595. ☀ Những vấn đề trong nghiên cứu của Vinmec về nguồn gốc người Việt

Nghiên cứu của Vinmec (Le et al., 2019) là một nghiên cứu có sức ảnh hưởng rất lớn, có thể nói là lớn nhất trong các nghiên cứu di truyền về nguồn gốc người Việt, nghiên cứu này đã đề xuất những nhận thức quan trọng về nguồn gốc dân tộc, như người Việt gần gen nhất với người Thái, gen người Việt độc lập với gen người Hán.

Nghiên cứu có phần nào đó chính xác khi xác định sự gần gũi di truyền giữa người Việt và người Thái, hay phần nào đó là việc người Việt không pha trộn nhiều gen với người Hán, nhưng nó đồng thời cũng tồn tại những vấn đề khá lớn khi xác định về nguồn gốc dân tộc.

1. Nghiên cứu cho rằng người Đông Nam Á có nguồn gốc từ châu Phi:

Nghiên cứu tuyên bố như sau về việc người Đông Á gần gen hơn với quần thể châu Phi (YRI) và châu Âu (CEU) hơn là quần thể Đông Á (EA).

Nguyên văn: “The tree structures show that SEA populations are closer to the YRI and CEU than EA populations. The positions of Asian populations in the tree agree with the South‐to‐North ordering of their geographical locations. The results from both phylogenetic tree reconstruction and PCA support the hypothesis that a population migration from Africa entered Asia along a South‐to‐ North route (Abdulla et al., 2009; Chu et al., 1998).”

Tạm dịch: “Các cấu trúc cây cho thấy các quần thể SEA gần với YRI và CEU hơn so với các quần thể EA. Vị trí của các quần thể châu Á trên cây phù hợp với thứ tự vị trí địa lý từ Nam đến Bắc của chúng. Kết quả của cả quá trình tái tạo cây phát sinh loài và PCA ủng hộ giả thuyết rằng một cuộc di cư dân số từ châu Phi vào châu Á theo tuyến đường từ Nam đến Bắc (Abdulla và cộng sự, 2009; Chu và cộng sự, 1998).”

Qua đoạn trích này, có thể hiểu nghiên cứu tuyên bố rằng người Việt và người Đông Nam Á có gen gần với châu Phi hơn và độc lập với gen Đông Á, nó cũng có nghĩa, là người Việt và người Đông Nam Á phát triển trực tiếp từ những người da đen rời khỏi châu Phi lên thành người Việt. Sự phát triển này hoàn toàn độc lập, không có sự hòa huyết với các nhóm dân cư khác để hình thành nhân chủng ngày nay.

Tuyên bố này có thể nói là phi khoa học, bởi không có bất cứ dân tộc nào phát triển độc lập mà không hòa huyết với các dân tộc khác trong suốt hàng chục nghìn năm phát triển, đơn cử như ở vùng Đông Nam Á, có vô số những sự di cư, hòa huyết đan xen lẫn nhau trong khoảng 2000-3000 năm gần đây.

Các nghiên cứu cũng xác định về những dòng di cư từ phía Bắc của cư dân Đông Nam Á, vốn đúng là có nguồn gốc từ châu Phi, cư dân Đông Nam Á di cư lên vùng nam và bắc Trung Quốc ngày nay, thậm chí còn đi xa hơn thế (Peng et al., 2011; Shi et al., 2013; Zhong et al., 2010).

Hình 1: Một ví dụ về sự di cư của cư dân Đông Nam Á: các tuyến đường di cư của haplogroup C (Zhong et al., 2010).

Vậy nên, người Đông Nam Á không ở yên một chỗ trong hàng chục nghìn năm, mà họ cũng di cư lên phía Bắc để hòa huyết với các sắc dân phía Bắc (không phải người Trung Quốc), sau đó mới di cư về Đông Nam Á vào khoảng 4000 năm trước. Đây mới là nguồn gốc chính của người Việt và người Đông Nam Á, không phải những người ở lại sau những cuộc di cư lên phía Bắc của cư dân Đông Nam Á.

2. Người Việt không có nguồn gốc từ Đông Á:

Nghiên cứu cũng cho rằng người Việt không có nguồn gốc từ Đông Á, phân tích F3 không phát hiện ra dòng gen nào đáng kể từ quần thể Đông Á tới KHV (Việt-Kinh).

Nguyên văn: “The KHV and all other SEA populations originated mainly from the SEA ancestry, and partly from the EA and CEU ancestries (the MY population had more CEU ancestral origin than other SEA populations).”

Tạm dịch: “KHV và tất cả các quần thể SEA khác có nguồn gốc chủ yếu từ tổ tiên SEA, và một phần từ tổ tiên EA và CEU (dân số MY có nguồn gốc tổ tiên CEU nhiều hơn các quần thể SEA khác).”

Nguyên văn: “The F3 statistic tests did not reveal any significant gene flow from Asian populations to the KHV population.”

Tạm dịch: “Các bài kiểm tra thống kê F3 không cho thấy bất kỳ dòng gen đáng kể nào từ quần thể châu Á sang quần thể KHV.”

Nghiên cứu cũng dẫn các bài của McColl et al., 2018 và Lipson et al., 2018 về thông tin luồng di cư của các nông dân Đông Á diễn ra vào khoảng 4000 năm trước về Đông Nam Á, ảnh hưởng tới di truyền của vùng Đông Nam Á, nhưng trong nghiên cứu lại đưa ra các thông tin đối nghịch với các nghiên cứu này.

Hình 2: Các dòng di cư vùng Đông Á theo các nghiên cứu di truyền. (Theo: David Reich. Who we are and how we got here: Ancient DNA and the new science of the human past. 2018: Oxford University Press.)

Các nghiên cứu của McColl (2018) và Lipson (2018) xác định về dòng di cư về Đông Nam Á của những người nông dân Đông Á, hình thành các văn hóa cuối thời kỳ đồ đá mới, thời kỳ đồ đồng ở Việt Nam (Phùng Nguyên), Thái Lan (Ban Chiang), Campuchia (Vat Komnou). Các nghiên cứu cho thấy di truyền của các văn hóa tại Đông Nam Á lục địa gần nhất với những người nói ngôn ngữ Nam Á (Austroasiatic) là Mlabri và Campuchia.

Hình 3: Phân tích thành phần chính cho thấy mẫu Mán Bạc của văn hóa Phùng Nguyên gần nhất với người Mlabri và người Campuchia (Lipson et al., 2018).

Ở Việt Nam, những người nông dân Nam Á đã hình thành văn hóa Phùng Nguyên, một văn hóa có đặc trưng đồ ngọc, đồ đá và đồ gốm, với sự xuất hiện của kỹ thuật luyện đồng, trong di chỉ Mán Bạc của văn hóa này, các nhà nghiên cứu cũng đã tìm thấy sự chung sống giữa những người Nam Á và những người bản địa da đen thời kỳ đó, hình dưới là hai hộp sọ của hai nhóm dân cư khác nhau: một là những người nông dân Nam Á, và một là những người da đen bản địa, chỉ số sọ của một bộ phận dân cư tại Mán Bạc gần nhất với nhóm Australo-Papuan săn bắt hái lượm da đen ở Đông Nam Á.

Hình 4: Hai mẫu hộp sọ của người Nam Á và nhóm Australo-Papuan tại di chỉ Mán Bạc (Matsumura & Oxenham, 2013).

Hình 5: Phép đo chỉ số sọ cho thấy hai mẫu của Mán Bạc có nguồn gốc khác nhau (Matsumura el al., 2019).

Các nghiên cứu của McColl et al., 2018 và Lipson et al., 2018 dựa trên các bộ gen cổ được thu thập trên khắp Đông Nam Á, kết hợp so sánh với các bộ gen hiện đại, nên đem lại kết quả đáng tin cậy hơn nhiều so với Le et al., 2019.

Nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam kết hợp với các nhà nghiên cứu Đức, Pháp (Liu et al., 2020) cũng đưa ra một kết quả tương tự, rằng người Việt có nguồn gốc chính từ Đông Á. Nghiên cứu này xuất bản sau Le et al., 2019, nên đã nhận khá nhiều chỉ trích của giới chuyên môn, bởi những thông tin rất mới và khác biệt mà nghiên cứu đã đưa ra. Liu et al., 2020 đã phản biện những thông tin từ Le et al., 2019.

Nguyên văn: “By incorporating ancient samples from SEA and China, we have shown that the AA ancestry rose in the Neolithic period, followed by an increase of AN, HM/TK, or ST ancestry (according to the region) in later periods. This population turnover from the Neolithic to later periods, with additional Chinese-related ancestry, is consistent with the archeological and linguistic studies, but contradicts a previous study, based on much more limited sampling, that claimed a largely indigenous origin for Vietnamese groups (Le et al. 2019).”

Tạm dịch: “Bằng cách kết hợp các mẫu cổ từ SEA và Trung Quốc, chúng tôi đã chỉ ra rằng tổ tiên AA đã tăng lên trong thời kỳ đồ đá mới, tiếp theo là sự gia tăng của tổ tiên AN, HM / TK hoặc ST (theo khu vực) trong các thời kỳ sau đó. Sự luân chuyển dân số này từ thời kỳ đồ đá mới sang các thời kỳ sau, với sự bổ sung nguồn gốc có liên quan đến người Trung Quốc, phù hợp với các nghiên cứu khảo cổ học và ngôn ngữ học, nhưng mâu thuẫn với một nghiên cứu trước đó, dựa trên việc lấy mẫu hạn chế hơn, cho rằng phần lớn nguồn gốc bản địa của các nhóm Việt Nam (Le et al. 2019).”

Nghiên cứu này cũng giống với các nghiên cứu của Lipson et al., 2018 và McColl et al., 2018 về dòng di cư đầu tiên về Việt Nam và Đông Nam Á là của những người nói ngôn ngữ Nam Á, giai đoạn sau là các dòng di cư khác của các hệ ngữ Nam Đảo, Hmong-Mien, Tai-Kadai và Hán-Tạng. Nghiên cứu đã chỉ ra sự mâu thuẫn với nghiên cứu của Le et al., 2019, nghiên cứu của Le et al., 2019 được thực hiện với một lượng mẫu hạn chế hơn nhiều và quan trọng nhất là không có mẫu cổ.

Tất cả các nghiên cứu di truyền khác trước và sau nghiên cứu của Le et al., 2019 đều xác định người Việt có nguồn gốc từ Đông Á, cụ thể hơn là những người nông dân nói ngôn ngữ Nam Á vùng Dương Tử di cư về trong thời gian khoảng 4000 năm trước. Nguồn gốc của người Việt vì vậy không phải là từ những người “bản địa” Đông Nam Á thời kỳ đó, nếu người Việt có nguồn gốc bản địa phát triển lên thành người Việt ngày nay, chúng ta sẽ có làn da đen như người châu Phi, không phải làn da sáng như hiện tại.

3. Vấn đề người Việt và người Thái:

Như phần đầu bài viết chúng tôi đã chỉ ra, thì việc gen người Việt và người Thái gần nhau là một sự thật, nhưng trong nghiên cứu này của Vinmec, việc nhấn mạnh vào sự tương đồng di truyền của người Việt và người Thái (ví dụ: “We found that the KHV and TAI populations had similar ancestral population structures.”; “The KHV and TAI populations are considerably overlapped and separated from other populations.”), nó vô tình đã dẫn tới một số suy diễn về nguồn gốc dân tộc, theo đó, có một bộ phận cho rằng người Việt là người Thái chuyển ngữ, vì vậy nên mới có di truyền gần người Thái như vậy, hay người Việt gốc là người da đen, phải hòa huyết với người Thái mới có làn da sáng.

Nhưng thực tế, những suy diễn đó không chính xác, văn hóa Phùng Nguyên đã được xác định là do những người Nam Á làm chủ (Lipson et al., 2018), văn hóa Đông Sơn cũng đã được chứng minh có ngôn ngữ chính là ngôn ngữ Nam Á, ngữ chi Vietic (Alves, 2018, 2022; Ferlus, 2009). Sự tương đồng di truyền của người Việt và người Thái cần phải được giải thích theo một hướng khác.

Về mặt ngôn ngữ, ngữ hệ Tai-Kadai được xác định hoặc là một ngôn ngữ chị em của ngữ hệ Nam Đảo (Benedict, 1942, 1975), hoặc là một tập con của ngữ hệ này (Ostapirat, 2000; Sagart, 2005). Sagart (2008) đã đề xuất rằng ngữ hệ Tai-Kadai có nguồn gốc từ nhánh Puluqic phía Nam của thổ dân Đài Loan, xâm nhập ngược vào vùng đồng bằng và đồng hóa dân bản địa có khả năng nói ngôn ngữ Nam Á.

Giả thuyết này có cơ sở, khi nhìn vào di truyền của các dân tộc thuộc hệ ngữ Tai-Kadai. Nghiên cứu di truyền theo dòng cha đã cho thấy phần lớn các dân tộc thuộc hệ ngữ Tai-Kadai có haplogroup O2a-M95 chiếm đa số (Li et al., 2008), đây vốn là một haplogroup đặc trưng của ngữ hệ Nam Á. Một số dân tộc khác, lại có tỉ lệ O1a (đặc trưng của ngữ hệ Nam Đảo) chiếm đa số (Li et al., 2008). Hiện trạng đối nghịch này cho thấy cơ sở trong giả thuyết của Sagart, những người Nam Đảo mang đặc trưng haplogroup O1a đã đồng hóa những người bản địa có haplogroup O2a chiếm đa số.

Bảng phân tích thành phần di truyền các dân tộc Tai-Kadai Trung Quốc, theo (Li et al., 2008):

Dân tộcĐịa phươngO2a (M95)+O2a1O1a (M119)+O1a2Đa số
YerongQuảng Tây62.5% + 6.3% O2a
QauQuý Châu15.4% O2a
Blue GelaoQuảng Tây16.7%60%O1a
LachiVân Nam10%6.7%O2a ~ O1a
MollaoQuý Châu63.3%3.3% + 3.3%O2a
Red GelaoQuý Châu16.1%22.6%O2a ~ O1a
White GelaoVân Nam42.9%14.3%O2a
Hlai-QiHải Nam32.4%29.4%O2a ~ O1a
JiamaoHải Nam22.2%51.9%O1a
BuyangVân Nam71.9%3.1%O2a
CunHải Nam 38.7%O1a
LaquaVân Nam60%4%O2a
Mao-CaolanQuảng Tây20%3.3%O2a
Zhuang-NQuảng Tây72.7%+ 4.6%O2a
Zhuang-SQuảng Tây60% + 6.7%20%O2a
LingaoHải Nam13.3%26.7%O1a
EQuảng Tây54.8%6.5%O2a
LakaQuý Châu8.7% O2a
Kam/DongQuảng Tây39.5% O2a
SuiQuảng Tây44%18%O2a
Mak & AiChamQuý Châu87.5% O2a
MulamQuảng Tây30%5% + 25%O2a ~ O1a
MaonanQuảng Tây56.3% O2a
BiaoQuảng Đông17.7%14.7%O2a ~ O1a
ThenQuý Châu50%33.3%O2a
DangaHải Nam17.5%7.5%O2a
DornQdayc-SThượng Hải8.3%39.6% + 12.5%O1a
DornQdayc-NThượng Hải2%29.4%O1a
CaoMiaoQuảng Tây3%10%O1a

Do vậy, có nhiều khả năng, những người nói ngôn ngữ Tai-Kadai phần lớn đều là các dân tộc từng nói ngôn ngữ Nam Á giống như người Việt ngày nay, nhưng đã bị đồng hóa và chuyển hóa ngôn ngữ dưới sự xâm lược của những thổ dân Nam Đảo từ Đài Loan vào vùng lục địa. Sự tương đồng về gen của người Việt do đó không thể suy diễn theo hướng cho rằng người Việt là người Thái chuyển ngữ, mà ngược lại mới chính xác.

4. Kết luận:

Nghiên cứu của Vinmec đã có những tác động lớn, nhưng như chúng tôi đã chỉ ra, nghiên cứu này tồn tại những vấn đề không nhỏ, không chính xác với các nghiên cứu liên ngành, không đảm bảo được tính khách quan và khoa học. Chúng tôi hy vọng rằng, trong tương lai, các nghiên cứu mới về di truyền người Việt sẽ được xây dựng trên tinh thần thực sự khách quan, trung thực, để đem lại những hiểu biết chính xác nhất về nguồn gốc của người Việt.

Lang Linh


Tài liệu tham khảo:

Alves, Mark. (2022). The Ðông Sơn Speech Community: Evidence for Vietic. Crossroads. 19. 10.1163/26662523-bja10002.
https://www.researchgate.net/publication/359637349_The_Dong_Son_Speech_Community_Evidence_for_Vietic

Alves, Mark. (2019). Data from Multiple Disciplines Connecting Vietic with the Dong Son Culture. 10.13140/RG.2.2.32110.05446.
https://www.researchgate.net/publication/333720204_Data_from_Multiple_Disciplines_Connecting_Vietic_with_the_Dong_Son_Culture/

Benedict, P. K. (1942). Thai, Kadai and Indonesian: A new alignment in Southeastern Asia. American Anthropologist, 44, 576–601.

Benedict, P. K. (1975). Austro-Thai: Language and culture. HRAF Press.

Ferlus, Michel. (2009). A layer of Dongsonian vocabulary in Vietnamese. 
https://www.researchgate.net/publication/281983167_A_layer_of_Dongsonian_vocabulary_in_Vietnamese/

Le, V. S., Tran, K. T., Bui, H., Le, H., Nguyen, C. D., Do, D. H., Ly, H., Pham, L., Dao, L., & Nguyen, L. T. (2019). A Vietnamese human genetic variation database. Human mutation40(10), 1664–1675. https://doi.org/10.1002/humu.23835

Li, H., Wen, B., Chen, S.-J., Su, B., Pramoonjago, P., Liu, Y., Pan, S., Qin, Z., Liu, W., Cheng, X., Yang, N., Li, X., Tran, D., Lu, D., Hsu, M.-T., Deka, R., Marzuki, S., Tan, C.-C., & Jin, L. (2008). Paternal genetic affinity between western Austronesians and Daic populations. BMC Evolutionary Biology, 8(1), 146. https://doi.org/10.1186/1471-2148-8-146

Lipson, M., Cheronet, O., Mallick, S., Rohland, N., Oxenham, M., Pietrusewsky, M., Pryce, T. O., Willis, A., Matsumura, H., Buckley, H., Domett, K., Nguyen, G. H., Trinh, H. H., Kyaw, A. A., Win, T. T., Pradier, B., Broomandkhoshbacht, N., Candilio, F., Changmai, P., … Reich, D. (2018). Ancient genomes document multiple waves of migration in Southeast Asian prehistory. Science (New York, N.Y.), 361(6397), 92–95. https://doi.org/10.1126/science.aat3188

Liu, D., Duong, N. T., Ton, N. D., Van Phong, N., Pakendorf, B., Van Hai, N., & Stoneking, M. (2020). Extensive Ethnolinguistic Diversity in Vietnam Reflects Multiple Sources of Genetic Diversity. Molecular Biology and Evolution, 37(9), 2503–2519. https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

Matsumura, H., & Oxenham, M. (2013). Population Dispersal from East Asia into Southeast Asia. In K. Pechenkina & M. Oxenham (Eds.), Bioarchaeology of East Asia (pp. 179–209). University Press of Florida. https://doi.org/10.5744/florida/9780813044279.003.0008

Matsumura, H., Hung, H., Higham, C., Zhang, C., Yamagata, M., Nguyen, L. C., Li, Z., Fan, X., Simanjuntak, T., Oktaviana, A. A., He, J., Chen, C., Pan, C., He, G., Sun, G., Huang, W., Li, X., Wei, X., Domett, K., … Reinecke, A. (2019). Craniometrics Reveal “Two Layers” of Prehistoric Human Dispersal in Eastern Eurasia. Scientific Reports, 9(1), 1451. https://doi.org/10.1038/s41598-018-35426-z

McColl, H., Racimo, F., Vinner, L., Demeter, F., Gakuhari, T., Moreno-Mayar, J. V., van Driem, G., Gram Wilken, U., Seguin-Orlando, A., de la Fuente Castro, C., Wasef, S., Shoocongdej, R., Souksavatdy, V., Sayavongkhamdy, T., Saidin, M. M., Allentoft, M. E., Sato, T., Malaspinas, A.-S., Aghakhanian, F. A., … Willerslev, E. (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science, 361(6397), 88–92. https://doi.org/10.1126/science.aat3628

Ostapirat, W. (2000). Proto-Kra. Linguistics of the Tibeto-Burman Area, 23(1).

Peng, M.-S., Palanichamy, M. G., Yao, Y.-G., Mitra, B., Cheng, Y.-T., Zhao, M., Liu, J., Wang, H.-W., Pan, H., Wang, W.-Z., Zhang, A.-M., Zhang, W., Wang, D., Zou, Y., Yang, Y., Chaudhuri, T. K., Kong, Q.-P., & Zhang, Y.-P. (2011). Inland post-glacial dispersal in East Asia revealed by mitochondrial haplogroup M9a’b. BMC Biology, 9(1), 2. https://doi.org/10.1186/1741-7007-9-2

Sagart, L. (2005). Tai-Kadai as a subgroup of Austronesian. In R. Blench, A. Sanchez-Mazas, & L. Sagart (Eds.), The Peopling of East Asia. RoutledgeCurzon.

Sagart, L. (2008). The expansion of Setaria farmers in East Asia: A linguistic and archaeological model. In A. Sanchez-Mazas, R. Blench, M. D. Ross, I. Peiros, & M. Lin (Eds.), Past Human Migrations in East Asia: Matching Archaeology, Linguistics and Genetics (pp. 133–167). Routledge. https://doi.org/10.4324/9780203926789

Shi, H., Qi, X., Zhong, H., Peng, Y., Zhang, X., Ma, R. Z., & Su, B. (2013). Genetic Evidence of an East Asian Origin and Paleolithic Northward Migration of Y-chromosome Haplogroup N. PLoS ONE, 8(6), e66102. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0066102

Zhong, H., Shi, H., Qi, X.-B., Xiao, C.-J., Jin, L., Ma, R. Z., & Su, B. (2010). Global distribution of Y-chromosome haplogroup C reveals the prehistoric migration routes of African exodus and early settlement in East Asia. Journal of Human Genetics, 55(7), 428–435. https://doi.org/10.1038/jhg.2010.40

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.