352. Chuột với đời sống của người Việt cổ

Trong văn hoá nhận thức về thời gian của vũ trụ, triết lý Âm Dương phương Đông có hai hệ đếm: hệ Thiên Can (10) và hệ Địa Chi (12). Nếu hệ đếm Can phổ biến hơn ớ Trung Hoa thì hệ đếm Chi lại rất phổ biến ở Việt Nam, bằng chứng là cho đến nay, ở các phiên chợ quê, người Việt vẫn còn quen dùng ”chục 12” để thoả thuận mua bán: bán cho nửa chục cá (tức là 6 con cá…). Từ nửa sau thế kỷ XX, đã có nhiều nhà nghiên cứu văn hoá trên thế giới khẳng định hệ đếm Chi (12 con giáp) có nguồn gốc phương Nam rất rõ. Vì hầu hết các con giáp đều gắn bó rất chặt chẽ với đời sống của cư dân nông nghiệp lúa nước, và bản thân tên gọi (Tý, Sửu, Dần…) không hề có liên quan gì đến ngôn ngữ Hán cổ (Thử, Ngưu, Hổ…) của Trung Hoa, mà là ngôn ngữ Đông Nam Á cổ đại.

Đi sâu vào chi tiết, việc sắp xếp thứ tự các con Giáp cũng minh chứng thêm nguồn gốc nông nghiệp của chúng. Đứng đầu là Tý (Chuột), rồi đến Sửu (Trâu), sau đó mới đến Dần (Cọp), rồi lại đến Mẹo (Mèo), mới đến Thìn (Rồng)… Tại sao không chọn linh vật đầu tiên (Rồng) hoặc Chúa tể sơn lâm (Cọp) đứng đầu mà lại là Chuột? Tại sao Mẹo (Mèo) lại xuất hiện trước Thìn (Rồng)?… Ta có thể dễ dàng lý giải đơn giản như sau: Sản phẩm mùa màng nông nghiệp đối với cư dân Đông Nam Á là vô cùng trọng đại. Nó quyết định đến sự sống chết của cả một làng, một bộ tộc. Trong thời kỳ sơ khai ấy, sự hủy diệt mùa màng không gì bằng loài Chuột. Cũng chính vì lẽ đó mà Chuột còn khủng khiếp hơn cả Cọp (đây là 2 con vật duy nhất trong 12 con giáp được người Việt gọi bằng ông: ông Tý và ông Ba mươi). Cọp thì hung dữ với người và vật nói chung, nhưng với mùa màng nông nghiệp thì sức tàn phá dữ dội hơn vẫn là Chuột. Vì lẽ đó, Chuột nghiễm nhiên đứng đầu bảng trong 12 con giáp, biểu tượng của 12 giờ trong ngày và 12 tháng trong năm. Còn Trâu xếp thứ hai thì hoàn toàn hợp lý với cư dân nông nghiệp vì ”con trâu là đầu cơ nghiệp”, là vật hiến tế các thần linh. Mèo xếp trước Rồng bởi, trong thời kỳ ấy, kẻ làm cho Chuột run sợ chẳng phải linh vật Rồng mà chính là Mèo.

Trở lại với Chuột trong đời sống văn hoá Việt Nam, người phương Đông chia ngày ra làm 12 giờ (1 giờ ứng với 2 tiếng đồng hồ phương Tây hiện nay), mà giờ Tý là giờ khởi đầu ”Nửa đêm, giờ Tý, canh ba” (từ 23 giờ đến 01 giờ sáng hôm sau), chia năm làm 12 tháng ứng với 12 con giáp mà tháng Tý là tháng đầu tiên (tháng 1 của người Việt và là tháng 11 của người Trung Hoa). Cần lưu ý, hiện nay, người Việt đang ăn Tết Nguyên Đán theo lịch Trung Hoa nên bắt đầu từ tháng 1 (tháng Dần) mà xưa nay, người Việt gọi là tháng Giêng. Còn nguyên người Việt cổ lại ăn Tết vào đúng tháng 1 (tháng Tý) tức tháng 11 âm lịch hiện nay. Theo người Việt thì: đã lấy giờ Tý bắt đầu cho một ngày thì tháng Tý phải là tháng bắt đầu cho một năm. Rất tiếc, đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa khôi phục lại Tết Nguyên đán của người Việt cổ. Cho đến nay, ở vùng nông thôn, người Việt Nam vẫn còn gọi đúng thứ tự tên thảng theo hệ lịch của cư dân Đông Nam Á cổ, đó là: Một, Chạp, Giêng, Hai, Ba…. Mười. Nghĩa là, với lịch Việt Nam xưa thì không có tháng 11 và tháng 12 như hiện nay, mà tháng 11 (nay) là tháng 1 (xưa) ứng đúng với Tý, thảng 12 (nay) là tháng Chạp (xưa) ứng với Sửu. Vì lẽ đó mà ta có lệ ”Chạp mã” (tháng tảo mộ). Còn tháng 1 (nay) chính là tháng Giêng (xưa) ứng với Dần. Nếu để ý, đến đây, ta sẽ nhận ra: ăn Tết Nguyên đán vào tháng Tý (tháng 1 của người Việt) thì đến ngày 5-5 (tháng Ngọ) mới đúng là Tết Đoan Ngọ (giữa năm), chứ nếu ăn Tết theo Trung Hoa như hiện nay (tháng Dần) thì đến tết Đoan Ngọ (mồng 5-5) chỉ mới có hơn 4 tháng không thể gọi là ”giữa năm” được (4/12 tháng chỉ mới 1/3 năm mà thôi). Vậy mà đã có thời, ta cứ cho Tết Đoan Ngọ là của Trung Hoa, cấm người Việt tổ chức linh đình, quả là điều đáng tiếc.

Cũng chính vì vị trí quan trọng của Chuột đối với đời sống nông nghiệp Việt Nam mà người Việt cổ rất sợ Chuột. Khi bị Chuột tàn phá mùa màng họ sắm lễ ra đồng cúng bái để cầu ông Tý đừng tàn phá nữa, chứ hoàn toàn không đám dùng bất cứ hình thức đe dọa nào. Vì mùa màng mất trắng thì xem như cả làng chết đói.

Lòng tôn kính này được thể hiện rất nhiều qua những câu chuyện ”Chuột thành Tinh” trong dân gian, mà đặc biệt là truyện ”Tinh chuột” của vua Lê Thánh Tông xuất hiện vào thế kỷ XV còn lưu lại trong tác phẩm ”Thánh Tông di thảo”. Cho đến tận thời đại khoa học kỹ thuật này, đọc lại truyện này ta vẫn nghe rờn rợn. Cái không khí rờn rợn này bắt nguồn từ tâm lý sùng kính loài Chuột của người Việt Nam nông nghiệp lâu đời.

Chuyện kể rằng: Sau khi làm lễ cưới được nửa năm, người chồng trẻ (con một gia đình giàu có) theo lời cha mẹ và sự động viên của người vợ đã từ biệt quê hương, cùng một người đầy tớ lên kinh dùi mài kinh sử. Người vợ trẻ ở nhà nhất mực chung thủy cùng chồng. Thấm thoát đã nửa năm trôi qua, bỗng một đêm, vợ thấy chồng trèo tường về, vào buồng vợ. Người vợ ngạc nhiên, trách cứ chồng, nhưng người chồng bảo rằng vì quá nhớ thương nên lén thầy mẹ về rồi gà gáy sẽ ra đi. Vợ thương chồng, bèn cùng ân ái. Nhưng cách một đêm sau, chồng lại về, vợ nghi ngờ hỏi, chồng lại bảo: ”Ta vì nàng, đã dời chỗ trọ về gần… nên phải giấu giếm không dám lộ chuyện cho cha mẹ biết”. Cứ như thế, hơn nửa năm, chuyện ái ân chỉ riêng hai người biết. Nhưng cũng từ đó, ”người vợ nhan sắc ngày một sút kém”. Bố mẹ chồng vì thương con dâu trẻ nhớ chồng sinh bệnh bèn cho gọi con trai về thăm vợ. Nhận được thư cha, người chồng trở về quê. Cha hỏi han việc học hành. Chàng ứng đáp trôi chảy. Cha rất vui lòng. Đêm đến, chàng về phòng vợ. Người vợ vẫn muốn giữ kín chuyện riêng giữa mình và chồng nên mọi lời hỏi han của chồng, nàng đều im lặng, cười thầm. Thấy hỏi gì vợ cũng nín thinh đọc rất nhiều những bài thơ từ Kinh Thi đến những bài thơ tự sáng tác về nỗi nhớ thương, vợ cũng chẳng một tiếng trả lời. Người chổng ngạc nhiên, trách móc. Đến khi quá giận dỗi, chàng đọc: ”Vắng chồng thì lại có chồng / Việc gì mà chịu nằm không một mình”, người vợ trố mắt nhìn chồng và nói ra sự thật. Oan tình không biết sẻ cùng ai, nàng đập đầu vào cột tự tử để tỏ dạ trung trinh. Khi được cứu tỉnh kịp thời, bố mẹ chồng vì quá thương con dâu chung thủy, bèn bảo chàng: ”Hay là ma, quỷ, yêu tinh ham mê nhan sắc nó mà nhũng nhiễu chăng? Con hãy cứ đi học, ta sẽ tìm cách phù chú trấn áp cho nó”. Sau khi chồng tiếp tục đi học được ba hôm, thì tên chồng giả lại xuất hiện. Theo lời mẹ chồng, nàng đã kêu toáng lên và mọi người đã chờ sẵn, bắt trói tên gian phu vào cột. Sáng ra, cả gia đình, làng xóm đến xem đều nhận ra tên gian phu chẳng ai khác mà chính là người chồng thật. Theo lời hàng xóm, người cha liền lập tức gọi con về. Về đến nơi thì chẳng ai còn biết người nào là chồng giả người nào là chồng thật. Họ bèn giải cả hai người chồng ấy lên quan huyện. Huyện không biết làm sao bèn giải ân tỉnh. Tỉnh cũng cùng đường, bèn tâu lên triều đình. Thấy việc thế, đích thân vua Lê Thánh Tông xét hói. Mặt mũi, quần áo đều giống nhau, vua lệnh cởi quần áo, ai ngờ tất cả những nốt ruồi đen, đỏ chỗ kín đáo cũng giống y nhau. Vua theo lời của các quan trong triều, ban ngày đưa ra nắng, ban đêm soi trước đèn để phân biệt ai ma, ai người, nhưng cũng đành chịu bó tay. Vua bực mình, tự nghĩ: ”Mình là người đứng đầu thần dân, nếu không xét cho ra cái án ma này, thì bố mẹ người thêm một đứa con ma, vợ người thêm một người chồng ma”. Vua bèn thắp hương cầu Đổng Thiên Vương. Thiên Vương nhập vào con đồng, bảo: ”Ma này là loài tình chuột. Chuột già lâu năm ăn nhiều tinh khí của các vật hóa thành. Giống quỷ quái này, lửa không đốt hại được, phù chú không trừ được. Thứ ma này thay đổi dạng trăm vẻ, biến hóa giỏi nhất xưa nay. Đời nhà Tống, nó biến thành Nhân Tông giả, Long Đồ lão tử (Bao Công) tra án này cũng không có thuật gì khu trừ được, phải tâu Ngọc Hoàng thượng đế mượn con mèo mặt ngọc, nó mới không thể độn hình, bản tướng lộ ra, bị mèo kia cắn chết. Nay ở Thiên đình kho sách rất nhiều, khó mượn được con mèo ấy. Tôi thử dùng kiếm khí trừ con ma ấy cho bệ hạ”. Theo lời Đổng Thiên vương, hôm sau, vua bắt hai người ra trước sân rồng, đứng đối mặt nhau. ”Bỗng nhiên mây mù đen nghịt, trong sân có một luồng khí sáng như chớp. Một lát mây tan thì thấy một con chuột năm màu, râu trắng như tuyết, bốn chân huyền đề, chết gục ở sân. Còn người đứng bên kia thì vẫn tỉnh táo như cũ. Hai bên thị vệ trông thấy ai cũng kinh hoàng”. Vua truyền đốt con chuột, đem tro đổ xuống sông. Vậy mà người vợ thủy chung kia cũng phải ”uống thuốc hơn một năm mới giải hết tinh chuột”. Câu chuyện cho chúng ta cảm nhận được sự tinh khôn cùng phép thuật cao cường của tinh chuột.

Cũng chính vì lòng tôn kính này mà mặc dù về sau, khi con người dần dần làm chủ được tự nhiên và thuần hóa được muôn vật, Chuột vẫn còn được dùng để biểu trưng cho điều tốt đẹp: ”Nhất là đom đóm vô nhà/ nhì là chuột túc/ thứ ba bông đèn”, biểu hiện cho sự thông minh, dí dỏm qua câu chuyện cười dân gian ”Chuột và cóc”. Chuyện rằng: Chuột và cóc thân nhau đã lâu, cóc rất muốn lên thăm nhà bạn, nhưng chẳng biết cách nào leo lên vì nhà chuột ở tận ngọn cau cao. Chuột bèn nghĩ kế và bảo cóc: ”Anh ngậm chặt lấy đuôi tôi, tôi sẽ đưa anh lên thăm nhà”. Nghe lời bạn, cóc ngậm chặt đuôi chuột. Khicả hai vừa lên gần đến ngọn cau thì chuột vợ đon đả chạy ra lễ phép: “Chào anh cóc”. Cóc vội đáp lời: ”Chào chị!”. Liền lập tức, cóc rơi tỏng từ ngọn cau cao xuống đất, gãy cong cả lưng. Chờ cho bạn bớt đau, chuột chồng lại bảo: ”Lần này, anh nhớ ngậm kỹ vào, và vợ tôi có ra chào, xin anh cũng lặng im, đừng nói gì hết”. Nghe có lý, cóc bớt sợ và lại ngậm đuôi chuột. Vừa đến nơi, thấy chuột vợ chạy ra, cóc vội vã: ”Tôi không nói nữa đâu!”. Lại lập tức rơi ngay xuống đất. Lại gãy lưng thêm lần nữa, nên cho đến bây giờ khi đến những ngày chuyển trời, loài cóc vẫn còn nhức xương vì chấn thương di truyền, luôn nghiến răng đau đớn. Cũng có lẽ do chính sự tinh khôn này, mà trong tranh dân gian Đông Hồ, bức ”Đám cưới chuột” được mọi người yêu thích vì sự ngộ nghĩnh, đáng yêu của nó.

Càng về sau, khi nền sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh, cái đói không còn đeo đẳng, thì sự sùng bái đối với loài Chuột càng giảm dần. Từ đức tính khôn ngoan, lanh lơi, Chuột bị gán dần sang biểu trưng cho sự tinh ranh cùng những thói xấu khác như: Lười lao động, chỉ chuyên moi móc, thụ hưởng: ”Chuột sa hủ gạo”, “Chuột sa chĩnh nếp”, hoặc được ví cho sự cùng đường, mạt vận: ”Chuột chạy cùng sào” sự luồn lọt, bội tín: ”Chuột chạy ống tre”, sự dơ dáy: ”Đồ chuột chũi”, sự vô hậu: ”Đầu voi đuôi chuột”. Hình ảnh Chuột dần dần trở nên tội nghiệp, thảm hại trong ví von: ”Vờn như mèo vờn chuột” hoặc ”Ướt như chuột lội”, ”Hôi như chuột chù”… Và cho đến ngày nay thì thật sự loài Chuột đã không còn được sùng bái, tôn trọng, chỉ còn để biểu trưng cho những thói hư tật xấu; đặc biệt là sự đục khoét, moi móc của công của những tên tham quan, ô lại.

Nhân năm Tý, đứng trên góc nhìn văn hóa học, lạm bàn đôi chuyện để hiểu thêm mối quan hệ giữa những giá trị văn hóa và đời sống con người Việt Nam

ThS. Mai Bá Ấn
Tạp chí Cẩm thành (Quảng Ngãi), 2008
Original


Tham khảo:

1- Nguyễn Đăng Na giới thiệu và tuyển chọn (1999), Văn xuôi tư sự Việt Nam thời trung đại (tập 1), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2- Trần Ngọc Thêm (1997), Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam – Nxb Tp Hồ Chí Minh.

3- Hoàng Trinh (2000), Bản sắc dân tộc và hiện đại hoá trong văn hóa – Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4- Trần Qưốc Vượng chủ biên (2001), Cơ sở Văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.