Thông qua cách thể hiện hoa văn hình thuyền trên đồ đồng có thể thấy được rằng mỹ thuật Đông Sơn mang bản sắc riêng biệt, một phong cách đậm chất bản địa không thể lẫn lộn với nền nghệ thuật nào khác. Nó không chỉ phản ánh được nét đặc sắc trong văn hóa Đông Sơn mà đây còn là minh chứng về đỉnh cao của mỹ thuật trong giai đoạn tiền sử. Tất cả những thành tựu đó đã góp phần làm phong phú, đa dạng thêm cho nền mỹ thuật Việt Nam.
1. Dẫn luận:
Văn hóa Đông Sơn đã hình thành từ rất lâu đời, dựa trên các giai đoạn tiền Đông Sơn từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu đến Gò Mun. Đây là nền văn hóa kim khí cách ngày nay khoảng từ 2000 đến 1500 năm và có địa bàn phân bố khá rộng gồm nhiều nhóm di tích có niên đại sớm muộn khác nhau. Văn hóa Đông Sơn đã phát triển rực rỡ dựa trên nền tảng của cả một quá trình hội tụ lâu dài và được coi là trung tâm phát triển của Đông Nam Á, có mối tương quan với các trung tâm phát triển trong khu vực như trung tâm Đông Bắc (Thái Lan), trung tâm Điền (Vân Nam, Trung Quốc). Chính vì vậy mà đặc trưng cơ bản của Văn hóa Đông Sơn là tính thống nhất trong đa dạng. Đỉnh cao của nền văn hóa kim khí này chính là nghệ thuật đúc đồng Đông Sơn. Những vật dụng bằng đồng thuộc thời Đông Sơn còn lại đến nay chiếm số lượng cực lớn.
Do nghệ thuật đúc đồng thời Đông Sơn rất phát triển nên kéo theo đó là kỹ thuật chế tác cũng đạt đến trình độ hoàn mỹ. Ngay cả cách tạo hình vật dụng cho đến phong cách trang trí đều rất đa dạng, phong phú và hình thành một phong cách riêng không hề bị lẫn với các nền văn hóa khác.
Về nghệ thuật trang trí trên đồ đồng, các nghệ nhân Đông Sơn đã sáng tạo ra rất nhiều dạng hoa văn về đề tài hiện thực và hoa văn hình học. Trong đó, các hoa văn thuộc đề tài hiện thực được thể hiện trên nhiều vật dụng đã đạt đến những giá trị thẩm mỹ cao và một trong số đó phải kể đến hoa văn hình thuyền.
Đây là một hình tượng đẹp, mang nhiều ý nghĩa biểu trưng và có tính tạo hình để nghiên cứu. Hơn nữa, chiếc thuyền cũng là một phương tiện gắn bó với đời sống của dân tộc ta, ngoài chức năng đánh cá, chuyên chở còn được dùng trong chiến đấu và tổ chức các lễ hội. Tuy nhiên, chưa có nhiều tài liệu chính thức nghiên cứu về vấn đề này mà chỉ là những ghi chép hay tranh ảnh nằm trong các bộ sưu tập của cá nhân. Hơn nữa, Đông Sơn được đánh giá là một thời kỳ huy hoàng nhất trong giai đoạn tiền sơ sử Việt Nam và nghệ thuật Đông Sơn cũng ít nhiều ảnh hưởng tới nghệ thuật truyền thống.
2. Khái quát chung về thuyền trong văn hóa Đông Sơn
Theo những địa điểm tìm được các di vật thời Đông Sơn thì hầu hết khu vực phân bố dân cư chính của người Đông Sơn là các dải đất cao chạy dọc hai bên lưu vực ba con sông lớn là sông Hồng, sông Mã, sông Cả hoặc ở xung quanh đầm, hồ nước hay trên các cồn cát cao ven biển. Phân bố đậm đặc nhất là ở ngã ba của những con sông. Đó là “nơi hội tụ nhiều nguồn thức ăn thủy sản và đây cũng là đầu mối giao thông nối liền và tỏa đi các hướng ở một tiểu vùng nổi lên hoặc vài ba trung tâm xem như là điểm cư trú khác hoặc như những điểm xuất phát, phân nhánh đến các điểm cư trú nhỏ hơn”. Với điều kiện môi trường địa lý lắm sống nhiều ngòi như vậy nên việc giao thông bằng đường thủy khá thuận tiện và cũng chính vì điều kiện khách quan đó đã tạo tiền đề cho sự phát triển của thuyền là phương tiện đi lại, vận chuyển chủ yếu trên nước.
Qua thời gian gắn bó lâu dài với người dân trong cuộc sống, con thuyền đã có ảnh hưởng ít nhiều tới văn hóa Đông Sơn. Nó không chỉ đơn thuần là phương tiện qua lại, vận chuyển trên sông mà còn xuất hiện trong các vai trò quan trọng khác.
Với điều kiện khách quan của địa lý là sinh sống ở vùng đất nhiều sông, ngòi và đường biển trải dài nên truyền thống trong nghệ thuật đấu tranh của người Việt cổ nổi lên hai hình thức chính: “cơ động bằng thuyền – thạo thủy chiến và dùng dân binh hỗ trợ quân binh”. Ở đây thuyền lại đóng vai trò làm phương tiện chuyên chở dùng trong chiến đấu.
Một hình thức khác nảy sinh sau chiến thắng của những trận thủy chiến là cư dân Đông Sơn tổ chức lễ hội ăn mừng chiến thắng trên thuyền. Ngoài ra, ở thời Đông Sơn còn có lễ hội cầu nước thường gắn với tục đua thuyền bao gồm hình thức bơi thuyền dưới nước và bơi thuyền tượng trưng trên cạn. Những hình ảnh về lễ hội trên thuyền này lại xuất hiện với vai trò là hoa văn trang trí trên bề mặt một số hiện vật bằng đồng.
Theo những hình ảnh mô tả trên mặt trống đồng, ta còn thấy được một tập tục khác của cư dân Đông Sơn đó là họ xây dựng nhà ở dựa theo hình dáng của con thuyền. Nhà ở trong giai đoạn này được xây dựng theo hai hình thức chính là: nhà sàn có mái lợp cong vút mang hình dáng con thuyền và nhà mái tròn theo hình mui thuyền. Đây là dạng kiến trúc độc đáo và đặc trưng của văn hóa Đông Sơn. Tập tục xây dựng mái nhà theo hình thuyền cho thấy một quan niệm khác của người Đông Sơn là thuyền còn là nơi trú ngụ an toàn.
Về hình thức chôn cất người chết, ở thời Đông Sơn có nhiều hình thức mộ táng nhưng mộ thuyền được coi là đỉnh cao trong nhận thức tâm linh của người Việt cổ. Hình thức mộ táng này cũng hình thành do ảnh hưởng từ môi trường sông nước và tín ngưỡng cư dân nông nghiệp lúa nước.
Đặc biệt, những hoạt động gắn với con thuyền đã được các nghệ nhân Đông Sơn sử dụng làm đề tài trang trí trên một số đồ đồng với phong cách thể hiện phong phú, đa dạng mang nét đặc trưng của mỹ thuật Đông Sơn.
3. Những hình thức biểu hiện hình tượng thuyền trong mỹ thuật Đông Sơn
3.1. Hoa văn thuyền
Hoa văn hình thuyền được dùng để trang trí trên các vật dụng bằng đồng như: trống đồng, thạp đồng, một số các rìu đồng và hộ tâm phiến (tấm che ngực) dùng cho các thủ lĩnh. Ngoài những vật dụng này ra, các dụng cụ bằng đồng khác không thấy trang trí loại hoa văn này.
Về hình thức thể hiện hoa văn hình thuyền khá đa dạng. Do đó, căn cứ vào tài liệu nghiên cứu về hình thuyền Đông Sơn cùng với các tư liệu ảnh chụp hình thuyền đã thu thập xin được chia thành ba dạng chính sau: 1. Thuyền chiến; 2. Thuyền lễ hội; 3. Thuyền trong sinh hoạt thường ngày.
– Thuyền chiến (ảnh 1): Dạng hoa văn này được người Đông Sơn mô phỏng lại từ hình ảnh những chiến thuyền cơ động dùng trong các trận thủy chiến. Trên các thuyền này thường có đầy đủ motip nhân vật như: người chèo thuyền, người hóa trang cầm vũ khí và tù binh. Các chiến binh trên thuyền đều mặc khố, trên đầu đội mũ có gắn lông chim và được bố trí rải rác trên mạn thuyền. Ngoài người tù binh ra, tất cả họ đều đứng hoặc ngồi quay về cùng một phía theo hướng đi con thuyền. Một đặc điểm không thể thiếu và được coi là đặc trưng của chiến thuyền chính là vũ khí. Những chiến binh đứng trên thuyền tay cầm vũ khí có thể là rìu chiến, qua, dao găm, cung, nỏ, giáo, lao. Đôi khi trên một số thuyền lớn còn có cả sạp lầu.
– Thuyền lễ hội (ảnh 2): Môtip này được sử dụng khá nhiều trong trang trí, hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng đây là một trong những tâm điểm thể hiện của nghệ thuật Đông Sơn. Những thuyền đua trang trí trên đồ đồng Đông Sơn thường có cấu trúc đơn giản hơn nhiều so với các thuyền chiến. Kích thước và hình dáng thuyền thon, nhỏ gọn hơn, độ cong ở hai đầu mũi thuyền cũng ít hơn và không có sạp lầu. Các hình người trên thuyền đa số là người ngồi chèo thuyền. Đôi khi phía trước mũi thuyền, ở vị trí tách biệt với những người chèo thuyền có thêm một người ngồi cầm rìu.
– Thuyền trong sinh hoạt thường ngày (ảnh 3, 4): thường thể hiện ba nội dung chính: thuyền đi săn (thường thấy trên một số rìu đồng), thuyền du ngoạn, thuyền vận chuyển gia súc. Các thuyền này được thể hiện đơn giản, nhất là thuyền đi săn (phần thân thuyền có khi chỉ là một đường kẻ) và số lượng người trên các thuyền này không nhiều, chỉ từ hai đến ba người.
Hoa văn hình thuyền được bố cục theo dáng của từng loại dụng cụ bằng đồng, do đó kích thước hình thuyền cũng khác nhau tùy thuộc vào từng loại hiện vật. Dạng hoa văn này đa số được thể hiện thành một dải liên hoàn nhằm mô tả lại một sự kiện nào đó.
3.2. Bố cục hoa văn thuyền
Qua vị trí sắp xếp của hình thuyền trên trống đồng, thạp đồng, rìu đồng và hộ tâm phiến, có thể thấy cách thức bố cục của loại hoa văn này được chia thành ba dạng chính như sau: bố cục đối xứng tịnh tiến, bố cục đối xứng qua tâm điểm, bố cục đơn lẻ.
– Bố cục đối xứng tịnh tiến (ảnh 5): Dạng bố cục này thường thấy trong các băng hoa văn hình thuyền thể hiện trên trống đồng và thạp đồng. Gọi là đối xứng tịnh tiến vì để tạo ra những hình thuyền có khoảng cách bằng nhau với số lượng vừa đủ chạy vòng quanh phần thân các hiện vật, người nghệ nhân Đông Sơn đã sử dụng phương pháp dịch chuyển đồ án hoa văn với một tần số n lần theo một hướng vòng tròn xung quanh hiện vật sao cho đến khi hình phía trước lại chập khít lên hình phía sau. Độ giãn cách giữa các thuyền với nhau có thể lớn hoặc nhỏ tùy vào kích thước chiều dài của băng hoa văn. Nếu khoảng cách giữa thuyền trước và thuyền sau rộng thì ở giữa khoảng trống đó sẽ được trang trí thêm một hoặc hai hình chim nước đứng, chim bay, đôi cá sấu. Hướng chạy của các thuyền trong cùng một băng hoa văn trang trí trên trống và thạp đồng được thể hiện theo phong cách chuẩn Đông Sơn đó là ngược với chiều quay của kim đồng hồ (từ trái qua phải), đây là hướng thuận theo chiều quay của Trái Đất đối với người quan sát quay mặt về hướng Bắc. Thông qua các hoa văn trang trí còn biểu lộ được hướng trái đất quay từ Tây sang Đông, điều đó có nghĩa là trình độ nhận thức về thiên văn của người Việt cổ rất cao. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp băng hình thuyền được làm theo hướng ngược lại (thuận chiều kim đồng hồ) như trên trống Quảng Chính, trống CG-A1 Mai Xuân Trường Collection. Nhưng đây chỉ là những trường hợp cá biệt và chiếm số lượng không nhiều (có thể do người thợ chạm khắc hoa văn đó thuận tay trái).
Ở thời Đông Sơn, do nghệ nhận chưa hiểu biết về luật xa gần trong hội họa nên các cảnh trong băn hoa văn nói chung kể cả hoa văn hình thuyền đều được sắp xếp dàn trải theo tuyến ngang. Cách sắp xếp này trong hội họa cổ gọi là “đơn tuyến bình đồ”. Ví dụ như trong băng hoa văn hình thuyền trang trí trên thạp Hợp Minh, ta thấy các hình thuyền đều được xếp dàn trải theo hướng nằm ngang chạy xung quanh phần thân thạp, mỗi hình thuyền đều cách nhau một khoảng nhất định và không có hình nào che khuất hình nào, kể cả các hình người đứng, ngồi trên thuyền.
– Bố cục đối xứng qua tâm điểm (ảnh 6): Trong dạng bố cục này, người nghệ nhân thường “lấy một tâm điểm ở giữa làm nhân tố tổ hợp để quy chiếu các hình và các đường hoa văn lại cho cân xứng hài hòa”. Cách bố cục hình thuyền theo dạng này chỉ thấy trên các hộ tâm phiến. Trên bề mặt hình vuông của hộ tâm phiến, bốn hình thuyền được sắp xếp nằm dọc theo bốn cạnh và đối xứng nhau từng đôi một qua tâm điểm của hộ tâm phiến. Phần đáy thuyền hướng vào bên trong tâm điểm, lòng thuyền hướng ra phía bốn cạnh. Các hình thuyền được xếp nối đuôi nhau chạy theo cùng một hướng. Kích thước hình thuyền nhỏ hơn thuyền trên trống đồng, thạp đồng và mặc dù được thể hiện trên vật dụng có diện tích nhỏ bé nhưng cách mô tả vẫn rất chi tiết.
– Bố cục đơn lẻ (ảnh 7): Dạng bố cục này chiếm số lượng ít và chỉ thấy trên các rìu đồng. Thường thì có duy nhất một hình thuyền trang trí tại phần họng tra cán rìu. Tuy nhiên, có trường hợp khác biệt như trên chiếc rìu đồng lưỡi xéo tìm thấy ở Thiệu Dương – Thanh Hóa, toàn bộ hình thuyền và hai người ngồi trên thuyền được bố cục vừa với diện tích phần lưỡi rìu. Phần thân thuyền hình vòng cung được thể hiện lượn theo mép cong của lưỡi rìu.
Về bố cục trong từng hình thuyến được các nghệ nhân thể hiện theo hai loại như sau: thuyền đơn và thuyền có kết hợp cảnh phụ.
– Thuyền đơn ở đây là các hình thuyền kết hợp với cảnh người hoạt động trên thuyền, ngoài ra không trang trí thêm cảnh phụ nào xung quanh thuyền. Ví dụ như hình trên thân thạp Xuân Lập I hay hình thuyền trên tang trống Hữu Chung, có thể thấy ngoài hình thuyền và hình người trang trí trên thuyền ra, ở xung quanh thuyền không thấy trang trí thêm cảnh phụ nào khác. Các hình thuyền này thường được thể hiện trên những đồ lễ nghi bình dân hay đồ đồng thuộc giai đoạn muộn hơn.
– Thuyền có kết hợp cảnh phụ (ảnh 8) cũng có cảnh người hoạt động trên thuyền giống như thuyền đơn, nhưng ở xung quanh thuyền còn được trang trí thêm những hình chim bay phía trên đầu các thuyền viên như hình thuyền trên thạp Việt Khê hoặc hình một số loài động vật sống dưới nước như cá, rùa, cá sấu… ở phía đáy thuyền như hình thuyền trên thạp trong mộ Nam Việt Vương hay kết hợp trang trí cả hai cảnh như hình thuyền trên thạp Đào Thịnh. Hình chim bay được mô tả ở đây nhằm thể hiện trời, còn phần nước ở phía dưới đáy thuyền được biểu hiện thông qua hình ảnh các loài thủy tộc. Mặc dù ở giai đoạn này đã xuất hiện hoa văn hình sóng nước, song thay vì dùng nó, họ lại sử dụng các loài thủy tộc. Đây cũng chính là điểm đặc biệt trong cách mô tả nước của người Đông Sơn. Dạng thuyền có kết hợp cảnh phụ này phần lớn thuộc dạng thuyền chiến và thường thấy trang trí trên các đồ lễ nghi cao cấp dành cho các buổi lễ lớn.
4. Một số biến thể trang trí hình thuyền trên đồ đồng Đông Sơn
Hình thuyền trên các hiện vật bằng đồng đều được mô tả theo dáng hình vòng cung (hình bán nguyệt). Căn cứ vào tài liệu khảo cổ học, các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng loại thuyền dùng trong trang trí đó chính là loại thuyền độc mộc có trang trí đầu linh thú ở đầu mũi thuyền.
Mặc dù các hình thuyền đều được mô tả theo kiểu thuyền độc mộc nhưng về chi tiết chúng có nhiều điểm khác nhau. Thứ nhất là đáy thuyền được thể hiện theo hai dạng: đáy cong và đáy bằng. Thuyền đáy cong được thể hiện giống như hình thuyền trên thạp Đào Thịnh, thạp Hợp Minh hay trống Hoàng Hạ… Thuyền đáy bằng thường thấy trên một số thuyền đua và thuyền đi săn như trên trống Sông Đà, trống Đồi Ro… Điểm khác biệt tiếp theo là hình đầu linh thú trang trí ở phần mũi thuyền rất đa dạng và gần như không có hình nào hoàn toàn giống với hình nào. Nó có thể là hình đầu chim Lạc với mỏ dài tròn, nhọn hay mỏ vuông hoặc hình chim Lạc hai đầu, có thể lại là hình miệng thú mở to như miệng cá sấu, cũng có khi là những hình ảnh cách điệu kỳ lạ đến mức không còn hình dung được chính xác đó là hình gì.
Các hình thuyền nói riêng và đa số các dạng hoa văn thuộc đề tài sinh hoạt khác đều được mô tả theo lối nhìn trắc diện. Với phương pháp này, người nghệ nhân có thể đơn giản hóa các hình dáng của đối tượng một cách dễ dàng hơn. Trong cách thể hiện hình, họ ít đi sâu vào chi tiết mà thường chú trọng nhiều vào phần đường viền và các họa tiết trang trí.
Nhìn chung các mảng hình trong băng hoa văn hình thuyền đều là những hình được tạo lõm xuống so với bề mặt của hiện vật. Hầu hết các hoa văn này không được chạm khắc trực tiếp lên hiện vật bằng đồng sau khi đúc mà chúng được thực hiện bằng hai phương pháp chính: tạo hoa văn trên lõi sáp và chạm khắc hoa văn vào trong lòng khuôn áo bằng đất. Phong cách tạo hình của các hình thuyền theo đặc trưng của mỹ thuật Đông Sơn là sử dụng đa số các hình học đơn giản, hình kỉ hà, đường gấp khúc kết hợp với những đường cong lớn… tạo nên các dạng hoa văn mang tính trừu tượng và khái quát cao. Có thể thấy nguyên tắc tạo hình của người Đông Sơn đều dựa trên nguyên lí lấy điểm đặc trưng thay thế cho toàn thể, trừu tượng hóa một cách tiết kiệm nhất, qua đó họ có thể truyền đạt một lượng thông tin tối đa chỉ bằng lượng hình ảnh tối thiểu.
Sự khác biệt với hình thuyền chạm khắc trong các đình làng thế kỷ 16, 17 đầu tiên phải kể đến là cách mô tả nước dưới đáy thuyền. Các hình thuyền chạm khắc vào thế kỷ 16, 17 không chỉ sử dụng cá, rùa… để mô tả nước như thời Đông Sơn mà kết hợp thêm các hình sóng nước.
Về nội dung thể hiện thuyền không đa dạng như ở thời Đông Sơn mà thường thấy cảnh đua thuyền, bơi thuyền hay thuyền đi đánh cá. Thuyền được mô tả theo hai loại chính là thuyền buồm và thuyền rồng. Thuyền đã phát triển thêm phần mui và các khoang trên thân thuyền. Phần thân thuyền không trang trí hoa văn mà được thay thế bằng các chốt gỗ chạy song song với mép thuyền. Ở giai đoạn này, thay vì sử dụng hình kỉ hà hay đường gấp khúc, các nghệ nhân dùng chủ yếu là những mảng hình khỏe, khối nổi căng tròn, kết hợp với nhiều đường cong và hình ảnh mang tính chất hiện thực nhiều hơn.
5. Các giá trị của hình tượng thuyền trong mỹ thuật Đông Sơn
Thuyền là một trong số những hình tượng đẹp được các nghệ nhân Đông Sơn lựa chọn để dùng trong trang trí trên một số hiện vật bằng đồng. Giống như những hoa văn khác trang trí trên đồ đồng bản thân nó cũng mang trong mình những giá trị đặc trưng về văn hóa và thẩm mỹ của cư dân Đông Sơn.
– Giá trị văn hóa: Có thể giải thích văn hóa là các di vật (hiện vật) phản ánh được những truyền thống văn hóa tốt đẹp, đời sống của cộng đồng, di tích lịch sử, kỹ thuật chế tác còn lưu lại đến ngày nay. Nghĩa là bản thân các di vật còn sót lại từ các nền văn minh đều mang giá trị văn hóa nhất định và nó được phản ánh một phần thông qua các mảng hoa văn trang trí trên hiện vật đó. Do vậy, tất cả các loại hoa văn trang trí trên đồ đồng Đông Sơn nói riêng đều mang giá trị văn hóa. Đối với hoa văn hình thuyền, điều đầu tiên ta có thể khẳng định được chính là vào thời Đông Sơn, người dân đã biết cách chế tạo thuyền và sử dụng nó làm phương tiền để đi lại, vận chuyển trên sông. Ngoài ra, giá trị văn hóa còn được thể hiện thông qua phần nội dung trình diễn trên từng dạng thuyền bởi vì đa số các hoa văn được người Đông Sơn thể hiện trên nhiều vật dụng nhằm mục đích kể lại một câu chuyện, một sự kiện xã hội cụ thể. Đây cũng là một hình thức họ dùng để lưu giữ lại những bản sắc đặc trưng trong văn hóa Đông Sơn mà cụ thể ở đây là văn hóa gắn với thuyền. Qua những hình người mô tả trên thuyền, ta có thể hình dung được phần nào về trang phục mà cư dân Đông Sơn sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày và trong các lễ hội. Bên cạnh đó, trong việc nghiên cứu dạng hoa văn nói riêng này còn giúp chúng ta thấy được phần nào kỹ thuật chế tác hoa văn thời Đông Sơn.
– Giá trị thẩm mỹ: Giá trị thẩm mỹ thể hiện trong phong cách trang trí các loại hoa văn thời Đông Sơn nói chung và hoa văn hình thuyền nói riêng chính là nó phản ánh được trình độ tư duy thẩm mỹ của các nghệ nhân trong giai đoạn này. Có thể thấy nó đã đạt đến đỉnh cao trong tiến trình mỹ thuật tiền sử Việt Nam. Các nghệ nhân Đông Sơn sử dụng hoa văn hình thuyền chạm khắc lên các vật dụng bằng đồng với mục đích đầu tiên là để làm đẹp. Trước hết có thể thấy nhu cầu làm đẹp vào thời kỳ này rất lớn, bản thân những hoa văn được sáng tạo ra đều phục vụ cho mục đích làm đẹp. Họ không chỉ trang trí hoa văn trên đồ trang sức mà tất cả các đồ dùng trong sinh hoạt thường ngày đến những vật dụng cho ngày lễ… đều được trang trí. Vì mỹ thuật trong giai đoạn này là nền mỹ thuật ứng dụng do đó phần lớn những cái đẹp tồn tại đến ngày nay mà chúng ta còn nhận thấy được đều gắn với những đồ dùng có chức năng sử dụng cụ thể trong cuộc sống. Trong cách sắp xếp các hoa văn hình thuyền trang trí trên trống, thạp, rìu, tấm che ngực bằng đồng theo một hệ thống nhất định. Các hình thuyền trang trí trên đồ đồng đều được thể hiện dựa trên các yếu tố biểu tượng, ước lệ, cách điệu cao theo hướng sơ đồ hóa, đưa những hình phức tạp về dạng hình học đơn giản… tất cả đã làm nên nét đặc trưng riêng cho nghệ thuật Đông Sơn. Thông qua đó, ta có thể thấy được sự vượt bậc trong tư duy thẩm mỹ của cư dân Đông Sơn so với các giai đoạn trước.
Tóm lại hình tượng thuyền được biểu hiện trong mỹ thuật Đông Sơn thông qua các dạng hoa văn hình thuyền. Những hoa văn này chỉ được chạm khắc trên một số hiện vật bằng đồng như trống, thạp, rìu, tấm che ngực, ngoài ra các loại đồ đồng khác không thấy trang trí dạng hoa văn này. Cũng như những dạng hoa văn khác, hoa văn hình thuyền chạm khắc trên đồ đồng với mục đích đầu tiên là để trang trí, làm đẹp. Những hình thuyền mô tả trên đồ đống trình diễn các nội dung chính như cảnh lễ hội và những cảnh sinh hoạt hàng ngày gắn với thuyền biểu hiện qua ba dạng thuyền là thuyền chiến, thuyền đua lễ hội, thuyền trong sinh hoạt thường ngày. Do đó, qua những hình ảnh này ta có thể phần nào thấy được nét đặc sắc trong văn hóa tinh thần mang đặc trưng từ điều kiện môi trường sống của cư dân Đông Sơn (môi trường có nhiều sông ngòi).
Đa số các hình thuyền đều được trang trí rất đa dạng, phong phú và hầu như không thấy sự trùng lặp kể cả với hình thuyền trong cùng một băng hoa văn. Tuy đa dạng trong trang trí nhưng lại thống nhất dựa trên nguyên tắc chung về cách tạo hình và bố cục khiến cho tổng thể luôn đạt được sự cân bằng, chỉn chu, hài hòa. Đây cũng chính là những chuẩn mực trong tư duy thẩm mỹ của con người đương thời.
Thông qua cách thể hiện hoa văn hình thuyền có thể thấy được rằng mỹ thuật Đông Sơn mang bản sắc riêng biệt, một phong cách đậm chất bản địa không thể lẫn lộn với nền nghệ thuật nào khác. Đây chính là kết quả từ sự tiếp thu những tinh hoa của các giai đoạn trước cùng với những sáng tạo độc đáo của người nghệ nhân Đông Sơn. Nó không chỉ phản ánh được nét đặc sắc trong văn hóa Đông Sơn mà đây còn là minh chứng về đỉnh cao của mỹ thuật trong giai đoạn sơ sử. Tất cả những thành tựu đó đã góp phần làm phong phú, đa dạng thêm cho nền mỹ thuật Việt Nam.