581. ☀ Nguồn gốc ngôn ngữ và di truyền của văn hóa Đông Sơn

Dựa trên các nghiên cứu di truyền, khảo cổ học đã được chúng tôi tìm hiểu ở nhiều bài viết khác [1][2], thì văn hóa Đông Sơn là điểm cuối của tiến trình phát triển liên tục trong hàng chục nghìn năm ở vùng Đông Nam Á và Đông Á của tộc Việt và cư dân tiền thân hình thành nên tộc Việt. Văn hóa Đông Sơn là nền tảng văn hóa chính của các cư dân trong vùng phía nam sông Dương Tử tới Việt Nam, chính là cộng đồng tộc Việt, bên cạnh đó, thì văn hóa Đông Sơn cũng đã có những ảnh hưởng rộng rãi tới vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo [3]. Khái niệm văn hóa Đông Sơn được hiểu dưới hai không gian, đó là văn hóa Đông Sơn được sử dụng để chỉ các di chỉ đồ đồng trong vùng miền Bắc Việt Nam, nhưng bên cạnh đó, thì văn hóa Đông Sơn được xác định ở một không gian rộng hơn là vùng nam Đông Á và vùng Đông Nam Á như cách định nghĩa của Heine Geldern và của Hà Văn Tấn. [4]

Trong tiến trình phát triển từ Phùng Nguyên cho tới Đông Sơn, thì có một vấn đề khá lớn dẫn tới sự suy diễn về nguồn gốc của người Việt, đó là sự khác biệt di truyền giữa Phùng Nguyên và Đông Sơn. Có quan điểm đã đề xuất rằng sự thay đổi di truyền của cư dân văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc từ cuộc di cư của người Tai-Kadai về Việt Nam vào thời kỳ đồ đồng, dẫn tới hiện trạng là di truyền của người Việt (Kinh) ngày nay và văn hóa Đông Sơn gần với các dân tộc thuộc ngữ hệ Tai-Kadai hơn. Nhưng câu chuyện có đơn giản như vậy hay không? Đó sẽ là vấn đề mà chúng tôi sẽ tiến hành tìm hiểu trong bài viết này, nhằm làm rõ tiến trình phát triển từ văn hóa Phùng Nguyên cho tới Đông Sơn, từ đó giải đáp một vấn đề quan trọng trong lịch sử thời cổ đại của người Việt.

I. Các nghiên cứu của McColl et al. và Lipson et al.:

1. Sự xác định về các dòng di cư thời đá mới:

Trong các nghiên cứu của McColl et al. [5] và Lipson et al. [6] dựa trên các bộ gen cổ và gen hiện đại trong vùng Đông Nam Á, họ đã phát hiện ra có hai cuộc di cư lớn từ vùng nam Đông Á về Việt Nam và Đông Nam Á, cuộc di cư trong lục địa là của cư dân thuộc hệ ngữ Nam Á, hình thành nên các văn hóa trong vùng Đông Nam Á: Phùng Nguyên, Ban Chiang (Thái Lan), Vat Komnou (Campuchia), thời điểm diễn ra cuộc di cư là vào khoảng hơn 4000 năm trước, đây cũng là thời điểm hình thành các văn hóa trong vùng Đông Nam Á. Bên cạnh cuộc di cư xuống lục địa, thì còn cuộc di cư sang Đài Loan và xuống vùng đảo, có thành phần là ngữ hệ Nam Đảo.

Các tuyến di cư chính giữa Nam Đông Á và Đông Nam Á thời cổ đại theo nghiên cứu của McColl et al. [5]

Bản đồ được thực hiện bởi David Reich [7] thể hiện rõ hơn các dòng di cư, trong bản đồ này, thì hai cuộc di cư sớm là của hai ngữ hệ Nam Á và Nam Đảo, ngữ hệ Tai-Kadai di cư xuống vùng nam Đông Á muộn hơn vào thời kỳ đồ đồng.

Bản đồ phân tán các hệ ngữ Nam Á, Nam Đảo, Tai-Kadai và Hán-Tạng theo nghiên cứu di truyền. [7]

Nghiên cứu của Lipson et al. [6] cho thấy các văn hóa trong vùng lục địa Đông Nam Á: Phùng Nguyên, Ban Chiang, Vat Komnou được xây dựng bởi cư dân thuộc ngữ hệ Nam Á di cư về Đông Nam Á trong cuộc di cư đầu tiên vào khoảng 4000 năm trước.

PCA cho thấy các văn hóa tại Đông Nam Á lục địa gần gen với cư dân thuộc ngữ hệ Nam Á. [6]

2. Cuộc di cư về phía Nam trong thời kỳ đồ đồng:

Trong thời kỳ đồ đồng, thì các nghiên cứu [5][6] cũng đã cho thấy có thêm một dòng di cư khác từ vùng nam Đông Á về phía Nam. Cuộc di cư này là cơ sở dẫn tới sự suy diễn cho rằng người Tai-Kadai đã di cư về Việt Nam, thay đổi di truyền của người Việt, xây dựng nên văn hóa Đông Sơn, nhưng trong các nghiên cứu này, không hề nhắc tới cuộc di cư về Việt Nam là của người Tai-Kadai, mà chỉ nhắc tới một cuộc di cư hình thành nên di truyền của văn hóa Đông Sơn, vậy nên đây là một sự suy diễn không đủ căn cứ chứng minh.

Các nghiên cứu về di truyền, khảo cổ, nhân chủng, ngôn ngữ, lịch sử kết hợp lại sẽ cung cấp cho chúng ta những thông tin rõ ràng hơn về các dòng di cư hình thành nên văn hóa Đông Sơn, cho thấy được những người kiến tạo văn hóa Đông Sơn và văn hóa Phùng Nguyên đều cùng một tộc người.

II. Nguồn gốc và các dòng di cư của cư dân thuộc hệ ngữ Tai-Kadai:

Cư dân ngữ hệ Tai-Kadai từ vùng nam Đông Á mới chỉ di cư về phía Nam trong thời kỳ đồ đồng, vào khoảng 2500 năm trước, các nghiên cứu đều cho thấy rằng họ chỉ định cư trong vùng Quảng Tây ngày nay, chưa tiến vào Việt Nam, hình thành ngôn ngữ trong vùng Quảng Tây và sau đó mới di cư phân tán ra vùng Đông Nam Á lục địa và Việt Nam.

1. Nguồn gốc và sự di cư của cư dân hệ ngữ Tai-Kadai:

Dựa vào nghiên cứu về hướng phân tán của mộ thuyền với hình thức táng treo của người Tai-Kadai, chúng ta sẽ thấy được hướng di cư và phân bố của người Tai-Kadai trong cuộc di cư về phía Nam trong thời kỳ đồ đồng.

Hình thức táng treo và các di chỉ được phát hiện có hình thức táng treo. [8]

Theo nghiên cứu di truyền mới đây của Zhang và cộng sự et al. 2020 [8], nghiên cứu trên các mẫu DNA từ các ngôi mộ táng treo tại nam Đông Á (Phúc Kiến, Quảng Tây, Vân Nam) và tại miền Bắc Thái Lan, thì các mẫu gen cổ tương đồng với gen của cư dân thuộc hệ ngữ Tai-Kadai.

Cư dân Dai tại miền nam Đông Á vẫn lưu giữ tục táng treo này, nhiều dân tộc ngày nay thuộc các hệ ngữ Hmong-Mien, Nam Đảo, Nam Á và cả cư dân tại vùng Tứ Xuyên cũng thực hành tục táng treo, tuy nhiên có thể chỉ thông qua sự giao lưu và ảnh hưởng văn hóa.

Nguồn gốc của hệ ngữ Tai-Kadai thể hiện rõ ràng qua nghiên cứu này với sự phân tán từ nam Đông Á xuống phía Nam, xuất phát từ vùng Phúc Kiến vào khoảng 3600 năm cách ngày nay, sau đó di cư xuống Quảng Tây và xuất hiện tại vùng Vân Nam vào khoảng 2200 năm cách ngày nay, sau đó lan sang phía Bắc Thái Lan.

Bản đồ sự phân tán của hình thức táng treo theo di truyền và niên đại của mộ táng. [8]

Nghiên cứu của Chris Baker cũng đồng thuận với nguồn gốc và di cư của người Tai-Kadai trong nghiên cứu di truyền trên, [9] theo đó hệ ngữ Tai-Kadai được giả thuyết hình thành tại vùng Quảng Tây và miền Bắc Việt Nam ngày nay vào thời điểm năm 330 TCN, tách ra từ gốc Proto-Tai, sau đó di cư xuống vùng Đông Nam Á lục địa và đi vào miền Bắc Việt Nam (Chamberlain 1998b, 4-5). Thời điểm hình thành hệ ngữ Tai-Kadai phù hợp với niên đại xuất hiện của tục táng treo tại Quảng Tây vào thời điểm 2700 năm trước ngày nay.

Bản đồ các hướng di cư của hệ ngữ Tai-Kadai. [9]

Theo nghiên cứu ngôn ngữ học của Pittayawat Pittayaporn [10], một nhà ngôn ngữ học Thái Lan, thì nhánh ngôn ngữ Tai-Kadai Tây Nam mới chỉ xuống vùng Đông Nam Á lục địa vào khoảng thế kỷ 8-10 sau công nguyên, trong đó bao gồm cả nhánh Tây Nam tại Tây Bắc Việt Nam. Nhánh trung tâm (Central Tai) cũng vào Việt Nam sau thời văn hóa Đông Sơn, và cũng chỉ định cư trong các vùng cao ở Tây Bắc và Đông Bắc Việt Nam, không xâm nhập vào vùng đồng bằng sông Hồng đã có đông người Nam Á định cư sẵn từ trước đó.

Bản đồ phân bố hệ ngữ Tai-Kadai, phân loại bởi David B. Solnit. [Nguồn: Edmondson, J. and D. Solnit (eds.), Comparative Kadai: The Tai Branch]

Như vậy chúng ta đã thấy được một cách cơ bản sự hình thành và phân tán của cư dân hệ ngữ Tai-Kadai, họ phân tán từ vùng Phúc Kiến xuống Quảng Tây, tới thời điểm cộng đồng tộc Việt tan rã, thì hệ ngữ Tai-Kadai bắt đầu hình thành, phân tán ra phía Tây và xuống Đông Nam Á lục địa và vào Việt Nam trong khoảng thiên niên kỷ thứ nhất SCN.

III. Sự hình thành văn hóa Đông Sơn:

Văn hóa Đông Sơn hình thành từ một tiến trình di cư và phát triển liên tục, các nghiên cứu cho thấy, những người xây dựng nên văn hóa Đông Sơn cũng chính là những người xây dựng nên văn hóa Phùng Nguyên.

1. Cuộc di cư trở về phía Bắc của cư dân văn hóa Phùng Nguyên:

Có một chi tiết rất quan trọng, đó là văn hóa Phùng Nguyên là một văn hóa của cộng đồng tộc Việt trong vùng phía Nam sông Dương Tử, trong thời kỳ này cũng là khởi nguồn của thời kỳ Hùng Vương hay quốc gia Văn Lang, với lãnh thổ trải rộng từ vùng phía nam sông Dương Tử tới Việt Nam, vậy nên, không thể tách văn hóa Phùng Nguyên khỏi bối cảnh lịch sử này. Các chi tiết từ các ghi chép và tài liệu khảo cổ cho thấy trung tâm của quốc gia Văn Lang là trong vùng miền Bắc Việt Nam với văn hóa Phùng Nguyên, biểu trưng quan trọng nhất của quyền lực nhà nước là nha chương đã tìm thấy nhiều tại miền Bắc Việt Nam. Vấn đề sự tồn tại của quốc gia Văn Lang đã được chúng tôi tìm hiểu trong nhiều bài viết khác, các bằng chứng từ di truyền, khảo cổ, lịch sử đều cho thấy cơ sở về sự tồn tại của quốc gia này. [11][12][13]

Trong thực tế, thì dựa trên các nghiên cứu di truyền và khảo cổ, thì cư dân văn hóa Phùng Nguyên không ở nguyên tại Việt Nam và phát triển lên văn hóa Đông Sơn, mà đã có cuộc di cư trở lại vùng Dương Tử. Đây là một sự di chuyển trung tâm của quốc gia lên phía Bắc.

Nghiên cứu của Dương et al. 2018 [14] cho thấy trong giai đoạn từ 3000-4000 năm trước xảy ra hiện tượng sụt giảm quy mô dân số ở vùng miền Bắc Việt Nam.

Đây là một bằng chứng cho thấy một cuộc di cư lớn của cư dân văn hóa Phùng Nguyên vào khoảng 3500 năm trước lên phía Bắc, cư dân ở lại vẫn tiếp tục phát triển lên các văn hóa Đồng Đậu và Gò Mun, tồn tại chung trong một nền văn hóa của cộng đồng tộc Việt trong vùng phía Nam sông Dương Tử tới miền Bắc Việt Nam, chỉ trung tâm là được chuyển lên phía Bắc. Khi di cư lên phía Bắc, cư dân văn hóa Phùng Nguyên nhiều khả năng đã hình thành nên văn hóa Ngô Thành.

Nghiên cứu của Li et al. (2007) [15] cho thấy haplogroup O2a (M95) đặc trưng của cư dân Nam Á chiếm đa số trong mẫu gen của văn hóa Ngô Thành (có niên đại vào khoảng 3500-3000 năm trước).

Haplogroup O2a chiếm đa số trong gen của cư dân Ngô Thành. [15]

Như vậy thì văn hóa Ngô Thành nhiều khả năng chính là một văn hóa được hình thành khi cư dân văn hóa Phùng Nguyên di cư lên phía Bắc, nhưng chúng tôi cho rằng đây không phải là văn hóa duy nhất, mà còn có thể có các văn hóa, khu định cư khác chưa được tìm thấy,

Các nghiên cứu này đã cho thấy cơ sở khá vững chắc về một cuộc di cư trở lại vùng Dương Tử của cư dân tộc Việt thuộc ngữ hệ Nam Á của văn hóa Phùng Nguyên, đây là nhóm chính của cộng đồng tộc Việt, sau đó đã di cư về Việt Nam trong thời kỳ đồ đồng để hình thành nên văn hóa Đông Sơn. Các nghiên cứu ngôn ngữ cũng đã cho thấy văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn đều có cư dân thuộc ngữ hệ Nam Á chiếm đa số, cũng như văn hóa Đông Sơn là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Phùng Nguyên dựa trên các bằng chứng khảo cổ học.

2. Văn hóa Đông Sơn và văn hóa Phùng Nguyên đều là các văn hóa nói tiếng Nam Á:

Nghiên cứu về di truyền học đã cho thấy văn hóa Phùng Nguyên gần với các dân tộc thuộc hệ ngữ Nam Á [6], nghiên cứu nhân chủng học xương sọ cũng cho thấy văn hóa Phùng Nguyên có cư dân thuộc ngữ hệ Nam Á [16].

Nghiên cứu nhân chủng học xương sọ cho thấy văn hóa Phùng Nguyên là của cư dân Nam Á. [16]

Các nghiên cứu ngôn ngữ học đã cho thấy văn hóa Đông Sơn có thành phần ngữ hệ Nam Á, chi Vietic chiếm đa số, hầu như không cho thấy sự xuất hiện của cư dân thuộc ngữ hệ Tai-Kadai trong vùng miền Bắc Việt Nam. [17][18][19]

Như vậy thì về ngôn ngữ, thì các văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn đều là các văn hóa nói ngôn ngữ Nam Á, không có dấu hiệu nào cho thấy sự xuất hiện số lượng lớn của cư dân thuộc ngữ hệ Tai-Kadai trong địa bàn miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn, mà cư dân nói hệ ngữ Nam Á, chi Vietic, là tiền thân trực tiếp của người Việt ngày nay là thành phần cư dân chính của văn hóa này.

Trong thực tế, thì văn hóa Đông Sơn cũng kế thừa trực tiếp từ văn hóa Phùng Nguyên, được thể hiện trên cổ vật, cũng như hầu hết các loại hình hoa văn đặc trưng của văn hóa này.

3. Văn hóa Đông Sơn là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Phùng Nguyên:

Dựa vào tiến trình phát triển đã được chúng tôi tìm hiểu qua các nghiên cứu di truyền ở trên, thì cư dân văn hóa Phùng Nguyên sau đó đã di cư một lượng lớn lên vùng phía Bắc, hình thành văn hóa Ngô Thành, sau đó, họ tiếp tục di cư về Việt Nam trong thời kỳ đồ đồng, hình thành nên văn hóa Đông Sơn. Tiến trình phát triển liên tục đã cho thấy đây cùng là một nhóm dân cư, văn hóa Phùng Nguyên là tiền thân trực tiếp của văn hóa Đông Sơn, nền tảng từ văn hóa Phùng Nguyên là nguồn gốc của văn hóa Đông Sơn.

a. Sự kế thừa thể hiện trên cổ vật:

Các loại hình cổ vật bằng đồng:

Sự kế thừa các cổ vật bằng đồng từ văn hóa Phùng Nguyên tới văn hóa Đông Sơn. [20]

Các loại hình cổ vật bằng gốm:

Các cổ vật gốm thể hiện sự kế thừa trực tiếp giữa văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun cho tới Đông Sơn. [21

Các loại hình đồ gốm kế thừa trực tiếp kể từ thời văn hóa Phùng Nguyên tới văn hóa Đông Sơn. [22]

b. Sự kế thừa thể hiện trên hoa văn:

Các hoa văn của văn hóa Đông Sơn được kế thừa trực tiếp từ văn hóa Phùng Nguyên, từ hoa văn Mặt Trời, bố cục trang trí theo dạng băng dải và hầu hết các dạng hoa văn đặc trưng của văn hóa Đông Sơn.

Mặt trời trên dọi xe sợi văn hóa Phùng Nguyên và trên trống đồng Đông Sơn. [23]

Dạng trang trí theo băng dải của văn hóa Đông Sơn được kế thừa từ văn hóa Phùng Nguyên. [24][25]

Các dạng hoa văn của văn hóa Đông Sơn được kế thừa từ văn hóa Phùng Nguyên. [20]

4. Vậy tại sao văn hóa Đông Sơn lại có sự thay đổi về di truyền?

Câu trả lời rất đơn giản, văn hóa Đông Sơn có sự thay đổi di truyền so với văn hóa Phùng Nguyên, có nguồn gốc từ sự hòa huyết trong nội bộ cộng đồng tộc Việt, người Việt trong thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên cũng không phải chỉ ở tại Việt Nam, không di cư và hòa huyết với các nhóm dân cư trong vùng phía nam Đông Á.

Sự hòa huyết nội bộ cộng đồng tộc Việt đã dẫn tới hiện trạng là di truyền của cư dân phía nam Đông Á có sự đồng nhất cao ở những dân tộc chưa bị đồng hóa. Đã có nhiều nghiên cứu di truyền cho thấy được sự thống nhất này của các cư dân có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt.

Nghiên cứu của Huang et al. 2020 [26] cho thấy di truyền của các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt: Dong, Hlai, Mường, Thái, Mulam, Tày, Maonan, Zhuang, Dai, Nung, Kinh (Việt), Vietnamese, Lào, Bố Y, Colao, Lachi và người Hán các vùng: Quảng Tây, Quảng Đông có gen rất gần nhau. Gen của các cư dân Hán tại các vùng Phúc Kiến, Đài Loan, Vân Nam, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam có gen gần với các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt, nhưng cũng đã pha trộn với một lượng nhất định thành phần Hán Hoa Bắc.

Admixture thể hiện di truyền nguồn gốc các dân tộc, tên cụm không thể hiện các dân tộc có nguồn gốc từ tên được đặt, mà các cụm được thể hiện có di truyền gần nhau. [26]

Nghiên cứu của He et al. 2021 [27] cho thấy di truyền của các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt: Người Việt (Kinh) các vùng, Mường, Tày, Thái, Dao, Cờ Lao, Gelao, Maonan, Dai, Bố Y có gen rất gần nhau, người Hán Quảng Đông, Phúc Kiến cũng gần với gen của các dân tộc có nguồn gốc độc lập hiện vẫn chưa bị đồng hóa. Màu xanh dương trong nghiên cứu này đại diện cho gen chung của 3 hệ ngữ: Nam Á, Tai-Kadai, Hmong-Mien, chiếm phần lớn trong di truyền của các dân tộc thuộc 3 hệ ngữ này, cũng như người Hán tại các vùng.

Nghiên cứu của He et al. 2021 cho thấy gen các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt rất gần nhau. [27]

5. Sự thay đổi di truyền của văn hóa Đông Sơn có phải là một chiều?

Sự thay đổi di truyền từ văn hóa Phùng Nguyên tới văn hóa Đông Sơn đã làm cơ sở cho sự suy diễn rằng người Việt tại văn hóa Đông Sơn đã tiếp nhận di truyền một chiều từ dòng di cư về Việt Nam của người Tai-Kadai, nên gen mới gần người Tai-Kadai và có khoảng cách với người Nam Á. Nhưng câu chuyện có đơn giản như vậy không? Câu trả lời là không. Bởi thứ nhất, không có cuộc di cư lớn nào của Tai-Kadai vào Việt Nam trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn, họ cũng di cư về phía Nam, nhưng định cư chủ yếu ở vùng Quảng Tây, gắn liền với khái niệm Tây Âu trong các ghi chép lịch sử, hình thành ngôn ngữ tại đây, sau đó tới khoảng thế kỷ 8-10 mới bắt đầu di cư xuống Việt Nam và Đông Nam Á. Văn hóa Đông Sơn tại Việt Nam đã được chứng minh có ngôn ngữ Nam Á đóng vai trò chủ yếu.

Điều thứ hai, có một chi tiết rất quan trọng mà những người suy diễn dựa trên sự khác biệt này đã bỏ qua, đó là di truyền của người Tai-Kadai ban đầu không như hiện nay, mà gần với người Nam Đảo, ngôn ngữ của cư dân Nam Đảo và Tai-Kadai tách ra từ một gốc [28][29], vậy nên, nếu không hòa huyết với người Việt thuộc nhóm Nam Á, thì di truyền của họ sẽ gần với người Nam Đảo. Sự hòa huyết vì vậy là hai chiều, không đơn phương từ người Tai-Kadai sang người Việt nhóm Nam Á, nếu đơn phương từ Tai-Kadai sang Nam Á, thì gen của người Việt sẽ thay đổi theo hướng khác, và không thể có sự đồng nhất giữa gen của hai ngữ hệ.

Sự hòa huyết nội bộ cộng đồng tộc Việt đã dẫn tới hiện trạng di truyền của các cư dân có nguồn gốc tộc Việt rất gần nhau trong địa bàn cũ của cộng đồng này, bao gồm cả hai ngữ hệ ngữ là Nam Á và Tai-Kadai. Cũng chính vì vậy, mà trong gen của người Tai-Kadai có gen của người Nam Á, và ngược lại, trong gen của người Nam Á có gen của người Tai-Kadai, ngôn ngữ thì hai nhóm vẫn giữ nguyên lõi của mình, có sự giao thoa và thay đổi nhưng về cơ bản người Việt tại Việt Nam vẫn giữ lõi Nam Á và người Việt thuộc ngữ hệ Tai-Kadai vẫn giữ lõi có nguồn gốc gần với Nam Đảo.

IV. Kết luận:

Dựa trên các nghiên cứu di truyền, khảo cổ, nhân chủng, ngôn ngữ, lịch sử, chúng ta đã thấy được tiến trình phát triển liên tục từ văn hóa Phùng Nguyên tới văn hóa Đông Sơn, những người xây dựng nên văn hóa Phùng Nguyên cũng chính là những người xây dựng nên văn hóa Đông Sơn, văn hóa, ngôn ngữ của văn hóa Đông Sơn được kế thừa trực tiếp từ văn hóa Phùng Nguyên.

Không có bất cứ cơ sở nào cho thấy có một cuộc di cư của cư dân thuộc ngữ hệ Tai-Kadai vào miền Bắc Việt Nam để hình thành văn hóa Đông Sơn, mà họ chỉ dừng ở vùng Quảng Tây, hình thành ngôn ngữ tại đó trước khi di cư phân tán xuống vùng Đông Nam Á lục địa và Việt Nam vào khoảng thế kỷ 8-10. Vì vậy, các luận điểm suy diễn về di truyền của văn hóa Đông Sơn bắt nguồn từ sự di cư của cư dân ngữ hệ Tai-Kadai là không chính xác.

Sự hình thành di truyền của văn hóa Đông Sơn bắt nguồn từ sự hòa huyết trong nội bộ cộng đồng tộc Việt, sự hòa huyết này đã dẫn tới hiện trạng thống nhất trên diện rộng trong gen của các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt trong vùng nam Đông Á và Việt Nam, nó cũng là nguyên nhân khiến các hệ ngữ Nam Á (Việt, Mường) và hệ ngữ Tai-Kadai có gen gần nhau, mặc dù di truyền gốc của người Việt gần với cư dân ngữ hệ Nam Á ngày nay và người Tai-Kadai gần hơn với ngữ hệ Nam Đảo.

Lang Linh


Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1] Lang Linh (2020), Khảo cứu về nền văn hóa Đông Sơn.
https://luocsutocviet.com/2020/10/11/502-khao-cuu-ve-nen-van-hoa-dong-son/

[2] Lang Linh (2021), Bức tranh di truyền về nguồn gốc của người Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/08/19/550-buc-tranh-di-truyen-ve-nguon-goc-cua-nguoi-viet/

[3] Lang Linh (2021), Nguồn gốc và sự ảnh hưởng của văn minh Đông Sơn.
https://luocsutocviet.com/2021/07/03/543-nguon-goc-va-su-anh-huong-cua-van-minh-dong-son/

[4] Heine Gelder “Tôi đề nghị hiểu dưới thuật ngữ văn hóa Đông Sơn tất cả các văn hóa thời đại đồng thau đã biết ở Vân Nam, Đông Dương và Indonesia, dầu biết rằng những nghiên cứu tương lai có thể cho chúng ta nhận ra giữa những nhóm văn hóa đó những nhóm địa phương khác biệt, những trật tự và niên đại khác nhau.” (Heine Geldern 1937: 186)

Giáo sư Phạm Huy Thông (người đứng đầu Viện Khảo cổ học Việt Nam trong những năm 1967 – 1988) đã định nghĩa về văn hóa Đông Sơn như sau: “với vùng trung du sông Hồng là trung tâm, phía Nam tới tận xứ Quảng, phía Bắc không xa hồ Động Đình gồm Vân Nam và Lưỡng Quảng của Trung Hoa”. [Phạm Huy Thông, Phạm Minh Huyền, Lại Văn Tới. Dong Son Drums in Viet Nam. Ha Noi: Viet Nam Social Sciences Publishing House. 1990, page.272.]

[5] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

[6] Lipson M, Cheronet O, Mallick S, Rohland N, Oxenham M, Pietrusewsky M, Pryce TO, Willis A, Matsumura H, Buckley H, Domett K, Nguyen GH, Trinh HH, Kyaw AA, Win TT, Pradier B, Broomandkhoshbacht N, Candilio F, Changmai P, Fernandes D, Ferry M, Gamarra B, Harney E, Kampuansai J, Kutanan W, Michel M, Novak M, Oppenheimer J, Sirak K, Stewardson K, Zhang Z, Flegontov P, Pinhasi R, Reich D. Ancient genomes document multiple waves of migration in Southeast Asian prehistory. Science. 2018 Jul 6;361(6397):92-95. doi: 10.1126/science.aat3188. Epub 2018 May 17. PMID: 29773666; PMCID: PMC6476732.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/92

[7] David Reich. Who we are and how we got here: Ancient DNA and the new science of the human past. 2018: Oxford University Press.

[8] Zhang và cộng sự, 2020, A Matrilineal Genetic Perspective of Hanging Coffin Custom in Southern China and Northern Thailand
https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2589004220302169

[9] James R. Chamberlain, trích trong Chris Baker, From Yue To Tai, Journal of the Siam Society 90.1 & 2 (2002)

[10] Pittayaporn, Pittayawat. “Layers of Chinese Loanwords in Protosouthwestern Tai as Evidence for the Dating of the Spread of Southwestern Tai.” (2014).

[11] Lang Linh (2021), Lịch sử hình thành và tan rã của cộng đồng tộc Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/10/21/565-lich-su-hinh-thanh-va-tan-ra-cua-cong-dong-toc-viet/

[12] Lang Linh (2020), Bách Việt và cơ sở thống nhất của cộng đồng Bách Việt.
https://luocsutocviet.com/2020/02/24/478-bach-viet-va-co-so-thong-nhat-cua-cong-dong-bach-viet/

[13] Lang Linh (2021), Khảo sử về quốc gia Văn Lang và thời kỳ Hùng Vương.
https://luocsutocviet.com/2021/04/12/524-khao-su-ve-quoc-gia-van-lang-va-thoi-ky-hung-vuong/

[14] Duong, N.T., Macholdt, E., Ton, N.D. et al. Complete human mtDNA genome sequences from Vietnam and the phylogeography of Mainland Southeast Asia. Sci Rep 8, 11651 (2018). https://doi.org/10.1038/s41598-018-29989-0
https://www.nature.com/articles/s41598-018-29989-0

[15] Li, H., Huang, ., Mustavich, L.F. et al. Y chromosomes of prehistoric people along the Yangtze River. Hum Genet 122, 383–388 (2007). https://doi.org/10.1007/s00439-007-0407-2

[16] Hirofumi Matsumura, Hsiao-chun Hung, Charles Higham, et al. (2019). Craniometrics Reveal “Two Layers” of Prehistoric Human Dispersal in Eastern Eurasia. Scientific reports;9(1):1451.

[17] Mark Alves, Dữ liệu liên ngành: chi Vietic kết nối với văn hóa Đông Sơn
https://www.researchgate.net/publication/333662024_Du_lieu_lien_nganh_chi_Vietic_ket_noi_voi_van_hoa_Dong_Son

[18] Ferlus, Michel. (2009). A layer of Dongsonian vocabulary in Vietnamese.
https://halshs.archives-ouvertes.fr/halshs-00932218v3/document

[19] Trần Trí Dõi, Ngôn ngữ của cư dân văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, TC Ngôn ngữ, số 8+9 (363+364)/2019, tr 66-82. ISSN:0866-7519

[20] Lê Xuân Diệm, Các giai đoạn phát triển văn hóa thời Hùng Vương. Kỷ yếu của hội nghị nghiên cứu thời kỳ hùng vương lần thứ 4 (Hùng vương dựng nước Tập IV). 1974.

[21] Trịnh Sinh, Hà Nguyên Điểm. Kiểu dáng đồ đựng bằng gốm: Từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn. Tạp chí Khảo cổ học, số 2, 1977.

[22] Nguyen Ba Phach, 1978, “Phung Nguyen”
https://www.jstor.org/stable/42929153

[23] Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam – Từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2003.

[24] Hán Văn Khẩn, Văn hóa Phùng Nguyên. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia, 2005.

[25] Hà Văn Tấn. Theo dấu các văn hoá cổ: Từ gốm Phùng Nguyên đến trống đồng. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1997, 851 trang.

[26] Huang, X., Xia, Z., Bin, X., He, G., Guo, J., Lin, C., Yin, L., Zhao, J., Ma, Z., Ma, F., Li, Y., Hu, R., Wei, L., & Wang, C. (2020). Genomic Insights into the Demographic History of Southern Chinese. bioRxiv.

[27] He G, Wang M, Zou X, Chen P, Wang Z, Liu Y, Yao H, Wei L-H, Tang R, Wang C-C and Yeh H-Y (2021) Peopling History of the Tibetan Plateau and Multiple Waves of Admixture of Tibetans Inferred From Both Ancient and Modern Genome-Wide Data. Front. Genet. 12:725243. doi: 10.3389/fgene.2021.725243

[28] Sagart, Laurent. (2005). Tai-Kadai as a subgroup of Austronesian, Imprint Routledge.

[29] Sagart, Laurent. (2004). The Higher Phylogeny of Austronesian and the Position of Tai-Kadai. Oceanic Linguistics. 43. 411-444. 10.1353/ol.2005.0012.

1 bình luận về “581. ☀ Nguồn gốc ngôn ngữ và di truyền của văn hóa Đông Sơn

  1. Tình cờ biết đến website này mấy hôm nay, và rất thích khi đọc bài này. Liên tưởng đến tác giả mà mình cũng rất mến mộ – Tạ Đức. Cám ơn bác đã giúp giải tỏa một khúc mắc bấy lâu nay về sự khác biệt di truyền giữa 2 vvăn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn, mặt khác Đông Sơn vẫn co thể được xem như kế thừa, tiếp diễn của Phùng Nguyên. Tiuy nhiên, sự sụt giảm dân số Phùng Nguyên và khả nẳn Phùng Nguyên và Ngô Thành có lẽ có sự tương đồng di truyền, hai điều này tôi nghĩ chưa đủ để nói có một dòng người người Phùng Nguyên “bắc tiến”, làm nên văn hóa Ngô Thành. Chúc vui. LNK

    Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.