528. ☀ Cư dân hệ ngữ Tai-Kadai trong dòng lịch sử tộc Việt

Cư dân hệ ngữ Tai-Kadai là cư dân có địa bàn sinh sống rất rộng trong vùng Đông Á và Đông Nam Á, là một thành phần của văn hóa tộc Việt, hay Bách Việt cổ, cùng với cư dân của hệ ngữ Nam Á. Việc khảo cứu và tìm hiểu toàn diện về vị trí và tiến trình phát triển của cư dân hệ ngữ này trong dòng lịch sử tộc Việt hiện chưa được thực hiện một cách cụ thể.

Bài viết ngắn này chúng tôi tiến hành để tìm hiểu một số vấn đề về nguồn gốc của cư dân thuộc hệ ngữ này, và vị trí cũng như tiến trình phát triển và di cư của họ trong cộng đồng tộc Việt, nhằm mục đích cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản nhất về cư dân Tai-Kadai và vị trí của họ trong lịch sử tộc Việt.

I. Nguồn gốc và sự di cư của cư dân hệ ngữ Tai-Kadai:

1. Nguồn gốc của hệ ngữ Tai-Kadai:

Về nguồn gốc, cư dân thuộc hệ ngữ Tai-Kadai có chung một nguồn gốc với các cư dân thuộc hệ ngữ Nam Đảo (Austronesian), vấn đề này đã được các nghiên cứu ngôn ngữ xác định. [1][2]

Theo nghiên cứu của Sun và cộng sự et al. 2021 [3], thì cư dân Tai-Kadai và cư dân Nam Đảo có chung một nguồn tổ tiên, di cư từ vùng bắc Đông Á xuống vùng Phúc Kiến vào khoảng 4000 năm TCN, hình thành văn hóa Tanshishan tại thời điểm khoảng 4000 – 3000 năm TCN. Tại di chỉ Tanshishan cũng là nơi tìm thấy dấu tích hạt kê cổ nhất ở phía Nam Trung Quốc, có niên đại vào khoảng 3500 năm TCN. [4]

Nghiên cứu của Ko et al. (2018) cũng cho thấy cư dân tiền Nam Đảo và Tai-Kadai có nguồn gốc từ vùng bắc Đông Á, bắt đầu di cư xuống phía Nam vào thời điểm 4000 năm TCN, thời điểm đó họ đang còn ở chế độ mẫu hệ. [5]

Người tiền Tai-Kadai và Nam Đảo có nguồn gốc chính là từ vùng bắc Đông Á, gắn liền với nông nghiệp trồng kê, từ vựng của cư dân thuộc hệ ngữ Nam Đảo liên quan tới kê [6], cư dân thuộc hệ ngữ Tai-Kadai mượn từ vựng về lúa nước của cư dân hệ ngữ Nam Á [7]. Người tiền Nam Đảo di cư xuống vùng phía Nam để hợp với người Nam Á bản địa để hình thành tộc Việt, sau đó nhóm Nam Đảo chuyên biển tách ra khỏi người Tai-Kadai di cư sang vùng Đài Loan hình thành văn hóa Dabenkeng, và di cư tản ra khắp vùng Đông Nam Á lục địa, [3], cư dân tiền hệ ngữ Tai-Kadai có đặc trưng sống ở vùng cao tiếp tục ở lại và phát triển trong một cộng đồng chung với người Việt Nam Á.

Như vậy thông qua các nghiên cứu di truyền và ngôn ngữ, chúng ta thấy được rằng người Tai-Kadai có cùng nguồn gốc với người Nam Đảo, họ bắt đầu tách khỏi nhau khoảng 4000-3000 năm TCN, khi người Nam Đảo di cư sang Đài Loan. Cư dân Nam Đảo phát triển độc lập và tách hẳn khỏi người Tai-Kadai từ đó, người Tai-Kadai vẫn tiếp tục phát triển trong một cộng đồng chung với người Việt nhóm Nam Á.

2. Sự di cư và phân tán của cư dân hệ ngữ Tai-Kadai:

Dựa vào nghiên cứu về hướng phân tán của mộ thuyền với hình thức táng treo của người Tai-Kadai, chúng ta sẽ thấy được một phần lịch sử di cư của người Tai-Kadai.

Hình thức táng treo và các di chỉ được phát hiện có hình thức táng treo. [8]

Theo nghiên cứu di truyền mới đây của Zhang và cộng sự et al. 2020 [8], nghiên cứu trên các mẫu DNA từ các ngôi mộ táng treo tại nam Đông Á (Phúc Kiến, Quảng Tây, Vân Nam) và tại miền Bắc Thái Lan, thì các mẫu gen cổ tương đồng với gen của cư dân thuộc hệ ngữ Tai-Kadai.

Cư dân Dai tại miền nam Đông Á vẫn lưu giữ tục táng treo này, nhiều dân tộc ngày nay thuộc các hệ ngữ Hmong-Mien, Nam Đảo, Nam Á và cả cư dân tại vùng Tứ Xuyên cũng thực hành tục táng treo, tuy nhiên có thể chỉ thông qua sự giao lưu và ảnh hưởng văn hóa.

Nguồn gốc của hệ ngữ Tai-Kadai thể hiện rõ ràng qua nghiên cứu này với sự phân tán từ nam Đông Á xuống phía Nam, xuất phát từ vùng Phúc Kiến vào khoảng 3600 năm cách ngày nay, sau đó di cư xuống Quảng Tây và xuất hiện tại vùng Vân Nam vào khoảng 2200 năm cách ngày nay, sau đó lan sang phía Bắc Thái Lan.

Bản đồ sự phân tán của hình thức táng treo theo di truyền và niên đại của mộ táng. [8]

Nghiên cứu của Chris Baker cũng đồng thuận với nguồn gốc và di cư của người Tai-Kadai trong nghiên cứu di truyền trên, [9] theo đó hệ ngữ Tai-Kadai được giả thuyết hình thành tại vùng Quảng Tây và miền Bắc Việt Nam ngày nay vào thời điểm năm 330 TCN, tách ra từ gốc Proto-Tai, sau đó di cư xuống vùng Đông Nam Á lục địa và đi vào miền Bắc Việt Nam (Chamberlain 1998b, 4-5). Thời điểm hình thành hệ ngữ Tai-Kadai phù hợp với niên đại xuất hiện của tục táng treo tại Quảng Tây vào thời điểm 2700 năm trước ngày nay.

Bản đồ các hướng di cư của hệ ngữ Tai-Kadai. [9]

Theo nghiên cứu ngôn ngữ học của Pittayawat Pittayaporn [10], một học giả Thái Lan, thì nhánh ngôn ngữ Tai-Kadai Tây Nam mới chỉ xuống vùng Đông Nam Á lục địa vào khoảng thế kỷ 8-10 sau công nguyên, trong đó bao gồm cả nhánh Tây Nam tại Tây Bắc Việt Nam. Nhánh trung tâm (Central Tai) vào Việt Nam khá muộn, trước đó vào thời Đông Sơn, đồng bằng sông Hồng theo các nghiên cứu ngôn ngữ học gắn liền với hệ ngữ Nam Á, chi Vietic [11][12].

Bản đồ phân bố hệ ngữ Tai-Kadai, phân loại bởi David B. Solnit. [Nguồn: Edmondson, J. and D. Solnit (eds.), Comparative Kadai: The Tai Branch]

Như vậy chúng ta đã thấy được một cách cơ bản sự hình thành và phân tán của cư dân hệ ngữ Tai-Kadai, họ phân tán từ vùng Phúc Kiến xuống Quảng Tây, tới thời điểm cộng đồng tộc Việt tan rã, thì hệ ngữ Tai-Kadai bắt đầu hình thành, phân tán ra phía Tây và xuống Đông Nam Á lục địa và vào Việt Nam trong khoảng thiên niên kỷ thứ nhất SCN.

II. Di truyền và vị trí của người Tai-Kadai trong dòng lịch sử tộc Việt:

1. Di truyền của các cư dân hệ ngữ Tai-Kadai và các dân tộc thuộc cộng đồng tộc Việt:

Các công trình nghiên cứu di truyền cũng cho chúng ta thấy được sự gần gũi về gen của các cư dân hệ ngữ Tai-Kadai với người Việt, người Mường và các dân tộc trong vùng nam Đông Á.

Công trình nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) năm 2019, đã cho thấy các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt như Việt (Kinh), Tày, Nùng, Mường, Thái, Dai, Hán Hoa Nam… có hệ gen gần nhau và khác biệt so với Hán Hoa Bắc. [13]

admix

Admixture của công trình nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) cho thấy sự gần gũi trong hệ gen của các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt như Việt, Mường, Tày, Thái, Nùng… [13]

Nghiên cứu gen của Zhang và cộng sự et al. 2019 [14] cho thấy người Việt (Kinh) có di truyền gần gũi với người Choang ở Quảng Tây, người Hán Quảng Đông và người Miêu tại vùng Quý Châu.

Nghiên cứu của Zhang và cộng sự et al. 2019 cho thấy gen người Việt (Kinh) gần với người Miêu Quý Châu, người Choang và người Hán Quảng Đông. [14]

Qua các nghiên cứu này, chúng ta có thể thấy được người Việt, người Mường (hệ ngữ Nam Á) và các dân tộc thuộc hệ ngữ Tai-Kadai có sự tương tác và hòa huyết với nhau trong một cộng đồng chung, nên di truyền về cơ bản là tương đồng với nhau. Di truyền của cư dân Tai-Kadai cũng có sự khác biệt đáng kể so với di truyền của người Nam Đảo, mặc dù hai nhóm hệ ngữ này tách ra từ cùng một gốc.

2. Cư dân Tai-Kadai và An Dương Vương trong lịch sử tộc Việt:

Cư dân thuộc hệ ngữ Tai-Kadai phát triển với người Việt Nam Á trong một cộng đồng chung, các nghiên cứu di truyền đã thể hiện điều đó, và các nghiên cứu khảo cổ chúng tôi dẫn ở phần sau cũng sẽ cho chúng ta thấy được đặc trưng văn hóa tộc Việt trong các vùng có sự phân bố của cư dân thuộc hệ ngữ Tai-Kadai.

Các cư dân hệ ngữ Tai-Kadai sinh sống trong cộng đồng tộc Việt, điều này đã được sử sách ghi chép rất rõ, địa bàn tộc Việt bao gồm cả các vùng sinh sống của người Tai-Kadai, lịch sử ghi chép họ dưới cái tên Tây Âu, hay Lạc Việt để chỉ chung người Việt trong vùng Việt Nam, Quảng Tây và Quý Châu.

Sách Thông Điển của Đỗ Hữu 杜佑 thời Đường (801), phần Châu quận chép: “自嶺而南,當唐、虞、三代為蠻夷之國,是百越之地” – “Từ dải núi Ngũ Lĩnh về phía nam, vào thời Đường – Ngu, Tam đại là nước của người Man Di, là đất của người Bách Việt .”. Sách này chú thêm: “或曰自交趾至於會稽七八千里,百越雜處,各有種姓.” – “Từ Giao Chỉ đến Cối Kê, bảy tám ngàn dặm, người Bách Việt xuất hiện khắp mọi nơi.”

Các vùng Quảng Tây, Quý Châu là các địa bàn chính của cư dân thuộc hệ ngữ Tai-Kadai, cư dân tại vùng Quảng Tây được gọi là Tây Âu. Các cư dân của hệ ngữ Tai-Kadai sinh sống dưới quốc gia của các vị vua Hùng như lịch sử đã ghi chép lại.

Thủy kinh chúquyển 37, Diệp Du hà (Bắc Ngụy – Lịch Đạo Nguyên soạn) dẫn Giao châu ngoại vực kí chép: “交趾昔未有郡縣之時,土地有雒田,其田從潮水上下,民墾食其田,因名為雒民,設雒王、雒侯,主諸郡縣。” – “Đất Giao Chỉ ngày xưa khi chưa đặt thành quận huyện, đất đai có ruộng Lạc, dân làm ăn ở ruộng ấy theo nước thủy triều lên xuống, nhân đó có tên là dân Lạc, đặt ra Lạc Vương – Lạc Hầu để làm chủ các quận huyện, huyện phần nhiều có chức Lạc tướng, Lạc tướng đeo ấn đồng thao xanh.” [15]

Giao Chỉ khi đó chưa có quận huyện, có nghĩa đây là Giao Chỉ bộ, hay Giao Chỉ được sử dụng để chỉ một vùng đất rộng lớn. Vùng đất rộng lớn này được quản lý và làm chủ bởi Lạc Vương, Lạc Vương ở đây cũng chính là Hùng Vương [16]. Các tài liệu lịch sử khác cũng có cách chép tương tự như Thủy Kinh chú, và có ghi rõ là Hùng Vương.

Cựu Đường thư, (Hậu Tấn – Lưu Hú soạn, 945 SCN), quyển 41, Chí 21, Địa lí 4, dẫn Nam Việt chí (Lưu Tống 420 – 479) chép: “交趾之地,最為膏腴。舊有君長曰雄王,其佐曰雄侯。後蜀王將兵三萬討雄王,滅之。蜀以其子為安陽王,治交趾。其國地,在今平道縣東。其城九重,周九里,士庶蕃阜。尉佗在番禺,遣兵攻之。王有神弩,一發殺越軍萬人,趙佗乃與之和,仍以其子始為質。安陽王以媚珠妻之,子始得弩毀之。越兵至,乃殺安陽王,兼其地。” – “Đất Giao Chỉ rất là màu mỡ, ngày xưa có quân trưởng gọi là Hùng Vương, phụ tá là Hùng Hầu. Sau có vua Thục đem ba vạn lính đánh diệt Hùng Vương đi. Vua Thục nhân đó cho con mình làm An Dương Vương, trị đất Giao Chỉ. Đất nước ấy ở phía đông huyện Bình Đạo ngày nay. Thành nước ấy có chín vòng, chu vi chín dặm, dân chúng đông đúc. Úy Đà đóng đô ở thành Phiên Ngu phát binh sang đánh.Vương có nỏ thần bắn một phát giết một vạn quân Việt. Triệu Đà bèn hòa với vương, rồi sai con mình tên là Thủy làm con tin. An Dương Vương đem con gái tên là Mị Châu gả cho Thủy, Thủy thấy được nỏ thần bèn hủy đi. Kịp khi quân Việt đến liền giết An Dương Vương, chiếm cả nước ấy.”  [15]

Trung tâm của đất Việt thời kỳ này nằm tại miền Bắc Việt Nam theo cả các tài liệu lịch sử và khảo cổ đã được chúng tôi dẫn và chứng minh tại các bài viết khác. [17][18]. Văn hoá Đông Sơn từ miền Bắc Việt Nam cũng ảnh hưởng trực tiếp tới các vùng tộc Việt tại nam Đông Á. Tại miền Bắc Việt Nam cũng là nơi sinh sống của cư dân Nam Á, có hậu duệ trực tiếp là người Việt và người Mường ngày nay, gen người Việt chỉ khác từ 5-10% so với gen thời Đông Sơn [13]. Các nghiên cứu ngôn ngữ, nhân chủng cũng đều chứng minh chủ nhân văn hoá Đông Sơn tại miền Bắc Việt Nam là cư dân thuộc hệ ngữ Nam Á. [11][12][19]

Các vua Hùng điều hành và trị vì đất nước chung của cộng đồng tộc Việt, được gọi là nước Văn Lang theo các tài liệu lịch sử của Việt Nam và Trung Quốc, cư dân thuộc hệ ngữ Tai-Kadai là một phần của quốc gia này. Tới khoảng thế kỷ 3 TCN, triều Hùng Vương suy yếu, Thục Phán, một thủ lĩnh thuộc hệ ngữ Tai-Kadai nhóm Tây Âu đã giành ngôi của vị vua Hùng cuối cùng, lên ngôi, lấy hiệu là An Dương Vương, lãnh đạo người Việt chống lại cuộc xâm lược của nhà Tần, tuy chiến đấu rất kiên cường nhưng người Việt cũng mất vùng Lưỡng Quảng về nhà Tần, sau đó An Dương Vương lùi về Việt Nam hình thành nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa, về chi tiết chúng tôi đã có sự khảo cứu trong một bài viết khác. [20]. Các bằng chứng khảo cổ cũng cho chúng ta thấy cuộc di cư về Việt Nam của An Dương Vương và một lượng nhất định cư dân tộc Việt thuộc hệ ngữ Tai-Kadai tại Quảng Tây, khi đó gọi là Tây Âu, vào miền Bắc Việt Nam.

Những chiếc trống đồng và ấm đồng có khắc chữ Tây Vu (một biến âm của từ Tây Âu) đã thể hiện rất rõ thành Cổ Loa, An Dương Vương có sự liên hệ với cư dân tộc Việt nhóm Tây Âu, có vùng phân bố chủ yếu tại tỉnh Quảng Tây. Các tài liệu lịch sử, ngôn ngữ đều cho thấy người Tai-Kadai cùng tồn tại trong cộng đồng tộc Việt với người Việt Nam Á. [21]

Trên chiếc trống đồng Cổ Loa được tìm thấy tại khu di tích Thành Cổ Loa có khắc một số minh văn chữ Hán, những chữ viết trên trống đồng giúp chúng ta nhận diện chính xác được bối cảnh lịch sử của thành Cổ Loa trong giai đoạn Âu Lạc. Chữ được khắc trên chiếc trống đồng được tiến sĩ Nguyễn Việt giải mã như sau:

“Tây Vu tập bát cổ, trọng lưỡng cá bách bát thập nhất cân”

Trống thứ 48 của bộ Tây Vu, nặng hai trăm tám mươi mốt cân” [22]

Trống đồng Cổ Loa và minh văn khắc trên thân trống. [Nguồn: 1, 2]

Bên cạnh chiếc trống đồng này, còn một chiếc ấm đồng khác cũng được khắc dòng chữ Hán có nghĩa là “Tây Vu”, chiếc ấm đồng này có niên đại vào khoảng thế kỷ I-II TCN.

Ấm đồng có niên đại vào thế kỷ I-II TCN có khắc chữ Tây Vu. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, dẫn]

Từ đó chúng ta có thể thấy được cuộc di cư về Việt Nam của An Dương Vương và một lượng nhất định cư dân tộc Việt thuộc hệ ngữ Tai-Kadai. Cư dân tộc Việt thuộc hệ ngữ Tai-Kadai là một phần gắn bó chặt chẽ với người Việt.

3. Chữ viết của người Thái và chữ viết của tộc Việt:

Người Thái hiện vẫn đang giữ được một hệ thống chữ viết cổ, hệ thống chữ viết này là hậu duệ của chữ viết cổ được tìm thấy trên các cổ vật của văn hóa Đông Sơn, đây là một hệ thống chữ viết cổ của cộng đồng tộc Việt, người Việt trong thời Bắc thuộc đã mất đi hệ thống chữ này, tuy nhiên hệ thống chữ Thái cổ và chữ Chăm cổ vẫn giữ được, giúp chung ta có những tư liệu rất quan trọng để hiểu thêm về thời kỳ này.

Công trình của Gs Lê Trọng Khánh: Sự hình thành và phát triển chữ Việt cổ [23] đã được thực hiện với việc tìm hiểu và khai thác các tư liệu khảo cổ được tìm thấy tại miền Bắc Việt Nam, các tư liệu khảo cổ đã cho thấy một hệ thống chữ viết ký âm, mỗi chữ ghi một âm, giống với các hệ thống chữ viết của người Thái và người Chăm.

Các cổ vật của văn hóa Đông Sơn có thể hiện chữ viết được Gs. Lê Trọng Khánh khảo cứu.

Trên cơ sở những hiện vật giải mã ở trên, đã phát hiện được những chữ cái Đông Sơn gồm 18 phụ âm và 9 nguyên âm:

Sau khi so sánh, đối chiếu và khảo cứu kỹ lưỡng, Gs. Lê Trọng Khánh đưa ra kết luận:

“Chữ viết Đông Sơn là phương tiện ghi lại bằng đồ hình hình thức biểu đạt âm thanh của ngôn ngữ Việt cổ. Mỗi chữ, có khi một tổ hợp chữ ghi lại một âm vị.”

“Khảo sát các văn bản thuộc chữ viết Đông Sơn, có những nguyên âm đứng sau hoặc dưới phụ âm nguyên âm còn làm chức năng thay thế, trở thành biến âm. Chữ Sumer các kết hợp ngữ pháp hình thành nhờ có phụ tố chữ viết. Đông Sơn đã thấy xuất hiện phụ âm cao và thấp, liên quan trực tiếp đến vấn đề thanh điệu.”

Hệ thống chữ viết này giống với các hệ thống chữ viết của người Thái ở Việt Nam và chữ của người Chăm. Hệ thống chữ viết của người Thái cổ giống hệt với hệ thống chữ viết được phát hiện trên các cổ vật văn hóa Đông Sơn, chữ viết của người Chăm có sự pha trộn giữa chữ Đông Sơn với hệ thống chữ viết của người Ấn Độ.

Về chữ Thái cổ, qua sự so sánh và đối chiếu, Gs Lê Trọng Khánh kết luận: “Chữ Thái cổ cũng thuộc loại hình văn tự ghi từ logogramme. Chữ Thái cổ bắt nguồn từ chữ viết Đông Sơn.”

Hệ thống chữ Thái cổ Tây Bắc.

Một trang viết của chữ Thái rất gần với chữ viết trên đồ đồng Đông Sơn.

Đây là một bằng chứng có ý nghĩa hai chiều: người Việt thời Đông Sơn đã có chữ viết, và người Thái cũng thuộc cộng đồng tộc Việt, vì vậy hiện tại họ vẫn giữ được hệ thống chữ cổ của tộc Việt.

III. Các vùng cư trú của cư dân tiền hệ ngữ Tai-Kadai trong cộng đồng tộc Việt:

Cư dân Tai-Kadai hiện tại vẫn còn sinh sống trong vùng Nam Đông Á, địa bàn sinh sống chủ yếu của họ là trong hai tỉnh: Quý Châu và Quảng Tây. Cư dân cổ tại đây cũng là cư dân tiền Tai-Kadai thuộc cộng đồng tộc Việt. Các dân tộc thuộc hệ ngữ Tai-Kadai trong vùng miền Bắc Việt Nam di cư vào Việt Nam từ vùng Quảng Tây và từ phía Tây trong và sau thời Bắc thuộc, địa bàn sinh sống của họ cũng chủ yếu ở vùng cao.

1. Quý Châu:

Quý Châu là vùng đất tiền thân của đất nước Dạ Lang, hình thành sau khi vùng đất này tách khỏi tộc Việt, người Bố Y, cư dân bản địa Quý Châu cũng tự nhận mình là người Lạc Việt, có nguồn gốc từ người Lạc Việt cổ trong cộng đồng tộc Việt (Bách Việt). [24]

Các cổ vật tiền thân trong thời kỳ đồ đồng của vùng Quý Châu hoàn toàn tương đồng với các cổ vật của văn hóa Đông Sơn, văn hóa cốt lõi của cộng đồng tộc Việt.

Các cổ vật tìm thấy tại tỉnh Quý Châu. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Quý Châu, dẫn]

2. Quảng Tây:

Quảng Tây, hay còn được gọi là Khu tự trị dân tộc Choang, hiện tại là nơi sinh sống của cư dân Tai-Kadai, chủ yếu là dân tộc Choang và một số dân tộc thuộc các hệ ngữ Tai-Kadai và Hmong-Mien. Đây là nơi hình thành hệ ngữ Tai-Kadai trước khi cư dân hệ ngữ này phân tán ra khắp vùng Đông Nam Á lục địa. Cổ vật được tìm thấy tại vùng Quảng Tây hoàn toàn tương đồng với hệ thống cổ vật chung của tộc Việt, dưới sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn.

Các loại hình cổ vật đặc trưng tộc Việt được tìm thấy tại Quảng Tây. [Nguồn: Bảo tàng khu tự trị dân tộc Choang, Bảo tàng Châu Giang, Quảng Tây, dẫn: 1, 2, 3, 4, 5, 6.]

IV. Kết luận:

Qua bài viết ngắn này, chúng tôi đã tìm hiểu qua nguồn gốc của cư dân thuộc hệ ngữ Tai-Kadai, họ có chung nguồn gốc với người Nam Đảo, sau đó tách khỏi người Nam Đảo và tiếp tục phát triển trong cộng đồng chung với người Việt Nam Á, nên về mặt di truyền, khảo cổ rất gần gũi với người Việt và văn hóa Đông Sơn tại miền Bắc Việt Nam. Họ là một phần của cộng đồng tộc Việt trước khi nước Văn Lang sụp đổ, thúc đẩy sự hình thành hệ ngữ Tai-Kadai và sự di cư và lan tỏa ra khắp vùng Đông Nam Á lục địa của cư dân hệ ngữ này.

Lang Linh


Tài liệu tham khảo:

[1] Sagart, Laurent. (2005). Tai-Kadai as a subgroup of Austronesian, Imprint Routledge.

[2] Sagart, Laurent. (2004). The Higher Phylogeny of Austronesian and the Position of Tai-Kadai. Oceanic Linguistics. 43. 411-444. 10.1353/ol.2005.0012.

[3] Sun, Jin & Li, Yingxiang & Ma, Pengcheng & Yan, Shi & Cheng, Hui-Zhen & Fan, Zhi-Quan & Deng, Xiao-Hua & Ru, Kai & Wang, Chuan-Chao & Chen, Gang & Wei, Ryan. (2021). Shared paternal ancestry of Han, Tai-Kadai-speaking, and Austronesian-speaking populations as revealed by the high resolution phylogeny of O1a-M119 and distribution of its sub-lineages within China. American journal of physical anthropology. 174. 10.1002/ajpa.24240.
https://www.researchgate.net/publication/349144829_Shared_paternal_ancestry_of_Han_Tai-Kadai-speaking_and_Austronesian-speaking_populations_as_revealed_by_the_high_resolution_phylogeny_of_O1a-M119_and_distribution_of_its_sub-lineages_within_China

[4] Zuo, Xinxin & Jin, Jianhui & Huang, Yunming & wei, Ge & jinqi, Dai & wei, Wu & fusheng, Li & taoqin, Xia & xipeng, Cai. (2021). Earliest arrival of millet in the South China coast dating back to 5,500 years ago. Journal of Archaeological Science. 10.1016/j.jas.2021.105356.
https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0305440321000261

[5] Ko AM, Chen CY, Fu Q, et al. Early Austronesians: into and out of Taiwan. Am J Hum Genet. 2014;94(3):426-436. doi:10.1016/j.ajhg.2014.02.003

[6] Sagart, L., Hsu, T. F., Tsai, Y. C., Wu, C. C., Huang, L. T., Chen, Y. C., Chen, Y. F., Tseng, Y. C., Lin, H. Y., & Hsing, Y. C. (2018). A northern Chinese origin of Austronesian agriculture: new evidence on traditional Formosan cereals. Rice (New York, N.Y.), 11(1), 57. https://doi.org/10.1186/s12284-018-0247-9

[7] Pittayaporn, Pittayawat. “Layers of Chinese Loanwords in Protosouthwestern Tai as Evidence for the Dating of the Spread of Southwestern Tai.” (2014).

[8] Zhang và cộng sự, 2020, A Matrilineal Genetic Perspective of Hanging Coffin Custom in Southern China and Northern Thailand
https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2589004220302169

[9] James R. Chamberlain, trích trong Chris Baker, From Yue To Tai, Journal of the Siam Society 90.1 & 2 (2002)

[10] Pittayaporn, Pittayawat. “Layers of Chinese Loanwords in Protosouthwestern Tai as Evidence for the Dating of the Spread of Southwestern Tai.” (2014).

[11] Mark Alves, Dữ liệu liên ngành: chi Vietic kết nối với văn hóa Đông Sơn
https://www.researchgate.net/publication/333662024_Du_lieu_lien_nganh_chi_Vietic_ket_noi_voi_van_hoa_Dong_Son

[12] Ferlus, Michel. (2009). A layer of Dongsonian vocabulary in Vietnamese.
https://halshs.archives-ouvertes.fr/halshs-00932218v3/document

[13] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

[14] Zhang H, He G, Guo J, Ren Z, Zhang H, Wang Q, Ji J, Yang M, Huang J, Wang CC. Genetic diversity, structure and forensic characteristics of Hmong-Mien-speaking Miao revealed by autosomal insertion/deletion markers. Mol Genet Genomics. 2019 Dec;294(6):1487-1498. doi: 10.1007/s00438-019-01591-7. Epub 2019 Jul 16. PMID: 31312894.

[15] Tích Dã, Thời đại Văn Lang – Âu Lạc trong lịch sử Việt Nam: Từ truyện ký đến tín sử
https://nghiencuulichsu.com/2019/05/10/thoi-da%cc%a3i-van-lang-au-la%cc%a3c-trong-li%cc%a3ch-su%cc%89-vie%cc%a3t-nam-tu-truye%cc%a3n-ky-den-tin-su%cc%89/

[16] Đinh Văn Tuấn, Tìm hiểu lại danh xưng “Lạc” vương và “Hùng” vương, tạp chí Ngôn Ngữ số 7/2016.
https://elearning.tdmu.edu.vn/elearning-ebook/T%E1%BA%A1p%20Ch%C3%AD%20S%E1%BB%91%20Ho%C3%A1/05.Tim%20hieu%20lai%20danh%20xung%20Lac%20vuong%20va%20Hung%20Vuong.pdf

[17] Lang Linh, Bách Việt và cơ sở thống nhất của cộng đồng Bách Việt.
https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/02/24/478-bach-viet-va-co-so-thong-nhat-cua-cong-dong-bach-viet/

[18] Lang Linh, Khảo cứu về nền văn hóa Đông Sơn.
https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/10/11/502-khao-cuu-ve-nen-van-hoa-dong-son/

[19] Matsumura H, Hung HC, Higham C, Zhang C, Yamagata M, Nguyen LC, Li Z, Fan XC, Simanjuntak T, Oktaviana AA, He JN. Craniometrics reveal “two layers” of prehistoric human dispersal in eastern Eurasia (2019). Scientific reports. 9(1):1-2. https://www.researchgate.net/publication/330875335_Craniometrics_Reveal_Two_Layers_of_Prehistoric_Human_Dispersal_in_Eastern_Eurasia

[20] Lang Linh, An Dương Vương trong dòng lịch sử tộc Việt.
https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/12/29/504-an-duong-vuong-trong-dong-lich-su-toc-viet/

[21] Chris Baker, From Yue To Tai, Journal of the Siam Society 90.1 & 2 (2002)

[22] Phương Hòa, Chiếc trống có chữ khắc duy nhất trong thành Cổ Loa.
https://vnexpress.net/chiec-trong-co-chu-khac-duy-nhat-trong-thanh-co-loa-3361963.html

[23] Lê Trọng Khánh, 1986, Sự hình thành và phát triển chữ Việt cổ.
https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/08/06/502-su-hinh-thanh-va-phat-trien-chu-viet-co/

[24] Hu Liangfu 胡良辅, Nhóm dân tộc Buyi: hậu duệ của nhóm dân tộc Luoyue 布依族:骆越民族的后裔
https://www.buyizu.cn/h-nd-378.html?nSL=%5B0%2C1%2C2%2C4%2C12%2C8%2C5%2C6%2C7%2C9%2C10%2C11%5D#skeyword=%E8%B6%8A&_np=0_35

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.