542. ☀ Các vấn đề về khái niệm Bách Việt

Khái niệm Bách Việt lần đầu tiên được nhắc đến trong sách Lã Thị Xuân Thu do Lã Bất Vy chủ biên: “Dương Hán chi nam, Bách Việt chi tế” – “Phía Nam đất Hán là đất Bách Việt”, sau đó Tư Mã Thiên đã sử dụng khái niệm này nhiều lần trong công trình Sử Ký của mình, từ đó, khái niệm này gắn chặt trong nghiên cứu và nhìn nhận về cộng đồng Việt trong vùng phía Nam sông Dương Tử.

Đây có thể nói là một sự hiểu nhầm được tạo dựng có chủ đích bởi người Hoa Hạ, sự ảnh hưởng trong nhận định về cộng đồng Việt dưới khái niệm Bách Việt, sự phân biệt man di – văn minh, hay những dòng sử Trung Hoa viết sai có chủ đích về người Việt là cực kỳ lớn. Trước khi chúng tôi tiến hành nghiên cứu sâu về cộng đồng này thông qua các phương tiện khoa học, thì những hiểu biết về cộng đồng tộc Việt đều chỉ thấy thông qua lịch sử của người Trung Hoa, những gì chúng ta được biết là một không gian rắc rối, hầu như không thể xác định đâu thực sự là nguồn gốc của người Việt, đâu là đúng, đâu là sai, nhiều người đã bỏ cuộc trước ma trận đó và chấp nhận với quan điểm cho rằng người Bách Việt không có liên hệ gì với nhau, người Việt không có liên hệ với người Bách Việt, người Việt không có văn minh. Những ảnh hưởng còn lan rộng ra các nhà nghiên cứu quốc tế, các nhà nghiên cứu quốc tế cũng thường bị ảnh hưởng bởi tư tưởng man di cũng như khái niệm Bách Việt khi nghiên cứu về cộng đồng tộc Việt.

Việc nhìn nhận về cộng đồng tộc Việt cần có sự khách quan và khoa học, thoát khỏi những định kiến bị ảnh hưởng bởi sử sách Trung Hoa, cũng như cần cố gắng tránh khỏi sự nhìn nhận về cộng đồng tộc Việt dưới khái niệm Bách Việt. Tìm hiểu qua các phương tiện khoa học, chúng ta sẽ thấy được những cái nhìn rất khác về cộng đồng tộc Việt, họ không những có liên hệ với nhau, mà còn tồn tại, sinh hoạt cùng nhau trong một cộng đồng chung, có nhiều cơ sở để khẳng định sự thống nhất hơn là sự rời rạc, không có liên hệ.

Khái niệm Việt cũng không phải là khái niệm chỉ chung cộng đồng tộc Việt, người Hoa Hạ có sự phân biệt một cách chung chung thông qua khái niệm “Nam Man”, tên Việt là do người Việt tự nhận, và ký âm sang chữ Hán, chứ không phải do họ đặt cho người Việt, không có cơ sở nào cho thấy người Hoa Hạ đã đặt tên gọi này cho người Việt, mà những ghi chép của họ đều cho thấy là sự diễn tả về các dân tộc mà họ quan sát được, đặc biệt là tên gọi, thường họ sẽ sử dụng chữ Hán mới để ký âm tên gọi của các dân tộc, các khái niệm địa lý, vùng đất mà ngôn ngữ các vùng đó khác với ngôn ngữ của người Hán, chữ Việt trong chữ Hán cũng là một chữ ký âm từ cách tự gọi của người Việt, chứ không phải họ sáng tạo ra cho người Việt.

Bên cạnh đó, qua một quá trình dài nghiên cứu, tìm hiểu, chia sẻ, chúng tôi cũng đã có những trải nghiệm đủ nhiều để hiểu hệ tư tưởng cơ bản hiện tại về tộc Việt, thường những “kiến thức” cơ bản mà những người có thái độ cực đoan về cộng đồng tộc Việt có là: Bách Việt là một khái niệm chỉ chung các dân tộc không liên quan tới nhau, có hàng trăm tộc Việt, người Việt không liên quan gì tới họ, nhưng về cơ bản, lượng “kiến thức” về cộng đồng tộc Việt mà đa phần những người nhận định như vậy thường là rất ít ỏi, “kiến thức” họ có chủ yếu dựa vào sự suy diễn khái niệm Bách Việt, họ không đầu tư thời gian quan tâm, nghiên cứu, tìm hiểu, tuy nhiên lại thường phủ nhận một cách tuyệt đối, công kích, châm chọc những ai nhắc tới Bách Việt, hay cho rằng người Việt liên quan tới Bách Việt, cho rằng người Việt đang nhận vơ những thứ không liên quan tới mình. Điều này quả thực là kỳ lạ, bởi đáng lẽ họ cần có kiến thức và hiểu biết thì mới có thể biết nó là đúng hay sai, từ đó mới có thể phản biện và trả lời các quan điểm trái chiều, tuy nhiên, lượng kiến thức ít ỏi mà họ có, tư tưởng mà họ chấp nhận vì không đi sâu tìm hiểu được, là cơ sở để họ khẳng định rằng mình đúng và khẳng định người khác sai. Đó là một hiện tượng thực sự phi lý và khó hiểu.

Nghiên cứu một cách toàn diện và chuyên sâu, chúng ta sẽ thấy rằng trong thời gian cộng đồng tộc Việt tồn tại trong một cộng đồng chung, thì chưa có sự phân định thành các khái niệm. Khoảng 3000 năm trước, khi các vùng nhà Thương chiếm được của tộc Việt là Hồ Bắc, Giang Tô, Chiết Giang, thì các vùng này bắt đầu hình thành các khái niệm Việt độc lập đầu tiên: Giang Tô là Ngô Việt, Chiết Giang là Ư Việt, tuy nhiên các triều đại này có tầng lớp quý tộc là Hoa Hạ, tầng lớp dân thường là tộc Việt, vì lập quốc trên địa bàn của người Việt, nên người Hoa Hạ phải chấp nhận theo văn hóa Việt, sử dụng khái niệm Việt. Bên cạnh đó, thời kỳ cộng đồng tộc Việt bắt đầu tan rã, thì trong chính sử và lịch sử Trung Quốc, không có tới 100 bộ tộc Việt, mà chỉ có một số khái niệm sau: Âu Việt và Đông Việt tại Chiết Giang, sau là Mân Việt tại Phúc Kiến, đây là các quốc gia hậu duệ của Ư Việt, Điền Việt tại Vân Nam, Dạ Lang tại Quý Châu, Tây Âu tại Quảng Tây và Lạc Việt tại Việt Nam. Đây đều là các khái niệm xuất hiện muộn trong lịch sử, cũng trùng với thời điểm các vùng đất tách khỏi tộc Việt, chứ không phải ngay từ thời điểm đầu hình thành, đã có các dân tộc, các quốc gia như vậy. Bên cạnh các khái niệm chỉ đích danh các vùng, còn có các khái niệm khác để chỉ chung người Việt: Việt Thường, Dương Việt.

Như vậy chúng ta thấy được lượng “tộc Việt” mà sử sách ghi lại là rất ít, đa phần để chỉ trực tiếp các vùng đất tách ra từ cộng đồng tộc Việt qua các giai đoạn, ban đầu chúng có nguồn gốc từ vùng đất, sau mới trở thành quốc danh và từ đó gắn với tộc danh. Chính vì vậy mà việc cho rằng khái niệm Bách Việt là 100 bộ tộc Việt là sự thiếu sót về kiến thức lịch sử của những người đề ra giả thuyết như vậy.

Việc tìm hiểu nguồn gốc không hề đơn giản, nhưng việc đưa nguồn gốc tới nhiều người hơn gặp một rào cản lớn bởi những tư tưởng phủ nhận thiếu cơ sở nghiên cứu có sức chi phối mạnh về khái niệm Bách Việt và cộng đồng tộc Việt, có thể nói đơn giản rằng, nếu chúng ta phủ nhận nguồn gốc tộc Việt của dân tộc mình, thì không bao giờ chúng ta có thể tìm được nguồn gốc thực sự của người Việt. Chúng tôi cũng hy vọng rằng, những ai đang nhìn nhận chủ quan về cộng đồng tộc Việt thông qua khái niệm Bách Việt, hãy chủ động tìm hiểu về cộng đồng này qua các phương tiện khoa học, các bạn sẽ thấy được một góc nhìn rất khác về cộng đồng tộc Việt, bên cạnh đó, cũng cần tránh sự thiên kiến, cực đoan, thoát khỏi sự ảnh hưởng của sử sách Trung Hoa trong nhận định về nguồn gốc dân tộc.

Bài viết tổng quan này chúng tôi dựa trên các bài khảo cứu đã được thực hiện trước đó của Lược Sử Tộc Việt, bạn đọc có thể tìm hiểu và nghiên cứu về cộng đồng tộc Việt qua các nghiên cứu sau của chúng tôi:

Bách Việt và cơ sở thống nhất của cộng đồng Bách Việt. Bài viết khảo cứu rất chi tiết về các cơ sở thống nhất của cộng đồng tộc Việt, sự gắn bó và liên hệ chặt chẽ trong một cộng đồng chung, một quốc gia chung.
https://luocsutocviet.com/2020/02/24/478-bach-viet-va-co-so-thong-nhat-cua-cong-dong-bach-viet/

Bách Việt: có phải một huyền thoại? Bài viết giải đáp huyền thoại về Bách Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/04/15/526-bach-viet-co-phai-mot-huyen-thoai/

Tương quan cổ vật thời kỳ đồ đồng trong vùng Đông Á. Bài viết tiến hành so sánh các cổ vật thời kỳ đồ đồng trong vùng Đông Á, chứng minh rằng các vùng tộc Việt có sự thống nhất về hệ thống cổ vật.
https://luocsutocviet.com/2020/05/25/494-tuong-quan-co-vat-thoi-ky-do-dong-trong-vung-dong-a/

Bên cạnh đó là rất nhiều các bài viết của chúng tôi được đăng tải trên một tag riêng, sẽ giúp bạn đọc có những cái nhìn tổng quan nhất trong các vấn đề cộng đồng tộc Việt và nguồn gốc người Việt.

https://luocsutocviet.com/tag/lang-linh/

Lang Linh

Ảnh minh họa: ngọc hổ văn hóa Thạch Gia Hà.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.