591. ☀ Những ghi chép lịch sử về quốc gia Văn Lang

Tác giả Quyển Tích vừa có bài viết đăng trên nhóm Peoples of Asia [1], dẫn hàng loạt tài liệu về Văn Lang và Phong Châu, kết luận của bài viết là nước Văn Lang chép sai từ nước Dạ Lang, nhưng chính những dữ liệu đã được dẫn lại chứng minh điều ngược lại với những gì mà tác giả này tuyên bố.

Rất thú vị là chính những tư liệu được tác giả Quyển Tích dẫn nhằm phủ nhận quốc gia Văn Lang, lại chứng minh về quốc gia Văn Lang có trung tâm ở Việt Nam, Phong Châu cũng nằm trong địa bàn Việt Nam. Phải gửi lời cảm ơn tới những tư liệu đã được Quyển Tích chia sẻ, nhờ bài viết của tác giả mà chúng ta có thêm những thông tin quan trọng về nước Văn Lang.

1. Các ghi chép về nước Văn Lang, người Văn Lang, thành Văn Lang:

Trong các ghi chép của Trung Quốc, họ chép về nước Văn Lang dưới hai cái tên, Văn Lang và Văn Lãng, những ghi chép sớm nhất về Văn Lang không chỉ có một, mà có tới 3 tài liệu khác nhau cùng chép về Văn Lang. Các cách chép Văn Lang, Văn Lãng đã thể hiện sử sách Trung Quốc chỉ dùng chữ để chép lại cách gọi của người Việt, nên có sự nhầm lẫn về mặt chữ.

Thông điển (通典) (Đường – Đỗ Hữu soạn): “峰州今理嘉寧縣。古文朗國,有文朗水。亦陸梁地。秦屬象郡。二漢屬交趾郡。吳分置新興郡。晉武改為新昌郡,宋齊因之。陳兼置興卅。隋平陳,郡廢,改為峰州;煬帝初州廢,併入交趾郡。大唐復置峰州,或為承化郡。領縣五:嘉寧,承化,新昌並漢麊泠縣地,麊音麋。嵩山,珠綠。” – “Phong châu, nay trị ở huyện Gia Ninh. Là nước Văn Lãng xưa, có sông Văn Lãng. Cũng là đất Lục Lương. Thời Tần thuộc Tượng Quận. Thời Nhị Hán (tức nhà Tây Hán và nhà Đông Hán) thuộc quận Giao Chỉ. Nhà Ngô chia đặt ra quận Tân Hưng. Thời vua Tấn Vũ đổi tên là quận Tân Xương, nhà Tống-Tề đều noi theo như thế. Thời nhà Trần đặt thành Hưng châu. Nhà Tùy bình nhà Trần, bỏ quận ấy, đổi thành Phong châu. Đầu thời vua Dạng Đế thì bỏ châu ấy, cho gộp vào quận Giao Chỉ. Nhà Đại Đường đặt lại Phong châu, có khi đổi gọi là quận Thừa Hóa. Lĩnh năm huyện: – Huyện Gia Ninh, huyện Thừa Hóa, huyện Tân Xương, đều là đất của huyện Mê Linh thời nhà Hán. Mê (麊), đọc là mi (麋); – Huyện Tung Sơn, huyện Châu Lục.”

Thái Bình hoàn vũ kí (太平寰宇記) (Bắc Tống – Nhạc Sử soạn): “峯州,承化郡,理嘉寜縣。古文狼國,有文狼水。亦陸梁地。秦屬象郡。二漢屬交趾郡。吳分置新興郡。晉武乃為新昌郡。宋齊因之。陳兼置興州。隋平陳,郡廢,改為峯州。煬帝初州廢,并入交趾郡。唐武徳四年復置峯州,領嘉寜新昌安仁竹輅石隄封溪六縣。貞觀元年廢石隄封溪入嘉寜,竹輅入新昌。天寳元年改為承化郡。乾元元年復為峯州。元領縣五:嘉寧,新昌,承化,嵩山,珠緑。” – “Phong châu, có thời gọi là quận Thừa Hóa, trị ở huyện Gia Ninh. Là nước Văn Lang thời xưa, có sông Văn Lang. Cũng là đất Lục Lương. Thời nhà Tần thuộc Tượng Quận. Thời nhà Nhị Hán thuộc quận Giao Chỉ. Nhà Ngô chia đặt ra quận Tân Hưng. Thời vua Tấn Vũ lại đổi tên là quận Tân Xương. Các nhà Tông-Tề noi theo đó. Nhà Trần đặt ra Hưng châu. Nhà Tùy bình nhà Trần, bỏ quận ấy, đổi thành Phong châu. Đầu thời vua Dạng Đế bỏ châu ấy, gộp vào quận Giao Chỉ. Thời nhà Đường năm Vũ Đức thứ tư đặt lại Phong châu, quản lĩnh sáu huyện là Gia Ninh, Tân Xương, An Nhân, Trúc Lộ, Thạch Đê, Phong Khê. Năm Trinh Quan nguyên niên bỏ hai huyện Thạch Đê-Phong Khê gộp vào huyện Gia Ninh, bỏ huyện Trúc Lộ gộp vào huyện Tân Xương. Năm Thiên Bảo nguyên niên đổi gọi là quận Thừa Hóa. Năm Càn Nguyên nguyên niên gọi lại là Phong châu. Lúc đầu quản hạt năm huyện là Gia Ninh, Tân Xương, Thừa Hóa, Tung Sơn, Châu Lục.”

Thái Bình ngự lãm (太平御覽) – Châu quận bộ (州郡部): “《方輿志》曰:峰州,承化郡。古文郎國,〈有文郎水。〉亦陸梁地。秦屬象郡。二漢屬交趾郡。吳分置新興郡。晉改爲新昌。陳置興州。隋平陳,改爲峰州;煬帝初,廢。唐復置峰州。” – “Phương dư chí chép: Phong châu có thời gọi là quận Thừa Hóa. Là nước Văn Lang thời xưa, có sông Văn Lang. Cũng là đất Lục Lương. Thời nhà Tần thuộc Tượng Quận. Thời nhà Nhị Hán thuộc quận Giao Chỉ. Nhà Ngô chia đặt ra quận Tân Hưng. Nhà Tấn đổi gọi là quận Tân Xương. Nhà Trần đặt ra Hưng châu. Nhà Tùy bình nhà Trần, đổi gọi là Phong châu. Đầu đời vua Dạng Đế bỏ châu ấy. Nhà Đường đặt lại Phong châu.”

Có thể thấy cả 3 ghi chép này đều xác định nước Văn Lang nằm ở Phong Châu, quận Giao Chỉ, hay quận Thừa Hóa, huyện Gia Ninh… Cũng chính những ghi chép được tác giả dẫn trong bài viết này, đã xác định các địa danh này nằm trong vùng miền Bắc Việt Nam, vấn đề này sẽ được chúng tôi phân tích ở phần sau của bài.

Bên cạnh các tài liệu nhắc trực tiếp tới quốc gia Văn Lang, thì các tài liệu được Quyển Tích dẫn cũng nhắc tới người Văn Lang, Văn Lãng, thành Văn Lang.

Cựu Đường thư (舊唐書) – Địa lí chí (地理志) (Hậu Tấn – Lưu Hú chủ biên): “嘉寧州所治。漢赩泠縣地,屬交趾郡。古文朗夷之地。秦屬象郡。吳分交趾置新興郡。晉改為新昌。宋、齊因之,改為興州。隋初改為峰州。煬帝廢,併入交趾。武德復置峰州也。承化新昌嵩山珠綠嵩山珠綠新置。” – “Huyện Gia Ninh là nơi mà châu đặt sở trị. Là đất huyện Mê Linh thuộc quận Giao Chỉ thời nhà Hán. Là đất của người di Văn Lãng. Thời nhà Tần thuộc Tượng Quận. Nhà Ngô chia quận Giao Chỉ đặt ra quận Tân Hưng. Nhà Tấn đổi tên là quận Tân Xương. Nhà Tông-Tề noi theo đó, đổi gọi là Hưng châu. Đầu thời nhà Tùy đổi gọi là Phong châu. Đời vua Dạng Đế bỏ châu ấy, gộp vào quận Giao Chỉ. Niên hiệu Vũ Đức đặt lại Phong châu. – Huyện Thừa Hóa, huyện Tân Xương, huyện Tung Sơn, huyện Châu Lục. Huyện Tung Sơn, huyện Châu Lục là mới đặt.”

Thái Bình hoàn vũ kí chép (太平寰宇記) (Bắc Tống – Nhạc Sử soạn): “嘉寜縣五鄉,州所理。 漢麊冷注音麋零縣地屬交趾郡。古文狼夷之地。繖圍山。封溪,若耶溪源出嘉寜縣西南。” – “Huyện Gia Ninh có năm hương, là chỗ mà đặt sở trị của châu. Là đất huyện Mê Linh [chú đọc là ‘Mi Linh (麋零)’] thuộc quận Giao Chỉ thời nhà Hán. Là đất của người di Văn Lang thời xưa. Có núi Tán Vi. Có suối Phong Khê, suối Nhược Da, nguồn nước chảy ra từ phía tây nam huyện Gia Ninh.”

Trong sách Thái Bình hoàn vũ ký được Quyển Tích dẫn, có một đoạn viết với ý nhục mạ người Việt, nhưng sách đã chép về thành Văn Lang, người Văn Lang, cũng là những thông tin rất quan trọng.

Thái Bình hoàn vũ kí (太平寰宇記) (Bắc Tống – Nhạc Sử soạn): “文狼城在新昌縣。林邑記云蒼梧以南有文狼人,野居無室宅,依樹止宿,漁食生肉採香為業,與人交市若上皇之民。此葢其地因以為名城。” – “Thành Văn Lang ở huyện Tân Xương. Lâm Ấp kí chép: Từ Thương Ngô về phía nam có người Văn Lang, ở hoang dã không làm nhà cửa, dựa dưới gốc cây mà ngủ nghỉ, ăn thịt cá sống, làm nghề hái trầm hương, đem ra chợ bán, như người dân thời xa xưa. Có lẽ lấy tên ấy nhân đó đặt tên thành.”

Thái Bình ngự lãm (太平御覽) – Châu quận bộ (州郡部) chép: “《林邑記》曰:蒼梧以南有文郎野人,居無室宅,依樹止宿,食生肉,採香爲業,與人交易,若上皇之人。” – “Lâm Ấp kí chép: Từ Thương Ngô về phía nam có người hoang dã gọi là Văn Lang, không ở trong nhà cửa, dựa vào gốc cây ngủ nghỉ, ăn thịt sống, làm nghề hái trầm hương, đem ra chợ bán, như người dân thời xa xưa.”

Trong các sách này, có sách chép chữ lang là chó sói 狼, có sách chép lang 郎 là chàng, cho thấy đây là một từ gốc Việt, người Trung Quốc chỉ ghi theo âm chứ không phải theo nghĩa.

2. Văn Lang nằm ở Phong Châu, Phong Châu nằm trong vùng miền Bắc Việt Nam:

Như vậy, tất cả các ghi chép được tác giả Quyển Tích dẫn, đều chứng minh sự tồn tại của nước Văn Lang, thành Văn Lang, nước Văn Lang có trung tâm ở Phong Châu. Trong tất cả các ghi chép đã được dẫn, cũng chứng minh rằng Phong Châu nằm trong vùng miền Bắc Việt Nam.

Nguyên Hòa quận huyện đồ chí lại chép: (管縣二:嘉寧,承化。嘉寧縣,下。郭下。本漢麊泠縣地,吳分其地立嘉寧縣,後因之。承化縣,下。東南至州五里。本麊泠縣地,天寶元年分置承化縣。漢交趾麊泠女子徵側及妹徵貳反,稱王,伏波將軍援討平之,即此地也。” – “(Phong Châu) Quản hạt hai huyện là Gia Ninh, Thừa Hóa. – Huyện Gia Ninh là huyện nhỏ, thành quách nhỏ. Vốn là đất huyện Mê Linh thời nhà Hán. Nhà Ngô chia đất ấy đặt ra huyện Gia Ninh, các đời sau noi theo đó. – Huyện Thừa Hóa là huyện nhỏ, phía đông nam đến sở trị của châu năm dặm. Vốn là đất huyện Mê Linh thời xưa. Năm Thiên Bảo nguyên niên chia đặt ra huyện Thừa Hóa. Thời nhà Hán có người con gái huyện Mê Linh quận Giao Chỉ là Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị làm phản xưng vương, Phục ba tướng quân là Mã Viện đánh dẹp bọn ấy, tức ở đất huyện này.”

Ghi chép trên đã cho thấy Phong Châu quản hai huyện là Gia Ninh và Thừa Hóa, Gia Ninh vốn là đất Mê Linh thời Hán, sau nhà Ngô chia đất lập ra huyện Gia Ninh. Đất Mê Linh nằm trong quận Giao Chỉ. Như vậy, Phong Châu nằm trong vùng miền Bắc Việt Nam thời cổ đại.

Các ghi chép trong Cựu Đường thư và Thái Bình hoàn vũ kí cho thấy Phong Châu nằm ở tây bắc An Nam phủ, cách An Nam phủ khoảng 130-135-145 dặm (theo tuần tự 3 tài liệu chép), tức khoảng 50km, khẳng định vị trí của Phong Châu là ở miền Bắc Việt Nam.

Nguyên Hòa quận huyện đồ chí (元和君郡縣圖志) (Đường – Lí Cát Phủ soạn): “八到:北至上都六千一百五十里。北至東都五千八百四十五里。東南至安南府一百三十里。南至漏口江一百里。北至羈縻南平州界二百里。” – “Tám hướng: Phía bắc đến thượng đô (thành Trường An) sáu nghìn một trăm năm mươi dặm, phía bắc đến đông đô (thành Lạc Dương) năm nghìn tám trăm bốn mươi lăm dặm. Phía đông nam đến An Nam phủ (tức Giao châu) một trăm ba mươi dặm. Phía nam đến sông Lậu Khẩu một trăm dặm. Phía bắc đến châu Nam Bình ki mi hai trăm dặm.

Cựu Đường thư (舊唐書) – Địa lí chí (地理志) (Hậu Tấn – Lưu Hú chủ biên): “峰州下隋交趾郡之嘉寧縣。武德四年,置峰州,領嘉寧、新昌、安仁、竹輅、石堤、封溪六縣。貞觀元年,廢石堤、封溪入嘉寧,竹輅入新昌。天寶元年,改為承化郡。乾元元年,復為峰州也。舊領縣三,戶五千四百四十四,口六千四百三十五。天寶領縣五,戶一千九百二十。州在安南府西北,至京師七千七百一十里。” – “Phong châu là châu nhỏ, là huyện Gia Ninh của quận Giao Chỉ thời nhà Tùy. Năm Vũ Đức thứ tư đặt ra Phong châu, quản hạt sáu huyện là Gia Ninh, Tân Xương, An Nhân, Trúc Lộ, Thạch Đê, Phong Khê. Năm Trinh Quan nguyên niên bỏ gai huyện Thạch Đê-Phong Khê gộp vào huyện Gia Ninh, bỏ huyện Trúc Lộ gộp vào huyện Tân Xương. Năm Thiên Bảo nguyên niên, đổi gọi là quận Thừa Hóa. Năm Càn Nguyên nguyên niên, gọi lại là Phong châu. Trước đây quản hạt ba huyện, năm nghìn bốn trăm bốn mươi bốn hộ, sáu nghìn bốn trăm ba mươi lăm khẩu. Niên hiệu Thiên Bảo quản hạt năm huyện, một nghìn chín trăm hai mươi hộ. Châu này ở phía tây bắc của An Nam phủ, cách kinh sư (thành Trường An) bảy nghìn bảy trăn mười dặm.”

Thái Bình hoàn vũ kí (太平寰宇記) (Bắc Tống – Nhạc Sử soạn): “峯州,承化郡,理嘉寜縣。古文狼國,有文狼水。亦陸梁地。秦屬象郡。二漢屬交趾郡。吳分置新興郡。晉武乃為新昌郡。宋齊因之。陳兼置興州。隋平陳,郡廢,改為峯州。煬帝初州廢,并入交趾郡。唐武徳四年復置峯州,領嘉寜新昌安仁竹輅石隄封溪六縣。貞觀元年廢石隄封溪入嘉寜,竹輅入新昌。天寳元年改為承化郡。乾元元年復為峯州。元領縣五:嘉寧,新昌,承化,嵩山,珠緑。” – “Bốn phương, tám hướng: Phía bắc đến tây kinh sáu nghìn tám trăm bốn mươi lăm dặm. Phía bắc đến thành Trường An bảy nghìn một trăm năm mươi lăm dặm. Phía đông nam đến An Nam phủ đường bộ một trăm ba mươi lăm dặm. Phía tây nam đến An Nam phủ đường sông một trăm bốn mươi lăm dặm. Phía tât bắc men theo sông Tây Đạo đến bến đò Cổ Dũng khoảng tám mươi dặm, đến thành Bát Bình khoảng một nghìn hai trăm dặm, đến Đào châu [có lẽ nhầm mặt chữ của Diêu châu (姚州)] hai nghìn dặm.”

Các ghi chép này đã khẳng định vị trí của Phong Châu nằm trong vùng miền Bắc Việt Nam, trong phần sau, chúng tôi sẽ phân tích về lập luận cho rằng Văn Lang chép nhầm từ Dạ Lang của tác giả Quyển Tích.

3. Văn Lang không phải chép nhầm từ Dạ Lang, mà ngược lại:

Những ghi chép về Văn Lang hay Văn Lãng đã được tác giả Quyển Tích dẫn, là rất nhiều, nhưng tác giả lại dựa vào một ghi chép thiểu số để suy diễn rằng Văn Lang chép nhầm từ Dạ Lang:

Nguyên Hòa quận huyện đồ chí (元和君郡縣圖志) (Đường – Lí Cát Phủ soạn): “峰州,承化,下。開元戶三千五百六十一。鄉十五。元和戶一千四百八十二。鄉八。古夜郎國之地,按今新昌縣界有夜郎溪。秦象郡之地。漢平南越,置交趾郡之麊泠縣地也麊音彌亦作𥹆。吳歸命侯建衡三年,分交趾立新昌郡,陳於此置興州,隋開皇十八年改為峰州。大業二年州廢,以縣屬交州。武德四年又置峰州,兼管羈縻州二十八。” – “Phong châu, có thời gọi là quận Thừa Hóa, là châu nhỏ. Niên hiệu Khai Nguyên có ba nghìn năm trăm sáu mươi mốt hộ, mười lăm hương. Niên hiệu Nguyên Hòa có một nghìn bốn trăm tám mươi hai hộ, tám hương. Là đất của nước Dạ Lang thời xưa, nay xứt trong cõi huyện Tân Xương có suối Dạ Lang. Thời nhà Tần thuộc đất Tượng Quận. Nhà Hán bình định nước Nam Việt đặt ra huyện Mê Linh của quận Giao Chỉ, Mê (麊) đọc là ‘di (彌)’, cũng chép là Mi (𥹆). Thời nhà Ngô đời vua Quy Mệnh Hầu năn Kiến Hành thứ ba, chia quận Giao Chỉ đặt ra quận Tân Xương. Thời nhà Trần ở đây đặt thành Hưng châu. Thời nhà Tùy năm Khai Hoàng thứ mười tám đổi tên là Phong châu. Năm Đại Nghiệp thứ hai bỏ châu này, lấy huyện của châu ấy lệ thuộc vào Giao châu. Năm Vũ Đức thứ tư đặt lại Phong châu, kiêm quản lĩnh hai mươi tám châu ki mi.”

Rõ ràng ghi chép trên là sai, bởi chính các ghi chép được Quyển Tích dẫn đã chép rõ Phong Châu là ở trong vùng miền Bắc Việt Nam, Văn Lang nằm ở Phong Châu, không chỉ 1 mà có tới 3 ghi chép cùng xác nhận. Chỉ duy nhất ghi chép này chép nhầm thành Dạ Lang, việc sử dụng một ghi chép nhầm lẫn để phủ nhận 3 ghi chép khác, là rất chủ quan. Thực tế, Dạ Lang là một quốc gia nằm ở Quý Châu, tư liệu sẽ được chúng tôi dẫn ở phần cuối phần này.

Tác giả tiếp tục sử dụng ghi chép trong Hậu Hán thư để cho rằng Dạ Lang nằm liền kề miền Bắc Việt Nam, cho rằng đây là Giao Chỉ quận, nhưng ghi chép này đã cho thấy, đây là Giao Chỉ bộ, nước Dạ Lang nằm kề Giao Chỉ bộ, tức bên cạnh vùng Lĩnh Nam.

Hậu Hán thư (後漢書) – Tây Nam Di liệt truyện (西南夷列傳) (Lưu Tống – Phạm Diệp soạn): “西南夷者,在蜀郡徼外。有夜郎國,東接交阯,西有滇國,北有邛都國,各立君長。其人皆椎結左衽,邑聚而居,能耕田。” – “Các nước Tây Nam Di ở ngoài biên giới của Thục Quận. Có nước Dạ Lang, phía đông kề đất Giao Chỉ. Phía tây có nước Điền. Phía bắc có nước Cung Đô. Đều đặt ra quân trưởng. Người các nước ấy đều búi tóc, cài vạt áo bên trái, ở họp thành xóm ấp, biết làm ruộng.”

Tác giả dẫn tiếp trích đoạn trong Hậu Hán thư: “安帝永初元年,九真徼外夜郎蠻夷舉土內屬,開境千八百四十里。” – “Đời vua An Đế năm Vĩnh Sơ nguyên niên (năm 107), người man di Dạ Lang ở ngoài biên giới quận Cửu Chân dâng đất nội thuộc, mở cõi rộng một nghìn tám trăm bốn mươi dặm.”

Đoạn trích này không có nhiều ý nghĩa, chắc chắn là nhầm lẫn, bởi quận Cửu Chân nằm trong vùng miền Trung Việt Nam, mà chúng tôi đã có bài chứng minh [2], không thể có một nước Dạ Lang nằm trong vùng miền Bắc Việt Nam được.

Sử kí, Tây Nam Di liệt truyện chép: “Năm Kiến Nguyên thứ sáu (năm 135 TCN), quan Đại hành là Vương Khôi đánh nước Đông Việt, người nước Đông Việt giết vua của mình tên là Sĩnh để báo tin. Khôi nhân oai quân sai quan Lệnh huyện Bà Dương là Đường Môn đến báo cho vua nước Nam Việt biết. Vua nước Nam Việt mời Mông ăn món tương củ. Mông hỏi mốc từ đâu, nói: “Theo đường sông Tang Kha ở phía tây bắc, sông Tang Kha rộng mấy dặm qua dưới thành Phiên Ngu.” Mông về đến thành Tràng An, hỏi nhà buôn đến từ quận Thục, nhà buôn nói: “Riêng quận Thục có món tương củ, lén đem nhiều ra bán ở nước Dạ Lang. Nước Dạ Lang kề sông Tang Kha, sông này rộng hơn một trăm bước, đủ để đi thuyền. Vua nước Nam Việt đem tiền của đến để sai khiến người nước Dạ Lang, phía tây đến ấp Đồng Sư, nhưng cũng không bắt người các nước ấy thần phục được.” Mông bèn dâng thư khuyên nhà vua rằng: “Vua nước Nam Việt ngồi xe lọng vàng cắm cờ tiết bên trái, có đất rộng hơn vạn dặm trải từ đông sang tây, mang tiếng là bầy tôi ở ngoài nhưng thực là chúa của một châu. Nay đem quân từ các quận Trường Sa-Dự Chương đến đánh thì đường sông có nhiều chỗ ngăn cách, khó đi. Thần trộm nghe nước Dạ Lang có được khoảng chục vạn quân mạnh, nếu chèo thuyền theo sông Tang Kha mà ra chỗ người ta không ngờ đến thì cũng là một cách hay để đánh người Việt vậy.” Nhà vua nghe theo. Bèn bái Mông làm Lang trung tướng đem một ngàn người, hơn một vạn người chở đồ dùng tiền lương theo từ đường cửa Tạc quận Ba-Thục đi vào, rồi gặp vua nước Dạ Lang tên là Đa Đồng. Mông ban cho nhiều đồ dùng, tỏ uy đức để dụ, hẹn đặt ra quan lại, sai con của Đa Đồng làm quan Lệnh. Người các ấp nhỏ kề nước Dạ Lang đều ham tơ lụa của nhà Hán, lại cho là con đường mà quân nhà Hán hiểm trở nên chẳng đánh lấy mình được, bèn nghe theo lời hẹn của Mông. Mông về báo, liền lập nên quận Kiền Vi, phát lính của quận Ba-Thục sửa đường từ nước Bặc thẳng đến sông Tang Kha.” [3]

Những ghi chép trong Sử ký đã cho thấy nước Dạ Lang nằm kề sông Tang Kha, bên cạnh Ba-Thục, nằm ở phía Tây Bắc nước Nam Việt lúc đó. Vị trí của nước Dạ Lang vì vậy đã rất rõ ràng, đây là một đất nước nằm cạnh Ba Thục, vị trí nằm ở khoảng tỉnh Quý Châu, Trung Quốc ngày nay. Những ghi chép cho rằng ở Phong Châu có nước Dạ Lang, hay Dạ Lang nằm cạnh Giao Chỉ, Cửu Chân rõ ràng là nhầm lẫn.

4. Kết luận:

Những tư liệu của tác giả Quyển Tích đã giúp làm rõ những thông tin về quốc gia Văn Lang, không chỉ một ghi chép, mà rất nhiều các ghi chép khác nhau về nước Văn Lang đã xuất hiện trong sách sử Trung Quốc, tác giả đã dựa vào một số thông tin chép sai để suy diễn Văn Lang chép nhầm từ Dạ Lang, nhưng chính những ghi chép của tác giả lại nói ngược lại với những điều tác giả khẳng định.

Từ những ghi chép đã được dẫn, có thể thấy, trong lịch sử thực sự tồn tại nước Văn Lang, hay được chép nhầm là Văn Lãng, nước Văn Lang có trung tâm ở Phong Châu, nằm trong vùng miền Bắc Việt Nam ngày nay. Những ghi chép lịch sử cho thấy nước Dạ Lang nằm trong vùng Quý Châu ngày nay, nằm giáp với Giao Chỉ bộ, lúc ấy đang thuộc nước Nam Việt vốn cai quản cả Lĩnh Nam, nước này không phải bị chép nhầm thành nước Văn Lang như tác giả đã suy diễn.

Lang Linh

Xin cảm ơn một số thông tin được chia sẻ bởi nhà nghiên cứu Phan Anh Dũng.


Chú thích:

[1] https://www.facebook.com/groups/246103143715948/posts/414441653548762/

[2] https://www.facebook.com/lstvfanpage/posts/pfbid05QAqUQ6PwVSFmMq5qHT9FLr78vWuUgZWtWaXqPASrUqxkYcxVJFU1MdnijtZZbPal

[3] Tích Dã (2014). Vương Quốc Dạ Lang.
https://nghiencuulichsu.com/2014/04/21/vuong-quoc-da-lang/

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.