466. Linh thiêng đền thờ thần Đồng Cổ

Khi Vua Hùng đi dẹp giặc Hồ Tôn xâm lược ở phương Nam, đại quân của nhà vua đã theo đường núi và dừng nghỉ chân ở núi Khả Lao nay là núi Tam Thai, thuộc làng Đan Nê. Đêm đến, trong âu lo trằn trọc, nhà vua đã mộng thấy vị thần núi trống đồng, dùi đồng xin đi theo giúp vua đánh giặc. Y lời thần, ngày hôm sau những binh khí trong đêm mộng báo đã được chuẩn bị sẵn sàng. Quả nhiên, ở trận chiến với giặc đang hồi cam go thì trên không trung bỗng nổi lên âm vang trống đồng, kiếm kích khiến kẻ xâm lược hồn bay phách tán, không đánh mà lui. Không quên ơn thần giúp đỡ, thắng trận trở về nhà vua đã phong “Đồng Cổ đại vương”, cho lập đền thờ thần.

3a70d6527a14934aca05

Và cho đến ngày hôm nay, trải qua ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam, có lẽ không chỉ người dân làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định (Thanh Hóa) vẫn tin rằng, di tích đền Đồng Cổ tọa lạc trên địa bàn xã Yên Thọ được khởi dựng từ thời các Vua Hùng dựng nước. Những câu chuyện huyền thoại về vị thần Đồng Cổ cũng như vùng đất cổ xưa Đan Nê cứ thôi thúc chúng tôi tìm về nơi đây. Để được “mục sở thị” và còn cả mong mỏi một lần đắm mình trong không gian đất thiêng, biết đâu lại may mắn nghe được tiếng “Trống đồng” năm xưa vọng về.

82566c74c032296c7023
Cổng đá Khu di tích núi và đền Đồng Cổ được xây dựng từ xưa.

Cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng hơn một giờ chạy xe, Khu di tích núi và đền Đồng Cổ hiện ra trước mắt chúng tôi là một bức tranh sơn thủy hữu tình của bậc danh họa xưa. Núi non, sông nước bao quanh di tích tạo nên vẻ đẹp vừa cổ kính, linh thiêng mà chỉ có thể bàn tay tạo hóa mới khéo léo bồi đắp và con người nương theo đó dựng xây, giữ gìn. Đền Đồng Cổ nằm giữa núi Tam Thai (còn gọi là núi Khả Lao) với ba ngọn (núi Xuân, núi Đổng, núi Nghễ) nhấp nhô và trước mặt là hồ bán nguyệt quanh năm nước xanh trong, đầy ăm ắp. Sau lưng núi là sông Mã với bến Trường Châu… Tất cả không gian, cảnh sắc ấy như dẫn dụ, gợi mở về truyện xưa tích cũ, những câu chuyện về núi và thần Đồng Cổ cũng theo dòng thời gian, lịch sử mà hiện ra đầy huyền bí, linh thiêng.

Không ai biết thần Đồng Cổ ngự ở núi Tam Thai tự bao giờ. Chỉ biết rằng, câu chuyện về việc thần thường xuyên trợ giúp các triều đại nhà vua trong lịch sử phong kiến khi đánh giặc ngoại xâm, phản loạn thì đã đi vào lịch sử. Khi Vua Hùng thắng giặc Hồ Tôn trở về, qua núi Tam Thai, người đã cho đúc trống đồng, phong thần là “Đồng Cổ đại vương” và lập miếu để con cháu đời sau theo đó mà phụng thờ, tưởng nhớ công ơn của thần. Nếu như từ thời các Vua Hùng dựng nước thần Đồng Cổ đã có công giúp vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi thì phải chăng thần đã và luôn dõi theo, giúp đỡ, phù trợ cho công cuộc dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Công ơn của thần còn gắn liền với những chiến tích diệt giặc ngoại xâm, phản loạn.

Theo đó, tương truyền thần đã giúp vua Lê Đại Hành đánh thắng giặc Chàm ở phương Nam. Và rõ nhất có lẽ là câu chuyện thần giúp đỡ thái tử Lý Phật Mã khi đi dẹp giặc Chiêm Thành. Trên đường tiến xuống phương Nam, đêm xuống thái tử Phật Mã cùng quân lính hạ trại nghỉ ở bến Trường Châu (sông Mã) và người cũng nằm mộng thấy vị thần với tướng pháp khác thường đến trước mặt mình tự xưng: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin thái tử xuống đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc lập chút công nhỏ”. Sau khi thắng trận trở về, thái tử Phật Mã đã qua bến Trường Châu làm lễ tạ ơn. Đồng thời, ghi nhớ công lao của thần, người còn xin rước linh vị thần Đồng Cổ về kinh đô Thăng Long phụng thờ để giữ nước, hộ dân.

d20620248c62653c3c73
Trung điện Đền Đồng Cổ, nơi thờ thần Đồng Cổ linh thiêng.
2489d7ab7bed92b3cbfc
Một ban thờ trong đền Đồng Cổ.

Đền thờ thần Đồng Cổ ở kinh đô Thăng Long chẳng mấy thời gian đã được dựng xong. Khi vua Lý Thái Tổ mất, thái tử Phật Mã lên ngôi chưa bao lâu thì một đêm lại mộng thấy thần Đồng Cổ  báo mộng về việc “tam Vương mưu phản” để nhà vua đề phòng. Quả nhiên việc mưu phản xảy ra như thần mộng báo. Để rồi sau đấy, vua Lý Thái Tông đã xuống chiếu phong thần làm “Thiên hạ minh chủ, gia tước đại vương”. Và trước bài vị thần ở kinh thành Thăng Long, vua Lý Thái Tổ cùng văn võ bá quan sau đã có lời thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Ngày nay nơi ấy chính là đền Đồng Cổ ở thuộc quận Tây Hồ (Hà Nội). Việc thần Đồng Cổ ở núi Tam Thai được vua Lý Thái Tông lập đền thờ ở kinh thành Thăng Long được xem là một minh chứng rõ nét cho sự hiển linh của thần. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ – Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, cho rằng: “Đây cũng được xem là cứ liệu quan trọng khẳng định mối liên hệ của vùng đất Thanh Hóa xưa kia với vương triều Lý gần 1.000 năm trước”.

Thời gian và biến động lịch sử khiến cho nhiều thứ thay đổi, tuy nhiên tại làng Đan Nê, xã Yên Thọ (Yên Định) nơi có Khu di tích núi và đền Đồng Cổ thì tín ngưỡng, niềm tin, sự ngưỡng vọng của nhân dân với vị thần Đồng Cổ vẫn vẹn nguyên. Hàng năm, vào ngày 15/3, nhân dân trong làng lại cùng nhau tổ chức lễ hội Kỳ phúc – đền Đồng Cổ nhằm tưởng nhớ công lao của thần và cũng là lời cầu nguyện để thần phù trợ cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, đời sống người dân no đủ. Có một điều đặc biệt trong lễ hội đền Đồng Cổ ở làng Đan Nê, ngoài các vật tế lễ thông thường thì không thể thiếu “Hoa Thủy bào và Hoa Nơm”, đây được xem là y phục của thần Đồng Cổ. Vì vậy, sau khi lễ hội kết thúc thì “y phục” năm cũ sẽ được hóa, và thay vào đó là bộ y phục mới sẽ được đặt bên trong đền cho đến mùa lễ hội tiếp theo.

4c3aa1180d5ee400bd4f
Khu di tích núi và đền Đồng Cổ linh thiêng đẹp như một bức tranh sơn thủy của bậc danh họa xưa.

Và cùng với các hiện vật trống đồng được thờ cúng trong đền thì bên ngoài tiền đường đền Đồng Cổ còn có chiếc Trống Sấm khổng lồ. Ồng Trịnh Trọng Tân – Thủ từ khu di tích núi và đền Đồng Cổ, cho biết: “Trống Sấm từ xưa đến nay chỉ được dùng vào những dịp quan trọng của làng: giao thừa, lễ hội và cầu tế”. Vừa nói, ông vừa dẫn chúng tôi lên “quán Triều Thiên” trên đỉnh một ngọn núi Tam Thai. Đó là chiếc miếu nhỏ, bên trong là động. Tương truyền, “quán Triều Thiên” là nơi giao cảm giữa lời khẩn cầu của con người với trời đất. Mỗi khi trong làng có việc hệ trọng cần sự phù trợ của đấng tối cao, người dân sẽ gióng lên tiếng trống Sấm và lập đàn cầu tế trên “quán Triều Thiên” để mọi sự được hanh thông, tai qua nạn khỏi.

Từ đền Đồng Cổ đi bộ ra bến Trường Châu, nơi tương truyền nhà vua các triều đại đã nằm mộng thấy thần Đồng Cổ cũng chỉ khoảng cách 200m. Dù nằm khá gần đường lớn dân sinh, nhưng ở nơi sông núi bao quanh, non nước hữu tình, chim chóc hoan ca, hoa rừng đua nở thì người ta có cảm giác khu di tích núi và đền Đồng Cổ ngàn vạn năm vẫn như vậy, là chốn linh sơn nghỉ chân của vị thần tối linh. Và năm 2001, Khu di tích núi và đền Đồng Cổ đã được Bộ VH,TT&DL công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Trải qua bom đạn chiến tranh tàn phá, di tích đền Đồng Cổ không tránh khỏi việc xuống cấp nghiêm trọng, yêu cầu cấp thiết về việc trùng tu, tôn tạo. Ông Hồ Xuân Bình – Chủ tịch UBND xã Yên Thọ cho biết: “Năm 2007, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án đầu tư, xây dựng, bảo tồn tôn tạo khu di tích theo 2 giai đoạn với tổng kinh phí trên 35 tỷ đồng. Đến tháng 8/2009, công trình hoàn thành giai đoạn 1 với kinh phí đầu tư 11 tỷ đồng và được gắn biển công trình chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Vừa qua UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chấp thuận việc phục dựng lại chùa Thanh Nguyên trên núi Tam Thai. Khu di tích núi và đền Đồng Cổ được quy hoạch tổng diện tích 11 ha với núi Tam Thai, đền Đồng Cổ, bến Trường Châu, quán Trường Thiên, hồ bán nguyệt và hệ thống cảnh quan không chỉ là nơi để người dân Đan Nê nói riêng và xứ Thanh nói chung tưởng nhớ công lao của vị thần Đồng Cổ tối linh, các triều đại vua trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Khu di tích hứa hẹn sẽ trở thành một trong những điểm đến tâm linh “cổ xưa, lâu đời, linh thiêng, hiển hách không chỉ của xứ Thanh”.

Thu Trang
Bản gốc
Ảnh

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.