606. ☀ Nguồn gốc Nam Á của các dân tộc nói tiếng Thái

Các dân tộc nói tiếng Thái, hay theo phân loại khoa học là hệ ngôn ngữ Tai-Kadai ngày nay phân bố trên một địa bàn rất rộng lớn, từ Nam Trung Quốc tới Đông Nam Á lục địa, cùng với các hệ ngôn ngữ khác như Nam Á (Austroasiatic), Hán-Tạng (Sino-Tibetan), Nam Đảo (Austronesian), Hmong-Mien, là một trong những hệ ngôn ngữ lớn nhất trong vùng Đông Á.

Nguồn gốc sớm nhất của những người thuộc hệ ngôn ngữ Tai-Kadai được xác định là vùng phía Nam Đông Á (hay theo tên quốc gia hiện đại là phía Nam Trung Quốc), ngày nay, những dân tộc thuộc hệ ngôn ngữ này có số lượng đông đảo nhất trong số các dân tộc thiểu số ở vùng phía Nam Đông Á.

Bởi lý do đó, mà những người nói ngôn ngữ Tai-Kadai được xem như là một phần của cộng đồng tộc Việt (hay Bách Việt trong lịch sử), thậm chí còn có người cho rằng ngôn ngữ Tai-Kadai là thành phần chính của cộng đồng tộc Việt, loại hẳn người Nam Á ra khỏi cộng đồng tộc Việt và địa bàn cư trú phía Nam Đông Á nguyên thủy của họ.

Tuy nhiên, sự nhận định này về cơ bản dựa trên hiện trạng hiện tại, không đào sâu vào căn nguyên của vấn đề, bởi người Tai-Kadai ẩn chứa những dấu tích không thể nhầm lẫn về mặt di truyền của họ, vốn không phải là đặc trưng riêng biệt của riêng người Tai-Kadai, mà là đặc trưng của các hệ ngôn ngữ khác, chỉ dấu về nguồn gốc phức tạp của nhóm ngôn ngữ này.

Đó sẽ là vấn đề mà chúng tôi thực hiện trong bài khảo cứu này, đi tìm hiểu về nguồn gốc thực sự của những người nói ngôn ngữ Tai-Kadai thông qua các nghiên cứu di truyền, ngôn ngữ, từ đó xác định các vấn đề liên quan về nguồn gốc của cộng đồng tộc Việt và vấn đề nguồn gốc của văn hóa Đông Sơn.

1. Giả thuyết của Sagart: ngữ hệ Tai-Kadai là kết quả di cư ngược trở lại lục địa của ngôn ngữ Nam Đảo từ Đài Loan:

Sagart dựa trên những bằng chứng ngôn ngữ đã đề xuất rằng mối liên hệ với người nói tiếng Tai-Kadai có thể là kết quả của sự di cư ngược trở lại của tổ tiên người Nam Đảo ở phía nam Đài Loan. [1]

Bằng chứng ngôn ngữ cho thấy Tai-Kadai là một nhóm con trong hệ ngữ Nam Đảo, và cụ thể là một thành viên của đơn vị phân loại Puluqic [2]. Giống như Proto-Malayo-Polynesian, Tai-Kadai có nguồn gốc từ một ngôn ngữ Puluqic của thổ dân phía Nam hoặc Đông Nam Đài Loan.

Sagart đã đề xuất kịch bản như sau về sự hình thành của Proto-Tai-Kadai: vào nửa sau của thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên, một nhóm người nói phương ngữ Puluqic (‘FATK’, Tổ tiên Formosan của Tai-Kadai) rời khỏi miền đông Đài Loan bằng thuyền tìm kiếm đất nông nghiệp mới. Họ tìm thấy nó trên bờ biển giữa châu thổ sông Hồng ở miền bắc Việt Nam và châu thổ sông Châu Giang thuộc tỉnh Quảng Đông ngày nay của Trung Quốc. [1]

Trong khu vực đó, họ cuối cùng đã tiếp xúc gần gũi và phải chịu áp lực mạnh mẽ từ một nhóm nông dân đại lục nói một ngôn ngữ mà mối quan hệ rất khó thiết lập, nhưng có thể có mối liên hệ với Nam Á. Một đợt tiếp xúc căng thẳng dẫn đến việc nhóm người nói phương ngữ Puluqic di cư vào lục địa được tái cấu trúc bởi ngôn ngữ này, chỉ một số những từ vựng cơ bản nhất chống lại được sự thay thế từ ngôn ngữ lục địa. Proto-Tai-Kadai là kết quả của sự tương tác này: cốt lõi của nó là một ngôn ngữ Nam Đảo, một phần được tái cấu trúc bởi một ngôn ngữ bản địa tương tác trực tiếp với ngôn ngữ Nam Đảo. [1]

Giả thuyết của Sagart có cơ sở, dựa trên những nghiên cứu đã được chúng tôi phác họa ở các phần trước, nguồn gốc của người Nam Đảo là độc lập với cư dân vùng lục địa. Sự hình thành hệ ngôn ngữ này là ở vùng đảo Đài Loan, những cư dân lục địa khi ấy không có liên hệ với các dân tộc nói hệ ngôn ngữ Nam Đảo ở ngoài đảo.

Trong lục địa thời kỳ đó cho tới hiện tại cũng không tồn tại các dân tộc nói ngôn ngữ Nam Đảo, tất yếu, sự hình thành của một hệ ngôn ngữ liên quan tới Nam Đảo phải có nguồn gốc từ một cuộc di cư từ Đài Loan. Nghiên cứu di truyền cũng cho thấy một mở rộng diễn ra trong khoảng từ 2,7 đến 2,0 kya từ cư dân Nam Đảo về phía Tây Nam, hình thành các nhóm dân cư nói tiếng Tai-Kadai [3].

Nhưng có một số điểm mà Sagart đề xuất chưa phù hợp với các dữ liệu liên ngành, ông cho rằng thời điểm diễn ra cuộc di cư vào lục địa của người Nam Đảo là vào khoảng giữa thiên niên kỷ thứ 3, tuy nhiên, mốc thời gian của sự kiện này thực tế có thể muộn hơn nhiều, đó là vào đầu thời kỳ văn hóa Đông Sơn, khi ấy cuộc đồng hóa mới bắt đầu và diễn ra nhanh chóng.

Bên cạnh đó, ông cho rằng người Nam Đảo đã di cư vào vùng Quảng Đông, Hải Nam và Việt Nam, nhưng các bằng chứng hiện có chỉ cho thấy sự hiện diện của hệ ngôn ngữ này từ sớm ở các vùng Hải Nam và Lĩnh Nam, ở Việt Nam thời kỳ đó cho tới hiện tại, ngôn ngữ Nam Á là ngôn ngữ chủ đạo, các dòng di cư của người Tai-Kadai vào Việt Nam xuất hiện sau thời kỳ này. Sự hình thành của hệ ngôn ngữ Tai-Kadai cũng được giả định là trong vùng Quảng Tây ngày nay.

Tiến trình hình thành ngôn ngữ Tai-Kadai mà chúng tôi xây dựng dựa trên các nghiên cứu di truyền, ngôn ngữ cũng tương tự như đề xuất của Sagart, theo đó, Tai-Kadai là một hệ ngôn ngữ con của ngôn ngữ Nam Đảo, có nguồn gốc từ những người Nam Đảo từ đảo Đài Loan di cư vào lục địa trong khoảng thời gian từ 2,7-2,0 kya.

Những người di cư gốc Nam Đảo đã đồng hóa những người nói ngôn ngữ Nam Á bản địa trong các vùng Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam để hình thành hệ ngôn ngữ này, dấu tích di truyền để lại trong di truyền theo dòng cha của các dân tộc nói ngôn ngữ Tai-Kadai ngày nay.

Ngày nay, phần lớn các dân tộc thuộc hệ ngôn ngữ Tai-Kadai trong vùng Nam Trung Quốc và Đông Nam Á có tỉ lệ O2a, một haplogroup đặc trưng của ngôn ngữ Nam Á chiếm đa số. Một số dân tộc khác có tỉ lệ O1a chiếm đa số, nhiều khả năng chính là những dân tộc gốc Nam Đảo đồng hóa người Nam Á bản địa để hình thành hệ ngôn ngữ này. Ngôn ngữ Tai-Kadai là sự kết hợp của hai hệ ngôn ngữ Nam Đảo và Nam Á, trong đó ngôn ngữ Nam Đảo đóng vai trò chủ đạo. Các nghiên cứu về vấn đề này sẽ được chúng tôi trình bày chi tiết hơn ở phần sau.

2. Di sản di truyền của ngữ hệ Nam Á trong các dân tộc nói tiếng Tai-Kadai:

Theo giả thuyết của Sagart (2008) [1], ngôn ngữ Tai-Kadai là kết quả của sự di cư vào vùng lục địa của nhóm dân Nam Đảo ở phía Nam đảo Đài Loan, giả thuyết này có cơ sở với những thông tin quan trọng về các thành phần O1a-M119 (đặc trưng ngữ hệ Nam Đảo) và O2a-M95 (đặc trưng ngữ hệ Nam Á) trong các dân tộc nói tiếng Tai-Kadai ngày nay.

O2a (M95) là haplogroup chiếm đa số trong di truyền theo dòng cha của ngữ hệ Nam Á, xuất hiện với tần suất rất cao ở các dân tộc thuộc ngữ hệ này trong vùng Đông Nam Á [4].

Cây phát sinh loài và tần suất của O2a (M95) trong các dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á. [4]

O1a (M119) là haplogroup đặc trưng của ngữ hệ Nam Đảo, xuất hiện với tần suất rất cao trong các dân tộc thuộc ngữ hệ này, đặc biệt là trong các dân tộc Nam Đảo trong vùng đảo Đài Loan [5].

Dựa trên mối quan hệ giữa các haplogroup và hai hệ ngôn ngữ này cùng với giả thuyết của Sagart, có thể phán đoán nếu các dân tộc thuộc ngữ hệ Tai-Kadai có tỉ lệ O1a cao hơn, đó là dân tộc tách trực tiếp từ ngôn ngữ Nam Đảo, nếu như có một haplogroup khác chiếm tỉ lệ cao hơn, trong trường hợp này là haplogroup O2a, thì nhiều khả năng đó là dân tộc thuộc hệ ngôn ngữ Nam Á đã bị đồng hóa về mặt ngôn ngữ bởi những dân tộc gốc Nam Đảo có tỉ lệ O1a cao hơn.

Trong số các dân tộc thuộc ngữ hệ Tai-Kadai trong vùng phía Nam Trung Quốc ngày nay, có những dân tộc có tỉ lệ O2a rất cao, nhưng cũng có những dân tộc có tỉ lệ O1a chiếm đa số. Sau đây là bảng thống kê so sánh giữa tỉ lệ các haplogroup O2a trong các dân tộc thuộc ngữ hệ Tai-Kadai (hay Daic theo cách gọi của Trung Quốc) tại miền Nam Trung Quốc ngày nay, chúng tôi xây dựng dựa trên nghiên cứu của Li et al., 2008 [5].

Dân tộcĐịa phươngTỉ lệ các haplogroup
O2a (M95)+O2a1O1a (M119)+O1a2Đa số
YerongQuảng Tây62.5% + 6.3% O2a
QauQuý Châu15.4% O2a
Blue GelaoQuảng Tây16.7%60%O1a
LachiVân Nam10%6.7%O2a ~ O1a
MollaoQuý Châu63.3%3.3% + 3.3%O2a
Red GelaoQuý Châu16.1%22.6%O2a ~ O1a
White GelaoVân Nam42.9%14.3%O2a
Hlai-QiHải Nam32.4%29.4%O2a ~ O1a
JiamaoHải Nam22.2%51.9%O1a
BuyangVân Nam71.9%3.1%O2a
CunHải Nam 38.7%O1a
LaquaVân Nam60%4%O2a
Mao-CaolanQuảng Tây20%3.3%O2a
Zhuang-NQuảng Tây72.7%+ 4.6%O2a
Zhuang-SQuảng Tây60% + 6.7%20%O2a
LingaoHải Nam13.3%26.7%O1a
EQuảng Tây54.8%6.5%O2a
LakaQuý Châu8.7% O2a
Kam/DongQuảng Tây39.5% O2a
SuiQuảng Tây44%18%O2a
Mak & AiChamQuý Châu87.5% O2a
MulamQuảng Tây30%5% + 25%O2a ~ O1a
MaonanQuảng Tây56.3% O2a
BiaoQuảng Đông17.7%14.7%O2a ~ O1a
ThenQuý Châu50%33.3%O2a
DangaHải Nam17.5%7.5%O2a
DornQdayc-SThượng Hải8.3%39.6% + 12.5%O1a
DornQdayc-NThượng Hải2%29.4%O1a
CaoMiaoQuảng Tây3%10%O1a

Qua so sánh và thống kê chi tiết tỉ lệ O2a và nhánh phụ của nó là O2a1 và O1a cùng nhánh phụ của nó là O1a2, cho thấy rất rõ được nguồn gốc của các dân tộc thuộc ngữ hệ Tai-Kadai. Có thể thấy, phần lớn các dân tộc có tỉ lệ O2a và nhánh phụ cao hơn, tỉ lệ dao động rất lớn, từ 8.7% đến 85.7%.

Tổng số dân tộc được chúng tôi liệt kê ở trên là 29 (nhóm) dân tộc, trong số này, 17 dân tộc có tỉ lệ O2a lớn hơn O1a, trong đó có tới 10 dân tộc có tỉ lệ O2a chiếm trên 50%, chỉ có 7 dân tộc có tỉ lệ O1a lớn hơn O2a trong đó chỉ có 2 dân tộc có tỉ lệ chiếm trên 50%, và có 5 dân tộc có tỉ lệ 2 haplogroup không chênh lệch nhau quá nhiều.

Mở rộng tìm hiểu về các dân tộc nói ngữ hệ Tai-Kadai trong vùng Thái Lan ngày nay, chúng tôi cũng nhận thấy một hiện tượng tương tự trong các dân tộc, đó là tỉ lệ O2a và nhánh con của nó chiếm đa số.

Người Khon Muang có trung bình khoảng 40% O2a và nhánh con, người Khuen có 50% O2a và nhánh con, người Tai Lue có trung bình từ 40-80% O2a và nhánh con, người Tai Yuan có khoảng 60% O2a và nhánh con, Tai Yong có 46.1% O2a và nhánh con, người Shan có 45% O2a và nhánh con [6].

Quan sát bản đồ chi tiết các haplogroup Y-DNA dưới đây của các dân tộc nói ngữ hệ Tai-Kadai và Nam Á ở Thái Lan và Lào cho thấy một bức tranh tổng quát hơn, có thể thấy các dân tộc nói ngữ hệ Tai-Kadai có một tỉ lệ từ trung bình tới rất cao O2a (O1b), đặc biệt người Thái Đen có tới 95% là O2a (O1b), tỉ lệ cao tương tự như những dân tộc Nam Á thuần nhất. Tỉ lệ các haplogroup nhiễm sắc thể Y không đồng đều trong một bộ phận các dân tộc Tai-Kadai cho thấy lịch sử hòa huyết phức tạp.

Bản đồ Y-DNA theo nghiên cứu của (Kutanan et al., 2019b).

Những dấu tích từ Y-DNA mà chúng tôi chỉ ra đã cho thấy các nhóm dân cư từng nói ngôn ngữ Nam Á đã chuyển sang nói ngôn ngữ Tai-Kadai. Tuy đã bị đồng hóa về mặt ngôn ngữ, phần lớn các dân tộc nói tiếng Tai-Kadai ngày nay vẫn giữ được di sản di truyền phụ hệ của ngữ hệ Nam Á.

Sự đồng hóa có thể diễn ra trong một thời gian rất dài, có lẽ bắt đầu từ thời văn hóa Đông Sơn về sau, khi sự đồng hóa cơ bản đã hoàn tất, người Tai-Kadai bắt đầu di cư xuống vùng Đông Nam Á lục địa và lập quốc trong vùng này, mang theo di sản di truyền đã có từ vùng Nam Trung Quốc, vốn có nguồn gốc từ cư dân thuộc ngữ hệ Nam Á.

Điều này đã dẫn tới kết quả cho thấy các dân tộc thuộc ngữ hệ Tai-Kadai có một phần lớn tổ tiên là từ người Việt (Kinh) theo kết quả phân tích nguồn tổ tiên thông qua phần mềm GLOBETROTTER [7].

Phân tích nguồn tổ tiên theo phần mềm GLOBETROTTER cho thấy các dân tộc nói tiếng Thái có nguồn tổ tiên chính là từ người Việt (Kinh) [7].

3. Vị trí quan trọng của người Nam Á trong vùng Đông Á:

Như vậy, từ những kết quả nghiên cứu này, những người Tai-Kadai nhiều khả năng chính là những người đã từng nói ngôn ngữ Nam Á, thậm chí là từng nói ngôn ngữ Vietic gần với người Việt ngày nay. Kết quả này cho chúng ta thấy một bức tranh hoàn toàn khác về nguồn gốc của cộng đồng tộc Việt trong lịch sử, và cả về nguồn gốc của văn hóa Đông Sơn, những di sản văn hóa của người Việt trong vùng nam Đông Á.

Kết quả này cho chúng ta thấy được, cộng đồng Việt trong lịch sử vốn là những người nói duy nhất một ngôn ngữ: Nam Á, các ngôn ngữ khác như Hmong-Mien, Hán Tạng đã bị loại trừ bởi xuất phát điểm và nguồn gốc của các hệ ngôn ngữ này là từ dãy Himalaya và vùng Cam Túc-Thanh Hải, không phải người bản địa tại nam Đông Á, vấn đề này chúng tôi xin phép được trình bày sau trong cuốn sách mà chúng tôi đang thực hiện.

Các nghiên cứu về ngôn ngữ đều cho thấy rằng người Nam Á đã hiện diện ở Nam Trung Quốc, thậm chí là thành phần chính với nhiều cơ sở vững chắc hơn nhiều so với các ngôn ngữ khác.

Nghiên cứu của Jerry Norman và Tsu-lin Mei [8] đã chứng minh rằng có nhiều từ vựng gốc Nam Á trong tiếng Hán cổ, đặc biệt từ Giang 江 trong tên con sông Trường Giang vốn có gốc krung, tương đồng với nhiều ngôn ngữ Nam Á: VN sông; Bahnar, Sedang krong; Katu karung; Bru klong; Gar, Koho rong; Laven dakhom; Biat n’hong; Hre khroang; Old Mon krung, riêng bằng chứng này đã cho thấy người Nam Á đã hiện diện ở con sông Dương Tử, để lại kết quả khi tiếp xúc, người Hán đã mượn krung từ ngôn ngữ Nam Á để chỉ con sông Trường Giang (Dương Tử), nguồn gốc của toàn bộ cư dân ở vùng đồng bằng sông Dương Tử.

Ngoài ra, Norman & Mei cũng chỉ ra tiếng Mân có tương đối nhiều từ vựng có gốc Nam Á, cho thấy gốc rễ của những người nói tiếng Mân ngày nay có liên quan tới người Nam Á.

Nghiên cứu kết luận như sau: “Đáng chú ý là các biểu mẫu mà chúng ta thảo luận được đại diện tốt nhất bởi tiếng Việt. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì người Việt hiện đại là hậu duệ của Yueh cổ đại và lãnh thổ hiện tại của họ đại diện cho khu vực nói tiếng Austroasiatic gần Phúc Kiến và đông bắc Quảng Đông.” [8]

Nó đã cho thấy tiếng Việt là hậu duệ còn sót lại của Bách Việt, và các ngôn ngữ cổ đại trước khi bị đồng hóa của cư dân phía Nam Trung Quốc ngày nay gần gũi nhất với tiếng Việt, thậm chí có thể cùng nhánh Vietic.

Meacham đã dựa vào các nghiên cứu ngôn ngữ để thử xác định các giả thuyết về nguồn gốc của ngôn ngữ Bách Việt: Austroasiatic, Tai-Kadai, Nam Đảo [9]. Với những khả năng về ngôn ngữ đã được đánh giá khá toàn diện bởi Meacham, có thể thấy ngôn ngữ Austroasiatic là ứng cử viên sáng giá nhất, với nhiều bằng chứng vững chắc cho thấy đây là ngôn ngữ chính của cộng đồng Bách Việt.

Không chỉ nghiên cứu của Norman & Mei hay Meacham, một công trình kinh điển khác về từ nguyên tiếng Trung Quốc của Axel Schuessler, “ABC Etymological Dictionary of Old Chinese”, đã củng cố và khẳng định về vị trí của ngôn ngữ Nam Á cổ đối với tiếng Hán nói riêng và với văn hóa Đông Á cổ đại nói chung.

Axel Schuessler đã tiến hành khảo cứu chuyên sâu về âm và nghĩa của các từ gốc Sinitic, đặt tiếng Trung cổ vào hệ ngôn ngữ Sino-Tibetan (bao gồm việc xem xét chặt chẽ nhiều ngôn ngữ Tiberto-Burman), so sánh và tìm kiếm gốc của các từ trong cả các hệ ngôn ngữ Nam Á, Miao-Yao (Hmong-Mien), và Kam-Tai [10]. Kết quả mà nghiên cứu đã đưa ra đã khẳng định được vị trí của ngôn ngữ Nam Á trong vùng Đông Á.

Tác giả đã kết luận như sau trong công trình nghiên cứu của mình: “Ngôn ngữ từ ít nhất hai nhánh hoặc lớp ngôn ngữ Austroasiatic đã cống hiến cho tiền sử và có thể là lịch sử sớm của tiếng Trung Quốc: một ngôn ngữ Việt-Mường sớm giống như tiếng Việt (có thể được gọi là “Việt-Yue”) và một ngôn ngữ (hoặc nhiều ngôn ngữ ở vùng đồng bằng sông Hoàng Hà) cho thấy mối quan hệ với tiếng Khmer hiện đại và nhánh Khmu của Mon-Khmer, cũng có thể liên quan tới cả Mon.” ([10], p. 4)

“Các ngôn ngữ Austroasiatic, hay đúng hơn là Mon-Khmer, đã đóng góp vào sự phát triển ngôn ngữ Proto-Chinese bằng cách cung cấp một nền tảng từ vựng và cùng với đó là các mảnh hình thái Mon-Khmer.” ([10], p. 22)

Sách cũng đã dẫn thêm một số nghiên cứu về sự hiện diện của ngôn ngữ Nam Á trong vùng Sơn Đông – Chiết Giang.

Người Di 夷 cổ đại, sống ở phía đông từ bán đảo Sơn Đông về phía nam đến Dương Tử, có lẽ là người Austroasiatic [11]. Người Việt 越 cổ đại ở Chiết Giang chắc chắn là người Nam Á; địa danh Lang Da 琅邪 ở Sơn Đông là trung tâm văn hóa truyền thống của họ [12].

Dưới những năm 645 trước Công nguyên, Tả Truyện trích dẫn một dòng từ Kinh Dịch nổi tiếng nơi chúng ta tìm thấy từ Nam Á cho ‘máu’, huanghmaŋ (PAA *mham hoặc tương tự) được thay thế cho từ Sino-Tibetan thông thường xue 血 (Mei, 1980). Các cuộc thảo luận về bối cảnh mà dòng này được trích dẫn đều được hiểu có bối cảnh diễn ra ở phía bắc sông Hoàng Hà ở Sơn Tây ngày nay. Huāng không thể là một sự đổi mới tự thân của tiếng Trung Quốc, đúng hơn nó phải là dấu tích của sự tồn tại từ một ngôn ngữ nền trước đó đã được thay thế bằng lớp Sino-Tibetan, tức là ‘tiếng Trung’ như chúng ta biết. Khi đi sâu tìm hiểu về từ nguyên của tiếng Trung cổ và Tibetan / Sino-Tibetan, người ta thường có vẻ như chạm phải nền Nam Á, nghĩa là, gốc của các từ đó được chia sẻ với ngôn ngữ Nam Á. ([10], p. 4)

“ABC Etymological Dictionary of Old Chinese” đã cho thấy một khối tượng từ khá lớn trong từ điển có nguồn gốc từ ngôn ngữ Austroasiatic, cũng như sự đóng góp về hình thái học, cho thấy ngôn ngữ Austroasiatic đóng một vai trò rất quan trọng trong sự hình thành của tiếng Trung Quốc, chứng minh sự hiện diện và những ảnh hưởng của ngôn ngữ này trong vùng Đông Á.

Như vậy, các nghiên cứu này đã cung cấp cơ sở vững chắc để đưa đến kết luận: ngôn ngữ Nam Á là ngôn ngữ chính của cộng đồng tộc Việt trong lịch sử, những người nói ngôn ngữ Tai-Kadai và các nhóm phương ngữ Hán như tiếng Mân vốn từng chia sẻ chung một ngôn ngữ và tất nhiên là cùng một nguồn gen với tiếng Việt và người Việt hiện đại.

Đó chính là cơ sở để chúng ta giải đáp một câu hỏi liên quan tới vấn đề này: văn hóa Đông Sơn của ai?

4. Văn hóa Đông Sơn chính là của người Việt-Mường hay tiền thân là những người nói ngôn ngữ Vietic:

Có nhiều tranh cãi liên quan tới vấn đề nguồn gốc của văn hóa Đông Sơn, trong đó tranh cãi chủ yếu tới từ việc có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng người Tai-Kadai là thành phần chính của văn hóa Đông Sơn, thậm chí là chủ nhân của văn hóa Đông Sơn, nhưng những tuyên bố của họ đều không có những bằng chứng rõ ràng chứng minh cho những phát ngôn của mình.

Các nghiên cứu trên đã minh giải vấn đề, làm nó trở nên rất rõ ràng và dễ hiểu: người Tai-Kadai là một kết quả của sự đồng hóa về mặt ngôn ngữ và phần nào đó là di truyền bởi những người di cư Nam Đảo từ vùng Đài Loan xâm nhập vào lục địa, trước đó, họ vốn là những người nói ngôn ngữ gần với tiếng Việt ngày nay, nên tất cả những di sản thời cổ đại, và kể cả những di sản thời hiện đại, như trống đồng chẳng hạn, vốn đều xuất phát từ chủ nhân là những người Nam Á, chính là tổ tiên trước khi bị đồng hóa của họ.

Nên câu chuyện tranh chấp về nguồn gốc của văn hóa Đông Sơn đã không còn cần thiết phải bàn luận quá nhiều, bởi văn hóa Đông Sơn trong thời kỳ tồn tại, vốn có nguồn gốc từ những người Nam Á, hay cụ thể hơn là nhánh Vietic, những người Nam Đảo xuất hiện dần dần và đồng hóa dần dần trong một thời gian dài đối với cư dân Nam Á, và nó chỉ diễn ra ở vùng Lĩnh Nam, còn tại Việt Nam, những người xâm nhập vào Việt Nam là sau đó, và chính là những người đã được hoàn tất quá trình đồng hóa.

Văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc từ Việt Nam, và người Việt có quyền kế thừa chính thống, vấn đề này đã được chúng tôi khảo cứu sâu trong nhiều bài viết, sự kế thừa là cả về di truyền, ngôn ngữ lẫn hiện vật quan trọng nhất, là trống đồng [13][14][15][16].

Những người Tai-Kadai cũng từng là một phần của văn hóa Đông Sơn, của văn hóa tộc Việt, cũng có thể nói là anh em ruột thịt với người Việt, nhưng về bản chất họ đã bị tách khỏi người Việt do bị đồng hóa về mặt ngôn ngữ, nên kể cả những di sản văn hóa Đông Sơn tại vùng Lĩnh Nam do tổ tiên họ dựng lên, để nhận chính thống vẫn còn đôi chút lấn cấn, chưa nói tới văn hóa Đông Sơn tại Việt Nam đã có những bằng chứng rất rõ ràng là của người Việt-Mường.

5. Tại sao những người Nam Á lại bị người Nam Đảo đồng hóa?

Nếu nhìn vào người Việt hiện đại, chúng ta sẽ có thể đánh giá ngay rằng người Nam Á có sức chống đồng hóa tốt, nhưng câu chuyện đó dường như chỉ đúng với người Việt, và với những người Nam Á ở các vùng khác, như Lĩnh Nam, miền Trung Việt Nam hay Indonesia, thì câu chuyện không còn giống như người Việt.

Hiện trạng mà chúng ta thấy được, là những người Nam Á đã bị đồng hóa bởi những người Nam Đảo, chúng tôi nhận thấy người Nam Đảo đã đồng hóa người Nam Á ở Lĩnh Nam thành người Tai-Kadai, người Chăm, các dân tộc thiểu số Tây Nguyên và Indonesia vốn gốc Nam Á đã bị đồng hóa sang ngôn ngữ Nam Đảo.

Sức mạnh đồng hóa bí ẩn này có lẽ tới từ chế độ mẫu hệ của người Nam Đảo, chế độ mẫu hệ của họ là một chế độ khác biệt với chế độ phụ hệ đã có từ lâu của người Nam Á [17], sự tiếp cận, đấu tranh giữa hai chế độ, chế độ mẫu hệ có ưu thế hơn, do sẵn sàng dung nạp người ngoài vào cộng đồng của mình, những người tiếp xúc với họ dần dần bị đồng hóa, và quá trình đồng hóa đó ngày càng lan rộng hơn, bất chấp rằng những người mà họ đồng hóa có sự phát triển mạnh hơn về mặt văn minh.

Đó là một giả thuyết của chúng tôi, vấn đề này vẫn cần những khảo cứu sâu và chi tiết hơn, nhưng sức mạnh đồng hóa của người Nam Đảo thực sự là một bí ẩn lớn, có sức ảnh hưởng mạnh tới lịch sử, văn hóa của vùng nam Đông Á và Đông Nam Á.

6. Kết luận:

Qua bài viết này, chúng tôi đã cung cấp những bằng chứng vững chắc để chứng minh các dân tộc thuộc hệ ngữ Tai-Kadai vốn là những người từng nói ngôn ngữ Nam Á, thậm chí từng nói ngôn ngữ Vietic gần gũi với người Việt, họ đã bị đồng hóa bởi người Nam Đảo để chuyển đổi sang ngôn ngữ Tai-Kadai, có nhiều điểm gần gũi với ngôn ngữ Nam Đảo.

Do đó, cộng đồng tộc Việt trong lịch sử vốn không phải là cộng đồng đa ngôn ngữ, mà chỉ có duy nhất một ngôn ngữ chủ đạo, đó là Nam Á, đã có nhiều nghiên cứu được chúng tôi dẫn cung cấp những cơ sở vững chãi cho thấy sự hiện diện của ngôn ngữ Nam Á trong tiếng Hán cổ và trong tiếng Mân hiện đại.

Và nguồn gốc của văn hóa Đông Sơn không còn là một vấn đề gây tranh cãi, bởi riêng tại Việt Nam, các bằng chứng đều cho thấy rằng người Việt-Mường là chủ nhân và là người kế thừa chính thống của di sản tại đây, toàn bộ những di sản của văn hóa liên quan tới văn hóa Đông Sơn đều là của những người từng nói ngôn ngữ Nam Á, không phải bởi những người Tai-Kadai độc lập và tồn tại từ thời nguyên thủy xây dựng nên.

Người Việt (cùng với người Mường) cũng là những người kế thừa chính thống của cộng đồng tộc Việt, họ là những người duy nhất giữ được tên gọi Việt, giữ gìn được ngôn ngữ, kế thừa di truyền và những di sản văn hóa của tộc Việt trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn.

Lang Linh

Ghi chú: đây là nghiên cứu mới và cập nhật nhất, trước đây các bài viết ad có đề cập rằng Tai-Kadai là một nhánh ngôn ngữ trong cộng đồng Việt, bao gồm nhiều hệ ngữ khác nhau, nhưng các nghiên cứu mới đã cho thấy không phải như vậy, do các bài viết cũ nhiều và dài thành một khối, rất khó để sửa, nên bài viết này như một sự thay đổi và cập nhật thông tin chính xác hơn tới bạn đọc.


Tài liệu tham khảo:

[1] Sagart, L. (2008). The expansion of Setaria farmers in East Asia: A linguistic and archaeological model. Past Human Migrations in East Asia: Matching Archaeology, Linguistics and Genetics, 133–157.

[2] Sagart, L. (2004). The Higher Phylogeny of Austronesian and the Position of Tai-Kadai. Oceanic Linguistics, 43(2), 411–444. https://doi.org/10.1353/ol.2005.0012

[3] Sun, J., Li, Y., Ma, P., Yan, S., Cheng, H., Fan, Z., Deng, X., Ru, K., Wang, C., Chen, G., & Wei, L. (2021). Shared paternal ancestry of Han, Tai‐Kadai‐speaking, and Austronesian‐speaking populations as revealed by the high resolution phylogeny of O1a‐M119 and distribution of its sub‐lineages within China. American Journal of Physical Anthropology, 174(4), 686–700. https://doi.org/10.1002/ajpa.24240

[4] Zhang, X., Kampuansai, J., Qi, X., Yan, S., Yang, Z., Serey, B., Sovannary, T., Bunnath, L., Aun, H. S., Samnom, H., Kutanan, W., Luo, X., Liao, S., Kangwanpong, D., Jin, L., Shi, H., & Su, B. (2014). An Updated Phylogeny of the Human Y-Chromosome Lineage O2a-M95 with Novel SNPs. PLoS ONE, 9(6), e101020. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0101020

[5] Li, H., Wen, B., Chen, S.-J., Su, B., Pramoonjago, P., Liu, Y., Pan, S., Qin, Z., Liu, W., Cheng, X., Yang, N., Li, X., Tran, D., Lu, D., Hsu, M.-T., Deka, R., Marzuki, S., Tan, C.-C., & Jin, L. (2008). Paternal genetic affinity between western Austronesians and Daic populations. BMC Evolutionary Biology, 8(1), 146. https://doi.org/10.1186/1471-2148-8-146

[6] Brunelli, A., Kampuansai, J., Seielstad, M., Lomthaisong, K., Kangwanpong, D., Ghirotto, S., & Kutanan, W. (2017). Y chromosomal evidence on the origin of northern Thai people. PLOS ONE, 12(7), e0181935. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0181935

[7] Kutanan, W., Liu, D., Kampuansai, J., Srikummool, M., Srithawong, S., Shoocongdej, R., Sangkhano, S., Ruangchai, S., Pittayaporn, P., Arias, L., & Stoneking, M. (2021). Reconstructing the Human Genetic History of Mainland Southeast Asia: Insights from Genome-Wide Data from Thailand and Laos. Molecular Biology and Evolution, 38(8), 3459–3477. https://doi.org/10.1093/molbev/msab124

[8] Norman, J., & Mei, T.-L. (1976). The Austroasiatics in Ancient South China: Some Lexical Evidence. Monumenta Serica, 32(1), 274–301. https://doi.org/10.1080/02549948.1976.11731121

[9] Meacham, W. (1996). Defining the hundred Yue. Bulletin of the Indo-Pacific Prehistory Association, 15(0), 93–100. https://doi.org/10.7152/bippa.v15i0.11537

[10] Schuessler, A. (2007). ABC etymological dictionary of old Chinese. University of Hawai’i Press.

[11] Pulleyblank, E. G. (1983). 14. The Chinese and Their Neighbors in Prehistoric and Early Historic Times. In D. N. Keightley (Ed.), The Origins of Chinese Civilization (pp. 411–466). University of California Press. https://doi.org/10.1525/9780520310797-018

[12] Eberhard, W. (1968). The Local Cultures of South and East China. E. J. Brill.

[13] Lang Linh (2022), Chủ nhân của trống đồng và văn hóa Đông Sơn
https://luocsutocviet.com/2022/07/11/594-chu-nhan-cua-trong-dong-va-van-hoa-dong-son/

[14] Lang Linh (2021), Nguồn gốc ngôn ngữ và di truyền của văn hóa Đông Sơn
https://luocsutocviet.com/2021/12/12/581-nguon-goc-ngon-ngu-va-di-truyen-cua-van-hoa-dong-son/

[15] Lang Linh (2021), Sự kế thừa trống đồng của người Việt thời trung đại
https://luocsutocviet.com/2021/11/28/578-su-ke-thua-trong-dong-cua-nguoi-viet-thoi-trung-dai/

[16] Lang Linh (2021), Nguồn gốc của trống đồng và văn hóa Đông Sơn
https://luocsutocviet.com/2021/07/01/541-nguon-goc-cua-trong-dong-va-van-hoa-dong-son/

[17] Lang Linh (2021), Người Việt theo chế độ phụ hệ từ khi nào?
https://luocsutocviet.com/2021/05/05/529-nguoi-viet-theo-che-do-phu-he-tu-khi-nao/

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.