Nếu chúng ta thừa nhận rằng:
– Mê tín phát triển thành Tín ngưỡng – Tín ngưỡng phát triển thành Tôn giáo – Tôn giáo phát triển thành Triết học (tức đỉnh cao của tư tưởng).
Thì ở chiều hướng suy thoái:
– Triết học suy thoái thành Tôn giáo – Tôn giáo suy thoái thành Tín ngưỡng – Tín ngưỡng suy thoái thành Mê tín.
Do bị ngoại xâm thống trị triền miên mà tư tưởng căn bản của Việt Nam, bề ngoài đã bị suy thoái từ triết học xuống mê tín, nhưng vẫn tiềm tàng bên trong những triết lý cao siêu một thời.
Thời Pháp thuộc, chúng ta tận mắt chứng kiến thực dân Pháp đánh phá các tư tưởng khác biệt, các tôn giáo, các tín ngưỡng dân gian… ác liệt và thâm độc ra sao… thì chúng ta có thể mường tượng xưa kia tư tưởng Việt Nam đã bị các triết lý, các tôn giáo ngoại nhập… đánh phá dữ dội như thế nào!
Sự đánh phá này, ngoài việc cấm đoán trong đời sống, còn là những trang viết xuyên tạc của các trí thức do quá say mê với kiến thức mới, mà vô tình hay cố ý đã không chịu tìm hiểu, nhận định và viết đúng về dòng sông tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng của dân tộc Việt.
Cụ thể như trong cuốn “Tín ngưỡng Việt Nam” của Toan Ánh, trong tiết mục viết về “Tôn Giáo” nơi trang 1 của quyển Thượng, đã chủ quan và hẹp hòi khi cho rằng: “Dân Việt Nam thờ cúng tổ tiên, nhưng việc thờ phụng tổ tiên không thể kể là một tôn giáo được, vì không có giáo chủ cũng như không có giáo điều”.
Với những kiểu cai trị khắc nghiệt như thời phong kiến, hay dưới sự thống trị của Trung Hoa ngày xưa thì làm sao giáo chủ nào có thể đứng vững, giáo điều nào có thể tồn tại?!
Cho nên trải qua hàng ngàn năm bị phương Bắc cai trị, tìm mọi cách đồng hóa; khi có chủ quyền dưới thời buổi đầu như các triều Lý, Trần, Lê… thì lại bị các triều đình tôn sùng Phật giáo, Khổng giáo… coi như “quốc giáo” mà tìm cách phát huy theo kiểu độc tôn; đời sống tâm linh của người dân Việt đã phải co cụm, ẩn náu dưới nhiều hình thức khác nhau để tồn tại.
Việc Thiên Chúa giáo ngày nay, tuy chỉ là một tôn giáo chưa chiếm được đại đa số trong dân chúng như ở Pháp… mà vẫn được một số đáng kể sách vở, báo chí… mệnh danh là “Công giáo” là một thí dụ cụ thể về sự “lạm dụng” danh nghĩa của một số trí thức Thiên Chúa giáo buổi đầu, rất đáng phàn nàn?!
Nếu giới trí thức Việt Nam hiện nay đã cuồng si tư tưởng Tây phương mà phủ nhận hết những giá trị khác, thì các trí thức chịu ảnh hưởng Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo… trước đây cũng đã hành động không khác bao nhiêu?!
Thế nên “tôn giáo” Thờ Cúng Tổ Tiên trong gia đình, thờ cúng Địa Linh Nhân Kiệt ngoài đình chung, đã hội đủ các lễ nghi và tư tưởng, được phổ biến mạnh mẽ đến độ không cần đến các giáo chủ và giáo điều mang tính thế tục bình thường?
Ngay như ý kiến của Ông Toan Ánh cho rằng đạo Thờ Cúng Tổ Tiên trong gia đình và Thờ Phượng Địa Linh Nhân Kiệt nơi đình chung không có giáo điều là một nhận định hời hợt không đúng, vì:
- Giáo điều của lễ nghi Thờ Cúng Tổ Tiên chính là những bài khấn có nội dung nhắc lại công ơn người đã khuất, dâng lên lời con cháu nguyện noi theo. Rồi thì những cuốn Gia Phả luôn nêu ra những điều về nhân nghĩa… há chẳng phải là những giáo điều sao?
- Giáo điều của những lễ nghi Thờ Phượng Địa Linh Nhân Kiệt hiện nay còn tồn tại qua các bài chầu văn, các “hèm”…
có nội dung ca ngợi các thắng tích (địa linh) và các công lao của các vị anh hùng liệt nữ (nhân kiệt) được thờ phượng. Rồi các cuốn Thần Phả với sắc phong của nhiều đời vua khác nhau, xếp hạng các vị thần thành Nhất Đẳng Thần, Nhị Đẳng Thần, Tam Đẳng Thần… chẳng là một hệ thống phẩm trật của một tôn giáo sao?
Còn “giáo chủ” thì như trên đã nói, làm sao có thể tồn tại khi đất nước bị cả ngoại xâm lẫn triều đình tìm cách độc tôn tư tưởng, đồng hóa các phương diện để thống trị?!
Điều quan trọng là mặc dù không có giáo chủ, nhưng các lễ nghi thờ phượng vẫn đồng nhất và thống nhất được với nhau từ đời này qua đời khác, thì vấn đề giáo chủ có còn trở nên quan trọng nữa hay không?
Nếu nhìn bằng một nhãn quan sâu xa, chúng ta sẽ thấy các vị vua khi sắc phong các vị Thần Thành Hoàng, tới thăm viếng đề thơ ca ngợi các chốn thờ Địa Linh Nhân Kiệt… ngoài hình thức thừa nhận, còn mang vẻ của một “giáo chủ” dưới những góc cạnh bán chính thức nào đó?
Nhìn vào các câu chuyện cổ tích Việt Nam, chúng ta thấy ngay cả những câu chuyện từ đời Hùng Vương, trước khi có Phật giáo cả ngàn năm, vậy mà cũng thấy Bụt xuất hiện. Điều này chứng tỏ khi Phật giáo thịnh hành đời Lý, thời kỳ văn học đầu tiên của Việt Nam, các trí thức đương thời đã tìm mọi cách đề cao Phật giáo, mà đưa cả Bụt vào những thời điểm Phật giáo chưa ra đời?
Rồi thời Khổng giáo thịnh hành thì cái gì cũng “Khổng Tử viết”, thi cử lấy Tứ Thư Ngũ Kinh làm căn bản… Thời Pháp thuộc thì các tư tưởng của các triết gia Tây phương được hâm mộ…
Do vậy mà muốn tìm hiểu sự hình thành của Tư Tưởng
Việt Nam, chúng ta chẳng thể căn cứ theo các sách vở do các nhà trí thức đương thời viết, mà cần phải căn cứ vào những gì được lưu truyền, tồn tại bền vững trong dân gian, chưa bị biến dạng đáng kể?
Cụ thể chúng ta có thể tìm hiểu, nghiên cứu Tư Tưởng Việt Nam qua:
- Các chứng tích như các hình tượng trên các trống đồng, cổ vật…
- Các ý nghĩa đích thực tiềm tàng trong các câu chuyện cổ tích, ca dao, tục ngữ…
- Các đình đền, nghi lễ của các “đạo nội”…
- Đặc biệt nhất là các món ăn đã được lưu truyền cùng những ý nghĩa thâm sâu qua bao thế hệ, thể hiện một quan niệm rất độc đáo về “ĐẠO” của người Việt từ xa xưa: Có thực mới vực được đạo.
Chúng tôi xin tạm theo dàn ý trên, nêu một số ý kiến về căn bản Tư Tưởng Việt Nam:
1 – TƯ TƯỞNG VIỆT QUA CHỨNG TÍCH CỔ
Cho đến nay, những chiếc trống đồng đào được ở nhiều nơi khác nhau tại Việt Nam, đã được các nhà khảo cổ học xác định là thuộc vào thời kỹ Hùng Vương, khoảng 2000 năm trước Tây lịch, khi chưa có nền văn hóa ngoại lai nào xâm nhập.
Nhà khảo cổ O. R. T. Janse sau khi nghiên cứu về các cổ vật
Việt Nam, đã nhận định:
“Vào lúc chúng tôi khởi sự tìm kiếm, văn minh Việt Nam còn bị người ta xem như là một hình thức địa phương của văn minh Trung quốc. Tuy nhiên, những công cuộc khai quật cổ học cho ta thấy trái lại, văn minh Việt Nam có một bản sắc riêng biệt”.
Cho đến nay, những họa tiết trên các trống đồng, các di vật và di tích cổ vẫn chưa được các chuyên gia có trình độ, nghiên cứu giải mã một cách đứng đắn, trung thực!
Một khi chưa hiểu được những ý nghĩa của các bức họa và các họa tiết trên trống đồng, thì làm sao có thể nói và viết về cội nguồn tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt.
Còn gì buồn cho bằng cho đến gần đây, ngay Linh mục Kim Định cũng cho rằng con Rồng của Việt Nam là biến thái của con cá sấu; khi Ngài căn cứ vào một họa hình trên trống đồng có con cá sấu lớn phía dưới, mà không nhìn tới hình ảnh của hai con vật rất giống với hai loài khủng long ở trên.
Những cuộc khai phá gần đây ở vùng Hoa Nam, nơi xưa kia người Việt từng sinh sống, có rất nhiều bộ xương của loài khủng long… là những chứng tích về xuất xứ của con Rồng Việt Nam?
2 – TƯ TƯỞNG VIỆT NAM QUA CỔ TÍCH, TỤC NGỮ, CA DAO
Gần đây đã có một số vị hệ thống hóa được một số câu chuyện cổ tích của Việt Nam để hình dung ra một hệ thống tư tưởng có mạch lạc, mang những ý nghĩa cao siêu, có thể hình thành hẳn một nền triết lý uyên bác mà thực dụng qua những vũ trụ quan và nhân sinh quan tiềm tàng trong mỗi cổ tích, thần thoại, tục ngữ, ca dao.
Trong tạp chí Pháp Âm số tháng 1/2001, xuất bản ở Montréal – Canada, trong bài viết của tác giả Tâm Tràng Ngô Trọng Anh, có tựa đề là “Truyền thống dung hóa của dân tộc Việt và Đạo Phật”, phần E, có dẫn một đoạn trong bài viết của Luật Sư Cung Đình Thanh như sau:
“Học giả Cung Đình Thanh trong khi chờ đợi sự đóng góp thêm của chư học giả bốn phương, tạm thời phác họa trong Tập san Tư Tưởng số 8 tháng 6/2000 (trang 5, 6) một đoạn gồm năm tư tưởng dân tộc căn bản mà tôi xin tóm lược như sau:
– Tư tưởng bình đẳng ví dụ như bình đẳng bẩm sinh (Rồng Tiên, 100 trứng Âu Cơ), bình đẳng hôn nhân (trong lựa chọn: Sơn Tinh Thủy Tinh, trong đời sống: Chử Đồng Tử).
– Tư tưởng đề cao gia đình vợ chồng, anh em (Trầu Cau), cha con (Chử Đồng Tử), tình thị tộc (Hồng Bàng thị) và quốc gia.
– Tư tưởng đề cao tinh thần dựng nước, giữ nước (Thánh Gióng), dựng nước (Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh), quản trị đất nước (Bánh Chưng, Bánh Dầy), đề phòng mất nước (Rùa Thần, Mỵ Châu – Trọng Thủy) được đưa thành đạo sống hiện tiền.
– Tư tưởng chết chưa là hết, đề cao đời sau hay dở tùy cái nhân đời trước (Chử Đồng Tử, Quả Dưa Đỏ).
– Tư tưởng Đạo Ba (Thiên Địa Nhân, Trầu Cau Vôi), đặt người ngang hàng với Trời Đất (Bánh Chưng, Bánh Dầy), đi đến quan niệm Vạn Vật Đồng Nhất Thể (hai Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục và Kim Định thích món này lắm)”.
Những nhận định nêu trên mới chỉ là những phác thảo thô sơ về tư tưởng Việt Nam. Tuy vậy cũng hiện ra những cốt cách của một nền triết lý cao siêu, bao hàm nhiều tư tưởng uẩn áo.
Chỉ tiếc là trải qua bao nhiêu thế kỷ, giới trí thức Việt Nam có thể do bị quản chế bởi các chế độ tư tưởng” đương thời hoặc tinh thần tha hóa quá cao, mà không thấy có ai chịu tập họp đồng bạn, san định hình thành những loại sách kinh điển, như kiểu Khổng Tử, Mạnh Tử… san định Tứ Thư – Ngũ Kinh bên Trung Hoa?
Bên những câu chuyện cổ tích, huyền thoại, còn là những câu tục ngữ và những bài ca dao chứa đựng nhiều tư tưởng sống, tâm lý sống, tình cảm sống có những sắc thái riêng của giới bình dân Việt, không hề bị tha hóa như hầu hết thơ văn của giới trí thức của các nền văn học chữ Nôm, chữ Hán, chữ Quốc ngữ…
Tuy nhiên những tác phẩm thơ, văn, âm nhạc mới mang được tinh thần dân tộc, cũng cần được sưu tầm, san định để hình thành một cuốn “Việt Thư”.
Tinh thần của cuốn Việt Thư cần được viết sao cho các tôn giáo đều có thể dùng để bổ túc thêm vào những bài giảng, các bậc phụ huynh có thể dùng đọc cho các trẻ em lứa tuổi nhi đồng nghe, như một kiểu kể chuyện cổ tích xa xưa, nhưng có thêm những dẫn giải… nhằm tạo được những ý thức và tình tự dân tộc.
Cụ thể như:
- Khi giảng về tình vợ chồng, nghĩa anh em, có thể dùng sự tích Trầu Cau.
- Khi giảng về tình vợ chồng, ý chí tự lập tự cường, có thể dùng sự tích Quả Dưa Đỏ.
- Khi giảng về tình quê hương, có thể dùng sự tích Từ Thức.
3 – TƯ TƯỞNG VIỆT NAM QUA CÁC SỰ THỜ PHƯỢNG
Bấy nay chúng ta thường thấy các vị học giả viết về “Các ảnh hưởng của Tam Giáo vào văn hóa Việt”, mà không thấy mấy ai đặt vấn đề ngược lại là “Ảnh hưởng của văn hóa Việt vào Tam Giáo”?
Chỉ cần đặt ngược lại vấn đề là chúng ta thấy vấn đề bấy nay đã bị quan niệm một chiều theo hướng sai trái, làm mất đi các đặc tính Việt mà chúng ta thấy thể hiện rất nhiều và rất rõ qua sự thể hiện của các tôn giáo ngoại lai xưa và nay.
Cụ thể như Phật Giáo, đã được chúng ta chuyển hóa dưới đời Nhà Lý qua môn phái Thiền Trúc Lâm, và ở tiền bán thế kỷ XX, qua Phật Giáo Hòa Hảo của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Hai lần này, Đạo Phật đều được đưa vào đời sống chính trị, nêu cao trách nhiệm với Quốc Gia và Dân Tộc.
Ca dao Việt Nam có một câu nói về sự tu hành rất cao đạo là:
Thứ nhất là tu tại gia,
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.
Câu này một phần nào cho thấy sự khó khăn của những người “tu tại gia” khi phải náu mình ẩn tránh những lúc đạo pháp bị cấm đoán?
Việc 25 năm qua, Tin Lành giáo tại Việt Nam phải tổ chức những buổi nghi lễ tại gia, do bị bạo quyền VC cấm đoán, bắt bớ, tù đầy… là một bằng chứng cụ thể nhỡn tiền, cho chúng ta thấy được phần nào hình cảnh của sự sinh hoạt của các “Đạo Nội” khi xưa?
Điều đáng buồn nhất là vấn đề thờ Địa Linh Nhân Kiệt được thể hiện trong các đền thờ Mẫu, qua những lễ nghi hầu đồng, luôn bị các giới trí thức xưa nay không chịu nghiên cứu tìm hiểu, để mắc lầm lẫn tai hại khi châm biếm vô ý thức. Nhà thơ Tú Xương của nền văn học chữ Nôm, làm thơ mai mỉa:
Đồng giỏi sao đồng không giúp nước,
Hay là đồng sợ súng thần công?
Nhà thơ Tú Mỡ của nền văn học chữ Quốc ngữ, cũng làm thơ châm biếm:
A ha đồng hứng đồng chơi,
Đồng bắn súng lục, đồng bơi thuyền rồng…
Chúng tôi thiết nghĩ nếu chúng ta được tham dự một buổi hầu đồng đúng nghĩa, nghe nội dung các bản hát chầu văn ca ngợi vẻ đẹp của núi sông, những sự tích hào hùng chống xâm lăng của các bậc anh hùng liệt nữ Việt, chúng ta sẽ không khỏi bồi hồi xúc cảm mà thấy từ xưa người Việt đã biết đưa các nội dung tư tưởng, tình cảm ái quốc vào các bài hát trong các nghi lễ tôn giáo rất phong phú và có chiều sâu không ngờ.
Vừa qua, chúng tôi có dịp được đến dự một buổi lễ kỷ niệm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ của Phật Giáo Hòa Hảo bị hại ở Melbourne. Chúng tôi tận mắt được xem các nghi lễ giản dị nhưng không kém phần trang trọng, thể hiện tinh thần đạo nhập thế rất mực. Phần diễn các bài thơ của Đức Huỳnh Giáo Chủ, được coi như phần hoằng dương đạo pháp của Phật Giáo Hòa Hảo, cho thấy Đức Huỳnh Giáo Chủ đã biết đề cao tính thích ca ngâm của người bình dân Việt, lấy đó làm phương pháp truyền đạo hữu hiệu. Vì cách nay nửa thế kỷ, người Việt bình dân ít người biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ, nên dùng thi ca diễn ngâm sẽ dễ nhớ, dễ nhập tâm mọi người.
Trong việc thờ Địa Linh Nhân Kiệt, trọng tâm là những “hèm”, tức là việc diễn lại sự tích của các bậc anh hùng liệt nữ, làm sống lại những tư tưởng, tình cảm yêu nước thương nòi để phát huy tình tự dân tộc.
4 – TƯ TƯỞNG VIỆT QUA VIỆC ĂN UỐNG
Có thể nói dân tộc Việt đã đưa được nhiều nội dung về tư tưởng, tình cảm vào một số món ăn truyền thống, để phát huy tinh thần dân tộc về các phương diện gia đình, xã hội, quốc gia, y học, luân lý:
Về ý nghĩa đạo lý:
- Món Bánh Chưng Bánh Dầy là một món ăn gắn liền với câu chuyện Lang Liêu, thể hiện sự sáng suốt và công bình trong việc chọn hiền tài.
- Món Trầu Cau gắn liền với câu chuyện anh em họ Cao, thể hiện sự gắn bó cần thiết giữa tình vợ chồng, nghĩa anh em.
- Món Bánh Trôi Bánh Chay với câu chuyện Một Mẹ Trăm Con, thể hiện tình đoàn kết dân tộc.
- Món Bánh Phu Thê với câu chuyện của Ỷ Lan Phu Nhân, thể hiện tình vợ chồng thắm thiết, hướng thượng, “cùng nhìn về một phía “ giang sơn, tổ quốc; thay vì chỉ nghĩ đến hạnh phúc riêng tư.
Những tập quán mời chào, lối ngồi, cách gắp thức ăn… thể hiện một nền luân lý gia đình theo trật tự, trên dưới, trước sau, trong ngoài… rất qui củ, được nhắc nhở:
Ăn trông nồi, ngồi trông hướng
Tiếng chào cao hơn mâm cỗ
Về ý nghĩa triết học:
Các món ăn Việt thể hiện mầu sắc của ngũ hành, thi vị của ngũ vị, bao hàm tư tưởng Âm + Dương = Hòa.
Hai câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
thể hiện việc ăn uống bình dị, mùa nào thức ấy, không cầu kỳ.
Về ý nghĩa y học:
Người Việt luôn dùng các loại rau thơm, có nhiều tính chất y lý, ăn kèm với các món ăn trong bữa ăn, để giúp cho sự tiêu hóa được dễ dàng, ngăn ngừa được các loại bệnh về ẩm thực:
- Rau răm được dùng ăn kèm với những loại thực phẩm khó tiêu như hột vịt lộn, thịt bò.
- Gừng, riềng nhiều nhiệt tính, được ăn kèm với các loại thực phẩm nhiều hàn tính, hoặc để kho với cá…
Một bài ca dao dậy cách ăn uống kèm với các thứ rau cỏ điển hình:
Con gà cục tác lá chanh,
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi.
Con chó khóc đứng khóc ngồi:
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.
Về ý nghĩa giao tế:
Người Việt coi việc ăn uống là tiên khởi của việc giao tế:
Miếng trầu là đầu câu chuyện
Miếng trầu ăn nặng bằng chì,
Ăn rồi em biết lấy gì đền ơn.
Nguyễn Khuyến đã nhận thấy việc ăn uống giao tế dần dần trở nên nặng nề, kiểu như:
Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp
Nên đã làm bài thơ tiếp bạn:
Chẳng mấy khi bác tới chơi nhà,
Trẻ thì đi vắng, chợ thì xa.
Ao sâu nước cả khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà.
Cải mới ra hoa, cà chưa nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta.
NHẬN ĐỊNH
Bấy nay trí thức Việt đã chịu ảnh hưởng văn hóa ngoại lai trầm trọng, biến thành tư tưởng vọng ngoại quá đỗi về nhiều phương diện, mà quên đi những tinh hoa vượt bực của cội nguồn dân tộc. Do vậy việc phục hồi truyền thống tư tưởng Việt Nam cần được dựa trên nền tảng văn hóa Việt Nam để soi rọi vào các nền văn hóa ngoại lai, thay vì dùng các nền văn hóa ngoại lai soi rọi vào nền văn hóa cổ truyền của dân tộc, vốn bấy nay đã bị giới trí thức vọng ngoại vùi lấp làm cho mai một khá nhiều.
Hai chiều hướng khác nhau khi nghiên cứu tìm hiểu, luôn đem lại những kết quả khác nhau, nên cần lưu tâm chọn phương pháp đứng đắn, trung thực mới có thể phát huy được truyền thống dân tộc, không bị tha hóa.
Muốn phục hưng tư tưởng Việt Nam hữu hiệu, có thể truyền bá sâu rộng và lâu dài, thiết tưởng không gì bằng các nhà trí thức Việt hợp sức san định các sự tích cổ của người Việt thành một cuốn như Thánh Kinh của Thiên Chúa Giáo, Kinh Thư của Nho Giáo… để các tôn giáo, trường học, các phụ huynh… cũng có thể sử dụng để diễn giảng trong nhiều dịp khác nhau, nuôi dưỡng tình tự dân tộc trong mọi tầng lớp, mọi thế hệ nhân quần Việt Nam.
NGUYỄN XUÂN KHOAN
Tập san Tư Tưởng
Tranh minh họa: Tôn Bùi.