Về vấn đề này, tác giả Trần Quốc Vượng cho rằng:”Tư chất, tính cách và tâm lí Việt Nam thể hiện rõ ràng trong “nguyên lí Mẹ”… Nguyên lí Mẹ ăn sâu trong tâm trí và biểu hiện thành các chuẩn mực ứng xử”(1). Tác giả Trần Ngọc Thêm cũng cho rằng tính cách văn hoá Việt luôn hướng tới sự hài hoà, “sự hài hoà thiên về âm tính” (2), theo đó, truyền thống đề cao vai trò người phụ nữ là một minh chứng cụ thể. Ở đây, chúng tôi không bàn thêm gì nữa mà chỉ nhằm làm rõ thêm cái gọi là nguyên lí Mẹ trong văn hoá Việt.
1. Những biểu hiện của nguyên lí Mẹ trong văn hoá Việt:
Trong tiếng Việt, từ cái có nghĩa là mẹ. Người Việt có câu: “Con dại cái mang” hoặc “Em về nuôi cái cùng con. Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”. Từ cái thường được chuyển nghĩa sang nghĩa mới với các nét nghĩa như: lớn (hoặc trưởng thành), có khả năng sinh sản. Tất nhiên, nghĩa mới này dựa trên nghĩa gốc là me. Thí dụ: ống cái, trống cái, máy cái… Điều này, về mặt ngôn ngữ không có gì để bàn thêm. Thế nhưng, trong cách gọi biểu trưng của người Việt, cái gì, vật gì lớn, giữ vai trò chính yếu thì người ta không dùng các tính từ thông thường mà thay vào đó bằng từ cái. Trong năm ngón tay và năm ngón chân, ngón nào lớn nhất là ngón cái. Trong những con sông, sông nào lớn nhất là sông cái (ở Rạch Giá người ta gọi hai nhánh sông chính ở đây là sông Cái lớn và sông Cái nhỏ). Trong những con đường, đường nào chính là đường cái (ngày xưa chưa có nhiều đường lớn, con đường chính được gọi là đường cái quan. Trong chùm rễ cây, cọng rễ nào to nhất là rễ cái, … Cách gọi này trở thành quy luật định danh sự vật hiện tượng trong tiếng Việt. Nói quy luật là vì, cho đến những năm cuối thế kỉ XX, khi máy điện thoại tích hợp đa chức năng nhập vào nước ta thì loại máy có hai bộ phận lớn nhỏ đi liền nhau người ta không gọi là máy chính, máy phụ mà gọi là máy “mẹ bồng con”. Và khi internet phát triển, các máy chủ (main server) vẫn thường được gọi là máy mẹ.
Trong đời sống gia đình, phụ nữ là “nội tướng”. Người vợ trong gia đình Việt là người nắm giữ tay hòm chìa khoá: ” Một trăm chìa khoá em đeo. Việc nông tang em gánh, nỗi đói nghèo em lo”, đồng thời cũng là người giữ vị trí số 1 trong việc giáo dục và nuôi dạy con cái: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.
Trong đời sống xã hội, quan niệm dân gian luôn coi trọng, đề cao nữ giới: “Nhất vợ nhì trời”, “Lệnh ông không bằng cồng bà”, “Ruộng sâu trâu nái không bằng gái đầu lòng”, “Ba đồng một mớ đàn ông. Ta bỏ vào lồng ta gánh ta chơi. Ba trăm một mụ đàn bà. Đem về ta trải chiếu hoa cho ngồi”. Vai trò của người phụ nữ được khẳng định trong sự nghiệp cứu nước: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Các nữ tướng trong lịch sử chống ngoại xâm đều được xếp vào hàng danh tướng và đền thờ các vị ấy có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần người Viêt Nam. Trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ để giải phóng dân tộc, nhà nước đã phong tặng cho hàng chục vạn phụ nữ ở cả hai miền danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Trong tín ngưỡng dân gian, thế giới thần linh hầu như do nữ thần cai quản. Tam Phủ (Bà Trời, Bà Đất, Bà Nước), Tứ Pháp (Bà Mây, Bà Mưa, Bà Sấm, Bà Chớp) là những “nữ thần cai quản các hiện tượng tự nhiên quan trọng nhất, thiết thân nhất đối với cuộc sống của người làm nông nghiệp lúa nước” (3). Liễu Hạnh trong Tứ bất tử của văn hóa Việt được tôn là Liễu Mẫu. “Tục thờ Mẫu đã trở thành một tín ngưỡng Việt Nam điển hình” (4).\
2. Cơ sở hình thành nguyên lí Mẹ trong văn hóa Việt:
Về mặt kinh tế, cung cách sống bằng nghề nông dần dần chuyển người phụ nữ đến vị trí nắm giữ và điều tiết “ngân sách” gia đình. Sở dĩ nói như vậy là vì, cư dân nông nghiệp từ khi còn sinh sống trên vùng cao cho đến khi về đồng bằng thì gia đình là hình thức tồn tại lâu nhất và rất bền vững. Nền kinh tế nông nghiệp suốt mấy nghìn năm vẫn lấy gia đình làm nền tảng cho mọi hình thức sản xuất. Chính vì vậy, mãi cho đến sau Cách mạng tháng Tám, miền Bắc vẫn còn là “biển” tiểu nông. Hệ quả là đến nay, cung cách quản lí theo lối gia đình vẫn còn hằn vết rất rõ trong các đơn vị kinh tế và cả những đơn vị hành chính sự nghiêp.
Vì sao trong những gia đình sống bằng nghề nông, người phụ nữ giữ vai trò quan trọng? Trước hết, do điều kiện làm việc, người đàn ông không thể thường xuyên ở nhà. Khi làm đồng áng (và nhiều việc nặng nhọc khác để có sản phẩm phục vụ cho cuộc sống tự cung tự cấp) người đàn ông phải mặc theo lối hở (khác lối mặc kín của phương Tây) để phù hợp với khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm; vì vậy, việc cất giữ tiền của đối với họ là không an toàn (thời xa xưa, đàn ông để mình trần, vận khố, về sau mới có quần lá toạ, áo có tay, quần có ống nhưng nói chung, trong cách mặc, họ không chú ý may túi để cất giữ tiền của). Phụ nữ ít đi ra ngoài, ít làm công việc nặng, việc cất giữ tiền của đối với họ là an toàn hơn. Thế nhưng, để bảo vệ số tài sản hữu hạn, mỗi người phải may cho mình một cái túi để cất giữ tiền của và chiếc túi này họ luôn mang theo trong người. Nó chỉ được tháo ra khi chủ nhân đi… tắm rửa. Do có hình dài dài để dễ đeo mang và do “có bao nhiêu cho cả vào đấy” (!) nên người đời gọi nó là cái ruột tượng. Chính từ khi đeo cái ruột tượng, gánh nặng điều tiết kinh tế gia đình đặt lên vai người phụ nữ. Làm sao cảnh nhà khỏi bị đói nghèo, làm sao để chồng khỏi buồn lòng bởi câu “Giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ”. Và cũng từ đó, đối với người đàn ông, chiếc ruột tượng trở thành cái “ngân hàng” mà gửi vào rất dễ dàng nhưng lấy ra cực kì khó khăn. Nhìn ở khía cạnh thực tế, xét trong bối cảnh địa lí, khí hậu Bắc bộ, chiếc ruột tượng chính là cái “bình ổn áp” cho nhịp sống gia đinh. Bởi vì, lấy đâu ra mà sống khi mất mùa đói kém luôn rình rập trong suốt hơn sáu tháng trời khối khí lạnh phương Bắc tràn về tung tác khắp miền Bắc và cả bắc Trung bộ. Vậy nên, dù biết cái “ngân hàng tại gia” là kì quặc nhưng các ông vẫn tự nguyện, tự giác gửi vào đều đặn, không hề giấu giếm xu nào. (Nếu làm được như thế thì được các bà gọi là người chồng tốt). Tác giả Phan Ngọc rất có lí khi nhận xét: “Trong xã hội Việt Nam, đàn bà quản lí kinh tế. Đàn bà đi chợ mua bán, đàn ông đi mua bán là bất đắc dĩ, còn ở Trung Quốc đàn ông đi chợ…” (5)
Về mặt văn hoá-giáo dục, phụ nữ Việt Nam giữ vai trò cực kì quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho các thế hệ nối tiếp. Trong gia đình Việt, người mẹ có tầm ảnh hưởng quyết định đối với con trẻ. Nếu nói rằng gia đình là hạt nhân văn hóa của xã hội thì người mẹ là hạt nhân văn hóa của gia đình. Thực tế cho thấy, từ xưa đến nay, trường hợp người cha phạm tội, bị kết án tù nhưng dưới sự chăm sóc, giáo dục của người mẹ, con cái vẫn có thể nên người; thế nhưng, một khi người mẹ mắc sai lầm nghiêm trọng, bị buộc phải cách li gia đình thì con cái ít có khả năng trở thành công dân tốt. Số phận con cái được định bởi người mẹ chứ không phải người bố: “Mồ côi cha ăn cơm với cá. Mồ côi mẹ liếm lá dọc đường”. Đây là vấn đề không phải bàn cãi thêm. Nhưng, nếu chỉ nói như thế thôi thì không thể giúp mọi người thấy được tầm vóc của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp giáo dục các thế hệ giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Trải qua nghìn năm Bắc thuộc ‘ta lại là ta” là nhờ công lao của người phụ nữ. Suốt trường kì lịch sử gian khổ ấy, ngôn ngữ truyền miệng trở thành công cụ duy nhất dùng để bảo lưu và chuyển giao văn hoá dân tộc, cũng là để giữ gìn bản sắc văn hoá Việt Nam. Đối tượng sử dụng công cụ ấy có hiệu quả nhất chính là những người bà, những người mẹ, những người chị. Họ truyền cho cháu, cho con, cho em lòng yêu nước thương nòi, tinh thần độc lập tự chủ qua câu hát, lời ru, câu chuyện kể. Ru rằng: “Nước sao bỉ ổi bấy ôi. Để thằng răng trắng hiếp người răng đen”. Kể rằng: Thánh Dóng đánh giặc Ân cứu nước, An Dương Vương để mất nỏ thần vào tay giặc rồi bị mất nươc, và cả những chuyện đương thời về Bà Trưng, Bà Triệu đánh đuổi ngoại xâm mà do hoàn cảnh lịch sử hồi ấy, chưa ai có thể viết thành sách được… Dưới chính sách đồng hoá quyết liệt của nhà Hán, phụ nữ Việt Nam còn đảm nhiệm một sứ mệnh lịch sử cao cả là giữ gìn và bảo vệ giống nòi. Nếu hôn nhân do nhà Hán đặt ra là thứ hôn nhân cưỡng bức thì những câu hát, lời ru của các mẹ, các chị luôn dìu dặt tình yêu tự do, trong sáng. Lúc này, những câu nói, câu hát truyền khẩu như: “Ta về ta tắm ao ta. Dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn”, và “Trâu đồng nào ăn cỏ đồng ấy” lại phát huy tác dụng tích cực trong việc giữ gìn phong hoá dân tộc. Kết quả là, qua nghìn năm Bắc thuộc, chỉ những gia đình nào chịu ảnh hưởng lễ giáo phong kiến mới thực hiện cưới xin theo nghi thức phương Bắc (mà nghi thức này cũng ít nhiều đã được Việt hoá); còn lại, hầu hết trai gái ở các thôn bản vẫn tiến hành cưới xin theo tập tục của bản, của làng.
Về mặt chính trị-xã hội, trong suốt thời gian bị phong kiến phương Bắc đô hộ và sau này, qua nhiều lần đất nước bị ngoại xâm, gánh nặng gia đình và trách nhiệm công dân luôn đặt lên vai người phụ nữ: “Em về nuôi cái cùng con. Để anh đi trẩy nước non Cao bằng”. Không cam chịu cảnh nhân dân bị áp bức bóc lột, Bà Trưng, Bà Triệu đã anh dũng đứng lên đánh đuổi giặc thù, làm nên truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam. Nhiều thế hệ phụ nữ nối tiếp đã làm rạng rỡ truyền thống tốt đẹp đó. Câu nói:”Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” là sự khái quát khách quan hiện thực đấu tranh của nhân dân Việt Nam, trong đó vai trò nữ giới được đặt ngang hàng với nam giới. Thật không sai khi có người nhận xét rằng, ở Việt Nam, muốn biết một cuộc chiến tranh nào đó là chính nghĩa hay phi nghĩa thì hãy xem thái độ của người vợ, người mẹ khi đưa chồng, đưa con tham gia vào cuộc chiến ấy. Như vậy, phụ nữ trở thành thước đo tính chất của những cuộc chiến tranh. Trong suốt hai cuộc chiến tranh thần thánh chống thực dân và đế quốc của nhân dân Việt Nam, phụ nữ luôn “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Hàng chục vạn phụ nữ trở thành “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” vì đã hiến dâng cho Tổ Quốc những người con bất tử.
Về mặt đời sống tâm linh, từ chức năng sinh sản và vai trò nuôi dưỡng của người mẹ trong đời thực, các nữ thần được trao gửi trách nhiệm nặng nề hơn các nam thần, đó là bảo bọc, che chở cho nhân dân mọi lúc, mọi nơi. Tam Phủ, Tứ Pháp là những nữ thần như vây. Liễu Hạnh trong Tứ bất tử là hiện thân của triết lí sống cao đẹp và triết lí về hạnh phúc. Hình tượng thẩm mĩ này cho người ta nhận thức được rằng: sống là cho chứ không phải chỉ có nhận và hạnh phúc không phải trên thượng giới mà là ngay trong cuộc sống đời thường ở hạ giới. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc như vậy, Liễu Hạnh được tôn gọi là Thánh Mẫu, dân gian gọi Bà một cách thân thiết là Liễu Mẫu. Các miếu thờ Liễu Mẫu luôn nghi ngút khói hương. Phật giáo đến Việt Nam, ngoài Phật ông xuất hiện thêm hình ảnh Phật bà. Phật bà Quan thế âm Bồ tát luôn gần gũi chúng sinh, sẵn sàng cứu nhân độ thế. Vì vậy, câu niệm “Nam mô Quan thế âm Bồ tát” trở thành lời kinh cầu nơi cửa miệng dân gian. Các chùa do dân chúng gom góp tạo dựng thường có tượng Phật bà Quan âm và cũng luôn nghi ngút khói hương. Những viện dẫn trên đây giải thích vì sao từ xưa đến nay, chùa bà, miếu bà bao giờ cũng linh thiêng hơn chùa ông, miếu ông. Số người đến thăm viếng, cầu xin ở chùa bà, miếu bà bao giờ cũng đông hơn chùa ông, miếu ông.
Về mặt ngôn ngữ-văn hoá, nếu nói ngôn ngữ tự thân nó chứa đựng những lớp trầm tích văn hoá dân tộc thì cặp từ vợ/ chồng trong tiếng Việt là một ví dụ tiêu biểu. Vì sao? Để làm rõ điều này, thiết nghĩ nên nhắc lại ý kiến của nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân: “Phương thức thứ tự đặc biệt quan trọng trong tiếng Viêt. Nó phản ánh một phần trong cách nhìn của người Việt về xã hội và thế giới tự nhiên. Phạm trù thứ tự được thể hiện qua các quan hệ không gian, quan hệ thời gian và quan hệ xã hội của sự vật. Đặc điểm căn bản của phạm trù thứ tự trong tâm thức người Việt là:
Cái QUAN TRỌNG đặt trước, cái THỨ YẾU đặt sau.
Về thời gian, cái gì xuất hiện trước là quan trọng hơn. Về không gian, cái gì lớn hơn, cao hơn là quan trọng hơn. Điều này thể hiện rõ ràng trong cấu trúc tiếng Việt…
Những gì ngược với quy tắc thứ tự trên đây chứng tỏ rằng ở đó có sự tác động mạnh hơn của các phạm trù khác”. (6)
Rõ ràng, với thứ tự của cặp từ vợ/chồng, trong tâm thức người Việt, người vợ giữ vai trò quan trọng, chính yếu hơn người chồng. Vấn đề đến đây vẫn còn sự nghi vấn. Bởi lẽ, trong tiếng Việt còn một cặp từ khác có nội hàm rộng hơn. Đó là cặp từ ông/bà. Vận dụng lí lẽ trên để “giải mã” cặp từ ông/bà thì người đàn ông giữ vai trò quan trọng, chính yếu hơn người đàn bà. Vậy ai là người có vị trí cao hơn? Quan sát đời sống gia đình và đời sống xã hội của người Việt, chúng ta dễ dàng tìm câu trả lời cho câu hỏi này. Vợ/chồng là cặp từ chỉ một đôi trong quan hệ gia đinh. Ông/bà là cặp từ chỉ một đôi trong quan hệ xã hội. Nói cách khác, trong “hệ quy chiếu” gia đình thì người vợ có vị thế cao hơn còn trong “hệ quy chiếu” xã hội thì người đàn ông có vị thế cao hơn. Ở phạm vi gia đình thì gọi là hai vợ chồng nhưng khi giải quyết vấn đề hành chính, mời tham dự hội họp thì phải gọi là hai ông bà hoặc ông X, bà Y. (sự thay đổi cách gọi theo “hệ quy chiếu” như thế này hầu như không có trong văn hoá giao tiếp phương Tây). Quan hệ xã hội có tính “đồng đại” (nam giới và nữ giới có thể đổi vai nắm quyền lực qua các thời kì, nhưng phổ biến vẫn là nam giới). Quan hệ gia đình có tính “lịch đại” (người vợ luôn giữ vai trò chính yếu). Vì vậy, xét trong mối tương quan về trục thời gian, người vợ luôn ở thế “cầm quyền nội tướng” là hợp lô gíc…
Dựa vào những luận cứ trên, chúng tôi cho rằng, truyền thống trọng phụ nữ ở Việt Nam không hẳn là dấu vết của chế độ mẫu hệ mà chính là sản phẩm bắt nguồn từ văn hoá sinh hoạt gia đình của những cư dân nông nghiệp lúa nước. Và vai trò trụ cột của người đàn ông thể hiện qua việc gánh vác công việc nặng nhọc, có trách nhiệm cao nhất về gia đình của mình trước cộng đồng, có trách nhiệm trước nhất về vận mệnh và đời sống của cộng đồng là điều bình thường, phổ biến ở mọi dân tộc, qua mọi thời kì chứ không phải chỉ trong chế độ phụ hệ (những hiện tượng cá biệt rất hiếm, thường rơi vào những nơi quá hẻo lánh, quá tách biệt với cộng đồng rộng lớn, đông đúc). Nói cách khác, vị thế nam giới cao hơn nữ giới trong xã hội Việt Nam không hẳn là dấu vết của chế độ phụ hệ mà còn do ở tính chất và đặc điểm của giới. (Thật ra, quá trình hình thành, chuyển đổi giữa chế độ mẫu hệ và phụ hệ ở Việt Nam không rõ ràng như ở các nước khác nên dấu ấn của nó khá mờ nhạt. Hiện nay, có người vẫn thừa nhận rằng: bởi một lí do nào đó, nền dân chủ làng xã hình thành từ thời kì lập quốc vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Chính điều này đã dẫn đến sự phân công công việc cũng như quyền hành trong gia đình và ngoài xã hội mang tính bình đẳng theo xu hướng phù hợp với yêu cầu của đời sống thực tại hơn là sự áp đặt của giới này lên giới kia). Một điều khá thú vị là, từ cách nhìn này, chúng ta có thể lí giải vì sao ở Tây Nguyên và các vùng miền núi phía Bắc, trong khi các chàng trai chấp nhận số phận đi ở rể thì các bản làng lại giao cho các già làng là nam giới trông coi. Và, đối với đàn ông người Kinh, việc “quản gia” thì phó thác cho vợ còn… việc làng, việc nước (gần đây là việc họp hành, phát biểu ở tổ dân phố…) thì “được” mấy bà uỷ quyền mà không cần có văn bản.
Tóm lại, trong văn hoá Việt, vị thế của người phụ nữ được xác lập một cách rõ ràng. Vai trò, vị thế đó phản ánh truyền thống trọng phụ nữ của người Việt. Truyền thống đó là sản phẩm xã hội vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị văn hoá. Nó thể hiện một nét đẹp của văn hoá Việt. Và không có gì khiên cưỡng khi xem đó là một nét đặc trưng của văn hoá Việt, một nguyên lí vận hành của văn hoá Việt. Trộm nghĩ, nếu có ai đó muốn bàn thêm vấn đề này, trước hết phải chấp nhận những giá trị ấy.
Trần Long
Nguồn
Chú thích:
(1) Trần Quốc Vượng (1998), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb. Giáo dục, H., tr.108, 109.
(2) Trần Ngọc Thêm (1997), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb. Giáo dục, H., tr.312, 313.
(3) Trần Ngọc Thêm (1998), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb. Giáo dục, H., tr.131.
(4) Trần Ngọc Thêm (1996), Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, Nxb. Tp.HCM, tr.272.
(5) Phan Ngọc (1998), Bản sắc văn hoá Việt Nam, Nxb. Văn hoá Thông tin, H., tr.241
(6) Nguyễn Đức Dân (1993), Phạm trù thứ tự trong tâm thức người Việt trong“Việt Nam những vấn đề ngôn ngữ và văn hóa”, tr.47, 48.