009. Âu Lạc và Tây Âu trong sử ký

1. Âu Lạc

Sử ký – Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: “Thái sử công nói: Quan Úy tên là Đà làm vua vốn bắt nguồn từ Nhâm Ngao. Gặp lúc nhà Hán mới định, được xếp vào bậc chư hầu. Long Lư Hầu gặp khí ướt bệnh, cho nên Đà được thế càng kiêu. Người Âu Lạc đánh nhau làm nước Nam Việt dao động. Quân Hán vào cõi thì Anh Tề vào chầu. Sau đó mất nước là có gốc từ người con gái họ Cù; Lữ Gia giữ lòng trung nhỏ mọn, khiến cho Đà không còn dòng dõi. Lâu thuyền tướng quân theo ý muốn riêng mà khinh nhờn lầm lỗi; Phục ba tướng quân bị khốn cùng mà tỏ rõ trí khôn, biến họa thành phúc. Sự biến chuyển của thắng thua ví như tơ vò”.

Như vậy thì, căn cứ vào mạch truyện, Âu Lạc trong câu “Người Âu Lạc đánh nhau làm nước Nam Việt dao động” là chỉ Mân Việt.

Hán thư – Nam Việt truyện chép: “Vả lại đất phía nam ẩm ướt, ở giữa Man Di, phía tây có nước Tây Âu, dân chúng ở đây nửa yếu, ngoảnh mặt về phía nam xưng Vương; phía đông có nước Mân Việt, dân chúng ở đây có vài nghìn người, cũng xưng Vương; phía tây bắc có nước Trường Sa, dân chúng của nước ấy một nửa là người Man Di, cũng xưng Vương. Lão phu tự ý hiệu xưng Đế, để tự làm vui. Lão phu tự dẹp yên đất của trăm ấp, phía đông, tây, phía nam, bắc có mấy vạn, mấy nghìn dặm, quân mang giáp có hơn trăm vạn, nhưng ngoảnh mặt về phía bắc mà xưng thần theo nhà Hán, vì sao vậy ? Là vì không dám quên việc của người trước”.(Thư gửi Hán Văn Đế của Triệu Đà).

Sử ký – Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: “Lục Giả đến nước Nam Việt, Đà sợ lắm, soạn thư tạ lỗi nói rằng: “Thần là kẻ già cả người Man Di tên là Đà. Ngày trước Cao Hậu ngăn cách nước Nam Việt, thần trộm ngờ vua nước Trường Sa gièm thần, lại nghe đồn rằng Cao Hậu giết hết họ hàng, đào đốt mộ tổ tiên của Đà, ho nên tự ý đánh vào biên giới nước Trường Sa. Vả lại miền nam ẩm thấp, người Man-Di ở giữ, phía đông có nước Mân Việt có ngàn người hiệu xưng làm vương, phía tây có nước Âu Lạc là nước của dân cởi trần mà cũng xưng vương. Kẻ bầy tôi già này tự trộm xưng hiệu đế là tạm để tự làm vui, há dám để vua trên nghe nói đến sao!”. Lại rập đầu tạ tội, nguyện mãi làm bầy tôi phên dậu, vâng chức cống”.

Như vậy thì, Tư Mã Thiên đã đổi Tây Âu(của Triệu Đà) thành Âu Lạc. Nên Âu Lạc trong câu “phía tây có nước Âu Lạc là nước của dân cởi trần mà cũng xưng vương” là chỉ Tây Âu.

Sử ký – Kiến Nguyên dĩ lai hầu giả niên biểu chép: “Hạ Li Hầu vì làm Tả tướng của nước Âu Lạc chém Tây Vu Vương có công được phong hầu”.

Như phần trên chúng ta đã chứng minh sự kiện này xảy ra tại Mân Việt, nên Âu Lạc trong câu này có thể là chỉ Mân Việt hoặc có thể là chỉ Nam Việt.

Tổng kết: Như vậy là Âu Lạc trong Sử ký được sử dụng để chỉ vùng rộng lớn gồm: Mân Việt, Tây Âu, Nam Việt. Chúng ta có thể mở rộng: Âu Lạc là chỉ vùng rộng lớn, mà nhà Tần đã sai Đô Thư đem 50 vạn quân đi xâm chiếm.

2. Tây Âu

Hoài nam tử chép: “Truyện xưa viết: “Nhà Tần vong, tại sao vậy”. Nguyên nhân là sai Mông công (Mông Điềm) và Tương ông đưa 50 vạn quân xây trường thành. Phía tây thì chiếm Lưu Sa, phía bắc thì đánh Liêu, phía đông thì liên kết với Triều Tiên, các quận của Trung quốc phải kéo xe đi chinh chiến. Lại ham những món lợi như sừng tê giác, ngà voi, ngọc phỉ thúy, trân châu, nên sai quan úy là Đồ Thư mang 50 vạn quân, chia làm 5 đạo đi xâm chiếm (Bách Việt). Một đạo đóng ở Đàm Thành, một đạo phòng thủ ở Cửu Nghi là chỗ hiểm yếu, một đạo đóng ở Phiên Ngung làm đô thành, một đạo đóng ở Nam Dã là nơi biên giới, một đạo đóng ỡ sông Dư Can. Ba năm quân không cởi giáp, lúc nào cũng phải mang theo cung nỏ. Sử Lộc không tìm được hướng (để tiến quân), mới tuyển lính đào kinh để chuyển binh lương đánh người (Bách) Việt, giết vua Tây Âu là Dịch Hu Tống. Vì vậy người (Bách) Việt vào rừng rậm sống chung cùng muông thú, không chịu để quân Tần bắt làm tù binh. Ho kén chọn ngưòi tài trí và kiệt tuấn làm tướng, cứ đến đêm tối tấn công quân Tần, đạt được chiến thắng lớn, giết quan úy Đồ Thư, quân Tần chết cả chục vạn”.

Chúng ta biết rằng: Đàm Thành là một huyện của quận Vũ Lăng, Cửu Nghi là một vùng núi ở quận Linh Lăng, Phiên Ngung thuộc quận Nam Hải, Nam Dã là một huyện của quận Dự Chương, Dư Hãn(Dư Can) là một huyện của quân Dự Chương (theo Hậu hán thư). Và kênh Linh Cừ chảy theo hướng đông sang tây, nối Tương Giang (một chỉ lưu của sông Dương Tử) với Ly Giang (một chỉ lưu của sông Tây Giang).

Như vậy: Hầu hết các đạo quân Tần đều đóng ở khu vực rặng núi Ngũ Lĩnh.

Thêm vào đó, Hoài Nam Tử cũng cho chúng ta biết thêm, quân Tần đã giết được vua nước Tây Âu, tuy nhiên người Việt không chịu hàng, nên bầu thủ lĩnh mới và tiếp tục cuộc kháng chiến.

Sử ký chép: “Lại sai quan Úy là Đồ Thư đem quân thuyền lầu xuống phía nam đánh người Bách Việt, sai quan Giám tên là Lộc đào kênh chở lương, vào sâu đất Việt, người Việt bỏ trốn. Ngày dài chờ đợi, lương thực thiếu hết, người Việt ra đánh, quân Tần thua to. Nhà Tần mới sai quan Úy tên là Đà đem quân đến đóng ở đất Việt. Lúc bấy giờ, nhà Tần phía bắc gây họa binh đao với người Hồ, phía nam kết oán với người Việt, đóng quân ở đất vô dụng, tiến không được mà lui cũng không được. Trong hơn mười năm, đàn ông mặc giáp, đàn bà chuyển chở, khổ chẳng muốn sống, tự treo cổ trên cây bên đường, tuyệt vọng nhìn nhau. Đến lúc Tần Hoàng Đế băng, thiên hạ nổi lên chống” và “Năm thứ ba mươi ba (năm 214 TCN) phát những kẻ từng trốn tránh, ở rể, nhà buôn đi cướp lấy dất Lục Lương, đặt thành các quận Quế Lâm, Tượng, Nam Hải, đem lính thú đến giữ”.

Hán thư chép: “Năm Nguyên Phượng thứ năm(năm 76 TCN), mùa thu, bỏ quận Tượng, chia gộp vào các quận Uất Lâm, Tang Kha”.

Như vậy là theo như Sử ký chép thì quân Tần chiếm được đất Lục Lương đặt ra ba quận là Quế Lâm, Tượng, Nam Hải. Cũng theo như Hán thư chép thì quận Tượng nằm giữa Uất Lâm và Tang Kha. Lại theo như Sử ký thì quân Tần đóng ở đất vô dụng, tiến không được mà lui cũng không được, như vậy là cuộc nam chinh của quân Tần dừng lại ở Tây Âu. Không có cơ sở để khẳng định, quân Tần tiến xuống Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam.

Sử ký chép: “Hơn một năm thì Cao Hậu chết(năm 180Tcn), liền rút quân. Đà nhân đó đem quân uy hiếp nơi biên giới, dùng tiền của trao tặng cho vua các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc, bắt vua các nước ấy theo phục”.

Theo như Sử ký chép thì, vị thế của Tây Âu Lạc cũng tương tự như Mân Việt trong mối quan hệ với Nam Việt. Sử ký lại chép: “Đến năm Kiến Nguyên thứ sáu(năm 135Tcn), vua nước Mân Việt đánh nước Nam Việt”. Thông tin thú vị này cho thấy việc”bắt vua các nước ấy theo phục” dừng lại ở mức độ nào. Thực tế Mân Việt cũng như Tây Âu Lạc hoàn toàn độc lập với Nam Việt.

Một điểm cũng cần làm rõ ở đây là: nước Tây Âu Lạc được hiểu như thế nào? Ở phần trên chúng ta đã biết Âu Lạc là một vùng rộng lớn, bao gồm Mân Việt, Nam Việt, Tây Âu. Nên Tây Âu Lạc là Âu Lạc ở phía Tây hay chính là nước Tây Âu.
Thêm một sự kiện nữa, Sử ký chép: “Quan giám quận Quế Lâm của Việt tên là Cư Ông dụ dân Âu Lạc đi theo nhà Hán”. Sự kiện này củng cố việc Tây Âu hoàn toàn độc lập tới khi Hán diệt Nam Việt năm 111Tcn. Âu Lạc trong câu này là chỉ vùng Quế Lâm, có thể cả Tượng.

Tổng kết: Nhà Tần sai Đô Thư nam chinh, chiếm đất Lục Lương, đặt ba quận Nam Hải, Tượng, Quế Lâm. Quân Tần vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của người Tây Âu ở Quế Lâm và Tượng, sau khi Sử Lộc đào xong kênh Linh Cừ, quân Tần giết được quân trưởng và chiếm được đất của người Tây Âu, nhưng đó cũng là thời điểm bắt đầu nhà Tần bị sa lầy ở Tây Âu, cho tới khi diệt vong. Nam Việt hình thành sau đó, tồn tại song song và độc lập với Tây Âu cho tới khi nhà Hán thôn tính năm 111Tcn.

Chưa rõ tác giả.

1 bình luận về “009. Âu Lạc và Tây Âu trong sử ký

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.