510. ☀ Tìm hiểu về các khái niệm Đông Âu, Âu Việt và Tây Âu

Ở bài viết ngắn này, chúng tôi sẽ thử tìm hiểu về các khái niệm Đông Âu, Âu Việt và Tây Âu, để xác định rõ ràng hơn về nguồn gốc và thực tế các khái niệm này trong bối cảnh lịch sử cổ của tộc Việt.

I. Tìm hiểu về các khái niệm Đông Âu, Âu Việt và Tây Âu:

Các tài liệu lịch sử Trung Quốc, trong đó quan trọng nhất là Sử Ký của Tư Mã Thiên cho thấy khái niệm Đông Âu được sử dụng để chỉ quốc gia được thành lập tại vùng đất Chiết Giang, quốc gia này được thành lập bởi quý tộc nước Việt vào năm 191 TCN sau khi nước Việt sụp đổ. Về mặt cấu tạo ngôn ngữ, thì khái niệm Đông Âu bao gồm Đông 東 và Âu 甌, trong đó Đông được sử dụng để chỉ Đông Việt 東越, phân bố ở phía Bắc Chiết Giang, và Âu được dùng để chỉ Âu Việt 甌越 phân bố ở vùng phía Nam Chiết Giang, hai khái niệm này được gộp chung trở thành Đông Âu quốc 东瓯国. Vùng phía Nam của tỉnh Chiết Giang, với thành phố Ôn Châu, cũng là nơi có dòng sông Âu Giang 甌江, người Chiết Giang được gọi là người Âu Việt, tiếng Ôn Châu còn được gọi là tiếng Âu Giang.

Đông Âu được nhắc tới nhiều trong sách Sử Ký của Tư Mã Thiên, chúng tôi sẽ dẫn qua một đoạn trích về Đông Âu từ bản dịch của Nhữ Thành: “Từ đó về sau, bọn Nghiêm Trợ, Chu Mãi Thần gọi dân Đông Âu đến và theo đuổi hai nước Việt.”. [Nhữ Thành chú thêm trong bản dịch: “Vua Đông Âu bị vua Mân Việt đánh, Vũ Đế cho di 4 vạn người Đông Âu vào giữa miền sông Trường Giang và sông Hoài. Hai nước là Mân Việt Đô ở Phúc Châu và Nam Việt Đô ở Quảng Châu.”] [Sử Ký, Tư Mã Thiên, Bình chuẩn thư, bản dịch của Nhữ Thành]

Trong Sử Ký cũng có chi tiết ghi về Âu Việt, chi tiết này cho thấy người đàn ông nước Triệu ở vùng Hoa Bắc cắt tóc, xăm mình, mặc áo quấn thân sang trái giống như dân Âu Việt, đây là phong tục chung của các cư dân tộc Việt. Chi tiết này cũng cho thấy địa điểm phân bố của khái niệm “Âu Việt” không phải ở phía Nam gần với miền Bắc Việt Nam, mà là một vùng nằm ngay phía Nam của vùng Hoa Bắc, chính là vùng hạ lưu Dương Tử mà chúng tôi đã đề cập ở trên.

“Người đàn ông cắt tóc xâm mình, mặc áo quấn thân áo sang trái, giống như dân Âu Việt vậy”.

(Tư Mã Thiên, Sử Ký, Triệu thế gia)

Do đó qua các tài liệu lịch sử, chúng ta thấy được khái niệm Âu Việt 甌越 được sử dụng để chỉ vùng đất phía Nam tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc ngày nay, không có cơ sở nào cho thấy khái niệm Âu Việt được sử dụng để chỉ người Việt tại vùng Quảng Tây. Mà người Việt tại vùng Quảng Tây trong các tài liệu lịch sử được ghi lại dưới cái tên Tây Âu 西甌.

Theo các tài liệu lịch sử của Trung Quốc, khái niệm Tây Âu 西甌 được dùng để chỉ cư dân tộc Việt tại vùng Quảng Tây.

Dư địa chí của Cố Dã Vương 顾野王 (519 – 581) đã viết như sau: “ 交趾,周时为骆越,秦时曰西瓯。”- “Giao Chỉ, Chu thời vi Lạc Việt, Tần thời viết Tây Âu”

Trong đoạn trích này, chúng ta để ý tới khái niệm phía sau: “Tần thời viết Tây Âu”, vào thời nhà Tần, thì khái niệm Tây Âu được sử dụng để chỉ phần đất còn lại của tộc Việt là vùng Lưỡng Quảng và miền Bắc Việt Nam.

Trong Sử Ký cũng có nhắc tới Tây Âu Lạc, khi đó khái niệm này tương ứng với vùng đất miền Bắc Việt Nam, Trong đó khái niệm này bao gồm hai yếu tố: Tây Âu 西甌, và Lạc Việt 駱越, trong đó Tây Âu là bộ phận của cư dân tộc Việt thuộc hệ ngữ Tai-Kadai của An Dương Vương, di cư về Việt Nam hợp nhất với cư dân tộc Việt thuộc hệ ngữ Nam Á được gọi là Lạc Việt, để hình thành nên nước Âu Lạc 甌駱 hay Tây Âu Lạc 西甌駱.

“Đà nhân đó, dùng uy lực uy hiếp nơi biên giới, đem đồ đạc của cải đút lót các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc theo mình.” [Sử Ký, Nam Việt Úy Đà liệt truyện, bản dịch Nhữ Thành]

Trong sách Hán Thư của tác giả Ban Cố được viết vào năm 82 SCN, phần “Tây Nam Di Lưỡng Việt truyện”, cũng nhắc tới khái niệm Tây Âu Lạc, được nhắc tới để chỉ vùng phía Tây Nam của Trung Quốc ngày nay, tức là tỉnh Quảng Tây.

Tới thời Triệu Đà, thì miền Bắc Việt Nam được gọi là nước Âu Lạc 甌駱, đây là nhà nước của An Dương Vương thành lập sau khi giành ngôi của vị vua Hùng cuối cùng.

“Ở phía Đông đất Mân Việt chỉ vẻn vẹn nghìn người, cũng xưng hiệu là “vương”; ở phía Tây, nước Âu Lạc là nước “…”, cũng xưng là “vương”.” [Sử Ký, Nam Việt Úy Đà liệt truyện, bản dịch Nhữ Thành]

Như vậy qua việc khảo cứu các danh xưng Đông Âu, Âu Việt và Tây Âu, chúng ta có thể thấy được khái niệm Đông Âu, hay Âu Việt được sử dụng để chỉ cư dân tộc Việt tại vùng Chiết Giang, Tây Âu được sử dụng để chỉ cư dân tộc Việt tại vùng Quảng Tây. Khái niệm Đông Việt và Âu Việt kết hợp lại thành quốc gia Đông Âu. Khái niệm Tây Âu và khái niệm Lạc Việt được kết hợp lại thành Tây Âu Lạc hoặc Âu Lạc.

Ở phần sau, chúng tôi sẽ đề cập qua về vị trí của các khái niệm này trong lịch sử của cộng đồng tộc Việt.

II. Vị trí của các khái niệm Đông Âu, Âu Việt, Tây Âu trong lịch sử tộc Việt:

Về quốc gia của cộng đồng tộc Việt, chúng tôi đã có khảo cứu trong một bài viết khác [1], ở bài viết này, chúng tôi sẽ không chứng minh lại về phần quốc gia mà chỉ nói qua về vị trí của các khái niệm Đông Âu, Âu Việt, Tây Âu trong lịch sử của tộc Việt. Các tư liệu cụ thể về phần này xin mời bạn đọc ghé qua bài viết ở chú thích [1] của chúng tôi để tìm hiểu cụ thể hơn.

Lãnh thổ tộc Việt bao trùm trong vùng phía Nam sông Dương Tử, tuy nhiên lãnh thổ của tộc Việt có nhiều biến động qua các giai đoạn, trong đó đợt biến động đầu tiên là trong cuộc chiến tranh với nhà Thương, tới cuối thời Thương, thì người Hoa Hạ chiếm được các vùng Hồ Bắc, Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến, sau đó được nhà Chu phân phong và trở thành các quốc gia Sở (Hồ Bắc), Ngô, Việt (hạ lưu Dương Tử và Phúc Kiến), đây là các quốc gia có tầng lớp tinh hoa là người Hoa Bắc, và tầng lớp dân thường là cư dân tộc Việt. Sau khi nước Việt sụp đổ, thì hoàng tộc của nước này đã di cư xuống vùng Phúc Kiến để hình thành quốc gia Mân Việt (334 TCN), sau đó là quốc gia Đông Âu (191 TCN), họ đã chung sống với người Việt bản địa để hình thành các quốc gia này. Sự xuất hiện của cái tên Việt trong quốc danh cũng cho thấy sự ảnh hưởng của tộc Việt trong các quốc gia này, văn hóa của các quốc gia Việt và hậu duệ của nó là Mân Việt và Đông Âu có sự xuất hiện rõ rệt của văn hóa tộc Việt, với nhiều cổ vật mang dấu ấn văn hóa Việt.

Tượng người xăm mình, búi tóc và rìu đồng đặc trưng tộc Việt được tìm thấy tại tỉnh Chiết Giang. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Chiết Giang]

Lãnh thổ tộc Việt vẫn tiếp tục biến động trong các giai đoạn sau, vào thời Tần-Sở, thì các vùng đất tộc Việt như Vân Nam, Quý Châu, Hồ Nam bị các quốc gia này xâm chiếm, khiến người Việt chỉ còn các vùng Quảng Đông, Quảng Tây, miền Bắc Việt Nam và đảo Hải Nam, thời điểm này quốc gia của người Việt tương ứng với khái niệm Tây Âu. Khi người Việt thất bại trong cuộc chiến tranh chống nhà Tần, thì tộc Việt chỉ còn lại vùng đất miền Bắc Việt Nam, khi đó An Dương Vương cùng một lượng cư dân tộc Việt tại Quảng Tây đã di cư về Việt Nam để thành lập nên nước Âu Lạc.

Các loại hình cổ vật đặc trưng tộc Việt được tìm thấy tại tỉnh Quảng Tây, là nơi phân bố của cư dân tộc Việt nhóm Tây Âu. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Quảng Tây, dẫn; Bảo tàng quốc gia Trung Quốc, dẫn]

Bản đồ phân tích thời điểm thành lập của các quốc gia dưới đây sẽ thể hiện rõ hơn về tiến trình lịch sử khi các vùng tách khỏi lãnh thổ chung của tộc Việt.

Bản đồ phân tích thời điểm tách ra khỏi tộc Việt của các tiểu quốc.

III. Kết luận:

Như vậy các khái niệm Đông Âu, Âu Việt và Tây Âu được thể hiện trong lịch sử khá rõ ràng, Âu Việt – Đông Âu được sử dụng để chỉ vùng đất nay là tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc, còn khái niệm Tây Âu được sử dụng để chỉ vùng Quảng Tây, là nơi sinh sống của cư dân tộc Việt thuộc hệ ngữ Tai-Kadai, khái niệm Âu Việt trong các tài liệu lịch sử không được dùng để chỉ nhóm Việt của An Dương Vương, mà là khái niệm Tây Âu.

Lang Linh


Chú thích:

[1] Lang Linh, 2020, Bách Việt và cơ sở thống nhất của cộng đồng Bách Việt.

Tài liệu tham khảo:

1. Tư Mã Thiên, Sử Ký. Chúng tôi tham khảo cả bản dịch của Phan Ngọc, xuất bản năm 2013 bởi Nhà xuất bản Văn Học, và cả bản gốc được đăng trên dự án ctext.
https://ctext.org/shiji

2. Ban Cố, Hán Thư, được đăng trên dự án ctext.
https://ctext.org/han-shu

3. Phan Anh Dũng, Về phạm vi cư trú của người Lạc Việt.
http://fanzung.com/?p=2379

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.