563. ☀ Các truyện cổ và đời sống người Việt thời Hùng Vương

Trong thời kỳ Hùng Vương, cuộc sống Tổ Tiên chúng ta là như thế nào, đây có lẽ là một vấn đề mà hầu hết những người Việt quan tâm tới cội nguồn và văn hoá dân tộc đều muốn biết. Trong các ghi chép cổ mà người Việt đã giữ lại được tới nay, thì những câu chuyện trong sách Lĩnh Nam chích quái, là các truyện cổ về thời Hùng Vương được chép thành văn sớm nhất, có nguồn gốc từ những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian. Những ghi chép khá trung thực với nguyên bản của Trần Thế Pháp, đã giúp chúng ta có những câu chuyện phác họa một cách chân thực và đầy đủ về thời kỳ cổ đại của dân tộc Việt, thông qua sự khảo cứu kỹ những câu chuyện này, chúng ta sẽ thấy được một bức tranh khá toàn cảnh về cuộc sống của người Việt trong thời kỳ Hùng Vương.

Như một phương pháp tiếp cận cơ bản khi nghiên cứu về truyện cổ thời Hùng Vương, thì chúng ta cần xác định cơ sở thực tế của những câu chuyện trong sách Lĩnh Nam chích quái, chúng tôi đã chứng minh rằng truyện họ Hồng Bàng và các truyền thuyết thời Hùng Vương có đầy đủ cơ sở về di truyền, khảo cổ, văn hóa [1][2][3], khi xác định nguồn gốc dân tộc qua các phương tiện khoa học, chúng tôi nhận thấy các nghiên cứu thể hiện sự tương đồng rất rõ với các câu chuyện được chép trong sách Lĩnh Nam chích quái. Vì vậy, đây sẽ là những cơ sở để chúng ta có thể tìm hiểu một cách gần gũi với thực tế nhất về thời kỳ Hùng Vương của dân tộc Việt.

Như học giả Vũ Quỳnh đã bình trong lời đề tựa: “Than ôi! Lĩnh Nam có nhiều kỳ trọng, các truyện làm ra không cần phải chạm vào đá, khắc vào ván mà rõ ràng ở lòng người, bia truyền ở miệng người, ông già, con trẻ thảy đều thông suốt, đem lòng ái mộ, khuyên răn nhau, thời việc có hệ ở cương thường, quan ở phong tục, há có phải ít bổ ích đâu?” [4], những câu chuyện đó được người Việt lưu truyền qua “bia miệng” để ngày nay hậu nhân là người Việt chúng ta còn biết tới. Những câu chuyện tưởng chừng như đơn giản nhưng ẩn chứa trong đó rất nhiều giá trị về luân thường, đạo lý, cũng như thể hiện rõ đời sống của người Việt trong thời kỳ cội nguồn của dân tộc Việt, điều này sẽ được chúng tôi khảo cứu sâu và kỹ lưỡng hơn trong bài viết này.

I. Nguồn gốc và sự hình thành tộc Việt từ truyện họ Hồng Bàng:

1. Nguồn gốc họ Hồng Bàng và sự hình thành tộc Việt:

Truyện họ Hồng Bàng là câu chuyện đã ghi chép rất đầy đủ về nguồn gốc của người Việt, bắt nguồn từ thời Viêm Đế Thần Nông, tới Kinh Dương Vương, tới Lạc Long Quân và Âu Cơ, cuối cùng là sự khởi nguồn của thời kỳ Hùng Vương. Tất cả những nhân vật đó đều được người Việt thờ tự cho tới tận ngày nay, trong dân gian cũng truyền lại không ít phong tục cổ, truyện cổ liên quan tới các nhân vật và giai đoạn này. Việc tìm hiểu truyện họ Hồng Bàng sẽ cung cấp cho chúng ta những thông tin khá đầy đủ về nguồn gốc của người Việt.

Vị Tổ đầu tiên được nhắc tới, là Tổ Tiên xa của tộc Việt, đó là Viêm Đế Thần Nông, Viêm Đế Thần Nông được cho rằng là Tổ của người Hoa Hạ, nhưng chính truyền thuyết của họ đã chép về sự kiện Hoàng Đế đánh Viêm Đế họ Thần Nông, mới bắt đầu hình thành tộc người Hoa Hạ. Trong truyền thuyết họ Hồng Bàng của người Việt, cũng có nhắc về chi tiết Hoàng Đế đánh hậu duệ của Viêm Đế.

Truyện họ Hồng Bàng chép: “Đế Lai trở về Bắc, lại truyền ngôi cho Đế Đu, cùng với Hoàng Đế đánh nhau ở Bản Tuyền không hơn nên tử trận; họ Thần Nông bèn mất.” [4]

Như vậy qua ghi chép của người Việt, ta thấy được Hoàng Đế đã xâm lược vào đất của Thần Nông, đánh bại triều đại của họ Thần Nông khi đó đang do Đế Đu trị vì, vì vậy trong truyện đã chép rằng “họ Thần Nông bèn mất”, nên người Hoa Hạ không có cơ sở để nhận Thần Nông về dân tộc mình. Về việc họ cho rằng Thần Nông là tổ của mình, thì chúng tôi cho rằng khi cai trị cư dân của họ Thần Nông trong vùng đồng bằng sông Hoàng Hà, họ đã nỗ lực thực hiện chính sách hòa hợp, hay nói một cách thẳng thắn đó là chính sách đồng hóa, nên mới nhận Viêm Đế về mình. Rõ ràng, Thần Nông là Tổ của người Việt, không phải Tổ của người Hoa Hạ, Tổ của người Hoa Hạ chính xác chỉ là Hoàng Đế mà thôi.

Truyện họ Hồng Bàng chép: “Cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông tên là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi, rồi đi nam tuần đến Ngũ Lĩnh, gặp được nàng con gái Vụ Tiên đem lòng yêu mến mới cưới đem về, sinh ra Lộc Tục, dung mạo đoan chính, thông minh túc thành; Đế Minh lấy làm lạ, cho nối ngôi vua; Lộc Tục cố nhường cho anh. Đế Minh lập Đế Nghi làm tự quân cai trị phương Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ Quốc.” [4]

Nếu xét về dòng dõi, thì Kinh Dương Vương là cháu đời thứ 4 của Viêm Đế Thần Nông, Lạc Long Quân là cháu đời thứ 5, chính danh và là hậu duệ truyền đời trực tiếp hơn là Đế Nghi, khi ông được làm vua phương Bắc, nhưng Kinh Dương Vương cũng là một nhánh hậu duệ, thuộc dòng dõi của Viêm Đế họ Thần Nông. Sự phát triển và kế thừa qua đây có thể nói là liên tục. Kinh Dương Vương được chia cai trị phương Nam, lập nên nước Xích Quỷ, về nước Xích Quỷ, hai văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà đã cho chúng ta thấy tại đây có những tổ chức nhà nước phát triển sớm nhất trong vùng Đông Á mà chúng tôi đã chứng minh trong các bài viết khác. [5]

Kinh Dương Vương lấy con gái vua Động Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm hay Lạc Long Quân, Kinh Dương Vương truyền ngôi cho Lạc Long Quân rồi ông ra đi, không ai biết là đi đâu. Cộng đồng tộc Việt được hình thành khi Cha Lạc Long Quân gặp Mẹ Âu Cơ, Mẹ Âu Cơ sinh ra một bọc trứng, bọc trứng sinh ra trăm người con. Đây là một chi tiết có tính triết lý, biểu trưng cho sự hình thành của cộng đồng tộc Việt.

Truyện họ Hồng Bàng trong sách Lĩnh Nam chích quái chép: “Âu Cơ ở với Lạc Long Quân giáp một năm, sinh ra một bọc trứng, cho là điềm không hay nên đem bỏ ra ngoài đồng nội; hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai, nàng đem về nuôi nấng, không phải cho ăn, cho bú mà tự nhiên trường đại, trí dũng song toàn, ai cũng úy phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường.” [4]

Sách Lĩnh Nam chích quái cũng đề cập tới chi tiết cốt lõi là bọc trăm trứng, nhưng lại cho bọc trăm trứng là điềm không hay, nhưng phiên bản được truyền trong dân gian lại thể hiện một nhận định khác, cho rằng đó là điềm lành: “Lạc Long Quân đi tuần thú tới động Lăng Xương gặp tiên nữ Âu Cơ hái dâu bên bờ sông Đà bèn lấy làm vợ đưa về ở núi Nghĩa Lĩnh. Âu Cơ có mang ba năm ba tháng mười ngày, đến giờ Ngọ ngày 25 tháng chạp năm Giáp tý chuyển dạ sinh ra một bọc trăm trứng. Hôm ấy trời xanh nắng ấm, mây lành ấp núi, hương thơm ngan ngát đầy phòng.” [6]

Chi tiết này biểu trưng cho một triết lý rất quan trọng: tất cả người Việt đều được sinh từ một bọc, là đồng bào, sinh cùng một lúc, mang cả tính âm của Mẹ và tính dương của Cha, dầu có nguồn gốc khác nhau, nhưng đều cùng một dòng giống Rồng – Tiên. Đây là một biểu trưng thể hiện biểu hiện sự đoàn kết và thống nhất dưới một nguồn gốc chung của các nhóm dân có nguồn gốc khác nhau khi cộng đồng tộc Việt bắt đầu hình thành: cư dân ngữ hệ Nam Á trong vùng Dương Tử, và cư dân Tai-Kadai, Nam Đảo trong vùng bắc Đông Á di cư xuống, sự hình thành tộc Việt bắt nguồn từ sự hòa hợp và thống nhất về ý thức dân tộc giữa các hệ ngữ [7]. Tại đây, cũng là nơi hình thành nên ý thức dân tộc Việt thống nhất [7] và tổ chức nhà nước phát triển sớm nhất trong vùng Đông Á tại các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà [5].

Truyện họ Hồng Bàng chép: “Long Quân bảo: – Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi trai về Thủy phủ phân trị các xứ, năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau.” [4]

Có các chi tiết rất quan trọng trong câu nói của Cha Lạc Long Quân: “Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống tiên, người ở trên đất“, “tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc“, có thể thấy rằng, Long Quân thuộc dòng dõi Rồng, Âu Cơ thuộc dòng dõi Tiên, đây chính là loài Rồng và loài Tiên trong văn hóa Đông Á cổ đại [8][9], được người Việt kế thừa trong văn hóa Thạch Gia Hà, với những miếng ngọc Rồng và ngọc chim Tiên (Phượng Hoàng) đã được tìm thấy.

Ngọc chim Tiên (Phượng Hoàng) và Rồng thời văn hóa Thạch Gia Hà. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, dẫn]

Sau thời văn hóa Thạch Gia Hà, cộng đồng tộc Việt tan rã từ nguyên nhân thiên tai trong vùng Dương Tử và cả thế giới, làm nhiều nền văn minh lớn trên thế giới sụp đổ.

Long Quân lại bảo: “Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi trai về Thủy phủ phân trị các xứ, năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau.” . [4]

Truyện truyền trong dân gian cũng chép tương tự, khi Long Quân bảo với Âu Cơ: “…nay phải chia ly, ta đem 50 người con về miền bể chia trị các xứ, cho 50 con theo nàng lên núi, chia nước mà trị. Lên núi xuống bể hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên” [4]

Nguyên nhân hạn hán diễn ra trong vùng Dương Tử khoảng 4200 năm trước, khiến nền văn minh ở đây sụp đổ, nên cư dân tộc Việt phải phân tán, di cư về phía Nam. Các nghiên cứu di truyền cũng cho chúng ta thấy được dòng di cư này của cư dân vùng Dương Tử. [10][11]

Các hệ ngữ đã di cư phân tán ra khắp vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo: ngữ hệ Nam Á xuống vùng Đông Nam Á lục địa và ngữ hệ Nam Đảo sang vùng Đông Nam Á hải đảo. Ngữ hệ Tai-Kadai vào thời Đường sau đó mới di cư xuống vùng Đông Nam Á lục địa từ Vân Nam. [12]

50 người con cùng Mẹ Âu Cơ, là hậu duệ trực tiếp của họ Hồng Bàng sau đó đã di cư về Việt Nam, hình thành nên nước Văn Lang và văn hóa Phùng Nguyên.

II. Tổ chức nhà nước thời Hùng Vương:

Sau khi văn minh vùng Dương Tử sụp đổ, cư dân tộc Việt đã di cư phân tán ra khắp vùng Đông Nam Á, hậu duệ của họ Hồng Bàng, 50 người con đã cùng Mẹ Âu Cơ di cư về Việt Nam, suy tôn con trưởng lên làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, lập nên nước Văn Lang, với bờ cõi tương ứng với địa đầu là đất Tổ Động Đình của người Việt, điểm cuối chính là vùng miền Bắc Việt Nam, với văn hóa Phùng Nguyên.

1. Quốc gia của người Việt thời Hùng Vương:

Khi di cư về Việt Nam, 50 người con của mẹ Âu Cơ đã suy tôn con trưởng lên làm vua, lấy hiệu Hùng Vương, lập nên nước Văn Lang, với lãnh thổ như ghi chép của cả Lĩnh Nam chích quái và Đại Việt sử ký toàn thư đều là từ vùng Dương Tử tới Việt Nam. Mở rộng hơn trong các tài liệu lịch sử Trung Quốc, thì tộc Việt cũng có vùng phân bố tương ứng với quốc gia Văn Lang, phong tục tập quán giống nhau, và cũng có một quốc gia chung như ghi chép của người Việt.

Truyện họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam chích quái chép: “Trăm trai đều nghe mệnh, rồi mới từ giã mà đi. Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu – (bây giờ là huyện Bạch Hạc), tự suy tôn người hùng trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang; về bờ cõi của nước thì Đông giáp Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến Động Đình hồ, Nam đến nước Hồ Tôn Tinh (bây giờ là nước Chiêm Thành), chia trong nước làm mười lăm bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Quế Lâm, Tượng Quận, sai các em phân trị, đặt em thứ làm tướng võ, tướng văn; tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái gọi là Mỵ Nương, quan Hữu ty gọi là Bồ chính, thần bộc nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo, thay đời truyền cho nhau đều hiệu là Hùng Vương không đổi.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam), chia nước làm 15 bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức; đều là đất thần thuộc của Hùng Vương; còn bộ gọi là Văn Lang là nơi vua đóng đô. Đặt tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng (chữ Lạc Tướng, sau chép sai là Hùng Tướng). Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương. Quan coi việc gọi là Bồ Chính, đời đời cha truyền con nối, gọi là phụ đạo. Vua các đời đều gọi là Hùng Vương.”

Ghi chép về quốc gia của tộc Việt bao gồm vùng đất có sự phân bố và sinh sống của cộng đồng tộc Việt: từ vùng Dương Tử tới Việt Nam, vùng phân bố, văn hóa và quốc gia chung được ghi chép khá rõ ràng trong các tài liệu lịch sử Trung Quốc.

Sách Hán thư, Địa lý chí chép: “粵地牽牛、婺女之分壄也。今之蒼梧、鬱林、合浦、交阯、九真、南海、日南皆粵分也。其君禹後帝少康之庶子云封於會稽臣瓚曰「自交阯至會稽七八千里百越雜處各有種姓不得盡云少康之後也。” – “Đất Việt ở phân dã của chòm sao Khiên Ngưu, Vụ Nữ. Các quận Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam ngày nay đều là phân dã của đất Việt. Có quân trưởng của đất ấy là dòng dõi của vua Vũ, đấy là con thứ của vua Thiếu Khang được phong ở núi Cối Kê, Thần Toản nói: “Từ quận Giao Chỉ đến quận Cối Kê dài bảy, tám ngàn dặm có các nhóm người Bách Việt ở lẫn, đều có nhánh họ, không nên nói đều là dòng dõi của vua Thiếu Khang.” [Bản dịch của Tích Dã]

Sách Thông Điển của Đỗ Hữu 杜佑 thời Đường (801), phần Châu quận chép: “自嶺而南,當唐、虞、三代為蠻夷之國,是百越之地” – “Từ dải núi Ngũ Lĩnh về phía nam, vào thời Đường – Ngu, Tam đại là nước của người Man Di, là đất của người Bách Việt .”. Sách này chú thêm: “或曰自交趾至於會稽七八千里,百越雜處,各有種姓.” – “Từ Giao Chỉ đến Cối Kê, bảy tám ngàn dặm, người Bách Việt xuất hiện khắp mọi nơi, mỗi nơi đều có một chủng tính.”

Qua đoạn trích từ sách Thông Điển, chúng ta nhận diện được hai thông tin quan trọng: thứ nhất là ở vùng phía Nam Dương Tử, từ Cối Kê tới Giao Chỉ, là nơi sinh sống của người Bách Việt. Thứ hai, là người Bách Việt có một quốc gia chung, ngang với thời Đường – Ngu, tức khoảng hơn 4000 năm trước, vào trước thời điểm 4000 năm, thì tộc Việt vẫn sinh sống chủ yếu trong vùng Dương Tử, điều này cũng có nghĩa quốc gia của người Việt phải tương ứng với không gian từ vùng Dương Tử trở về Nam, chứ không chỉ từ Ngũ Lĩnh. Phong tục, tập quán từ vùng Giang Nam về phía Nam đều giống nhau, mà đa số là dân “Lang Việt” như ghi chép của Tư Mã Thiên.

Trong phần Hóa thực liệt truyện, sách Sử Ký của Tư Mã Thiên chép: “九疑、蒼梧以南至儋耳者,與江南大同俗,而楊越多焉。- ”Từ Cửu Nghi, Thương Ngô về phía nam tới Đam Nhĩ, phong tục đại để giống vùng Giang Nam, mà đa số là dân Dương Việt”. [13]

Nhiều người tỏ ý nghi ngờ việc người Việt từng có một quốc gia rộng lớn như thế, cho rằng “người Việt không đủ khả năng để làm chủ một quốc gia to lớn, vĩ đại như thế”, “đây là một sự nhận vơ”, hay nặng nề và có phần cực đoan hơn là người Việt có “mục đích muốn chiếm đất của Trung Quốc”, mà không có bằng chứng nào đủ cơ sở để phủ nhận, chỉ đánh giá vấn đề một cách cảm tính và chủ quan, không tìm hiểu kỹ và xác minh một cách khoa học những ghi chép mà Tổ Tiên đã truyền lại. Quốc gia của người Việt đã được thành lập từ trước đó khi còn trong vùng Dương Tử, với những nhà nước tại các văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà, quốc gia của người Việt cũng được chép rõ trong nhiều truyện, nhiều sách vở, kể cả sách Trung Quốc như Thông Điển cũng công nhận rằng người Việt có một quốc gia tương ứng với địa bàn sinh sống của người Bách Việt. Vì vậy nên sự tồn tại của quốc gia Văn Lang hoàn toàn không mâu thuẫn với các tài liệu khảo cổ, ghi chép lịch sử của Việt Nam và Trung Quốc.

Trong các truyện họ Hồng Bàng cũng đã chép rõ: Bách Nam là thủy tổ của Bách Việt vậy.”, hay trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép: “Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt., có thể thấy rõ ràng rằng các câu truyện cổ của người Việt đều xác định người Việt và người Bách Việt cùng một gốc mà ra, tức đều có nguồn gốc từ văn minh trong vùng Dương Tử, phân tán khi hạn hán đã diễn ra trong vùng đất Tổ của họ để hình thành cộng đồng tộc Việt tương ứng với địa bàn phân bố của họ. Sau cuộc di cư này, cộng đồng tộc Việt vẫn phát triển trong một cộng đồng chung, hình thành một quốc gia trải rộng trong vùng Dương Tử tới Việt Nam, đều có ý thức dân tộc và nguồn gốc văn hóa thống nhất. Như vậy, thì tất cả các ghi chép của Việt Nam và Trung Quốc đều thống nhất rằng người Việt có cùng nguồn gốc, có cùng văn hóa, cùng là người Việt, và cùng nằm trong một quốc gia chung. Nên việc người Việt lưu truyền về lãnh thổ quốc gia Văn Lang hoàn toàn không phải không có cơ sở, ngược lại, còn có những cơ sở rất rõ ràng.

2. Tổ chức nhà nước và xã hội của tộc Việt thời Hùng Vương:

Truyện họ Hồng Bàng trong sách Lĩnh Nam chích quái chép khá chi tiết về tổ chức nhà nước và tổ chức xã hội trong thời kỳ Hùng Vương, các ghi chép ở các truyện khác trong sách Lĩnh Nam chích quái, cũng cho chúng ta thấy được khá toàn vẹn về tổ chức xã hội của tộc Việt thời kỳ này.

Tầng lớp cao nhất trong tổ chức của nước Văn Lang là các vị vua Hùng, các vị vua Hùng “đời đời cha truyền, con nối”, có nghĩa theo chế độ phụ hệ, tất cả các đời đều xưng là Hùng Vương không đổi. Ở tầng lớp thấp hơn, các tài liệu lịch sử Trung Hoa và truyện họ Hồng Bàng đều cho thấy các vị vua Hùng có phụ tá là các Lạc Hầu, Lạc Tướng, theo truyện họ Hồng Bàng thì vua Hùng “sai các em phân trị, đặt em thứ làm tướng võ, tướng văn; tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng”, có nghĩa các Lạc Tướng và Lạc Hầu là dòng dõi của các vua Hùng, như sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “đều là đất thần thuộc của Hùng Vương“. Về vai trò, thì Lạc Hầu là quan văn, đảm nhận việc chính trị dưới sự điều hành của các vua Hùng, còn Lạc Tướng là quan võ, đảm nhận việc quân sự, mỗi quận huyện, mỗi vùng sẽ có các Lạc Tướng cai quản, các đời Lạc Tướng cũng đời đời cha truyền, con nối.

Trong chi tiết trên chúng ta cũng thấy được tổ chức của quốc gia Văn Lang là một hình thức phong kiến, các vùng đất được vua Hùng giao cho các em cai quản, các Lạc Tướng có quyền quản lý vĩnh viễn các vùng đất được phân phong, kế thừa theo hình thức cha truyền con nối, cách thức tổ chức này tương tự như nhà Chu phong đất cho các quý tộc triều đại mình, tuy nhiên chế độ của người Việt có sự kế thừa và tồn tại rất bền vững, về người Hoa Hạ, thì sau đó các vùng đất này tách ra thành các nước chư hầu nhà Chu. Một chi tiết khác trong truyện Đổng Thiên Vương cũng cho chúng ta thấy hình thức phong kiến cho những người có công lao đánh thắng giặc ngoại xâm, cũng tương tự như hình thức cấp đất cho các tướng lĩnh của các triều đại tự chủ sau này: “có ai dẹp được giặc thì phong cho tước ấp”. [4]. Các vua Hùng duy trì quyền lực và điều động quân đội các vùng bằng những chiếc Nha chương ngọc, xuất hiện trong thời văn hóa Phùng Nguyên.

Nha chương tìm thấy tại văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: Bảo tàng Đền Hùng, dẫn; Bảo tàng lịch sử Việt Nam, dẫn.]

Theo truyện họ Hồng Bàng, thì còn một số tầng lớp và chức vụ khác trong tổ chức của quốc gia Văn Lang: “quan Hữu Ty gọi là Bồ Chính, thần bộc nô lệ gọi là nô tỳ” [4], bên cạnh các tầng lớp chủ chốt là Lạc Hầu, Lạc Tướng thì còn có các quan Hữu Ty gọi là Bồ Chính, và quốc gia này cũng tồn tại tầng lớp nô tỳ, là tầng lớp thấp nhất trong xã hội người Việt. Như vậy qua các tài liệu này chúng ta có thể thấy được 4 tầng lớp của xã hội thời kỳ này: hoàng tộc, quý tộc và quan lại, dân thường và cuối cùng là tầng lớp nô tỳ, nô lệ.

Thời kỳ này cũng có tầng lớp hoàng tộc, con trai vua được gọi là Quan Lang, con gái vua được gọi là Mỵ Nương, trong thời kỳ này qua nhiều câu chuyện thời Hùng Vương như trong truyện Lang Liêu, truyện Chử Đồng Tử [17], thì Lang Liêu, một trong các Quan Lang, là con của một trong những hoàng hậu của các vị vua Hùng. Qua tư liệu này chúng ta thấy được rõ ràng đã tồn tại một chế độ đa thê trong tầng lớp hoàng tộc.

Quốc gia Văn Lang thời kỳ đó, theo ghi chép của truyện họ Hồng Bàng, chúng ta cũng thấy được sự tồn tại của những vùng phiên thuộc: những vùng “xưng thần (được gọi) là khôi”. Chi tiết này cũng phù hợp với các tư liệu cho thấy các vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo đã tới miền Bắc Việt Nam để xin trống đồng về để sử dụng, quyền lực, tính trung tâm, hành động “xưng thần” của các quốc gia Đông Nam Á với các vua Hùng được thể hiện rõ trong các tài liệu khảo cổ. [14]

Như vậy, các ghi chép này cho chúng ta thấy tổ chức của quốc gia Văn Lang là theo hình thức phong kiến phân quyền, trung tâm quyền lực là các vị vua Hùng, mỗi vùng có các Lạc tướng thuộc dòng dõi Hồng Bàng cai quản, về cơ bản các vùng đều có quyền tự trị, nhưng chịu sự quản lý của các vị vua Hùng, nhận lệnh điều động từ chính quyền trung ương mỗi khi có biến động. Tổ chức xã hội của thời kỳ này cũng cho chúng ta thấy có ít nhất 4 tầng lớp trong xã hội người Việt: hoàng tộc, quý tộc – quan lại, thường dân và tầng lớp nô tì, nô lệ. Các ghi chép cũng cho thấy có các quốc gia xưng thần với quốc gia Văn Lang của người Việt, nó cũng tương ứng với sự xuất hiện của trống đồng trên khắp vùng Đông Nam Á [14], theo con đường ngoại giao, khi các nước Đông Nam Á tới Việt Nam để xin trống về.

3. Sự thông giao và vấn đề chiến tranh trong thời kỳ Hùng Vương:

Trong thời kỳ tồn tại của thời kỳ Hùng Vương, cũng như bao triều đại khác, chắc chắn không thể thiếu được những cuộc chiến tranh, trong đó bao gồm cả những cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ lẫn cuộc chiến dẹp loạn trong quốc gia của mình. Số lượng vũ khí được tìm thấy chiếm tỉ lệ cao trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn, cho thấy tần suất những cuộc chiến tranh là không hề nhỏ. Do lãnh thổ nước ta thời Hùng Vương rộng, nên có nhiều nước xung quanh gây hấn, hay trong nội bộ đất nước cũng sẽ có những cuộc nổi loạn.

a. Chiến tranh chống xâm lược thời Hùng Vương:

Trong truyện Đổng Thiên Vương, là câu chuyện chép về cuộc chiến chống ngoại xâm, khi giặc Ân (Thương) có ý định xâm chiếm đất Việt.

Truyện Đổng Thiên Vương chép: “Đời Hùng Vương thứ ba, thiên hạ thái bình, dân vật đầy đủ, Ân Vương lấy sự thiếu lễ triều cống, giả đi tuần thú để xâm chiếm nước ta. Hùng Vương nghe được mới triệu quần thần hỏi về kế hoạch đánh hay giữ.” [4]

Nhà Ân hay nhà Thương đã tổ chức một cuộc chiến tranh xâm lược đất Việt vào khoảng 2500 TCN, cuộc chiến này cũng tồn tại trong khảo cổ học mà chúng tôi đã chứng minh trong bài viết khác [15], với sự xuất hiện và biến mất đột ngột của văn hóa Bàn Long Thành (2500 – 2300 BC) mang những đặc trưng của văn hóa Thương. Sự xuất hiện và biến mất của nó cũng tương ứng với cuộc chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm của người Việt.

Khi vua Hùng hỏi ông cụ được Long Quân hóa thành về kế hoạch để đánh giặc, ông cụ đáp: “- Nếu có giặc đến thì phải nghiêm chỉnh khí giới, tinh luyện sĩ tốt để cho nước có uy thế, rồi tìm khắp thiên hạ có ai dẹp được giặc thì phong cho tước ấp, hễ được người ấy thì dẹp được giặc ngay.” [4]

Như bao cuộc chiến tranh, đều cần phải nghiêm chỉnh khí giới, tinh luyện sĩ tốt, nâng cao uy thế đất nước để có thể tạo nên nội lực và sức mạnh để đánh giặc ngoại xâm. Chưa hết, truyện còn chép rằng “tìm khắp thiên hạ có ai dẹp được giặc“, cho chúng ta thấy được một triết lý: đó là cần dựa vào nhân dân, người anh hùng Thánh Gióng sau đó đã đánh tan giặc Ân, chúng tôi cho rằng nó là một hình ảnh đại diện cho toàn thể người Việt, sức mạnh từ nhân dân và sự đoàn kết dân tộc kết tinh thành một khối duy nhất dưới hình ảnh của Thánh Gióng đã giúp cho người Việt chiến thắng được giặc ngoại xâm, hình ảnh này cũng nhắc nhở người Việt về giá trị của sự đoàn kết dân tộc, sức mạnh của nhân dân đối với nền độc lập của dân tộc, đây là những kim chỉ nam xuyên suốt, giúp cho người Việt vượt qua tất cả những phong ba bão tố của lịch sử, để tới ngày nay vẫn là một dân tộc độc lập, một nước độc lập.

b. Sự thông giao của người Việt và người Hoa Hạ:

Qua câu chuyện đánh giặc Ân, chúng ta cũng thấy được trong thời kỳ Hùng Vương tồn tại, thì triều đại này cũng phải có những sự thông giao với các triều đại xung quanh. Bởi lãnh thổ lên tới hồ Động Đình (đất Tổ của người Việt), nên câu chuyện thông giao với các triều đại Hoa Hạ như Hạ – Thương – Chu là điều rất dễ hiểu. Trong các ghi chép lịch sử, cũng không ít lần người Việt thông giao với các triều đại Hoa Hạ, trong đó, hai lần quan trọng nhất chính là vào triều Hạ và triều Chu.

Thái Bình ngự lãm thời Tống viết:” 任昉《述異記》曰:陶唐之世,越裳國獻千歲神龜,方三尺餘。背上有文,皆科斗書,記開辟已來命錄之龜歷。伏滔《述帝貢月銘》曰:胡書龜歷之文.” [16] – “Thuật dị kí” của Nhậm Phưởng (thời Nam Bắc triều) viết: Thời Đào Đường, nước Việt Thường dâng rùa thần nghìn tuổi, rộng hơn ba thước. Trên lưng có hoa văn, đều là chữ khoa đẩu, ghi lịch rùa từ thủa mới mở mang đến nay. “Thuật Đế cống nguyệt minh” của Phục Thao viết: Văn lịch rùa là chữ của người Hồ Man”.

Truyện bạch trĩ chép: “Thời Thành Vương nhà Chu, Hùng Vương sai sứ thần đem qua dâng cho nhà Chu giống chim bạch trĩ, nhưng ngôn ngữ bất thông, Chu Công sai người dịch lại mới hiểu.”

Thượng thư đại truyện (đời Hán), Phục Thắng soạn, phần Đại cáo chép: “Phía nam đất Giao Chỉ có nước Việt Thường. Châu Công (tên Cơ Đán 姬旦) nhiếp chính được sáu năm, đặt lễ làm nhạc, thiên hạ hòa bình. Người nước Việt Thường qua quan Tam tượng nhiều lần phiên dịch mà dâng chim trĩ trắng.” [17]

Việt Thường ở đây nhiều khả năng cũng là một từ được sử dụng để chỉ quốc gia của người Việt, không phải là một quốc gia độc lập với đất Việt, bởi Việt là tên gọi mà chỉ duy nhất cộng đồng tộc Việt trong vùng nam Dương Tử về Việt Nam sử dụng trong xuyên suốt lịch sử.

Như vậy, người Việt và người Hoa Hạ đã có những thông giao trong cả 3 triều đại của người Hoa Hạ, là Hạ – Thương – Chu, có sai sứ giả tới cống, và được các tài liệu lịch sử của họ chép lại, trong truyện bạch trĩ, thì người Việt cũng ghi lại sự kiện này theo cách của mình, những xác minh từ sử sách Hán cho thấy cơ sở thực tế của những câu chuyện trong sách Lĩnh Nam chích quái.

c. Những cuộc xung đột trong nội bộ đất nước:

Trong một quốc gia, luôn luôn có những mâu thuẫn nhất định trong xã hội, bởi sự mâu thuẫn giai cấp, giữa người dân và chính quyền, vì vậy, nên chắc chắn sẽ tồn tại những cuộc chiến tranh dẹp loạn, để bảo vệ được sự ổn định của xã hội.

Trong truyện Đầm Dạ Trạch, thì khi cả “một nước” hiện ra nơi hai vợ chồng Tiên Dung tá túc, thì Hùng Vương khi biết tin đã cho rằng con mình làm phản, nên đem quân đi đánh. Khoan chưa bàn đúng sai, nhưng có thể thấy trong thời gian một triều đại tồn tại, có thể sẽ có những mâu thuẫn trong xã hội, dẫn tới những cuộc chiến dẹp loạn tương tự như tình huống trong câu chuyện Đầm Dạ Trạch.

Truyện Đầm Dạ Trạch chép: “Đồng Tử trở về, đem chuyện đạo Phật nói hết với Tiên Dung, từ đó giác ngộ, bỏ chợ búa, nghề buôn, đem nhau đi tìm thầy học đạo. Một hôm trời đã tối mà chưa đến nhà trọ, họ mới ở lại giữa đường, cắm gậy úp nón lên trên để che. Đêm đến canh ba, thấy hiện ra thành quách, lầu son đền báu, đài các lăng miếu, kho tàng miếu xã, vàng bạc châu ngọc, chiếu giường mùng màn, tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ thị vệ la liệt đầy ở trước mặt. Sáng ngày, ai trông thấy cũng lấy làm kinh dị, tranh nhau đem những vật hoa hương ngọc thực đến dâng hiến và xưng thần. Văn võ bá quan phân quân túc vệ, biệt lập thành một nước. Hùng Vương hay tin cho là con gái mình làm loạn mới phát binh đi đánh; quan quân đến rồi, quần thần xin phân quân án ngữ.” [4]

Trong truyện bánh Chưng, bánh Dày, thì khi Hùng Vương truyền ngôi cho Lang Liêu, thì các anh em còn lại có lẽ đã không đồng tình với quyết định của cha, nên đã có phần mâu thuẫn, nên đã lập nên sách trại riêng để tranh nhau làm trưởng, tuy nhiên theo các ghi chép này, thì cuộc xung đột này có thể đã không gây ra chiến tranh, anh em đã hòa thuận được với nhau để cùng xây dựng đất nước.

Truyện bánh Chưng bánh Dày chép: “Hùng Vương truyền ngôi cho Lang Liêu; hai mươi mốt anh em đều giữ các phiên trấn, lập làm bộ đảng, cứ thủ núi sông để làm hiểm cố. Về sau, họ hằng tranh nhau làm trưởng, mỗi người dựng mộc sách để che kín bởi vậy gọi là sách, là trại, là trang, là phường khởi thủy từ đấy vậy.” [4]

4. Kinh tế và giao thương thời Hùng Vương:

Sản xuất lúa gạo là hoạt động kinh tế cốt lõi trong cuộc sống người Việt thời Hùng Vương, hầu hết thời gian của họ xoay quanh công việc trồng lúa, chăm sóc, thu gặt lúa để nuôi sống các tầng lớp trong xã hội của người Việt, lúa gạo cũng đã gắn bó với người Việt trong hàng chục nghìn năm lịch sử. Vì vậy, mà người Việt vô cùng trân quý gạo, xếp vị trí quan trọng nhất trong tâm thức của người Việt.

Như trong truyện bánh Chưng chép: “Trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân, người ta ăn mãi không chán, không có vật gì đứng trước được.” [4]

Trong truyện Đầm Nhất Dạ, có chép về việc giao thương với người ngoại quốc của người Việt, đây là chi tiết sau khi Tiên Dung nghe tin cha nổi giận về chuyện mình muốn cưới tiện dân: “Tiên Dung nghe tin, sợ không dám trở về mới cùng với Đồng Tử mở chợ búa, lập phố sá, cùng nhân gian mậu dịch, dần dần nơi ấy thành một ngôi chợ lớn (nay là chợ Hà Lõa); thương nhân ngoại quốc qua lại buôn bán.” [4]

Chi tiết này cho chúng ta thấy kinh tế thời kỳ này đã khá rộng mở, có chợ búa, lập phố sá, có cả thương nhân nước ngoài qua lại buôn bán.

Hoạt động giao thương trong thời kỳ Hùng Vương có lẽ là một trong những hoạt động kinh tế chính, truyện Mai An Tiêm chép: “Ngày xưa, đời Hùng Vương có một người tên là Mai An Tiêm, người ngoại quốc, mới được bảy tuổi, do thuyền buôn chở đến. Vương mua về làm đầy tớ, kịp lúc lớn lên thì diện mạo đoan chính, nhớ biết nhiều việc.”. Truyện lại chép tiếp: “Nhưng khách chài lưới, buôn bán, ưa mùi vị của nó đều đem phẩm vật của mình để đổi lấy dưa (của Mai An Tiêm).” [4]

Trong truyện ngư tinh chép: “(Ngư tinh) cũng thành ra người, cùng với đàn ông đổi chác các phẩm vật như muối gạo, áo quần, dao búa, thường qua lại ở biển Đông Hải.” [4], cho thấy các vật phẩm muối gạo, quần áo và các dụng cụ lao động bằng kim loại có vai trò rất quan trọng, được sử dụng để đổi chác.

Như vậy lúa gạo là trung tâm, là cốt lõi trong đời sống của người Việt. Hoạt động giao thương cũng là một hoạt động kinh tế rất quan trọng trong thời kỳ Hùng Vương của dân tộc Việt.

II. Văn hóa tộc Việt thời Hùng Vương:

Văn hóa tộc Việt qua những ghi chép ở các truyện họ Hồng Bàng cũng cho chúng ta thấy được rất rõ những đặc trưng văn hóa của tộc Việt, cũng như thể hiện một số đặc trưng và thành tựu văn hóa quan trọng của tộc Việt trong thời kỳ này.

1. Những thành tựu văn hóa:

Trong thời kỳ Hồng Bàng, tương ứng với các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà, cộng đồng tộc Việt đã phát triển tới một mức độ văn minh cao, có sức ảnh hưởng rộng lớn trong vùng Đông Á trong thời kỳ chúng tồn tại, những tài liệu khảo cổ và ghi chép trong truyện họ Hồng Bàng cho thấy một số thành tựu văn hóa quan trọng của cộng đồng tộc Việt.

Truyện họ Hồng Bàng chép: “Long Quân bảo: – Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi trai về Thủy phủ phân trị các xứ, năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau.” [4]

Yếu tố “âm dương” đã xuất hiện trong thực tế khảo cổ học, với đồ hình âm dương sớm nhất Đông Á tìm thấy tại các văn hóa Khuất Gia Lĩnh và Thạch Gia Hà.

1-2: Hình âm dương trên dọi se chỉ văn hóa Khuất Gia Lĩnh. 3: Hình âm dương trên dọi se chỉ Thạch Gia Hà. [18][19][20]

Mở rộng đối chiếu, thì trong chi tiết câu trên, nhắc tới “Khí” và “Thủy Hỏa tương khắc”, cho thấy khả năng “Khí” và cả thuyết “Ngũ hành” đã được người Việt biết tới, bởi Khí động tĩnh mà sinh Âm Dương, hai khí Âm Dương tác dụng lẫn nhau mà sản sinh Ngũ hành. Chúng có liên quan tới nhau mật thiết, nên chúng tôi cho rằng không ngẫu nhiên mà câu trên lại khi chép đầy đủ cả ba thành phần của học thuyết Âm Dương – Ngũ hành.

Trong phiên bản truyền trong dân gian, thì nội dung cũng tương tự như trong Lĩnh Nam chích quái, cũng cho thấy sự xuất hiện của cả 3 yếu tố là “Khí”, “Âm Dương” và “thủy hỏa tương khắc” như trong sách Lĩnh Nam chích quái: “Ta là giống Rồng đứng đầu thuỷ tộc. Nàng là giống Tiên Sống ở trên núi. Tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thuỷ hoả tương khắc khó ở lâu với nhau được…”. [4]

Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên có chép sơ lược hơn, nhưng cũng có chi tiết về “thuỷ hoả khắc nhau”, tương đồng với hai phiên bản truyện trong Lĩnh Nam chích quái và trong dân gian: “Một hôm, vua (Lạc Long Quân) bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thuỷ hoả khắc nhau, chung hợp thật khó”.” [4]

Vì vậy, những ghi chép về “Khí”, “Âm Dương”, “Thủy Hỏa tương khắc” có lẽ là không ngẫu nhiên, mà Tổ Tiên ta đã có ý tứ rõ ràng về triết lý ghi đưa những yếu tố đó vào câu chuyện, các thế hệ trung thành với nguyên bản, truyền lại chính xác từng câu chữ, không có sự khác biệt đáng kể với phiên bản gốc.

Sử thần Ngô Sĩ Liên trong sách Đại Việt sử ký toàn thư đã chú giải: “Khi trời đất mới mở mang, có thứ do khí hoá ra, đó là Bàn Cổ thị. Có khí hoá ra rồi sau có hình hoá, không thứ gì ngoài hai khí âm dương cả. “Kinh Dịch nói: “Trời đất nung ủ, vạn vật thuần hoá, đực cái hợp tinh, vạn vật hoá sinh””. Cho nên có vợ chồng rồi sau mới có cha con, có cha con rồi sau mới có vua tôi.” [21]

Những phân tích của Ngô Sĩ Liên đã cho thấy ý nghĩa và tính kết nối của ý niệm về sự tạo thành vạn vật của người Việt với Khí, Âm Dương, hay xa hơn là với cả Kinh Dịch. Tộc Việt được tạo ra từ hai yếu tố Âm và Dương, vì vậy sự hình thành tộc Việt cũng có thể xem như là sự kết tinh của trời và đất.

Dựa trên những cơ sở từ khảo cổ và ghi chép của người Việt trong truyện họ Hồng Bàng ở các phiên bản, có lẽ nguồn gốc của thuyết Âm – Dương, Ngũ hành không nhất thiết là do người Hoa Hạ tạo nên, mà có thể đây là những học thuyết do người Việt phát triển ra trước.

Triết lý âm dương của người Việt cũng được biểu hiện trong truyện trong bánh Chưng bánh Dày, với lý Trời tròn Đất vuông.

Truyện bánh Chưng chép: “Hốt nhiên mộng thấy thần nhân bảo rằng: – Trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân, người ta ăn mãi không chán, không có vật gì đứng trước được; nếu lấy gạo nếp hoặc gói làm hình tròn để tượng trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng đất, ở trong làm nhân cho thật ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý cái ơn trời đất phát dục vạn vật, như thế thì lòng cha sẽ vui, tôn vị chắc được.” [4]

Bánh dày và bánh chưng của người Việt.

Truyện đã chép rõ về các triết lý và tư tưởng của người Việt: “hình tròn để tượng trời”,hình vuông để tượng đất“, làm bánh Dày hình tròn, bánh Chưng hình vuông để “bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý cái ơn trời đất phát dục vạn vật“, Trời trong Đất vuông là triết lý tượng trưng cho quan niệm của người Việt về vũ trụ, nó có nguồn gốc từ thuyết âm dương.

Thuyết “Trời tròn Đất vuông” là một thể hiện của thuyết âm dương. Người xưa gọi trạng thái đất chưa hình thành, còn trong hỗn độn là thái cực. Thái cực sinh lưỡng nghi, phân chia âm dương, hình thành trời đất. Người Việt gọi vũ trụ đầy tinh tú là trời, nơi đặt chân để canh tác và sinh sống là đất. Các tinh tú không ngừng di chuyển theo vòng tròn, vô cùng vô tận; trái đất như một vật thể hình vuông không di động, chuyên chở chúng ta. Nên khái niệm Trời tròn Đất vuông nẩy sinh. [22]

Biểu hiện sớm nhất của triết lý Trời tròn Đất Vuông, là trong văn hóa Lương Chử với ngọc Tông hình vuông tượng trưng cho đất và đĩa Bích hình tròn tượng trưng cho Trời.

Ngọc bích tế trời và ngọc tông tế đất thời văn hóa Lương Chử. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, dẫn: 1, 2]

Trong văn hóa Đông Sơn, cũng đã tìm thấy hiện vật khuyên tai với bên ngoài hình vuông, bên trong hình tròn, đại diện cho triết lý này, rất giống với ngọc tông của văn hóa Lương Chử.

Khuyên tai bằng đá xám văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Cổ ngọc Việt Nam, Nxb Thế giới xuất bản, 2011.]

Từ đây, chúng ta thấy được người Việt có một hệ thống triết lý khá hoàn thiện, từ “Khí”, “Âm Dương” tới “Ngũ hành” và “Trời tròn Đất vuông”, chúng có quan hệ mật thiết với nhau, đều biểu hiện cho hệ thống tư tưởng về triết học của người Việt, nó biểu hiện trong cả các truyện từ thời Hùng Vương và trong các tài liệu khảo cổ.

2. Họ của người Việt thời Hùng Vương:

Từ thời Hùng Vương, trong các câu truyện cổ được chép trong sách Lĩnh Nam chích quái cũng cho thấy người Việt thời kỳ này đã có họ.

Ngay từ tiêu đề câu chuyện họ Hồng Bàng “鴻龐氏傳” – Hồng Bàng thị truyện, đã cho thấy ý thức về dòng họ đã xuất hiện. Sau đó, truyện họ Hồng Bàng cũng nhắc lại về “họ Hồng Bàng”, cho chúng ta thấy được chế độ phụ hệ tổ chức theo dòng họ ở người Việt đã có từ rất sớm, nó cũng tương ứng với chế độ phụ hệ đã xuất từ sớm của người Việt trong vùng Dương Tử. [23]

Trong truyện Trầu Cau, thì truyện nhiều lần nhắc tới các dòng họ: “Đời thượng cổ có một chàng tên là Quang Lang, trạng mạo cao lớn, Quốc vương cho họ là Cao, nhân lấy chữ Cao làm họ, sinh được hai trai, người đầu tên là Tân, người thứ tên là Lang, học với thầy Đạo sĩ họ Lưu.” [4]

Nhà họ Lưu có một người con gái, tuổi chừng mười bảy hay mười tám muốn tìm đôi bạn, nhưng không biết người nào là anh em, bèn bưng một bát cháo và một đôi đũa mời hai người ăn để xem ai là anh ai là em.” [4]

Như vậy truyện này đã chép về hai họ: Cao và Lưu, đây là hai họ có thể nằm trong những họ cổ nhất của người Việt.

Truyện trầu cau lại chép: Cha mẹ Lưu Thị đi tìm con, đến đó cũng than khóc, rồi lập đền ở chỗ ấy mà thờ, người đương thời đi qua đấy, ai cũng đốt nhang vái lạy, khen là anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa.” [4]

“Lưu thị” cũng tương tự như “Hồng Bàng thị” là ý thức về dòng họ, nó thể hiện rằng người phụ nữ trong truyện là người của dòng họ Lưu, đây là cách gọi mà tới tận ngày nay, người Việt vẫn sử dụng khi đặt tên cho nữ giới.

Trong truyện Đầm Nhất dạ chép rằng: “Lúc bấy giờ Đầm Nhất Dạ có người tên là Chử Vy Vân sinh được một người con trai tên là Chử Đồng Tử, hai cha con tính vốn hiền lành, nhà nghèo lại gặp nhà cháy, của cải khánh tận chỉ còn một cái khố vải, cha con ra vào thay đổi nhau mà mặc.” [4]

Truyện này cho thấy người Việt có cả họ Chử, trong tên của Chử Đồng Tử và mẹ là Chử Vy Vân, sau chi tiết này, truyện gọi ngắn tên của Chử Đồng Tử thành Đồng Tử, chứng tỏ Chử là họ của các nhân vật này.

Truyện dưa hấu chép: “Ngày xưa, đời Hùng Vương có một người tên là Mai An Tiêm, người ngoại quốc, mới được bảy tuổi, do thuyền buôn chở đến. Vương mua về làm đầy tớ, kịp lúc lớn lên thì diện mạo đoan chính, nhớ biết nhiều việc.; Vương đặt tên là Yển, tên chữ là An Tiêm (vậy Mai là họ) và cho một người thiếp, sinh được một trai, Vương yêu dùng để sai bảo, dần dần Yển thành phú quý, ai cũng úy phục, và chen nhau đến dâng lễ vật không thức gì là không có; Yển sinh ra kiêu mạn…” [4]

Mai An Tiêm là người ngoại quốc, nhưng được vua Hùng ban họ và đặt tên cho, tên là Yển hoặc An Tiêm, họ là Mai. Như vậy, Mai nhiều khả năng cũng là một họ của người Việt.

Truyện Lý Ông Trọng chép: “Cuối đời Hùng Vương, ở huyện Từ Liêm, quận Giao Chỉ, có một người họ Lý tên là Thân, sinh ra to lớn, cao hai trượng ba thước; hung tợn, Thân giết người, tội đáng tử hình, nhưng Hùng Vương tiếc không nỡ giết.” [4]

Họ Lý trong ghi chép này nhiều khả năng cũng đã có từ cuối đời Hùng Vương, chứ không phải sau thời Hùng Vương người Việt mới có.

Đây là tất cả những ghi chép trong sách Lĩnh Nam chích quái cho thấy có họ tên. Các chi tiết này cho chúng ta thấy người Việt đã có họ, bao gồm các họ như sau: Cao, Lưu, Chử, Mai, Lý. Tất cả các họ này ngày nay người Việt vẫn còn sử dụng, họ Cao cũng là một trong những dòng họ của người Mường.

3. Đức hạnh và tình nghĩa của người Việt:

Người Việt vốn là một dân tộc trọng đạo lý, trọng tình cảm, những đặc trưng văn hóa tinh thần đó được biểu hiện rõ trong những câu chuyện cổ được chép trong sách Lĩnh Nam chích quái. Bên cạnh đó, các câu chuyện cũng cho chúng ta thấy được đạo hiếu, một “đạo” quan trọng nhất trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc.

Truyện trầu cau chép: “Nhà họ Lưu có một người con gái, tuổi chừng mười bảy hay mười tám muốn tìm đôi bạn, nhưng không biết người nào là anh em, bèn bưng một bát cháo và một đôi đũa mời hai người ăn để xem ai là anh ai là em. Thấy người em nhường cho người anh ăn trước, nàng bèn ghi nhớ lấy, đem tình thực trình bày với cha mẹ. Cha mẹ gả cho người anh kết làm vợ chồng, tình ái càng ngày càng thân mật.” [4]

Câu chuyện bắt đầu bằng một chi tiết rất ý nghĩa, cô gái họ Lưu để thử hai anh em nhà họ Cao, thì bưng ra một bát cháo và một đôi đũa để xem ai là anh, ai là em, thấy người em nhường anh ăn trước, cô gái ghi nhớ, thưa với cha mẹ, kết người anh làm chồng. Đạo lý kính trên nhường dưới của người Việt trong câu chuyện này được thể hiện rất rõ, người em nhỏ hơn, nên kính cẩn nhường anh trai của mình ăn trước, cô gái lấy đạo lý ấy để thử hai người, cũng cho chúng ta thấy đạo lý này quan trọng với người Việt nhường nào.

Truyện Trầu Cau chép: “Sau đấy, người em thấy anh đãi xử với mình không bằng lúc xưa, đem lòng hờn giận mới bỏ anh mà đi. Đi đến một nơi thôn dã bỗng gặp một cái suối lớn; không có thuyền để sang ngang, người em ngồi một mình khóc ròng rồi chết hóa thành một cái cây. Đến khi người anh mất em mới bỏ vợ đi tìm thì thấy em đã chết bèn gieo mình bên gốc cây, mà tự tận hóa thành một tảng đá quẩn quanh gốc cây. Sau đấy, người vợ lấy làm lạ sao chồng mình đi đã lâu mà không thấy về liền bỏ đi tìm, thấy chồng đã chết, nàng cũng gieo mình ôm lấy tảng đá mà chết luôn, hóa ra một sợi dây leo vấn vít trên đá, ngọn lá mùi thơm và cay. Cha mẹ Lưu Thị đi tìm con, đến đó cũng than khóc, rồi lập đền ở chỗ ấy mà thờ, người đương thời đi qua đấy, ai cũng đốt nhang vái lạy, khen là anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa.” [4]

Sau đó, người em thấy anh trai đối xử với mình không như xưa, đem lòng hờn giận bỏ đi, cái tình cảm sâu nặng trong tâm hồn người Việt được thể hiện rất rõ qua đây, người em yêu thương người anh, nên thấy tình cảm của anh mình từ khi có vợ trở nên lạnh nhạt, người em cảm thấy buồn bã, hờn giận bỏ đi, ngồi một mình khóc ròng rồi chết hóa thành một cái cây. Người anh không thấy em đâu, đi tìm người em, mới biết em đã chết, lòng đau xót, hối hận, do yêu thương người em, nên đã gieo mình bên gốc cây, hóa thành một tảng đá để quấn quanh gốc cây, là để người em không còn cô đơn, lẻ loi. Người vợ không thấy chồng, bèn đi tìm chồng, thấy chồng đã chết, nàng cũng hóa mình thành sợi dây leo vấn vít lên tảng đá. Anh trai hy sinh vì em, vợ hy sinh vì chồng, đạo lý, đức hạnh của người Việt như được hình tượng hóa một cách vô cùng đẹp đẽ qua câu chuyện này.

Truyện Trầu Cau chép: “Trong khoảng tháng Bảy, tháng Tám, khí nóng còn nồng, Hùng Vương đi tuần hành thường nghỉ chân ở đây để tránh nắng. Trông thấy trước đền im mát, dây lá phủ trùm, Vương lên tảng đá đứng ngắm nghía, hỏi ra mới biết công việc như thế, Vương lập tức bảo cận thần hái một trái cây và hái một lá dây leo, Vương thân nhai đi rồi nhổ trên đá, thấy có sắc đỏ tươi biết là vị ngon mới lấy đem về, bảo lấy đá lửa nung đá làm vôi, cùng với trai cây, lá dây hợp làm một mà ăn, thấy vị ngọt béo, thơm cay, môi mép sinh đỏ, mới truyền ban ra thiên hạ, phàm những lễ giá thú, hội đồng lớn nhỏ, đều phải lấy vật này làm trước. Từ bấy giờ nước Nam có tục ăn trầu cau là bắt đầu từ đấy vậy.” [4]

Tình nghĩa anh em, tình nghĩa vợ chồng, kết tinh nên 3 thành tố trầu, cau và vôi, khi Hùng Vương đi qua đây, hỏi mới biết sự tình, liền bảo cận thần hái trái cây và lá dây leo để nhai, nhổ trên đá, thấy sắc đỏ tươi, lấy đem về, sai người lấy đá nung làm vôi, kết hợp với trái cây, lá dây, ăn cảm nhận thấy vị ngọt béo, thơm cay, mồm miệng có màu đỏ tươi, liền ban lệnh đưa trầu, cau vào những lễ lạt lớn nhỏ đều phải những vật này làm trước. Đó cũng là nguồn gốc của tục ăn trầu cau của người Việt. Hai yếu tố đạo lý anh – em, vợ – chồng hòa quyện thành một món ăn với màu sắc rất đặc biệt, nó đỏ thắm giống như biểu hiện cho tình cảm giữa hai anh em, giữa hai vợ chồng.

Một câu chuyện dường như đơn giản, nhưng lại ẩn chứa rất nhiều điều, truyện đã làm bật lên những đạo lý, đức hạnh, thể hiện một cách trọn vẹn đời sống dựa nhiều vào tình nghĩa của người Việt, và cũng giải thích về nguồn gốc tục ăn trầu cau của người Việt bằng một câu chuyện rất nên thơ và trữ tình.

Trong câu chuyện Đầm Nhất Dạ, chúng ta cũng thấy được những chi tiết thể hiện đức hạnh và đạo lý trong đời sống của người Việt.

“Lúc bấy giờ đầm Nhất Dạ có người tên là Chử Vy Vân sinh được một người con trai tên là Chử Đồng Tử, hai cha con tính vốn hiền lành, nhà nghèo lại gặp nhà cháy, của cải khánh tận chỉ còn một cái khố vải, cha con ra vào thay đổi nhau mà mặc. Bị bệnh già, cha bảo con rằng: “- Ta chết thì chôn lỗ cũng được, để cái khố lại cho con mặc kẻo xấu hổ.”. Cha chết, người con không nỡ làm thế, cứ để cả khố mà chôn.” [4]

Hai cha con Chử Đồng Tử nhà nghèo, gặp bất hạnh tới nỗi của cải cả hai cha con chỉ còn một cái khố vải, cha con thay nhau mà mặc. Cha già, mắc bệnh, dặn con giữ cái khố, còn mình thì chết để không cũng được, nhưng người con không nghe lời cha, đã chôn cha cùng với chiếc khố, đó chính là đạo hiếu của người Việt, dầu biết sẽ phải trần truồng, nhưng Chử Đồng Tử không nỡ để cha mình trần truồng mà đi, nên đã mặc chiếc khố cho cha, còn mình thì người không một manh vải mà sống tiếp, lạnh đói khôn xiết.

Đạo hiếu là một trong những đạo lý quan trọng nhất của dân tộc Việt, nó được cho rằng có nguồn gốc từ kinh điển phương Bắc, nhưng qua các truyện trong sách Lĩnh Nam chích quái, chúng ta thấy được rằng đạo hiếu, hay đạo lý, đức hạnh, tình nghĩa của người Việt vốn đã có từ trước khi có sự ảnh hưởng của văn hóa Hoa Hạ, đó là những cốt lõi văn hóa mà người Việt lưu giữ truyền đời, tới ngày nay vẫn có thể thấy đó là một giá trị văn hóa có tính cốt lõi đối với người Việt. Nó biểu hiện rõ nhất chính là qua hoạt động thờ cúng tổ tiên, mà người Việt ngày nay vẫn lưu giữ như một phong tục truyền đời, nó quan trọng tới độ có thể xem như một “đạo” của riêng người Việt.

Đạo hiếu thời Hùng Vương biểu hiện trong thờ cúng các vị tiên tổ không chỉ biểu hiện ở tầm thường dân, mà còn được biểu hiện ở tầm quốc gia, cũng giống như ngày nay, thì người Việt bên cạnh thờ cúng gia tiên, đó còn là sự thờ cúng các vị Tổ của dân tộc, trong đó quan trọng nhất là Tổ Hùng Vương, thờ cúng những người có công trong lịch sử dân tộc. Chi tiết thể hiện truyền thống ghi nhớ cội nguồn, được biểu hiện qua sự thờ tự “Tiên vương”, là những vị vua Hùng đời trước, hay các bậc Tổ Tiên xa hơn như Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, chi tiết này được chép rõ trong truyện bánh chưng.

Trong truyện bánh chưng, sau khi dẹp xong giặc Ân, vua Hùng lo chuyện truyền ngôi cho con, triệu các công tử lại mà bảo: “- Ta muốn truyền ngôi cho đứa nào làm vừa lòng ta là đến kỳ cuối năm biết đem trân am mỹ vị đến dâng cúng Tiên vương để tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho.” [4]

Để tìm người con xứng đáng được truyền ngôi, vua Hùng đã lựa chọn cách thức cho các con tìm kiếm trâm am mỹ vị để dâng cúng lên Tiên vương, muốn thử sự hiếu thảo của các con, đặt đạo hiếu lên hàng đầu để lựa chọn người kế vị xứng đáng. Điều đó cho chúng ta thấy rằng đạo hiếu, hay đạo lý, đức hạnh, sự xem trọng tôn ti trật tự của người Việt đã hình thành và có vai trò rất quan trọng trong văn hóa của dân tộc Việt từ thời Hùng Vương.

Truyện bánh chưng còn chép: “Năm hết, Vương dùng bánh ấy dâng lên Tiên Miếu và cung phụng cha mẹ, thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ, lấy tên của Lang Liêu để gọi là Tiết Liêu.” [4]

Đạo thờ cúng Tổ Tiên, đạo hiếu có lẽ là cốt lõi văn hóa quan trọng nhất của dân tộc Việt, trong truyện bánh chưng đã thể hiện rất rõ giá trị của đạo này: “Vương dùng bánh ấy dâng lên Tiên Miếu và cung phụng cha mẹ“, bánh Chưng, bánh Dày vừa được sử dụng để dâng lên Tiên Miếu vào mỗi khi năm hết, Tết đến, cũng như phong tục ngày nay, năm mới là một dịp rất quan trọng để người Việt tỏ lòng biết ơn với Tiên Tổ, với ông bà cha mẹ. Truyện còn chép là “cung phụng cha mẹ:, cũng cho thấy đạo hiếu của người Việt được thực hành trong cả khi cha mẹ còn sống cho tới khi cha mẹ khuất bóng.

Thông qua những câu chuyện trên, chúng ta đã thấy được một đời sống tình nghĩa, có trước có sau, có tôn ti trật tự, kính trên, nhường dưới, luôn có hiếu với cha mẹ, cả khi cha mẹ còn sống hay đã khuất bóng của người Việt. Đạo đức và lối sống đức hạnh của người Việt đã bắt nguồn từ đây, từ thời Hùng Vương cội nguồn của dân tộc, không phải nhờ tới sự cai trị của người Hoa Hạ mới biết tới đạo đức, tôn ti trật tự, nếu không có nền tảng vững vàng từ thời Hùng Vương, có lẽ người Việt đã bị nhanh chóng bị đồng hoá, chứ không còn là một dân tộc độc lập, một đất nước độc lập như ngày nay.

3. Phong tục tập quán và đời sống thường ngày:

Các truyện trong sách Lĩnh Nam chích quái cũng cho chúng ta thấy được hầu hết các văn hóa đặc trưng nhất của người Việt: cắt tóc, xăm minh, đi chân đất, ăn trầu cau, răng đen.

Truyện chim trĩ trắng chép: “Chu Công hỏi: “Tại sao dân Giao Chỉ cắt tóc ngắn, để đầu trần, xăm mình, đi chân đất như vậy là cớ sao?”. Sứ thần đáp rằng đáp: “Cắt tóc ngắn để tiện đi trong rừng. Xăm mình để giống hình Long Quân bơi lội dưới sông loài giao long không phạm tới. Đi chân đất để tiện leo cây. Cày bằng dao, trồng bằng lửa. Ău trầu cau để trừ ô uế cho nên răng đen”. [Bản dịch của Trần Đình Hoành]

Đây là những phong tục quan trọng nhất của cả cộng đồng tộc Việt, chứ không chỉ riêng ở người Việt. Bên cạnh cắt tóc ngắn, người Việt còn có phong tục để tóc dài và búi tóc. Phong tục xăm mình “giống hình Long Quân” cho thấy người Việt đã xăm mình hình Rồng, trong thực tế, thì Rồng có một nguồn gốc rất quan trọng, đó là loài cá sấu, đây cũng chính là “giao long” được chép lại trong truyện trên. Rồng có nguồn gốc từ văn hóa Đông Á cổ đại, sau đó được người Việt kế thừa và đưa nó trở thành một phong tục của dân tộc Việt. [7]

Ăn trầu cau và răng đen là những phong tục mà người Việt đã giữ gìn và duy trì tới tận ngày nay, phong tục ăn trầu cau, hay rộng hơn là sử dụng trầu cau trong các dịp lễ quan trọng, cũng được chép lại trong truyện trầu cau bằng một câu chuyện rất nhiều ý nghĩa mà chúng tôi đã phân tích ở phần trên.

Trong truyện trầu cau, ở phần kết, Hùng Vương ban chiếu rằng: “… mới truyền ban ra thiên hạ, phàm những lễ giá thú, hội đồng lớn nhỏ, đều phải lấy vật này (trầu cau) làm trước. Từ bấy giờ nước Nam có tục ăn trầu cau là bắt đầu từ đấy vậy.” [4]

4. Văn hóa tâm linh và những chuyện phi thường:

Trong cuộc sống của người Việt, thần linh hay các yếu tố thần thánh luôn có sự xuất hiện rất thường trực, có thể nhìn thấy trong các câu chuyện trong sách Lĩnh Nam chích quái.

Truyện bánh chưng chép: “Hốt nhiên mộng thấy thần nhân bảo rằng: – Trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân, người ta ăn mãi không chán, không có vật gì đứng trước được; nếu lấy gạo nếp hoặc gói làm hình tròn để tượng trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng đất, ở trong làm nhân cho thật ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý cái ơn trời đất phát dục vạn vật, như thế thì lòng cha sẽ vui, tôn vị chắc được.”. “Lang Liêu kinh sợ tỉnh dậy, mừng rằng: “Thần minh giúp ta, ta nên bắt chước theo mà làm”.” [4]

Truyện Trầu Cau chép: “Cha mẹ Lưu Thị đi tìm con, đến đó cũng than khóc, rồi lập đền ở chỗ ấy mà thờ, người đương thời đi qua đấy, ai cũng đốt nhang vái lạy, khen là anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa.” [4]

Truyện Mai An Tiêm chép: “Ở chưa bao lâu, đương lúc tháng Tư, bỗng thấy một con bạch hạc từ phương tây bay lại, đậu lên một mỏm núi cao, kêu lên ba bốn tiếng thì sáu bảy hạt dưa rơi trên mặt cát, đâm chồi nẩy lộc, lan trên cát, xanh tốt rườm rà, rồi kết thành trái dưa, nhiều không kể xiết.” [4]

Truyện Đổng Thiên Vương chép: “Hùng Vương nghe theo mới đắp đàn trai giới, đặt vàng bạc lụa là ở trên bàn, đốt hương cầu tế ba ngày thì trời cảm sấm mưa, thoắt thấy một ông già cao hơn sáu thước mặt vuông, bụng lớn, râu mày bạc phơ, ngồi ở ngã ba mà nói cười ca múa; người ta trông thấy, ngờ là người phi thường mới tâu với vua. Vua thân hành ra bái yết, rước vào trong đàn; ông già không ăn uống, không nói năng gì cả.” [4]

Truyện Đầm Nhất Dạ chép: “Đêm đến canh ba, thấy hiện ra thành quách, lầu son đền báu, đài các lăng miếu, kho tàng miếu xã, vàng bạc châu ngọc, chiếu giường mùng màn, tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ thị vệ la liệt đầy ở trước mặt. Sáng ngày, ai trông thấy cũng lấy làm kinh dị, tranh nhau đem những vật hoa hương ngọc thực đến dâng hiến và xưng thần. Văn võ bá quan phân quân túc vệ, biệt lập thành một nước.”. Truyện lại chép tiếp: “Chừng đến nửa đêm, hốt nhiên gió lớn thổi làm nổi sóng đổ cây; quan quân đại loạn; bộ đảng, thành quách của nàng Tiên Dung nhất thời nhổ đi bay lên trời; đất ở chỗ ấy sập xuống thành một cái đầm lớn.” [4]

Những câu chuyện truyền thuyết của người Việt từ đây có thể thấy xuất hiện rất thường xuyên trong các truyện cổ của người Việt, nó cũng biểu hiện cho một đời sống thiên về tâm linh và văn hóa tinh thần của người Việt.

III. Những khảo cứu rộng hơn về các truyện trong Lĩnh Nam chích quái:

1. Cha Lạc Long Quân trong tâm thức người Việt:

Cha Lạc Long Quân trong tâm thức người Việt thể hiện trong những câu chuyện cổ là một người rất tài phép, Long Quân là người đã diệt đi Ngư tinh và Hồ tinh, trừ hại cho dân. Trong những ghi chép sau đó, chúng ta cũng thấy được Long Quân hiện về giúp đỡ người Việt.

Khi giặc Ân lăm le xâm phạm bờ cõi, Hùng Vương đã triệu tập quần thần hỏi về kế hoạch đánh hay giữ, thì có nhà phương sĩ dâng lời nói rằng: “- Không gì bằng cầu Long quân để nhờ âm phù.”. Sau đó, Long Quân đã biến thành một ông già, nói với Hùng Vương rằng: “- Nếu có giặc đến thì phải nghiêm chỉnh khí giới, tinh luyện sĩ tốt để cho nước có uy thế, rồi tìm khắp thiên hạ có ai dẹp được giặc thì phong cho tước ấp, hễ được người ấy thì dẹp được giặc ngay.”. Sau đó Hùng Vương y lời Long Quân, cho người đi khắp đất nước tìm tài giỏi, khi ấy Thánh Gióng chính là thánh nhân mà Cha Long Quân đã phái xuống bảo vệ cho nền độc lập của đất nước, đánh đuổi được giặc Ân. Hùng Vương sau đó nói rằng: “- Đó là Long Quân giúp ta, lời lão nhân đã nói trước không phải là nói không, các ngươi không nên ngờ.”. [4]

Vì vậy, Cha Lạc Long Quân luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong tâm thức của người Việt, truyền thuyết của người Việt còn nhắc tới những lần Long Quân phái rùa thần đem nỏ thần cho An Dương Vương và kiếm cho Lê Lợi, để bảo vệ nền độc lập sống còn của dân tộc.

2. Truyền thuyết cổ của người Việt ít người biết tới:

Trong Lĩnh Nam chích quái, có một câu chuyện mà rất ít người biết tới, đó là truyện Thần Châu Long Vương, đây có thể là một câu truyện truyền thuyết rất cổ của người Việt, có thể còn có trước cả truyện họ Hồng Bàng. Những chi tiết trong truyện khá quan trọng: “Hồng Lạc”, “Viêm Long Vương”, Hồng Lạc chính là Lạc Hồng, là một ý thức về nguồn gốc mà người Việt ngày nay vẫn tự hào nhắc về, Viêm Long Vương gợi cho chúng ta về Viêm Đế Thần Nông. Long Quân trong truyện nhiều khả năng chính là Cha Lạc Long Quân.

Truyện Thần Châu Long Vương [4]

Đời truyền: Thần vương là tinh của Viêm Long Vương. Xưa đời Hồng Lạc có người làng Hãn Kiều, họ Đặng, một người tên là Quyết, một người tên là Thiện Xạ, anh em xuống biển làm nghề bắt cá. Lúc bấy giờ họ gặp một vật lạ, hình trạng giống như gỗ, dài vừa ba thước, màu như màu trứng chim, theo con nước mà nổi lên; hai người vớt được; đêm bỗng nghe trong đốt gỗ có tiếng như hai người nói chuyện; anh em cả kinh đem quăng gỗ ra sông, chống thuyền đi nơi khác mà ngủ thì mộng thấy một người đến bảo hai anh em rằng:

– Bởi vì trước đây bà Đông Hải Long Phi tư thông với Viêm Long Vương, sợ Đông Hải Vương biết nên đem gởi cho bọn ngươi gìn giữ, chớ cho kẻ khác xâm phạm đến; nó khôn lớn lên sẽ làm phúc cho các ngươi không việc gì mà sợ.

Hai người giật mình tỉnh dậy cùng nói với nhau hốt nhiên đã thấy đốt gỗ đen sán lại bên thuyền; hai người lấy làm lạ, vớt lên chở về. Về đến làng Bố Bái, đốt gỗ ở trong thuyền bỗng nhảy lên trên bờ. Hai anh em cho là thần muốn ở chỗ này mới lập đền thờ, thuê thợ khắc gỗ làm tượng mà phụng sự; thần linh ứng, hiệu là Long Quân.

Tiên triều sai người tìm ngọc châu ở cửa biển thì tìm được rất ít, duy chỉ có con cháu nhà họ Đặng là tìm được rất nhiều. Sai quan hỏi tại sao, con cháu họ Đặng đem sự thực trình cáo. Sai quan vâng triều mệnh sắp lễ đến tế, do đó tìm được rất nhiều ngọc châu. Vua bao phong cho hiệu là Thần Châu Long Vương, trải qua mấy đời đều gia phong mỹ hiệu rất có linh ứng, nhưng sau có kẻ gian hoài oán, trừ yểm, cũng có hại cho lương dân, thật đáng tiếc.

3. Một chi tiết rất thú vị về Vân Mộng và Chiết Giang:

Trong truyện núi Tản Viên, có chép về hai tên gọi rất thú vị: Vân Mộng và Chiết Giang. Vân Mộng là tên gọi cũ của hồ Động Đình, Chiết Giang là tên gọi cũ của sông Tiền Đường, đây là các sông và hồ trong vùng trung lưu và hạ lưu Dương Tử, cội nguồn của dân tộc Việt.

Truyện núi Tản Viên chép: “Vương khi ấy mở một con đường thẳng như dây đàn từ làng Phiên Tân mà đến bên núi Tản Viên, đi đến Uyên động, lại đi đến Nham tuyền là chỗ nguồn khác, rồi lại đi lên núi Thạch Bàn đầu non Vân Mộng mà ở; hoặc có khi chơi sông Chiết Giang để xem cá, phàm kinh qua đường thôn đều xây đền vũ để làm nơi nghỉ ngơi. Nhân những vết chân ấy, người đời sau lập đền thờ phụng, hạn thì đảo, lụt thì cầu, ngự hỏa tai, ngăn đại hạn mau hơn tiếng vang, cực kỳ linh ứng. Lại gặp ngày trời trong sáng như có hình trạng cái tàn phấp phới trên hang núi, những dân ở làng phụ cận đều bảo là sơn thần xuất hiện.” [4]

Phải chăng, đây trực tiếp là những địa danh từ vùng Dương Tử mà người Việt đã ghi nhớ và đưa vào câu chuyện, hay đó là những tên địa danh mà người Việt đã đem về và đặt cho các con sông, vùng đất trong vùng miền Bắc Việt Nam khi di cư về hơn 4000 năm trước? Những chi tiết này trong truyện núi Tản Viên gợi cho chúng tôi liên hệ về câu ca dao hiện vẫn còn trong kho tàng thi ca của người Việt, cũng là Động Đình – Vân Mộng và Tiền Đường – Chiết Giang được sử dụng để đối nhau.

Gió Động Đình mẹ ru con ngủ
Trăng Tiền Đường ấp ủ năm canh
Tiết trời thu lạnh lành lanh
Cỏ cây khóc hạ, hoa cành thương đông
Bống bồng bông bống bồng bông
Võng đào mẹ bế con Rồng cháu Tiên
.

4. Một vài nét về cuộc sống thời Hùng Vương:

Vua Hùng trong các truyện đều khá gần với cuộc sống của thường dân, các vị thường có những cuộc tuần hành để kiểm tra chuyện thế sự: “Trong khoảng tháng Bảy, tháng Tám, khí nóng còn nồng, Hùng Vương đi tuần hành thường nghỉ chân ở đây để tránh nắng.” [4]

Cuộc sống của các Mỵ Nương, Quan Lang con của các vị vua Hùng đôi khi cũng khá xa hoa, có thể ví dụ như Mỵ Nương Tiên Dung, nàng có một cuộc sống ưa thích rong chơi, ngao du thiên hạ bằng thuyền ghe. Truyện Đầm Nhất Dạ chép: “Hùng Vương truyền ngôi đến vua cháu ba đời, có sinh được một người con gái tên là Tiên Dung Mỵ Nương, tuổi vừa mười tám, dung mạo tú lệ, nguyện không lấy chồng, chỉ thích ngao du thiên hạ. Vương chiều mà nghe theo. Mỗi năm khoảng tháng Hai, tháng Ba, nàng sửa soạn thuyền ghe, lênh đênh ngoài biển, vui chơi quên cả ngày về.” [4]

Âm nhạc cũng có một vai trò quan trọng đối với đời sống của người Việt trong thời Hùng Vương, truyện Đầm Nhất Dạ cũng chép về “nghi trượng cờ xí” (cờ xí, lọng quạt, vũ khí), đây là các chi tiết mà khi vẽ tranh về thời Hùng Vương chúng ta có thể sử dụng.

“Nào ngờ thuyền của Tiên Dung bỗng đến đó; nghe thấy tiếng chuông trống đàn sáo, thấy những nghi trượng cờ xí, Đồng Tử sợ hãi, không biết trốn tránh vào đâu, trông thấy trong bãi phù sa có chồm lau sậy, lơ thơ năm ba gốc, bèn ẩn thân vào đó, đào cát thành huyệt để giấu mình, lại lấy cát vùi lên trên.” [4]

Mối quan hệ giữa Hùng Vương và những cận thần chắc chắn không phải lúc nào cũng sẽ êm đẹp, sẽ có những mâu thuẫn, khi các cận thần làm điều không phải, sẽ phải nhận sự trừng phạt của luật pháp, của vua Hùng, một trong những hình phạt, đó là đày ra đảo hoang: “Hùng Vương nghe được, cả giận nói rằng: – Làm thần tử mà nó không biết ơn chúa, sinh ra kiêu mạn, nói rằng của cải đều là vật tiền thần của nó. Bây giờ ta đem bỏ nó ra ngoài biển, ra cái chỗ không người ấy coi thử nó có còn cái vật tiền thân của nó nữa hay không?” [4]

Tội phạm thời kỳ Hùng Vương chắc chắn là có, bên cạnh đó, cũng sẽ có những hình phạt cụ thể đối với những tội trạng khác nhau, trong truyện Lý Ông Trọng, thì truyện đã cho chúng ta thấy rằng tội giết người được xử bằng hình thức tử hình: “Cuối đời Hùng Vương, ở huyện Từ Liêm, quận Giao Chỉ, có một người họ Lý tên là Thân, sinh ra to lớn, cao hai trượng ba thước; hung tợn, Thân giết người, tội đáng tử hình, nhưng Hùng Vương tiếc không nỡ giết.” [4]. Nhưng đây cũng là câu chuyện cái lý, cái tình của người Việt, người Việt thường trọng cái tình hơn là cái lý, nên truyện này cho thấy Hùng Vương đã không nỡ giết Lý Thân vì lý do tình cảm, nếu tâm tính người Việt thiên về lý tính, thì có lẽ Lý Thân đã không gặp may mắn như vậy.

5. Tết có thể có từ trước thời Lang Liêu:

Nguồn gốc của Tết là một câu chuyện tạo nên những tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn của người Việt. Trong văn hóa người Việt ngày nay, thì bánh Chưng, bánh Dày chính là những món ăn quan trọng nhất được người Việt sử dụng để thờ cúng, dâng lên gia tiên, và cũng để dâng lên các bậc Tiên Tổ của dân tộc trong dịp Tết. Nguồn gốc của bánh Chưng bánh Dày là từ thời Hùng Vương, đây là cơ sở để cho chúng ta thấy được Tết có thể đã có từ rất sớm trong văn hoá người Việt. Trong truyện bánh Chưng có chép một chi tiết tuy nhỏ nhưng rất đáng chú ý.

Truyện bánh Chưng chép: Năm hết, Vương dùng bánh ấy dâng lên Tiên Miếu và cung phụng cha mẹ, thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ, lấy tên của Lang Liêu để gọi là Tiết Liêu.” [4]

Truyện chép “năm hết”, cho thấy được thời điểm mà câu này nhắc tới là thời kỳ đầu của năm mới, cũng chính là ngày Tết vậy, dùng bánh ấy dâng lên Tiên Miếu, đó cũng là một đặc trưng quan trọng trong văn hóa của người Việt, Tết là một ngày nhớ tới Tổ Tiên sử dụng những thứ quý nhất, ngon nhất để dâng lên các vị Tổ Tiên của gia đình và của dân tộc trong ngày khởi đầu năm mới, ở đây chính là bánh Chưng bánh Dày. Từ đây, thì tục này được truyền tới dân gian, bánh Chưng, bánh Dày dần trở thành một đặc trưng quan trọng trong ngày Tết của người Việt.

Câu chuyện nguồn gốc ngày Tết thì cần phải tìm hiểu để xác định được chính xác, nhưng chi tiết này cho chúng ta thấy, nhiều khả năng, người Việt đã ăn Tết từ rất sớm, nó ít nhất đã có từ thời điểm xuất hiện của bánh Chưng, bánh Dày, nhưng không nhất thiết thời điểm đó mới có Tết, mà Tết có thể đã có từ trước đó rất lâu, với đời sống gắn bó với nông nghiệp trồng lúa đã hàng chục nghìn năm của người Việt, nên việc họ tạo ra âm lịch hay nông lịch, một loại lịch dựa theo chuyển động của mặt trăng để phục vụ cho hoạt động của nông nghiệp, thì câu chuyện họ ăn mừng ngày Tết âm lịch từ sớm là không có gì mâu thuẫn và khó hiểu.

IV. Kết luận:

Bởi bối cảnh lịch sử chịu sự đô hộ của người Hán, nên sử của dân tộc trước thời Bắc thuộc được lưu truyền thông qua truyền miệng, với những câu chuyện ngắn gọn, cô đọng nhưng chứa rất nhiều thông tin quan trọng. Sử truyền miệng được cho rằng là không chính xác, nhưng chúng ta đã thấy, những câu chuyện truyền miệng qua thời gian rất dài vẫn lưu giữ được nhiều thông tin giá trị và nguyên vẹn về văn hóa cổ đại, có khi, nó còn chính xác hơn cả sử chính thống, tức là sử được ghi chép bằng chữ.

Thông qua những câu chuyện trong sách Lĩnh Nam chích quái, một đời sống khá toàn diện của người Việt thời Hùng Vương đã hiện rõ với những khảo cứu của chúng tôi. Quốc gia Văn Lang là hiện hữu, nó không mâu thuẫn với các tài liệu khảo cổ, cũng không mâu thuẫn với các ghi chép về lịch sử của người Hoa Hạ, người Việt thời kỳ này cũng đã có một tổ chức chính trị khá phát triển, với các Lạc hầu, Lạc tướng, chế độ chính trị được tổ chức dưới dạng phong kiến phân quyền, tổ chức xã hội cũng đã phức tạp với với 4 tầng lớp. Trong các ghi chép này, chúng ta cũng được những đạo lý của người Việt, như đạo hiếu, như tôn ti trật tự, như phong tục thờ cúng tổ tiên, thấy được người Việt cũng đã có họ. Những phong tục của người Việt thời Hùng Vương vẫn được người Việt ngày nay lưu giữ rất trọn vẹn.

Còn nhiều vấn đề cần làm để nguồn gốc dân tộc Việt ngày càng sáng rõ, nhưng việc khảo cứu về các phong tục, văn hóa dân tộc trong truyện Lĩnh Nam chích quái đã cho chúng ta thấy được một bức tranh toàn cảnh về lịch sử, văn hóa, xã hội tộc Việt thời Hùng Vương. Chúng tôi tin tưởng rằng, nguồn gốc thời kỳ Hùng Vương sẽ ngày càng trở nên rõ ràng, được nhiều người biết tới hơn, người Việt cũng sẽ dần tôn trọng và ý thức hơn về giá trị của văn hóa cổ truyền và thời kỳ lịch sử cội nguồn của dân tộc. Con đường hướng tới tương lai luôn cần một nền tảng từ quá khứ, dân tộc Việt đã có một quá khứ không hề tầm thường, vì vậy, nó rất xứng đáng để chúng ta dành tâm sức tìm hiểu, để có thể biết rằng Tổ Tiên chúng ta đã dựng xây và phát triển nên những gì, biết đâu là di sản của dân tộc mình, biết được dân tộc, đất nước đã đóng góp những gì cho nền văn hóa Đông Á mà chúng ta đang thừa hưởng, từ đó, làm hành trang và kim chỉ nam để chúng ta dần dần hướng tới một tầm vóc phát triển mới trong tương lai không xa.

Lang Linh


Tài liệu tham khảo:

[1] Lang Linh (2021), Hồng Bàng thị có phải ‘truyền thống được kiến tạo’ hay không? https://luocsutocviet.com/2021/10/14/560-hong-bang-thi-co-phai-truyen-thong-duoc-kien-tao-khong/

[2] Lang Linh (2021), Cơ sở tiếp cận và nghiên cứu về thời kỳ Hồng Bàng.
https://luocsutocviet.com/2021/07/24/547-co-so-tiep-can-va-nghien-cuu-ve-thoi-ky-hong-bang/

[3] Lang Linh (2020), Huyền sử Hồng Bàng và nguồn gốc dân tộc Việt Nam.
https://luocsutocviet.com/2020/07/16/498-huyen-su-hong-bang-va-nguon-goc-dan-toc-viet-nam/

[4] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, bản dịch Lê Hữu Mục, nhà sách Khai Trí (1960).

[5] Lang Linh (2021), Dương Tử: cái nôi của nền văn minh tộc Việt https://luocsutocviet.com/2021/03/17/512-duong-tu-cai-noi-cua-nen-van-minh-toc-viet/

[6] Vũ Kim Biên biên soạn (2008), Truyền thuyết Hùng Vương – Thần thoại vùng đất Tổ, Sở văn hóa thông tin Phú Thọ xuất bản.

[7] Lang Linh (2021), Khái niệm tộc Việt và nguồn gốc cộng đồng tộc Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/09/29/553-khai-niem-toc-viet-va-nguon-goc-cong-dong-toc-viet/

[8] Lang Linh (2021), Hình tượng Rồng trong văn hóa cổ Á Đông https://luocsutocviet.com/2021/06/15/538-hinh-tuong-rong-trong-van-hoa-co-a-dong/

[9] Lang Linh (2021), Đi tìm một nửa Tiên Rồng: nguồn gốc chim Tiên https://luocsutocviet.com/2021/05/28/535-di-tim-mot-nua-tien-rong-nguon-goc-chim-tien/

[10] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

[11] Lipson M, Cheronet O, Mallick S, Rohland N, Oxenham M, Pietrusewsky M, Pryce TO, Willis A, Matsumura H, Buckley H, Domett K, Nguyen GH, Trinh HH, Kyaw AA, Win TT, Pradier B, Broomandkhoshbacht N, Candilio F, Changmai P, Fernandes D, Ferry M, Gamarra B, Harney E, Kampuansai J, Kutanan W, Michel M, Novak M, Oppenheimer J, Sirak K, Stewardson K, Zhang Z, Flegontov P, Pinhasi R, Reich D. Ancient genomes document multiple waves of migration in Southeast Asian prehistory. Science. 2018 Jul 6;361(6397):92-95. doi: 10.1126/science.aat3188. Epub 2018 May 17. PMID: 29773666; PMCID: PMC6476732.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/92

[12] David Reich. Who we are and how we got here: Ancient DNA and the new science of the human past. 2018: Oxford University Press.

[13] Phan Anh Dũng (2020), Khảo sát tên gọi Văn Lang trên cơ sở ngữ âm lịch sử
vanhoanghean.com.vn/component/k2/111-goc-nhin-van-hoa-2/13730-khao-sat-ten-goi-van-lang-tren-co-so-ngu-am-lich-su

[14] Lang Linh (2021), Nguồn gốc của trống đồng và văn hóa Đông Sơn.
https://luocsutocviet.com/2021/07/01/541-nguon-goc-cua-trong-dong-va-van-hoa-dong-son/

[15] Lang Linh (2020), Bách Việt và cơ sở thống nhất của cộng đồng Bách Việt
https://luocsutocviet.com/2020/02/24/478-bach-viet-va-co-so-thong-nhat-cua-cong-dong-bach-viet/

[16] Lý Phưởng (thời Tống). Thái Bình Ngự Lãm. https://ctext.org/text.pl?node=409512&filter=612947&searchmode=showall&if=gb#result

[17] Tích Dã, Truyền kỳ về nước Việt Thường thời xưa
https://nghiencuulichsu.com/2020/10/05/truyen-ky-ve-nuoc-vie%CC%A3t-thuong-thoi-xua/

[18] Jean M Green (1993). Unraveling the Enigma of the bi: The Spindle Whorl as the Model of the Ritual Disk. Asian Perspectives:105-24

[19] Chu Điềm 关喜艳、周恬 Quang Hỉ Diễn. Tiến bộ mới trong khu khảo cổ thứ tư của khu vực Khuất Gia Lĩnh ở Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc. Một số di tích quan trọng đã được phát hiện. 湖北荆门屈家岭遗址第四次考古取得新进展 一批重要遗物被发掘: Nhân dân hàng ngày (Trung Quốc); 2004.

[20] Trương Bằng Xuyên 张朋川 (2005). Đồ gốm vẽ Trung Quốc 中国彩陶图谱: NXB Di sản văn hóa 文物出版社.

[21] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ Hồng Bàng thị.
http://www.nomfoundation.org/nom-project/history-of-greater-vietnam/Fulltext/1-Ky-Hong-Bang-thi?uiLang=vn

[22] Dựa trên: Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ, Trời tròn đất vuông.
mtgcaimon.net/mtgnews/index.php/tri-thuc/tu-vung-cong-giao/2062-troi-tron-dat-vuong.html

[23] Lang Linh (2021), Người Việt theo chế độ phụ hệ từ khi nào?
https://luocsutocviet.com/2021/05/05/529-nguoi-viet-theo-che-do-phu-he-tu-khi-nao/

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.