527. ☀ Khảo sát một số vấn đề địa lý thời Bắc thuộc

Thời kỳ Bắc thuộc, giai đoạn bắt đầu từ khi người Việt thất bại trong các cuộc chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc từ thời An Dương Vương, sau đó là thời Lữ Gia của nước Nam Việt. Sau khi nước Nam Việt thất bại trước nhà Hán, toàn bộ các vùng đất Việt bị sáp nhập vào lãnh thổ của đế quốc Hán. Giai đoạn đầu thời Bắc thuộc là giai đoạn trị sở đô hộ được đặt tại miền Bắc Việt Nam, và các tư liệu lịch sử thời kỳ này về người Việt là khá nhiều và đa dạng, cũng vì vậy mà lịch sử về thời Bắc thuộc khá rõ ràng, có nhiều tư liệu để khảo cứu hơn so với các thời kỳ trước.

Các vấn đề địa lý của đất Việt đã được nhiều tác giả Việt Nam và Trung Quốc khảo cứu các tài liệu lịch sử xác định về cơ bản, tuy nhiên, gần đây, có một số tác giả đã đề xuất những quan điểm ngược lại với các quan điểm truyền thống dựa trên khảo cứu các tài liệu lịch sử Trung Hoa, ví dụ như tác giả Hoàng Cương [1] cho rằng Giao Chỉ, Nhật Nam, Cửu Chân không nằm trong lãnh thổ miền Bắc Việt Nam, có tác giả khác lại đề xuất Mê Linh không nằm tại Việt Nam, mà nằm trong vùng Hoa Nam, cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng cũng không khởi phát từ vùng miền Bắc Việt Nam, mà xuất phát từ vùng Quảng Tây ngày nay.

Ở bài viết ngắn này, chúng tôi sẽ khảo cứu qua các vấn đề được các tác giả này đề cập, kết hợp các tài liệu khảo cổ và tài liệu lịch sử để làm rõ các vấn đề liên quan, nhằm giúp làm sáng tỏ các vấn đề khá quan trọng về lịch sử của người Việt thời Bắc thuộc này.

I. Quận Cửu Chân và quận Nhật Nam nằm ở đâu?

Về vấn đề vị trí của Cửu Chân và Nhật Nam thời Hán thuộc, tác giả Hoàng Cương cho rằng: “Vậy sự mặc định Cửu Chân và Nhật Nam thời Hán là khu vực miền trung Việt Nam ngày nay là hoàn toàn sai lầm.”, tác giả này còn lập luận thêm: “Điều này cho thấy một sự bất hợp lí về khả năng của người Hán vươn tới một địa bàn quá xa như vậy, trong khi với hai quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ trên đảo Hải Nam thì họ phải từ bỏ sau 65 năm chiếm giữ vì không thể quản được.” [1]

Chúng tôi cho rằng việc giả thuyết như vậy là chưa hợp lý, việc các vùng đất nào nội thuộc đất Hán, cai quản như thế nào chúng ta cần có sự khảo cứu toàn diện các tài liệu lịch sử, việc sử dụng lập luận “bất hợp lý về khả năng của người Hán vươn tới một địa bàn quá xa như vậy” để phủ nhận sự tồn tại của các vùng Cửu Chân, Nhật Nam trong vùng Bắc và Trung Bộ Việt Nam là chưa có cơ sở khoa học và lịch sử. Các vùng này cũng thuộc lãnh thổ quốc gia của người Việt xưa, có người Việt sinh sống, nên việc người Hán chiếm đóng đất Việt và cai quản các vùng đất này là không có gì bất hợp lý. Trị sở đô hộ của người Hán cũng là ở vùng Mê Linh, quận Giao Chỉ, nên việc quản lý các vùng Cửu Chân, Nhật Nam cũng không phải là quá khó khăn.

Sử Trung Quốc về cơ bản đều chép dựa trên hiện trạng của thời kỳ đó, sách sau chép từ sách trước, có sự sai lệch nhưng về cơ bản chúng có giá trị nghiên cứu và tham khảo, các tài liệu lịch sử chép về Cửu Chân, Nhật Nam là khá rõ ràng, có một số vấn đề nhỏ về khái niệm Cửu Chân, tuy nhiên chúng đều xác định Cửu Chân và Nhật Nam nằm tại vùng miền Trung Việt Nam. Kết hợp với các tài liệu khảo cổ sẽ giúp chúng ta nhận diện được vị trí của các vùng này.

1. Vị trí quận Cửu Chân và các khái niệm “Cửu Chân”:

a. Vị trí quận Cửu Chân:

Quận Cửu Chân được đặt ra lần đầu tiên vào thời Nam Việt, sau khi Triệu Đà đánh bại An Dương Vương, sáp nhập nước Âu Lạc vào lãnh thổ của nước Nam Việt.

Thủy kinh chú: “《交州外域記》曰越王令二使者典主交趾、九真二郡民後漢遣伏波將軍路博德討越王路將軍到合浦越王令二使者齎牛百頭酒千鍾及二郡民戶口簿詣路將軍乃拜二使者爲交趾、九真太守諸雒將主民如故。” – “Giao châu ngoaị vực kí chép: “Vua nước (Nam) Việt sai hai sứ giả trông coi dân hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân, sau nhà Hán sai Phục ba tướng quân là Lộ Bác Đức đánh vua nước Việt, Lộ tướng quân đến quận Hợp Phố, vua nước Việt sai hai sứ giả đem một trăm con bò, một ngàn vò rượu cùng sổ hộ khẩu dân hai quận đến gặp Lộ tướng quân, bèn bái hai sứ giả làm Thái thú của hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân, các Lạc tướng vẫn trị dân như cũ.”

Tới thời nhà Hán, thì Hán Võ Đế đặt các vùng đất chiếm được của người Việt thành chín quận, trong đó có quận Cửu Chân ở phía Nam quận Giao Chỉ.

Hán thư – Võ Đế kỉ: “元鼎六年春至汲新中鄉得呂嘉首以為獲嘉縣。馳義侯遺兵未及下上便令征西南夷平之。遂定越地以為南海、蒼梧、鬱林、合浦、交阯、九真、日南、珠厓、儋耳郡。” – “Mùa xuân năm Nguyên Đỉnh thứ sáu (năm 111 TCN), nhà vua đến làng Tân Trung huyện Cấp, lấy được đầu của Lữ Gia, do đó đặt ra huyện Hoạch Gia. Quân của Trì Nghĩa Hầu chưa kịp xuống đến nơi, nhà vua bèn sai đánh người Di miền tây nam, dẹp được chúng. Rồi đặt nước Việt thành các quận Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Nhai, Đam Nhĩ.”

Hán thư, Nguyên Đế kỷ chép: “九真郡武帝元鼎六年開。有小水五十二并行八千五百六十里。戶三萬五千七百四十三口十六萬六千一十三。有界關。縣七胥浦莽曰驩成。居風都寵應劭曰「寵音龍。」師古曰「音聾。」餘發咸驩無切都尉治。無編。莽曰九真亭。” – “Quận Cửu Chân, Đặt ra vào năm Nguyên Đỉnh thứ sáu thời Võ Đế, có năm mươi hai dòng sông nhỏ, cộng cả dòng là chín ngàn năm trăm sáu chục dặm. có ba vạn năm ngàn bảy trăm bốn mươi ba hộ, mười sáu vạn sáu ngàn một trăm mười ba khẩu. [Có cửa ải trong cõi.] Có bảy huyện: – Tư Phố Vương Mãng gọi là huyện Hoan Thành. – Cư Phong – Đô Lung Ứng Thiệu nói: “Lung, đọc là ‘lung’.” Sư Cổ nói: “Đọc là ‘lung'”. – Dư Phát – Hàm Hoan – Vô Thiết Có sở trị của quan Đô úy. – Vô Biên. Vương Mãng gọi là huyện Cửu Chân Đình.”

Quận Cửu Chân nằm phía nam quận Giao Chỉ và phía bắc quận Nhật Nam, điều này đã được nhiều tài liệu lịch sử nhắc tới.

Cựu Đường thư – Địa lí chí (Hậu Tấn – Lưu Hú soạn): “後漢遣馬援討林邑蠻,援自交趾循海隅,開側道以避海,從蕩昌縣南至九真郡,自九真至其國,開陸路,至日南郡,又行四百餘裏,至林邑國。” – “Thời nhà Hậu Hán sai Mã Viện đánh người Man nước Lâm Ấp, Viện từ quận Giao Chỉ men bờ biển mở đường nhỏ để tránh biển, từ phía nam huyện Đãng Xương đến quận Cửu Chân, lại từ quận Cửu Chân mới đến nước Lâm Ấp, đấy là mở đường bộ đến quận Nhật Nam, lại đi hơn bốn trăm dặm thì đến nước Lâm Ấp.”

Từ Giao Chỉ đi qua quận Cửu Chân mới tới quận Nhật Nam và tới nước Lâm Ấp. Cửu Chân nằm ở phía Bắc quận Nhật Nam, quận Nhật Nam là cực nam của đất Việt bị người Hán chiếm và đô hộ.

Thủy Kinh Chú chép: “Năm Kiến Nguyên thứ hai (năm 344), Văn đánh Nhật Nam, Cửu Đức, Cửu Chân, trăm họ bỏ chạy, ngàn dặm không người, mới trở về Lâm Ấp.” [2]

Trong cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng, sách Hậu Hán Thư chép về Cửu Chân: “Mùa hạ, tháng Tư, năm sau, Viện phá Giao Chỉ, chém bọn Trưng Trắc, Trưng Nhị, còn lại đều hàng mà tan hết. (Viện) lại tiến đánh giặc ở Cửu Chân là bọn Đô Dương, cũng phá hàng được”. [3]

Như vậy chúng ta thấy được Cửu Chân ở ngay phía nam Giao Chỉ, khi quân của Mã Viện đàn áp khởi nghĩa hai bà Trưng, theo hướng từ phía Bắc xuống, thì tiện đường đánh xuống vùng Cửu Chân, đánh bại quân của Đô Dương.

Trong thời Hán Vũ đế, thì miền Bắc và miền Trung Việt Nam được chia thành các quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Trong đó trị sở của Cửu Chân là Tư Phố.

Thủy Kinh chú chép: “‘Địa lý chí’ nói: quận Cửu Chân, Hán Vũ Đế mở vào năm Nguyên Đỉnh thứ 6, đóng lị sở ở huyện Tư Phố, Vương Mãng gọi là Hoan Thành.” [2]

Đây là trung tâm của vùng Cửu Chân trong thời kỳ này, rất phát triển và sầm uất. Các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy những chiếc ấn có khắc các chữ Tư Phố Hầu Ấn – “胥浦侯印”, tìm thấy tại huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia (Musées royaux d’Art et d’Histoire) tại Brussels, Bỉ. [4] Đây là bằng chứng quan trọng chứng minh về vị trí của Tư Phố và Cửu Chân.

Chiếc ấn Tư Phố Hầu Ấn được tìm thấy tại tỉnh Thanh Hóa, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia (Musées royaux d’Art et d’Histoire) tại Brussels, Bỉ. [4][5]

Tại huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng tìm thấy lò gốm Tam Thọ, là một lò gốm Hán lớn trong cả miền Bắc Việt Nam trong khoảng thế kỷ thứ I tới thế kỷ thứ IV. Đây cũng là một bằng chứng chứng minh các vùng Thanh Hóa là trung tâm của quận Cửu Chân thời Bắc thuộc.

“Khu lò Tam Thọ (Đông Sơn, Thanh Hóa) được nhà khảo cổ học Thụy Điển Olow Janse phát hiện và nghiên cứu từ năm 1936. Từ năm 1937 – 1939, ông đã đào hơn 20 lò gốm. Kết quả khai quật được công bố trong chương 16 với tiêu đề “Những lò gốm ở vùng Tam Thọ, phủ Đông Sơn” trong quyển 2 của bộ sách “Archaeological research in Indo-China (Sưu tầm khảo cổ học Đông Dương)”. Với các lò gốm Tam Thọ (Thanh Hóa) thì lần đầu tiên những đồ gốm mang phong cách Hán đã được sản xuất tại Việt Nam. Đây là khu lò gốm sản xuất tập trung có quy mô lớn, mang đậm chất văn hóa Hán nhất. Loại hình gốm và hoa văn trên gốm lò Tam Thọ còn chịu nhiều ảnh hưởng từ đồ gốm thời Đông Hán – Lục Triều của Trung Hoa. Năm 2000 và 2001, Viện khảo cổ học kết hợp với Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đào thám sát và khai quật khu lò Tam Thọ lần thứ hai, đã phát hiện thêm ít nhất 6 lò gốm. Thời gian tồn tại của khu lò này kéo dài liên tục từ khoảng cuối thế kỷ 1 đến thế kỷ 4.” [6]

Tới thời nhà Tùy, thì tại thôn Trường Xuân, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã tìm thấy tấm bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An Đạo tràng chi bi văn (hay còn gọi bia cổ Trường Xuân), dựng năm 618. Tài liệu này rất quan trọng, cho chúng ta thấy được vị trí của Cửu Chân trong thời Bắc thuộc chính là vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam, với trung tâm là tỉnh Thanh Hóa. [7]

Tấm bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An Đạo tràng chi bi văn tìm thấy tại Thanh Hóa, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, chụp bởi Báo Kiến Thức, dẫn]

Như vậy qua các tài liệu khảo cổ, lịch sử, chúng ta có thể kết luận rất rõ ràng rằng địa danh Cửu Chân được sử dụng để chỉ vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam, không phải được sử dụng để chỉ một địa danh trong vùng Hoa Nam.

b. Về hai khái niệm Cửu Chân:

Bên cạnh khái niệm Cửu Chân được sử dụng để chỉ vùng đất Bắc Trung Bộ Việt Nam ngày nay, thì khái niệm Cửu Chân được sử dụng ngoài hàm ý địa danh cụ thể khá nhiều lần trong các sách Hậu Hán Thư và Tấn Thư.

Hậu Hán Thư, Nam Nam – Tây Nam di liệt truyện chép: “Năm Kiến Vũ thứ mười hai (năm 36), Trương Du là người man Lái ở ngoài biên Cửu Chân, mộ giáo hóa, đem người trong bộ tộc theo quy phụ, phong làm Quy Hán Lái quân.”. Ngay sau đó thì Hậu Hán Thư cũng chép: “Năm sau, người man di ở ngoài biên Nam Việt lại cống chim trĩ trắng và thỏ trắng.” [3]

Hậu Hán Thư, Nam Nam – Tây Nam di liệt truyện chép: “Năm Vĩnh Sơ nguyên niên (107) đời An đế, người man di Dạ Lang ở ngoài biên Cửu Chân đem đất xin nội thuộc, mở rộng địa giới thêm một ngàn tám trăm bốn mươi dặm.” . Hậu Hán Thư lại chép: “Năm Diên Quang nguyên niên (122), người man ngoài cõi Cửu Chân đến cống hiến xin nội thuộc.” [3]

Vậy chúng ta phải hiểu như thế nào về khái niệm này? Chúng tôi cho rằng khái niệm Cửu Chân được sử dụng trong các đoạn trích này không giống với khái niệm Cửu Chân được sử dụng để chỉ địa danh nằm trong vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam ngày nay, mà khái niệm Cửu Chân tương đương với Nam Việt như đoạn trích phía chúng tôi đã dẫn ở trên, chỉ vùng đất Tây Âu hay Nam Việt cũ, khái niệm này được dùng để chỉ chung chung một vùng đất rộng lớn. Tài liệu trong Tấn Thư sẽ cho chúng ta thấy giả thuyết này là có cơ sở.

Tấn Thư, Đào Hoàng truyện chép: “Các nơi Vũ Bình, Cửu Đức, Tân Xương địa bàn hiểm trở, người Di, người Lạo hung hãn, trải nhiều đời vẫn không chịu về theo, Hoàng bèn dẹp yên, mở đặt làm ba quận, và hơn ba mươi huyện ở thuộc quốc Cửu Chân.” [8]

Qua các tài liệu này chúng ta có thể suy đoán rằng Cửu Chân trong các sách trên là một khái niệm lớn và khác với khái niệm Cửu Chân quận được sử dụng để chỉ miền Trung Việt Nam. Về thực tế địa danh Cửu Chân, chúng tôi đã dẫn các bằng chứng lịch sử và khảo cổ để chứng minh sự tồn tại của Cửu Chân trong vùng miền Trung Việt Nam.

2. Vị trí quận Nhật Nam:

Quận Nhật Nam được thành lập thời Hán Vũ Đế sau khi nhà Hán đánh bại Nam Việt và sáp nhập Nam Việt vào lãnh thổ của người Hán.

Hán thư – Nguyên Đế kỉ: “日南郡故秦象郡武帝元鼎六年開更名。有小水十六并行三千一百八十里。屬交州。師古曰「言其在日之南所謂開北戶以向日者。」戶萬五千四百六十口六萬九千四百八十五。縣五朱吾比景如淳曰「日中於頭上景在已下故名之。」盧容西捲水入海有竹可為杖。莽曰日南亭。孟康曰「音卷。」師古曰「音權。」象林。” – “Quận Nhật Nam, Là quận Tượng của nhà Tần thời trước, đặt ra vào năm Nguyên Đỉnh thứ sáu thời Võ Đế, đổi tên, có mười sáu dòng sông nhỏ, cộng cả dòng là ba ngàn một trăm tám chục dặm, thuộc châu Giao. Sư Cổ nói: “Ý nói quận này ở phía nam của Mặt Trời, vốn gọi là chỗ mở cửa quay mặt về phía bắc hướng về Mặt Trời.” có một vạn năm ngàn bảy trăm bốn mươi ba hộ, mười sáu vạn sáu ngàn một trăm mười ba khẩu. Có năm huyện: – Chu Ngô, – Bỉ Cảnh Như Thuần nói: “Giữa ngày Mặt Trời ở trên đầu, bóng ở dưới chân mình, cho nên đặt tên ấy. – Lô Dung – Tây Quyển Sông đổ vào biển, có tre làm gây được. Vương Mãng gọi là huyện Nhật Nam Đình. Mạnh Khang nói: “Đọc là ‘quyển’.” Sư Cổ nói: “Đọc là ‘quyền’.” – Tượng Lâm.”

Các tài liệu lịch sử cũng đều cho thấy rằng Nhật Nam nằm tại cực Nam của đất Việt khi đó đang nội thuộc nhà Hán.

Hậu Hán Thư, Nam Man, Tây Nam Di liệt truyện chép:“Tới khi Vương Mãng phụ chính, năm Nguyên Thủy thứ ha (năm 2), nước Hoàng Chi ở phía nam Nhật Nam sang cống tê ngưu”. Cũng Hậu Hán Thư chép: “Năm Nguyên Hòa nguyên niên (năm 84) đời Túc Tông, kẻ ấp hào ở tộc man di Cứu Bất Sự Nhân ngoài biên quận Nhật Nam đến dâng tê giác sống, chim trĩ trắng.” [3]

Như vậy Nhật Nam là biên giới phía Nam lãnh thổ của đất Việt hiện đang trong sự cai trị của người Hoa Hạ, lãnh thổ của người Hoa Hạ trong thời kỳ này bao trùm đất Việt, do vậy Nhật Nam không thể nằm trong vùng Vân Nam, ngoài 9 quận được thành lập khi nước Nam Việt bị nhà Hán đánh bại.

Năm Vĩnh Hòa thứ hai, Hậu Hán Thư chép người ngoài mạn Nhật Nam đánh sang huyện Tượng Lâm, Hán Vũ Đế triệu bá quan đến hỏi sách lược, Lý Cố có nhắc tới chi tiết sau: “Lặn lội xa xôi vạn dặm, quân sĩ mệt nhọc, dù cho có đến được Lĩnh Nam, cũng không thể đánh nhau được. Đó là bốn điều không thể vậy. Quân đi mỗi ngày được ba mươi dặm, mà đến Nhật Nam là hơn chín ngàn dặm, phải ba trăm ngày mới tới, tính mỗi người ăn năm thăng gạo, thì phải dùng đến sáu mươi vạn hộc… Cửu Chân, Nhật Nam lại cách nhau ngàn dặm, lấy lại dân ở đó còn không kham nổi, huống chi lại làm khổ đến binh lính ở bốn châu ấy để đi xa muôn dặm! Thật khó khăn thay!” [3]

Có thể thấy Nhật Nam cách Cửu Chân hơn ngàn dặm, Nhật Nam lại cách đất Kinh Dương hơn chín ngàn dặm, tư liệu này bác bỏ giả thuyết của tác giả Hoàng Cương cho rằng Nhật Nam không nằm ở miền Trung Việt Nam ngày nay. Cuộc khởi nghĩa của Khu Liên cũng đã chiếm được huyện Tượng Lâm, thành lập nước Lâm Ấp, là tiền thân của nước Champa sau này. Nhật Nam sau đó chỉ còn 4 huyện là Tây Quyển, Chu Ngô, Lô Dung, Ty Ảnh tới cực Nam đèo Hải Vân.

Tài liệu khảo cổ cũng cho chúng ta thấy được chiếc ấn có khắc chữ “日南尉丞” – Nhật Nam Úy Thừa. Nó đồng thời khẳng định quận Nhật Nam cũng nằm trong lãnh thổ cổ Việt, bị người Hoa Hạ chiếm đóng và trở thành quận Nhật Nam.

Chiếc ấn có khắc chữ “日南尉丞” – Nhật Nam Úy Thừa. [5]

Thời kỳ này di vật khảo cổ về con dấu còn tìm thấy chiếc ấn có khắc chữ 朱吾右尉 – “Chu Ngô hữu úy”, Chu Ngô là một huyện của Nhật Nam như chúng tôi đã dẫn ở phần trên.

Chiếc ấn 朱吾右尉 – “Chu Ngô hữu úy”. [Nguồn: dẫn]

Qua các tài liệu trên, chúng ta thấy được Nhật Nam nằm trong vùng trung bộ Việt Nam, nằm trong lãnh thổ cổ Việt, tới đầu thời Bắc thuộc cũng thuộc sự cai quản của người Hoa Hạ.

II. Giao Chỉ và lãnh thổ người Việt cổ:

Giao Chỉ là một khái niệm gắn liền với người Việt qua nhiều thời kỳ, người Việt ở đây không chỉ là người Việt (Kinh), mà là cả cộng đồng tộc Việt. Khái niệm Giao Chỉ tương ứng với lãnh thổ của quốc gia chung của cộng đồng tộc Việt, khái niệm này lùi dần về phía Nam theo sự thu hẹp lãnh thổ của cộng đồng tộc Việt.

1. Giao Chỉ và sự thu hẹp lãnh thổ của đất Việt:

Giao Chỉ lần đầu tiên được ghi lại qua danh từ “Nam Giao” trong các sách Thượng Thư, thiên Nghiêu Điển và Sử Ký, mục Đế Nghiêu, xuất hiện vào thời vua Nghiêu (2356-2255 TCN), theo Tư Mã Trinh thì Nam Giao cũng là Giao Chỉ. [9]

Hàn Phi Tử thiên Thập quá: “Ngày xưa vua Nghiêu có thiên hạ, ăn bằng bát đất (quỷ), uống bằng liễn đất (hình), địa giới phương nam đến đất Giao Chỉ, phương Bắc đến đất U Đô, phương đông, phương tây đến tận nơi mặt trời lặn mọc, tất thảy đều phục tùng.” [9]

Hoài Nam Tử, thiên Tu vụ huấn: “Vua Nghiêu lên làm vua, hiếu từ nhân ái, khiến dân như con em, phương Tây dạy mán ốc dân, phương Đông đến mán Hắc xỉ, phương Bắc vỗ về đất U Đô, phương Nam thông nước Giao Chỉ.” [9]

Khi đó, nhà Hạ của Nghiêu, Thuấn có lãnh thổ nằm ở vùng Bắc Đông Á, đất Giao Chỉ được ghi lại trong sách Hàn Phi Tử và Hoài Nam Tử khi đó tiếp giáp vùng của nhà Hạ kéo dài tới vùng Động Đình, Dương Tử. Lãnh thổ của tộc Việt thời kỳ đó cũng tương ứng với khái niệm Giao Chỉ, phía Bắc cũng tới hồ Động Đình.

Lã Thị Xuân Thu, thiên Thận Hành Luận, viết về lãnh thổ thời Hạ Vũ: 南至交阯孫樸續樠之國丹粟漆樹沸水漂漂九陽之山羽人裸民之處 – “Phía nam đến các nước Giao Chỉ, Tôn Bốc, Tục Man, các núi Đan Túc, Tất Thụ, Phất Thủy, Phiêu Phiêu, Cửu Dương, các xứ Vũ Nhân, Khỏa Dân, hương Bất Tử.”

Tới thời Hạ Vũ, thì đất của người Việt vẫn tới hồ Động Đình, chưa có sự biến động về lãnh thổ, Giao Chỉ khi đó được gọi là một nước, tương ứng với quốc gia của người Việt trong thời điểm đó.

Tuy nhiên giai đoạn nhà Thương, thì tộc Việt mất các vùng hạ lưu Dương Tử và phía Bắc hồ Động Đình (Hồ Bắc) về nhà Thương, tới thời Chu, thì địa giới Việt là bao gồm các vùng từ phía nam hồ Động Đình cho tới miền Bắc Việt Nam.

Dư địa chí của Cố Dã Vương đã viết như sau:  交趾,周时为骆越,秦时曰西瓯。”- “Giao Chỉ, Chu thời vi Lạc Việt, Tần thời viết Tây Âu”. [10]

Tới thời nhà Tần, thì lãnh thổ tộc Việt chỉ còn lại vùng Lưỡng Quảng, miền Bắc Việt Nam và đảo Hải Nam, Giao Chỉ: Tần thời viết Tây Âu, đã thể hiện sự thu hẹp tương ứng của khái niệm Giao Chỉ với lãnh thổ của nước Văn Lang, khi đó nước Việt là nước Tây Âu, là nhà nước mà An Dương Vương đã lập nên sau khi giành ngôi của vị vua Hùng cuối cùng.

Tới khi nhà Tần chiếm được Lưỡng Quảng, đất Việt chỉ còn lại vùng miền Bắc Việt Nam, thì khái niệm Giao Chỉ cũng bị thu hẹp lại, được dùng để chỉ vùng miền Bắc Việt Nam. Sau đó Triệu Đà, quan đô hộ nhà Tần lập nên quốc gia Nam Việt, lập ra quận Giao Chỉ tương ứng với miền Bắc Việt Nam.

Tới thời nhà Hán, thì Giao Chỉ được dùng với 2 khái niệm: Giao Chỉ bộ, chỉ toàn bộ vùng đất Tây Âu cũ (Lưỡng Quảng, miền Bắc Việt Nam, Hải Nam), Giao Chỉ quận, dùng để chỉ các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

2. Giao Chỉ được sử dụng để chỉ trực tiếp vùng đồng bằng sông Hồng:

Các tài liệu lịch sử cũng cho chúng ta thấy khái niệm Giao Chỉ thời kỳ Bắc thuộc được sử dụng trực tiếp để chỉ người Việt, trong đó khái niệm Giao Chỉ bộ để chỉ người Việt trong vùng Lưỡng Quảng và miền Bắc Việt Nam, và Giao Chỉ quận là trung tâm của Giao Chỉ bộ được đặt tại vùng đồng bằng sông Hồng được sử dụng để chỉ người Việt với hậu duệ là người Việt (Kinh) và người Mường.

Quận Giao Chỉ được đặt ra vào thời Hán Võ Đế, thuộc Quận Giao Chỉ, trị sở được đặt tại Mi Linh (Mê Linh).

Hán thư – Nguyên Đế kỉ: “交止郡武帝元鼎六年開屬交州。戶九萬二千四百四十口七十四萬六千二百三十七。縣十羸有羞官。孟康曰「羸音蓮。音受土簍。」師古曰「簍二字並音來口反。」安定苟屚師古曰「屚與漏同。」麊泠都尉治。應劭曰「麊音彌。」孟康曰「音螟蛉。」師古曰「音麋零。」曲昜師古曰「昜古陽字。」比帶稽徐師古曰「稽音古奚反。」西于龍編師古曰「編音鞭。」朱䳒。” – “Quận Giao Chỉ, Đặt ra vào năm Nguyên Đỉnh thứ sáu (năm 111 TCN) thời Võ Đế, thuộc châu Giao có chín vạn hai ngàn bốn trăm bốn chục hộ, bảy mươi tư vạn một ngàn hai trăm ba mươi bảy khẩu. Có mười huyện: – Liên Thổ Có quan coi về món ăn ngon. Mạnh Khang nói: “Liên, đọc là ‘liên’. Thổ, đọc là ‘thụ thổ phiên’. Sư Cổ nói: “Hai chữ thổ, lâu đều đọc là ‘lai khẩu’ phiên.” – An Định – Câu Lậu – Mi Linh Là chỗ đặt sở trị của quan Đô úy. Ứng Thiệu nói: “Mi, đọc là ‘mi’.” Mạnh Khang nói: “Đọc là Minh Linh.” Sư Cổ nói: “Đọc là Mi Linh.” – Khúc Dương – Bỉ Đái – Kê Từ – Tây Vu – Long Biên – Chu Diên.”

Dân số quận Giao Chỉ rất đông, khoảng 741.230 người, nên việc trị sở của Giao Chỉ bộ được đặt tại đây là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Sau đó, cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng nổi lên từ quận Giao Chỉ, tại ngay trị sở đô hộ Mê Linh của giặc phương Bắc, đánh đuổi Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định.

Hậu Hán Thư, Nam Man, Tây nam di liệt truyện chép: “Đến năm thứ mười sáu (năm 40), có người con gái Giao Chỉ là Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị làm phản, tiến đánh quận thành. Trưng Trắc là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, gả cho làm vợ Thi Sách người Chu Diên, là người rất hùng dũng. Giao Chỉ Thái thú Tô Định đem pháp luật để ràng buộc, Trắc phẫn nội, bèn chống lại. Vì vậy người man Lái ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, phàm cướp được sáu mươi lăm thành, tự lập làm vua.” [3]

Vào năm 210 SCN, Tôn Quyền chia Giao Chỉ quận thành hai phần: “Quyền thấy Giao Chỉ huyện xa, bèn chia từ Hợp Phố về phía bắc làm Quảng Châu cho Lữ Đại làm Thứ sử; từ Giao Chỉ về phía Nam làm Giao Châu, cho Đới Lương làm Thứ sử. Lại sai Trần Thời thay Nhiếp làm Giao Chỉ Thái thú.” [11]

Qua đoạn trích này chúng ta thấy được Hợp Phố ở phía trên Giao Chỉ, nằm tại vùng Quảng Đông, Giao Chỉ tại miền Bắc Việt Nam sau đó được chuyển thành Giao Châu, trong đó vẫn tồn tại Giao Chỉ quận có Trần Thời làm Thái thú. Thời điểm này cũng chính là thời điểm người Hán tách hẳn đất Lĩnh Nam ra khỏi đất Việt cũ.

Các tài liệu đều cho chúng ta thấy được Giao Chỉ có hai khái niệm là Giao Chỉ bộ và Giao Chỉ quận, trong đó Giao Chỉ bộ liên quan tới toàn đất Việt, khái niệm Giao Chỉ lớn này cũng liên quan tới sự thu hẹp lãnh thổ của người Việt trong từng giai đoạn lịch sử mà chúng tôi đã dẫn ở phần trên. Giao Chỉ quận được sử dụng để chỉ riêng vùng đồng bằng sông Hồng tại miền Bắc Việt Nam.

3. Khảo về nguồn gốc của cái tên “Giao Chỉ”:

Về nguồn gốc của tên Giao Chỉ, những giả thuyết phân tích nguyên nghĩa của từ này cho rằng liên quan tới chân, tuy nhiên từ này nhiều khả năng là chữ ký âm, ghi lại cách gọi của người Việt, không phải từ người Hoa Hạ sử dụng để chỉ người Việt. Trong đó chữ Giao có khả năng là chữ ký âm, chữ Chỉ là chữ được thêm vào sau này. Giả thuyết chữ Giao Chỉ là chữ ký âm đã được nhiều tác giả đề cập tới, như H. Yule, E. Chavannes, Chavannes cũng cho rằng chữ Giao là “chữ thổ âm”. [12]

Ban đầu, khái niệm Giao Chỉ được ghi dưới cái tên Nam Giao, sau đó được chép lại dưới cái tên Giao Chỉ, tới thời Hán về sau thì lại thành Giao Châu [12], qua tiến trình này, chúng ta thấy được chữ Giao là chữ cốt lõi, các chữ khác như “Nam”, “Chỉ”, “Châu” đều được thêm vào sau và không thực sự quan trọng.

Người Việt được nhiều dân tộc trong vùng Đông Nam Á gọi bằng cái tên Keo, như người Thái gọi bằng Kan Keo, Thái Chiềng Mai gọi người Việt là Kiô, người Lào gọi là Kèo, người Mường gọi là Keo, người Thổ cũng gọi là Keo, người Tai khu vực miền Bắc Việt Nam gọi bằng Keo hoặc Kèo, người Dao gọi bằng Keo, người Khmer gọi bằng Kẻ Tiếng [12]. Từ Keo và Giao có cùng nguồn gốc về ngữ âm học.

Truy về ngữ âm nguyên thủy của từ “Keo” hay “Giao”, thì theo nghiên cứu của Michel Ferlus cho thấy từ Giao có âm phục nguyên là kraw, và chữ Keo có nguồn gốc từ âm Hán trung cổ kæw. [13]

jiāo 交 <MC kæw <OC *kraw [k.raw] [13]
(MC: Middle Chinese: Hán trung đại; OC: Old Chinese: Hán cổ)

Đây là một từ gốc Nam Á được người Hán ký âm thành Giao. Tên tộc danh của người Lào cũng có âm phục nguyên là kraw như tên gọi Giao hay Keo về người Việt.

lǎo 獠 <MC lawX <OC *C-rawʔ [C.rawˀ] [13]

Từ sự phục nguyên này chúng ta có thể thấy được từ Giao với âm gốc là kraw có lịch sử từ rất lâu đời, ít nhất là từ thời nhà Hạ khoảng 4300 năm trước, sau đó chúng tiếp tục được sử dụng để chỉ người Việt, người Lào cũng có chung nguồn gốc với người Việt nên sử dụng kraw – Lào làm tộc danh và quốc danh.

Qua các tài liệu chúng tôi đã dẫn ở trên, chúng ta thấy được rằng chữ Giao có âm gốc là kraw trong ngôn ngữ Nam Á, được sử dụng để chỉ vùng đất bởi người Việt, sau đó được người Hán ký âm thành Giao và sử dụng cùng với các từ Nam Giao, Giao Chỉ, Giao Châu, và trở thành tên gọi để chỉ tộc người.

III. Mê Linh và cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng:

Các tài liệu lịch sử cũng cho chúng ta thấy Mê Linh nằm tại miền Bắc Việt Nam, và cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng xuất phát từ vùng miền Bắc Việt Nam và lan tỏa đi các vùng khác.

Thủy kinh chú chép: “交趾郡及州本治於此也。州名爲交州。後朱䳒雒將子名詩索泠雒將女名徵側爲妻側爲人有膽勇將詩起賊攻破州郡服諸雒將皆屬徵側爲王治泠縣得交趾、九真二郡民二歲調賦。後漢遣伏波將軍馬援將兵討側詩走入金溪究三歲乃得。爾時西蜀竝遣兵共討側等悉定郡縣爲令長也。” – “Sở trị của quận Giao Chỉ và châu vốn ở đấy vậy (huyện Mi Linh). Đặt tên châu là châu Giao. Sau có con trai của Lạc tướng huyện Chu Diên tên là Thi lấy con gái của Lạc tướng huyện Mi Linh tên là Trưng Trắc làm vợ. Trắc là người gan dũng, giúp Thi nổi dậy, đánh phá châu quận, bắt các Lạc tướng theo phục, đều thuộc quyền Trưng Trắc, làm vua, đóng đô ở huyện Mi Linh, thu thuế của dân hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân được hai năm. Sau nhà Hán sai Phục ba tướng quân là Mã Viện đánh Trắc-Thi, chạy vào khe hang Kim, ba năm mới bắt được. Bấy giờ quận Thục phía tây cũng đem binh cùng đánh bọn Trắc, dẹp yên cả các quận huyện, đặt ra quan Lệnh, Trưởng ở đấy.”

Sách Hậu Hán thư cũng chép: “Đến năm thứ mười sáu (năm 40), có người con gái Giao Chỉ là Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị làm phản, tiến đánh quận thành. Trưng Trắc là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, gả cho làm vợ Thi Sách người Chu Diên, là người rất hùng dũng. Giao Chỉ Thái thú Tô Định đem pháp luật để ràng buộc, Trắc phẫn nội, bèn chống lại. Vì vậy người man Lái ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, phàm cướp được sáu mươi lăm thành, tự lập làm vua.” [3]

Tô Định là Thái thú của Giao Chỉ quận, tức vùng đồng bằng sông Hồng ngày nay, như vậy có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng Mê Linh nằm trong vùng miền Bắc Việt Nam, không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy Mê Linh nằm ngoài miền Bắc Việt Nam, cũng như không có đủ bằng chứng để cho rằng cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng không bắt nguồn từ miền Bắc Việt Nam.

Hai bà Trưng vì thù nước, nợ nhà, nên đã nổi dậy đánh quân đô hộ người Hán, cuộc khởi nghĩa xuất phát từ vùng Mê Linh, đây cũng chính là trị sở của Giao Chỉ bộ trong giai đoạn đầu, cuộc khởi nghĩa của hai bà chiếm được 65 thành, có nghĩa là toàn bộ vùng Lưỡng Quảng, miền Bắc và miền Trung Việt Nam.

Bên cạnh đó, một tài liệu khác trong Thủy Kinh chú cũng cho chúng ta thấy Mê Linh nằm trong quận Giao Chỉ.

Thủy kinh chú chép: “Qua phía Bắc huyện Mi Linh quận Giao Chỉ, chia làm 5 con sông, chằng chịt trong quận Giao Chỉ, đến địa giới phía đông thì hợp trở lại làm 3 con sông, chảy về phía đông ra biển.” [2]

Chiếc ấn được khắc chữ 麊泠长印 – “Mi Linh trưởng ấn”, là trưởng ấn của quan độ hộ tại trị sở Mê Linh. [5]

Qua các dẫn chứng trên, chúng ta cũng thấy được Mê Linh nằm trong vùng miền Bắc Việt Nam, đây là trị sở đô hộ của nhà Hán, và đây cũng chính là trung tâm khởi phát cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng, đánh đổ quân đô hộ tại trị sở Mê Linh và lan tỏa ra khắp các vùng đất Việt khác.

VI. Phong Khê, Liên Lâu và vị trí của chúng trong thời Bắc thuộc:

Các tài liệu lịch sử như Thủy Kinh chú cũng cho chúng ta thấy huyện Phong Khê nằm trong địa phận miền Bắc Việt Nam, không phải nằm trong vùng Quảng Tây như một số quan điểm đã đề xuất.

Thủy Kinh chú chép: “Hai sông phía Bắc, thì Tả Thủy chảy về phía đông bắc, đi qua phía nam huyện Vọng Hải. Năm Kiến Vũ thứ 19, Mã Viện đánh Trưng Trắc, lập huyện này (Vọng Hải). Lại chảy về phía đông đi qua phía bắc huyện Long Uyên, lại chảy về phía đông, hợp với sông Nam Thủy. Sông từ phía đông huyện Mi Linh đi qua phía bắc huyện Phong Khê.” [2]

Liên Lâu hay Luy Lâu, trị sở đô hộ của quan đô hộ phương Bắc trong khoảng cuối thế kỷ 2 TCN, Liên Lâu theo các tài liệu lịch sử cũng cho thấy nằm tại vùng miền Bắc Việt Nam, không phải nằm tại vùng Quảng Đông hay Lĩnh Nam.

Thủy Kinh Chú chép: “Sông ấy lại chảy về phía Đông đi qua huyện Khúc Dương, rồi chảy về phía đông mà vào sông Ngân, sông Uất. “Kinh” nói: ở biên giới phía đông quận, lại hợp làm ba con sông, đây là một trong số đó. Con sông thứ ấy lại chảy về phía đông đi qua phía nam huyện Phong Khê, lại chảy về phía tây nam đi qua phía nam huyện Tây Vu, lại chảy về phía đông, đi qua phía bắc huyện Liên Lâu, lại chảy về phía đông, đi qua phía nam huyện Bắc Đới, lại chảy về phía đông đi qua huyện Kê Từ có sông Kinh Thủy chảy vào sông ấy. Sông Kinh Thủy ra từ núi cao huyện Long Biên, chảy về phía đông nam vào huyện Kê Từ, chảy vào sông Trung Thủy. Sông Trung Thủy lại chảy về phía đông, đi qua phía nam huyện Liên Lâu. Giao Châu ngoại vực ký nói: huyện vốn là lị sở của quận Giao Chỉ.” [2]

Tài liệu khảo cổ cũng cho chúng ta thấy được vị trí thực sự của thành Luy Lâu. Thành cổ Luy Lâu nằm tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nằm gần vị trí của chùa Dâu, tại đây là một trong những trung tâm kinh tế lớn của đất Việt thời Bắc thuộc và thời tự chủ.

“Tại các hố khai quật, các nhà khảo cổ học đã thu được số lượng lớn hiện vật là vật liệu kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt có niên đại từ thế kỷ 1 trước công nguyên đến thế kỷ 14 sau công nguyên. Những vật gia dụng (đồ gốm, dấu tích của bếp) và vật liệu xây dựng (gạch, ngói, đầu ngói ống…) chứng minh quá trình cư trú liên tục, lâu dài của cư dân tại khu vực này và khẳng định đây là một trung tâm định cư có quy mô lớn.” [14]

Thành cổ này tương ứng với các tài liệu lịch sử mà chúng tôi đã dẫn trước đó, Luy Lâu, trị sở đô hộ của quận Giao Chỉ cũng nằm tại vùng miền Bắc Việt Nam cụ thể hơn là trong vùng đồng bằng sông Hồng. Khám phá khai quật về thành cổ Luy Lâu là bằng chứng trực tiếp chứng minh sự tồn tại của một thành cổ, một trị sở đô hộ phồn thịnh trong thời kỳ Bắc thuộc. Các vùng khác như Quảng Đông không có bằng chứng cụ thể nào chứng minh sự tồn tại một trị sở đô hộ có sự phát triển cao như vậy trong cùng thời kỳ.

Bằng chứng rõ nét hơn, đó là một ống ngói có chữ “Vạn tuế”, “theo điển chế triều đình Trung Hoa – vốn chỉ được dùng cho Hoàng đế. Thế nghĩa là gì? – Điều đó biểu hiện sự lấn vượt của các quan cai trị tại Giao Chỉ: “Nó phù hợp với các nguồn sử liệu Việt Nam (như Đại Việt Sử ký Toàn thư) hay sử Trung Quốc (như Tam Quốc Chí) về Sĩ Nhiếp – đều nói về việc ông sử dụng những nghi thức… vốn chỉ dành cho thiên tử.” [15]

Qua các bằng chứng chúng tôi đã dẫn ở trên, chúng ta có thể kết luận các địa danh Luy Lâu, Phong Khê đều nằm trong vùng miền Bắc Việt Nam, không phải nằm trong vùng Quảng Đông, Quảng Tây như một số quan điểm đã đề xuất.

V. Kết luận:

Việc nghiên cứu lịch sử cần sự cẩn trọng, khách quan và khoa học, chúng ta rất nên tránh sự suy diễn chủ quan, cóp nhặt và diễn giải các tư liệu lịch sử một cách thiếu cơ sở, để tránh làm nhiễu thông tin về các vấn đề lịch sử của người Việt.

Dựa vào các tài liệu lịch sử và khảo cổ mà chúng tôi đã khảo cứu, chúng ta có thể kết luận rằng, quan điểm cho rằng Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Mê Linh nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam là không phù hợp với các tài liệu lịch sử và khảo cổ. Các tài liệu lịch sử và khảo cổ đều cho thấy Giao Chỉ quận, Cửu Chân quận, Nhật Nam quận, Mê Linh nằm trong vùng miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Khái niệm Giao Chỉ lớn hơn tương ứng với sự biến động lãnh thổ của đất Việt, Cửu Chân cũng tồn tại cả một khái niệm khác với Cửu Chân quận được sử dụng để chỉ miền Trung Việt Nam.

Lang Linh
Tranh minh họa: Xuân Lam.

Xin chân thành cảm ơn sự chia sẻ tư liệu của bạn Anh Tuan Chu Nguyen, các bản dịch của Châu Hải Đường, Tích Dã và một số dịch giả khác!


Tài liệu tham khảo:

[1] Hoàng Cương, Theo dòng sử Việt
https://hoangcuongtp.blogspot.com/2021/03/theo-dong-su-viet-lich-su-la-nhung-gi.html?m=1

[2] Lịch Đạo Nguyên, Thủy Kinh Chú Sớ, Nguyễn Bá Mão dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2005.

[3] Hậu Hán Thư, Quyển 86 – Nam Man, Tây Nam Di liệt truyện, dẫn lại từ An Nam truyện, dịch bởi Châu Hải Đường, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2018 (tái bản 2021).

[4] Bảo tàng dấu khắc Bình Hồ 平湖玺印篆刻博 , Tuyển tập các ấn cổ ở hải ngoại 海外古璽印的收藏
https://sohu.com/a/161596718_699369/?pvid=000115_3w_a

[5] Viện Chủ nghĩa xã hội Quảng Tây 广西社会主义学院学报, Thảo luận ngắn gọn về con dấu chính thức và hệ thống chính thức của khu vực Lạc Việt cổ đại 简论古骆越地区的官印与官制
http://www.gxsy.org/ueditor/php/upload/file/20190926/1569459096459579.pdf

[6] Trần Anh Dũng, Giá trị của di sản văn hóa Đông Sơn qua đồ gốm từ thế kỷ I đến thế kỷ 10.
http://baotanglichsu.vn/DataFiles/2020/10/News/thong%20bao%20khoa%20hoc/Tran%20Anh%20Dung%20-%20Gia%20tri%20cua%20di%20san%20van%20hoa%20Dong%20Son….pdf

[7] Báo Thanh Hóa, Dấu ấn Thanh Hóa tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia
https://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/dau-an-thanh-hoa-tai-bao-tang-lich-su-quoc-gia/90659.htm

[8] Tấn Thư, Đào Hoàng truyện, dẫn lại từ An Nam truyện, dịch bởi Châu Hải Đường, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2018 (tái bản 2021).

[9] Trần Kinh Hòa (Cheng Ching-Ho), 1960, Khảo cứu về danh xưng Giao Chỉ, tạp chí Đại học Huế.

[10] Phan Anh Dũng, Về phạm vi cư trú của người Lạc Việt
http://fanzung.com/?p=2379

[11] Tam quốc chí, Ngô Thư – quyển 4 – Lưu Do, Thái sử tử, Sĩ Nhiếp truyện, dẫn lại từ An Nam truyện, dịch bởi Châu Hải Đường, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2018 (tái bản 2021).

[12] Trần Kinh Hòa (Cheng Ching-Ho), 1960, Khảo cứu về danh xưng Giao Chỉ, tạp chí Đại học Huế.

[13] Michel Ferlus. Formation of Ethnonyms in Southeast Asia. 42nd International Conference on Sino-Tibetan Languages and Linguistics, Payap University, Nov 2009, Chiang Mai, Thailand.
https://halshs.archives-ouvertes.fr/halshs-01182596/document

[14] Ngữ Thiên, Những kết quả khai quật khảo cổ học thú vị từ Luy Lâu, Báo Nhân Dân online.
https://nhandan.com.vn/di-san/nhung-ket-qua-khai-quat-khao-co-hoc-thu-vi-tu-luy-lau-251814

[15] Tuấn Quang, Thanh An, Thành cổ Luy Lâu: Gần hơn tới hiện thực
https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Thanh-co-Luy-Lau-Gan-hon-toi-hien-thuc–15254

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.