509. ☀ Tinh thần dân tộc với sự phát triển của dân tộc Việt

“Tinh thần dân tộc”, “chủ nghĩa yêu nước”, “chủ nghĩa dân tộc”, là các khái niệm thường bị nhầm lẫn với nhau, định nghĩa về các khái niệm cũng không thực sự rõ ràng qua các giai đoạn, tuy nhiên trong lịch sử, ý nghĩa, nhận thức và biểu hiện của các khái niệm này có sự khác biệt với nhau khá rõ rệt. Về mặt ý nghĩa, thì “tinh thần dân tộc”, hay khái niệm gần với nó là “chủ nghĩa yêu nước” thường được hiểu theo ý nghĩa tích cực, biểu hiện cho tinh thần yêu nước, yêu dân tộc một cách vô tư và trong sáng. Đối lập với ý nghĩa tích cực của các khái niệm trên, thì khái niệm “chủ nghĩa dân tộc” lại thường được hiểu với ý nghĩa tiêu cực, “chủ nghĩa dân tộc” có định nghĩa và tầm bao quát khá rộng lớn, bao gồm nhiều yếu tố cấu thành, tuy nhiên tựu chung trong tiến trình lịch sử, thì “chủ nghĩa dân tộc” thường đi cùng với các yếu tố mang tính chính trị.

Những biểu hiện của “chủ nghĩa dân tộc” đã xuất hiện từ rất sớm, vào giai đoạn đầu của lịch sử, thì người Hoa Hạ đã sáng tạo ra hệ tư tưởng về “tứ di”, theo đó họ tự cho rằng dân tộc mình là trung tâm của văn minh, các dân tộc xung quanh được họ xem là “man, di, mọi, rợ”, có nghĩa là những dân tộc chưa được khai hóa, man rợ và kém văn minh. “Chủ nghĩa dân tộc”, hay rộng hơn là chủng tộc, còn được thể hiện trong công cuộc thực dân hóa thế giới của các quốc gia phương Tây, với hệ tư tưởng tự cho mình là văn minh, người phương Tây đã xâm chiếm và thực dân hóa khắp các vùng đất trên khắp thế giới, tự trao cho mình nghĩa vụ khai hóa văn minh các dân tộc, đất nước mà họ xâm chiếm và đô hộ. Những tư tưởng này đã trực tiếp ảnh hưởng tới người Việt qua các giai đoạn, khi họ thất bại trong các cuộc chiến chống xâm lược trước người Hán và người Pháp.

Tới giai đoạn 100 năm gần đây, chúng ta được chứng kiến rõ hơn về sự nguy hại tiềm tàng của chủ nghĩa dân tộc hay chủng tộc, khi “chủ nghĩa dân tộc” bị lợi dụng, biến đổi thành chủ nghĩa phát xít tại các quốc gia Đức, Nhật, đây là nguyên nhân trực tiếp gây ra đại chiến thế giới lần thứ 2, để lại những mất mát và đau thương to lớn đối với nhân loại, chúng cũng đã trực tiếp để lại một vết thương khó lành đối với người Việt, khi hai triệu đồng bào đã bị chết đói dưới sự cai trị của phát xít Nhật. Chủ nghĩa dân tộc dễ bị lợi dụng, và cũng có thể biến chất thành chủ nghĩa phát xít, như chúng ta đã được chứng kiến trong giai đoạn lịch sử của nửa đầu thế kỷ 20. Do vậy, chúng ta rất cần tránh sự cực đoan, tránh sự đề cao dân tộc mình một cách mù quáng và vô căn cứ, để ngăn chặn những nguy cơ tiềm tàng mà chủ nghĩa dân tộc có thể đem lại.

Tuy cần cảnh giác với chủ nghĩa dân tộc, nhưng xét một cách cẩn trọng, đối với một dân tộc, một quốc gia, chúng ta rất cần có tinh thần dân tộc. Tinh thần dân tộc thường được nhìn nhận với ý nghĩa tích cực, không có nhận thức thái quá như chủ nghĩa dân tộc, khái niệm này chỉ dừng lại ở mức “tinh thần”, chứ không đạt tới mức độ trở thành một “chủ nghĩa” như chủ nghĩa dân tộc. Tinh thần dân tộc trong lịch sử, hiện tại và tương lai rất có ý nghĩa đối với sự trường tồn và phát triển của một dân tộc, một đất nước.

Với người Việt nói chung, thì có lẽ bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều nhớ về giai đoạn 1000 năm Bắc thuộc, đây là một trong những giai đoạn tăm tối và bi thương nhất trong lịch sử dân tộc. Cuộc chiến đấu bảo vệ văn hoá, tiếng nói và giành lại độc lập của dân tộc Việt trong giai đoạn đó chắc chắn là không dễ dàng. Để vượt qua giai đoạn khó khăn đó, có lẽ không gì khác hơn, tiền nhân của chúng ta đã dựa vào tinh thần dân tộc, dựa vào khối văn hóa giàu có được xây dựng trong một quá trình dài trước đó để bảo vệ sự tự chủ trong ý thức, bảo vệ tiếng nói và nền tảng văn hóa của dân tộc. Nếu không có tinh thần dân tộc, không có sự tự tôn, ý thức bảo vệ văn hóa dân tộc, cũng không có ý thức chiến đấu để giành lại độc lập cho dân tộc, thì chắc chắn người Việt và đất Việt đã không còn tồn tại cho tới ngày nay trên bản đồ thế giới. Nhưng nhờ có tinh thần dân tộc, tinh thần tự lực tự cường, nên ngày nay nước Việt Nam vẫn là một đất nước độc lập, dân tộc Việt vẫn là một dân tộc độc lập.

Tinh thần dân tộc cũng thể hiện dấu ấn rất lớn trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt trong giai đoạn tự chủ, nhờ có tinh thần dân tộc, nên mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa Hoa Hạ qua các triều đại phong kiến, nhưng người Việt vẫn giữ gìn được bản sắc văn hoá dân tộc, tiền nhân chúng ta đã rất khéo léo chọn lọc những điểm tiến bộ của văn hóa phương Bắc, để từ đó hòa trộn với văn hóa Việt, tạo nên nền văn hóa dân tộc ngày càng giàu có và phát triển hơn. Văn hoá luôn có sự phát triển, giao thoa và biến đổi, việc học hỏi, chọn lọc tinh hoa của các nền văn hóa là rất cần thiết, bên cạnh đó là sự giữ gìn, củng cố và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, sẽ góp phần làm văn hóa Việt ngày càng giàu có và đa dạng hơn, tiền nhân của người Việt đã làm điều đó rất tốt.

Tinh thần dân tộc cũng là thứ đã bảo vệ nền độc lập dân tộc qua bao cuộc chiến tranh xâm lược của người Hoa Hạ và các cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực ngoại bang khác. Nhờ có tinh thần dân tộc luôn được duy trì, tồn tại và phát huy đúng lúc, mà mỗi khi đất nước lâm nguy, tinh thần ấy lại khơi dậy nơi người Việt tinh thần đoàn kết, bất khuất, kiên cường, chiến đấu không biết sợ hãi, sẵn sàng hy sinh mọi thứ để bảo vệ nền độc lập dân tộc, giúp chúng ta đánh bại được hết kẻ thù này tới kẻ thù khác, và bảo vệ toàn vẹn được nền độc lập dân tộc qua những gian nan, thử thách. Tinh thần ấy mỗi khi đất nước lâm nguy, lại nổi lên như sóng cuộn ngoài bể Đông, làn sóng ấy nhận chìm kẻ thù trong biển nước, quét sạch bóng ngoại xâm ra khỏi lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.

Đất nước ta, dân tộc ta đã trải qua nhiều gian nan, trắc trở, tinh thần dân tộc qua các giai đoạn, kể từ khi Bắc thuộc, thời thuộc Pháp cho tới ngày nay, cũng gặp không ít thử thách, các thế lực đô hộ luôn cố gắng đánh bại tinh thần dân tộc của người Việt, thậm chí là dùng đủ mọi thủ đoạn để hạ nhục dân tộc Việt, nhằm mục đích khiến người Việt dễ bị cai trị và đồng hóa hơn. Cũng vì đó mà tinh thần dân tộc đã có lúc suy yếu rất nhiều. Tinh thần dân tộc mà chúng ta nhận thấy trong xuyên suốt lịch sử, thường được thể hiện rõ nhất qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, còn trong thời bình, dường như tinh thần dân tộc lại có biểu hiện chưa thực sự mạnh mẽ, có khi còn khá yếu ớt. Ngày nay cũng như vậy, chúng ta vẫn có thể cảm nhận được một cách khá rõ ràng những ảnh hưởng của các cuộc tấn công vào tinh thần dân tộc trong các giai đoạn trước, khi người Việt ngày nay vẫn còn chịu rất nhiều sự mặc cảm tự ti về vấn đề nguồn gốc dân tộc, các giả thuyết vô lý như bàn chân Giao Chỉ vẫn còn không gian để tồn tại, ảnh hưởng lớn tới tinh thần của người Việt, ngoài ra còn rất nhiều những giả thuyết không có cơ sở khác ảnh hưởng tới nhiều người Việt, đặc biệt là khi nhận định về nguồn gốc dân tộc. Những tư tưởng đó ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của đất nước, chúng trực tiếp ảnh hưởng tới hệ tư tưởng, văn hóa, kinh tế và chính trị, khi một bộ phận không nhỏ người Việt không có tinh thần dân tộc, trở nên vọng ngoại, tự hạ thấp dân tộc mình, hạ thấp đất nước của mình.

Để giải quyết những vấn đề đó, không có cách nào tốt hơn là phải hướng về nền văn hóa cổ của dân tộc Việt. Chúng ta cần phải đầu tư nghiên cứu thực sự nghiêm túc về nguồn gốc dân tộc Việt, tìm hiểu về các nền văn hóa cổ của người Việt một cách khách quan và khoa học, để biết ta là ai, từ đâu tới, văn hóa của dân tộc mình giàu có và phát triển như thế nào, để từ làm cơ sở để khôi phục và phát triển nền văn hóa dân tộc một cách bài bản và căn cơ, và sự hiểu biết về nguồn gốc cũng sẽ góp phần giải tỏa những tư tưởng tiêu cực, mặc cảm tự ti dân tộc một cách tự nhiên. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần củng cố tinh thần dân tộc một cách nghiêm túc và bài bản, cần thiết kế những chương trình bồi dưỡng tinh thần dân tộc, tìm hiểu về văn hoá dân tộc ngay từ trong chương trình giáo dục, kể cả giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường, và quá trình đó cũng rất cần sự cẩn trọng để tránh những sự cực đoan, thái quá.

Đây là những vấn đề cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển và đi lên của dân tộc Việt và của đất nước Việt Nam trong giai đoạn sau này. Sự nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa dân tộc sẽ làm nền tảng cho sự phát triển của văn hóa dân tộc, từ đó làm nền tảng cho sự phát triển về kinh tế, chính trị, việc củng cố tinh thần dân tộc cũng sẽ giúp chúng ta có được một cơ sở và thành trì vững vàng bảo vệ dân tộc từ những cuộc xâm lăng, không chỉ là về quân sự, kinh tế, mà còn về các công cụ quyền lực mềm như văn hóa, nghệ thuật.

Quan sát một cách toàn diện, chúng ta cũng sẽ thấy rằng, trong xuyên suốt lịch sử kể từ thời điểm bắt đầu hình thành, người Việt rất ít khi đạt tới sự cực đoan, mà về bản chất, tâm hồn của người Việt là về sự cân bằng, họ luôn cố gắng dung hòa mọi khía cạnh đối lập của các vấn đề để tiến tới sự cân bằng, ít khi thể hiện sự cực đoan trong những vấn đề cốt yếu, do đó chúng tôi cho rằng chúng ta cũng không cần phải quá lo lắng về việc người Việt sẽ trở nên cực đoan dân tộc, dù thế nào, người Việt cũng sẽ luôn tìm được sự cân bằng và hài hòa, ít có khả năng họ sẽ bị ảnh hưởng quá tiêu cực và trở nên cực đoan, hay tệ hơn là biến đổi thành phát xít như một số dân tộc khác mà chúng ta đã chứng kiến trong lịch sử. Tuy nhiên cũng cần phải thật cẩn trọng, cần tránh tối đa sự cực đoan, đặc biệt trong vấn đề tìm hiểu văn hóa cổ và tìm hiểu về nguồn gốc dân tộc.

Như một lời kết bài, chúng tôi tin rằng, vận hội mới đang chờ dân tộc Việt và đất nước Việt Nam ở phía trước, chúng ta có một tương lai đầy tươi sáng và hứa hẹn, cơ hội vươn lên cho dân tộc Việt và đất nước Việt Nam là rất rộng mở. Tuy vậy, cũng có rất nhiều nguy cơ hiện hữu luôn thường trực bên cạnh chúng ta, nhưng sự củng cố nội lực về văn hóa, củng cố và duy trì tinh thần dân tộc, sẽ làm cơ sở để giúp chúng ta sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách ở phía trước, và sẵn sàng vươn tới tầm cao mới, trở lại với vị thế xứng đáng mà người Việt đã từng có được trong quá khứ.

Lang Linh
Tranh minh họa: Xuân Lam.

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.