599. ☀ Phong tục áo vạt trái của người Việt thời cổ đại

Vấn đề trang phục của người Việt đã được tranh luận trong một thời gian dài, với quan điểm chính thống, cho rằng người Việt chỉ có trang phục cởi trần, đóng khố, nhưng thực chất, cả tư liệu khảo cổ, lịch sử đều chứng minh rằng người Việt có trang phục, vấn đề này chúng tôi đã có những bài khảo cứu chi tiết dựa trên các tài liệu khảo cổ, lịch sử, so sánh với các dân tộc [1][2].

Ở bài viết này, chúng tôi sẽ đi tìm hiểu các ghi chép lịch sử về trang phục, cùng với đó là kiểu tóc của người Việt thời cổ đại, vì trang phục, đầu tóc của người Việt cổ không chỉ riêng người Việt tại Việt Nam mới có, các phong tục này có sự xuất hiện ở một vùng rất rộng lớn, liên quan tới cộng đồng Việt (Bách Việt, Lạc Việt, Dương Việt) trong lịch sử, cộng đồng mà tổ tiên người Việt (Kinh) là một bộ phận [3].

Tam quốc chí, Ngô thư – Tiết Tống truyện mô tả về phong tục người Việt, khi ấy là Giao Châu: “椎結徒跣貫頭左袵” – “Búi tóc, chân trần, áo vạt trái.”.

Những phong tục này còn được chép lại trên một địa bàn rất rộng, từ vùng Giang Tô (Câu Ngô), Chiết Giang (Đông Âu – Âu Việt) tới các vùng Quý Châu (Dạ Lang), Vân Nam (Điền Quốc), Tứ Xuyên (thuộc các nước Ba Thục), đây là vùng cư trú của người Bách Việt, Lạc Việt hay Dương Việt xưa, được sử sách Trung Quốc gọi theo cách miệt thị là “man di”.

Hậu Hán thư – Tây Nam Di liệt truyện chép: “西南夷者,在蜀郡徼外。有夜郎國,東接交阯,西有滇國,北有邛都國,各立君長。其人皆椎結左衽,邑聚而居,能耕田。” – “Các nước Tây Nam Di ở ngoài biên giới của Thục Quận. Có nước Dạ Lang, phía đông kề đất Giao Chỉ, phía tây có nước Điền, phía bắc có nước Cung Đô. Đều đặt ra quân trưởng. Người dân các nơi ấy đều búi tóc, cài vạt áo bên trái, họp thành xóm ấp, có tài làm ruộng.”

Chiến Quốc Sách: “被髪文身,錯臂左衽,甌越之民也。” – “Cắt tóc, xăm mình, vẽ tay, mặc áo vạt trái, là phong tục của Âu Việt.”

Sử ký, Triệu Thế Gia chép: “夫翦發文身,錯臂左衽,甌越之民也。黑齒雕題,卻冠秫絀,大吳之國也。” – “Cắt tóc xăm mình, vẽ tay, mặc áo vạt trái, là dân Âu Việt. Răng đen khắc trán, đội mũ da cá, mặc áo khâu chỉ to, là nước Đại Ngô.”

Hậu Hán Thư, Nam Man Tây Nam Di Liệt Truyện nói về phong tục của Tạc Đô huyện 莋都縣, thuộc Tứ Xuyên ngày nay: “其人皆被髮左衽” – “Người dân nơi đó đều búi tóc, mặc áo vạt trái.”

Lễ ký, phần Vương Chế viết: “「東方曰:『夷』,被髮文身,有不火食者矣。” – “Phía Đông gọi là Di, cắt tóc xăm mình, có người không ăn thức ăn nấu chín.”

Luận Ngữ, phần Hiến Vấn chép về câu nói của Khổng Tử, câu nói này nói về Quản Trọng có công đưa nước Tề trở nên hùng mạnh, chi tiết “chúng ta phải cắt tóc và vắt vạt áo bên trái” có lẽ nhắc tới nước Ngô ở ngay phía Nam nước Tề, đất nước này theo phong tục của người Việt là cắt tóc, mặc áo vạt trái: “管仲相桓公,霸諸侯,一匡天下,民到于今受其賜。微管仲,吾其被髮左衽矣。” – “(Quản) Trọng theo giúp (Tề) Hoàn Công làm bá chủ chư hầu, muôn dân được hưởng ân huệ. Không có Quản Trọng thì (chúng ta) đã phải cắt tóc và vắt vạt áo bên trái (như nước Ngô) rồi.”

Như vậy, cả một vùng rộng lớn từ Giang Tô tới Việt Nam, đều có chung phong tục mặc áo vạt trái, cắt tóc hoặc búi tóc, xăm mình. Dạng áo vạt trái gần giống như tranh phục dựng được thực hiện bởi dự án Đại Việt kỳ nhân ở phía dưới.

Trang phục nam giới thời Hùng Vương, thực hiện bởi dự án Đại Việt Kỳ Nhân.

Theo những ghi chép của người Việt, ở truyện Chim Trĩ Trắng trong sách Lĩnh Nam chích quái chép, thì bên cạnh búi tóc, người Việt còn có cả dạng cắt tóc. Tư liệu khảo cổ cũng cho thấy người Việt xưa có cả hai dạng tóc này.

Lĩnh Nam chích quái, truyện Chim Trĩ Trắng chép: “舊本曰:周公問曰:「交趾短髮文身,露頭跣足黑齒,何由若是也?」越裳氏應曰:「短髮以便山林之入。文身以為龍君之形,游泳於河,蛟龍不犯。跣足以便緣木。刀耕火種,露頭以避炎熱。食檳榔以除污穢,故黑齒。」” – “Cựu bản nói: Chu Công hỏi nói: “Người Giao Chỉ cắt tóc vẽ mình, đầu trần, chân không, răng đen, cớ sao như vậy?”. Họ Việt Thường đáp nói: “Cắt tóc để dễ vào rừng núi. Vẽ mình thành hình Long Quân, bơi lội ở sông, giao long không làm hại. Chân không để dễ leo cây. Lấy đao mà cày ruộng, đốt lửa rồi mới gieo trồng, đầu trần để nắng nóng bức. Ăn cau để rửa nhơ bẩn, cho nên răng đen”.

Các phong tục cắt tóc và búi tóc không mâu thuẫn với nhau, mà thực tế được duy trì song song, thậm chí được thực hành cùng một lúc, ví dụ như bức tượng được phát hiện tại Chiết Giang, cho thấy các dạng búi tóc (búi tó) đằng sau và cắt tóc ngắn ở đằng trước.

Tượng đồng tại Chiết Giang mô tả nam giới cắt tóc, búi tóc cùng lúc.

Các tư liệu lịch sử đã khẳng định rằng người Việt có trang phục, đó là dạng áo vạt trái, vì vậy, những thông tin cho rằng người Việt chỉ biết cởi trần, đóng khố, không có trang phục là không chính xác. Những phong tục mặc áo vạt trái, cắt tóc hoặc búi tóc, xăm mình, cũng là phong tục chung trong cộng đồng Việt (Bách Việt, Lạc Việt, Dương Việt trong lịch sử).

Lang Linh


Tài liệu dẫn:

[1] https://luocsutocviet.com/2018/01/07/053-khao-cuu-ve-trang-phuc-thoi-ky-hung-vuong/

[2] https://luocsutocviet.com/2021/11/08/569-lich-su-trang-phuc-thoi-hung-vuong/

[3] https://www.facebook.com/lstvfanpage/posts/pfbid02zRJCaaXXbTBbQizKnSPU1uig5ie5jKYqutRSQwVbbwbbv9eur6LXrcmKuk3HeoGKl

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.