Vấn đề trang phục của người Việt là một vấn đề rất nhức nhối, tạo ra tranh cãi nhiều nhất trong suốt vài thập kỷ vừa qua, người thì cho rằng Tổ Tiên ta có trang phục, người thì suy luận dựa vào hình ảnh trên trống đồng, trên cán dao găm đồng mà cho rằng Tổ Tiên ta cởi trần đóng khố. Nhưng dường như hình ảnh cởi trần đóng khố đã chiến thắng, được chấp nhận, tuyên truyền, được mặc định là chính xác trong tâm thức của phần đông người dân Việt. Chúng tôi không tin điều đó, nên đã lần tìm, đi tìm những bằng chứng, cơ sở để chứng minh cho vấn đề trang phục của người Việt.
1. Những chiếc khuy ngọc và đồng:

Phát hiện ra chiếc khuy đồng, có lẽ là điều may mắn lớn nhất đối với chúng tôi trong năm qua, bởi tính quan trọng rất đặc biệt của nó, đó là sự xác nhận trực tiếp và rất rõ ràng về trang phục xưa của người Việt: người Việt đã có trang phục, không những có trang phục, mà còn có thể rất tiến bộ!
Theo thông tin của Ts. Lâm Thị Mỹ Dung chia sẻ với trang, thì trước đó, trong thời văn hóa Đồng Đậu, cũng đã có viên ngọc dạng hình chiếc khuy được phát hiện, lần theo thông tin Ts. cung cấp, chúng tôi cũng đã tìm được viên ngọc có dạng hình khuy này.

Chiếc khuy hẳn đã có một lịch sử dài phát triển, muộn nhất là khoảng thời văn hóa Đồng Đậu (3500 năm trước ngày nay), nó có thể xuất phát từ các nền văn hóa ngọc thời đá mới của Tộc Việt như Thạch Gia Hà, Lương Chử, được kế thừa vào nền văn hóa Đồng Đậu. Chúng tôi hiện chưa tìm thấy dấu tích của khuy ngọc ở các nền văn hóa này, nhưng Lương Chử và Thạch Gia Hà là những nền văn hóa có trình độ chế tác ngọc rất cao, nên kỹ thuật tạo khuy có thể đã xuất hiện ngay từ thời kỳ đó.

2. Kỹ thuật dệt vải
Kỹ thuật dệt vải chính là nền tảng đầu tiên và quan trọng nhất để chứng minh cho vấn đề trang phục của người Việt (trong đó dọi xe sợi là bằng chứng quan trọng nhất chứng tỏ cho sự tồn tại của kỹ thuật dệt vải), do đó, chúng tôi sẽ đi tìm dấu tích của vải, của nghề dệt vải trong địa bàn Việt Nam, và sẽ mở rộng hơn trong địa bàn của Tộc Việt xa xưa, ở vùng Động Đình, Tiền Đường và vùng Hoa Nam.
– Những mảnh của khung dệt nguyên thủy cũng được nhìn thấy từ các địa điểm của văn hóa Hà Mẫu Độ ở Dư Diêu (Chiết Giang), có niên đại khoảng 4000 năm trước Công nguyên. Lụa đã được tìm thấy trong một địa điểm văn hóa Lương Chử – Chiết Giang, có niên đại từ 2700 năm trước Công nguyên. [bit.ly/2YP1OA8]

– Khoa khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều dọi xe sợi trong các di chỉ thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên cách nay 4.000 năm. GS.TS Hán Văn Khẩn, Viện khảo cổ học Việt Nam xác nhận: “Dọi xe chỉ tìm thấy khá phổ biến trong văn hóa Phùng Nguyên. Nó được làm bằng đất sét tương đối mịn hoặc tương đối thô… Dọi xe sợi có đường kính trung bình 0,6 – 2cm… Như vậy, nghề dệt vải đã phổ biến trong văn hóa Phùng Nguyên. Cư dân văn hóa này ít nhất có hai loại vải mặc, đó là vải vỏ cây và vải dệt từ sợi” [Vũ Kim Biên] (hình 4). Dọi xe sợi cũng đã được phát hiện trong nền văn hóa Thạch Gia Hà. (hình 5)


– Dấu vết các loại vải ở Việt Nam được phát hiện sớm trong các di tích Châu Can, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, chứng tỏ người Phùng Nguyên đã biết dệt vải (Lê Văn Lan, Trịnh Minh Hiên [1973: 236])
– Năm 2005 hai tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Việt và Bùi Văn Liêm hợp tác với hai tiến sĩ khảo cổ học người Úc, khai quật ngôi mộ ở Đông Xá (Hưng Yên) có niên đại 2.100 (+_60 năm). Trong ngôi mộ tìm thấy một tấm vải liệm còn nguyên vẹn, bên trong còn bọc vài lớp vải nữa… Họ kết luận: “Dữ liệu vải sợi của đội khảo cổ Việt Nam – Úc ở Đông Xá khẳng định rằng, nghề dệt vải đã phát triển trong thời đại kim khí ở Bắc Việt Nam và rằng vải giữ vai trò trung tâm trong mộ táng Đông Sơn, không chỉ cho trang phục mà còn làm chiếu, vải bọc và vải liệm”. [Vũ Kim Biên]

Như vậy đã có đủ chứng cớ để có thể khẳng định được rằng kỹ thuật dệt vải của cư dân Việt đã có lịch sử phát triển rất lâu dài, dấu tích của lụa có thể kéo dài tới mốc 2700 năm trước Công nguyên.
3. Kết luận:
Qua những dẫn chứng về nghề dệt vải và những chiếc khuy ngọc và đồng, chúng tôi cho rằng đã có đủ cơ sở để khẳng định một cách rất chắc chắn rằng trang phục của người Việt, không phải cởi trần đóng khố như hình ảnh chúng ta vẫn được thấy, mà họ có trang phục, có quá trình phát triển lâu dài cùng với kỹ thuật dệt vải và chế tác khuy. Chúng tôi cũng đã chứng minh và lần tìm theo dấu vết các dân tộc cùng một nguồn gốc với người Việt để tìm lại trang phục của Tổ Tiên trong bài khảo cứu về trang phục thời Hùng Vương của mình. Việc xem Tổ Tiên người Việt không có trang phục, chỉ cởi trần đóng khố, chúng tôi cho rằng không còn phù hợp nữa, chúng ta cần nhìn nhận và tiếp cận trang phục của người Việt thời xa xưa dưới một góc nhìn mới khách quan và khoa học hơn.
