556. ☀ Phân tích về di truyền của cộng đồng tộc Việt

Dưới ánh sáng của các nghiên cứu khoa học, vấn đề nguồn gốc cộng đồng tộc Việt ngày càng trở nên rõ ràng và mạch lạc hơn hơn. Các nghiên cứu di truyền được công bố cho tới nay đã cung cấp cho chúng ta một bức tranh khá toàn cảnh về các dòng di cư, từ đó làm cơ sở để có thể xác định tiến trình phát triển và kế thừa các nền văn hóa, đây là phương pháp cơ bản mà chúng tôi đã thiết lập để nghiên cứu một cách nền tảng và căn cơ về nguồn gốc dân tộc, những kết quả đạt được ngày càng giúp lịch sử của cộng đồng tộc Việt trở nên rõ ràng hơn [1]. Không chỉ giúp ích cho việc xác định các dòng di cư, các nghiên cứu di truyền cũng cung cấp cơ sở khoa học vững chắc, để từ đó chúng ta có thể xác định được các dân tộc có chung nguồn gốc, sự tương tác và hòa huyết giữa các dân tộc.

Cộng đồng tộc Việt là một cộng đồng tồn tại và sinh sống trong vùng phía nam sông Dương Tử, cộng đồng này được cổ sử Trung Hoa ghi chép dưới những cái tên: Lạc Việt, Dương Việt và Bách Việt, trong đó, qua 2 cái tên đầu, thì cộng đồng tộc Việt được thể hiện như một cộng đồng thống nhất, với Lạc Việt là danh xưng dân tộc, Dương Việt là tên gọi vùng đất, còn về khái niệm Bách Việt, tuy vẫn được sử dụng để chỉ chung cộng đồng tộc Việt, nhưng từ “Bách” trong “Bách Việt” là một từ đã tạo nên hiểu nhầm rất lớn về nguồn gốc của cộng đồng tộc Việt, khi “Bách” thường được hiểu là “100”, tức “Bách Việt” là “100 tộc Việt”! Chỉ sử dụng một chữ ghép với tên gọi Việt, người Hoa Hạ đã tạo nên một lớp sương mù dày đặc phủ lên lịch sử của cộng đồng tộc Việt. Quan điểm cho rằng “Bách Việt” là “100 tộc Việt” phổ biến không chỉ trong giới nghiên cứu hay bình dân Việt Nam, Trung Quốc, mà còn lan rộng tới các nhà nghiên cứu uy tín trên bình diện quốc tế, ảnh hưởng rất lớn tới việc nhận định về những thành tựu văn minh, nguồn gốc chung và sự thống nhất của cộng đồng tộc Việt. [2]

Nhưng thông qua sự khảo cứu kỹ lưỡng và toàn diện về nguồn gốc và sự hình thành cộng đồng tộc Việt, chúng tôi đã chứng minh rằng cộng đồng tộc Việt có nhiều cơ sở thống nhất hơn là không có liên hệ gì với nhau [3]. Các quan điểm cho rằng “Bách Việt” được sử dụng để chỉ các dân tộc không liên quan tới nhau hoàn toàn không chính xác, và thường chịu sự ảnh hưởng từ các quan điểm chung chung, cho rằng tộc Việt là tập hợp các dân tộc dã man, không có văn minh, không có liên hệ với nhau, có nguồn gốc từ cách nhận định trong các ghi chép lịch sử của người Hoa Hạ.

Các nghiên cứu di truyền đã được công bố cũng cho chúng ta thấy được sự thống nhất về di truyền của cộng đồng tộc Việt, di truyền học cung cấp cho chúng ta những bằng chứng không thể chối cãi, trực tiếp chứng minh về sự thống nhất của cộng đồng tộc Việt. Vấn đề nguồn gốc dân tộc, sự thống nhất của cộng đồng tộc Việt đã được chúng tôi thực hiện kỹ lưỡng trong nhiều bài viết khác, ở bài viết này, chúng tôi sẽ tiến hành tìm hiểu sâu hơn về di truyền của cộng đồng tộc Việt, mở rộng tìm hiểu về sự hòa huyết và thay đổi di truyền của các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt.

I. Xác định không gian lịch sử và thành phần cộng đồng tộc Việt:

Về sự hình thành tên gọi Việt, các tên gọi thể hiện sự thống nhất của cộng đồng tộc Việt, cũng như thành phần các hệ ngữ đã được chúng tôi khảo cứu trong bài viết khác, về cơ bản, chúng ta đã xác định được rằng tên Việt là do người Việt tự nhận, bắt nguồn từ văn hóa Lương Chử với biểu tượng chiếc rìu, sau đó, nhà Thương đã chép lại trên Giáp Cốt Văn tên Việt dựa trên tên tự gọi của người Việt [4]. Ý thức dân tộc và tổ chức quốc gia của tộc Việt cũng đã xuất hiện ngay từ thời văn hóa Lương Chử, với chiếc bình gốm có khắc 4 ký hiệu có ý nghĩa: “Liên minh quốc gia Việt” [4].

Trong lịch sử, thì cộng đồng tộc Việt được ghi chép dưới những cái tên: Lạc Việt, Dương Việt và Bách Việt, về cơ bản, cả 3 cái tên đều được sử dụng để chỉ chung cộng đồng tộc Việt. Về thành phần dân cư, thì cộng đồng tộc Việt được các nghiên cứu ngôn ngữ xác định có hai hệ ngữ chính, là Nam Á và Tai-Kadai, bên cạnh đó có thể là nhóm Dao của hệ ngữ Miêu-Dao, trong thời kỳ đầu hình thành, có thể bao gồm cả ngữ hệ Nam Đảo. [4] Vấn đề thành phần dân cư, thì chúng tôi sẽ tiến hành phân tích sâu hơn dựa trên các nghiên cứu di truyền học, để có thể thấy được những cư dân thực sự có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt.

Trong ghi chép của lịch sử Trung Hoa, thì địa bàn phân bố của tộc Việt là “từ Giao Chỉ tới Cối Kê”, tức là từ Việt Nam tới vùng Dương Tử, nó cũng tương ứng với không gian phân bố của nước Văn Lang được truyện họ Hồng Bàng và Đại Việt sử ký toàn thư của người Việt chép lại.

Sách Hán thư, Địa lý chí chép: “粵地牽牛、婺女之分壄也。今之蒼梧、鬱林、合浦、交阯、九真、南海、日南皆粵分也。其君禹後帝少康之庶子云封於會稽臣瓚曰「自交阯至會稽七八千里百越雜處各有種姓不得盡云少康之後也。” – “Đất Việt ở phân dã của chòm sao Khiên Ngưu, Vụ Nữ. Các quận Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam ngày nay đều là phân dã của đất Việt. Có quân trưởng của đất ấy là dòng dõi của vua Vũ, đấy là con thứ của vua Thiếu Khang được phong ở núi Cối Kê, Thần Toản nói: “Từ quận Giao Chỉ đến quận Cối Kê dài bảy, tám ngàn dặm có các nhóm người Bách Việt ở lẫn, đều có nhánh họ, không nên nói đều là dòng dõi của vua Thiếu Khang.” [Bản dịch của Tích Dã]

Sách Thông Điển của Đỗ Hữu 杜佑 thời Đường (801), phần Châu quận chép: “自嶺而南,當唐、虞、三代為蠻夷之國,是百越之地” – “Từ dải núi Ngũ Lĩnh về phía nam, vào thời Đường – Ngu, Tam đại là nước của người Man Di, là đất của người Bách Việt .”. Sách này chú thêm: “或曰自交趾至於會稽七八千里,百越雜處,各有種姓.” – “Từ Giao Chỉ đến Cối Kê, bảy tám ngàn dặm, người Bách Việt xuất hiện khắp mọi nơi, mỗi nơi đều có một chủng tính.”

Về di truyền, chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu dựa trên không gian phân bố thực tế này của cộng đồng tộc Việt, khảo cứu về di truyền của các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt chưa bị đồng hóa, cũng như đã bị đồng hóa thành người Hán tại các vùng miền vùng phía nam sông Dương Tử.

Do cộng đồng tộc Việt tồn tại trong khoảng hơn 3000 năm lịch sử, trong thời gian này, đã diễn ra những cuộc di cư và phân tán của các cư dân Dương Tử xuống vùng Đông Nam Á, trong đó chủ yếu là cuộc di cư về phía Đông Nam Á lục địa của một lượng lớn cư dân thuộc hệ ngữ Nam Á vào khoảng 4000 năm trước, và cuộc di cư gần như toàn bộ dân cư của người Nam Đảo chia thành hai đợt vào khoảng 5000 năm và 4000 năm trước sang Đài Loan và xuống vùng đảo Đông Nam Á, các cuộc di cư đã được các nghiên cứu di truyền xác định [5][6].

Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi sẽ không tìm hiểu về di truyền của các dân tộc đã tách khỏi cộng đồng tộc Việt ở thời điểm trước 4000 năm, mà sẽ chỉ tìm hiểu về các dân tộc tách ra khỏi cộng đồng tộc Việt sau khi cộng đồng chung này biến mất dưới những bước chân xâm lược của người Hoa Hạ vào các triều đại Sở, Tần, Hán, đây chính là các nhóm dân cư tiếp tục ở lại và phát triển với người Việt trong một cộng đồng chung sau khi nền văn minh sông Dương Tử sụp đổ và phân tán. Không gian tiếp cận trong bài viết này của chúng tôi là các dân tộc trong vùng phía nam sông Dương Tử cho tới miền Bắc Việt Nam, là địa bàn cũ của cộng đồng tộc Việt trong lịch sử.

Hình 1: Hướng phân tán của các ngữ hệ có nguồn gốc tộc Việt: Nam Á vào khoảng 4000 năm trước, Nam Đảo vào khoảng 5000-4000 năm trước và Tai-Kadai là sau khi cộng đồng tộc Việt sụp đổ. [7]

II. Sự thống nhất di truyền của cộng đồng tộc Việt và các thành phần di truyền:

1. Sự thống nhất về di truyền của các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt:

Trong không gian là vùng phía Nam sông Dương Tử cho tới miền Bắc Việt Nam, các nghiên cứu di truyền đã cho thấy sự thống nhất cao của các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt, là người Việt, Mường và các dân tộc thuộc hệ ngữ Tai-Kadai trong vùng nam Đông Á và Việt Nam, bên cạnh đó di truyền của người Hán các vùng phía Nam cũng rất gần với cộng đồng tộc Việt.

Theo nghiên cứu của Wang et al. 2021 [8], thì các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt: Kinh, Choang, Gelao, Mulam, Dai, Maonam, Dong, Li, Thái, Hán Quảng Đông, Hán Phúc Kiến có gen rất gần nhau và gần với gen chung của Hán nam Đông Á.

Hình 2.1: Admixture thể hiện di truyền các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt có gen rất gần nhau. [8]

Hình 2.2: Tổng hợp và so sánh gen của các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt từ admixture trên. [8]

Công trình nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) năm 2019, đã cho thấy các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt như Việt (Kinh), Tày, Nùng, Mường, Thái, Dai, Hán Hoa Nam… có hệ gen gần nhau và khác biệt so với Hán Hoa Bắc. [9]

Hình 3: Phân tích PCA các dân tộc cho thấy sự gần gũi về di truyền của các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt. [9]

Nghiên cứu gen của Zhang et al. 2019 [10] cho thấy người Việt (Kinh) có di truyền gần gũi với người Choang, người Dong và người Yi ở Quảng Tây, người Hán ở các vùng Quảng Đông, Phúc Kiến.

Hình 4: Nghiên cứu của Zhang et al. 2019 cho thấy gen người Việt (Kinh) gần với người Miêu Quý Châu, người Choang và người Hán Quảng Đông. [10]

Nghiên cứu của He et al. 2021 [11] cho thấy di truyền của các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt: Người Việt (Kinh) các vùng, Mường, Tày, Thái, Dao, Cờ Lao, Gelao, Maonan, Dai, Bố Y có gen rất gần nhau, người Hán Quảng Đông, Phúc Kiến cũng gần với gen của các dân tộc có nguồn gốc độc lập hiện vẫn chưa bị đồng hóa. Màu xanh dương trong nghiên cứu này đại diện cho gen chung của 3 hệ ngữ: Nam Á, Tai-Kadai, Hmong-Mien, chiếm phần lớn trong di truyền của các dân tộc thuộc 3 hệ ngữ này, cũng như người Hán tại các vùng.

Hình 5: Nghiên cứu của He et al. 2021 cho thấy gen các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt rất gần nhau. [11]

Nghiên cứu của Huang et al. 2020 [12] cho thấy di truyền của các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt: Dong, Hlai, Mường, Thái, Mulam, Tày, Maonan, Zhuang, Dai, Nung, Kinh (Việt), Vietnamese, Lào, Bố Y, Colao, Lachi và người Hán các vùng: Quảng Tây, Quảng Đông có gen rất gần nhau. Gen của các cư dân Hán tại các vùng Phúc Kiến, Đài Loan, Vân Nam, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam có gen gần với các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt, nhưng cũng đã pha trộn đáng kể với gen người bắc Đông Á. Người Dong (Hồ Nam, Quý Châu) có thể đã có sự pha trộn với các dân tộc thuộc hệ ngữ Hmong-Mien, nên có phần khác biệt so với gen của các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt.

Hình 6: Admixture thể hiện di truyền nguồn gốc các dân tộc, tên cụm không thể hiện các dân tộc có nguồn gốc từ tên được đặt, mà các cụm được thể hiện có di truyền gần nhau. [12]

Nghiên cứu của Guo et al. 2021 [13] cho thấy sự thống nhất trong di truyền của các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt: Việt (Kinh), Mường, Maonan, Choang, Dai, Lê, Mulam, Dong, Gelao, Lào, Thái, Bố Y, Cờ Lao, Thái Việt Nam, Tày, Nùng, Lachi có gen rất gần nhau, bên cạnh đó thì gen của các dân tộc này cũng rất gần với người Hán tại Quảng Đông, người Hán tại Phúc Kiến, Hồ Bắc, Tứ Xuyên.

Hình 7: Admixture cho thấy di truyền của các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt rất gần nhau. [13]

Hình 8: Phân tích thành phần chính cho thấy các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt chụm thành một cụm, gần gen với mẫu của văn hóa Đông Sơn. [13]

2. Về vấn đề nguồn tổ tiên trong các nghiên cứu:

Về vấn đề nguồn tổ tiên trong các nghiên cứu Wang et al. 2021 [8], He et al. 2021 [11], và của Huang et al. 2020 [12] đều cho thấy các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt có sự tương đồng gen cao, tuy nhiên, thì thành phần màu chiếm đa số trong các nghiên cứu này, không chỉ có riêng trong di truyền của một hệ ngữ, mà do sự hòa huyết, nên các thành phần nói chung có sự tương đồng cao. Các thành phần đó chưa phân chia rõ ràng thành các hệ ngữ, giá trị K cũng không thể hiện độ chi tiết, mà là kết quả tốt nhất và phù hợp nhất với nghiên cứu.

Để xác định được các nguồn tổ tiên, cần có sự so sánh toàn diện giữa những nguồn tổ tiên thuộc các hệ ngữ, nghiên cứu của Liu et al. 2019 [9] đã mở rộng so sánh giữa các hệ ngữ, với màu xanh dương đặc trưng cho Nam Á, màu xanh lá đặc trưng cho Tai-Kadai, màu đen đặc trưng cho Nam Đảo, màu tím đặc trưng cho Hán-Tạng, và màu hồng đặc trưng cho người Hòa Bình. Sự so sánh toàn diện với các hệ ngữ có nguồn gốc từ văn hóa Đông Á cổ đại cung cấp cho chúng ta những thành phần tổ tiên đáng tin cậy hơn trong các dân tộc. Nghiên cứu cho thấy các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt nói chung đều có cả 4 thành phần là Nam Á, Tai-Kadai, Nam Đảo và Hán-Tạng. Thành phần Hán-Tạng có nguồn gốc từ Đông Á cổ, xuất hiện trong di truyền của người Việt và các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt là từ thời văn hóa Đông Á cổ đại, không phải do những ảnh hưởng di truyền của người Hán.

Hình 9: Phân tích ước tính % các thành phần tổ tiên của các dân tộc hiện đại và các mẫu cổ tại Việt Nam và Đông Nam Á [9]

III. Sự khác biệt di truyền giữa người Hán tại các vùng:

Phân tích di truyền của người Hán tại các vùng cho chúng ta thấy được sự phân tầng rất rõ theo hướng từ Bắc xuống Nam, càng về phía Nam, thì người Hán lại càng gần với các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt. Điều này cho thấy những dòng di cư và hòa huyết diễn ra theo xu hướng nhạt dần từ Bắc xuống Nam, người Hán phía Nam về cơ bản vẫn rất gần gen với người Việt và các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt.

Nghiên cứu của Charleston et al. 2018 [14] (hình 10) cho thấy sự phân tầng rất rõ theo hướng từ Bắc xuống Nam của người Hán các vùng, theo phân tích thành phần chính, thì khoảng cách di truyền lớn nhất với Hán bắc Đông Á, gần nhau nhất là người Hán tại các vùng: Quảng Đông (GD), Quảng Tây (GX) và Hải Nam (HAN), sau đó là các vùng Hồ Nam (HUN), Phúc Kiến (FJ), Giang Tây (JX), Tứ Xuyên (SC), Hồ Bắc (HB), cuối cùng là các vùng Chiết Giang (ZJ), Giang Tô (JS), An Huy (AH) có khoảng cách rất xa so với người Hán tại phía Nam, gần hơn với người Hán phía Bắc.

Hình 10: Nghiên cứu của Charleston et al. 2018 cho thấy khoảng cách di truyền của người Hán tại các vùng. [14]

Nghiên cứu của Liu S et al. 2018 [15] (hình 11) dựa trên toàn bộ bộ gen về dân số người Hán và các dân tộc Trung Quốc ngày nay cho thấy di truyền của cư dân Hán phía nam Đông Á ngày nay khác biệt đáng kể so với cư dân Hán bắc Đông Á, di truyền cư dân Hán phía nam Đông Á gần với các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt khác hiện tại chưa bị đồng hóa như Zhuang, Dai, Dong, Gelao, Li. Sự phân tầng cũng thể hiện từ Nam lên Bắc, càng về phía Nam thì càng gần với gen tộc Việt.

Hình 11: Phân tích PCA các dân tộc Trung Quốc ngày nay. [15]

Nghiên cứu của He et al. 2021 [11] (hình 5) cho thấy người Hán Quảng Đông gần với các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt, sau đó là người Hán Phúc Kiến.

Nghiên cứu của Huang et al. 2020 [12] (hình 6) cho thấy di truyền của người Hán tại các vùng Quảng Đông, Quảng Tây rất gần với các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt. Có khoảng cách xa hơn người Hán tại các vùng này là người Hán tại Hồ Bắc, Chiết Giang, Tứ Xuyên, Đài Loan, Phúc Kiến, Vân Nam, Chiết Giang, cư dân tại các vùng này là trung gian giữa người Hán Quảng Đông, Quảng Tây với người Hán bắc Đông Á.

Như vậy, xét về di truyền của người Hán tại các vùng, chúng ta thấy được các vùng mà người Hán có gen gần nhất với tộc Việt là: Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, sự khác biệt là không thực sự đáng kể. Kế tiếp đó là các vùng Phúc Kiến, Hồ Nam, Giang Tây, Đài Loan có di truyền tương đối gần với cộng đồng tộc Việt. Nằm trung gian giữa người người Hán các vùng này với người Hán bắc Đông Á là các vùng Chiết Giang, Giang Tô, Hồ Bắc. Tựu chung, thì càng về phía Bắc, thì tỉ lệ tương đồng với người Hán Bắc Đông Á càng cao, càng về phía Nam, thì di truyền của người Hán càng gần với cộng đồng tộc Việt.

Chi tiết hơn về di truyền người Hán Hồ Bắc, thì nghiên cứu của Yang et al. 2020 [16] cho thấy gen của người Hán Hồ Bắc có khoảng 63% là từ người Tai-Kadai hoặc Nam Đảo, 37% từ cư dân Tunguis hoặc Mongolic. Tình hình dân cư hiện đại không nhất thiết đồng nhất với tình hình dân cư cổ đại. Như chúng tôi đã chứng minh ở bài viết khác [17], thì vùng trung lưu Dương Tử là nơi hình thành nên các hệ ngữ Nam Á và Hmong-Mien, trong đó ngữ hệ Nam Á chiếm một vai trò quan trọng hơn trong vùng trung lưu Dương Tử, là nhân tố chính của các văn hóa trong vùng này. Sau cuộc di cư về phía nam của người Việt nhóm Nam Á ở thời kỳ đồ đá mới, thì tình hình cư dân của vùng Hồ Bắc đã có sự thay đổi, có thể liên tục trong thời kỳ từ nhà Sở cho tới các triều đại sau này, dẫn tới hiện trạng di truyền sẽ có sự khác biệt.

Nghiên cứu của Fan et al. 2021 [18], nghiên cứu trên di truyền của người Hán tại Maoming (Mậu Danh), tỉnh Quảng Đông, cho thấy người Hán tại đây gần với người Hán nam Đông Á, và không có bằng chứng di truyền chính xác nào chứng minh mối quan hệ mật thiết giữa Hán Mậu Danh và dân số nói ngôn ngữ Tai-Kadai và dân số Hán ở đồng bằng Hoa Bắc trong nghiên cứu này, kể cả những bằng chứng ngôn ngữ, cũng không cho thấy sự ảnh hưởng của ngôn ngữ Tai-Kadai với tiếng Hán tại Mậu Danh. Nghiên cứu này cho thấy nhiều khả năng cư dân Hán Quảng Đông không phải người Tai-Kadai, mà là cư dân thuộc ngữ hệ Nam Á. Trong ghi chép lịch sử, thì vùng Mậu Danh cũng là nơi sinh sống của người Lạc Việt và người Tây Âu.

Cựu đường thư – Địa lí chí chép: “潘州茂名州所治。古西甌、駱越地,秦屬桂林郡,漢為合浦郡之地。” – “Huyện Mậu Danh của châu Phan là sở trị của châu. Là đất của người Tây Âu, Lạc Việt thời xưa. Thời Tần thuộc quận Quế Lâm, thời nhà Hán là đất của quận Hợp Phố.” [Bản dịch của Tích Dã]

Nghiên cứu của Yin et al. 2020 [19] cho thấy dân số Hán Thường Châu gần gũi về mặt di truyền với ba nhóm dân số Nam Hán (Hán Quảng Châu, Hán Thâm Quyến Hán và Hán Vân Nam) hơn là với các nhóm dân cư miền Trung hoặc miền Bắc Hán khác, điều này cho thấy rằng thành phần chính của dân số Hán Thường Châu là từ miền Nam Trung Quốc. Nghiên cứu này cũng cho thấy sự gần gũi với di truyền phía Nam hơn trong gen của người Hán tại Vân Nam.

Nghiên cứu của He et al. 2020 [20] tập trung vào người Hán tại đảo Hải Nam và người Hlai (người Lê), cho thấy những kết quả rất quan trọng. Người Hlai cho thấy có 3 nguồn tổ tiên chính: thành phần Nam Á với đại diện là Mlabri (màu xanh lá), người Ulchi đại diện cho quần thể Tunguis và quần thể tại hang Devil’s Gate và quần thể Đông Nam Á cổ đại (màu vàng) (biểu đồ ở hình 17). Sự tái tạo lại mối quan hệ phát sinh loài cho thấy mối quan hệ phát sinh loài chặt chẽ giữa các quần thể Hải Khẩu Hán, Hlai, Kinh và Dai. Nghiên cứu cũng cho thấy mối quan hệ di truyền chặt chẽ giữa quần thể Hlai Quỳnh Trung, người Choang và các ngôn ngữ Jiamao thuộc ngữ hệ Tai-Kadai khác, các quần thể Hải Khẩu và Mân Nam có quan hệ gần gũi với người Hlai Hải Nam. Nghiên cứu cũng cho thấy người Hán Hải Khẩu có nguồn gốc 55,2% tổ tiên liên quan đến người Hlai và 44,8% tổ tiên có liên quan đến người Hán ở Bắc Kinh.

Ở phần này, chúng ta có thể kết luận rằng người Hán các vùng Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam gần gen nhất với cộng đồng tộc Việt, về cơ bản sự đồng hóa với người Hán các vùng này chỉ là về ngôn ngữ và văn hóa, không thể hiện thực sự rõ trên di truyền, các vùng khác đã có sự pha trộn di truyền đáng kể với người Hán bắc Đông Á, nhưng vẫn gần gen với cộng đồng tộc Việt.

IV. Nhiễm sắc thể Y và nguồn gốc cộng đồng tộc Việt:

Để xác định đặc điểm đa dạng di truyền của các quần thể Đông Á, các nhà nhân chủng học phân tử đã phân tích ba loại vật liệu di truyền, đó là DNA nhiễm sắc thể tự thân và nhiễm sắc thể X, nhiễm sắc thể Y của người cha và DNA ty thể của mẹ (mtDNA). Các nhiễm sắc thể thường và nhiễm sắc thể X được di truyền từ cả bố và mẹ và luôn lộn xộn khi tái tổ hợp. Phần không tái tổ hợp của nhiễm sắc thể Y (NRY) được di truyền theo cha một cách nghiêm ngặt và do đó, là vật liệu tốt nhất để theo dõi dòng dõi cha của các quần thể với các lợi thế bổ sung là kích thước quần thể hiệu quả nhỏ, tỷ lệ đột biến thấp, đủ dấu ấn và quần thể – phân bố haplotype cụ thể [21][22]. Có bốn nhóm vĩ mô nhiễm sắc thể Y chiếm ưu thế ở Đông Á: O-M175, C-M130, D-M174 và N-M231 – chiếm khoảng 93% nhiễm sắc thể Y ở Đông Á. [23]

Hình 12: Sự phân bố địa lý của các nhóm nhiễm sắc thể Y C, D, N và O ở Đông Á. [22]

Trong số 4 nhóm nhiễm sắc thể Y, O-M175 là nhóm haplogroup lớn nhất ở Đông Á, tạo ra ba nhóm haplog ở hạ nguồn – O1a-M119, O2-M268 và O3-M122 – chiếm tổng cộng 60% nhiễm sắc thể Y trong các quần thể Đông Á. [24][25]

Phân tích cụ thể hơn từng phân lớp, cho thấy: Haplogroup O1a-M119 phổ biến dọc theo bờ biển phía đông nam Trung Quốc, xảy ra với tần suất cao ở những người nói tiếng Daic và thổ dân Đài Loan [26]. O2-M268 chiếm khoảng 5% người Hán [24]. O2a1-M95 là phân lớp thường gặp nhất của O2, là nhóm haplog chính ở bán đảo Đông Dương, và cũng được tìm thấy trong nhiều quần thể ở miền nam Trung Quốc và miền đông Ấn Độ (chẳng hạn như Munda) [26][27]. Một phân lớp khác của O2, O2b-M176, thường gặp nhất ở người Hàn Quốc và Nhật Bản, và cũng xuất hiện ở tần số rất nhỏ trong người Việt và người Hán [28][29]. O3-M122 là nhóm haplog phổ biến nhất ở Trung Quốc và phổ biến khắp Đông và Đông Nam Á. O3a1c-002611, O3a2c1-M134 và O3a2c1a-M117 là ba phân lớp chính của O3, mỗi phân lớp chiếm 12 đến 17% người Hán. O3a2c1a-M117 cũng thể hiện tần số cao ở các quần thể Tibetan-Burman. Một phân lớp khác, O3a2b-M7, đạt tần suất cao nhất ở các nhóm dân cư nói tiếng Hmông-Miên và Mon-Khmer, nhưng chỉ chiếm ít hơn 5% của người Hán. [30][31][23]

Hình 13: Bản đồ địa chất, Y-DNA và sự di cư của con người cổ đại. [Bản đồ được tạo bởi Chakazul, Wikimedia, bản gốc: National Geographic.]

Nghiên cứu của Su và cộng sự đã kiểm tra trên 19 Y-SNP bao gồm O1a-M119, O2a1-M95 và O3-M122, và ba STR nhiễm sắc thể Y (phân tích lặp lại ngắn Tandem) trong diện rộng các quần thể từ một khu vực rộng lớn của Châu Á. Phân tích thành phần chính trong nghiên cứu của họ cho thấy rằng tất cả các quần thể phía bắc tập hợp lại với nhau và được đưa vào nhóm dân cư phía nam, và các quần thể phía nam đa dạng hơn nhiều so với các quần thể phía bắc. Họ kết luận rằng các quần thể phía bắc có nguồn gốc từ các quần thể phía nam sau quá trình hình thành thời kỳ đồ đá cũ ban đầu ở Đông Á. [32][23]

Năm 2005, Shi et al. [33] đã trình bày một cách lấy mẫu có hệ thống và sàng lọc di truyền của haplogroup O3-M122 trong hơn 2.000 cá thể từ các quần thể đa dạng ở Đông Á. Dữ liệu của họ cho thấy nhóm haplog O3-M122 ở nam Đông Á đa dạng hơn nhóm ở bắc Đông Á, hỗ trợ nguồn gốc phía nam của O3-M122. Thời gian di cư sớm lên phía bắc của các dòng O3-M122 ở Đông Á được ước tính cách đây khoảng 25 đến 30 nghìn năm. [34][35][23]

Nghiên cứu của Cai et al. đã kiểm tra nhóm haplogroup O3a2b-M7 và O3a2c1a-M117 trong các nhóm dân cư nói tiếng Môn-Khmer và Hmong-Miên ở Đông Nam Á, và chỉ ra sự lan tỏa một chiều thông qua các nút thắt cổ chai từ Đông Nam Á vào Đông Á khoảng 19.000 năm trước trong Thời kỳ Cực đại Băng hà Cuối cùng [36][23]

Nhìn chung, hầu hết các bằng chứng đều cho thấy sự suy giảm đa dạng từ nam đến bắc, lộ trình phía Nam là nguồn gốc chính của loài người ở Đông Á. [23]

Hình 14: Sự di cư của cư dân cổ mang haplogroup O của nhiễm sắc thể Y ở Đông Á. Các đường đứt đoạn đại diện cho các tuyến đường di chuyển thay thế. [23]

Bản đồ trên nếu phân tích kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng các haplogroup O2a và O1 có cùng một gốc nhưng đã tách nhau, và di cư theo hai con đường và hai thời điểm khác nhau lên vùng Đông Á. Dòng di cư theo haplogroup O2a là nguồn gốc chủ yếu của cư dân Nam Á trong vùng Dương Tử, dòng di cư của haplogroup O1 là nguồn gốc chính của người Nam Đảo và người Tai-Kadai, với địa bàn chính trong vùng Sơn Đông mà chúng tôi đã chứng minh trong bài viết khác [1]. Điều này dẫn tới sự khác biệt trong di truyền giữa người Nam Á và người Nam Đảo, cư dân Nam Đảo hiện tại có thành phần O1 chiếm tuyệt đối.

Phân tích sâu hơn về thành phần các haplogroup trong gen người Việt, theo ước tính trong nghiên cứu của Trejaut et al. 2014 [37], thì người Việt có nhiều nhất là nhóm haplogroup O2a 37,5% (O2a-PK4 4,17%, O2a1-M95 8,33%, O2a1a-M88 25%), sau đó là nhóm haplogroup O3a 33,34% (O3a2a-M159 4,17%, O3a2b-M7 12,50%, O3a2c1-M134 12,50%, O3a2c1a-M133 4,17%), O1a-M119 có khoảng 4,17%, bên cạnh đó là các haplogroup C3-M217 8,33%, D1-M15 4,17%, N1-LLY2g 8,33%.

Hình 15: Nghiên cứu của Trejaut cho thấy các thành phần nhiễm sắc thể Y trong gen người Việt và so sánh với các dân tộc. [38]

Mở rộng so sánh giữa các hệ ngữ, theo nghiên cứu của Xue et al. 2008 [38], cho thấy nhiễm sắc thể Y của ngữ hệ Nam Á chiếm 27,84% là haplogroup O2a, 43,93% O3 và O3e, còn lại là các thành phần khác. Người Daic (ngữ hệ Tai-Kadai) có 46,82% là gen O2a, 9%O1, 24,86% là O3 và O3e. Trong gen người Nam Đảo có thành phần O1 chiếm tuyệt đối, bên cạnh đó là các haplogroup O2a và O3, O3e chiếm một lượng đáng kể. Người Hán có tới 54,47 % là haplogroup O3 và O3e, họ cũng có khoảng 3,51% haplogroup O2a. Đây là các nhóm haplogroup có nguồn gốc từ phương Nam, người từ phương Nam di cư lên đã đem theo các nhóm haplogroup O1a-M119, O2-M268 và O3-M122. Sự hòa huyết trong thời văn hóa Đông Á cổ đại đã dẫn tới hiện trạng hầu hết các dân tộc đều có các haplogroup O3, O3e, O1, O2a, nó không phải đặc trưng riêng biệt của dân tộc nào, mà chỉ cho thấy dân tộc có các haplogroup này chiếm đa số, các dân tộc vì có nguồn gốc và sự pha trộn di truyền khác nhau sẽ khiến các thành phần có sự khác biệt. [1]

Hình 16: Tần số các haplogroup nhiễm sắc thể Y trong các quần thể ngôn ngữ khác nhau. [38]

Các nghiên cứu về nhiễm sắc thể Y truyền theo dòng cha đã cung cấp và giúp mở rộng thêm các thông tin về nguồn gốc của người Việt và tộc Việt. Các nghiên cứu này cũng cho thấy được sự hòa huyết và tương tác của văn hóa Đông Á cổ đại đã tạo nên sự pha trộn các haplogroup giữa các hệ ngữ của vùng Đông Á ngày nay. Phân tích các haplogroup cũng cho thấy người Việt có nguồn gốc chủ yếu là O2a và sau đó là O3a, đây là những haplogroup quan trọng của ngữ hệ Nam Á và văn hóa Đông Á cổ.

V. Phân tích di truyền một số dân tộc có nguồn gốc tộc Việt:

1. Lịch sử di truyền của người Việt (Kinh):

Di truyền, ngôn ngữ của người Việt (Kinh) có một lịch sử khá phức tạp, bởi những biến động của các tác nhân từ thiên tai và lịch sử, người Việt và cư dân thuộc hệ ngữ Nam Á trong vùng Đông Nam Á đều có nguồn gốc từ vùng Dương Tử [17], nhưng do hạn hán diễn ra vào khoảng 4000 năm trước [39], nên cư dân Dương Tử phải phân tán về phía Nam theo các nghiên cứu di truyền [5][6]. Sau thời điểm này, thì các dân tộc thuộc hệ ngữ Nam Á đã hoàn toàn tách khỏi cộng đồng tộc Việt, người Việt thuộc ngữ hệ Nam Á, là thành phần chính và quan trọng nhất của cộng đồng tộc Việt, sau khi xây dựng văn hóa Phùng Nguyên, vẫn tiếp tục phát triển trong một cộng đồng chung với người Tai-Kadai trong giai đoạn sau đó, nên đã có nhiều sự thay đổi kể cả về di truyền và ngôn ngữ.

Nghiên cứu của He et al. 2020 [20] cũng cho chúng ta thấy được người Việt (Kinh) ngày nay có quan hệ chặt chẽ với gen thời Đông Sơn và mẫu cuối thời kỳ đồ đá mới, và họ cũng gần gen với mẫu của văn hóa Phùng Nguyên.

Hình 17: Nghiên cứu của He et al. 2020 cho thấy gen người Việt (Kinh), người Hlai và các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt rất gần nhau. Gen của người Việt cũng có quan hệ chặt chẽ với mẫu thời kỳ đồ đồng, cuối thời kỳ đá mới và gần với thời kỳ đồ đá mới (Phùng Nguyên). [20]

Ngôn ngữ của người Việt vẫn có cốt lõi Nam Á, nhưng đã có nhiều sự thay đổi khi chung sống với người Tai-Kadai. Về di truyền, thì người Việt đã hòa huyết với người Tai-Kadai trong cộng đồng chung, nên di truyền không còn gần với các dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á, mặc dù ngôn ngữ vẫn có cốt lõi Nam Á. Người Tai-Kadai cũng như vậy, gốc của họ là như người Nam Đảo, là hai hệ ngữ tách ra từ cùng một gốc [40][41], ban đầu ngữ hệ Tai-Kadai cũng theo mẫu hệ như người Nam Đảo, có di truyền gần người Nam Đảo, nhưng qua sự hòa huyết với người Việt Nam Á, thì di truyền của họ đã khác biệt lớn với người Nam Đảo, về ngôn ngữ cũng như vậy, có nhiều sự tương đồng nhưng cũng nhiều sự khác biệt giữa hai hệ ngữ, họ cũng chuyển từ chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ thông qua sự hòa huyết với người Việt Nam Á. Sự hòa huyết nội bộ này dẫn tới hiện trạng người Việt và người Tai-Kadai có gen rất gần nhau, người Tai-Kadai cũng tách ra khỏi nhau rất muộn, khi di truyền, ngôn ngữ đã hình thành, nên các dân tộc ngày nay có sự thống nhất di truyền cao, và ngôn ngữ cơ bản có thể hiểu được nhau, còn người Việt thì không như vậy, bởi đã tách biệt với người Nam Á khoảng hơn 2000 năm, trước khi hình thành ngôn ngữ độc lập trong vùng đồng bằng sông Hồng với những đặc trưng riêng biệt tự nội lực của tiếng Việt và sự giao thoa với các ngôn ngữ Tai-Kadai và Hán-Tạng, nên ngôn ngữ đã có rất nhiều sự khác biệt với ngôn ngữ Nam Á nguyên thủy.

Hình 18: Biểu đồ cho thấy gen người Việt (Kinh) không có sự gia nhập của nguồn gen nào kể từ 2500 năm trước (tức thời văn hóa Đông Sơn). [42]

Kể từ thời điểm văn hóa Đông Sơn, thì di truyền của người Việt về cơ bản không có sự gia nhập nào đáng kể từ các nguồn gen ngoài. [42] Người Việt là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Đông Sơn, kể cả về di truyền và ngôn ngữ [43], trung tâm của văn hóa Đông Sơn là tại miền Bắc Việt Nam, từ đây, văn hóa Đông Sơn đã có sự lan tỏa ra các vùng tộc Việt và xuống vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo. [43]

Sự khác biệt di truyền của văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn không thể diễn giải theo cách người Việt đã tiếp nhận nguồn gen từ các ngữ hệ khác di cư về Việt Nam để có bộ gen như ngày nay, sự thay đổi và khác biệt về di truyền của văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn có nguyên nhân từ bối cảnh lịch sử mà chúng tôi đã dẫn giải ở trên. Người Việt tại văn hóa Phùng Nguyên nhiều khả năng đã tiếp tục di cư lên vùng Dương Tử, một trong những văn hóa mà họ đã xây dựng nên khi di cư lên là văn hóa Ngô Thành, với mẫu di truyền của văn hóa này chiếm phần đa là gen của người Nam Á. [44]. Tới khoảng 2700 năm trước, theo các nghiên cứu di truyền [5][6], thì người Việt Nam Á di cư về Việt Nam, để hình thành văn hóa Đông Sơn, văn hóa Đông Sơn cũng là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Phùng Nguyên. [45]

VI. Hệ ngữ Hmong-Mien có thuộc cộng đồng tộc Việt không?

Liệu hệ ngữ Hmong-Mien có thuộc cộng đồng tộc Việt hay không? Quan sát các mẫu di truyền của các dân tộc thuộc hệ ngữ Hmong-Mien trong các nghiên cứu chúng tôi đã dẫn ở trên, sẽ cho thấy một số kết quả khá thú vị về nguồn gốc cùả hệ ngữ Hmong-Mien, từ đó giúp chúng ta xác định vị trí của ngữ hệ Hmong-Mien trong dòng lịch sử tộc Việt.

Nghiên cứu của Liu et al. 2019 [9] (hình 9) cho thấy người Dao rất gần gen với các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt, người Hmong tại Việt Nam, người Miao, người She tại Trung Quốc lại không gần các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt.

Nghiên cứu của Huang et al. 2020 [12] (hình 6) cho thấy cư dân thuộc hệ ngữ Hmong-Mien ở Trung Quốc có thành phần di truyền rất phức tạp, nhóm Hmong và một số nhóm Miêu rất gần nhau, nhưng cũng có nhóm có nhiều thành phần màu xanh lá, người Miêu Hồ Nam và người She cũng khác biệt nhiều so với các nhóm Miêu và Hmong khác. Chỉ có người Dao là gần nhất về di truyền với cộng đồng tộc Việt (có pha trộn thêm thành phần Hmong).

Nghiên cứu di truyền của Wen et al. 2005 [46] cũng cho thấy người Miêu tại Hồ Nam có một phần nguồn gốc từ bắc Đông Á, trùng với truyền thuyết Tam Miêu về nguồn gốc bắc Đông Á của người Miêu.

Các nghiên cứu này đều cho thấy chỉ có người Dao là gần với cộng đồng tộc Việt, người Hmong và các dân tộc khác thuộc hệ ngữ Hmong-Mien có di truyền khác biệt lớn với cộng đồng tộc Việt, vì vậy, chúng tôi đề xuất rằng chỉ có người Dao mới thuộc cộng đồng tộc Việt, còn các dân tộc khác trong hệ ngữ Hmong-Mien không thuộc cộng đồng tộc Việt. Ngoại trừ người Dao, thì các dân tộc thuộc hệ ngữ Hmong-Mien có nguồn gốc từ vùng bắc Đông Á di cư xuống phía Nam sau khi Hoàng Đế đánh bại Si Vưu, nhân vật mà người Miêu vẫn xem như là tổ của dân tộc mình.

VI. Kết luận:

Thông qua các nghiên cứu di truyền, chúng tôi đã phác họa một bức tranh khá toàn cảnh về di truyền của cộng đồng tộc Việt. Trong vùng nam Đông Á, vẫn còn rất nhiều dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt không bị đồng hóa, di truyền, ngôn ngữ, văn hóa đều kế thừa từ văn hóa tộc Việt cổ. Người Hán nam Đông Á có một bức tranh di truyền khá rõ ràng trong tương quan với cộng đồng tộc Việt, người Hán càng về phía Nam, thì càng gần với cộng đồng tộc Việt, trong đó gần nhất là người Hán các vùng Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam sự khác biệt về di truyền là không thực sự đáng kể. Các nghiên cứu di truyền cũng đã cung cấp cho chúng ta những bằng chứng không thể chối cãi về sự thống nhất của cộng đồng tộc Việt, từ đó cho thấy các quan điểm, nhận định về cộng đồng tộc Việt dưới khái niệm “Bách Việt” là hoàn toàn không phù hợp với các tài liệu nghiên cứu khoa học, kết hợp với các bằng chứng khảo cổ, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, chúng ta có thể thấy được cộng đồng tộc Việt là một cộng đồng thống nhất cao độ về hầu hết các khía cạnh [3], không phải là tập hợp của những sắc dân không có sự liên hệ với nhau.

Lang Linh


Tài liệu tham khảo:

[1] Lang Linh (2021), Bức tranh di truyền về nguồn gốc của người Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/08/19/550-buc-tranh-di-truyen-ve-nguon-goc-cua-nguoi-viet/

[2] Meacham, W. (1996). Defining the hundred Yue. Bulletin of the Indo-Pacific Prehistory Association Journals, 15(1), 93–100.

[3] Lang Linh (2020), Bách Việt và cơ sở thống nhất của cộng đồng Bách Việt.
https://luocsutocviet.com/2020/02/24/478-bach-viet-va-co-so-thong-nhat-cua-cong-dong-bach-viet/

[4] Lang Linh (2021), Khái niệm tộc Việt và nguồn gốc cộng đồng tộc Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/09/29/553-khai-niem-toc-viet-va-nguon-goc-cong-dong-toc-viet/

[5] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

[6] Lipson M, Cheronet O, Mallick S, Rohland N, Oxenham M, Pietrusewsky M, Pryce TO, Willis A, Matsumura H, Buckley H, Domett K, Nguyen GH, Trinh HH, Kyaw AA, Win TT, Pradier B, Broomandkhoshbacht N, Candilio F, Changmai P, Fernandes D, Ferry M, Gamarra B, Harney E, Kampuansai J, Kutanan W, Michel M, Novak M, Oppenheimer J, Sirak K, Stewardson K, Zhang Z, Flegontov P, Pinhasi R, Reich D. Ancient genomes document multiple waves of migration in Southeast Asian prehistory. Science. 2018 Jul 6;361(6397):92-95. doi: 10.1126/science.aat3188. Epub 2018 May 17. PMID: 29773666; PMCID: PMC6476732.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/92

[7] David Reich. Who we are and how we got here: Ancient DNA and the new science of the human past. 2018: Oxford University Press.

[8] Wang, CC., Yeh, HY., Popov, A.N. et al. Genomic insights into the formation of human populations in East Asia. Nature 591, 413–419 (2021). https://doi.org/10.1038/s41586-021-03336-2

[9] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

[10] Zhang H, He G, Guo J, Ren Z, Zhang H, Wang Q, Ji J, Yang M, Huang J, Wang CC. Genetic diversity, structure and forensic characteristics of Hmong-Mien-speaking Miao revealed by autosomal insertion/deletion markers. Mol Genet Genomics. 2019 Dec;294(6):1487-1498. doi: 10.1007/s00438-019-01591-7. Epub 2019 Jul 16. PMID: 31312894.

[11]  He G, Wang M, Zou X, Chen P, Wang Z, Liu Y, Yao H, Wei L-H, Tang R, Wang C-C and Yeh H-Y (2021) Peopling History of the Tibetan Plateau and Multiple Waves of Admixture of Tibetans Inferred From Both Ancient and Modern Genome-Wide Data. Front. Genet. 12:725243. doi: 10.3389/fgene.2021.725243

[12] Huang, X., Xia, Z., Bin, X., He, G., Guo, J., Lin, C., Yin, L., Zhao, J., Ma, Z., Ma, F., Li, Y., Hu, R., Wei, L., & Wang, C. (2020). Genomic Insights into the Demographic History of Southern Chinese. bioRxiv.

[13] Guo, Jianxin & Wang, Weitao & Zhao, Kai & Li, Guangxing & He, Guanglin & Zhao, Jing & Yang, Xiaomin & Chen, Jinwen & Zhu, Kongyang & Wang, Rui & Ma, Hao & Xu, Bingying & Wang, Chuan-Chao. (2021). Genomic insights into Neolithic farming-related migrations in the junction of east and southeast Asia. American Journal of Physical Anthropology. 1-15. 10.1002/ajpa.24434.

[14] Charleston W K Chiang, Serghei Mangul, Christopher Robles, Sriram Sankararaman, A Comprehensive Map of Genetic Variation in the World’s Largest Ethnic Group—Han Chinese, Molecular Biology and Evolution, Volume 35, Issue 11, November 2018, Pages 2736–2750, https://doi.org/10.1093/molbev/msy170

[15] Liu S, Huang S, Chen F, Zhao L, Yuan Y, Francis SS, Fang L, Li Z, Lin L, Liu R, Zhang Y, Xu H, Li S, Zhou Y, Davies RW, Liu Q, Walters RG, Lin K, Ju J, Korneliussen T, Yang MA, Fu Q, Wang J, Zhou L, Krogh A, Zhang H, Wang W, Chen Z, Cai Z, Yin Y, Yang H, Mao M, Shendure J, Wang J, Albrechtsen A, Jin X, Nielsen R, Xu X. Genomic Analyses from Non-invasive Prenatal Testing Reveal Genetic Associations, Patterns of Viral Infections, and Chinese Population History. Cell. 2018 Oct 4;175(2):347-359.e14. doi: 10.1016/j.cell.2018.08.016. PMID: 30290141.

[16] Xiaomin Yang , Xiao-Xun Wang , Guanglin He , Jianxin Guo , Jing Zhao , Jin Sun , Yingxiang Li , Hui-Zhen Cheng , Rong Hu , Lan-Hai Wei , Gang Chen & Chuan-Chao Wang (2020): Genomic insight into the population history of central Han Chinese, Annals of Human Biology, DOI: 10.1080/03014460.2020.1851396

[17] Lang Linh (2021), Ngữ hệ Nam Á và nền văn minh sông Dương Tử
https://luocsutocviet.com/2021/09/28/552-ngu-he-nam-a-va-nen-van-minh-song-duong-tu/

[18] Fan H, Xie Q, Li Y, Wang L, Wen SQ, Qiu P. Insights Into Forensic Features and Genetic Structures of Guangdong Maoming Han Based on 27 Y-STRs. Front Genet. 2021 Jun 18;12:690504. doi: 10.3389/fgene.2021.690504. PMID: 34220963; PMCID: PMC8253533.

[19] Yin, C.; Su, K.; He, Z.; Zhai, D.; Guo, K.; Chen, X.; Jin, L.; Li, S. Genetic Reconstruction and Forensic Analysis of Chinese Shandong and Yunnan Han Populations by Co-Analyzing Y Chromosomal STRs and SNPs. Genes 202011, 743. https://doi.org/10.3390/genes11070743

[20] He, G., Wang, Z., Guo, J. et al. Inferring the population history of Tai-Kadai-speaking people and southernmost Han Chinese on Hainan Island by genome-wide array genotyping. Eur J Hum Genet 28, 1111–1123 (2020). https://doi.org/10.1038/s41431-020-0599-7

[21] Jobling MA, Tyler-Smith C. Father and sons: the Y chromosome and human evolution. Trends Genet. 1995;11:449–456. doi: 10.1016/S0168-9525(00)89144-1.

[22] Underhill PA, Shen P, Lin AA, Jin L, Passarino G, Yang WH, Kauffman E, Bonné-Tamir B, Bertranpetit J, Francalacci P, Ibrahim M, Jenkins T, Kidd JR, Mehdi SQ, Seielstad MT, Wells RS, Piazza A, Davis RW, Feldman MW, Cavalli-Sforza LL, Oefner PJ. Y chromosome sequence variation and the history of human populations. Nat Genet. 2000;26:358–361. doi: 10.1038/81685.

[23] Wang, Chuan-Chao, and Hui Li. “Inferring human history in East Asia from Y chromosomes.” Investigative genetics vol. 4,1 11. 3 Jun. 2013, doi:10.1186/2041-2223-4-11

[24] Yan S, Wang CC, Li H, Li SL, Jin L. Genographic Consortium. An updated tree of Y-chromosome haplogroup O and revised phylogenetic positions of mutations P164 and PK4. Eur J Hum Genet. 2011;19:1013–1015. doi: 10.1038/ejhg.2011.64.

[25] Shi H, Dong YL, Wen B, Xiao CJ, Underhill PA, Shen PD, Chakraborty R, Jin L, Su B. Y-chromosome evidence of southern origin of the East Asian-specific haplogroup O3-M122. Am J Hum Genet. 2005;77:408–419. doi: 10.1086/444436.

[26] Kayser M, Choi Y, van Oven M, Mona S, Brauer S, Trent RJ, Suarkia D, Schiefenhövel W, Stoneking M. The impact of the Austronesian expansion: evidence from mtDNA and Y chromosome diversity in the Admiralty Islands of Melanesia. Mol Biol Evol. 2008;25:1362–1374. doi: 10.1093/molbev/msn078.

[27] Su B, Jin L, Underhill P, Martinson J, Saha N, McGarvey ST, Shriver MD, Chu J, Oefner P, Chakraborty R, Deka R. Polynesian origins: insights from the Y chromosome. Proc Natl Acad Sci USA. 2000;97:8225–8228. doi: 10.1073/pnas.97.15.8225.

[28] Ding QL, Wang CC, Farina SE, Li H. Mapping human genetic diversity on the Japanese archipelago. Adv Anthropol. 2011;1:19–25. doi: 10.4236/aa.2011.12004.

[29] Hammer MF, Karafet TM, Park H, Omoto K, Harihara S, Stoneking M, Horai S. Dual origins of the Japanese: common ground for hunter-gatherer and farmer Y chromosomes. J Hum Genet. 2006;51:47–58. doi: 10.1007/s10038-005-0322-0.

[30] Cai X, Qin Z, Wen B, Xu S, Wang Y, Lu Y, Wei L, Wang C, Li S, Huang X, Jin L, Li H. Genographic Consortium. Human migration through bottlenecks from Southeast Asia into East Asia during Last Glacial Maximum revealed by Y chromosomes. PLoS One. 2011;6:e24282. doi: 10.1371/journal.pone.0024282.

[31] Wang CC, Yan S, Qin ZD, Lu Y, Ding QL, Wei LH, Li SL, Yang YJ, Jin L, Li H, the Genographic Consortium. Late Neolithic expansion of ancient Chinese revealed by Y chromosome haplogroup O3a1c-002611. J Syst Evol. 2013.

[32] Su B, Xiao J, Underhill P, Deka R, Zhang W, Akey J, Huang W, Shen D, Lu D, Luo J, Chu J, Tan J, Shen P, Davis R, Cavalli-Sforza L, Chakraborty R, Xiong M, Du R, Oefner P, Chen Z, Jin L. Y-chromosome evidence for a northward migration of modern human into East Asia during the last ice age. Am J Hum Genet. 1999;65:1718–1724. doi: 10.1086/302680.

[33] Shi H, Dong YL, Wen B, Xiao CJ, Underhill PA, Shen PD, Chakraborty R, Jin L, Su B. Y-chromosome evidence of southern origin of the East Asian-specific haplogroup O3-M122. Am J Hum Genet. 2005;77:408–419. doi: 10.1086/444436.

[34] Zhivotovsky LA. Estimating divergence time with the use of microsatellite genetic distances: impacts of population growth and gene flow. Mol Biol Evol. 2001;18:700–709. doi: 10.1093/oxfordjournals.molbev.a003852.

[35] Zhivotovsky LA, Underhill PA, Cinniog˘lu C, Kayser M, Morar B, Kivisild T, Scozzari R, Cruciani F, Destro-Bisol G, Spedini G, Chambers GK, Herrera RJ, Yong KK, Gresham D, Tournev I, Feldman MW, Kalaydjieva L. The effective mutation rate at Y chromosome short tandem repeats, with application to human population-divergence time. Am J Hum Genet. 2004;74:50–61. doi: 10.1086/380911.

[36] Cai X, Qin Z, Wen B, Xu S, Wang Y, Lu Y, Wei L, Wang C, Li S, Huang X, Jin L, Li H. Genographic Consortium. Human migration through bottlenecks from Southeast Asia into East Asia during Last Glacial Maximum revealed by Y chromosomes. PLoS One. 2011;6:e24282. doi: 10.1371/journal.pone.0024282.

[37] Trejaut, J. A., Poloni, E. S., Yen, J. C., Lai, Y. H., Loo, J. H., Lee, C. L., He, C. L., & Lin, M. (2014). Taiwan Y-chromosomal DNA variation and its relationship with Island Southeast Asia. BMC genetics, 15, 77. https://doi.org/10.1186/1471-2156-15-77

[38] Xue, F., Wang, Y., Xu, S. et al. A spatial analysis of genetic structure of human populations in China reveals distinct difference between maternal and paternal lineages. Eur J Hum Genet 16, 705–717 (2008). https://doi.org/10.1038/sj.ejhg.5201998

[39] Bing Li, Cheng Zhu, Li Wu, Feng Li, Wei Sun, Xiaocui Wang, Hui Liu, Huaping Meng, Di Wu (2013). Relationship between environmental change and human activities in the period of the Shijiahe culture, Tanjialing site, Jianghan Plain, China
https://www.researchgate.net/publication/260850162_Relationship_between_environmental_change_and_human_activities_in_the_period_of_the_Shijiahe_culture_Tanjialing_site_Jianghan_Plain_China

[40] Sagart, Laurent. (2005). Tai-Kadai as a subgroup of Austronesian, Imprint Routledge.

[41] Sagart, Laurent. (2004). The Higher Phylogeny of Austronesian and the Position of Tai-Kadai. Oceanic Linguistics. 43. 411-444. 10.1353/ol.2005.0012.

[42] Jungeun Kim, Sungwon Jeon, Jae-Pil Choi, Asta Blazyte, Yeonsu Jeon, Jong-Il Kim, Jun Ohashi, Katsushi Tokunaga, Sumio Sugano, Suthat Fucharoen, Fahd Al-Mulla, Jong Bhak, The Origin and Composition of Korean Ethnicity Analyzed by Ancient and Present-Day Genome Sequences, Genome Biology and Evolution, Volume 12, Issue 5, May 2020, Pages 553–565, https://doi.org/10.1093/gbe/evaa062

[43] Lang Linh (2020), Khảo cứu về nền văn hóa Đông Sơn.
https://luocsutocviet.com/2020/10/11/502-khao-cuu-ve-nen-van-hoa-dong-son/

[44] Li H, Huang Y, Mustavich LF, Zhang F, Tan JZ, Wang LE, Qian J, Gao MH, Jin L. Y chromosomes of prehistoric people along the Yangtze River. Hum Genet. 2007 Nov;122(3-4):383-8. doi: 10.1007/s00439-007-0407-2. Epub 2007 Jul 27. PMID: 17657509.

[45] Lang Linh (2021), Nguồn gốc của trống đồng và văn hóa Đông Sơn.
https://luocsutocviet.com/2021/07/01/541-nguon-goc-cua-trong-dong-va-van-hoa-dong-son/

[46] Bo Wen, Hui Li, Song Gao, Xianyun Mao, Yang Gao, Feng Li, Feng Zhang, Yungang He, Yongli Dong, Youjun Zhang, Wenju Huang, Jianzhong Jin, Chunjie Xiao, Daru Lu, Ranajit Chakraborty, Bing Su, Ranjan Deka, Li Jin, Genetic Structure of Hmong-Mien Speaking Populations in East Asia as Revealed by mtDNA Lineages, Molecular Biology and Evolution, Volume 22, Issue 3, March 2005, Pages 725–734, https://doi.org/10.1093/molbev/msi055

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.