602. ☀ Hồng Bàng, Văn Lang và Hùng Vương trong thơ văn lịch sử

Thời kỳ Hồng Bàng, Hùng Vương là cội nguồn của dân tộc Việt, người Việt luôn luôn tự hào rằng mình là Con Rồng Cháu Tiên, niềm tự hào đó được thể hiện xuyên suốt trong lịch sử, từ những triều đại phong kiến đầu tiên, cho tới hiện tại. Thời kỳ Hồng Bàng, Hùng Vương đã được chúng tôi đã được chúng tôi khảo cứu và chứng minh là có cơ sở cả về khoa học, lịch sử, ngôn ngữ và những tư liệu liên ngành khác. [1][2][3]

Những bài thơ chúng tôi dẫn ra sau đây, trải dài từ các triều đại Trần-Lê-Nguyễn cho tới thời cận đại, đọc chúng, bạn đọc sẽ cảm nhận được lòng tự tôn về dòng giống Hồng Bàng của người Việt là to lớn tới như thế nào.

[1] https://luocsutocviet.com/2022/11/21/601-nuoc-van-lang-va-trieu-hung-vuong-trong-tu-lieu-lich-su-va-ngon-ngu/

[2] https://luocsutocviet.com/2021/12/25/586-co-so-di-truyen-khao-co-va-lich-su-ve-quoc-gia-van-lang/

[3] https://luocsutocviet.com/2021/10/14/560-hong-bang-thi-co-phai-truyen-thong-duoc-kien-tao-khong/


1. Thời Trần – Lê:

Hành quận 行郡 – Đi kinh lý trong quận – Phạm Sư Mạnh

艤船河石溯清波,
瀧在爭迎使旆過。
瀘水藩籬洮聚落,
文郎日月蜀山河。
書車萬里邊塵靜,
宇宙千年世事多。
我幸蒙恩開制閫,
驅攘盜賊息干戈。

Phiên âm

Nghĩ thuyền hà thạch tố thanh ba,
Lũng lại tranh nghênh sứ bái qua.
Lô thuỷ phiên ly, Thao tụ lạc,
Văn Lang nhật nguyệt Thục sơn hà.
Thư xa vạn lý biên trần tĩnh,
Vũ trụ thiên niên thế sự đa.
Ngã hạnh mông ân khai chế khổn,
Khu nhương đạo tặc, tức can qua.

Dịch nghĩa

Ngược giòng sóng trong, đậu thuyền ở bến đá,
Kẻ lại coi sông giành nhau đón cờ sứ thần đi qua.
Sông Lô là nơi phên giậu, sông Thao là nơi dân tụ họp,
Đã từng qua ngày tháng nước Văn Lang, non sông vua Thục.
Nay muôn dặm thống nhất, bụi bặm nơi biên cương đã yên tỉnh,
Vũ trụ nghìn năm, đời có nhiều thay đổi.
Ta may mắn đội ơn vua, mở nơi cõi ngoài,
Xua trừ trộm cướp, dập tắt can qua.

Nguồn: Thơ văn Lý Trần (tập III), NXB Khoa học xã hội, 1978


Hoạ Đại Minh sứ đề Nhị Hà dịch kỳ 3
和大明使題珥河驛其三 
Hoạ tơ của sứ thần nhà Minh đề ở trạm dịch Nhị Hà kỳ 3

新朝使者樂從容,
江上春風試倚笻。
玉珥寒光侵廣野,
傘圓霽色照昇龍。
文郎城古山重疊,
翁仲祠深雲淡濃。
醉墨淋漓題驛壁,
清朝人物盛三雍。

Phiên âm

Tân triều sứ giả lạc thung dung,
Giang thượng xuân phong thí ỷ cùng.
Ngọc Nhị hàn quang xâm quảng dã,
Tản Viên tễ sắc chiếu Thăng Long.
Văn Lang thành cổ sơn trùng điệp,
Ông Trọng từ thâm vân đạm nùng.
Tuý mặc lâm ly đề dịch bích,
Thanh triều nhân vật thịnh tam ung.

Dịch nghĩa

Sứ giả triều mới vui vẻ, thung dung,
Trước gió xuân trên sông, chống chiếc gậy trúc.
Sông Nhị như ngọc, sáng mát thấm đồng ruộng,
Tản Viên khi tạnh, sắc núi chiếu đến Thăng Long.
Thành cổ Văn Lang, núi non trùng điệp,
Đền Ông Trọng thâm nghiêm, mây đạm nhạt.
Mực say còn lai láng đề trên vách nhà trạm,
Nhân vật thời thịnh, vui vẻ thuận hoà.

Nguồn: Thơ văn Lý Trần (tập III), NXB Khoa học xã hội, 1978


Thoát Hiên vịnh sử thi tập – 軒詠史詩集

Đặng Minh Khiêm là cháu 4 đời Đặng Dung, đậu Hoàng Giáp năm 1487, làm Thượng thư kiêm Tổng Tài Quốc sử quán. Ông đã sáng tác Thoát Hiên vịnh sử thi tập 脫軒詠史詩集, trong đó có tập Đế vương thượng, gồm 12 bài vịnh các nhân vật lịch sử từ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương đến Hậu Ngô Vương.

Kinh Dương Vương 經陽王

玄黃判後世鴻龐,
胄出神明有哲王。
遜國讓兄昭至德,
北南分治奠封疆。

Phiên âm

Huyền hoàng phán hậu thế Hồng Bàng,
Trụ xuất thần minh hữu triết vương.
Tốn quốc nhượng huynh chiêu chí đức,
Bắc Nam phân trị điện phong cương.

Dịch nghĩa

Thuở trời đất mới phân chia, đời xuất hiện họ Hồng Bàng
Dòng dõi thần minh đã sinh ra vị vua thông tuệ
Nhường lại nước cho anh, tỏ rõ đức độ cao cả
Chia nhau cai quản phương Bắc và phương Nam, cùng giữ gìn bờ cõi vững bền

Lạc Long Quân 貉龍君

堂堂世繫出經陽,
帝女來嬪定決祥。
乾始坤生開越祖,
百男自續慶繁昌。

Phiên âm

Đường đường thế hệ xuất Kinh Dương,
Đế nữ lai tần định quyết tường.
Càn thuỷ khôn sinh khai Việt tổ,
Bách nam tự tục khánh phồn xương.

Dịch nghĩa

Đường đường thế hệ sinh ra từ Kinh Dương Vương
Con gái vua đến phối hợp mà định điềm lành
Càn khởi thuỷ, khôn sinh dưỡng mở đầu ra tổ tiên người Việt
Trăm con trai nối dõi, phúc lành phồn thịnh

Hùng Vương 雄王

王侯將相總稱雄,
十八傳來位號同。
歳歷千餘支派遠,
二徵還有祖威風。

Phiên âm

Vương hầu tướng tướng tổng xưng Hùng,
Thập bát truyền lai vị hiệu đồng.
Tuế lịch thiên dư chi phái viễn,
Nhị Trưng hoàn hữu tổ uy phong.

Dịch nghĩa

Vương hầu, quan văn, quan võ đều xưng hiệu là Hùng
Truyền nối qua mười tám đời đều lấy chung một hiệu vua
Kéo dài suốt hơn nghìn năm, chi phái dòng dõi thật lâu xa
Cho đến thời Hai Bà Trưng vẫn còn sự oai phong của tổ tiên

[Thoát Hiên vịnh sử thi tập, Đặng Minh Khiêm, NXB Văn học, 2016]


Quốc tịch Văn Lang cổ

(Vua Lê Hiển Tông)

Quốc tịch Văn Lang cổ,
Vương thư Việt sử tiên.
Hiển thừa thập bát đại,
Hình thắng nhất tam xuyên.
Cựu trưng cao phong bán,
Sùng từ tuấn lĩnh biên.
Phương dân ngung trắc giáng,
Hương hoả đáo kim truyền.

Dịch nghĩa:

Văn Lang xưa lập nước,
Vua đầu Việt sử thơ.
Mười tám đời nối tiếp,
Ba sông chỉ một bờ.
Ở lưng đồi, mộ Tổ,
Trên sườn núi, đền thờ.
Dân lành chăm cúng tế,
Hương khói toả đến giờ.

[Bản dịch Phanxipăng]

Năm Canh Tý 1600, cho tổ chức Quốc giỗ Hùng Vương trên núi Nghĩa Lĩnh, hoàng đế Lê Hiển Tông đã đến hành lễ và ngự bút đề vịnh bài ngũ ngôn bát cú này.

Đô Định Văn Lang tự Lạc Long
Dương thời Thục bất hiệu anh hùng
Kiếm hầu, thụ đỉnh, quy mô đại
Vụ bản, cần nông, chính hóa Long
Thi mị cạnh tranh tê thịnh trị
Dân vô tập ngụy đắc thuần phong
Giả nhiên hậu tự truy quang chí
Thục Đế hà duyên khí ngoại nhung.

Dịch:

Đô nước Văn Lang, nối Lạc Long
Đương thời, ai chẳng gọi anh hùng
Lập hầu, dựng nghiệp, quy mô lớn
Vun gốc, chăm nông, chính hóa sùng
Đời chẳng tranh giành, lên thịnh trị
Dân không gian dối, có thuần phong
Ví sau con cháu noi đời trước
Vua Thục sao đà dám tiến công.

[Trích Danh tích thi tập thời Lê Hiển Tông (1840-1786)]

http://baophutho.vn/den-hung/200904/nhung-bai-tho-hay-bang-chu-han-vinh-den-hung-14846


Sấm ký, tương truyền là của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) cũng có đoạn chép về Lạc Long Quân như vị Tổ của dân tộc Việt.

Trải vì sao mây che Thái Ất
Thủa cung tay xe nhật phù lên
Việt Nam khởi tổ gây nền
Lạc Long ra trị đương quyền một phương
Thịnh suy bĩ thái chẳng thường
Một thời lại một nhiễu nhương nên lề.

Bản quốc ngữ đầu tiên của Sở Cuồng in trong Quốc học tùng thư do Nam Ký xuất bản tại Hà Nội, 1930, 53 trang, in tại nhà in Trịnh Văn Bích. Trong quyển Thư mục Đông Dương (Bibliographie en l’Indochine), quyển V, xuất bản ở Đông Dương năm 1935, ông Paul Boudet có ghi “Bạch Vân Am thi tập, văn thơ sấm ký của cụ trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm, recueilli par Sở Cuồng, Nam Ký thư quán, 1930, Impr Trịnh Văn Bích, Coll Quốc học tùng thư”.


2. Thời Nguyễn:

Vịnh sử Hồng Bàng kỷ 詠史鴻龐紀

(Trần Bích San – Mai Nham thi thảo)

詠史鴻龐紀 
南國山河自一方,
涇陽而下接雄王。
只緣荒落民風古,
不記年華孰短長。

Dịch nghĩa

Sông núi nước Nam một phương riêng biệt
Sau Kinh Dương Vương tiếp đến Hùng Vương
Chỉ vì đời sống còn hoang dã, phong tục còn cổ sơ
Cho nên không ghi lại được niên đại dài, ngắn

[Tam nguyên Trần Bích San – Cuộc đời và tác phẩm, Hội Văn học nghệ thuật Nam Hà, 1994]


Văn tục truyền Tản Viên Sơn thần bất tử sự ngẫu thành nhất luật
|聞俗傳傘圓山神不死事偶成一律
(Nghe tục truyền chuyện bất tử thần núi Tản Viên ngẫu nhiên làm một bài)

(Doãn Khê)

相傳神不死,
幻化雲溪間。
聞之細推想,
脫然會達觀。
當在雄王世,
才器無與班。
翩塵憤蜀寇,
揮劍濟辰艱。
一朝清海宇,
長揖歸故山。
撐立綱常柱,
推出名利關。
灝氣凜獨存,
高風不可攀。
云何好事者,
空作奇觀看。
豈有長生藥,
不死惟心丹。

Dịch nghĩa:

Tương truyền thần bất tử
Ảo hoá trong suối mây
Nghe chuyện suy tưởng kỹ
Vội hiểu ra điều này
Ở thời đại Hùng Vương
Tài khí không ai đang
Sục sôi căm giặc Thục
Vung kiếm mong cứu đời
Một mai biển sóng lặng
Quay trở về núi xưa
Dựng nên cột cương thường
Không màng danh với lợi
Lẫm liệt khí anh hùng
Phong cách cao vời vợi
Nói sao việc tốt này
Chỉ để lại kỳ quan
Thuốc trường sinh nào phải
Bất tử ấy lòng son

[Bản dịch Nguyễn Tiến Đoàn]


Đại Nam quốc sử diễn ca – Lê Ngô Cát

Họ Hồng Bàng

Kể từ trời mở viêm bang,
Sơ đầu có họ Hồng Bàng mới ra.
Cháu đời Viêm đế thứ ba,
Nối dòng Hoả đức gọi là Đế Minh.
Quan phong khi giá Nam hành,
Hay đâu Mai Lĩnh duyên sinh Lam Kiều,
Vụ tiên vừa thuở đào yêu,
Xe loan nối gót, tơ điều kết duyên.

Kinh Dương Vương

Dòng thần sánh với người tiên,
Tinh anh nhóm lại, thánh hiền nối ra,
Phong làm quân trưởng nước ta,
Tên là Lộc Tục, hiệu là Kinh Dương.
Hoá cơ dựng mối luân thường.
Động đình sớm kết với nàng Thần Long.
Bến hoa ứng vẻ lưu hồng
Sinh con là hiệu Lạc Long trị vì.

Lạc Long Quân và Âu Cơ

Lạc Long lại sánh ưu ky.
Trăm trai điềm ứng hùng bi lạ dường.
Noãn bào dù chuyện hoang đường,
Ví xem huyền điểu sinh Thương khác gì?
Đến điều tan hợp cũng kỳ,
Há vì thuỷ hoả sinh ly như lời,
Chia con sự cũng lạ đời,
Quy sơn, quy hải khác người biệt ly.
Lạc Long về chốn Nam thuỳ,
Âu Cơ sang nẻo Ba Vì Tản Viên.
Chủ trương chọn một con hiền,
Sửa sang việc nước nối lên ngôi rồng.

Hùng Vương và nước Văn Lang

Hùng Vương đô ở châu Phong,
Đấy nơi Bạch Hạc hợp dòng Thao giang.
Đặt tên là nước Văn Lang,
Chia mười lăm bộ, bản chương cũng liền.
Phong Châu, Phúc Lộc, Chu Dên,
Nhận trong địa chí về miền Sơn Tây;
Định Yên, Hà Nội đổi thay,
Đấy châu Giao Chỉ xưa nay còn truyền.
Tân Hưng là cõi Hưng, Tuyên,
Vũ Ninh tỉnh Bắc, Dương Tuyền tỉnh Đông;
Thái, Cao hai tỉnh hỗn đồng,
Đấy là Vũ Định tiếp cùng biên manh;
Hoài Hoan: Nghệ; Cửu Chân: Thanh;
Việt Thường là cõi Trị, Bình Trung Châu.
Lạng là Lục Hải thượng du
Xa khơi Ninh Hải thuộc vào Quảng Yên.
Bình Văn, Cửu Đức còn tên,
Mà trong cương giới sơn xuyên chưa tường.
Trước sau đều gọi Hùng Vương,
Vua thường nối hiệu, quan thường nối tên.
Lạc Hầu là tướng điều nguyên,
Vũ là Lạc Tướng giữ quyền quân cơ;
Đặt quan Bồ Chinh hữu tư
Chức danh một bực, đẳng uy một loài.

Giao thiệp với Trung Hoa

Vừa khi phong khí sơ khai,
Trinh nguyên xẩy đã gặp đời Đế Nghiêu.
Bình Dương nhật nguyệt rạng kiêu,
Tấm lòng quỳ, hoắc cũng đều hướng dương.
Thần Quy đem tiến Đào Đường,
Bắc Nam từ ấy giao bang là đầu.
Man dân ở chốn thượng lưu,
Lấy nghề chài lưới làm điều trị sinh.
Thánh nhân soi xét vật tình,
Đem loài thuỷ quái vẽ mình thổ nhân.
Từ sau tục mới văn thân,
Lợi dân đã dấy, hại dân cũng trừ.
Dõi truyền một mối xa thư,
Nước non đầm ấm, mây mưa thái bình.
Vừa đời ngang với Chu Thành,
Bốn phương biển lặng, trời thanh một mầu.
Thử thăm Trung Quốc thể nào,
Lại đem bạch trĩ dâng vào Chu Vương.
Ba trùng dịch lộ chưa tường,
Ban xe tí ngọ chỉ đường Nam quy.

Chuyện Phù Đổng Thiên Vương

Sáu đời Hùng vận vừa suy,
Vũ Ninh có giặc mới đi cầu tài,
Làng Phù Đổng có một người,
Sinh ra chẳng nói, chẳng cười trơ trơ.
Những ngờ oan trái bao giờ.
Nào hay thần tướng đợi chờ phong vân.
Nghe vua cầu tướng ra quân,
Thoắt ngồi, thoắt nói muôn phần khích ngang.
Lời thưa mẹ, dạ cần vương.
Lấy trung làm hiếu một đường phân minh.
Sứ về tâu trước thiên đình,
Gươm vàng, ngựa sắt đề binh tiến vào.
Trận mây theo ngọn cờ đào,
Ra uy sấm sét, nửa chiều giặc tan.
Áo nhung cởi lại Linh San,
Thoắt đà thoát nợ trần hoàn lên tiên.
Miếu đình còn dầu cố viên,
Chẳng hay chuyện cũ lưu truyền có không?

Chuyện Sơn Tinh và Thuỷ Tinh

Lại nghe trong thủa Lạc Hùng
Mị Châu có ả tư phong khác thường,
Gần xa nức tiếng cung trang.
Thừa long ai kẻ đông sàng sánh vai?
Bỗng đâu vừa thấy hai người,
Một Sơn Tinh với một loài Thuỷ Tinh,
Cầu hôn đều gửi tấc thành,
Hùng Vương mới phán sự tình một hai.
Sính nghi ước kịp ngày mai,
Ai mau chân trước, định lời hứa anh.
Trống lầu vừa mới tan canh,
Kiệu hoa đã thấy Sơn Tinh chực ngoài.
Ước sao lại cứ như lời,
Xe loan trăm cỗ đưa người nghi gia.
Cung đàn tiếng địch xa xa,
Vui về non Tản, oán ra bể Tần.
Thuỷ Tinh lỡ bước chậm chân,
Đùng đùng nổi giận, đem ân làm thù.
Mưa tuôn gió thổi mịt mù,
Ào ào rừng nọ, ù ù núi kia,
Sơn thần hoả phép cũng ghê,
Lưới giăng dòng Nhị, phen che ngàn Đoài.
Núi cao sông cũng còn dài,
Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen.

Chuyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung

Bổ di còn chuyện trích tiên,
Có người họ Chử ở miền Khoái Châu.
Ra vào nương náu Hà Châu.
Phong trần đã trải mấy thâu cùng người.
Tiên Dung gặp buổi đi chơi,
Giỏ đưa Đằng Các, buồm xuôi Nhị Hà,
Chử Đồng ẩn chốn bình sa
Biết đâu gặp gỡ lại là túc duyên.
Thừa lương nàng mới dừng thuyền,
Vây màn tắm mát kề liền bên sông.
Người thục nữ, kẻ tiên đồng,
Tình cờ ai biết vợ chồng duyên ưa.
Giận con ra thói mây mưa,
Hùng Vương truyền lịnh thuyền đưa bắt về.
Non sông đã trót lời thề,
Hai người một phút hoá về Bồng Châu,
Đông An, Dạ Trạch đâu đâu,
Khói hương nghi ngút truyền sau muôn đời.

Hết đời Hồng Bàng

Bể dâu biến đổi cơ trời,
Mà so Hồng Lạc lâu dài ai hơn?
Kể vua mười tám đời truyền,
Hai ngàn năm lẻ vững bền khôn lay.
Một dòng phụ đạo xưa nay,
Trước ngang Đường Đế sau tầy Noãn Vương.


Hùng Vương 雄王 – Tự Đức

文郎建國歷千年,
父道相承十八傳。
自侍酒兵能卻敵,
肯將鄰誼誤嬋娟。

Văn Lang kiến quốc lịch thiên niên
Phụ đạo tương thừa thập bát truyền
Tự thị tửu binh năng khước địch
Khẳng tương lân nghị ngộ thiền quyên

Văn Lang dựng nước trải ngàn niên
Phụ đạo qua mười tám đời truyền
Tự cậy rượu, binh hay đuổi địch
Nỡ đem lân nghị lụy thiền quyên

Nguồn: Thơ văn Tự Đức, NXB Thuận Hóa, 1996 dựa vào bản phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa miền Nam xuất bản năm 1970


3. Cận đại:

Ái chủng – Phan Bội Châu

Giống ta ta phải yêu nhau!
Đưa lời ái chủng mấy câu giải lòng.
Hai mươi triệu họ đồng tông.
Da vàng máu đỏ con giòng Hùng Vương.
Mấy ngàn năm cõi Viêm bang
Đua khôn hoa hoán, mở đường văn minh.
Tài anh kiệt nối đời sinh,
Đánh Nguyên mấy lớp, phá Minh mấy lần.
Mở mang Chân Lạp, Chiêm Thành,
Miền nam lừng lẫy giống thần mở mang.
Tiếc thay giống tốt nòi sang,
Vì sao sa sút cho mang tiếng hèn.
Xưa sao đứng chủ cầm quyền,
Giờ sao nhẫn nhục chịu hèn làm tôi.
Xem Tây như thánh như trời,
Người Nam ta chịu dưới nơi A-tì.
Giang sơn thẹn với tu mi,
Đá kia cũng xót, sông kia cũng sầu!
Nào anh em, chị em đâu!
Kết đoàn ta phải bảo nhau thế nào?
Chữ rằng: “đồng chủng đồng bào”
Yêu nhau ta phải tính sao phục thù?
Muốn cho nội ngoại giao phù
Sáu mươi lăm tỉnh cũng như một nhà.
Muốn cho Nam Bắc hợp hoà
Hai mươi lăm triệu cũng là một thôi.
Đừng cậy thế, đừng khoe tài!
Bỏ điều riêng nhỏ, tính điều lợi chung.
Chớ giành khí, chớ khoe công,
Dứt tình ghen ghét, bỏ lòng sai nghi.
Ai ơi xin sửa mình đi!
Công tư đức ấy hai bề vẹn hai.
Những điều hại nước, tan nòi,
Rước voi cõng rắn thì thôi xin chừa.
Một mai thời thế chuyển cơ,
Anh em ta lại như xưa sum vầy.
Họ hàng đông đủ cánh vây,
Chen vai ưu thắng, ra tay cạnh tồn!

[Thái Bạch, Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp, NXB Khai Trí, 1968]

Ái quần

Trời sinh ra một giống ta,
Non sông riêng một nước nhà Việt Nam.
Kể năm hơn bốn nghìn năm,
Ông cha một họ, anh em một nhà.
Giống vàng riêng một mầu da,
Đen răng, dài tóc ai mà khác ai?
Chỉ vì tan tác từng người,
Phen này đến nỗi lạc loài xót xa.
Ai ơi! nghĩ lại kẻo mà,
Kìa gương giống đỏ có xa đâu nào!
Chữ rằng: “đồng chủng, đồng bào”
Anh em liệu tính làm sao bây giờ?
Sao cho nội ngoại tương phù,
Ba mươi sáu tỉnh cũng như một nhà.
Sao cho Nam Bắc hiệp hoà,
Hơn hai mươi triệu mà ra một người.
Chớ cậy thế, chớ tham tài,
Bỏ điều lợi nhỏ, tính bài lợi chung.
Chớ ganh khí, chớ khoe công,
Dứt tình ghen ghét, bỏ lòng xai nghi.
Ai ơi, xin sửa mình đi!
Công tư đức ấy hai bề vẹn hai.
Những điều nát nước, tan loài,
Rước voi cõng rắn thì thôi xin chừa.
May ra trời có chuyển cơ,
Anh em ta được như xưa sum vầy.
Họ hàng đông đủ cánh vây,
Chen vai ưu thắng, ra tay cạnh tồn.
Thể đoàn như đá chẳng mòn,
Như thành chẳng lở, như non chẳng dời.
Đừng như đàn quạ giữa trời,
Gặp cơn mưa gió vội rời nhau xa.
Có đàn thì mới có ta,
Đàn là rất trọng, ta là rất khinh.
Dù khi sóng gió bất bình,
Lợi đàn thì dẫu thiệt mình cũng cam.
Làm cho cố kết nghìn năm,
Mới hay rằng bọn người Nam anh hùng.
Làm cho nổi tiếng Lạc Hồng,
Vẻ vang dòng dõi con Rồng cháu Tiên.
Nước nhà cơ nghiệp vẹn tuyền,
Chúng ta, ta giữ lợi quyền của ta.
Mấy câu thuận miệng ngâm nga,
Ai ơi xin nhớ bài ca hợp đàn…

1910

Nguồn: Thơ văn Phan Bội Châu, NXB Văn học, 11-1985


Hoạ Tống Sơn Vũ Đình Khôi tiên sinh ký hoài nguyên vận
和宋山武廷魁先生寄懷原韻
Hoạ thơ thăm của ông Tống Sơn Vũ Đình Khôi

陽關三疊珥河濱,
倚曲高歌入夢頻。
相識不虛天下士,
多情又屬宋山人。
擬隨工部詩猶拙,
欲塑平原畫未真。
名品最堪題贈處,
雄王古廟力重新。

Dịch nghĩa

Bên bờ sông Nhị hát bài chia tay Dương Quan tam điệp
Cứ phải mơ hát hoài
Gặp được ông quả là người nổi tiếng trong thiên hạ
Chẳng có ai là đa tình hơn ông Tống Sơn được
Ðịnh học theo ông Công Bộ nhưng thơ tài còn vụng
Muốn vẽ hình ông Bình Nguyên nhưng nét vẽ không sành
Danh tiếng, phẩm giá của ông được ghi trên biển tặng
Ra sức trùng tu miếu cổ tổ Hùng Vương

[Ưng Bình Thúc Giạ Thị – Cuộc đời và tác phẩm, NXB Văn học, 2008 (do Triệu Xuân sưu tầm, biên soạn)]


Nói về liệt đại anh hùng nước ta

(Tản Đà – Khối tình con II (1918))

Dân số hai nhăm triệu, về giống da vàng
Chi Hồng Bàng, họ dòng Hùng Vương
Học cho tường, truyện nhà làm gương
Xưa Văn Lang trường trị, sau trước Chu, Đường
Ấy là đâu, về đời hồng hoang
Nhiều truyện còn phi thường, mặt anh hường (anh hường)
Trưng thị quần thoa, My Linh tướng tài
Đời Đông Hán, Hán quan vô loài
Riêng thù chị lận bận lòng ai
Núi sông thề nguyện, yên ngựa cành mai
Cơ đồ bá vương, gái tài giai
Sông Bạch Đằng Giang, giồng cọc, là đứng Ngô Quyền
Hoằng Thao chìm thuyền, sóng vừa yên
Đến hồi Trần Tiên, Quang Phục độc mộc tranh cường
Qua sang Tuỳ, Đường, có Phùng Hoan
Đinh Tiên Hoàng, Đinh Tiên Hoàng, Tiên Hoàng oai thần
Lá cờ lau, thống thần dân
Khai đầu đế nghiệp, Lê, Lý đến Trần
Gịp yêu hồ, bản đồ về Minh
Một người Lam San, ngùi lầm than, đánh mười thu
Gươm vàng Lê Lợi, lau sạch máu thù, nọ còn chìm trong hồ
Ngang đời nhà Thanh, ấy Càn Thanh
Tôn, Tôn, Sầm, Tôn, Tôn, Sầm
Tôn, Sầm hai ả, binh mã tung hoành
Động Nam Đình, trận thành Thăng Long, ngọn cờ Quang Trung
Dòng thần minh, khách tài danh
Nghe nhời ca lý, bao hạn tâm tình


Hùng Vương hội kỷ niệm ca – Đặng Vũ Trợ

Cõi Nam riêng một góc trời,
Hùng Vương gây dựng đời đời nghiệp vua.
Phong Châu là chốn kinh đô,
Chia mười lăm bộ, bản đồ mênh mông.
Trứng rồng lại nở ra rồng,
Nghìn con muôn cháu vốn dòng Lạc Long.
Cây kia ăn quả ai trồng?
Sông kia uống nước hỏi dòng từ đâu?
Quân thân hai chữ trên đầu,
Hiếu trung hai chữ dãi dầu lòng son.
Ba toà chót vót đầu non,
Nghìn thu sùng bái vẫn còn khói hương,
Bụi hồng mấy cuộc tang thương,
Bia xanh còn đó, khoán vàng còn đây.
Trời cao bể rộng đất dầy,
Sông Thao núi Tản chốn này làm ghi.
Bốn bề cây cối xanh rì,
Nhìn xem phong cảnh khác gì Đào Nguyên.
Đường mây sẵn bậc bước lên,
Rõ ràng lăng miếu mẹ Tiên cha Rồng.
Năm năm mở hội đền Hùng,
Tiếng tăm lừng lẫy nức lòng gần xa.
Nước non vẫn nước non nhà,
Hơn hai mươi triệu cũng là anh em.
Ai ơi, xin dốc một niềm,
Gây nền đoàn thể lên thềm văn minh.
Nhiều cây nên đám rừng xanh,
Non sông thêu dệt cũng thành gấm hoa.
Bốn nghìn năm nước chửa già,
Nước càng trẻ lại mới là nước non.
Trăm năm tính cuộc vuông tròn,
Con Hồng cháu Lạc lại còn kém ai.
Đồng tâm gắn bó một lời,
Nhớ ngày kỷ niệm mồng mười tháng ba.

Nguồn: Nam Phong tạp chí, số 112, tháng 12-1926


Phan Bội Châu trong “Long Tế Quang bắt tôi hạ ngục” có đoạn viết rằng: “Than ôi! Dòng dõi Hùng vương chưa chết hết, chuyện cũ Lê hoàng còn mới hoài, phàm là quốc dân ta, ai hoài bão chí muốn như ta, tất có ngàn ta, muôn ta, ức triệu ta, nên lấy việc thất bại trước của một ta mà răn mình, để cho được trở nên những người năng y, không đợi tới chín lần đứt tay mới hay thuốc!”

Nguồn: Đào Trinh Nhất, Ngục trung thư (Đời cách mạng Phan Bội Châu), Tân Việt tái bản, Sài Gòn, 1950


Lịch sử nước ta – Hồ Chí Minh

Dân ta phải biết sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.
Kể năm hơn bốn ngàn năm,
Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà.
Hồng Bàng là tổ nước ta.
Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang.
Thiếu niên ta rất vẻ vang,
Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời.
Tuổi tuy chưa đến chín mười,
Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương.
An Dương Vương thế Hùng Vương,
Quốc danh Âu Lạc cầm quyền trị dân.

Hồ Chí Minh toàn tập (tập 3), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000


Chiêu hồn nước – Phạm Tất Đắc

Hăm lăm triệu trẻ già trai gái,
Bốn nghìn năm con cái Hồng Bàng.
Cũng nhà cửa, cũng giang san,
Thế mà Nước mất nhà tan hỡi trời!

Nghĩ lắm lúc đương cười hoá khóc,
Muốn ra tay ngang dọc dọc ngang.
Vạch trời thét một tiếng vang,
Cho thân tan với giang san Nước nhà.

Đồng bào hỡi! – Con nhà Hồng Việt,
Có thân mà chẳng biết liệu đời.
Tháng ngày lần lữa đợi thời,
Ngẩn ngơ ỷ lại ở người, ai thương!

Hồn trở về đừng mê mẩn nữa,
Tính nết xưa phải sửa từ giờ.
Hồn về Hồn cố cho nhờ,
Anh em Hồng Lạc, cõi bờ Việt Nam.

Hồn hỡi Hồn! Giang san là thế,
Giống Lạc Hồng tôi kể Hồn hay:
Kể từ Hồn lạc đến nay,
Đêm đêm khóc khóc, ngày ngày than than.

Hồn hỡi Hồn! Đêm khuya canh vắng,
Hồn nghe có cay đắng hay không?
Tôi đây cùng giọt máu hồng,
Cũng xương cũng thịt con Rồng cháu Tiên.

Hồn trở về mau mau Hồn hỡi!
Hồn trở về tôi đợi tôi mong.
Hồn về dạy dỗ con Rồng cháu Tiên.

Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX, NXB Văn học, 1976


Nước non – Từ Diễn Đồng

Nước non chênh lệch bởi vì đâu?
Kể lại cho cân quả địa cầu.
Giọt máu Hồng Bàng dây đến tớ,
Mài da Hoàng chủng giữ cùng nhau.
Hơn hai mươi triệu người không ít,
Ngót bốn nghìn năm nước đã lâu.
Chẳng lẽ cam lòng nô lệ mãi,
Đua nhau gắng gỏi với năm châu.

Nguồn: Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 6), Hoàng Hữu Yên chủ biên, NXB Khoa học – Xã hội, 2004


Mơ tổ mắng – Nguyễn Phan Lãng

Đêm khuya giấc mộng đang mơ màng,
Bỗng chiêm bao thấy cụ Hồng Bàng.
Tay cầm bầu nước xách lể mể.
Vai vác cái cuốc đi vội vàng.
Người cụ cao lớn, mặt đỏ gấc,
Mắt sáng như sao, râu quá ngực,
Miệng rộng như bể, chân như non.
Hầm hầm dường có ý căm tức.
Quát lên một tiếng như sấm vang,
Người đang mơ ngủ đều kinh hoàng.
Mắt nhắm mắt mở chưa kịp dậy,
Cụ đã sừng sững trước đầu giường.
Tay cầm cái cuốc gõ vào sọ.
Tay cầm bầu nước dội vào cổ.
Mắng rằng: “Bây đã tỉnh hay chưa?
Gà gáy tứ tung bây vẫn ngủ!
Cái cuốc bỏ đó, nhà đi đâu?
Bây không thức dậy để giữ lấy
Cuốc ơi! Nước ơi! Đi đàng nào?
Người hãy lấy cuốc đi khai mỏ
Người ta lấy nước nuốt vào cổ,
Cuốc cùng lấy gì vỡ ruộng nương.
Nước cạn lấy gì tưới cỏ cây…
Cuốc còn, cuốc mất, bây không hay;
Nước còn, nước mất, bây trối thây!
Giang sơn cơ nghiệp ta ở đây…
Thôi thôi! Ta chắc cậy gì bây!
Bây chẳng nghĩ công ta khó nhọc,
Mở núi khai sông, những săn sóc,
Nhành Hồng cỗi Lạc mấy ngàn năm,
Truyền lữ nhược tôn riêng một góc.
Trăm trai một bọc, trứng vuông tròn,
Nửa thời bờ biển, nửa về non.
Con Rồng cháu Tiên, ngày đông đúc.
Lúa rừng cá biển mưu sinh tồn.
Văn minh một ngày một bước tiến,
Dần dần thành một cõi văn hiến.
Người chuộng lễ nghĩa, thói thuần lương;
Văn hoá ngàn năm không chút biến;
Cùng nhau gìn giữ nghiệp tổ tông.
Suốt cùng Ngũ Hồ, sông Cửu Long,
Mở mang cõi đất ngày ngày rộng,
Làm cho thêm rạng vẻ non sông.
Đàn bà dễ mấy tay: Trưng, Triệu,
Mình cỡi đầu voi, cờ nổi hiệu.
Quân Ngô quân Hán đã kinh hồn,
Trông dải yếm đào tìm nẻo xéo!
Tài trai giỏi nhứt lớp Trần, Lê,
Ra sức anh hùng cũng gớm ghê.
Mấy trận Chi Lăng cùng Vạn Kiếp
Quân Tàu hóng gió cút ngay về!
Như thế mới thật con cháu cụ.
Làm trai không thẹn, gái không hổ
Bây sao chẳng ngắm các gương xưa.
Luống chịu cúi đầu, ràng buộc cổ?
Vẫy đuôi ngẩng mặt theo sau người,
Chờ chực nước dãi, trông ngóng hơi,
Nhà mình mà hoá đi ở đậu,
Cơm mình mà phải đi nhặt rơi?
Giết con cho mắm, nhắm mắt nuốt,
Chém cha chia canh, chẳng buốt ruột.
Vỡ nhà nát nước, giả ngẩn ngơ,
Xẩy nghé, tan đàn, không biết xót!
Gái đi rước khách, trai đi hầu,
Cậy thế cậy thần loè lẫn nhau.
Nhái lớn chực nuốt những nhái bé!
Gầy róc xương thịt, béo ép dầu…
Lại còn lên mặt những tên lệnh,
Đưa nhau làm cỗ cúng ông Hễnh,
Săn cầy săn cá lên tâng công
Kiếm bát canh thừa miếng ăn cặn
Xưa kia quan lại có thế đâu?
Bây giờ quan Phủ lại nên giàu
Đua nhau bòn máu và hút mủ
Đua nhau ruộng ruộng cùng cao lầu
Phá sạch hết thảy nền lễ nghĩa
Quên những tất cả tính liêm sỉ.
Đứa theo nết sói với lòng beo,
Học những thói ma cùng chước quỷ.
Làm cho lây hại lũ thanh niên
Dần dà tập nhiễm thành thói quen.
Mặt Tiên mũi Rồng vẻ tuấn tú,
Vai trai cổ ngựa, đành ngu hèn.
Bây tự đào hang cùng phá tổ,
Trách nào diều tha lại quạ mổ!
Mưa Âu gió Mỹ nhiễm lâu vào,
Tam Đảo, Tản Viên có ngày đổ!
Vậy mà bây khoe đời văn minh!
Văn minh đâu dùng sự chiến tranh.
Vậy mà bây cậy có nhân đạo,
Nhân đạo đâu cướp cháo chúng sinh!
Nếu không kiếm cách để tự lập.
Yếu hèn quyết có ngày chết dập!
Bây ơi! đem con gửi quạ già,
Chắc đâu quạ già khỏi ăn cắp?
Ta chẳng mong bây chắc cậy người,
Ta chẳng mong bây cầu cứu ai!
Ta chỉ mong bây thương nước Tổ!
Ngọt cùng chịu ngọt cay cùng cay,
Ta rất mong bay trước cảnh tình,
Lấy cách văn minh để cạnh tranh.
Tích cực chẳng xong dùng tiêu cực,
Cốt sao khôi phục quốc quyền mình.
Ta rất mong bày trọng quốc tuý,
Khuyên nhau gìn giữ lấy luân lý.
Khiến cho người khỏi hoá ra ma,
Mất tiếng nghìn năm trước lễ nghĩa.
Ta rất mong bay thương lẫn nhau,
Chị ngã em nâng trước bảo sau.
Nồi da xáo thịt, lòng sao nỡ?
Củi đậu đun đậu dạ càng đau,
Nước ta bây giờ củi hết kiệt,
Danh giáo, cương thường lại bại liệt.
Bây giờ ngơ ngẩn đợi gì ai?
Cá chậu chim lồng lo chẳng chết?
Bây coi Nhật Bản cùng Xiêm La!
Xưa kia danh tiếng nào bằng ta?
Mà nay đứng giữa vùng Đông Á.
Dân giàu nước mạnh, bao vinh hoa.
Nay ta trông thấy lũ con cháu,
Mặt muối mày tro, càng đớn đau.
Liệu mà tỉnh! tỉnh… đứng ngay lên!
Cuốc đây, Nước đây! Nhặt lấy mau!…
Mở bừng mắt dậy, hoá chiêm bao,
Trông theo nào thấy cụ đâu nào?
Vội vàng cầm bút chép lời cụ,
Đồng bào! Đồng bào! Ta tính sao?

Bài này viết vào khoảng tháng 6-1925 để kêu gọi tinh thần quật khởi của toàn dân và đồng thời để thức tỉnh những tâm hồn hèn mạt đang cam phận khom lưng cúi đầu ở trước thế lực bọn xăm lăng, không còn biết nghĩ đến nhân phẩm nhân cách là gì mà hễ mở miệng thì khoe là con Rồng cháu Tiên.

Nguồn: Thái Bạch, Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp, NXB Khai Trí, 1968


Hoả Lò oán – Thẩm Chi

Thương thay con cháu Lạc Hồng,
Vì đâu cá chậu chim lồng xót xa.

1929

Nguồn: Hợp tuyển thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX (1900-1930), NXB Văn học, 1972


Giai nhân kỳ ngộ chi ca bài 2 – Phan Chu Trinh

Ta nhớ đâu, nhớ đầu biển Á
Muốn theo qua, sóng khoả ngàn trùng
Bốn ngàn năm còn dõi dấu Lạc Hồng
Kìa biển, kìa núi, kìa sông, kìa đô ấp
Từ đình hoàng dựng cờ độc lập
Đến nguyên triều thâu thập cõi nam trung
Trải xưa nay lắm sức anh hùng
Liễu trôi máu vẽ nên màu cẩm tú
Hai ngàn vạn đồng bào sanh tụ
Sử vạn minh đem đọ, kém gì ai?
Quyết thề lòng dựng lại cảnh bồng lai
Chén rượu câu thì cười ha hả
Trăng sáng giũa trời soi khắp cả
Gió xao mặt nước sóng lông tông
Đầu tàu, đêm vắng ngồi trông


Hoán tỉnh quốc dân – Khuyết danh

Phải ra tay gìn giữ giống nòi,
Phải làm cho thế gian coi,
Phải cho thiên hạ biết nòi Lạc Long.
Phải ra sức gắng lòng yêu nước,
Phải đem mình đi trước anh em,
Phải làm cho quốc dân xem,
Phải ra tranh đấu, phải kiên tập rèn.

Bài thơ này của một nhà cách mạng Việt Nam đăng trên báo Thanh niên xuất bản ở Trung Quốc vào khoảng năm 1927.

Nguồn: Thái Bạch, Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp, NXB Khai Trí, 1968


Ký nội – Lương Ngọc Quyến

Ba mươi triệu Lạc Long tôn tử,
Bốn nghìn năm lịch sử quang vinh.
Trời Nam rực rỡ văn minh,
Sơn hà rửa sạch hôi tanh giặc thù.

Bài thơ này Lương Ngọc Quyến viết ở nhà giam Hoả Lò, Hà Nội, năm 1915 để gởi ra cho vợ là Nguyễn Thị Hồng Đính, con gái cụ Cử Cương, một nhà cách mạng trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Bị bắt giam cùng một lượt với các cụ Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Vũ Hoành, cụ Cương bị đem vào nam an trí ở Cần Thơ, rồi sau mất ở đó.

Nguồn:

1. Thái Bạch, Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp, NXB Khai Trí, 1968

2. Đào Trinh Nhất, Lương Ngọc Quyến và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917, NXB Tân Việt, 1957


Á Tế Á ca

Cũng xương cũng thịt cũng da,
Cùng hòn máu đỏ, giống nhà Lạc Long.
Thế mà chịu trong vòng trói buộc,
Bốn mươi năm nhơ nhuốc lầm than.
Thương ôi! Bách Việt giang san,
Văn minh đã sẵn, khôn ngoan có thừa.
Hồn mê mẩn tỉnh chưa, chưa tỉnh?
Anh em ta phải tính nhường sao.
Đôi bên, bên nọ, bên cừu,
Họ khôn phải học, cừu sâu phải đền.

[Văn thơ Đông Kinh nghĩa thục, NXB Văn Hoá, Hà Nội, 1997, tr. 143-156]


Phùng thượng thư ký – Phùng Khắc Khoan

Lại xem thấy sự đời thượng cổ,
Lạc Long Quân là tổ nước ta,
Sửa sang bốn bể gần xa,
Làm vua Nam Việt khắp hoà đâu đâu.
Tuổi già hưởng được sang giàu,
Ngàn năm sức khoẻ trị lâu, ngôi dài.

Đây là bản do ông Trương Quang Gia (hậu duệ của Trương Đăng Quế, đỗ cao học Văn chương Việt Hán, Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, tùng sự tại phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hoá, mất năm 1996 tại Sài Gòn) phiên âm từ bản nôm Phùng thượng thư ký (còn gọi là Sấm Trạng Bùng) trong thư viện cụ nghè Nguyễn Văn Bân (1868-1937), quê làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Sơn Tây, đậu cử nhân khoa Đinh Dậu (1897), đậu tiến sĩ khoa Tân Sửu niên hiệu Thành Thái thứ 13 (1901), hàm Hồng Lô tự khanh, sung Bắc Kỳ thượng nghị viện, Tổng đốc Hải Dương.

Lang Linh

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.