525. 🌟 Địa danh nước Văn Lang và lịch sử người Việt cổ

Những tín hiệu thu nhận từ bản lược đồ địa danh – ngôn ngữ Việt cổ – bước đầu góp phần vào việc tiếp cận một số vấn đề lịch sử cổ đại

1. Lớp địa danh cổ nhất thuộc giới tự nhiên, cơ sở để tìm hiểu về tộc người cổ

Con người hiểu biết giới tự nhiên sớm nhất thường là núi non, sông nước. Vì vậy hệ thống tộc danh được xác lập trước tiên là thuộc về sông nước. Loại địa danh để đó được hệ thống hóa, sẽ giúp chúng ta hiểu được cộng đồng cư dân thời tiền sử qua tiếng nói còn bám chặt vào núi sông và chúng có sức sống mãnh liệt, lâu dài trong lịch sử cho đến ngày nay. Trên cơ sở tư liệu địa danh chỉ về sông núi, sẽ dẫn dắt đến sự hiểu biết các vấn đề quan trọng thuộc thời đại Hùng Vương đến Hai Bà Trưng, nhất là và tộc người Việt cổ.

Tài liệu đã thu được qua việc khảo sát điền dã, thư tịch cổ và bản đồ phạm vi phân bố hệ thống địa danh có thành tố Pu, Pù (núi), Tà (sông nước) rất rộng.

+ Vùng Lưỡng Việt (Quảng Đông và Quảng Tây thuộc Trung Quốc ngày nay) có: Pù ts’e Shan, Pù lung, Pù po Shan, Pù chu, Pù tsao, Pù hsi, Pù t’i Shan, Pù t’un, Pu buan, Pù lai, Pu wan, Pu shang ling, Pu chiu, Pu niao, Pu lien ling, Pu nhung, Pu t’i t’un, Pu treng, Pu lung ling, Pu kan, Pu psi ko, Pu lung, Pu pien ling, Pu chin, Pu peng ling, Pu cha ling, Pu Kan, Pu lin, Pu chieh, Pu niu, Pu meng ling, Pu li, Pu pang, Pu heng, Pu chiao, Pu piang, Pu hsia, Pu hsien.

+ Vùng Việt Bắc tên núi có thành tố Pu rất phổ biến; và Tây Bắc lại càng dày đặc hơn. Huyện Điện Biên Phủ: Pù may tun, Pù san, Pù Huốt (nơi đặt đài quan sát chiến dịch Điện Biên Phủ), Pu den dinh, Pù Hông, Pù sam sao, Pù mo, Pù pa phin, Pu cuối, Pù mo, Pù pin họ, Pù phu, Pù keo canh, Pù Pao, Pu Phạ, Pu Tay, Pu Nhi. Huyện Sông Mã (Sơn La): Pù Muôi cung, Pu Pao, Pù Sum ham, Pù Bao, Pù Keo. Huyện Than Uyên (Nghĩa Lộ): Pù Ba, Pu Hen… Mường La: Pù Ba, Pù Luông. Huyện Mộc Châu có: Pù Hót, Pù san ét, Pu Long, Pu Cam kem, Pu nhun.

+ Hòa Bình là địa bàn của người Mường mà tên núi còn nhiều thành tố Pù: Pù Vinh (Mai Châu), Pù Biểu (Đà Bắc); Thanh Hóa: Pù Pha phong, Pù pha tên (huyện Quan Hóa); Pù Băng (Cẩm Thủy), Pù Minh (huyện Lang Chánh); Pu Bua (Ngọc Lạc), Pu Chó (Thường Xuân); Pù quan, Pù Mun (Như Xuân)… Vùng phía tây Nghệ Tĩnh tân núi có yếu tố Pu lại càng rất phổ biến: Pu Khang, Pù Gâm, Pù Xung, Pù Loi, Pu Kha (Tân Kỳ – Quy Hợp – Nghĩa Đàn), Pu Banh, Pù (Hương Sơn)… Quảng Bình có: Pù Cô tun tang (cao 1014m), Pù Quan, Pù Cây, Pi Nha, Pù cô ta run (cao 1624m); Pu Chanh, Pù Kinh (huyện Bố Trạch) và Pu Dinh, Pù Etva (cao 1512m), Pù Khê.

Quảng Trị: Pu xe via (Tây huyện Vĩnh Linh), Pu Khê.

Thừa Thiên có: Pù Balê, Pù Chuôi, Pu Ca cun.

Dãy núi phía Nam của biển Sa Huỳnh, (Quảng Ngãi) – nơi đã phát hiện văn hóa khảo cổ nổi tiếng: Sa Huỳnh, gọi là Pù Nu. Địa danh có thành tố Pù ở miền Trung còn tìm thấy ở vùng đồng bằng và ven biển. Địa bàn khởi nghĩa của Tây Sơn, vùng Bình Khê – An Khê còn có hàng loạt địa danh cố thuộc loại này. Huyện Bình Khê có: Pu Ba bia, Pù So, Pù Trong, Pù Hà…

Bia ký cổ của Chăm ở vùng Bình Định đã ghi: Pù Canh (gần thành Bình Định cũ, thuộc huyện ly An Nhơn hiện nay), Pù Chinh (dãy núi Phù Ly, đông đường số 1, chạy từ huyện Phù Mỹ – huyện Phù Cát. Từ Vụng Nước Ngọt đến Vụng Bay). Bia ký Tháp Vàng (Tour d’or, dưới đường số 1): Pù Tai (Bắc dãy Cù Mông).

Huyện Đồng Xuân Bắc Phú Yên có: Pù Khê, Pù Dương, huyện Tuy An: Pù Tan, Pu Dịnh, Pù Lương, Pù Phan, Pà Thanh (trên sông Bàn Thạch) và Pù Cau (mont de l’Epervier) huyện Tuy Hòa.

Vấn đề phát hiện lớp địa danh cổ này không phải dừng ở đây, mà nó còn mở rộng, phân bố rất tập trung ở Cực nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ:

– Pu Đốp, Pù Prăng, Pù Bông, Pù Gia mập; từng địa danh này gắn liền với những chiến thắng oanh liệt trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Và cũng trên địa bàn này còn có:

– Pù pơ ri, Pù Tông, Pù Bỏ dác men, Pù Rơ van, Pu Bia, Pu Rơ van, Pù Mơ bơ rê, Pù Đang, Pù Ta lung, Pù Pơ rang, Pù Lôn, Pu Cơ rac, Pù Đôn, Pù Mo, Pu Tà lung thuộc Gia Nghĩa, Pù Tơ chót, Pù Gi ra, Pu na, Pù Mun, Pù Diên, Pu ba ma thuộc Bà Rô (Phước Long cũ); Pù Các, Pù Nóc (Phủ Riêng). Và còn hàng trăm địa danh Pù ở vùng này.

+ Pu (núi) chuyển âm thanh Phu, Phù (nói). Loại địa danh này gặp phổ biến ở nước ta.

Vùng trung du Vĩnh Phú: Phù Hang, Phù Trung, Phù Chinh, Phù Cốc, Phù Lập, Phù Phong (huyện Vĩnh Tường). Huyện Từ Sơn: Phù Hoa, Phù Tảo, Phù Châu, Phù Lạc, Phù Lưu, Huyện Mai Động: Phù Liệt. Huyện Hiệp Hòa: Phù Sơn, Huyện Thanh Oai: Phù Vân, Phù Ninh (Tốt Động). Huyện Ứng Hòa: Phù Lưu Tế, Phù La, Phù Liễn (Kiến An, Hải Phòng). Thanh Hóa: Phù Nam, Phú Lộc (Bỉm Sơn), Phù Vinh.

Từ Pù còn chuyển âm thanh Rú (núi, rừng rú); khắp vùng Nghệ Tĩnh địa danh về nơi đều có thành tố rú: Rú Chóp đỉnh, Rú Thung nua, Rú Bồ bố, Rú Trắm…

Phạm vi không gian phân bố địa danh có thành tố Pù; cũng là địa bàn tên sông có từ tố Tà, thuộc cùng một hệ thống ngôn ngữ; hiện còn khá lớn.

Vùng Quảng Đông, Quảng Tây: Tà Nu, Tà Shan, Tà Han, Tà Tu, Tà Kung, Tà Mu, Tà Huai t’un, Tà Lo, Tà Hai, Tà Ling, Ta Pái, Tà Táng, Tà Lan. Huyện Dung phía Bắc Quảng Đông, lớp địa danh cố này, hiện còn khá dày: Tà An, Tà Xa phinh, Tà Xin, Tà Châu, Tà Phô, Tà Meo, Tà Deng… Huyện Quý: Tà Oan thàng (Úc Giang).

Đảo Hải Nam: Tà Phăng xơ (Xương Hóa Giang chảy ra cửa Đạm Thủy); Tà Xiền, Tà Câu, Tà Tinh (Nam Đồ hà chảy ra cửa Hải Khẩu), Tà Phâng, Tà Phô, Tà Chu, Tà Xinh, Tà Thùng…

Cao Bằng-Lạng Sơn có: Tà Liêng, Tà Năng; Hà Giang: Tà Phang, Tà Phình. Cộng đồng người nói ngôn ngữ Tày Thái ở Việt Bắc và Tây Bắc vốn gọi Tà là sông. Do đó, địa danh Tà tồn tại trên địa bàn này rất đậm. Vùng đất Nhật Nam xưa dấu vết còn lại cũng khá rõ.

Quảng Trị: Tà Cơn (gắn liền với những trận đánh thắng quân Mỹ nổi tiếng); Tà Oi, Tà Riêng, Tà Men, Tà Phúc, Tà Rụt, Tà Phong, Tà Poi, Tà Riếp. Thừa Thiên: Tà La, Tà Bát (A Sầu).

Quảng Nam – Đà Nẵng: Tây huyện Phú Vang Có Tà Pheng (gần Bà Nà); huyện Bến Giằng: Tà Lôn.

Phú Khánh: Tà Luông (huyện Cam Ranh).

Lâm Đồng: Tà Dung. Thuận Hải: Tà Líp, Tà Mon, Tà Là, Tà Chè, Tà Chua (phía Đông đường 20, Đức Trọng- Djrinh; thuộc hệ thống sông Lũy, chảy ra vịnh Phan Rí, Thuận Hải).

Đồng Nai, có địa danh nổi tiếng trên sông Đồng Nai là Tà Lài. Loại địa danh này còn vượt ra ngoài biên giới của ta hiện nay: Tà Kao (sông Ngọc), Tà Ni.

Bia ký Chăm cổ đã ghi lại địa danh này khá rõ ràng: Tà Kroông Nậy (Rào Nậy, Sông Gianh) Tà Kroông b’hon (sông Cá Sấu – sông Đà Rằng, Phú Yên). Ở các tỉnh Quảng Nam – Quảng Ngãi các con sông thường có thành tố Trà, vốn chuyển âm: Tà – Đà – Trà; Tà Bon (Sông Trà Bồng), Tà Kroông K’ré (Sông Trà Khúc), Tà Kroông rliêng (Sông Vệ), hiện nay nhân dân phía Tây vẫn gọi Tà Liêng, Tà Kroông H’rui. (sông Trà Cầu).

An Khê cổ: Tà Đon, Tà Biên, Tà Năng, Tà Dinh (Sông An Lão thuộc Nghĩa Bình)… Sách Thái còn cho biết Sông Đà, sông Thao đều vốn có thành tố Tà… (Tà Tao: Bông Thao).

Lớp địa danh trên thuộc giới tự nhiên, được hình thành trong tiền sử chứng tỏ rõ ràng một cộng đồng người tiếng nói có những yếu tố tương đối đồng nhất, phân bố rộng từ Lưỡng Việt đến Miền Bắc nước ta hiện nay, chạy dọc phía Đông Trường Sơn vào phía Nam, Người Lạc Việt hình thành trực tiếp trên cơ sở một bộ phận phía bắc của cộng đồng người này. Ngôn ngữ đã tạo nên lập địa đanh: Pù (nút), Tà (sông) vẫn tồn tại trong hệ thống từ cơ bản của tiếng Việt Mường, Tày Thái và các ngôn ngữ khác cùng hệ thống.

Từ Pu, Pù là dạng rất cổ, chuyển âm thành Rú (Việt-Mường) và Phu-Phù (Tày-Thái); Từ Tà-Đà (Sông) – Đắc -Nác (Việt-Mường) – Nước, và một khả năng khác là: Mác-Nạm (nước, Tày-Thái); có thể lập sơ đồ:

Nghiên cứu địa danh cổ là cơ sở để suy nghĩ về nguồn gốc người Lạc Việt, về ngôn ngữ Lạc Việt, mở khả năng tìm hiểu và thời Hai Bà Trưng sâu hơn.

Và cũng từ lớp địa danh cố này, khẳng định một vấn đề quan trọng, người Lạc Việt là cư dân bản địa, bắt nguồn từ một cộng đồng người cổ, vốn đã sinh sống trong tiền sử trên đất nước ta. Người Lạc Việt từ Hai Bà Trưng về trước, trong ngôn ngữ có lớp từ cơ bản là thống nhất; chính sự xâm nhập của người Hán – là yếu tố cơ bản có tác động đến sự chuyển hóa dần dần tiếng nói của người Lạc Việt – thành những nhóm ngôn ngữ có những yếu tố khác nhau trong lịch sử.

Nhưng dẫn liệu về địa danh cổ không dừng lại ở giới hạn sử liệu khô khan; mà còn nêu lên nguyên nhân cơ bản lịch sử, đặc biệt từ sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, phương Bắc đã chiếm đất và đồng hóa một bộ phận người Lạc Việt ở Lưỡng Việt và làm phân liệt về tộc người thành các bộ phận khác nhau.

Nhân đây, tôi thiết tưởng cần nêu lên một địa danh quan trọng là Mũi Nậy (Cap Varella). Từ Nậy là lớn, tuy xuất hiện muộn hơn nhưng cùng hệ thống ngôn ngữ với các từ Pù (núi) Tà (sông) của người Lạc Việt; phía Nam khảo sát chưa thấy loại địa danh thuộc ngôn ngữ này mà chủ yếu là địa danh thuộc tiếng nói Malayo. Tôi nghĩ rằng có thể nêu ra ý kiến là biên giới phía Nam của người Việt có thời Hai Bà Trưng trở về trước là Mũi Nậy – làm cột mốc địa danh Lạc Việt.

2. Địa danh thuộc văn hóa lúa nước của người Việt Na (đồng ruộng):

Na là đồng ruộng cùng một hệ thống ngôn ngữ với các địa danh: Pu, Tà. Loại địa danh này có phạm vi phân bố như sau:

Lưỡng Việt có: Nà Can, Nà Chiang, Nà Ho, Na P’ai, Nà Ch’in, Nà Ma, Nà min, Na Kuel Shan, Na Kuel, Na T’a, Na P’ai T’sun, Na Hsieh, Na Ta Shan, Na Wo Shan, Na T’ung, Na chu, Na Lung, Na P’ai, Na T’a, Na Kuan, Na I, Na Wang, Na Shin, Na K’ou, Na Hsing, Na T’an, Na Hsi, Na Ma Shan, Na Tsao, Na Lung, Na Ysi, Na Tu, Na Ch’in, Na We Shan, Na Kuo, Na Huai, Na Chi, Na Ysi Ling, Na K’ou, Na Loi, Na Chih, Na Hu, Na Yu, Na Peng T’sun, Na Tang Tun, Na Li, Na Lai, Na Jung, Na Sha Tun, Na Sha Ling, Na Fa, Na Shu, Na Nien, Na Jan, Na Mai, Na Po Ling, Na Shin, Na Chieh, Na Gi, Na Rung, Na Ma.

Huyện Điện Biên Phủ (Lao Kay): Nà Lời, Nà Tấu (đường kéo pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử), Na In, Na Sang, Nà Nông, Na Khoang, Nà Pin…

Huyện Thuận Châu: Nà Bao, Nà Can, Nà Sam.

Huyện Yên Châu: Na Ngà, Huyện Tuần Giáo: Nà Say.

Huyện Phù Yên (nghĩa Lộ): Nà Quèn, Nà Tong, Nà Hang Táu v.v…

Tuyên Quang: Nà Hang, Hà Giang: Nà Dôn, Nà Khương, Nà Cáp. Cao Bằng: Nà Cao, Na Pi, Na Con, Nà Ban, Na Pan, Nà Van, Nà Minh, Na Púc, Nà Gia, Na Liêng, Nà Phục, Nà Rào, Nà Sao, Nà Mô. Lạng Sơn: Nà Pháy, Nà Lang, Na Nom, Na Dúc, Na Sầm, Na Thông, Nà Rước. Bắc Cạn: Na Rì. Thái Nguyên: Na Hòa, Na Khao, Nà Xa, Na Ba, Na Piết. Hòa Bình: Nà Ri, Nà Pang, Na San, Nà Lai, Tiếng Mường có từ Nà (ruộng). Các bài kinh cúng và thơ ca Mường đầu tìm thấy có từ Nà. Chúng tôi đã thống kê được 200 địa danh có thành tố Nà ở các vùng người Mường trên miền Bắc.

Vùng trung du – Yên Thế có: Na Bi, Na Lương, Na Sát, Na Ban, Na Hoa; đặc biệt quanh đền Hùng lại tập trung khá dày loại địa danh này, bia ghi ruộng đất thuộc đền Hùng, độ một nửa tổng số từ chỉ và đồng ruộng đó: Na.

Cổ Loa có Na Ao; Bắc Ninh: Na Thôn (Hiên ngang, vùng ruộng trắng). Vụ Bản (Hà Sơn Bình) có: Na Kou, Na Nha, Na Trâm, Na Tông, Na Ka, Na Sa, Na Da, Na Can, Na Kao, Na Bo, Na Kou, Na Ou Hi, Na Tông (Chiềng Chê), Na Bạc, (Kỏ Om), Na Cót. Thanh Hóa – Vùng Bái Thượng Thường Xuân: Na mai, Na Am, Na Cơ, Na Vu, Na Nôm, Na Tú, Na Thảo, Na Châm, Na Chư, Na Xa. Yên Định: Na Thôn (Ngô Xá, cạnh sông Lậu).

Nghệ An – Huyện Quế Phong: Na Ba, Na Nong, Na Lit, Na Toui, Na Ac, Na Tang, Na Ty, Na Pou, Na Phay, Na Lan, Nà Xia, Na Hat, Na The, Na Long, Na Mun, Na So, Na Si, Na Sin, Na Piet. Huyện Kỳ Sơn: Na Luang, Na Tin, Nà Ka; Huyện Tương Dương: Na Ngót, Na Ngoi, Na Ka, Na Nhấp. Kon Cuông: Na Tơ, Na Dươi, Na Phả, Na Kia, Na Hạc, Na Có, Na Ba, Na Loi, Na Khô, Na Ca…

Huyện Nghĩa Đàn: Na Sang, Na Chang, Na Kòn (Chiềng Yêu, Sông Con), Na Tao (Kẻ Lao), Na Tan (Kė Gien), Na Ham.

+ Tiếp tục khảo sát vào các tỉnh Miền Trung chúng ta vẫn còn thấy địa danh Nà. Phía Tây Quảng Trị: Na Lao, Nà Hoi, Nà Tan, Na Ham…

Huyện Trung Phước (Quảng Nam – Đà Nẵng): Nà Sơn (thuộc Kẻ Vang). Quảng Ngãi: Nà Niêu (địa điểm của cơ quan lãnh đạo Tỉnh họp quyết định cuộc đồng khởi Trà Bồng nổi tiếng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ). Nà Klich (Ba Tơ); Nà Lau (có công trình thủy lợi Sở Hầu, tưới cho vùng trọng điểm lúa của huyện Đức Phổ ở Phố Thuận), vùng giáp biển có Đồng Nà (thôn Du Quang – Kẻ Hàn, xã Phổ Quang – Đức Phổ, trên cửa biển Mỹ A). Nghĩa Bình có người Chăm H’re, ở các huyện: Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long và An Lão, trong lớp từ cơ bản của họ có từ K’na, Na, Nà là đồng ruộng. Nên địa danh Nà ở đây cũng dày đặc như vùng người Mường và Tày – Thái. Tôi đã thống kê được hàng vài trăm địa danh Nà ở vùng Chăm H’rê. Người Chăm H’rê có nguồn gốc từ lớp dân cư ở của quân Nhật Nam, thời Hán. Trong bài kinh cúng của họ được ghi bằng văn tự Kipu có những từ K’na (ruộng):

Bok ai K’na hung (Ong ở ruộng tốt)… K’na mi chấp sỉ moi yằch plei (… ruộng mẹ ở 11 làng).

Qua sự phân bố lớp địa danh cổ có từ tố Na chúng ta thấy rằng văn hóa lúa nước thời Hai Bà Trưng trở về trước đã phát triển trên địa bàn rất rộng từ Lưỡng Việt đến Nhật Nam, có trình độ cao, bằng sức kéo, tạo thành những cánh đồng lúa nước ổn định. Và cư dân làm lúa nước ấy có lớp từ cơ bản chỉ và phức hệ lúa nước là đồng nhất: Kọn (xe nước), mương phai, các loại cây trồng và cả đến tính chất của từng loại ruộng nước: ruộng trầm, ruộng soi (bãi ven Bông)…

Dẫn liệu địa danh cổ giúp chúng ta hiểu được sự thống nhất và hình thái kinh tế và ngôn ngữ thời Hai Bà Trưng vốn đã có sự gắn bó từ lâu, tạo nên sức mạnh chống sự xâm lược của người Hán dưới ngọn cờ khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

3. Địa danh và tổ chức hành chính cơ sở

Sách là tổ chức hành chính cơ sở thuộc thời đại Hùng Vương. Dưới sự thống trị lần thứ nhất của người Hán trước Công nguyên; theo chính sách cống nạp là chủ yếu, vấn đề “Lạc tướng trị dân như xưa” – nên tổ chức hành chính cơ sở của người Lạc Việt là Sách chưa bị đảo lộn. Sau thời Hai Bà Trưng, chính sách cai trị của Hán thay đổi về cơ bản, thay đổi toàn bộ cơ cấu tổ chức từ trên xuống, biến nước ta thành quận huyện, thực hiện đồng hóa triệt để. Tổ chức Sách dần dần bị thu hẹp, thay bằng hương, xã… ở những nơi sự thống trị của Hán trực tiếp nhất. Đây là cuộc đấu tranh quyết liệt, dai dẳng của người Lạc Việt để bảo vệ sự sinh tồn của mình. Do đó, tổ chức Sách của người Việt vẫn tồn tại lâu dài ở những nơi xa chính quyền Hán: Vùng Lưỡng Việt địa danh sách thấy còn dấu vết, song rất mờ nhạt khó khảo sát.

Thế kỷ thứ X, lịch sử còn ghi rõ Đinh Bộ Lĩnh chiếm cứ một vùng Sách (làng xã), đóng căn cứ ở Sách Tế Áo, Hoa Lư (Gia Viễn, Ninh Bình). Chú của Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Dự chiếm cứ Sách Bông. Như vậy thời Đinh Bộ Lĩnh động Hoa Lư vẫn tồn tại Sách. Đến thời Lê qua thống kê còn có trên 500 Sách trong cả nước. Miền Tây tỉnh Bình Trị Thiên Sách vẫn là tổ chức hành chính ở vùng các dân tộc ít người cho đến cách mạng Tháng Tám 1945. Do đó, mới có tên gọi người Sách ở Quảng Bình.

Bình Trị Thiên vốn thuộc quận Nhật Nam đời Hán – địa bàn phía Bắc của nước Lâm Ấp sau này. Tổ chức Sách vốn có từ trước, thời đại Hùng Vương – Hai Bà Trưng vẫn được duy trì đến nhà nước Lâm Ấp ra đời; khi các quận khác ở phía Bắc bị Hán thống trị, nên Sách bị xóa đi.

Bia ký cổ ở Nhật Nam mở ra hướng thông tin mới về vấn đề này.

Thành Đại La ở 2 xã Châu Sa và Hòa Bân (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, Bắc Sông Trà Khúc); bia ký (chữ Chăm cổ) ghi xây dựng vào khoảng thế kỷ III, do Quan Chiếu tổ chức dân ở các Sách đắp. Trong quyển Địa lý – Lịch sử Quảng Ngãi bằng chữ Hán có ghi: “Mộ Quang Chiếu Vương hay Quang Chiều ở thôn Phú Thọ, huyện Chương Ngãi. Mộ ở trong nút, phía trước có bia đá: “Trấn Nam dinh Quang Chiếu Vương chi mộ”. Nhân dân thôn ấy hàng năm tế và tảo mộ”.

Bia đá cổ Phong Niên (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) kể tên các Sách: Sách La, Sách Luy, Sách At, Sách Me… ruộng thuộc nhà chùa. Bia Rầy đá thuộc Kẻ Hàn (có đồng Na gần biển), thôn Du Quang, xã Phổ Quang (huyện Đức Phổ), có khắc tên những Sách làm nghề đánh cá; lấy “djanh rếch” – dầu rái để trát thuyền đi biển…

Thôn Phương Mai, xã Nhơn Hải – thị xã Quy Nhơn, hiện còn bia đá cổ; và hình người bằng đá, trên lưng có khắc chữ, ghi công của tổng trấn tại Sách Giả – tức thị xã Quy Nhơn. Cách đây trên thế kỷ Quy Nhơn vẫn còn gọi là Kẻ Giã (bãi đánh cá).

Qua những bia ký cổ trên, cho phép chúng ta nghĩ rằng, Lâm Ấp có tổ chức Sách cơ cấu hành chính cấp cơ sở.

Quảng Ngãi có các huyện: Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long và An Lão (Bình Định), thuộc trung du; là địa bàn của người Chăm H’re. Theo một văn kiện chính thức của Tỉnh ủy Quảng Ngãi 1951, dân tộc này là người Chàm, trước có chữ viết trên h’la th’not (lá quang lang, lá bảng); và văn tự Kipu còn rất phổ biến đến sau Cách mạng tháng Tám; chế độ bóc lột và mua bán nô lệ rất khốc liệt cho đến những năm 50 của thế kỷ này.

Khảo sát thực địa, tôi đã thu nhập gần 200 Sách tức làng cũ; có bộ máy hành chính hoạt động. Theo những người già kể lại, cơ cấu tổ chức này đã rất lâu đời, cho đến 1945 mới xóa bỏ; và trở thành địa danh. Trong quyển Địa dư tỉnh Quảng Ngãi, xuất bản 1939; cụ Nguyễn Đóa có viết: “Miền thượng du chia ra làm 4 đồn là Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà và Trà Bồng. 4 đồn thượng du chia làm 19 tổng Mọi chi 5 làng Việt Nam và 222 Sách Mọi” (V. – Việc cai trị).

Huyện Đồng Xuân – dưới dãy Cù Mông, phía Bắc tỉnh Phú Yên (huyện ly tại thị xã Sông Cầu), qua thư tịch và địa danh cổ có những Sách sau đây:

Sách Lanh; Sách Xi; Sách Thái; Sách Thinh; Sách Lel; Sách Ruông; Sách Xiên; Sách Đong; Sách Chà Là; Sách Hậu Sơn; Sách Ma Nam; Sách Ma Khoan; Sách Ka Ton; Sách Ru; Sách Mu; Sách Mo Gio; Sách Ma Troc; Sách Suối Đập; Sách Câu Tràng; Sách Cây Trôi; Sách Ka Lúi; Sách Ka Bon…

Những dẫn liệu về địa danh vốn đã tồn tại ở Hoa Lư thế kỷ X và trên đất Nhật Nam ngày nay, có yếu tố Sách, đưa đến một nhận thức khoa học quan trọng là: Người Nhật Nam có nguồn gốc Việt cổ, lập nước Lâm Ấp, về tổ chức hành chính cơ sở là Sách. Nước Lâm Ấp ra đời trên địa bàn huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam, sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng 150 năm. Nhân dân Nhật Nam đã từng tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và chịu ảnh hưởng sâu sắc cuộc khởi nghĩa này, liên tục chống xâm lược người Hán; từ đó, giành được chính quyền và tiến lên thành lập nhà nước Lâm Ấp. Trên cơ sở chính quyền địa phương là Sách vốn có từ Hùng Vương đến Hai Bà Trưng, được bảo lưu nguyên vẹn. Cơ tầng xây dựng nên Lâm Ấp bắt nguồn từ nhà nước Hùng Vương – Hai Bà Trưng.

Cũng từ thực tiễn này càng cho phép suy nghĩ đến trình độ phát triển của nhà nước Hùng Vương có đầy đủ các yếu tố và thượng tầng kiến trúc, đã xây dựng được cơ chế chính quyền cơ sở rộng khắp và bền chặt. Nhà nước này đã vượt qua rất xa, cái gọi là “hình thái nhà nước”. Một nhà nước chủ nô – theo kiểu Phương Đông được xây dựng thực sự, vững mạnh là hạt nhân cố bất nền văn minh Lạc Việt; tạo nên sức mạnh kỳ diệu, đánh bại sự đồng hóa của người Hán suốt hàng nghìn năm lịch sử; để bảo vệ cộng đồng người vốn đã có nền văn minh nhà nước, bảo vệ bản sắc dân tộc của mình. Nghiên cứu tổ chức hành chính thời Hai Bà Trưng còn có cấp Chiềng, trên Sách. Vấn đề này rất quan trọng và phức tạp, chúng tôi không trình bày ở bài này.

4. Về cụm phức hợp địa danh

Ở trên chúng tôi đã phân loại địa danh và thống kê từng loại theo tuyến. Trong địa danh học hiện đại có yêu cầu khắt khe hơn, là sơ đồ hóa thành cụm phức hợp địa danh – từng loại địa danh khác nhau, thời gian xuất hiện có thể rất xa, nhưng cùng một hệ thống ngôn ngữ, được tập hợp thành từng cụm (trên địa bàn tương đối hẹp), sẽ tạo lượng thông tin lớn hơn, nhất là việc tiếp cận địa danh cổ với tính chất là một loại hình sử liệu. Theo phương hướng đó tôi nêu lên một số cư liệu sau đây: (không lặp lại tự liệu đã kể trên).

Nam Ninh (Quảng Tây):

– Pu Pâu (Xào Cheng), Pu Thảng (Thái Dung Sơn). (Nam Ninh có rất nhiều Pu).

– Tà Môn, Tà Thủng, Tà Phình, Tà Nen, Tà Sa Phinh, Tà Suay, Tà Lý, Tà Tháng, Tà Phấng, Tà Trang, Tà Pho, Tà An, Ta Uy, Tà Châu, Tà Xeo, Tà Lung, Tà Oan.

– Na Chin, Na Pái, Na Thung, Na Chi, Na Lao, Na Tẩu, Na Mà, Na Tha, Na Siêu.

-Trạm Giang (Quảng Đông):

– Pù Thâu, Pù Mây, Pu Sầng

– Tà Lu, Tà Chữ, Tà Lung Mầu, Tà Thung.

– Nà Sô, Na Lứa, Na Mèn, Na Xac, Nà Xuy, Na Li, Na Pù, Na Xứ, Na Bua, Na Cang, Na Sâu, Na Cheo.

– Vụ Bản (Hà Sơn Bình):

– Pù Biêng, Pù Han Le, Pù Cột Ca.

– Tà Hu, Tà La.

– Na Kou, Na Nha, Nà Trâm, Na Trâm, Na Tông, Na Ca, Na Bạc, Na Sa.

– Kẻ Đa, Kẻ Kan, Kẻ Lao, Kẻ Cho, Kẻ Bút, Kẻ Chan, Kè May, Kẻ Son.

– Chiềng Chê, Chiềng Ai.

– Bái Thượng Thường Xuân (Thanh Hóa):

Pù Kha, Pù Câu, Pà Ton, Pù Quàng, Pù Cầm, Pù Ham, Pù Chó, Pù Doanh.

– Tà Lèo, Tà Hinh, Tà Lu (thuộc hệ thống sông Chu).

– Na Chú, Na Am, Na Thảo, Na Châm, Na Tú, Na Nôm, Na Vu, Na Cơ.

– Kẻ Lao, Kẻ Đằng, Kẻ Vu, Kẻ Quan, Kả Hàn, Kẻ Bộc, Kẻ Gi, Kẻ Manh, Kẻ Quân, Kė Trinh, Ke Sông, Kė Rây, Ke Toung.

– Chiềng Dương, Chiềng Khao.

– Qùy Châu Nghệ Tĩnh:

– Pù Co, Pù Tang, Pù Quang, Pù Câm, Pù Mun.

– Tà Hom, Tà Luc, Tà Nhâu, Tà Nôm.

– Na Xai, Na Toong, Na Ta, Na Táng, Na Thang, Na Vang, Na Mu, Na Ca, Na Khang, Na Tram.

– Kẻ Bon, Kở Căng, Kẻ Bản, Kẻ Se, Kẻ Mùng, Kẻ Dinh, Kẻ Sơi.

– Chiềng Hoạt, Chiềng Bản.

– Sách Đắc, Sách Lộc, Sách Tiêu.

Những cụm phức hợp địa danh thuộc Nhật Nam, tuy mỏng hơn nhưng vẫn có những yếu tố cơ bản chung, Huyện Ba Lòng (Quảng Trị) có: Tà Rin, Nà Lao, Na Hơi; Chàng Giong… Quảng Ngãi: Tà, Nà, Kẻ, Sách đó bề dày rất lớn.

Những cụm phức hợp địa danh cổ làm nổi bật mấy vấn đề lịch sử lớn:

1. Qua tình hình hình thành và phát triển địa danh, từ chỉ những giới tự nhiên: Pu, Ta, xuất hiện sớm nhất vào thời đại văn hóa đồ đá mới; khi cuộc sống đã được định cư và sự giao lưu mở rộng, hệ thống địa danh khu vực Kẻ mới ra đời. Quảng cách thời gian giữa hai loại địa danh này rất lớn, phải mấy nghìn năm lịch sử. Đến khi con người phát triển nghề luyện kim, đưa vào sản xuất và trồng lúa nước đã hình thành. những cánh đồng rộng khắp, địa danh chỉ và đồng ruộng (Na) mới phát triển. Và nhà nước được xây dựng vững mạnh, hệ thống chính quyền địa phương Kẻ (Sách) ra đời, với cơ chế tổ chức xã hội được xác lập ổn định – đó là chiều sâu sức mạnh truyền thống của người Việt cổ.

Cuộc khởi nghĩa và chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ thời Hai Bà Trưng là dựa trên thành tựu truyền thống đó. Vì vậy, toàn bộ địa danh đã trình bày trên, ra đời trước Hai Bà Trưng và tồn tại trong thời Hai Bà Trưng, dần dần mới bị thu hẹp; do sự biến động hàng nghìn năm bị Hán thống trị.

2. Địa danh được phát triển liên tục bằng một ngôn ngữ Lạc Việt trên một không gian nhất định. Những cụm từ phức hợp địa danh khá xa nhau, nhưng đồng một ngôn ngữ, biểu hiện sự đồng nhất về cộng đồng người Lạc Việt từ Lưỡng Việt đến Nhật Nam, thống nhất với địa bàn phân bố từ Kẻ.

3. Từ những cụm địa danh mở ra khi năng tìm nguồn gốc tiếng nói Lạc Việt, tiếng nói khác Hán. Và một tiếng nói đã phát triển tạo thành một hệ thống địa danh cơ bản. Phản ánh những mặt rất cơ bản của lịch sử phát triển của người Lạc Việt. Chính tiếng nói ấy có đủ sức mạnh đấu tranh chống tự động hóa của Hán, giành lấy sự sống còn của mình.

4. Phác qua bản đồ phân bố địa danh cổ, tập trung ở vùng trung du và đất bực thềm, đồng bằng rất thưa. Điều đó nói lên vấn đề phân bố cư dân và đặc điểm nông nghiệp lúa nước cũng như chiến tranh và sinh thái thời Hai Bà Trưng do sự thành tạo đồng bằng sông Hồng chưa rộng lớn và ổn định. Trong phạm vi nghiên cứu đồng bằng Sông Hồng, tài liệu địa danh cổ có khả năng hỗ trợ với địa chất, khảo cổ học và các khoa học khác để hiểu rõ đồng bằng sông Hồng thời Hai Bà Trưng.

Nghiên cứu cổ sử, địa danh là một loại sử liệu góp phần vào việc vạch phương hướng tìm hiểu nguồn gốc người Việt cổ, tổ tiên trực tiếp của Hai Bà Trưng qua ngôn ngữ đã tạo nên hệ thống địa danh. Con người thời Hai Bà Trưng trồng lúa nước chủ yếu vùng trung du và đất bực thềm; trong khi đồng bằng sông Hồng thành tạo chưa rộng và ổn định; cư dân phân bố chưa tập trung. Tuy nhiên, lúa nước đã phát triển hình thành đồng ruộng khắp đất nước. Với một trình độ văn minh khá cao, việc quản lý xã hội được cơ chế hóa bằng cơ quan nhà nước, từ trung ương đến Xóm làng. Nhà nước dựa trên hình thái kinh tế nô lệ phương Đông; có đầy đủ các yếu tố của thượng tầng kiến trúc từ thời đại Hùng Vương.

Với trình độ phát triển đó, đã tạo nên sức mạnh thể hiện trong cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giữ nước dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, của nước Lâm Ấp.

Đây là những tín hiệu ban đầu, bằng địa danh ngôn ngữ cổ ta thu nhận được và lịch sử cổ đại như sau:

1. Địa bàn lãnh thổ của người Việt trước thời kỳ thôn tính của Tần Hán và cuộc chiến tranh chống Tàu.

2. Địa danh góp phần quan trọng vào việc xác lập không gian cuộc kháng chiến của Hai Bà Trưng – gồm 65 thành.

3. Một vấn đề khác cực kỳ quan trọng là làm rõ trên địa bàn Nhật Nam cư dân cổ vốn có một ngôn ngữ chung với người Việt đó ở Giao Chỉ và Cửu Chân. Đến cuối triều đại Sinbapura (thế kỷ VII-IX) mới có sự hòa nhập với cư dân của một thuộc quốc của Phù Nam (từ Khau-thara trở vào) nói ngôn ng malayo cổ.

4. Địa danh còn góp phần nhận thức được trình độ phát triển lúa nước, tổ chức hành chính cơ sở v.v…

II. Tứ cứ liệu địa danh ngôn ngữ cổ có từ Kẻ – suy nghĩ về không gian cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng

Pham vi lãnh thổ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng từ trước đến nay chưa được nghiên cứu kỹ. Và có khi ý kiến trái ngược nhau.

Trong lịch sử Việt Nam tập 1 viết: “Ngọn cờ chính nghĩa cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng đã tập hợp được 65 huyện thành” nghĩa là toàn bộ lãnh thổ nước ta hồi đó (1). Vậy khi ấy lãnh thổ nước ta tới đâu, không thấy các tác giả xác định rõ. Sách Hậu Hán Thư viết: Những người Man, người Lý ở 4 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố đều nhất tề nổi dậy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng (2).

Nhân dân Hợp Phố (theo tài liệu mới năm 1979 thuộc Quảng Tây Trung Quốc) tham gia cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng, tức là cuộc khởi nghĩa ấy vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ nước ta hiện nay. Song vẫn chưa phản ánh đầy đủ như các tài liệu còn ghi lại của Trung Quốc. Ngô Thời Nhiệm trong phái đoạn ngoại giao thời Tây Sơn, đi Trung Quốc có ghi chép về đền thờ và các nơi diễn ra những trận đánh hai bà Trưng ở Quảng Tây và ở Quảng Đông (Long Châu, Phiên Ngung) gần Hồ Nam và Hải Nam v.v…

Vấn đề xác định không gian cuộc khởi nghĩa là rất quan trọng. Vì nó là cơ sở để nói lên tầm vóc to lớn của cuộc đấu tranh quật cường của người Lạc Việt chống lại sự xâm lược của đế quốc Hán, dưới sự lãnh đạo của hai bà Trưng.

I. Phạm vi phân bố địa danh có từ “kẻ”:

Muốn giải quyết vấn đề này, có thể tiếp cận bằng nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Trong đó cứ liệu về địa danh ngôn ngữ có thể góp phần làm sáng tỏ về một phương diện nào đó chăng? Bằng chất liệu từ những mẩu của ngôn ngữ cổ, trước lớp Hán Việt, được cố định và bám chặt vào sông núi, làng mạc, ruộng đồng v.v… trở thành tên gọi quen thuộc lâu đời của nhân dân; mà trong ngôn ngữ Pháp có một từ chỉ chung ngành khoa học này là Oramastique (chữ Hán gọi là đặc hữu danh từ học). Engel là bậc thầy trong việc sử dụng địa danh và ngôn ngữ để cố định vạch lại ranh giới của nhiều tộc người châu Âu cổ đại.

Theo hướng nghiên cứu này, tôi cũng đã thu lượm được một khối lượng tài liệu tương đối phong phú về địa danh cổ. Với yêu cầu của chương trình sử liệu về thời kỳ hai bà Trưng, tôi xin giới thiệu, có tính chất liệt kê một số tài liệu thuộc địa danh ngôn ngữ (topononte) quen thuộc có từ tố Kẻ (chỉ nơi cư trú). Địa danh có từ Kẻ hình thành từ khi dựng nước Văn Lang. Từ Kẻ trong tiếng Việt thế kỷ 16 – 17 là từ chỉ người, nghĩa của nó có biến dạng. Tiếng mình có Kuel, tiếng Chăm H’ra có T’Ke chỉ giới hạn một không gian nào đó.

Vùng Lưỡng Việt (Quảng Tây – Quảng Đông Trung Quốc ngày nay) địa danh có từ Kẻ rất phổ biến:

– Phiên Ngung có Kẻ Lâu Trường.
– Thương Ngô có Kẻ Lãm.
– Quế Bình có Kẻ Lăng.
– Nam Hải có Kẻ Táo.
– Quế Lâm có Kẻ Trúc.
– Thương Lâm có Kể Lập.
– Hạ Huyện có Kẻ Luân.

Từ Kẻ ở vùng Lưỡng Việt biến âm thành Cổ, cũng như Việt Nam hiện nay: Kẻ Loa, Kẻ Nhuế thành Cổ Loa, Cổ Nhuế (Từ Trùng Thạch đã cung cấp khối lượng tài liệu khá lớn về vấn đề này, trong cuốn Lịch sử nhân dân Việt Giang).

Trong phạm vi nước ta hiện nay, loại địa danh này tìm thấy dày đặc ở Trung du và đồng bằng sông Hồng và địa bàn người Mường: Kẻ Đãng, Kẻ Anh, Kẻ Am, Kẻ Bàng, Kẻ Đinh, Kẻ Bôn, Kẻ Chiếu, Kẻ Đặng, Kẻ Đậu, Kẻ Đinh, Kẻ Định, Kẻ Độ, Kẻ Đướng, Kẻ Giả, Kẻ Hoàng, Kẻ La, Kẻ Lạc, Kể Lâm, Kẻ Lau, Kẻ Lang, Kẻ Lăng, Kẻ Kẻ Làn, Kẻ Lễ, Kẻ Sắt, Kẻ Lôi, Kẻ Lỗi, Kẻ Lộng, Kẻ Lăng, Kẻ Lung, Kẻ Huyện, Kẻ Kính, Kẻ Nông, Kẻ Pháp, Kẻ Phi, Kẻ Quan, Kẻ Sâm, Kẻ Trúc, Kẻ Vạn, Kẻ Vô, Kẻ Kê v.v…

Địa danh có từ Kẻ phân bố làng ở vùng đất bực thềm và hơi thưa ở hạ lưu sông Hồng, vùng đất mới tạo thành. Căn cứ vào loại địa danh này có liên quan trực tiếp đến phân bố dân cư ven sông Hồng thời hai bà Trưng, trên cơ sở sự hình thành đồng bằng Bắc Bộ cách đây 2000 năm. Loại địa danh này cũng có phần hiếm ở Việt Bắc và Tây Bắc (địa bàn Tày, Nùng, Thái). Đây là vấn đề lớn thuộc phạm vi dân tộc học lịch sử, có liên quan trực tiếp đến sự phân bố cư dân cổ đại ở đây.

Thanh Nghệ Tĩnh (Đất Cửu Chân xưa) tài liệu có thể thu thập ở khắp các huyện.

– Huyện Diễn Châu: Kẻ Trài (thôn Hương Dương), Kẻ Sĩ,  Kẻ Kích (thôn Thanh Bích), Kẻ Vạn (Vạn Phần), Kẻ Dặm (Văn Tập), Kẻ Trùm (Vĩnh Bình), Kẻ Hốp (Xuân Dương), Kẻ Mưng (Xuân Viên), Kẻ Trong (Đan Trung), Kẻ Lấu, Kẻ Hòe (Phú Cam), Kẻ Sụm (Phú Lâm),  Kẻ Chượn (Bút Trận), Kẻ Dân, Kẻ Lứ (Yên Lý).

– Huyện Yên Thành: Kẻ Dôi, Kẻ Vịnh (Vĩnh Tuy), Kẻ Giai (Văn Giai), Kẻ Đền, Kẻ Sọt (Vạn Sọt), Kẻ Rộc (Minh Thành), Kẻ Giám (Xuân Thành), Kẻ Găng (Tăng Thành).

Nhưng cái mới ở đây là ngoài vùng đồng bằng, còn tìm thấy có hệ thống, địa danh có từ Kẻ ở phía tây:

Huyện Thường Xuân (Mường): Kẻ Rây, Kẻ Tsung, Kẻ Sông, Kẻ Trinh, Kẻ Quân, Kẻ Vu, Kẻ Lao, Kẻ Đăng, Kẻ Mành, Kẻ Gi, Kẻ Bộc, Kẻ Doanh, Kẻ Hào.

Huyện Quỳ Châu: Kẻ Bọn, Kẻ Loa, Kẻ Giêng, Kẻ Thong, Kẻ Cong, Kẻ Tham, Kẻ Lô, Kẻ Lay, Kẻ Bục, Kẻ Chăm Trên, Kẻ Chăm Dưới, Kẻ Vá, Kẻ Vân, Kẻ Vinh, Kẻ Chai, Kẻ Trọc, Kẻ Mo, Kẻ Neo, Kẻ Bua, Kẻ Sả, Kẻ Trang, Kẻ Lao, Kẻ Ban, Kẻ Cang, Kẻ Ba, Kẻ Ba Sách, Kẻ Sói Dưới, Kẻ Mưng, Kẻ Dinh.

Hiện nay ý kiến còn khác nhau về ranh giới phía Nam đất Nhật Nam xưa. Còn ranh giới phía Bắc nói chung đều thống nhất từ Đèo Ngang trở vào. Trên địa bàn này nhiều người nghiên cứu đã cho rằng không có hệ thống địa danh có từ Kẻ như phía Bắc. Vì thế tôi thấy rất cần thiết cung cấp một lượng thông tin tương đối lớn về vấn đề này. Với khối tài liệu đã thu thập được hiện nay, số khả năng phục hồi lại địa danh có từ Kẻ trong phạm vi một làng có tên Hán Việt khắp các địa bàn huyện, thuộc tỉnh Bình Trị Thiên.

– Huyện Tuyên Hóa: Kẻ Ná  (xã Lao Trạch), Kẻ Sại (thôn Quy Đạt), Kẻ Liêm (làng Trạm).

-. Huyện Quảng Trạch: Kẻ Rông (thông Phúc Kiến), Kẻ Càng (xã Kiêm Long), Kẻ Biên (Xã Biển Lệ), Kẻ Đáy (Xã Văn Phí), Kẻ Xã (xã Cảnh Dương), Kẻ Câu (phường Ngoại Hải), Kẻ Đại (thôn Nghĩa Nương), Kẻ Gián (thôn Chánh Trực), Kẻ Cang, kẻ Lai (xã Cương Gián)

–  Huyện Bố Trạch: Kẻ Chao (Gia Trịnh trang), Kẻ Giang (làng Cồn), Kẻ Hạ (Cao Lao hạ), Kẻ Chung (Cao Lao Trung), Kẻ Sô (Xuân Sơn Trang), Kẻ Thương (Cao lao Thượng), Kẻ Bố (xã Nô Khê), Kẻ Đồng (xã Năng Đeef), Kẻ Nghen (xã Hoành Kình), Kẻ Sen (Liên Phương Trung), Kẻ Bàng (Liên Phương Trung), Kẻ Bảy (Hòa Duyệt Trang) Kẻ Lân (Võ Thuận Trang), Kẻ Nổ (thôn Lộc Mỹ), Kẻ Dóng (thôn Hoàn Lão), Kẻ Hacj (thôn Hoàn Phúc), Kẻ Nầm ( thông Cự Nậm), Kẻ Dói (thôn Mỹ Duyệt), Kẻ Lái (thôn Lý Hòa).

– Huyện Quảng Ninh: Kẻ Thạc (xã Thạch Bàn), Kẻ Trừa (xã Tân Lệ), Kẻ Rồng (xã Phúc Long), Kẻ Trùng (xã Lộc Long), Kẻ Thá (xã Mỹ Xã), Kẻ Tràng (xã Trường Dục), kẻ Ray (xã Lộc Long), Kẻ Bói (phường Bối Sơn).

Huyện Lệ Thủy: Kẻ Liễu (Tréo), Kẻ Da (thôn Mỹ Duyệt), Kẻ Lê (xã Lê Xá), Kẻ Châu (xã Châu Xả).

– Quảng Trị (cũ) địa danh có từ “kẻ” cũng dày đặc: Kẻ Tháp, Kẻ Bưu, Kẻ Lũy, Kẻ Thành, Kẻ Đòi, Kẻ Nai, Kẻ Sen, Kẻ Sơn…và ở Thừa Thiên (cũ) huyện nào cũng tìm thấy Kẻ. Kẻ My (huyện Phú Vang), Kẻ Bi (huyện Phong Điền), Kẻ Loi (Tây Phú Lộc), Kẻ Tháp (huyện Quảng Điền), Kẻ Trai (Huế)… Càng tập trung nhiều vùng biển phía Nam: Kẻ Vũ, Kẻ Sang (huyện Hương Thủy)…

Tình hình phân bố địa danh có từ Kẻ ở Quảng Nam Đà Nẵng, Nghĩa Bình cũng tương tự như Bình Trị Thiên:

– Quảng Nam – Đà Nẵng: Kẻ Xuyên (huyện Thăng Bình), Kẻ Tam (huyện Tam Kỳ), Kẻ Kai (huyện Duy Xuyên), Kẻ Luy (huyện Hòa Vang), Kẻ Vang (Trung Phước), Kẻ Trài (thị xã Hội An), Kẻ Diễn (huyện Điện Bàn).

– Nghĩa Bình: Kẻ Bôn (chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành), Kẻ Lũy (cửa biển phía Đông thị xã Quảng Ngãi), Kẻ Hàn (thôn Du Quang, Xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, sông Trà Cầu chảy qua đây cũng gọi là sông Kẻ Hàn), Kẻ Tân (Cầu Gánh, ngã ba nơi tiếp giáp đường 19 và đường số 1), Kẻ Thử (cửa biển nam huyện Phù Cát, một thương cảng nổi tiếng xưa kia, còn nhiều di tích khảo cổ quan trọng, có đường sông nối liền với thành Đồ Bàn).

Địa danh có từ “kẻ”, điểm cuối cùng tìm thấy ở huyện Tuy An (thuộc Phú Yên cũ, phần bắc Phú Khánh). Và từ nam Đèo Cả – Mũi Nậy trở vào, chưa tìm thấy một địa danh  nào có từ Kẻ.

Trên địa bàn Nhật Nam, địa danh Kẻ nằm gọn và phân bố đều đặn rộng khắp giữa hai con sông lớn: phía Bắc Tà Kroông Nậy (Bào Nậy), sông Giang, phía Nam Tà Kroông B’hon – sông Đà Rằng (3).

Nhân đây tôi xin thông báo thêm rằng bằng phương pháp thống kê địa danh đã được thực hiện ở trên, có thể trình bày những địa danh có từ Pu (núi), Tà (sông), Na (ruộng đồng), Sách (tổ chức hành chính) mà mật độ phân bố rất dày và cũng trên một bình diện rộng, toàn bộ Lưỡng Việt đến Mũi Nậy ở phía Nam nước ta.

II. Cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng đã giải phóng 65 thành:

Để làm sáng tỏ biên độ và không gian cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng, bên cạnh cứ liệu địa danh ngôn ngữ đã trình bày, cần phải có nhiều tài liệu lịch sử thích hợp mới đi đến kết luận được. Tôi dựa vào các sách Trung Quốc đều nói: Trưng Trắc chiếm 65 thành là cứ liệu quan trọng nhất để nghiên cứu.

Trong Hậu Hán Thư, mục Nam Man truyện ghi về cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng có đoạn viết như sau:

“… Người con gái Giao Chỉ là Trưng Chắc, cùng với em gái là Trưng Nhị, nội dậy đánh phá quận huyện, Trung Trắc vốn là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, là vợ Thi Sách, người Chu Diên, Trắc rất dũng mãnh, Thái thú Giao Chỉ là Tô Định dùng pháp luật trói buộc, Trắc rất căm phẫn, nên chống lại. Các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, người Man, người Lý đều hưởng ứng.

Trưng Trắc chiếm được 65 thành, tự lập làm vua, thứ sử Giao Chỉ và các Thái Thú chỉ còn biết cố thủ. Quang Vũ đế xuống chiếu ra lệnh cho Trường Sa, Hợp Phố, Giao Chỉ chuẩn bị xe, thuyền, sửa chữa đường sá, cầu cống, khai thông các khe suối, tích trữ lương thực. Năm 18 sai Phục Ba tướng quân là Mã Viện đánh, truyền tướng quân là Đoàn Chí đem hơn một vạn quân ở Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng, Thương Ngô tới đánh”.

Nhà Hán sau khi đánh bại Lữ Gia, thôn tính nước Nam Việt và những vùng bị ràng buộc vào Nam Việt thành chín quận. Theo sự ghi chép của Tiền Hán Thư là bộ sách xưa nhất, và các quận đó là:

 Quận                    Số dân                  
1.Nam Hải (7 huyện)94.253 người
2.Uất Lâm (11 huyện)71.162 người
3.Thương Ngô (11 huyện)146.160 người
4.Giao Chỉ (12 huyện)746.237 người
5.Hợp Phố (5 huyện)78.980 người
6.Cửu Chân (2 huyện)35.713 người
7.Nhật Nam (5 huyện)69.485 người

Và hai quận Đạm Nhĩ và Chu Nhai + 9 huyện = 65 thành (từ trước đến nay chưa có tài liệu nào ghi đủ 65 thành, vì căn cứu các biểu vốn là nguyên chú của sách Hán Thư về 2 quận Đạm Nhĩ và Chu Nhai thời Nguyên Bình đã mất). Tôi đã đối chiếu nhiều tài liệu khác nhau để đưa ra số liệu trên. Bộ Giao Chỉ cũng tức là Châu Giao (4).

Theo tổ chức hành chính nhà Hán huyện có thành. Cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng thu về 65 thành, tức là giải phóng toàn bộ 9 quận. Nhà Hán thành lập Bộ Giao Chỉ mang tên quận chủ đạo: thủ phủ đóng tại quận Giao Chỉ. Như thế trung tâm thống trị của nhà Hán đối với 9 quận của Bộ Giao Chỉ – tại quận Giao Chỉ. Sự thống trị đối với các quận không hoàn toàn giống nhau. Cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng nổi lên từ huyện Mê Linh, thuộc quận Giao Chỉ trên đất nước Việt Nam hiện nay. Trung tâm cuộc khởi nghĩa là ở quận Giao Chỉ; và cũng đánh bại cơ quan đầu não của bọn thống trị nhà Hán tại đây.

Thủ phủ của bộ Giao Chỉ chỉ được giải phóng, từ đó phong trào lan rộng ra các quận, tiến tới hoàn toàn giải phóng 65 thành (thuộc 9 quận) bao gồm Lưỡng Việt đến Mũi Nậy (cap Varelle). Cuộc kháng chiến chống Mã Viện cũng diễn ra trong phạm vi không gian đó.

Cần dẫn chứng thêm một chi tiết này để thấy tầm vóc cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng. Theo Hán Thư, Mã Viện truyện: “Khi Mã Viện kéo quân từ Giao Chỉ về, trong bữa tiệc mừng thắng lợi, Mã Viện khóc với Mạnh Kỷ rằng Phục Ba tướng quân Lỗ Bác Đức lập ra 7 quận được phong vài trăm hộ (Hán xâm lược Nam Việt). Nay tôi thắng trận được phong một huyện lớn”… Như thế kẻ địch đánh giá chúng thắng lợi lớn đối với hai bà Trưng lớn hơn khi chúng dẹp Nam Việt (Triệu Đà). Đời Tần, Trung Quốc có 36 quận, Hán có thêm Nam Việt thành 45 quận. Cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng đã xóa đi 1/5 phạm vi thống trị của đế quốc Hán.

Phạm vi phân bố địa danh có từ Kẻ hoàn toàn phù hợp với địa bàn giải phóng 65 thành của hai bà Trưng. Qua tư liệu lịch sử đó cũng là phạm vi không giian của cuộc khởi nghĩa giải phóng độ một triệu rưỡi người thoát khỏi ách thống trị của nhà Hán. Và đó cũng là phạm vi lãnh thổ của nhà nước ta dưới thời đại vinh quang của hai bà Trưng. Ngoài tài liệu lịch sử đã dẫn, chúng tôi đã đối chiếu với tài liệu bản đồ từ chiến quốc đến Tần Hán. Đây là cứ liệu quan trọng khác để tìm hiểu phạm vi cuộc khởi nghĩa và kháng chiến chống Hán của hai bà Trưng. Về tài liệu này chúng tôi sẽ giới thiệu cụ thể vào dịp khác.

III. Hệ quả:

Từ những tư liệu đã trình bày trên, bước đầu chúng tôi có mấy ý kiến sau đây:

1.. Cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng là một cuộ đấu tranh giải phóng dân tộc, mang bản chất tiến bộ. Lần đầu tiên bằng tài liệu địa danh ngôn ngữ kết hợp với chừng mực nhất định cứ liệu lịch sử, thì biên độ và không gian cuộc khởi nghĩa ấy rộng lớn hơn nhiều so với quan niệm trước kia, càng có cơ sở mới để khẳng định tầm vóc vĩ đại cuộc đấu tranh đó. Theo chúng tôi: Phạm vi lãnh thổ cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng giải phóng cũng là lãnh thổ của vương quốc Văn Lang dưới thời đại Hùng Vương, ra đời sớm hơn nước sở thuộc khối Bách Việt ở Trường Giang. Nếu chúng ta tự trói chặt bằng biên giới hiện nay, chắc chắn không thể làm sáng tỏ được nhiều vấn đề lớn của cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng, cũng như không thể dựng lại đầy đủ cuộc kháng chiến vĩ đại của người Lạc Việt đã từng đánh bại 50 vạn quân của đế quốc Tần, mà chính sử người Hán đã ghi lại. Và làm sao có thể giải thích đúng sự phân bố văn hóa đồ đồng Đông Sơn ở Lưỡng Việt, vốn thuộc quốc gia Văn Lang. Vì cuộc xâm lược của Tần mới nảy sinh ra Nam Việt của Triệu Đà, tuyệt nhiên không có một tài liệu nào của Hán, nói về một nhà nước khác đã tồn tại trước đó ở đây.

Vì vậy chúng tôi chỉ nghĩa rằng, nghiên cứu về không gian cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng là rất cần thiết, từ đó có khi còn mở ra nhiều suy nghĩ mới có ích.

2. Từ Lưỡng Việt đến Mũi Nậy ở phía Nam là địa bàn gốc của người Lạc Việt có nguồn gốc và ngôn ngữ chung, nằm trong khối Bách Việt; đã thành lập Vương quốc Văn Lang thời đại Hùng Vương. Cư dân của Nhật Nam tham gia cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng cũng là người Lạc Việt. Sau đó thành lập nhà nước Lâm Ấp, dần dần có sự hỗn hợp với cộng đồng người phía Nam mũi Nậy, nói tiếng Malaya. Đó là nguyên nhân đưa lại sự khác biệt nào đó giữa Việt và Chăm. Trên cơ sở có tư liệu Nhật Nam, tạo ra móc xích để nhận thức mối quan hệ Việt – Chăm đã bị xuyên tạc trong lịch sử.

3. Từ Lưỡng Việt (Lưỡng Quảng) đến Mũi Nậy có một lớp địa danh thống nhất và có quy tắc cấu tạo đồng nhất: từ Kẻ bao giờ cũng đứng trước. Địa danh có từ tố kẻ cùng các địa danh khác tạo thành tập hợp địa danh có cùng một ngôn ngữ. Do đó không thể coi là địa danh trôi từ nơi khác đến.

Vấn đề chúng tôi nêu lên có lẽ khác với những quan niệm cũ. Chắc có thể có ai đó sẽ phân vân. Nhưng trong ký ức người VIệt đã hằn sâu: Lưỡng Việt là đất của người Lạc Việt. Bao nhiêu thế kỷ đã qua, nhận thức đó không bị phai mờ. Hẳn phải có một cơ sở khoa học thực tế lịch sử trọng đại. Đúng như nhà sử học lớn trước công nguyên: Herodotus đã nói: “ký ức về những sự kiện vĩ đại không bao giờ mất đi với thời gian trôi qua”.

GS. TS. Lê Trọng Khánh.
Lược Sử Tộc Việt số hòa từ file PDF, các trang copy xin vui vòng ghi rõ nguồn LSTV.


Chú thích:

 (1) Lịch sử Việt Nam, trang 8, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971.

(2) Hậu Hán Thư quyển 51 và 86.

(3) Có người đã cho rằng Đà Rằng là chuyển âm từ Đắc kroông (đắc là nước thuộc ngôn ngữ Môn), ý kiến này không phù hợp với bia ký cổ.

(4) Có tài liệu nói về Đam Nhĩ và Chu Nhai là 16 huyện. Số huyện các sách chép khác nhau nhưng về lãnh thổ không thay đổi.

1 bình luận về “525. 🌟 Địa danh nước Văn Lang và lịch sử người Việt cổ

  1. Cám ơn tác giả đã sưu tầm những địa danh xưa của dân tộc Việt. Ở Thừa Thiên Huế có nhiều địa danh xưa có chữ Kẻ như: Kẻ Vạn (nay là Kim Long Huế), Kẻ Trài (dưới Bao Vinh), Kẻ Quê (thuộc Xã Hương Chữ Hương Trà), Kẻ Liễu (nay là Liễu Thượng, Liễu Hạ, Liễu Nam và Cổ Liễu thuộc Hương Trà), Huyện Phong Điền thì có Kẻ Bi (nay là Cổ Bi)…..

    Thích

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.