Người bạn cho tôi mượn quyển “Tổ Quốc Ăn Năn”, biết tôi là người thích viết lách, anh vui miệng nói “Nguyễn Gia Kiểng là tay lão luyện. Hắn viết chỗ này một tí, chỗ kia một tí. Nếu anh định viết bài phê bình chắc phải viết cả một quyển sách mới tạm đủ”. Tôi đọc vài chương sách, nhận thấy anh bạn nói có lý. Nhưng may quá, tôi không có ý định viết bài phê bình. Việc tôi cùng bè bạn đang làm, viết quyển Tư Tưởng Sử Việt Nam đã choán hết thì giờ của chúng tôi, e dùng hết thì giờ của quãng đời còn lại chưa chắc đã hoàn tất được tốt đẹp. Gia dĩ, từ ngày Tập San TƯ TƯỞNG ra đời, chúng tôi đã có lập trường rõ ràng: hãy làm tốt phần việc của mình và để cho người khác làm việc của họ. Vận nước đang hồi bỉ cực, đòi hỏi con dân, ai góp được gì thì cứ làm việc ấy. Đừng dẫm chân lên nhau, cũng đừng cản trở công việc của nhau. Cho đến hôm nay, chúng tôi chưa hề vi phạm lập trường do chính mình đã đề ra. Vậy tại sao lại có bài viết này? Xin Quý vị cứ thủng thẳng. Đọc xong bài viết, Quý vị sẽ rõ, và hy vọng Quý vị sẽ không tiếc đã mất thì giờ vì những chuyện tào lao vô bổ.
Như trên đã nói, quyển “Tổ quốc ăn năn” đề cập đến rất nhiều vấn đề, mà vấn đề nào cũng có ý mời gọi sự thảo luận, sự tranh cãi. Tác giả bài này chỉ xin chọn vài điểm sau đây để thảo luận hầu có thể gợi được một thái độ thích nghi khi đọc Tổ Quốc Ăn Năn. Sự lựa chọn thứ tự trước sau các vấn đề đem bàn là hoàn toàn do ý người viết chứ không theo thứ tự quyển sách:
1 – Nguồn gốc dân tộc
2 – Văn minh phù sa
3 – Văn hóa Khổng giáo
4 – Vấn đề kẻ sĩ, trí thức, tinh thần quốc gia
5 – Quang Trung Nguyễn Huệ 6 – Giáo dục
6 – Tâm lý thù ghét thương mại
7 – Những nhận xét trong xã hội hiện nay
1 – NGUỒN GỐC DÂN TỘC
Nguyễn Gia Kiểng khẳng định nguồn gốc dân tộc một cách đơn giản dường như chẳng có chút nghi ngờ rằng: “Cuộc Nam tiến của người Trung Hoa đến Quảng Đông, Quảng Tây thì khựng lại vì gặp bức tường núi dầy gần 100 cây số. Chỉ có một số ít người vượt được núi, hợp với thổ dân mà tạo ra nước Văn Lang”. (TQĂN, trg 122). Quan niệm này phỏng theo một thuyết về chủng tộc cổ điển đã bị khoa học ngày nay vượt qua từ lâu rồi. Ngay cả những tác giả cổ điển nổi tiếng người Pháp như Edouard Chavannes, Léonard Aurousseau, H. Maspéro mà các sử gia hàng đầu của ta đầu thế kỷ 20 như Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim phỏng theo, cũng chỉ nói người phương Bắc ở phía Nam sông Dương Tử đây là thuộc đại tộc Bách Việt, vì bị sự bành trướng của nòi Hoa Hán từ phía Nam Hoàng Hà, nên đã lùi dần về phương Nam, góp phần lập nên nước Văn Lang. Họ không bao giờ khẳng định những người này là người Trung Hoa. Và như trên đã nói, khoa học ngày nay, từ khảo cổ học, ngôn ngữ học, địa chất học, đại dương học, thảo mộc học và nhất là di truyền học [trích báo cáo của Bác học J. Y. Chu: “The phylogeny also suggested that it is more likely that ancestor of the populations currently residing in East China entered from Southeast Asia “ (The National Academy of Sciences – USA – Volume 95, Issue 20, 1763 – 1768, 29 July 1998)] đều chứng minh rằng người Việt là chủng Nam Á ở Đông Nam Á Châu, là cái nôi cổ nhất của nhân loại Đông phương. Chính từ cái nôi này, con người đã bành trướng ra bốn phương; lên phía Bắc đến tận Nhật Bản và sang đến Mỹ Châu; xuống phía Nam, sang phía Tây và ra đến các hải đảo Thái Bình Dương. Cũng chính người Nam Á, tổ tiên người Việt này là tác giả của hai trong ba phát minh đã đưa loài người từ thời tiền sử sang thời văn minh là việc thuần hóa cây lúa nước và việc chế tác dụng cụ bằng đồng. Xin nói ngay, viết như vậy chỉ để trả lại sự thực cho lịch sử, có thể để củng cố lòng tự tin dân tộc, nhưng tuyệt đối không phải để gây tự mãn. Tổ tiên hay mà hậu duệ dở thì chỉ là điều tủi nhục chứ chẳng có gì để tự mãn. Hiện chúng ta người Việt, chúng ta đang đứng hạng chót về phương diện kinh tế cũng như văn hóa, xã hội của loài người văn minh. Lúc này là lúc chúng ta cần phải tìm cho ra và nói cho to những khuyết tật căn nguyên phát sinh ra sự tụt hậu này. Nhưng dù lý do phát triển để tiến bộ có quan trọng đến đâu chăng nữa, cũng không thể vì vậy mà có thể bội bạc với tổ tiên, bôi xấu nguồn gốc dân tộc. Những độc giả vẫn mến mộ Nguyễn Gia Kiểng, trong đó có tôi, thực rất buồn lòng thấy ông đã chọn một thuyết phản khoa học và lạc hậu nhất làm thuyết nói về nguồn gốc dân mình. Chúng tôi đã viết nhiều về đề tài này, xin không nhắc lại ở đây. Độc giả muốn tìm hiểu thêm, xin đọc lại TƯ TƯỞNG số 1 – Sự hình thành văn minh Việt Nam; TT số 2 – Nguồn gốc dân tộc theo nhân chủng học, khảo cổ học và cổ sử; TT số 7 – Nguồn gốc dân tộc theo di truyền học DNA; TT số 10 – Tiếng nói và chữ viết của người Việt Cổ; TT số 13 – Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang.
2 – VĂN MINH PHÙ SA
Nhận xét thứ hai của Nguyễn Gia Kiểng làm tôi chú ý là “Văn hóa Việt Nam là đặc tính văn hóa phù sa rất mãnh liệt” (TQĂN, trg 305). Có điều hình như ông chưa biết đến hay không để ý đến hiện tượng biển tiến vô cùng đặc biệt ở vùng này nên đã cho rằng “chúng ta có lẽ là nền văn minh phù sa muộn nhất” (TQĂN, trg 306) và vì vậy, từ nhận định “dấu ấn của nền văn minh phù sa: cần cù, nhẫn nại, nhưng thủ cựu, thiếu sáng kiến và thiếu óc mạo hiểm” và: “tổ tiên ta vốn đã ít người mà phải thực hiện trong khoảng thời gian 1000 năm công việc mà các dân tộc khác đã thực hiện trong 3, 4000 năm” nên “chúng ta còn mang nặng đặc tính văn minh phù sa hơn những xã hội khác” (TQĂN, trg 306) nên ông dễ đi đến kết luận: “Người Việt Nam không thông minh hơn ai, có sáng dạ thực nhưng là sáng dạ để bắt chước chứ không phải để phát minh. Người Việt có tâm lý tồi kém, không làm việc tập thể được. Người Việt hiếu học, nhưng hiếu học để lấy bằng cấp chứ không phải để lấy kiến thức. Người Việt thiếu tự hào dân tộc và lại đố kỵ, ghen ghét nhau. Người Việt tôn thờ bạo lực và ác độc đối với nhau. Người Việt không có óc phương pháp. Người Việt không biết truyền thông, không biết đọc, không biết viết v. v…” (TQĂN, trg 109). Ai trong chúng ta cũng biết rằng, bất cứ nền văn minh nào cũng phát sinh từ các dân tộc đã định canh, định cư chứ không phải dân du mục. Bất cứ dân định canh, định cư nào cũng xây dựng cái nôi của mình trên các dòng sông: sông Hoàng Hà, sông Dương Tử, sông Hồng, sông Cửu Long, sông Gange, sông Euphrates, sông Nil … mà Nguyễn Gia Kiểng đã gọi là văn minh phù sa. Và bất cứ nền văn minh phù sa nộng nghiệp nào cũng tạo cho con dân của nó các đặc tính như cần cù, nhẫn nại nhưng trái với điều Nguyễn Gia Kiểng nhận xét, họ không thích bạo lực, không thiếu sáng kiến mà họ có đặc tính yêu hòa bình, ưa sáng tạo, mà nhờ những phát minh của họ, loài người đã vượt qua thời mông nuội để tiến dần đến văn minh như ngày nay. Vì đặc tính hiếu hòa này mà nền văn minh nông nghiệp nào cũng bị dân du mục, thường từ phương Bắc, hiếu chiến, bạo tàn, man rợ hơn đến xâm chiếm. Điều này nhiều sử gia đã nhận thấy và Will Durant đã diễn tả rõ rệt như sau: “Nói về quân sự là mạn Bắc: Aryens đổ xuống chiếm Dravidans, người Acheans và Dorians xuống chinh phục Cretans và Egeans, người Germans đổ xuống Romans, người Lombards xuống Italians, người Anh đổ xuống thế giới” (Civ. 117 – Civ. 397).
Còn một điều khác nữa Nguyễn Gia Kiểng đã nói đến nhưng lại nói ngược là nền văn minh phù sa sông Hồng, cái nôi của tổ tông người Việt, không phải là nền văn minh phù sa trễ nhất mà là sớm nhất của nhân loại. Điều này cũng không trách Nguyễn Gia Kiểng được vì vấn đề đó mới được khoa học xác quyết trong mấy năm gần đây thôi. Nó là hậu quả của việc nước biển lên, xuống: khoa học nay cho thấy khoảng 18.000 năm trước đây, nước biển thấp hơn ngày nay 130m. Thềm lục địa ở cửa sông Hồng, cả sông Cửu Long nữa, khác với thềm lục địa của các con sông Hoàng Hà, Dương Tử, cả sông Euphrates, sông Hằng, sông Nil, sông Amazone là rất thấp, chỗ sâu nhất cũng không quá 100m. Vì vậy khi nước biển thấp hơn ngày nay 130m thì cả cái phần mà nay là vịnh Bắc Việt ra đến tận đảo Hải Nam và phần mà nay là biển từ phía Nam Việt Nam, Thái Lan đến Nam Dương quần đảo đều là đất liền. Cửa sông Hồng đổ ra biển lúc đó đâu ở phía Nam đảo Hải Nam ngày nay khoảng ba, bốn trăm cây số khiến cả cái vịnh Bắc Việt ngày nay trở thành đồng bằng sông Hồng mà khoa học gọi là Nanhailand. Đồng bằng này nối liền với đồng bằng sông Cửu Long lan đến tận Nam Dương có tên khoa học là Sundaland là đồng bằng rộng và đẹp nhất xưa nay nhân loại có được. Nền văn minh phù sa sông Hồng vì vậy là nền văn minh cổ nhất của nhân loại, cái nôi của văn minh thế giới, chứ không phải là nền văn minh phù sa mới nhất. Đó là tiếng nói của khoa học, không phải của người viết những dòng này. Kết quả của sự phát hiện này cũng đã làm sáng tỏ một số những nhận xét đã có từ lâu nay nhưng trước kia chưa được giới học giả đồng thuận. Đó là: những phát minh quan trọng nhất đã đưa nhân loại từ thời tiền sử sang thời văn minh là phát minh của cư dân Đông Nam Á, mà tổ tông người Việt đã dự vào phần chính, việc thuần hóa cây lúa nước, việc chế tác đồ đồng, việc hàng hải vượt đại dương … Chỉ có điều không may là khi tổ tông người Việt vừa hoàn tất những phát minh này, khi nhân loại đã phát minh ra chữ viết đủ để ghi chú lại các diễn biến lịch sử thì cũng là lúc các sắc dân du mục thuộc nòi Hoa Hán ở Tây Bắc Châu Á bắt đầu dòm ngó và lấn chiếm các đồng bằng phì nhiêu, thành quả của dân định canh, định cư Đông Á và Đông Nam Á thuộc nòi Bách Việt. Những phát minh của tổ tông người Việt khi được ghi chép lại trở thành những phát minh của người Hoa, cùng với đất đai của người Việt phần lớn cũng dần dần trở thành đất nước Trung Hoa. Điều này cũng chỉ được giới khoa học khẳng định trong những năm rất gần đây. Xin đơn cử vài thí dụ: thí dụ thứ nhất, việc thuần hóa cây lúa nước vẫn được coi là phát minh của người Hoa và người Ấn. Vào thập niên 60 thế kỷ vừa qua, nhân tìm được những hạt lúa ở Non Nok Tha, có niên đại cổ hơn giống lúa tìm được ở Trung Hoa hay Ấn Độ, GS. W. G. Solheim II đã đưa ra giả thiết người ở Đông Nam Á có lẽ là người đầu tiên đã thuần hóa được cây lúa nước. Ý kiến này đã bị hầu hết các học giả thời đó hoài nghi. Nhờ tiến bộ của các khoa học khác như khảo cổ học, ngôn ngữ học … và nhờ đã tìm thêm được chứng tích của những hạt lúa khác như ở hang Sakai-cave (có niên đại C14 đến 9260 – 7620 năm cách ngày nay). Việc thuần hóa lúa nước bây giờ mới được khẳng định là ở Đông Nam Á, quê hương của tổ tiên người Việt. (Xin tham khảo thêm: Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang – Tập san TƯ TƯỞNG số 13, tháng 4/2001).
Thí dụ thứ hai, việc khẳng định quyền phát minh ra đồ đồng còn cam go hơn nữa. Khi đã phát hiện được văn hóa đồng Đông Sơn ở Thanh Hóa, người ta còn cho rằng đây là kỹ thuật được nhập cảng từ Trung Hoa và xa hơn nữa từ Tây phương qua một hành trình rất nhiêu khê trước khi vào đất Việt. Mãi đến tháng 4/1980 chính quyền Trung Quốc còn tổ chức một hội nghị về Trống Đồng tại Nam Ninh với mục đích giành quyền phát minh về đồ đồng cho nước mình. Cũng may hầu hết những học giả trên thế giới mà đầu tiên phải kể đến học giả hàng đầu Trung Quốc đã không ủng hộ thuyết này. Cuối cùng, vinh dự này phải trả về cho tổ tông người Việt. Đến nay thì Trống Đồng là gia tài quý báu của tổ tông người Việt để lại cho chúng ta đã là điều hiển nhiên, không ai tranh cãi nữa.
Về sự phát minh ra kỹ thuật hàng hải, thì đến nay, ngay cả Nguyễn Gia Kiểng cũng còn cho là tuy người Việt làm chủ một bờ biển tuyệt đẹp, nhưng “từ nhiều ngàn năm” chỉ đứng trên bờ mà ngó ra biển “với con mắt kinh sợ” (TQĂN N, trg 382). Thực ra, từ lâu Joseph Needham đã nhận thấy tổ tiên người Việt đã sáng chế ra được loại thuyền vượt biển và đã nắm được kỹ thuật hàng hải sớm nhất. (Science and Civilization in China, Vol. I: Introduction).
Nhưng không nhất thiết tổ tông giỏi là con cháu phải giỏi. Bằng cớ là con cháu người Việt là chúng ta ngày nay đã và đang là những con người tồi nhất, thực không xứng với tổ tiên. Tôi kể những chuyện này ra cũng không phải để nói Nguyễn Gia Kiểng không đúng mà chỉ muốn góp phần, như Nguyễn Gia Kiểng, tìm ra bài thuốc chữa cho con bệnh Việt Nam. Nguyễn Gia Kiểng đã rất đúng khi nói con bệnh Việt Nam là bệnh văn hóa tồi dở chứ không là bệnh nào khác, và càng đúng hơn nữa khi chủ trương muốn chữa được bệnh này thì trước hết phải chữa cho lành những bệnh tật trong con người Việt Nam. Mọi chính sách, chương trình văn hóa, chính trị dù có hay ho tài giỏi đến đâu mà xây dựng trên cái nền văn hóa tồi dở này, bằng những con người bệnh tật này thì cũng hư hỏng vô ích mà thôi! Có điều chúng ta tồi dở là do tội của chúng ta, cũng có thể do thủ đoạn thâm độc nào đó của ngoại bang mà ta chưa phát hiện hết được, nhưng không thể đổ tội đó lên đầu tổ tông, nhất là khi chúng ta may mắn có được một tổ tiên đáng hãnh diện, đáng tôn kính!
Những dòng chữ chúng tôi viết dưới đây chỉ nhằm mục đích duy nhất là góp phần tìm cho được cái căn nguyên đã đưa đến nền văn hóa tồi dở và con người bệnh tật Việt Nam hầu góp phần đề ra toa thuốc chữa trị thích hợp.
3 – VĂN HÓA KHỔNG GIÁO
Điều tôi thích thú nhất khi đọc “Tổ Quốc Ăn Năn” là việc tác giả đã đánh giá cao vai trò của văn hóa và đưa nó vào đúng vị trí trong việc giải quyết vấn đề Việt Nam. Nguyễn Gia Kiểng cho rằng: “Khi một quốc gia thua kém … thì chỉ có thể có hai giải thích, một là con người tồi, hai là văn hóa tồi” (TQĂN, trg 85), rồi ông khẳng định: “Nguyên nhân của sự thua kém bi đát hiện nay như vậy chỉ là vì văn hóa của chúng ta quá tồi”. Tại sao văn hóa ta tồi? Và nó tồi từ hồi nào? Theo Nguyễn Gia Kiểng, văn hóa ta tồi vì nó chỉ là văn hóa Khổng giáo. Nó tồi từ thủa ban sơ bởi văn hóa Việt Nam chỉ là cái đuôi của văn hóa Khổng giáo ở Trung Quốc kể cả con người Việt Nam cũng chỉ là phần thừa của người Trung Hoa như ở mục 1 đã nói. Ông tuyên bố chắc nịch: “Văn hóa Khổng giáo là văn hóa vô tổ quốc” (TQĂN, trg
350) và “Trong vòng 2000 năm, chúng ta được nhào nặn bởi văn hóa Khổng giáo, một văn hóa vong thân, vị kỷ và phủ nhận đất nước” do đó “lòng yêu nước của người Việt Nam cũng chỉ là một ngộ nhận” (TQĂN, trg 349). Vể điểm này tôi xin được bàn đến sau. Ở đây chỉ xin nhấn mạnh là Nguyễn Gia Kiểng đã rất công phu trong việc chứng minh văn hóa Khổng giáo, là cái xương sống, nếu không muốn nói là toàn bộ văn hóa Việt Nam, là thứ văn hóa tồi. Những câu ông trích dẫn trong Tứ thư, Ngũ kinh rất thông minh và đúng cả, nên lập luận của ông có sức thuyết phục khá cao. Về điểm này, tôi không có ý kiến gì để đóng góp. Điều tôi muốn đóng góp trong mục 3 này, một cách tóm lược, là các điểm sau:
– Khổng giáo mà Nguyễn Gia Kiểng đem ra mổ xẻ là thứ Khổng giáo nào?
– Khổng giáo này khác với Khổng giáo ở Việt Nam như thế nào?
– Cái Khổng giáo này có phải là toàn bộ văn hóa Việt Nam không?
– Có đúng vua quan Việt Nam chỉ muốn Hán hóa không?
Những điểm khác liên quan đến Khổng giáo; tinh thần quốc gia và lòng yêu nước hay nền giáo dục Khổng giáo xin bàn ở các điểm kế tiếp. Cũng xin cứ tạm hiểu chữ Khổng giáo và Nho giáo trong bài này dùng như có cùng một nghĩa.
* – Như trên đã nói, Nguyễn Gia Kiểng đã phê bình Khổng giáo qua kinh điển hiện hành mà ở đầu sách tác giả có nhắc đến quyển Luận Ngữ, kể cả những câu không có trong kinh điển nào và trái với tinh thần Nho giáo Tiên Tần như câu “Vua bảo chết mà không chịu chết là bất trung, cha bắt chết mà không chịu chết là bất hiếu” (Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu). (TQĂN, trg 296) mà tác giả cho là có từ Tống Nho. Ai trong chúng ta cũng biết, kinh điển Nho giáo hiện hành, có người gọi là man kinh, nghĩa là kinh điển đã được tráo sửa đi từ thời Hán. Phân biệt đâu là Nho giáo nguyên thủy tinh ròng và đâu là những điều các vua chúa từ Hán thêm vào hay tráo đổi đi không phải là điều dễ. Ở đây chỉ xin lưu ý vài điểm như sau: từ năm 221 trước Kỷ Nguyên, khi nhà Tần, đại diện cho dân du mục ở Tây Bắc nước Tầu, thôn tính lục quốc, lập ra triều đại thống nhất dưới sự cai trị của nòi Hoa, thì việc đầu tiên là Tần Thủy Hoàng theo lời khuyên của Lý Tư, đốt bỏ hết kinh sách đời trước, lại chôn hết học trò, nghĩa là diệt Nho học, chỉ giữ lại sách và luật của Tần để cai trị. Việc làm tàn bạo và dại dột này đã khiến Tần bị tứ phương nổi lên chống đối nên chỉ tồn tại được đúng 15 năm. Khi Hán giành được vương quyền, rút được kinh nghiệm của Tần, và theo lời khuyên của Đổng Trọng Thư, bỏ hết sách của Bách gia Chư tử, chỉ giữ lại kinh sách Nho gia do Khổng Tử biên soạn. Chính sách của Hán là “Những gì không thuộc khoa Lục Nghê (Lục Kinh) thì phải tuyệt đạo, đừng để cho tinh tiến” (Tiền Hán Thư, q. 56). Lấy cớ là sách Nho (Lục Kinh) đã bị nhà Tần đốt hết nên họ phải soạn lại. Và họ đã sửa lại kinh văn theo điều họ cần sửa với mục đích củng cố vương quyền của họ. Điều này chính các nhà Nho đời sau đã phanh phui ra, và các học giả đời nay đều công nhận là đúng. Vì vậy, tiếng là xiển dương Nho học, nhưng cái Nho từ Hán trở đi đã khác với Nho nguyên thủy thường được gọi là Tiên Nho hay Nguyên Nho hay Nho Tiên Tần nhiều lắm. Và phải chăng có thể kết luận cái Nho mà Nguyễn Gia Kiểng đem ra mổ xẻ là cái Hán Nho cả Tống Nho chứ không phải là Tiên Nho?
* – Câu hỏi kế tiếp phải đến là: vậy cái Khổng giáo do Nguyễn Gia Kiểng mổ xẻ đây có khác gì với Nho giáo được lưu truyền ở Việt Nam không? Câu hỏi này không dễ trả lời bởi tuy Nho học đã lưu truyền ở Việt Nam gần 2000 năm và tuy gần đây đã có những sách viết về Nho giáo hết sức uyên bác như bộ Nho Giáo (2 quyển) của Trần Trọng Kim hay quyển Khổng Học Đăng của Phan Bội Châu. Tuy nhiên các cụ bàn về học thuyết của Nho giáo hay Lịch sử Nho giáo chứ không bàn về chuyện Nho học tại Việt Nam. Nguyễn Gia Kiểng đã rất can đảm khi đặt vấn đề Việt Nho và đã định nghĩa đó là thứ Khổng giáo tại Việt Nam khác với Hán Nho, Đường Nho, Tống Nho, Minh Nho, Thanh Nho. Chỉ tiếc ông không nói rõ nó khác làm sao ngoài lời khẳng định: “Nho giáo Việt Nam là thứ Nho giáo cấp thấp được người Việt Nam tiếp thu một cách muộn màng và sùng bái mà không có đóng góp nào. Cố gắng Hán Hóa Việt Nam quan trọng nhất đã diễn ra dưới hai triều đại Ly, Trần rồi tiếp tục dưới mọi triều đại kế tiếp …” (TQĂN, trg 305).
Ở đây, tôi xin đóng góp chút ý kiến về sự bản địa hóa Nho giáo tại Việt Nam, may ra cũng có thể có chút ích lợi. Số là, khi nghiên cứu về lịch sử tư tưởng Việt Nam, tôi thấy có sự khác biệt giữa Nho giáo Việt với Nho giáo tại Trung Hoa. Điều lý thú nhất là thấy ở Việt Nam có hai hệ thống Nho giáo cùng song song lưu hành. Trong thời Lý, Trần điều này chưa thấy thể hiện rõ, nhưng từ sau cái chết của Nguyễn Trãi, nhất là trong thời mạt vận như thời Nguyễn, điều này rất rõ rệt: hệ thống Tiên Nho đã được Việt hóa lưu truyền trong dân gian và hệ thống Hán, Tống Nho được chế độ quân quyền xiển dương qua thể thức thi cử để kén chọn người giúp việc vua. Vậy còn các bậc đại nho, từ Chu Văn An, Nguyễn Trãi cho đến Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu, họ đứng ở đâu? Họ đứng ở phía Tiên Nho, phía dân, tuy vẫn thi cử, có người ra làm quan nữa, nhưng vẫn lấy cái “Nhất dĩ quán chi”, cái Đạo, lấy dân lấy nước làm trọng. Căn cứ vào đâu có thể nói như vậy? Căn cứ vào chính lời nói và hành động của các đại nho và của dân Việt. Hơn hẳn trí thức thời nay, họ lấy nguyên tắc “phù Chính Nghĩa” của Tiên Nho làm đối tượng xử thế chứ không lấy sự “phù Chính Thống” tức phù các vua chúa hay các chính quyền đương đại làm trọng. Việc rũ áo từ quan của Chu Văn An phải hiểu là biểu trưng cho cái quan niệm “phù Chính Nghĩa chứ không phù Chính Thống” nầy, nhất là không phải tượng trưng cho thái độ tránh trách nhiệm, càng không thể coi là tồi hèn, vong thân được. Muốn cho minh bạch thì trước hết phải phân biệt được Tiên Nho khác Hán Nho của Trung Hoa như thế nào? Điều này tất nhiên không dễ vì, như trên đã nói, kinh sách Nho hiện lưu hành chỉ là Hán Nho. Tuy nhiên, nếu biết được cái cốt lõi của Tiên Nho, chúng ta cũng có thể dò ra được. Ở đây chỉ xin nêu vài nét cơ bản: Tiên Nho được biểu lộ rất rõ trong lời Khổng Tử trước sau như một “Ngô đạo nhất dĩ quán chi” – đạo của ta lấy Một mà quán thông mọi chuyện. Một đây là Vạn vật đồng nhất thể, cũng gọi là Thái Cực, là Thiên, cái Một vĩnh cửu, thường hằng giống như chữ Đạo trong Lão hay chữ Tâm trong Phật. Vì đồng nhất thể nên Thiên bằng với Nhân, bằng với Địa, ba cái hợp lại là Tam Tài. Suy ra, vua và dân cũng như nhau, không có gì phân biệt, chẳng qua là sự phân công trong xã hội. Sự phân công này được minh thị rõ ràng “quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử” (vua có bổn phận của vua, tôi có bổn phận của tôi, cha có bổn phận của cha, con có bổn phận của con). Bởi vậy nên có câu “giết một tên vua tàn bạo có khác gì giết một tên phu xe tàn bạo” (Tru bạo quốc chi quân nhược tru đột phu – Tuân Tử), bởi vua đã tàn bạo là mất quyền vua, mà đã mất quyền vua thì trở thành dân thường như mọi người khác. Tất cả người dân đều bình đẳng trước pháp luật. Bởi vậy Mạnh Tử mới nói “chỉ nghe nói giết một người tên Trụ (khi vua Trụ vì tàn bạo đã mất quyền vua) chứ có nghe nói giết vua bao giờ đâu”. Đây là tư tưởng hết sức nhân bản, hết sức bình đẳng của Tiên Nho mà từ Hán Nho ở Trung Hoa không bao giờ có, nhưng như sẽ trình bầy rõ hơn dưới đây, ở Việt Nam vẫn còn. Lý do là Đổng Trọng Thư, lý thuyết gia của Hán Nho đã khéo léo thay đổi. Y thay đổi những gì? Không nhiều nhưng đủ để thay đổi hết thảy. Trước hết, về vũ trụ quan, y đổi chữ Thiên vô ngã thành Thiên hữu ngã là ông Trời quyền năng tối cao ngự trên thiên nhiên. Từ đấy y lý luận vua là cái khuôn phép của Trời (Vương giả duy thiên chi pháp), chữ Vương gồm ba gạch ngang là tam tài và gạch dọc ở giữa là quán thông hết (Thư thiên địa, dĩ nhân chi trung, dĩ quân nhi tham chi). Từ đó vua có quyền tuyệt đối, thay ý Trời (thừa thiên ý) để giáo hóa dân (minh giáo hóa), sửa sang thi hành luật pháp (chính pháp độ). Khi đã đặt xong cơ sở cho quyền tuyệt đối của nhà vua, ông lại mượn ngay thuyết Ngũ luân của Tiên Nho đổi thành Tam cương Ngũ thường. Đời sau, mỗi ngày lại thêm vào một chút, nào Tam tòng, Tứ đức, nào quân xử thần tử, thần bất tử bất trung, nào hiếu cổ, nào xưa hơn nay … khiến bộ mặt của Khổng giáo mỗi ngày một thêm gớm ghiếc, đáng ghét, đúng như những gì Nguyễn Gia Kiểng đã mô tả.
Ở Việt Nam, Nho giáo hiện ra không đến nỗi gớm ghiếc như vậy. Lấy chữ Trung làm một thí dụ: người ta chỉ trung với vua khi vua làm đúng bổn phận vua. Khi vua không làm đúng bổn phận vua hay khi vua phản quốc, thường người ta bỏ vua mà trung với nước. Xin đơn cử vài thí dụ, nhất là trong thời mạt vận, thời Nguyễn:
– Đầu thế kỷ 19, khi vua là người yêu nước như trường hợp Hàm Nghi, người ta sẵn sàng theo lệnh vua, đánh giặc cứu nước. Đó là phong trào Bình Tây Sát Tả.
– Khi vua, tuy chưa phải là phản quốc, nhưng lầm lẫn không làm tròn nhiệm vụ, gây thiệt hại cho quyền lợi tổ quốc, dân không tuân theo nữa. Đó là trường hợp của văn thân ở bốn tỉnh Nghĩa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh viết tấu trả lời dụ chủ hòa của Tự Đức. Trong tấu có những câu khá gay gắt như: “Thiên hạ là của thiên hạ, thiên hạ không phải của riêng Bệ hạ mà giữ lấy một mình” hoặc thẳng thừng: “Thánh chỉ nói như thế chúng tôi không dám theo”. (Hợp tuyển Văn thơ thế kỷ 19, trg 410 – 414)
– Khi vua lộ mòi phản quốc, người ta bất tuân lệnh vua mà theo ý nguyện của quốc dân. Trường hợp Trương Định không nhận dụ bãi chức của vua mà nhận chức Bình Tây Đại Nguyên Soái do dân trao cho là một thí dụ điển hình.
Bước thêm một bước, trước đó không lâu khi chưa có ngoại xâm, kẻ sĩ Cao Bá Quát đã cùng Lê Duy Cự kéo cờ nghĩa:
Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu Thuấn
Mục Dã, Lam Điền hữu Võ Thang
Việc chống những sai lầm của quân vương không nhất thiết lúc nào cũng phải diễn ra quyết liệt như vậy. Nó có thể ôn hòa hơn, nhưng vẫn không khoan nhượng. Đó là trường hợp của Nguyễn Trãi và các đồng chí của ông chống bọn hoạn quan Lương Đăng giúp vua Lê Thái Tông muốn bỏ phép tắc truyền thống mà theo lễ nhạc Trung Hoa (Minh). Sự chống đối này đã chỉ bị dẹp bỏ khi những người chống đối, kẻ bị biếm, người bị phát vãng, tù đầy, cuối cùng đưa đến việc Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Sự tranh đấu của Nguyễn Trãi, bề ngoài chỉ là sự tranh đấu để không đổi nhã nhạc theo Tầu, nhưng thực sự là sự tranh đấu quyết liệt bảo tồn văn hóa dân tộc để văn hóa không trở thành văn hóa Hán Nho, văn hóa vô tổ quốc, văn hóa vong thân, vị kỷ như Nguyễn Gia Kiểng kết tội ngày nay. Cốt lõi cho sự tranh đấu này là “vì dân” như lời tâu của Nguyễn Trãi sau đây: “Thời loạn thì dụng võ, thời bình thì dụng văn. Ngày nay định ra lễ nhạc chính là phải thời lắm. Song không có gốc không thể đứng vững, không có văn không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Dám mong Bệ Hạ rủ lòng yêu thương và chăm sóc muôn dân; khiến cho thôn cùng xóm vắng, không có một tiếng hờn giận oán sầu, đó tức là giữ được cái gốc của nhạc vậy”. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, trg 339).
Trong dân gian, trừ những gia đình quan quyền có liên hệ với triều đình hoặc bọn sĩ phu, hào phú mê luyến văn hóa Trung nguyên, người dân trong lũy tre xanh vẫn sống hồn nhiên theo tập tục, mà họ gọi là cái Đạo làm người. Chuyện tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức … thường không có cái nghĩa như trong Hán Nho. Nó nhẹ nhàng, phảng phất như một chút Tiên Nho, nhưng thực ra nó là Đạo sốngViệt. Câu chuyện Bà Huyện Thanh Quan phê vào đơn của người vợ trẻ có chồng thất tung, xin đi lấy chồng mới bằng bốn câu thơ:
Phó cho con Nguyễn thị Đào
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai
Chữ rằng xuân bất tái lai
Cho về kiếm chút, kẻo mai nữa già
không biết thực hay giả, nhưng quả là một thí dụ thú vị cho cuộc sống phi Hán Nho của người Việt. Và nếu cần phải có một dẫn chứng văn bản, thì đây, xin mời Quý vị đọc lời than của Lê Quát như sau: “Ta thủa nhỏ đi học, chí dốc vào cổ kim, cũng biết qua về đạo thánh, mà lấy đó mà dậy dân, thế mà rốt cuộc không một làng nào tin theo cả. Ta cũng thường dạo chơi sông núi, dấu chân khắp nửa thiên hạ, thế mà chưa từng gặp một trường học Nho hay văn miếu nào. Ta vì thế hết sức xấu hổ với các tín đồ nhà Phật” (Đại Việt Sử Ký Bản ký Toàn thư, tờ 36a – 63). Sự khác biệt giữa Nho giáo Việt Nam và Nho giáo Trung Hoa có thể dẫn ra với muôn vàn thí dụ khác trong văn thơ cũng như trong cuộc sống dân gian. Tuy nhiên, có một điều không thể không nói đến là Trung Hoa theo Hán Nho chịu ảnh hưởng nặng nề của câu “Quân xử thần tử thần bất tử bất trung”, trong khi ở Việt Nam, việc trung với vua không đến nỗi trở thành ngu trung như vậy, như ở trên vừa chứng minh. Rõ ràng ở Việt Nam không có cái cảnh như kiểu Nhạc Phi, dù biết rõ bị gian thần Tần Cối giả thánh chỉ, cố tình hãm hại, vẫn tự nguyện đem đầu về cho vua chặt. Cho đến nay, người Hoa vẫn viết truyện, làm phim ca tụng Nhạc Phi. Và đền thờ họ Nhạc vẫn nghi ngút khói hương bên bờ hồ đẹp nhất Trung Hoa ở Hàng Châu. Tinh thần này, người Việt không có. Cũng chẳng tìm thấy đâu một đền thờ người ngu trung kiểu thờ Nhạc Phi cả. Phải chăng đó cũng là chỉ dấu có sự khác biệt giữa Việt Nho và Hán Nho?
* – Khổng giáo này có phải là tất cả văn hóa Việt Nam không? Xin trả lời ngay là không. Khổng giáo dù đã được bản địa hóa cho hợp khẩu vị người Việt vẫn chưa phải là tất cả văn hóa Việt Nam dù không ai phủ nhận nó giữ một vai trò khá quan trọng trong đời sống người Việt. Không, vì ngoài Khổng giáo, Việt Nam còn tiếp thu Phật, Lão và các tư tưởng khác, nhất là trước khi tiếp cận các tư tưởng này, Việt Nam đã được sống nhiều ngàn năm độc lập, đã tạo cho mình được một cốt lõi tư tưởng phong phú, vững vàng, đủ sức dung hóa được các tư tưởng rất cao thâm kia. Rất tiếc đó không phải là chủ đề của bài này. Quý vị muốn tìm hiểu thêm xin đọc Tập San TƯ TƯỞNG số 8, bài Cốt lõi tư tưởng Việt Nam hay tìm đọc Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam, Q I, sắp phát hành.
* – Sau hết, viết về Khổng học ở Việt Nam, tôi thấy không thể không có đôi lời biện hộ cho việc buộc tội oan uổng các vua chúa Việt Nam đã là thủ phạm chính muốn Hán hóa nước Việt để người Việt “chịu ảnh hưởng nặng nề của Khổng giáo dưới dạng sơ đẳng và cằn cỗi nhất. Chính vì vậy mà văn hóa Việt Nam thấp kém và bất dung hơn Trung Quốc” (TQĂN,trg 305) nhất là khi cường điệu “cố gắng Hán hóa Việt Nam quan trọng nhất đã diễn ra dưới hai triều đại Lý, Trần …” . Viết điều này quả Nguyễn Gia Kiểng đã “chẻ tượng làm củi” như một ký giả nào đã nói, và trái hẳn với tiêu chuẩn ông đã đề ra: “Lịch sử phải chính xác và khách quan mới có thể dùng làm tài liệu để suy nghĩ và làm việc” (TQĂN, trg 149).
Chỉ cần giở bất cứ quyển sử nào, chúng ta cũng thấy hàng trăm thí dụ về các vua Việt cũng như bất cứ người dân Việt bình thường nào bao giờ cũng chống việc Hán hóa và có tinh thần dân tộc rất cao. Chỉ bọn nho sĩ, có lẽ nhiều khi cũng chỉ vì quá hăng say trong việc đưa đất nước tiến lên (!) đã đôi khi có những tư tưởng thiếu cân nhắc, xốc nổi theo mới, đua đòi vọng ngoại. Xin đơn cử vài thí dụ: đời Trần Minh Tông, khi bọn nho sĩ Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh muốn thay đổi chính sự, vua đã mắng: “Nhà nước đã có phép tắc riêng, Nam Bắc khác nhau, nếu nghe kế của bọn học trò mặt trắng tìm đường tiến thân thì sinh loạn ngay”. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sđd, trg 138).
Đời Trần Duệ Tông: “Mùa Đông, tháng 10, Giáp Dần (1374) vua xuống chiếu cho quân và dân không được mặc áo, chải đầu theo phương Bắc” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sđd, trg 158).
Thú vị nhất là bài thơ của Trần Thái Tông muốn chứng tỏ vua Việt không những không bắt chước mà còn tự hào đã hơn hẳn vua Tầu về cái Đức, về cách xử thế, có nghĩa là văn hóa Việt cao hơn văn hóa Trung Hoa nhiều:
Đường Việt khai cơ lưỡng Thái Tông,
Bỉ xưng Trinh Quán, ngã Nguyên Phong.
Kiến thành tru tử, An sinh tại,
Miếu hiệu tuy đồng, Đức bất dồng
[* Trung Hoa: Lý Thế Dân, con thứ Lý Uyên là Đường Thái Tổ. Đường Thái Tổ muốn truyền ngôi cho con cả là Kiến Thành, nhưng Thế Dân không chịu. Kiến Thành và Nguyên Các (em Thế Dân) âm mưu giết Thế Dân nhưng không thành bị Thế Dân hại, lên ngôi là Đường Thái Tông.
* Việt Nam: An Sinh (Trần Liễu) là anh tranh ngôi với em là Trần Thái Tông (Trần Cảnh), hội quân chống nhưng cô thế xin hàng, Thủ Độ muốn giết, Trần Thái Tông giấu xin tha mạng].
Đấy là tôi chưa kể đến những vị vua đã trực tiếp cầm quân đánh đuổi quân Trung Hoa như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Trần Nhân Tông, Lý Thái Tổ, Lê Đại Hành, Ngô Quyền hay xa hơn nữa như từ thời Khúc Thừa Dụ, Mai Hắc Đế, Lý Nam Đế, Hai Bà Trưng, Bà Triệu … Các Ngài đã đem chính máu xương mình để đổi lấy độc lâp, tự chủ cho dân tộc. Không lẽ còn có thể gán cho các Ngài cái tội muốn Hán hóa sao?
Sự trích dẫn có thể còn dài vô tận. Nhưng tôi nghĩ như thế cũng tạm đủ. Vả tôi chắc Nguyễn Gia Kiểng cũng chỉ vì quá hăng say thấy đất nước đang lâm nguy nên đã quá lời. Một lời hối lỗi với các bậc minh quân trong trường hợp này tưởng cũng là điều cần thiết.
4 – KẺ SĨ, YÊU NƯỚC VÀ TINH THẦN QUỐC GIA
Kẻ sĩ là sản phẩm của Khổng giáo. Khi đã phủ nhận giá trị của Khổng giáo thì việc không công nhận giá trị của kẻ sĩ chỉ là điều đương nhiên. Nhưng mạt sát kẻ sĩ đến như Nguyễn Gia Kiểng đã làm thì cũng là điều hiếm thấy: “Kẻ sĩ là gì nếu không phải là mẫu người tồi hèn, vong thân?” (TQĂN, trg 312). Nhân bình luận bài hát nói Kẻ Sĩ của Nguyễn Công Trứ, ông khẳng định: “Tổ quốc của kẻ sĩ là Trung Quốc, đúng ra là Khổng giáo của Trung Quốc” và “Cả đời kẻ sĩ chỉ sống với giấc mộng được làm tôi tớ. Đúng là một thái độ vong thân tuyệt đối. Hoàn toàn không có trách nhiệm nào với cộng đồng, đời sống hoàn toàn vị kỷ”. Bởi quan niệm như vậy nên ông đã mạt sát kẻ sĩ không tha một ai kể cả những người đã được lịch sử tôn vinh là anh hùng cứu quốc. Sự mạ lỵ kẻ sĩ, sản phẩm của Nho Giáo, như vậy vẫn chưa đủ hả giận, ông còn mạt sát cả trí thức ngày nay mà ông cho là hậu thân của các sĩ phu ngày trước, vì họ còn mang đủ thói hư tật xấu của lớp cha ông do cái nọc độc Khổng giáo còn rớt lại sâu đậm trong xã hội ngày nay. Những thần tượng một thời nhưng ít có công với đất nước như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, bị chê là xoàng đã đành, mà cả những người như Hoàng Xuân Hãn cũng không thoát khỏi sự phẩm bình gay gắt. Không nói đến những tác phẩm biên khảo Hoàng Xuân Hãn để lại cho đời, cứ một việc ông là tác giả của chương trình giáo dục của chính phủ Trần Trọng Kim, nhờ đó đã giúp đào tạo được một lớp trí thức quốc gia mới, không lai căng, quyết tâm bảo vệ truyền thống và văn hóa dân tộc như ta thấy ngày nay, cũng đủ để ông xứng đáng với sự tôn kính của chúng ta. Còn thái độ chính trị của ông là chuyện khác. Trong hoàn cảnh đất nước bị đưa vào một cái thế lưỡng đầu thọ địch, đứng ở tuyến nào thì cũng chỉ là phục vụ cho kẻ thù dân tộc, thái độ lánh đời của Hoàng Xuân Hãn cũng khó mà chê trách. Việc đó xin để bàn ở điểm sau. Ở đây, chỉ xin nói rằng từ quan niệm cho văn hóa Khổng giáo là văn hóa vô tổ quốc, Nguyễn Gia Kiểng dễ dàng đi đến kết luận: “Ý niệm quốc gia dân tộc không có, do đó không có một sức mạnh quốc gia độc lập với nhà vua” và “các quan tướng và sĩ tử trước đây chỉ biết có vua chứ không biết có nước” để rồi đi đến một khẳng định làm bất cứ người Việt nào còn chút liêm sĩ không thể không thấy có chút xốn xang: “Lòng yêu nước của người Việt Nam chỉ là một ngộ nhận” (TQĂN, trg 349) bởi “cụm từ ‘yêu nước’, ‘ái quốc’ không có trong ngôn ngữ Việt Nam trước thế kỷ 20″. [Phải chăng hàm ý nhờ người Pháp mới biết yêu nước, như ông đã từng viết: “có lẽ thời Pháp thuộc lại là thời dân ta được tự do suy nghĩ và phát biểu nhất” (TQĂN, trg 306)]. Tôi hiểu được phần nào sự nóng giận này của Nguyễn Gia Kiểng. Thái độ của trí thức ngày nay quả có nhiều điều đáng phàn nàn. Nhưng mạ lỵ quá đáng như vậy để làm gì? Nhất là khi ông cho những điều ông mạ lỵ là chân lý bất biến bởi bốn năm đã trôi qua từ ngày ông nêu lên ý kiến này (Thông Luận số 82, tháng 5/95) mà chờ mãi vẫn không thấy có bằng cớ ngược lại (trg 575). Có thực vậy không? Có thực ông đã phải chờ đến 4 năm mà không ai có ý kiến phản bác về những lời ông kết tội kẻ sĩ và trí thức đến độ ông buộc lòng phải coi đó là chân lý? Tôi là người ở tận Nam bán cầu hẻo lánh, như ở chỗ quê mùa, quả bây giờ mới biết đến những sinh hoạt văn hóa này. Thôi thì, trễ còn hơn không, tôi xin góp chút ý kiến đáp lòng mong mỏi của Nguyễn Gia Kiểng. Chỉ xin đọc những ý kiến dưới đây như của người đồng hội đồng thuyền, cũng rất sợ thuyền bị đắm, chứ không phải như kẻ muốn đục thủng cho thuyền mau đắm.
Trước hết, xin đặt câu hỏi: có phải chỉ nói: “yêu nước” hay “ái quốc” mới là yêu nước không? Hay bằng những cách diễn tả khác cũng có thể nói lên lòng yêu nước? Ai trong chúng ta cũng biết mỗi sắc dân, và ngay trong cùng một sắc dân, mỗi thời đại cũng có thể có những cách diễn tả khác nhau để nói lên cùng một ý. Nếu chấp nhận ý kiến này, tôi xin đơn cử vài thí dụ chứng tỏ dân ta vốn là dân có lòng yêu nước thắm thiết và mãnh liệt không kém bất cứ một dân tộc nào trên thế giới. Và tất nhiên tôi chỉ kể đến những thí dụ có trước thế kỷ 20 để không phạm vào giới hạn Nguyễn Gia Kiểng đã đề ra. Và xin hết sức vắn tắt:
Thứ nhất: yêu nước là lo cho nước.
Có những người không hề nói tôi yêu nước, nhưng đêm ngày và suốt cuộc đời chỉ lo cho nước, tính sao cho nước khỏi gặp cảnh suy vong như:
Còn có một lòng âu việc nước
Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung
(Nguyễn Trãi – Quốc Âm Thi tập, Thuận Ứng 23)
hay:
Vãng sự nan tầm thời dĩ quá,
Quốc ân vị báo, lão khan liên!
Bình sinh độc bão tiên ưu niệm
Tọa ửng hàn khâm dạ bất miên!
(Nguyễn Trãi – Hải Khẩu dạ bọc hữu cảm)
(Những kỷ niệm xưa tìm lại rất khó vì thời đã qua rồi
Ơn nước chưa đền, tuổi già nghĩ thật đáng thương!
Suốt đời riêng ôm tấm lòng lo trước,
Ngồi quàng mảnh chăn lạnh, thâu đêm không sao nhắm mắt được!)
hay:
Thái bình một nước chưa thành
Tầm thường nghĩ thẹn cho mình nhà nho
(Cao Bá Quát)
Giúp nước nửa điều chưa đóng góp
Lo thân ba đấu vẫn loanh quanh
(Cáo Bá Quát)
Hai mươi năm lại tới đây
Non sông dường ấy ta rày tính sao?
(Cao Bá Quát – Núi Nam Tào, Vạn Kiếp)
Như vậy có thể gọi là yêu nước không?
Thứ hai: yêu nước là thương nhau
Trong TQĂN tôi thấy một chương rất thú vị là việc Nguyễn Gia Kiểng kể câu nói của một anh tây nào đó “Ils ne s’aiment pas” để chỉ người Việt không thương yêu nhau, từ đó suy ra người Việt cũng không yêu nước. Nguyễn Gia Kiểng đã qui thành định luật: “Hai tình cảm đó luôn luôn đi đôi với nhau, hoặc có cả hai hoặc không có cả hai chứ không thể có một trong hai” (TQĂN, trg 71). Tôi đồng ý với định luật này. Nhưng căn cứ vào định luật này có thể suy ra người Việt rất yêu nước vì trong kho ca dao, tục ngữ Việt Nam, không thiếu gì những lời khuyên phải thương yêu nhau:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Khôn ngoan đá đáp người ngoài,
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau
Một con ngựa đau cả tầu không ăn cỏ
Nguyễn Gia Kiểng cũng có nhắc đến những câu ca dao này, nhưng lại nghĩ quá xa mà cho rằng tình trạng người Việt ghét nhau phải trầm trọng lắm nên mới phát sinh ra những lời kêu gọi thống thiết kia. Tôi không nghĩ vậy. Ca dao Việt rất hồn nhiên, thấm đậm tình người. Lời khuyên trên thân tình như lời người mẹ khuyên con, chẳng cần phải bi thảm hóa sự việc làm gì.
Thứ ba: yêu nước là thương dân
Cao hơn thương nhau một bậc là thương dân như:
Việc nhân nghĩa cốt ở an dân
(Bình Ngô Đại Cáo)
Và ta phải nghĩ thế nào về lời khuyên sau đây của Mạc Ngọc Liễn gửi cho vua mình là Mạc Kính Cung, phải chăng là biểu lộ của một lòng yêu nước vô cùng trân quí: “Nay họ Lê lại dấy lên được, ấy là số trời đã định, còn dân ta thì có tội gì mà ta nở để khổ mãi về việc chiến tranh. Vậy ta nên đành phận lánh mình ở nước ngoài, chứ đừng có đem lòng cạnh tranh mà lại mời người Tầu sang làm hại dân mình” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sđd).
Thứ tư: yêu nước còn có thể biểu lộ bằng những từ chẳng dính dáng gì đến chuyện yêu nước như câu ca dao dưới đây:
Người trồng cây Phúc người chơi,
Ta trồng cây Hạnh để đời về sau
tương truyền là khẩu hiệu trong việc bảo vệ ý chí độc lập toàn dân sau thời Hai Bà thua trận (T.10 LĐTK. 2, tờ 69 -5).
[Hạnh: lối sống, cách cư xử, cung cách thể hiện tính người, ý chí riêng từng người, từng dân tộc trong việc đối phó với thiên nhiên và xã hội, với nhu cầu cá nhân và đòi hỏi của tập thể].
Đây hẳn là qui trình hoàn thiện đời sống dân tộc trong lịch sử để tự tồn tức là một vấn đề hoàn toàn văn hóa.
Cũng như các câu ca dao “ Nhiễu điều … “ ở trên, câu này tương truyền được phát sinh từ sau thời Hai Bà Trưng thua trận. Lúc đó, vì sợ ý chí quật cường của dân Việt có thể đe dọa đến sự tồn vong của Hán triều, Mã Viện đã được lệnh thẳng tay đàn áp. Dân Việt, vốn đã không đông đảo gì vào thời ấy, sau việc đàn áp dã man này, đã bị hao hụt đi rất nhiều, đâu chỉ còn non triệu người. Trước nguy cơ đất nước có thể bị tiêu vong, khẩu hiệu của những nhà lãnh đạo lúc ấy là: phải tồn tại trước hết! Tồn tại không chỉ có nghĩa không tuyệt chủng, mà còn có nghĩa không biến chất, không mất gốc, vẫn là người Việt. Xem ra tổ tông của chúng ta ngày xưa đã rất khôn ngoan, và phải chăng đó cũng là yêu nước?
Thứ năm: yêu nước được diễn tả dưới từ đại nghĩa
Trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân mà thay cường bạo
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn là gì? Ai cũng biết nghĩa là một trong năm đức (ngũ luân) của Nho học: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Chữ Nghĩa có hàm ý là việc làm không thể từ chối của một người đối với người khác trong cộng đồng xã hội, căn cứ vào cái cho là đúng, là tốt, là nên làm. Có cái nghĩa của cha con, của vợ chồng, của bầu bạn.
Nhưng trong Nho học và ở Trung Hoa chỉ nói đến nghĩa chứ không hề có đại nghĩa. Chữ đại nghĩa có lẽ đã xuất hiện lần đầu tiên dưới ngòi bút Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo. Vậy đại nghĩa là gì? Không thấy Nguyễn Trãi định nghĩa, chỉ biết ông cũng như các nhà thơ Việt Nam sau này dùng chữ đại nghĩa bao hàm ý việc nên làm, bổn phận phải làm của người công dân đối với đất nước. Vô hình chung, Nguyễn Trãi đã chia chữ nghĩa ra làm hai: nghĩa thường (hay tiểu nghĩa), là việc nên làm, việc không thể từ chối giữa người với người; và nghĩa lớn (đại nghĩa) là việc phải làm, là bổn phận của công dân đối với quốc gia, dân tộc.
Từ Nguyễn Trãi trở đi ta thấy chữ nghĩa hiểu theo nghĩa lớn (đại nghĩa) luôn luôn được nhắc đến trong văn học Việt Nam, nhất là vào thời có ngoại xâm như:
Vì nước tấm thân đã gửi, còn mất cũng cam,
Giúp đời cái Nghĩa đáng làm, nên hư nào ngại
(Nguyễn Đình Chiểu – Văn tế Trương Định)
hay:
Mến nghĩa bao đành cam phận nước,
Có nhân nào nỡ phụ tình nhà.
(Nguyễn Đình Chiểu)
hay rõ hơn: “Trương Định xướng nghĩa, hào kiệt bốn phương kéo nhau đến đông như vậy, không biết việc lớn có thành hay không? Nghiệp đáp: Làm việc nghĩa không kể đến thành bại” (Nguyễn Thông – Truyện Hồ Huấn Nghiệp).
Cái nhân sinh quan đặt đại nghĩa lên trên quyền lợi, tính mệnh của cá nhân, khởi đi từ Nguyễn Trãi, trải qua bao thế hệ, đã bồi dưỡng tinh thần yêu nước cố hữu của người Việt.
Vậy đại nghĩa phải chăng là lòng yêu nước, một đặc tính
của văn hóa Việt Nam từ thời lập quốc (như truyện Phù Đổng Thiên Vương); không thấy trong Hán Nho; (Hán Nho nói trung quân chứ không nói ái quốc). Có lẽ cũng không thấy trong lịch sử Trung Hoa trước kia (phải chăng vì vậy mà Mông, Mãn … đã có thể vào Trung Hoa làm vua mà vẫn được sĩ phu Trung Hoa trung thành phục vụ?).
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn” có thể hiểu là “khơi dậy lòng yêu nước, động viên toàn dân (vì đây là mẫu số chung) để thắng giặc dữ” không?
5 – QUANG TRUNG NGUYỄN HUỆ
Tôi đã không có ý định viết về đề tài này, bởi những điều Nguyễn Gia Kiểng viết không đúng về Nguyễn Huệ đã bị độc giả khắp nơi phản ứng không tán đồng, và bởi chính Nguyễn Gia Kiểng cũng đã ý thức rõ rệt “đụng tới lịch sử văn hóa là đụng tới phần thầm kín, thiêng liêng và cấm kỵ của một dân tộc”. Sở dĩ ông đã “dám” đụng đến bởi ông cho cái biểu tượng Nguyễn Huệ là biểu tượng cần phải thay thế trong lòng dân tộc. Đó là “Nguyễn Huệ tiêu biểu cho những giá trị mà ta cần đánh đổ: võ biền, độc đoán, hung bạo, lật lọng” (TQĂN, trg 172). Nếu quả cái biểu tượng Nguyễn Huệ xấu như vậy thì phải đánh đổ thực. Tuy nhiên, nhiều người trong đó có tôi, không tin cái biểu tượng Nguyễn Huệ lại xấu như thế. Sở dĩ có sự khác biệt trong nhận định, bởi sự việc hiện ra khác nhau tùy theo cách nhìn và góc độ đứng nhìn. Tôi đồng ý với cách nhìn của Nguyễn Gia Kiểng, nhìn sự việc vì tương lai và sự sống còn của dân tộc. Nhưng hình như tôi khác Nguyễn Gia Kiểng ở góc độ đứng nhìn. Lấy việc Nguyễn Huệ vây đánh Nguyễn Nhạc tại thành Qui Nhơn làm thí dụ: Nguyễn Gia Kiểng cho Nguyễn Huệ là người hung bạo, nên đánh tất cả mọi người, kể cả Nhạc vừa là anh vừa là vua của mình, Huệ cũng không tha. Mà đánh nhau lại chỉ vì chuyện phân chia kho tàng cướp được ở Thắng Long! Ông viết: “Nguyễn Huệ cũng rất tàn ác, các giáo sĩ thời đó dù bênh Tây Sơn cũng ghê sợ về sự tàn ác của Nguyễn Huệ và gọi ông là một thứ ‘Attila mới’ “. Phải chăng Nguyễn Gia Kiểng đã đứng ở góc độ như góc độ của các giáo sĩ ngoại quốc này mà nhìn vấn đề? Đứng trên góc độ dân tộc, tôi lại thấy việc đánh Nguyễn Nhạc là điều cần thiết và Nguyễn Huệ vì quá nhân từ nên đã tha Nguyễn Nhạc do đó đã để lại một hậu quả khôn lường. Đọc lại đoạn sử này ta thấy rất rõ: trên sân khấu chính trị thời đó chỉ có hai đối thủ: Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh dù Ánh so với Huệ còn thua xa. Bằng cớ là mỗi lần Huệ tiến quân thì Ánh lại thua chạy, có khi suýt chết ngoài biển khơi, có khi phải cầu cứu Xiêm La và cuối cùng phải gửi con cho Bá Đa Lộc cầu viện phương Tây. Nhưng Ánh chỉ thua Huệ chứ lại hơn hẳn Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ. Bởi vậy cứ mỗi lần Huệ rút quân ra Bắc thì Ánh lại kéo quân về, và lần nào cũng thắng được Lữ hay Nhạc, chiếm lại được Gia Định. Trước khi định làm đại sự là kéo quân đòi lại Lưỡng Quảng, Nguyễn Huệ đã cẩn thận muốn giải quyết cho xong cái nhọt trong da thịt này, vì vậy đã kéo quân vây Qui Nhơn, chỉ với mục đích buộc Nhạc phải đi vào qui củ. Nhạc tất nhiên không thể chống Huệ, thấy quân Huệ kéo vào chỉ còn cách lên mặt thành khóc lóc, năn nỉ. Chính vì câu Nhạc nói: “Củi đậu sao nỡ nấu đậu!” mà Nguyễn Huệ đã mủi lòng rút quân về. Vì vậy Nguyễn Ánh mới có dịp chiếm lại Gia Định và có thì giờ củng cố lực lượng. Lần này với sự giúp đỡ của giáo sĩ Bá Đa Lộc, Ánh đã cho biểu dương lực lượng như muốn hù dọa bằng cách cho các khinh khí cầu bay trên bầu trời Gia Định. Quân lính có vẻ lo sợ, nhưng Nguyễn Huệ cho chỉ là trò bịp bợm vì ông biết khinh khí cầu không thể là một khí giới chiến tranh lợi hại. Ông đã dự bị xuất quân trừ cái họa này và tuyên bố chỉ cần mấy ngày sẽ dẹp xong Ánh như trước kia ông đã tiên liệu đúng ngày giờ dẹp xong quân Thanh trước khi tiến quân ra Bắc. Nguyễn Huệ đã chết bất đắc kỳ tử trước khi xuất quân để lại mối tiếc thương cho ngàn đời lịch sử.
6 – VẤN ĐỀ GIÁO DỤC
Nguyễn Gia Kiểng đã nhận xét đúng: giáo dục Việt Nam không đào tạo được nhân tài nếu ta hiểu giáo dục đây là giáo dục hiện nay hay gần ngày nay. Nếu ta đã xác định được vai trò quan trọng của văn hóa rằng: văn hóa, cốt lõi của văn hóa là tư tưởng quyết định tất cả, thì ta cũng phải khẳng định sự quan trọng của giáo dục, vì giáo dục là phương tiện chính để tài bồi văn hóa. Nếu chúng ta đã biết được đúng căn bệnh là văn hóa Việt Nam tồi và sản phẩm chính của nó là con người Việt Nam nhiều khuyết tật thì chúng ta phải hiểu rằng, thủ phạm chính của cái văn hóa tồi đã đưa Việt Nam càng ngày càng lún sâu vào cái hố suy, trầm, bại liệt, đó là nền giáo dục sai lầm kia. Phải sửa chữa ngay nền giáo dục sai lầm này là nhiệm vụ đầu tiên và nhiệm vụ quan trọng nhất. Và tất nhiên phải lấy ngay những mẫu mực giáo dục của các quốc gia tiên tiến đã đạt được những bước phát triển nhanh nhất trong việc đưa đất nước họ đến chỗ phồn vinh, làm mẫu mực tiêu biểu mình cần phải theo. Nhưng ai cũng biết, một việc quan trọng như vậy không thể nhắm mắt theo đuôi một cách mù quáng, áp dụng một cách máy móc. Gia dĩ ta còn biết được rằng chính những nước tiên tiến nhất cũng xác nhận nền giáo dục của họ cũng có vấn đề. Họ cũng đang loay hoay tìm phương thuốc chữa cái bệnh giáo dục mà chúng ta cho là mẫu mực, đang mơ ước cần đạt tới kia. Lý do cũng đơn giản chứ không có gì khó hiểu: là trong mỗi con người chúng ta, từ xưa ai cũng biết ít ra là có hai phần, phần xác và phần hồn, phần vật chất và phần tinh thần. Những nền giáo dục tiên tiến vì gấp đạt tiến bộ nhanh chóng nên chú trọng đến khoa học, kinh tế để cung cấp đầy đủ món ăn cho phần xác, phần vật chất mà chưa làm đủ, làm đúng việc cung cấp món ăn cho phần tinh thần của con người. Tôi nói ít ra là hai phần vì tôi đã nói theo lối những người chịu ảnh hưởng của Tây phương nhất là từ Descartes trở lại đây. Thực sự phải nói con người có ba phần, cả ba phần này đều cần dược nuôi dưỡng bằng những món ăn thích hợp. Ba phần đó là: xác, hồn, và thần. Descartes (1596 – 1650) và Công Đồng Vatican I (1569 – 1870) đã sát nhập phần hồn và phần thần gọi chung là mind nên nay người ta chỉ còn kể có hai phần. Nhưng hai còn hơn một chỉ có vật chất như cộng sản chủ trương. Nền giáo dục Tây phương ngày nay lại chỉ chú trọng đến cái phần duy nhất còn lại này! Nó giúp người ta tiến nhanh thật đấy, nhưng vấn đề cần đặt ra là con người đạt được sự sung mãn vật chất đã là đạt được cái chân hạnh phúc mình muốn cầu tìm chưa? Nếu câu trả lời là chưa thì nền giáo dục như vậy cũng chưa phải là nền giáo dục lý tưởng. Một nền giáo dục hoàn thiện, căn bản của một nền văn hóa lành mạnh là phải cung cấp được đầy đủ cả ba món ăn này cho con người.
Nay xin mổ xẻ sâu hơn về lời khẳng định “giáo dục Việt Nam không đào tạo được nhân tài”. Lối phân chia theo giai đoạn, tuy chưa hẳn đúng, nhưng dễ làm và rõ nhất: giáo dục như dưới thời Nguyễn, kể cả từ thời Lê mạt là hoàn toàn bỏ đi rồi, không có gì cần phải nói tới. Giáo dục thời Pháp thuộc về chuyên môn chỉ để đào tạo những cán bộ thừa hành, phục vụ cho chính quyền bảo hộ, về tinh thần chỉ để dậy người ta học tính nô lệ, trung thành với mẫu quốc. Cái giáo dục này cũng bỏ đi, chẳng cần nói tới. Kể từ khi gọi là đã giành lại được độc lập, nền giáo dục ở cả hai phía Quốc gia và Cộng sản cũng đã có chút tiến bộ. Về khoa học, cả hai bên, sinh viên học sinh cũng đã học được nhiều điều mới lạ, dù cái mới mình được học cũng chỉ là cái cũ của người, sắp bị thải bỏ. Về phương diện tinh thần, cả hai bên đều có khuyết tật. Phía Cộng sản cố nhồi nhét tư tưởng Mác-xít vào đầu người học, cái tư tưởng bây giờ thì ai cũng biết là hoang tưởng sai lầm. Vì vậy, đế quốc cộng sản xây dựng trên thuyết này nay cũng tan rã rồi. Nhà nước Cộng sản Việt Nam đang cố gắng vá víu, nhưng thực chất chỉ là một cái xác không hồn thôi. Về phía Quốc gia thì nhà nước vô trách nhiệm, đem thả nổi vấn đề giáo dục tinh thần, để mặc cho tư nhân mạnh ai nấy đề xuất những chương trình giáo dục văn hóa. Kết quả thì như trăm hoa đua nở thực đấy, nhưng vì thiếu hướng dẫn và điều hợp nên là thứ trăm hoa dại: xã hội trở nên phân hóa trầm trọng, không ai bảo được ai, không cả một bức thang giá trị chung để căn cứ vào đó mà phẩm bình phải trái, tốt xấu. Kết quả như đã thấy: Quốc gia đi dần đến bờ vực thẳm.
Nay nếu phải tìm chất liệu để xây dựng nên một nền giáo dục hoàn chỉnh thì phải tìm ở đâu?
Như tôi đã nói nhiều lần là văn hóa Việt Nam là văn hóa chìm mà chứng cớ khoa học có được ngày nay chưa đủ mô tả cho rõ cái tinh hoa của nền văn hóa đó. Vì vậy cũng khó mà chứng minh nền giáo dục Cổ Việt, cái gốc của nền văn hóa kia là vô cùng hoàn chỉnh. Dù sao thì dựa vào sự suy luận và vào tín hiệu mới nhất khoa học cho biết, ta có thể kết luận rằng, tổ tiên ta, trong những thời kỳ thực sự độc lập chắc hẳn đã có một nền giáo dục độc đáo có vẻ đã rất hữu hiệu. Về suy luận, người ta thường nói xem trái biết cây: cứ xem con người của một nền giáo dục đào tạo ra thì biết nền giáo dục đó như thê nào. Nguyễn Gia Kiểng đã đúng, con người Việt Nam ngày nay tồi tất phải do một nền giáo dục tồi ngày nay đào tạo ra. Vậy, định lý đảo phải là những con người phi thường như Nguyễn Trãi tất cũng phải do một nền giáo dục độc đáo phi thường đào tạo ra. Các vị sẽ nói chỉ một Nguyễn Trãi đặc sắc đâu có thể kết luận như vậy. Xin Quý vị đọc kỹ lại lịch sử mà xem, con người thời Nguyễn Trãi, mà ngày nay ta được biết, hình như không thiếu người phi thường như vậy: Hồ Nguyên Trừng là một bại tướng mà nhà Minh phải mời làm Công Bộ Tả Thị Lang (theo sách Chân Tự do Tống Chương viết năm 1442) hay Binh Bộ Thượng Thư chức vụ tương tự bộ trưởng quốc phòng ngày nay (theo sách Cô Thụ Biền Đàm của nhà Minh soạn). Khi làm lễ khai hỏa súng thần công, người Tầu phải làm lễ tế, tên Hồ Nguyên Trừng đứng đầu sổ thần được cúng đến, vì ông coi như tổ sáng lập của loại súng này. [theo tài liệu của Phạm Cao Dương – Việt Luận số 852 ngày 10/12/1993 – Đọc thêm: Dictionary of Minh Biography do L. Carrington Woodrich và Chaoying Fang soạn, Cambridge Uni Press, New York ấn hành 1978, trg 797-801]. Nguyễn An là một trong đám người bị nhà Minh bắt về Tầu đã trở thành kỹ sư trưởng trong công trình xây cất đáng tự hào nhất của Trung Hoa là Hoàng thành Bắc Kinh. Đặng Dung thất thời mà còn làm được bài thơ chính khí ngất trời:
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma
Nguyễn Biểu chỉ là một dũng sĩ cũng đã làm sáng được cái gương nghĩa liệt trước sự uy hiếp của Trương Phụ trong bữa tiệc đầu người khiến cho quân Minh phải khiếp sợ tinh thần uy dũng của người Việt. Tôi không kể ra đây những đoạn sử của Lê Quí Đôn, chép trong Vân Đài Loại Ngữ, kể theo Tống sử và cả Minh sử, về việc người Tầu bắt chước người Việt trong việc tổ chức lại binh đội của họ. Điều này có thể không riêng Nguyễn Gia Kiểng không tin, mà trước đấy, khi vua Tự Đức xem đến cũng phê là nói khoác. Thế mới biết cái óc nô lệ, vọng ngoại và khinh tổ tiên đã có cả từ trước thời Pháp thuộc. Cũng may, ngày nay những điều này đã được khoa học chứng thực, được các học giả hàng đầu trên thế giới viết lại, như trong bộ tự điển lớn kể trên, bằng Anh ngữ, có trong các thư viện mà ai trong chúng ta cũng có thể kiểm chứng được.
Những con người như vậy, mà danh sách có thể dài vô tận, là kết quả của nền giáo dục độc lập thứ hai trong lịch sử Việt Nam: nền giáo dục Lý, Trần, Hồ trước khi văn hóa Việt bị quân Minh ra tay tận diệt: đốt hết sách, bắt hết học trò, phá hết lăng tẩm, miếu đền, xóa hết chứng tích văn minh kể cả việc dã man là thiến hết thiếu niên anh tuấn chẳng may rơi vào tay họ! (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sđd). Nền giáo dục trước khi bị quân nhà Hán xâm lăng là nền giáo dục thời vua Hùng. Một trong những cái quả của nền giáo dục này đã phát hiện được là Khương Tăng Hội. Nhà sư tuy họ Khương nhưng ông sinh đẻ ở Giao Châu (tên nước Việt thời cổ), mẹ ông là người Việt, ông từ nhỏ đến lớn chỉ ở nước Việt trước khi sang làm thầy ở nước Ngô (một trong ba nước thời Tam Quốc), chưa hề một lần biết đến nước Khương Cư của cha ông, ông xử dụng ngữ pháp Việt, truyền thuyết Việt, kiến thức Việt để dịch Lục Độ Kinh từ bản tiếng Việt sang tiếng Hán. Vậy có thể kết luận không sợ sai lầm ông là tác phẩm của nền giáo dục thuần túy Việt Nam thời Hùng Vương. Cái học của ông như thê nào? Sách của người Hoa ghi rõ: “Khương Tăng Hội hiểu rõ ba tạng (tiêu biểu cho Phật giáo gồm: kinh, luật, luân), xem khắp sáu kinh (tiêu biểu cho Nho giáo), thiên văn, đồ vĩ, phần lớn biết hết, giỏi việc ăn nói, lanh việc viết văn …” (Tăng Hựu, Huỳnh Hạo). Theo tài liệu của Nguyễn Mạnh Thát, trong Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, nxb Thuận Hóa, 1999). Như vậy, cái học của ông là cái học của một nền giáo dục tổng hợp Việt Nam có tính bách khoa. Đó là cái học dựa vào tu tập, thiền định, cột chặt tư tưởng với thực tế khác hẳn với học phong Trung Hoa là “huyền học thanh đàm”. Nếu ta còn biết trong tác phẩm trên của Khương Tăng Hội, ông đã bàn đến một cách rành rẽ về khoa học, quá trình phát triển thai nhi, quan hệ hôn nhân, các kỹ thuật làm gốm, rèn, đúc, âm nhạc … thì ta sẽ phải e dè khi phát ngôn về nền giáo dục cổ của Việt Nam. Từ trước kỷ nguyên, nền giáo dục này xem chừng đã có những nét độc đáo không đơn giản! Tôi còn muốn nêu thêm nhiều chứng tích hơn nữa như trình độ kiến thức và cách lý luận trong sáu bức thư trao đổi giữa đại diện Phật giáo là Đạo Cao, Pháp Minh với Lý Miễn, đại diện chính quyền mà ông Lê Mạnh Thát mới tìm thấy và công bố trong mấy năm gần đây. Kiến thức cũng như cách lý luận trong mấy trang tài liệu này chứng tỏ Giao Châu (Việt Cổ) đã có một nền giáo dục rất cao, cung ứng cho sĩ tử những kiến thức triết học và cách lý luận không khác ngày nay bao nhiêu. Rất tiếc khuôn khổ bài báo không cho phép dài lời hơn nữa.
Phải chăng những điều vừa kể có thể chứng tỏ nền giáo dục của Việt Nam tự chủ xưa có nhiều nét độc đáo, chúng ta có thể lấy làm chất liệu để xây dựng nền giáo dục hiện nay ngõ hầu có thể cứu nguy đất nước?
7 – TÂM LÝ THÙ GHÉT THƯƠNG MẠI
Nguyễn Gia Kiểng đã rất đúng khi ông nói: “Nếu thù ghét thương mại la sản phẩm độc hại nhất của Khổng giáo thì nó cũng là di sản nặng nề nhất của người Việt ngay trong lúc này”. (TQĂN, trg 334). Nhưng chắc không hẳn nhận xét này muốn nói là người Việt không có khả năng thương mại. Tổ tiên chúng ta biết rất rõ: phi thương bất phú (không làm thương mại thì không giàu). Có điều bị ảnh hưởng của Nho giáo một phần, nhưng phần khác, phần chính là kết quả của văn minh nông nghiệp, người Việt từ xưa đã có tâm lý trọng cái giàu tinh thần hơn giàu vật chất. Chỉ tiếc là đến khi có sự cạnh tranh quốc tề, cần cái giàu vật chất thì người Việt không có cơ hội, không còn dịp nữa. Chuyện để lỡ chuyến tầu phát triển kinh tế này có nhiều lý do khác nữa, có lẽ còn quan trọng hơn cả lý do không trọng thương mại mà Nguyễn Gia Kiểng gọi là “thù ghét thương mại” ở trên. Nhưng cũng như mục giáo dục tại Việt Nam, việc tìm hiểu tâm lý thù ghét thương mại mà ta nói trên cũng chỉ là nhìn thấy bên ngoài, cái nhìn biểu kiến. Muốn biết thêm bề sâu, chắc còn cần đến nhiều nghiên cứu hơn nữa.
Tôi nói cần nghiên cứu kỹ lại bởi khảo cổ học và cả cổ thư mới phát hiện gần đây cho thấy có những dấu hiệu ngược lại chứng tỏ đã có những trung tâm thương mại lớn ở Việt Nam trước đây. Về khảo cổ học, người ta đã tìm thấy những đồ gốm đồ đồng Việt Nam ở tận Nam Mỹ hay các đô thị Địa Trung Hải cổ chứng tỏ có sự giao thương giữa Bắc phần Việt Nam và Nam Mỹ, Địa Trung Hải từ trước thời Kỷ Nguyên. Về cổ thư, tôi xin trích ra đây ba đoạn văn của ba tác giả thuộc ba nước khác nhau: một là thương gia người Ý tên Marini, viết vào đầu thế kỷ 17; hai là Samuel Baron người Anh, có cửa tiệm ở Thăng Long thế kỷ 17 và ba là Richard người Pháp, đầu thế kỷ thứ 18, viết về kinh thành Thăng Long như sau:
– “Ở Thăng Long có rất nhiều phường mà mỗi phường rộng bằng một thành phố ở nước Ý chúng ta”. (Marini – Histoire nouvelle et curieuse des Royaumes du Tonkin et Laos).
– “Đặc biệt đông vui là ngày mùng một và ngày rằm âm lịch vì là ngày phiên chơ, nhân dân các làng lân cận đem hàng hóa đến bán đông không thể tưởng được. Đôi khi bước chân vào đám đông nhích dần được chừng 100m trong nửa giờ cũng đã thấy sung sướng lắm rồi”. (Samuel Baron – Miêu tả vương quốc Bắc Kỳ – Description du Royaumes de Tonkin).
– “Số lượng thuyền bè lớn lắm đến nỗi rất khó mà lội được xuống bờ sông. Những sông những bến buôn bán sầm uất nhất của chúng ta bên Châu Âu, ngay cả thành phố Venise nữa với tất cả thuyền lớn thuyền nhỏ của nó cũng không thể mang đến cho người ta một ý niệm về sự hoạt động và sự buôn bán náo nhiệt và về dân số trên sông Kẻ Chợ”. (Richard – Lịch sử tự nhiên Dân sự và Chính trị Bắc kỳ, 1778,Paris).
Tôi chưa tận mắt nhìn thấy mấy quyển sách trên, chỉ đọc được qua cuốn phim “Hà Nội trong mắt ai” đã được trình chiếu trên đài SBS của Úc gần đây. Tôi đã thu được và cho chiếu đi chiếu lại đoạn phim về mấy quyển sách trên cả chục lần. Nhìn kiểu chữ in trên bìa sách cũng như hình dáng các sách đó, tôi có thể khẳng định sách này không phải giả tạo. Về nội dung của các đoạn văn trên, đúng hay sai hiện chưa có tài liệu để kiểm chứng. Nhưng cũng không có lý do gì để nghi ngờ sự trung thực của các tác giả những quyển sách này. Vì vậy chỉ có thể nhắc lại nguyên tắc: văn minh Việt Nam là văn minh chìm. Chìm vì chứng tích đã bị tàn phá đi cũng có, chìm vì tổ tiên ta đã tìm cách dấu đi để tránh bị kẻ thù đuổi tận giết tuyệt cũng có. Nay muốn tìm hiểu, phải mất lắm công phu, không thể căn cứ vào những cái bề ngoài mà phán quyết vội vã được.
Đến đây thì một câu hỏi có thể đến với bất cứ người Việt nào chưa mất hết tin tưởng vào tiền đồ dân tộc là: tại sao một dân tộc đã có nguồn gốc xa xưa như vậy, đã chứng tỏ có một trí tuệ siêu việt với những phát minh đã đưa loài người ra khỏi thời kỳ mông muội như vậy, đã có những trang sử oai hùng, dựng nước, giữ nước như vậy, mà chứng tích để lại thực nghèo nàn, chưa đủ để chứng minh cái dĩ vãng vô cùng hào hùng kia? Và nhất là ngày nay, ở khắp nơi, ở khắp mọi ngành, chỉ thấy hiện ra những thực trạng thảm hại, thực trái với cái dĩ vãng huy hoàng nọ? Phải chăng chuyện cũ là bịa đặt? Hay là cường điệu thái quá? Hay chỉ là ảo tưởng của một dân tộc thiếu bản lĩnh, thiếu tài năng?
Những câu hỏi như vậy cũng ám ảnh tôi, dằn vặt tôi đã lâu. Chỉ sau khi được sống qua những ngày đổi đời khủng khiếp từ ngày Cộng sản chiếm đóng miền Nam (30/4/1075), tôi mới lĩnh hội được những đau thương của lịch sử, những mất mát, đổ vỡ vượt ngoài sự tưởng tượng của con người mà dân tộc ta phải chịu. Thử nhìn kỹ mà xem, Saigon chỉ vài ba năm sau ngày Cộng sản xâm chiếm miền Nam đã biến đổi đi như thế nào? Một thành phố văn minh chỉ trong sớm tối đã biến thành một thành phố chậm tiến. Những “bộ áo văn minh” của Saigon đã biến đi đâu? Nhìn Hà Nội thì rõ. Saigon và Hà Nội là hai thành phố cùng trong một nước, chỉ khác một thành phố thuộc phe thắng và thành phố kia thuộc phe thua trong một trận chiến tranh huynh đệ tương tàn mà đã thế. Thử hỏi Việt Nam và Trung Hoa là hai nước nghịch thù. Việt Nam bị Trung Hoa quyết tâm tàn phá như ta đã thấy trong các văn thư của Minh Thành Tổ kể trên, thử hỏi qua bao nhiêu năm nội thuộc chúng ta còn giữ được gì thuộc nền văn minh của mình để lưu truyền cho hậu thế? Huống hồ ông cha ta đã biết các hiểm họa kẻ thù cố tình hủy diệt đất nước mình, nên đã tìm cách tự tồn bằng cách dấu nhẹm đi hết những tinh hoa của mình. Dần dần đất nước trở thành trơ trụi. Nền văn minh Việt Nam chỉ còn là một nền văn minh chìm. Muốn tìm hiểu nó ngày nay không phải là chuyện dễ. May nhờ khoa học phát triển, chứng tích dù đã mất, những gì còn lại có thể cũng đủ cho khoa học xác minh được nền văn minh tiền phong và độc đáo của tổ tiên ta. Như vừa được hé mở trong những trang trên.
8 – NHỮNG NHẬN XÉT KHÁC
Dù vai trò của truyền thống có quan trọng đến đâu chăng nữa thì tương lai đất nước vẫn được khởi đi từ hiện tại chứ không phải từ dĩ vãng. Đúng như nhận xét của một sử gia nào đó, những vấn đề hiện tại của một nước là sự phát triển của lịch sử nước đó. Và như ta đã thấy, nếu Nguyễn Gia Kiểng đã đang tay xóa sạch những thần tượng trong lịch sử Việt, những mô hình gương mẫu trong văn hóa Việt, thì đối với hiện tại ông đã có vẻ nương tay. Ông đánh giá cao vai trò của đảng Cộng sản là đã có công đánh thắng hai cường quốc lớn là Mỹ và Pháp, hơn nữa: “… đã dành cho người dân một chỗ đứng có phẩm giá hơn hẳn các chế độ quân chủ tại Việt Nam trước đó” (TQĂN,trg 232). Nguyễn Gia Kiểng cũng cho rằng chính quyền Cộng sản còn làm được nhiều điều mà các chế độ trước đã không làm được. Đáng kể nhất là: tiêu diệt được bệnh tôn sùng bằng cấp, biến được một dân tộc chỉ thích từ chương, thích làm công chức thành dân tộc ham kinh doanh và quan trọng nhất là loại được ảnh hưởng của tôn giáo ra khỏi chính quyền. Tôi xin góp chút ý kiến về ba nhận xét này: Trước hết, về nhận xét thứ nhất, khi Cộng sản mới chiếm miền Nam, tôi cũng có ý kiến như Nguyễn Gia Kiểng và vô cùng thích thú cũng như thán phục khi thấy đứa cháu là bác sĩ, đẹp gái, đàng hoàng, lấy anh chồng làm nghề lái xe, trông khá gồ ghề. Tôi ghét nhất cái kiểu “môn đăng hộ đối” trong xã hội cũ. Nhưng thức lâu mới biết đêm dài. Hóa ra không phải cô bác sĩ nọ đã bỏ được cái óc coi trọng bằng cấp mà lấy anh tài xế kia, chẳng qua lấy một anh đồng nghiệp hay cũng tốt nghiệp đại học như mình thì: thứ nhất, lương lậu của hai vợ chồng cô chưa chắc đủ nuôi hai miệng ăn; thứ hai, vì công tác yêu cầu, vợ chồng cũng chưa chắc được ở gần nhau. Lấy anh lái xe chắc ăn hơn, chỉ riêng tiền lương anh ta cũng được gấp năm ba lần bác sĩ. Nếu có thêm chút “bổng” nữa thì số thu sẽ gấp trăm lần lương bác sĩ là thường!
Về thí dụ thứ hai, chúng tôi cũng rất rõ vì đã có kinh nghiệm bản thân: đến khi nhà nước đổi tiền lần thứ hai thì hầu hết gia đình sống tại miền Nam trước kia không còn gì để sinh sống. Chúng tôi chỉ còn cách trong nhà có gì thì đem ra bán dần, riết rồi cũng có nghề bán “chợ trời”. Thì cũng như mấy ông miền Bắc:
Đầu đường Đại tá vá xe
Cuối đường ông Tướng bán chè, bán xôi!
Bán chè bán xôi chưa hẳn là đã có óc ham chuộng kinh doanh, hết thích làm công chức (ở đây là làm ông Tướng!).
Bằng cớ là nếu may mà đảng nghĩ lại, hay có người đàn em quyền thế nào gọi cho một chức gác dan, hay làm nghề “kiểm tra sinh đẻ” thì ông tướng cũng bỏ nghề kinh doanh nọ ngay, không hề vương vấn tiếc rẻ!
Về thí dụ thứ ba thì lớn quá, quả tôi không có chút kinh nghiệm nào. Không ai phủ nhận loại bỏ được ảnh hưởng của tôn giáo ra khỏi chính quyền là điều khó nhất vì trong lịch sử cận, hiện đại, chưa chính quyền nào làm được việc này. Và “tệ nạn” này quả là điều bất hạnh nhất cho đất nước ta. Nhưng câu hỏi cần đặt ra là: Cộng sản đã loại bỏ được ảnh hưởng tôn giáo ra khỏi chính quyền bằng giá nào? Nếu vì bỏ ảnh hưởng của tôn giáo mà bỏ luôn quyền tự do tôn giáo và các quyền tự do khác của người dân thì khác gì để chữa đôi mắt lòa họ đã chọc mù đôi mắt còn cắt luôn đôi chân, đôi tay nữa? Điều quan trọn phải kể đến là cái giá phải trả cho kết quả đạt được. Và cái nhìn lạc quan mà Nguyễn Gia Kiểng vẽ ra xem chừng cũng chỉ là ảo cả.
Đọc đến đây, chắc cũng có vị cho tôi có ý bài bác Nguyễn Gia Kiểng hay chống đối với lập trường dùng văn hóa để giải quyết vấn đề Việt Nam. Tôi không có ý ấy, có thể ngược lại là khác. Bằng cớ là tôi chủ trương tờ TƯ TƯỞNG, lại họp nhau viết Lịch Sử Tư TưởngViệt Nam. Để làm gì? Nếu không phải là để tìm chất liệu cho giải pháp giải quyết vấn đề Việt Nam bằng văn hóa. Vì vậy:
– Trước hết, và quan trọng nhất, tôi hoàn toàn đồng ý với Nguyễn Gia kiểng là trong hoàn cảnh hiện nay, văn hóa là phương pháp duy nhất để có thể giải quyết vấn đề Việt Nam dù rằng cái văn hóa tôi hiểu không hẳn giống như cái văn hóa Nguyễn Gia Kiểng quan niệm. Văn hóa tôi hiểu là văn hóa truyền thống Việt có điều chỉnh nghĩa là có bỏ đi những cái xấu, không còn hợp thời, đồng thời thâu hóa cái mới, cái tốt. Nguyễn Gia Kiểng chủ trương bỏ hẳn cái cũ.
– Thứ hai, tôi đồng ý với Nguyễn Gia Kiểng là văn hóa Việt Nam hiện nay (tôi nhấn mạnh chữ hiện nay) rất tồi.
– Thứ ba, tôi đồng ý con người Việt Nam hiện nay (lại xin nhấn mạnh chữ hiện nay) cũng quá nhiều tật xấu: trí thức đa số ích kỷ, cầu an, chia rẽ, thiển cận nhiều khi đến u mê, dân chúng phần lớn mất tin tưởng, thờ ơ, chán chường, không muốn quan tâm gì đến chính sự.
– Thứ tư, và cũng quan trọng không kém, theo Nguyễn Gia Kiểng, là tình trạng ngày nay đã rất khẩn cấp, thời gian không còn bao nhiêu, nếu không có giải pháp thích ứng kịp thời, đất nước có thể đi đến chỗ giải thể, không chết được nhưng cũng không sống (chữ của Nguyễn Gia Kiểng). Tôi, đã nhiều lần mượn một định luật khoa học, cho rằng tình trạng Việt Nam sắp bước đến điểm “bất phục hồi” (point de non-retour) mà qua đó, Việt Nam dù không bị lệ thuộc nước khác cũng trở thành một quốc gia tật nguyền có thể chỉ gồm người cùi hủi về phương diện tinh thần, có sống cũng chỉ để làm tôi mọi cho người khác.
Cả hai đồng ý phải sửa đổi, và phải sửa đổi ngay. Nhưng sự đồng ý chỉ có đến đấy. Phải sửa đổi như thế nào?
Với Nguyễn Gia Kiểng thì công việc đến đây gần như đã hoàn tất, ít ra trên phần lý thuyết: bức tranh Việt Nam Nguyễn Gia Kiểng vẽ ra hoàn toàn đen tối, hoàn toàn xấu xa từ dĩ vãng đến hiện tại, từ lịch sử, văn hóa đến các mặt sinh hoạt xã hội ngày nay. Phải vứt bỏ toàn bộ để thay bằng cái mới, cũng toàn bộ. Không còn gì để vương vấn. Không có gì phải xót xa. Tuy cái mới ấy Nguyễn Gia Kiểng chưa cho ta biết rõ. Bởi vậy công việc của Nguyễn Gia Kiểng vừa dứt khoát và vừa gọn nhẹ hơn công việc của tôi nhiều. Tôi thích cái dứt khoát này. Nhưng tôi không đồng ý phương pháp đó.
Với chúng tôi, tất cả mới chỉ là bắt đầu. Khi chúng tôi chủ trương những gì tổ tiên để lại cho chúng ta có nhiều cái rất quí, rất đẹp, đẹp nhất là chính con người chúng ta, con người đã mang cái genes của những người văn minh đầu tiên của nhân loại (đây là sự thực khoa học, không phải để mị dân), mặt khác, lại chủ trương bức tranh Việt Nam hiện tại cũng đen tối, đen kịt, còn đen hơn cả bức tranh Nguyễn Gia Kiểng phác họa nữa! Nhưng có điều khác: với Nguyễn Gia Kiểng, tất cả những gì của Việt Nam, từ dĩ vãng đến hiện tại đều xấu nên phải vứt bỏ hết; với chúng tôi, hiện tại xấu nhưng dĩ vãng không xấu nên phải tìm cho được nguyên nhân gây ra cái xấu trong hiện tại.
Câu hỏi đặt ra cần có câu giải đáp ngay là cái gì đã làm cho bức tranh đó đang đẹp hóa xấu? Cụ thể là tại sao văn hóa Việt Nam đang tốt lại thành tồi? Tại sao con người Việt đang yêu nước lại thành vong thân, ích kỷ. Tại sao con cháu Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung lại biến thành như đa số lãnh đạo ta thấy ngày nay?
Câu trả lời của tôi là: tại chúng ta đã tự đưa mình vào thế lưỡng đầu thọ địch. Quý vị thử ngẫm mà xem, cứ lấy thế sự từ 1945 đến nay mà xét đã thấy cái thế không có lối thoát này: tham gia vào mặt trận nào cũng chỉ như làm lợi cho ngoại bang chứ xem chừng chưa thực sự phục vụ cho quyền lợi dân tộc. Ngoại trừ một số nhỏ, rất nhỏ những hoạt động không lớn lao gì là giữ gìn cho ngọn lửa thiêng văn hóa, cái hồn dân tộc không bị tiêu vong. Tuy nhiên đây là đối tượng của một đề tài lớn, xin được bàn đến trong một dịp khác.
Họa phúc hữu môi phi nhất nhật
Nguyễn Trãi dạy phải lắm. Con bệnh Việt Nam đi đến nan y như ngày nay không phải là chuyện một sớm một chiều. Tìm đến căn nguyên của nó không phải là chuyện dễ. Có lẽ nên bắt đầu từ chuyện Minh Thành Tổ quyết định đem binh sang chiếm Việt Nam, không phải để tiêu diệt nước Việt, điều ông rõ là không thể làm được, vì “dù có cướp được nước họ (Việt Nam), cũng không giữ được” (ĐVSKTT, sđd, trg 47), mà cấp kỳ tiêu diệt tiềm năng văn hóa Việt. Không biết Nguyễn Gia Kiểng căn cứ vào đâu mà nói: “Nhà Minh tịch thu sách chữ Nho mà không tịch thu sách chữ Nôm vì họ nghĩ Nho giáo là tinh hoa của họ, họ sợ người Việt học chữ Nho sẽ trở nên hùng mạnh và thành mối nguy cho họ” (TQĂN, trg 304).
Đọc tất cả văn bản có được, tôi chỉ thấy sắc chỉ vua Minh ngày 21/8/1406 viết: “Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không tiêu hủy; ngoài ra hết thẩy các sách vở, văn tự, cho đến cả các loại ca lý dân gian, hay sách dậy trẻ … một mảy, một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước, phàm các bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều phải giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phải phá sạch hết thẩy, một mảnh, một chữ chớ để còn” (Việt Kiện Thư, Q.2, thư mục 98 – VHVN chống PKTQ – nxb KHXH Hà Nội, 1981, trg 208).
Không biết căn cứ vào đâu Nguyễn Gia Kiểng viết: “Minh Thành Tổ đã ra lệnh cho quân Minh thu thập rồi tiêu hủy hay chở về Trung Quốc các tác phẩm bằng chữ Nho của Việt Nam. Lệnh này đã không được thi hành nghiêm túc. Tại sao? Phải chăng là các quan nhà Minh thấy chẳng có gì đáng kể”. (TQĂN, trg 248).
Đọc lại lịch sử tôi chỉ thấy, Việt Nam có nhiều cái đáng kể lắm vì vậy nhà Minh đã rất thèm muốn lấy đi. Điều này tôi đã nói đến trong mục 6 bàn về giáo dục ở trên, nên xin không nhắc lại nữa.
Nhưng những cái Việt Nam đã bị quân Minh phá mất hay lấy đi còn ít nguy hại hơn những cái mà Việt Nam bị quân thù gài lại làm kế phá hoại lâu dài. Từ đó đã làm suy bại đất nước này. Một trong những cái bẫy được nhà Minh để lại đã được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư phát hiện là đám hoạn quan (“nhà Minh đã thiến hoạn nhiều con trai nhỏ tuổi” – ĐVSKTT, sđd, trg 216). Chính thủ lĩnh của đám hoạn quan này, Lễ bộ Ty giám Lương Đăng, người được cử cùng Nguyễn Trãi sửa lại lễ, nhạc: “Sai Hành Khiển Nguyễn Trãi và Lễ bộ Ty giám Lương Đăng đốc suất làm loan giá, nhạc khí, dậy tập nhạc múa.” (ĐVSKTT, sđd, trg 338), đã thành công trong việc đưa Nguyễn Trãi đến cái chết, từ đó làm lệch hướng đi của văn hóa dân tộc, và làm đất nước cứ suy tàn dần. Tuy vậy, con bệnh Việt Nam cũng chưa phải là con bệnh nan y. Bằng cớ là đến thời Mạc, hào khí Đông A còn đủ mạnh để khiến họ Mạc đặt quyền lợi đất nước lên trên quyền lợi của vương quyền dòng tộc mình (như trên đã trích dẫn – xem mục 4, Kẻ sĩ, yêu nước và tinh thần quốc gia).
Con bệnh chỉ trở thành nan y khi có những thày lang tồi, ghé tay bốc thuốc. Hoặc vì dòng tộc họ, hoặc vì đảng phái của họ đã đem ngoại bang về làm hại xứ sở.
Cho đến ngày nay,
Xem chừng những phương thức cứu nước lúc này vẫn còn nằm trong cái thế lưỡng đầu thọ địch. Nếu đúng như vậy thì mọi cuộc tranh đấu không khéo sẽ không cứu được nước mà còn làm cho căn bệnh của đất nước trầm kha thêm: đất nước càng ngày càng băng hoại, lòng dân càng ngày càng phân hóa hơn, niềm tin về lãnh đạo, về đất nước đã vô cùng èo uột, càng ngày càng bị soi mòn.
Cách giải quyết duy nhất là phải phá vỡ được cái thế lưỡng đầu thọ địch này trước.
Nhưng phá vỡ bằng cách gì?
Phải bắt đầu từ đâu?
Những câu hỏi này chắc đã làm nhức đầu nhiều người quan tâm đến vận mệnh giống nòi. Câu trả lời tất nhiên không phải dễ. Không phải dễ vì nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa chìm không phải chỉ nhìn bề ngoài mà biết được. Không dễ vì Việt Nam không phải chỉ có ngoại thù mà căn bệnh đã bắt rễ trong ruột gan rồi, không phải chỉ cắt bỏ đi là được. Nguyễn Gia Kiểng là một phẫu thuật gia giỏi. Chỉ tiếc ông đề nghị cắt bỏ hết cơ thể Việt Nam, mà hình như ông chưa nói cho cụ thể phải lấy gì để thay thế vào cái cơ thể đã cắt bỏ hết này? Và khi đó, ví thử con bệnh có qua khỏi, Việt Nam có còn là Việt Nam không? Như Quý vị đã thấy những điều vừa trình bầy ở trên chứng tỏ chúng tôi không đồng ý cách chữa trị này. Phải chữa trị như thế nào? Tất phải dựa vào định luật căn bản: buộc ở đâu thì phải cởi ở đó. Biết được nguyên nhân căn bệnh và cách chữa trị thì việc hoạch định một phương án để phá vỡ cái thế lưỡng đầu thọ địch này không còn là việc không thể làm được: lúc đó lòng tin của quốc dân sẽ được phục hồi. Và người ta sẽ không còn lãnh đạm thờ ơ trước bổn phận với đất nước.
Tất nhiên, đây mới để giải quyết vấn đề tiên quyết căn bản: vấn đề văn hóa, tư tưởng (tâm lý) và con người. Chuyện chọn con đường nào phát triển kinh tế và vấn đề tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển đó như: dân chủ, tự do, xã hội dân sự, kinh tế thị trường, truyền thông hữu hiệu, giáo dục thích nghi … là những chuyện thuộc đối tượng của những đề tài lớn khác vậy.
Còn một lý do khác nữa khiến đã có bài viết này. Như ngay phần mở đầu đã nói, chúng tôi không có ý định viết phê bình quyển Tổ Quốc Ăn Năn. Chỉ là tác giả sách này và chúng tôi cùng nghiên cứu và trình bầy về một đề tài: đề tài văn hóa. Có điều khác nhau là Nguyễn Gia Kiểng đã giỏi hơn chúng tôi rất nhiều. Ông đã khuấy động được vai trò của văn hóa vốn không được người ta chú ý đúng mức. Nay thì nhiều nhà bình luận đã lên tiếng, nhiều cơ quan truyền thông đã tiếp sức. Việc công phá vào thành trì ù lì của trí thức như vậy, bước đầu đã thành công, có thể kéo theo sự thành công trong việc đánh động lương tâm của quần chúng. Chúng tôi chỉ nương theo kết quả Nguyễn Gia Kiểng đạt được để đặt lại vấn đề cho được nghiêm chỉnh hơn.
Còn giải quyết vấn đề như thế nào thì lại là chuyện cần có sự đóng góp của thức giả người Việt trên khắp mặt địa cầu. Tập San TƯ TƯỞNG rất mong được góp phần mình trong công việc trọng đại này.
CUNG ĐÌNH THANH
Tập san Tư Tưởng số 14.