384. Thế quân bình của Văn hoá Việt

Trước hết phải giải thích hai chữ văn hóa theo như chúng tôi đã nhận định. Từ trước đến nay trong văn giới Việt Nam người ta đã đưa ra nhiều định nghĩa cho hai chữ văn hóa, nhưng hiềm vì định nghĩa nào cũng đi xa căn bản thực tế của văn hóa là hoàn cảnh địa lý lịch sử, và có tính cách trừu tượng tĩnh quan, chẳng khác gì những phiến ảnh người ta đứng ở trên bờ sông để chụp lấy dòng sự vật biến đổi không ngừng. Bởi vì đã nhiều định nghĩa quá, mà theo thiển ý của chúng tôi chưa thấy một định nghĩa tổng quát và xác thực, cho nên hai chữ văn hóa hiện nay lưu thông trong dân gian thì không được nhất trí cho lắm.

Có người hiểu văn hóa là trình độ học vấn, có người hiểu văn hóa là văn học, văn chương, có người hiểu văn hóa là chủ nghĩa, là ý thức hệ, lại cũng có người hiểu văn hóa là văn minh. Rồi người ta vội hô hào nên khoa học hóa, thế giới hóa, dân tộc hóa. Tất cả những ý nghĩa trên đây đều không thích hợp cho cái vấn đề “thế quân bình của văn hóa Việt Nam”. Vậy chúng tôi xin phép đưa ra một định nghĩa, rút ở trong tư tưởng truyền thống Á Đông là lời Thoán ở quẻ Bĩ của Chu Dịch:

Quan thiên văn dĩ sát thời biến.
Quan nhân văn dĩ hoá thành thiên hạ.

= Nhìn hiện tượng trên trời để xét sự biến đổi của thời tiết. Nhìn hiện tượng của nhân quần xã hội để hoá nên thiên hạ, thay đổi thế giới.

Theo nghĩa đen thì chữ Văn ở trong câu Thoán từ này là cái đã hiện ra cho mắt thấy tai nghe, có tương quan với vật khác. Và chữ Hóa có ý nghĩa làm cho đổi khác theo mục đích nào. Ý nghĩa của Văn thì tĩnh, mà ý nghĩa của Hóa thì động.

Người ta không thể định nghĩa văn hóa mà xa lìa xã hội nhân quần cùng hoàn cảnh đã kết tinh ra nó. Sự thực văn hóa là phương diện sinh hoạt của xã hội nhân loại. Nhân loại, như nhà hiền triết Hy Lạp đã nói là một giống vật có xã hội tính. Nhưng cầm thú cũng sống thành đoàn thể có cấp trật hẳn hoi. Nào phải chỉ có giống người mới có xã hội tính. Giống người có khác với cầm thú, thực ra không phải xã hội tính, mà là ở cách điều hòa thích ứng với hoàn cảnh tự nhiên, với thiên thời địa lợi để sinh tồn và tiến hóa. Cầm thú muốn sinh tồn cũng phải thích ứng với hoàn cảnh tự nhiên, với khí hậu địa lý. Nhưng chúng chỉ biết thích ứng một cách thụ động, con người ta đã luôn luôn đem trí thông minh, đem nghị lực sáng suốt để làm chủ động trong sự thích ứng với hoàn cảnh tự nhiên, biến hóa trở lực thành trợ lực, đổi bãi sa lầy thành cánh đồng ruộng lúa. Cách đây bốn trăm năm, khi dân Việt miền Bắc bắt đầu di dân vào đất Hoan Châu, thì bấy giờ Hoan Châu chỉ là đất hoang vu. Ngày nay nó đã nghiễm nhiên là một kinh thành diễm lệ, phong cảnh hữu tình, khiến khách du lịch phải đem lòng lưu luyến sông Hương núi Ngự. Đấy là văn hóa, mà chỉ có loài người mới có cái tài văn hóa ấy mà thôi, tuy cũng sống thành đoàn như các giống cầm thú.

Nếu xã hội tính không phải là đặc tính riêng của nhân loại, thì phải chăng kỹ thuật là đặc sản của nhân loại, nhờ đó mà nhân loại đã biến hóa hoàn cảnh bất lợi ra điều kiện thuận tiện cho nó. Nói như vậy thì chúng ta quên rằng đàn ong có tài kiến trúc chẳng kém gì các kiến trúc sư. Và khi loài người còn ở trình độ ăn lông ở lỗ, thì ong, kiến đã biết làm tổ khéo léo. Nhưng trải qua hàng mấy ngàn năm, loài người đã tiến bộ từ trình độ đào lỗ đến trình độ xây dựng đền đài nguy nga hoa mỹ mà tổ kiến, tổ ong vẫn không có gì thay đổi. Vậy sở dĩ nhân loại mỗi ngày một tiến bộ là vì nó đã khác với cầm thú ở chỗ nó biết quan niệm trước khi thực hành. Do đấy mà nó tích luỹ được kinh nghiệm học tập của tiền nhân để mỗi ngày một phát triển trí thức, mở rộng kiến văn. “Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân = Ngày một mới, ngày một mới, lại ngày một mới”.

Vậy nhân loại sở dĩ có văn hóa là nhờ nhân loại biết quan sát, có tư duy có học tập, biết tích luỹ những kinh nghiệm đã qua và có khả năng sáng tác. Đấy là chỗ phân biệt xã hội nhân loại với xã hội cầm thú. Và cái đặc tính văn hóa ấy rất phổ biến cho xã hội nhân loại, đặc tính biết quan niệm trước khi hành động.

Nhà nhân loại học, giáo sư Herskovits viết:

“Tất cả các nhóm người đều tìm kiếm cách thức để sinh tồn. Chúng đạt mục đích ấy bằng các phương sách kỹ thuật để đối phó với hoàn cảnh tự nhiên của mình và để thu lượm ở chính hoàn cảnh ấy lấy những phương tiện nhu cầu và để hoạt động hằng ngày. Bằng cách này hay cách khác chúng phân phát những cái chúng đã sản xuất, và chúng có một hệ thống kinh tế để thu được nhiều kết quả với những khả năng có hạn của mình. Tất cả các nhóm người đều đặt cho tổ chức gia đình, hay cho những cơ cấu tổ chức rộng lớn hơn, căn cứ vào huyết thống hay vào liên hệ khác một hình thức đặc biệt nào. Không một xã hội nào sinh hoạt trong sự hỗn độn vô chính phủ. Không có một xã hội nào lại không có một triết lý về nhân sinh, không có ý niệm về nguồn gốc và vận hành của vũ trụ, và những lý thuyết về cách thức điều khiển các thế lực siêu nhiên, để nhắm tới những mục đích mong muốn. Để tóm tắt các phương diện của văn hóa chúng ta thêm vào đây nào khiêu vũ, ca hát, kể chuyện, nghệ thuật vẽ, nặn, mục đích đem lại thỏa mãn mỹ thuật, ngôn ngữ để diễn đạt tư tưởng và tất cả một hệ thống những giới điều cấm đoán và những lý tưởng để đem lại cho đời sống ý nghĩa và ý vị của nó. Tất cả những bộ mặt của văn hóa cũng như đích thân văn hóa đều là đặc sản của tất cả các nhóm người không trừ một nhóm nào hết”. (Base d’Authropologie Culturelle)

Vậy văn hóa là tất cả những cái gì của nhân loại để điều hòa thích ứng với hoàn cảnh đặng sinh tồn. Hoàn cảnh địa lý khí hậu hay là thiên nhiên, và hoàn cảnh xã hội lịch sử. “Quan thiên văn dĩ sát thời biến” là điều hòa thích ứng với hoàn cảnh thiên nhiên. “Quan nhân văn dĩ hóa thành thiên hạ” là điều hòa thích ứng với hoàn cảnh xã hội lịch sử mà nhân loại làm chủ động hóa thành.

Đây là định nghĩa văn hóa hết sức tổng quát, mà cũng hết sức xác thực của tư tưởng cổ truyền Á Đông, vốn đứng ở quan điểm biến dịch để nhìn sự vật một cách hội thông, chứ không nhất diện vụn vặt. “Thánh nhân hữu dĩ kiến thiên hạ chi chí đồng, nhi quan kỳ hội thông” (Hệ từ Dịch). Bậc thánh nhân có thấy được cái động biến không ngừng của thiên hạ mà nhìn nhận ở phương diện tổng quát hội thông, nghĩa là cả phương diện động lẫn phương diện tĩnh vậy. Quan điểm ấy xác thực vì nó luôn luôn đi sát với hoàn cảnh thực tế, không rời xã hội để quan niệm văn hóa ở trừu tượng, và như vậy thì văn hóa cũng như xã hội, không thể rời khỏi được hoàn cảnh địa lý khí hậu và lịch sử là khung cảnh trong đó nó trưởng thành và khai triển. Cho nên chúng ta không thể quan niệm một nền văn hóa cho dân tộc này theo như ý người ta muốn, không cần để ý đến hàng ngàn năm lịch sử “văn hiến chi bang” với bao nhiêu thế hệ tích luỹ những kinh nghiệm chồng chất trên giải đất “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” này vậy. Văn hóa đã là toàn diện sinh hoạt của xã hội, một mặt nó có tính cách luôn luôn biến đổi không ngừng, trừ những văn hóa nào đã chết như văn hóa Ai Cập, văn hóa Can Đê chẳng hạn. Một mặt khác văn hóa có tính cách bền vững, vì nó là cái cây mà gốc rễ mọc sâu trong quá khứ truyền thống, ngọn thì vươn lên cái tương lai vô cùng. Lấy toàn thể mà nói thì văn hóa của một xã hội có tính chất bền vững, còn lấy từng bộ phận mà nói thì có sự thay đổi biến hóa. Bền vững và thay đổi là hai phương diện hỗ tương của văn hóa. Cho nên ở giai đoạn lịch sử nhất định nào, một dân tộc hay một nhóm người đặc trưng bày ra một thế quân bình của văn hóa, biểu thị cái trạng thái quân bình của xã hội, trong đó cá nhân tìm thấy quân bình ở tâm hồn mình, quân bình giữa cá nhân với đoàn thể bên trong xã hội, và quân bình giữa xã hội với hoàn cảnh tự nhiên của nó. Ấy là thời đại thịnh vượng của lịch sử nhân loại hay dân tộc. Ở giai đoạn suy đồi của lịch sử, xã hội mất quân bình nội bộ, cá nhân khủng hoảng trong tinh thần. Bởi vì giữa tinh thần cá nhân với hoàn cảnh xã hội có một sự quan hệ mật thiết và hỗ động với nhau.

Nhà xã hội tâm lý học ngày nay nhận thấy rằng:

  1. Người ta khó lòng có thể duy trì sự quân bình trong tâm hồn khi nào thiếu sự thích ứng giữa cá nhân với xã hội.
  2. Song sự quân bình của cá nhân không tất nhiên hoàn toàn là sự thích ứng của nó với đoàn thể trong ấy nó là một phần tử. Một sự khủng hoảng của tinh thần cũng có thể là kết quả của một sự phục tòng bảo thủ quá chặt chẽ đối với thành kiến tập tục.
  3. Sự bền vững của thế quân bình nội tại càng được củng cố bằng tình đoàn kết cộng đồng, trái lại, sự tan rã của xã hội, sự hỗn độn của văn hóa, và sự khủng hoảng mất quân bình của cá nhân, thường hay xuất hiện đồng thời với nhau. (Jean Maisonneuve, Psychologie Sociale)

SỰ KHỦNG HOẢNG TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM VÌ MẤT QUÂN BÌNH VĂN HÓA

Hiện nay ở Việt Nam, chúng ta đang đứng trước một cảnh tượng hỗn độn của văn hóa, khủng hoảng của cá nhân và tan rã của xã hội. Mỗi người Việt chúng ta cùng toàn thể dân tộc cảm thấy mất thế quân bình, và từ Bắc chí Nam, các phần tử ý thức, đang tìm ý thức một thế quân bình mới của văn hóa Việt Nam, thích ứng với tình thế mới, thời đại mới. Chúng tôi dù kém cũng xin góp chút thiển kiến vào vấn đề to tát khó khăn nó quyết định cho tiền đồ tổ quốc.

Kể từ ngày Đông Tây gặp gỡ trên giải đất này, thì xã hội Việt Nam đã bầy ra một trạng thái khủng hoảng văn hóa mất quân bình, con người Việt Nam mất sự vững vàng trong tinh thần, bàng hoàng như con thuyền giữa bể lạc mất phương hướng. Số là xã hội Việt Nam kể hàng ngàn năm đang là một xã hội nông nghiệp, sinh hoạt gần gũi với thảo mộc, với thiên nhiên. Tinh thần của văn hóa cố hữu là văn hóa đồng ruộng, nặng chĩu về tình cảm mà ít chú trọng về đường lý trí. Nó muốn cùng với tạo vật chung quanh đồng hóa cảm sinh, lấy nguồn sống của cỏ cây thảo mộc làm ý nghĩa trường tồn. Hồn sông, hồn núi, thần lúa, thần cây, Nguyễn Du với bốn câu thơ réo rắt đã mô tả một cách linh động cái tín ngưỡng vạn hữu duy thần lấy nguồn sống tràn ngập làm trung tâm điểm:

Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.
(Kiều)

Ngày nay ở xã hội công thương kỹ nghệ người ta dùng thuần lý trí, thì ở xã hội Việt Nam xưa chúng ta nhận thấy người ta đã xử bằng tình. Lời một ông quan xử án mà Nguyễn Du đã mượn để diễn tả thế quân bình của văn hóa đồng ruộng:

Đã đưa đến trước cửa công
Ngoài thì là lý, song trong là tình.
(Kiều)

Quân bình giữa bên lý với bên tình, giữa cá nhân với đoàn thể, tình nhà nợ nước. Cái xã hội nông nghiệp ấy tổ chức lấy tiểu đoàn thể gia đình làm đơn vị, quân bình chủ nghĩa nhân quyền xã thôn dân chủ với chủ nghĩa tập quyền quốc gia quân chủ. Căn bản kinh tế là điền địa, thì phân chia theo phép bán công bán tư, vì người nông dân chua có khuynh hướng độc quyền, chưa quên hẳn ý nghĩa của sự sống không giới hạn ở trên mặt đất mà còn mở rộng vào với thiên nhiên như câu ca dao đã chứng tỏ:

Ở đời muôn sự của chung
Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi.

Hai giai cấp chính của xã hội là Sĩ với Nông cũng chưa quên ý nghĩa phân công hợp tác để trở nên giai cấp tranh đấu, như Nguyễn Công Trứ đã quan niệm:

So lao tâm lao lực cũng một đoàn

Cho nên kẻ thống trị với kẻ bị trị, giới trí thức với giới cần lao ở xã hội Tây Âu phong kiến thì cách biệt nhau bằng một vực sâu dòng dõi, ở xã hội nông nghiệp Việt Nam người ta không thấy có biên giới nhất định, nhờ cái nguyên tắc: “tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân nhất thi giai dĩ tu thân vi bản”.

Cái xã hội ấy đang tự mãn với thế quân bình văn hóa đặt căn bản triết lý ở chỗ “hợp nội ngoại chi đạo”, “ngoài lý trong tình”, thì chợt xúc tiếp với mưa Âu gió Mỹ, liền bị rung động đến tận nền móng, khác nào một cây cổ thụ bị cơn gió bão lay chuyển đến tận gốc rễ.

Sự thực ngót một thế kỷ nay xã hội Việt Nam sau khi xúc tiếp với khoa học Tây phương đã bị giao động, con người Việt Nam bị khủng hoảng, dân tộc Việt Nam mất quân bình của văn hóa cỏ cây “an cư lạc nghiệp”.

Văn minh Đông Á trời thu sạch
Này lúc luân thường đảo ngược du.
(Tản Đà)

Câu thơ của thi sĩ Tản Đà nặng lòng với thời thế, thực như đã phô bày tất cả tâm trạng bất mãn của sĩ phu Việt Nam ở thời đại giao thời, lòng người cũng như xã hội chư tìm thấy sự thích ứng chính đáng mà dân tộc đòi hỏi. Dòng dã ngót một thế kỷ, giới sĩ phu lãnh đạo dân tộc giác ngộ sự hèn yếu của quốc gia, muốn tìm đường để chỗi dậy. “Kẻ Đông du, Hương Cảng, Hoành Tân lỏi len đường mới. Kẻ Tây du học hỏi Mạnh Đức với Lư Thoa” (Phan Bội Châu). Nhưng sau cuộc thế giới chiến tranh thứ nhất, nhà lãnh tụ phong trào Đông du thất vọng trở về khuyên chúng ta bằng hai câu Kiều lẩy:

Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.
(Kiều)

Và nhà lãnh tụ phong trào Tây du tuy không thất vọng hẳn, nhưng bắt đầu lên tiếng trên đất nước cho đồng bào lại khuyên chúng ta đi tìm căn bản đạo đức Đông Tây.

Đấy là tất cả các bài học của các bậc tiền bối đã đem cả một đời thử thách để để lại cho chúng ta, đủ chứng tỏ cái bệnh khủng hoảng của dân tộc Việt này rất đỗi trầm trọng, căn nguyên của bệnh ấy rất đỗi thâm sâu. Chúng ta muốn tìm chữa bệnh cần phải tìm chữa từ nguồn gốc, chẳng phải dùng thời phương mà dò dẫm ở ngọn ngành. Thấy Tây phương hùng cường mà mình bị thua về máy móc, chúng ta tưởng có thể vội vàng mượn ngay vũ lực cơ giới để cũng trở nên hùng cường. Đấy là chúng ta chỉ bắt chước nơi ngọn. Sự thực cái cây cổ thụ là tổ quốc chúng ta đã bị mục nát ở tận gốc rễ. Quả nhiên Trung Quốc Mãn Thanh với Việt Nam cận đại trong khoảng ngót một thế kỷ nay ngoắc ngoải chỉ vì đã làm cái việc bỏ gốc cầu ngọn “xả bản cầu mạt”.

THẾ QUÂN BÌNH VĂN HÓA Ở XÃ HỘI NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM XƯA

Thật vậy, tất cả vấn đề khủng hoảng của dân tộc Việt Nam chỉ là vấn đề tìm thích ứng văn hóa xã thôn nông nghiệp cố hữu của Á Đông, với văn hóa đô thị kỹ nghệ của Âu Tây. Công việc điều hòa thích ứng ấy thực vô cùng khó khăn như chúng ta đã thấy, ngót một thế kỷ các bậc tiền bối kiệt sức thực hiện mà kết quả thì mong manh. Tuy nhiên không phải vì dân tộc Phù Tang đã được Hóa Công nặn bằng thứ đất thó đặc biệt gì hơn dân tộc ta mà đã thành công trong sự điều hòa Đông Tây để biến nước họ thành một nước hùng cường. Dân tộc Việt Nam vốn có đức tính thông minh linh lợi và cần cù hiếu học xưa nay có đủ tư cách điều hòa các khuynh hướng văn hóa mâu thuẫn xung đột như lịch sử đã chứng minh một cách hùng hồn. Sống trên một giải đất mà ngày nay các nhà địa lý học mệnh danh là Ấn Độ China, dân tộc Việt đã làm tròn sứ mệnh lịch sử mà giang san này ngấm ngầm giao phó. Lãnh thổ Ấn Độ China hình chữ S này không những chỉ có ý nghĩa địa lý mà nó còn có ý nghĩa xã hội nhân văn nữa. Lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc này là lịch sử dung hòa của hai nền văn hóa cổ kính Á Đông, văn hóa Phật với văn hóa Khổng. Văn hóa Phật chủ về nội hướng vô vi cốt đi tìm nguồn gốc tâm linh, cái bản thể phổ biến của Tính. Văn hóa Khổng chủ trương ngoại hướng hữu vi, cốt thực hiện cái đức nhân ái ở hành động thực tế xã hội. Văn hóa Phật từ Ấn Độ sang với văn hóa Khổng từ Trung Quốc xuống, quả là hai khuyh hướng văn hóa cực đoan mâu thuẫn, một đàng chủ về Thể, một đàng chủ về Dụng. Một đàng thiên về Đạo, một đàng thiên về Đời, tức như Tây phương quan niệm về bản thể (essence) với hiện sinh (existence). Đứng giữa hai giao phong ấy, một là dân tộc Việt để cho xâu xét tiêu diệt mất hết quân bình vì không có bản lĩnh duy nhất. Một nửa sẽ bị đồng hóa vào Ấn Độ, một nửa vào Trung Hoa, một nửa đi về Đời, một nửa đi về Đạo. Hai là nó sẽ tồn tại để còn là một dân tộc độc lập nếu nó có thể giải quyết được sự mâu thuẫn của hai văn hóa cực đoan trên, nếu nó có thể tìm được đến cái chỗ nhất lý hợp cả nội ngoại chi đạo. Trải qua Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, chúng ta đã tỏ ra thành công là một dân tộc có bản lĩnh từng viết những trang lịch sử anh hùng ở góc trời Đông Nam Á này. Được như thế là vì nó đã tìm thấy thế quân bình văn hóa xã hội của nó ở chỗ “ngoài thì là lý song trong là tình” (Nguyễn Du) hay là như Nguyễn Công Trứ tuyên bố:

Chữ Kiến tính cũng là xuất tính
Trong ống nhòm đổ tiếng hư vô.

Cho nên Cụ đã vượt lên trên các hình thức khác nhau để cốt thực hiện cái nội dung duy nhất “Hành tàng bất nhị kỳ quan”, bởi vì thực tại đại đồng vượt lên trên các quan điểm nhận thức.

Nhờ ý thức cái bản lĩnh duy nhất quân bình ấy, nhờ cái quan niệm trung hòa hợp nội ngoại tình lý hỗ trợ bổ túc ấy mà dân tộc Việt Nam cho tới nay vẫn còn cá tính của nó.

Trần Thái Tôn nửa đêm bỏ cung điện, ngai vàng lặn lội lên thác xuống ghềnh tìm vào núi Yên Tử để hỏi một vị Đạo Sĩ về chân lý Phật. Vị Đạo Sĩ ấy là quốc sư Phù Vàn lại trả lời cho nhà vua rằng:

“Sơn bản vô Phật duy tồn hồ tâm. Tâm tịch nhi tri thị danh chân Phật. Kim Bệ Hạ nhược ngộ thử tâm, tắc lập địa thành Phật và khổ ngoại cầu.

= Trong núi vốn không có Phật, Phật có ở tại nơi tâm. Tâm trong sạch mà biết ấy là Phật thật. Nay Bệ Hạ nếu thấy được cái tâm ấy tức thì thành Phật, không phải uổng công tìm ở bên ngoài”.

Và sau nhân quần thần thống thiết van nài, nhân việc quân Nguyên đe dọa vào lãnh thổ, cho nên vua Trần Thái Tôn lại trở về ngôi báo để vì dân vì nước. Từ đấy trở đi nhà vua vừa làm bổn phận nhân sinh bảo vệ sơn hà xã tắc nhưng không lúc nào Ngài quên nhãng nội điển tâm tu cho đến khi đọc thấy câu ở kinh Kim Cương:

Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.

= Nên không chấp vào đâu mà nảy sinh ra cái tâm của mình.

Nhà vua bèn khoát nhiên tự ngộ lấy cái triết lý truyền thống của dân tộc Việt Nam, đem tâm đạo để phụng sự cho đời làm căn bản cho thế quân bình của văn hóa đồng ruộng. Cho nên Ngài mới kết luận về tinh thần Phật giáo Việt Nam rằng:

“Trẫm thiết vị Phật vô Nam Bắc, quân khả tu cầu. Tính hữu trí ngu đồng tư giác ngộ. Thị dĩ dữ quần mê chi phương tiện, minh sinh tử chi tiệp kinh dã, ngã Phật chi đại giáo đã. Nhậm thuỳ thế chi quyền hành, tác tương lai chi quỹ phạm giả, tiên thánh nhân chi trọng trách dã. Cố tiên đại thánh nhân dữ đại sư vô biệt, tắc tri ngã Phật chi giáo, hựu giả tiên thánh nhân dĩ truyền ư thế”.

= Trẫm trộm bảo Phật tính không phân ra phương Nam hay phương Bắc, thẩy đều có thể nên tìm. Bẩm tính của con người có kẻ khôn kẻ ngu, thẩy đều nhờ đấy mà hiểu biết. Bởi vậy cho nên lấy phương tiện để dẫn dụ cho đám u mê, soi sáng con đường tắt về điều sống chết, ấy là giáo lý chính của Phật. Còn trách nhiệm trọng yếu của các bậc thánh hiền là cầm cân nảy mực công lý cho đời sau, vạch khuôn mẫu cho tương lai. Cho nên bậc tiên đại thánh nhân hành động xã hội với bậc nội hướng trầm tư không có gì phân biệt. Đủ biết giáo lý Phật lại phải nhờ tay tiên thánh để truyền ra cho đời” (Trần Thái Tông, Thiền tông chỉ nam).

Trần Thái Tông thực đã vạch rõ nhân cách khuôn mẫu ở Việt Nam bằng một triết lý tâm linh thực hiện, đem cả một cuộc đời để chứng minh cái thế quân bình văn hóa Việt Nam xưa, lấy mục tiêu ở sự điều hòa thích ứng tinh thần văn hóa xã hội phương Bắc với tinh thần văn hóa tâm linh phương Nam. Thế quân bình ấy lập cước ở tình yêu sáng suốt và tích cực hành động. Ngài không những là bó đuốc của thiền tông Việt Nam. Ngài cũng là kim chỉ nam cho nhà Nho hành động chân chính nữa vậy. Cái tư tưởng chói lọi vào nhân cách của Huyền Trân công chúa, vì vận mệnh sinh tồn của dân tộc mà hiến thân vàng ngọc để phối hợp Bắc Nam, để đồng hóa hai nền văn hóa cổ kính Ấn Độc China trên đất này. Công cuộc đồng hóa ấy, không phải không có sự hy sinh đau đớn như đã bộc lộ ở bài hát réo rắt u buồn này:

Nước non ngàn dặm ra đi
Cái tình chi
Mượn mầu son phấn
Đền nợ Ô Ly
Xót thay vì
Đương độ xuân thì
Độ xuân thì
Số lao đao hay là nợ duyên gì
Má hồng da tuyết
Cũng liều như hoa tàn trăng khuyết
Vàng lộn theo chì
Khúc ly ca sao còn mường tượng nghe gì
Thấy chim hồng nhạn bay đi
Tình lai láng
Hướng dương hoa quì
Dận một lời Mân Quân
Như chuyện và như nguyện
Đặng vài phân
Vì lợi cho dân
Tình đem lại mà cân
Đắng cay muôn phần.

Sự hy sinh ấy của Huyền Trân công chúa, tuy đau đớn cho cá nhân nàng, nhưng đã đánh dấu một sự đồng hóa vĩ đại của hai dân tộc, một sự phối hợp phong phú của hai nền văn hóa Chiêm Việt, để kết tinh ra đất Hoan Châu mà hơn hai trăm năm về sau đã là đất Thần Kinh văn vật của Đức thế tổ, sau khi hoàn thành công cuộc thống nhất Đại Nam.

THẾ QUÂN BÌNH MỚI NGÀY NAY DUNG HÒA CÁC VĂN HÓA TRÊN CĂN BẢN TÂM LINH THỰC HIỆN

Như thế đủ thấy dân tộc Việt Nam không kém gì dân tộc Nhật về khả năng điều hòa thâu hóa các khuynh hướng mâu thuẫn có quan hệ sinh tồn của dân tộc. Nhưng ngót một thế kỷ nay trong cuộc xúc tiếp Á Âu, so với dân tộc Phù Tang, thì chúng ta đã thua kém xa, chúng ta chưa tìm được thế quân bình văn hóa trong sự dung hòa Đông Tây có khả năng sáng tạo và do đấy mà xã hội Việt Nam cận đại đã bầy ra trạng thái khủng hoảng mất quân bình.

Số là cũng như bên Trung Quốc sĩ phu lãnh đạo ở xã hội Việt Nam khi phải đương đầu với một nền văn hóa công nghiệp Âu Tây, thấy người hùng mạnh mà mình yếu hèn thì tưởng lầm nguyên nhân của sự hùng mạnh kia ở tại máy móc cùng đầu óc khoa học cơ giới. Thế rồi chúng ta bèn rũ sạch tàn tích của quá khứ, tất cả nền đạo học truyền thống cố hữu cho đó là nguyên nhân của sự thất bại. Chúng ta đã lầm. Và theo thiển ý của chúng tôi thì tinh thần đạo học ở Việt Nam cũng như ở Trung Hoa đã suy đồi từ vài ba thế kỷ, cái học nghĩa lý đã mất, cái học mà Trình Tử đã nói rõ ở câu:

Phóng chi tắc đi lục hợp, quyển chi tắc thoái tàng ư mật. Kỳ vị vô cùng giai thực học dã.

= Phóng ra thì đầy vũ trụ. Thu vào thì náu ẩn ở thâm tâm. Ý vị của nó vô cùng, đều là cái học vụ thực vậy.

Chúng ta đã bỏ mất nguồn gốc làm người từ lâu để chìm đắm vào cái hình thức vỏ, thực như lời cảnh cáo của Phan Tây Hồ từ ngót nửa thế kỷ rồi mà quốc dân nào đã thức tỉnh.

Đời chuộng văn chương
Người tham khoa mục
Đại cổ tiểu cổ, suốt tháng rùi mài,
Ngũ ngôn thất ngôn, quanh năm lăn lóc
Ngóng hơi thở của quan trường, để làm văn sách,
Chích có thể phải mà Thuấn có thể sai.
Nhặt dãi thừa của người Tàu để làm từ phú, Biền thì phải tứ, Ngẫu thì phải lục.
Tíu tít những phường danh lợi, chợ Tề chực đánh cắp vàng.
Lơ thơ bao kẻ hiền tài, sân Sở luống buồn dâng ngọc.
Ấy chẳng riêng gì kẻ vị thân gia, tham lợi lộc.
Mà lại đến cả mấy ngàn kẻ quần chúng áo rộng trong một nước.
Lùa vào mấy ngàn vạn nơi hắc ám địa ngục.
(Phú: Lương Ngọc Tất Danh San)

Vậy chúng ta đã mất cái đạo học căn bản là cái “học làm người” để chuyên trị vào cái học trí thức kiến văn, thì dù có noi theo được cái học cơ giới của người, cũng lại chỉ thêm lợi khí để tự hại lẫn nhau. Chúng ta đã quá chìm đắm vào cái học từ chương, chúng ta lại tưởng lầm là đạo học chân chính. Rồi chúng ta nghĩ rằng đạo học không thể đi đôi với khoa học. Vậy muốn trở nên văn minh như Âu Mỹ, chúng ta phải phủ nhận hết thảy tàn tích của văn hóa cổ truyền. Sự thực thì trong các nước ở Á châu, một dân tộc Nhật Bản đã đồng hóa mau lẹ văn minh khoa học Tây phương mà không tổn hại gì đến cái đạo làm người cổ truyền của họ. Và lạ thay, chính họ xưa kia cũng lại là nước độc nhất hưởng ứng cái Tâm học của họ Vương, trong khi ở Trung Quốc thì ruồng rẫy, mà Việt Nam thì không ai để ý. Như thế đủ thấy rằng càng mới có thể thâu hóa hiệu nghiệm nền văn hóa khoa học Âu Mỹ để hóa thành một nền văn hóa phong phú nẩy nở.

Vậy vấn đề đồng hóa Đông Tây tỏ ra chật vật gian nan ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc thì không vì “Đông là Đông mà Tây là Tây” như người ta đã nói, mà chính vì chúng ta đã bỏ mất cái chân chính Đông phương cổ truyền là đạo học thực hiện của chúng ta, chúng ta đã không tìm vào nguồn gốc của sự đồng hóa mà chỉ vụ bắt chước bề ngoài. Chúng ta đã không dám tin lời của Lục Tượng Sơn:

Đông Hải hữu thánh nhân xuất thử tâm đồng, thử lý đồng. Tây hải hữu thánh nhân xuất thử tâm đồng thử lý đồng.

= Bể Đông có thánh nhân ra đời thì tâm ấy một, lý ấy một. Bể Tây có thánh nhân ra đời thì tâm ấy một, lý ấy một.

Cái nguồn gốc đồng hóa là gì? Chính là cái thực thể tâm linh, là nhân tính, phổ biến, đạo trời với đạo người đồng nhất ở Thể, trí thức khoa học với tình cảm luân lý tổng hơp làm một ở trung tâm siêu thực của nhân loại, một nhân loại đầy đủ cả tình, ý và trí, một con người tự do trong tinh thần và tự do ngoài xã hội. Ở đấy chúng ta mới có được cái cơ sở để dung hòa Đông Tây đặng kiến thiết ở mình một tin tưởng vững chắc.

Trình Y Xuyên đáp thư cho Chu Trương Văn có một đoạn về cái học thực học:

Tâm không hồ đạo, nhiên hậu năng biện thị phi, như trị quyền hành dĩ hiệu khinh trọng. Mạnh Tử sở vị: “tri ngôn thị đã”. Tâm bất thông ư đạo nhi hiệu cổ nhân chi thị phi, do bất tri quyền hành nhi ước khinh trọng, kiệt kỳ mục lực, lao kỳ tâm trí, tuy xử thời trúng diệc cổ nhân sở vị ức dạc lũ tráng, quân tử bất quí dã.

= Tâm cảm thông với đạo thể rồi sau mới có thể phân biệt phải trái, như cầm cân để so sánh nặng nhẹ. Mạnh Tử bảo “thấu biết lời nói” là thế vậy. Tâm không cảm thông với đạo thể mà so sánh lẽ phải trái của người xưa thì khác nào không cầm cân để ước lượng nặng nhẹ, mỏi sức mắt, mệt tâm trí tuy cũng có lúc trúng, nhưng cũng như cổ nhân bảo, “ức đoán thường trúng”. Người quân tử không quý gì điều ấy vậy. (trích ở Cận Tư Lục)

Chính nhờ ở cái học tâm thông đạo thể ấy mà ở xã hội nông nghiệp Việt Nam xưa người ta đã tìm thấy thế quân bình văn hóa, quân bình giữa xã hội với thiên nhiên, giữa cá nhân với đoàn thể, giữa tâm với vật, giữa tình cảm với lý trí, quân bình căn cứ vào nguyên lý siêu nhiên. Bởi vì thủa ấy dân tộc Việt đã trở về được nguồn sống là nguồn của tam giáo đồng nhất, cho nên đã bao trùm được các phương diện mâu thuẫn khác nhau của các khuynh hướng văn hóa du nhập. Cái bí quyết của sự dung hòa các tư tưởng khac nhau để tìm lấy nguồn sinh lực sáng tác, không để rơi vào thông bệnh triết trung của hình thức bề ngoài (eclectisme), khiến cho mất cá tính mà không còn sinh khí ấy là tìm cách cảm thông tới đạo thể đến cái duy tinh duy nhất ở vũ trụ, ở nhân quần và ở tại chính bản thân mình ngược dòng về đến tận suối tâm linh. Đến đấy mới có được nhỡn giới thống quan nhất quán để vừa cảm thông với cá tính đặc thù, vừa không cố chấp hẹp hòi. Và càng đi ra bề rộng của thiên sai vạn biệt lại càng cần phải lặn sâu vào bên trong như Lão Tử đã nói: “Kỳ xuất di viễn, kỳ tri di thiển = càng đi ra ngoài càng xa cái biết của nó càng hẹp”. Chúng tôi thiết tưởng đấy là con đường độc nhất để cho chúng ta dung hòa đựơc các đặc tính văn hóa Đông Tây ngày nay vậy. Như thế nghĩa là ở quan điểm Việt Nam ngày nay chúng ta cần phải tin tưởng vào tuyệt đối.

Cuộc cách mệnh kỹ nghệ đầu thế kỷ 19 ở Âu Tây đã biến thế giới thành một hệ thống tương quan giữa các khu vực xưa kia biệt lập tự túc đến nay đều phải lệ thuộc lẫn nhau về kinh tế chính trị và văn hóa thì mới có thể phát triển. Kỹ thuật tối tân đã giải quyết vấn đề giao thông trên không, trên bộ, dưới biển, một cách vô cùng thuận tiện khiến cho thế giới nghiệm nhiên thống nhất về phương diện thực tế. Nhưng vì trình độ sinh hoạt phát triển quá chênh lệch, cá tính văn hóa của các dân tộc chưa được mở mang, cho nên sự hợp tác kém phần thành thật và phong phú vì còn thiếu một ý thức thế giới thống nhất tức là một đạo tâm đại đồng để cho các dân tộc thông cảm với nhau.

Phương chi cuộc cách mệnh chính trị tiếp theo cuộc cách mệnh kinh tế của thế kỷ 19 đã xô xã hội Âu Tây vào chế độ tự do cạnh tranh quá trớn đưa đến sự độc quyền và khủng hoảng kinh tế. Người ta quen lấy sức người mà chiếm đoạt thiên nhiên, coi thiên nhiên với người như hai thù địch. Trong quốc gia thì người tranh đấu với người, giai cấp với giai cấp. Trên thế giới thì dân tộc chiến tranh với dân tộc, hết thảy chỉ biết “gia trinh lợi” như lời Mạnh Tử xưa kia đã nói, cho nên một trăm năm sau cuộc đại cách mệnh chính trị ở Pháp thì xã hội kỹ nghệ đã mất thế quân bình nội tại.

Ngày nay từ thế quân bình cố hữu của văn hóa nông nghiệp chúng ta bắt buộc phải tìm một thế quân bình mới cho văn hóa Việt Nam, tất nhiên chúng ta phải dung hòa văn hóa xã thôn nông nghiệp với văn hóa đô thị kỹ nghệ vì xã hội Việt Nam cũng sẽ kỹ nghệ hóa. Không phải xã thôn nông nghiệp của Á Đông với đô thị kỹ nghệ của Âu Tây có tính cách mâu thuẫn xung đột ở tại căn bản tổ chức của chúng đâu. Cả hai tổ chức, một đàng có khuynh hướng vật lý vận động của cỏ cây đều chỉ là những cách thức của nhân loại điều hòa thích ứng với hoàn cảnh để sinh tồn, lẽ tất nhiên chúng đều muốn tôn trọng quyền sống của người. Sở dĩ chúng đã bầy ra hiện tượng mâu thuẫn ngày nay là vì bước đầu của đô thị kỹ nghệ đã lầm đường, dựng cá nhân thành một thế lực độc tôn trơ trọi đem nhân loại với tự nhiên đối lập thành hai thế lực thù địch, đem tâm ly khai với vật, lý trí ly khai với tình cảm, coi lý trí với tín ngưỡng như không thể cộng tồn. Và như thi hào Ấn Độ R. Tagore đã nói: “Nhân loại đô thị đã sống trong quan niệm thế giới phân chia và quy định”.

Cũng vì những lý do trên đây, một thi hào Pháp Lamartine từng đóng vai lãnh tụ chính trị trong cuốc cách mệnh Pháp 1930, đã kết luận về J. J. Rousseau (Lư Thoa) nhà lý thuyết của Pháp quốc đại cách mệnh 1789 với Khổng Phu Tử nhà hiền triết chính trị cổ đại của Á Đông:

“Tôi phản đối Lư Thoa để bênh vực Khổng Tử mặc dầu người ta có tuyên bố cái định luật tiến bộ không ngừng, tiến bộ mỉa mai thường đi xuống hơn là đi lên, từ chủ nghĩa tâm linh xã hội của Khổng Tử đến chủ nghĩa duy vật của Xã Ước”. (Lamartine, Par Retrouvées, nhà xuất bản Ander-Delpench)

Vậy nhất định là văn hóa quốc gia Việt Nam tự do độc lập ngày nay phải đồng hóa với văn hóa đô thị Âu Tây, hướng theo cái lý tưởng tiêu chuẩn của văn hóa nhân loại hiện thời mà R. Tagore đã tuyên bố: “Cái bản ngã vô hạn của nhân loại chỉ có thể hoàn thành trong cái đại hòa điệu của tất cả các dân tộc thế giới”. Hay là như Gandhi đã quan niệm về một nền giáo dục lý tưởng: “Muốn có một nền giáo dục hoàn bị ngày nay thì sự nghiên cứu có hệ thống những nền văn hóa Á Đông cũng thiết yếu như sự nghiên cứu các khoa học Âu Tây”.

Nhưng văn hóa Việt Nam tương lai sẽ tránh những lốt xe đổ của Âu Tây cận đại. Từ tổ chức xã thôn đến chế độ bán xã hội hóa điền địa quốc gia. Việt Nam sẽ kỹ nghệ hóa theo Âu Tây nhưng không nhắc lại cái bệnh tự do cạnh tranh vô ý thức. Văn hóa Việt Nam ngày nay sẽ khoa học hóa, nhưng không làm cho trí thức khoa học gián đoạn với nguồn gốc tâm linh truyền thống. Văn hóa Việt Nam ngày nay quan niệm con người đầy đủ, con người hoàn toàn cả trí lẫn tình là một cá nhân bất phân với đoàn thể, sống trong xã hội mà giai cấp vẫn giữ ý nghĩa nhân công hợp tác, sống trong quốc gia dân tộc không biệt lập với thế giới nhân loại, sống trong vũ trụ mà mọi vật “các đắc kỳ sở”, có đủ điều kiện để “toại kỳ sinh” trong cái đại hòa điều trung hòa: vũ trụ, thiên nhiên, nhân loại, luôn luôn hổ động tương sinh. Đấy là một quan niệm vừa hợp lý theo lý trí khoa học, vừa nồng nàn thỏa mãn cho “đức ái nhân sinh”.

Nguyễn Đăng Thục

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.