1. Vài lời nói dạo
Quả là để chọn ra một trống đồng báu vật quốc gia thứ hai, sau Ngọc Lũ, thì trong số mấy chục chiếc trống Đông Sơn tàng trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thì chiếc trống mang tên Hoàng Hạ là xứng đáng nhất.
Thứ nhất, trống Hoàng Hạ thuộc loại trống Đông Sơn sớm, có lẽ xuất hiện trong khoảng thế kỷ 3 trước Công nguyên, khi mà thăng hoa nghệ thuật đồ họa của nghệ nhân Đông Sơn đạt đến đỉnh cao nhất, cả trong mỹ thuật tạo hình lẫn mỹ thuật trang trí hình học. Cùng với lớp tác phẩm đồ đồng còn ghi nhận dấu ấn thăng hoa Đông Sơn này, ngoài trống Ngọc Lũ, chúng ta còn thấy đồng phong cách thăng hoa Ngọc Lũ ở trên trống Hoàng Hạ1, trống Khai Hóa (nay ở bảo tàng Wien, thủ đô nước Áo), thạp Hợp Minh (Bảo tàng Yên Bái). Muộn hơn một chút là ở trống Cổ Loa (Bảo tàng Hà Nội), trống Sông Đà (còn có tên là trống Moulie, hiện ở Bảo tàng Guimet, Paris, Pháp), trống Miếu Môn, thạp Đào Thịnh, thạp Nam Việt Vương Triệu Mạt (Quảng Châu, Trung Quốc), thạp Triệu Đà (bảo tàng Barbier-Mueller, Geneva, Thụy Sĩ), thạp Xuân Lập (Bảo tàng Thanh Hóa)… Trong quá trình làm việc với một số sưu tập tư nhân, tôi nhận thấy danh sách này còn khá dài. Nhiều đồ đồng Đông Sơn quý hiện tồn cả trong các sưu tập tư nhân trong và ngoài nước.

Thứ hai, trống Hoàng Hạ tuy nứt vỡ ở phần mặt trống, nhưng cơ bản vẫn được các nhà nghiên cứu xếp vào diện “lành lặn”, “toàn vẹn”, tức không mất mảng nào. Kích thước và độ lớn của trống Hoàng Hạ gần tương đương với Ngọc Lũ (mặt rộng 79cm, cao 61,5cm). Tuy nhiên, nó không phải là một “nhại bản” của Ngọc Lũ, mà thuộc một bàn tay nghệ nhân khác “cùng lò” Ngọc Lũ tạo ra. Có nghĩa rằng xem xét nghệ thuật trang trí trên trống Hoàng Hạ ta thấy phảng phất phong cách Ngọc Lũ, nhưng có rất nhiều chi tiết khác Ngọc Lũ, tới mức có thể nhận ra một tài năng của nghệ nhân khác với người nghệ sĩ đã tạo ra Ngọc Lũ. Đây chính là điều lý thú nhất, khi phát hiện ra “cái cá thể” trong một “quần thể” nghệ thuật trang trí đồ đông Đông Sơn. Mỗi khi bắt gặp hiện tượng này tôi lại nhớ đến bài học vỡ lòng khi ngồi trên ghế Đại học mà Giáo Sư Trần Quốc Vượng đã gợi mở: Như năm ngón tay trên một bàn tay, người nguyên thủy trong văn hóa Hòa Bình từ hàng vạn năm trước cũng có người khéo tay và người vụng về. Nếu biết quan sát, ta sẽ nhận ra sản phẩm của những người khéo tay và người vụng về đó trên các nhát đẽo còn lại ở công cụ đá cuội của họ. Với cách tư duy như vậy, ta sẽ thấy được ít nhất hai cá thể nghệ nhân trong một phong cách Ngọc Lũ. Ví dụ, khác biệt nhận ra ở lối ưỡn người nhiều hơn khi khắc họa người nhảy múa. Ở Hoàng Hạ, nghệ nhân đã tạo hình người hóa trang có phần tóc sau bay hơn và dường như cố tình để người nhảy múa “say xỉn” hơn so với ở Ngọc Lũ. Do lý do nào đó, vành trang trí hươu cùng các loài chim nhỏ đứng ở vành chim bay mỏ dài cũng vắng mặt ở Hoàng Hạ. Bù lại, nghệ nhân để lại một băng “ký hiệu” riêng của mình, gồm những đường tròn đồng tâm có cánh, cùng những đường nối tiếp tuyến biến thể thành một kiểu hoa văn “hình chữ S nằm bay”. Nhờ băng này, chúng ta có thể nhận ra một loạt sản phẩm cùng một “tiểu lò” khác, như thạp Vạn Thắng (Bảo tàng tỉnh Phú Thọ) chẳng hạn.
Nhân đây cũng xin nói thêm rằng có một dòng Đông Sơn miền núi cũng cùng nhịp thăng hoa với các nghệ nhân “lò Ngọc Lũ”, tạo ra những tác phẩm Đông Sơn “Âu Cơ” rất độc đáo, mà trong đó chiếc trống trong sưu tập của Mai Xuân Trường đã từng trưng bày ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam một thời, có thể coi như một bảo vật sánh ngang Ngọc Lũ, Hoàng Hạ. Dòng nghệ thuật Đông Sơn này còn những kiệt tác trống đồng hiện trưng bày ở các Bảo tàng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Viên Chăn (Lào) và Nông Pênh (Cam Pu Chia). Những chiếc trống Việt Nam khác như Quảng Chính (Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh) và Lào Cai (Bảo tàng tỉnh Lào Cai)… cùng thuộc dòng này nhưng của những thế hệ muộn hơn một chút. Tất nhiên tôi sẽ dừng ở đây bởi nếu không sẽ bị sa đà vào “ma trận” Đông Sơn mà làm lệch “chủ đề Hoàng Hạ”.



2. Phát hiện và bảo tồn trống đồng Hoàng Hạ
Cũng giống như trống Ngọc Lũ, trống Hoàng Hạ được phát hiện ngẫu nhiên trong quá trình khai đào kênh mương ngày 17-3-1937 của nông dân thôn Nội, làng Hoàng Hạ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông cũ (nay thuộc Hà Nội). Tuy nhiên, thời điểm phát hiện trống Ngọc Lũ cũng như trống sông Đà (Moulie) diễn ra còn sớm hơn trống Hoàng Hạ gần nửa thế kỷ trước đó. Chính vì vậy, ngay khi hay tin phát hiện, giới khảo cổ học Pháp ở trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) tại Hà Nội đã lập tức vào cuộc. Trong số tập san của cơ quan này xuất bản cùng năm 1937 đã có ngay bản tin thông báo phát hiện (BEFEO, 1937, tr.607). Khi đó, bài báo đã ghi tên nơi phát hiện là “cánh đồng gần làng Văn Trai”. Và không lâu sau đó, chiếc trống đã được đưa về lưu tại Bảo tàng Luise Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia). Một chuyên gia nổi tiếng của EFEO khi đó là Victor Goloubew đã dành thời gian đi sâu khảo cứu chiếc trống này và đã có một chuyên khảo riêng về trống Hoàng Hạ2.
Ngay khi phát hiện, trống Hoàng Hạ đã bị dập đứt phần rìa nối giữa mặt với tang trống. Đây là lỗi kỹ thuật phổ biến của quá trình khai quật trống nói chung, đặc biệt thường xảy ra đối với trống Đông Sơn và điều kiện khai quật không chuyên nghiệp. Lý do là do đa phần khi chôn, trống đồng được để ngửa làm vật đựng đồ tùy táng mang theo người chết. Quá trình chôn trong đất ẩm sẽ làm gỉ và “mềm” kim loại. Sức nén bề mặt đất từ bên trên không đều giữa phần thân dựng đứng và phần mặt nằm nganh, thường dẫn đến nứt, đứt phần tiếp nối giữa thân và mặt. Như vậy, về tính bảo tồn nguyên vẹn thì đây là một điểm yếu của bảo vật, ngay cả khi nó được đem ra đấu giá chính thức. Tuy nhiên, các chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng như Hội đồng Di sản đã nghiêng về “giá trị văn hóa”, “giá trị thông tin”, khả năng “lan tỏa” của trống hơn là giá trị “vẹn toàn”, “kinh tế” của bảo vật khi quyết định chọn trống Hoàng Hạ làm Bảo vật Quốc gia. Đây cũng là cách đánh giá bảo vật của đa số các nhà nghiên cứu khoa học.
3. Thợ đúc và nội dung hoa văn trên bảo vật
Như đã thấy ở phần trên, do bị dập vỡ phần rìa mặt trống nên xét về “giá trị vẹn toàn” thì trống Hoàng Hạ có phần nào bị “mất điểm”, nhưng bù lại, nghệ thuật trang trí và “giá trị thông tin” mà di vật lưu giữ được lại tỏ rõ sự vượt trội của nó.
Ta hãy hình dung chiếc trống trong tình trạng nguyên vẹn trước khi đem chôn. Đó đúng là một báu vật đáng tự hào của một thủ lĩnh cộng đồng Đông Sơn ở vùng thượng Chu Diên sau này, nơi sản sinh dòng họ Thi, lạc hầu thông gia với lạc tướng Mê linh. Nơi phát tích của các chi họ Triệu hùng mạnh có thể là di duệ của vương thất Nam Việt, như Triệu Túc, Triệu Quang Phục. Chiếc trống thuộc loại lớn nhất đương thời, với đường kính mặt tính ngang “nửa sải”, bằng chằn chặn với trống Ngọc Lũ ở vùng hạ Chu Diên. Sự có mặt của một loạt trống cùng phong cách đã phát hiện trong lòng đất đồng bằng sông Hồng, như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa, Thái Bình, Miếu Môn cho thấy sự hiện diện của một nhóm thợ Đông Sơn tay nghề cao và khá trống nhất trong nghệ thuật trang trí. Điều này cũng được phản ánh thông qua việc phát hiện những khu chế phẩm đồng đúc lớn, như kho mũi tên đồng Cầu Vực, kho vũ khí hình lưỡi cày ở Mả Tre (Cổ Loa), kho lưỡi rìu Hạ Bằng, kho tùy táng lưỡi giáo Làng Cả gắn liền với những phát hiện về mộ táng có khuôn đúc ở Làng Cả, xưởng đúc mũi tên ở Đền Thượng (Cổ Loa) …
Chiếc trống Hoàng Hạ dù vỡ mặt vẫn được chọn làm Bảo vật Quốc gia chính nhờ “hoa tay” và thông tin nghệ nhân trang trí đã để lại cho chúng ta. So với mặt trống Ngọc Lũ, các băng hình trang trí chính của trống Hoàng Hạ ít hơn một băng. Đó là băng hươu. Băng hình chim bay cũng vắng bóng những con chim đứng. Bù lại, bề rộng các băng còn lại, nhất là băng chủ đạo nói về cảnh người làm lễ hội được mở rộng hơn một chút, và tia mặt trời cũng dày hơn thêm hai cánh nữa, trở thành chiếc trống Đông Sơn sớm có cánh tia mặt trời thuộc loại nhiều nhất (16 cánh).




Điều đáng nói nhiều nhất về giá trị nghệ thuật và thông tin của trống Hoàng Hạ là ở các băng, mảng mô tả sinh hoạt người: cảnh lễ hội trên mặt trống, cảnh truyền chiến và lễ khải hoàn, cảnh múa vũ trang… trên thân. Trong thực tế, nếu ai đã tương đối “thuộc” đề tài được thể hiện trên trống Ngọc Lũ rồi thì khá dễ dàng nhận ra các nội dung trên trống Hoàng Hạ. Những nội dung như vậy đã lặp lại trên một số đồ đồng lễ nghi Đông Sơn khác, như thạp Hợp Minh, trống Cổ Loa, trống Khai Hóa, trống Sông Đà… chứng tỏ tính “quy chuẩn” trong tâm thức lễ nghi đã thấm đậm vào tầng lớp nghệ nhân đúc đồng Đông Sơn. Băng trang trí chính trên mặt trống Hoàng Hạ là cảnh thực hành một nghi lễ rất giống trên trống Ngọc Lũ, gồm ba nội dung chính: 1- Lễ nghi trung tâm diễn ra trong nhà sàn mái cong với cảnh dâng lễ, trống phách 2- Phía trước nhà sàn mái cong (bên phải) là dàn trống đồng và đoàn người hóa trang, cầm giáo, thổi khèn, gõ phách nhảy múa, 3- Phía sau nhà sàn mái cong là người giã, sàng gạo bên cạnh kho lúa. Tuy nội dung giống nhau, nhưng như đã nói ở trên, các chi tiết thể hiện hoa văn cho thấy đường nét của nghệ nhân Hoàng Hạ khác và mềm mại hơn hẳn so với nghệ nhân Ngọc Lũ. Khoảng rộng của băng trang trí chính trên trống Hoàng Hạ nhỉnh hơn một chút so với Ngọc Lũ dường như là chủ ý của nghệ nhân nhằm nới rộng thêm không gian thể hiện cho một chủ đề vốn khá phức tạp và rậm rạp. Băng hình gồm 14 chim mỏ dài bay ngược chiều kim đồng hồ và các băng hình kỷ hà khác mang thuần chất trang trí làm nền cho băng nội dung nói trên.
Phần tang trống vẫn là 6 chiếc thuyền chiến có sạp lầu, chiến lợi phẩm với những chiến binh hóa trang cầm vũ khí, trói tù nhân và đánh trống khải hoàn. Khoảng trống giữa các thuyền được điền thêm hình cá và những loại chim nước bắt cá (vạc, bồ nông…).
Phần thân trống được chia thành 6 khung chữ nhật cân đối theo vị trí các tai quai và đường chỉ đúc. Mỗi khung, như một cửa sổ, thể hiện hai chiến binh hóa trang cầm rìu, khiên say sưa nhảy múa. Mọi chuyển động của người, thuyền, chim thú cũng như trật tự dàn cảnh đều theo hướng ngoảnh và tiến về phía bên tay phải người xem (vẫn thường được gọi là ngược chiều kim đồng hồ).
Dấu ấn riêng biệt của nghệ nhân trang trí trống Hoàng Hạ để lại rõ nhất là ở hai chi tiết. Thứ nhất là kiểu dáng và cách trang trí người hóa trang. Thứ hai là ở vành hoa văn kỷ hà lớn thể hiện vòng tròn đồng tâm có cánh nối tiếp tuyến với nhau thành băng hình chữ S nằm bay. Ở chi tiết thứ nhất ta thấy bố cục khối hình chữ nhật thể hiện từng người hóa trang trên trống Hoàng Hạ khá vuông vức và chặt chẽ, trong đó thân người từ đầu đến chân gần như nằm trên một đường chéo ngửa ra, chia đôi hình khối đó. Hai phần trống còn lại là vị trí phô diễn của hai vật dụng trên hai cánh tay: chiếc rìu chiến lưỡi séo và chiếc khiên trang trí lông chim. Đầu người thể hiện rõ ba phần: lông chim cắm trên đỉnh trán, búi gáy với vòng khuyên tai và đáng chú ý nhất là một cần móc trang trí cầu kỳ trên đỉnh đầu hơi ngả về phía sau lưng. Phần đầu như vậy đối xứng với phần chân thể hiện rất rõ góc gối duỗi (chân trái) gập (chân phải) song song với hai riềm khố có tua rủ trước, sau. Có thể lấy kiểu người này làm đặc trưng cho một phong cách trang trí Đông Sơn mang tên Hoàng Hạ. Cũng như vậy, có thể đặt tên cho cả biến thể hình chữ S nằm bay với các vòng tròn tiếp tuyến có cánh là phong cách Hoàng Hạ.
Cảm nhận của tôi về độ cổ kính, kích thước, nội dung và phong cách thể hiện trên trống Hoàng Hạ thì thật xứng đáng với tầm chất của một bảo vật quốc gia, tuy rất lấy làm đáng tiếc ở sự thiếu vẹn toàn của nó.
Nguyễn Việt
Bản gốc
(Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số 06/2013)
Chú thích:
1. Những hiện vật tàng trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nêu trong bài này sẽ đều không cần ghi chú nữa.
2. Goloubew, V., 1940, Le tambour métalilique de Hoàng Hạ, BEFEO, tom XL, Hà Nội.