578. ☀ Sự kế thừa trống đồng của người Việt thời trung đại

Trống đồng là hiện vật tiêu biểu nhất của nền văn hóa Đông Sơn, những tư liệu khảo cổ đã cho thấy trống đồng có nguồn gốc từ nền văn hóa tộc Việt, có cùng niên đại xuất hiện sớm nhất là tại Việt Nam và Vân Nam [1], nhưng những bằng chứng khảo cổ đã cho thấy nhiều khả năng trống đồng Đông Sơn đã xuất hiện tại Việt Nam, sau đó mới lan tỏa sang Vân Nam và tới các vùng tộc Việt khác.

Câu hỏi mà nhiều người thắc mắc về vấn đề chủ quyền trống đồng, đó là tại sao người Việt trong thời trung đại lại không kế thừa trống đồng? Câu hỏi này dẫn tới sự suy diễn về nguồn gốc người Việt như người Việt không phải hậu duệ của tộc người tạo ra trống đồng, người Việt đang nhận vơ trống đồng của tộc người khác. Nhưng có thực là người Việt không kế thừa và sử dụng trống đồng trong thời kỳ trung đại không? Đó là vấn đề mà bài viết này sẽ tập trung tìm hiểu, nhằm làm rõ sự kế thừa trống đồng của người Việt thời trung đại.

1. Người Việt là hậu duệ của văn hóa Đông Sơn:

Xét về các nghiên cứu di truyền, ngôn ngữ, khảo cổ, thì người Việt là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Đông Sơn, các nghiên cứu cũng đã cho thấy sự phát triển và kế thừa của văn hóa Đông Sơn là từ văn hóa Phùng Nguyên tại Việt Nam, nguồn gốc của trống đồng từ các tài liệu khảo cổ cũng cho thấy nó có nguồn gốc từ Việt Nam, sau đó lan tỏa sang các vùng khác.

◊ Sự kế thừa về di truyền:

Về di truyền, thì người Việt là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Đông Sơn, các nghiên cứu di truyền cho thấy mẫu gen của văn hóa Đông Sơn (Núi Nấp) giống với các mẫu gen của người Việt hiện đại.

Nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck Đức, Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion Pháp năm 2019 cho thấy người Việt là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Đông Sơn, với sự khác biệt gen của mẫu văn hóa Đông Sơn và người Việt hiện đại là không thực sự đáng kể. [2]

Nghiên cứu của Liu et al. 2019 cho thấy người Việt kế thừa di truyền trực tiếp từ văn hóa Đông Sơn. [2]

Phân tích thành phần chính từ nghiên cứu di truyền của Lipson et al. 2018 [2] cho thấy người Việt hiện đại là hậu duệ trực tiếp về mặt di truyền của văn hóa Đông Sơn, với các mẫu của người Việt tụ lại cùng một nhóm với các mẫu của văn hóa Đông Sơn.

Tổng quan về các mẫu cổ và các mẫu hiện đại trong nghiên cứu của Lipson et al. 2018. [3]

Nghiên cứu của Huang et al. 2020 [4] cũng cho thấy người Việt là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Đông Sơn, với các mẫu di truyền cổ của văn hóa Đông Sơn là của người Việt hiện đại trùng lặp với nhau.

PCA cho thấy di truyền các mẫu của văn hóa Phùng Nguyên (Vietnam_N và Vietnam_LN_BA) gần với cư dân Nam Á ở Đông Nam Á và mẫu của văn hóa Đông Sơn (Vietnam_BA) gần với cư dân Nam Á và Tai-Kadai trong vùng nam Đông Á và Việt Nam. [4]

◊ Sự kế thừa về ngôn ngữ và khảo cổ:

Ngôn ngữ của văn hóa Đông Sơn tại Việt Nam được xác định là ngôn ngữ thuộc hệ ngữ Nam Á, ngữ chi Vietic [5][6], tiếng Việt ngày nay cũng thuộc ngữ hệ Nam Á [7][8], vì vậy, ngôn ngữ của người Việt cũng được kế thừa trực tiếp từ văn hóa Đông Sơn.

Bên cạnh đó, thì một số hoa văn và đặc trưng văn hóa Đông Sơn đã được người Việt kế thừa xuyên suốt từ thời Bắc thuộc cho tới thời kỳ trung đại, điều này đã được chúng tôi tìm hiểu rất kỹ lưỡng trong nhiều bài viết khác. [9][10]

◊ Nguồn gốc của trống đồng:

Trống đồng Đông Sơn có nguồn gốc từ nền văn hóa tộc Việt, với niên đại sớm nhất là ở các vùng Việt Nam và Vân Nam [1], trống đồng sớm nhất và sơ khai nhất là loại trống đồng nằm ngoài phân loại của Heger, được tìm thấy ở cả Việt Nam và Vân Nam.

Trống Tùng Lâm, loại hình trống sơ khai của trống đồng Đông Sơn, bên cạnh đó tại Việt Nam cũng tìm thấy nhiều loại trống đồng tương tự như trống Tùng Lâm. [11]

Các bằng chứng khảo cổ và sự phát triển của hóa văn cho thấy trống đồng và văn hóa Đông Sơn phát triển trực tiếp từ văn hóa Phùng Nguyên, cũng có địa bàn phân bố trong vùng miền Bắc Việt Nam. [12]

Vì vậy, văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc từ văn hóa Phùng Nguyên tại Việt Nam, trống đồng nhiều khả năng có nguồn gốc từ vùng miền Bắc Việt Nam sau đó lan tỏa sang các vùng khác. Người Việt cũng là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Đông Sơn cả về di truyền, ngôn ngữ. Từ các bằng chứng này, chúng ta thấy được rằng người Việt là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Đông Sơn, của tộc người đã tạo nên trống đồng, trong thời gian từ đầu thời Bắc thuộc cho tới hiện đại, hiện trạng vùng đồng bằng sông Hồng hoàn toàn không có sự thay đổi dân số nào đáng kể, người Việt vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn cho tới hiện tại. Trong thực tế, thì các triều đại thời tự chủ của người Việt cũng tiếp tục kế thừa và sử dụng trống đồng, điều này sẽ được chúng tôi tìm hiểu ở phần sau.

2. Sự kế thừa trống đồng của người Việt thời kỳ trung đại:

Như vậy qua các nghiên cứu di truyền, ngôn ngữ, khảo cổ, thì người Việt là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Đông Sơn, cư dân xây dựng nên văn hóa Đông Sơn phát triển trực tiếp lên thành người Việt trung đại và hiện đại. Không có bất cứ cơ sở nào cho thấy văn hóa Đông Sơn tại Việt Nam được xây dựng bởi các cư dân thuộc hệ ngữ khác như Tai-Kadai, tuy cư dân ngữ hệ Tai-Kadai cũng thuộc văn hóa tộc Việt và văn hóa Đông Sơn, nhưng hệ ngữ Tai-Kadai có địa bàn chủ yếu là trong vùng Quảng Tây, Quý Châu [13], trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn, thì cư dân ngữ hệ Tai-Kadai chưa di cư vào Việt Nam, cuộc di cư lớn vào Đông Nam Á và Việt Nam diễn ra vào khoảng thế kỷ 8-10 [14], tức là trong thời kỳ Bắc thuộc, nhưng họ chỉ sinh sống tại các vùng miền núi như địa bàn phân bố ngày nay, không xâm nhập xuống vùng đồng bằng sông Hồng. Có thể kết luận một cách vững chắc rằng tộc người xây dựng nên văn hóa Đông Sơn có hậu duệ trực tiếp là tộc người cũng sống trong địa bàn này, sau đó giành lại được độc lập vào thời Ngô Quyền.

Trong thực tế, thì các bằng chứng cũng đã cho thấy sự kế thừa trống đồng Đông Sơn trong các tài liệu khảo cổ học, văn bản cổ và ghi chép lịch sử.

◊ Trống đồng loại II, hay trống hậu duệ của trống Đông Sơn:

Trong thời kỳ trung đại, thì người Việt vẫn tiếp tục kế thừa và sử dụng trống đồng, chính là trống loại II theo phân loại của Heger được tìm thấy nhiều ở Việt Nam.

Những chiếc trống đồng loại II Heger có niên đại từ thiên niên kỷ I TCN và kéo dài tới tận thời Lý, Trần, Lê, với những đặc trưng cơ bản: mặt trống chồm ra ngoài thành tang từ 1.5 cm – 3 cm. Chính giữa mặt trống là hình mặt trời có những tia mảnh và nhỏ, ở ven rìa mặt trống thường có các khối tượng cóc, có khi là tượng rùa, tượng voi… Theo kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khảo cổ, sự xuất hiện của trống đồng loại II Heger là sự kế thừa và tiếp nối của trống Đông Sơn. Trống loại II phát triển trên cơ sở sự suy tàn của trống loại I Heger truyền thống. [15]

Chúng ta cũng dễ nhận thấy, sự kế thừa còn thể hiện các mô típ hoa văn trống Đông Sơn trên nhóm trống loại II sớm. Những trống đồng loại II sớm có hoa văn người múa hóa trang, hoa văn hình học Đông Sơn

Những chiếc trống đồng II Heger này được kế thừa kỹ thuật đúc và hoa văn từ thời Đông Sơn:

Tính kế thừa được thể hiện trong kỹ thuật đúc trống đồng loại II (như các con kê rải ra ở giữa khuôn trong và khuôn ngoài để định vị cho đồng nóng chảy khỏi phá khuôn). Điều này chứng tỏ chính những người thợ đúc trống Đông Sơn cũng là những người thợ đúc trống loại II.[15]

Trống đồng loại II Heger, hay được các nhà nghiên cứu gọi là trống đồng Mường, của Quan Lang người Mường, có sự kế thừa truyền thống đúc và trang trí hoa văn từ thời văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Viện Viễn Đông bác cổ, dẫn]

Các trống đồng loại II giai đoạn sớm có thể hiện các motif hoa văn kế thừa trực tiếp từ trống loại I.

Chúng ta cũng dễ nhận thấy, sự kế thừa còn thể hiện các mô típ hoa văn trống Đông Sơn trên nhóm trống loại II sớm. Những trống đồng loại II sớm có hoa văn người múa hóa trang, hoa văn hình học Đông Sơn.” [15]

Trống Chợ Bờ, một loại hình trống kế thừa từ trống Heger loại I, nằm trong giai đoạn chuyển đổi từ trống Heger loại I sang trống Heger loại II, với sự xuất hiện của tượng cóc cũng như hoa văn có sự biến đổi mạnh so với nguyên bản. [11]

Theo các nhà nghiên cứu, thì kinh tế chủ yếu của người Mường là nông nghiệp làm rẫy và trồng lúa nước ở những thung lũng hẹp với dệt vải và làm thổ cẩm, họ không có kỹ thuật luyện kim đúc đồng hoặc làm gốm. Trống đồng không phải do người Mường đúc, các trống của họ là do triều đình phong kiến Việt Nam đúc, bên cạnh sử dụng trong triều đình, thì họ cũng ban tặng cho các quan lang, quý tộc người Mường. [16]. Các trống đồng loại II được tìm thấy khắp vùng phân bố của người Việt và người Mường, không chỉ tìm thấy tại vùng sinh sống của người Mường.

Chiếc trống đồng loại II bên cạnh chiếc trống đồng Đông Sơn loại I theo phân loại của Heger. [Nguồn: thư viện lưu trữ Viện Viễn Đông Bác cổ, dẫn]

Trống đồng loại II được đúc và sử dụng rất nhiều trong thời kỳ trung đại, các trống loại II hiện được vẫn còn lại nhiều trong các bảo tàng tại miền Bắc cũng như được người Mường kế thừa và giữ gìn.

Các trống đồng loại II, hậu duệ trống Đông Sơn trong thời kỳ trung đại. [Nguồn: EFEO]

◊ Trống đồng thời Lý – Trần:

Trống Bình Yên được tìm thấy tại xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa năm 2002 được khắc họa hình tượng con rồng uốn khúc đặc trưng thời Lý – Trần, bên cạnh đó còn là các hoa văn lục lăng, vòng tròn, vân mây, bốn khối tượng rùa quay cùng chiều kim đồng hồ, tang trống được trang trí hoa văn cánh sen. [17[[18][19]

Trống đồng được tìm thấy với hoa văn rồng và hoa thời Lý – Trần. [19]

Hình ảnh trống đồng Bình Yên và bản dập hoa văn mặt trống. [20]

Trống đồng này cho chúng ta thấy được sự kế thừa trống đồng trong thời kỳ Lý – Trần, việc khắc hoa văn Rồng đặc trưng của triều đại này đã cho thấy các triều Lý và Trần thực sự đã đúc và sử dụng trống trong các hoạt động của mình.

Ngoài trống đồng Bình Yên, thì còn một số trống khác được khắc họa hình Rồng đặc trưng thời Lý – Trần, hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam.

Trống đồng được khắc hình Rồng thời Lý – Trần. [20]

Trống đồng được khắc hình Rồng thời Lý – Trần. [20]

Trống đồng được khắc hình Rồng thời Lý – Trần. [20]

Trống đồng được khắc hình Rồng thời Lý – Trần. [20]

Trống đồng được khắc hình Rồng thời Lý – Trần. [Nguồn: Vang Vọng Từ Trống Đông Sơn, BST Kiều Quang Chẩn]

Như vậy không chỉ một chiếc, mà có rất nhiều trống đồng đã được khắc họa hình tượng Rồng đặc trưng thời Lý – Trần, cho chúng ta thấy các triều đại Lý – Trần đã tiếp tục kế thừa và sử dụng trống đồng trong các hoạt động của hoàng gia.

Trong chuyến đi sứ tới Giao Châu, thì Trần Phu, sứ giả của nhà Nguyên đã cảm tác bài “Giao Châu sứ hoàn cảm sự”, trong bài này, Trần Phu có nhắc tới trống đồng, đây là chi tiết xác minh rằng trống đồng vẫn được sử dụng trong thời kỳ nhà Trần.

金戈影裏丹心苦,
銅鼓聲中白髮生. [21]

“Kim qua ảnh lý đan tâm khổ
Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh”

“Thấy gươm sắt lóe sáng lòng đau khổ
Nghe tiếng trống đồng sợ bạc cả đầu”.

Khi đi sứ, thường các sứ giả phải tới kinh đô của các quốc gia, bên cạnh đó, thì mối quan hệ Việt – Nguyên đang trong giai đoạn căng thẳng, nên chắc chắn nhà Trần sẽ không cho phép Trần Phu đi tới vùng nào ngoài sự kiểm soát của họ, nên không thể có chuyện Trần Phu nghe được trống đồng ở nơi nào đó ngoài vùng kinh đô Thăng Long mà sáng tác nên bài này. Những ghi chép cũng cho thấy được nỗi sợ của Trần Phu được hình thành khi nhà Trần thực hiện những biện pháp ngoại giao mạnh, tới nỗi, Trần Phu cảm thấy may mắn vì đã sống sót trở về, như câu sau ông đã nói.

已幸歸來身健在,
夢回猶覺瘴魂驚。

Dĩ hạnh quy lai thân kiện tại,
Mộng hồi do giác chướng hồn kinh.

Phúc lắm thân về còn khoẻ mạnh,
Hồn kinh mỗi độ giấc qua khều.
[22]

Vì vậy, câu trên của Trần Phu chắc chắn được sáng tác từ những trải nghiệm của ông khi tới kinh đô Thăng Long của Đại Việt, hoàn toàn không phải câu ông sáng tác khi nghe thấy tiếng trống đồng ở một vùng nào đó của Đại Việt, giả thuyết cho rằng câu này không nhất thiết để chỉ Thăng Long không chính xác với bối cảnh tạo nên bài thơ của Trần Phu.

◊ Trống đồng thời Lê:

Tới thời kỳ nhà Lê, thì cả các tài liệu lịch sử, khảo cổ đều cho thấy sự kế thừa trống đồng của người Việt trong thời kỳ này.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “十 五 日 帝 親 率 百 官 拜 謁 山 陵 乃 旨 揮 籃 山 等 陵 官 係 本 祠 各 役 務 要 誠 敬 精 潔 斬 木 伐 竹 採 取 柴 薪 寢 廟 用 牛 四 擊 銅 鼔 軍 士 讙 應 .” – “Thập ngũ nhật, đế thân suất bách quan bái yết Sơn lăng. Nãi chỉ huy Lam Sơn đẳng lăng quan: “hệ bản từ các dịch vụ yếu thành kính tinh khiết, trảm mộc, phạt trúc, thái thủ, sài tân, tẩm miếu dụng ngưu tứ, kích đồng cổ, quân sĩ hoan ứng.” – Dịch: “Ngày 15, vua đích thân dẫn trăm quan bái yết Sơ lăng và ra lệnh chỉ cho quan coi lăng ở Lam Sơn rằng: “Mọi việc ở đền thờ cần phải thành kính, tinh khiết như ngả cây, chặt che, kiếm củi… tế tẩm miếu dùng 4 trâu, đánh trống đồng, quân lính reo hò hưởng ứng.” [23]

Trống đồng thời xưa được gọi là Đồng Cổ 銅鼔, kích 擊 ở câu trên là một động từ, có nghĩa là “đánh mạnh”, “gõ mạnh”, ý nghĩa đúng như bản dịch trên đã thể hiện. Như vậy thì câu trên đã cho thấy vào thời kỳ nhà Lê, người Việt vẫn tiếp tục kế thừa và sử dụng trống đồng.

Trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng có một chi tiết nhắc về trống đồng thời Lê: “Nhà vua đến Lam Kinh. Đêm hôm ấy, mưa đá. Nhằm ngày rằm, nhà vua đem các quan đi bái yết sơn lăng, sắm đủ lễ vật để cáo miếu, đánh trống đồng, tấu đại nhạc: hàng võ thì biểu diễn điệu múa “bình Ngô phá trận”, hàng văn thì biểu diễn múa “chư hầu đến chầu”.” [24]

Như vậy thì cả hai sách sử lớn của người Việt và Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục đều xác nhận sự sử dụng trống đồng trong thời kỳ nhà Lê. Các tài liệu khảo cổ cũng đã tìm thấy những trống đồng mang đặc trưng của thời kỳ nhà Lê.

Theo tư liệu khảo cổ, thì trống đồng vẫn tiếp tục được đúc và sử dụng trong thời kỳ nhà Lê, như những gì sách sử đã ghi chép lại. Các hoa văn trên đá, gốm của thời này đã ảnh hưởng đến hoa văn trang trí trên trống đồng loại II trong thời kỳ nhà Lê. Trên một số trống loại II vào thời này đã có nhiều hoa văn Phật giáo như lá đề, lá sen được trang trí theo phong cách đối đỉnh trong các băng hoa văn trên thân trống, giống với hoa văn trang trí lá đề, lá sen đối đỉnh trang trí trên các chân đèn gốm thời Lê – Mạc. [15]

Trống đồng loại II Heger với hoa văn đồng tiền được trang trí trên thân trống, hoa văn đồng tiền bắt đầu phổ biến vào thời điểm TK XIV-XVI, do đó loại trống này có thể được đúc vào giai đoạn nhà Hậu Lê. [Nguồn: Trường Viễn Đông bác cổ, dẫn]

Trống đồng Tú Sơn tìm thấy tại xã Thành Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa có hoa văn lá đề, là sồi kép được trang trí đối đỉnh giống hệt với các chân đèn gốm hoa lam phổ biến thời Lê ở vùng đồng bằng. [18]

◊ Trống đồng thời nhà Nguyễn:

Vào thời nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của người Việt, rất bất ngờ khi chúng tôi tìm thấy được các ghi chép cho thấy triều đại này cũng đã sử dụng trống đồng trong các hoạt động của triều đại mình.

Đại Nam thực lục chép: “Định lại lệ cấm cửa Hoàng thành. (Mỗi ngày chập tối canh đầu, cuối 9 khắc thì đánh trống đồng, cuối 10 khắc nổ 2 tiếng súng, các cửa đều đóng. Đến canh năm, cuối 7 khắc đánh trống đồng, cuối 8 khắc cũng nổ 2 tiếng súng, các cửa đều mở. Ngày đại triều thì khắc đầu canh năm đánh ba hồi trống; đến 8 khắc, nổ súng mở cửa như lệ.” [25]

Đại Nam thực lục chép: “Bộ Lễ lại tâu : “Lễ trước hằng năm ngày lễ Nam Giao, lễ phẩm có đặt trầu nước và giấy vàng bạc, đó là theo quốc tục, không thấy chép trong sách. Nay dùng ra lễ nghi long trọng, có đủ lễ vật tiến dâng, lễ phẩm kia nên đình giảm. Lại, ở bên ngoài cửa Trai cung, lúc canh năm khắc thứ tám có lệ đánh trống đồng và phóng ống lệnh, lúc ấy chính là lúc làm lễ, mà quân nhạc rầm rộ như thế không phải là nghiêm kính, cũng xin thôi lệ ấy”.” [26]

Đại Nam thực lục tập 3 chép: “Bộ Binh tâu nói : “Bốn đài Tiền, Tả, Hữu, Hậu ở hoàng thành, từ trước đến nay đều lấy biền binh ở dinh Vũ lâm canh giữ, mỗi đài có 1 suất đội và 40 binh lính, cứ 1 ngày đêm lại thay phiên đổi lệ có rút thăm đánh trống. (4 cái thăm ngà, trên mặt khắc 4 chữ : Tiền, Tả, Hữu, Hậu, bỏ cả vào trong 1 cái ống, để ở nhà tả vũ. Mỗi ngày sớm tinh sương biền binh đương ban đều mang súng trường, trống đồng đến tụ tập dưới sân tiền đài.” [27]

Trong thực tế, thì khảo cổ học Việt Nam cũng đã tìm thấy chiếc trống đồng có từ thời Nguyễn, hình dáng tương đồng với trống loại II Heger khác, có hoa văn mặt trời ở giữa tâm mặt trống, xung quanh được tranh trí hoa văn Rồng thời Nguyễn. Tuy có sự khác biệt về trang trí hoa văn, nhưng việc nhà Nguyễn vẫn đúc và sử dụng trống đồng là một bằng chứng rất quan trọng cho thấy sự kế thừa văn hóa cổ của nhà Nguyễn.

Trống đồng nhà Nguyễn tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam. [20]

◊ Kết luận:

Như vậy, thì cả 4 triều đại lớn của người Việt thời tự chủ là Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều kế thừa và sử dụng trống đồng trong các hoạt động của triều đình và quân đội, hoàn toàn không bị ngắt quãng như một số quan điểm đã đề xuất.

Ý nghĩa và cách thức sử dụng có thể đã bị thay đổi phần nào so với truyền thống văn hóa cổ của người Việt, với xu hướng sử dụng trống đồng nhiều hơn như một nhạc cụ, nhưng việc đúc và sử dụng trống trong các triều đại đã cho thấy rằng người Việt vẫn tiếp tục kế thừa và sử dụng trong hầu như xuyên suốt thời kỳ tự chủ.

3. Trống đồng được sử dụng như thế nào?

Vậy chính xác trống đồng được sử dụng như thế nào, có những chức năng gì? Trong các ghi chép lịch sử được chúng tôi dẫn ở trên, thì trống đồng có vai trò chủ đạo là một nhạc khí, được sử dụng trong các hoạt động của các triều đại phong kiến Việt Nam, nhưng nó cũng được sử dụng vào các dịp lễ tế, tương tự như các ghi chép vào thời nhà Nguyễn và cách người Mường sử dụng trống qua tư liệu hình ảnh được người Pháp chụp lại.

Cách đặt và sử dụng trống đồng của người Mường. [Nguồn ảnh: EFEO]

Trong vai trò một nhạc khí, thì trống đồng được đặt ngang, song song với mặt đất, không phải đặt vuông góc với mặt đất như các dân tộc hiện vẫn còn giữ được trống đồng thường sử dụng. Khi đặt trống song song với mặt đất, có vật kê ở phía dưới, trống sẽ tạo nên âm thanh rất vang và trầm hùng, khi đặt dọc, thì trống sẽ không có độ vang giống như khi đặt ngang. [28]

4. Kết luận:

Các tài liệu di truyền, ngôn ngữ, khảo cổ đã cho thấy người Việt là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Đông Sơn, cũng chính là những người tạo ra trống đồng, trống đồng tiếp tục được người Việt kế thừa xuyên suốt thời Bắc thuộc, tiếp tục được các triều đại thời tự chủ là Lý, Trần, Lê, Nguyễn kế thừa và sử dụng không bị ngắt quãng.

Vì vậy, các giả thuyết suy diễn về nguồn gốc của người Việt dựa trên vấn đề kế thừa trống đồng hoàn toàn không có cơ sở, những bằng chứng không cho thấy trống đồng và văn hóa Đông Sơn có một chủ nhân chính danh nào khác ngoài người Việt thuộc ngữ hệ Nam Á, chi Vietic. Hậu duệ của những người xây dựng nên văn hóa Đông Sơn và tạo ra trống đồng hiện vẫn sinh sống trong địa bàn phân bố cũ của văn hóa Đông Sơn tại Việt Nam.

Từ đó, chúng ta có thể kết luận lại rằng người Việt có quyền kế thừa chính thống nhất với trống đồng và văn hóa Đông Sơn, cả về di truyền, khảo cổ, lịch sử, không phải không liên quan gì tới trống đồng và văn hóa Đông Sơn như những luồng quan điểm phủ nhận đã đề xuất.

Lang Linh


Tài liệu tham khảo và chú thích:

[1] Han Xiaorong, 1998, The present echoes of the ancient bronze drums: Nationalism and archaeology in modern Vietnam and China.
https://scholarspace.manoa.hawaii.edu/handle/10125/2545

[1] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

[2] Lipson M, Cheronet O, Mallick S, Rohland N, Oxenham M, Pietrusewsky M, Pryce TO, Willis A, Matsumura H, Buckley H, Domett K, Nguyen GH, Trinh HH, Kyaw AA, Win TT, Pradier B, Broomandkhoshbacht N, Candilio F, Changmai P, Fernandes D, Ferry M, Gamarra B, Harney E, Kampuansai J, Kutanan W, Michel M, Novak M, Oppenheimer J, Sirak K, Stewardson K, Zhang Z, Flegontov P, Pinhasi R, Reich D. Ancient genomes document multiple waves of migration in Southeast Asian prehistory. Science. 2018 Jul 6;361(6397):92-95. doi: 10.1126/science.aat3188. Epub 2018 May 17. PMID: 29773666; PMCID: PMC6476732.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/92

[3] Huang, X., Xia, Z., Bin, X., He, G., Guo, J., Lin, C., Yin, L., Zhao, J., Ma, Z., Ma, F., Li, Y., Hu, R., Wei, L., & Wang, C. (2020). Genomic Insights into the Demographic History of Southern Chinese. bioRxiv.

[4] Mark Alves, Dữ liệu liên ngành: chi Vietic kết nối với văn hóa Đông Sơn
https://www.researchgate.net/publication/333662024_Du_lieu_lien_nganh_chi_Vietic_ket_noi_voi_van_hoa_Dong_Son

[5] Ferlus, Michel. (2009). A layer of Dongsonian vocabulary in Vietnamese.
https://halshs.archives-ouvertes.fr/halshs-00932218v3/document

[6] Mark Alves, Khái quát các nghiên cứu ngôn ngữ học về nguồn gốc của tiếng Việt. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân văn 24 (2008) 187-202

[7] Haudricourt, A. (2017). The place of Vietnamese in Austroasiatic.
https://halshs.archives-ouvertes.fr/halshs-01631477/document

[8] Lang Linh (2021), Người Việt và sự kế thừa văn hóa tộc Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/05/06/531-nguoi-viet-va-su-ke-thua-van-hoa-toc-viet/

[9] Lang Linh (2020), Khảo cứu về nền văn hóa Đông Sơn.
https://luocsutocviet.com/2020/10/11/502-khao-cuu-ve-nen-van-hoa-dong-son/

[11] Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Vinh. Những trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Việt Nam. Nxb: Viện Bảo Tàng Lịch Sử VN (1974).

[12] Lang Linh (2021), Nguồn gốc của trống đồng và văn hóa Đông Sơn.
https://luocsutocviet.com/2021/07/01/541-nguon-goc-cua-trong-dong-va-van-hoa-dong-son/

[13] Lang Linh (2020), Cư dân hệ ngữ Tai-Kadai trong dòng lịch sử tộc Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/05/03/528-cu-dan-he-ngu-tai-kadai-trong-dong-lich-su-toc-viet/

[14] Pittayaporn, Pittayawat. “Layers of Chinese Loanwords in Protosouthwestern Tai as Evidence for the Dating of the Spread of Southwestern Tai.” (2014).

[15] Trình Năng Chung, Nguyễn Giang Hải, Văn hóa Đông Sơn 10 thế kỷ đầu Công nguyên.
http://tapchikhxh.vass.gov.vn/van-hoa-dong-son-10-the-ky-dau-cong-nguyen–n50125.html

[16] Hoàng Xuân Chinh. Đồ đồng văn hóa Đông Sơn. NXB Văn Hóa – Thông Tin; 2012.

[17] Thu Trang, Dấu tích thời Lý trên đất Thanh Hóa qua những cổ vật.
https://vanhoadoisong.vn/web/trang-chu/chuyen-muc-khac/990-nam-danh-xung-thanh-hoa/dau-tich-thoi-ly-tren-dat-thanh-hoa-qua-nhung-co-vat.html

[18] Trịnh Sinh, Xứ Thanh với văn hóa trống đồng. Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.
http://baotang.thanhhoa.gov.vn/portal/pages/print.aspx?p=4003

[19] Báo điện tử Dân trí. Đúc trống đồng để dâng tiến các vị vua triều Lý tại đền Đô.
https://dantri.com.vn/van-hoa/duc-trong-dong-de-dang-tien-cac-vi-vua-trieu-ly-tai-den-do-20160422161138749.htm

[20] Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, 广西壮族自治区博物馆, Viện Khảo cổ và Di tích Văn hóa Quảng Tây, Trung Quốc 广西文物考古研究所 (2011). Trống đồng Việt Nam 越南铜鼓. Nhà xuất bản Khoa học báo chí 出版社科学出版社.

[21] Hai bài thơ sứ giả Giao Châu, bản gốc trên ctext: https://ctext.org/wiki.pl?if=en&chapter=956475

[22] Trần Phu, Giao Châu sứ hoàn cảm sự. Thi Viện.
https://www.thivien.net/Trần-Phu/Giao-Châu-sứ-hoàn-cảm-sự-kỳ-1/poem-pKTf3TEKgbX3kWflHpRJPQ

[23] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Nhân Tông Tuyên Hoàng Đế.
http://www.nomfoundation.org/nom-project/history-of-greater-vietnam/Fulltext/59-search?uiLang=vn

[24] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục – Tiền Biên. Nhà xuất bản Giáo Dục xuất bản. Hà Nội, 1995.

[25] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục – Tập 1, Chính Biên: Đệ Nhất Kỷ – Quyển LI, Viện Sử học (dịch). Nhà xuất bản Giáo Dục. Tái bản lần thứ nhất, 2002, tr. 904.

[26] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục – Tập 3, Chính Biên: Đệ Nhị Kỷ – Quyển LXXI, Viện Sử học (dịch). Nhà xuất bản Giáo Dục. Tái bản lần thứ nhất, 2001, tr. 113.

[27] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục – Tập 3, Chính Biên: Đệ Nhị Kỷ – Quyển LXXXI, Viện Sử học (dịch). Nhà xuất bản Giáo Dục. Tái bản lần thứ nhất, 2001, tr. 325.

[28] Bạn đọc có thể nghe âm thanh trống đồng khi đặt ngang ở video dưới đây.
https://www.youtube.com/watch?v=4bhq0A3wUSE

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.