555. ☀ Các phiên bản truyện họ Hồng Bàng

Truyện họ Hồng Bàng là câu chuyện truyền thuyết có cốt lõi lịch sử, ghi lại thời kỳ khởi nguyên của cộng đồng tộc Việt, truyện đã ghi chép về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên của người Việt, nó cũng cho chúng ta thấy được rất rõ tiến trình hình thành và phát triển của cộng đồng tộc Việt, các chi tiết cốt lõi của truyện cho thấy những cơ sở thực tế từ việc tìm hiểu nguồn gốc của người Việt dưới ánh sáng của khoa học, với các nghiên cứu di truyền, khảo cổ học tương đồng với các chi tiết trong truyền thuyết họ Hồng Bàng mà chúng tôi đã khảo cứu trong một số bài viết khác. [1][2].

Vì một số yếu tố, mà câu chuyện này trở thành một chủ đề tranh luận rất gay gắt trong cả tầng lớp trí thức lẫn tầng lớp bình dân, trong đó chủ yếu là hai yếu tố: truyện chỉ được chép thành văn vào thời nhà Trần, và còn là cuốn sách hiếm hoi còn sót lại sau sự tàn phá tài liệu văn tự hiểm độc của nhà Minh, nên nhiều người tỏ ý không tin tưởng về giá trị của tác phẩm này, cho rằng là sản phẩm mà người Hán đã để lại nhằm mục đích đồng hóa người Việt, bên cạnh đó, truyện họ Hồng Bàng được chép trong sách Lĩnh Nam chích quái cũng thể hiện nhiều chi tiết ma quái, loạn luân và phi thực tế, nên nhiều người đã không chấp nhận nguồn gốc này của dân tộc mình.

Tuy nhiên, nếu tìm hiểu một cách sâu sắc và kỹ lưỡng, chúng ta sẽ thấy truyện họ Hồng Bàng, hay các câu truyện truyền thuyết thời Hùng Vương vốn được truyền trong dòng văn hóa dân gian, sách Lĩnh Nam chích quái chỉ chép lại từ sự truyền miệng của văn hóa dân gian, không phải do Trần Thế Pháp sáng tạo nên.

Bởi là truyền thuyết, nên chắc chắn trong dân gian chúng ta cũng sẽ tìm thấy một phiên bản khác với trong truyện Lĩnh Nam chích quái. Thực tế, thì tại Phú Thọ, người Việt vẫn tiếp tục lưu truyền câu chuyện họ Hồng Bàng trong dòng văn hóa dân gian, nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên đã dày công sưu tầm và biên tập các truyền thuyết thời Hùng Vương, trong đó bao gồm cả câu truyện về họ Hồng Bàng. Đây là một tư liệu rất quan trọng để chúng ta có thể hiểu thêm về nguồn gốc họ Hồng Bàng. Từ phiên bản truyện trong dân gian tìm được, chúng tôi sẽ tiến hành khảo cứu và so sánh hai phiên bản truyện họ Hồng Bàng, để đem lại một cái nhìn mới mẻ hơn về cội nguồn Hồng Bàng của dân tộc Việt so với những gì đã được ghi chép trong sách Lĩnh Nam chích quái.

I. Các phiên bản truyện họ Hồng Bàng:

1. Truyện họ Hồng Bàng trong dòng văn hóa dân gian:

Truyện họ Hồng Bàng được truyền trong dòng văn hóa dân gian, tại Phú Thọ, người dân tại đây vẫn tiếp tục lưu truyền câu truyện về họ Hồng Bàng xuyên qua thời Bắc thuộc, qua thời phong kiến cho tới hiện tại, câu truyện này sau đó được nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên sưu tầm và giới thiệu trong tác phẩm “Truyền thuyết Hùng Vương – Thần thoại vùng đất Tổ” [3], đây là tư liệu vô cùng quý giá, thể hiện một câu chuyện có nhiều chi tiết khác biệt với trong sách Lĩnh Nam chích quái.

HỌ HỒNG BÀNG [3]

Tục truyền rằng vua đầu nước ta hiệu Kinh Dương Vương và vua đầu Bắc quốc hiệu Đế Nghi là hai anh em, con ngài Đế Minh, cháu 3 đời Viêm Đế Thần Nông. Viêm Đế Thần Nông là vị thần coi về trồng trọt ngũ cốc cho loài người.

Một hôm Ngọc Hoàng thượng đế trông xuống cõi trời Nam, thấy trên mặt đất phần lớn là hoa quả, ít ngũ cốc, mới bảo Thần Nông rằng:

Ta sắc chỉ sai nhà ngươi xuống trần gian giúp cho giống người da vàng trồng lúa làm lương ăn.

Thần Nông bèn hội họp con cháu kể lại sắc chỉ của Ngọc Hoàng. Đế Minh là cháu ba đời nói rằng: – Công việc mùa màng ở hạ giới rất vất vả. Vậy cháu xin đi thay.

Thần Nông khen Đế Minh là hiếu thảo, đưa cho hai hạt thóc, một để ăn, một để làm giống đem đi.

Đế Minh và vợ đáp mây lành xuống ở núi Nghĩa Lĩnh. Hàng ngày hai vợ chồng cập một hạt thóc lấy bột gạo ăn, còn chiếc vỏ trấu để lại, sau dân thờ làm trấu thần.

Lại nói việc dạy dân trồng lúa vùng cao thì ông bà con dậy họ phát nương đốt trà, chọc lỗ tra hạt (đao canh), vùng thấp thì đợi nước sông rút cạn, ruộng bãi đã thối ngấu cây cỏ, lấy trang cao mà đấy cho sục bùn, đều phẳng, rồi gieo giống thuỷ nậu). Lại dạy dân bỏ gạo vào ống tre đốt làm cơm mà ăn, bắt tôm cá làm mắm, dùng gừng giềng làm gia vị, chưng cất gạo lấy rượu uống; bắc gỗ làm nhà sàn để tránh hổ sói; cưới xin thì lấy gói đất làm đầu, giết trâu dê làm đồ lễ, nấu cơm nếp nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân. Đẻ có ra lấy lá chuối lót cho nằm. Khi có người chết thì giã cối làm hiệu để bản làng đến cứu giúp.

Đế Minh sinh được hai con trai, anh là Lộc Tục em là Lộc Linh. Một hôm có sứ của Ngọc Hoàng xuống triệu Đế Minh về trời. Ông gọi hai con đến bảo:

Ngọc Hoàng sai ta xuống hạ giới có kỳ hạn, nay đã làm xong việc. Trước khi về Trời ta phong cho Lộc Tục cai quản Phương Bắc. Lộc Linh cai quản phương Nam.

Lộc Tục nhường em Phương Bắc, còn mình ở Phương Nam. Đế Minh nghĩ “Lộc Tục thông minh hơn cho đất rộng hơn, chẳng ngờ lại từ tạ”, bất đắc dĩ cũng bằng lòng.

Lộc Linh nhận Phương Bắc xưng là Đế Nghi.

Lộc Tục nhận Phương Nam xưng là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương có tài đi lại dưới nước, gặp Thần Long Nữ con gái vua Động Đình Hồ nhan sắc đẹp tươi, bèn lấy làm vợ. Thần Long Nữ sinh ra một người con trai mình đầy vẩy rồng, đặt tên là Sùng Lãm

Sùng Lãm nối ngôi cha xưng hiệu là Lạc Long Quân.

Lạc Long Quân đi tuần thú tới động Lăng Xương gặp tiên nữ Âu Cơ hái dâu bên bờ sông Đà bèn lấy làm vợ đưa về ở núi Nghĩa Lĩnh. Âu Cơ có mang ba năm ba tháng mười ngày, đến giờ Ngọ ngày 25 tháng chạp năm Giáp tý chuyển dạ sinh ra một bọc trăm trứng. Hôm ấy trời xanh nắng ấm, mây lành ấp núi, hương thơm ngan ngát đầy phòng.

Long Quân cho triệu triều thần đến lập đàn tế cáo trời đất. Các loài sơn cầm thuỷ tộc đều đến châu mừng. Ngày 15 tháng giêng năm Ất sửu trăm quả trứng nở thành trăm con trai. Những người con này không bú mớm, chỉ ăn hoa quả, không nói năng, mỗi ngày cười 3 lần. Bỗng một hôm tất cả đều hô vang “Trời sinh vua trị nước, thiên hạ thái bình”. Vợ chồng Âu Cơ rất mừng rỡ, nhưng không biết làm thế nào để phân biệt được đàn con đông đúc ấy, bèn đem lễ vật mời ông Tiên ngồi câu cá ở bến Việt Trì lên đặt tên cho từng người. Tiên ông đặt tên cho người con cả là Lân Lang, chín mươi chín người em cũng đều gọi là Lang như Xích Lang, Quynh Lang, Mật Lang…

Long Quân bảo Âu Cơ rằng :

“Ta là giống Rồng đứng đầu thuỷ tộc. Nàng là giống Tiên Sống ở trên núi. Tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thuỷ hoả tương khắc khó ở lâu với nhau được, nay phải chia ly, ta đem 50 người con về miền bể chia trị các xứ, cho 50 con theo nàng lên núi, chia nước mà trị. Lên núi xuống bể hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên”. Trước khi đi, Long Quân phong cho người con trưởng làm vua và bảo các con rằng: “Giống sơn nam và giống thuỷ tộc thường ghét nhau. Hãy lấy mực xăm mình cho giống giao long thì lội xuống nước mới không bị hại”. Lại dặn khi nào có nguy cấp thì gọi to: “Bố ơi về cứu con. Ta sẽ đến ngay”

Lân Lang bèn xưng là Hùng Quốc Vương, đóng đô Việt Trì, đặt tên nước là Văn Lang, chia làm 15 bộ sai các em đi trấn giữ. Kể từ đây các đời vua nối đều lấy hiệu là Hùng Vương, truyền được 18 đời.

2. Truyện họ Hồng Bàng trong sách Lĩnh Nam chích quái:

Lĩnh Nam chích quái, câu chuyện ghi lại những truyền thuyết của người Việt từ thời Hùng Vương cho tới thời kỳ tự chủ, tác giả được cho là Trần Thế Pháp, sống vào thời nhà Trần [4]. Câu chuyện này thường được mặc định là phiên bản gốc của truyện họ Hồng Bàng, nhưng nó có nhiều điểm khác với truyện được truyền trong văn hóa dân gian.

Truyện Hồng Bàng [4]

Cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông tên là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi, rồi đi nam tuần đến Ngũ Lĩnh, gặp được nàng con gái Vụ Tiên đem lòng yêu mến mới cưới đem về, sinh ra Lộc Tục, dung mạo đoan chính, thông minh túc thành; Đế Minh lấy làm lạ, cho nối ngôi vua; Lộc Tục cố nhường cho anh. Đế Minh lập Đế Nghi làm tự quân cai trị phương Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ Quốc.

Kinh Dương Vương xuống thủy phủ, cưới con gái vua Động Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm tức là Lạc Long Quân; Lạc Long Quân thay cha để trị nước, còn Kinh Dương Vương thì không biết đi đâu. Lạc Long Quân dạy dân ăn mặc, bắt đầu có trật tự về quân thần tôn ty, có luân thường về phụ tử phu phụ; hoặc có lúc đi về Thủy phủ nhưng trăm họ vẫn được yên ổn. Dân lúc nào có việc cần thời kêu Lạc Long Quân: “Bố đi đằng nào, không đến mà cứu chúng ta”, (Người Nam gọi cha bằng Bố, gọi quân bằng vua là từ đấy), thì Lạc Long Quân lập tức đến ngay, uy linh cảm ứng không ai có thể trắc lượng được. Đế Nghi truyền ngôi cho Đế Lai cai trị phương Bắc; nhân khi thiên hạ vô sự, sực nhớ đến chuyện ông nội là Đế Minh nam tuần gặp được tiên nữ, Đế Lai bèn khiến Xi Vưu tác chủ quốc sự mà nam tuần qua nước Xích Quỷ, thấy Long Quân đã về Thủy phủ, trong nước không vua, mới lưu ái thê là Âu Cơ cùng với bộ chúng thị thiếp ở lại hành tại. Đế Lai chu lưu khắp thiên hạ, trải xem tất cả hình thể, trông thấy kỳ hoa dị thảo, trân cầm dị thú, tê tượng, đồi mồi, kim ngân, châu ngọc, hồ tiêu, nhũ hương, trầm đàn, các loại sơn hào hải vị không thứ nào là không có; khí hậu bốn mùa lại không nóng không lạnh, Đế Lai ái mộ quá, quên cả ngày về. Nhân dân nước Nam khổ về sự phiền nhiễu, không yên ổn như xưa, đêm ngày mong đợi Long Quân về nên mới đem nhau kêu rằng:

– Bố ở phương nào, nên mau về cứu nhân dân.

Lạc Long Quân bỗng nhiên lại về, thấy nàng Âu Cơ ở một mình, dung mạo đẹp lạ lùng, yêu quá, mới hóa ra một chàng nhi lang phong tư mỹ lệ, tả hữu thị tùng đông đảo, tiếng đàn ca vang đến hành tại. Âu Cơ trông thấy mà lòng cũng ưng theo; Long Quân bèn rước nàng về núi Long Trang. Đế Lai về không thấy Âu Cơ bèn sai quần thần tìm khắp thiên hạ. Long Quân có thần thuật, biến hiện trăm cách, nào là yêu tinh quỷ mị, nào là long xà hổ tượng, kẻ đi tìm úy cụ, không dám lục đảo tận cùng. Đế Lai trở về Bắc, lại truyền ngôi cho Đế Đu, cùng với Hoàng Đế đánh nhau ở Bản Tuyền không hơn nên tử trận; họ Thần Nông bèn mất. Âu Cơ ở với Lạc Long Quân giáp một năm, sinh ra một bọc trứng, cho là điềm không hay nên đem bỏ ra ngoài đồng nội; hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai, nàng đem về nuôi nấng, không phải cho ăn, cho bú mà tự nhiên trường đại, trí dũng song toàn, ai cũng úy phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường. Long Quân ở lâu dưới Thủy phủ; mẹ con ở một mình, nhớ về Bắc quốc liền đi lên biên cảnh; Hoàng Đế nghe tin lấy làm sợ mới phân binh trấn ngự quan tái; mẹ con không về Bắc được, đêm ngày gọi Long Quân:

– Bố ở phương nào làm cho mẹ con ta thương nhớ.

Long Quân hốt nhiên lại đến, gặp hai mẹ con ở Tương Dạ; Âu Cơ nói:

– Thiếp vốn người Bắc, cùng ở một nơi với quân, sinh được một trăm trai mà không có gì cúc dưỡng, xin cùng theo nhau chớ nên xa bỏ, khiến cho ta là người không chồng không vợ, một mình vò võ.

Long Quân bảo:

– Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi trai về Thủy phủ phân trị các xứ, năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau.

Trăm trai đều nghe mệnh, rồi mới từ giã mà đi. Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu – (bây giờ là huyện Bạch Hạc), tự suy tôn người hùng trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang; về bờ cõi của nước thì Đông giáp Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến Động Đình hồ, Nam đến nước Hồ Tôn Tinh (bây giờ là nước Chiêm Thành), chia trong nước làm mười lăm bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Quế Lâm, Tượng Quận, sai các em phân trị, đặt em thứ làm tướng võ, tướng văn; tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái gọi là Mỵ Nương, quan Hữu ty gọi là Bồ chính, thần bộc nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo, thay đời truyền cho nhau đều hiệu là Hùng Vương không đổi.

Dân ở rừng núi xuống sông ngồi đánh cá, thường bị giao long làm hại nên bạch với vua. Vua bảo rằng:

– Núi là loài rồng cùng với thủy tộc có khác, bọn chúng ưa đồng mà ghét dị cho nên mới xâm hại.

Bèn khiến lấy mực chạm hình trạng thủy quái ở thân thể, từ đó tránh được nạn giao long cắn hại; cái tục văn thân [36] của Bách Việt thực khởi thủy từ đấy. Ban đầu, quốc dân ăn mặc chưa đủ, phải lấy vỏ cây làm áo mặc, dệt cỏ ống làm chiếu nằm; lấy gạo ngâm làm rượu, lấy cây quang lang, cây soa đồng làm bánh; lấy cầm thú, cá tôm làm nước mắm, lấy rễ gừng làm muối; lấy dao cày, lấy nước cấy: đất trồng nhiều gạo nếp, lấy ống tre thổi cơm; gác cây làm nhà để tránh nạn hổ lang; cắt ngắn đầu tóc để tiện vào rừng núi, con đẻ ra lót lá chuối cho nằm; nhà có người chết thì giã gạo để cho hàng xóm nghe mà chạy đến cứu giúp; trai gái cưới nhau trước hết lấy muối làm lễ hỏi, rồi sau mới giết trâu dê làm lễ thành hôn, đem cơm nếp vào trong phòng cùng ăn với nhau cho hết, rồi sau mới thương thông; lúc bấy giờ chưa có trầu cau nên phải thế.

Bách Nam là thủy tổ của Bách Việt vậy.

II. Phân tích hai bản truyện họ Hồng Bàng:

1. Truyện họ Hồng Bàng trong hai phiên bản và những chi tiết gây hiểu nhầm:

Truyện họ Hồng Bàng trong sách Lĩnh Nam chích quái chính là phiên bản phổ biến nhất, nổi tiếng nhất, được nhiều người Việt biết tới nhất, nhưng trong câu chuyện này có khá nhiều vấn đề, gây ra những hiểu nhầm không nhỏ trong tâm thức của người Việt, có người cho rằng Thủy Tổ của dân tộc mình không thể ma quái như vậy được. Chúng tôi nhận thấy lý do mà nhiều người lầm tưởng như vậy, có lẽ bởi những chi tiết ma quái trong truyện họ Hồng Bàng chép trong sách Lĩnh Nam chích quái, trong truyện này còn thể hiện một chi tiết loạn luân, khi Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân có họ hàng với nhau, hai vị Thủy Tổ của dân tộc Việt mà lại là kết quả của sự loạn luân, cướp vợ, trái với luân thường đạo lý của dân tộc thì quả thực là khó có thể chấp nhận được.

Sau đây là các chi tiết gây hiểu nhầm trong sách Lĩnh Nam chích quái: “Lạc Long Quân bỗng nhiên lại về, thấy nàng Âu Cơ ở một mình, dung mạo đẹp lạ lùng, yêu quá, mới hóa ra một chàng nhi lang phong tư mỹ lệ, tả hữu thị tùng đông đảo, tiếng đàn ca vang đến hành tại. Âu Cơ trông thấy mà lòng cũng ưng theo; Long Quân bèn rước nàng về núi Long Trang. Đế Lai về không thấy Âu Cơ bèn sai quần thần tìm khắp thiên hạ. Long Quân có thần thuật, biến hiện trăm cách, nào là yêu tinh quỷ mị, nào là long xà hổ tượng, kẻ đi tìm úy cụ, không dám lục đảo tận cùng…. Âu Cơ ở với Lạc Long Quân giáp một năm, sinh ra một bọc trứng, cho là điềm không hay nên đem bỏ ra ngoài đồng nội; hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai, nàng đem về nuôi nấng, không phải cho ăn, cho bú mà tự nhiên trường đại, trí dũng song toàn, ai cũng úy phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường.” [4]

Qua đây, có thể dễ dàng nhận thấy những chi tiết phi thực tế, ma quái, loạn luân không phù hợp với luân thường đạo lý của người Việt trong thời kỳ cổ đại và cả trong thời hiện đại. Xem xét kỹ những chi tiết trong truyện chép tại Lĩnh Nam chích quái, so sánh với truyện truyền trong dân gian, thì nhiều khả năng, tác giả Trần Thế Pháp đã thêm thắt câu chuyện gốc, nhằm mục đích đưa nó trở nên hấp dẫn hơn, có tính truyền kỳ hơn, khi thể loại truyền kỳ đã có từ thời nhà Hán, sau đó được người Việt tiếp nhận, những yếu tố của truyện truyền kỳ đó là motif kỳ quái, hoang đường được lồng ghép các chi tiết thực tế, nên các câu chuyện thường được biên tập theo xu hướng đó của thể loại truyền kỳ. Vào thời nhà Trần, thì hai tác phẩm là Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp và Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên đã được sáng tác theo thể loại truyền kỳ đó, chép lại những truyện trong dân gian với sự biến tấu của các tác giả cho phù hợp với thể loại truyền kỳ. Tác giả Trần Thế Pháp có thể đã thêm thắt vào câu truyện họ Hồng Bàng để phù hợp với tính chất của thể loại truyền kỳ, nhưng vô tình đã làm truyện trở nên khó tin, hoang đường, không còn trọn vẹn giá trị của phiên bản gốc.

Trong truyện họ Hồng Bàng được truyền trong dòng văn hóa dân gian [3], chúng ta thấy rõ hơn trong đó tính thực tế của câu chuyện, hầu như không có những yếu tố ma quái như truyện trong sách Lĩnh Nam chích quái đã thể hiện, câu chuyện kể về sự kết hôn của Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ là một câu chuyện giản dị: Cha gặp Mẹ, sau đó hai người kết duyên, hoàn toàn không phải một câu chuyện có tính chất phức tạp, loạn luân như chi tiết trong sách Lĩnh Nam chích quái. Sự hình thành của người Việt cũng bắt nguồn từ sự kết duyên của Cha Lạc Long Quân đại diện cho dương, Mẹ Âu Cơ đại diện cho âm, sinh ra tộc Việt với hình tượng bọc trăm trứng, mang trong mình cả hai yếu tố âm dương. Chi tiết thần kỳ về bọc trăm trứng vẫn được bảo lưu trong cả hai phiên bản truyện họ Hồng Bàng cho thấy đó là một chi tiết có giá trị triết lý quan trọng đối với người Việt, không phải là một chi tiết ma quái, phi thực tế được thêm thắt bởi Trần Thế Pháp trong cuốn Lĩnh Nam chích quái.

2. Cốt lõi tương đồng của hai phiên bản truyện họ Hồng Bàng:

Tuy nhiên, nếu xét về bản chất cốt lõi của cả hai câu chuyện, thì cả hai phiên bản đều hoàn toàn giống nhau, có sự khác biệt nhưng rất nhỏ, cả hai đều thể hiện cốt lõi lịch sử và chứng minh về nguồn gốc và sự hình thành của tộc Việt. Chúng ta có thể tóm tắt những ý tưởng cốt lõi trong từng câu chuyện như sau:

Truyện họ Hồng Bàng trong văn hóa dân gian: Đế Minh là cháu ba đời của Thần Nông, Đế Minh sinh ra Lộc Tục và Lộc Linh, ban cho Lộc Linh làm vua phương Bắc, Lộc Tục làm vua phương Nam, Lộc Tục lên ngôi lấy hiệu là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương tới vùng hồ Động Đình, cưới bà Long Nữ là con gái của vua Động Đình Hồ, sinh ra Sùng Lãm, Sùng Lãm thay cha làm vua, lấy hiệu Lạc Long Quân. Lạc Long Quân cưới Âu Cơ, sinh ra bọc trăm trứng, tuy nhiên, sau đó Lạc Long Quân và Âu Cơ phải chia ly do thủy hỏa không tương hợp, Âu Cơ đưa 50 người con về vùng miền Bắc Việt Nam, lập nên quốc gia Văn Lang, con trưởng của Mẹ Âu Cơ lên ngôi lấy hiệu là Hùng Vương, lập nước Văn Lang, sai các em trấn giữ các vùng. [3]

Truyện họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam chích quái: Đế Minh là cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông, ông sinh ra Đế Nghi, đi tuần tới Ngũ Lĩnh gặp và kết duyên với nàng Vụ Tiên, sinh ra Lộc Tục. Đế Minh có ý nhường ngôi cho Lộc tục, nhưng Lộc Tục cố nhường cho anh là Đế Nghi. Đế Minh lập Đế Nghi làm vua phương Bắc, Lộc Tục làm vua phương Nam. Lộc Tục lên ngôi lấy hiệu Kinh Dương Vương, đặt hiệu là Xích Quỷ Quốc. Kinh Dương Vương cưới con gái vua Động Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm, Kinh Dương Vương truyền ngôi cho Sùng Lãm, lấy hiệu Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ. Ở vùng phía Bắc, Đế Đu đánh nhau với Hoàng Đế ở Bản Tuyền không hơn nên tử trận, họ Thần Nông mất từ đó. Lạc Long Quân và Âu Cơ kết duyên sinh ra bọc trăm trứng, là thủy tổ của Bách Việt. Lạc Long Quân và Âu Cơ, một dương, một âm, thủy hỏa tương khắc, nên đã phải biệt ly, 50 con trai theo cha về Thủy phủ, 50 con theo mẹ về Việt Nam, suy tôn con trưởng lên làm Hùng Vương, lấy quốc hiệu Văn Lang, sai các em phân trị các vùng. [4]

Cả hai đều cung cấp cho chúng ta những thông tin rất quan trọng về nguồn gốc, truyện họ Hồng Bàng trong sách Lĩnh Nam chích quái có chép chi tiết mà truyện họ Hồng Bàng trong dân gian không chép, đó là Đế Đu đánh nhau với Hoàng Đế ở trận Bản Tuyền, đại diện cho cuộc chiến tranh xâm lược vào vùng đồng bằng Hoàng Hà của Hoàng Đế, đại diện cho người Hoa Hạ, vì vậy, cần phải sử dụng kết hợp và đối chiếu cả hai bản truyện họ Hồng Bàng để có thể tìm hiểu về nguồn gốc của họ Hồng Bàng.

3. Đề xuất một bản truyện họ Hồng Bàng mới:

Dựa trên hai bản truyện họ Hồng Bàng được chúng tôi dẫn ở trên, chúng tôi đã thử kết hợp các chi tiết trong cả hai bản truyện để thử đưa ra một bản truyện mới thể hiện chính xác và toàn diện hơn về nguồn gốc của họ Hồng Bàng. Ngôn từ, cách hành văn chúng tôi tuân theo nguyên bản của cả hai câu chuyện, chỉ chắt lọc, kết hợp những chi tiết khác nhau trong hai câu chuyện, để truyện họ Hồng Bàng được đầy đủ hơn so với từng phiên bản được truyền trong dân gian và ghi thành văn trong Lĩnh Nam chích quái.

Họ Hồng Bàng
(phiên bản kết hợp)

Đế Minh là cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông, vị thần cai quản việc trồng trọt ngũ cốc cho loài người. Đế Minh đi tuần tới dãy Ngũ Lĩnh, gặp được nàng Vụ Tiên, đem lòng yêu mến, mới cưới đem về, bà Vụ Tiên sinh ra hai anh em Lộc Tục và Lộc Linh, Lộc Tục là anh, Lộc Linh là em. Lộc Tục dung mạo đoan chính, thông minh túc thành, Đế Minh thấy thế muốn cho nối ngôi vua, Lộc Tục muốn nhường cho Lộc Linh. Đế Minh bèn lập Lộc Linh làm vua phương Bắc, lấy hiệu Đế Nghi, phong Lộc Tục làm vua phương Nam lấy hiệu Kinh Dương Vương, lập nước Xích Quỷ.

Kinh Dương Vương xuống thủy phủ, cưới con gái vua Động Đình là Thần Long Nữ. Thần Long Nữ sinh ra người con trai mình đầy vẩy rồng, đặt tên là Sùng Lãm. Kinh Dương vương truyền ngôi cho Sùng Lãm, hiệu Lạc Long Quân. Kinh Dương Vương đi đâu không biết.

Lạc Long Quân đi tuần thú tới động Lăng Xương gặp tiên nữ Âu Cơ đương hái dâu bên bờ sông, bèn lấy làm vợ đưa về ở núi Ngũ Lĩnh. Âu Cơ mang thai ba năm ba tháng mười ngày, đến giờ Ngọ ngày 25 tháng chạp năm Giáp tý chuyển dạ sinh ra một bọc trăm trứng. Hôm ấy trời xanh nắng ấm, mây lành ấp núi, hương thơm ngan ngát đầy phòng.

Long Quân cho triệu triều thần đến lập đàn tế cáo trời đất. Các loài sơn cầm thuỷ tộc đều đến châu mừng. Ngày 15 tháng giêng năm Ất sửu trăm quả trứng nở thành trăm con trai. Trăm trai sinh ra không cần bú mớm mà lớn nhanh như thổi, trí dũng song toàn.

Vợ chồng Âu Cơ rất mừng rỡ, nhưng đàn con đông quá không biết làm sao để phân biệt, bèn đem lễ vật mời Tiên ông ngồi câu cá ở bến sông Việt Trì đặt tên cho từng người. Tiên ông đặt tên cho người con cả là Lân Lang, chín mươi chín người em cũng đều gọi là Lang như Xích Lang, Quynh Lang, Mật Lang…

Nhắc về phương Bắc, Đế Lai truyền ngôi cho Đế Đu, Đế Đu cùng với Hoàng Đế đánh nhau ở Bản Tuyền, không hơn nên tử trận, họ Thần Nông bèn mất từ đó.

Long Quân bảo với Âu Cơ rằng:

“Ta là giống Rồng đứng đầu thuỷ tộc. Nàng là giống Tiên Sống ở trên núi. Tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thuỷ hoả tương khắc khó ở lâu với nhau được, nay phải chia ly, ta đem 50 người con về miền bể chia trị các xứ, cho 50 con theo nàng lên núi, chia nước mà trị. Lên núi xuống bể hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên”. Trước khi đi, Long Quân phong cho người con trưởng làm vua và bảo các con rằng: “Giống sơn nam và giống thuỷ tộc thường ghét nhau. Hãy lấy mực xăm mình cho giống giao long thì lội xuống nước mới không bị hại”. Lại dặn khi nào có nguy cấp thì gọi to: “Bố ơi về cứu con. Ta sẽ đến ngay”

Trăm trai đều nghe mệnh, rồi mới từ giã mà ra đi. Âu Cơ cùng năm mươi người con trai về Phong Châu, suy tôn con trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang, bờ cõi của nước Văn Lang đông giáp Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến Động Đình hồ, nam đến nước Hồ Tôn Tinh, chia nước thành mười lăm bộ, sai các em phân trị, đặt em thứ làm tướng võ, tướng văn; tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái gọi là Mỵ Nương, quan Hữu ty gọi là Bồ chính, thần bộc nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo, thay đời truyền cho nhau đều hiệu là Hùng Vương không đổi.

III. Kết luận:

Truyện họ Hồng Bàng chính là cội nguồn của dân tộc Việt, người Việt luôn tự hào mình là con Rồng cháu Tiên, đó là lòng tự tôn dân tộc có nguồn gốc từ một ý thức được lưu truyền lâu bền và mạnh mẽ trong tâm thức của người Việt, những ghi chép có tính truyền kỳ trong truyện họ Hồng Bàng được chép trong sách Lĩnh Nam chích quái đã ít nhiều khiến người Việt hiểu nhầm về nguồn gốc này của dân tộc mình, cho rằng dân tộc mình không thể có nguồn gốc kỳ quái, hoang đường như vậy được, nhưng như chúng tôi đã phân tích và dẫn chứng, thì truyện tiếp tục được truyền trong dòng văn hóa dân gian, sau đó mới được Trần Thế Pháp chép thành văn trong thời nhà Trần, khi chép lại, Trần Thế Pháp có lẽ đã có những sự thêm thắt theo thể loại truyền kỳ, nên câu chuyện đã có một số chi tiết khác so với phiên bản gốc của câu chuyện, cũng khác với phiên bản được truyền trong dòng văn hóa dân gian, nên nó không thực sự truyền tải chính xác về nguồn gốc Tiên – Rồng của người Việt.

Dù vậy, cả hai phiên bản đều thể hiện đầy đủ về lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng tộc Việt và họ Hồng Bàng, chúng có vai trò quan trọng như nhau trong việc nhìn nhận nguồn gốc dân tộc, chúng ta cần chú ý hơn tới những chi tiết cốt lõi của truyện, bỏ qua những chi tiết hoang đường, vô lý trong sách Lĩnh Nam chích quái, để nhìn nhận một cách khách quan và toàn diện nhất về nguồn gốc họ Hồng Bàng của dân tộc Việt, tránh việc vô tình bài trừ cội nguồn thực sự của dân tộc mình.

Lang Linh
Minh họa: truyendangian.com


Tài liệu tham khảo:

[1] Lang Linh (2021), Cơ sở tiếp cận và nghiên cứu về thời kỳ Hồng Bàng.
https://luocsutocviet.com/2021/07/24/547-co-so-tiep-can-va-nghien-cuu-ve-thoi-ky-hong-bang/

[2] Lang Linh (2020), Huyền sử Hồng Bàng và nguồn gốc dân tộc Việt Nam.
https://luocsutocviet.com/2020/07/16/498-huyen-su-hong-bang-va-nguon-goc-dan-toc-viet-nam/

[3] Vũ Kim Biên biên soạn (2008), Truyền thuyết Hùng Vương – Thần thoại vùng đất Tổ, Sở văn hóa thông tin Phú Thọ xuất bản.

[4] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, bản dịch Lê Hữu Mục, nhà sách Khai Trí (1960).

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.