594. ☀ Chủ nhân của trống đồng và văn hóa Đông Sơn

Vấn đề chủ nhân của trống đồng và văn hóa Đông Sơn nhận được sự quan lớn của những người quan tâm tới nguồn gốc dân tộc, giả thuyết phổ biến nhất đó là trống đồng Đông Sơn và văn hóa Đông Sơn là của tổ tiên người Việt, người Mường xây dựng và phát triển. Bên cạnh giả thuyết này, trong thời gian gần đây cũng xuất hiện một số giả thuyết khác về nguồn gốc của văn hóa Đông Sơn và trống đồng, như trống đồng và văn hóa Đông Sơn tại Việt Nam là của người Tai, người Việt gốc Hán tới chiếm đoạt di sản của người Tai, hay trống đồng và văn hóa Đông Sơn là của người Indo, do những đặc điểm văn hóa rất tương đồng của các dân tộc Indo với các hoa văn trống đồng và các hiện vật văn hóa Đông Sơn. Ngoài ra, còn tồn tại giả thuyết trống đồng và văn hóa Đông Sơn là sở hữu của rất nhiều dân tộc, không chỉ riêng một dân tộc nào đó.

Những giả thuyết mới xuất hiện về trống đồng và văn hóa Đông Sơn đa phần đều chỉ dựa trên một số chi tiết bề ngoài và sự suy diễn, như họ dựa trên sự kế thừa một số yếu tố văn hóa của một số dân tộc, từ đó suy ra rằng dân tộc đó là chủ nhân của trống đồng và văn hóa Đông Sơn, bên cạnh đó, còn nhiều sự suy diễn khác liên quan tới lịch sử, địa chất thời cổ đại, như đồng bằng sông Hồng thời Đông Sơn chưa có, suy ra văn hóa Đông Sơn là của người Tai.

Chủ nhân của một văn hóa không thể chỉ dựa trên một số yếu tố kế thừa văn hóa, bởi văn hóa Đông Sơn có rất nhiều những dân tộc trong vùng phía Nam sông Dương Tử cho tới Đông Nam Á lục địa và hải đảo kế thừa ở một số yếu, vì vậy, nếu xác định rằng cứ kế thừa văn hóa, thì đó là chủ nhân của văn hóa Đông Sơn, thì tất cả các dân tộc trong địa bàn này đều có thể là chủ nhân. Văn hóa có thể ảnh hưởng rộng khắp, nhưng chủ nhân thì chỉ có một, văn hóa thường xuất phát từ một vùng nhất định, sau đó mới lan tỏa rộng khắp đi các vùng khác, bằng sự giao lưu, trao đổi văn hóa.

Để tìm được chủ nhân của trống đồng và văn hóa Đông Sơn, cần xác định dựa trên các yếu tố: di truyền (để xác định chủ nhân về huyết thống), khảo cổ (để xác định nguồn gốc và sự phát triển của văn hóa Đông Sơn), ngôn ngữ (để xác định ngôn ngữ của văn hóa Đông Sơn và hậu duệ trực tiếp của nó), kế thừa văn hóa (xác định được dân tộc hậu duệ của văn hóa này có tiếp tục sử dụng trống đồng hay không). Chúng tôi sẽ từng bước tìm hiểu về nguồn gốc của trống đồng và văn hóa Đông Sơn dựa trên những yếu tố then chốt này.

1. Văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc từ văn hóa Phùng Nguyên:

Các nghiên cứu cùng những tài liệu khảo cổ của Việt Nam đã cho thấy văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc từ văn hóa Phùng Nguyên, với sự kế thừa thể hiện trên cả cổ vật và hoa văn.

Nhà khảo cổ nổi tiếng Việt Nam, Hà Văn Tấn với bài viết “Từ gốm Phùng Nguyên đến trống đồng” được đăng trên tạp chí Khảo cổ học số 13 (1974) [1] đã chứng minh sự kế thừa của các hoa văn trên đồ gốm Phùng Nguyên ở các hoa văn của văn hóa Đông Sơn.

Giáo sư Hà Văn Tấn đã kết luận: “Không nghi ngờ gì nữa, những điểm tương đồng giữa nghệ thuật Đông Sơn và nghệ thuật Phùng Nguyên đã khẳng định truyền thống Phùng Nguyên trong văn hóa Đông Sơn. Văn hóa Đông Sơn bắt nguồn từ văn hóa Phùng Nguyên, trên quê hương chúng ta chứ không phải từ những văn hóa xa xôi nào đó.” [1]

Sự kế thừa của hoa văn Phùng Nguyên và hoa văn Đông Sơn. [2]

Trong bài nghiên cứu “Các giai đoạn phát triển văn hóa thời Hùng Vương” của tác giả Lê Xuân Diệm [2], và bài nghiên cứu “Kiểu dáng đồ đựng bằng gốm: Từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn” của các tác giả Trịnh Sinh, Hà Nguyên Điểm [3], được đăng trên tờ Khảo cổ học số 2 năm (1977), đã xác định về sự kế thừa các loại hình cổ vật của văn hóa Đông Sơn từ văn hóa Phùng Nguyên, qua các văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun.

Từ cơ sở khảo cổ học, có thể khẳng định rằng văn hóa Đông Sơn phát triển từ nền tảng văn hóa Phùng Nguyên, kế thừa về các loại hình cổ vật cũng như hoa văn, sự phát triển của các loại hình cổ vật văn hóa Đông Sơn được thể hiện rất rõ nét trong các văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun, với các loại hình rìu, vũ khí là tiền thân hình thành nên văn hóa Đông Sơn sau này.

Khuôn đúc rìu đồng và vũ khí của văn hóa Gò Mun, tiền thân của văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Gary Todd chụp tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam]

2. Trống đồng có nguồn gốc từ Việt Nam và Vân Nam:

Về nguồn gốc của trống đồng, sự tranh cãi tập trung chủ yếu vào hai trung tâm hình thành thời cổ đại, đó là Việt Nam hoặc Vân Nam, đây là hai trung tâm sản xuất trống đồng lớn nhất trong thời kỳ đầu phát triển của nền văn hóa trống đồng.

Xét về niên đại, thì các nhà khảo cổ Việt Nam ước tính niên đại của trống đồng Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ 7-8 TCN, các nhà khảo cổ Trung Quốc ước tính niên đại trống đồng Trung Quốc vào khoảng thế kỷ thứ 7 TCN [4]. Niên đại của trống đồng ở hai vùng về cơ bản không chênh lệch nhau quá nhiều. Loại trống được tranh luận là tổ tiên của trống Đông Sơn, là trống Vạn Gia Bá, ở Việt Nam cũng đã được thống kê đã tìm thấy 20 chiếc trống tương tự với đầy đủ tiến trình phát triển, trong số 20 trống này, chỉ có 2 trống đã được xác định là do người Điền đem xuống vùng Tây Bắc Việt Nam [5].

Trống đồng giống với trống Vạn Gia Bá ở Việt Nam. [Nguồn: Viện Viễn Đông Bác Cổ]

Nhưng tại Việt Nam, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một mô hình trống gốm có niên đại vào khoảng 850 TCN [6], điều này cho thấy ý tưởng về trống đồng trước khi được đúc thành các hiện vật thực sự, có thể đã xuất hiện từ trước đó tại Việt Nam.

Mô hình trống đồng bằng gốm có niên đại 850 TCN được tìm thấy tại vùng đồng bằng sông Hồng. [6]

Dựa trên các nghiên cứu và bằng chứng này, có thể khẳng định Việt Nam là một trong hai trung tâm hình thành trống đồng sớm nhất, bên cạnh Vân Nam, mô hình trống có niên đại vào khoảng 850 năm TCN đã cho thấy ý tưởng về trống đồng có thể xuất phát từ Việt Nam.

Theo các nhà nghiên cứu, thì văn hóa Đông Sơn và văn hóa Điền Việt là hai nền văn hóa cộng sinh của cộng đồng Việt trong vùng phía Nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam.

“The data accumulated for more than half a century have now attested that comparable artifacts from the Dong Son region and Yunnan belonged to two cognate cultures in the Yue-based cultural sphere of southwest China and the Indochinese peninsula.” – “Các dữ liệu tích lũy hơn nửa thế kỷ nay đã chứng minh rằng các hiện vật có thể so sánh được từ vùng Đông Sơn và Vân Nam thuộc hai nền văn hóa cộng sinh trong vùng văn hóa Việt ở tây nam Trung Quốc và bán đảo Đông Dương.” [7]

Xem xét về số trống đồng Heger loại I, theo thống kê của các học giả Trung Quốc là Lý Công Thanh và Hoàng Đức Vinh vào năm 2015, thì số lượng trống đồng loại I Heger đã được tìm thấy tại các vùng là như sau: 137 ở Việt Nam, 73 ở Trung Quốc, 8 ở Thái Lan, 9 ở Lào, 2 ở Campuchia, 4 ở Malaysia và 12 ở Indonesia, 5 ở Myanmar, tổng số 250 chiếc trống đồng loại I [8].

Có thể thấy, số lượng trống đồng loại I Heger, là loại trống đồng Đông Sơn quan trọng nhất, có số lượng nhiều nhất ở Việt Nam, gần gấp đôi số trống tìm được ở Trung Quốc và bằng tất cả các quốc gia khác cộng lại.

Trung tâm của một hiện vật văn hóa thường là nơi tập trung số lượng hiện vật lớn nhất, đây cũng là một cơ sở cho thấy được Việt Nam là một trung tâm sản xuất trống đồng lớn nhất trong giai đoạn đầu hình thành. Ở Việt Nam cũng là nơi tìm thấy những chiếc trống đồng lớn nhất trong giai đoạn tồn tại của văn hóa Đông Sơn chính thống, đó là các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa (hiện đang ở Việt Nam) và trống Sông Đà (hiện đang nằm tại bảo tàng Guimet, Pháp). Các trống lớn ở các vùng khác đều là các trống được đúc vào đầu Công Nguyên, sau khi văn hóa Đông Sơn sụp đổ.

3. Văn hóa Đông Sơn là một văn hóa nói ngôn ngữ Vietic:

Tất cả các nghiên cứu ngôn ngữ học của các học giả nổi tiếng của quốc tế và Việt Nam: Michel Ferlus [9], Mark Alves [10][11], Stephen O’Harrow [12], John Phan [13], và Trần Trí Dõi [14] đều thống nhất rằng văn hóa Đông Sơn nhiều khả năng nhất là văn hóa nói ngôn ngữ Vietic, với hậu duệ trực tiếp là các dân tộc Việt và Mường.

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra những kịch bản có thể về ngôn ngữ của văn hóa Đông Sơn: văn hóa Đông Sơn có ngôn ngữ Vietic đóng vai trò chủ yếu, văn hóa Đông Sơn có hai thành phần ngôn ngữ Vietic và Tai tương đương nhau, văn hóa Đông Sơn có ngôn ngữ Tai chiếm ưu thế. [10]

Giả thuyết ngôn ngữ Vietic chiếm ưu thế là kịch bản được ủng hộ mạnh mẽ nhất [10]. Ngôn ngữ Austroasiatic đã xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng 4000 năm trước, vào thời văn hóa Phùng Nguyên, theo các nghiên cứu di truyền [15] và phép đo xương sọ [16], thì văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn là một văn hóa nói ngôn ngữ Austroasiatic.

Hình 5. Phép đo xương sọ cho thấy văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn là của người Austroasiatic. [16]

Các giả thuyết về văn hóa Đông Sơn nói ngôn ngữ Tai được xem là một kịch bản không khả thi, không có bằng chứng cụ thể nào hỗ trợ cho sự hiện diện số đông và thay thế Austroasiatic của ngôn ngữ Tai trong vùng đồng bằng sông Hồng, địa bàn chính của ngôn ngữ Tai nằm ở vùng phía Bắc Lĩnh Nam, họ có hiện diện trong vùng miền Bắc Việt Nam, nhưng nhiều khả năng chỉ là ngôn ngữ thiểu số. [10]

Các nghiên cứu di truyền, ngôn ngữ học, nhân chủng xương sọ cho thấy văn hóa Đông Sơn nhiều khả năng nhất là văn hóa nói ngôn ngữ Vietic, có hậu duệ trực tiếp là người Việt, người Mường ngày nay.

Nghiên cứu di truyền cũng cho thấy văn hóa Đông Sơn có hậu duệ trực tiếp là người Việt hiện đại. Theo nghiên cứu của Lipson et al. 2018 [15] thì mẫu của văn hóa Đông Sơn (Núi Nấp) gần nhất với gen người Việt hiện đại.

Di truyền của văn hóa Đông Sơn (Núi Nấp) gần nhất với người Việt (Kinh). [15]

Từ các nghiên cứu ngôn ngữ và di truyền, có thể thấy, văn hóa Đông Sơn nhiều khả năng nhất là văn hóa nói ngôn ngữ Vietic, được đa phần các học giả quốc tế và Việt Nam cũng như nghiên cứu di truyền ủng hộ.

4. Sự kế thừa trống đồng thời kỳ trung đại:

Để củng cố thêm các nghiên cứu chứng minh về nguồn gốc của trống đồng và văn hóa Đông Sơn, cần phải xem xét thêm về sự kế thừa trống đồng trong thời kỳ trung đại. Thực tế, tất cả các triều đại thời kỳ phong kiến, từ Lý-Trần-Lê-Nguyễn đều đúc và sử dụng trống đồng.

Trong thời kỳ Lý – Trần, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã sưu tầm được 5 chiếc trống có khắc hình Rồng thời kỳ này [16]. Hình Rồng thời Lý-Trần chỉ được sử dụng cho hoàng gia, vì vậy, việc thể hiện Rồng trên trống đồng đã cho thấy các trống này được đúc và sử dụng cho các hoạt động của triều đình các triều đại này.

Hình ảnh trống đồng Bình Yên và bản dập hoa văn mặt trống. [16]

Trống đồng được khắc hình Rồng thời Lý – Trần. [16]

Trống đồng được khắc hình Rồng thời Lý – Trần. [16]

Trống đồng được khắc hình Rồng thời Lý – Trần. [16]

Trống đồng được khắc hình Rồng thời Lý – Trần. [16]

Thời kỳ nhà Lê, Toàn Thư và Cương Mục cũng chép về việc sử dụng trống đồng trong các hoạt động của triều đình của triều đại này.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “十 五 日 帝 親 率 百 官 拜 謁 山 陵 乃 旨 揮 籃 山 等 陵 官 係 本 祠 各 役 務 要 誠 敬 精 潔 斬 木 伐 竹 採 取 柴 薪 寢 廟 用 牛 四 擊 銅 鼔 軍 士 讙 應 .” – “Thập ngũ nhật, đế thân suất bách quan bái yết Sơn lăng. Nãi chỉ huy Lam Sơn đẳng lăng quan: “hệ bản từ các dịch vụ yếu thành kính tinh khiết, trảm mộc, phạt trúc, thái thủ, sài tân, tẩm miếu dụng ngưu tứ, kích đồng cổ, quân sĩ hoan ứng.” – Dịch: “Ngày 15, vua đích thân dẫn trăm quan bái yết Sơ lăng và ra lệnh chỉ cho quan coi lăng ở Lam Sơn rằng: “Mọi việc ở đền thờ cần phải thành kính, tinh khiết như ngả cây, chặt che, kiếm củi… tế tẩm miếu dùng 4 trâu, đánh trống đồng, quân lính reo hò hưởng ứng.” [17]

Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng có một chi tiết nhắc về trống đồng thời Lê: “Nhà vua đến Lam Kinh. Đêm hôm ấy, mưa đá. Nhằm ngày rằm, nhà vua đem các quan đi bái yết sơn lăng, sắm đủ lễ vật để cáo miếu, đánh trống đồng, tấu đại nhạc: hàng võ thì biểu diễn điệu múa “bình Ngô phá trận”, hàng văn thì biểu diễn múa “chư hầu đến chầu”.” [18]

Trong thời kỳ nhà Nguyễn, Đại Nam thực lục cũng chép về việc sử dụng trống đồng, bộ sưu tập của Bảo tàng lịch sử cũng có một chiếc trống được khắc hình Rồng Phượng vào thời nhà Nguyễn, cho thấy nó được sử dụng trong cả hoạt động của hoàng gia.

Trống đồng nhà Nguyễn tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam. [16]

Đại Nam thực lục chép: “Định lại lệ cấm cửa Hoàng thành. (Mỗi ngày chập tối canh đầu, cuối 9 khắc thì đánh trống đồng, cuối 10 khắc nổ 2 tiếng súng, các cửa đều đóng. Đến canh năm, cuối 7 khắc đánh trống đồng, cuối 8 khắc cũng nổ 2 tiếng súng, các cửa đều mở. Ngày đại triều thì khắc đầu canh năm đánh ba hồi trống; đến 8 khắc, nổ súng mở cửa như lệ.” [19]

Đại Nam thực lục chép: “Bộ Lễ lại tâu : “Lễ trước hằng năm ngày lễ Nam Giao, lễ phẩm có đặt trầu nước và giấy vàng bạc, đó là theo quốc tục, không thấy chép trong sách. Nay dùng ra lễ nghi long trọng, có đủ lễ vật tiến dâng, lễ phẩm kia nên đình giảm. Lại, ở bên ngoài cửa Trai cung, lúc canh năm khắc thứ tám có lệ đánh trống đồng và phóng ống lệnh, lúc ấy chính là lúc làm lễ, mà quân nhạc rầm rộ như thế không phải là nghiêm kính, cũng xin thôi lệ ấy”.” [20]

Đại Nam thực lục tập 3 chép: “Bộ Binh tâu nói : “Bốn đài Tiền, Tả, Hữu, Hậu ở hoàng thành, từ trước đến nay đều lấy biền binh ở dinh Vũ lâm canh giữ, mỗi đài có 1 suất đội và 40 binh lính, cứ 1 ngày đêm lại thay phiên đổi lệ có rút thăm đánh trống. (4 cái thăm ngà, trên mặt khắc 4 chữ : Tiền, Tả, Hữu, Hậu, bỏ cả vào trong 1 cái ống, để ở nhà tả vũ. Mỗi ngày sớm tinh sương biền binh đương ban đều mang súng trường, trống đồng đến tụ tập dưới sân tiền đài.” [21]

Như vậy, các sử liệu và các bằng chứng hiện vật đã cho thấy trống đồng được kế thừa và sử dụng liên tục trong các triều đại phong kiến Việt Nam, từ thời nhà Lý tới thời nhà Nguyễn.

5. Kết luận:

Thông qua các bằng chứng di truyền, khảo cổ, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, tất cả đều cho thấy văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc từ Việt Nam, trống đồng Đông Sơn có nguồn gốc từ Việt Nam hoặc Vân Nam, trong đó nhiều khả năng hơn là ở Việt Nam. Văn hóa Đông Sơn là văn hóa nói ngôn ngữ Vietic, có hậu duệ là người Việt, người Mường ngày nay. Người Việt là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Đông Sơn kể cả về di truyền, ngôn ngữ. Người Việt trong thời kỳ trung đại cũng kế thừa và sử dụng trống đồng liên tục trong các triều đại Lý-Trần-Lê-Nguyễn. Vì vậy, những giả thuyết cho rằng văn hóa Đông Sơn không phải do tổ tiên người Việt xây dựng nên, người Việt nhận vơ trống đồng và văn hóa Đông Sơn hoàn toàn không chính xác.

Lang Linh


Tài liệu tham khảo:

[1] Hà Văn Tấn. “Từ gốm Phùng Nguyên đến trống đồng”. Tạp chí Khảo cổ học, số 13, 1974.

[2] Lê Xuân Diệm, Các giai đoạn phát triển văn hóa thời Hùng Vương. Kỷ yếu của hội nghị nghiên cứu thời kỳ hùng vương lần thứ 4 (Hùng vương dựng nước Tập IV). 1974.

[3] Trịnh Sinh, Hà Nguyên Điểm. Kiểu dáng đồ đựng bằng gốm: Từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn. Tạp chí Khảo cổ học, số 2, 1977.

[4] Han Xiaorong, 1998, The present echoes of the ancient bronze drums: Nationalism and archaeology in modern Vietnam and China.
https://scholarspace.manoa.hawaii.edu/handle/10125/2545

[5] Nguyễn Văn Hảo (2019). Trống Vạn Gia Bá – Nhìn từ phát hiện ở Việt Nam. baotanglichsu.vn/vi/Articles/3101/70903/trong-van-gia-ba-nhin-tu-phat-hien-o-viet-nam.html

[6] Loofs-Wissowa H (1991). Dongson drums: instruments of Shamanism or regalia?. Arts asiatiques, p.39-49. Doi: 10.3406/arasi.1991.1300
https://www.researchgate.net/publication/250235416_Dongson_Drums_Instruments_of_Shamanism_or_Regalia

[7] Chiou-Peng, Tzehuey. (2008). Dian Bronze Art: Its source and formation. IPPA BULLETIN. 28. 34-43. 10.7152/bippa.v28i0.12013.
https://www.researchgate.net/publication/228660856_Dian_Bronze_Art_Its_source_and_formation

[8] Li Kunsheng, Huang Derong 李昆声,黄德荣. Trên trống đồng loại I Heger 论黑格尔Ⅰ型铜鼓[J]. Tạp chí Khảo cổ học Trung Quốc 考古学报,2016(02):173-208.

[9] Ferlus, Michel. (2009). A layer of Dongsonian vocabulary in Vietnamese. https://www.researchgate.net/publication/281983167_A_layer_of_Dongsonian_vocabulary_in_Vietnamese/

[10] Alves, Mark. (2022). The Ðông Sơn Speech Community: Evidence for Vietic. Crossroads. 19. 10.1163/26662523-bja10002.
https://www.researchgate.net/publication/359637349_The_Dong_Son_Speech_Community_Evidence_for_Vietic

[11] Alves, Mark. (2019). Data from Multiple Disciplines Connecting Vietic with the Dong Son Culture. 10.13140/RG.2.2.32110.05446.
https://www.researchgate.net/publication/333720204_Data_from_Multiple_Disciplines_Connecting_Vietic_with_the_Dong_Son_Culture/

[12] O’Harrow, Stephen, “From Co-Loa to the Trung-Sisters’ Revolt: Viet-Nam as the Chinese Found It”, Asian Perspectives 22:2 (1979), 140–164.

[13] Phan, John, “Lacquered Words: The Evolution of Vietnamese under Sinitic Influences from the 1st Century BCE through the 17th Century CE”, PhD Dissertation, Cornell University, 2013.

[14] Trần Trí Dõi, “Ngôn Ngữ Của Cư Dân Văn Hóa Đông Sơn Ở Việt Nam”. Ngôn Ngữ 8–9 (2019), 66–82.

[16] Matsumura H, Hung HC, Higham C, Zhang C, Yamagata M, Nguyen LC, Li Z, Fan XC, Simanjuntak T, Oktaviana AA, He JN. Craniometrics reveal “two layers” of prehistoric human dispersal in eastern Eurasia (2019). Scientific reports. 9(1):1-2. https://www.researchgate.net/publication/330875335_Craniometrics_Reveal_Two_Layers_of_Prehistoric_Human_Dispersal_in_Eastern_Eurasia

[15] Lipson M, Cheronet O, Mallick S, Rohland N, Oxenham M, Pietrusewsky M, Pryce TO, Willis A, Matsumura H, Buckley H, Domett K, Nguyen GH, Trinh HH, Kyaw AA, Win TT, Pradier B, Broomandkhoshbacht N, Candilio F, Changmai P, Fernandes D, Ferry M, Gamarra B, Harney E, Kampuansai J, Kutanan W, Michel M, Novak M, Oppenheimer J, Sirak K, Stewardson K, Zhang Z, Flegontov P, Pinhasi R, Reich D. Ancient genomes document multiple waves of migration in Southeast Asian prehistory. Science. 2018 Jul 6;361(6397):92-95. doi: 10.1126/science.aat3188. Epub 2018 May 17. PMID: 29773666; PMCID: PMC6476732.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/92

[16] Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, 广西壮族自治区博物馆, Viện Khảo cổ và Di tích Văn hóa Quảng Tây, Trung Quốc 广西文物考古研究所 (2011). Trống đồng Việt Nam 越南铜鼓. Nhà xuất bản Khoa học báo chí 出版社科学出版社.

[17] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Nhân Tông Tuyên Hoàng Đế.
http://www.nomfoundation.org/nom-project/history-of-greater-vietnam/Fulltext/59-search?uiLang=vn

[18] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – Tiền Biên. Nhà xuất bản Giáo Dục xuất bản. Hà Nội, 1995.

[19] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục – Tập 1, Chính Biên: Đệ Nhất Kỷ – Quyển LI, Viện Sử học (dịch). Nhà xuất bản Giáo Dục. Tái bản lần thứ nhất, 2002, tr. 904.

[20] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục – Tập 3, Chính Biên: Đệ Nhị Kỷ – Quyển LXXI, Viện Sử học (dịch). Nhà xuất bản Giáo Dục. Tái bản lần thứ nhất, 2001, tr. 113.

[21] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục – Tập 3, Chính Biên: Đệ Nhị Kỷ – Quyển LXXXI, Viện Sử học (dịch). Nhà xuất bản Giáo Dục. Tái bản lần thứ nhất, 2001, tr. 325.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.