512. ☀ Dương Tử: cái nôi của nền văn minh tộc Việt

Dương Tử, một trong những con sông lớn nhất thế giới, cũng là cái nôi nuôi dưỡng một trong những nền văn minh lớn trong vùng Đông Á, được đặt tên là văn minh Dương Tử. Nền văn minh này có một lịch sử phát triển trong khoảng 8000 năm, với nền tảng về nông nghiệp lúa nước. Sự thuần hóa lúa nước đã làm nền tảng quan trọng cho quá trình phát triển và hình thành văn minh tại vùng này.

Quá trình phát triển của văn minh Dương Tử trải qua nhiều giai đoạn, bắt nguồn từ thời đồ đá cũ, tới thời đồ đá mới và tiếp tục phát triển cho tới thời kỳ đồ đồng. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, nhưng trong hầu hết các giai đoạn, cư dân Dương Tử đã thể hiện khả năng phát triển văn minh rất mạnh mẽ của mình, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển chung của văn hóa Đông Á cổ.

Hình 1: Bản đồ lưu vực sông Dương Tử. [Nguồn: dẫn]

Hai trung tâm của văn minh Dương Tử trong thời kỳ này là trung lưu và hạ lưu Dương Tử, sự ấm dần lên của khí hậu đã trực tiếp thúc đẩy quá trình hình thành các văn hóa lớn trong vùng Dương Tử nói riêng và vùng Đông Á nói chung, các văn hóa lớn trong vùng Đông Á đã chia sẻ chung một nền văn hóa, có sự liên hệ với nhau khá chặt chẽ.

Các văn hóa cổ tại vùng Đông Á cũng như vùng Dương Tử đã làm nền tảng để thúc đẩy sự hình thành cộng đồng tộc Việt trong vùng Dương Tử, với văn hóa Lương Chử tại vùng hạ lưu Dương Tử, cộng đồng tộc Việt tiếp tục phát triển tới văn hóa Thạch Gia Hà, dịch chuyển trung tâm về vùng trung lưu Dương Tử. Đây là các văn hóa xuất hiện nhà nước sớm nhất trong vùng Đông Á, có trình độ phát triển rất cao về văn minh.

Nguyên nhân từ nạn hạn hán diễn ra tại trong thời điểm hơn 4200 năm trước đã khiến văn minh tại vùng Dương Tử sụp đổ, dẫn tới các cuộc di cư lớn về phía Nam, bao gồm Đông Nam Á lục địa và hải đảo của hai hệ ngữ Nam Á và Nam Đảo. Sau thời điểm này, thì tộc Việt vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện và phát triển trong vùng nam Đông Á, và cũng đã tiếp tục phát triển trong vùng Dương Tử cho tới khi phải lùi dần về phía Nam do áp lực của người Hoa Hạ.

Với các tư liệu hiện có, chúng tôi sẽ gửi đến bạn đọc những thông tin cơ bản nhất về sự phát triển và hình thành của văn minh tại vùng Dương Tử, cũng như quá trình hình thành và tan rã cộng đồng tộc Việt, để bạn đọc có một hình dung rõ nét nhất về nguồn gốc quan trọng nhất của dân tộc mình trong thời kỳ xa xưa.

I. Nguồn gốc của văn minh Dương Tử và nguồn gốc cộng đồng tộc Việt:

918876-1 (4)

Hình 2: Bản đồ thiên di nhân loại khoảng 70000-10000 năm trước. (Gary Stix (2008). Traces of a distant past. Scientific American;299(1):56-63)

Các nghiên cứu di truyền được thực hiện và công bố trong khoảng hơn 20 năm gần đây, đã xác định cơ bản nguồn gốc nhân loại, nguồn gốc người Đông Á, và cũng đồng thời xác định nguồn gốc của cộng đồng tộc Việt và người Việt. 

Cư dân Đông Á cổ và cộng đồng tộc Việt được di truyền học xác định có nguồn gốc từ những người rời khỏi châu Phi, di cư tới Việt Nam và Đông Nam Á theo con đường phía Nam, chia thành hai đợt vào khoảng 60000 năm và 30000 năm trước ngày nay [1][2]. Khi đó cư dân cổ đang còn thuộc chủng Australoid da đen. 

Các cư dân cổ rời khỏi châu Phi đã sinh sống trong vùng miền Bắc Việt Nam và Đông Nam Nam Á, xây dựng nên các văn hóa thuộc nền văn hóa Hòa Bình, với các giai đoạn:

  • Hòa Bình sớm hay tiền Hòa Bình, có niên đại tiêu biểu là di chỉ Thẩm Khuyên (32.100 ± 150 BC [trước Công Nguyên]), Mái Đá Điều, Mái Đá Ngầm (23.100 ± 300 BC).
  • Hòa Bình giữa hay Hòa Bình chính thống, tiêu biểu bởi di chỉ Xóm Trại (18.000 ± 150 BC), Làng Vành (16.470 ± 80 BC).
  • Hòa Bình muộn, tiêu biểu bằng di chỉ ở Thẩm Hoi (10.875 ± 175), Sũng Sàm (11.365 ± 80 BP, BLn – 1541/I).

Văn hóa Hòa Bình là văn hóa có đặc trưng đá cuội được ghè đẽo và đục lỗ. Đặc trưng văn hóa Hòa Bình phân bố khắp Việt Nam, Lào, Thái Lan và lên cả vùng phía nam Đông Á, bao gồm cả vùng đồng bằng sông Châu như hình minh họa phía dưới. Bên cạnh đó là những đặc điểm từng vùng như mộ táng với tư thế nằm co, mộ có nắp. [3]

hoabinhian

Hình 3: Bản đồ phân bố của văn hóa Hòa Bình. [Chú dẫn bản đồ: 1. Đường gạch chéo: khu vực văn hóa Hoabinhian được nói trong bài [4]; 2. Các chấm tròn: các khu vực có đá đục lỗ; Các chấm vuông: các khu vực có táng với tư thế nằm co; 3. Vòng tròn màu đỏ: khu vực tiềm năng có người cao; vòng tròn màu xanh: khu vực tiềm năng có mộ có nắp.] [3]

Họ sinh sống trải rộng trong vùng Đông Nam Á lục địa, miền Bắc Việt Nam và cả một phần vùng nam Đông Á. Nhưng trong đó nhóm quan trọng nhất đã sinh sống ở vùng nay là vịnh Bắc Bộ. Trong đợt băng hà lớn cuối cùng, diễn ra vào thời điểm cách ngày nay hơn 28.000 năm, thì mực nước biển xuống thấp cực đại, ở mức 130-120m [4], vùng thềm lục địa vịnh Bắc Bộ vốn là một vịnh nông với độ sâu dưới 100m, nên khi nước biển rút sâu, đã làm lộ ra một vùng đồng bằng rộng lớn tại miền Bắc Việt Nam và vùng đồng bằng sông Châu. 

principal-geographical-and-geological-features-of-sundaland-and-the-surrounding-region-1 (2)

Hình 4: Bản đồ minh họa thềm lục địa lộ ra khi mực nước biển xuống thấp cực đại. [5]

Địa bàn sinh sống và phát triển chính của cư dân rời khỏi châu Phi là vùng đồng bằng tại vịnh Bắc Bộ. Bên cạnh đó các cư dân cổ rời khỏi châu Phi còn sinh sống tại khắp các vùng Đông Nam Á lục địa và vùng nam Đông Á, có thể có sự liên hệ với nhau, khi kỹ thuật đá và đặc trưng mộ táng thể hiện sự tương đồng trong một địa bàn rộng lớn như bản đồ phân bố của văn hóa Hòa Bình phía trên đã thể hiện [3].

Tại vùng đồng bằng vịnh Bắc Bộ, cư dân cổ rời khỏi châu Phi đã thuần hóa lúa nước, với việc nghiên cứu di truyền của lúa đã xác định sự thuần hóa lúa nước được thực hiện sớm nhất tại vùng đồng bằng này [6]. Sự kiện thuần hóa lúa nước đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng về dân số so với thời kỳ săn bắt hái lượm.

Tới khoảng hơn 12000 năm cách ngày nay, thì nước biển bắt đầu dâng trở lại [4], khiến cho vùng đồng bằng này dần dần chìm xuống mực nước biển, đã thúc đẩy cư dân cổ vùng Đông Nam Á di cư lên phía Bắc, do tại vùng Lĩnh Nam và Đông Nam Á, địa bàn thuận lợi nhất cho phát triển nông nghiệp là vùng vịnh Bắc Bộ, đã biến mất, nên họ phải di cư lên rất xa. Các nghiên cứu di truyền đã thể hiện cơ bản dòng di cư này của người cổ Đông Nam Á.

Nghiên cứu của J.Y. Chu và cộng sự năm 1998 đã đưa ra kết luận người Đông Á có nguồn gốc từ người Đông Nam Á di cư lên. Nhóm dân cư này có nguồn gốc từ châu Phi đã đi đến Ðông Nam Á qua ngả Nam Á từ nhiều năm trước. [7]

Tổ chức bộ gen người Hugo với công trình “Mapping human genetic diversity in Asia” đăng trên tạp chí Science năm 2009, nghiên cứu kiểu biến thiên hình thái gen trên 73 sắc dân châu Á và 2 sắc dân ngoài châu Á, đã xác định người Đông Nam Á là nguồn gốc chính của người Đông Á. [8]

Kết quả nghiên cứu di truyền của Hua Zhong và cộng sự năm 2010, cũng cho thấy người Đông Á có nguồn gốc chính là từ Đông Nam Á.[9]

Nghiên cứu của Chuan Chao Wang và cộng sự năm 2013 [10] đã phát hiện một dòng di cư rất lớn từ Đông Nam Á vào thời điểm 12.000 năm trước lên vùng Động Đình, Dương Tử, dòng di cư này cũng đã đi lên cả vùng đồng bằng sông Hoàng Hà.

Cư dân cổ Đông Nam Á đã di cư lên vùng đồng bằng sông Dương Tử, và có nhóm đã đi lên cả vùng đồng bằng sông Hoàng Hà. Các cư dân cổ có nguồn gốc Đông Nam Á tại đây đã xây dựng nên các văn hóa lớn trong thời Đá mới, trong đó bao gồm các văn hoá Cao Miếu (Gaomiao, 5000 – 3500 BC), Hà Mẫu Độ (Hemudu 5000 – 4500 BC), Mã Gia Banh (5000 – 3000 BC), Lăng Gia Than (Lingjiatan, 3800 – 3500 BC) tại vùng Động Đình, Dương Tử với nông nghiệp lúa nước [11], và các văn hóa Hồng Sơn (Hongshan, 4700 – 2900 BC), Đại Vấn Khẩu (Dawenkou, 4300 BC – 2400 BC), Ngưỡng Thiều (Yangshao, 5000 BC – 3000 BC) tại vùng Bắc Đông Á với nông nghiệp trồng cả lúa và kê [12].

Hình 5: Bản đồ minh họa nguồn gốc và tiến trình phát triển của các văn hóa cổ Đông Á của người cổ Đông Nam Á, người tiền Việt và tộc Việt. Bản đồ thể hiện vị trí và phân bố tương đối của các văn hóa lớn thời Đá mới tại vùng bắc Đông Á và nam Đông Á.

Đó là nguồn gốc cơ bản của cư dân văn hóa Dương Tử, tiến trình phát triển của chúng sẽ được chúng tôi trình bày cụ thể hơn với bạn đọc ở các phần sau đây.

II. Thuần hóa lúa nước: nền tảng phát triển của văn minh:

Sự kiện thuần hóa nước là một sự kiện lớn trong lịch sử nhân loại. Các nghiên cứu di truyền về gen lúa và các nghiên cứu khảo cổ đã cho thấy sự thuần hóa lúa nước đã được thực hiện bởi các cư dân gốc Đông Nam Á, sau đó được đem lên vùng Dương Tử vào giai đoạn biển tiến.

Theo nghiên cứu di truyền của lúa, thì cây lúa được thuần hóa đầu tiên tại vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc ngày nay, sau đó mới được đem lên phía Bắc, ở thời điểm đó vùng này vẫn còn là một vùng đồng bằng rộng lớn. [13]. Tới thời điểm 12000 năm trước thì cư dân cổ tại Đông Nam Á đã di cư lên phía Bắc, đem theo lúa đã được thuần hóa.

Những dấu tích khảo cổ về lúa nước được thuần hóa cũng được tìm thấy sớm nhất tại vùng hạ lưu Dương Tử, có niên đại vào khoảng 10,500 tới 12,000 trước ngày nay tại di chỉ Shangshan (ảnh dưới) [14], đồng niên đại với thời điểm di cư lên phía Bắc của người cổ Đông Nam Á. Đây cũng là dấu tích khảo cổ về hạt lúa được thuần hóa sớm nhất trên thế giới.

Untitled1f

Hình 6: Dấu tích lúa tìm thấy tại các di chỉ Xiaohuangshan (~9000 năm BP) (a: japonica, b: lúa dại) và Shangshan (c: lúa dại, d: japonica) (~ 11000 năm BP), tại vùng hạ lưu Dương Tử, tỉnh Chiết Giang. [14]

Đây là sự kiện khởi nguồn cho sự phát triển của nền văn minh sông Dương Tử, trải qua một quá trình dài phát triển với nền tảng nông nghiệp lúa nước, cùng với sự biến đổi thuận lợi của khí hậu trái đất, đã thúc đẩy sự hình thành một nền văn minh lớn tại đây.

III. Lược sử phát triển của văn minh Dương Tử:

1. Khởi nguồn của các nền văn hóa sơ kỳ thời đồ đá mới:

Văn minh sông Dương Tử bắt nguồn từ đầu thời kỳ đồ đá mới tại vùng trung lưu sông Dương Tử, xung quanh vùng đồng bằng tại hồ Động Đình, với sự xuất hiện và tập trung lượng lớn các văn hóa lớn trong vùng Dương Tử, trong đó sớm nhất là văn hóa Pengtoushan, có niên đại vào khoảng 7000 – 5800 trước Công nguyên. Ngoài văn hóa Pengtoushan, thì tại vùng trung lưu Dương Tử còn là nơi tập trung các văn hóa sớm khác trong vùng Dương Tử như bản đồ phía dưới, vùng hạ lưu Dương Tử cũng phát hiện một số các văn hóa khác như Xiaohuangshan, Kuhuaqiao.

Hình 7: Bản đồ phân bố các văn hóa thời đồ đá sớm trong vùng Dương Tử. [15]

Tình hình phát triển văn hóa tại vùng trung lưu Dương Tử trong giai đoạn này phát triển hơn so với vùng hạ lưu Dương Tử, tại vùng trung lưu Dương Tử, đã có những bằng chứng rõ ràng chứng minh tại đây đã phát triển trồng lúa và xây dựng các ngôi làng cố định. [15]

Hình 8: Các cổ vật bằng gốm tại các văn hóa trung lưu Dương Tử. [15]

Các văn hóa tại vùng trung lưu Dương Tử trong đầu thời đá mới chia sẻ chung một hệ thống cổ vật, với đồ gốm, chạc gốm cùng với hệ thống đồ đá. Một số nhà khảo cổ đã xác định sự ảnh hưởng của các văn hóa Pengtoushan (Bành Đầu Sơn) và Zaoshi (Tảo Thị) với các văn hóa phía Đông [16], như các cổ vật tại văn hóa Jiahu (Giả Hồ) tại vùng sông Hoài có nhiều điểm tương đồng với cổ vật của Pengtoushan, chẳng hạn như hình thức mai táng và công nghệ gốm [17]. Cũng có thể nhận thấy đặc trưng đồ gốm của văn hóa Zaoshi tại văn hóa Kuahuqiao ở hạ lưu sông Dương Tử [18]. Sự lan tỏa về phía đông của văn hóa Zaoshi được giải thích là do sự mở rộng nhân khẩu học do sự phát triển của nông nghiệp trồng lúa [18]. Sự gia tăng dân số rõ rệt đã xảy ra trong thiên niên kỷ thứ sáu trước Công nguyên tại vùng trung lưu Dương Tử, dẫn tới sự phân tán dân số. [15]

Hình 9: công cụ đá của văn hóa Pengtoushan. [15]

3. Sự nở rộ của các nền văn hóa tại vùng Đông Á:

Trong các thiên niên kỷ thứ năm, và phần lớn của thiên niên kỷ thứ tư trước công nguyên, là thời điểm nở rộ của các cộng đồng văn hóa của thời kỳ đồ đá không chỉ ở vùng Dương Tử mà còn ở khắp vùng Đông Á. Sự phát triển này xuất phát từ việc xuất hiện một thời kỳ với điều kiện khí hậu ấm và ẩm ướt được gọi là Tối ưu khí hậu giữa Holocen. Nhiệt độ ấm lên đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nông nghiệp, thúc đẩy sự gia tăng về dân số, đồng thời với đó là sự gia tăng đáng kể về số lượng các khu định cư. [15]

Sự phát triển của giai đoạn này được thể hiện trên rất nhiều khía cạnh: tăng trưởng dân số, tăng trưởng các khu định cư, cũng như dẫn tới sự mở rộng các cộng đồng nông dân sang các vùng đất khác, xã hội bắt đầu có sự phân hóa phức tạp hơn, xuất hiện những dinh thự lớn được xây dựng cho các nghi lễ, một số đối tượng nắm được quyền lực, với những ngôi mộ được chôn cất cùng với những di vật ngọc tinh xảo cùng nhiều đồ đạc phong phú khác. Sự trỗi dậy của các xã hội phức tạp ở vùng Đông Á có liên quan trực tiếp đến làn sóng giao thoa văn hóa giữa các khu vực này. Tuy nhiên sự phát triển về nông nghiệp cũng như xã hội, cùng với sự biến động khí hậu đã dẫn đến sự suy thái hệ sinh thái, gây ra những áp lực và khó khăn cho các xã hội, một số xã hội đã xuất hiện các tầng lớp cao hơn, trong một số trường hợp thì xã hội sụp đổ. [15]

Hình 10: Các địa điểm khảo cổ trung kỳ thời đồ đá mới ở vùng Dương Tử. [15]

Các văn hóa tiêu biểu nhất trong vùng trung lưu Dương Tử trong thời đá mới là văn hóa Daxi (Đại Khê, 5000-3300 TCN), và văn hóa Gaomiao (Cao Miếu), tại vùng hạ lưu Dương Tử, thì đó là các văn hóa Hemudu (Hà Mẫu Độ), Majiabang (Mã Gia Banh), Lingjiatan (Lăng Gia Than). Sự phát triển trong thời kỳ này có sự phân hóa khá rõ rệt theo từng vùng.

Khu di tích Chengtoushan vùng trung lưu Dương Tử là nơi có sự xuất hiện và phát triển liên tục tại văn hóa Tangjiagang (khoảng 7000–6400 BP); nền văn hóa Daxi (khoảng 6400– 5300 BP); nền văn hóa Qujialing (khoảng 5300–4500 BP); và văn hóa Shijiahe (khoảng 4500–4000 BP). Tại khu di tích này, ngay từ khi hình thành dân cư, thì cư dân tại đây đã bắt đầu xây hào xung quanh khu định cư, sau đó xây dựng một tường rào bao quanh và các con mương, sau đó tiếp tục được xây dựng lại nhiều lần, tổng diện tích khu di tích rộng khoảng 8 ha. Khu vực có tường bao quanh có thể đã được sử dụng đa chức năng – được sử dụng như một công trình phòng thủ cũng như kiểm soát lũ lụt. Các con mương được kết nối với một con sông ở phía đông của khu di tích, rõ ràng là để vận chuyển đường thủy, giả thuyết được hỗ trợ bởi việc phát hiện ra một mái chèo bằng gỗ tại địa điểm này. Cánh đồng lúa và các hệ thống tưới tiêu liên quan đã được tìm thấy trong các trầm tích sơ khai của người Daxi, có niên đại vào khoảng 4500 năm trước Công nguyên. Tại khu di tích Chengtoushan cũng đã tìm thấy đàn tế cùng nhiều di tích liên quan tới nghi lễ, thể hiện cư dân của các văn hóa trong khu di tích Chengtoushan đã thực hành nghi lễ tinh vi, sự phân hóa xã hội có lẽ đã xuất hiện trong khu vực này. Tình hình dân cư tại đây là rất đông đúc. [15]

Các văn hóa trong vùng Dương Tử cũng như trong vùng Đông Á có sự tương tác với nhau mạnh mẽ hơn các giai đoạn trước, cùng với đó là sự mở rộng vùng phân bố của các văn hóa, là văn hóa đồ đá mới của mỗi khu vực ngày càng trở nên phức tạp, dẫn đến nền tảng của một nền văn minh riêng biệt ở mỗi khu vực. Các vấn đề quan trọng nhất trong sự phát triển văn hóa giai đoạn này là (1) quyền lực ưu tú nổi lên thể hiện trong quyền lực nghi lễ, (2) sự hình thành các hệ thống tư tưởng trên quy mô liên vùng, và (3) dân số mở rộng do kết quả của quá trình phát triển lâu dài của tình trạng định canh nông nghiệp. [15]

Hình 11: Hình ảnh phục dựng mô hình nhà thủ lĩnh của văn hóa Qujialing (Khuất Gia Lĩnh) được thực hiện bởi Yoshito Miyatsuka. [15a]

Vào thiên niên kỷ thứ 5 trước công nguyên, hầu hết các cộng đồng nông dân trong vùng Dương Tử theo chủ nghĩa quân bình, chưa có sự phân hóa về tầng lớp, nhưng sang thế kỷ sau, một số cá nhân đã nắm được một số vai trò chính trị nhất định và sở hữu địa vị xã hội đặc biệt, nhờ kiến thức về thiên văn học, y học và nông nghiệp, hoặc khả năng thực hiện các nghi lễ. Sự phân tầng xã hội dường như đã xuất hiện ở một số khu vực, như các mô hình định cư được tổ chức theo thứ bậc, việc xây dựng các tòa nhà lớn, sự phân hóa xã hội trong các khu nghĩa địa và sự kiểm soát của giới tinh hoa đối với việc sản xuất và phân phối hàng hóa có uy tín, chẳng hạn như ngọc bích. [15]

Về khía cạnh nghệ thuật, thì các hình vẽ hoặc chạm khắc liên quan mật thiết tới hệ tư tưởng, chẳng hạn như kiến thức vũ trụ, thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng sinh sản và sức mạnh siêu nhiên của động vật. Mặc dù mỗi khu vực phát hiện hệ thống tín ngưỡng riêng của mình, nhưng các văn hóa vẫn chia sẻ chung một số yếu tố chung như rồng, rùa, chim, các hình tròn – vuông gắn với tư tưởng trời tròn đất vuông… Những cá nhân ưu tú có thể đã kiểm soát cả kiến ​​thức nghi lễ và sản xuất và phân phối các đồ dùng nghi lễ, đặc biệt là các đồ vật bằng ngọc bích. Họ cũng có thể chịu trách nhiệm về việc trao đổi kiến ​​thức nghi lễ trên cơ sở giữa các vùng, dẫn đến việc hình thành một số tín ngưỡng chung trên một khu vực rộng lớn, như được thể hiện trong tư liệu khảo cổ học [19].

Tại vùng trung lưu Dương Tử, đây là một trong những trung tâm lan tỏa văn hóa của vùng Đông Á cổ, đây là nơi có đàn tế đầu tiên được tìm thấy tại văn hóa Gaomiao, có chiếc rìu bằng ngọc lễ khí đầu tiên, và hình tượng chim Phượng cũng được xác định lần đầu tiên được tìm thấy tại văn hóa này. [20]. Đây là các yếu tố văn hóa rất quan trọng của nền văn hóa Đông Á cổ, sau đó lan tỏa rộng khắp ra các văn hóa trong vùng Đông Á, và chiếc rìu ngọc sau đó đã trở thành đặc trưng của tộc Việt, với tên Việt được cấu tạo từ hình tượng thủ lĩnh cầm rìu lễ khí.

Hình 12: Rìu ngọc đầu tiên của Đông Á tìm thấy tại văn hóa Gaomiao. [Nguồn: Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học tỉnh Hồ Nam, Neolithic Gaomiao Site in Hongjiang City, Hunan]

Văn hóa Đông Á cổ đã bắt đầu một nền văn minh đồ ngọc được sử dụng cho các hoạt động tâm linh được chế tác rất tinh xảo ngay từ thời điểm văn hóa Gaomiao (Cao Miếu), Hemudu (Hà Mẫu Độ), sau đó các văn hóa tiếp theo tiếp tục phát triển nền văn hóa đồ ngọc lên những tầm cao mới. Trong giai đoạn sau, thì văn hóa đồ ngọc nổi bật vùng Dương Tử giai đoạn này là văn hóa Lingjiatan (Lăng Gia Than, 3600-3300) nằm tại tỉnh An Huy, vùng hạ lưu Dương Tử. Ngoài văn hóa này, thì cùng thời điểm còn có văn hóa Hongshan (Hồng Sơn, 4500-3000 TCN) cũng có trình độ tạo tác cao về đồ ngọc.

Hình 13: Các cổ vật bằng ngọc tìm thấy tại văn hóa Lingjiatan. [15]

Các cổ vật bằng đá/ngọc bích của Lingjiatan được chế tác dưới nhiều hình dạng, với rìu lễ khí, đĩa bích, mặt dây chuyền, hoa tai, tượng người và động vật. Các cổ vật quan trọng nhất của văn hóa Lingjiatan được chúng tôi dẫn ở hình trên. Nhiều tác phẩm đã cố gắng giải thích ý nghĩa của các cổ vật bằng ngọc của văn hóa Lingjiatan, hầu hết các học giả đều tin rằng một số bức tượng hình động vật và các mô hình hình học có ý nghĩa vũ trụ. Như học giả Li Xinwei [21] đã lập luận rằng tấm bảng hình lồi có thể tượng trưng cho thiên đường có mái vòm, và thiết kế trên tấm bảng, bao gồm một ngôi sao hình bát giác (tượng trưng cho mặt trời hoặc địa cực), có thể đại diện cho vũ trụ, như quan niệm. của người thời kỳ đồ đá mới. Những đồ vật bằng ngọc bích này rất có thể được sử dụng bởi những cá nhân ưu tú làm đồ dùng nghi lễ.

Một số đặc điểm của các bức tượng bằng ngọc bích được tìm thấy ở cả các nền văn hóa ở hạ lưu sông Dương Tử và thung lũng sông Liêu. Sự liên hệ này và những biểu hiện vật chất của đồ ngọc đã thể hiện chúng đóng vai trò là phương tiện truyền bá kiến thức vũ trụ học và một số nhận thức về sự ưu tú ở văn hóa Đông Á cổ. [15]

Một vấn đề khác cũng khá quan trọng trong văn hóa Đông Á cổ, đó là hiện tượng phân tán dân cư tới các vùng khác, như ở văn hóa Daxi và Hemudu, thì các văn hóa này đã có sự mở rộng về phía Nam tới sông Châu Giang và các vùng ven biển phía Đông Nam. Những người nông dân thời đồ đá mới của các văn hóa này khi di cư xuống đã mang theo công nghệ và kiến ​​thức về nông nghiệp. [15]

4. Sự tương tác và di cư của các văn hóa Đông Á cổ:

Các nghiên cứu di truyền, nhân chủng cũng cho thấy một phần sự tương tác cũng như di cư, hòa huyết của các văn hóa tại vùng Đông Á cổ.

Công trình nghiên cứu hình thái sọ mặt của Matsumura et al. (2019) cho thấy mô hình hai lớp trong đó lớp cư dân có nguồn gốc Seberia ở Bắc Á thay thế cho lớp người đầu tiên săn bắn hái lượm ở bắc Đông Á. [22]

3-768x576

Hình 14: Mô hình hai lớp về dân cư Đông Á. [22]

Sau đó, các cư dân cổ rời khỏi châu Phi tới vùng Đông Nam vào khoảng 65000 – 50000 năm trước [1][2], vào thời điểm 12000 năm trước thì cư dân vùng Đông Nam Á đã di cư lên vùng Đông Á theo các nghiên cứu di truyền mà chúng tôi đã dẫn ở phần trên. [7][8][9][10]

ng.goc002

Hình 16: Bản đồ thiên di của những người cha cho thấy dòng di cư lên phía Bắc, làm cốt lõi cho sự hình thành chủng Mongoloid. (Gary Stix (2008). Traces of a distant past. Scientific American;299(1):56-63)

Cư dân gốc Đông Nam Á không chỉ di cư lên vùng Dương Tử, mà còn đi xa hơn lên vùng đồng bằng sông Hoàng Hà, tại vùng này, thì các cư dân cổ gốc Đông Nam Á và cư dân Siberia đã gặp nhau, bắt đầu hình thành các nền văn hóa cổ ở vùng bắc Đông Á. Trong khi đó, có một phần lớn cư dân cổ dừng chân tại vùng trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử, hình thành nên các văn hóa mà chúng tôi đã dẫn ở phần trên.

Nghiên cứu của Chao Ning et al. (2020) đã cho thấy ở trung lưu và thượng lưu của sông Hoàng Hà đã có sự pha trộn thành phần nam Đông Á đối với bắc Đông Á ngay trong thời Đá mới. Ở trung lưu sông Hoàng Hà vào giữa thời Đá mới đá, hệ gen của người Ngưỡng Thiều (chủ yếu trồng kê) đã có sự pha trộn của thành phần nam Đông Á. [23]

Các văn hóa có sự liên hệ và giao lưu với nhau khá thường xuyên, các đặc trưng văn hóa từ một vùng có thể lan tỏa ra các vùng khác thông qua con đường di cư hoặc ảnh hưởng văn hóa.

Sự phát triển và giao lưu có hệ thống của các văn hóa cổ tại vùng Đông Á trong thời điểm này đã làm nền tảng để bắt đầu hình thành cộng đồng tộc Việt tại vùng Dương Tử với các văn hóa Liangzhu (Lương Chử), Shijiahe (Thạch Gia Hà).

5. Văn hóa Lương Chử:

Văn hóa Liangzhu (3300–2000 TCN) phân bố ở phía bắc Chiết Giang và phía nam Giang Tô. Di tích về văn hóa Lương Chử lần đầu tiên được phát hiện ở vùng Hàng Châu vào năm 1936, những khám phá về các di tích của văn hóa Lương Chử đã tiết lộ những di sản lớn lao, đánh dấu sự hình thành nền văn minh nhà nước sông Dương Tử.

Các di tích văn hóa Lương Chử được phân bố theo từng cụm, mỗi cụm dường như có một vị trí trung tâm được xác định bởi kiến trúc công cộng lớn hoặc các khu chôn cất công phu. Trong số các trung tâm, thì nổi bật nhất là trung tâm Mojiaoshan, đây là cụm địa điểm có một hệ thống định cư phức tạp. Đây là một vùng đất cao nhân tạo, cao khoảng 10m, rộng tới 30 ha. Một số móng kiến trúc bằng đất, rộng tới 3 ha đã được tìm thấy tại đây, đây có thể là trung tâm chính trị của cụm địa điểm. Về phía Tây Bắc của Mojiaoshan có một khu chôn cất của tầng lớn tinh hoa, Fanshan, là một núi nhân tạo, có diện tích 2700 m2 trên diện tích và có độ cao 5 m so với vùng đất xung quanh, tại đây đã tìm được 11 mộ, tìm thấy hàng ngàn đồ vật bằng ngọc. Ở phía Bắc cụm địa điểm là một bức tường dài 5km và rộng 20-50m, một số nhà nghiên cứu cho rằng chức năng chính của bức tường là để kiểm soát lũ lụt. [15]

Hình 17: Sơ đồ thành phố Lương Chử với hệ thống kênh rạch, tường thành, đê và đập nước, khu cung điện trung tâm ở Mạc Giác Sơn (Mojiashan) [44]

Theo các nhà nghiên cứu, thì xã hội Lương Chử được tổ chức theo thứ bậc, trong khi nhiều mộ nhỏ không có đồ lễ, thì tại những ngôi mộ lớn có tới vài trăm đồ gốm và ngọc bích, một số nhà khảo cổ học cho rằng văn hóa Lương Chử là một xã hội với nhà nước được tổ chức phức tạp [24][25], do đó cụm địa điểm Mojiaoshan có thể là thủ phủ của bang, và các khu chôn cất tại Fanshan và Yaoshan có thể là lăng mộ của các vị vua. [26]

Văn hóa Lương Chử có hệ thống xã hội phân tầng phức tạp với ít nhất 4 tầng lớp [27][28], có hệ thống thủy lợi sớm nhất thế giới với hệ thống đập, đê, mương dẫn nước, cung điện [29]. Hệ thống này có khả năng kiểm soát các hồ chứa lớn và chuyển hướng nước vào các vị trí được nhắm mục tiêu cụ thể, tại bất kỳ thời điểm nào. Việc kiểm soát nước tại Lương Chử đã tạo ra quy mô canh tác lúa chưa từng có trước đó [29]. Xã hội Lương Chử là xã hội phụ hệ với quyển lực thuộc về dòng nam [30]. [33a]

Mạng lưới kênh rạch rộng lớn hoạt động cùng với các cổng, bến tàu và các công trình khác có vị trí chiến lược để hỗ trợ nền kinh tế trồng lúa, vận chuyển hàng hóa và con người, quan hệ thương mại và các mục tiêu khác [29]. Cư dân Lương Chử thường xây nhà bên cạnh các con sông, kênh rạch và thông thạo tàu thuyền. [33a]

Hình 18: Bản đồ thành phố Lương Chử với các khu định cư lân cận, cho thấy vị trí của các con đập cao (High-dam) và đập thấp (Low-dam). [44]

Văn hóa Lương Chử nổi tiếng với nền văn hóa đồ ngọc. Các đồ ngọc giá trị nhất của văn hóa này là rìu ngọc, ngọc tông (cong), đĩa bích (bi), motif điển hình là motif hình vị thần đội chiếc mũ lông vũ, thường được khắc họa trên ngọc tông. Đây là các lễ khí chính của văn hóa Lương Chử, theo nghiên cứu của Chang (1989) [31] thì ngọc tông là một biểu tượng tượng trưng cho sự kết nối giữa trời và đất. Rìu ngọc bắt nguồn từ văn hóa Cao Miếu ở Hồ Nam như chúng tôi đã dẫn ở phần trên, rìu ngọc của văn hóa Lương Chử vừa là lễ khí vừa là biểu tượng của thủ lĩnh [28]. Ngôi mộ của giới quý tộc Lương Chử có thể chứa nhiều rìu đá, đĩa bích, ngọc tông….nhưng thường chỉ chứa một rìu ngọc [28] [32]. Vòng bích tròn tượng trưng cho trời, dùng để tế trời. Vòng bích Lương Chử thường khắc hình con chim nhỏ đi theo chiều ngược chiều kim đồng hồ (hình 19.1, 19.2). Đặng Thục Bình (2000) chứng minh hình chim nhỏ biểu thị quan niệm thiên văn trời tròn, đất vuông và mặt trời chuyển động xung quanh thiên cực Bắc [33]. Vòng bích có từ văn hóa Hồng Sơn nhưng văn hóa Lương Chử có số lượng vòng bích nhiều nhất. Ngọc tông vuông tượng trưng cho đất, dùng để tế đất (hình 19.3-19.5). Rìu là công cụ của con người thờ đồ đá bởi vậy rìu ngọc là lễ khí để tôn thờ khả năng của con người. [33a]

Hình 19: 1. Bản vẽ đĩa bích ở phòng trưng bày Freer [35]. 2: Đĩa bích ngọc [36] 3-5: Ngọc tông [36]. 6-8. Rìu ngọc lễ khí [36]. [33a]

Ngọc Liangzhu, cùng với những ý nghĩa biểu tượng của chúng, đã có ảnh hưởng lớn đến nhiều nền văn hóa thời kỳ đồ đá mới ở các khu vực khác. Và văn hóa Lương Chử đã làm nền tảng cho sự phát triển của văn hóa Thạch Gia Hà kế tiếp nó tại vùng trung lưu Dương Tử.

6. Văn hóa Thạch Gia Hà:

Văn hóa Thạch Gia Hà phân bố tại vùng Hồ Bắc, có niên đại vào khoảng 2500-2000, là văn hóa kế tiếp văn hóa Qujialing trong vùng trung lưu Dương Tử. Văn hóa Thạch Gia Hà là văn hóa nối ngay sau sự phát triển của văn hóa Lương Chử tại vùng hạ lưu Dương Tử. Sự phát triển của văn hóa Thạch Gia Hà sau đó đã vượt trội so với sự phát triển của văn hóa Lương Chử, có sự ảnh hưởng lớn tới văn hóa vùng Đông Á trong thời kỳ này.

Văn hóa Thạch Gia Hà phân bố trên một diện tích rộng lớn xung quanh hồ Động Đình (hình 1) với trên 1000 di chỉ [15]. Trong đó có khoảng 17 di chỉ có tường và kênh mương bao quanh [34]. Khu di chỉ lớn nhất là thành phố Thạch Gia Hà rộng khoảng 8 km2 với kết cấu tương tự thành phố Lương Chử [34, 15]. Hệ thống kênh mương được đào xung quanh các khu đô thị và kết nối với các con sông gần đó [15]. Hệ thống thủy lợi quy mô lớn bao gồm đê điều và hồ vẫn được bảo tồn ở phía Tây của di chỉ Thạch Đầu Sơn (Chengtoushan) [15].

Văn hóa Thạch Gia Hà kế thừa đồ hình âm dương thái cực của văn hóa Khuất Gia Lĩnh Qujialing ̣(3400-2600 TTL) trước đó (hình 20.1-20.3). Allen Tsai đã chứng minh nguồn gốc của thái cực đồ bằng việc phối hợp đo bóng mặt trời và chuyển động của sao Bắc Đẩu xung quanh thiên cực Bắc (hình 20.4-20.5). Đồ hình âm dương thái cực trên dọi se chỉ của Khuất Gia Lĩnh, Thạch Gia Hà có phần âm dương tụ vào tâm, tương đồng với đồ hình âm dương của Allen Tsai và gần giống với đồ hình âm dương thái cực của Lại Trí Đức năm 1599 [37].

Hình 20: Đồ hình âm dương ̣thái cực. 1-2: Hình âm dương trên dọi se chỉ văn hóa Khất Gia Lĩnh [39] [40]. 3: Hình âm dương trên dọi se chỉ Thạch Gia Hà [41]. 4: Hình âm dương của Lại Trí Đức thời Minh [37]. 5: Hình âm dương tạo thành từ việc vẽ độ dài bóng nắng theo chuyển động của sao Bắc Đẩu trong 24 ngày tiết khí của Allen Tsai (bóng nắng ngày hạ chí làm mốc 0) [42]. 6: Độ dài bóng nắng trong 24 ngày tiết khí [42]. 7. Hình âm dương trên quốc kỳ đế quốc Đại Hàn năm 1882 [43]. 8. Hình âm dương trong sách Huyền Thông Đại Thư [38]. 9. Hoa văn xoáy ốc trên ngọc Lương Chử [44]. 10. Hoa văn xoáy ốc của Thạch Gia Hà [45]. [46]

Vị thần ở văn hóa Lương Chử được văn hóa Thạch Gia Hà kế thừa và điêu khắc trên các miếng ngọc riêng với số lượng lớn và đa dạng. Hình ảnh vị thần của văn hóa Thạch Gia Hà thường là hình người thường có răng nanh lớn, đầu có thể đội mũ miện hình chim (hình 21.1-21.6).

Hình 21: Hình vị thần văn hóa Thạch Gia Hà [45, 47, 48]

Văn hóa Thạch Gia Hà rất coi trọng chim phượng hoàng và rồng thể hiện qua các đồ bằng ngọc hình tròn (tượng trưng cho trời), được tạo tác tinh xảo (hình 22.1-22.3) và được dùng trong việc tế lễ giống các ngọc khác. Các văn hóa Long Sơn (cùng thời với Thạch Gia Hà), Nhị Lý Đầu của Hoa Bắc cũng không có ngọc rồng, ngọc chim phượng hoàng. Cư dân tộc Việt các giai đoạn sau xăm hình rồng trên người và đầu đội mũ lông chim thể hiện việc mang trong người thể tính tốt đẹp của cả hai loài vật trên.

Hình 22: Ngọc hình chim, rồng, hổ, người ở văn hóa Thạch Gia Hà. 1-2: Ngọc chim phượng hoàng [50]. 3: Ngọc rồng [50]. 4: Ngọc hai con chim [50]. 5: Ngọc hổ [50]. 6: Ngọc hình chim [49]. 7: Ngọc hình đầu người. 8: Ngọc đầu người có thân uốn cong.

Các loại ngọc khác như ngọc hình hổ, vẹt …. cũng rất đẹp (hình 22.4-22.8). Công nghệ và kỹ thuật chế tác ngọc của Thạch Gia Hà được đánh giá vượt trội so với văn hóa Lương Chử và văn hóa Hồng Sơn [51], vào hàng cao nhất của việc chế tác ngọc Đông Á thời tiền sử [49]. Các lễ khí của văn hóa Lương Chử là đĩa bích, ngọc tông và rìu cũng có mặt ở văn hóa Thạch Gia Hà (hình 23.1-23.4).

Một điều đặc biệt nữa ở văn hóa Thạch Gia Hà là sự xuất hiện của nha chương ngọc (hình 23.5-23.6). Nha chương, bắt nguồn ở văn hóa Đại Vấn Khẩu cách đây khoảng 4500 năm trước [52], có hình hai răng nanh. Một số nhà nghiên cứu cho rằng Nha Chương chỉ là lễ khí, có tác dụng tế núi, tế sông. Tuy nhiên Đặng Công cho rằng Nha Chương ở Nhị Lý Đầu biểu hiện cho quyền lực nhà nước [52]. Các nơi có nha chương thường là trung tâm phát triển nhất so với các khu vực xung quanh, nha chương được chôn theo các ngôi mô có cấp bậc rất cao trong xã hội với rất nhiều ngọc và các đồ tùy táng có giá trị.

Hình 23: Ngọc lễ khí và ngọc biểu thị quyền lực của văn hóa Thạch Gia Hà. 1. Đĩa bích. 2-3: Ngọc tông. 4: Rìu ngọc. 5-6: Nha chương.

7. Sự hình thành tộc Việt tại các văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà:

Tại các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà, là các văn hóa đánh dấu sự hình thành cộng đồng tộc Việt, với sự di cư về của các cư dân của các văn hóa trong vùng bắc Đông Á là Hồng Sơn và Đại Vấn Khẩu.

Khái niệm Việt bắt đầu hình thành từ khá sớm, có một tiến trình phát triển và hình thành dài, tới thời văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà thì khái niệm Việt bắt đầu thành hình, cùng với đó là sự thành lập các quốc gia được tổ chức phát triển tại các văn hóa này..

Hình 24: Biểu tượng Việt và chữ Việt theo thời gian. 1-2: Biểu tượng Việt (rìu ngọc) ở văn hóa Đại Vấn Khẩu [53]. 3-6: biểu tượng ngôi sao 8 cánh, rìu ngọc, hình chữ nhật có đường chéo, hình mũi tên trên bình gồm của văn hóa Lương Chử [54]. 7-10: chữ Việt (nghĩa là cái rìu, búa) ở dạng giáp cốt văn, kim văn, triện văn, khải thư [55]. 11-14:chữ Việt (vượt qua, nước Việt…) ở dạng kim văn (11-12), triện văn, khải thư [56]. 15: Bình gồm có khắc biểu tượng thủ lĩnh cầm rìu [45] [57]. 16: Hình người cầm rìu trên trống đồng Miếu Môn [58]. 

Các biểu tượng liên quan tới chữ Việt có nguồn gốc sớm nhất tại văn hóa Đại Vấn Khẩu tại vùng bắc Đông Á, văn hóa này và các văn hóa tại vùng Dương Tử có sự giao lưu và truyền thông tin rất thường xuyên, đặc biệt là về mặt văn hóa, chính trị và tâm linh. Thành phần di truyền của cư dân Đại Vấn Khẩu đã có sự hòa trộn di truyền của cư dân của vùng Dương Tử ngay trong thời điểm tồn tại của văn hóa này, với sự di cư lên phía Bắc của cư dân phía Nam [59]. Tới khoảng 5300 năm trước, thì cư dân văn hóa Đại Vấn Khẩu đã di cư về vùng Dương Tử để hình thành văn hóa Lương Chử, hình thành cộng đồng tộc Việt. Chữ Việt được tạo nên từ biểu tượng người cầm rìu ngọc, có ý nghĩa vượt lên những người khác cũng tương đồng với ý nghĩa chữ Việt (vượt) hiện đang dùng.

Tại các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà đã được chứng minh về sự tồn tại của nhà nước như chúng tôi đã dẫn ở các phần trên. Đây là các tổ chức nhà nước phát triển, thể hiện sự gắn kết về ý thức văn hóa và tổ chức nhà nước. Truyện họ Hồng Bàng được lưu truyền trong văn hóa dân gian của người Việt và được ghi thành văn trong sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp thời điểm đó hoàn toàn có cơ sở thực tế. Thời điểm hình thành của văn hóa Lương Chử vào khoảng 3400 – 2250 TCN, tương ứng với chi tiết về quốc gia Xích Quỷ của Kinh Dương Vương, sự hình thành của văn hóa Thạch Gia Hà vào khoảng 2500 – 2000 TCN tương ứng với thời điểm hình thành quốc gia Văn Lang của Lạc Long Quân. Trong thời điểm này, thì các cư dân tộc Việt chưa di cư về phía Nam, mà chỉ phát triển tập trung tại vùng Dương Tử. Tới thời điểm hơn 4000 năm trước thì do hạn hán [60] tại đây, mà các cư dân tộc Việt tại vùng Dương Tử phải di cư về phía Nam. [61][62]

Nguồn gốc của người Việt là từ cộng đồng tộc Việt, với sự hợp nhất của hai nhóm bắc Đông Á và nam Đông Á, trong đó bao gồm cả văn hóa Đại Vấn Khẩu tại vùng Sơn Đông, có nhiều bằng chứng chứng minh sự tồn tại của văn hóa Đại Vấn Khẩu trong dòng văn hóa của người Việt.

cc6a1-ce1baa5u-di-truye1bb81n-ngc6b0e1bb9di-vie1bb87t

Hình 25: Gen người Việt ngày nay có tỉ lệ: 70% gen Dương Tử, 20% gen Bắc Á (Devil’s Gate), và 10% gen Hòa Bình cổ. [63]

Công trình nghiên cứu di truyền, với biểu đồ phân tích nguồn tổ tiên ở trên [63], cho thấy trong di truyền của người Việt có khoảng 20% gen của người Bắc Á, và 70% gen Dương Tử, chứng minh một phần về dòng máu của văn hóa phía Bắc trong di truyền của người Việt.

8. Người Nam Đảo và văn hóa Lương Chử:

Người Nam Đảo có vai trò và vị trí như thế nào trong văn hóa Lương Chử? Các giả thuyết cũ cho rằng văn hóa Lương Chử do các cư dân Nam Đảo kiến tạo nên, tuy nhiên hiện trạng dân cư thời kỳ đó có sự đan xen của cư dân thuộc hệ ngữ Nam Á và cư dân thuộc hệ ngữ tiền Nam Đảo/Tai-Kadai, nhưng các nghiên cứu cũng cho thấy cư dân Nam Á đóng một vai trò quan trọng hơn.

Nghiên cứu của Sagart et al. (2018) cho thấy cư dân Nam Đảo và tiền Tai-Kadai có nguồn gốc từ vùng bắc Đông Á, bắt đầu di cư xuống phía Nam vào thời điểm 6000 năm trước, thời điểm đó họ đang còn ở chế độ mẫu hệ [64]. Trước đó, vùng Dương Tử là cư dân thuộc hệ ngữ Nam Á, các văn hóa sau đó, thì thành phần Nam Á đóng vai trò quan trọng và chủ yếu trong vùng Dương Tử, họ đã sinh sống lâu đời trong vùng Dương Tử, phát triển nền văn hóa nông nghiệp thịnh vượng tại vùng Dương Tử từ trước đó rất lâu, cũng như bắt đầu chuyển sang chế độ phụ hệ từ sớm.

Theo các nghiên cứu về ngôn ngữ, thì ngôn ngữ cổ của ngữ hệ Nam Đảo liên quan tới kê [65], tương ứng với đặc điểm ưa sinh sống ở vùng cao của các cư dân hậu duệ của họ là hệ ngữ Tai-Kadai ngày nay. Tổ tiên của hai hệ ngữ này có nguồn gốc từ vùng Hoa Bắc, sau đó đã di cư về vùng Dương Tử để hình thành tộc Việt. Cũng theo nghiên cứu về ngôn ngữ, thì từ vựng về lúa gạo trong hệ ngữ Tai-Kadai được mượn từ hệ ngữ Nam Á. [66]. Nghiên cứu về nhân chủng học xương sọ cũng cho thấy thành phần của văn hóa Hemudu (Hà Mẫu Độ) và các di chỉ khác ở hạ lưu Dương Tử: Weidun, Tanshishan là cư dân thuộc hệ ngữ Nam Á. [22]

6-768x646-2

Hình 26: Nghiên cứu nhân chủng học xương sọ cho thấy thành phần của văn hóa Hà Mẫu Độ là cư dân Nam Á. [22]

Qua các nghiên cứu ở trên, chúng ta có thể thấy được các văn hóa tại vùng Dương Tử có thành phần chính là cư dân thuộc hệ ngữ Nam Á, về tình hình dân cư, thì có sự đan xen giữa cư dân Nam Á và cư dân Nam Đảo/Tai-Kadai. Cư dân Nam Đảo sau đó tiếp tục di cư về phía Nam [64], cư dân tiền Tai-Kadai vẫn tiếp tục ở lại và phát triển cùng tộc Việt nhóm Nam Á trong một cộng đồng chung.

Vì vậy chúng ta có đủ cơ sở kết luận thành phần chính của các văn hóa vùng hạ lưu Dương Tử với văn hóa cuối cùng là Lương Chử có thành phần Nam Á đóng vai trò chính, cư dân Nam Đảo/Tai-Kadai chiếm một vai trò ít quan trọng hơn so với cư dân Nam Á.

9. Trung lưu Dương Tử, cái nôi của cư dân Nam Á:

Cư dân hệ ngữ Nam Á có nguồn gốc và trung tâm phát triển chính là vùng trung lưu Dương Tử, là vùng đồng bằng rộng lớn, với trung tâm là hồ Động Đình. Các văn hóa trong vùng này đã xuất hiện từ rất sớm và cũng có trình độ phát triển cao so với các văn hóa cùng thời trong vùng Đông Á. Theo nhiều nghiên cứu, thì vùng trung lưu Dương Tử là nơi hình thành các hệ ngữ Nam Á và Hmong-Mien. [63][67]

Trung lưu Dương Tử cũng là trung tâm của tộc Việt trong thời văn hóa Thạch Gia Hà. Vùng hồ Động Đình ở phía Nam trung tâm của Thạch Gia Hà được ghi lại trong truyền thuyết, thơ ca là một vùng đất linh thiêng, trong truyền thuyết họ Hồng Bàng, cũng thể hiện rất rõ sự linh thiêng của vùng đất này trong tâm thức của người Việt.

Cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông tên là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi, rồi đi nam tuần đến Ngũ Lĩnh, gặp được nàng con gái Vụ Tiên đem lòng yêu mến mới cưới đem về, sinh ra Lộc Tục, dung mạo đoan chính, thông minh túc thành; Đế Minh lấy làm lạ, cho nối ngôi vua; Lộc Tục cố nhường cho anh. Đế Minh lập Đế Nghi làm tự quân cai trị phương Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ Quốc.

Kinh Dương Vương xuống thủy phủ, cưới con gái vua Động Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm tức là Lạc Long Quân; Lạc Long Quân thay cha để trị nước, còn Kinh Dương Vương thì không biết đi đâu. Lạc Lọng Quân dạy dân ăn mặc, bắt đầu có trật tự về quân thần tôn ty, có luân thường về phụ tử phu phụ; hoặc có lúc đi về Thủy phủ nhưng trăm họ vẫn được yên ổn.

[Lĩnh Nam chích quái, Trần Thế Pháp, bản dịch Lê Hữu Mục]

Qua đoạn trích trong truyện họ Hồng Bàng, chúng ta cũng thấy được sự linh thiêng của vùng đất này đối với người Việt. Khi di cư về phía Nam, thì người Việt vẫn tiếp tục gìn giữ những ký ức về vùng đất thiêng của họ. Điều này cũng góp phần chứng minh của văn hóa vùng trung lưu Dương Tử là trung tâm phát triển của cư dân hệ ngữ Nam Á, với hậu duệ trực tiếp là người Việt và người Mường ngày nay.

10. Văn hóa Thạch Gia Hà: Nguồn gốc của kỹ thuật luyện đồng trong vùng Đông Á:

Tại vùng Dương Tử cũng là nơi xuất hiện kỹ thuật luyện đồng đầu tiên của vùng Đông Á. Cụ thể là tại vùng trung lưu Dương Tử, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã tìm thấy rất nhiều di tích, di vật liên quan tới việc luyện kim của văn hóa Đại Khê, Khuất Gia Lĩnh, dấu tích tìm thấy sớm nhất của kỹ thuật luyện kim đã bắt đầu xuất hiện từ khoảng 4000 năm TCN, tới thời văn hóa Thạch Gia Hà, thì kỹ thuật luyện kim đã đạt tới một trình độ rất cao. [68]

Các tài liệu khảo cổ cũng cho thấy những di tích luyện kim đầu tiên của vùng trung lưu Dương Tử xuất hiện sớm nhất không muộn hơn 3800 năm TCN, thuộc giai đoạn văn hóa Đại Khê. Nền kỹ thuật luyện kim của vùng trung lưu Dương Tử đã hình thành sớm và phát triển trong một thời gian dài, nên cư dân văn hóa này đã đạt tới trình độ cao trong khả năng luyện đồng, tới thời văn hóa Thạch Gia Hà thì đồng được tinh chế rất sạch sẽ, ví dụ như xỉ ở di chỉ Yangxindalupu, Hồ Bắc, thì hàm lượng đồng chỉ là vài phần nghìn (xỉ đồng sunfua) hoặc không (xỉ oxit đồng), chỉ một số xỉ nấu chảy sẽ chứa 1% đồng. Công nghệ nấu chảy đủ để chiết xuất tất cả đồng từ các vật liệu khoáng sản, vì vậy xỉ nấu chảy của nền văn hóa Thạch Gia Hà rất giàu silic, sắt và nhôm, và đồng hiếm khi được phát hiện. [68]

Công nghệ luyện kim sớm nhất bắt đầu từ việc nhận diện các quặng đồng bị oxy hóa và phát minh ra phương pháp khử nấu chảy. Sau đó, kỹ thuật luyện kim phát triển thành sự kết hợp của quặng oxy hóa và sulfua để nấu chảy đồng ở văn hóa Thạch Gia Hà, với hợp kim đồng thiếc và đồng-thiếc-chì được phát minh độc lập. Do đó, văn hóa Thạch Gia Hà được xếp vào nền văn minh đồ đồng. Đây được xem như nền văn hóa đồ đồng sớm nhất trong vùng Đông Á, với niên đại hợp kim đồng-thiếc sớm nhất được xác định niên đại vào khoảng 3000-2500 BC. [68]

Hình 27: Các công cụ bằng đồng được tìm thấy tại văn hóa Thạch Gia Hà. [68]

Sau đó cư dân của văn hóa Thạch Gia Hà đã di cư về Việt Nam, tại văn hóa Phùng Nguyên, các tài liệu nghiên cứu cũng cho thấy thời kỳ này đã có kỹ thuật luyện đồng, với những cục xỉ đồng và đồng thau, tại văn hóa Phùng Nguyên cũng tìm thấy đồ đồng trong địa tầng văn hóa. Kết quả phân tích quang phổ thành phần hợp kim đồng thau cho thấy hợp kim của thời kỳ này là hợp kim đồng-thiếc. [69]

Hình 28: Mũi lao đồng văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: Văn hóa thời đại đồ đồng Đông Nam Á và mối quan hệ của nó với Trung Quốc (东南亚青铜时代文化及其与中国的).]

Về vấn đề nguồn quặng để luyện kim và sản xuất đồ đồng, thì theo các tài liệu lịch sử như Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi, tại miền Bắc Việt Nam có tồn tại hàng chục mỏ đồng lộ thiên [69], các mỏ thời kỳ Phùng Nguyên có thể còn nhiều hơn rất nhiều so với các mỏ của thời phong kiến, tới thời Đông Sơn lượng đồng khai thác cũng là rất nhiều, do đó số lượng các mỏ đồng tới thời kỳ phong kiến có lẽ ít hơn nhiều so với số lượng thực tế trong các thời kỳ trước.

Phân tích một số mẫu hợp kim đồng thau ở các di chỉ văn hóa Phùng Nguyên như Gò Bông, Gò Chiền cho thấy hàm lượng đồng khoảng 80-90%, hàm lượng thiếc khoảng 10-20%. Tỉ lệ hợp kim tương đối ổn định, thể hiện thời điểm đó người Việt đã có hệ thống tri thức rất vững về kỹ thuật luyện kim. Hàm lượng của chì, sắt, bạc, kẽm, asen và các kim loại khác chiếm tỉ lệ không đáng kể. [69]

Hiện tại các tư liệu khảo cổ về thời kỳ Phùng Nguyên chưa được nhiều và đa dạng như tài liệu khảo cổ tại Trung Quốc, nhưng cũng cung cấp cho chúng ta những thông tin quan trọng về kỹ thuật luyện đồng đã tiếp tục được người Việt kế thừa từ thời văn hóa Thạch Gia Hà. Về tỉ lệ hợp kim, bên cạnh hợp kim đồng-thiếc, thì có thể có những cổ vật sẽ được đúc gần như bằng đồng nguyên chất để sử dụng cho mục đích tế lễ, ngoài ra, chúng ta cũng chưa loại trừ khả năng có tồn tại cả hợp kim đồng-chì-thiếc trong thời Phùng Nguyên, cần phải có thêm các di vật được khai quật và phân tích để xác định được sự tồn tại của các loại hợp kim trong thời kỳ này.

IV. Cuộc di cư về phía Nam của cư dân Dương Tử và sự hình thành các hệ ngữ:

1. Cuộc di cư về phía nam của cư dân tộc Việt vùng Dương Tử:

Vào thời điểm hơn 4000 năm trước, thì nguyên nhân hạn hán đã khiến cư dân vùng Dương Tử di cư về phía Nam, bao gồm Lĩnh Nam, Việt Nam và Đông Nam Á lục địa và hải đảo.

Nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck Đức, Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion Pháp năm 2019 đã thể hiện người Việt có nguồn gốc chủ yếu là những người di cư từ Nam Đông Á về Việt Nam cách đây từ 2.700 – 4.000 năm trước [61].

Nghiên cứu gen của Hugh McColl và các cộng sự năm 2018 [62] (hình 9) cũng có quan điểm tương đồng với nghiên cứu của Viện hệ gen Việt Nam hợp tác với các chuyên gia Pháp, Đức. Cả hai nghiên cứu di truyền trên đều dựa trên các bộ gen cổ và các bộ gen hiện đại.

Mô hình di cư ở Đông Nam Á thời tiền sử được xây dựng nên gồm 2 lớp từ châu Phi tới  Đông Nam Á vào khoảng 30.000-60.000 năm trước và từ Đông Á di cư ngược về cách đây 2.700 – 4.000 năm. [33]

Hình 29: Các tuyến di cư chính giữa Nam Đông Á và Đông Nam Á thời cổ đại. [62]

Trong cuộc di cư về Lĩnh Nam, Việt Nam và Đông Nam Á lục địa, thì thành phần chính là cư dân Nam Á. Họ sinh sống trải rộng trong vùng lục địa Đông Nam Á và di cư sang cả Ấn Độ.

austroasiatic

Hình 30: Bản đồ phân bố các dân tộc thuộc hệ ngữ Nam Á tại vùng Đông Nam Á lục địa và Ấn Độ. [Nguồn: Gerard Diffloth (p.c.), trích trong Handbook of East and Southeast Asian Archaeology, 2017, Junko Habu, Peter V. Lape, John W. Olsen.]

2. Sự kế thừa văn hóa Dương Tử tại các văn hóa ở Việt Nam:

Cư dân tộc Việt tại miền Bắc Việt Nam có nguồn gốc trực tiếp hơn là từ cư dân của văn hóa Thạch Gia Hà phân bố tại vùng Động Đình, khi di cư về Việt Nam, cư dân tộc Việt đã hình thành nên văn hóa Phùng Nguyên. Sự kế thừa truyền thống từ văn hóa vùng Dương Tử được thể hiện rõ trên nhiều loại hình cổ vật, trong đó có nha chương.

Nha chương có nguồn gốc từ văn hóa Đại Vấn Khẩu tại vùng Sơn Đông có niên đại vào khoảng hơn 5000 năm trước công nguyên, khi đó chưa có chức năng đại diện quyền lực chính trị và quân sự, sau đó cư dân tại vùng này đã di cư về vùng Động Đình, Dương Tử, văn hóa Thạch Gia Hà (4600 – 4000 BC) đã có sự kế thừa Nha chương, truyền thống này tiếp tục được kế thừa tại văn hóa Phùng Nguyên khi cư dân tộc Việt di cư về Việt Nam trong khoảng hơn 4000 năm trước. Do vậy Nha chương là vật có nguồn gốc từ truyền thống và sự phát triển của tộc Việt, không phải có nguồn gốc từ các văn hóa Tam Tinh Đôi, Nhị Lý Đầu, hay từ nhà Hạ, nhà Thương như một số nhà nghiên cứu đề xuất.

Hình 31: Nha chương ngọc văn hóa Thạch Gia Hà và Các Nha chương ngọc văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: 1. Dương Việt Đông 杨越东 (2017). Bộ sưu tập và nghiên cứu ngọc văn hóa Thạch Gia Hà 石家河文化玉器收藏与研究: Nhà xuất bản Chiết Giang. 2,3. Bảo tàng tỉnh Phú Thọ, dẫn.]

Bên cạnh nha chương, thì những chiếc qua bằng ngọc của văn hóa Phùng Nguyên cũng thể hiện rất rõ sự kế thừa truyền thống tại vùng Dương Tử.

Hình 32: Qua ngọc văn hóa Thạch Gia Hà và qua ngọc Phùng Nguyên. (Qua Phùng Nguyên được ghi trong thông tin của bảo tàng là qua đá, tuy nhiên qua đá có màu xám đậm khá dễ nhận biết, theo tư liệu chúng tôi tìm được (dẫn), thì qua đá có màu sắc khác hẳn so với chiếc qua này, do đó đây khả năng là một chiếc qua bằng ngọc.) [Nguồn: 1. dẫn; 2. Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Gary Todd, dẫn]

Đĩa bích tế trời từ thời văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà vẫn tiếp tục được cư dân tộc Việt đúc và sử dụng tại văn hóa Phùng Nguyên khi di cư về Việt Nam.

Hình 33: Đĩa bích văn hóa Lương Chử và đĩa bích văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: 1. Bảo tàng tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, dẫn; 2. Nguyễn Anh Tuấn, Trịnh Sinh, 2005, Cổ vật Phú Thọ.]

So sánh các cổ vật bằng gốm của văn hóa Thạch Gia Hà và văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: A. (trái) Thạch Gia Hà: 1. Bảo tàng văn minh Trường Giang, dẫn; 2. Bảo tàng Khuất Gia Lĩnh, dẫn; 3. Viện khảo cổ Trung Quốc, dẫn; 4, 5. Viện khảo cổ Hồ Nam, dẫn; B. Phùng Nguyên: Hán Văn Khẩn, Văn hóa Phùng Nguyên, Nhà xuất bản đại học quốc gia Hà Nội, 2005.]

A. Đồ gốm Thạch Gia Hà; B: Đồ gốm Phùng Nguyên. [Nguồn: Thai Hâm Thành 邰鑫成, 石家河文化墓地研究 Nghiên cứu về nghĩa trang văn hóa Thạch Gia Hà, dẫn; Hán Văn Khẩn, Văn hóa Phùng Nguyên, Nhà xuất bản đại học quốc gia Hà Nội (2005)]

Tính kế thừa qua các giai đoạn tại Dương Tử và miền Bắc Việt Nam qua đồ gốm:

Sự kế thừa xuyên suốt từ thời văn hóa tại vùng Dương Tử, tới Phùng Nguyên qua tới Đông Sơn thể hiện rõ nhất qua nồi gốm cùng với chạc được sử dụng để nấu ăn, đây là đặc trưng được kế thừa liên tục trong các giai đoạn kéo dài tới khoảng 7000 năm.

Cổ vật gốm có thể nói là một loại hình đặc trưng và ít thay đổi qua thời gian, cổ vật gốm tại các vùng có sự di cư tới của các cư dân tộc Việt thể hiện sự tương đồng rất rõ. Nồi gốm cùng chạc gốm như dưới đây được tìm thấy sớm nhất tại tỉnh Hồ Bắc có niên đại vào khoảng 7000 năm TCN, sau khi họ di cư về Việt Nam thì tại văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn đều tìm thấy loại hình chạc cùng nồi gốm này.

Hình 34: Nồi gốm và chạc gốm tại tỉnh Hồ Bắc, thuộc di chỉ tại văn hóa sông Chengbei, tiền thân của các văn hóa tại trung lưu Dương Tử (vùng hồ Động Đình) có niên đại vào khoảng 7000 năm TCN. [Nguồn: dẫn]

Hình 35: Nồi gốm và chạc gốm tại các văn hóa Phùng Nguyên (A: 1.700-1.500 TCN; B: 2.000 TCN) và văn hóa Đông Sơn. (C: 800 TCN – 200 TCN) [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, dẫn lại bởi Huang Mingchong, đường dẫn]

Đồ gốm văn hóa Chengbeixi (A, 5000-3000 BC, Hồ Bắc) và văn hóa Phùng Nguyên (B, 2000 BC Việt Nam). Các loại hình gốm của văn hóa vùng Dương Tử được kế thừa đầy đủ tại miền Bắc Việt Nam. [Nguồn: 1. Fiorella Rispoli, The Incised & Impressed Pottery Style of Mainland Southeast Asia: Following the Paths of Neolithization, dẫn; 2. Hà Văn Tấn, Prehistoric Pottery in Viet Nam and Its Relationships with Southeast Asia, dẫn]

V. Những thành tựu của nền văn minh sông Dương Tử:

Nền văn minh sông Dương Tử đã sáng tạo nên rất nhiều những thành tựu vượt trội, đúng như ý nghĩa chữ Việt, có nghĩa là “vượt lên trên người khác” mà họ đã lấy làm tên dân tộc của mình

1. Cánh đồng lúa sớm nhất và lớn nhất thế giới được phát hiện:

Vào năm 2020, khảo cổ học Trung Quốc đã công bố nghiên cứu về cánh đồng lúa cổ đại sớm nhất trên thế giới, được tìm thấy tại Dư Diêu, thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang. Đây là là cánh đồng lúa cổ lớn nhất, lâu đời nhất và được chứng minh đầy đủ nhất trên thế giới. [70]

Các cuộc thăm dò ban đầu đã phát hiện ra rằng tổng diện tích của các cánh đồng lúa cổ đại tại di chỉ Shi’ao là khoảng 900.000 mét vuông, bao gồm các thời kỳ văn hóa Hà Mẫu Độ, Lương Chử sớm và muộn kéo dài từ 7000 năm trước đến khoảng 4500 năm trước ngày nay. [70]

Hình 36: Không ảnh cánh đồng lúa cổ đại lớn nhất thế giới được tìm thấy tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. [70]

Ngoài cánh đồng lúa tại văn hóa Hemudu ở hạ lưu Dương Tử, thì tại vùng trung lưu Dương Tử, với văn hóa Tangjiagang (Đường Gia Cảng, 7000-6400 BP) cũng tìm thấy một trong những cánh đồng lúa lớn và cổ nhất thế giới có niên đại vào khoảng 6500 cách ngày nay. [15a]

Cánh đồng lúa được khai quật tại văn hóa Tangjiagang. [15a]

Các bằng chứng này trực tiếp chứng minh về sự phát triển của nền văn minh nông nghiệp lúa nước tại vùng Dương Tử, nền tảng thuần hóa lúa nước từ sớm, cùng với sự thuận lợi của điều kiện tự nhiên đã thúc đẩy sự hình thành các nền văn hóa lớn và phát triển trong thời kỳ đồ đã giữa.

2. Hình tượng Phượng Hoàng đầu tiên trên thế giới:

Tại vùng trung lưu Dương Tử, vào thời văn hóa Gaomiao (Cao Miếu) cũng là một trong những trung tâm về mặt tâm linh của văn hóa Đông Á cổ, tại đây tìm thấy nhiều cổ vật sau đó ảnh hưởng rộng khắp tới các vùng Đông Á khác như chim Phượng Hoàng, đàn tế đầu tiên, cùng với chiếc rìu ngọc đầu tiên. [20]

Hình 12: Hình tượng Phượng Hoàng đầu tiên ở Đông Á. [Nguồn: dẫn]

3. Đàn tế cổ gắn liền với nghề trồng lúa và viên gạch nung cổ nhất:

Tại khu di tích Chengtoushan, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một gò đất lớn với hơn 40 hố nghi lễ và một cánh đồng lúa lớn. Các hố nghi lễ có đường kính khoảng 1m, sâu hơn 1, chứa trấu nung, đất đỏ nung và mảnh gốm. Màu đỏ cùng với màu đen có ý nghĩa thiêng liêng với cư dân trồng lúa. Có một tảng đá giống như cột trụ được đặt ở phần trung tâm của gò đất. Các di tích tại đây thể hiện sự hiến tế, là một khu tế lễ gắn liền với nghi lễ nông nghiệp để cầu cho vụ mùa bội thu, cánh đồng lúa lớn bên trong khu thành lũy có thể được sử dụng trong nghi lễ.

Khu di chỉ khai quật được đàn tế. [15a]

Trong khu mộ tìm thấy 4 bộ xương người và xương bò cùng với xương tê giác và hươu, đây là các con vật được sử dụng hiến tế trong nghi lễ. Nghi lễ này là nghi lễ rất cổ, văn hóa Yayoi ở Nhật Bản và văn hóa Điền Việt tại Vân Nam cũng đều kế thừa nghi lễ truyền thống này, hiện tại người Miêu tại Quý Châu và người Nam Á tại Tây Nguyên vẫn tiếp tục kế thừa nghi lễ cổ này.

Nghi lễ hiến tế trâu của người Miêu tại Quý Châu, chụp bởi Takeshi Takeda, và trên trống đồng Điền Việt, tư liệu của bảo tàng tỉnh Vân Nam. [15a]

Bên cạnh đó cũng tại đàn tế này, cũng đã tìm thấy viên gạch cổ có niên đại sớm nhất thế giới. Viên gạch cổ được phát hiện cũng trong khu tế lễ, ban đầu các nhà nghiên cứu cho rằng đây chỉ là đất nung do nghi lễ, tuy nhiên qua các phương pháp xác định thành phần và nhiệt độ nung, cho thấy đây là viên gạch nung nhân tạo cổ nhất thế giới, cổ hơn viên gạch nung của văn minh Indus và Lưỡng Hà.

Tại văn hóa Qujialing, cũng tại khu di tích Chengtoushan, đã tìm thấy lối đi bằng gạch cổ nhất thế giới có niên đại vào khoảng 5300 cách ngày nay. [15a]

Lối đi bằng gạch cổ nhất thế giới tại văn hóa Qujialing, chụp bởi Yoshinori Yasuda. [15a]

4. Đồ gỗ sơn mài sớm nhất thế giới:

Đồ gỗ sơn mài là một trong những đặc trưng văn hóa quan trọng của vùng Đông Á, theo các tài liệu khảo cổ, chúng ta cũng thấy được đồ gỗ sơn mài được tìm thấy sớm nhất tại vùng Dương Tử, tại văn hóa Kuahuqiao tại tỉnh Chiết Giang, hạ lưu Dương Tử đã tìm thấy chiếc cung được sơn mài có niên đại vào khoảng 8000 năm trước, sau đó tiếp tục được kế thừa tại các văn hóa Hà Mẫu Độ và Lương Chử. [71]

Chiếc cung sơn mài được tìm thấy tại văn hóa Kuahuqiao. [71]

5. Mảnh khung cửi sớm nhất thế giới:

Những mảnh gỗ thành phần của chiếc khung cửi được tìm thấy sớm nhất tại văn hóa Hà Mẫu Độ, có niên đại khoảng 7000 năm cách ngày nay. [72]

Khung cửi tại văn hóa Hà Mẫu Độ có niên đại vào khoảng 6500 năm trước. [72]

Tới thời văn hóa Lương Chử, thì các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy những thành phần của khung dệt được chế tác bằng ngọc.

Các thành phần khung dệt được tìm thấy tại văn hóa Lương Chử. [72]

Bên cạnh đó văn hóa Lương Chử cũng sớm tìm thấy các mảnh vải lụa, vải gai và vải đay có niên đại vào khoảng 4700 năm trước. [72]

Mảnh lụa, sợi lụa và mảnh vải gai được tìm thấy tại văn hóa Lương Chử, có niên đại tới khoảng 4700 năm BP. [Nguồn: 123]

VI. Kết luận:

Với các nghiên cứu tổng hợp trong bài viết này, chúng ta đã thấy được cơ bản về tiến trình phát triển của các nền văn hóa trong vùng Dương Tử, cư dân tiền Việt và tộc Việt đã xây dựng nên một nền văn minh lớn trong vùng Đông Á, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của vùng Đông Á và của cả nhân loại.

Chúng tôi tin tưởng rằng, những chủ nhân thực sự của văn minh vùng Dương Tử sẽ sớm được làm rõ với các nghiên cứu về di truyền và khảo cổ học, những di sản của nền văn minh tộc Việt tại vùng Dương Tử cũng sẽ sớm được thế giới biết tới và công nhận. Và chúng tôi cũng hy vọng rằng, sẽ ngày càng nhiều những di sản trong vùng Dương Tử và miền Bắc Việt Nam được khai quật, để diện mạo và sự kế thừa văn hóa ngày càng hiện diện rõ nét hơn.

Lang Linh

Xin cảm ơn các tư liệu nghiên cứu công phu của tác giả Hoàng Nguyễn, chúng tôi đã sử dụng rất nhiều tư liệu trong các bài nghiên cứu của anh để viết bài viết này.


Tài liệu tham khảo:

[1] Wells S (2007), Deep Ancestry: Inside the Genographic Project, National Geographic Society

[2] DeSalle R, Tattersall I (2008), Human Origins: What Bones and Genomes Tell Us About Ourselves, Texas A & M University Press, p152

[3] Valéry Zeitouna, Prasit Auetrakulvitb, Antoine Zazzoc, Alain Pierretd, Stéphane Frèree, Hubert Forestierf, (2019), Discovery of an outstanding Hoabinhian site from the Late Pleistocene at Doi Pha Kan.
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2352226718300345

[4] Peter U.Clark, Alan C. Mix, 2001, Ice sheets and sea level of the Last Glacial Maximum
https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0277379101001184

[5] Robert Hall, Christopher K. Morley et al. (2004), Sundaland Basins.
https://www.researchgate.net/publication/258699653_Sundaland_Basins

[6] Huang X, et al (2012), A map of rice genome variation reveals the origin of cultivated rice. Nature, 490(7421): 497-501

[7] Chu JY, et al (1998), Genetic relationship of populations in China, Proceedings of National Academy of Sciences USA, 95(20): 11763-11768

[8] The HUGO Pan-Asian SNP Consortium (2009), Mapping human genetic diversity in Asia, Science, 326(5959): 1541-1545

[9] Hua Zhong, Hong Shi, Xue-Bin Qi, et al. (2010). Extended Y chromosome investigation suggests postglacial migrations of modern humans into East Asia via the northern route. Molecular biology and evolution;28(1):717-27.

[10] Chuan‐Chao WANG Shi YAN Zhen‐Dong QIN Yan LU Qi‐Liang DING Lan‐Hai WEI Shi‐Lin LI Ya‐Jun YANG Li JIN Hui LI, et al. (2013). Late Neolithic expansion of ancient Chinese revealed by Y chromosome haplogroup O3a1c‐002611.
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/j.1759-6831.2012.00244.x

[11] Fuller DQ, Qin L (2010), Declining oaks, increasing artistry, and cultivating rice: The environmental and social context of the emergence of farming in the Lower Yangtze Region, Environmental Archaeology, 15(2): 139-159

[12] Zhang Juzhong, Wang Xiangkun (1998). Notes on the recent discovery of ancient cultivated rice at Jiahu, Henan Province: a new theory concerning the origin of Oryza japonica in China. Antiquity;72(278):897-901.

[13] Huang X, et al (2012), A map of rice genome variation reveals the origin of cultivated rice. Nature, 490(7421): 497-501

[14] Yunfei Zheng, et tl (2007), Characteristics of the short rachillae of rice from archaeological sites dating to 7000 years ago.
https://www.researchgate.net/publication/250967454_Characteristics_of_the_short_rachillae_of_rice_from_archaeological_sites_dating_to_7000_years_ago

[15] Li Liu, Xingcan Chen (2012). The archaeology of China: from the late Paleolithic to the early Bronze Age: Cambridge University Press.

[15a] Yoshinori Yasuda, 2013, Water Civilization: From Yangtze to Khmer Civilizations, Springer, Tokyo.

[16] Yin, Jianshun, , 1999, Xiang E liangsheng zaoqi xinshiqi wenhua yanjiu zhong de jige wenti. In Kaogu Kengyunlu, edited by He Jiejun, pp. 11–26. Yuelu Shushe Changsha.

[17] Henansheng Wenwu Kaogu (Henansheng Wenwu Kaogu Yanjiusuo) (editor), 1999a, Wuyang Jiahu. Kexue Chubanshe, Beijing.

[18] Jiao, Tianlong, 2006, Lun Kuahuqiao wenhua de laiyuan. In Zhejiangsheng Wenwu Kaogu Yanjiusuo Xuekan, edited by Zhejiangsheng, Wenwu Kaogu Yanjiusuo, pp. 372–9. Kexue Chubanshe, Beijing.

[19] Li, Xinwei, 2004, Zhongguo shiqian yuqi fanying de yuzhouguan. Dongnan Wenhua 3:66–71

[20] Những khám phá chính từ các cuộc khai quật khảo cổ tại địa điểm Gaomiao ở Hồng Giang, http://kaogu.cssn.cn/zwb/xcczlswz/200601/t20060111_3908697.shtml

[21] Li, Xinwei, 2004, Zhongguo shiqian yuqi fanying de yuzhouguan. Dongnan Wenhua 3:66–71.

[22] Matsumura, H., H.-c. Hung, C. Higham, C. Zhang, M. Yamagata, L.C. Nguyen, Z. Li, X.-c. Fan, T. Simanjuntak, and A.A. Oktaviana, Craniometrics Reveal “Two Layers” of Prehistoric Human Dispersal in Eastern Eurasia. Scientific reports, 2019. 9(1): p. 1451.

[23] Ning, C., T. Li, K. Wang, F. Zhang, T. Li, X. Wu, S. Gao, Q. Zhang, H. Zhang, and M.J. Hudson, Ancient genomes from northern China suggest links between subsistence changes and human migration. Nature Communications11(1): p. 1-9.
https://www.nature.com/articles/s41467-020-16557-2

[24] Sun, Shuyun and Han Rubin, 1997, Gansu zaoqi tongqi de faxian yu yelian, zhizao jishu de yanjiu. Wenwu 7:75–84

[25] Zhang, Senshui, 2000, The Epipaleolithc in China. Journal of East Asian Archaeology 2(1– 2):51–66.

[26]: Yan, Wenming, 1996, Liangzhu suibi. Wenwu 3:28–35.

[27] Colin Renfrew, Bin Liu (2018). The emergence of complex society in China: the case of Liangzhu. Antiquity;92(364):975-90.
https://www.cambridge.org/core/journals/antiquity/article/emergence-of-complex-society-in-china-the-case-of-liangzhu/

[28] Tống Kiến 宋建 (2017). Liangzhu – một quốc gia cổ đại phức tạp bị chi phối bởi thần quyền 良渚——神权主导的复合型古国. 东南文化;(1):6-15.

[29] Bin Liu, Ningyuan Wang, Minghui Chen, et al. (2017). Earliest hydraulic enterprise in China, 5,100 years ago. Proceedings of the National Academy of Sciences; 114(52):13637-42.
https://www.pnas.org/content/114/52/13637

[30] Elizabeth Childs-Johnson (2019). Jade Age adornment of the Liangzhu elite. The Art and Archaeology of Bodily Adornment. p. 141-60.

[31] Chang, Kwang-chih and Ward H. Goodenough, 1996, Archaeology of southeastern China and its bearing on the Austronesian homeland. In Prehistoric Settlement of the Pacific, edited by Ward H. Goodenough, pp. 36–56. American Philosophical Society, Philadelphia

[32] Shao Meihua. The Manufacture of Neolithic Nephrite and Stone Yue Axes from the Liangzhu Burial Mounds in Southeast China: School of Oriental and African Studies University of London; 2011.

[33] Teng Shu-P’Ing (2000). The original significance of bi disks: insights based on Liangzhu jade bi with incised symbolic motifs. Journal of East Asian Archaeology;2(1-2):165-94.

[33a] Hoàng Nguyễn, Văn hóa Lương Chử và trang phục thủ lĩnh Lương Chử.
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10162372540875526&id=519710525

[34] 3. Zhang Chi (2013). The Qujialing-Shijiahe Culture in the Middle Yangzi River Valley. In: Underhill AP, editor. A Companion to Chinese Archaeology: Wiley-Blackwell. 510-34 p.

[35] Teng Shu-P’Ing (2000). The original significance of bi disks: insights based on Liangzhu jade bi with incised symbolic motifs. Journal of East Asian Archaeology;2(1-2):165-94.

[36] Filippo Salviati (2017). 4000 Years of Chinese Archaic Jades The Development of the Jade-Carving Tradition from the Neolithic to the Han Dynasty Zacke, editor, Vienna, p 43 .

[37] Lại Trí Đức 来知德 (2004). Chu dịch tập chú : dịch kinh lai chú đồ giải 周易集注: 易经来注图解: Cửu châu xuất bản xã 九州出版社.

[38] Phùng Thời 冯时 (2010). Khảo cổ thiên văn học Trung Quốc 中国天文考古学: Nhà xuất bản văn hiến khoa học xã hội 社会科学文献出版社.

[39] Jean M Green (1993). Unraveling the Enigma of the bi: The Spindle Whorl as the Model of the Ritual Disk. Asian Perspectives:105-24.

[40] Chu Điềm 关喜艳、周恬 Quang Hỉ Diễn. Tiến bộ mới trong khu khảo cổ thứ tư của khu vực Khuất Gia Lĩnh ở Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc. Một số di tích quan trọng đã được phát hiện. 湖北荆门屈家岭遗址第四次考古取得新进展 一批重要遗物被发掘: Nhân dân hàng ngày (Trung Quốc); 2004.
http://hb.people.com.cn/n2/2017/1015/c192237-30831420-3.html.

[41] Trương Bằng Xuyên 张朋川 (2005). Đồ gốm vẽ Trung Quốc 中国彩陶图谱: NXB Di sản văn hóa 文物出版社.

[42] Allen Tsai. The Origin of Chinese Yin Yang Symbol – Part 2; ngày truy cập 2019 6-5.
https://www.chinesefortunecalendar.com/YinYang2.htm.

[43] United States. Navy Dept. Bureau of Equipment (1882). United States. Navy Dept. Bureau of Equipment. In bởi tác giả: Washington.

[44] Colin Renfrew, Bin Liu (2018). The emergence of complex society in China: the case of Liangzhu. Antiquity;92(364):975-90.

[45] Phương Cần 方勤. Phương Cần: chuyện cũ đất Kinh Sở – Bàn luận bắt đầu từ Thạch Gia Hà 方勤:荆楚故事——从石家河谈起 Viện khảo cổ học Trung Quốc2017.
http://www.kaogu.cn/zixun/disijiezhongguogonggongkaogu__jingchuluntan/2017/0217/57143.html

[46] Hoàng Nguyễn, Văn hóa Thạch Gia Hà và dân tộc Việt.
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10162414047920526&id=519710525

[47] Thái Thanh 蔡青. Nghiên cứu về các đặc điểm và nguồn gốc của nghệ thuật ngọc bích của văn hóa hậu Thạch Gia Hà 后石家河文化玉器艺术的特征与源流考: Học viện mỹ thuật Tây An 西安美术学院; 2019.

[48] Dương Việt Đông 杨越东 (2017). Bộ sưu tập và nghiên cứu ngọc văn hóa Thạch Gia Hà 石家河文化玉器收藏与研究: Nhà xuất bản Chiết Giang.

[49] Lưu Huy 刘辉 Mạnh Hoa Bình 孟华平 , Hướng Kỳ Phương 向其芳, Lục Thành Thu 陆成秋 Surveys and excavations in 2014–2016 at Shijiahe Site in Tianmen City, Hubei. Chinese Archaeology2018. 13 p.

[50] Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc 湖北省博物馆. Di chỉ Thạch Gia Hà: phép lạ khảo cổ vùng trung lưu sông Dương Tử 石家河遗址:长江中游的考古奇迹: Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc; 2018.
http://www.hbww.org/Views/Detail.aspx?PNo=Archaeology&No=KGCZ&Guid=40e8d8b7-d513-4a32-9791-4acad8d7e448&Type=Detail

[51] Du Bội 喻珮. Cổ vật ngọc được khai quật ở Hồ Bắc làm nổi bật thành tựu cao nhất của văn hóa ngọc Trung Quốc thời tiền sử 湖北出土玉器彰显史前中国玉文化最高成就: Viện khảo cổ học Trung Quốc; 2015.
http://kaogu.cssn.cn/zwb/xccz/201512/t20151221_3935896.shtml.

[52] Đặng Thông 邓聪 (2017). Nha Chương và sự hình thành trật tự nhà nước Trung Quốc 牙璋与初期中国世界秩序的雏形. 盱古衡今—鄭德坤教授百十誕辰紀念. 30-3 p.

[53] Paola Demattè (2010). The Origins of Chinese Writing: the Neolithic Evidence. Cambridge Archaeological Journal;20(2):211-28.

[54] Chunfeng Zhang (2019). On determining the nature of Liangzhu 良渚 symbols. Journal of Chinese Writing Systems;3(2):121-8.

[55] Richard Sears. Các kiểu chữ Việt 戉. https://hanziyuan.net/#%E6%88%89.

[56] Richard Sears. Các kiểu chữ Việt 越. https://hanziyuan.net/#越.

[57] Đội khảo cổ Thạch Gia Hà 石家河考古队 (1999). Tiêu Gia Ốc Tích 肖家屋脊: Nhà xuất bản Văn Vật 文物出版社.

[58] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.

[59] Ning, C., T. Li, K. Wang, F. Zhang, T. Li, X. Wu, S. Gao, Q. Zhang, H. Zhang, and M.J. Hudson, Ancient genomes from northern China suggest links between subsistence changes and human migration. Nature Communications 11(1): p. 1-9.
https://www.nature.com/articles/s41467-020-16557-2

[60] Yunfei Zheng, et tl (2007), Characteristics of the short rachillae of rice from archaeological sites dating to 7000 years ago.
https://www.researchgate.net/publication/250967454_Characteristics_of_the_short_rachillae_of_rice_from_archaeological_sites_dating_to_7000_years_ago

[61] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

[62] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

[63] Zi-Yang Xia, Shi Yan, Chuan-Chao Wang, Hong-Xiang Zheng, et al. (2019) Inland-coastal bifurcation of southern East Asians revealed by Hmong-Mien genomic history

[64] Ko AM, Chen CY, Fu Q, et al. Early Austronesians: into and out of Taiwan. Am J Hum Genet. 2014;94(3):426-436. doi:10.1016/j.ajhg.2014.02.003

[65] Sagart, L., Hsu, T. F., Tsai, Y. C., Wu, C. C., Huang, L. T., Chen, Y. C., Chen, Y. F., Tseng, Y. C., Lin, H. Y., & Hsing, Y. C. (2018). A northern Chinese origin of Austronesian agriculture: new evidence on traditional Formosan cereals. Rice (New York, N.Y.), 11(1), 57. https://doi.org/10.1186/s12284-018-0247-9

[66] Pittayaporn, Pittayawat. “Layers of Chinese Loanwords in Protosouthwestern Tai as Evidence for the Dating of the Spread of Southwestern Tai.” (2014).

[67] Cai, X., Z. Qin, B. Wen, S. Xu, Y. Wang, Y. Lu, L. Wei, C. Wang, S. Li, and X. Huang, Human migration through bottlenecks from Southeast Asia into East Asia during Last Glacial Maximum revealed by Y chromosomes. PLoS One, 2011. 6(8).

[68] Gorodetsyaka, Olga & Shiying, Qiu & Guo, Li-Xin. (2019). Shijiahe Culture: Original Bronze Civilization of East Asia 石家河文化 东亚自创的青铜文明 (上) . 2019. 67-82.

[69] Hà Văn Tấn, Hoàng Văn Khoán (1974), Luyện kim và chế tác kim loại thời kỳ Hùng Vương.
https://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/22630

[70] Jiang Yang, Ye Song Shu, Wang Yonglei, 2020, Chiết Giang: Ninh Ba phát hiện ra cánh đồng lúa cổ đại sớm nhất trên thế giới.
http://www.kgzg.cn/a/396855.html

[71] Bảo tàng Tế Ninh, Sơ lược lịch sử đồ sơn mài: 8000 năm đồ sơn mài Trung Quốc trong 5 phút
http://www.jiningmuseum.com/list/article_details.do?articleId=519

[72] Bảo tàng lụa Trung Quốc, A World of Looms: Weaving Technology and Textile Arts in China and Beyond
http://www.chinasilkmuseum.com/yz/info_98.aspx?itemid=26752

[73] Gerard C. C. Tsang, Textile Exhibition: Introduction
https://www.asianart.com/textiles/intro.html

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.