484. 🌟 Trống đồng và nền văn minh tộc Việt

Những chiếc trống đồng là biểu tượng của văn minh trong thời kỳ đồ đồng tại vùng Đông Á và Đông Nam Á, chúng xuất hiện trên địa bàn rộng lớn khắp phía Nam Đông Á, Việt Nam và Đông Nam Á. Trong thời gian gần đây, chúng đã gây ra sự tranh cãi khá gay gắt về vấn đề nguồn gốc, đặc biệt là giữa các học giả Việt Nam và Trung Quốc trong các thập kỷ cuối của thế kỷ trước. 

Cuộc tranh cãi này dường như sẽ không có hồi kết, bởi các nhà nghiên cứu hai bên tiếp cận vấn đề theo một cách nhìn thiếu sự toàn cảnh. Phía Việt Nam thì tiếp cận vấn đề với quan điểm người Việt chỉ ở miền Bắc Việt Nam, không liên quan tới cộng đồng tộc Việt ở miền Nam Đông Á, còn phía Trung Quốc lại tiếp cận với quan điểm cho rằng miền Hoa Nam là của họ từ xa xưa, tộc Việt cũng như vậy. Trong thực tế, miền Nam Đông Á và miền Bắc Việt Nam xưa kia, là địa bàn sinh sống của cộng đồng tộc Việt được ghi lại trong lịch sử, họ đã cùng nhau tạo ra những chiếc trống đồng, chứ không phải chúng là sở hữu của riêng dân tộc nào. Ở bài viết này, chúng tôi sẽ khái quát về nguồn gốc, ý nghĩa của trống đồng, từ đó đi tìm hiểu tính toàn thể và quyền sở hữu trống đồng chung của cộng đồng tộc Việt, cũng như làm rõ những vấn đề gây hiểu nhầm về trống đồng trong lịch sử.

1. Trống đồng không phải của người Hoa Hạ:

Cuộc tranh cãi của học giả Việt Nam và Trung Hoa có thể nói là một cuộc tranh cãi bất đối xứng, thể hiện phần nào đó sự chồng lấn lịch sử, khi lãnh thổ và dân cư tại vùng phía Nam Đông Á có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt đã bị đồng hoá, tự nhận mình là người Hán. Tuy nhiên trước đó, vào thời kỳ văn hoá trống đồng, họ là những thành viên của cộng đồng tộc Việt, người Hoa Hạ ở vùng phía Bắc Dương Tử không có quan hệ gì với nền văn minh trống đồng của cộng đồng tộc Việt.

Trong cả sử sách lẫn thi ca của mình, người Hoa Hạ chưa bao giờ nhận trống đồng là của mình, mà cho đó là của người Man, tức chủng người Việt phương Nam mà họ gọi một cách miệt thị là man di.

Trong Hậu Hán Thư thế kỷ thứ V, thiên Mã Viện liệt truyện ghi: “Viện hiếu kỵ, thiện biệt danh mã, ư Giao Chỉ đắc Lạc Việt đồng cổ, nãi chú vi thức, hoàn thượng chi”. Tức là “Mã Viện thích ngựa, giỏi phân biệt ngựa hay; tại Giao Chỉ lấy được trống đồng của dân Lạc Việt.”. Mã Viện thu hết trống đồng của người Lạc Việt để đúc ngựa, với mục đích tận diệt văn hóa Việt, nhằm vào vật linh thiêng nhất trong văn hóa của họ: những chiếc trống đồng.

Nhưng Hậu Hán Thư không phải sách ghi lại sớm nhất về trống đồng, sách Shi Ben, được viết từ TK 3 TCN, có đoạn nói về trống đồng, được nhắc lại trong cổ thư khác tên The Tongdian của tác giả Du You. Các sử sách đời sau, kể từ Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều có nhắc đến trống đồng, nhưng thường đi cùng với giọng văn thiếu sự tôn trọng, cho là sản phẩm của giống rợ, giống man di. [1]

Trong thi ca Trung Hoa cũng không ít câu thơ ghi lại về trống đồng, về phong tục của cộng đồng Việt, những câu thơ này đã trực tiếp hay gián tiếp xác nhận rằng những chiếc trống đồng là của người “man”. [2]

Nhà thơ Đỗ Mục đời Đường đã viết như sau:

Đằng các trung xuân ý tịch khai
Thác chi Man cổ ân tình lôi

(Mùa xuân trải chiếu gấm giữa gác Đằng
Qua lá cành, tiếng trống Man hòa trong tiếng sấm)

Tôn Quang Hiếu trong bài “Đền Bồ Tát của người Man”:

Mộc thiên hoa ánh tùng từ tiễn
Việt cầm thanh lý xuân quang liêu
Đồng cổ chỉ Man ca
Nam nhân kỳ trại đa

(Ngôi đền nhỏ trong bụi cây tỏa ánh hoa Mộc thiên
Trong tiếng hót chim Việt thấy ánh sáng ban mai mùa xuân
Trống đồng và bài hát Man
Người Nam cầu cúng nhiều)

Thi ca đã xác nhận về nguồn gốc của những chiếc trống đồng là của cộng đồng Việt mà họ gọi là “dân man di”. Trong thi ca Trung Hoa, còn khá nhiều câu thơ được ghi lại trong không gian vùng Hồ Nam, vùng đất nước Sở chiếm được của người Việt thời kỳ sau này, cũng nhắc tới văn hoá trống đồng ở vùng này.

Đồng cổ tái thần lai
Sở sơn như họa yêu khai

(Tế thần vẳng tiếng trống đồng
Xa xa nước Sở khói lồng như tranh)

(“Hà độc tái thần” – Ôn Đình Quân)

Từ vùng nước Sở (Hồ Bắc, Hồ Nam) phía Bắc, tới miền Bắc Việt Nam, là vùng đất tồn tại của nền văn minh trống đồng, địa giới của nền văn minh Việt cổ. Trong địa bàn rộng lớn đó, nơi nào có dân Việt, nơi đó có văn hóa trống đồng!

Như vậy thông qua sách sử cũng như thi ca của người Hoa Hạ, thì họ đã xác nhận trống đồng là của người “man”, một cách gọi thiếu tôn trọng họ dành cho cộng đồng Việt. Qua những câu thơ của người phương Bắc, trống đồng cũng được thể hiện là một vật thiêng, vật tế lễ của cộng đồng tộc Việt. Chúng ta có thể khẳng định được rằng người Hoa Hạ không có chủ quyền với những chiếc trống đồng được phát hiện tại phía Nam Đông Á, vấn đề chủ quyền trống đồng chỉ là câu chuyện nội bộ giữa những tộc người có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt.

2. Trống đồng là một vật có tính biểu tượng tâm linh và quyền lực:

Trống đồng không phải là một vật được tạo ra ngẫu nhiên, không ẩn chứa giá trị đặc biệt, hay “dụng cụ của thầy tế” như từng bị hiểu nhầm, mà đó là một vật biểu quyền lực, biểu tượng tâm linh, theo như chứng minh của Ernst Loofs-Wissowa. [3][4]

Theo đó, những chiếc trống đồng không thể trao đổi hay buôn bán, mà trống được “ban” cho những thủ lĩnh địa phương tới vùng Phong Châu, miền Bắc Việt Nam để xin trống về [Loofa-Wissowa]. Trống là biểu tượng cho quyền lực tâm linh và chính trị, có trống, các thủ lĩnh địa phương mới có được quyền lực chính thống, được người dân địa phương công nhận làm thủ lĩnh. 

Những chiếc trống đồng Đông Sơn cũng được tìm thấy khắp vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo, bao gồm các quốc gia: Lào, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Malaysia. Các trống được tìm thấy ở các quốc gia này đa phần đều là những chiếc trống loại I Heger có kích cỡ nhỏ hơn, được đem về trực tiếp từ miền Bắc Việt Nam, với hoa văn, chất liệu và kỹ thuật đúc là của nghệ nhân Đông Sơn, các nhà nghiên cứu của các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều công nhận nguồn gốc Đông Sơn của trống tìm thấy tại các vùng này. [5]

Trống đồng xuất hiện trong vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo, là sự lan tỏa và ảnh hưởng trực tiếp từ miền Bắc Việt Nam. Còn đối với khu vực miền Bắc Việt Nam và Nam Trung Hoa, thì trống đồng lại đóng một vị thế và vai trò khác, thể hiện tính thống nhất cũng như văn hoá của cả cộng đồng tộc Việt.

3. Trống đồng là tài sản chung của cộng đồng tộc Việt:

Các cư dân Bách Việt mà cổ sử Trung Hoa đã ghi lại, như chúng tôi đã chứng minh trong bài viết “Bách Việt và cơ sở thống nhất của cộng đồng Bách Việt“, thì họ là một chủng tộc, có chung văn hóa, và tồn tại dưới một quốc gia, chính là quốc gia của các vua Hùng.

Trống đồng là biểu tượng văn hoá, chính trị và tâm linh chung của cả cộng đồng Việt, trống không chỉ được đúc ở miền Bắc Việt Nam, mà còn được đúc ở cả các vùng khác tộc Việt tại phía Nam Đông Á. Những chiếc trống đồng trong toàn vùng tộc Việt có kết cấu, hình dạng hoàn toàn tương đồng, các trống đều cùng một motif hoa văn trang trí chứng tỏ cho tính thống nhất của nền văn hoá trống đồng tộc Việt.

Quyền lực được thể hiện rất rõ trên những chiếc trống đồng, với những chiếc to, đẹp tinh xảo nhất tập trung ở miền Bắc Việt Nam, nơi đây cũng được các nhà khảo cổ cho rằng là nơi tập trung quyền lực [3][4], ở các vùng tộc Việt khác thì trống thường nhỏ hơn, tượng trưng cho quyền lực thấp hơn.

Trống đồng Việt Nam (Sông Đà), Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu. [Nguồn: 1. Bảo tàng Guimet, Pháp, dẫn; 2. Bảo tàng khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, dẫn; 3. Bảo tàng tỉnh Vân Nam, dẫn; Bảo tàng tỉnh Quý Châu, dẫn]

Bên cạnh đó, trống còn là vật biểu trưng tôn giáo, nằm trong hệ “tôn giáo trống” của cộng đồng Việt, đó là tôn giáo thờ Trời, với hoạt động tế trời được tiến hành với sự tham gia của toàn dân, [Pearson và Quaritch-Wales, dẫn lại trong Tạ Đức, tr.253] [3][4], thay vì là quyền lợi dành riêng cho vua và quý tộc như Hoa Bắc.

Bản đồ phân bố trống đồng cũng thể hiện rất rõ nền “văn minh trống đồng” của cộng đồng Việt. Các vùng thuộc lãnh thổ quốc gia Văn Lang đều có sự hiện diện của trống đồng. Vùng Hoa Bắc, Tứ Xuyên là những nơi trống được đem về từ Hoa Nam và miền Bắc Việt Nam.

10b-vmtrng2ng (1)
Bản đồ phân bố trống đồng. [Bản đồ theo Trung Quốc Cổ đại Đồng cổ Nghiên cứu hội, Bắc Kinh, Wenwu Press, 1988. [6]]

Thành phần chất liệu của trống đồng ở Hoa Nam, Việt Nam là gần giống nhau:

Ðồng53%
Thiếc15-16%
Chì17-19%
Sắt4%
Một ít vàng bạc

Trống đồng không chỉ là tài sản của riêng người Việt (Kinh) hay người Hán Hoa Nam, mà là tài sản chung của toàn bộ cộng đồng tộc Việt, hay những nhóm dân cư có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt thời xa xưa. Trống được tạo ra và sử dụng bởi cùng một tộc người, là một biểu trưng cho đặc trưng văn hoá thờ Trời của cộng đồng tộc Việt. Từ cộng đồng này, trống tạo nên ảnh hưởng rộng rãi tới vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo.

4. Trống đồng Đông Sơn trong thời Bắc thuộc: 

Người Việt sau khi thất bại trong cuộc chiến chống xâm lược của người Hán cũng như thất bại trong cuộc khởi nghĩa giành lại độc lập trong thời hai bà Trưng, đã rơi vào vòng lệ thuộc dưới ách đô hộ của người Hán. Sau cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng, Mã Viện đã thu trống của người Lạc Việt để đúc ngựa: 

“Viện hiếu kỵ, thiện biệt danh mã, ư Giao Chỉ đắc Lạc Việt đồng cổ, nãi chú vi thức, hoàn thượng chi”. (Viện thích đi ngựa, giỏi phân biệt ngựa nổi tiếng. Khi ở Giao Chỉ, lấy được trống đồng của người Lạc Việt, bèn đúc thành hình ngựa.) [Hậu Hán Thư, Mã Viện liệt truyện]

Đây là một hành động nhằm mục đích phá hủy văn hóa Việt, bởi trống đồng có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa và tâm linh của người Việt. Tuy vậy trong thời Bắc thuộc, người Việt vẫn tiếp tục duy trì và đúc trống đồng, với dấu tích tìm thấy được tại Luy Lâu, đây là trị sở của chế độ đô hộ nhà Hán thiết lập tại miền Bắc Việt Nam. 

Năm 2014, các chuyên gia Đại học Đông Á (Nhật Bản) cùng với các cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia hợp tác nghiên cứu thành cổ Luy Lâu (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), tại đây, tiến sĩ Nishimura đã tìm thấy những mảnh đúc trống đồng đầu tiên [7]. Tới năm 2015, đã tìm thấy được 900 mảnh đúc trống đồng. [8]

unnamed (96)
Mảnh khuôn đúc trống đồng. [Nguồn: Bảo tàng Bắc Ninh, dẫn]

Đây là bằng chứng quan trọng, chứng tỏ sự duy trì văn hóa dân tộc qua trống đồng của người Việt trong thời kỳ Bắc thuộc, sau đó trống đồng được kế thừa tại thời kỳ độc lập, chính là trống đồng Mường mà các nhà nghiên cứu đã định danh. 

5. Trống đồng Mường, hay hậu duệ của trống đồng Đông Sơn:

Câu hỏi: “tại sao người Việt không kế thừa và sử dụng trống đồng trong giai đoạn hậu thuộc địa gần 1000 năm?”, đã gây ảnh hưởng khá nhiều tới việc nhận định nguồn gốc của trống đồng Đông Sơn, dẫn tới quan điểm cho rằng người Việt không có quyền kế thừa với những chiếc trống đồng Đông Sơn. Thử tìm kiếm, và chúng tôi đã tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi này: người Việt có giữ lại được nền văn hóa trống đồng, và những chiếc trống đồng họ tạo ra cũng đã kế thừa truyền thống Đông Sơn, chính là những chiếc “trống đồng Mường” mà các nhà nghiên cứu gán cho sở hữu của người Mường.

Khởi đầu cho quá trình tìm kiếm sự hiện diện trống đồng trong thời trung đại của người Việt của chúng tôi bắt đầu từ câu thơ được ghi lại trong cuộc tiếp sứ giả nhà Nguyên ở Thăng Long là Trần Phu, tiếng trống đồng vang dội, khiến phái đoàn nhà Nguyên phải run sợ:

“Kim qua ảnh lý đan tâm khổ
Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh”

(Nhác thấy giáo gươm mà lòng run sợ,
nghe tiếng trống đồng chợt bạc trắng đầu).

Điều đó có nghĩa thời kỳ nhà Trần, người Việt vẫn còn sử dụng trống đồng trong đời sống và chiến trận. Nhưng tại sao trong các tài liệu khảo cổ những chiếc trống đồng trong giai đoạn này lại ít được nhắc tới như vậy? Chúng tôi cảm thấy khá kỳ lạ, bởi trống đồng Mường mà các nhà nghiên cứu đã định danh, chính là loại trống được nhắc tới trong sách sử.

Những chiếc trống đồng Mường được xếp vào loại II Heger, có niên đại từ thiên niên kỷ I SCN và kéo dài tới tận thời Lý, Trần, Lê, với những đặc trưng cơ bản: mặt trống chồm ra ngoài thành tang từ 1.5 cm – 3 cm. Chính giữa mặt trống là hình mặt trời có những tia mảnh và nhỏ, ở ven rìa mặt trống thường có các khối tượng cóc, có khi là tượng rùa, tượng voi…

Trống đồng Mường, trưng bày tại bảo tàng cổ vật Hoàng Long. (Ảnh tư liệu cá nhân)

Những chiếc trống đồng II Heger này được kế thừa kỹ thuật đúc và hoa văn từ thời Đông Sơn:

Tính kế thừa được thể hiện trong kỹ thuật đúc trống đồng loại II (như các con kê rải ra ở giữa khuôn trong và khuôn ngoài để định vị cho đồng nóng chảy khỏi phá khuôn). Điều này chứng tỏ chính những người thợ đúc trống Đông Sơn cũng là những người thợ đúc trống loại II.

Chúng ta cũng dễ nhận thấy, sự kế thừa còn thể hiện các mô típ hoa văn trống Đông Sơn trên nhóm trống loại II sớm. Những trống đồng loại II sớm có hoa văn người múa hóa trang, hoa văn hình học Đông Sơn. [9]

Theo các nhà nghiên cứu, thì kinh tế chủ yếu của người Mường là nông nghiệp làm rẫy và trồng lúa nước ở những thung lũng hẹp với dệt vải và làm thổ cẩm, họ không có kỹ thuật luyện kim đúc đồng hoặc làm gốm. Theo GS Hoàng Xuân Chinh, thì người Mường không phải là những người đúc trống đồng, trống của họ là do triều đình phong kiến Việt Nam ban tặng cho các quan lang, quý tộc người Mường. [10]

Quan lang Mường đánh trống và hình ảnh so sánh trống đồng Đông Sơn giai đoạn muộn và trống đồng Đông Sơn ở giai đoạn sớm. [Nguồn: Viện Viễn Đông bác cổ, dẫn: 1, 2]

Như vậy, những chiếc “trống đồng Mường” mà các nhà nghiên cứu khảo cổ Việt Nam định danh, là những chiếc trống đồng kế thừa truyền thống Đông Sơn của người Việt, được người Việt giữ gìn qua thời Bắc thuộc, sau đó được chính quyền quân chủ Việt Nam đúc, và ban tặng cho các quan lang, quý tộc Mường. Chúng ta cần có một cách gọi chính xác hơn cho những chiếc trống đồng này, bởi chúng không phải chỉ là tài sản của người Mường, mà là tài sản chung của nhóm Việt – Mường, mà trực tiếp hơn là chính người Việt.

Sự kế thừa và giữ gìn truyền thống đúc trống đồng thời văn hóa Đông Sơn là bằng chứng chứng tỏ người Việt (Kinh) là những người kế thừa xứng đáng của nền văn hóa Đông Sơn, của nền văn minh trống đồng tộc Việt. Mọi lập luận phủ nhận quyền kế thừa giá trị của văn hóa thời Đông Sơn, của trống đồng với người Việt qua đây đều là không phù hợp.

6. Trống đồng với hoa văn thời nhà Lý: 

Bên cạnh trống đồng Mường với hoa văn kế thừa từ văn hóa Đông Sơn, thì còn có loại trống đồng được đúc với hoa văn đặc trưng thời Lý – Trần. 

Trống đồng Bình Yên được phát hiện tại thôn Bình Yên, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) rất đặc biệt với mặt hoa văn lục lăng, hình rồng uốn khúc thời Lý – Trần, vòng tròn, vân mây, bốn khối tượng rùa quay cùng chiều kim đồng hồ, tang trống được trang trí hoa văn cánh sen [11] [12] [13]. Trống Bình Yên là trống Hegel II còn gọi là trống Mường [12].

Đến thời nhà Trần, thì trống đồng vẫn tiếp tục được sử dụng trong hoạt động của văn hóa cung đình. [14]

duc-trong-dong-de-dang-tien-cac-vi-vua-trieu-ly-tai-den-do
Mặt hoa văn trống đồng thời nhà Lý. [11]

Qua những bằng chứng cụ thể này, chúng ta có thể thấy được tính kế thừa của truyền thống Đông Sơn trong thời tự chủ. Trống đồng tiếp tục được sử dụng trong đời sống của người Việt ít nhất cho tới thời kỳ Lý – Trần, với những chiếc trống đồng Mường được tìm thấy rất phổ biến trong thời kỳ này. 

7. Kết luận:

Trống đồng không phải là tài sản của riêng người Việt (Kinh), và cũng không phải là tài sản riêng của người Nam Trung Hoa ngày nay, mà là tài sản chung của cả cộng đồng tộc Việt và những nhóm dân cư có nguồn gốc từ cộng đồng đó. Đó là biểu trưng của một nền “văn minh trống đồng” một thời rực rỡ khắp vùng Đông Á và Đông Nam Á của chủng tộc Việt.

Sự tranh cãi “chủ quyền” của trống đồng, cũng như nhầm lẫn cho rằng trống đồng là tài sản chung của toàn thể cư dân từ Nam Trung Quốc tới Đông Nam Á là không còn phù hợp. Khởi nguồn từ cộng đồng tộc Việt, trống đồng ảnh hưởng và lan toả ra khắp vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo.

Và người Việt (Kinh) ngày nay, có tính chính thống trong kế thừa di sản trống đồng của cộng đồng Việt cổ xưa, với việc họ là những hậu duệ chính thống nhất, là dân tộc duy nhất còn giữ lại được tên Việt trong tên dân tộc và đất nước. Họ cũng là những người mang trong mình tổng hoà huyết thống, văn hoá, ngôn ngữ của cả cộng đồng Việt, cũng như đã giữ gìn truyền thống trống đồng trong và sau thời Bắc thuộc. Cùng với các dân tộc anh em, người Việt có quyền kế thừa đối với trống đồng, từ sự nhìn nhận này, chúng ta cần có một sự nghiên cứu chuyên sâu, nghiêm túc hơn để hiểu, phục hồi được những giá trị thực sự của trống đồng và của văn hóa Việt trong đời sống ngày nay. 

Lang Linh


Chú thích:

[1] La Hương Lâm, “Bách Việt nguyên lưu dữ văn hóa”, Đài Loan, Trung Hoa thư cục xuất bản, 1955, trg 128 – 136 đề cập đến Hậu Hán thư, Quảng Châu ký, Tấn thư, Thái Bình Ngự lãm, Tùy thư, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tống sử, Minh sử, Hoán Vũ ký, Thục Trung Quảng ký, Lão Học Am bút ký, Kiềm Miêu đồ thuyết, Đồng Khê tiềm chí, Quế Hải Ngu Hành chí, Chí Lãm, Lãnh Biểu lục dị, Lĩnh Biểu kỷ nam, Lĩnh Ngoại đại đáp, Dũng Chàng tiểu phẩm.

[2] Các bài thơ được trích dẫn lại từ bài viết: Trống đồng Đông Sơn của tác giả Cung Đình Thanh, đăng trong tập san Tư Tưởng số 18. 

[3] Loofs-Wissowa H (1991). Dongson drums: instruments of Shamanism or regalia?. Arts asiatiques, p.39-49. Doi: 10.3406/arasi.1991.1300
https://www.researchgate.net/publication/250235416_Dongson_Drums_Instruments_of_Shamanism_or_Regalia

[4] Higham C (2014). Early mainland Southeast Asia: from first humans to Angkor. River Books, p.200.

[5] Adnan Jusoh, Zuliskandar Bin Ramli, Abdul Rahman, Bronze Drum in Selangor (Malaysia): The Motif and Significance from Archaeological Perspective
https://www.researchgate.net/publication/289922841_Bronze_Drum_in_Selangor_Malaysia_The_Motif_and_Significance_from_Archaeological_Perspective

[6] Han Xiaorong, The present Echoes of the Ancient Bronze Drum: Nationalism and Archeology in Modern Vietnam and China, Explorations in Southeast Asian Studies, Vol. 2, No. 2, Fall 1998, Hawaii University

[7]  Báo điện tử Nhân Dân, Ngữ Thiên, Phát hiện mảnh đúc khuôn trống đồng ở Luy Lâu.
https://nhandan.com.vn/di-san/phat-hien-manh-khuon-duc-trong-dong-o-luy-lau-221840/

[8] Báo điện tử Nhân Dân, Hạnh Nguyên, Thành nội tại Luy Lâu – Những dấu vết đứt đoạn đang được kết nối.
https://nhandan.com.vn/di-san/thanh-noi-tai-luy-lau-nhung-dau-vet-dut-doan-dang-duoc-ket-noi-255680/

[9] Trình Năng Chung, Nguyễn Giang Hải, Văn hóa Đông Sơn 10 thế kỷ đầu Công nguyên.
http://tapchikhxh.vass.gov.vn/van-hoa-dong-son-10-the-ky-dau-cong-nguyen–n50125.html

[10] Hoàng Xuân Chinh. Đồ đồng văn hóa Đông Sơn. NXB Văn Hóa – Thông Tin; 2012.

[11] Thu Trang. Dấu tích thời Lý trên đất Thanh Hóa qua những cổ vật. Báo văn hóa và đời sống.
https://vanhoadoisong.vn/web/trang-chu/chuyen-muc-khac/990-nam-danh-xung-thanh-hoa/dau-tich-thoi-ly-tren-dat-thanh-hoa-qua-nhung-co-vat.html

[12] Trịnh Sinh. Xứ Thanh với trống đồng. Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.
http://baotang.thanhhoa.gov.vn/portal/pages/print.aspx?p=4003

[13] Báo điện tử Dân trí. Đúc trống đồng để dâng tiến các vị vua triều Lý tại đền Đô.
https://dantri.com.vn/van-hoa/duc-trong-dong-de-dang-tien-cac-vi-vua-trieu-ly-tai-den-do-20160422161138749.htm

[14] Đinh Phương Châm. Đồ đồng Việt Nam từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19. Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam.
http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3101/18352/djo-djong-viet-nam-tu-the-ky-11-djen-the-ky-19.html

1 bình luận về “484. 🌟 Trống đồng và nền văn minh tộc Việt

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.