590. ☀ Tìm hiểu về hình tượng thuyền của văn hóa Đông Sơn

Văn hóa Đông Sơn chính là cội nguồn của dân tộc Việt, qua những thông tin mà chúng tôi đã tìm được, thì những giá trị của văn hóa Đông Sơn đang dần dần hiện rõ, với những khám phá về giá trị hoa văn và cổ vật của nền văn hóa này. Một hệ thống các hoa văn dường như không có ý nghĩa trong mắt các nhà nghiên cứu và hầu hết người Việt, nhưng chúng lại ẩn chứa những giá trị vô cùng to lớn, đại diện cho cả nền văn hóa của tộc Việt, là kết tinh của một tiến trình phát triển rất lâu dài của các nền văn hóa trong vùng Đông Á. Các hoa văn trên trống đồng của văn hóa Đông Sơn đã thể hiện 3 yếu tố văn hóa quan trọng nhất, đó là văn hóa thờ Trời, văn hóa Tiên – Rồng và triết lý Âm Dương, các vấn đề này đã được chúng tôi khảo cứu rất kỹ lưỡng trong bài khảo cứu khác [1].

Trong hệ thống các hoa văn văn hóa Đông Sơn, thì các hoa văn thuyền đóng một vai trò rất quan trọng, xuất hiện trên rất nhiều các hiện vật của văn hóa Đông Sơn, trong đó quan trọng nhất là hai dạng hiện vật cốt lõi của văn hóa này, là trống đồng và thạp đồng. Hoa văn thuyền thường xuất hiện trên đỉnh của trống, vốn là đại diện cho thiên đường trong cấu trúc Cây Vũ Trụ của trống đồng văn hóa Đông Sơn. Thuyền trên trống đồng Đông Sơn, chính là thuyền đưa rước Trời, cũng chính là thuyền chuyên chở linh hồn tới thiên đường, đây chính là biểu trưng của nền văn minh cổ đại của nhân loại, không chỉ văn hóa Đông Sơn, mà còn xuất hiện rộng trong nhiều văn hóa lớn trên thế giới.

Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi thực sự rất bất ngờ, bởi những biểu tượng và triết lý của văn hóa Đông Sơn rất tương đồng với văn hóa Ai Cập, trong văn hóa Ai Cập cổ đại, họ cũng có văn hóa thờ Thần Mặt Trời, có thuyền đưa rước Trời, và cũng rất thú vị, khi có những điểm tương đồng bất ngờ giữa thuyền của văn hóa Đông Sơn với văn hóa Ai Cập, kể cả về hình dáng lẫn chức năng. Đó sẽ là tư liệu rất quan trọng, để chúng ta có một góc nhìn toàn diện hơn về các dạng thuyền của văn hóa Đông Sơn, về chức năng và hình ảnh trong thực tế của chúng. Đó sẽ là vấn đề chính mà bài viết này sẽ tập trung tìm hiểu.

1. Thuyền trong văn hóa Đông Sơn:

Trong văn hóa Đông Sơn, thuyền có khá nhiều các hình dạng khác nhau, thường được khắc trên đỉnh trống đồng và trên thân của thạp đồng, đây chính là hai hiện vật cốt lõi của nền văn hóa Đông Sơn.

Trên các thạp đồng văn hóa Đông Sơn, các dạng thuyền cho thấy chúng khá cao và to lớn, chở nhiều người cùng một lúc, đặc biệt là hoa văn thuyền số 2 ở hình dưới, cho thấy đây là một dạng thuyền rất lớn.

Hoa văn thuyền trên các thạp đồng văn hóa Đông Sơn: Đào Thịnh, Việt Khê, Hợp Minh, Lào Cai. [2]

Các hoa văn thuyền trên các trống đồng thường thể hiện dưới một không gian trải rộng, dài hơn so với trên các thạp đồng, dạng thuyền quan trọng nhất chính là các hoa văn thuyền phía dưới, đây gần như là tiêu chuẩn trong các loại thuyền của văn hóa Đông Sơn, thể hiện nhiều yếu tố văn hóa: chim Tiên bay vào đầu thuyền Rồng, các loại chim, cá của thiên đường, tổng thể các thuyền này là hoa văn đưa rước Mặt Trời, mà chúng tôi đã phân tích ở bài [1].

Thuyền trên các trống Ngọc Lũ và Hoàng Hạ. [3]

Bên cạnh đó, thì trên các trống đồng Đông Sơn khác cũng khắc họa nhiều dạng thuyền dài với không gian chỉ đủ cho một hàng, với khá nhiều cách thức thể hiện khác nhau.

Các dạng thuyền trên các trống đồng văn hóa Đông Sơn. [3]

Ở phần sau, chúng ta sẽ thấy được giá trị của hoa văn thuyền được khắc họa trên các cổ vật của văn hóa Đông Sơn, các hoa văn thuyền mang một giá trị rất đặc biệt.

2. Hình thuyền trên trống đồng Đông Sơn:

Trong bài số [1], chúng tôi đã chứng minh rằng thuyền của văn hóa Đông Sơn chính là thuyền Rồng đưa rước Mặt Trời, các hoa văn trên trống đồng Đông Sơn chính là biểu trưng cho một buổi lễ tế Trời. Chúng tôi cũng đã phân tích về cấu trúc của trống đồng chính là một Cây Vũ Trụ [1]. Điều đặc biệt, đó là thuyền luôn được thể hiện ở phần trên cùng của trống đồng, phần tán đại diện cho thiên đường.

Trong thực tế, thì người Ai Cập cũng tôn thờ Trời, vị thần mà họ gọ là Ra, họ cho rằng, vị thần của họ băng qua bầu trời trong chiếc “thuyền mặt trời.”

Minh họa hình ảnh người Ai Cập quan sát vị thần Ra của họ đi thuyền trên bầu trời. [Nguồn]

Dựa trên vị trí mà thuyền Rồng được thể hiện là trên đỉnh của trống đồng biểu trưng cho thiên đường cũng như vai trò trong lễ tế trời, thì nhiều khả năng, hình ảnh thuyền trên trống đồng Đông Sơn chính là “thuyền Mặt Trời”, bên cạnh hình ảnh thực tế là thuyền Rồng, đại diện cho văn hóa Tiên – Rồng của người Việt.

Hoa văn thuyền được trang trí trên đỉnh của trống đồng Ngọc Lũ. [Nguồn: Tạp chí Asia Art]

Trong văn hóa Ai Cập, thì thuyền là thuyền chuyên chở các vị thần, nhưng trong văn hóa Việt, dựa trên khảo cứu hoa văn trống đồng Ngọc Lũ và lễ tế Trời từ sự so sánh với bài Đông Quân, thì hình ảnh những chiếc thuyền của người Việt chính là thuyền đưa rước thần Mặt Trời.

3. Các dạng thuyền văn hóa Đông Sơn và thuyền của người Ai Cập:

Có một điều rất bất ngờ, đó là thuyền của người Ai Cập có rất nhiều điểm giống với thuyền của văn hóa Đông Sơn, thêm một điều may mắn nữa, đó là thuyền của người Ai Cập còn giữ được thậm chỉ nguyên bản một chiếc thuyền, và các dạng mô hình thuyền, cung cấp cho chúng ta những thông tin vô cùng quý giá về những hình ảnh có thể có trong thực tế của thuyền văn hóa Đông Sơn.

Dạng thuyền đầu tiên và quan trọng nhất, chính là thuyền chuyên chở linh hồn, thuyền đưa rước Mặt Trời trong cả hai nền văn hóa Đông Sơn và Ai Cập.

Thuyền Rồng đưa rước Mặt Trời văn hóa Đông Sơn và thuyền đưa rước linh hồn của người Ai Cập. [Nguồn: 1. [3], 2. Bảo tàng Úc.]

Quan sát hai dạng thuyền trên, dường như dạng thuyền của người Ai Cập là một hiện thân trong thực tế của thuyền văn hóa Đông Sơn, với kết cấu tương đồng, hai đầu chính là vật Tổ biểu trưng của hai dân tộc, trên thuyền cũng được bố trí một chiếc bệ lớn, bên cạnh đó là những chiếc cột được thể hiện trong cả hai văn hóa.

Trong văn hóa Ai Cập, họ cũng có một dạng thuyền dài, nguyên bản là chiếc thuyền được tìm thấy trong lăng mộ của Pharaon Khufu. Dạng thuyền dài này xét về hình dáng khá tương đồng với thuyền dài của văn hóa Đông Sơn. Kết cấu thuyền của văn hóa Đông Sơn ngắn hơn, do không gian thể hiện hạn chế, nhưng kết cấu của nó có thể khá dài trong thực tế.

Thuyền trong lăng mộ của Pharaon Khufu và thuyền trên trống đồng Đông Sơn. [Nguồn: 1. dẫn, 2. [3].]

Thuyền của thần Ra trong văn hóa Ai Cập. [Nguồn: Anna Hodyrevskaya]

Mô hình thuyền Mặt Trời của người Ai Cập cổ đại. [Nguồn: The Metropolitan Museum of Art.]

Dạng thuyền nhỏ của Ai Cập cổ đại cũng khá tương đồng với dạng thuyền của văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: 1. Bảo tàng Ai Cập, 2. [3].]

4. Thuyền của người châu Âu cổ đại và thuyền văn hóa Đông Sơn:

Qua sự so sánh của chúng tôi, bạn đọc đã thấy được sự tương đồng giữa thuyền của văn hóa Đông Sơn với thuyền của người Ai Cập, nhưng không chỉ Ai Cập, mà dạng thuyền của văn hóa Đông Sơn còn rất tương đồng với dạng thuyền cổ của người Roman.

Thuyền của văn hóa Đông Sơn (thế kỷ 7-2 TCN) và thuyền của người Roman (thế kỷ 1 đầu công nguyên). [Nguồn: 1. [3], 2. Bảo tàng Úc.]

Các dạng thuyền trong thực tế của người Roman cổ đại. [Nguồn: tổng hợp]

Bên cạnh thuyền của người Roman, thì thuyền của người Viking cũng rất tương đồng với thuyền của văn hóa Đông Sơn, với hai đầu được trang trí gần giống như một chiếc thuyền Rồng.

Thuyền của người Viking và thuyền văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: 1. dẫn; 2. [3]]

Các bằng chứng về khảo cổ cho thấy dường như đã có sự giao tiếp của văn hóa Đông Sơn với phương Tây thông qua Ấn Độ [4], hoặc chí ít, là gián tiếp từ các dân tộc Nam Đảo và các dân tộc Nam Á ở phía Nam Việt Nam, vốn chịu ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn trong thời kỳ đồ đồng với phương Tây. Nên có khả năng, những đặc trưng của văn hóa Đông Sơn đã được truyền tải thông qua các hoạt động giao thương.

5. Hoa văn thuyền ở Timor Leste và thuyền Đông Sơn:

Timor Leste, thuộc vùng Đông Nam Á hải đảo, vốn là một vùng đất chịu ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn, với rất nhiều những cổ vật và ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn đã được tìm thấy tại đây [5]. Trên các bức tranh đá tại đây, có một bức tranh thuyền từ dạng thuyền và ý thức văn hóa của văn hóa Đông Sơn.

Hoa văn thuyền khắc trên đá tại Timor Leste. [5]

Hoa văn thuyền này vừa cách điệu lại vừa thực tế, cung cấp cho chúng ta một góc nhìn thực tế hơn về thuyền của văn hóa Đông Sơn. Hai đầu chuyền là hai đầu cong tương tự như trên các đồ đồng văn hóa Đông Sơn, dạng đầu bên phải chính là dạng đầu thuyền Rồng mà văn hóa Đông Sơn đã thể hiện. Ngoài ra, trên thuyền này đã thể hiện chiếc buồm, mà trên các trống đồng, thạp đồng văn hóa Đông Sơn không thể hiện, có lẽ là do thiếu không gian để vẽ. Hoa văn này cũng thể hiện yếu tố quan trọng nhất: thờ Mặt Trời với hai Mặt Trời rất lớn đằng trên và đằng dưới thuyền. Hoa văn cũng thể hiện hình ảnh của loài chim tượng trưng cho Thiên Đường. Dạng thuyền này lai cả hai dạng thuyền trung và thuyền dài của văn hóa Đông Sơn.

Các dạng thuyền tương đồng của văn hóa Đông Sơn. [3]

6. Buồm và thuyền vượt biển của văn hóa Đông Sơn:

Trong văn hóa Đông Sơn, thì các hoa văn cũng đã thể hiện dạng thuyền rất lớn, có nhiều khả năng, thời kỳ văn hóa Đông Sơn, thì người Việt đã sử dụng buồm, nhưng do không gian hạn chế nên đã không thể hiện trực tiếp trên các hoa văn.

Dạng thuyền lớn của văn hóa Đông Sơn. [2]

Nhà nghiên cứu Martin Doustar đã cung cấp cho chúng ta một thông tin rất quan trọng: “In the Papuan tradition, an ancestral myth even speaks of a long boat coming from the north and commanded by a prominent character wearing a high feather headdress…” – “Trong truyền thống của người Papuan, một huyền thoại của tổ tiên họ thậm chí còn nói về một chiếc thuyền dài đến từ phương bắc và được chỉ huy bởi một nhân vật nổi bật đội mũ lông vũ cao…. [6]

Từ thông tin này, chúng ta đã thấy được rằng người Việt thời kỳ văn hóa Đông Sơn đã có những con thuyền lớn, có buồm để vượt biển, tới các vùng Đông Nam Á hải đảo nhằm truyền bá văn hóa Đông Sơn tới vùng này.

7. Thuyền Mông Đồng thời Nguyễn và thuyền văn hóa Đông Sơn:

Trong thời kỳ nhà Nguyễn, người Việt đã chế tạo một dạng thuyền rất đặc biệt, đó là thuyền Mông Đồng, đây là một dạng thuyền có kết cấu rất tương đồng với kết cấu thuyền trên trống đồng Đông Sơn.

Thuyền Mông Đồng thời Trịnh-Nguyễn và thuyền Rồng văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: 1. Samuel Baron, 2. [3]]

Cũng khá tình cờ, là dạng thuyền Mông Đồng rất giống với thuyền của người Roman, như chúng tôi đã dẫn ở trên, thì thuyền của văn hóa Đông Sơn có sự tương đồng lớn với thuyền của người Roman.

Thuyền của người Roman và thuyền Mông Đồng thời Trịnh-Nguyễn. [Nguồn: 1. dẫn, 2. Samuel Baron.]

8. Mộ thuyền và văn hóa của người Việt:

Văn hóa mộ thuyền là một đặc trưng rất quan trọng của văn hóa Đông Sơn, theo thống kê, thì tại 44 di chỉ Đông Sơn đã tìm thấy 171 ngôi mộ thuyền [7]. Đặc trưng mộ thuyền của văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc từ văn hóa Lương Chử, mộ thuyền vốn cũng là một đặc trưng quan trọng của văn hóa này.

Các hình ảnh và hiện vật phục dựng mộ thuyền văn hóa Lương Chử của Viện Khảo cổ học Chiết Giang.

Văn hóa này có liên quan rất mật thiết tới những chiếc thuyền trên đồ đồng của văn hóa Đông Sơn, hình tượng thuyền của văn hóa Đông Sơn có chức năng chính là đưa rước Mặt Trời, nhưng bên cạnh đó, nó cũng có một chức năng khác rất quan trọng: đưa rước linh hồn người chết lên thiên đường. Đó là câu trả lời cho văn hóa mộ thuyền của người Việt, vì yếu tố văn hóa tâm linh, mà người Việt đã sử dụng trực tiếp những con thuyền, hoặc những thân cây khoét rỗng thành một chiếc mộ thuyền để đưa linh hồn tới thiên đường.

Những người có điều kiện hơn, như ngôi mộ Việt Khê phía dưới, vốn là của một nhân vật rất giàu có trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn, sẽ thuê thợ để chế tác một ngôi mộ cầu kỳ hơn, với kỹ thuật ghép mộng giống hệt với con thuyền, hoặc sử dụng trực tiếp những con thuyền cũ, còn những người ít điều kiện hơn (những người giàu có nhất) sẽ chỉ đơn thuần sử dụng những thân cây xẻ đôi, khoét rỗng và ghép thành mộ thuyền. Vì để có được những ngôi mộ thuyền cần có điều kiện về kinh tế, nên những ngôi mộ thuyền hầu như chỉ dành cho tầng lớp cao trong xã hội của người Việt.

Mộ thuyền Việt Khê của văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam.]

Các hình ảnh phục dựng mộ thuyền Yên Bắc và mộ thuyền Động Xá. [4]

9. Kết luận:

Thông qua tìm hiểu về nguồn gốc của trống đồng và hoa văn trống đồng Đông Sơn, chúng ta đã thấy được rằng các dạng thuyền của văn hóa Đông Sơn, chính là thuyền Rồng được sử dụng để đưa rước Mặt Trời, đưa rước linh hồn lên thiên đường. Các hiện vật của văn hóa Ai Cập cũng như hoa văn tại Timor Leste đã cung cấp những thông tin rất quan trọng để chúng ta có thể thấy được hình ảnh thực tế của các hoa văn thuyền trên trống đồng và thạp đồng của văn hóa Đông Sơn.

Từ đây, có thể thấy được rằng hình tượng thuyền trong văn hóa Đông Sơn có vai trò rất quan trọng trong nền văn hóa cổ của người Việt, văn hóa này còn thể hiện một cách sâu sắc trong văn hóa mai táng, khi người Việt thời Đông Sơn thường chôn người chết cùng với những ngôi mộ thuyền bằng thân cây khoét rỗng, như một phương tiện đưa người chết tới thiên đường theo quan niệm của người Việt trong thời kỳ này.

Chúng tôi hy vọng rằng, bài khảo cứu ngắn này sẽ là cơ sở để các họa sĩ, nhà thiết kế có thể tưởng tượng và phỏng dựng lại những dạng thuyền của văn hóa Đông Sơn, từ đó sử dụng các dạng thuyền này trong các bức tranh, cũng như tìm hướng để ứng dụng vào trong cuộc sống thực tế ngày nay của người Việt.

Lang Linh


Tài liệu tham khảo:

[1] Lang Linh (2021), Khảo cứu về trống đồng và hoa văn trống đồng Đông Sơn.
https://luocsutocviet.com/2021/12/12/580-khao-cuu-ve-trong-dong-va-hoa-van-trong-dong-dong-son/

[2] Nguyễn Du Chi. Hoa văn Việt Nam. 2003. Hà Nội: Nxb Viện Mỹ Thuật. 

[3] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng. Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. 1975. 

[4] Bellwood, Peter & Cameron, Judith & Viet, Nguyen & Liem, Bui. (2007). Ancient Boats, Boat Timbers, and Locked Mortise‐and‐Tenon Joints from Bronze/Iron‐Age Northern Vietnam. International Journal of Nautical Archaeology. 36. 2 – 20. 10.1111/j.1095-9270.2006.00128.x.

[5] Oliveira, N. V., O’Connor, S., & Bellwood, P. (2019). Dong Son drums from Timor-Leste: prehistoric bronze artefacts in Island Southeast Asia. Antiquity, 93(367), 163–180. doi:10.15184/aqy.2018.177 

[6] Martin Doustar. Art of the Bronze Age in Southeast Asia. 2014: Martin Doustar tribal and ancient arts.

[7] Bui, V. L., 2005, A study of boat-shaped coffins from Dongson sites in Vietnam, Bulletin of the Indo-Pacific Prehistory.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.