502. ☀ Khảo cứu về nền văn hóa Đông Sơn

Văn hóa Đông Sơn, một nền văn hóa nổi tiếng trong thời đại đồ đồng trong vùng phía Đông của châu Á, đặc trưng văn hoá Đông Sơn hiện diện trong một địa bàn rộng lớn bao gồm miền nam Đông Á, vùng Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo. Các cổ vật văn hóa Đông Sơn được đúc với kỹ thuật có trình độ cao, có phong cách đặc trưng, khác biệt so với các nền văn hóa khác. Biểu trưng nổi tiếng nhất của văn hóa này là những chiếc trống đồng, hình dáng, kỹ thuật đúc cùng hoa văn tinh xảo của chúng đã sớm thu hút được sự quan tâm nghiên cứu và tranh luận của của các học giả quốc tế.

Văn hóa Đông Sơn được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1924 tại làng Đông Sơn, nơi bờ sông Mã, bởi L. Pajot, các nghiên cứu về văn hóa này sau đó đã được nhiều học giả Pháp thuộc Viện Viễn Đông Bác cổ và các học giả phương Tây nghiên cứu về văn hóa Đông Nam Á nổi tiếng thực hiện. [1] Tới những năm 1950, các nhà khảo cổ Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc khai quật và công bố nhiều công trình nghiên cứu để xác định một diện mạo rõ ràng hơn về văn hóa Đông Sơn.

Vấn đề nguồn gốc của văn hóa Đông Sơn đã được xác định rõ ràng hơn với những thành tựu của khảo cổ học Việt Nam, thay cho giả thuyết cho rằng văn hóa Đông Sơn là một văn hóa có nguồn gốc ngoại lai, thì các nhà khảo cổ Việt Nam đã xác định văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc từ sự phát triển nội sinh, từ các văn hoá thuộc các giai đoạn kế tiếp nhau, khởi nguồn từ văn hóa Phùng Nguyên, qua các giai đoạn Đồng Đậu, Gò Mun và phát triển tới văn hóa Đông Sơn.

Tiến trình phát triển của văn hóa Đông Sơn tại miền Bắc Việt Nam đã có cơ sở nhất định dựa trên các tài liệu khảo cổ, tuy nhiên nguồn gốc của văn hóa Đông Sơn hay văn hóa gốc nguồn của nó tại miền Bắc Việt Nam là văn hóa Phùng Nguyên có nhiều yếu tố chưa được giải thích một cách phù hợp. Vào thời văn hóa Phùng Nguyên, đã có một sự xuất hiện của lượng lớn cư dân thuộc chủng Nam Mongoloid da vàng, sự xuất hiện này đã chiếm ưu thế hoàn toàn so với cư dân bản địa thời kỳ đó là người Australoid da đen, hệ thống loại hình cổ vật của văn hóa Phùng Nguyên cũng hoàn toàn khác so với các văn hóa trước thời điểm đó tại miền Bắc Việt Nam. Văn hóa Phùng Nguyên từ đó được kế thừa trực tiếp qua các giai đoạn tới văn hóa Đông Sơn. Những yếu tố đã cho thấy các văn hóa từ Phùng Nguyên cho tới Đông Sơn không phải là một nền văn hóa bản địa.

Các nghiên cứu di truyền, khảo cổ được công bố trong khoảng 20 năm gần đây, là những cơ sở chính để từ đó chúng ta có thể xác định được nguồn gốc dân tộc Việt, cũng như nguồn gốc và sự phát triển của các nền văn hóa tại miền Bắc Việt Nam. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ khảo cứu một cách toàn diện về nguồn gốc và tiến trình phát triển của văn hóa Đông Sơn cũng như các văn hóa tiền thân của nó, cũng như tìm hiểu về các vấn đề quan trọng của văn hóa Đông Sơn, để từ đó cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh nhất về nền văn hóa nổi tiếng này của người Việt.

I. Lịch sử phát hiện, vấn đề khái niệm và nguồn gốc của văn hóa Đông Sơn:

1. Lịch sử phát hiện:

Gần 100 năm về trước, vào năm 1924, một người nông dân Việt sống tại làng Đông Sơn, thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, khi câu cá trên bờ sông Mã đã vô tình phát hiện một số công cụ và vũ khí cổ bằng đồng hiển lộ ra sau cơn mưa lớn, L. Pajot, một viên thương chính người Pháp mua được số đồ đồng trên và sau đó đã báo lại cho Viện Viễn Đông Bác Cổ, từ đó những cuộc khai quật Đông Sơn đầu tiên được tiến hành từ năm 1924 đến năm 1932 dưới sự ủy nhiệm của Viện Viễn Đông bác cổ cho L. Pajot. Từ cuộc khai quật này, Goloubew V., một học giả Viện Viễn Đông Bác cổ đã gọi đây là “thời đại đồng thau ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ”, sự kiện này tiếp tục thu hút sự chú ý của các học giả khác trong khu vực, vào năm 1934, Heine Geldern, nhà khảo cổ học người Áo đã đề nghị gọi đây là “văn hóa Đông Sơn“, lần đầu tiên văn hóa này có một tên gọi, và sau đó tên gọi này được chấp nhận rộng rãi trên tầm quốc tế. [1]

Các cổ vật Đông Sơn được tìm thấy trong thời Pháp thuộc, được chụp và lưu trữ tại thư viện online Viện Viễn Đông Bác Cổ [collection.efeo.fr]

2. Về định nghĩa khái niệm “văn hóa Đông Sơn”:

Sau khi nền văn hóa thời đại đồng thau ở miền Bắc Việt Nam được phát hiện và được gọi tên là “văn hóa Đông Sơn“, đã có nhiều cách định nghĩa khác nhau về khái niệm này của các nhà nghiên cứu phương Tây và Việt Nam. Các cách định nghĩa về khái niệm văn hóa Đông Sơn có sự khác biệt nhất định qua từng giai đoạn về phạm vi phân bố và vùng ảnh hưởng của nền văn hóa Đông Sơn.

Khái niệm văn hóa Đông Sơn lần đầu tiên được định nghĩa bởi Heine Geldern, là người đã đặt tên cho nền văn hóa này, theo quan điểm của ông, thuật ngữ văn hóa Đông Sơn là một khái niệm rộng lớn được sử dụng để chỉ các văn hóa khắp vùng nam Đông Á, Đông Nam Á lục địa và hải đảo: “Tôi đề nghị hiểu dưới thuật ngữ văn hóa Đông Sơn tất cả các văn hóa thời đại đồng thau đã biết ở Vân Nam, Đông Dương và Indonesia, dầu biết rằng những nghiên cứu tương lai có thể cho chúng ta nhận ra giữa những nhóm văn hóa đó những nhóm địa phương khác biệt, những trật tự và niên đại khác nhau.” (Heine Geldern 1937: 186)

Sau đó Giáo sư Phạm Huy Thông (1990:272), người đứng đầu Viện Khảo cổ học Việt Nam trong những năm 1967 – 1988, đã đề xuất quan điểm cho rằng văn hóa Đông Sơn có phạm vi phân bố bao gồm vùng nam Đông Á và miền Bắc Việt Nam: “với vùng trung du sông Hồng là trung tâm, phía Nam tới tận xứ Quảng, phía Bắc không xa hồ Động Đình gồm Vân Nam và Lưỡng Quảng của Trung Hoa”. [1]

Tới giai đoạn khoảng 30 năm gần đây, quan điểm về nguồn gốc và sự phân bố của văn hóa Đông Sơn của các nhà khảo cổ Việt Nam có sự thu hẹp hơn, về cơ bản theo quan điểm của họ, khái niệm văn hóa Đông Sơn được dùng để chỉ nền văn hóa thời đại đồng thau tại miền Bắc Việt Nam. [2] Các nhà khảo cổ Việt Nam thường nhấn mạnh tính “bản địa”, “độc đáo” và “riêng có” của nền văn hóa Đông Sơn tại miền Bắc Việt Nam.

Tuy nhiên từ các quan điểm của các nhà khảo cổ Heine Geldern và Phạm Huy Thông, chúng ta có thể thấy được văn hóa Đông Sơn không chỉ giới hạn ở vùng miền Bắc Việt Nam, mà còn có sự phân bố rất rộng trong vùng nam Đông Á và Đông Nam Á. Với những tài liệu hiện có, chúng ta sẽ thấy được văn hóa Đông Sơn còn có sự phân bố rộng hơn định nghĩa của các nhà khảo cổ này, vươn tới cả các vùng Quý Châu, Hồ Bắc, Hồ Nam, Chiết Giang và có sự ảnh hưởng rộng lớn tới các vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo, trong đó vùng lõi là vùng nam Đông Á và miền Bắc Việt Nam. Điều này sẽ được chúng tôi khảo cứu kỹ lưỡng hơn trong các phần sau đây.

3. Các nhận định về nguồn gốc văn hóa Đông Sơn:

Văn hóa Đông Sơn được nhận định về nguồn gốc chủ yếu qua hai giai đoạn: thời kỳ thuộc Pháp và giai đoạn khám phá của ngành khảo cổ học Việt Nam. Các nhận định về nguồn gốc văn hóa Đông Sơn của hai giai đoạn này là trái ngược nhau, một là thuyết “ngoại lai” của các nhà nghiên cứu phương Tây trong thời Pháp thuộc, thuyết còn lại là thuyết “bản địa” của các nhà khảo cổ Việt Nam.

Giả thuyết đầu tiên về nguồn gốc của văn hóa Đông Sơn được đưa ra bởi Goloubew trong những năm 1930, ông chủ trương rằng văn hóa Đông Sơn bắt nguồn từ những người kém văn minh sống ở vùng Cửu Chân (nơi phát hiện ra nền văn hóa Đông Sơn), ông cho rằng nền văn hóa này “chỉ bắt đầu ở đất Cửu Chân mọi rợ từ thế kỷ I trước công nguyên”, ban đầu được tạo nên bởi người bản địa, sau đó “chính người Trung Hoa đã dạy nghề luyện kim và cách chuyển những nhạc khí và dụng cụ dễ hư nát thành những đồ đồng có hoa văn phong phú.” (Goloubew 1930), quan điểm này của ông được một số nhà nghiên cứu phương Tây khác như Aurousseu, Maspero, Finot, Parmentier, Groslier, O. Janse đồng thuận. Trong giai đoạn này, quan điểm của Goloubew có sức ảnh hưởng khá lớn, gián tiếp tạo nên những nhận định chủ quan cho rằng văn hóa và văn minh Việt Nam không phải do tự người Việt tạo nên, mọi đặc trưng trong nền văn hóa Việt Nam đều có nguồn gốc từ bên ngoài. [2]

Heine Geldern, người đặt tên cho văn hóa Đông Sơn, tuy có sự khác biệt so với các thế hệ các nhà nghiên cứu trước, có sự khảo cứu sâu hơn về các cổ vật và hoa văn của nền văn hóa này, nhưng về cơ bản ông cũng đồng thuận với giả thuyết văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc ngoại lai, với việc đề xuất thuyết thiên di từ phương Tây tới Việt Nam, ông cho rằng: “Tóm lại, bây giờ chúng ta có thể xác định rằng có một cuộc thiên di dân tộc từ phương Tây vào thế kỷ IX và VIII trước Công nguyên (có thể những kẻ tiền khu đã đi từ thế kỷ thứ X) đã mang những yếu tố văn hóa châu Âu và Caucasus đến Nội Mông, Trung Quốc và Đông Dương.” (Heine-Geldern 1951) [2]

Giả thuyết này với cơ sở khảo cứu có phần kỹ lưỡng hơn, đã thuyết phục được nhiều nhà nghiên cứu như V. Goloubew, E. Karlgren và O. Jansé, đây là các nhà nghiên cứu về văn hóa Đông Nam Á với nhiều tác phẩm nổi tiếng, từ đó giả thuyết này đã ảnh hưởng tới nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế.

Các quan điểm ảnh hưởng từ bên ngoài về nguồn gốc của văn hóa Đông Sơn đã có thời gian có sức ảnh hưởng trong dòng nghiên cứu chính thống, tuy nhiên, tới thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, các cuộc khai quật đã bắt đầu được thực hiện bởi các nhà khảo cổ Việt Nam, đem lại cách nhìn nhận mới về nguồn gốc của văn hóa Đông Sơn.

Khảo cổ học Việt Nam từ năm 1959-1960 đã bắt đầu khai quật các di chỉ liên quan tới văn hóa Đông Sơn như Cổ Loa, hay các di tích thời đại kim khí như Phùng Nguyên, Thiệu Dương, trong những năm 1961-1967, các di chỉ Đông Sơn được khai quật với quy mô lớn tại vùng đồng bằng sông Hồng cũng như lưu vực sông Chu, sông Mã. Giai đoạn những năm 1970 đến đầu thập kỷ 1980 là giai đoạn tìm thấy nhiều di chỉ thuộc các nền văn hóa tiền Đông Sơn thuộc các giai đoạn Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, bên cạnh đó nhiều di chỉ Đông Sơn tại vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã cũng được khai quật. Các cuộc khai quật tiếp tục được tổ chức, tới những năm 1990 tới ngày nay thì các cuộc khai quật đã có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Hồng Kông… [3]

Việc tìm thấy các di chỉ thuộc các nền văn hóa tiền Đông Sơn như Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun cùng với đó là sự xác định diện mạo của các nền văn hóa này đã làm cơ sở cho các nhà nghiên cứu khảo cổ Việt Nam khẳng định văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc bản địa, có tiến trình phát triển tại chỗ, không phải có nguồn gốc ngoại lai như các nhà nghiên cứu phương Tây đã chủ trương. [2] Thành tựu này của ngành khảo cổ Việt Nam đã góp phần thay đổi cách nhìn nhận của học thuật quốc tế với nền văn hóa Đông Sơn, thay thế quan điểm văn hóa này ngoại lai được đề xuất bởi các học giả phương Tây.

Tuy nhiên vấn đề nguồn gốc và tiến trình phát triển của văn hóa Đông Sơn còn nhiều điều cần phải làm rõ, chúng ta có thể nhận thấy nhiều dấu hiệu văn hóa Đông Sơn hay tiền thân của nền văn hóa này là văn hóa Phùng Nguyên không phải là các văn hóa phát triển trực tiếp ở Việt Nam từ thời kỳ đồ đá đi lên, việc cho rằng văn hóa Đông Sơn và các văn hóa tiền thân của nó là một nền văn hóa “bản địa”, phát triển tại chỗ kể từ thời đồ đá cũ, sẽ tạo nên những câu hỏi lớn khó tìm được sự lý giải hợp lý.

Vấn đề này sẽ được chúng tôi tìm hiểu và khảo cứu kỹ lưỡng hơn thông qua các nghiên cứu di truyền học và khảo cổ học, để từ đó xác định nguồn gốc người Việt và nguồn gốc văn hóa Đông Sơn cùng các nền văn hoá tiền thân của nó.

II. Vấn đề nguồn gốc người Việt và vấn đề nguồn gốc văn hóa Đông Sơn:

1. Nguồn gốc người Việt và nguồn gốc văn hóa Đông Sơn:

Nguồn gốc của người Việt là vấn đề cốt lõi cần được làm rõ, để chúng ta có thể xác định được nguồn gốc của văn hóa Đông Sơn hay các văn hóa tại miền Bắc Việt Nam. Việc xác định nguồn gốc của người Việt cần được thực hiện thông qua việc tìm hiểu các nghiên cứu di truyền học, đây là hướng nghiên cứu có độ chính xác cao, đáng tin cậy nhất trong xác định nguồn gốc dân tộc.

Người Việt và người Đông Á được xác định qua di truyền học có nguồn gốc từ người cổ rời khỏi châu Phi, tới vùng Đông Nam Á vào hai đợt vào 60.000 năm và 30.000 năm trước ngày nay. [4][5]

Bản đồ thiên di rời khỏi châu Phi theo dấu chân những người mẹ (màu vàng) và những người cha (màu xanh).

Cư dân cổ rời khỏi châu Phi sinh sống tại vùng Đông Nam Á lục địa, tại vùng này họ đã xây dựng nên nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng, với các giai đoạn phát triển như sau:

  • Hòa Bình sớm hay tiền Hòa Bình, có niên đại tiêu biểu là di chỉ Thẩm Khuyên (32.100 ± 150 BC [trước Công Nguyên]), Mái Đá Điều, Mái Đá Ngầm (23.100 ± 300 BC).
  • Hòa Bình giữa hay Hòa Bình chính thống, tiêu biểu bởi di chỉ Xóm Trại (18.000 ± 150 BC), Làng Vành (16.470 ± 80 BC).
  • Hòa Bình muộn, tiêu biểu bằng di chỉ ở Thẩm Hoi (10.875 ± 175), Sũng Sàm (11.365 ± 80 BP, BLn – 1541/I).

Văn hóa Hòa Bình là văn hóa có đặc trưng đá cuội được ghè đẽo và đục lỗ. Đặc trưng văn hóa Hòa Bình phân bố khắp Việt Nam, Lào, Thái Lan và xuất hiện tại cả vùng phía nam Đông Á, bao gồm cả vùng đồng bằng sông Châu như hình minh họa phía dưới. Bên cạnh đó là những đặc điểm từng vùng như mộ táng với tư thế nằm co, mộ có nắp. [6]

Bản đồ phân bố của văn hóa Hòa Bình. [Chú dẫn bản đồ: 1. Đường gạch chéo: khu vực văn hóa Hoabinhian được nói trong bài [6]; 2. Các chấm tròn: các khu vực có đá đục lỗ; Các chấm vuông: các khu vực có táng với tư thế nằm co; 3. Vòng tròn màu đỏ: khu vực tiềm năng có người cao; vòng tròn màu xanh: khu vực tiềm năng có mộ có nắp.] [6]

Thời điểm 33.000 năm tới 20.000 năm cách ngày nay đã diễn ra đợt băng hà lớn cuối cùng, khiến mực nước biển xuống thấp ở mức 120 đến 130 mét đã làm lộ ra một vùng đồng bằng rộng lớn tại vịnh Bắc Bộ và cả vùng thềm lục địa phía Nam Việt Nam (được gọi là thềm Sundaland) [7]. Đây là nơi sinh sống thuận lợi cho người cổ rời khỏi châu Phi, bên cạnh các cư dân sinh sống trên núi của văn hóa Hòa Bình, thì có một lượng nhất định người cổ đã sinh sống tại vùng đồng bằng vịnh Bắc Bộ, kiến tạo đời sống của mình tại đây. Nghiên cứu di truyền của lúa đã chứng minh lúa được thuần hóa tại vùng xung quanh hạ lưu sông Châu tới miền Bắc Việt Nam. [8]

Bản đồ minh họa thềm lục địa lộ ra khi mực nước biển xuống thấp cực đại. [9]

Tới thời điểm 12000 năm trước, thì nước biển bắt đầu dâng trở lại [7], dần dần khiến cư dân cổ Đông Nam Á mất đất sinh sống, khiến họ phải di cư lên phía Bắc để tìm vùng đất mới. Các nghiên cứu di truyền cũng đã chứng minh cuộc di cư này của người cổ Đông Nam Á lên phía Bắc, họ di cư tới vùng trung lưu và hạ lưu Dương Tử và còn đi xa hơn thế về phía bắc Đông Á tại vùng đồng bằng sông Hoàng Hà.

Nghiên cứu của J.Y. Chu và cộng sự năm 1998 đã đưa ra kết luận người Đông Á có nguồn gốc từ người Đông Nam Á di cư lên. Nhóm dân cư này có nguồn gốc từ châu Phi đã đi đến Ðông Nam Á qua ngả Nam Á từ nhiều năm trước. [10]

Tổ chức bộ gen người Hugo với công trình “Mapping human genetic diversity in Asia” đăng trên tạp chí Science năm 2009, nghiên cứu kiểu biến thiên hình thái gen trên 73 sắc dân châu Á và 2 sắc dân ngoài châu Á, đã xác định người Đông Nam Á là nguồn gốc chính của người Đông Á. [11]

Kết quả nghiên cứu di truyền của Hua Zhong và cộng sự năm 2010, cũng cho thấy người Đông Á có nguồn gốc chính là từ Đông Nam Á.[12]

Nghiên cứu của Chuan Chao Wang và cộng sự năm 2013 [13] đã phát hiện một dòng di cư rất lớn từ Đông Nam Á vào thời điểm 12.000 năm trước lên vùng Động Đình, Dương Tử, dòng di cư này cũng đã đi lên cả vùng đồng bằng sông Hoàng Hà.

Bản đồ thiên di của những người cha cho thấy dòng di cư lên phía Bắc vào thời điểm hơn 10.000 năm trước ngày nay của người cổ Đông Nam Á. [14]

Các cư dân cổ có nguồn gốc Đông Nam Á tại đây đã xây dựng nên các văn hóa lớn trong thời Đá mới, trong đó bao gồm các văn hoá Cao Miếu (Gaomiao, 5000 – 3500 BC), Hà Mẫu Độ (Hemudu, 5000 – 4500 BC), Mã Gia Banh (Majiabang, 5000 – 3000 BC), Lăng Gia Than (Lingjiatan, 3800 – 3500 BC) tại vùng Động Đình, Dương Tử với nông nghiệp lúa nước [15], và các văn hóa Hồng Sơn (Hongshan, 4700 – 2900 BC), Đại Vấn Khẩu (Dawenkou, 4300 BC – 2400 BC), Ngưỡng Thiều (Yangshao, 5000 BC – 3000 BC) tại vùng Bắc Đông Á với nông nghiệp trồng cả lúa và kê [16].

Bản đồ minh họa nguồn gốc và tiến trình phát triển của các văn hóa cổ Đông Á của người cổ Đông Nam Á, người tiền Việt và tộc Việt. Bản đồ thể hiện vị trí và phân bố tương đối của các văn hóa lớn thời Đá mới tại vùng bắc Đông Á và nam Đông Á. (Dựa theo Liu Li và Chen Xingcan (2012) trong The Archaeology of China: From the Late Paleolithic to the Early Bronze Age.)

Tại các văn hóa phía Bắc Đông Á, thì cư dân cổ gốc Đông Nam Á đã hòa hợp với người cổ Bắc Á với dấu tích tại hang Devil’s Gate, chuyển hóa thành chủng da vàng. Thành phần gen của người Việt và người Dai thuộc hai hệ ngữ Nam Á và Tai-Kadai đã thể hiện rất rõ sự hòa hợp này. [17]

Gen người Việt và người Dai ngày nay có tỉ lệ: 60% gen Dương Tử, 30% gen Bắc Á (Devil’s Gate), và 10% gen Hòa Bình cổ. [17]

Tới thời điểm 5300 năm trước ngày nay, thì cư dân tại vùng bắc Đông Á di cư về vùng Động Đình, Dương Tử để hình thành tộc Việt, xây dựng nên các văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà, trong gen của người Việt có 30% gen của người Bắc Á với dấu tích tại hang Devil’s Gate, cùng với đó là 60% gen tại vùng Dương Tử thể hiện rõ cuộc di cư này. [17] Tới thời điểm đó thì cư dân tộc Việt chỉ ở tại vùng Dương Tử, chưa di cư về phía Nam.

Vào thời điểm văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà, cư dân cổ Đông Á bắt đầu hình thành ý thức dân tộc Việt, với biểu tượng Việt được hình thành từ hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu.

Tên Việt của cộng đồng Việt có nguồn gốc từ hình ảnh chiếc rìu của văn hóa Đại Vấn Khẩu và Lương Chử, sau đó được cư dân văn hóa Thạch Gia Hà kế thừa, phát triển thành hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu, đội mũ lông chim (số 15, hình dưới) trên bình gốm trong ngôi mộ của một thủ lĩnh văn hóa Thạch Gia Hà (hình ảnh này sau đó đã được kế thừa trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn, rất phổ biến hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu tương tự văn hóa Thạch Gia Hà). Chữ Việt được phát triển lên từ hình ảnh đó. Ý nghĩa biểu tượng người cầm rìu ngọc là vượt lên trên (người khác), giống với ý nghĩa chữ Việt (vượt) ngày nay chúng ta đang dùng. Tên “Việt” theo nghĩa thông thường là tộc những người sử dụng rìu lễ khí và biểu thị quyền lực, nghĩa bóng là vượt qua.

Biểu tượng Việt và chữ Việt theo thời gian. 1-2: Biểu tượng Việt (rìu ngọc) ở văn hóa Đại Vấn Khẩu [18]. 3-6: biểu tượng ngôi sao 8 cánh, rìu ngọc, hình chữ nhật có đường chéo, hình mũi tên trên bình gồm của văn hóa Lương Chử [19]. 7-10: chữ Việt (nghĩa là cái rìu, búa) ở dạng giáp cốt văn, kim văn, triện văn, khải thư [20]. 11-14: chữ Việt (vượt qua, nước Việt…) ở dạng kim văn (11-12), triện văn, khải thư [21]. 15: Bình gốm có khắc biểu tượng thủ lĩnh cầm rìu [22]. 16: Hình người cầm rìu trên trống đồng Miếu Môn [23]. [24]

Tới thời điểm hơn 4000 năm trước ngày nay, đã xảy ra nạn hạn hán ở vùng Dương Tử [25], khiến cho nền văn minh tại đây sụp đổ, các cư dân tộc Việt sau đó đã di cư về Lĩnh Nam, Việt Nam và Đông Nam Á [26][27]. Trong đó nhóm chính đã trở về Việt Nam, định cư tại vùng Phú Thọ, xây dựng nên văn hóa Phùng Nguyên. Nhiều nghiên cứu đã thể hiện cuộc di cư này của cư dân tộc Việt.

Nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck Đức, Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion Pháp năm 2019 đã thể hiện người Việt có nguồn gốc chủ yếu là những người di cư từ Nam Đông Á về Việt Nam cách đây từ 2.700 – 4.000 năm trước [26].

Nghiên cứu gen của Hugh McColl và các cộng sự năm 2018 [27] (hình 9) cũng có quan điểm tương đồng với nghiên cứu của Viện hệ gen Việt Nam hợp tác với các chuyên gia Pháp, Đức. Cả hai nghiên cứu di truyền trên đều dựa trên các bộ gen cổ và các bộ gen hiện đại.

Mô hình di cư ở Đông Nam Á thời tiền sử được xây dựng nên gồm 2 lớp từ châu Phi tới  Đông Nam Á vào khoảng 30.000-60.000 năm trước và từ Đông Á di cư ngược về cách đây 2.700 – 4.000 năm. [27]

Các tuyến di cư chính giữa Nam Đông Á và Đông Nam Á thời cổ đại. [27]

Văn hóa Phùng Nguyên có nguồn gốc chính từ cư dân vùng Dương Tử thuộc chủng Nam Mongoloid di cư về [26][27]. Theo các nghiên cứu di truyền và ngôn ngữ thì văn hóa Phùng Nguyên có thành phần chủ yếu là cư dân nói tiếng Nam Á [27]. Từ văn hóa Phùng Nguyên người Việt tiếp tục phát triển tới văn hóa Đông Sơn, đây là hai văn hóa có chung một chủ nhân là cư dân Nam Á có nguồn gốc từ vùng Dương Tử, [26][27] với thành phần chủ yếu là cư dân tại vùng trung lưu Dương Tử tại hồ Động Đình.

Mô hình nhân chủng học dựa trên 16 phép đo hình thái xương sọ cho thấy cư dân văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn là người Nam Á. [29]

Theo các kết quả nghiên cứu ở trên, thì cư dân các văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn có nguồn gốc gần là các văn hóa tại vùng Dương Tử, và nguồn gốc xa là các văn hóa thời đại đá cũ ở miền Bắc Việt Nam. Họ có nguồn gốc từ Đông Nam Á di cư lên phía Bắc, sau đó từ phía Bắc lại di cư trở về Việt Nam [26][27]. Nguồn gốc người Việt và văn hóa Đông Sơn do đó là sự hoạt động và di cư trong không gian vùng Đông Á, với nguồn gốc chính là văn minh vùng Dương Tử, họ không phải người bản địa Việt Nam và Đông Nam Á phát triển lên.

2. Văn hóa Đông Sơn và văn hóa Hòa Bình:

Văn hoá Hoà Bình là văn hoá được gọi tên đại diện cho kỹ thuật đá đặc trưng tại vùng Đông Nam Á và miền Bắc Việt Nam, có niên đại vào khoảng thời đồ đá cũ và đầu thời đá mới, nó được đặt tên theo địa điểm phát hiện đầu tiên là tỉnh Hoà Bình bởi Madeleine Colani trong Đại hội các nhà tiền sử Viễn Đông được tổ chức năm 1932 tại Hà Nội [30].

Cách gọi này không thể hiện rằng người cổ Đông Nam Á chỉ sinh sống tại các vùng núi và sâu trong nội địa Đông Nam Á, bên cạnh các nhóm còn lại di tích tới ngày nay, thì nhóm người cổ rời khỏi châu Phi sinh sống tại vùng đồng bằng vịnh Bắc Bộ là cốt lõi để hình thành nên nguồn gốc của người Việt như chúng tôi đã khái quát ở trên.

Văn hóa Hòa Bình chia thành các giai đoạn: sớm, chính thống và muộn, ở đây chúng tôi muốn bàn tới giai đoạn văn hóa Hòa Bình muộn vào thời điểm sau 12.000 năm, đây là giai đoạn phân tách của hai nhóm người Hòa Bình tại Việt Nam và người Hòa Bình di cư lên phía Bắc.

Sau khi người cổ Đông Nam Á di cư lên vùng Dương Tử và đồng bằng sông Hoàng Hà, thì vẫn còn một lượng người Hoà Bình và các cư dân cổ thuộc nhiều văn hóa khác nhau, chủ yếu hoạt động săn bắt hái lượm, sinh sống tại miền Bắc Việt Nam, với các văn hoá Tràng An (23.000 TCN – 1000 TCN), Hòa Bình (12.000 – 10.000 TCN), Bắc Sơn (10.000 – 8.000 TCN), Quỳnh Văn (8.000 – 6.000 TCN), Cái Bèo (7.000 – 5.000 TCN), Đa Bút (6.000 – 5.000 TCN)…

Theo nghiên cứu di truyền của McColl và cộng sự [27], thì người Hòa Bình có gen gần với người Negrito da đen, cư dân của các văn hóa tại miền Bắc Việt Nam sau thời điểm 12000 năm tại Việt Nam do không có yếu tố lai tác động nên cũng có làn da đen tương tự như vậy. Vậy nên nếu người Việt là người bản địa thời Hòa Bình phát triển lên, thì sẽ có làn da đen tương tự như người Negrito.

Người Hòa Bình có diện mạo tương tự như thổ dân Jarawar, người bản địa Andaman.

Tới thời điểm 4000 năm trước, nạn hạn hán tại vùng Dương Tử [25] khiến cho cư dân tộc Việt di cư về Việt Nam và Đông Nam Á, đây mới là nguồn gốc chính của người Việt trong các thời văn hoá Phùng Nguyên và Đông Sơn. Người Việt di cư về từ vùng Động Đình, Dương Tử khi đó đã có làn da vàng, và cuộc di cư này đánh dấu sự xuất hiện đột ngột của người chủng Nam Mongoloid tại văn hóa Phùng Nguyên [29]. Hiện trạng thời kỳ này là sự đan xen của người chủng Nam Mongoloid da vàng với chủng Australoid da đen, với chủng da vàng chiếm ưu thế, chứng tỏ sự hòa hợp và cộng cư của hai nhóm dân khác nhau về màu da khi người Việt di cư về Việt Nam. Trong thành phần gen của người Việt ngày nay có khoảng 10% gen của người Hòa Bình, chứng minh sự hòa hợp của hai nhóm khi tộc Việt trở về Việt Nam hơn 4000 năm trước. [17]

Do vậy văn hóa Hòa Bình và các văn hóa tiền thân của Đông Sơn tại vùng Dương Tử có thể nói là khác nhau kể từ thời điểm 12000 năm cách ngày nay, đây là mốc phân tách của hai nhóm một di cư lên vùng Động Đình, Dương Tử và vùng đồng bằng sông Hoàng Hà, và một ở lại miền Bắc Việt Nam. Người Hòa Bình giai đoạn muộn ở lại Việt Nam không phải nhân tố chính hình thành nên người Việt, phát triển lên các văn hóa Phùng Nguyên cho tới Đông Sơn, mà là cư dân tộc Việt di cư từ vùng Dương Tử về.

3. Văn hóa Đông Sơn, văn hóa Phùng Nguyên và các văn hóa tại vùng Dương Tử:

Các văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn theo các nghiên cứu di truyền có nguồn gốc từ văn minh tại vùng Dương Tử. Văn minh Dương Tử có nguồn gốc cư dân từ Đông Nam Á di cư lên vào thời điểm hơn 12000 năm trước theo các nghiên cứu di truyền như chúng tôi đã dẫn ở trên [10][11][12][13]. Người cổ Đông Nam Á di cư lên phía Bắc, họ không chỉ dừng tại vùng Dương Tử mà còn di cư lên cả vùng bắc Đông Á (Hoa Bắc) [13]. Nhưng do hiện trạng văn hóa tại bắc Đông Á là khá phức tạp, với sự đan xen của người cổ gốc Đông Nam Á và người cổ gốc Bắc Á với dấu tích tại hang Devil’s Gate, nên ở phần này chúng tôi sẽ chỉ đề cập tới các văn hóa tại vùng Dương Tử. Tuy vậy chúng tôi sẽ khái quát qua để bạn đọc dễ hình dung, một phần lớn cư dân của vùng bắc Đông Á từ các văn hóa Hồng Sơn, Đại Vấn Khẩu, và cả Ngưỡng Thiều sau đó đã di cư về vùng Dương Tử để hợp nhất với người tiền Việt tại vùng này và hình thành tộc Việt, vậy nên văn minh Dương Tử là sự kết hợp của cả người bắc Đông Á và nam Đông Á, từ hai vùng văn hoá được gọi chung là văn hóa Đông Á cổ.

Các nền văn hóa tại vùng Dương Tử được gọi chung là văn minh Dương Tử, bao gồm vùng trung lưu Dương Tử (Động Đình) và vùng hạ lưu Dương Tử. Tại vùng trung lưu và hạ lưu Dương Tử thì các cư dân gốc Đông Nam Á đã phát triển nhiều văn hóa lớn kế tiếp nhau, trong đó tại vùng trung lưu Dương Tử bao gồm các văn hóa tiêu biểu là Đại Khê (Daxi, 5000 – 3000 BC), Khuất Gia Lĩnh (Qujialing, 3400 – 2600 BC). Tại vùng hạ lưu Dương Tử là các văn hóa Hà Mẫu Độ (Hemudu, 5500 – 3300 BC), Mã Gia Banh (Majiabang, 5000 – 3300 BCE).

Phạm vi phân bố của văn hóa Thạch Gia Hà (2500-2000 BC) và văn hóa Lương Chử (3300-2000 BC) dựa theo Liu Li và Chen Xingcan (2012) trong The Archaeology of China: From the Late Paleolithic to the Early Bronze Age.

Các văn hóa này là tiền thân hình thành nên các văn hóa Lương Chử (Liangzhu, 3300-2000 BC) và Thạch Gia Hà (Shijiahe, 2500 – 2000 BC), với sự di cư về vùng Dương Tử của các cư dân vùng bắc Đông Á, đây là các văn hóa đánh dấu sự hình thành tộc Việt, bắt đầu có ý thức dân tộc. Sau đó vào thời điểm hơn 4000 năm trước đã xảy ra nạn hạn hán [25] khiến cư dân vùng Dương Tử di cư về Việt Nam và Đông Nam Á. [26][27]

Khi về Việt Nam, các cư dân tộc Việt đã hình thành nên văn hóa Phùng Nguyên với đặc trưng đồ đá, đồ ngọc và đồ gốm, khi đó cũng đã có sự xuất hiện của kỹ thuật luyện đồng cũng có nguồn gốc từ vùng Dương Tử. Sau đó sự phát triển của văn hóa Phùng Nguyên tới văn hóa Đông Sơn còn cần phải bàn thảo thêm.

Đồ đá văn hóa Phùng Nguyên đã đạt tới mức độ tinh xảo, được kế thừa từ truyền thống tại vùng Dương Tử với các loại hình qua đá, các loại hình rìu bao gồm rìu đá có vai và các loại hình rìu khác. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, chụp bởi báo Kiến Thưc, dẫn]

Mũi lao đồng của văn hóa Phùng Nguyên được tìm thấy trong địa tầng văn hóa. [Văn hóa thời đại đồ đồng Đông Nam Á và mối quan hệ của nó với Trung Quốc (东南亚青铜时代文化及其与中国的).]

◊ Sự kế thừa văn hóa vùng Dương Tử tại văn hóa Phùng Nguyên qua một số loại hình cổ vật:

Cư dân tộc Việt tại miền Bắc Việt Nam có nguồn gốc trực tiếp hơn là từ cư dân của văn hóa Thạch Gia Hà phân bố tại vùng Động Đình, khi di cư về Việt Nam, cư dân tộc Việt đã hình thành nên văn hóa Phùng Nguyên. Sự kế thừa truyền thống từ văn hóa vùng Dương Tử được thể hiện rõ trên nhiều loại hình cổ vật, trong đó có nha chương.

Nha chương có nguồn gốc từ văn hóa Đại Vấn Khẩu tại vùng Sơn Đông có niên đại vào khoảng hơn 5000 năm trước công nguyên, khi đó chưa có chức năng đại diện quyền lực chính trị và quân sự, sau đó cư dân tại vùng này đã di cư về vùng Động Đình, Dương Tử, văn hóa Thạch Gia Hà (4600 – 4000 BC) đã có sự kế thừa Nha chương, truyền thống này tiếp tục được kế thừa tại văn hóa Phùng Nguyên khi cư dân tộc Việt di cư về Việt Nam trong khoảng hơn 4000 năm trước. Do vậy Nha chương là vật có nguồn gốc từ truyền thống và sự phát triển của tộc Việt, không phải có nguồn gốc từ các văn hóa Tam Tinh Đôi, Nhị Lý Đầu, hay từ nhà Hạ, nhà Thương như một số nhà nghiên cứu đề xuất.

Nha chương ngọc văn hóa Thạch Gia Hà và Các Nha chương ngọc văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: 1. Dương Việt Đông 杨越东 (2017). Bộ sưu tập và nghiên cứu ngọc văn hóa Thạch Gia Hà 石家河文化玉器收藏与研究: Nhà xuất bản Chiết Giang. 2,3. Bảo tàng tỉnh Phú Thọ, dẫn.]

Bên cạnh nha chương, thì những chiếc qua bằng ngọc của văn hóa Phùng Nguyên cũng thể hiện rất rõ sự kế thừa truyền thống tại vùng Dương Tử.

Qua ngọc văn hóa Thạch Gia Hà và qua ngọc Phùng Nguyên. (Qua Phùng Nguyên được ghi trong thông tin của bảo tàng là qua đá, tuy nhiên qua đá có màu xám đậm khá dễ nhận biết, theo tư liệu chúng tôi tìm được (dẫn), thì qua đá có màu sắc khác hẳn so với chiếc qua này, do đó đây khả năng là một chiếc qua bằng ngọc.) [Nguồn: 1. dẫn; 2. Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Gary Todd, dẫn]

Hình 33: Đĩa bích văn hóa Lương Chử và đĩa bích văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: 1. Bảo tàng tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, dẫn; 2. Nguyễn Anh Tuấn, Trịnh Sinh, 2005, Cổ vật Phú Thọ.]

So sánh các cổ vật bằng gốm của văn hóa Thạch Gia Hà và văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: A. (trái) Thạch Gia Hà: 1. Bảo tàng văn minh Trường Giang, dẫn; 2. Bảo tàng Khuất Gia Lĩnh, dẫn; 3. Viện khảo cổ Trung Quốc, dẫn; 4, 5. Viện khảo cổ Hồ Nam, dẫn; B. Phùng Nguyên: Hán Văn Khẩn, Văn hóa Phùng Nguyên, Nhà xuất bản đại học quốc gia Hà Nội, 2005.]

A. Đồ gốm Thạch Gia Hà; B: Đồ gốm Phùng Nguyên. [Nguồn: Thai Hâm Thành 邰鑫成, 石家河文化墓地研究 Nghiên cứu về nghĩa trang văn hóa Thạch Gia Hà, dẫn; Hán Văn Khẩn, Văn hóa Phùng Nguyên, Nhà xuất bản đại học quốc gia Hà Nội (2005)]

Tính kế thừa qua các giai đoạn tại Dương Tử và miền Bắc Việt Nam qua đồ gốm:

Sự kế thừa xuyên suốt từ thời văn hóa tại vùng Dương Tử, tới Phùng Nguyên qua tới Đông Sơn thể hiện rõ nhất qua nồi gốm cùng với chạc được sử dụng để nấu ăn, đây là đặc trưng được kế thừa liên tục trong các giai đoạn kéo dài tới khoảng 7000 năm.

Cổ vật gốm có thể nói là một loại hình đặc trưng và ít thay đổi qua thời gian, cổ vật gốm tại các vùng có sự di cư tới của các cư dân tộc Việt thể hiện sự tương đồng rất rõ. Nồi gốm cùng chạc gốm như dưới đây được tìm thấy sớm nhất tại tỉnh Hồ Bắc có niên đại vào khoảng 7000 năm TCN, sau khi họ di cư về Việt Nam thì tại văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn đều tìm thấy loại hình chạc cùng nồi gốm này.

Nồi gốm và chạc gốm tại tỉnh Hồ Bắc, thuộc di chỉ tại văn hóa sông Chengbei, tiền thân của các văn hóa tại trung lưu Dương Tử (vùng hồ Động Đình) có niên đại vào khoảng 7000 năm TCN. [Nguồn: dẫn]

Nồi gốm và chạc gốm tại các văn hóa Phùng Nguyên (A: 1.700-1.500 TCN; B: 2.000 TCN) và văn hóa Đông Sơn. (C: 800 TCN – 200 TCN) [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, dẫn lại bởi Huang Mingchong, đường dẫn]

Đồ gốm văn hóa Chengbeixi (A, 5000-3000 BC, Hồ Bắc) và văn hóa Phùng Nguyên (B, 2000 BC, Việt Nam). Các loại hình gốm của văn hóa vùng Dương Tử được kế thừa đầy đủ tại miền Bắc Việt Nam. [Nguồn: 1. Fiorella Rispoli, The Incised & Impressed Pottery Style of Mainland Southeast Asia: Following the Paths of Neolithization, dẫn; 2. Hà Văn Tấn, Prehistoric Pottery in Viet Nam and Its Relationships with Southeast Asia, dẫn]

4. Tiến trình phát triển từ văn hóa Phùng Nguyên tới văn hóa Đông Sơn:

Những người kiến tạo nên văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn đều cùng là người Nam Á, tuy nhiên tiến trình phát triển từ văn hóa Phùng Nguyên cho tới Đông Sơn có đôi điều cần phải bàn thảo.

Các cư dân tộc Việt đã di cư về Lĩnh Nam, Việt Nam và Đông Nam Á trong khoảng 4000 năm trước, những người di cư về Việt Nam đã kiến tạo nên văn hóa Phùng Nguyên, tuy nhiên văn hóa Phùng Nguyên chỉ có sự phát triển mạnh tới khoảng 3500 năm cách ngày nay, sau đó có sự thay đổi trong di tích và cổ vật của các văn hóa kế tiếp nó. Theo Gs Hà Văn Tấn, thì các loại hình cổ vật bằng gốm của văn hóa Gò Mun rất khác với đồ gốm của văn hóa Đông Sơn, đặc biệt là về hoa văn. Cổ vật và hoa văn đồ đồng và đồ gốm của văn hóa Đông Sơn được kế thừa trực tiếp từ văn hóa Phùng Nguyên. [28*]

Vòng tay và vòng cổ bằng ngọc của văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: dẫn]

Các nghiên cứu di truyền thể hiện không chỉ một lớp di cư mà là hai lớp di cư, đều có số lượng lớn cư dân vào thời điểm hơn 4000 năm trước và 2700 năm trước ngày nay [26][27]. Đợt di cư đầu tiên là văn hóa Phùng Nguyên như chúng tôi đã đề cập, đợt di cư tiếp theo trùng với văn hóa Đông Sơn, dựa vào tiến trình phát triển các văn hóa tại Việt Nam và những biến động tại vùng Dương Tử, thì có khả năng người Việt đã di cư trở về vùng Dương Tử ở thời điểm hơn 3500 năm trước, tới thời điểm 2700 năm sau họ mới trở về miền Bắc Việt Nam [26][27].

Sau cuộc di cư lên phía Bắc, thì tại miền Bắc Việt Nam vẫn còn cư dân tộc Việt sinh sống, chỉ trung tâm văn hoá, chính trị là thay đổi, các cư dân ở lại đã được xác định tạo nên các văn hoá Đồng Đậu, Gò Mun, những biến động tại vùng Dương Tử đã thể hiện trung tâm của người Việt có thể đã được chuyển lên phía Bắc với sự di cư của tầng lớp tinh hoa.

◊ Sự hòa huyết giữa các cư dân tại vùng Dương Tử:

Người Việt có gốc ngôn ngữ và văn hóa là người Nam Á trong cả thời Phùng Nguyên và Đông Sơn, nhưng gen của người Việt ngày nay lại gần các dân tộc thuộc hệ ngữ Tai-Kadai, theo nghiên cứu của Hugh McColl và cộng sự, thì vào thời điểm 2700 năm trước, cuộc di cư của tộc Việt bao gồm cư dân của cả hai hệ ngữ Nam Á và tiền Tai-Kadai. [27]. Theo nghiên cứu di truyền của Hàn Quốc [32], thì người Việt có gen không bị tác động bởi dòng gen ngoài trong thời điểm trước 2500 năm trước.

Sơ đồ Admixture graph trong công trình nghiên cứu di truyền của Hàn Quốc cho thấy người Việt có nguồn gốc từ cư dân Đông Á cổ, sự tương tác giữa người Việt và các cư dân thuộc hệ ngữ Tai-Kadai diễn ra trước và trong đầu thời Đông Sơn. [32]

Qua hai nghiên cứu này, có thể đã diễn ra cuộc di cư của người Việt từ miền Bắc Việt Nam lên vùng Dương Tử, tại vùng Dương Tử thì người Việt nhóm Nam Á và người Việt nhóm tiền Tai-Kadai đã sinh sống trong một cộng đồng chung, có sự hòa huyết với nhau. Về cơ bản, người Việt Nam Á không có sự thay đổi đáng kể trong di truyền, ngôn ngữ và văn hóa, vẫn giữ cốt lõi Nam Á của mình, với 60% gen Nam Á [26], do đây là dòng văn hóa chủ đạo nên có sức ảnh hưởng mạnh trong cộng đồng tộc Việt.

Tới thời điểm hơn 2700 năm trước, thì người Việt Nam Á và người tiền Tai-Kadai đã cùng di cư về vùng Lĩnh Nam và miền Bắc Việt Nam, người Nam Á di cư chủ yếu về miền Bắc Việt Nam, còn người Tai-Kadai phân bố chủ yếu tại vùng biên giới Việt Nam và tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay. Sự hòa huyết đã diễn ra trước thời điểm 2500 năm, có nghĩa có thể cư dân thuộc hai hệ ngữ đã có sự hòa huyết khi còn ở tại vùng Dương Tử, không phải tới khi về Việt Nam và Lĩnh Nam mới diễn ra sự hòa huyết, gợi ý cho chúng ta về cuộc di cư này.

Tư liệu từ tài liệu khảo cổ đối chiếu với truyền thuyết:

Vùng Động Đình là trung tâm của tộc Việt trong giai đoạn văn hóa Thạch Gia Hà, vùng trung tâm này bao gồm hai tỉnh ngày nay là Hồ Bắc và Hồ Nam, đây là vùng đồng bằng rộng lớn và màu mỡ, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và văn minh. Tộc Việt khi định cư tại vùng này đã có sự phát triển rất mạnh mẽ với nhiều nền văn hóa kế tiếp nhau, kết thúc với nền văn hóa Thạch Gia Hà có sức ảnh hưởng lớn trong vùng Đông Á, tuy nhiên tới hơn 4000 năm trước, thì nạn hạn hán đã làm sụp đổ nền văn minh tại đây, khiến tộc Việt phải di cư phần lớn về vùng Lĩnh Nam, Việt Nam và Đông Nam Á lục địa [25]. Tài liệu khảo cổ chúng tôi tìm được cho thấy có thể nhà Thương đã chiếm vùng Hồ Bắc sau thời điểm hơn 4000 năm, và đưa cư dân xuống vùng này, hình thành nên văn hóa Bàn Long Thành (Panlongcheng, 1500 – 1300 BC), đây là văn hóa có đặc trưng cổ vật và văn hóa của nhà Thương, tương ứng với giai đoạn Nhị Lý Cương (Erligang, 1510 – 1460 BC). [33]

Cổ vật văn hóa Nhị Lý Cương tại Hà Nam và cổ vật tại văn hóa Bàn Long Thành tại tỉnh Hồ Bắc. [33]

Sau đó tới thời điểm hơn 3300 năm trước, thì văn hóa Bàn Long Thành biến mất, địa bàn ảnh hưởng của nhà Thương cũng thu hẹp lại, không còn bao gồm vùng Hồ Bắc, sự thu hẹp này có thể có nguyên nhân từ cuộc chiến tranh của tộc Việt và người Hoa Hạ, khi đó trung tâm của tộc Việt có thể đã được dịch chuyển trở lại vùng Động Đình, Dương Tử.

Bản đồ biểu thị lãnh thổ của nhà Thương qua từng giai đoạn: màu đỏ đại diện cho giai đoạn Nhị Lý Đầu (Erlitou), màu vàng đại diện cho giai đoạn Nhị Lý Cương (Erligang), màu tím đại diện cho giai đoạn An Dương (Anyang). Tới thời An Dương thì vùng Hồ Bắc không còn nằm trong sự kiểm soát của nhà Thương. [Nguồn: dẫn]

Trong truyền thuyết Thánh Gióng cũng ghi lại câu chuyện các vua Hùng và người Việt đánh giặc Ân, giặc Ân đây là nhà Thương của người Hoa Hạ có địa bàn ở vùng bắc Đông Á, thời điểm diễn ra câu chuyện vào khoảng 3200-3300 năm trước, bối cảnh câu chuyện là khá phù hợp với sự xuất hiện và biến mất của văn hóa Bàn Long Thành tại vùng Hồ Bắc. Truyền thuyết này đã thể hiện rằng người Việt đã thắng trong trận chiến với nhà Thương, và theo tài liệu khảo cổ, họ đã giữ vững bờ cõi và chiếm lại vùng Hồ Bắc từ tay người Hoa Hạ. Các chi tiết này đã hỗ trợ cho nhau, giúp chúng ta có cái nhìn cận cảnh hơn về giai đoạn còn chưa rõ ràng này.

Dựa trên thực tế khảo cổ và đối chiếu với truyền thuyết, thì thời điểm 3500 năm trước có thể đã diễn ra cuộc di cư của tộc Việt trở lại vùng Động Đình, Dương Tử do sự xâm lấn của người Hoa Hạ, sau đó đã xảy ra chiến tranh với nhà Thương để chiếm lại vùng Hồ Bắc, cuộc chiến đã đẩy lùi người Hoa Hạ về phía Bắc, phải tới cuối nhà Thương thì họ mới chiếm được vùng Hồ Bắc, sau đó được nhà Chu phân phong cho chư hầu và hình thành nên nước Sở.

◊ Cơ sở từ dữ liệu lịch sử:

Thư tịch lịch sử cũng ghi lại một chi tiết về việc người Việt dâng chim trĩ trắng tới nhà Chu, chi tiết này được ghi lại đầu tiên trong Thượng thư đại truyện (Đại cáo 尚書大傳 – 大誥, TK 3 TCN), sau cũng được Tiền Hán Thư ghi lại. Truyện Bạch Trĩ trong Lĩnh Nam Chích Quái kể lại một cách chi tiết hơn: “Đời Chu Thành Vương (1042 – 1021 TCN), Hùng Vương sai bề tôi xưng là người Việt Thường đem bạch trĩ sang cống… “.

Câu chuyện này diễn ra trong giai đoạn khoảng 3000 năm cách ngày nay, thời điểm đó nếu trung tâm tộc Việt ở tại miền Bắc Việt Nam, thì chi tiết này lại trở nên thiếu cơ sở, do không gian địa lý giữa miền Bắc Việt Nam và kinh đô nhà Chu là rất xa xôi, và người Việt và người Hoa Hạ trong giai đoạn này không có quan hệ lệ thuộc như trong thời phong kiến, vậy nên nếu trung tâm của người Việt đang còn ở miền Bắc Việt Nam, thì chi tiết vua Hùng từ phía Nam cử sứ giả tới kinh đô nhà Chu để thông giao với Chu Thành Vương qua hành động cống chim trĩ trắng sẽ khó có được sự lý giải hợp lý. Nhưng nếu người Việt thời điểm đó có trung tâm ở vùng Dương Tử, thì câu chuyện sẽ có một cơ sở thực tế hơn, khi đó không gian sinh sống của hai tộc người là gần nhau, do đó có thể có sự va chạm, lưu truyền thông tin cũng như có thông giao trực tiếp.

Văn hóa tại vùng Động Đình trong giai đoạn muộn:

Sau cuộc di cư của người Việt về miền Bắc Việt Nam vào thời điểm hơn 2700 năm trước, thì vẫn có một lượng nhất định cư dân tộc Việt sinh sống tại vùng Động Đình, văn hóa ở đây hoàn toàn tương đồng với văn hóa tại miền Bắc Việt Nam, sự tương đồng còn có phần mạnh hơn so với các vùng khác nếu so sánh cổ vật đặc trưng của miền Bắc Việt Nam (ít thấy tại các vùng khác) như cán dao găm hình người hay muỗng có đặc trưng Đông Sơn.

Dao găm hình người văn hóa Đông Sơn và vùng Hồ Nam. [Nguồn: 1. Bảo tàng lịch sử Việt Nam; 2. Bảo tàng tỉnh Hồ Nam, dẫn]

Muỗng đồng tìm thấy tại tỉnh Hồ Nam và muỗng đồng Đông Sơn. [Nguồn: 1. Bảo tàng thành phố Trường Sa, Hồ Nam, dẫn; 2. BST Kiều Quang Chẩn, Vang vọng từ trống Đông Sơn]

Sự tương đồng còn được thể hiện qua một chi tiết về văn hóa: bài Đông Quân của Khuất Nguyên, được ghi lại vào khoảng thế kỷ 3 TCN, nằm trong tập Cửu Ca, bộ Sở Từ, theo Lăng Thuần Thanh (Ling Shun Sheng, 凌純聲), giáo sư đại học Đài Loan, trong bài viết “Ký bản hiệu nhị đồng cổ kiêm luận đồng cổ đích khởi nguyên cập kỳ phân bố” 計本校二銅鼓兼論銅鼓的起源及其分佈 (đăng trong Đài Loan Đại học Văn Sử Triết học bảo, kỳ thứ nhất, 1950), các hoạt động tế lễ được mô tả trong bài thơ này tương hợp với các hình họa trên trống đồng Ngọc Lũ của người Lạc Việt tại miền Bắc Việt Nam.

Chi tiết này ủng hộ giả thiết về cuộc di cư của tộc Việt di cư trở lại vùng Dương Tử vào thời điểm 3500 năm trước, và sau đó di cư về miền Bắc Việt Nam vào thời điểm hơn 2700 năm trước, sau cuộc di cư này tại vùng Dương Tử vẫn có cư dân ở lại, qua thông tin của Lăng Thuần Thanh, có thể thấy hoạt động văn hóa của cư dân tộc Việt tại đây là giống với các hoa văn của trống đồng Ngọc Lũ, là cơ sở thể hiện các cư dân ở đây phải trực tiếp cùng một nguồn gốc với người Việt tại miền Bắc Việt Nam, bởi văn hóa tộc Việt tuy thống nhất nhưng cũng khá đa dạng, bên cạnh văn hóa chung, thì có sự tồn tại của đặc trưng riêng của từng vùng.

Ngoài dao găm hình người, thì tại Hồ Nam còn tìm thấy nhiều rìu cân xòe và rìu xéo khác. [Nguồn: Trình Năng Chung, 2015, Mối quan hệ văn hóa Đông Sơn với các văn hóa thời đại kim khí ở Nam Trung Quốc.]

Bên cạnh các cơ sở trên, thì trong cuộc di cư diễn ra vào thời điểm hơn 4000 năm trước do nạn hạn hán tại vùng Dương Tử, thì phần lớn cư dân tộc Việt đã di cư về phía Nam, tản ra Lĩnh Nam, Việt Nam, Đông Nam Á lục địa và hải đảo, do đó nếu không có cuộc di cư trở lại vùng Dương Tử, thì số lượng cư dân tộc Việt tại đây sẽ là không thực sự đáng kể, sẽ khó có khả năng diễn ra cuộc di cư tiếp theo vào thời điểm hơn 2700 năm trước.

Các thông tin dựa trên các nghiên cứu di truyền, khảo cổ, lịch sử và truyền thuyết này là cơ sở để chúng tôi giả thiết về cuộc di cư lên xuống trong vùng nam Đông Á và miền Bắc Việt Nam của người Việt, người Việt có thể không phát triển một cách liên tục ở miền Bắc Việt Nam từ thời Phùng Nguyên cho tới Đông Sơn, mà còn di cư trở lại vùng Động Đình, Dương Tử trong một thời gian dài trước khi trở về Việt Nam. Tuy vậy vẫn cần thêm các nghiên cứu di truyền và khảo cổ để làm rõ thêm về cuộc di cư này.

Tuy không có sự phát triển liên tục tại Việt Nam, nhưng những người xây dựng nên văn hóa Phùng Nguyên cũng là những người xây dựng văn văn hóa Đông Sơn, sự kế thừa được thể hiện rất rõ qua nhiều loại hình, bao gồm loại hình rìu lưỡi hài, một loại hình rìu đặc trưng của tộc Việt, vòng tay cũng như đồ gốm. Các cư dân tộc Việt thuộc tầng lớp cao nhất di cư về Việt Nam vào thời văn hóa Phùng Nguyên, sau đó đã trở lại vùng Dương Tử và về Việt Nam kiến tạo nên văn hóa Đông Sơn, đây là một quá trình phát triển liên tục để hình thành người Việt trong các cuộc di cư, với người Nam Á là cốt lõi.

Rìu lưỡi hài văn hóa Phùng Nguyên và rìu lưỡi hài văn hóa Đông Sơn. Sự kế thừa trong loại hình rìu đá và rìu ngọc thể hiện một tiến trình phát triển liên tục: những người kiến tạo nên văn hóa Phùng Nguyên cũng là những người xây dựng nên văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: 1. Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Gary Todd, dẫn; Bảo tàng Barbier-Mueller, dẫn]

Vòng ngọc văn hóa Phùng Nguyên và vòng tay văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, chụp bởi báo Kiến Thức; 2. Bảo tàng Barbier-Mueller]

Các loại hình đồ gốm kế thừa trực tiếp kể từ thời văn hóa Phùng Nguyên tới văn hóa Đông Sơn. [Nguyen Ba Phach, 1978, “Phung Nguyen”]

Một số hoa văn trên đồ gốm Phùng Nguyên và hoa văn trên đồ đồng Đông Sơn. [31]

5. Văn hóa Ngô Thành và văn hóa tộc Việt:

Văn hóa Ngô Thành (Wucheng, 1500 – 1000 BC), phân bố tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc ngày nay là một nền văn hóa lớn trong thời kỳ đồ đồng đã được tìm thấy trong vùng Dương Tử, bên cạnh các văn hóa Bàn Long Thành và văn hóa Tam Tinh Đôi. Văn hóa Bàn Long Thành (Panlongcheng, 1500 – 1300 BC) tại tỉnh Hồ Bắc như chúng tôi đã đề cập ở phần trên, có cổ vật đặc trưng của nhà Thương, tại đây có thể là nơi có cư dân nhà Thương di cư xuống vào thời điểm 3500 năm trước, sau khi tộc Việt di cư phần lớn về phía Nam. Bên cạnh văn hóa này, thì văn hóa Ngô Thành cũng là một văn hóa rất đáng chú ý, nó nằm tại vùng trung và hạ lưu Dương Tử, đây vốn là một trong những trung tâm phát triển của tộc Việt.

Rìu đồng văn hóa Ngô Thành (1) và rìu đồng văn hóa Đồng Đậu (2). [34]

Rìu cân xòe cùng với công cụ lao động của văn hóa Ngô Thành (A) và văn hóa Đồng Đậu (B), có thể thấy rất rõ đặc trưng của văn hóa tộc Việt trên các cổ vật này của văn hóa Ngô Thành. [Nguồn: 1. [34]; 2. Bùi Hữu Tiến, 2016, Văn hóa Đồng Đậu và vị trí của nó trong thời đại đồng thau ở lưu vực sông Hồng.]

Theo các kết quả khảo cổ, thì các cổ vật tại đây có đặc trưng riêng biệt, có dấu ấn rất rõ nét của văn hóa tộc Việt, trong đó các cổ vật Ngô Thành có sự liên hệ với các cổ vật của văn hóa Đồng Đậu tại miền Bắc Việt Nam trên một số loại hình quan trọng như rìu và công cụ lao động, một số loại hình như trang sức, đồ ngọc có liên hệ với các văn hóa lớn tại miền Bắc Việt Nam là Phùng Nguyên và Đông Sơn, bên cạnh đó cổ vật tại đây cũng giống với một số các văn hóa tại Campuchia và Thái Lan.

Tại văn hóa này cũng ít thấy cổ vật có đặc trưng của nhà Thương, không như văn hóa Bàn Long Thành, tại các di chỉ Ngô Thành chỉ tìm thấy một số chiếc chén uống rượu sừng trâu (được gọi là Quang) và một số cổ vật khác có đặc trưng cổ vật Hoa Bắc, theo nghiên cứu của S.V. Lapteff, thì các cổ vật này giống với các cổ vật của nhà Thương, chúng có thể xuất hiện tại đây theo con đường giao thương. Trên cơ sở nghiên cứu toàn diện các cổ vật, thì văn hóa này không phải là văn hóa của nhà Thương, mà do cư dân tộc Việt phương Nam kiến tạo nên. [34]

Tượng người bằng ngọc văn hóa Ngô Thành và tượng người cõng có phong cách tương đồng của văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Giang Tây, dẫn; 2. Bảo tàng lịch sử quốc gia, dẫn]

Khuyên tai ngọc hình vành khăn văn hóa Ngô Thành và khuyên tai ngọc văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: 1. Bảo tàng tỉnh Giang Tây, dẫn; 2. Bảo tàng Lịch Sử Quốc Gia (2015). Văn hóa Đông Sơn – Sưu tập hiện vật Bảo tàng Lịch sử quốc gia. NXB Văn hóa dân tộc.]

Như chúng tôi đã đề xuất ở phần trên, thì có thể đã có một cuộc di cư của cư dân tộc Việt lên vùng Dương Tử vào thời điểm 3500 năm trước, sau cuộc chiến tranh với nhà Thương thì tộc Việt đã chiếm lại được vùng Hồ Bắc. Trong cuộc di cư lên phía Bắc cư dân tộc Việt có thể phân bố trải dài trong vùng trung và hạ lưu Dương Tử, trong đó bao gồm cả tỉnh Giang Tây, văn hóa Ngô Thành thể hiện một sự phức tạp hơn trong giai đoạn này, có sự giao lưu văn hoá với nhà Thương, thêm vào đó có thể có cả sự giao lưu với văn hóa Tam Tinh Đôi tại vùng Ba Thục với sự xuất hiện của mặt nạ văn hóa này tại vùng phân bố văn hóa Ngô Thành. Thời điểm bắt đầu của văn hóa này cũng tương ứng với thời điểm di cư lên của tộc Việt (1500 BC), thời điểm biến mất của nền văn hóa này là khoảng hơn 1000 năm trước công nguyên, sau đó được thay thế bằng các di tích với đặc trưng của nhà Thương, sau đó là cổ vật Chu, triều đại kế thừa trực tiếp từ nhà Thương. [34]

Tượng trâu của văn hóa Ngô Thành (1) cũng là một hình tượng có đặc trưng văn hóa tộc Việt được kế thừa trong giai đoạn sau, như ở văn hóa Điền Việt (2) và văn hóa Đông Sơn (ảnh dưới). [Nguồn: 1. (28c); 2. Bảo tàng Barbier-Mueller, dẫn]

Qua ngọc văn hóa Ngô Thành và qua ngọc văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Giang Tây, dẫn; Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Gary Todd, dẫn]

Tạm thời qua các thông tin hiện có, thì chúng tôi đưa ra giả thuyết văn hóa Ngô Thành là một nền văn hóa của tộc Việt sau khi di cư lên vùng phía Bắc, văn hóa này đã có sự giao lưu mạnh với các văn hóa thời đồ đồng trong vùng Đông Á là nhà Thương và văn hóa Tam Tinh Đôi của Ba Thục. Tới thời điểm 3000 năm trước, thì vùng Giang Tây có thể đã bị người Hoa Hạ chiếm vào cuối thời nhà Thương, là nguyên nhân trực tiếp khiến nền văn hóa này biến mất, theo đó vùng ảnh hưởng của tộc Việt bị thu hẹp lại, nhà Thương sau đó đã đưa cư dân xuống vùng này, đem theo đặc trưng văn hóa Thương trong cổ vật các vùng khác tại Giang Tây trong giai đoạn sau. Vùng đất này sau được nhà Chu phân phong cho chư hầu, sau trở thành nước Ngô Trong thời kỳ Xuân Thu tại vùng Hoa Bắc, cổ vật tại đây bắt đầu có sự xuất hiện của đặc trưng nhà Chu.

Tuy nhiên chúng ta vẫn cần phải nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn để xác định mối liên hệ của văn hóa này với văn hóa chung của tộc Việt trong thời đồ đồng và xác định vị trí của Ngô Thành với tiến trình phát triển chung của nền văn hóa tộc Việt, bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng đây mới chỉ là một trong số các nền văn hóa trong thời kỳ đồ đồng tại vùng Dương Tử, qua cuộc di cư của tộc Việt được giả thiết dựa trên nhiều yếu tố, thì có cơ sở để cho rằng tại vùng Dương Tử còn nhiều di tích khác trong thời kỳ đồ đồng chưa được khám phá và khai quật, hy vọng những cuộc khai quật và tìm kiếm trong tương lai tại các văn hóa vùng Dương Tử sẽ cung cấp thêm cho chúng ta thông tin về văn hóa tộc Việt tại vùng này trong giai đoạn 3500 – 2700 năm trước ngày nay.

6. Văn hóa Đông Sơn và cộng đồng Bách Việt:

Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu, thì văn hóa Đông Sơn là một nền văn hóa bản địa, không liên quan gì tới cộng đồng Bách Việt trong lịch sử, tuy nhiên qua các nghiên cứu di truyền mà chúng tôi đã dẫn ra ở trên, có thể thấy người Việt gắn bó rất chặt chẽ với các cư dân tộc Việt (Bách Việt) tại vùng nam Đông Á (Hoa Nam), họ di cư về miền Bắc Việt Nam từ nam Đông Á trong hai giai đoạn 4000 năm và 2700 năm cách ngày nay [26][27], trong thời gian xảy ra chiến tranh và chịu ách đô hộ của người Hán, thì cũng đã có rất nhiều cư dân tộc Việt từ nam Đông Á di cư về Việt Nam, trong đó tiêu biểu có các dòng họ được xác định có nguồn gốc nam Đông Á như Trần, Hồ.

Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck Đức, Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion Pháp năm 2019 mà chúng tôi đã dẫn ở trên, đã cho thấy gen của các nhóm dân có nguồn gốc từ cộng đồng Bách Việt: Việt, Mường, Thái, Tày, Nùng, Choang, Hán nam Đông Á là tương đồng với nhau. [26]

Admixture của công trình nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) cho thấy sự gần gũi trong hệ gen của các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt như Việt, Mường, Tày, Thái, Nùng… [26]

Phân tích admixture trong nghiên cứu trên của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam cho thấy thành phần gen của người Việt là 60% Nam Á, 10% gen tiền Tai-Kadai, 20% gen người Bắc Á tại hang Devil’s Gate và 10% của người Hòa Bình, có nghĩa người Việt đã có sự hòa huyết với nhóm tiền Tai-Kadai, với 10% gen của người tiền Tai-Kadai, và có nguồn gốc chính từ sự hòa hợp của cư dân Dương Tử với cư dân Bắc Á, trong đó nguồn gốc người Việt chủ yếu là gen của người Nam Á. Do đó người Việt, hậu duệ của văn hóa Đông Sơn không chỉ có nguồn gốc từ cộng đồng Bách Việt, mà còn có sự liên hệ và gắn bó rất chặt chẽ, với sự hòa huyết nội tộc thời tiền Đông Sơn, sự hòa huyết này diễn ra khá mạnh cả trong thời Bắc thuộc với sự di cư về Việt Nam của các cư dân tại Chiết Giang, Phúc Kiến và các vùng nam Đông Á khác.

Di truyền cho tới ngày nay thì các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt vẫn tương đồng với nhau, văn hóa của các dân tộc vẫn còn giữ được nhiều nét đặc trưng khi còn trong một cộng đồng chung. Bên cạnh đó gen của người Việt hiện nay, hậu duệ của cư dân văn hóa Đông Sơn, đã thể hiện sự gắn bó chặt chẽ với tộc Việt. Sự liên hệ, gắn với nhau giữa các vùng tộc Việt còn được thể hiện trên khía cạnh khảo cổ, các cổ vật thể hiện sự tương đồng và gắn bó khá chặt chẽ giữa các vùng tộc Việt.

Các loại hình cổ vật thời kỳ đồ đồng cũng được các nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng cho rằng có tính bản địa, chỉ có tại miền Bắc Việt Nam, tuy nhiên phong cách cổ vật Đông Sơn không chỉ có ở miền Bắc Việt Nam, mà còn thể hiện sự tương đồng trong cả các vùng tộc Việt khác. Điều này sẽ được chúng tôi làm rõ qua phần so sánh các loại hình cổ vật ở phần sau đây.

7. Văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đông Sơn và đồng bằng sông Hồng:

Như chúng tôi đã đề cập tới ở phần nguồn gốc người Việt và nguồn gốc văn hóa Đông Sơn, thì vào thời điểm hơn 12000 năm trước, nước biển bắt đầu dâng, khiến người cổ Đông Nam Á mất địa bàn sinh sống, thúc đẩy họ di cư lên phía Bắc, định cư tại các vùng Dương Tử và có nhóm lên vùng bắc Đông Á [10][11][12][13]. Nước biển vẫn tiếp tục dâng sâu hơn vào vùng đồng bằng sông Hồng, tới thời điểm hơn 7000 năm trước thì mực nước biển đạt đỉnh, ngập tràn trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Bản đồ thể hiện mực nước biển tại đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn từ 9000 năm trước tới ngày nay. [Nguồn: Susumu Tanabea, Kazuaki Horib, Yoshiki Saitoc, Shigeko Haruyamad, Van Phai Vue, Akihisa Kitamuraf (2003), Song Hong (Red River) delta evolution related to millennium-scale Holocene sea-level changes.]

Tới thời điểm hơn 4000 năm trước, thì tộc Việt đã di cư về phía Nam [26][27] do ảnh hưởng của nạn hạn hán diễn ra tại vùng Dương Tử [25]. Cuộc di cư hơn 4000 năm trước có nhóm chính của tộc Việt là người Nam Á đã trở về Việt Nam, hình thành nên văn hóa Phùng Nguyên. Theo nghiên cứu địa chất được thực hiện bởi nhóm Phùng Văn Tửu, thì vào thời điểm hơn 4000 năm trước, mực nước biển đã xuống thấp, vùng đồng bằng sông Hồng lộ diện tới vùng Hưng Yên, người Việt thời kỳ đó đã sinh sống và để lại di sản trong các vùng đồng bằng đã lộ ra, khi đó trung tâm của người Việt được đặt tại vùng Phú Thọ, do đây là nơi có địa thế đẹp nhất so với các vùng đã xuất hiện, cũng như có sự tương đồng với địa hình của trung tâm văn hoá Thạch Gia Hà tại vùng trung lưu Dương Tử, đất Tổ của họ. Tới khoảng 2000 năm trước vào thời Đông Sơn, thì đồng bằng sông Hồng đã lộ diện cơ bản, người Việt đã di cư xuống các vùng đã xuất hiện, với nhiều di tích các ngôi mộ cổ được tìm thấy tại vùng đồng bằng sông Hồng.

Bản đồ thể hiện mực nước biển trong đồng bằng sông Hồng theo nghiên cứu năm 2018 của nhóm Phùng Văn Phách. [Nguồn: Phùng Văn Phách (chủ biên), Sự hình thành và phát triển châu thổ sông Hồng trong giai đoạn Holocene , NXB Khoa học tự nhiên và công nghệ]

Như vậy qua các tài liệu về địa chất kết hợp với các dữ liệu khảo cổ về các ngôi mộ táng, thì trong thời Đông Sơn, đồng bằng sông Hồng đã cơ bản hình thành, người Việt đã định cư và sinh sống trong hầu khắp vùng đồng bằng sông Hồng. Đồng bằng sông Hồng do đó không phải là một đồng bằng mới, không có người sinh sống như một số quan điểm đã thể hiện.

III. Văn hóa Đông Sơn và người Việt ngày nay:

Người Việt có phải hậu duệ của văn hóa Đông Sơn hay không? Câu hỏi đó đã được nhiều người đặt ra và chất vấn, có người cho rằng người Việt không giữ được ý thức về trống đồng, không biết tới nền văn hóa cổ nên không phải là chủ nhân của văn hóa Đông Sơn, hay văn hóa Đông Sơn là do các cư dân thuộc hệ ngữ Tai-Kadai kiến tạo nên. Tuy nhiên các quan điểm này chưa dựa trên các dữ liệu di truyền, khảo cổ, ngôn ngữ, các nghiên cứu đều hỗ trợ cho quan điểm: người Nam Á là chủ nhân xây dựng nên văn hóa Đông Sơn, với hậu duệ trực tiếp là người Việt và người Mường.

1. Các nghiên cứu di truyền, nhân chủng và ngôn ngữ học:

Công trình nghiên cứu di truyền của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) năm 2019, đã cho thấy người Việt có tỉ lệ khác biệt gen so với thời kỳ Đông Sơn chỉ là 5-10%, tức là ảnh hưởng của các nguồn khác chiếm tỉ lệ nhỏ so với nguồn gen gốc. [26]

Admixture công trình nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, Viện Nhân chủng và tiến hóa Max Planck (Đức), Phòng thí nghiệm động lực học ngôn ngữ của Đại học Lion (Pháp) năm 2019 thể hiện gen người Việt khác biệt không đáng kể với mẫu của văn hóa Đông Sơn (Núi Nấp). [26]

Cũng trong nghiên cứu trên của Viện nghiên cứu hệ gen Việt Nam, qua sự phân tích admixture, thì người Việt có nguồn gốc chính là người Nam Á, với 60% gen Nam Á, gen tiền Tai-Kadai chỉ chiếm khoảng 10% trong gen của người Việt, tương đương với thành phần của người Hòa Bình. [26]

Theo nghiên cứu nhân chủng học và ngôn ngữ học [29], cư dân ở văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn là cư dân nói hệ ngữ Nam Á. Nghiên cứu của Viện hệ gen Việt Nam phối hợp với Pháp, Đức cũng xác định cư dân các ngữ hệ khác nhau cùng tồn tại ở nam Đông Á và có tương tác mạnh với nhau. [26] Đợt di cư 4.000 năm trước về Việt Nam là cư dân nói hệ ngữ Nam Á còn đợt di cư 2.700 năm trước về Lĩnh Nam và Việt Nam là các cư dân thuộc hai hệ ngữ Nam Á và Tai-Kadai. [27]

Mô hình nhân chủng học dựa trên 16 phép đo hình thái xương sọ. (Cư dân ngữ hệ Tai-Kadai và Austronesian tụ lại ở 1 nhóm) [27]

Người Việt ngày nay có gen đa dạng và gần gen với các dân tộc Tày, Thái, Nùng, Hán nam Đông Á có nguồn gốc từ sự tương tác và hòa huyết trong nội bộ cộng đồng tộc Việt, quá trình này diễn ra trước và trong giai đoạn đầu thời Đông Sơn. Nghiên cứu quốc tế của Hàn Quốc mới đây [32] nghiên cứu trên các gen cổ và gen hiện đại cũng đã thể hiện người Việt trong trong 2500 năm gần đây ít có sự hòa huyết với các dân tộc khác, người Đông Sơn đã phát triển liên tục để hình thành người Việt.

Sơ đồ Admixture graph trong công trình nghiên cứu di truyền của Hàn Quốc cho thấy người Việt có nguồn gốc từ cư dân Đông Á cổ, sự tương tác giữa người Việt và các cư dân thuộc hệ ngữ Tai-Kadai diễn ra trước và trong đầu thời Đông Sơn. [32]

Các nghiên cứu ngôn ngữ học, kết hợp dữ liệu liên ngành cũng cho thấy cư dân của văn hóa Đông Sơn chủ yếu là người Nam Á, ngôn ngữ Tai có sự tiếp xúc muộn với Nam Á tại đồng bằng sông Hồng cũng như ảnh hưởng ít tới nhóm Vietic. [35] [37]

Do đó, dựa trên các chứng cứ khoa học có độ chính xác cao, thì cư dân chủ nhân của văn hóa Đông Sơn là người Nam Á, có hậu duệ trực tiếp là người Việt và người Mường ngày nay, các cư dân Tai-Kadai chiếm tỉ lệ nhỏ trong thành phần dân cư của văn hóa Đông Sơn.

2. Sự kế thừa truyền thống Đông Sơn trong thời Bắc thuộc và hậu Bắc thuộc:

Thời kỳ Bắc thuộc và hậu Bắc thuộc, người Việt vẫn tiếp tục giữ gìn và kế thừa truyền thống Đông Sơn, không phải không có tính kế thừa và giữ gìn truyền thống như một số quan điểm đã đề xuất.

a. Tư liệu khảo cổ về sự kế thừa truyền thống Đông Sơn trong thời Bắc thuộc:

Tư liệu khảo cổ về sự kế thừa văn hóa Đông Sơn trong thời Bắc thuộc đã có khá nhiều và thể hiện được rất rõ ràng sự đấu tranh và giữ gìn văn hóa của người Việt trong bối cảnh đang chịu ách nô lệ dưới sự đô hộ của người Hán.

Các cổ vật phong cách Hán với hoa văn trang trí đặc trưng Đông Sơn:

Trong đầu thời Bắc thuộc, thì các cổ vật văn hóa Đông Sơn vẫn tiếp tục được người Việt đúc và sử dụng, với việc bắt đầu có sự hòa trộn với văn hóa Hán trong một số đặc trưng như hoa văn, quai thao thiết. Trên trống đồng có sự xuất hiện của các tượng cóc.

Các loại hình cổ vật văn hóa Đông Sơn giai đoạn muộn có sự pha trộn với văn hóa Hán. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam; 2. Bộ sưu tập Phạm Lan Hương, dẫn trong catalogue của Galarie Hioco, dẫn; 3. Bảo tàng Barbier-Mueller, dẫn; 4,5. Kiều Quang Chẩn, Vang Vọng Từ Trống Đông Sơn, Nhà xuất bản Thế giới, 2018.]

Các cổ vật văn hóa Đông Sơn giai đoạn muộn cũng đã thể hiện rõ ảnh hưởng của văn hóa Hán với các cổ vật có phong cách đặc trưng phương Bắc, nhưng trong nhiều cổ vật, người Việt đã gửi gắm vào đó những hoa văn rất đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. Các cổ vật có phong cách này xuất hiện tại cả các vùng Lĩnh Nam và Việt Nam, được gọi là đồ đồng phong cách Đông Sơn – Hán, thuộc giai đoạn Giao Chỉ.

Các loại hình cổ vật: bình đồng, chậu đồng, thạp đồng có có nhiều đặc trưng ảnh hưởng của văn hóa Hán được trang trí các hoa văn thuyền, chim loài vật rất đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng Barbier-Mueller, dẫn; 2. Bảo tàng Guimet, trích trong “Art ancien du Viêt Nam, Bronzes et céramiques” thực hiện bởi Museum of Far Eastern Art; 3. Bảo tàng Lịch Sử Quốc Gia (2015). Văn hóa Đông Sơn – Sưu tập hiện vật Bảo tàng Lịch sử quốc gia. NXB Văn hóa dân tộc.]

◊ Phát hiện về các mảnh khuôn đúc trống đồng Đông Sơn:

– Tại di chỉ thành cổ Luy Lâu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cho đến nay đã phát hiện gần 1.000 mảnh khuôn đúc trống đồng Đông Sơn. Các mảnh khuôn đúc này hầu hết được tìm thấy trong địa tầng văn hóa. [38]

“Dựa vào hoa văn trên các mảnh khuôn đúc trống đồng được tìm thấy năm 2015, các chuyên gia nghiên cứu trống đồng cho rằng hoa văn trên mang đặc trưng của trống Đông Sơn loại H1 muộn, niên đại khoảng thế kỷ 2-3. Tuy nhiên theo đoàn khai quật, “khi chỉnh lý sơ bộ sưu tập hiện vật khác nằm cùng lớp chứa khuôn như đầu ngói ống hoa sen, “ắc bàn xoay” được làm bằng gạch có hoa văn ô trám, chúng tôi đoán định niên đại của sưu tập khuôn đúc vào khoảng thế kỷ thứ 4 rất trùng khớp với định niên đại của đoàn khai quật năm 2014”. [36]

Luy Lâu là trị sở đô hộ của người Hán qua các triều đại từ Đông Hán – Lục triều tới thời kỳ Tùy – Đường, việc phát hiện lượng lớn mảnh khuôn đúc trống đồng Đông Sơn trong thành Luy Lâu, đã chứng minh sự kế thừa và giữ gìn truyền thống Đông Sơn của người Việt trong thời Bắc thuộc, bởi trống đồng là cốt lõi văn hoá của người Việt, Mã Viện sau cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng đã thu trống của người Việt nhằm tận diệt văn hoá Việt, dù vậy, người Việt vẫn tiếp tục truyền thống của mình bằng việc đúc trống ngay tại trị sở đô hộ của giặc phương Bắc.

Các mảnh khuôn đúc trống đồng được tìm thấy tại Luy Lâu. [Nguồn: Bảo tàng Bắc Ninh, dẫn; Bảo tàng lịch sử quốc gia, dẫn]

◊ Các cổ vật bằng gốm cũng đã thể hiện rõ sự kế thừa truyền thống Đông Sơn:

– Tại di chỉ Bãi Đồng Dâu tại tỉnh Bắc Ninh, có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ II đến thế kỷ VII, khi nghiên cứu những di vật gốm thô xám có văn thừng nơi đây cho thấy sự tồn tại và phát triển gốm truyền thống từ thời Đông Sơn (Trần Quốc Vượng 1986: 251-253). [38]

Tại lò gốm Đương Xá (Yên Phong, Bắc Ninh) có niên đại vào TK IX-X SCN, thì phong cách, kỹ thuật, chất liệu đến hoa văn trang trí trên các đồ gốm lại quay về với truyền thống thời Đông Sơn, đây được xem như một sự phục hưng văn hóa Việt trong đầu thời tự chủ, với mạch ngầm được duy trì trong suốt 10 thế kỷ Bắc thuộc, các cổ vật với phong cách Đông Sơn như trống đồng, thạp đồng sau đó đã được phục hưng qua hai triều đại rực rỡ của dân tộc trong thời phong kiến là nhà Lý và nhà Trần. [38]

◊ Sự lưu giữ truyền thống mộ táng thời Bắc thuộc:

Đặc trưng nhất của một dân tộc có thể kể đến mộ táng, truyền thống của người Việt là mộ táng hình thuyền, trong thời Bắc thuộc, thì hình thức mộ táng hình thuyền với thân cây được khoét rỗng tiếp tục được người Việt duy trì song song với các mộ gạch theo kiểu Hán, thậm chí có cả sự ảnh hưởng rõ ràng của hình thức mộ táng hình thuyền với mộ gạch kiểu Hán: trong các ngôi mộ gạch kiểu Hán ở Nghĩa Vũ (Hải Dương), mộ Đường Dù (Hải Phòng) có những quan tài hình thuyền kiểu Đông Sơn. [38]

Gạch được sử dụng xây mộ gạch được trang trí các hoa văn đặc trưng Đông Sơn. [Nguồn: James R. Brow, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa]

Nhiều hoa văn trang trí của các ngôi mộ gạch vẫn thấy xuất hiện những “ngôn ngữ Đông Sơn” như vòng tròn tiếp tuyến, hình trâm, vòng tròn đồng tâm v.v…. Tới cuối thời Đường (thế kỷ IX), những ngôi mộ gạch dường như ít dần, và biến mất không để lại vết tích theo thời gian, thay vào đó là các loại mộ đất truyền thống của người Việt. [38]

Mộ hình thuyền Việt Khê của văn hóa Đông Sơn, loại hình mộ truyền thống của người Việt. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử quốc gia, chụp bởi Kiến Thức, dẫn]

Mộ gạch Mạo Khê có niên đại vào thời Đông Hán (thế kỷ I-III), loại hình mộ gạch kiểu Hán này không còn thấy xuất hiện trong văn hóa mai táng của người Việt ngay đầu thời tự chủ. [Nguồn: dẫn]

Theo các nhà nghiên cứu, thì loại hình mộ táng hình thuyền này được duy trì trong thời gian rất lâu dài trong đời sống của người Việt, có ý kiến cho rằng hình thức mộ táng này kết thúc vào thế kỷ XIII – XIV (Phạm Quốc Quân 1985: 49 – 56) hoặc đến thời Trần và Lê sơ (Hoàng Xuân Chinh 1983). Cũng có ý kiến cho rằng mộ thuyền tồn tại liên tục cho đến tận ngày nay (Ngô Đức Thịnh 1984: 77 – 90; Bùi Văn Liêm 2013).

Kết luận:

Như vậy qua tài liệu khảo cổ, chúng ta có thể thấy được sự kế thừa truyền thống Đông Sơn trong thời Bắc thuộc, người Việt đã giữ gìn truyền thống văn hóa thời Đông Sơn của mình trong một “mạch ngầm”, để từ đó khi độc lập văn hóa Việt được phục hưng và trở lại với đời sống của người Việt.

b. Sự kế thừa truyền thống Đông Sơn trong thời tự chủ:

◊ Sự kế thừa thể hiện qua trống đồng:

Trống đồng tiếp tục được sử dụng và kế thừa trong thời Bắc thuộc và ít nhất tới thời Lý – Trần. Trong giai đoạn đầu thời Bắc thuộc, thì trống vẫn giữ truyền thống Đông Sơn, nhưng đã có sự biến đổi nhất định so với trống loại I trước thời Bắc thuộc: mặt trống có xu hướng chồm ra ngoài, và cũng đã xuất hiện thêm tượng cóc.

Trống đồng Đông Sơn giai đoạn đầu Bắc thuộc đã có sự xuất hiện của các tượng cóc ở 4 góc. [Nguồn cổ vật: Bảo tàng Barbier-Mueller, Geneva, Thụy Sĩ, dẫn]

Trong và sau thời Bắc thuộc, thì trống vẫn tiếp tục được người Việt đúc và sử dụng, chính là trống loại II Heger, hay trống đồng Mường mà các nhà nghiên cứu Việt Nam đã đặt tên.

Những chiếc trống đồng loại II Heger có niên đại từ thiên niên kỷ I TCN và kéo dài tới tận thời Lý, Trần, Lê, với những đặc trưng cơ bản: mặt trống chồm ra ngoài thành tang từ 1.5 cm – 3 cm. Chính giữa mặt trống là hình mặt trời có những tia mảnh và nhỏ, ở ven rìa mặt trống thường có các khối tượng cóc, có khi là tượng rùa, tượng voi… Theo kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khảo cổ, sự xuất hiện của trống đồng loại II Heger là sự kế thừa và tiếp nối của trống Đông Sơn. Trống loại II phát triển trên cơ sở sự suy tàn của trống loại I Heger truyền thống. [39]

Chúng ta cũng dễ nhận thấy, sự kế thừa còn thể hiện các mô típ hoa văn trống Đông Sơn trên nhóm trống loại II sớm. Những trống đồng loại II sớm có hoa văn người múa hóa trang, hoa văn hình học Đông Sơn

Những chiếc trống đồng II Heger này được kế thừa kỹ thuật đúc và hoa văn từ thời Đông Sơn:

Tính kế thừa được thể hiện trong kỹ thuật đúc trống đồng loại II (như các con kê rải ra ở giữa khuôn trong và khuôn ngoài để định vị cho đồng nóng chảy khỏi phá khuôn). Điều này chứng tỏ chính những người thợ đúc trống Đông Sơn cũng là những người thợ đúc trống loại II.[39]

Trống đồng loại II Heger, hay được các nhà nghiên cứu gọi là trống đồng Mường, của Quan Lang người Mường, có sự kế thừa truyền thống đúc và trang trí hoa văn từ thời văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Viện Viễn Đông bác cổ, dẫn]

Các trống đồng loại II giai đoạn sớm có thể hiện các motif hoa văn kế thừa trực tiếp từ trống loại I.

Chúng ta cũng dễ nhận thấy, sự kế thừa còn thể hiện các mô típ hoa văn trống Đông Sơn trên nhóm trống loại II sớm. Những trống đồng loại II sớm có hoa văn người múa hóa trang, hoa văn hình học Đông Sơn.” [39]

Trống Chợ Bờ, một loại hình trống kế thừa từ trống Heger loại I, nằm trong giai đoạn chuyển đổi từ trống Heger loại I sang trống Heger loại II, với sự xuất hiện của tượng cóc cũng như hoa văn có sự biến đổi mạnh so với nguyên bản. [Nguồn: Nguyễn Văn Huyên, Những trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Việt Nam]

Theo các nhà nghiên cứu, thì kinh tế chủ yếu của người Mường là nông nghiệp làm rẫy và trồng lúa nước ở những thung lũng hẹp với dệt vải và làm thổ cẩm, họ không có kỹ thuật luyện kim đúc đồng hoặc làm gốm. Trống đồng không phải do người Mường đúc, các trống của họ là do triều đình phong kiến Việt Nam ban tặng cho các quan lang, quý tộc người Mường. [40]. Các trống đồng loại II được tìm thấy khắp vùng phân bố của người Việt và người Mường, không chỉ tìm thấy tại vùng sinh sống của người Mường.

Chiếc trống đồng loại II bên cạnh chiếc trống đồng Đông Sơn loại I theo phân loại của Heger. [Nguồn: thư viện lưu trữ Viện Viễn Đông Bác cổ, dẫn]

Những chiếc trống được triều đình phong kiến Việt Nam đúc và sử dụng, bên cạnh đó chúng được ban tặng cho các quan lang, quý tộc Mường, việc sử dụng trống được thể hiện qua sự mô tả của sứ giả Trần Phu khi đi sứ sang Đại Việt theo lệnh của nhà Nguyên, trống bên cạnh vai trò thờ Trời, thì trong chiến trận cũng đóng vai trò khích động tinh thần quân sĩ.

金戈影裏丹心苦,
銅鼓聲中白髮生. [41]

“Kim qua ảnh lý đan tâm khổ
Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh”

(“Thấy gươm sắt lóe sáng lòng đau khổ
Nghe tiếng trống đồng sợ bạc cả đầu”).

Trống đồng loại II với các tia mặt trời nhọn và thẳng đặc trưng của các trống loại II và III, hoa văn cũng có sự thay đổi so với truyền thống trước đó của trống Đông Sơn, có thể thấy trên các trống này vẫn có sự xuất hiện của chim Tiên, một hình tượng có ý nghĩa văn hóa rất quan trọng, thể hiện sự kế thừa ý thức văn hóa của người Việt trong giai đoạn sau. [Nguồn: James B. Brow, Anh Hoang Brow, Bronzes of the Dong Son Culture of Vietnam]

Các hoa văn trống đồng loại II Heger không chỉ kế thừa hoa văn Đông Sơn, mà còn có sự hòa trộn với các hoa văn đặc trưng thời Lý, Trần, Lê-Mạc, như trên một số trống đồng Mường có sự xuất hiện của nhiều hoa văn hình học, hình chim Tiên thời Đông Sơn cùng với các hoa văn lá đề, Rồng. Các trống đồng Mường vẫn tiếp tục được người Mường kế thừa và sử dụng qua các thế hệ Quan Lang, đây là tư liệu rất quan trọng giúp chúng ta nhận diện được sự kế thừa văn hóa thời Đông Sơn trong thời đầu giai đoạn tự chủ.

Hoa văn lá đề đặc trưng trong nhiều thế kỷ đầu thời tự chủ được khắc họa trên trống đồng của Quan Lang Mường. [Nguồn: Viện Viễn Đông bác cổ, dẫn]

Nhiều trống đồng loại II được tìm thấy trung đại đã thể hiện dấu ấn của thời kỳ đó, như trống Bình Yên được tìm thấy tại xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa năm 2002 có hình tượng con rồng uốn khúc thời Lý – Trần, bên cạnh đó còn là các hoa văn lục lăng, vòng tròn, vân mây, bốn khối tượng rùa quay cùng chiều kim đồng hồ, tang trống được trang trí hoa văn cánh sen, hay như trống đồng Tú Sơn tìm thấy tại xã Thành Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa có hoa văn lá đề, là sồi kép được trang trí đối đỉnh giống hệt với các chân đèn gốm hoa lam phổ biến thời Lê ở vùng đồng bằng. [42[[43][44]

Trống đồng được tìm thấy với hoa văn rồng và hoa thời nhà Lý. [32c]

Toàn ảnh chiếc trống đồng Bình Yên được trưng bày tại bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, ảnh tư liệu cá nhân]

Hình chụp chi tiết hơn về mặt trống đồng Bình Yên tại bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, ảnh tư liệu cá nhân]

Trống đồng loại II Heger với trang trí hoa văn chim Phượng, có niên đại vào khoảng TK XII-XIV. [Nguồn: Trường Viễn Đông bác cổ, dẫn]

Tới thời Hậu Lê, trống đồng vẫn tiếp tục được đúc và sử dụng, theo tư liệu khảo cổ, thì các hoa văn trên đá, gốm của thời này đã ảnh hưởng đến hoa văn trang trí trên trống đồng loại II. Trên một số trống loại II vào thời này đã có nhiều hoa văn Phật giáo như lá đề, lá sen được trang trí theo phong cách đối đỉnh trong các băng hoa văn trên thân trống, giống với hoa văn trang trí lá đề, lá sen đối đỉnh trang trí trên các chân đèn gốm thời Lê – Mạc. [39]

Trống đồng loại II Heger với hoa văn đồng tiền được trang trí trên thân trống, hoa văn đồng tiền bắt đầu phổ biến vào thời điểm TK XIV-XVI, do đó loại trống này có thể được đúc vào giai đoạn nhà Hậu Lê. [Nguồn: Trường Viễn Đông bác cổ, dẫn]

◊ Sự kế thừa thể hiện qua thạp đồng:

Vào thời Lý – Trần, bên cạnh những chiếc trống đồng, thì thạp đồng cũng đã được người Việt đúc và sử dụng, với cách bố trí hoa văn có sự kế thừa về ý thức từ trống đồng và thạp đồng thời Đông Sơn.

Thạp đồng thời nhà Trần. [Nguồn: dẫn]

Ngoài chiếc thạp đồng còn lại ở Việt Nam này, thì còn một chiếc thạp đồng khác hiện đang nằm trong bộ sưu tập cá nhân của NST Tira Vanichtheeranont tại Thái Lan, có thể có niên đại vào thời Lý – Trần có thể hiện rõ hơn hoa văn. Các hoa văn đã thể hiện một phần phong cách của kỹ thuật trang trí thời Đông Sơn, các hoa văn trang trí theo bố cục băng dải, theo chiều ngược kim đồng hồ, đây là đặc trưng trang trí của trống đồng và thạp đồng của văn hóa Đông Sơn. [45]

Thạp đồng nằm trong bộ sưu tập của NST Tira Vanichtheeranont tại Thái Lan. [Nguồn: Tira Vanichtheeranont]

Bên cạnh những chiếc thạp bằng đồng, thì thời Lý Trần những chiếc thạp còn được làm bằng gốm với dòng gốm hoa nâu đặc trưng, các hoa văn và cách trang trí trên nhiều chiếc thạp gốm thể hiện dư âm của văn hóa Đông Sơn khá rõ rệt, với hình dáng khá tương đồng với các dạng thạp đồng thời Đông Sơn, phong cách trang trí trên các thạp thường theo băng dải với hình người, các dải hoa văn lặp lại, chim và các loài vật tương tự như phong cách trang trí trên trống đồng và thạp đồng của văn hóa Đông Sơn, bên cạnh đó trên các cổ vật gốm thời Lý – Trần còn xuất hiện nhiều hoa văn mang ngôn ngữ Đông Sơn như vòng tròn tiếp tuyến, kỷ hà, chữ S gấp khúc.

Những chiếc thạp gốm Lý Trần với phong cách trang trí theo băng dải với hình người và vật. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, dẫn]

Những chiếc thạp đồng và thạp gốm thời Lý Trần có hình dáng, kết cấu và hoa văn được kế thừa từ những chiếc thạp bằng đồng trong thời Đông Sơn, cùng với trống đồng, thì thạp đồng là một trong số các loại hình cổ vật đặc trưng và quan trọng nhất của văn hóa Việt thời Đông Sơn, do đó sự kế thừa trống đồng và thạp đồng là bằng chứng quan trọng chứng minh tính kế thừa truyền thống thời Đông Sơn của người Việt trong thời tự chủ.

Những chiếc thạp đồng Đông Sơn trong bộ sưu tập của bảo tàng Barbier-Mueller. [Nguồn: Bảo tàng Barbier-Mueller, dẫn]

Các loại hình thạp đồng và thạp gốm cũng có sự khác biệt so với loại hình thạp truyền thống của văn hóa Hán.

Loại hình thạp đặc trưng của văn hóa Hán. [Nguồn: 1. Martin Doustar, Art of bronze age in Southeast Asia; 2. Bảo tàng Barbier-Mueller]

c. Nguồn gốc và tiến trình di cư của cư dân hệ ngữ Tai-Kadai:

Các dân tộc thuộc hệ ngữ Tai-Kadai có nguồn gốc từ tộc Việt, tách ra từ cộng đồng tộc Việt, nên việc các dân tộc thuộc hệ ngữ này giữ các nét đặc trưng của văn hóa Đông Sơn, hay văn hóa tộc Việt không phải điều khó hiểu. Đặc trưng văn hóa tộc Việt trong thời văn hóa Đông Sơn còn có thể thấy được ở nhiều dân tộc thuộc nhiều hệ ngữ, bao gồm cả hai dân tộc thuộc hệ ngữ Nam Á là người Việt và người Mường.

Cư dân tộc Việt nhóm Tai-Kadai cũng có chung hình thức mộ táng hình thuyền của tộc Việt, nhưng họ có đặc trưng là táng treo, tức là những mộ được đưa lên trên các vách núi, thay vì truyền thống táng địa của người Việt nhóm Nam Á.

Hình thức táng treo và các di chỉ được phát hiện có hình thức táng treo. [46]

Theo nghiên cứu di truyền mới đây của Zhang và cộng sự et al. 2020 [46], nghiên cứu trên các mẫu DNA từ các ngôi mộ táng treo tại nam Đông Á (Phúc Kiến, Quảng Tây, Vân Nam) và tại miền Bắc Thái Lan, thì các mẫu gen cổ tương đồng với gen của cư dân thuộc hệ ngữ Tai-Kadai.

Cư dân Dai tại miền nam Đông Á vẫn lưu giữ tục táng treo này, nhiều dân tộc ngày nay thuộc các hệ ngữ Hmong-Mien, Nam Đảo, Nam Á và cả cư dân tại vùng Tứ Xuyên cũng thực hành tục táng treo, tuy nhiên có thể chỉ thông qua sự giao lưu và ảnh hưởng văn hóa.

Nguồn gốc của hệ ngữ Tai-Kadai thể hiện rõ ràng qua nghiên cứu này với sự phân tán từ nam Đông Á xuống phía Nam, xuất phát từ vùng Phúc Kiến vào khoảng 3600 năm cách ngày nay, sau đó di cư xuống Quảng Tây và xuất hiện tại vùng Vân Nam vào khoảng 2200 năm cách ngày nay, sau đó lan sang phía Bắc Thái Lan. Từ đó có thể thấy văn hóa Điền Việt ở Vân Nam có niên đại vào khoảng 3000-2000 năm cách ngày nay không phải hệ ngữ Tai-Kadai chiếm đa số, mà thành phần cư dân chính là tộc Việt nhóm Nam Á.

Bản đồ sự phân tán của hình thức táng treo theo di truyền và niên đại của mộ táng. [46]

Nghiên cứu của Chris Baker cũng đồng thuận với nguồn gốc và di cư của người Tai-Kadai trong nghiên cứu di truyền trên, [47] theo đó hệ ngữ Tai-Kadai được giả thuyết hình thành tại vùng Quảng Tây và miền Bắc Việt Nam ngày nay vào thời điểm năm 330 TCN, tách ra từ gốc Proto-Tai, sau đó di cư xuống vùng Đông Nam Á lục địa và đi vào miền Bắc Việt Nam (Chamberlain 1998b, 4-5). Thời điểm hình thành hệ ngữ Tai-Kadai phù hợp với niên đại xuất hiện của tục táng treo tại Quảng Tây vào thời điểm 2700 năm trước ngày nay.

Niên đại xuất hiện của tục táng treo tại Quảng Tây cũng phù hợp với cuộc di cư của tộc Việt từ vùng Dương Tử trở về Lĩnh Nam và Việt Nam khoảng 2700 năm trước theo các nghiên cứu di truyền chúng tôi đã dẫn ở trên [26][27], cư dân hệ ngữ Tai-Kadai thời điểm đó có thể phân bố chủ yếu tại vùng Quảng Tây, còn tại Việt Nam với vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã là địa bàn của hệ ngữ Nam Á. Thời điểm hình thành hệ ngữ Tai-Kadai vào năm 330 TCN cũng là lúc bắt đầu sự suy yếu của triều Hùng Vương, đây cũng có thể là thời điểm cư dân tộc Việt hệ ngữ Tai-Kadai tách khỏi tộc Việt, sau đó một thủ lĩnh của các cư dân hệ ngữ này là Thục Phán đã nổi lên giành ngôi của các vua Hùng, lập nên triều Âu Lạc vào năm 257 TCN.

Sau cuộc di cư về Việt Nam và Quảng Tây thì các vùng khác tại Dương Tử và Lĩnh Nam vẫn còn các cư dân tộc Việt sinh sống, các vùng đồng bằng như Dương Tử, Quảng Đông thường là nơi phân bố của cư dân Nam Á, cư dân Tai-Kadai thường phân bố chủ yếu tại vùng cao cùng với đặc trưng táng treo của mình. Hiện nay các dân tộc thuộc hệ ngữ Tai-Kadai vẫn còn phân bố tại các vùng cao như Quý Châu, Quảng Tây. Cũng do đặc trưng địa bàn sinh sống mà hiện nay tại vùng nam Đông Á đa số cư dân tộc Việt nhóm Nam Á đã bị đồng hóa về mặt ý thức và văn hóa do họ thường sinh sống trong vùng đồng bằng, nơi dễ bị ảnh hưởng nhất của các chính sách đồng hóa, các cư dân thuộc hệ ngữ Tai-Kadai thường sinh sống ở vùng cao nên vẫn giữ được văn hóa và ý thức dân tộc, không bị đồng hóa.

Bản đồ các hướng di cư của hệ ngữ Tai-Kadai. [47]

Theo nghiên cứu ngôn ngữ học của Pittayawat Pittayaporn [48], một học giả Thái Lan, thì nhánh ngôn ngữ Tai-Kadai Tây Nam mới chỉ xuống vùng Đông Nam Á lục địa vào khoảng thế kỷ 8-10 sau công nguyên, trong đó bao gồm cả nhánh Tây Nam tại Tây Bắc Việt Nam. Nhánh trung tâm (Central Tai) cũng vào Việt Nam muộn và địa bàn sinh sống cơ bản nằm tại các vùng cao, không xuất hiện trong vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Hồng thời Đông Sơn theo các nghiên cứu ngôn ngữ học gắn liền với hệ ngữ Nam Á, chi Vietic [35][37].

Bản đồ phân bố hệ ngữ Tai-Kadai, phân loại bởi David B. Solnit. [Nguồn: Edmondson, J. and D. Solnit (eds.), Comparative Kadai: The Tai Branch]

austroasiatic

Bản đồ phân bố các dân tộc thuộc hệ ngữ Nam Á tại vùng Đông Nam Á lục địa và Ấn Độ, chi Vietic ở Việt Nam phân bố rộng khắp trong vùng đồng bằng sông Hồng. [Nguồn: Gerard Diffloth (p.c.), trích trong Handbook of East and Southeast Asian Archaeology, 2017, Junko Habu, Peter V. Lape, John W. Olsen.]

d. Kết luận:

Như vậy theo các dữ liệu di truyền, khảo cổ, nhân chủng, ngôn ngữ, thì thành phần cư dân chính của văn hóa Đông Sơn là cư dân nói tiếng Nam Á, với hậu duệ là người Việt, người Mường, thành phần gen người Việt chỉ khác thời Đông Sơn tối đa là 5-10% [26], có nghĩa các nguồn gen ngoài ảnh hưởng không đáng kể tới nguồn gen chung của người Việt. Cư dân thuộc hệ ngữ Tai-Kadai không phải thành phần chính của văn hóa Đông Sơn.

Từ các nghiên cứu trên, đã có đủ cơ sở để khẳng định người Việt là hậu duệ trực tiếp của cư dân văn hóa Đông Sơn, họ đã giữ gìn truyền thống Đông Sơn hay văn hóa tộc Việt xuyên suốt thời Bắc thuộc, truyền thống từ thời văn hóa Đông Sơn tiếp tục được kế thừa trong thời tự chủ khi người Việt giành lại được độc lập cho vùng miền Bắc Việt Nam.

IV. Cốt lõi văn hóa Đông Sơn và các văn hóa tiền thân của nó:

1. Văn hóa thờ vật Tổ và thờ cúng Tổ Tiên:

Theo các nghiên cứu di truyền chúng tôi đã dẫn ra ở phần trên, thì người Việt tại miền Bắc Việt Nam trong thời văn hóa Phùng Nguyên có nguồn gốc từ cư dân của văn minh Dương Tử. Tiền thân của văn hóa Phùng Nguyên cho tới Đông Sơn tại Việt Nam là các văn hóa tại Thạch Gia Hà tại vùng Động Đình, Lương Chử tại vùng Dương Tử, mà nguồn gốc chủ yếu hơn của người Việt là văn hóa Thạch Gia Hà có địa bàn trong vùng Động Đình. Trong thời kỳ các văn hóa này, thì người Việt có văn hóa thờ vật Tổ và thờ cúng Tổ Tiên song song với văn hóa thờ Trời, trong đó văn hóa thờ vật Tổ và thờ cúng Tổ Tiên chiếm một vị trí khá quan trọng.

Vật Tổ của người Việt trong thời kỳ này là Rồng và chim Tiên, chi tiết này đã được huyền sử Hồng Bàng ghi lại:

“Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống tiên, người ở trên đất”

[Lĩnh Nam chích quái, bản dịch Lê Hữu Mục].

Và trong thực tế khảo cổ học, thì tại văn hóa Thạch Gia Hà tại vùng Động Đình, trung tâm của người Việt trong huyền sử cũng đã tìm thấy các miếng ngọc chim Tiên (Phượng Hoàng) và ngọc Rồng.

Ngọc chim Tiên (Phượng Hoàng) và Rồng thời văn hóa Thạch Gia Hà. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, dẫn]

Văn hóa này tiếp tục được người Việt kế thừa và duy trì trong thời văn hóa Đông Sơn, với việc văn hóa Việt thời kỳ sử dụng với tần suất rất dày hình ảnh chim Tiên, hay chim Lạc với hình dáng thân dài, mỏ dài, chúng xuất hiện trên hầu hết các trống đồng được tìm thấy, nhiều trống trên bề mặt chỉ có duy nhất hình ảnh chim Tiên. Điều này có thể có ý nghĩa quan trọng về mặt văn hóa, khi trong huyền sử Hồng Bàng người Việt là hậu duệ của Mẹ Âu Cơ cùng 50 người con đi về miền Bắc Việt Nam, ý thức của người Việt có thể thiên về “mẫu tính” hơn.

Chim Tiên (Phượng Hoàng) thời văn hóa Đông Sơn được chuyển đổi theo dáng thân dài, mỏ dài, tuy vậy cái mào vẫn rất đặc trưng. [Nguồn: Hoa văn Việt Nam, Nguyễn Du Chi]

Bản khắc mặt trống đồng Ngọc Lũ, một trong số các trống đồng Đông Sơn lớn và đẹp nhất, có thể thấy chim Tiên được thể hiện trên trống đồng với mật độ khá dày, nắm ở vòng ngoài cùng của mặt trống.

Rất nhiều trống Đông Sơn chỉ có duy nhất hình ảnh chim Tiên bay quanh mặt trời. Các trống đồng Đông Sơn muộn cũng được trang trí hình ảnh chim Tiên với tần xuất khá dày. [Nguồn: Những trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên]

Trống Phú Phương I, thuộc trống Đông Sơn giai đoạn muộn, có xuất hiện của tượng cóc cũng như các hoa văn đã có sự biến đổi khá mạnh, nhưng chim Tiên vẫn xuất hiện với hình dáng gần như nguyên vẹn từ thời Đông Sơn. [Nguồn: Những trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên]

Rồng và chim Tiên là các hình tượng dựa trên thiên văn học, không có thực, nên hình tượng Rồng và chim có sự biến đổi theo thời gian. Tới thời kỳ đồ đồng, thì chim Tiên biến đổi theo hướng thân dài, mỏ dài, còn Rồng biến đổi theo hướng đa hình dáng, có hình tượng thể hiện rõ đặc trưng của rồng, nhưng cũng có hình tượng có phần giống với cá sấu.

Rồng ít xuất hiện trên các mặt trống đồng, nhưng cũng được thể hiện trên rất nhiều cổ vật thời văn hóa Đông Sơn, thường là trên các rìu đồng với hình tượng Rồng kép. Các loại hình này đều là Rồng, không phải là giao long hay cá sấu như đã được nhiều nhà nghiên cứu nhận định.

Rồng được thể hiện trong các đồ đồng Đông Sơn. [Nguồn: Lê Văn Hảo, Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước]

Một loại hình Rồng cũng tương đồng với Rồng Đông Sơn của nhà Thương. [Nguồn: dẫn]

Cả Rồng và chim Tiên cũng được thể hiện trên mặt trống đồng Đông Sơn. Motif này thể hiện hình ảnh rồng, chim Tiên chầu thái cực, motif này có nguồn gốc từ văn hóa Đông Á cổ, sau đó thời Đông Sơn đã kế thừa hình ảnh này, và người Việt thời tự chủ vẫn tiếp tục duy trì hình tượng này trên các mái đình, chùa.

Hình tượng Rồng và chim Tiên được thể hiện trên trống đồng Phú Xuyên. [Nguồn: Những trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên]

Motif chim Tiên chầu Thái cực được thể hiện sớm nhất tại văn hóa Hà Mẫu Độ trong vùng Chiết Giang, tiền thân của văn hóa Lương Chử, sau đó hình tượng này tiếp tục được kế thừa trong văn hóa Việt, với hình ảnh “lưỡng long chầu thái cực”.

Hình ảnh đôi chim Tiên chầu thái cực được thể hiện trên cổ vật gỗ của văn hóa Hà Mẫu Độ. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Chiết Giang, dẫn]

Hình tượng lưỡng long chầu thái cực trên mái đình Việt.

Trống đồng Kính Hoa, một trống đồng tuyệt đẹp có thể xuất hiện từ sớm được thể hiện cả các hình tượng Rồng đơn và Rồng đôi, cùng với đó là hình tượng chim Tiên với phong cách đơn giản hơn so với giai đoạn sau.

Trống đồng Kính Hoa với hoa văn Rồng đôi và Rồng đơn cùng với chim Tiên phiên bản đơn giản. [Nguồn: dẫn]

Bên cạnh trống đồng, rìu đồng, thì hình tượng chim Tiên (chim Phượng) và Rồng còn được thể hiện trên các cổ vật khác cũng được sử dụng trong dịp tế lễ như chiếc mũi giáo đồng phía dưới. Hình tượng chim Tiên trên trống đồng đã được cách điệu, trên chiếc mũi giáo chim Tiên lại thêm một lần được cách điệu, thể hiện hình dáng của chim Tiên có thể được thể hiện theo nhiều cách thức khác nhau.

Hình tượng chim Tiên và Rồng kép được thể hiện trên chiếc mũi giáo đồng Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, chụp bởi Thierry Ollivier, dẫn]

Chim Tiên (Phượng Hoàng) Đông Á trong giai đoạn cuối thời đồ đồng có sự biến chuyển sang hình ảnh thân dài, chân dài, mỏ dài, Rồng cũng có sự biến đổi tương ứng trong cả văn hóa Việt và văn hóa Hoa Hạ.

Rồng trên cổ vật thời nhà Chu và chim Tiên (Phượng Hoàng) trên tranh cổ của mộ Sở tại Trường Sa tương ứng với sự hay đổi hình tượng của Rồng và chim Tiên trong văn hóa Việt. [Nguồn: bảo tàng Trung Quốc, dẫn; bảo tàng tỉnh Hồ Nam, dẫn]

Văn hóa thờ vật Tổ ảnh hưởng rất mạnh mẽ trong tâm thức của người Việt trong thời kỳ đồ đồng, thể hiện trên các nghi thức tâm linh như xăm mình hình rồng và đội mũ lông chim, có ý nghĩa nhắc nhở người Việt về cội nguồn của dân tộc mình, các hoạt động nghi lễ được thực hiện bên cạnh thờ Trời còn là hoạt động thờ cúng Tổ Tiên của dân tộc là Tiên – Rồng, hay Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân. Bên cạnh đó thì văn hóa thờ cúng gia tiên cũng là một phần quan trọng của văn hóa Việt, mà sau đó vẫn tiếp tục được kế thừa và giữ gìn bởi người Việt, hoạt động này quan trọng tới mức trở thành một tín ngưỡng của dân tộc.

Các hình tượng thuyền được khắc họa trên các trống đồng đều là hình tượng thuyền Rồng, phía mui thuyền được thể hiện hình ảnh chim Tiên bay vào đầu thuyền Rồng, đây là một hình ảnh có ý nghĩa rất quan trọng về mặt văn hóa, biểu hiện cho nền văn hóa lưỡng hợp Tiên – Rồng của tộc Việt.

Hình ảnh thuyền Rồng được thể hiện trên trống đồng Đông Sơn. [Nguồn: Nguyễn Văn Huyên, Những trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Việt Nam]

Văn hóa này còn để lại dấu ấn đậm nét cho tới ngày nay, với phong tục đua thuyền Rồng còn được khắp các dân tộc và quốc gia trong vùng Đông Á và Đông Nam Á thực hành, như một phần của nền văn hóa vật Tổ có nguồn gốc từ thời xa xưa khi các cư dân tại nam Đông Á và Việt Nam đang còn trong một cộng đồng chung.

Lễ hội đua thuyền Rồng tại Việt Nam còn được lưu giữ ở nhiều nơi, nhưng nơi tổ chức nhiều nhất là tỉnh Thanh Hóa. Tại Trung Quốc, thì hội đua thuyền Rồng cũng được nhiều địa phương tổ chức, trong đó lớn và nổi tiếng nhất là tại các địa phương Hồ Bắc, Hồ Nam xung quanh vùng hồ Động Đình, đây là trung tâm của tộc Việt, đặc biệt là người Nam Á, bên cạnh đó người Miêu tại vùng Quý Châu, một trong các hậu duệ của tộc Việt, cũng còn giữ được tục đua thuyền Rồng.

Lễ hội đua thuyền Rồng được tổ chức tại xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. [Nguồn: trang tin Tĩnh Gia, dẫn]

Lễ hội đua thuyền Rồng còn được tổ chức rộng khắp các quốc gia Đông Á như Nhật, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Phillipines, Campuchia… Đây cũng là các quốc gia có nguồn gốc và chịu sự ảnh hưởng nhất định của nền văn hóa Đông Á cổ xưa trong các giai đoạn khác nhau nên vẫn giữ phong tục đua thuyền Rồng, một trong các đặc trưng của văn hoá Đông Á cổ.

Lễ hội đua thuyền Rồng được tổ chức trong vùng Đông Á và Đông Nam Á: 1. Lễ hội Yueyang, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc; 2. Lễ hội đua thuyền Rồng của người Miêu tại tỉnh Quý Châu; 3. Lễ hội Naha được tổ chức tại Okinawa, Nhật Bản; 4. Lễ hội Bon Om Touk của người Campuchia; 5. Lễ hội đua thuyền Rồng tại Thái Lan; 6. Lễ hội Tuen Ng tại Hồng Kông [Nguồn: 1, 2, 3, 4, 5, 6.]

Văn hóa thờ vật Tổ hay văn hóa lưỡng hợp Tiên – Rồng còn thể hiện sự ảnh hưởng rõ nét qua những truyền thuyết về nguồn gốc của các tộc người có nguồn gốc từ tộc Việt. Người Mường cũng có truyền thuyết về con Rồng cháu Tiên giống như người Việt, tuy có khác ở một số chi tiết. Theo truyền thuyết người Mường, họ vốn là hậu duệ của công chúa Ngu Cơ (Hươu Sao) và hoàng tử Long Vương (Cá Chép), kết quả đã sinh ra 100 người con, trong đó có 50 nam và 50 nữ. Người Thái cũng có truyền thuyết tương đồng về mặt ý thức văn hóa lưỡng hợp, người Thái cho rằng khởi nguyên dân tộc Thái là sự kết hợp của chim én – loài chim biểu tượng của linh hồn đẳm pú (đàn ông, phía cha) và thuồng luồng, loài rắn lớn sống dưới nước và có thể lên cạn, biểu tượng của đẳm nái (đàn bà, phía mẹ). Các truyền thuyết này đều thể hiện rất rõ ý thức về nguồn cội Rồng – Tiên của dân tộc, cùng một ý niệm về cha Rồng – mẹ Tiên, một người trên núi và một người dưới nước. Điều này thể hiện một sức sống rất mạnh mẽ của văn hóa vật Tổ và cội nguồn trong tâm thức của các cư dân có nguồn gốc từ tộc Việt.

2. Văn hóa thờ Trời:

Văn hóa thờ Trời có thể nguồn gốc từ rất xa xưa, nhưng về mặt hiện vật, thì văn hóa thờ Trời bắt nguồn từ văn hóa Lương Chử với ngọc bích tế trời và ngọc tông tế đất. [49]

Ngọc bích tế trời và ngọc tông tế đất thời văn hóa Lương Chử. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, dẫn: 1, 2]

Đĩa bích tế trời (trên) và ngọc tông tế đất (dưới) được chế tác tinh xảo của văn hóa Lương Chử. [Nguồn: các bộ sưu tập tư nhân được trích trong catalogue của J.J. Lally & Co. – Oriental Art, dẫn]

Khi cư dân tộc Việt di cư về miền Bắc Việt Nam, thì họ vẫn tiếp tục kế thừa loại hình đĩa bích tế trời, với cổ vật được tìm thấy tại văn hóa Phùng Nguyên, hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Đền Hùng, Phú Thọ.

Đĩa bích tế trời văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: Nguyễn Anh Tuấn, Trịnh Sinh, 2005, Cổ vật Phú Thọ]

Sau đó tới thời kỳ đồ đồng, thì văn hóa thờ Trời có ưu thế hơn văn hóa thờ vật Tổ, tới giai đoạn này, có thể nói văn hóa thờ Trời đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động văn hóa và tâm linh của cộng đồng tộc Việt. Văn hoá thờ vật Tổ vẫn tồn tại song song với văn hoá thờ Trời, điều này được thể hiện rất rõ trên các hình họa trống đồng, trên các trống đồng Đông Sơn hầu như đều xuất hiện hai hình tượng mặt trời ở tâm và chim Tiên ở vòng ngoài cùng.

Văn hóa thờ Trời không chỉ có ở văn hóa tộc Việt mà còn có ở văn hóa Hoa Hạ, đây là hai nền văn hóa kế thừa nền văn hóa Đông Á cổ xưa. Và văn hóa thờ Trời còn tồn tại ở rất nhiều nền văn hóa cổ xưa khác của thế giới như Ai Cập, châu Mỹ, Ấn Độ…

Tới thời kỳ đồ đồng, do chất liệu đồng có đặc tính cảm ứng, phù hợp với tính chất của các hoạt động tâm linh, bên cạnh đó chất liệu này còn có độ bền đẹp qua thời gian, nên đã thay thế hoàn toàn đồ ngọc trong thời các văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà.

1. Trống đồng Sông Đà, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Pháp. [dẫn]; 2. Trống đồng Khai Hóa, hiện đang trưng bài tại Bảo tàng Dân tộc học Vienna, Áo. [dẫn]; 3, 4. Trống đồng Hoàng Hạ và trống đồng Ngọc Lũ, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam. 

Văn hóa thờ Trời của người Việt trong thời kỳ đồ đồng được biểu hiện qua những chiếc trống đồng, chúng là trung tâm của văn hóa Việt, và cũng đóng vai trò quan trọng, tương tự như một vật biểu quyền lực của các vua Hùng và thủ lĩnh tại các vùng.

V. Đặc trưng cổ vật và ý nghĩa của chúng trong văn hóa Đông Sơn:

Văn hóa Đông Sơn là văn hóa có đặc trưng đồ đồng tinh xảo và rất đa dạng về loại hình, cổ vật được đúc và sử dụng cho nhiều mục đích: đồ vật sử dụng trong lễ tế như trống, thạp, chuông, rìu, lư hương…; dụng cụ lao động như lưỡi cày, cuốc, đục, rìu…; vũ khí như lao, qua, kiếm, mũi tên… Các cổ vật thể hiện trình độ và tri thức rất phát triển của văn hóa Việt thời kỳ này với kỹ thuật đúc và tạo hình vượt trội, các loại hình cổ vật đều có tính đặc trưng cao.

Cổ vật văn hóa Đông Sơn rất tinh xảo, đa dạng về loại hình và có kiểu dáng rất đặc trưng, có ảnh hưởng rộng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á. [Nguồn cổ vật: Martin Doustar, BST Phạm Lan Hương, BST Bảo tàng Barbier-Mueller, Bảo tàng Guimet, Bảo tàng Dân tộc học Vienna, Áo.]

Đặc trưng văn hóa Đông Sơn không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn xuất hiện rất rộng trong vùng nam Đông Á và Đông Nam Á. Văn hóa Đông Sơn có sức ảnh hưởng rất rộng trong thời kỳ đồ đồng, có thể gọi đây là một “bầu văn hóa Đông Sơn”, với trung tâm lan tỏa là miền Bắc Việt Nam, nó ảnh hưởng tới cả 4 phía: Tây (vùng Đông Nam Á lục địa), Bắc (vùng nam Đông Á), Đông (vùng Nam Đảo), Nam (phía Nam Việt Nam). Đặc trưng văn hóa Đông Sơn có thể được tìm thấy tại các vùng của Đông Nam Á, trống đồng được đưa trực tiếp từ miền Bắc Việt Nam tới các vùng Đông Nam Á, nhưng các cổ vật khác có thể được đúc tại địa phương với phong cách và kỹ thuật đúc của văn hóa Đông Sơn.

Các cổ vật trong vùng nam Đông Á và miền Bắc Việt Nam có sự đồng nhất cao trong khắp địa bàn sinh sống của cư dân tộc Việt. Điều này sẽ được thể hiện rõ hơn qua phần khảo cứu cổ vật dưới đây của chúng tôi.

1. Cổ vật tại miền Bắc Việt Nam và các vùng tộc Việt:

a. Trống đồng:

Trống đồng là trung tâm, là biểu trưng của cả nền văn hóa Đông Sơn, nó xuất hiện trên một địa bàn rất rộng lớn bao gồm nam Đông Á, Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, nó có ý nghĩa xuất phát từ một nền văn hóa chung của Đông Á tại vùng đồng bằng sông Dương Tử với sự kết hợp của cư dân di cư về từ vùng đồng bằng sông Hoàng Hà và cư dân tiền Việt tại Dương Tử, với nền văn hóa thờ Trời, trống đồng kế thừa nền văn hóa đó và đại diện cho nền văn hóa thờ Trời của cư dân tộc Việt trong thời kỳ đồ đồng.

Chức năng và ý nghĩa của trống đồng:

Theo nghiên cứu của Ernst Loofs-Wissowa và Charles Higham, thì trống đồng là lễ khí tế Trời và vật biểu quyền lực [50][51]. Trống đồng đại diện cho nền văn hóa thờ Trời của cư dân Đông Á và Đông Nam Á cổ. Sự xuất hiện của trống đồng trong một địa bàn rộng lớn xuất phát từ nguyên nhân có tính lịch sử, các cư dân sử dụng trống đồng là các cư dân có nguồn gốc từ văn hóa Đông Á cổ tại vùng Dương Tử, tương ứng với các cuộc di cư của các nhóm dân thuộc các hệ ngữ Nam Á, Nam Đảo tách ra từ tộc Việt cổ cách ngày nay khoảng hơn 4000 năm. [52][53]

Trống đồng có nguồn gốc xa xưa từ ngọc bích tế trời và ngọc tông tế đất có từ thời văn hóa Lương Chử, các cổ vật này trong thời kỳ đá mới đóng vai trò như vật tế trời đất.

Văn hóa thờ Trời tới thời kỳ đồ đồng được chuyển từ đồ ngọc sang các cổ vật bằng đồng, bởi đồng có tính cảm ứng cũng như có độ bền, đẹp, ít bị hao mòn theo thời gian. Trống đồng được đúc để cư dân Việt cổ thực hành tôn giáo thờ Trời của mình, các nhóm dân có nguồn gốc từ tộc Việt cổ tại vùng Dương Tử đã tới miền Bắc Việt Nam xin trống về để có quyền lực chính thống và thực hành tôn giáo được truyền lại từ thời cổ của họ [51]. Các vùng khác của tộc Việt trong địa bàn từ nam Đông Á thì trống có thể được sản xuất tại chỗ.

Trống đồng Việt Nam (Sông Đà), Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu. [Nguồn: 1. Bảo tàng Guimet, Pháp, dẫn; 2. Bảo tàng khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, dẫn; 3. Bảo tàng tỉnh Vân Nam, dẫn; Bảo tàng tỉnh Quý Châu, dẫn]

Văn hóa thời kỳ Đông Sơn có thể đã tập trung nguồn lực để đúc trống đồng sử dụng cho đời sống tâm linh của mình, tại miền Bắc Việt Nam và vùng nam Đông Á hiện vật được tìm thấy nhiều nhất là trống đồng, trống đồng yêu cầu lượng đồng, nhân lực, vật lực cao, do đó các hoạt động khác sẽ bị hạn chế về số lượng người thợ có tay nghề cao. Trống đồng không chỉ được sử dụng trong nội bộ tộc Việt mà còn được ban tặng cho các sắc dân khác tại vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo, do đó số lượng đúc là rất nhiều. Điều này lý giải tại sao các cổ vật bằng gốm ít được chú trọng trang trí so với thời văn hóa Phùng Nguyên.

◊ Nguồn gốc chính của trống đồng:

Trống đồng có nguồn gốc chính từ nền văn minh tộc Việt, là sở hữu chung của cộng đồng tộc Việt, không phải sở hữu của riêng dân tộc nào ngày nay. Nhưng về mặt niên đại, thì trống đồng được tìm thấy sớm nhất tại miền Bắc Việt Nam và Vân Nam (700-800 năm BC). [54]. Tại vùng đồng bằng sông Hồng, đã tìm thấy mô hình trống đồng bằng gốm có niên đại vào khoảng 850 năm TCN, đây là phiên bản sơ khai nhất và sớm nhất của trống đồng Đông Sơn được tìm thấy.

Trống đồng gốm tí hon có niên đại vào khoảng 850 năm TCN được tìm thấy tại vùng đồng bằng sông Hồng. [50]

Về loại hình trống đồng thực sự sớm nhất được tìm thấy, chúng tôi nhận thấy loại hình trống đơn giản, không được xếp trong 4 loại hình trống chính theo phân loại của Heger tìm thấy nhiều ở Việt Nam và Vân Nam có thể là những phiên bản sớm nhất của trống đồng Đông Sơn. Trên các trống này hoa văn thường rất đơn giản chỉ bao gồm Mặt Trời và các hoa văn hình học khác.

Trống Tùng Lâm, loại hình trống sơ khai của trống đồng Đông Sơn, bên cạnh đó tại Việt Nam cũng tìm thấy nhiều loại trống đồng tương tự như trống Tùng Lâm. [Nguồn: Những trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên]

Văn hóa tộc Việt vốn có trung tâm là miền Bắc Việt Nam, nên đây là trung tâm lan tỏa các loại hình cổ vật nói chung thời điểm văn hóa đồ đồng, trống đồng cũng như vậy. Tại Việt Nam cũng là nơi tìm thấy nhiều nhất các trống loại I, và cũng là nơi có nhiều trống loại I to và đẹp nhất trong các vùng tộc Việt.

Trống đồng không chỉ là vật biểu tâm linh, mà còn là vật biểu quyền lực, những trống to nhất, đẹp nhất có thể là của các vị vua Hùng, trống tại các vùng tộc Việt khác thì kích thước thường nhỏ hơn, ít trang trí hoa văn hơn.

Tại miền Bắc Việt Nam cũng là nơi tìm thấy chiếc trống đồng Kính Hoa, một loại hình trống hết sức đặc biệt của văn hóa Đông Sơn, với những hoa văn có phần khác biệt so với các hoa văn của các trống Đông Sơn giai đoạn sau, phía trong tia Mặt Trời được trang trí hình Rồng đôi, vòng ngoài được trang trí hình con sam, vòng kế tiếp là hình tượng Rồng đơn và hoa văn chữ S tiếp tuyến đặc trưng của văn hóa Phùng Nguyên, vòng ngoài cùng là hình tượng chim Tiên có phần đơn giản so với hình tượng của giai đoạn sau. Các hoa văn cho thấy đây có thể là một loại hình trống sớm, thể hiện sự kế thừa từ văn hóa trước Đông Sơn (Phùng Nguyên), cũng như là tiền thân cho sự phát triển hoa văn tới mức chuẩn mực và đồng nhất ở giai đoạn sau.

Trống đồng Kính Hoa với hệ thống hoa văn đặc sắc. [Nguồn: dẫn]

◊ Cách sử dụng trống đồng:

Trống đồng là vật thờ Trời, nên cần được đặt ngang để có đúng ý nghĩa “thông giao” với Trời, làm vị trí trung gian kết nối con người với Trời. Các tư liệu về văn hóa Điền Việt và văn hóa Mường đều thể hiện cách đặt ngang có ý nghĩa như vậy.

Cổ vật Điền Việt thể hiện hình ảnh trống đồng được đặt nằm ngang, không phải đặt dọc như các dân tộc Choang, Lô Lô. [Nguồn: dẫn]

Hình ảnh Quan Lang Mường sử dụng trống đồng trong dịp lễ, có thể thấy trống được đặt ngang, và thủ lĩnh chỉ được gõ trống trong khi thực hiện lễ tế. [Nguồn: trang lưu trữ online Viện Viễn Đông Bác cổ, dẫn]

Các dân tộc Choang, Lô Lô cũng sử dụng trống, tuy nhiên họ sử dụng chúng như một nhạc khí, ý nghĩa tâm linh của nó không còn giống với văn hóa cổ. Việc các dân tộc như Choang, Lô Lô sử dụng trống đặt dọc, sử dụng nó như một nhạc khí là một sự lãng quên văn hóa gốc và ý nghĩa thực sự của những chiếc trống đồng.

Trống được người Choang đặt dọc và sử dụng như một nhạc khí đơn thuần. [Nguồn ảnh: 1, 2]

◊ Sức sống của nền văn hóa trống đồng:

Nền văn hóa trống đồng trong và sau thời kỳ Bắc thuộc vẫn tiếp tục được các cư dân hậu duệ tộc Việt duy trì, trống đồng vẫn hiện diện trên địa bàn của nền văn hóa trống đồng tộc Việt cũ, chứng tỏ một sức sống rất mạnh mẽ của nền văn hóa trống đồng nói chung và văn hóa tộc Việt nói riêng.

Trống đồng loại II Heger, hay trống đồng Mường mà chúng tôi đã dẫn ở trên, có niên đại từ trong thời Bắc thuộc tới thời Lý – Trần – Lê, các trống đồng Mường được triều đình Việt Nam đúc và ban cho Quan Lang Mường, chúng tiếp tục được sử dụng cho tới tận ngày nay bởi người Mường. Tại vùng nam Đông Á cũng tìm thấy rất nhiều trống đồng thuộc loại II Heger này, với niên đại trải rộng từ thời Bắc thuộc cho tới ngày nay, loại hình trống loại II chỉ tìm thấy chủ yếu tại miền Bắc Việt Nam và nam Đông Á, tương ứng với địa bàn phân bố của cư dân tộc Việt.

Trống đồng Mường và trống đồng loại II Heger tìm thấy tại tỉnh Hồ Nam có niên đại vào thời nhà Đường. [Nguồn: 1. Viện Viễn Đông Bác Cổ, dẫn; 2. Bảo tàng thành phố Trường Sa, Hồ Nam, Trung Quốc, dẫn]

Trống loại III Heger theo phân loại của F. Heger phân bố rộng rãi ở miền Nam Trung Quốc và ở hầu hết các nước Đông Nam Á lục địa. Dáng trống loại III thường trên to, thuôn dài và hơi loe về phía chân trống. Theo các nghiên cứu, thì trống loại III Heger có hai loại, một loại có liên quan đến các tộc người thuộc ngữ hệ Nam Á là chính và một loại có liên quan đến các tộc người nói tiếng Tai-Kadai là chính. [55]

Trống loại II Heger của người Karen tại Thái Lan và tại Myanmar. [Nguồn: 1. The Metropolitan Museum of Art, dẫn; 2. The Pitt Rivers Museum, dẫn]

Hoa văn trên các trống loại III Heger cũng kế thừa các hoa văn đặc trưng của văn hóa Đông Sơn, được bố trí theo băng dải như hoa văn gạch dọc, hạt lúa, vòng tròn đồng tâm, chim, hoa văn kỷ hà tương tự như trên trống đồng Đông Sơn truyền thống.

Hoa văn trên trống đồng loại III Heger tìm thấy tại Thái Lan với các hoa văn kế thừa từ trống đồng Đông Sơn. [Nguồn: The Metropolitan Museum of Art, dẫn]

Trống loại IV Heger được tìm thấy trong một phạm vi rất rộng lớn, có vài chục tộc người cùng sử dụng, kể cả các dân tộc ở phía Bắc như Hán, Mông Cổ, loại hình trống này xuất hiện muộn hơn trống loại II Heger, có niên đại vào khoảng thế kỷ X sau công nguyên cho tới ngày nay. [55]. Tư liệu này cũng cho chúng ta thấy được sức sống và sự ảnh hưởng rất mạnh của nền văn hóa trống đồng của cộng đồng tộc Việt.

Trống đồng loại IV Heger, xuất hiện trong giai đoạn muộn tìm thấy tại Việt Nam và Quý Châu. Chiếc trống tại Quý Châu có niên đại vào thời nhà Minh. [Nguồn: 1. Viện Viễn Đông bác cổ, dẫn; 2. Bảo tàng tỉnh Quý Châu, dẫn]

Như vậy trống đồng là một đặc trưng văn hóa quan trọng, có sức ảnh hưởng rộng lớn trong một thời gian dài và trong một địa bàn rộng lớn, các dân tộc khắp vùng Đông Á và Đông Nam Á vẫn tiếp tục sử dụng các loại hình trống đồng kế thừa từ trống đồng Đông Sơn truyền thống.

b. Thạp đồng:

Thạp đồng có chức năng và vai trò như thế nào, hiện chúng tôi chưa có tư liệu để có thể xác định chính xác, nhưng theo quan sát của chúng tôi, thạp đồng có thể là một vật lễ khí, được sở hữu sử dụng bởi bậc quý tộc trong các dịp lễ tế, có những chiếc thạp lớn như Đào Thịnh I, Hợp Minh, Khe Ván, Đèo Lũng Lô, Vạn Thằng I… được trang trí cầu kỳ, tỉ mỉ không kém với các cổ vật trên trống đồng, cũng có các motif người, nhà, thuyền…, [56] người Việt trong các di vật đồ đồng thường thể hiện hoa văn trên các vật có vai trò lễ khí, sử dụng trong dịp tế lễ, nên có thể những chiếc thạp lớn có trang trí hoa văn được sử dụng vào dịp tế lễ. Còn các loại thạp nhỏ và hoa văn trang trí đơn giản có thể được sử dụng vào cả mục đích tế lễ và các hoạt động đời sống thường nhật.

Các thạp đồng có kích cỡ lớn được trang trí hoa văn như trên trống đồng: thạp Đào Thịnh và thạp Hợp Minh. [Nguồn ảnh: 1, 2]

Thạp đồng tại Việt Nam được đúc rất nhiều và với nhiều kích thước khác nhau, chia thành hai loại chính là thạp có nắp và thạp không có nắp, số lượng tìm thấy theo thống kê năm 2008, thì có tổng cộng 235 chiếc, trong đó thạp có nắp chiếm 88% [56]. Thạp đồng xuất hiện tại nhiều vùng của tộc Việt như Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, lưu vực sông Dương Tử.

Thạp đồng các vùng tộc Việt: Việt Nam, Quảng Đông, Vân Nam, Quảng Tây, lưu vực sông Dương Tử. [Nguồn: 1. Bảo tàng Barbier-Mueller, dẫn; 2. Bảo tàng tỉnh Quảng Đông, dẫn.; 3. Bảo tàng Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, dẫn; 4. Trình Năng Chung, 2015, tr. 325, Mối Quan Hệ Văn Hoá Đông Sơn Và Các Văn Hoá Kim Khí Ở Miền Nam Trung Quốc; 5. Bảo tàng Văn minh Trường Giang, Trung Quốc, dẫn]

c. Rìu đồng:

Rìu đồng có nguồn gốc từ những chiếc rìu đá đầu thời đá mới, sau đó là rìu ngọc vào thời văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà, chữ Việt của người Việt cũng được tạo nên từ hình tượng thủ lĩnh cầm rìu. Đây là một biểu tượng lễ khí và quyền lực quan trọng của cộng đồng tộc Việt, một phần nó được sử dụng để thể hiện tính quyền lực của bậc quý tộc sở hữu chúng, bên cạnh đó chúng được sử dụng trong các dịp lễ tế bởi tầng lớp quý tộc.

Rìu bằng đá có niên đại vào thời đá mới tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, tiền thân của văn hóa Lương Chử. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, dẫn]

Rìu ngọc thời văn hóa Lương Chử. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, dẫn]

Tại vùng trung lưu Dương Tử cũng có phong cách rìu tương đồng với rìu thời văn hóa Lương Chử, với những chiếc rìu được tìm thấy tại văn hóa Đại Khê (Daxi, 5000 – 3000 BC), tiếp nối là văn hóa Khuất Gia Lĩnh (Qujialing, 3400 – 2600 BC), tiền thân của văn hóa Thạch Gia Hà (Shijiahe, 2500 – 2000 BC).

Những chiếc rìu ngọc của văn hóa Đại Khê. [Nguồn: Bảo tàng thành phố Kinh Châu, Hồ Bắc, Trung Quốc, dẫn: 1, 2]

Các loại hình rìu đồng của Việt Nam và vùng Nam Đông Á là rất tương đồng với nhau trên một diện rộng. Loại hình rìu cân xòe tương tự như các loại hình rìu đá và rìu ngọc được thể hiện trên cổ vật tại các vùng.

Rìu cân xòe tại các vùng tộc Việt: Việt Nam, Chiết Giang, Quảng Tây, Quảng Đông, Hồ Bắc, Hồ Nam. [Nguồn: 1. Art Gallery of New South Wales, dẫn; 2. Bảo tàng thành phố Ninh Ba, Chiết Giang, dẫn; 3. Bảo tàng Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, dẫn; 4. Bảo tàng Nanshan, dẫn; 5. Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, dẫn; 6. Bảo tàng tỉnh Hồ Nam, China Institute, dẫn.]

Bên cạnh loại hình cân xòe có nguồn gốc sớm nhất từ các loại hình rìu từ thời đá mới, thì còn tồn tại loại hình cũng rất đặc trưng của tộc Việt là rìu lưỡi hài, loại hình rìu này theo tư liệu chúng tôi tìm kiếm được, thì có nguồn gốc sớm nhất là từ văn hóa Phùng Nguyên, với chiếc rìu bằng đá.

Rìu lưỡi hài bằng đá của văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Gary Todd, dẫn]

Các loại hình rìu đồng có nguồn gốc từ chiếc rìu đá này phát triển đa dạng về kiểu dáng và loại hình, trong đó có hai kiểu dáng phổ biến nhất là gót tròn và gót vuông.

Rìu lưỡi hài tại các vùng: Việt Nam, Hồ Nam, Quảng Đông. [Nguồn: 1. Martin Doustar, 2014, Art of Bronze Age in Southeast Asia; 2. Bảo tàng tỉnh Hồ Nam, dẫn; 3. Nguồn: Bảo tàng Nanshan, Thâm Quyến, dẫn]

Rìu đồng thường được sử dụng cho quý tộc và vua Hùng sử dụng trong các dịp tế lễ, và các cách thể hiện hoa văn trên rìu đồng có thể thể hiện địa vị của người sở hữu chúng. Rồng thường được thể hiện trên các rìu xéo gót tròn, ít thấy trên các rìu gót vuông, loại hình rìu gót tròn có thể được dành cho tầng lớp cao nhất của tộc Việt là các vị vua Hùng, còn rìu gót vuông được sử dụng cho tầng lớp quý tộc hoặc các Lạc Hầu, Lạc Tướng. Chiếc rìu đồng bên trái phía dưới của bảo tàng Barbier-Mueller, theo thông tin chúng tôi nhận được thì còn được mạ vàng, chứng tỏ nó phải được dành cho một tầng lớp đặc biệt trong xã hội Việt xưa.

Rồng được thể hiện trên cán rìu đồng Đông Sơn. [Nguồn cổ vật: 1. Bảo tàng Barbier-Mueller, dẫn; 2. Martin Doustar, Art of the Bronze Age in Southeast Asia]

d. Chuông đồng:

Chuông đồng cũng là vật dụng rất quan trọng, đóng vai trò nhạc khí trong dịp lễ tế của người Việt. Loại hình chuông đồng tai dê được tìm thấy trên diện rất rộng trong vùng nam Đông Á và miền Bắc Việt Nam.

Chuông tai dê tại các vùng: Quảng Đông, Việt Nam, Quý Châu, Quảng Tây, Vân Nam. [Nguồn: 1. Bảo tàng Nanshan, dẫn; 2. Báo Đảng Cộng Sản, dẫn; 3. Bảo tàng tỉnh Quý Châu, được dẫn lại trong nghiên cứu của bảo tàng Quảng Tây [dẫn]; 4. Bảo tàng Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, dẫn; 5. Bảo tàng Ngọc Khê, Vân Nam]

Bên cạnh loại hình chuông tai dê thì thời Đông Sơn còn tìm thấy nhiều loại hình chuông khác, cũng có kết cấu tương đồng với chuông tai dê, chỉ khác về kiểu cách.

Các loại hình chuông đồng của văn hóa Đông Sơn. Các loại hình này có ảnh hưởng rộng rãi ở các vùng tộc Việt cũng như các vùng Đông Nam Á khác, với chung kết cấu, chỉ khác về trang trí và kiểu dáng. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử quốc gia, chụp và dẫn bởi các báo VN: 1, 2; 3, 4, 5: Bảo tàng Lịch Sử Quốc Gia (2015). Văn hóa Đông Sơn – Sưu tập hiện vật Bảo tàng Lịch sử quốc gia. NXB Văn hóa dân tộc.]

e. Dao găm đồng:

Dao găm đồng là vật phòng thân và sử dụng trong đời sống thường nhật, loại hình dao găm đồng của tộc Việt có đặc trưng khá riêng biệt, thể hiện rất rõ tính liên kết trong văn hóa của các vùng tộc Việt. Loại hình đặc trưng nhất là dao găm với lưỡi xéo cân xứng xuất hiện trên hầu hết các vùng tộc Việt.

Dao găm tại các vùng: Việt Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Vân Nam. [Nguồn: 1. Kiều Quang Chẩn, 2018, Vang vọng từ trống Đông Sơn; 2. Bảo tàng Nanshan, dẫn; 3. Bảo tàng Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, dẫn ; 4. Bảo tàng tỉnh Quý Châu, dẫn; 5. Bảo tàng thành phố Côn Minh, Vân Nam, dẫn]

2. Cổ vật Đông Sơn và ảnh hưởng của nó tại vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo:

Các vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo thể hiện rất rõ sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn trên nhiều loại hình cổ vật bằng đồng, các cổ vật tại đây có phong cách Đông Sơn, nhưng mang tính đặc trưng địa phương rất rõ.

Trống đồng trong thời gian tồn tại của tộc Việt trước khi bị Hán hóa được chuyển trực tiếp từ miền Bắc Việt Nam, nhưng tới thời kỳ Bắc thuộc, thì các loại hình trống bắt đầu được đúc tại một số địa phương, bên cạnh đó thì vẫn còn các loại trống Đông Sơn giai đoạn đầu thời Bắc thuộc có nguồn gốc từ Việt Nam, thường có tượng cóc, vẫn xuất hiện tại các vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo.

Bản đồ phân bố số lượng trống đồng Đông Sơn loại I thuộc giai đoạn sớm có niên đại từ 300 BC – 100 AD tại các vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo. [Nguồn: Ambra Calo, 2014, Trails of Bronze Drums Across Early Southeast Asia: Exchange Routes and Connected Cultural Spheres]

a. Tại miền Nam Việt Nam:

Miền Nam Việt Nam, xưa kia không phải đất của người Việt, nhưng cũng là nơi có sự di cư của các cư dân có nguồn gốc tộc Việt, tại đây cũng xuất hiện những đặc trưng Đông Sơn rất rõ rệt, các cư dân của văn hóa này có thể nhập trực tiếp kỹ thuật đúc đồng từ văn hóa Đông Sơn.

Cổ vật Đông Sơn tại miền Nam Việt Nam. [Nguồn: Phạm Đức Mạnh, Dấu ấn Đông Sơn ở “Phương Nam” Việt Nam, Tạp chí phát triển khoa học và công nghệ, tập 17, số X5-2014]

b. Tại Thái Lan và Campuchia:

Thái Lan và Campuchia là hai vùng có địa bàn sinh sống chủ yếu của người Nam Á trong thời kỳ tồn tại của văn hoá Đông Sơn, các di vật tại các vùng này thể hiện sự ảnh hưởng của văn hoá Đông Sơn rất rõ trên nhiều loại hình.

Trống đồng Đông Sơn tại Thái Lan. [Nguồn: Bảo tàng Songkhla, dẫn]

Các trống đồng tìm thấy tại Campuchia. [Nguồn: dẫn]

Trống đòng loại I Heger được tìm thấy tại Campuchia. [Nguồn: Bảo tàng Quốc gia Phnom Penh, Campuchia, chụp bởi Helmut Loofs-Wissowa]

Loại hình chuông đồng của tộc Việt thấy được sự ảnh hưởng tại các văn hóa Ban Chiang và tại Campuchia.

Chuông đồng của văn hóa Ban Chiang, Thái Lan và tại Campuchia. [Nguồn: 1. Martin Doustar, 2014, Art of Bronze Age in Southeast Asia; 2. Bảo tàng Barbier-Mueller.]

Các cổ vật nhiều loại hình có đặc trưng Đông Sơn tại Thái Lan hoặc Campuchia. [Nguồn: Martin Doustar, 2014, Art of Bronze Age in Southeast Asia]

Rìu các loại hình và mũi giáo phong cách Đông Sơn tại Thái Lan. [Nguồn: Bảo tàng Quốc gia Thái Lan, dẫn]

c. Tại Timor Leste:

Trống đồng Đông Sơn tại Timor Leste. [Nguồn: Nuno Vasco Oliveira, Sue O’Connor & Peter Bellwood, Dong Sons drums from Timor-Leste: prehistoric bronze artefacts in Island Southeast Asia]

Rìu cân xòe phong cách Đông Sơn tại Timor Leste. [Nguồn: Nuno Vasco Oliveira, Sue O’Connor & Peter Bellwood, Dong Sons drums from Timor-Leste: prehistoric bronze artefacts in Island Southeast Asia]

d. Tại Indonesia:

Tại Indonesia cũng có sự hiện diện của văn hóa Đông Sơn trên nhiều loại hình cổ vật.

Những trống đồng Đông Sơn tìm được ở đảo Java, Indonesia (Hình 1: trống ở Tjiandjur, hình 2: trống ở Semarang, hình 3: trống ở Banjumas) (Nguồn: H. Van Heekeren 1958. Hình 8, dẫn lại bởi Trịnh Sinh, đường dẫn.)

Trống đồng Đông Sơn được trưng bày tại bảo tàng quốc gia Djakarta. [Nguồn: dẫn]

Mặt trống đồng Đông Sơn và trống đồng nguyên bản được tìm thấy tại Indonesia. [Nguồn: 1. dẫn; 2. Met Museum, dẫn]

Bên cạnh đó tại Indonesia còn tìm thấy loại hình cổ vật mô phỏng hình thuyền Rồng hai đầu đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: dẫn]

e. Tại Malaysia:

Các trống đồng tìm thấy tại Malaysia. [Nguồn: dẫn]

Chuông đồng phong cách Đông Sơn tìm thấy tại Malaysia. [Nguồn: dẫn]

g. Tại Myanmar:

Trống đồng Đông Sơn tại bảo tàng Loikaw Kayah. [Nguồn: dẫn]

Một số dân tộc tại Myanmar hiện tại vẫn còn sử dụng trống đồng trong đời sống của mình. Trống đồng của người Karen là một dạng trống Đông Sơn muộn, được bản địa hóa và trở nên khá khác biệt so với trống Đông Sơn gốc, được xếp vào loại III Heger.

Trống đồng của người Karen tại Myanmar. [Nguồn: 1, 2]

h. Tại Lào:

Trống Đông Sơn tìm thấy tại Lào. [Nguồn: Trường Viễn Đông Bác Cổ, dẫn]

Trống đồng tìm thấy tại tỉnh Savannakhet, Lào. [Nguồn: Trịnh Sinh, Phát hiện Sê Pôn và vấn đề mới đặt ra, dẫn]

i. So sánh cổ vật tại các vùng Đông Nam Á lục địa:

So sánh cổ vật có phong cách Đông Sơn tại các vùng Đông Nam Á lục địa. [Nguồn: Phạm Đức Mạnh, Dấu ấn Đông Sơn ở “Phương Nam” Việt Nam, Tạp chí phát triển khoa học và công nghệ, tập 17, số X5-2014]

VI. Các vấn đề quan trọng về văn hóa Đông Sơn:

1. Văn hóa Đông Sơn có chữ viết hay không?

Văn hóa Đông Sơn nằm trong giai đoạn đồ đồng, là điểm kết của một quá trình phát triển rất lâu dài đời sống văn minh của cư dân tộc Việt và tiền Việt tại vùng nam Đông Á. Câu hỏi người Việt có chữ viết trong thời kỳ này hay không đã gây tranh cãi khá gay gắt, tạo thành nhiều luồng quan điểm đối ngược nhau.

Nhưng từ sự phát triển trong quá khứ mà chúng tôi đã phác họa ở trên qua các nghiên cứu di truyền, thì người Việt đã có một trình độ văn minh cao, có đủ cơ sở để cho rằng tới thời kỳ Đông Sơn, là giai đoạn cuối của tiến trình phát triển, người Việt đã tạo ra chữ viết. Những dữ liệu khảo cổ là bằng chứng chắc chắn nhất chứng minh chữ viết của người Việt, và các dữ liệu khảo cổ với các chữ được khắc trên đồ đồng Đông Sơn đã thể hiện rõ nét một hệ thống chữ phát triển trong thời kỳ Đông Sơn.

Công trình khảo cứu: Sự hình thành và phát triển của chữ Việt cổ của Giáo sư Lê Trọng Khánh [57], ông đã tìm thấy nhiều chữ viết được thể hiện trên các cổ vật bằng đồng thời văn hóa Đông Sơn, bằng kiến thức uyên bác của mình, ông đã khảo cứu và đối chiếu hệ thống chữ thu thập được trên các cổ vật đồng Đông Sơn với các hệ thống chữ Thái cổ và chữ Chăm để xác định được đây là một hệ thống chữ thời Đông Sơn.

Các cổ vật của văn hóa Đông Sơn có thể hiện chữ viết được Gs. Lê Trọng Khánh khảo cứu. [57]

Trên cơ sở những hiện vật giải mã ở trên, đã phát hiện được những chữ cái Đông Sơn gồm 18 phụ âm và 9 nguyên âm:

Sau khi so sánh, đối chiếu và khảo cứu kỹ lưỡng, Gs. Lê Trọng Khánh đưa ra kết luận:

“Chữ viết Đông Sơn là phương tiện ghi lại bằng đồ hình hình thức biểu đạt âm thanh của ngôn ngữ Việt cổ. Mỗi chữ, có khi một tổ hợp chữ ghi lại một âm vị.”

“Khảo sát các văn bản thuộc chữ viết Đông Sơn, có những nguyên âm đứng sau hoặc dưới phụ âm nguyên âm còn làm chức năng thay thế, trở thành biến âm. Chữ Sumer các kết hợp ngữ pháp hình thành nhờ có phụ tố chữ viết. Đông Sơn đã thấy xuất hiện phụ âm cao và thấp, liên quan trực tiếp đến vấn đề thanh điệu.” [57]

Như vậy hệ thống ký hiệu trên các cổ vật của văn hóa Đông Sơn đã thể hiện một hệ thống chữ ghi âm, mỗi chữ ghi một âm. Đây là bằng chứng vững chắc khẳng định thời Đông Sơn người Việt đã có chữ viết, và chữ viết trong thời kỳ này đã tiến tới giai đoạn ghi âm. Hệ thống chữ viết này đã bị thất truyền và thay thế bằng chữ Hán trong giai đoạn 1000 năm Bắc thuộc.

Các hệ thống chữ cổ của người Thái và người Chăm còn giữ lại được là những cơ sở rất quan trọng giúp chúng ta có thể khôi phục lại hệ thống chữ viết cổ của người Việt trong thời văn hóa Đông Sơn.

2. Trang phục văn hóa Đông Sơn:

Văn hóa Đông Sơn có trang phục không? Và trang phục chính xác của thời đó là như thế nào? Vấn đề này chúng tôi đã khảo cứu trong một bài khác, bạn đọc có thể theo dõi tại đây [58]. Các bằng chứng khảo cổ và lịch sử đều thể hiện người Việt có trang phục, và có nhiều kiểu trang phục khác nhau dành cho cả nam và nữ giới.

a. Tài liệu hoa văn và cổ vật Đông Sơn:

Trang phục được thể hiện trên cán dao găm và hình họa trống đồng Đông Sơn. [Nguồn: 1. Lê Văn Hảo; 2. BST nhà hàng Trống Đồng; 3. Hoa Văn Việt Nam – Nguyễn Du Chi; 4. Trống đồng Động Xá, chụp lại trong phim Đi tìm trang phục Việt; 5. Những trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Việt Nam – Nguyễn Văn Huyên]

b. Tài liệu lịch sử và khảo cổ từ mộ táng:

Trong sách Tam Quốc Chí, phần Ngô chí có ghi lại: Thế kỷ III SCN, Thái thú Tiết Tông trong tờ sớ xin chọn Thứ sử Giao Châu đã miêu tả người Việt: “tóc búi, chân trần, áo chui đầu vạt trái”.

Trong sách Luận Ngữ có ghi lại chi tiết: “Quản Trọng theo giúp Tề Hoàn Công nên nghiệp bá, nhờ vậy mà thiên hạ từ loạn đổi sang trị. Nếu không có Quản Trọng thì chúng ta phải gióc tóc và vắt vạt áo bên trái như bọn man di. Lẽ nào vì tấm lòng trung quân nhỏ hẹp tầm thường mà đi treo cổ bên lạch suối sao?”. [Luận Ngữ, 14:17]

Man di là cách gọi có tính miệt thị được người Hoa Hạ sử dụng để chỉ người Việt, chi tiết này cung cấp cho chúng ta thông tin quan trọng về dạng áo vạt trái của người Việt từ thời Khổng Tử. 

Tài liệu khảo cổ cũng đã xác nhận sự tồn tại của trang phục thời kỳ Hùng Vương, với dạng áo tương đồng với áo váy quấn vạt trái mà tài liệu lịch sử đã ghi lại:

Năm 2000, trung tâm tiền sử Đông Nam Á đã cùng với các chuyên gia nước ngoài khai quật mộ thuyền Châu Can, chủ nhân của ngôi mộ là một thanh niên tuổi khoảng 18 đến 20, trên người có trang phục, mặc áo có diềm khâu, diềm tua. Vạt áo trang trí dệt bằng hai loại sợi hỗn hợp: sợi lanh (cannabis) và lụa (silk). Những mảnh thắt lưng ở mộ Châu Can được dệt bằng chất liệu sợi vải gai (boehmira) có bề ngang rộng khoảng 6cm. [59]

c. Phỏng dựng các dạng trang phục:

Các dạng trang phục chính thời Hùng Vương được phỏng dựng bởi họa sĩ Đỗ Thái Thanh giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về các trạng trang phục thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Các dạng trang phục chính bao gồm áo váy quấn dạng giao lĩnh cho nam, và áo cùng váy quấn đi với cạp váy, xế dành cho nữ, được phỏng dựng từ tư liệu lịch sử và khảo cổ.

Nguồn: Họa sĩ Đỗ Thái Thanh, fanpage Anh Hùng 4000.

3. Văn hóa Đông Sơn theo chế độ mẫu hệ hay phụ hệ?

Quan điểm của một số nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng văn hóa Đông Sơn vẫn còn trong giai đoạn mẫu hệ, có tàn dư của văn hóa nguyên thủy, với hình thái xã hội quần cư kém phát triển. Điều đầu tiên cần nói tới là sự phát triển của văn hoá Đông Sơn cũng như các văn hoá tiền thân của nó cho thấy trình độ phát triển văn minh vượt trội của người Việt, xã hội của người Việt trong giai đoạn tại Dương Tử đã tiến tới độ phức tạp cao, nên có cơ sở chắc chắn để khẳng định xã hội người Việt đã theo chế độ phụ hệ từ sớm, nếu còn ở chế độ mẫu hệ, thì người Việt không thể tiến tới trình độ văn minh cao độ như thế. Trên thực tế, các tài liệu khảo cổ cũng đã chứng minh người Việt thời văn hóa Đông Sơn đã theo chế độ phụ hệ.

“Trong các khu cư trú rộng lớn như vậy, hẳn đã sống tập trung một số lượng cư dân khá đông đúc. Họ đã sống chung với nhau như thế nào? Tổ chức và kết cấu tính chất của đơn vị ra sao? Tài liệu khảo cổ học góp phần nào soi sáng các vấn đề trên. Trước tiên về vết tích cư trú, tại địa điểm Đông Sơn nổi tiếng đã phát hiện được nhiều cọc gỗ, cột gỗ được chôn đứng (Janse 1947) hay những đống gỗ đổ nát có vết tích đục đẽo (Lê Văn Lan, Phạm Văn Kỉnh, Nguyễn Linh 1963), những hàng lỗ cột hay đá xếp (Chử Văn Tần 1970).

Các nhà nghiên cứu lịch sử kiến trúc (Nguyễn Khắc Tụng 1982) cho hay ở Đông Sơn đã gộp 2 loại kiến trúc. Loại đơn giản có diện tích rộng khoảng 9m2 và loại nhà với bộ sườn có vì (hay vì kèo chưa rõ) hai cột, duy gần gian bếp có ba cột có quy mô 12m x 6m = 72m2.

Những hình khắc trên trống đống cũng cho hay có 2 loại nhà: một loại nhà người ở rộng có mái cong và một loại nhà kho hẹp hơn mái tròn. Cả hai đều thuộc loại nhà sàn. Những ngôi nhà này chắc hẳn thuộc một gia đình phụ hệ trong đó sống vài ba thế hệ.

Tư liệu mộ táng cũng cho những gợi ý suy nghĩ theo hướng đó. Trong ngôi mộ số 1 ở Núi Nấp đã phát hiện được 2 bộ xương: một của ông già 50 tuổi, một của phụ nữ 20 tuổi chôn chồng lên nhau, đồ tùy táng ngoài rìu, giáo đồng… đáng chú ý là chiếc ấn khắc chữ “Tỷ” và chiếc trâm lược ngà 6 răng, 2 bộ xương được định chủng thuộc loại hình Indonesien.

Cũng ở khu mộ Núi Nấp, trong ngôi mộ số 2, gặp một bộ xương đàn ông chừng 30 – 40 tuổi cải táng còn hộp sọ, chôn cùng một hố với 4 cá thể khác trong đó có 1 trẻ em. 3 sọ định chủng được thuộc loại hình Nam Á. Ở các khu mộ táng Quỳ Chử, Thiệu Dương cũng đều gặp những ngôi mộ táng chồng nhau, trong trường hợp định giới được cũng cho thấy đó là những cặp đôi nam nữ.

Tài liệu kiến trúc và mộ táng bổ sung cho nhau đã góp và soi sáng tố chức đơn vị xã hội cơ sở cho thấy, có khả năng đó là những gia đình phụ hệ, trong đó các thế hệ ông bà, bố mẹ con cái sống chưng với nhau dưới một mái nhà và được chôn cùng nhau hay bên nhau khi chết.”[60]

Tài liệu khảo cổ cho thấy các di chỉ khảo cổ đã thể hiện đặc điểm của một xã hội phụ hệ, thay cho chế độ mẫu hệ quần cư, quần hôn, có nhiều người sống chung một nhà và nhiều người chôn cùng một mộ. Quan điểm của các nhà nghiên cứu Việt Nam dựa trên giả thuyết bản địa, có nghĩa cư dân văn hoá Đông Sơn có nguồn gốc từ các văn hoá tại Việt Nam phát triển lên với trình độ phát triển kém, còn là các bộ lạc nguyên thủy, nên đã có nhận định không chính xác về thực tế tổ chức xã hội của thời kỳ này.

Thêm nữa theo truyền thuyết họ Hồng Bàng mà chúng tôi đã chứng minh cơ sở thực tế của nó thông qua các nghiên cứu di truyền học [28], thì người Việt thời điểm khoảng 4000 năm trước ngày nay đã bắt đầu theo chế độ phụ hệ, được truyền theo dòng cha: “Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu – (bây giờ là huyện Bạch Hạc), tự suy tôn người hùng trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang; … sai các em phân trị, đặt em thứ làm tướng võ, tướng văn; tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái gọi là Mỵ Nương, quan Hữu ty gọi là Bồ chính, thần bộc nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo, thay đời truyền cho nhau đều hiệu là Hùng Vương không đổi.” [61] Dữ liệu này phù hợp với trình độ phát triển văn minh cao độ của cư dân tộc Việt vùng Dương Tử trong thời kỳ này.

Dựa vào các tài liệu khảo cổ đối chiếu với tài liệu huyền sử, thì có thể khẳng định vào thời kỳ Đông Sơn người Việt đã theo chế độ phụ hệ, truyền theo dòng cha, chứ không còn ở chế độ mẫu hệ như quan điểm của một số nhà nghiên cứu.

4. Văn hóa Đông Sơn và vấn đề trồng lúa:

Các bằng chứng khảo cổ cũng đã chứng minh văn hóa Đông Sơn có là văn hóa có nền tảng cơ bản là lúa nước, với sự tồn tại của các loại lúa nếp và lúa tẻ.

Theo các nghiên cứu khảo cổ, thì các bằng chứng về lúa nước được tìm thấy sớm nhất tại Việt Nam ở văn hóa Phùng Nguyên, các văn hóa kế tiếp nó: Đồng Đậu, Gò Mun cho tới Đông Sơn đều tìm thấy các dấu tích hạt gạo cháy và vỏ trấu. Tại văn hóa Đông Sơn, trong di chỉ Làng Cả đã tìm thấy 6 vỏ trấu, trong đó hạt tròn, hạt thon và hạt dài, nghiên cứu kỹ hơn, cũng như so sánh với các loại hình lúa được trồng tại miền Bắc Việt Nam, thì các vỏ trấu này khả năng là lúa chiêm. Như vậy qua các tài liệu khảo cổ, chúng ta có thể thấy được văn hóa có khá đa dạng các loại hình lúa, và giai đoạn này cũng đã xuất hiện lúa Chiêm, lúa được trồng thành nhiều vụ chứ không chỉ một vụ. [60]

Các tài liệu lịch sử cũng cho thấy tình hình trồng lúa ở miền Bắc Việt Nam thời kỳ này. “Sách Thủy Kinh chú của Lịch Đạo Nguyên viết rằng, đất Giao Chỉ, Cửu Chân có ruộng lúa trắng, tháng 7 làm, tháng 10 chín; ruộng lúa đỏ, tháng 12 làm, tháng 4 chín, đó là lúa hai mùa… Lúa sớm, lúa muộn, tháng nào cũng tốt (Thủy Kinh chú q.XXXVI). Muộn hơn, có sách Quảng chí của Quách Nghĩa Cung đầu thời Tấn (dẫn ở Sơ học ký q.VIII), nói khá kỹ về các giống lúa và thời vụ gieo trồng ở Giao Châu. Sách chép rằng, ở đấy mỗi năm có 3 vụ lúa chín vào mùa xuân, hạ và đông, giống lúa có hổ trưởng, tử mang, xích khoáng, tranh vu… Theo Nam phương thảo mộc trạng, vào buổi đầu Công nguyên, vùng này còn trồng nhiều nếp và dùng nếp nấu rượu. Theo Thủy Kinh chú, năm 111 trước Công nguyên, sứ giả của Giao Châu và Cửu Chân đã nộp cho tướng Hán Lộ Bác Đức tới 1000 hũ rượu. Điều này chứng tỏ lúa nếp đã được trồng nhiều và trồng từ lâu trước đó (Trần Quốc Vượng 1963: 102, 105 – 107).” [60]

Đất đai miền Bắc trong thời kỳ Đông Sơn cũng rất màu mỡ, như trong các tài liệu Nam Việt chí của Thẩm Hoài Viễn được dẫn lời trong Cựu Đường thư – Địa lý chí của Lưu Hu và Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sử thời Tống, chép rằng: “Đất Giao Chỉ xưa rất phì nhiêu”. Sách Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn dấn sách Phiên Ngung tạp ký của Trịnh Hùng thời Đường, viết rằng: “Đất Giao Chỉ đất lầy tốt, nhiều màu mỡ”. [60] Nền tảng nông nghiệp lúa nước màu mỡ tại đây đã cung cấp lương thực nuôi sống một lượng rất lớn cư dân, với dân số thời kỳ đầu công nguyên tại miền Bắc Việt Nam theo sách Tiền Hán thư lên tới hàng triệu người.

Các tài liệu khảo cổ cũng cho thấy kỹ thuật canh tác lúa nước của cư dân Đông Sơn đạt tới trình độ rất cao, với nhiều công cụ hỗ trợ cho hoạt động trồng lúa như cuốc, xẻng, mai, thuổng, lưỡi cày…

Các loại hình công cụ lao động nông nghiệp của văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Gary Todd, Bảo tàng lịch sử Việt Nam]

Và theo tài liệu nghiên cứu ngôn ngữ học, cho thấy hệ thống từ vựng về lúa nước của các hệ ngữ Hán-Tạng và hệ ngữ Tai-Kadai mượn của hệ ngữ Nam Á. [62]. Văn minh lúa nước tại vùng Dương Tử qua đó cơ bản là sự duy trì và sáng tạo của các cư dân hệ ngữ Nam Á, và người VIệt tại miền Bắc Việt Nam vẫn tiếp tục kế thừa truyền thống tại vùng Dương Tử, duy trì nền văn hóa với nền tảng lúa nước ở miền Bắc Việt Nam trong các thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn.

Như vậy với các tài liệu khảo cổ và lịch sử, chúng ta có thể thấy được cư dân văn hóa Đông Sơn đã thuần hóa nhiều loại hình lúa nước, có nguồn gốc từ các văn hóa tại vùng Dương Tử, cũng như có trình độ cao trong kỹ thuật canh tác lúa nước với nhiều công cụ đa dạng được chế tạo phục vụ hoạt động trồng lúa. Lúa thời kỳ này cũng được trồng trong 2-3 vụ chứ không chỉ trong một vụ. Nền văn minh lúa nước tại vùng Dương Tử có cư dân Nam Á là chủ đạo.

5. Văn hóa Ban Chiang và văn hóa Đông Sơn:

Văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc từ cư dân Đông Á cổ di cư về vào hai đợt, 4000 năm trước và 2700 năm trước ngày nay, trong các đợt di cư này, đặc biệt là đợt đầu, thì cũng có các dư dân Đông Á cổ (chủ yếu thuộc hệ ngữ Nam Á) di cư về Đông Nam Á lục địa [63][64]. Trong số các văn hóa Đông Nam Á, thì văn hóa Ban Chiang nằm tại vùng Đông Bắc Thái Lan là văn hóa gần với các văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn nhất tại Đông Nam Á lục địa. Đây là văn hóa của cư dân nói tiếng Nam Á, di cư về cùng đợt với cư dân của văn hóa Phùng Nguyên.

Văn hóa Đông Sơn như chúng tôi đã nói ở các phần trên, là trung tâm lan tỏa, các văn hóa khác tại vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo có cổ vật mang phong cách Đông Sơn được đúc tại chỗ trong giai đoạn này. Văn hóa Ban Chiang thể hiện rất rõ sự ảnh hưởng đó, với hệ thống cổ vật gần như hoàn toàn tương đồng với cổ vật Đông Sơn, nhiều cổ vật được đặt cạnh nhau sẽ rất khó để phân biệt. [65]

Bản đồ phân bố các dân tộc thuộc hệ ngữ Nam Á tại vùng Đông Nam Á lục địa và Ấn Độ. [66]

Hệ thống cổ vật của văn hóa Ban Chiang thể hiện rất đặc sắc đặc trưng của văn hóa Đông Sơn được bản địa hóa, cổ vật tương đồng trong hầu hết các loại hình đồ đồng.

Các cổ vật bằng đồng của văn hóa Ban Chiang rất đậm chất Đông Sơn. [Nguồn: Art of Bronze Age in Southeast Asia, Martin Doustar]

VII. Nhận định về văn hóa Đông Sơn hay văn hóa tộc Việt:

1. Văn hoá tộc Việt: nền văn hoá thiên về đời sống tâm linh và tinh thần:

Qua việc nghiên cứu toàn diện về văn hóa Đông Sơn và các văn hóa gốc nguồn của nó, thì chúng tôi nhận thấy có thể nói văn hóa tộc Việt hay văn hóa giai đoạn đồ đồng là Đông Sơn là nền văn hóa thiên hẳn về đời sống tâm linh và đời sống tinh thần. Khía cạnh vật chất được thể hiện trên các cổ vật từ đồ đá, đồ ngọc, tới đồ đồng, các di vật đã thể hiện trình độ văn minh của tộc Việt, tuy nhiên di sản về vật chất là các công trình đồ sộ như các nền văn minh lớn khác trên thế giới thì hầu như không có.

Điều này thể hiện một tư duy khá tiến bộ của tộc Việt, bởi việc xây dựng các công trình lớn yêu cầu rất nhiều công sức, tiền của, thậm chí rất nhiều nhân mạng. Thay vì vậy họ tập trung nhiều hơn vào phát triển đời sống tâm linh và tinh thần.

Về khía cạnh cổ vật, tuy cũng thể hiện khả năng chế tác tinh xảo, nhưng các cổ vật đa phần được chế tác để phục vụ những mục đích thực tế trong văn hóa tộc Việt, trong đó bao gồm đời sống tâm linh phong phú: thờ Trời, thờ cúng Tổ Tiên và vật Tổ, bên cạnh đó là các cổ vật được chế tạo cho các hoạt động nông nghiệp, bảo vệ lãnh thổ và đời sống thường ngày, họ cũng tận dụng những nguyên liệu thiên nhiên nơi địa bàn sinh sống của mình để chế tạo nên các dụng cụ đáp ứng các nhu cầu và công việc hằng ngày. Các cổ vật trong các giai đoạn đều có tính thực tế và hữu dụng, ít có sự tập trung phát triển vật chất như đặc trưng văn hóa Hoa Hạ.

Như cách mô tả của Tôn Quang Hiếu trong bài “Đền Bồ Tát của người Man”, thì người Việt (man, theo cách gọi có tính miệt thị của người Hoa Hạ) “cầu cúng nhiều”, đây là một đặc trưng của nền văn hóa thiên về tâm linh:

Mộc thiên hoa ánh tùng từ tiễn
Việt cầm thanh lý xuân quang liêu
Đồng cổ chỉ Man ca
Nam nhân kỳ trại đa

(Ngôi đền nhỏ trong bụi cây tỏa ánh hoa Mộc thiên
Trong tiếng hót chim Việt thấy ánh sáng ban mai mùa xuân
Trống đồng và bài hát Man
Người Nam cầu cúng nhiều) [67]

Văn hóa tinh thần của cư dân tộc Việt cũng rất phát triển, thể hiện trên nhiều khía cạnh như các ngày lễ, tết, các hoạt động văn hóa, hội hè, các thể loại dân ca, âm nhạc… Nhiều di sản của họ như các ngày Tết âm lịch, Tết Đoan Ngọ còn thể hiện sức ảnh hưởng lớn trong vùng Đông Á.

Văn hóa tộc Việt cũng là một nền văn hóa của sự cân bằng, có nguồn gốc từ văn hoá âm dương, với tư duy lưỡng hợp Tiên – Rồng, hai khía cạnh đối lập nhau, một âm – một dương, một trên núi – một dưới nước, sự đối lập đó đem lại sự cân bằng trong tâm hồn và xã hội của người Việt. Sự cân bằng âm dương vẫn luôn tiềm ẩn trong mọi khía cạnh của văn hóa Việt và tâm hồn người Việt cho tới tận ngày nay. Cả hai nét văn hóa lưỡng hợp Tiên-Rồng và âm dương đều hiện diện trong cổ vật tại văn hóa Thạch Gia Hà.

1-2: Hình âm dương trên dọi se chỉ văn hóa Khuất Gia Lĩnh. 3: Hình âm dương trên dọi se chỉ Thạch Gia Hà. [Nguồn: 1. Jean M Green (1993). Unraveling the Enigma of the bi: The Spindle Whorl as the Model of the Ritual Disk. Asian Perspectives:105-24; 2. Chu Điềm 关喜艳、周恬 Quang Hỉ Diễn. Tiến bộ mới trong khu khảo cổ thứ tư của khu vực Khuất Gia Lĩnh ở Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc. Một số di tích quan trọng đã được phát hiện. 湖北荆门屈家岭遗址第四次考古取得新进展 一批重要遗物被发掘: Nhân dân hàng ngày (Trung Quốc); 2004.; 3. Trương Bằng Xuyên 张朋川 (2005). Đồ gốm vẽ Trung Quốc 中国彩陶图谱: NXB Di sản văn hóa 文物出版社.]

2. Đông Sơn: văn hóa hay văn minh?

Văn hóa Đông Sơn là một nền văn hóa hay một nền văn minh? Vấn đề này không phải là một vấn đề có thể khẳng định một cách chắc chắn, do sự thiếu thốn tư liệu về nhà trước trong khu vực miền Bắc Việt Nam, có nguyên nhân từ sự hạn chế khai quật diện rộng các địa điểm cư trú của các di chỉ Đông Sơn. Nhưng qua khảo cứu các tài liệu khảo cổ tại vùng Động Đình, Dương Tử, chúng tôi cho rằng việc xác định Đông Sơn là một nền văn minh hay một nền văn hóa sẽ có cơ sở hỗ trợ, để từ đó dần dần xác định chính xác diện mạo của nền văn hóa Đông Sơn tại miền Bắc Việt Nam.

◊ Tại văn hóa Lương Chử:

Văn hóa Lương Chử (3300-2000 BC) có sự phát triển sớm và mạnh hơn so với vùng Động Đình trong cùng thời điểm. Lúc này tầng lớp tinh hoa của tộc Việt có thể ở vùng Lương Chử, do trung tâm văn hóa có trình độ phát triển cao nhất thường là nơi tập trung của tầng lớp tinh hoa.

Văn hóa Lương Chử ở hạ lưu sông Dương Tử đã được chứng minh là nơi có thể có nhà nước sớm nhất ở Đông Á, có xã hội phân tầng phức tạp với ít nhất 4 tầng lớp [68][69], có hệ thống thủy lợi sớm nhất thế giới với hệ thống đập, đê, mương dẫn nước, cung điện [70]. Cùng với đó là một hệ thống ký hiệu phức tạp và một số đã trở thành chữ viết dù công việc khảo cổ mới thực hiện được khoảng 10% [71].

Niên đại của văn hóa Lương Chử (3300 BC) gần tương đương với các nền văn minh lớn trên thế giới: Văn minh Lưỡng Hà (3500 BC), văn minh Ai Cập (3150 BC), văn minh sông Ấn (3300 BC), nó có niên đại sớm hơn so với văn minh sông Hoàng Hà khoảng 1000 năm. Văn hoá Lương Chử nằm trong văn minh Dương Tử có thể được xem là một trong những nền văn minh sớm nhất của thế giới. [72]

◊ Tại văn hóa Thạch Gia Hà:

Sau sự phát triển của văn hóa Lương Chử (3300-2000 BC) ở hạ lưu Dương Tử, thì trung tâm phát triển của tộc Việt có thể được dịch chuyển về vùng Động Đình, tại đây văn hóa Thạch Gia Hà (2500 – 2000 BC) đã phát triển mạnh với trung tâm là vùng Động Đình.

Theo các nhà nghiên cứu, văn hóa Thạch Gia Hà có một hệ thống chính trị và một ý thức hệ để có thể tổ chức được các khu định cư quy mô lớn và ràng buộc các cộng đồng dân cư với nhau [73]. Một số học giả cho rằng Thạch Gia Hà có thể được coi là một nhà nước cổ đại do cấu trúc chính trị xã hội tương đối tiên tiến của nó [73][74]. Văn hóa Thạch Gia Hà cũng có xã hội phức tạp hơn và phát triển hơn các văn hóa cùng thời ở phía Bắc [74].

Các văn hóa tại vùng trung lưu Dương Tử như Đại Khê (Daxi, 5000–3000 BC), Khuất Gia Lĩnh (Qujialing, 3400–2600 BC) hay hậu duệ của chúng là Thạch Gia Hà (Shijiahe, 2500 – 2000 BC), và các văn hóa tại vùng hạ lưu Dương Tử như Hà Mẫu Độ (Hemudu, 5500–3300 BC), Mã Gia Bang (Majiabang, 5000–3300 BCE), và hậu duệ là văn hóa Lương Chử (Liangzhu, 3300-2000 BC), được gọi chung là nền văn minh Dương Tử (Yangtze Civilization), bao gồm các văn hóa tại hai vùng Động Đình (trung lưu Dương Tử) và vùng hạ lưu sông Dương Tử.

Nền văn minh này kết thúc với hai đại văn hóa là Lương Chử và Thạch Gia Hà, cả hai đều có tổ chức nhà nước và đô thị phát triển, trong đó văn hóa Lương Chử có nhà nước từ sớm và có niên đại tương đồng với 3 nền văn minh lớn thế giới mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Nền văn minh này không chỉ là văn minh nhà nước, mà còn thể hiện sự tiến bộ vượt trội trong nhiều khía cạnh di vật văn hoá như lúa nước, dệt vải, đô thị… có niên đại được xác định là sớm nhất trên thế giới. Sự phát triển của nền văn minh này không chỉ trên khía cạnh vật chất mà còn trên khía cạnh tâm linh và tinh thần.

Sau đó từ các văn hóa này, cư dân tộc Việt đã di cư về Việt Nam và Đông Nam Á, trong đó nhóm chính Nam Á, phân bố chủ yếu tại vùng Động Đình của văn hóa Thạch Gia Hà đã di cư về Việt Nam. Đây là cơ sở tiền đề để chúng ta nhìn nhận sự phát triển của tộc Việt, và cũng là cơ sở để giả thuyết rằng thời kỳ Phùng Nguyên hay sau đó là Đông Sơn đã kế thừa những di sản tại vùng Động Đình và Dương Tử.

Sức ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn tại vùng nam Đông Á và vùng Đông Nam Á đã phần nào thể hiện sự phát triển và trình độ văn minh của tộc Việt trong thời kỳ đồ đồng. Miền Bắc Việt Nam thời kỳ đồ đồng là một trong những trung tâm lan tỏa văn hóa của vùng Đông Á, bên cạnh văn minh Hoa Hạ.

Tạm thời qua những dữ liệu này, chúng ta có thể coi văn hóa Đông Sơn là một nền văn minh trong thời kỳ đồ đồng. Việc xác định này chỉ là tạm thời, cần phải nghiên cứu và khám phá nhiều hơn những di sản tại vùng miền Bắc Việt Nam, vấn đề này cần phải nhờ tới các nhà khảo cổ học Việt Nam, việc khai quật các di chỉ liên quan tới các yếu tố cấu thành nhà nước và văn minh là rất quan trọng, giúp chúng ta xác định rõ ràng hơn diện mạo văn minh của thời kỳ này.

3. Thử bàn về một nhà nước thời trong thời văn hóa Đông Sơn:

Như chúng tôi đã dẫn ở phần trên, các văn hóa tại vùng Dương Tử đã được chứng minh về sự hiện diện của các nhà nước phát triển, nhưng những tư liệu khảo cổ hiện tại tại Việt Nam lại chưa đủ cơ sở để khẳng định về sự tồn tại của một nhà nước trong thời văn hoá Đông Sơn, do sự thiếu khai quật trên diện rộng các di chỉ. Tuy nhiên dựa trên các tài liệu khảo cổ, xét toàn diện về tiến trình phát triển của các văn hoá tiền thân của văn hoá Đông Sơn, và sự kế thừa trong thời Âu Lạc, có cơ sở để bàn về sự tồn tại của tổ chức nhà nước trong thời kỳ này.

Trong quá trình nghiên cứu về thời kỳ nước Âu Lạc của An Dương Vương, các nhà khảo cổ Việt Nam và quốc tế đã phát hiện và tiến hành khai quật khu di tích thành Cổ Loa, với những khám phá quan trọng tại khu thành cổ này, di tích này đã chứng minh quy mô to lớn của mình, là cơ sở để các nhà nghiên cứu cho rằng thời kỳ này phải có một lực lượng quân sự hùng mạnh, với sự quản lý kiểu nhà nước kiểu tập trung hóa mới có đủ khả năng để xây dựng nên một công trình lớn như vậy. [75]

Bản đồ mô phỏng thành Cổ Loa dựa trên tư liệu khảo cổ.

Theo ghi chép của tư liệu lịch sử Việt Nam như Đại Việt sử ký toàn thư, các sách sử Trung Hoa như Giao Châu ngoại vực ký, Nam Việt chí, Quảng Châu ký…, thì Thục Phán, hay An Dương Vương được cho là người nước Thục, cụ thể hơn là con vua Thục, tuy nhiên dựa trên các tư liệu khảo cổ hiện có tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy không có cơ sở nào cho thấy ông là người nước Thục, bởi tại Việt Nam không tìm thấy hiện vật có đặc trưng của văn hóa nước Thục, đặc trưng văn hóa của một dân tộc, một nền văn hoá thường được thể hiện rất rõ trên các cổ vật khi cư dân di cư sang các vùng khác. Các tư liệu khảo cổ hiện có đã cung cấp những cơ sở để có thể xác định ông là người Tây Âu, vốn là một nhánh của cộng đồng tộc Việt.

Những chiếc trống đồng và ấm đồng có khắc chữ Tây Vu (một biến âm của từ Tây Âu) đã thể hiện rất rõ thành Cổ Loa, An Dương Vương có sự liên hệ với cư dân tộc Việt nhóm Tây Âu, có vùng phân bố chủ yếu tại tỉnh Quảng Tây.

Trên chiếc trống đồng Cổ Loa được tìm thấy tại khu di tích Thành Cổ Loa có khắc một số minh văn chữ Hán, những chữ viết trên trống đồng giúp chúng ta nhận diện chính xác được bối cảnh lịch sử của thành Cổ Loa trong giai đoạn Âu Lạc. Chữ được khắc trên chiếc trống đồng được tiến sĩ Nguyễn Việt giải mã như sau:

“Tây Vu tập bát cổ, trọng lưỡng cá bách bát thập nhất cân”

Trống thứ 48 của bộ Tây Vu, nặng hai trăm tám mươi mốt cân” [76]

Trống đồng Cổ Loa và minh văn khắc trên thân trống. [Nguồn: 1, 2]

Bên cạnh chiếc trống đồng này, còn một chiếc ấm đồng khác cũng được khắc dòng chữ Hán có nghĩa là “Tây Vu”, chiếc ấm đồng này có niên đại vào khoảng thế kỷ I-II TCN.

Ấm đồng có niên đại vào thế kỷ I-II TCN có khắc chữ Tây Vu. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, dẫn]

Trong tài liệu thành văn Trung Hoa, thì Tây Âu xuất hiện vào thời nhà Tần, tương ứng với khái niệm Giao Chỉ và Lạc Việt, là hai khái niệm được sử dụng để chỉ người Việt trong nhiều giai đoạn. Sách Dư địa chí của Cố Dã Vương 顾野王 (519 – 581) đã viết như sau: “ 交趾,周时为骆越,秦时曰西瓯。”- “Giao Chỉ, Chu thời vi Lạc Việt, Tần thời viết Tây Âu”, nghĩa là “Giao Chỉ thời Chu là Lạc Việt, thời Tần gọi là Tây Âu”.

Qua các dẫn chứng khảo cổ đối chiếu với tài liệu lịch sử ở trên, chúng ta có thể đi tới kết luận ông là cư dân tộc Việt thuộc nhóm Tai-Kadai, sau cuộc di cư vào thời điểm 2700 năm trước [26][27], cư dân thuộc hệ ngữ này phân bố chủ yếu tại Quảng Tây, vùng gần biên giới Việt Nam – Trung Quốc ngày nay. Tới thời nhà Tần thống nhất Hoa Bắc và chuẩn bị xâm lược xuống phía Nam, triều Hùng Vương suy yếu, vua Hùng cuối cùng không còn đủ năng lực để bảo vệ độc lập cho dân tộc, chống lại hiểm họa giặc ngoại xâm trước mặt, Thục Phán đã nổi dậy và giành ngôi vị của vua Hùng cuối cùng, sau đó đã dời đô về vùng Cổ Loa.

An Dương Vương đã xây dựng thành Cổ Loa trên nền thành đã có từ trước đó, các hoạt động xây dựng tòa thành được thực hiện nhanh chóng, chứng tỏ các cư dân Việt tại miền Bắc Việt Nam đã quen thuộc với các hoạt động này. Quy mô và trình độ xây dựng ở mức độ cao của tòa thành là cơ sở để các nhà nghiên cứu cho rằng tại đây đã có một tổ chức nhà nước phát triển. [58] Tuy nhiên có một số điều cần làm rõ về vấn đề sự phát triển của xã hội tại miền Bắc Việt Nam thời tiền An Dương Vương, để từ đó chúng ta xác định rõ ràng hơn diện mạo của văn hóa tiền thân của nhà nước Âu Lạc.

An Dương Vương hay Thục Phán qua tài liệu khảo cổ được xác định là cư dân tộc Việt thuộc nhóm hệ ngữ Tai-Kadai, đây không phải là nhóm nắm quyền lãnh đạo và điều hành chính của tộc Việt trong xuyên suốt lịch sử, mà là nhóm Nam Á phân bố chủ yếu tại miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn văn hóa Đông Sơn, điều này đã được chúng tôi chứng minh ở các phần trên, thể hiện rất rõ trong sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn tới vùng nam Đông Á và vùng Đông Nam Á từ trung tâm là miền Bắc Việt Nam. Văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc trực tiếp từ cư dân tại vùng Dương Tử, tại đây cũng là nơi có sự phát triển về tổ chức nhà nước, sự phát triển từ đó tới Đông Sơn là liên tục, nên có cơ sở để cho rằng thời Đông Sơn người Việt có sự kế thừa trong khả năng tổ chức nhà nước từ giai đoạn tại vùng Dương Tử, qua việc khảo cứu tiến trình văn hoá, chúng ta có thể thấy các cư dân xây dựng nên văn hóa Thạch Gia Hà tại vùng Dương Tử cũng chính là những người xây dựng nên văn hóa Phùng Nguyên, và có sự kế thừa trong các giai đoạn cho tới thời kỳ Đông Sơn.

Quan điểm của các nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng thời Hùng Vương hay thời Đông Sơn chưa có nhà nước, về cơ bản đây là quan điểm chưa có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về nguồn gốc và tiến trình phát triển của văn hóa Đông Sơn. Về nguồn gốc của nền văn hoá này, các nhà nghiên cứu Việt Nam chủ trương văn hóa Đông Sơn và tiền thân của nó là văn hóa Phùng Nguyên có nguồn gốc trực tiếp từ các văn hóa nguyên thủy tại miền Bắc Việt Nam, phương pháp tiếp cận đó đã gây ra nhiều vấn đề, trong đó bao gồm cả vấn đề nhìn nhận trình độ phát triển của người Việt trong giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên cho tới Đông Sơn, một số nhà nghiên cứu Việt Nam đã cho rằng tới thời Đông Sơn người Việt vẫn còn trong một trạng thái của bộ lạc mẫu hệ kém phát triển, còn tồn tại nhiều tàn dư của văn hóa nguyên thủy.

Nhưng nguồn gốc của người Việt không phải phát triển tại chỗ mà có nguồn gốc từ cư dân Đông Á cổ, bên cạnh đó họ còn có sự di cư trong nội vùng Đông Á trong nhiều giai đoạn như chúng tôi đã khái quát ở trên, cư dân tộc Việt có trình độ văn minh cao, sớm phát triển nhà nước tại vùng Dương Tử, có niên đại tương đương với các nền văn minh lớn khác trên thế giới, tới thời văn hóa Phùng Nguyên, trung tâm được chuyển về Việt Nam, với sự tồn tại của những chiếc nha chương bằng ngọc, đại diện quyền lực chính thống trong giai đoạn cuối thời đá mới, tới thời Đông Sơn thì miền Bắc Việt Nam là trung tâm của cả Đông Nam Á và nam Đông Á, quyền lực được thể hiện rất rõ trên những chiếc trống đồng. Cách tiếp cận chưa phù hợp cùng với việc khai quật chưa đầy đủ các yếu tố cấu thành nhà nước tại miền Bắc Việt Nam của ngành khảo cổ Việt Nam, là những cơ sở không đủ vững vàng để phủ nhận về sự tồn tại của một nhà nước trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn.

Nếu xét về tính logic trong bối cảnh lịch sử giai đoạn này, An Dương Vương trong thời gian ngắn rất khó có khả năng xây dựng được một nhà nước quy củ nếu như từ trước đó đã không có một nhà nước phát triển, cũng như khó có khả năng huy động được sức dân một cách nhanh chóng trong việc xây dựng thành và đúc được lượng lớn mũi tên, vũ khí, nông cụ, nếu như không có nền tảng được xây dựng từ trước đó, do đó cần có một sự phát triển tiền đề làm nền tảng, hoàn toàn có cơ sở để giả thiết rằng sự phát triển của tộc Việt dưới sự lãnh đạo của người Việt nhóm Nam Á trong thời văn hóa Đông Sơn là tiền đề để An Dương Vương có khả năng xây dựng thành Cổ Loa nhanh chóng, tổ chức được một nhà nước phát triển trong giai đoạn này.

Giai đoạn Âu Lạc văn hóa cũng kế thừa trọn vẹn nền tảng của văn hóa Đông Sơn đã có từ trước đó, các cổ vật hầu như vẫn giữ nguyên truyền thống Đông Sơn, bên cạnh đó có xuất hiện sự giao thoa với văn hóa Hoa Bắc. Tổ chức xã hội trong giai đoạn này cũng không có sự biến động đáng kể so với giai đoạn trước. Sức ảnh hưởng của văn hoá Đông Sơn trong thời Hùng Vương cũng hoàn toàn vượt trội so với thời An Dương Vương. Các chi tiết gợi ý cho chúng tôi thời kỳ văn hóa Đông Sơn có thể đã có một nhà nước phát triển, đó mới là nền tảng giúp An Dương Vương xây dựng được một nhà nước tập trung quyền lực và huy động sức dân một cách nhanh chóng.

Lưỡi cày Cổ Loa cùng kho mũi tên đồng phát hiện tại đây, các cổ vật này đều là hiện vật đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: 1. dẫn; 2. Bảo tàng lịch sử Việt Nam và Gary Todd, dẫn]

Việc xây dựng thành Cổ Loa của An Dương Vương có thể xuất phát từ nhu cầu cấp bách trong thời điểm tộc Việt phải đối mặt với nạn ngoại xâm, khi người Hoa Hạ chuẩn bị lực lượng để xâm lược vào các vùng đất của tộc Việt, công việc ấy đã được thực hiện nhanh chóng với nội lực đã có từ trước đó, bối cảnh mới cần giải pháp mới, An Dương Vương đã lựa chọn xây dựng thành lũy để phòng thủ và bảo vệ độc lập dân tộc. Thời điểm trước đó thì tộc Việt vẫn còn cơ bản độc lập, và cũng là giai đoạn suy yếu của triều Hùng Vương, nên các công trình quân sự đã không thực sự được chú ý xây dựng, phải tới thời An Dương Vương, ông nhận thấy hiểm họa mà người Việt phải đối mặt nên đã xây dựng thành Cổ Loa để phòng thủ trước sức mạnh quân sự của người Hoa Hạ.

Dựa vào các tư liệu khảo cổ thời kỳ nước Âu Lạc của An Dương Vương, cùng với nền tảng vốn có với sự hình thành nhà nước từ sớm của các văn hóa tiền thân của văn hóa Đông Sơn, là những cơ sở để chúng tôi đưa ra giả thiết: trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn, hay thời kỳ Hùng Vương, có khả năng đã tồn tại một nhà nước được tổ chức quy củ và phát triển, có sự kế thừa từ những di sản tại vùng Dương Tử, sau đó đã được An Dương Vương kế thừa trong thời kỳ quốc gia Âu Lạc. Tuy vậy đây cũng chỉ mới là giả thiết, chúng ta vẫn cần chờ thêm các tư liệu khảo cổ tại miền Bắc Việt Nam để có thể xác định chính xác diện mạo của một nhà nước trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn.

4. Tại sao gốm văn hóa Đông Sơn ít được trang trí?

Các cổ vật bằng đồng của văn hóa Đông Sơn rất tinh xảo và được tạo tác một cách tỉ mỉ, tuy nhiên đồ gốm của văn hóa Đông Sơn lại có phần ít được trau chuốt, thường không có hoa văn, tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Sự khác biệt thể hiện rất rõ khi so sánh với đồ gốm thời Phùng Nguyên, các cổ vật gốm của văn hóa Phùng Nguyên thường được đầu tư trang trí với hình dáng đặc sắc cùng với nhiều hoa văn cầu kỳ và phức tạp.

Cổ vật gốm Phùng Nguyên được trang trí hoa văn cầu kỳ. [Nguồn: cổ vật hiện đang được lưu trữ lại British Museum, dẫn]

Đồ gốm của văn hóa Phùng Nguyên được trang trí với nhiều hoa văn đặc sắc, được kế thừa từ truyền thống tại các văn hóa tại vùng Dương Tử. Tuy nhiên tới thời Đông Sơn thì các cổ vật gốm lại ít được trang trí hơn. Cơ cấu tổ chức sản xuất kinh tế thời văn hóa Phùng Nguyên và thời văn hóa Đông Sơn sẽ giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn, để thử tìm hiểu nguyên nhân cho sự thay đổi này.

Vào thời văn hóa Phùng Nguyên, thì đời sống của cư dân tộc Việt bao gồm các hoạt động sản xuất chính là sản xuất đồ ngọc, đồ đá, hoạt động nông nghiệp, làm gốm và dệt vải, khi đó đồ đồng chưa chiếm vị thế quan trọng trong xã hội, hoạt động sản xuất đồ ngọc cũng bị hạn chế do sự cạn kiệt ngọc ở vùng Đông Á, do vậy hoạt động làm gốm khi đó không bị các ngành khác chiếm hết nhân công, mà vẫn sẽ có nhân công tay nghề cao, đồ gốm được trang trí nhiều hoa văn và kiểu dáng đặc sắc hơn.

Tới thời văn hóa Đông Sơn, thì đồ đồng đã chiếm ưu thế gần như tuyệt đối, cổ vật đồng được đúc rất nhiều, do đó đã hút nhân công của các ngành nghề khác, đặc biệt là các nhân công tay nghề cao để đúc đồ đồng. Trống đồng, cổ vật đồng được đúc không chỉ sử dụng tại chỗ, mà còn được ban tặng và trao đổi với các cư dân vùng Đông Nam Á, do đó ngành nghề làm gốm không còn được đầu tư, chau chuốt tỉ mỉ như thời văn hóa Phùng Nguyên. Thêm vào đó gốm cũng có thể được xuất khẩu, đó cũng có thể là một lý do góp phần giải thích cho xu hướng ít được trang trí của gốm trong thời Đông Sơn.

Nồi gốm cùng chạc gốm văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (2015), Văn hóa Đông Sơn – Sưu tập hiện vật Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, NXB Văn hóa Dân tộc.]

Các cổ vật gốm Đông Sơn vẫn duy trì mạch văn hóa từ thời Phùng Nguyên, hay xa hơn là các văn hóa tại vùng Dương Tử như chúng tôi đã dẫn ở phần trên, các cổ vật thời kỳ này ít trang trí, nhưng cũng tương đồng với một số loại hình cổ vật của các văn hóa tiền thân của nó. Ở thời Phùng Nguyên cũng có nhiều cổ vật gốm không được trang trí, nhưng ở thời văn hóa Đông Sơn thì đa phần đồ gốm không được trang trí, ở thời văn hóa Phùng Nguyên thì tỉ lệ đồ gốm được trang trí là cao hơn.

1. Nồi gốm và chạc gốm tại tỉnh Hồ Bắc, thuộc di chỉ tại văn hóa sông Chengbei, tiền thân của các văn hóa tại trung lưu Dương Tử (vùng hồ Động Đình) có niên đại vào khoảng 7000 năm TCN; 2. Nồi gốm và chạc gốm tại các văn hóa Phùng Nguyên (A: 1.700-1.500 TCN; B: 2.000 TCN) và văn hóa Đông Sơn. (C: 800 TCN – 200 TCN) [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, dẫn lại bởi Huang Mingchong, dẫn]

Dựa trên tình hình sản xuất kinh tế từng thời, chúng tôi đưa ra giả thuyết như trên để thử lý giải về sự ít trang trí trên đồ gốm văn hóa Đông Sơn, tuy nhiên vẫn cần phải nghiên cứu thêm để có thể xác định được chính xác nguyên nhân của sự thay đổi này.

VIII. Kết luận:

Văn hóa Đông Sơn qua những khảo cứu của chúng tôi, là một nền văn hóa có nguồn gốc Đông Á, kế thừa từ văn hóa Phùng Nguyên có nguồn gốc từ văn minh tại vùng Dương Tử. Các cư dân tộc Việt đã di cư về Việt Nam trong hai giai đoạn 4000 năm và 2700 năm trước, để xây dựng nên hai văn hóa này. Nguồn gốc của văn hóa Đông Sơn và các văn hóa tiền thân của nó do đó không phải là “bản địa”, mà có sự phát triển trong địa bàn nam Đông Á, có sự liên hệ chặt chẽ với các cư dân tộc Việt (Bách Việt) tại vùng nam Đông Á về khía cạnh lịch sử, văn hóa, khảo cổ và di truyền.

Các văn hóa tiền thân của văn hóa Đông Sơn có trình độ phát triển cao, tới thời Đông Sơn, thì văn hóa này đã kế thừa những di sản của văn minh tại vùng Dương Tử, tạo nên một nền văn minh đồ đồng ảnh hưởng rộng trong vùng nam Đông Á và Đông Nam Á.

Qua sự khảo cứu nguồn gốc qua di truyền học, có đủ bằng chứng để khẳng định tới thời kỳ đó tộc Việt đã tiến tới trình độ cao tương tự như trong các giai đoạn tiền thân của Đông Sơn. Việc xác lập và nghiên cứu nguồn gốc văn hóa Đông Sơn cũng như khai quật, xác định diện mạo các di chỉ Đông Sơn như thành quách, di chỉ cư trú, xã hội, kiến trúc…, là rất quan trọng, những khám phá về các khía cạnh này sẽ giúp chúng ta xác định được rõ ràng hơn trình độ phát triển của văn hóa Đông Sơn tại miền Bắc Việt Nam. Bên cạnh đó cũng cần đào sâu nghiên cứu về nền văn hóa Việt cổ, đồng thời với sự khôi phục các nét văn hóa cổ đại, điều này rất quan trọng đối với sự phát triển của văn hóa dân tộc trong các giai đoạn sau này.

Lang Linh


Tài liệu tham khảo:

[1] Phạm Huy Thông, Phạm Minh Huyền, Lại Văn Tới. Dong Son Drums in Viet Nam. Ha Noi: Viet Nam Social Sciences Publishing House. 1990, page.272.

[2] Viện Khảo cổ học, 1994, Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.

[3] Trình Năng Chung, 2010, Văn hóa Đông Sơn: 90 năm phát hiện và nghiên cứu.

[4] Wells S (2007), Deep Ancestry: Inside the Genographic Project, National Geographic Society

[5] DeSalle R, Tattersall I (2008), Human Origins: What Bones and Genomes Tell Us About Ourselves, Texas A & M University Press, p152

[6] Valéry Zeitouna, Prasit Auetrakulvitb, Antoine Zazzoc, Alain Pierretd, Stéphane Frèree, Hubert Forestierf, (2019), Discovery of an outstanding Hoabinhian site from the Late Pleistocene at Doi Pha Kan.
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2352226718300345

[7] Peter U.Clark, Alan C. Mix, 2001, Ice sheets and sea level of the Last Glacial Maximum
https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0277379101001184

[8] Huang X, et al (2012), A map of rice genome variation reveals the origin of cultivated rice. Nature, 490(7421): 497-501

[9] Robert Hall, Christopher K. Morley et al. (2004), Sundaland Basins.
https://www.researchgate.net/publication/258699653_Sundaland_Basins

[10] Chu JY, et al (1998), Genetic relationship of populations in China, Proceedings of National Academy of Sciences USA, 95(20): 11763-11768

[11] The HUGO Pan-Asian SNP Consortium (2009), Mapping human genetic diversity in Asia, Science, 326(5959): 1541-1545

[12] Hua Zhong, Hong Shi, Xue-Bin Qi, et al. (2010). Extended Y chromosome investigation suggests postglacial migrations of modern humans into East Asia via the northern route. Molecular biology and evolution;28(1):717-27.

[13] Chuan‐Chao WANG Shi YAN Zhen‐Dong QIN Yan LU Qi‐Liang DING Lan‐Hai WEI Shi‐Lin LI Ya‐Jun YANG Li JIN Hui LI, et al. (2013). Late Neolithic expansion of ancient Chinese revealed by Y chromosome haplogroup O3a1c‐002611.
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/j.1759-6831.2012.00244.x

[14] Gary Stix (2008). Traces of a distant past. Scientific American;299(1):56-63

[15] Fuller DQ, Qin L (2010), Declining oaks, increasing artistry, and cultivating rice: The environmental and social context of the emergence of farming in the Lower Yangtze Region, Environmental Archaeology, 15(2): 139-159

[16] Zhang Juzhong, Wang Xiangkun (1998). Notes on the recent discovery of ancient cultivated rice at Jiahu, Henan Province: a new theory concerning the origin of Oryza japonica in China. Antiquity;72(278):897-901.

[17] Zi-Yang Xia, Shi Yan, Chuan-Chao Wang, Hong-Xiang Zheng, et al. (2019) Inland-coastal bifurcation of southern East Asians revealed by Hmong-Mien genomic history

[18] Paola Demattè (2010). The Origins of Chinese Writing: the Neolithic Evidence. Cambridge Archaeological Journal;20(2):211-28.

[19] Chunfeng Zhang (2019). On determining the nature of Liangzhu 良渚 symbols. Journal of Chinese Writing Systems;3(2):121-8.

[20] Richard Sears. Các kiểu chữ Việt 戉. https://hanziyuan.net/#%E6%88%89.

[21] Richard Sears. Các kiểu chữ Việt 越. https://hanziyuan.net/#越.

[22] Đội khảo cổ Thạch Gia Hà 石家河考古队 (1999). Tiêu Gia Ốc Tích 肖家屋脊: Nhà xuất bản Văn Vật 文物出版社.

[23] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.

[24] Hoàng Nguyễn, Văn hóa Thạch Gia Hà và nguồn gốc dân tộc Việt.
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10162414047920526&id=519710525

[25] Bing Li, Cheng Zhu, Li Wu, Feng Li, Wei Sun, Xiaocui Wang, Hui Liu, Huaping Meng, Di Wu (2013). Relationship between environmental change and human activities in the period of the Shijiahe culture, Tanjialing site, Jianghan Plain, China
https://www.researchgate.net/publication/260850162_Relationship_between_environmental_change_and_human_activities_in_the_period_of_the_Shijiahe_culture_Tanjialing_site_Jianghan_Plain_China

[26] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099

[27] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

[28] Lang Linh, 2020, Huyền sử Hồng Bàng và nguồn gốc dân tộc Việt Nam.
https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/07/16/498-huyen-su-hong-bang-va-nguon-goc-dan-toc-viet-nam/

[29] Matsumura H, Hung HC, Higham C, Zhang C, Yamagata M, Nguyen LC, Li Z, Fan XC, Simanjuntak T, Oktaviana AA, He JN. Craniometrics reveal “two layers” of prehistoric human dispersal in eastern Eurasia (2019). Scientific reports. 9(1):1-2.  https://www.researchgate.net/publication/330875335_Craniometrics_Reveal_Two_Layers_of_Prehistoric_Human_Dispersal_in_Eastern_Eurasia

[30] Trình Năng Chung, Văn hóa Hòa Bình sau 85 năm được thế giới công nhận.

[31] Hà Văn Tấn, Theo dấu các văn hoá cổ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1997.

[32] Kim J, Jeon S, Choi JP, Blazyte A, Jeon Y, Kim JI, Ohashi J, Tokunaga K, Sugano S, Fucharoen S, Al-Mulla F, Bhak J. The Origin and Composition of Korean Ethnicity Analyzed by Ancient and Present-Day Genome Sequences. Genome Biol Evol. 2020 May 1;12(5):553-565. doi: 10.1093/gbe/evaa062. PMID: 32219389; PMCID: PMC7250502.

[33] Ruiliang Liu, A. M. Pollard, Jessica Rawson, Xiaojia Tang, 2019, Panlongcheng, Zhengzhou and the Movement of Metal in Early Bronze Age China.
https://www.researchgate.net/publication/337567322_Panlongcheng_Zhengzhou_and_the_Movement_of_Metal_in_Early_Bronze_Age_China

[34] S.V. Lapteff, The origin and development of the wucheng culture (in the context of intercultural contacts between bronze age inhabitants of the lower yangtze valley and Indochina Peninsula), Archaeology, Ethnology and Anthropology of Eurasia, Volume 38, Issue 4, 2010, Pages 93-102, ISSN 1563-0110,
https://doi.org/10.1016/j.aeae.2011.02.008.

[35] Mark Alves, Dữ liệu liên ngành: chi Vietic kết nối với văn hóa Đông Sơn
https://www.researchgate.net/publication/333662024_Du_lieu_lien_nganh_chi_Vietic_ket_noi_voi_van_hoa_Dong_Son

[36] Bảo tàng lịch sử quốc gia, Khai quật di tích thành cổ Luy Lâu năm 2015: những kết quả quan trọng.
http://luutruquocgia1.org.vn/tin-tuc-su-kien/t2-khai-quat-di-tich-thanh-co-luy-lau-nam-2015-nhung-ket-qua-quan-trong

[37] Ferlus, Michel. (2009). A layer of Dongsonian vocabulary in Vietnamese.
https://halshs.archives-ouvertes.fr/halshs-00932218v3/document

[38] Nguyễn Giang Hải, Sức sống Đông Sơn qua một số loại hình di tích khảo cổ học

[39] Trình Năng Chung, Nguyễn Giang Hải, Văn hóa Đông Sơn 10 thế kỷ đầu Công nguyên.
http://tapchikhxh.vass.gov.vn/van-hoa-dong-son-10-the-ky-dau-cong-nguyen–n50125.html

[40] Hoàng Xuân Chinh. Đồ đồng văn hóa Đông Sơn. NXB Văn Hóa – Thông Tin; 2012.

[41] Hai bài thơ sứ giả Giao Châu, bản gốc trên ctext: https://ctext.org/wiki.pl?if=en&chapter=956475

[42] Thu Trang, Dấu tích thời Lý trên đất Thanh Hóa qua những cổ vật.
https://vanhoadoisong.vn/web/trang-chu/chuyen-muc-khac/990-nam-danh-xung-thanh-hoa/dau-tich-thoi-ly-tren-dat-thanh-hoa-qua-nhung-co-vat.html

[43] Trịnh Sinh, Xứ Thanh với văn hóa trống đồng. Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.
http://baotang.thanhhoa.gov.vn/portal/pages/print.aspx?p=4003

[44] Báo điện tử Dân trí. Đúc trống đồng để dâng tiến các vị vua triều Lý tại đền Đô.
https://dantri.com.vn/van-hoa/duc-trong-dong-de-dang-tien-cac-vi-vua-trieu-ly-tai-den-do-20160422161138749.htm

[45] Phạm Quốc Quân, Về một chiếc thạp đồng đáng chú ý thời Trần, tạp chí Khảo cổ học, số tháng 2-2006

[46] Zhang và cộng sự, 2020, A Matrilineal Genetic Perspective of Hanging Coffin Custom in Southern China and Northern Thailand
https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2589004220302169

[47] James R. Chamberlain, trích trong Chris Baker, From Yue To Tai, Journal of the Siam Society 90.1 & 2 (2002)

[48] Pittayaporn, Pittayawat. “Layers of Chinese Loanwords in Protosouthwestern Tai as Evidence for the Dating of the Spread of Southwestern Tai.” (2014).

[49] Tạ Đức, 2013, Nguồn gốc người Việt – người Mường. NXB Tri Thức.

[50] Loofs-Wissowa H (1991). Dongson drums: instruments of Shamanism or regalia?. Arts asiatiques, p.39-49. Doi: 10.3406/arasi.1991.1300
https://www.researchgate.net/publication/250235416_Dongson_Drums_Instruments_of_Shamanism_or_Regalia

[51] Higham C (2014). Early mainland Southeast Asia: from first humans to Angkor. River Books, p.200.

[52] Bing Su, Li Jin, Peter Underhill, Jeremy Martinson, Nilmani Saha, Stephen T. McGarvey, Mark D. Shriver, Jiayou Chu, Peter Oefner, Ranajit Chakraborty, and Ranjan Deka (2000). Polynesian origins: Insights from the Y chromosome.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC26928/

[53] Per Hage, Jeff Marck, (2003). Matrilineality and the Melanesian Origin of Polynesian Y Chromosomes
https://www.journals.uchicago.edu/doi/10.1086/379272

[54] Han Xiaorong, 1998, The present echoes of the ancient bronze drums: Nationalism and archaeology in modern Vietnam and China.
https://scholarspace.manoa.hawaii.edu/handle/10125/2545

[55] GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Trống đồng Việt Nam.
http://baotang.thanhhoa.gov.vn/portal/Pages/2015-3-30/TRONG-DONG-VIET-NAM5keow4.aspx

[56] Hà Văn Phùng, 2006, Thạp đồng Đông Sơn, NXB Khoa học Xã hội.

[57] Lê Trọng Khánh, 1986, Sự hình thành và phát triển chữ Việt cổ.
https://luocsutocviet.wordpress.com/2020/08/06/502-su-hinh-thanh-va-phat-trien-chu-viet-co/

[58] Lang Linh, Khảo cứu về trang phục thời kỳ Hùng Vương
https://luocsutocviet.wordpress.com/2018/01/07/053-khao-cuu-ve-trang-phuc-thoi-ky-hung-vuong/

[59] Lịch sử trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam. Quang Vũ Trịnh. Nhà xuất bản Văn Hóa – Thông Tin, 2007.

[60] Hà Văn Tấn (1994). Chương “Cấu trúc xã hội Đông Sơn”. Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam. Viện Khảo cổ học.

[61] Lĩnh Nam Chích Quái, Trần Thế Pháp, bản dịch Lê Hữu Mục, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1960.

[62] Pittayaporn, P. (2014). Layers of Chinese Loanwords in Protosouthwestern Tai as Evidence for the Dating of the Spread of Southwestern Tai.

[63] Michael Pietrusewsky, 2016, The People of Ban Chiang: Bioarchaeology of the 1974 and 1975 Skeletons.
https://www.researchgate.net/publication/303250983_The_People_of_Ban_Chiang_Bioarchaeology_of_the_1974_and_1975_Skeletons

[64] Charles Higham. The Bronze Age of Southeast Asia. Cambridge University Press, Jun 13, 1996 – Social Science – 381 pages.

[65] Bùi Hữu Tiến, 2016, Luận văn: Văn hóa Đồng Đậu và vị trí của nó trong thời đại đồng thau ở lưu vực sông Hồng.

[66] Gerard Diffloth (p.c.), trích trong Handbook of East and Southeast Asian Archaeology, 2017, Junko Habu, Peter V. Lape, John W. Olsen.

[67] Cung Đình Thanh, Trống đồng Đông Sơn, Tập san Tư Tưởng số 18.

[68] Colin Renfrew, Bin Liu (2018). The emergence of complex society in China: the case of Liangzhu. Antiquity;92(364):975-90.
https://www.cambridge.org/core/journals/antiquity/article/emergence-of-complex-society-in-china-the-case-of-liangzhu/

[69] Tống Kiến 宋建 (2017). Liangzhu – một quốc gia cổ đại phức tạp bị chi phối bởi thần quyền 良渚——神权主导的复合型古国. 东南文化;(1):6-15.

[70] Bin Liu, Ningyuan Wang, Minghui Chen, et al. (2017). Earliest hydraulic enterprise in China, 5,100 years ago. Proceedings of the National Academy of Sciences; 114(52):13637-42.
https://www.pnas.org/content/114/52/13637

[71] Chunfeng Zhang (2019). On determining the nature of Liangzhu 良渚 symbols. Journal of Chinese Writing Systems;3(2):121-8.
https://www.researchgate.net/publication/332595714_On_determining_the_nature_of_Liangzhu_liangzhu_symbols

[72] Yoshinori Yasuda, 2003, Water Civilization: From Yangtze to Khmer Civilizations. Springer Japan xuất bản.

[73] Li Liu, Xingcan Chen (2012). The archaeology of China: from the late Paleolithic to the early Bronze Age: Cambridge University Press.

[74] Chi Hung 洪曉純 Zhang, Hsiao-Chun (2009). The Neolithic of Southern China–Origin, Development, and Dispersal. Asian Perspectives;47.

[75] Trịnh Hoàng Hiệp, Kết quả nghiên cứu thành Cổ Loa (2007 – 2014), Tạp chí Khoa học Đại học Đà Lạt.

[76] Phương Hòa, Chiếc trống có chữ khắc duy nhất trong thành Cổ Loa.
https://vnexpress.net/chiec-trong-co-chu-khac-duy-nhat-trong-thanh-co-loa-3361963.html

6 bình luận về “502. ☀ Khảo cứu về nền văn hóa Đông Sơn

  1. Bài rất sâu, tổng hợp rộng, tư duy tốt, khách quan, quá hay… sẽ giúp cởi nút được nhiều khúc mắc về lịch sử, về ngôn ngữ – chữ viết của người Việt. Rất thích thú và tự hào con cháu vua Hùng.

    Đã thích bởi 1 người

  2. Bài viết đã bao quát được rất tốt cả về không gian và thời gian một giai đoạn lịch sử còn rất ít người nghiên cứu.

    Đã thích bởi 1 người

  3. Bài viết rất hay. Chân thành cám ơn các tác giả. Lịch sử cội nguồn dân tộc sẽ được phơi bày, dù sớm hay muộn – chắc chắn là như vậy.

    Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.