544. ☀ Những ảnh hưởng của văn hóa tộc Việt tới văn hóa Hoa Hạ

Văn hóa Hoa Hạ là một nền văn hóa lớn trong vùng Đông Á, những ảnh hưởng của văn hóa Hoa Hạ trong khoảng hơn 2000 năm gần đây là khá rộng lớn, được gọi là bầu văn hóa Trung Hoa với nhiều dân tộc chịu ảnh hưởng. Văn hóa tộc Việt cũng là một trong các nền văn hóa chịu ảnh hưởng của văn hóa Hoa Hạ, bắt đầu từ thời điểm họ thất bại trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của các triều đại Hoa Hạ, từ đó văn hóa Hoa Hạ đã bắt đầu có những ảnh hưởng khá mạnh tới văn hóa tộc Việt theo cả hai con đường tự nhiên và cưỡng bức.

Tuy nhiên, khảo cứu kỹ lưỡng về nguồn gốc và tiến trình văn hóa, cũng như tìm hiểu thông qua các tài liệu khảo cổ, chúng ta sẽ thấy rằng, sự ảnh hưởng không chỉ là một chiều từ văn hóa Hoa Hạ sang văn hóa tộc Việt, mà cộng đồng tộc Việt cũng đã có thời điểm tạo nên những ảnh hưởng rất mạnh mẽ tới các nền văn hóa và các triều đại của người Hoa Hạ trong vùng Hoa Bắc.

Các văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà của cộng đồng tộc Việt là những văn hóa lớn nhất và phát triển nhất trong vùng Đông Á vào thời kỳ chúng tồn tại, các văn hóa này đã phát triển thành những nhà nước lớn và sớm nhất trong vùng Đông Á, các cổ vật và đặc trưng của các văn hóa đã tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng tới các nền văn hóa và các triều đại Hoa Hạ. Những đặc trưng văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà được người Hoa Hạ học hỏi vẫn tiếp tục tồn tại trong dòng văn hóa của người Hoa Hạ trong thời gian khá dài.

Trong thời kỳ đồ đồng, thì văn hóa Hoa Hạ có sự phát triển mạnh mẽ, vượt qua văn hóa của cộng đồng tộc Việt, dần dần tạo nên những ảnh hưởng tới văn hóa tộc Việt và các nền văn hóa xung quanh, tuy nhiên, trong giai đoạn đầu thời Bắc thuộc, chúng ta cũng sẽ nhận thấy sự ảnh hưởng và giao lưu văn hóa từ tộc Việt tới văn hóa Hoa Hạ trong khía cạnh kiến trúc.

Từ cơ sở các nghiên cứu khảo cổ quốc tế và Trung Quốc, chúng tôi sẽ tiến hành khảo cứu về những ảnh hưởng của văn hóa tộc Việt và văn hóa Hoa Hạ, với những tài liệu khảo cổ được quốc tế và cơ quan khảo cổ uy tín của Trung Quốc công nhận, để từ đó chúng ta thấy được những dấu ấn và ảnh hưởng của văn hóa tộc Việt trong dòng văn hóa các triều đại Hoa Hạ.

I. Nguồn gốc tộc Việt và nguồn gốc người Hoa Hạ:

Theo các nghiên cứu di truyền, thì người Đông Á và người Đông Nam Á có nguồn gốc từ châu Phi, thành phần gen của họ chủ yếu được tạo thành từ dòng di cư sang Đông Nam Á vào khoảng 60000-30000 năm trước theo con đường phía Nam, và đi lên vùng bắc Đông Á từ Đông Nam Á trong khoảng 12000 năm trước. Có nhiều nghiên cứu di truyền xác định các dòng di cư này. [1][2][3]

Bản đồ thiên di của những người cha cho thấy dòng di cư lên phía Bắc vào thời điểm hơn 10.000 năm trước ngày nay của người cổ Đông Nam Á. [4]

Đây là nguồn gốc chính của văn hóa Đông Á cổ đại, bên cạnh đó, người Đông Á cổ đại còn có một phần nguồn gốc khác đó là cư dân rời khỏi châu Phi đi theo con đường phía Bắc [5], lên vùng Siberia, dòng di cư này chiếm khoảng 20% gen của người Đông Á cổ đại. Cư dân Bắc Á chuyển hóa thành chủng da trắng từ sớm do chọn lọc tự nhiên, là nhân tố chính tạo nên làn da vàng của cư dân Đông Á hiện đại.

3-768x576

Mô hình di cư hai lớp của cư dân cổ theo nhân chủng học. [5]

Văn hóa Đông Á cổ đại hình thành từ hai dòng di cư đó, với nhiều nền văn hóa lớn trong vùng đồng bằng sông Hoàng Hà và đồng bằng sông Dương Tử: văn hoá Cao Miếu (Gaomiao, 5000 – 3500 BC), Hà Mẫu Độ (Hemudu, 5000 – 4500 BC), Mã Gia Banh (Majiabang, 5000 – 3000 BC), Lăng Gia Than (Lingjiatan, 3800 – 3500 BC) tại vùng Động Đình, Dương Tử, và các văn hóa Hồng Sơn (Hongshan, 4700 – 2900 BC), Đại Vấn Khẩu (Dawenkou, 4300 BC – 2400 BC), Ngưỡng Thiều (Yangshao, 5000 BC – 3000 BC). Đây là các nền văn hóa nền tảng của văn hóa Đông Á, nơi hình thành cư dân thuộc 5 hệ ngữ: Nam Á, Nam Đảo, Tai-Kadai, Hmong-Mien và Hán-Tạng. Vùng Hoàng Hà là nơi hình thành các hệ hệ Hán-Tạng và Nam Đảo/Tai-Kadai, vùng Dương Tử là nơi hình thành các hệ ngữ Nam Á và Hmong-Mien.

Nghiên cứu về di truyền của Hàn Quốc [6] cho chúng ta thấy người Việt (đại diện là người Việt/Kinh ngày nay) bắt đầu tách ra khỏi tổ tiên chung (các văn hóa Đông Á cổ) với người Hán vào khoảng 5000 năm trước, tương ứng với thời điểm bắt đầu xuất hiện của văn hóa Lương Chử.

Tổ tiên người Việt và người Hán bắt đầu tách ra khỏi nhau vào khoảng 5000 năm trước. [6]

Văn hóa tộc Việt hình thành tại vùng Dương Tử với cư dân thuộc các hệ ngữ: Nam Á, với sự di cư về phía Nam của người Nam Đảo/Tai-Kadai, xây dựng nên các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà, đã có tổ chức nhà nước rất sớm trong văn hóa Lương Chử. Văn hóa tộc Việt đã có sự phát triển khá vượt trội so với văn hóa vùng Hoa Bắc cùng thời kỳ, văn hóa tộc Việt cũng đã có những ảnh hưởng lớn tới các văn hóa và các triều đại vùng Hoa Bắc.

Theo các nghiên cứu di truyền và nhân chủng học, chúng ta biết được rằng người Hoa Hạ có nguồn gốc chính là từ cư dân Bắc Á gốc Trung Á dịch chuyển vào vùng bắc Đông Á [7], hợp nhất với cư dân Đông Á cổ tại văn hóa Ngưỡng Thiều để hình thành người Hoa Hạ, theo nghiên cứu di truyền, thì gen của người Hoa Hạ gần với gen của cư dân văn hóa Ngưỡng Thiều [8]. Xét chính xác về thực tế khảo cổ, thì người Hoa Hạ bắt đầu hình thành từ văn hóa Long Sơn hoặc Nhị Lý Đầu trong vùng Hoa Bắc.

Các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà hay văn hóa tiền thân của Thạch Gia Hà là văn hóa Khuất Gia Lĩnh đã có những ảnh hưởng khá sâu sắc tới các văn hóa phía Bắc như Long Sơn, Nhị Lý Đầu, Nhị Lý Cương và các triều đại Hoa Hạ sau đó. Điều này sẽ được chúng tôi khảo cứu ở các phần sau đây.

II. Văn hóa Lương Chử:

Văn hóa Lương Chử là văn hóa lớn đầu tiên của cộng đồng tộc Việt, tại đây đã được các nghiên cứu chứng minh tồn tại một nhà nước phát triển [9][10], đây là nhà nước sớm nhất Đông Á, có niên đại vào khoảng 3300 BC, tương đồng với ba nền văn minh sớm nhất trên thế giới là: văn minh Lưỡng Hà (3500 BC), văn minh Ai Cập (3150 BC), văn minh sông Ấn (3300 BC).

1. Ngọc tông:

Văn hóa Lương Chử nổi tiếng nhất với ngọc tông (cong), loại hình ngọc này đã có sức ảnh hưởng rất rộng lớn tới vùng bắc Đông Á cùng và sau thời kỳ văn hóa Lương Chử tồn tại. Văn hóa Long Sơn cũng như các triều đại Thương Chu đều xuất hiện ngọc tông chịu ảnh hưởng từ văn hóa Lương Chử, ảnh hưởng của ngọc tông trong văn hoá Hoa Hạ còn có thể tìm thấy trong thời nhà Thanh.

Ngọc tông văn hóa Lương Chử. [11]

Bản đồ phân bố ngọc tông tại các vùng Đông Á. [12]

Ngọc tông các triều đại: Thương, Tây Chu, Tống. [Nguồn: 1,2: [11]; 3: [13]]

Bình men sứ mô phỏng ngọc tông thời kỳ Càn Long của nhà Thanh. [Nguồn: dẫn]

2. Đĩa bích:

Đĩa bích có nguồn gốc sớm nhất từ văn hóa Hồng Sơn, trong vùng hạ lưu Dương Tử, thì đĩa bích cũng đã xuất hiện trong văn hóa Tống Khê, hai nền văn hoá này có thể đã phát triển các dạng thức đĩa bích độc lập. Văn hóa Lương Chử, hậu duệ của văn hoá Tống Khê, đã phát triển và cải tiến đĩa bích cả về chất liệu, kích cỡ, trình độ chế tác, từ đó ảnh hưởng tới các văn hóa Hoa Bắc. [14]

Đĩa bích văn hóa Lương Chử. [11]

Đĩa bích các triều đại Hoa Hạ (trái qua phải, trên xuống dưới): Tây Chu, Chiến Quốc, Tây Hán, Đường. [13]

Cũng như ngọc Tông, đĩa bích của văn hóa Lương Chử tiếp tục ảnh hưởng lâu dài tới văn hóa Hoa Hạ cho tới thời kỳ nhà Thanh.

Đĩa bích nhà Thanh thời Càn Long. [Nguồn: Christie’s, dẫn]

3. Vị thần – motif Thao Thiết:

Hình vị thần, hay mặt nạ thao thiết (taotie) theo cách gọi của các nhà khảo cổ Trung Hoa có nguồn gốc từ văn hóa Lương Chử, vị thần trong văn hóa Lương Chử đã có sự ảnh hưởng lớn tới văn hóa của nhà Thương, với các mô hình thao thiết được khắc họa trên rất nhiều đồ đồng của nhà Thương, trong đó là hầu hết các đỉnh đồng, cổ vật cốt lõi của văn hoá Hoa Hạ.

Vị thần văn hóa Lương Chử. [15]

Motif thao thiết xuất hiện trên rất nhiều đồ đồng văn hóa nhà Thương. [16]

Viên ngọc với motif Thao Thiết của nhà Thương chịu ảnh hưởng của văn hóa Lương Chử. [11]

Sau thời nhà Thương, motif Thao Thiết vẫn tiếp tục có ảnh hưởng trên các cổ vật của các triều đại Hoa Hạ.

Motif Thao Thiết trên các miếng ngọc các thời kỳ: Xuân Thu, Chiến Quốc, Đông Hán. [Nguồn: 1,2: [11], 3: [13]]

4. Rìu lễ khí:

Rìu lễ khí là đặc trưng của văn hóa tộc Việt, rìu lễ khí có nguồn gốc chính từ vùng Dương Tử, sớm nhất là văn hóa Cao Miếu, tới thời văn hóa Lương Chử đã phát triển rất đa dạng về số lượng và ảnh hưởng tới các văn hóa phía Bắc, trong đó có văn hóa Hoa Hạ. Nhà Thương tuy không phải tộc Việt nhưng cũng đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Lương Chử, triều đại này đúc và sử dụng rìu lễ khí tương tự như của tộc Việt. Trên các rìu đồng từ thời Thương tới thời Tây Chu cũng thường xuyên xuất hiện motif Thao Thiết ảnh hưởng từ văn hóa Lương Chử.

Rìu ngọc lễ khí Lương Chử và rìu ngọc, đồng của nhà Thương. [1. Christie’s, dẫn; 2. [11]; 3. [16]]

Văn hóa Lương Chử suy yếu và kém phát triển hơn khi trung tâm của cộng đồng tộc Việt được chuyển về vùng trung lưu Dương Tử, đồng thời với sự nở rộ của một nền văn hóa có sức ảnh hưởng rộng lớn hơn nhiều so với văn hóa Lương Chử, đó là văn hóa Thạch Gia Hà.

III. Văn hóa Thạch Gia Hà:

Văn hóa Lương Chử suy yếu, cũng là thời điểm văn hóa Thạch Gia Hà bắt đầu phát triển, sự nối tiếp này có thể có nguồn gốc từ sự dịch chuyển của tầng lớp tinh hoa của văn hóa Lương Chử sang vùng trung lưu Dương Tử để hình thành nên văn hóa Thạch Gia Hà. Văn hóa Thạch Gia Hà có sức ảnh hưởng rất rộng lớn trong vùng Đông Á, ảnh hưởng lan rộng ra khắp vùng bắc Đông Á, Tứ Xuyên.

Văn hóa Thạch Gia Hà có thể được coi như một nhà nước cổ đại với tổ chức xã hội tương đối tiên tiến của nó [16]. Các học giả Trung Quốc cho rằng các văn hóa trong vùng Dương Tử như Thạch Gia Hà hay trước đó là Lương Chử phức tạp hơn về mặt xã hội và phát triển hơn so với các văn hóa cùng thời ở vùng bắc Đông Á. [17]. Văn hóa Thạch Gia Hà cũng có quy mô dân số và diện tích đất lớn hơn so với văn hóa Nhị Lý Đầu, văn hóa gốc nguồn gốc người Hoa Hạ. [18]

Văn hóa ngọc của Thạch Gia Hà kế thừa từ văn hóa Lương Chử, tuy nhiên, trong khi văn hóa Lương Chử tập trung vào sự phát triển về kích thước, số lượng, tạo nên những hiện vật đồ sộ và tinh xảo, thì văn hóa Thạch Gia Hà bắt đầu tập trung vào chất lượng trong từng tác phẩm, chú trọng về giá trị yếu tố nghệ thuật và văn hóa trong các tác phẩm của mình, các đồ ngọc của Thạch Gia Hà đa phần đều có kích thước vừa phải, không quá to lớn như văn hóa Lương Chử và các văn hóa Đông Á cổ đại, sự thay đổi này có một phần nguyên nhân từ sự cạn kiệt của nguồn nguyên liệu ngọc trong vùng Đông Á do sự phát triển nóng của công nghiệp đồ ngọc trong thời gian văn hóa Lương Chử tồn tại.

Đồ ngọc của văn hóa Thạch Gia Hà được xem như đỉnh cao của ngọc văn hóa Đông Á, đồ ngọc của văn hóa này được chế tác tinh xảo, hoàn mỹ, có tính nghệ thuật cao, ảnh hưởng lớn tới các nền văn hóa trong vùng Đông Á, trong đó bao gồm cả văn hóa Hoa Hạ. Đồ ngọc của văn hóa Thạch Gia Hà là nguồn gốc chính của đồ ngọc nhà Thương và các triều đại sau này của người Hoa Hạ.

Ding Zhe, chủ tịch Hiệp hội Ngọc cổ Trung Quốc, một tổ chức phi chính phủ ở Bắc Kinh cho biết: “Đồ trang sức vào thời nhà Thương bị ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa Thạch Gia Hà.” [19]. Qua sự so sánh cổ vật chúng ta sẽ thấy rõ ràng hơn sự ảnh hưởng của văn hóa Thạch Gia Hà tới văn hóa nhà Thương và các triều đại Hoa Hạ.

1. Ngọc hình người:

Ngọc hình người là một trong những đặc trưng quan trọng của văn hóa Thạch Gia Hà, các tượng ngọc hình người được tìm thấy rất phổ biến trong các di chỉ của văn hóa này, được chế tác tinh xảo, có tính nghệ thuật cao, ảnh hưởng khá sâu sắc tới văn hóa của các triều đại Hoa Hạ và các văn hóa vùng Hoa Bắc.

Tượng người bằng ngọc nhà Thương (phải) học hỏi từ tượng người ngọc văn hóa Thạch Gia Hà (trái). [16]

Ngọc hình đầu người Thạch Gia Hà và ngọc nhà Thương. [1. Christie’s, dẫn; 2,3: [11]]

Ngọc đầu người văn hóa Thạch Gia Hà và ngọc hình người nhà Thương. [Nguồn: 1: [20]; 2,3 [11]]

So sánh ngọc của văn hóa Thạch Gia Hà (trên) và ngọc của các vùng ảnh hưởng của văn hóa Thạch Gia Hà (dưới). Thứ tự các cổ vật ở hàng dưới: 2. Tây Chu, 4. Văn hóa Shimao, 6. Tây Chu (hậu Thạch Gia Hà), 8. Văn hóa Giao Tự (Taosi), 10. Kim Sa (Tứ Xuyên); 12, Taosi, 14. Shimao, 16. Xuân Thu, 18. Xuân Thu. [25]

Tượng hình người văn hóa Thạch Gia Hà (1-9) và hoa văn, tượng ngọc nhà Thương (10-12). [22]

2. Ngọc chim Tiên – Rồng và ngọc các loài vật:

Ngọc ve sầu có nguồn gốc sớm nhất từ văn hóa Thạch Gia Hà, ngọc ve sầu của văn hóa Thạch Gia Hà đã được nhà Thương học hỏi và tiếp tục sử dụng cho tới tận thời Tây Hán.

1. Ngọc ve sầu văn hóa Thạch Gia Hà, 2. Ngọc ve sầu các triều đại Hoa Hạ: A. Giai đoạn đầu Nhị Lý Cương, B. Nhà Thương, C. Tây Chu, D. Tây Hán. [21]

Ngọc hổ có nguồn gốc từ văn hóa Lăng Gia Than, sau đó được văn hóa Thạch Gia Hà kế thừa, phát triển và hoàn thiện về hình tượng, ngọc hổ của Thạch Gia Hà sau đó đã ảnh hưởng tới các triều đại Hoa Hạ.

Ngọc hổ văn hóa Thạch Gia Hà và nhà Thương. [22]

1.. Ngọc hổ văn hóa Thạch Gia Hà; 2. Ngọc hổ triều Tây Chu. [23][24]

Ngọc Rồng có nguồn gốc sớm nhất từ văn hóa Hồng Sơn, tuy nhiên ngọc Rồng của các triều đại Hoa Hạ cho chúng ta thấy những đặc điểm chịu ảnh hưởng rõ nét của văn hóa Thạch Gia Hà.

Ngọc Rồng Thạch Gia Hà (1,2) và ngọc Rồng nhà Thương (3,4,5,6). [22]

Ngọc Rồng văn hóa Thạch Gia Hà và ngọc Rồng Tây Chu. [Nguồn: 1. Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, dẫn; 2. Ancient Chinese Jade: From Neolithic to Han, J. J. Lally & Co published]

Ngọc chim Phượng Thạch Gia Hà và nhà Thương. [Nguồn: 1. [22]; 2. [11]]

Đại bàng ngọc bích văn hóa Thạch Gia Hà (1,2) và của nhà Thương (3,4,5). [22]

Gậy ngọc văn hóa Thạch Gia Hà (1-5) và nhà Thương (6-8). [22]

Nha ngọc văn hóa Thạch Gia Hà (trên) và nha ngọc nhà Thương (1-10). [22]

Hoa văn Thạch Gia Hà ảnh hưởng tới hoa văn nhà Thương. [22]

IV. Ảnh hưởng thể hiện trên đồ gốm:

Đồ gốm cũng là một yếu tố văn hóa vùng Dương Tử ảnh hưởng tới các văn hóa vùng Hoa Bắc. Nếu truy sâu hơn về văn hóa Khuất Gia Lĩnh, là tiền thân của văn hóa Thạch Gia Hà, cũng như tại văn hóa Thạch Gia Hà, chúng ta sẽ thấy được sự ảnh hưởng trong phong cách đồ gồm của cộng đồng tộc Việt tới các văn hóa vùng Hoa Bắc. Các cổ vật được so sánh tại đây thuộc các giai đoạn muộn của các văn hóa Ngưỡng Thiều, Long Sơn và giai đoạn chính của văn hóa Nhị Lý Đầu, các cổ vật của văn hóa Khuất Gia Lĩnh và Thạch Gia Hà sớm hơn so với các cổ vật của các giai đoạn văn hóa Hoa Bắc đã được xác định.

1-5: Văn hóa Khuất Gia Lĩnh, 6-10: Văn hóa Long Sơn. [25]

1-10: Văn hóa Khuất Gia Lĩnh hoặc Thạch Gia Hà; 11-20: Văn hóa Long Sơn. [25]

1-7: Loại hình Miếu Để Câu của văn hóa Ngưỡng Thiều, 8-14: Văn hóa Thạch Gia Hà và hậu Thạch Gia Hà. [25]

1-8, 17-24, 33-42: Văn hóa Thạch Gia Hà; 9-16, 25-32, 43-52: Văn hóa Long Sơn. [25]

Hàng số lẻ: Văn hóa Thạch Gia Hà, hàng số chẵn: Văn hóa Nhị Lý Đầu. [25]

V. Ảnh hưởng thể hiện trên kiến trúc:

Theo nghiên cứu của Trung Quốc, thì si vẫn (người Trung Hoa gọi nó là si vĩ Việt) trên kiến trúc Hoa Hạ các triều đại có nguồn gốc trực tiếp từ văn hóa của cộng đồng tộc Việt, thông qua sự giao lưu và hòa hợp văn hóa, si vẫn bắt đầu xuất hiện trên kiến trúc Hoa Hạ từ thời Tây Hán, tới thời Đông Hán bắt đầu phổ biến và xuất hiện thường xuyên trong các kiến trúc cung đình. [26]

Bên cạnh đó, kiến trúc mái cong của văn hóa Hoa Hạ cũng có sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn, mái của các công trình kiến trúc các triều đại Hoa Hạ dần dần có xu hướng cong lên cho tới khi đạt độ cong như hiện tại, giống như trên trống đồng Đông Sơn. [26]

Si vẫn và nhà sàn mái cong trên trống đồng Đông Sơn. [27]

Kiến trúc thời Hán. [28]

Tới thời Tùy Đường, chúng ta thấy được trên mái đã được trang trí thêm si vẫn, đây là đặc trưng của văn hóa Đông Sơn, người Hoa Hạ tiếp nhận và đưa lên các công trình kiến trúc, si vẫn trong quan niệm của người Việt có tác dụng chống cháy cho công trình bằng gỗ. Thời điểm này si vẫn y hệt như kiến trúc thời Đông Sơn, có dạng chim, chưa trải qua sự biến đổi về ngoại hình.

Kiến trúc thời Tùy- Đường. [28]

Trong thời gian đầu, thì si vẫn thể hiện rõ những dấu ấn của Đông Sơn, hình tượng si vẫn gần giống hệt với nhà trên trống đồng Đông Sơn.

Si vẫn trên mái nhà thời nhà Đường.

Bức tranh được vẽ trong lăng mộ thời Đông Ngụy tới Bắc Tề cho thấy kiến trúc si vẫn với hình dáng tương tự như lông chim trên trống đồng Đông Sơn. [29]

Kiến trúc nhà Tấn. [28]

Tới thời Tống, Liêu, Tấn thì si vẫn bắt đầu biến thành hình tượng cá và Rồng, nhưng đặc trưng vẫn giống như nhà trên trống đồng Đông Sơn.

Kiến trúc thời Tống, Liêu, Tấn.

Kiến trúc nhà Nguyên. [28]

Tới thời nhà Minh và sau đó, thì kiến trúc bắt đầu cong như hiện tại, trở thành một đặc trưng của văn hóa Á Đông.

Kiến trúc nhà Minh. [28]

V. Kết luận:

Qua những bằng chứng về khảo cổ, chúng ta đã thấy được sự ảnh hưởng của văn hóa tộc Việt tới văn hóa Hoa Hạ, sự ảnh hưởng là rất sâu sắc, hiện diện trên nhiều loại hình cổ vật, văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà là những nền tảng chính cho đồ ngọc và cả đồ đồng của các văn hóa và các triều đại Hoa Hạ. Từ đó cũng thấy được rằng, sự ảnh hưởng văn hóa không chỉ là một chiều từ văn hóa Hoa Hạ lên văn hóa tộc Việt như các quan điểm trước đây, mà còn có chiều ngược lại là từ văn hóa tộc Việt tới văn hóa Hoa Hạ. Nghiên cứu về vấn đề này sẽ giúp chúng ta nhìn nhận một cách chính xác và chân thực hơn về lịch sử dân tộc, giải tỏa những mối ngờ vực mà việc chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa đã gây ra với người Việt.

Văn hóa Việt đã từng rất phát triển và có sức ảnh hưởng rất rộng lớn, tới thời kỳ đồ đồng, văn hóa tộc Việt tiếp tục tạo nên sự ảnh hưởng rất rộng trong vùng Đông Á và Đông Nam Á với văn hóa Đông Sơn. Có thể khẳng định rằng Tổ Tiên chúng ta không hề tầm thường, hay là những người không văn minh như những gì sử sách Trung Quốc đã ghi chép lại. Chúng ta rất cần đầu tư nghiên cứu về nguồn gốc, việc nghiên cứu sẽ làm nền tảng cho sự phát triển của người Việt sau này, cũng từ đó tạo sức bật về nhận thức để người Việt nỗ lực để không xấu hổ với các vị Tổ Tiên tài giỏi của mình, hướng về việc xây dựng một nền văn hóa mới thực sự đặc sắc với nền tảng và cốt lõi từ nền văn hóa cổ xưa của dân tộc Việt.

Lang Linh


Tài liệu tham khảo:

[1] The HUGO Pan-Asian SNP Consortium (2009), Mapping human genetic diversity in Asia, Science, 326(5959): 1541-1545

[2] Hua Zhong, Hong Shi, Xue-Bin Qi, et al. (2010). Extended Y chromosome investigation suggests postglacial migrations of modern humans into East Asia via the northern route. Molecular biology and evolution;28(1):717-27.

[3] Chuan‐Chao WANG Shi YAN Zhen‐Dong QIN Yan LU Qi‐Liang DING Lan‐Hai WEI Shi‐Lin LI Ya‐Jun YANG Li JIN Hui LI, et al. (2013). Late Neolithic expansion of ancient Chinese revealed by Y chromosome haplogroup O3a1c‐002611.
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/j.1759-6831.2012.00244.x

[4] Gary Stix (2008). Traces of a distant past. Scientific American;299(1):56-63

[5] Matsumura H, Hung HC, Higham C, Zhang C, Yamagata M, Nguyen LC, Li Z, Fan XC, Simanjuntak T, Oktaviana AA, He JN. Craniometrics reveal “two layers” of prehistoric human dispersal in eastern Eurasia (2019). Scientific reports. 9(1):1-2.
https://www.researchgate.net/publication/330875335_Craniometrics_Reveal_Two_Layers_of_Prehistoric_Human_Dispersal_in_Eastern_Eurasia

[6] Kim J, Jeon S, Choi JP, Blazyte A, Jeon Y, Kim JI, Ohashi J, Tokunaga K, Sugano S, Fucharoen S, Al-Mulla F, Bhak J. The Origin and Composition of Korean Ethnicity Analyzed by Ancient and Present-Day Genome Sequences. Genome Biol Evol. 2020 May 1;12(5):553-565. doi: 10.1093/gbe/evaa062. PMID: 32219389; PMCID: PMC7250502.

[7] Zeng Wen, Li Jiawei, Yue Hongbin, Zhou Hui, Zhu Hong (2014), Preliminary Research on Hereditary Features of Yinxu Population.
https://www.academia.edu/5297877/2013_AAPA_poster-_Preliminary_Research_on_Hereditary_Features_of_Yinxu_Population

[8] Ning, C., T. Li, K. Wang, F. Zhang, T. Li, X. Wu, S. Gao, Q. Zhang, H. Zhang, and M.J. Hudson, Ancient genomes from northern China suggest links between subsistence changes and human migration. Nature Communications 11(1): p. 1-9.
https://www.nature.com/articles/s41467-020-16557-2

[9] Colin Renfrew, Bin Liu (2018). The emergence of complex society in China: the case of Liangzhu. Antiquity;92(364):975-90. 
https://www.cambridge.org/core/journals/antiquity/article/emergence-of-complex-society-in-china-the-case-of-liangzhu/

[10] Tống Kiến 宋建 (2017). Liangzhu – một quốc gia cổ đại phức tạp bị chi phối bởi thần quyền 良渚——神权主导的复合型古国. 东南文化;(1):6-15.

[11] Gu Fang, Chinese Jades in Traditional Collections, Tập 1: Neolithic Period·Shang Dynasty Western Zhou·Spring and Autumn Period·Warring States Period.

[12] Li, M. (2018). The Longshan Transition: Political Experimentation and Expanding Horizons. In Social Memory and State Formation in Early China (pp. 82-174). Cambridge: Cambridge University Press. doi:10.1017/9781316493618.005

[13] Gu Fang, Chinese Jades in Traditional Collections, Tập 2: Warring States Period·Qin Dynasty Han Dynasty Three Kingdoms WeiSong Jin Dynasty Southern Dynasty Northern Dynasty·Sui Dynasty Tang Dynasty·Song Dynasty.

[14] Zheng Jianming 郑建明. Một nghiên cứu văn bản về nguồn gốc và chức năng của đĩa bích thời tiền sử 史前玉璧源流、功能考[J]. Khảo cổ học Trung Quốc 华夏考古,2007(01):80-87.

[15] Colin Renfrew, Bin Liu (2018). The emergence of complex society in China: the case of Liangzhu. Antiquity;92(364):975-90.
https://www.cambridge.org/core/journals/antiquity/article/abs/emergence-of-complex-society-in-china-the-case-of-liangzhu/0D4FD61E9460755CED69047FAD7FA2AD

[16] Lopes, Rui. (2014). Securing the Harmony between the High and the Low: Power Animals and Symbols of Political Authority in Ancient Chinese Jades and Bronzes. Asian Perspectives. 53. 195-225. 10.1353/asi.2014.0019.
https://www.researchgate.net/publication/287955376_Securing_the_Harmony_between_the_High_and_the_Low_Power_Animals_and_Symbols_of_Political_Authority_in_Ancient_Chinese_Jades_and_Bronzes

[17] Zhang, Chi; Hung, Hsiao-chun (2008), “The Neolithic of Southern China-Origin, Development, and Dispersal”, Asian Perspectives47 (2): 299–329, doi:10.1353/asi.0.0004

[18] Zhang, Chi (2013), “The Qujialing–Shijiahe culture in the middle Yangzi River valley”, in Underhill, Anne P. (ed.), A Companion to Chinese Archaeology, John Wiley & Sons, pp. 510–534, ISBN 978-1-118-32578-0.

[19] Lei Xiaoxun, Zhou Li, Jade haul offers clues to ancient puzzle
http://www.kaogu.net.cn/en/News/Academic_activities/2016/0122/52895.html

[20] Xiang Qifang 向其芳. Khám phá khảo cổ học của di chỉ Thạch Gia 石家河大遗址的考古探索历程[J].大众考古,2018(08):31-39. .

[21] Wu Tingting 邬婷婷. Một nghiên cứu về ve sầu bằng ngọc bích được khai quật vào thời nhà Hán và trước đó 汉代及其以前出土玉蝉研究[D]. Đại học Trịnh Châu 郑州大学,2014.

[22] Guo Jingyun, Guo Lixin 郭静云, Nguồn gốc của đồ trang sức nhà Thương từ các nghi lễ ngọc Thạch Gia Hà 郭立新.从石家河玉质礼器看殷商玉器渊源[J]. Tạp chí Đại học Hà Nam 河南大学学报(社会科学版),2018,58(01):93-99.

[23] Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, Địa điểm Thạch Gia: Một phép lạ khảo cổ học ở trung lưu sông Dương Tử 石家河遗址:长江中游的考古奇迹
http://www.hbww.org/Views/Detail.aspx?PNo=Archaeology&No=KGCZ&Guid=40e8d8b7-d513-4a32-9791-4acad8d7e448&Type=Detail

[24] Zhu Naicheng 朱乃诚. Nguồn gốc và sự tiến hóa của hổ ngọc trong triều đại nhà Hạ và nhà Thương 夏商时期玉虎的渊源与流变[J].中原文物,2019(02):44-55.

[25] Liu Junnan 刘俊男. Sự lan rộng về phía bắc của văn hóa Shijiahe và ảnh hưởng của nó đến các khu vực miền trung và miền tây của Hà Nam 石家河文化的北渐及其对豫中西地区的影响[J].中原文物,2013(01):23-39+62.

[26] Zhou Yuan周源. Điều tra về Nguồn gốc Văn hóa của Si Vĩ Việt 鸱尾越文化起源考[J]. Bảo tàng Văn hóa Phúc Kiến 福建文博,2016(02):26-32.

[27] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.

[28] Nancy Shatzman Steinhardt, Chinese Architecture: A History. Princeton University Press. 2019.

[29] 2014, China Archaeology Net, Bức tranh tường lăng mộ của các triều đại phương Bắc ở Jiuyuangang, thành phố Xinzhou, Sơn Tây 山西忻州市九原岗北朝壁画墓
http://www.kaogu.cn/zixun/2014kgxlt/20150109/48859.html

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.