588. ☀ Tìm hiểu về điệu vũ trên trống đồng Đông Sơn

Điệu vũ trên trống đồng là gì, và hình ảnh trong thực tế là như thế nào? Đây là một câu hỏi mà chắc chắn tất cả người Việt quan tâm tới nguồn gốc dân tộc đều muốn biết. Chúng tôi đã thử tìm hiểu trong các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt, thì hầu như không thấy dân tộc nào còn giữ được hình ảnh điệu vũ tương tự như trên trống đồng, nhưng mở rộng tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy người Jingpo tại Vân Nam hiện vẫn giữ được điệu vũ 目瑙纵歌 (có nghĩa là cùng nhau nhảy múa), với trang phục, hóa trang rất tương đồng với điệu vũ trên trống đồng Đông Sơn.

Người Jingpo thuộc hệ ngữ Hán-Tạng, khác với các hệ ngữ chính của tộc Việt là Nam Á và Tai-Kadai. Tuy nhiên, thì họ có thể chịu ảnh hưởng của văn hóa tộc Việt trong thời cổ đại, và vẫn giữ văn hóa này cho tới ngày nay, sự ảnh hưởng chéo về mặt văn hóa là một hiện tượng bình thường trong thời kỳ cổ đại, không hiếm chuyện dân tộc này chịu ảnh hưởng văn hóa của một dân tộc khác, nó không nhất thiết thể hiện một cách chính xác nguồn gốc của một dân tộc.

Các điệu vũ trên trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ. [1]

Quan sát kỹ hoa văn trên trống đồng Hoàng Hạ, chúng ta thấy đằng sau một vật rất giống với đầu của một loài vật nào đó, nhiều khả năng, đây là đầu của một loài chim.

Chiếc mũ dáng giống như đầu chim trong hoa văn trên trống đồng Hoàng Hạ. [1]

So sánh với văn hóa của người Jingpo, thì trong dịp lễ, họ vẫn mặc trang phục áo xẻ tà, rất đặc biệt, đó là trên đầu họ có đội mũ lông chim và đầu của loài chim Phượng Hoàng đất. Những hình ảnh này rất tương đồng với văn hóa Đông Sơn.

Người Jingpo với mũ lông chim, đầu chim Hồng Hoàng và áo xẻ tà như trên trống đồng Đông Sơn.

Mũ lông chim, chim Hồng Hoàng, áo xẻ tà cùng với hoa văn rất tương đồng với văn hóa Đông Sơn của người Jingpo.

Trong thực tế, thì chim Hồng Hoàng là cảm hứng trực tiếp hình thành nên hình tượng chim Tiên của văn hóa Đông Sơn, với thân dài, mỏ dài và đuôi có hình dáng tương đồng.

Chim Hồng Hoàng và chim Tiên trên trống đồng Đông Sơn. [2]

Khi quan sát thêm về hoa văn trên trống đồng, chúng tôi nhận thấy có một số nhân vật trên trống cầm một hiện vật có dáng thuôn dài, nó nhiều khả năng, là một dạng kiếm ngắn hay dao găm, dạng dao găm được tìm thấy rất nhiều trong văn hóa Đông Sơn, gần như là một đặc trưng riêng biệt của văn hóa tộc Việt.

Hình ảnh thủ lĩnh văn hóa Đông Sơn cầm một hiện vật giống dao hoặc kiếm và hình ảnh tương đồng của người Jingpo. [1]

Các dạng dao găm trên trống đồng Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng Barbier-Mueller]

Hình ảnh thủ lĩnh cầm chiếc lao trong điệu vũ của văn hóa Đông Sơn cũng là hình ảnh xuất hiện trong buổi lễ của người Jingpo, cũng với dạng trang trí tương đồng.

Thủ lĩnh cầm lao trên trống đồng Đông Sơn [1] và của người Jingpo.

Trong hoạt động tế lễ, thì người Việt có thể đeo những chiếc bao tay, bao chân có gắn cùng chuông như thế này, để tạo nên âm thanh trong quá trình thực hiện vũ điệu.

Bao chân có hoa văn âm dương, được gắn thêm nhiều chuông nhỏ của văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng Barbier-Mueller.]

Điệu vũ của người Jingpo được thực hiện theo sơ đồ dưới, đây chính là biểu hiện của văn hóa âm dương tương tự như trên trống đồng và các đồ đồng của văn hóa Đông Sơn. Rất có thể, điệu vũ trên trống đồng cũng sẽ diễn ra theo hướng tương tự như của người Jingpo, với sự điều hành của các vị thầy cúng dẫn đầu và sự tham gia của cả các cư dân.

Hướng diễu hành trong điệu vũ của người Jingpo. [3]

Video dưới đây sẽ thể hiện rõ hơn thực tế về điệu vũ của người Jingpo, điệu nhảy cũng khá tương đồng với dáng người trên trống đồng Đông Sơn.

Lang Linh
Minh họa: Tuyệt Duyệt.

Trích dẫn từ bài viết: 580. Khảo cứu về trống đồng và hoa văn trống đồng Đông Sơn.


Tài liệu tham khảo:

[1] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.

[2] Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam – Từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2003.

[3] Hu J. (2020) Origin of Humanity: Images on Prehistoric Colored Pottery and Chinese Spirituality. In: Big Tradition and Chinese Mythological Studies. Springer, Singapore. https://doi.org/10.1007/978-981-15-4634-1_7

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.