514. ☀ Cách tiếp cận và nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc

Việc tìm hiểu về nguồn gốc dân tộc là một vấn đề quan trọng đối với bất cứ dân tộc nào, đối với người Việt, thì vấn đề nguồn gốc dân tộc dường như lại có một vị thế quan trọng hơn, khi lịch sử của họ có nhiều biến động, chịu nhiều ảnh hưởng của những tư tưởng nhận định về nguồn gốc, nhất là trong hai giai đoạn Bắc thuộc và giai đoạn Pháp thuộc.

Đã có nhiều người Việt đi tìm hiểu về nguồn gốc dân tộc, từ đó nhiều giả thuyết đã được đưa ra, tuy nhiên vấn đề nguồn gốc ở giai đoạn trước là một vấn đề hầu như không thể xác định rõ, khi quá nhiều giả thuyết được đưa ra, mỗi giả thuyết lại giải thích nguồn gốc dân tộc theo một hướng. Vì lý do đó, chúng tôi viết bài viết ngắn này để xác định cơ bản cách tiếp cận trong việc nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc, hòng tìm một lối đi cho những người quan tâm tới nguồn gốc dân tộc ở các thế hệ sau.

I. Truyền thuyết họ Hồng Bàng và các truyền thuyết thời Hùng Vương:

Các truyền thuyết về họ Hồng Bàng và truyền thuyết về thời Hùng Vương được ghi lại thành văn sớm nhất trong sách Lĩnh Nam chích quái bởi Trần Thế Pháp vào thời nhà Trần. Vì chỉ được ghi thành văn khá muộn, nên có một số luồng quan điểm đề xuất rằng truyền thuyết họ Hồng Bàng cũng như sách Lĩnh Nam chích quái là một sáng tạo của các nhà Nho thời trung đại nhằm đặt vị trí của người Việt ngang với vị trí của người Hán. Tuy nhiên chỉ qua một vài nhận định, chúng ta sẽ thấy được điểm bất hợp lý của giả thuyết cho rằng Trần Thế Pháp đã sáng tạo ra truyền thuyết họ Hồng Bàng.

Đầu tiên chúng ta cần xác định về tinh thần. Người Việt luôn luôn tự hào và nhắc nhở mình là con Rồng, cháu Tiên, hay thuộc dòng giống Lạc Hồng như những gì truyền thuyết họ Hồng Bàng đã ghi lại, đó là một ý thức văn hóa truyền đời mà người Việt ai ai cũng đều nhớ tới, còn ghi cả vào những câu ca dao cổ của dân tộc mình.

Gió Động Đình mẹ ru con ngủ
Trăng Tiền Đường ấp ủ năm canh
Tiết trời thu lạnh lành lanh
Cỏ cây khóc hạ, hoa cành thương đông
Bống bồng bông, bống bồng bông
Võng đào mẹ bế con Rồng cháu Tiên

Rõ ràng đó là một ý thức văn hóa rất quan trọng, được người Việt gìn giữ qua nhiều thế hệ kể từ thời Hùng Vương, qua thời Bắc thuộc cho tới ngày nay. Đã là một ý thức văn hóa, ý thức về nguồn gốc dân tộc, thì trước nhất, thay vì thái độ đả phá, phủ nhận, chúng ta cần có một thái độ giữ gìn, trân quý, không phải ngẫu nhiên mà cha ông ta lại truyền lại những câu chuyện thể hiện ý thức văn hóa đó. Ý thức về nguồn gốc dân tộc là cốt lõi của nhiều dân tộc trên thế giới, như người Nhật tự hào mình là con cháu của nữ thần Mặt trời (Nữ Thần Amaterasu). Cũng như sự tự hào về nguồn gốc Rồng Tiên của người Việt, thì sự tự hào về nguồn gốc của người Nhật và các dân tộc là một niềm tự hào mang tính tín ngưỡng, đó chính là cốt lõi văn hóa của các dân tộc, là hồn cốt, là linh hồn trong sự phát triển và duy trì văn hóa của bất cứ dân tộc nào. Đả phá, phủ nhận, loại bỏ các truyền thuyết là tự đánh bật đi cái gốc gắn kết sâu xa người Việt hiện tại với quá khứ xa xưa của dân tộc.

Vấn đề thứ hai, đó là các truyền thuyết được ghi lại sách Lĩnh Nam chích quái, nếu chúng ta nhìn nhận một cách khách quan, thì đây là các truyền thuyết được lưu truyền trong dòng văn hóa dân gian, sau đó mới được Trần Thế Pháp ghi lại thành văn, rõ ràng đây không phải là các câu chuyện được Trần Thế Pháp sáng tạo ra, bởi thứ nhất, người ta không thể sáng tạo ra cả một thời đại, thứ hai, các truyền thuyết thời Hùng Vương còn được truyền lại rất nhiều và đa dạng trong dòng văn hóa dân gian, thứ ba, chúng ta cũng không thể không nhận thấy sự tồn tại của vô số các di tích đền đài thờ tự các vị Tổ trong họ Hồng Bàng, các vua Hùng và các nhân vật thời Hùng Vương ở miền Bắc Việt Nam. Không thể nói rằng Trần Thế Pháp đã sáng tạo nên thời kỳ Hồng Bàng và thời kỳ Hùng Vương với những bằng chứng và kết nối hiện hữu một cách rõ rệt trong nền văn hóa của người Việt.

Vấn đề thứ ba, như chúng tôi đã nói ở phần thứ nhất, thì đã là một niềm tin, ý thức văn hóa dân tộc đạt tới độ tín ngưỡng, thì chúng ta cần trân trọng và giữ gìn, mặc dù nó có thể không đúng, nhưng nó vẫn rất giá trị đối với sức sống của văn hóa dân tộc. Nhưng trong thế giới khoa học khách quan ngày nay, chúng ta có thể dựa vào các công cụ khoa học để thử tìm hiểu xem thời kỳ Hồng Bàng hay cả thời đại Hùng Vương có tồn tại hay không. Trước nhất chúng ta phải thoát khỏi định kiến cho rằng Tổ Tiên người Việt thời kỳ Hùng Vương không có văn minh, hay những định kiến cho rằng người Việt chỉ sinh sống và phát triển ở miền Bắc Việt Nam, thoát ra khỏi những định kiến đó, chúng ta sẽ nhận diện được sự tồn tại và tiến trình phát triển của người Việt theo các nghiên cứu di truyền, khảo cổ, từ đó so sánh, đối chiếu với các truyền thuyết thời Hùng Vương. Và thực tế thì thời kỳ Hồng Bàng dựa trên các nghiên cứu di truyền, khảo cổ là có tồn tại [1], kế tục nó là thời kỳ Hùng Vương cũng có bằng chứng tồn tại tại vùng Dương Tử và miền Bắc Việt Nam [2]. Vấn đề này chúng tôi đã khảo cứu trong các bài viết khác.

Các bằng chứng cũng cho thấy Thần Nông – Viêm Đế là Tổ của người Việt, sau đó người Hoa Hạ đã nhận về mình, với hai vị Tổ kép là Thần Nông và Hoàng Đế. Vì vậy không có cơ sở để cho rằng truyền thuyết họ Hồng Bàng là do người Hán để lại sau khi đốt sách trong thời nhà Minh xâm lược. [1]

Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng các truyền thuyết họ Hồng Bàng là truyền thuyết ghi dấu đầy đủ nguồn gốc dân tộc Việt và nguồn gốc tộc Việt, đã được các nghiên cứu di truyền và khảo cổ xác minh, các câu chuyện trong sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp cũng là những câu chuyện được truyền lại trong dòng văn hóa dân gian, sau đó được ghi thành văn, không phải là sản phẩm sáng tạo của Trần Thế Pháp và các nhà nho trung đại.

Còn một vấn đề về truyền thuyết và thần thoại, thì trước thời kỳ Hồng Bàng thì người Việt có truyền thuyết hay không? Có một số người giả thuyết rằng người Việt không có thần thoại, điều này được suy ra là người Việt là dân tộc mới được hình thành, hay mới tách ra từ các dân tộc khác, tuy nhiên người Việt có rất đầy đủ hệ thống thần thoại, từ thuở hồng hoang hình thành tự nhiên tới hình thành con người, các thần thoại cũng có hệ thống và tuần tự, cũng như rất giàu có về số lượng và cả về chất lượng. Các thần thoại về thuở hồng hoang tiếp tục được kế thừa và phát triển trong thời kỳ Hồng Bàng, thời kỳ Hùng Vương và trong giai đoạn trung đại. [3]

II. Vấn đề nguồn gốc dân tộc và tìm hiểu về nguồn gốc dân tộc:

1. Vấn đề tìm hiểu về nguồn gốc dân tộc:

Vấn đề nguồn gốc dân tộc trong các giai đoạn trước thực sự là một vấn đề phức tạp, rất nhiều giả thuyết khác về nguồn gốc cũng đã được đưa ra, trong đó những giả thuyết về người Việt có nguồn gốc từ Trung Quốc là các giả thuyết chủ yếu, các giả thuyết này ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của người Việt.

Giả thuyết về nguồn gốc Trung Quốc của người Việt được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tiêu biểu nhất là thuyết về “Bàn chân Giao Chỉ”, thuyết này đề xuất rằng người Việt bản địa là người Giao Chỉ có ngón chân cái giao nhau, người Việt không phải là người bản địa do không kế thừa đặc điểm đó của người Giao Chỉ, cũng đồng nghĩa người Việt có nguồn gốc từ người Hán.

Thuyết người Việt có nguồn gốc từ Trung Quốc còn được thể hiện dưới nhiều cách khác nhau, như người Việt có nguồn gốc từ nước Việt, nước Sở thời Xuân Thu Chiến Quốc của Trung Quốc, người Việt có nguồn gốc từ người Bách Việt của Trung Quốc, các vua Hùng của người Việt chính là các vị vua của nước Sở, hay có thuyết cho rằng người Việt có anh em với Trung Quốc vì có Thần Nông trong truyền thuyết họ Hồng Bàng. Đây đều là các vấn đề có nguồn gốc từ sự nhầm lẫn trong nghiên cứu sử sách, và một phần bởi sự thiếu tư liệu của các nhà nghiên cứu trong các giai đoạn trước.

Các giả thuyết về nguồn gốc Trung Quốc của người Việt được đưa ra đã ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của người Việt, khiến họ chịu nhiều mặc cảm, tự ti, ảnh hưởng lớn tới xã hội và sự phát triển của người Việt cho tới tận ngày nay.

Bên cạnh các giả thuyết về nguồn gốc Trung Quốc của người Việt, thì về mặt nghiên cứu khảo cổ, các nhà nghiên cứu Việt Nam chủ trương rằng người Việt có nguồn gốc bản địa. Tuy nhiên, hướng nghiên cứu này dẫn tới những ngõ cụt hầu như không tìm thấy lối ra, nhiều vấn đề về nguồn gốc của người Việt vì đó mà trở nên mờ ảo, khó xác định. Các nhà nghiên cứu Việt Nam chủ trương người Việt có nguồn gốc bản địa, vì đó mà các cư dân của văn hóa Phùng Nguyên cho tới Đông Sơn phát triển trực tiếp từ các văn hóa thời kỳ đồ đá ở miền Bắc Việt Nam, là các văn hóa đang còn trong trạng thái nguyên thủy, chưa biết tới văn minh. Họ đưa tới kết luận thời kỳ Đông Sơn, người Việt vẫn đang còn trong trạng thái công xã nguyên thủy, mẫu hệ quần hôn, không có văn minh. Giả thuyết này đã ảnh hưởng không nhỏ tới tinh thần của người Việt khi nhận định về nguồn gốc dân tộc. Giả thuyết này hoàn toàn không có cơ sở khoa học và đã được chúng tôi làm rõ qua một bài khảo cứu chuyên sâu về văn hóa Đông Sơn. [5]

Bên cạnh các giả thuyết có ảnh hưởng chính về nguồn gốc dân tộc, thì một số giả thuyết bên lề cũng có tác động khá tiêu cực tới vấn đề nguồn gốc dân tộc. Những giả thuyết này không những không góp phần giải thích nguồn gốc dân tộc, mà còn làm cho vấn đề nguồn gốc dân tộc trở nên rối rắm, mù mờ.

Một trong những giả thuyết tiêu biểu, đó là giả thuyết cho rằng các triều đại Hạ-Thương-Chu là các triều đại của cộng đồng tộc Việt, bị người Hoa Hạ chiếm và biến thành của mình, hay các triều đại Sở-Ngô-Việt là các triều đại của tộc Việt tham gia tranh bá với “Trung Nguyên”, các giả thuyết này có nguồn gốc từ sự chưa rõ ràng trong vấn đề nghiên cứu lịch sử.

Dựa trên các nghiên cứu khoa học và lịch sử, chúng ta sẽ thấy được các triều đại Hạ-Thương-Chu không phải của tộc Việt, mà là các triều đại tiền thân hình thành nên người Hoa Hạ. Các triều đại Sở-Ngô-Việt cũng là các triều đại có tầng lớp vua, hoàng tộc và quý tộc là người Hoa Hạ. Vấn đề này đã được chúng tôi khảo cứu trong một bài viết khác. [4]

Hệ thống giả thuyết của nhóm Hùng Việt sử quán hay Bách Việt trùng cửu, dựa trên “các thư tịch cổ”, các tác giả này đã đề xuất những giả thuyết kỳ lạ và có vấn đề về nguồn gốc dân tộc, như:

“Hùng Duệ Vương là người có hùng tài đại lược, tư chất thánh minh, kế nghiệp 17 đời Hùng, yên định Trung Quốc.”, “Khi ấy Thục Vương là Chủ bộ quan Ai Lao”; Vị vua Hùng đời cuối của dòng theo cha Lạc Long Quân ra biển là vua Trụ nhà Ân Thương.”; Cơ Xương khởi sự không đánh trực tiếp vào kinh đô của Trụ Vương ở An Huy mà đầu tiên đánh chiếm nước Sùng của Bắc Bá hầu Sùng Hầu Hổ. Sùng Hầu Hổ là thủ lĩnh vùng đất phía Bắc xưa của nhà Ân. Vùng này tương ứng với đất Lạc (Lạc = nước là tượng của phương Bắc). Sùng Hầu Hổ trong truyền thuyết Việt được gọi dưới tên Tản Viên Sơn Thánh. Sơn là quẻ Cấn trong Tiên thiên Bát quái, chỉ hướng Bắc. Sùng Hầu Hổ như thế là tiếp nối dòng dõi Lạc Long Quân, có thể gọi là một Lạc Vương ở vùng đất này. Sùng Hầu Hổ được chép thành ra tên của Lạc Long Quân là Sùng Lãm.” [6]

Các giả thuyết này không dựa trên bất cứ cơ sở khoa học và lịch sử nào, mà hoàn toàn là sự suy diễn chủ quan, vô căn cứ, thậm chí bôi nhọ lịch sử của người Việt, nhập nhằng các tên gọi, địa danh, nhân vật trong lịch sử của người Việt và người Hoa Hạ.

Lại có giả thuyết cho rằng người Việt là người Hán, là “Tàu dạt”, chủ nhân văn hóa Đông Sơn là người Tai-Kadai, người Việt có nguồn gốc từ người Hán sau đó đã chiếm văn hóa Đông Sơn của người Tai-Kadai, giả thuyết này cũng cho rằng các vị vua Hùng, hai bà Trưng là các nhân vật người Tai-Kadai, do người Việt nhận vơ về mình. Giả thuyết này còn cho rằng không tồn tại giai đoạn 1000 năm Bắc thuộc, người Việt bắt đầu hình thành từ di dân Hán vào thời Ngô Quyền. Giả thuyết này hoàn toàn phi khoa học và không có bất kỳ cơ sở nghiên cứu hàn lâm nào, tuy nhiên chúng cũng xuất hiện khá phổ biến trên mạng internet, ảnh hưởng tiêu cực tới việc nhận định nguồn gốc của một bộ phận người Việt.

Nhiều giả thuyết nhập nhằng, thiếu cơ sở mà chúng tôi đã đề cập khiến cho vấn đề nguồn gốc người Việt trong các giai đoạn trước hầu như là không có lời giải, giống như một ma trận đủ các giả thuyết, trường phái ảnh hưởng tới người Việt.

Để tìm được nguồn gốc thực sự của dân tộc mình, chúng ta cần phải có một phương pháp nghiên cứu khoa học và khách quan, dựa vào phương tiện khoa học như di truyền, khảo cổ, nhân chủng, ngôn ngữ…, trong đó cốt lõi là các phương tiện di truyền và khảo cổ. Di truyền học là phương tiện khoa học có tính quyết định trong việc xác định nguồn gốc dân tộc, tìm hiểu về các dân tộc anh em, nhận diện các dòng di cư, từ các dòng di cư xác định được từ các nghiên cứu di truyền, chúng ta đi tìm hiểu về các văn hóa. Không có hướng đi nào chính xác và tốt hơn hướng đi này trong nhận định về nguồn gốc dân tộc. Các phương tiện di truyền và khảo cổ sẽ trực tiếp loại bỏ những khúc mắc gây ra bởi những giả thuyết không phù hợp trong các giai đoạn trước.

Các nghiên cứu di truyền, khảo cổ cũng đã xác định cơ bản vấn đề nguồn gốc dân tộc, người Việt có một tiến trình phát triển lâu dài trong vùng Đông Á, có nguồn gốc từ cư dân rời khỏi châu Phi tới Đông Nam Á vào khoảng 60000-30000 năm trước, sau đó di cư lên vùng phía Bắc vào khoảng 12000 năm trước, vào thời điểm 4000 năm trước họ bắt đầu di cư trở lại Việt Nam và Đông Nam Á. Từ văn hóa Phùng Nguyên có nguồn gốc vùng vùng Dương Tử, cư dân tộc Việt của văn hóa này phát triển trực tiếp và hình thành nên người Việt và dân tộc Việt trong giai đoạn tự chủ. Trong quá trình phát triển đó, cộng đồng Việt đã sớm hình thành nhà nước với các văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà. [7]

Các nghiên cứu di truyền, khảo cổ đã cho chúng ta thấy được trình độ phát triển và sự văn minh của cộng đồng tộc Việt và người Việt, thay cho nhận định người Việt là một dân tộc không có văn minh, không có nhà nước, thì ngược lại, người Việt có văn minh từ sớm. Các kết quả nghiên cứu nào cũng trực tiếp phủ nhận các giả thuyết về nguồn gốc Trung Quốc của người Việt, cũng như giả thuyết bản địa về nguồn gốc của các văn hóa tại Việt Nam.

2. Tư tưởng vọng ngoại và đầu óc lệ thuộc:

Về vấn đề nguồn gốc, cũng tồn tại một tư tưởng có sức chi phối và ảnh hưởng mạnh tới người Việt, đó là mọi đặc trưng văn hóa của người Việt đều tìm thấy bên ngoài. Theo hệ tư tưởng này, thì mọi đặc trưng văn hóa của người Việt đều là mượn của các dân tộc khác qua từng giai đoạn, kể cả chữ viết, trang phục, kiến trúc, văn hóa, truyền thuyết, nói chung là mọi thứ thuộc về khối văn hóa Việt ngày nay. Người Việt không mượn văn hóa Hoa Hạ, văn hóa Ấn Độ thì cũng mượn văn hóa của người Khmer, người Chăm, người Thái, và nhiều dân tộc xung quanh địa bàn sinh sống của mình, ngoài ra thì là mượn văn hóa của người Pháp, người phương Tây. Tựu chung văn hoá Việt là một nền văn hoá được tạo thành từ những thứ đi mượn, không có gì là của riêng mình.

Hệ tư tưởng này chúng tôi cho rằng là hệ quả của quá trình thuộc địa hóa diễn ra trong thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp đã quy kết, hạ nhục người Việt, cho rằng mọi văn hóa và đặc trưng văn hóa của người Việt đều có nguồn gốc từ bên ngoài. Người Việt hiện nay vẫn bị ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng đó, và cũng bởi nền tinh thần dân tộc còn yếu, nên các tư tưởng tương tự như thế này vẫn còn đất sống và có sức ảnh hưởng.

Dựa trên các nghiên cứu về nguồn gốc bằng các phương tiện khoa học, chúng ta sẽ thấy được người Việt là một trong những dân tộc lâu đời trong vùng Đông Á, là một thành phần quan trọng của văn hóa Đông Á và tộc Việt cổ, do đó không ít đặc trưng văn hóa là do người Việt tạo ra và ảnh hưởng tới các dân tộc Đông Nam Á, chứ không phải ngược lại, vào thời văn hóa Đông Sơn, thì người Việt cũng đã có ảnh hưởng lớn tới các vùng nam Đông Á và Đông Nam Á. Đặc trưng các dân tộc giống với người Việt là do ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn, không phải do người Việt vay mượn của họ. Văn hóa Hoa Hạ cũng đã chịu ảnh hưởng nhất định của văn hóa tộc Việt trong các văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà. Về ngôn ngữ, thì người Việt có gốc Nam Á, và cũng đã từng có chiều ảnh hưởng tới tiếng Hán, chứ không chỉ có một chiều từ tiếng Hán sang tiếng Việt, có thể ví dụ như hệ thống từ vựng về lúa nước, hệ ngữ Hán-Tạng và Tai-Kadai mượn từ hệ ngữ Nam Á. [7a]

Các văn hóa Ấn Độ và Hoa Hạ sau đó đã phát triển vượt trội hơn so với văn hóa Việt, và người Việt kể từ đó bắt đầu chịu ảnh hưởng của các nền văn hóa này, tuy nhiên sự ảnh hưởng của các nền văn hóa lớn đối với văn hóa Việt vẫn có sự chọn lọc, văn hóa Việt vẫn là cốt lõi văn hóa của người Việt trong dòng văn hóa dân gian và cả văn hoá cung đình. Sự ảnh hưởng đó là bình thường và tất yếu, không chỉ mình người Việt bị ảnh hưởng, mà còn nhiều dân tộc khác cũng chịu ảnh hưởng tương tự.

Vì vậy, chúng ta rất cần sự khách quan, tránh tư tưởng lệ thuộc, cho rằng mọi thứ của dân tộc mình đều là vay mượn từ các nền văn hóa khác, thay vì vậy, có nhiều giá trị văn hóa là người Việt ảnh hưởng tới các dân tộc, cũng như có nguồn gốc từ một cộng đồng chung nên có nhiều điểm giống nhau, việc chịu ảnh hưởng văn hoá Hoa Hạ cũng không phải là một chiều, vấn đề này chúng ta cần nghiên cứu thật sự kỹ lưỡng để xác định được nguồn gốc và sự lan tỏa của các yếu tố văn hóa, không nên suy diễn và kết luận một cách chủ quan nếu chưa qua khảo cứu cẩn thận.

III. Người Việt và cộng đồng tộc Việt:

Giả thuyết cơ bản và cũng khá phổ biến về nguồn gốc người Việt là sự liên hệ với cộng đồng tộc Việt (Bách Việt) trong lịch sử. Có nhiều những ảnh hưởng tiêu cực từ những dòng sử của người Trung Hoa ghi lại về người Việt khi nhận định về sự liên hệ của người Việt với cộng đồng tộc Việt.

1. Các quan điểm phủ nhận về Bách Việt:

Đầu tiên là sự phủ nhận sự liên hệ của người Việt với Bách Việt. Quan điểm này gắn liền với giả thuyết cho rằng Bách Việt là của Trung Quốc, đất đai của người Bách Việt cũng là của người Trung Quốc, người Việt chỉ là hậu duệ của hai nhóm Âu và Lạc, không liên quan gì tới người Bách Việt ở phía Nam Dương Tử.

Bên cạnh đó, đó là giả thuyết cho rằng Bách Việt là một khái niệm chỉ chung các dân tộc không liên quan gì tới nhau ở vùng nam Dương Tử, là các dân tộc chưa được khai hóa, không có văn minh, không có nhà nước, vì vậy người Hoa Hạ tới chiếm các vùng đất này cũng giống như chiếm vùng đất không người, có nghĩa họ đem văn minh tới các vùng này, dạy “các dân tộc Bách Việt” văn minh, nhà nước và chữ viết, và có quyền sở hữu các vùng đất đó vì không có nhà nước nào cai quản và sở hữu các vùng đất này.

Giả thuyết này dựa chủ yếu vào sự suy diễn dựa trên khái niệm Bách Việt được ghi lại trong sử sách Trung Hoa, chúng tôi nhận thấy đa phần những người chủ trương giả thuyết này chỉ nhận định một cách chủ quan và thiếu cơ sở dựa trên khái niệm Bách Việt, không thực sự có sự nghiên cứu chuyên sâu và kỹ càng về cộng đồng này. Giả thuyết này cũng có căn bản tư tưởng về văn minh – chưa khai hóa, bắt nguồn từ sử sách Trung Hoa, với quan niệm họ là trung tâm văn minh, và xung quanh là những người “man, di, mọi, rợ”, có nghĩa là những người dã man và kém văn minh. Chủ thuyết này ảnh hưởng nhiều tới các nhà nghiên cứu phương Tây, các nhà nghiên cứu Việt Nam và những người quan tâm tới nguồn gốc dân tộc.

Tuy nhiên chỉ cần nhìn nhận những vấn đề cơ bản, chúng ta sẽ thấy được sự bất hợp lý của giả thuyết này. Nếu người Việt không phải có nguồn gốc từ Bách Việt, thì tại sao họ lại là dân tộc duy nhất còn giữ tên Việt trong tên của dân tộc mình, trong khi không còn tộc người nào giữ lại tên Việt trong tên chính thức? Tại sao sử sách Trung Hoa lại ghi nhận sự tồn tại của cộng đồng tộc Việt trong địa bàn phía nam sông Dương Tử tới miền Bắc Việt Nam [8], chứ không loại trừ miền Bắc Việt Nam ra khỏi cộng đồng Bách Việt? Các câu hỏi đơn giản đó đã cho chúng ta thấy sự bất hợp lý trong việc phủ nhận sự liên hệ của người Việt với người Bách Việt.

Khái niệm Bách Việt được sáng tạo vào thời nhà Tần, trùng hợp với thời điểm họ bắt đầu đánh xuống vùng đất phía Nam của cộng đồng tộc Việt, hẳn không phải là một hành động vô ý. Khái niệm này đã ảnh hưởng vô cùng lớn trong các giai đoạn sau này khi nhận định về cộng đồng tộc Việt, biểu hiện trên các quan điểm mà chúng tôi đã khái quát ở trên. Vì vậy chúng tôi cho rằng chúng ta nên hạn chế sử dụng khái niệm Bách Việt, thay vào đó là khái niệm “tộc Việt”, sẽ thể hiện đầy đủ và chính xác hơn về cộng đồng tộc Việt, và từ đó thoát khỏi cái bóng tiêu cực từ sử sách Trung Hoa, tránh sự nhận định về cộng đồng tộc Việt và nguồn gốc dân tộc thông qua khái niệm Bách Việt.

Các tài liệu khoa học sẽ giúp chúng ta xác định được tiến trình phát triển và sự liên hệ của cộng đồng tộc Việt, họ có sự liên hệ và gắn bó với nhau khá chặt chẽ, sự liên hệ thể hiện qua nhiều yếu tố [9], trong đó bao gồm cả yếu tố khảo cổ, các cổ vật các vùng tộc Việt về cơ bản tương đồng với nhau về phong cách, có nguồn gốc và ảnh hưởng từ văn hóa Đông Sơn tại miền Bắc Việt Nam. [2]

Họ đã có văn minh và nhà nước từ rất sớm, là một trong những nền văn minh có nhà nước sớm trên thế giới, với văn hóa Lương Chử có niên đại vào khoảng 5300 năm trước, do vậy giả định cộng đồng này không có văn minh, không có nhà nước là hoàn toàn không chính xác. [2]

2. Vậy người Việt có quyền kế thừa với những di sản của cộng đồng tộc Việt hay không?

Thứ nhất là về phần lãnh thổ, người Việt là một phần của cộng đồng tộc Việt, không có nghĩa toàn bộ di sản và đất đai ở vùng phía Nam sông Dương Tử này là của người Việt ngày nay, mà là tài sản chung của cộng đồng tộc Việt, trong đó miền Bắc Việt Nam là di sản của người Việt, các vùng khác chúng ta cần dựa vào các nghiên cứu di truyền để xác định rõ hơn về chủ nhân thực sự của các văn hóa tại các vùng khác nhau. Người Việt chỉ là một trong những hậu duệ của cộng đồng tộc Việt, không phải toàn bộ tộc Việt.

Thứ hai là về tính kế thừa, người Việt là một trong những hậu duệ chính thống của cộng đồng tộc Việt, họ là dân tộc duy nhất còn giữ tên Việt đại diện cho cộng đồng tộc Việt, cũng như họ từng có vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển của cộng đồng này, họ là tổng hòa di truyền của cộng đồng tộc Việt, với sự di cư về miền Bắc Việt Nam của nhiều cư dân tộc Việt trong nhiều thời kỳ qua các tài liệu khảo cổ [10]. Dựa trên các cơ sở đó, thì người Việt có đủ quyền kế thừa chính thống những di sản của người Bách Việt tại vùng Nam Dương Tử.

Cư dân tộc Việt phía Nam Dương Tử ngày nay đa phần đã bị đồng hóa thành người Hán, vẫn còn một số dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt vẫn còn sinh sống trong phía Nam sông Dương Tử và miền Bắc Việt Nam, ngoại trừ những người đã bị đồng hóa thành người Hán, thì người Việt cùng với các dân tộc này có quyền kế thừa chính thống với các di sản của cộng đồng tộc Việt, và người Việt là dân tộc độc lập, đất nước độc lập, cũng như vẫn giữ tên Việt trong tên dân tộc mình, thờ tự các vị Tổ của cộng đồng này, giữ gìn truyền thống và văn hóa tộc Việt, nên chúng ta hoàn toàn có cơ sở để đại diện cho những di sản của tộc Việt tại vùng nam Dương Tử.

3. Tiểu kết:

Như vậy chúng ta có thể kết luận về sự liên hệ và gắn bó khá chặt chẽ của cộng đồng tộc Việt trong lịch sử, không thể phủ nhận sự liên hệ của người Việt và cộng đồng tộc Việt, người Việt là hậu duệ chính thống và có quyền kế thừa, đại diện cho di sản của cộng đồng tộc Việt, và khái niệm Bách Việt cũng không phải là cơ sở chứng minh nguồn gốc của cộng đồng tộc Việt.

IV. Kết luận:

Tìm hiểu về nguồn gốc dân tộc là một vấn đề rất quan trọng, để tìm được nguồn gốc thực sự của dân tộc mình, chúng ta cần có một phương pháp nghiên cứu khoa học, dựa vào các tài liệu nghiên cứu di truyền, khảo cổ, lấy đó làm cốt lõi để tìm hiểu nguồn gốc và tiến trình phát triển văn hóa.

Bên cạnh đó, với những bạn đọc quan tâm tìm hiểu về nguồn gốc dân tộc, chúng ta cũng cần cảnh giác trước những thông tin sai lệch về nguồn gốc dân tộc, cần tỉnh táo và chắt lọc, tránh bị ảnh hưởng bởi những thông tin không có cơ sở, cần khách quan khi nhận định về nguồn gốc dân tộc, tránh sự cực đoan, nhận lầm những di sản không phải của dân tộc mình.

Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, vấn đề nguồn gốc sẽ ngày một rõ ràng hơn, người Việt sẽ nhận thức một cách chính xác hơn về nguồn gốc dân tộc mình, thấy được quá khứ phát triển mà dân tộc ta từng có trong quá khứ, từ đó làm nền tảng để hướng tới một tương lai mới rực rỡ hơn.

Lang Linh

Vì bài viết này chỉ khái quát và tổng hợp lại, nên xin bạn đọc theo dõi các bài viết dưới đây của chúng tôi để có thêm thông tin về các vấn đề chúng tôi đã đề cập. Chúng tôi đã chứng minh rất đầy đủ và tuần tự các vấn đề liên quan tới bài viết này, dựa trên các bằng chứng khoa học được dẫn chi tiết trong từng phần.


Chú thích:

[1] Lang Linh, Huyền sử Hồng Bàng và nguồn gốc dân tộc Việt Nam
Huyền sử Hồng Bàng và nguồn gốc dân tộc Việt Nam

[2] Lang Linh, Bách Việt và cơ sở thống nhất của cộng đồng Bách Việt.
https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/02/24/478-bach-viet-va-co-so-thong-nhat-cua-cong-dong-bach-viet/

[3] Hệ thống thần thoại về nguồn gốc của người Việt
https://luocsutocviet.wordpress.com/2021/03/05/508-he-thong-than-thoai-ve-nguon-goc-cua-nguoi-viet/

[4] Lang Linh, Sở, Ngô, Việt có phải tộc Việt không?
https://luocsutocviet.wordpress.com/2021/03/19/513-so-ngo-viet-co-phai-toc-viet-khong/

[5] Lang Linh, Khảo cứu về nền văn hóa Đông Sơn
https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/10/11/502-khao-cuu-ve-nen-van-hoa-dong-son/

[6] Bách Việt trùng cứu, Thủa vua Hùng Vương thứ 18…
https://bahviet18.com/2020/08/28/thua-vua-hung-vuong-thu-18/

[7] Lang Linh, Khảo cứu về nguồn gốc dân tộc Việt
https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/06/04/497-khao-cuu-ve-nguon-goc-dan-toc-viet/

[7a] Pittayaporn, P. (2014). Layers of Chinese Loanwords in Protosouthwestern Tai as Evidence for the Dating of the Spread of Southwestern Tai.

[8] Thông Khảo Dư Địa Khảo, chương Cổ Nam Việt viết: “Đương thời Đường Ngu, Tam Đại, từ Ngũ Lĩnh về phía Nam là nước của người Man di, ấy là đất của Bách Việt.” Sách này lại ghi chú: “Từ Giao Chỉ đến Cối Kê, bảy tám ngàn dặm, chủng tộc Bách Việt sống lẫn với các sắc dân khác, nhưng luôn luôn giữ được cá tính của chủng tộc.”

[9] Lang Linh, Tương quan cổ vật thời kỳ đồ đồng trong vùng Đông Á
https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/05/25/494-tuong-quan-co-vat-thoi-ky-do-dong-trong-vung-dong-a/

[10] Kiều Quang Chẩn, Bách Việt và quá trình Nam tiến của người Bách Việt
https://luocsutocviet.wordpress.com/2018/06/03/084-🌟-bach-viet-va-qua-trinh-nam-tien-cua-nguoi-bach-viet/

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.