]

Điều này cũng góp phần chứng minh sự giao lưu và thông thương hàng hoá giữa cộng đồng tộc Việt và vùng Ba Thục.

3. Vấn đề Nha chương Tam Tinh Đôi và Nha chương Phùng Nguyên:

Nha chương là cổ vật có tính biểu tượng quyền lực quan trọng trong vùng Đông Á đầu thời kỳ đồ đồng. Các cổ vật nha chương bằng ngọc được tìm thấy tại cả văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Tam Tinh Đôi, có nhiều học giả Việt Nam và Trung Quốc có quan điểm cho rằng văn hóa Phùng Nguyên tiếp nhận những chiếc nha chương bằng ngọc từ văn hóa Tam Tinh Đôi hoặc từ nhà Thương. Tuy nhiên các tài liệu khảo cổ sẽ cho chúng ta thấy một nguồn gốc khác của những chiếc nha chương.

Nha chương Tam Tinh Đôi. [Nguồn: Bảo tàng Tam Tinh Đôi, dẫn]

Nha chương có nguồn gốc sớm nhất là từ văn hóa Đại Vấn Khẩu tại vùng Sơn Đông ngày nay, thời điểm đó chưa có vai trò biểu tượng quyền lực, sau đó nha chương tiếp tục được kế thừa trong văn hóa Thạch Gia Hà tại vùng Hồ Bắc.

Nha chương văn hóa Đại Vấn Khẩu giai đoạn muộn. [12]

73546628_10162414047025526_4604710824034959360_o

Nha chương văn hóa Thạch Gia Hà. [13]

Sau đó theo dòng di cư về phía Nam, cư dân tộc Việt đã mang theo nha chương về văn hóa Phùng Nguyên. Tại văn hóa Phùng Nguyên theo tài liệu khảo cổ cũng đã tìm thấy những công xưởng chế tác ngọc tại Gò Chè, Hồng Đà với hiện vật như hạt chuỗi, hoằng, vòng, khuyên tai, công cụ sản xuất có cùng chất liệu ngọc, kỹ thuật chế tác với Nha chương tìm thấy tại Xóm Rền. [14] Tài liệu này đã chứng minh việc chế tác nha chương tại chỗ của cư dân tộc Việt văn hóa Phùng Nguyên, không phải có nguồn gốc từ văn hóa Tam Tinh Đôi hay nhà Thương như một số quan điểm đã đề xuất.

Nha chương văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: Bảo tàng Hùng Vương, dẫn]

Xét kỹ hơn về mặt niên đại, chúng ta sẽ thấy được sự bất hợp lý trong giả thuyết về nguồn gốc Nhị Lý Đầu hoặc Tam Tinh Đôi của nha chương Phùng Nguyên, nha chương tìm thấy đầu tiên trong giai đoạn muộn của văn hóa Đại Vấn Khẩu có niên đại khoảng 3000-2600 TCN, văn hóa Thạch Gia Hà có niên đại khoảng 2500-2000 TCN, văn hóa Nhị Lý Đầu có niên đại vào khoảng 1900-1500 BC, văn hóa Tam Tinh Đôi có niên đại khoảng 1700-1150 TCN, nha chương của văn hóa này có niên đại khoảng 1200-1100 năm trước [15], di chỉ Xóm Rền có niên đại khoảng 1700-1400 TCN [16], như vậy chúng ta thấy được nha chương Phùng Nguyên tại di chỉ Xóm Rền có niên đại tương đương và có thể sớm hơn so với văn hóa Tam Tinh Đôi, bên cạnh đó, thì văn hóa Phùng Nguyên có nguồn gốc từ dòng di cư từ văn hóa Thạch Gia Hà chứ không phải Tam Tinh Đôi, chính vì vậy, việc cho rằng văn hóa Phùng Nguyên học hỏi nha chương từ Tam Tinh Đôi là chưa thực sự phù hợp.

Bên cạnh đó, xét về văn hóa Long Sơn, văn hóa này có niên đại khoảng 3000-2600, tức có niên đại sớm hơn so với văn hóa Thạch Gia Hà, tuy nhiên như chúng tôi đã dẫn chứng ở phần trên, thì hình dáng nha chương của văn hóa Long Sơn đa phần có phần đầu vát tròn, nha chương Thạch Gia Hà có phần đầu hình chữ V, nha chương của văn hóa Tam Tinh Đôi và Phùng Nguyên đa phần đều có chữ V tương tự nha chương Thạch Gia Hà, chính vì vậy chúng ta cũng không có đủ cơ sở để xét về nguồn gốc văn hóa Long Sơn của nha chương Thạch Gia Hà và Phùng Nguyên, nha chương của Tam Tinh Đôi nhiều khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ văn hóa Thạch Gia Hà, đồng thời với các cổ vật đặc trưng chịu ảnh hưởng Thạch Gia Hà như chúng tôi đã dẫn ở trên. Nha chương của văn hóa Phùng Nguyên có nguồn gốc trực tiếp từ văn hóa Thạch Gia Hà theo dòng di cư của cư dân tộc Việt vùng Dương Tử về Việt Nam vào khoảng 4000 năm trước theo các nghiên cứu di truyền. [7][8]

4. Một dấu tích giao lưu văn hóa giai đoạn muộn:

Tượng người Lạch Trường, một hiện vật khá nổi tiếng của văn hóa Đông Sơn, có niên đại vào đầu thời Hán thuộc, có thể cho chúng ta thấy được sự giao lưu với văn hóa Tam Tinh Đôi thông qua văn hóa Hoa Hạ. Đèn người quỳ là đặc trưng văn hóa Hoa Hạ, tuy nhiên đặc điểm tượng người quỳ Lạc Trường có nét tương đồng với mặt nạ và tượng người quỳ của văn hóa Tam Tinh Đôi.

Tượng người quỳ Lạch Trường và tượng người quỳ Tam Tinh Đôi. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, dẫn; Bảo tàng Tam Tinh Đôi, dẫn]

Sự liên hệ giai đoạn này không còn đơn thuần là giữa văn hóa Đông Sơn và văn hóa Tam Tinh Đôi nữa, mà đã qua trung gian là văn hóa của người Hoa Hạ. Cổ vật tượng người quỳ Lạc Trường được người thợ Đông Sơn chế tác, tuy nhiên các đặc trưng người quỳ và gương mặt thể hiện rất rõ ảnh hưởng văn hóa Hoa Hạ và giao lưu với văn hóa Tam Tinh Đôi. Xét về sâu xa, thì mặt nạ của văn hóa Tam Tinh Đôi có nguồn gốc từ mặt nạ của văn hóa Thạch Gia Hà, do đó hình tượng này đã qua hai lớp giao lưu, từ văn hóa tộc Việt ảnh hưởng lên văn hóa Tam Tinh Đôi, sau đó văn hóa này tiếp tục được ảnh hưởng lại về văn hóa Việt thời Bắc thuộc.

IV. An Dương Vương có phải có nguồn gốc từ nước Thục hay không?

Trong lịch sử cũng từng có quan điểm cho rằng An Dương Vương có nguồn gốc từ nước Thục, tuy nhiên dựa trên các bằng chứng khảo cổ ở trên, thì chúng ta có thể thấy được rất khó tìm thấy cơ sở để cho rằng “Thục Vương Tử” đã di cư tới Việt Nam sau khi nước Thục sụp đổ, bởi vùng Lĩnh Nam và Việt Nam không tìm thấy bất cứ đặc trưng văn hóa Thục nào như các cổ vật ở trên đồng niên đại với thời kỳ nước Thục tồn tại. Bên cạnh đó tài liệu lịch sử cũng ghi rõ về phong tục của Thục Vương.

Trong ghi chép trong Hoa Dương Quốc Chí, Thục Khai Minh Vương có phong tục khá đặc trưng: “Mỗi khi Vương chết thì dựng hòn đá to (đại thạch) dài 3 trượng, nặng nghìn cân (tương đương 500kg) làm mộ chí, nay là Măng đá gọi là Duẩn lí (Cột măng), chưa có đặt thụy hiệu, nhưng lấy năm mầu làm chủ, cho nên miếu đó gọi là Thanh đế, Xích đế, Hắc đế, Hoàng đế, Bạch đế. [17]

Đặc trưng văn hóa này cũng không thấy xuất hiện ở miền Bắc Việt Nam và vùng Lĩnh Nam. Đặc trưng văn hóa, cổ vật thường đi theo các dòng di cư và có sự tồn tại qua một thời gian dài, chứ không dễ dàng biến mất trong tức khắc, vì vậy không có đủ cơ sở để cho rằng An Dương Vương có nguồn gốc từ Ba Thục.

Bên cạnh đó, thì văn hóa thời kỳ An Dương Vương vẫn là sự kế thừa đặc trưng văn hóa Đông Sơn của cộng đồng tộc Việt, chứ không phải văn hóa Ba Thục, nếu An Dương Vương thực sự có nguồn gốc Ba Thục, chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy đặc trưng văn hóa Tam Tinh Đôi trong dòng văn hóa Âu Lạc.

Chính vì vậy, chúng ta có thể kết luận rằng An Dương Vương không phải có nguồn gốc Ba Thục, mà chỉ là một thủ lĩnh trong quốc gia Văn Lang của các vị vua Hùng.

V. Kết luận:

Như vậy chúng ta đã cùng tìm hiểu cơ bản về văn hóa Tam Tinh Đôi, cũng như sự giao lưu của văn hóa Ba Thục với văn hóa của cộng đồng tộc Việt, các tài liệu cho thấy sự ảnh hưởng và giao lưu văn hóa của tộc Việt tới vùng Ba Thục biểu hiện trên sự kế thừa các cổ vật của văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà. Dựa vào tài liệu khảo cổ và di truyền, chúng tôi giả thiết đã có một cuộc di cư của một lượng nhất định cư dân tộc Việt xuống vùng Tứ Xuyên, vào thời đồ đồng, thì các cư dân của các quốc gia Ba Thục và Đông Sơn cũng đã có sự giao lưu về mặt văn hóa. An Dương Vương cũng không phải “Thục Vương Tử”, có nguồn gốc Ba Thục.

Lang Linh


Tài liệu tham khảo:

[1] Li Liu, Xingcan Chen (2012). The archaeology of China: from the late Paleolithic to the early Bronze Age: Cambridge University Press.

[2] Sử Ký, Tư Mã Thiên, II. Liệt truyện, bản dịch Phạm Vân Ánh, Nhà xuất bản Văn học, 2016.

[3] Trương Khả Hân, 2018, So sánh văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Tam Tinh Đôi, Luận văn thạc sĩ Việt Nam Học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[4] Colin Renfrew, Bin Liu (2018). The emergence of complex society in China: the case of Liangzhu. Antiquity;92(364):975-90.
https://www.cambridge.org/core/journals/antiquity/article/abs/emergence-of-complex-society-in-china-the-case-of-liangzhu/0D4FD61E9460755CED69047FAD7FA2AD

[5] von Falkenhausen, Lothar. (2003). The External Connections of Sanxingdui. Journal of East Asian Archaeology. 5. 191-245. 10.1163/156852303776172980.

[6] Jay xu. (2008). The Sanxingdui site: art and archaeology vol. 1. PhD Dissertation.
https://www.academia.edu/43276842/THE_SANXINGDUI_SITE_ART_AND_ARCHAEOLOGY_VOL_1_TEXTS_A_DISSERTATION_PRESENTED_TO_THE_FACULTY_OF_PRINCETON_UNIVERSITY_IN_CANDIDACY_FOR_THE_DEGREE_OF_DOCTOR_OF_PHILOSOPHY_RECOMMENDED_FOR_ACCEPTANCE_BY_THE_DEPARTMENT_OF_ART_AND_ARCHAEOLOGY

[7] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

[8] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

[9] Bing Li, Cheng Zhu, Li Wu, Feng Li, Wei Sun, Xiaocui Wang, Hui Liu, Huaping Meng, Di Wu (2013). Relationship between environmental change and human activities in the period of the Shijiahe culture, Tanjialing site, Jianghan Plain, China
https://www.researchgate.net/publication/260850162_Relationship_between_environmental_change_and_human_activities_in_the_period_of_the_Shijiahe_culture_Tanjialing_site_Jianghan_Plain_China

[10] Xue Y, Zerjal T, Bao W, et al. Male demography in East Asia: a north-south contrast in human population expansion times. Genetics. 2006;172(4):2431-2439. doi:10.1534/genetics.105.054270

[11] Phan Anh Dũng, Về địa giới phía Tây của nước Văn Lang.
http://fanzung.com/?p=2612

[12] Đặng Thục Bình 邓淑苹, Khám phá Nha chương – Văn hóa Đại Vấn Khẩu đến thời kỳ Nhị Lý Đầu 牙璋探索—大汶口文化至二里头期
http://kaogu.cssn.cn/zwb/xsyj/yjxl/qt/202106/W020210621537633228278.pdf

[13] Dương Việt Đông 杨越东 (2017). Bộ sưu tập và nghiên cứu ngọc văn hóa Thạch Gia Hà 石家河文化玉器收藏与研究: Nhà xuất bản Chiết Giang.

[14] Nguyễn Kim Dung, Truyền thống chế tạo đồ ngọc ở Việt Nam thời tiền sử, Tạp chí KHẢO CỔ HỌC số 4 năm 1998, tr.23-40.

[15] Zhu Naicheng 朱乃诚. Về niên đại Nha chương và những dấu vết của lịch sử nhà Hạ 论牙璋的年代及反映的夏史痕迹[J]. Khảo cổ học và Di tích Văn hóa 考古与文物,2020(06):58-67.

[16] Trịnh Sinh, Nha chương – Biểu tượng quyền lực thủ lĩnh
http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3101/71626/nha-chuong-bieu-tuong-quyen-luc-thu-linh.html

[17] Lam Hồng Ân, “Thục Vương Tử chăng? Hay là Trúc Vương Tử? Đặt vấn đề nghi vấn đối với nguồn gốc của An Dương Vương” trong Đàm Nãi Xương (Chủ biên), Tập luận văn về dân tộc ngôn ngữ Choang Đồng, Nxb. Dân tộc Quảng Tây, Nam Ninh, 1995, tr. 19-21

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.