536. ☀ Người Nam Á, người Nam Đảo và văn hóa Lương Chử

Văn hóa Lương Chử, nền văn hóa đồ ngọc nổi tiếng nhất Đông Á, và cũng là nền văn hóa đầu tiên xuất hiện một tổ chức nhà nước phát triển trong vùng Đông Á cổ đại. Hiện tại, một số nghiên cứu di truyền cho chúng ta thấy rằng gen của người Lương Chử đã được nghiên cứu có nhiều thành phần Haplogroup O1, có nhiều trong gen của người Nam Đảo và Tai-Kadai, tuy nhiên, số lượng mẫu gen được nghiên cứu chưa thực sự nhiều, bên cạnh đó cũng có một số vấn đề về chủ nhân thực sự của văn hóa Lương Chử mà chúng tôi sẽ trình bày với bạn đọc ở phần sau đây.

1. Nghiên cứu di truyền về cư dân văn hóa Lương Chử:

Nghiên cứu di truyền về gen của người Lương Chử đã được thực hiện cách đây 14 năm, vào 2007 bởi nhóm của Li H [1], cho thấy tần số Haplogroup O1 xuất hiện nhiều ở gen Lương Chử đã được phân tích, Haplogroup này có nhiều ở người Nam Đảo và người Tai-Kadai.

Đây là nghiên cứu di truyền duy nhất hiện có về gen của cư dân văn hóa Lương Chử, từ đó tới nay chưa có thêm nghiên cứu nào về gen của người Lương Chử nói riêng và các văn hóa trong vùng Dương Tử nói chung.

Có một số vấn đề về chủ nhân của văn hóa Lương Chử chúng tôi sẽ trình bày với bạn đọc ở phần sau đây, chúng ta sẽ thấy được sự bất hợp lý về vấn đề chủ nhân của văn hóa Lương Chử với các tài liệu di truyền học hiện có.

2. Chế độ mẫu hệ, phụ hệ và văn hóa Lương Chử:

Điều thứ nhất mà chúng tôi muốn đề cập tới, đó là người Nam Đảo theo chế độ mẫu hệ [2], kể từ thời nguyên thủy cho tới tận ngày nay, di truyền, văn hóa và ngôn ngữ của họ được truyền theo dòng mẹ, đây là yếu tố chủ chốt khiến chúng tôi đặt nghi vấn đề vấn đề chủ nhân của văn hóa Lương Chử, bởi văn hóa Lương Chử là văn hóa có nhà nước và có tổ chức xã hội theo chế độ phụ hệ, các một nhiều cổ vật nhất thường là mộ của các quý tộc nam. Vậy tại sao một tộc người theo chế độ mẫu hệ từ thời nguyên thủy và duy trì nó trong thời gian rất dài lại có thể xây dựng nên văn hóa Lương Chử với chế độ phụ hệ được? Điều này chắc chắn là bất hợp lý và không phù hợp với thực tế khảo cổ học.

Theo các nghiên cứu khảo cổ học [3][4], chúng ta thấy được văn hóa Lương Chử là văn hóa theo chế độ phụ hệ, với tổ chức xã hội phát triển, tài sản quý giá thường được chôn cùng với mộ nam, mộ nữ thường rất ít cổ vật và thường là các cổ vật không giá trị bằng của nam giới. Người Nam Đảo thì lối sống của họ được tổ chức theo chế độ mẫu hệ, chế độ sống quần cư, quần hôn, có những ngôi nhà chung cho thị tộc, con cái chỉ biết mẹ mà không biết cha, ngày nay chúng ta vẫn biết tới một trong những dân tộc theo chế độ mẫu hệ lớn nhất thế giới hiện tại là Minangkabau, sinh sống tại đảo Sumatra của Indonesia, thuộc hệ ngữ Nam Đảo. Lối sống mẫu hệ gắn bó rất chặt chẽ với người Nam Đảo, tới ngày nay chúng ta vẫn thấy được không ít các bộ lạc vẫn theo chế độ mẫu hệ.

Từ sự phân tích về chế độ xã hội này, chúng ta thấy được việc cho rằng một thị tộc mẫu hệ như cư dân Nam Đảo là chủ nhân chính của văn hóa Lương Chử là chưa thực sự phù hợp với thực tế khảo cổ học. Chắc chắn hiện trạng của thời kỳ này là sự đan xen của người Nam Á và người Nam Đảo, cũng như thành phần chính của tổ chức xã hội cũng không phải là người Nam Đảo.

3. Người Nam Đảo, người Nam Á và chủ nhân của văn hóa Lương Chử:

Chúng ta sẽ thử tìm hiểu xem người Nam Đảo có nguồn gốc từ đâu, tiến trình di cư và hòa nhập của họ với cư dân vùng Dương Tử như thế nào, có lẽ sẽ giúp chúng ta hình dung được vai trò của họ đối với văn hóa Lương Chử.

Theo nghiên cứu di truyền học [5][6], thì cư dân hệ ngữ Nam Đảo/Tai-Kadai có nguồn gốc từ vùng bắc Đông Á, di cư xuống vùng Dương Tử khoảng 4000 năm TCN, khi xuống vùng này, thì họ đã hòa hợp với cư dân thuộc hệ ngữ Nam Á là bản địa của vùng Dương Tử để hình thành cộng đồng tộc Việt, tuy nhiên tới khoảng 3000 năm TCN, thì người Nam Đảo tiếp tục di cư sang đảo Đài Loan, và di cư phân tán ra vùng Đông Nam Á hải đảo. Cư dân hệ ngữ Nam Đảo trong vùng Dương Tử di cư gần hết qua các giai đoạn này, chỉ còn cư dân Tai-Kadai là anh em ruột của họ ở lại phát triển cùng người Việt Nam Á trong một cộng đồng chung.

Theo các nghiên cứu ngôn ngữ học, thì ngôn ngữ của người Nam Đảo liên quan tới kê [7], trong khi đó văn hóa vùng Dương Tử trồng lúa nước là chủ yếu, chứng tỏ người Nam Đảo sau khi di cư xuống vùng Dương Tử đã học kỹ thuật trồng lúa nước của người Nam Á, cư dân hệ ngữ Tai-Kadai, anh em của người Nam Đảo cũng mượn từ vựng về lúa nước của hệ ngữ Nam Á. [8]

Từ những nghiên cứu trên, chúng ta thấy được rằng người Nam Đảo/Tai-Kadai có nguồn gốc từ vùng bắc Đông Á, di cư xuống vùng Dương Tử vào khoảng 4000 TCN, trước đó trong vùng Dương Tử đã có cư dân Nam Á bản địa sinh sống từ lâu đời, hai nhóm đã hòa hợp với nhau để hình thành tộc Việt, hình thành nhà nước trong vùng Dương Tử, trong nhà nước này, thì cư dân Nam Đảo/Tai-Kadai là một thành phần ít quan trọng hơn so với người Nam Á, do người Nam Á đã làm chủ kỹ thuật trồng lúa nước lâu đời, cũng như đã chuyển sang chế độ phụ hệ từ sớm, nên việc tổ chức của quốc gia trong thời kỳ này chắc chắn phụ thuộc vào người Nam Á. Người Nam Đảo sau đó tiếp tục di cư sang Đài Loan và xuống Đa Đảo, nên họ sinh sống trong cộng đồng chung với người Việt trong thời gian khá ngắn, là một thành phần dân cư của văn hóa Lương Chử, sau đó cư dân hệ ngữ này đã tách hẳn khỏi tộc Việt và di cư xuống vùng Đông Nam Á hải đảo, chính vì vậy không thể cho rằng người Nam Đảo là thành phần chính của văn hóa Lương Chử.

Nhìn xa hơn về khoảng 3000 năm sau thời Lương Chử, đó là thời văn hóa Đông Sơn, giai đoạn cuối cùng trong thời gian tồn tại của cộng đồng tộc Việt, thì trung tâm của người Việt cũng nằm trong vùng miền Bắc Việt Nam, có thành phần là cư dân Nam Á làm chủ vùng đồng bằng sông Hồng [9], các vua Hùng cũng thuộc hệ ngữ Nam Á lãnh đạo tộc Việt trong vùng này [10]. Đây cũng là một bằng chứng cho chúng ta thấy người Nam Á đóng vai trò cốt lõi xuyên suốt sự tồn tại và phát triển của cộng đồng tộc Việt.

4. Kết luận:

Chúng tôi viết bài viết này không nhằm giành quyền sở hữu văn hóa Lương Chử, văn hoá Lương Chử là di sản chung của tộc Việt, tuy nhiên các nghiên cứu cũ cho rằng người Nam Đảo là chủ nhân của văn hóa này với lượng mẫu nghiên cứu chưa đủ để kết luận, vì vậy chúng tôi cho rằng chúng ta cần tìm hiểu kỹ càng hơn để làm rõ thêm vấn đề, tránh những hiểu nhầm không đáng có. Dựa trên các bằng chứng chúng tôi dẫn ở trên, thì chúng ta thấy được chắc chắn người Nam Đảo/Tai-Kadai chiếm một vị trí ít quan trọng hơn so với người Nam Á trong việc phát triển và hình thành nên văn hóa Lương Chử.

Nhưng đây cũng chỉ là những bằng chứng gián tiếp, để thật sự chắc chắn, chúng ta cần chờ các nghiên cứu mới về di truyền học trong vùng Dương Tử để xác định những chủ nhân thật sự của văn hóa Lương Chử, với nhiều mẫu gen cần được nghiên cứu hơn, đặc biệt là gen của các ngôi mộ quý tộc, hoàng tộc. Hiện trạng của thời kỳ này tạm thời chúng ta có thể tạm xác định là sự đan xen của người Việt Nam Á và người Nam Đảo/Tai-Kadai, trong đó việc tổ chức nhà nước và văn minh là do người Nam Á làm chủ đạo. Văn hóa Lương Chử vì vậy không phải chỉ tồn tại thành phần cư dân Nam Đảo/Tai-Kadai như nghiên cứu di truyền học hiện có xác định.

Lang Linh


Tài liệu tham khảo:

[1] Li H, Huang Y, Mustavich LF, Zhang F, Tan JZ, Wang LE, Qian J, Gao MH, Jin L. Y chromosomes of prehistoric people along the Yangtze River. Hum Genet. 2007 Nov;122(3-4):383-8. doi: 10.1007/s00439-007-0407-2. Epub 2007 Jul 27. PMID: 17657509.

[2] Hage, Per & Marck, Jeffrey. (2003). Matrilineality and the Melanesian Origin of Polynesian Y Chromosomes. Current Anthropology – CURR ANTHROPOL. 44. 10.1086/379272.

[3] Maya Zhen 马亚振, Về nguồn gốc và sự lan truyền của câu chuyện Yu và Shun từ văn hóa Liangzhu 从良渚文化看虞舜故事的起源与传播
http://yushun.zj.cn/Article.asp?GuideID=603

[4] Chen Minghui 陈明辉, Trung Quốc và thế giới trong kỷ nguyên Lương Chử 良渚时代的中国与世界, xuất bản 2019, Nhà xuất bản Đại học Chiết Giang.

[5] Ko AM, Chen CY, Fu Q, et al. Early Austronesians: into and out of Taiwan. Am J Hum Genet. 2014;94(3):426-436. doi:10.1016/j.ajhg.2014.02.003

[6] Sun, Jin & Li, Yingxiang & Ma, Pengcheng & Yan, Shi & Cheng, Hui-Zhen & Fan, Zhi-Quan & Deng, Xiao-Hua & Ru, Kai & Wang, Chuan-Chao & Chen, Gang & Wei, Ryan. (2021). Shared paternal ancestry of Han, Tai-Kadai-speaking, and Austronesian-speaking populations as revealed by the high resolution phylogeny of O1a-M119 and distribution of its sub-lineages within China. American journal of physical anthropology. 174. 10.1002/ajpa.24240.
https://www.researchgate.net/publication/349144829_Shared_paternal_ancestry_of_Han_Tai-Kadai-speaking_and_Austronesian-speaking_populations_as_revealed_by_the_high_resolution_phylogeny_of_O1a-M119_and_distribution_of_its_sub-lineages_within_China

[7] Sagart, L., Hsu, T. F., Tsai, Y. C., Wu, C. C., Huang, L. T., Chen, Y. C., Chen, Y. F., Tseng, Y. C., Lin, H. Y., & Hsing, Y. C. (2018). A northern Chinese origin of Austronesian agriculture: new evidence on traditional Formosan cereals. Rice (New York, N.Y.), 11(1), 57. https://doi.org/10.1186/s12284-018-0247-9

[8] Pittayaporn, Pittayawat. “Layers of Chinese Loanwords in Protosouthwestern Tai as Evidence for the Dating of the Spread of Southwestern Tai.” (2014).

[9] Matsumura H, Hung HC, Higham C, Zhang C, Yamagata M, Nguyen LC, Li Z, Fan XC, Simanjuntak T, Oktaviana AA, He JN. Craniometrics reveal “two layers” of prehistoric human dispersal in eastern Eurasia (2019). Scientific reports. 9(1):1-2.
https://www.researchgate.net/publication/330875335_Craniometrics_Reveal_Two_Layers_of_Prehistoric_Human_Dispersal_in_Eastern_Eurasia

[10] Lang Linh, Khảo cứu về nền văn hóa Đông Sơn.
https://luocsutocviet.com/2020/10/11/502-khao-cuu-ve-nen-van-hoa-dong-son/

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.