607. ☀ Câu chuyện về nguồn gốc của Tết

Câu chuyện về vấn đề nguồn gốc của Tết đã được đưa ra thảo luận trên các nền tảng tương đối nhiều, có người thì cho rằng Tết có nguồn gốc từ người Việt, có người cho rằng Tết có nguồn gốc từ Trung Quốc, từ đó diễn ra những tranh cãi nảy lửa trên các diễn đàn mạng.

Có những thông tin được viện dẫn từ những đoạn trích trong Kinh Lễ hoặc Giao Chỉ Chí, nhưng khi chúng tôi kiểm tra lại, thì những câu nói trong các sách này hoặc dịch sai hoặc không tồn tại [1]. Nên đó không phải là cơ sở để khẳng định rằng Tết là của người Việt sáng tạo nên.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt của vấn đề mà không nhiều người nghĩ tới, thực ra không phải “của ai”, bởi vốn Tết là một nhu cầu cơ bản của các dân tộc Đông Á và Đông Nam Á nói riêng và khắp thế giới nói chung, đây là dịp kết thúc một năm lao động vất vả, chào đón năm mới. Các dân tộc, các vùng văn hóa lại có sự khác biệt trong thời điểm ăn Tết, nó xuất phát từ cách tính lịch khác nhau của từng dân tộc.

Nên về cơ bản, Tết không thuộc bản quyền của riêng dân tộc nào cả, dù khẳng định là Tết có nguồn gốc từ Trung Quốc hay có nguồn gốc từ Việt Nam đều là chủ quan và thiếu xem xét kỹ lưỡng về bản chất thực sự của ngày Tết.

Với người Việt cũng như vậy, ngày Tết cũng là ngày lễ đã có từ lâu đời của người Việt, trước khi người Hán tới, nhưng ngày mà chúng ta ăn Tết trong thời kỳ trung đại và hiện tại, nó xuất phát từ cách tính lịch của Trung Quốc.

Vậy nên, vấn đề đó là: người Việt ăn Tết trước khi người Hán tới theo lịch cổ truyền, có những phong tục riêng của mình, sau khi người Hán tới, người Việt mất lịch cổ truyền của mình, tiếp nhận lịch của người Hán và một số phong tục của người Hán, ví dụ như trao bao lì xì, treo câu đối, đốt pháo…

Do đó, bài viết này không phải để khẳng định Tết có nguồn gốc của người Việt, mà sẽ làm rõ rằng nguồn gốc của Tết Việt không phải từ Trung Quốc, người Việt ăn Tết từ trước thời Bắc thuộc, người Việt có bộ lịch của riêng mình cũng như có những ghi chép, phong tục cho thấy người Việt đã kế thừa di sản Tết từ thời Hùng Vương.

1. Bộ lịch của người Việt cổ:

Người Việt cổ có lịch không? Đó là câu hỏi mà nhiều người Việt đã tự đặt ra, câu trả lời là có, chúng ta có cả tư liệu về lịch sử và tư liệu về lịch của người Mường, một bộ lịch cũng dựa vào thiên văn và mang những nét rất riêng so với các bộ lịch khác.

1.1 Lịch của người Việt trong tư liệu lịch sử:

Trong tư liệu lịch sử của Trung Quốc, có một số tài liệu đã được ghi chép lại về người Việt Thường dâng rùa nghìn tuổi cho vua Nghiêu nhà Hạ.

Thái Bình ngự lãm thời Tống viết: “任昉《述異記》曰:陶唐之世,越裳國獻千歲神龜,方三尺餘。背上有文,皆科斗書,記開辟已來命錄之龜歷。伏滔《述帝貢月銘》曰:胡書龜歷之文 [2]。” – ““Thuật dị kí” của Nhậm Phưởng (thời Nam Bắc triều) viết: Thời Đào Đường, nước Việt Thường dâng rùa thần nghìn tuổi, rộng hơn ba thước. Trên lưng có hoa văn, đều là chữ khoa đẩu, ghi lịch rùa từ thủa mới mở mang đến nay. “Thuật Đế cống nguyệt minh” của Phục Thao viết: Văn lịch rùa là chữ của người Hồ Man”.

Sách Thông Chí của Trịnh Tiêu thời Tống viết [3,4]: “又按陶唐之世,越裳國獻神龜,蓋千歲,方三尺餘,背有科斗文記開闢以來,堯命錄之,謂之龜歴。” – “Lại xét đời Đào Đường, nước Việt Thường dâng con rùa thần, phải đến hơn nghìn năm tuổi, mình nó hơn ba thước, trên lưng có văn khoa đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở mang trở về sau. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là Quy Lịch tức Lịch rùa [4].”

Ghi chép này có tương đối muộn, nhưng nguyên tắc chép sử của Trung Quốc là “Tín dĩ truyền tín, Nghi dĩ truyền nghi” (信以傳信,疑以傳疑), có nghĩa dù tốt dù xấu cũng cần chép lại chính xác. Các sách sử sau đều dựa vào hai nguồn thông tin để chép: các sách vở từ đời trước, hoặc các thông tin họ thu thập được từ các nhóm dân cư ở các vùng khác nhau. Do đó, những ghi chép này dù muộn cũng vẫn nguyên giá trị về mặt khảo cứu.

Các ghi chép này cho thấy người Việt, trong ghi chép này được gọi là Việt Thường, trong Lĩnh Nam chích quái, thì sứ giả của Hùng Vương vâng mệnh, tự xưng là Việt Thường tới chầu vua Nghiêu [5]. Thông tin quan trọng nhất, đó là các thông tin về chữ “khoa đẩu”, về “lịch rùa”, nó cho thấy rằng người Việt đã có bộ lịch hoàn thiện ngay từ thời kỳ đó.

1.2. Bộ lịch của người Mường:

Người Mường là dân tộc anh em của người Việt, họ tách ra khỏi người Việt khá muộn so với các dân tộc khác, tuy nhiên, do đặc điểm sinh sống trên các vùng cao, nên người Mường vẫn giữ nhiều yếu tố văn hóa cổ, trong đó có lịch, chính là bộ lịch Đoi, hay họ còn gọi là Sách Đoi/Khách Đoi.

Theo nhà nghiên cứu Chu Văn Khánh [6], thì: “Người Mường gọi bộ lịch của họ là Sách Đoi (hay Khách Doi) vì nó lấy sự vận hành của sao Đoi và Mặt Trăng để tính lịch, còn gọi là “Lịch Tre” bởi nội dung lịch được khắc trên các thẻ tre. Một bộ lịch hoàn chỉnh bao gồm 12 thẻ tre, trên đó khắc những vạch ký hiệu ngày, tháng và các hiện tượng tự nhiên khác.”

Ông cũng chỉ ra những đặc điểm cơ bản sau về bộ lịch Đoi:

  • Là loại lịch âm dương, tính theo vận động thực của Mặt Trắng và năm thời tiết.
  • Ngày bắt đầu từ thời điểm trước bình minh và được chia làm 16 giờ tính theo các hiện tượng tự nhiên.
  • Tháng tính theo tuần Trăng thực, lấy ngày Trăng non làm đầu tháng, cuối tháng là ngày Giao hội. Trật tự tháng thiếu, đủ trong năm không tính trước được, mà xác định cụ thể ở tùng tháng.
  • Tháng được chia làm 3 tuần: Cây, Lôồng và Cối phản ánh chu kỳ chợ phiên cổ truyền.
  • Phép đặt tháng nhuận dựa vào chu kỳ Giao hội với sao Đoi của Mặt Trăng.
  • Năm thường có 12 tháng và năm nhuận có 13 tháng. [6]

Theo khảo cứu của Nhà nghiên cứu Chu Văn Khánh, thì cách tính lịch cổ của người Mường, thì năm mới dựa trên cách tính theo quan sát sao Đoi cho thấy kết quả đầu năm rơi vào khoảng tháng 10 hoặc tháng 11 âm lịch. Các nhóm người Mường ở các địa bàn khác nhau cũng có sự khác biệt trong tính thời điểm đầu năm, như trong Đại Nam nhất thống chí chép rằng ở vùng Bất Bạt, Mỹ Lương hằng năm lấy tháng 11 âm lịch làm đầu năm, vùng mường Bi tương ứng với tháng 10 âm lịch. [6]

Do đó, có thể người Việt cổ ăn Tết dựa trên cách tính lịch có phần lệch so với lịch của người Hán, có thể rơi vào quãng tháng 10 hoặc tháng 11 theo lịch cổ mà người Mường vẫn lưu giữ. Khi bị người Hán đô hộ và qua quãng thời gian dài chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán, thì người Việt đã bị ảnh hưởng bởi cách tính lịch của người Hán, ăn Tết trùng vào ngày đầu năm được quy định bởi âm lịch.

2. Những thông tin từ ghi chép cổ và yếu tố văn hóa có sự kế thừa từ Tết thời Hùng Vương:

2.1. Những ghi chép từ Lĩnh Nam chích quái:

Lĩnh Nam chích quái là một tác phẩm ghi chép thành văn về những câu chuyện truyền thuyết được người Việt truyền miệng trong dân gian, trong đó có câu chuyện về bánh Chưng, bánh Dày. Truyện chép như sau:

“Duy có công tử thứ chín tên là Lang Liệu, bà mẹ hàn vi đã lâm bệnh mà quá cố rồi, tả hữu lại ít người nên khó bề toan tính, ngày đêm thao thức ăn ngủ không yên.

Hốt nhiên mộng thấy thần nhân bảo rằng:

– Trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân, người ta ăn mãi không chán, không có vật gì đứng trước được; nếu lấy gạo nếp hoặc gói làm hình tròn để tượng trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng đất, ở trong làm nhân cho thật ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý cái ơn trời đất phát dục vạn vật, như thế thì lòng cha sẽ vui, tôn vị chắc được.

Lang Liệu kinh sợ tỉnh dậy, mừng rằng: “Thần minh giúp ta, ta nên bắt chước theo mà làm”.

Lang Liệu mới lựa hột nếp nào trắng tinh, hoàn toàn không sứt mẻ thì đem vút đi, để cho ráo rồi lấy lá chuối gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem nấu đi cho chín, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho thực nhuyễn, nắn làm hình tròn để tượng hình trời, gọi là bánh dày.

Đúng kỳ, Vương hội các con lại trưng bày phẩm vật; các con đem dâng không thiếu thức gì, duy chỉ có Lang Liệu đem bánh tròn, bánh vuông đến dâng. Hùng Vương lấy làm lạ hỏi Lang Liệu. Lang Liệu trình bày như lời thần nhân đã bảo. Vương thân hành nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm vật của các công tử khác không sao hơn được. Vương khen ngợi giây lát, rồi cho Lang Liệu được giải nhất.

Năm hết, Vương dùng bánh ấy dâng lên Tiên Miếu và cung phụng cha mẹ, thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ, lấy tên của Lang Liệu để gọi là Tiết Liệu.”

Như vậy, ta thấy được bánh Chưng, bánh Dày được dùng để “dâng lên Tiên Miếu và cung phụng cha mẹ” vào dịp năm hết, “thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ”, và truyền thống ấy vẫn được người Việt kế thừa tới tận ngày nay! Và cũng có bằng chứng từ khảo cổ học cho thấy bánh Chưng có nguồn gốc từ thời Hùng Vương. [5]

2.2. Bằng chứng từ khảo cổ học:

Bánh Chưng bánh Dày cũng đã có những cơ sở được xác định từ khảo cổ học. Nguyên liệu chính được sử dụng để làm bánh là gạo nếp, theo tư liệu khảo cổ, thì muộn nhất là từ 3500 năm trước, lúa trồng (Oriza Sativa) có dạng hạt bầu (large form) giống lúa nếp dính (gloutinous rice) đã tìm thấy phổ biến ở nhiều di tích khảo cổ học Việt Nam. [7]

Hai ảnh bên trái là lúa hạt dài và lúa nếp hạt tròn khai quật được ở hang Xóm Trại (Hòa Bình). Ảnh còn lại là lúa nếp khai quật ở khu mộ táng Đông Sơn Động Xá (Hưng Yên) [7]

Bên cạnh đó khảo cổ còn tìm thấy một chiếc nồi đồng khai quật được ở Làng Vực (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) có in dấu lá dong ở tình trạng lót nồi, đó là những hình lá dong nằm phẳng ở tư thế nguyên chiếc bao quanh đáy và cạnh nồi. Nhờ oxit đồng từ lớp gỉ của nồi mà chiếc lá được giữ nguyên trạng, thậm chí có màu xanh như những chiếc lá còn tươi. [7]. Đây là cơ sở cho thấy bánh Chưng có muộn nhất từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn, bởi khi luộc bánh Chưng, người Việt vẫn thường lót lá dong hoặc cuống lá bỏ đi dưới đáy nồi để tránh cho bánh bị cháy. Như vậy, thì nhiều khả năng đây chính là một chiếc nồi được sử dụng để luộc bánh Chưng.

Vết in chiếc lá dong bên trong nồi đồng Đông Sơn (hình trái) và nguyên trạng phóng đại của nó (hình phải). [7]

2.3. Tiểu kết:

Những bằng chứng này đã cho chúng ta thấy được rằng người Việt ăn Tết trước thời kỳ Hùng Vương, đi cùng với phong tục gói bánh Chưng, vốn được tạo ra bởi Quan Lang Lang Liêu, những bằng chứng về khảo cổ học cũng cho thấy được sự tồn tại của bánh Chưng trong thời kỳ Hùng Vương, và từ nền tảng đó, người Việt ngày nay vẫn giữ được phong tục gói bánh Chưng, mặc dù có nhiều những ảnh hưởng từ phong tục Tết của Trung Quốc.

3. Tết của các dân tộc thiểu số:

Theo các nhà nghiên cứu, phần lớn các dân tộc Việt Nam ngày nay có ăn Tết mừng năm mới, theo các hình thức khác nhau:

Hình thức thứ nhất, đồng bào các dân tộc thiểu số đón Tết năm mới là Tết Nguyên đán. Đó là các dân tộc Mường, Thổ, Chứt, Mảng, Kháng, Xinh Mun, Khơ Mú (vùng Tây Bắc), dân tộc Ơ Đu ở Nghệ An; các dân tộc Tày, Thái, Nùng, Sán Chay, Cao Lan – Sán Chỉ, Giáy, Lự, Bố Y, La Chí, La Ha, Cờ Lao, Pu Péo, Dao, Pà Thẻn, Hmông (vùng Đông Bắc); các dân tộc Hoa, Ngái, Sán Dìu, Phù Lá, Hà Nhì ở Lào Cai… Những dân tộc này vẫn giữ gìn được các phong tục cổ truyền nhưng thời gian đón Tết thống nhất với Tết Nguyên đán của người Kinh. [8]

Hình thức thứ hai, các dân tộc đón Tết năm mới cổ truyền theo lịch riêng của từng dân tộc. Đó là các dân tộc Hmông ở Tây Bắc và Bắc Trung Bộ với Tết Nào Pồ Trầu; người Hà Nhì Hoa ở Lai Châu, Điện Biên với Tết Hồ Sự Chà; người Cống ở Điện Biên với Tết Ủy La Lóng; người La Hủ ở Lai Châu với Tết Khộ Xớ; người Si La ở Lai Châu và Điện Biên với Tết Ồ Xị Già; người Chăm đón Tết Rija Nưgar; người Khmer Nam Bộ đón Tết Bon Chôl Chnam Thmây… [8]

Hình thức thứ ba, các dân tộc ở Trường Sơn, Tây Nguyên như Gia Lai, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Ho, Hrê, Mnông, Raglai, Xtiêng, Cơ Tu, Gié Triêng, Mạ, Co, Chơ Ro, Chu Ru, Brâu, Rơ Măm ở Tây Nguyên không quan niệm ngày Tết mà đón Tết cả một thời gian dài từ tháng 1 đến tháng 3 hằng năm. [8]

Hình thức thứ tư, người Tà Ôi, người Bru – Vân Kiều trước kia ăn Tết vào mùa khô như các tộc người ở Tây Nguyên, nhưng từ vài chục năm gần đây đã chuyển sang ăn hai Tết, cả Tết Nguyên đán theo lịch chung của người Kinh và cả Tết cổ truyền của riêng họ. [8]

Như vậy, ăn Tết theo Nguyên đán chỉ 29 dân tộc, hầu hết các dân tộc còn lại vẫn tồn tại hình thức ăn Tết theo lịch riêng của dân tộc mình. [8]

Như vậy, các dân tộc thiểu số đều ăn Tết mừng năm mới, và không chỉ người Việt, mà 29 dân tộc đã ăn Tết Nguyên Đán theo lịch âm vào tháng một âm lịch, các dân tộc còn lại ăn Tết theo lịch riêng của họ, nó cho ta thấy rằng ngày Tết không phải là sáng tạo của riêng dân tộc nào, mà là nhu cầu tự nhiên của mọi dân tộc.

4. Kết luận:

Qua những lập luận và dẫn chứng đã được chúng tôi đưa ra, ta có thể thấy được Tết là một nhu cầu bình thường của mọi dân tộc, nó không thuộc bản quyền sáng tạo riêng của dân tộc nào. Tết của người Việt có nguồn gốc từ trước thời kỳ Bắc thuộc, với những bằng chứng về sự kế thừa văn hóa từ thời Hùng Vương trong ngày Tết ở bánh Chưng, bánh Dày, những thứ được xem là linh hồn của ngày Tết Việt Nam.

Do đó, chúng ta không cần thiết tranh giành “bản quyền” của Tết để làm gì, và cũng chỉ cần phản biện người Trung Quốc rằng Tết của người Việt đã có từ thời Hùng Vương, trước khi người Hán xâm lược, với những bằng chứng mà chúng tôi đã dẫn, sau khi bị đô hộ và qua cả 1000 năm độc lập, thì người Việt đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc ở một số điểm: cách tính lịch đầu năm vào tháng 1, và một số phong tục khác như trao bao lì xì, treo câu đối, đốt pháo…

Đó là sự ảnh hưởng và giao lưu văn hóa rất bình thường, không chỉ riêng người Việt, mà người Nhật Bản, Triều Tiên cũng bị ảnh hưởng, nên không thể lấy đó để khẳng định rằng người Việt đang ăn Tết Trung Quốc, mà người Việt ăn Tết của người Việt với phong tục Việt, đi cùng với đó là một số ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc mà thôi.

Cảm ơn một số tư liệu từ tác giả Hoàng Nguyễn.

Lang Linh


Tham khảo và đọc thêm:

[1] https://luocsutocviet.com/2022/11/15/598-cac-ban-dich-sai-lech-va-van-de-nguon-goc-cua-tet-viet/

[2] Lý Phưởng (thời Tống). Thái Bình Ngự Lãm. https://ctext.org/text.pl?node=409512&filter=612947&searchmode=showall&if=gb#result

[3] Phan Anh Dũng. Lại bàn về nguồn gốc người Việt. http://fanzung.com/?p=2141

[4] Trịnh Tiêu (thời Tống). Thông Chí. https://ctext.org/wiki.pl?if=gb&chapter=229778&remap=gb#p42

[5] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, bản dịch Lê Hữu Mục, nhà sách Khai Trí (1960).

[6] Chu Văn Khánh (2001). “Lịch tre của người Mường” trong Các công trình nghiên cứu của bảo tàng dân tộc học Việt Nam Tập 2 .(2005). Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội. p.248

https://drive.google.com/file/d/1VzvXa7tcdNmVw9LkjWjl-VTJv0JvIrvI/view?fbclid=IwAR0tI5fQuJAYPoKXbxkr0-7hzyxs389bsQuPxXssyrzpEG6SJmJ2lUYnoHk

[7] Nguyễn Việt, Từ một phát hiện mới về lá bánh trưng thời Lang Liêu.
http://www.drnguyenviet.com/?id=6&cat=1&cid=102

[8] https://baodantoc.vn/tet-truyen-thong-cua-dong-bao-cac-dan-toc-thieu-so-nen-soi-chieu-nhu-di-san-van-hoa-dac-sac-1644488066478.htm

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.