580. ☀ Khảo cứu về trống đồng và hoa văn trống đồng Đông Sơn

Trống đồng chính là hiện vật đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong lịch sử của vùng nam Đông Á và Đông Nam Á trong khoảng hơn 2700 năm gần đây, nguồn gốc của trống đồng là từ văn hóa Đông Sơn, nền văn hóa xuất phát từ Việt Nam, các bằng chứng khảo cổ cũng cho thấy trống đồng Đông Sơn có nguồn gốc từ nền văn hóa chung của cộng đồng tộc Việt. [1]. Trải qua hơn 2700 năm lịch sử, văn hóa Đông Sơn sau đó đã sụp đổ dưới những bước chân xâm lược của người Hoa Hạ vào đất Việt, nhưng những ảnh hưởng của trống đồng không suy giảm, trống đồng vẫn sự hiện diện trong địa bàn cũ của văn hóa Đông Sơn, thậm chí, nó còn mở rộng hơn tầm ảnh hưởng tới nhiều vùng khác như vùng bắc Đông Á, Tứ Xuyên. [2]. Bởi vậy, trống đồng là một hiện vật đóng vai trò rất quan trọng để chúng ta có thể hiểu thêm về nền văn hóa cổ của người Việt, của cộng đồng tộc Việt hay của các dân tộc trong vùng Đông Á nói chung.

Trong thời kỳ tồn tại của văn hóa Đông Sơn, trống đồng đã thể hiện những giá trị đặc biệt, được trang trí bằng các hoa văn tinh xảo và phong phú, những trống đồng được thể hiện nhiều và rõ hoa văn nhất tập trung ở Việt Nam, trong đó nổi tiếng nhất là các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, trống Sông Đà, trống đồng Viên, trống Cổ Loa. Ngoài những trống nổi tiếng này, thì ở Việt Nam còn nhiều những trống đồng được khắc các hoa văn khác có tính kết nối và thống nhất cao, chính là nguồn tư liệu dồi dào để chúng ta có thể tìm hiểu về văn hóa cổ của người Việt.

Việc tìm hiểu ý nghĩa và giá trị của trống đồng cũng như hoa văn đã được nhiều nhà nghiên cứu tiến hành từ lâu, nhưng chưa có một nghiên cứu nào đưa ra những kiến giải có thể giải thích trọn vẹn giá trị của trống đồng cùng ý nghĩa của những hoa văn trên trống đồng Đông Sơn, một phần bởi sự thiếu thốn tư liệu trong giai đoạn trước, một phần bởi cách tiếp cận bó hẹp không gian của văn hóa Việt trong vùng miền Bắc Việt Nam.

Từ các nghiên cứu di truyền học [3][4], chúng ta đã biết rằng văn hóa Đông Sơn, hay tiền thân của nó là văn hóa Phùng Nguyên, có nguồn gốc từ các văn hóa trong vùng Dương Tử là Lương Chử và Thạch Gia Hà, các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà chính là hậu duệ của các văn hóa Đông Á cổ trong vùng đồng bằng sông Dương Tử, đồng bằng sông Hoàng Hà tới vùng sông Liêu. [5]. Vì vậy, để tìm hiểu về nguồn gốc của các hoa văn văn hóa Đông Sơn, chúng ta cần mở rộng hơn không gian từ các văn hóa gốc nguồn của văn hóa này trong vùng Dương Tử và vùng Đông Á cổ đại.

Việc tìm kiếm những thông tin về hoa văn của văn hóa Đông Sơn trong các văn hóa Đông Á cổ đại và văn hóa tộc Việt đã đem lại rất nhiều những thông tin quan trọng để có thể giải mã được những ý nghĩa của các hoa văn trên các trống đồng Đông Sơn. Đây sẽ là hướng tiếp cận chính, là nền tảng để chúng tôi thực hiện bài viết này, chúng tôi sẽ tiến hành khảo cứu một cách toàn diện nguồn gốc của trống đồng Đông Sơn, khảo sát ý nghĩa hoa văn của trống đồng Đông Sơn và mở rộng hơn các yếu tố liên quan tới trống đồng của văn hóa này, từ đó, giúp bạn đọc thực sự hiểu rõ được giá trị to lớn mà những chiếc trống đồng đã thể hiện, cũng từ đó giúp bạn đọc nhận diện chính xác được nguồn gốc dân tộc và giá trị nền văn hóa cổ của người Việt, làm nền tảng để hướng tới một tương lai khôi phục lại giá trị của trống đồng và văn hóa cổ trong văn hóa của người Việt.

I. Nguồn gốc trống đồng Đông Sơn:

Về mặt niên đại, thì trống đồng được tìm thấy sớm nhất tại miền Bắc Việt Nam và Vân Nam (700-800 năm BC). [6]. Văn hóa Điền của Vân Nam và người Lạc Việt của miền Bắc Việt Nam là hai văn hóa có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt, nghiên cứu quốc tế cũng cho thấy văn hóa Điền có nguồn gốc từ vùng văn hóa Việt (Yue). [7]

Tại vùng đồng bằng sông Hồng, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy mô hình trống đồng bằng gốm có niên đại vào khoảng 850 năm TCN, đây là phiên bản sơ khai nhất và sớm nhất của trống đồng Đông Sơn được tìm thấy.

Trống đồng gốm tí hon có niên đại vào khoảng 850 năm TCN được tìm thấy tại vùng đồng bằng sông Hồng. [8]

Các nhà khảo cổ Trung Quốc chủ trương rằng trống đồng Vạn Gia Bá là nguồn gốc chính của trống đồng Đông Sơn, tuy nhiên, không chỉ ở Trung Quốc mới tìm thấy loại hình trống đồng này, tại vùng miền Bắc Việt Nam cũng tìm thấy khá nhiều trống đơn giản giống loại hình Vạn Gia Bá. [9]

Chúng tôi cũng cho rằng đây là loại hình trống đồng sớm nhất của văn hóa Đông Sơn, với những hoa văn đơn giản cùng với Mặt Trời ở chính tâm, giai đoạn đầu luôn thể sự đơn giản về ý tưởng, trước khi cư dân Đông Sơn hoàn thiện và phát triển các hoa văn cũng như nghệ thuật trên trống đồng, dần dần tiến tới độ hoàn mỹ trên các trống đồng lớn nhất như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ.

Trống Tùng Lâm, loại hình trống sơ khai của trống đồng Đông Sơn, bên cạnh đó tại Việt Nam cũng tìm thấy nhiều loại trống đồng tương tự như trống Tùng Lâm. [10]

Về trung tâm của nền văn hóa trống đồng, thông qua số lượng trống đồng loại I Heger chúng ta sẽ thấy được một phần trung tâm của nền văn hoá này. Theo thống kê năm 2015, thì số lượng trống đồng loại I Heger đã được tìm thấy tại các vùng là như sau: 137 ở Việt Nam, 73 ở Trung Quốc, 8 ở Thái Lan, 9 ở Lào, 2 ở Campuchia, 4 ở Malaysia và 12 ở Indonesia, 5 ở Myanmar, tổng số 250 chiếc trống đồng loại I [11].

Chúng ta thấy được Việt Nam đã chiếm phân nửa trong tổng số 250 chiếc trống đồng Heger loại I trong tất cả các vùng xuất hiện trống đồng, ở đây cũng là nơi tìm thấy nhiều trống loại I lớn và đẹp nhất, các vùng khác trống đa phần đều thấp và nhỏ hơn so với trống đồng Đông Sơn tại Việt Nam, các trống lớn hơn trống loại I tại Việt Nam trong các vùng khác đều là các trống giai đoạn muộn, với các tượng động vật ở bốn góc. Điều này cho chúng ta thấy được Việt Nam thực sự là trung tâm của nền văn hóa trống đồng, là nơi sản xuất trống lớn nhất trong tất cả các vùng tộc Việt. Bên cạnh đó, trống đồng cũng là vật lễ khí, biểu tượng quyền lực [12][13], nên những trống lớn nhất cũng đồng nghĩa với quyền lực cao nhất, điều đó cũng góp phần chứng minh về tính trung tâm của vùng miền Bắc Việt Nam trong nền văn hóa trống đồng.

Tại Việt Nam cũng là nơi duy nhất tới nay tìm được khuôn đúc trống đồng Đông Sơn truyền thống, có niên đại vào khoảng thế kỷ IV sau công nguyên, sớm hơn so với khuôn đúc trống Đông Sơn tại Indonesia. Điều này đã trực tiếp chứng minh rằng trống đồng được đúc ở trong vùng miền Bắc Việt Nam, chứ không phải đem từ nơi khác tới.

Các mảnh khuôn đúc trống đồng được tìm thấy tại Luy Lâu. [Nguồn: Bảo tàng Bắc Ninh, dẫn; Bảo tàng lịch sử quốc gia, dẫn]

Như vậy, về nguồn gốc, thì trống đồng có nguồn gốc từ văn hóa tộc Việt, nhưng nguồn gốc trực tiếp hơn và trung tâm của nền văn hóa trống đồng là tại miền Bắc Việt Nam. Tại Việt Nam cũng là nơi tìm thấy những chiếc trống được đúc với các hoa văn tinh xảo nhất, là nền tảng chính để chúng ta có thể tìm hiểu về giá trị của trống đồng và những hoa văn của trống đồng Đông Sơn.

2. Nguồn gốc cấu trúc của trống đồng:

Xét về cấu trúc và chức năng, thì trống đồng Đông Sơn có nguồn gốc từ ngọc tông và đĩa bích của văn hóa Lương Chử, một trong hai văn hóa tiền thân của văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn trong vùng Dương Tử.

Đĩa bích và ngọc tông văn hóa Lương Chử.

Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, thì chức năng của đĩa bích và ngọc tông là tế Trời và tế Đất [14], đây là các hiện vật biểu trưng cho quyền lực tâm linh của tộc Việt trong văn hóa Lương Chử.

Quan sát cấu trúc của đĩa bích và ngọc tông văn hóa Lương Chử, chúng ta sẽ thấy được đĩa đích tương đồng với kết cấu của mặt trống đồng Đông Sơn, với cấu trúc được tổ chức theo dạng vòng tròn đồng tâm. Lỗ trung tâm của đĩa bích tương ứng với Mặt Trời trên trống đồng Đông Sơn.

Đĩa bích văn hóa Lương Chử và mặt trống đồng Đông Sơn. [15][16]

Phần thân trống có nguồn gốc từ ngọc tông của văn hóa Lương Chử, cấu trúc trống đồng cũng được chia thành 3 phần giống như trên ngọc tông.

Ngọc tông và trống đồng Đông Sơn. [Nguồn: 1. [15], 2. Bảo tàng Guimet]

Phần giữa của trống đồng rỗng không, cũng chính là hình ảnh của các lỗ rỗng trên ngọc tông và ngọc bích của văn hóa Lương Chử.

Xét sâu hơn về cấu trúc của trống đồng Đông Sơn, cho thấy trống được chia thành 3 phần rõ rệt, phần trên phình ra, phần giữa lõm vào và phần dưới xòe rộng, đây chính là cấu trúc của một cây vũ trụ, với phần đầu tương ứng với ngọn cây hay thiên đường, phần thân tương ứng với thế giới trung gian hay trái đất, phần đáy tương ứng với rễ cây hay âm phủ. [17].

Cây vũ trụ là một motif xuất hiện rộng khắp trong nhiều nền văn hóa cổ đại trên thế giới, trong thực tế, thì văn hóa tộc Việt và văn hóa Đông Á cổ đại chia sẻ rất nhiều điểm tương đồng với các nền văn hóa cổ đại khác, trong đó bao gồm cả cây vũ trụ.

Cấu trúc của trống đồng tương ứng với cây vũ trụ. [Nguồn: 1. Welt Museum; 2. Prose Edda, vẽ lại bởi Oluf Olufsen Bagge]

Theo các nhà nghiên cứu, thì Cây Vũ Trụ hay Cây Thế Giới được đồng nhất với Cây Sự Sống [18], nó đóng vai trò như một trục của thế giới [19], bên cạnh đó, nó cũng nằm ở trung tâm của thế giới và đại diện cho trật tự và sự hài hòa của vũ trụ [17]. Các nhánh của nó được cho là vươn tới bầu trời và gốc rễ của nó để kết nối thế giới con người hoặc trần gian với thế giới ngầm hoặc cõi dưới lòng đất. Vì vậy, cây được tôn thờ như một trung gian giữa Trời và Đất. [20]

Trống đồng mang đầy đủ những đặc điểm của cây vũ trụ, kế thừa chức năng tế trời và đất của ngọc tông và đĩa bích văn hóa Lương Chử, chính vì vậy, trống đồng chính là một hiện vật trung gian kết nối con người với Trời và Đất. Bên cạnh hình dáng của cây vũ trụ, thì trống đồng còn là vật có chức năng thờ Trời, đây cũng là một đặc trưng chung quan trọng của nhiều nền văn minh cổ trên khắp thế giới.

II. Các yếu tố văn hóa cốt lõi trên trống đồng:

Trống đồng về cấu trúc hình dáng đã thể hiện nó biểu trưng cho Cây Vũ Trụ, là một vật trung gian kết nối con người với Trời và Đất, nhưng trống đồng không chỉ dừng lại ở chức năng đó, mà còn thể hiện nhiều giá trị văn hóa cốt lõi khác cùng hòa quyện trên các hoa văn mặt trống và thân trống.

1. Thờ Trời:

Đầu tiên và quan trọng nhất, đó chính là văn hóa thờ Trời, với Mặt Trời luôn luôn xuất hiện ở trung tâm của những chiếc trống đồng, thể hiện giá trị cốt lõi của trống đồng chính là thờ Trời.

Văn hóa thờ Trời có nguồn gốc từ rất sớm, trong văn hóa Thành Bắc Khu (Chengbeixi, 5800 – 4700 TCN) tại vùng trung lưu Dương Tử, đã tìm thấy tảng đá có khắc hình tượng Thần Mặt Trời, đây là nguồn gốc sớm nhất của Mặt Trời trong các văn hóa thời đá mới trong vùng Đông Á.

Thần Mặt Trời trong văn hóa Thành Bắc Khu. [21]

Văn hóa Cao Miếu (5500 – 3500 TCN) và di chỉ Thang Gia Cương (5050 – 4450 TCN) có niên đại sau văn hóa Thành Bắc Khu không lâu cũng đã tìm thấy nhiều hiện vật có khắc hình ảnh Mặt Trời và ngôi sao tám cánh, một biểu trưng của hình ảnh Mặt Trời trong thời kỳ đồ đá mới.

Mặt Trời và ngôi sao tám cánh trên đồ gốm của văn hóa Cao Miếu và di chỉ Thang Gia Cương. [Nguồn]

Các văn hóa Phùng Nguyên và Đồng Đậu tại Việt Nam cũng thể hiện hình ảnh Mặt Trời trên các đồ gốm của các văn hóa này, đây là những nguồn gốc trực tiếp nhất của hình ảnh Mặt Trời trên các trống đồng văn hóa Đông Sơn.

Mặt Trời trên các cổ vật văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu và Đông Sơn. [22]

Biểu trưng Mặt Trời có nguồn gốc từ các văn hóa trong vùng Dương Tử, được kế thừa trong văn hóa tại Việt Nam là Phùng Nguyên, từ đây, hoa văn Mặt Trời hiện diện trên tất cả các trống đồng văn hóa Đông Sơn, là yếu tố cốt lõi và quan trọng nhất, không biến mất mặc cho những thay đổi lớn về hoa văn trong các trống đồng giai đoạn sau.

Các trống đồng văn hóa Đông Sơn luôn luôn có sự xuất hiện của Mặt Trời ở tâm mặt trống. [16]

2. Thờ vật Tổ:

Bên cạnh văn hóa thờ Trời, thì một đặc trưng cốt lõi khác của trống đồng, đó là văn hóa vật Tổ, với sự xuất hiện của chim Tiên. Sự xuất hiện của chim Tiên trên các mặt trống đồng gần như là một tiêu chuẩn trang trí trống đồng, hầu như tất cả các trống đồng Đông Sơn chính thống đều có sự xuất hiện của chim Tiên.

Như chúng tôi đã chứng minh trong bài viết khác [23], thì loài chim rất hiện trên trống đồng rất thường xuyên mà học giả Đào Duy Anh gọi là chim Lạc, chính là chim Phượng Hoàng trong văn hóa Đông Á, chúng tôi đề xuất cách gọi mới dựa theo yếu tố Tiên – Rồng trong văn hóa lưỡng hợp Tiên – Rồng của người Việt. [23][24]. Vì vậy, hình ảnh chim Lạc chính là vật Tổ của người Việt trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn, sự xuất hiện của nó đóng một vai trò rất quan trọng trong văn hóa Đông Sơn.

Văn hóa thờ vật Tổ của cộng đồng tộc Việt có nguồn gốc sớm nhất là từ văn hóa Thạch Gia Hà, một trong hai văn hóa lớn đánh dấu sự xuất hiện của cộng đồng tộc Việt trong vùng Dương Tử. Người Việt không chỉ có một vị Tổ, mà có tới hai vị Tổ tạo nên nguồn gốc của người Việt

Truyện họ Hồng Bàng chép: “Long Quân bảo: – Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu.” [25]

Trong thực tế khảo cổ học, thì Rồng Tiên, hay đại diện cho dương và âm cũng đã tìm thấy những dấu tích trong văn hóa Thạch Gia Hà, với ngọc chim Tiên và ngọc Rồng được tìm thấy tại văn hóa này.

Ngọc chim Tiên (Phượng Hoàng) và Rồng thời văn hóa Thạch Gia Hà. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, dẫn]

Trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn, thì chim Tiên được khắc họa trên hầu hết các trống đồng, bên cạnh đó, cũng có nhiều hiện vật được khắc hình Rồng và chim Tiên trên cùng một mặt trống, như trên trống đồng Phú Xuyên và trống đồng Kính Hoa.

Rồng và chim Tiên trên trống đồng Phú Xuyên. [16]

Hình tượng Rồng đôi và các dạng hoa văn âm dương trên trống đồng Kính Hoa. [Nguồn]

Hình ảnh chim Tiên và Rồng không chỉ xuất hiện ở mặt trống, mà còn xuất hiện trên những chiếc thuyền Rồng, với hình ảnh chim Tiên bay vào đầu thuyền Rồng, biểu trưng cho nguồn gốc Tiên – Rồng của người Việt.

Thuyền Rồng và hình ảnh chim Tiên bay vào đầu thuyền Rồng của văn hóa Đông Sơn. [16]

Trên trống đồng Miếu Môn, chúng ta cũng thấy được một hình ảnh rất đặc biệt: chim Tiên bay trên đầu các vị thủ lĩnh của người Việt, nó biểu trưng cho ý nghĩa rằng Tổ Tiên luôn luôn theo dõi và phù trợ cho người Việt, thể hiện một đời sống mà văn hóa tâm linh đóng vai trò cốt lõi trong văn hóa của tộc Việt.

Hình tượng chim Tiên bay trên đầu thủ lĩnh người Việt trên trống đồng Miếu Môn. [16]

3. Âm dương:

Bên cạnh các văn hóa chính là thờ Trời và thờ vật Tổ, thì còn một yếu tố văn hóa khác cũng quan trọng không kém, đó là văn hóa âm dương cũng thường xuyên xuất hiện trên các trống đồng Đông Sơn.

Như chúng tôi đã chứng minh trong bài viết khác [26], dựa trên những khảo cứu của Jiansheng Hu [27], thì âm dương có nhiều cách thức thể hiện, hình ảnh trực tiếp là hai vật tương đồng hòa hợp với nhau tạo thành vòng xoáy, nhưng bên cạnh đó, thì âm dương còn được thể hiện dưới dạng chữ S tiếp tuyến. Dạng chữ S tiếp tuyến đã có rất sớm từ văn hóa Đông Á thời cổ đại, văn hóa tộc Việt tiếp tục kế thừa trong văn hóa Phùng Nguyên và sau đó là văn hóa Đông Sơn.

Hình âm dương và vòng tròn đồng tâm trên đồ gốm của văn hóa Đại Vấn Khẩu. [27]

Trong văn hóa Đông Sơn, thì dạng hoa văn âm dương tiếp tuyến là hoa văn xuất hiện với tần xuất khá thường xuyên trên các trống đồng văn hóa Đông Sơn, đặc biệt là trên phần thân của trống.

Các dạng hoa văn âm dương trên các trống đồng Đông Sơn. [16]

Vì vậy, có thể nói âm dương chính là yếu tố văn hóa quan trọng và cốt lõi đối với người Việt, được thể hiện trực tiếp bằng các hoa văn trên trống đồng của văn hóa Đông Sơn.

4. Trống đồng Đông Sơn cũng biểu hiện cho ý thức Việt:

Các văn hóa được chúng tôi dẫn ở trên là các văn hóa cốt lõi, nhưng không chỉ như vậy, trống đồng Đông Sơn còn biểu hiện cho ý thức Việt, ý thức dân tộc thống nhất được thể hiện qua hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu.

Ban đầu, tên Việt của tộc Việt có biểu tượng là chiếc rìu, xuất hiện sớm nhất trong các văn hóa Đông Á cổ, sau đó đã được kế thừa ở biểu tượng chiếc rìu của văn hóa Lương Chử, văn hóa Thạch Gia Hà đã phát triển chữ Việt lên thành hình ảnh thủ lĩnh đội mũ lông chim cầm rìu. Văn hóa Đông Sơn đã kế thừa hình ảnh này, trên các trống đồng Đông Sơn rất phổ biến hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu, đại diện cho ý thức Việt. [28]

Biểu tượng Việt ở các văn hóa: Lương Chử, Thạch Gia Hà, Đông Sơn. [Nguồn: 1. [29], 2. [30], 3. [16]]

Hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu là hình ảnh xuất hiện rất phổ biến trên các trống đồng Đông Sơn, thường được thể hiện trên một không gian riêng biệt, cho thấy, ý thức dân tộc được thể hiện rất mạnh mẽ trên các trống đồng, hiện vật cốt lõi của văn hóa tộc Việt thời kỳ Đông Sơn.

Điều rất đặc biệt mà cách bố trí hoa văn đã thể hiện, đó là ở tầng giữa, đại diện cho thế giới trung gian, hay trái đất, cũng chính là nơi thường xuyên được thể hiện hoa văn thể hiện biểu tượng Việt, với hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu, như vậy, hình ảnh này trực tiếp đại diện cho ý nghĩa giữa Trời và Đất là nơi có người Việt sinh sống, quả thực, giá trị ẩn chứa trong những hoa văn trống đồng mà Tổ Tiên người Việt đã gửi gắm là vô cùng to lớn và đặc biệt.

Hoa văn biểu tượng Việt trên các thân trống Ngọc Lũ và Hoàng Hạ. [Nguồn: 1, 2]

III. Nguồn gốc hoa văn và nghệ thuật Đông Sơn:

1. Nguồn gốc bố cục hoa văn trống đồng văn hóa Đông Sơn:

Nguồn gốc của bố cục trang trí hoa văn trên các trống đồng văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc gần nhất là từ văn hóa Phùng Nguyên, nhưng nguồn gốc của bố cục trang trí còn có thể truy xa hơn tới các văn hóa tiền thân của tộc Việt trong vùng trung lưu Dương Tử.

Trang trí theo mô hình băng dải xuất hiện sớm nhất trong văn hóa Cao Miếu (Gaomiao, 5500 – 3500 TCN) trong vùng trung lưu Dương Tử, nguồn gốc trực tiếp của các văn hóa tại Việt Nam.

Các bình gốm của văn hóa Cao Miếu, nguồn gốc sớm nhất của trang trí theo băng dải, nguồn gốc của văn hóa Phùng Nguyên và xa hơn là văn hóa Đông Sơn. [31]

Trong đồ gốm của di chỉ Thang Gia Cương (Tangjiagang) trong vùng trung lưu Dương Tử đã tìm thấy một chiếc bát gốm có niên đại vào khoảng 5050 – 4450 TCN có bố cục và hoa văn trang trí là nguồn gốc trực tiếp của trống đồng, các hoa văn được trang trí theo dạng băng dải, có hoa văn ngôi sao tám cánh ở giữa, xung quanh chia thành các băng dải lớn nhỏ được trang trí các hoa văn gấp khúc, hoa văn âm dương dạng chữ S. Bố cục của mặt dưới bát gốm cũng như ở thân gốm rất gần với mặt trống và thân trống Đông Sơn.

Hoa văn trên đồ gốm văn hóa Thang Gia Cương vùng trung lưu Dương Tử cho thấy đồ hình tương tự như trống đồng, với ngôi sao tám cánh đại diện cho Mặt Trời và hoa văn âm dương dạng chữ S, hoa văn cũng được thể hiện theo băng dải. [Nguồn]

Trong văn hóa Phùng Nguyên, nguồn gốc trực tiếp nhất của văn hóa Đông Sơn, cũng đã tìm thấy thấy thố gốm, bát gốm có cấu trúc hoa văn thân và mặt rất gần với cấu trúc hoa văn của trống đồng Đông Sơn.

Các thố, bát bằng gốm có bố cục trang trí hoa văn là nguồn gốc trực tiếp của cách trang trí trên trống đồng Đông Sơn. [32][33]

2. Nguồn gốc và ý nghĩa các hoa văn trên trống đồng Đông Sơn:

a. Chim Tiên chầu Mặt Trời:

Trên các trống đồng văn hóa Đông Sơn, thì sự xuất hiện của chim Tiên cùng với Mặt Trời gần như là một motif mặc định trong việc trang trí hoa văn của các trống đồng, sự liên hệ giữa chim Tiên và Mặt Trời đã có từ rất sớm trong các văn hóa tiền thân của cộng đồng tộc Việt.

Chim Tiên chầu Mặt Trời có nguồn gốc rất sớm từ văn hóa Hà Mẫu Độ trong vùng hạ lưu Dương Tử, trước đó, thì trong văn hóa Cao Miếu cũng đã xuất hiện hình ảnh chim Tiên xuất hiện trên một băng dải trên đồ gốm của văn hóa này, chính là nguồn gốc của motif chim Tiên chầu Mặt Trời.

1f8a04c0ecdb11e59ea500163e024754

Hình tượng chim Tiên trên mảnh gỗ thuộc văn hóa Hà Mẫu Độ. [Nguồn: Bảo tàng Chiết Giang, dẫn]

Hình tượng chim Tiên trên các đồ gốm của văn hóa Cao Miếu. [34]

Đây chính là nguồn gốc trực tiếp của hình ảnh chim Tiên bay quanh Mặt Trời trên các trống đồng của văn hóa Đông Sơn, đây hầu như là một motif tiêu chuẩn cho tất cả các trống đồng, các hoa văn khác có thể không có hoặc có sự thay đổi, nhưng chắc chắn phải có sự xuất hiện của chim Tiên bay quanh Mặt Trời.

b. Hoa văn đại diện cho tia Mặt Trời:

Hoa văn gấp khúc thường thấy trên trống đồng văn hóa Đông Sơn được xem như là hình ảnh của những lớp sóng, nhưng dựa vào việc so sánh và đối chiếu các tài liệu khảo cổ, thì nhiều khả năng, hoa văn gấp khúc và biến thể của nó chính là đại diện cho hình ảnh tia Mặt Trời.

Hoa văn dạng gấp khúc nhiều khả năng chính là biểu trưng cho hình ảnh của tia Mặt Trời. [Nguồn]

Quan sát hoa văn mặt trời trên đồ gốm Phùng Nguyên, thì tất cả các hoa văn dạng tam giác có thể thực sự có ý nghĩa đại diện cho tia Mặt Trời, kể cả hoa văn gấp khúc tương tự như trên đồ gốm văn hóa Cao Miếu.

Mặt trời trên đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên. [33]

Các dạng hoa văn gấp khúc phỏng theo tia Mặt Trời xuất hiện rất nhiều trên các đồ gốm của văn hóa Phùng Nguyên, các cách thức thể hiện của dạng hoa văn gấp khúc của văn hóa Phùng Nguyên là nguồn gốc trực tiếp của các hoa văn tia Mặt Trời trên trống đồng Đông Sơn.

Hoa văn tam giác trên các đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên. [33]

Trong văn hóa Đông Sơn, thì hoa văn dạng gấp khúc hay răng cưa có thể nói là một trong những hoa văn quan trọng và xuất hiện phổ biến nhất trên các trống đồng Đông Sơn.

Hoa văn gấp khúc và răng cưa trên các trống đồng Đông Sơn. [33]

Trên trống đồng Đông Sơn, thì hình ảnh hoa văn tia Mặt Trời tạo thành hai dải bao lấy dải vòng tròn đồng tâm ở giữa cũng rất thường xuyên xuất hiện, nhiều khả năng, đây cũng chính là một biểu trưng cho hình ảnh của những tiểu Mặt Trời.

Hoa văn tia Mặt Trời bao lấy vòng tròn đồng tâm trên trống Miếu Môn. [16]

c. Hoa văn âm dương:

Hoa văn âm dương là hoa văn quan trọng bậc nhất trong motif trang trí trên các trống đồng văn hóa Đông Sơn, ngoài hình ảnh vòng xoáy tiếp tuyến gốc thì trên trống đồng còn nhiều dạng biến thể khác của hoa văn âm dương.

Hoa văn âm dương trên trống đồng văn hóa Đông Sơn. [16]

d. Hoa văn chấm và vòng tròn đồng tâm:

Như chúng tôi đã phân tích trong bài khảo cứu khác [26], thì hoa văn vòng tròn đồng tâm chính là một phần của hoa văn âm dương, tuy nhiên, khi quan sát hoa văn Mặt Trời của văn hóa Cao Miếu, thì chúng tôi nhận thấy nhiều khả năng, các dạng vòng tròn đồng tâm còn có một ý nghĩa khác đó là đại diện cho Mặt Trời.

Hoa văn mặt trời trên đồ gốm của văn hóa Cao Miếu. [Nguồn]

Những chấm tròn cũng là các hoa văn đại diện cho Trời, giống như cách thể hiện trên đồ gốm của văn hóa Cao Miếu, các tia của Mặt Trời được vẽ thành các dấu chấm.

Hoa văn dạng chấm tròn của văn hóa Cao Miếu. [Nguồn]

Quan sát các mặt trống đồng văn hóa Đông Sơn, chúng ta có thể thấy được toàn bộ mặt trống được kết cấu bằng những băng dải, tách những hoa văn ra, thì đây là một vòng tròn đồng tâm lớn, với lỗ trung tâm chính là Mặt Trời.

Cấu trúc của mặt trống đồng Đông Sơn là một vòng tròn đồng tâm lớn. [16]

e. Tiểu kết:

Như vậy, thì tất cả các hoa văn trên trống đồng Đông Sơn đều có ý nghĩa đại diện quan trọng cho các yếu tố văn hóa: thờ Trời, thờ vật Tổ và âm dương. Các hoa văn như tiếp tuyến, tam giác hay gấp khúc, vòng tròn đồng tâm, dấu chấm đều đại diện cho các văn hóa cốt lõi của cộng đồng tộc Việt, không phải là các hoa văn xuất hiện một cách ngẫu nhiên trên trống đồng.

2. Tại sao các hoa văn trên trống đồng Đông Sơn lại ngược chiều đồng hồ?

Tại sao trên trống đồng Đông Sơn các hoa văn lại được thể hiện theo hướng ngược chiều kim đồng hồ? Các khảo cứu của chúng tôi đã cho thấy các hoa văn trống đồng Đông Sơn là những biểu hiện của các yếu tố văn hóa cốt lõi: Mặt Trời, văn hóa vật Tổ, thuyết âm dương. Dựa vào các yếu tố đó, chúng ta có thể xác định rằng hướng di chuyển ngược chiều kim đồng hồ của các hoa văn trên trống đồng Đông Sơn là biểu hiện của một trong 3 yếu tố cốt lõi đó, trong đó, quan trọng nhất và nhiều khả năng nhất chính là thuyết âm dương. Ý tưởng ban đầu của thuyết âm dương, đó là Khí, đường đi của Khí trong các văn hóa cổ và trong mô tả của các thầy cúng, cũng chính là hướng ngược chiều kim đồng hồ như trên trống đồng Đông Sơn.

Hoa văn xoáy trên đồ gốm của văn hóa Mã Gia Diêu có niên đại khoảng 2050 – 2300 TCN. [27]

Biểu đồ vòng xoáy vũ trụ của khí được vẽ bởi các thầy cúng phương Bắc [27] đã cho chúng ta thấy được hình xoắn ốc theo hướng ngược chiều kim đồng hồ chính là đại diện cho vòng xoáy của khí.

Biểu đồ vòng xoáy vũ trụ của khí được thực hiện bởi các thầy cúng phương Bắc. [27]

Trong văn hóa Phùng Nguyên Phùng Nguyên, cũng đã tìm thấy nhiều hoa văn vòng xoáy theo hướng ngược chiều kim đồng hồ đại diện cho đường đi của khí.

Vòng xoáy trong văn hóa Phùng Nguyên. [22]

Hướng của vòng xoáy có thể được thể hiện theo nhiều hướng khác nhau, như hoa văn xoáy đôi theo hướng chụm đầu vào nhau như trong văn hóa Đông Sơn, nhưng hướng đi cơ bản nhất của Khí chính là hướng ngược chiều kim đồng hồ.

Như vậy, có rất nhiều khả năng, hoa văn được bố trí theo hướng ngược chiều kim đồng hồ chính là biểu trưng cho hướng đi của vòng xoáy của khí. Người Việt mặc áo quấn thân sang trái, cũng chính là biểu trưng cho hướng di chuyển của khí.

IV. Giá trị tổng thể của hoa văn trên trống đồng Đông Sơn [35]:

Giá trị chi tiết các hoa văn trên trống đồng văn hóa Đông Sơn đã được chúng tôi khảo cứu kỹ lưỡng trong các phần trên, cho thấy chúng thể hiện các yếu tố cốt lõi văn hóa của người Việt. Bên cạnh đó, thì tổng thể các hoa văn của trống đồng Đông Sơn còn có sự kết nối chặt chẽ với nhau, thông qua việc khảo cứu bài Đông Quân, một tác phẩm được Khuất Nguyên sáng tác để mô tả hoạt động của người Việt trong vùng Hồ Nam, đã cho thấy phần lớn các hoa văn mô tả về hoạt động tế Trời của người Việt.

Vương Dật (89 – 158 SCN) cho chúng ta biết Khuất Nguyên (340 – 277 TCN) là tác giả của tập Sở Từ và của bộ Cửu Ca: “Cửu ca là do Khuất Nguyên làm ra vậy. Xưa ấp Nam Dĩnh nước Sở trong vùng sông Nguyên và sông Tương, nó có tục tin quỷ nên ưa cúng kính; hễ có cúng kính thì nó tất làm ra ca nhạc cổ vũ, để làm vui lòng các vị thần; Khuất Nguyên khi bị phóng trục, ra lánh ở vùng đất ấy, lòng mang ưu phiền, chịu khổ cay độc, sầu tư ứ uất, bèn ra xem âm nhạc ca múa của buổi lễ cúng kính do những người làng quê thực hiện. Nguyên nhân vì thế làm ra khúc Cửu ca, trước để bày tỏ sự cung kính đối với việc thờ cúng quỷ thần, sau để nói lên sự oan kết của mình …”.

Theo thông tin từ Vương Dật, chúng ta có thể thấy được Khuất Nguyên khi tới vùng đất của người Việt, quan sát hoạt động cúng tế thần của người Việt, đã có cảm hứng sáng tác nên bộ Cửu Ca và bài Đông Quân để bày tỏ lòng cung kính. Bài Đông Quân có một vị trí quan trọng hơn, bởi những mô tả của nó cho chúng ta thấy một hình ảnh vô cùng gần gũi và thân thuộc với người Việt, đó chính là những hình vẽ trên trống đồng Ngọc Lũ. Xét về niên đại, chúng ta thấy được thời kỳ sinh sống của Khuất Nguyên rất gần với thời kỳ xuất hiện của trống đồng Ngọc Lũ, văn hóa tộc Việt chính vì vậy đã được Khuất Nguyên mô tả lại một cách khá trọn vẹn.

 Phiên âmDịch nghĩa
Rước thầnĐôn (thôn) tương xuất hề đông phương,
Chiếu ngô hạm hề phù-tang.
Phủ dư mã hề an khu,

Dạ hiệu hiệu (kiểu kiểu) hề ký minh.
Vừng hồng xuất hiện đông phương,
Tỏa bầu ánh sáng phù tang chói ngời.
Ngựa thuần giong ruổi một hơi,
Màn đêm tan biến, mặt trời quang minh.
Thần giáng lâmGiá long chu hề thừa lôi,
Tái vân kỳ hề uy di.
Xe rồng chuyển sấm thình lình,
Ùn ùn mây kéo: cờ tinh rợp trời.
Người xemTrường thái tức hề tương thướng,
Tâm dê hồi hề cố hoài;
Khương thanh sắc hề ngu nhân,

Quan giả đạm hề vong quy.
Những ai than thở trông vời,
Kính thần tấc dạ bồi hồi không an.
Âm thanh, sắc thái hân hoan,
Mọi người say đắm miên man quên về.
Nhạc và múaCăng sắt hề giao cổ,
Tiêu chung hề dao cự;
Minh trì hề xuy vu,

Tư linh bảo hề hiền khoa.
Hoàn (huyên) phi hề thúy tằng,

Triển thi hề hội vũ;
Ứng luật hề hợp tiết,

Linh chi lai hề tế nhật.
Chuông khua trống giục gần kề,
Dặt dìu đàn sáo, đê mê lòng người.
Loan bay, phượng liệng chơi vơi,
Múa theo tiết tấu, nhạc hài thi ca.
Đưa thầnThanh vân y hề bạch nghê thường,
Cử trường thỉ hề xạ thiên lang,
Thao dư hồ hề phản luân giáng (hàng),
Viên bắc đẩu hề chước quế tương.
Soạn dư bí hề cao đà tường,
Yểu minh minh hề dĩ đông hành.  
Dáng ai phong nhã hào hoa,
Xiêm y gợn nét vân ba dịu dàng.
Lắp tên quyết bắn thiên lang,
Cầm cung nhắm nẻo tây phương tống thần.
Vin sao bắc đẩu tần ngần,
Chước hồ rượu quế là lần tiễn đưa.
Xe thiêng một thoáng lửng lơ,
Đông phương thẳng lối mịt mờ bóng đêm.
Cách chia đoạn của Lăng Thuần Thanh và bản dịch nghĩa của Bửu Cầm.

Lăng Thuần Thanh, người đầu tiên khiến chúng ta quan tâm tới sự tương đồng của bài Đông Quân và trống đồng Ngọc Lũ, đã phân chia bài thơ thành nhiều đoạn, đồng nhất chúng với hoạt cảnh của một buổi lễ đón rước thần Mặt Trời, về nghĩa chữ Đông Quân, từ điển Bác Nhã cũng cho chúng ta biết cũng có nghĩa là Mặt Trời.

Vừng hồng xuất hiện đông phương,
Tỏa bầu ánh sáng phù tang chói ngời.
Ngựa thuần giong ruổi một hơi,
Màn đêm tan biến, mặt trời quang minh.

Những câu thơ đầu tiên này thể hiện hoạt cảnh khi Mặt Trời mọc, trời vừa hửng sáng, người phụ trách cúng tế đã lo nghênh thần. Phù tang là một giống cây thiêng, nơi mặt trời mọc. Những câu thơ này cũng cho chúng ta thấy sự linh thiêng của mặt trời trong tâm thức của người Việt, mặt trời là ánh sáng, là quang minh, là biểu hiện cho thánh thần.

Câu “Phủ dư mã hề an khu“, được dịch là “Ngựa thuần giong ruổi một hơi“, theo lý giải của Lăng Thuần Thanh, thì ông cho rằng chữ ngựa là chỉ thuyền bè, người Việt xưa bên hồ Động Đình và lưu vực hai sông Tiêu và sông Tương đã dùng thuyền bè thay ngựa. Hồ Động Đình rất rộng, mặt trời và mặt trăng mọc lên và lặn xuống ở giữa hồ, những người ở bên bờ hồ đã hướng về hướng đông của hồ mà rước thần Thái Dương (Đông Quân), chính vì vậy họ phải dùng thuyền để xê dịch. Lăng Thuần Thanh còn dẫn theo Việt Tuyệt Thư chép: “Người Việt… đi nước mà ở núi, lấy thuyền làm xe, lấy chèo làm ngựa, đi như gió mạnh, về thì khó theo, quyết đánh không sợ chết, ấy là thường tánh của người Việt” để làm cơ sở hỗ trợ cho giả thuyết của mình. Chúng tôi cho rằng giả thuyết của Lăng Thuần Thanh là có cơ sở, nó phù hợp cả về thực tế lịch sử thời kỳ đó, phù hợp cả với trống đồng Ngọc Lũ của người Việt.

Phần thứ hai nói về khi Thần giáng lâm, “Giá long chu hề thừa lôi, tái vân kỳ hề uy di.“, được dịch là “Xe rồng chuyển sấm thình lình, Ùn ùn mây kéo: cờ tinh rợp trời.“, Lăng Thuần Thanh cho rằng câu này tả lúc thần giáng thuyền rồng, tiếng trống đánh vang dậy như sấm (lôi). Câu “Tái vân kỳ hề uy di”, là tả một đoàn thuyền nối đuôi nhau như con rắn lượn trên nước, vì trên trống đồng, không phải chỉ có một chiếc thuyền, như vậy đủ thấy thuyền rồng rước thần khá nhiều, trên thuyền cắm đầy cờ xí.

Phần thứ ba nói về người đi xem. Sơn Đái các chú Sở Từ giải thích câu “trường thái tức hề tương thướng” (những ai than thở trông vời) như sau: “Trường thái tức là nói nghe tiếng thở than, tương là sắp, thướng là lên chỗ thần ngồi”. Câu này nói về những người đi xem yên lặng nhìn thần bước lên thần tọa mà cất tiếng thở dài vì sùng kính. “Tâm đê hồi hề cố hoài” là tả sự lưu luyến. “Khương thanh sắc hề ngu nhân, quan giả đạm hề vong quy” là tả buổi lễ có nhiều âm thanh và sắc thái hấp dẫn, làm cho người xem vui say quên về.

Chuông khua trống giục gần kề,
Dặt dìu đàn sáo, đê mê lòng người.
Loan bay, phượng liệng chơi vơi,
Múa theo tiết tấu, nhạc hài thi ca.

Những câu ca này miêu tả một cách rất trọn vẹn hình ảnh những người đội mũ lông chim, mặc áo lông chim có ý nghĩa quan trọng về mặt tâm linh được khắc họa trên trống đồng Ngọc Lũ. Các nhạc cụ có trống, đàn, sáo, con người thì múa theo tiết tấu, cùng nhau ca hát.

Hình người thực hiện lễ tế Mặt Trời trên trống đồng Ngọc Lũ. [16]

Hình ảnh gõ trống trên trống đồng Ngọc Lũ. [16]

Chuông chính là những chiếc chuông đồng tai dê của văn hóa Đông Sơn, đây là vật vô cùng quan trọng đối với người Việt trong các hoạt động tâm linh.

Chuông tai dê Đông Sơn và chuông tai dê tìm thấy tại Hồ Nam. [Nguồn: 1. báo ĐCS, dẫn; 2. Gary Todd, Bảo tàng thành phố Trường Sa, dẫn]

Đoạn thứ năm nói về việc tống thần. Câu “Thanh vân y hề bạch nghê thường” chỉ sắc phục của người tế thần hoặc đóng vai thần.“Cử trường thỉ hề xạ thiên lang”, hoạt động này cũng được khắc họa trên trống đồng Ngọc Lũ, với hình ảnh người bắn tên đứng ở trên một cái bục cao, mặt quay về hướng tây, hướng mặt trời lặn. Thiên lang trong câu trên là tên một ngôi sao thuộc phân dã nước Tần, nên có nhiều nhà chú giải đã cho rằng câu này được sử dụng để chỉ nước Tần, kẻ thù của Sở, tuy nhiên, giả thiết này chắc chắn không đủ cơ sở, vì đây là bài mô tả các hoạt động của cư dân tộc Việt, nên không liên hệ gì với sự thù địch của nước Sở với nước Tần. Tôn Tác Vân, lúc khảo về bài Đông Quân đã nói rằng: “Thiên lang ở đây có quan hệ với mặt trời. Thiên lang tức thiên cẩu. Hiện nay, truyền thuyết thiên cẩu nuốt mặt trời vẫn còn lưu hành ở nhiều nơi tại Trung quốc. Xưa kia, thần vu chắc có biểu diễn cố sự bắn thiên lang. Trên chiếc thần thuyền khắc ở trống đồng Ngọc lữ và Hoàng hạ, có hình người đứng nơi cao cầm cung tên bắn lên trời, chính là biểu diễn câu Cử trường thỉ hề xạ thiên lang”. Giả thuyết này đáng tin cậy hơn nhiều so với giả thuyết Sở – Tần. Người Việt thờ Đông Quân tức là thần Mặt Trời, nên lúc tế thần phải giương cung bắn kẻ thù của thần là thiên lang (thiên cẩu).

Hình ảnh người đứng trên bục cao của thuyền bắn Thiên lang trên trống đồng Ngọc Lũ. [16]

Câu “Thao dư hồ hề phản luân giáng (hàng)” được Tưởng Ký chú: “Phản là trở về; luân giáng (hàng) là nói mặt trời chìm xuống phương tây”. Sau khi đã bắn thiên lang chặn đường, loại trừ trở ngại, người Việt cầm cung hộ tống thần trở về phương tây.

“Viên bắc đẩu hề chước quế tương” là nói khi lâm biệt, những người phụ trách việc cúng tế rót rượu tiễn thần. Hình sao bắc đẩu giống tửu khí nên mới bảo “viên bắc đẩu” (Tưởng Ký chú). “Soạn dư bí hề cao đà tường” ý muốn nói lúc đưa thần đến phía cực tây, không thể dùng thuyền được nữa, tế giả xin thần nắm dây cương và giục thần mã vượt lên không trung. Câu “Yểu minh minh hề dĩ đông hành” là nói Đông Quân, sau khi trở về phương tây, lại hướng về phương đông mà đi, để ngày mai tái xuất hiện, đem ánh sáng đến cho vạn vật.

Như vậy chúng ta thấy được những câu thơ trong bài Đông Quân đã khắc họa đầy đủ một hoạt động tế thần Mặt Trời của người Việt, kết hợp với những hình họa của trống đồng Ngọc Lũ, chúng ta thấy được rõ nét ý nghĩa và giá trị của những hình vẽ trên trống đồng Ngọc Lũ, chúng đều thể hiện hoạt động tế Trời, là cốt lõi văn hóa và tâm linh quan trọng bậc nhất của người Việt.

V. Mở rộng khảo sát các dạng hoa văn trên trống đồng Đông Sơn:

1. Trang phục trên các trống đồng:

Dạng áo hai tà sử dụng trong tế lễ là một hình ảnh rất thân thuộc, xuất hiện trên hầu hết các trống đồng của văn hóa Đông Sơn, hình dáng giống chiếc khố đã khiến người Việt ngày nay hiểu nhầm rằng Tổ Tiên người Việt còn cởi trần, đóng khố theo văn hóa bộ lạc kém văn minh. Nhưng quan sát kỹ hơn trên trống đồng Đông Sơn, thì rất ít khả năng đây là khố, bởi độ lớn của nó, hai mảnh được tách ra từ đùi, không phải từ phần giữa bụng, nên nhiều khả năng hơn, nó là một dạng áo hai tà.

Áo hai tà trên trống đồng Ngọc Lũ. [16]

Tìm hiểu và đối chiếu rộng hơn trong văn hóa tộc Việt khác là văn hóa Điền Việt, thì họ cũng có dạng áo này, cổ vật của văn hóa Điền Việt đã cho thấy trang phục trên trống đồng là một dạng áo hai tà, không phải khố. Dạng áo hai tà này có thể được mặc cùng với áo có khuy ở giữa như trên rìu đồng Đông Sơn, và áo giao lĩnh vạt chéo.

Áo hai tà được thể hiện trên tượng bằng vàng Điền Việt. [36]

2. Điệu nhảy trên trống đồng:

Điệu nhảy trên trống đồng là gì, và hình ảnh trong thực tế là như thế nào? Đây là một câu hỏi mà chắc chắn tất cả người Việt quan tâm tới nguồn gốc dân tộc đều muốn biết. Chúng tôi đã thử tìm hiểu trong các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt, thì hầu như không thấy dân tộc nào còn giữ được hình ảnh điệu vũ tương tự như trên trống đồng, nhưng mở rộng tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy người Jingpo tại Vân Nam hiện vẫn giữ được điệu vũ 目瑙纵歌 (có nghĩa là cùng nhau nhảy múa), với trang phục, hóa trang rất tương đồng với điệu vũ trên trống đồng Đông Sơn.

Người Jingpo thuộc hệ ngữ Hán-Tạng, khác với các hệ ngữ chính của tộc Việt là Nam Á và Tai-Kadai. Tuy nhiên, thì họ có thể chịu ảnh hưởng của văn hóa tộc Việt trong thời cổ đại, và vẫn giữ văn hóa này cho tới ngày nay, sự ảnh hưởng chéo về mặt văn hóa là một hiện tượng bình thường trong thời kỳ cổ đại, không hiếm chuyện dân tộc này chịu ảnh hưởng văn hóa của một dân tộc khác, nó không nhất thiết thể hiện một cách chính xác nguồn gốc của một dân tộc.

Các điệu vũ trên trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ. [16]

Quan sát kỹ hoa văn trên trống đồng Hoàng Hạ, chúng ta thấy đằng sau một vật rất giống với đầu của một loài vật nào đó, nhiều khả năng, đây là đầu của một loài chim.

Chiếc mũ dáng giống như đầu chim trong hoa văn trên trống đồng Hoàng Hạ. [16]

So sánh với văn hóa của người Jingpo, thì trong dịp lễ, họ vẫn mặc trang phục áo xẻ tà, rất đặc biệt, đó là trên đầu họ có đội mũ lông chim và đầu của loài chim Phượng Hoàng đất. Những hình ảnh này rất tương đồng với văn hóa Đông Sơn.

Người Jingpo với mũ lông chim, đầu chim Hồng Hoàng và áo xẻ tà như trên trống đồng Đông Sơn.

Mũ lông chim, chim Hồng Hoàng, áo xẻ tà cùng với hoa văn rất tương đồng với văn hóa Đông Sơn của người Jingpo.

Trong thực tế, thì chim Hồng Hoàng là cảm hứng trực tiếp hình thành nên hình tượng chim Tiên của văn hóa Đông Sơn, với thân dài, mỏ dài và đuôi có hình dáng tương đồng.

Chim Hồng Hoàng và chim Tiên trên trống đồng Đông Sơn. [22]

Khi quan sát thêm về hoa văn trên trống đồng, chúng tôi nhận thấy có một số nhân vật trên trống cầm một hiện vật có dáng thuôn dài, nó nhiều khả năng, là một dạng kiếm ngắn hay dao găm, dạng dao găm được tìm thấy rất nhiều trong văn hóa Đông Sơn, gần như là một đặc trưng riêng biệt của văn hóa tộc Việt.

Hình ảnh thủ lĩnh văn hóa Đông Sơn cầm một hiện vật giống dao hoặc kiếm và hình ảnh tương đồng của người Jingpo. [16]

Các dạng dao găm trên trống đồng Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng Barbier-Mueller]

Hình ảnh thủ lĩnh cầm chiếc lao trong điệu vũ của văn hóa Đông Sơn cũng là hình ảnh xuất hiện trong buổi lễ của người Jingpo, cũng với dạng trang trí tương đồng.

Thủ lĩnh cầm lao trên trống đồng Đông Sơn [16] và của người Jingpo.

Trong hoạt động tế lễ, thì người Việt có thể đeo những chiếc bao tay, bao chân có gắn cùng chuông như thế này, để tạo nên âm thanh trong quá trình thực hiện vũ điệu.

Bao chân có hoa văn âm dương, được gắn thêm nhiều chuông nhỏ của văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng Barbier-Mueller.]

Điệu vũ của người Jingpo được thực hiện theo sơ đồ dưới, đây chính là biểu hiện của văn hóa âm dương tương tự như trên trống đồng và các đồ đồng của văn hóa Đông Sơn. Rất có thể, điệu vũ trên trống đồng cũng sẽ diễn ra theo hướng tương tự như của người Jingpo, với sự điều hành của các vị thầy cúng dẫn đầu và sự tham gia của cả các cư dân.

Hướng diễu hành trong điệu vũ của người Jingpo. [27]

Video dưới đây sẽ thể hiện rõ hơn thực tế về điệu vũ của người Jingpo, điệu nhảy cũng khá tương đồng với dáng người trên trống đồng Đông Sơn.

3. Hình thuyền trên trống đồng Đông Sơn:

Ở phần trên chúng tôi đã phân tích về hình ảnh chim Tiên bay về đầu thuyền Rồng, cũng như chức năng của thuyền chính là để đưa rước Trời. Chúng tôi cũng đã phân tích về cấu trúc của trống đồng chính là một Cây Vũ Trụ. Điều đặc biệt, đó là thuyền luôn được thể hiện ở phần trên cùng của trống đồng, phần tán đại diện cho thiên đường.

Trong thực tế, thì người Ai Cập cũng tôn thờ Trời, vị thần mà họ gọ là Ra, họ cho rằng, vị thần của họ băng qua bầu trời trong chiếc “thuyền mặt trời.”

Minh họa hình ảnh người Ai Cập quan sát vị thần Ra của họ đi thuyền trên bầu trời. [Nguồn]

Dựa trên vị trí mà thuyền Rồng được thể hiện là trên đỉnh của trống đồng biểu trưng cho thiên đường cũng như vai trò trong lễ tế trời, thì nhiều khả năng, hình ảnh thuyền trên trống đồng Đông Sơn chính là “thuyền Mặt Trời”, bên cạnh hình ảnh thực tế là thuyền Rồng, đại diện cho văn hóa Tiên – Rồng của người Việt.

Hoa văn thuyền được trang trí trên đỉnh của trống đồng Ngọc Lũ. [Nguồn: Tạp chí Asia Art]

Trong văn hóa Ai Cập, thì thuyền là thuyền chuyên chở các vị thần, nhưng trong văn hóa Việt, dựa trên khảo cứu hoa văn trống đồng Ngọc Lũ và lễ tế Trời từ sự so sánh với bài Đông Quân, thì hình ảnh những chiếc thuyền của người Việt chính là thuyền đưa rước thần Mặt Trời.

4. Hoa văn chim trên các trống đồng Đông Sơn:

Trên các trống đồng văn hóa Đông Sơn, bên cạnh những chiếc thuyền rất thường xuyên xuất hiện hình ảnh những chú chim, đôi khi một mình, có đôi hoặc cắp một con cá, chúng tôi chưa tìm được thông tin để xác định được ý nghĩa và vai trò của hình ảnh này là gì, nhưng nếu xét trong văn hóa cổ, thì hình ảnh này xuất hiện sớm nhất trong văn hóa Ngưỡng Thiều, một trong số các nền văn hóa cổ là tiền thân của văn hóa Đông Sơn.

Hình chim trên đồ gốm Ngưỡng Thiều và hình chim trên các trống đồng Đông Sơn. [Nguồn: 1. dẫn, 2. Viện Viễn Đông Bác Cổ]

Hình chim thường đi cùng với thuyền trên đỉnh của trống đồng Đông Sơn. Hình trên là thuyền trên trống đồng Hoàng Hạ. [10]

Như chúng tôi đã chứng minh trong bài viết khác, thì văn hóa Ngưỡng Thiều thuộc về văn hóa Đông Á cổ đại, người Hoa Hạ có gốc từ người Khương vùng Cam Túc, Thanh Hải di cư vào vùng đồng bằng sông Hoàng Hà vào khoảng 5000 năm trước, cai trị và hòa huyết với người bản địa để hình thành tộc người Hoa Hạ [37]. Bởi vậy, nguồn gốc từ văn hóa Đông Á cổ, đây không phải là các văn hóa do người Hoa Hạ xây dựng nên, mà là tiền thân trực tiếp của các văn hóa tộc Việt trong vùng Dương Tử và văn hóa Đông Sơn.

Từ đây, chúng ta thấy được giá trị to lớn của những hoa văn trên trống đồng Đông Sơn, hoa văn trên trống đồng Đông Sơn chính là kết tinh của văn hóa Đông Á cổ đại, tiền thân của các văn hóa tộc Việt trong vùng Dương Tử, là nền tảng hình thành nên văn hóa Đông Sơn. Các yếu tố văn hóa Đông Á cổ đại, hầu hết đều có thể được tìm thấy trên trống đồng Đông Sơn như chúng tôi đã phác họa về sự kế thừa từ các hoa văn trong bài viết này.

VI. Kết luận:

Sự khảo cứu chuyên sâu về các văn hóa cổ của người Việt, kết hợp với so sánh, đối chiếu với các nền văn hóa, các dân tộc đã cho chúng ta thấy được nguồn gốc, ý nghĩa thực sự của trống đồng và các hoa văn trên trống đồng Đông Sơn. Kết cấu của trống đồng Đông Sơn là một Cây Vũ Trụ, hiện vật biểu trưng cho sự kết nối của con người với Trời và Đất. Các hoa văn trên trống đồng cũng là biểu hiện của 3 văn hóa cốt lõi: thờ Trời, vật Tổ và âm dương, hầu hết các hoa văn trên trống đồng Đông Sơn đều biểu trưng cho các yếu tố văn hóa này, có sự hòa hợp và biến đổi rất linh hoạt giữa các yếu tố văn hóa, các yếu tố không rạch ròi mà hòa quyện với nhau một cách hoàn hảo trong các hoa văn của các trống đồng Đông Sơn.

Những chiếc trống đồng từ đây đã cho thấy được những giá trị vô cùng đặc biệt, là biểu trưng cho cốt lõi của toàn bộ nền văn hóa của cộng đồng tộc Việt, hay rộng hơn là cả các dân tộc có ít nhiều liên hệ với cộng đồng tộc Việt trong tiến trình lịch sử. Chính vì lý do đó, mà trống đồng đã được các dân tộc trân trọng, giữ gìn xuyên suốt lịch sử như một hiện vật linh thiêng của dân tộc mình, mặc dù có sự thay đổi và quên đi giá trị gốc, nhưng về cơ bản chúng vẫn thể hiện được giá trị của trống đồng trong các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt và chịu ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn.

Đây sẽ là cơ sở rất quan trọng để chúng ta có thể có một cái nhìn bao quát và sâu sắc hơn về nền văn hóa của người Việt trong thời kỳ tiền Bắc thuộc, những biểu hiện trên trống đồng đã cho thấy đây là một nền văn hóa vô cùng đa dạng và đặc sắc, chỉ trong một chiếc trống đồng, mà Tổ Tiên của người Việt đã truyền tải được toàn bộ những yếu tố cốt lõi văn hóa của người Việt qua những hoa văn ước lệ yêu cầu trình độ nghệ thuật và kỹ năng chế tác rất cao, vậy mới thấy sự tài tình của những triết gia và các nghệ nhân Việt thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Đây cũng là bằng chứng cho chúng ta thấy được trình độ phát trển của người Việt trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn là cao như thế nào.

Chúng tôi hy vọng rằng, từ đây, người Việt sẽ nhận ra giá trị của trống đồng Đông Sơn, hay rộng hơn là giá trị của nền văn hóa cổ cuối cùng của cộng đồng tộc Việt, từ đó, có một thái độ trân trọng, gìn giữ, cũng như hướng tới sự phục hưng, đưa trống đồng và những giá trị văn hóa thời cổ đại trở về với đời sống của người Việt thời hiện đại, tiếp nối nền văn hóa chân chính của người Việt đã bị đứt quãng dưới những sự chiếm đóng và áp đặt một chiều từ văn hóa Trung Hoa, đó cũng là lúc chúng ta nhận diện được bản thể của mình, biết mình là ai, chúng tôi tin tưởng, đó sẽ là chìa khóa mở ra một chương mới rực rỡ hơn trong sự phát triển của người Việt.

Lang Linh
Minh họa: Nguyễn Lân.


Tài liệu tham khảo và chú thích:

[1] Lang Linh (2021), Nguồn gốc của trống đồng và văn hóa Đông Sơn.
https://luocsutocviet.com/2021/07/01/541-nguon-goc-cua-trong-dong-va-van-hoa-dong-son/

[2] Lưu Trần Tiêu, Trống đồng Việt Nam.
http://baotang.thanhhoa.gov.vn/portal/Pages/2015-3-30/TRONG-DONG-VIET-NAM5keow4.aspx

[3] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

[4] Lipson M, Cheronet O, Mallick S, Rohland N, Oxenham M, Pietrusewsky M, Pryce TO, Willis A, Matsumura H, Buckley H, Domett K, Nguyen GH, Trinh HH, Kyaw AA, Win TT, Pradier B, Broomandkhoshbacht N, Candilio F, Changmai P, Fernandes D, Ferry M, Gamarra B, Harney E, Kampuansai J, Kutanan W, Michel M, Novak M, Oppenheimer J, Sirak K, Stewardson K, Zhang Z, Flegontov P, Pinhasi R, Reich D. Ancient genomes document multiple waves of migration in Southeast Asian prehistory. Science. 2018 Jul 6;361(6397):92-95. doi: 10.1126/science.aat3188. Epub 2018 May 17. PMID: 29773666; PMCID: PMC6476732.

[5] Lang Linh (2021), Bức tranh di truyền về nguồn gốc của người Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/08/19/550-buc-tranh-di-truyen-ve-nguon-goc-cua-nguoi-viet/

[6] Han Xiaorong, 1998, The present echoes of the ancient bronze drums: Nationalism and archaeology in modern Vietnam and China.
https://scholarspace.manoa.hawaii.edu/handle/10125/2545

[7] Chiou-Peng, Tzehuey. (2008). Dian Bronze Art: Its source and formation. IPPA BULLETIN. 28. 34-43. 10.7152/bippa.v28i0.12013.
https://www.researchgate.net/publication/228660856_Dian_Bronze_Art_Its_source_and_formation

[8] Loofs-Wissowa H (1991). Dongson drums: instruments of Shamanism or regalia?. Arts asiatiques, p.39-49. Doi: 10.3406/arasi.1991.1300
https://www.researchgate.net/publication/250235416_Dongson_Drums_Instruments_of_Shamanism_or_Regalia

[9] Nguyễn Văn Hảo, Trống Vạn Gia Bá – Nhìn từ phát hiện ở Việt Nam
baotanglichsu.vn/vi/Articles/3101/70903/trong-van-gia-ba-nhin-tu-phat-hien-o-viet-nam.html

[10] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.

[11] Li Kunsheng, Huang Derong 李昆声,黄德荣. Trên trống đồng loại I Heger 论黑格尔Ⅰ型铜鼓[J]. Tạp chí Khảo cổ học Trung Quốc 考古学报,2016(02):173-208.

[12] Loofs-Wissowa H (1991). Dongson drums: instruments of Shamanism or regalia?. Arts asiatiques, p.39-49. Doi: 10.3406/arasi.1991.1300
https://www.researchgate.net/publication/250235416_Dongson_Drums_Instruments_of_Shamanism_or_Regalia

[13] Higham C (2014). Early mainland Southeast Asia: from first humans to Angkor. River Books, p.200.

[14] Wang Zunguo 汪遵国. Vị trí của ngọc Tông và ngọc Bích trong nền văn hóa Trung Quốc cổ đại 琮璧在中国古代文化中的地位[J]. Bản tin Hiệp hội xã hội tỉnh Giang Tô 江苏社联通讯,1980(01):13-16.

[15] Gu Fang, Chinese Jades in Traditional Collections, Tập 1: Neolithic Period·Shang Dynasty Western Zhou·Spring and Autumn Period·Warring States Period.

[16] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.

[17] Senkutė, Loreta. “Varuna “Rigvedoje” ir dievo įvaizdžio sąsajos su velniu baltų mitologijoje” [God Varuna o f the Rigveda as related to images in ancient Baltic mythology]. In: Rytai-Vakarai: Komparatyvistinés Studijos XII. pp. 366-367. ISBN 9789955868552.

[18] Lintrop, Aado (2001). “The Great Oak and Brother-Sister”. Electronic Journal of Folklore. 16: 38. doi: 10.7592/FEJF2001.16.oak2.

[19] Crews, Judith. “Forest and tree symbolism in folklore”. In: Unasylva (English ed.) Vol. 54, No. 213 (2003). p. 41. ISSN 0041-6436.

[20] Usačiovaitė, Elvyra. “Gyvybės medžio simbolika Rytuose ir Vakaruose” [Symbolism of the Tree of Life in the East and the West; Life tree symbols in the East and West]. In: Kultūrologija [Culturology]. 2005, t. 12, p. 313. ISSN 1822-2242.

[21] Tranh khắc đá “Sun Man” “太阳人”石刻[J]. Khoa học xã hội Hồ Bắc 湖北社会科学,2014(06):2.

[22] Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam – Từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2003.

[23] Lang Linh (2021), Đi tìm một nửa Tiên Rồng: nguồn gốc chim Tiên.
https://luocsutocviet.com/2021/05/28/535-di-tim-mot-nua-tien-rong-nguon-goc-chim-tien/

[24] Lang Linh (2021), Hình tượng Rồng trong văn hóa cổ Á Đông.
https://luocsutocviet.com/2021/06/15/538-hinh-tuong-rong-trong-van-hoa-co-a-dong/

[25] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, bản dịch Lê Hữu Mục, nhà sách Khai Trí (1960).

[26] Lang Linh (2021), Nguồn gốc của âm dương và các hoa văn tộc Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/12/06/579-nguon-goc-cua-am-duong-va-cac-hoa-van-toc-viet/

[27] Hu J. (2020) Origin of Humanity: Images on Prehistoric Colored Pottery and Chinese Spirituality. In: Big Tradition and Chinese Mythological Studies. Springer, Singapore. https://doi.org/10.1007/978-981-15-4634-1_7

[28] Lang Linh (2021), Khái niệm tộc Việt và nguồn gốc cộng đồng tộc Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/09/29/553-khai-niem-toc-viet-va-nguon-goc-cong-dong-toc-viet/

[29] Đổng Sở Bình 董楚平; “Phương Việt hội thi” “方钺会矢” – Một trong những diễn giải về các nhân vật Lương Chử 良渚文字释读之一[J];东南文化;2001年03期.

[30] Đội khảo cổ Thạch Gia Hà 石家河考古队 (1999). Tiêu Gia Ốc Tích 肖家屋脊: Nhà xuất bản Văn Vật 文物出版社.

[31] Matsumura, Hirofumi & Hung 洪曉純, Hsiao-Chun & Cuong, Nguyen & Zhao, Ya‑feng & He, Gang & Chi, Zhang. (2017). Mid-Holocene Hunter-Gatherers ‘Gaomiao’ in Hunan, China: The First of the Two-layer Model in the Population History of East/Southeast Asia. 10.22459/TA45.03.2017.04.

[32] Hán Văn Khẩn, Văn hóa Phùng Nguyên. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, 2005.

[33] Hà Văn Tấn. Theo dấu các văn hoá cổ: Từ gốm Phùng Nguyên đến trống đồng. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1997, 851 trang.

[34] Li Zhenhao 李振豪. Nghiên cứu về sự thờ cúng Mặt trời thời đồ đá mới ở vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử 长江中下游新石器时代太阳崇拜研究[D]. Đại học Sư phạm Trùng Khánh 重庆师范大学,2018.

[35] Phần này chúng tôi lấy tư liệu chủ yếu từ bài khảo cứu của Giáo sư Bửu Cầm, Tương quan giữa những hình cham trên trống Đồng và bài “Đông Quân” trong Cửu Ca, bài được đăng trên Tập san Sử Địa số 25, Sài Gòn, 1971.
https://luocsutocviet.wordpress.com/2017/04/27/018-trong-dong-viet-toc-va-bai-ca-dong-quan/

Bên cạnh đó là các bài khảo cứu của Lê Mạnh Thát: Lịch sử Âm nhạc thời Hùng Vương, được chúng tôi đăng lại trên blog.
https://luocsutocviet.wordpress.com/2019/06/14/319-%f0%9f%8c%9f-lich-su-am-nhac-thoi-hung-vuong/

Và bài viết của Cung Đình Thanh: Nhân việc đi tìm tác quyền một bài văn, được chúng tôi đăng lại trên blog.
https://luocsutocviet.wordpress.com/2017/06/21/042-%F0%9F%8C%9F-bai-ca-dong-quan-khuat-nguyen-va-lich-su-toc-viet/

[36] Chen Liang 陈亮. Nói về phong cách nhảy của tượng đồng ở Vân Nam 漫谈滇国青铜器舞蹈造型[J].寻根,2020(02):73-81.

[37] Lang Linh (2021), Tìm hiểu về nguồn gốc của tộc người Hoa Hạ.
https://luocsutocviet.com/2021/11/23/575-tim-hieu-ve-nguon-goc-cua-toc-nguoi-hoa-ha/

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.