374. Nhãn quan lịch sử sai lạc về Bà Triệu

Những quyển sử hay bài học về sử ký nước nhà viết bằng chữ quốc ngữ, phần lớn đều lấy tài liệu trong những bộ sử viết bằng chữ Hán của các bậc tiền bối. Những bậc này lại căn cứ vào những quyển sử do người Tàu viết. Mà như ta biết, người Tàu còn có hơn một cớ để chẳng viết đúng hoàn toàn sự thật, hay để mỉa mai, ngạo báng cái dân tộc bé nhỏ, mà họ nuốt mãi chẳng vô cho. Đó là ta chưa kể những kẻ viết sử để bôi lọ ông cha mình như hạng Lê Tắc.

Ta từng thấy họ cho hai bà Trưng bị Mã Viện bắt sống, quỳ lạy kẻ thù chiến thắng, khóc xin tha mạng sống, với bất cứ giá nào, dù phải làm tì thiếp để nâng bàn tay đẫm máu người đại thù của dân tộc; và tự nhiên vẫn theo họ – lão tướng họ Mã chẳng thèm đếm xỉa đến lời cầu xin nọ, đem hai kẻ tù binh về cho vua Hán hành hình; và – cũng vẫn theo họ – trước đền thời Mã Viện, có tượng hai “con mẹ phiến loạn Giao Chỉ” trong cử chỉ cầu xin để ghi cầu bình định quận này.

Đối với hai bà Trưng, ngọn bút xuyên tạc và kiêu căng quá đỗi của họ đã hạ những lời như thế, còn đối với bà Triệu?

Các chú “con Trời” ấy chỉ biết cái họ, và mặc dầu người anh thư dám chống họ mới có 23 tuổi đầu, họ cũng cho là con mụ già, con mụ già họ Triệu: Triệu Ẩu.

Và ta hãy nghe thi nhân nước ta làm thơ ca ngợi bà …; bà…:

TRIỆU ẨU
Cao một trượng, cả mười vùng
Bỏ tốc ngang lưng, vú chấm sừng,
Hợp chúng rừng xanh, oai nao nức,
Cưỡi đầu voi trắng, tiếng vang lừng,
Mác dài trỏ vẫy tan đàn giặc,
Ngôi cả lăm le học họ Trưng,
Vì có anh hùng duyên định mấy,
Thời chi Đông Hán dám lung lăng
(Thơ vịnh sử đời Hồng Đức)

Nguyễn Văn Tố diễn ra văn xuôi bài thơ làm hậu bán thế kỷ XV:

“Người ngài cao một trượng”, lưng lớn mười ôm. Tóc ngài bỏ xuống ngang lưng, vú chấm sừng. Hợp quần chúng ở chốn rừng xanh, oai thanh náo nức. Ngài cưỡi đầu voi trắng tiếng dậy vang lừng. Cầm ngọn giáo dài, khi trỏ vẫy mà tan đàn giặc. Cũng toan bắt chước bà Trưng, để dẹp loại giúp dân, rồi lên ngôi báu. Vì có người anh hùng định duyên đôi lứa thì làm gì Đông Hán dám lung lăng?”

Sử chữ Nho cũng chép về bá Triệu “vú dài ba thước” (Đại Việt sử, Khâm định Việt sử).

Câu “bỏ tóc ngang lưng, vú chấm sừng” hình dung bà Triệu ngồi đầu voi, “vú chấm xuống đến ngà voi”.

Và cái ông “đồ Nho trong lốt đồ Tây” ấy, nhà khảo cổ có uy tín – Ưng Hoà Nguyễn Văn Tố lạnh lùng chẳng có gì thêm.

Gọi là con mụ già họ Triệu, dường như chưa đủ, các ông viết sử Tàu còn tạo ra một người quái dị. Thôi bỏ qua bên những cái “mình cao một trượng, lưng lớn mười ôm”, chỉ cái “vú dài ba thước”: đành rằng đó là ba thước Tàu, ba thước một, độ 1m20, nhưng bao nhiêu đó cũng đủ cho ta vì ngạc nhiên – và hoảng hốt cũng nên – cái “dị tướng” ấy, mà quên nghĩa khí của người nữ nhi cân quắc. Trí tưởng tượng của sử gia Tàu quả là quá giầu thật: đến nay khoa sinh dục học chưa từng thấy một ca đặc biệt như thế. Rồi thì nào khi ra trận, vắt vú lên vai. Khi lại bỏ lòng thòng xuống tới ngà voi.

Một mánh khoé trẻ con: đặt điều để diễu cợt một hình ảnh mà kẻ khác tôn thờ, một hình ảnh mà mình chẳng ưa, ghét hay sợ.

Người xưa vô tình mắc phải hiểm ấy, chẳng nói làm gì. Chúng ta không phiền mấy, khi biết các thi nhân thời Hồng Đức, ở hậu thế kỷ XV nói đến “vú chấm sừng”.

Chúng ta không khó chịu nhiều khi, bốn thế kỷ sau, Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái thời Tự Đức, nhắc lại: “vú dài ba thước”

BÀ TRIỆU ẨU ĐÁNH NGÔ

Binh qua trải bấy nhiêu ngày,
Mới sai Lục Dận sang thay phiên thần.
Anh hùng chân mặc phong thần
Nữ nhu lại cũng có lần cung đao.
Cửu chân có ả Triệu Kiều,
Vú dài ba thước tài cao muôn người.
Gặp cơn thảo muội cơ trời
Đen thân bồ liễu theo loài bồng tang.
Đầu voi phất ngọn cờ vàng
Sờn, thân mấy cõi chiến trường xông pha.
Chông gai một cuộc quan hà,
Dù cho chiến tử còn là hiển linh.

(Đại Nam quốc sử diễn ca)

Nhưng đến người đồng thời với chúng ta, sống giữa đời khoa học này, mà còn lại “ba thước vú” thì chúng ta mới bực tức đến đâu.

Ta hãy nghe Tản Đà:

VỊNH BÀ TRIỆU

Mê Linh khuất bóng gái còn ai
Bà Triệu nhà ta cũng đáng tài
Vùng vẫy non sông ba thước vú,
Xông pha tên đạn một đầu voi
Duyên trần chẳng chút tơ vương mối,
Nợ nước riêng mình gánh nặng vai.
Thua được cũng cho Ngô biết mặc.
Lâm Sơn còn có gái tài trai. (1)

VỊNH TRIỆU ẨU

Khí tiêng Lô, Tản đúc nên người.
Chẳng những trai hay gái cũng tài.
Vùng vẫy non sông ba thước vú
Xông pha tên đạn một đầu voi.
Thằng Ngô gan thỏ kinh gần rụng.
Cửa tướng con dòng đích chẳng sai.
Thu được sự thường chi sá kể.
Nữ nhi ái quốc tiếng muôn đời (2).

Dương Quảng Hàm chú thích: Sử chép rằng vú dài tới ba thước.

Và nhà mô phạm chân chính ấy chỉ chú thích có bao nhiêu thôi. Không cho ta biết sự “gặp gỡ lạ lùng” của hai nhà thơ ở hai câu thơ thực:

Đã có hai thì xin thêm một cho đủ ba vậy

TRIỆU BÀ VƯƠNG

Bà Triệu Ẩu quê miền Thanh Hoá
Theo tục truyền tưởng lạ hơn ai
Gặp cơ thao muội cơ trời
Nước nhà thuở ấy thuộc người Đông Ngô
Bon quan tham ô sẵn lối,
Dân ta khôn xiết nỗi đoạ đầy.
Căm hờn bà Triệu ra tay
Cùng anh Quốc Đạt đêm ngày chiêu binh
Khắp một dãy rừng xanh Nông Cống
Hết thảy đều theo bóng, nghe vang
Đầu voi chỉ ngọn cờ vàng
“Oai danh” Lệ Hải Bà Vương vang lừng
“Chống hổ dễ, chống cùng Bà khó”:
Quân Đông Ngô đã có lời răn
Khí thiên khi đã về thần
Núi Bô còn tiếng “Tướng quân Nuỵ Kiều”

Đinh Gia Thuyết

Phần chú thích, tác giả ghi: tục truyền bà Triệu vú dài ba thước. Cũng vẫn vết xe xưa. Nhưng cũng may mà tác giả giả: “Tướng quân Nuỵ kiều”: Nghĩa là quan tướng mềm mại, xinh đẹp. Đó cũng là danh hiệu của tướng sĩ gọi bà Triệu. Người Tàu cho bà là con mụ già xấu xí họ Triệu; tướng sĩ thì gọi bà là “người tướng mềm mại, xinh đẹp”. Chẳng lẽ ta bỏ Phật nhà mà thờ Phật ngoài đường?

Đến học giả thận trọng đã quá cố Trần Trọng Kim, nhiều lần sửa lại cuốn Việt Nam Sử Lược của mình, mà người ta vẫn thấy ông để nguyên hai tiếng Triệu Ẩu. Chúng ta mong rằng trong kỳ in lại sau này, người thay mặt cụ hoặc nhà xuất bản Tân Việt sẽ bỏ tiếng “Ẩu” không tốt đẹp ấy đi. Nhất là dù có lắm kẻ quá lời công kích cuốn sách nói trên, tới bây giờ nó vẫn còn làm nòng cốt cho những cuốn sử viết sau nó, nó vẫn còn là kho tài liệu đầy đủ nhất cho những ai muốn tìm hiểu lịch sử nước nhà.

Chúng ta mong ở các nhà viết sử, chúng ta cũng mong nhà giáo khi giảng dạy, cực lực đánh đổ cái “hiện tượng” vú dài ba thước và cái tên “Ẩu” mà sử gia Tàu có ác ý gán cho bậc anh thư của dân tộc.

Tưởng rằng chúng ta nên theo ông Lê Văn Hoè trong quyển “Quốc sử đính ngoa” xuất bản năm 1941, xác nhận tên bà Triệu là Triệu Thị Chính (3) căn cứ vào “Việt sử đại toàn” và “Khâm định Việt sử”. Bằng không đi nữa chúng ta gọi bà là bà Triệu, thì cũng chẳng thể lộn lầm với một ai.

Còn cứ gọi là Triệu Ẩu – con mụ già họ Triệu – thì quả chuúng ta cứ chị mắc mãi cái cạm bẫy trẻ con do các sử gia Tàu gài mà cũng là khinh miệt người anh thư của nòi giống, là chà dưới chân một hình ảnh thanh cao, trong trắng vào bậc nhất của đất nước.

Người Việt nào xứng đáng với tên Việt nỡ làm thế?

Trần Long Hưng và Nguyễn Hữu Ngư
Tạp chí Bách Khoa số 2.
Lược Sử Tộc Việt số hoá từ pdf, copy vui lòng ghi rõ nguồn.
Tranh minh họa: Xuân Lam.


Chú thích:

(1) Trích “Tản Đà vịnh văn” Nguyễn Khắc Hiếu.
(2) Trích “Quốc văn trích diễn” của Dương Quảng Hàm.
(3) Vài nhà báo cho tên bà là Triệu Trích Nương, nhưng không nói đã căn cứ vào đâu. Ta cũng nên để ý chữ Nương có nghĩa là nàng, nương. Vậy tên bà Triệu rất có thể là hai tiếng đồng âm Thích hay Trích.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.