Các hiện tượng văn hóa dân gian về nhân vật anh hùng văn hóa thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc vẫn đang tồn tại trong đời sống cộng đồng các dân tộc Việt Nam với một sức sống mạnh mẽ. Hình tượng các nhân vật được bắt rễ từ lịch sử khai thiên mở nước, được bồi tụ và đắp bồi qua dòng chảy của diễn trình lịch sử để rồi khơi dòng cho công cuộc xây dựng, sáng tạo những giá trị bền vững cho cuộc sống đương đại. Hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc là một hiện tượng văn hoá dân gian phức hợp, không chỉ sống trong các truyện kể mà còn được lưu giữ, tái hiện trong tín ngưỡng nông nghiệp, trở thành những cổ mẫu anh hùng văn hóa có đời sống đặc biệt trong đời sống chung của nền văn hóa dân tộc.
1. Đặt vấn đề
Trong kho tàng truyện kể dân gian của các nền văn hóa trên thế giới, có một kiểu loại nhân vật nằm ở khu vực trung tâm của các truyện kể dân gian lâu đời nhất, đó là nhân vật anh hùng văn hóa. Hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa cũng rất phổ biến trong truyện kể dân gian về thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc. Đó là một hình tượng trung tâm, thể hiện rõ nhận thức của dân gian về tự nhiên và lịch sử, phản ánh khát vọng của con người trong quá trình chinh phục tự nhiên và phát triển xã hội. Nhân vật anh hùng văn hóa thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc in dấu vết đậm nổi trong tín ngưỡng nông nghiệp.
Tín ngưỡng nông nghiệp được chúng tôi tập trung phác họa ở một số khía cạnh chủ yếu gồm: Tín ngưỡng phồn thực, Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, Tín ngưỡng thờ Lúa. Có thể nhận thấy, hình tượng nhân vật được phục dựng trong tín ngưỡng nông nghiệp không phải là bản vẽ “truyền thần” các truyện kể dân gian mà ngược lại một số những khuôn hình của hình tượng hoặc bị lược bớt, hoặc được xây dựng, phục dựng rõ nét hơn về tiểu sử và hành trạng; minh chứng rằng trong nhiều trường hợp tín ngưỡng, nghi lễ chính là nguồn gốc của các huyền thoại.
Có thể nói, các truyện kể về nhân vật anh hùng văn hóa thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc là nơi ẩn chứa, lưu dấu, thẩm thấu và bồi tụ các lớp tín ngưỡng dân gian. Niềm tin, sự sùng kính đối với các đối tượng siêu nhiên đã được nghệ thuật hóa để trở thành những biểu tượng nghệ thuật mang ý nghĩa đặc biệt trong những truyện kể về thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc. Những câu chuyện kể về các bậc anh hùng văn hóa với công trạng và vai trò của các vị thần khai sáng chính là điểm tựa cho niềm tin; mặt khác niềm tin cùng những diễn xướng hỗn hợp làm sống lại hình tượng nhân vật. Giữa tín ngưỡng nông nghiệp và các truyện kể về thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc song hành cùng tồn tại, thẩm thấu qua nhau như một chỉnh thể hữu cơ khó có thể chia cắt. Thế giới quan thần thoại khá đậm nét đã tạo dựng nên các hình tượng anh hùng văn hóa lấp lánh vầng hào quang thần thánh, để rồi thông qua diễn xướng tín ngưỡng nông nghiệp, người anh hùng tiếp tục được đắp bồi các lớp năng lực nhiệm màu. Dấu tích của các nhân vật anh hùng văn hóa thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc từ hành trạng, vai trò được hiển hiện khá rõ nét trong tín ngưỡng nông nghiệp.
2. Nội dung
2.1. Tín ngưỡng phồn thực
Tín ngưỡng phồn thực – tín ngưỡng mong cầu sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và con người (phồn = nhiều, thực = nảy nở). Đây là một loại hình tín ngưỡng bản địa. “Quan niệm cơ sở của con người, nhất là cư dân trồng trọt đều đặt mọi ước vọng vào phồn thực và liên tưởng nó với một lực lượng siêu nhiên nào đó, coi đó như là nguồn gốc của mọi sự sinh sản của giống loài. Từ đó, hình thành nên các nghi thức, tín ngưỡng tôn thờ lực lượng siêu nhiên quyết định sự sinh sôi nảy nở – khoa học gọi đó là tín ngưỡng phồn thực.” [6; tr.248]. Tín ngưỡng phồn thực được thể hiện qua sự tôn sùng sinh thực khí nam nữ và hoạt động tính giao với những phương thức ma thuật.
Hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa trong các truyện kể dân gian được tạo dựng và tô đậm chủ yếu ở hành trạng và các chiến công, nhưng khi được ảnh xạ vào tín ngưỡng nông nghiệp, dấu vết của anh hùng văn hóa trở nên phức tạp hơn và chồng xếp nhiều tầng bậc ý nghĩa hơn. Nhân vật anh hùng văn hóa trước hết là những đấng bậc đã tạo phép để dân làng thỏa nguyện ước mong được đông đàn dài lũ, được sinh sôi mùa màng như Oai Vương và Đinh Thiên Tích trong kí ức của dân gian vùng đất Tổ. Các vị đã dùng những hành động và phép thuật như một dạng thức ma thuật truyền sinh “có tác dụng kích động, nhắc nhở thiên nhiên, đất trời sinh sôi, nảy nở.” [5; tr.238]. Dân gian vùng đất Tổ kể rằng nhân vật Oai Vương (tướng của Tản Viên) đã theo ý nguyện của dân, bày cho dân “chôn 2 cây tre, mỗi cây treo 30 bộ “kén”, mỗi bộ gồm một cái mo cau có rạch lỗ ở giữa sỏ vào một cái chầy ngắn bằng gỗ vông có tước xơ ra ở một đầu.” [10; tr.67]. Truyền rằng, sau khi làm lễ tế thần xong, dân làng cướp kén, ai cướp được kén, năm đó sẽ sinh con. Từ đó, dân Dị Nậu, Tam Nông, Phú Thọ mỗi ngày một thêm đông, thêm đủ. Ở Bích Đại và Đồng Vệ (nay là huyện Vĩnh Tường, Phú Thọ) vào thời Hùng Vương, nhân vật Đinh Thiên Tích sau khi đánh đuổi giặc trở về làng, cũng vì nguyện ý của dân muốn thêm người, thêm của đã bày ra phép rước cầu: Dân làng mặc quần áo xanh đỏ vác cày bừa và bện trâu bằng rơm rước đi. Một cụ già nhất trong làng cầm túi đựng thóc, ngô, đỗ, kê trèo lên chòi khấn trời đất rồi ném các thứ hạt đó cho mọi người nhặt, tung cái dùi và mo đẽo bằng gỗ vông cho dân làng cướp. Như vậy, các nhân vật anh hùng văn hóa Oai Vương, Đinh Thiên Tích thời Hùng Vương đã có công bày cho dân phương thức để có con đàn cháu lũ bằng những phương thuật mang vết dấu khá rõ của cặp đôi nõ nường. Các bộ kén này được coi là vật thiêng, là biểu tượng âm dương và việc rước “kén” ấy là để cầu cho “âm dương hợp thịnh”.
Tín ngưỡng phồn thực rõ ràng đã tồn tại và xâm nhập sâu trong đời sống văn hóa dân gian. Chúng ta tìm thấy trên nắp thạp đồng Đào Thịnh có tượng các đôi nam nữ đang giao phối, có hình các động vật cũng đang trong tư thế giao hoan. Trên thân trống đồng Hoàng Hạ khắc hình cặp chim ngồi trên lưng nhau trong tư thế đạp mái, tượng cóc trong tư thế giao phối. Đây được xem là sự hợp thân tự nhiên của giống đực và giống cái. Tại Đền Hùng (Phú Thọ) có một hình thức rước độc đáo in rõ dấu vết tín ngưỡng phồn thực. Đoàn rước đưa linga từ núi Hùng tới núi Nỏn – nơi đây có hòn đá yoni, sau đó chủ tế, đại diện cho cộng đồng làm lễ đặt linga lên chính giữa yoni. Đó là nghi thức tế trời đất, linga và yoni, cầu nguyện sự sinh sôi, nảy nở, mùa màng bội thu. Hay như cây cột đá ở Vũ Ninh theo dân gian lưu truyền là nơi Thánh Gióng buộc ngựa cũng là dấu ấn của linga. Dấu ấn về năng lực phồn thực của đá còn được tìm thấy trong tâm thức dân gian làng Bộ Đầu, Thường Tín, Hà Tây (cũ), khi dân gian kể rằng, bà mẹ Thánh Gióng nằm nghỉ trên một phiến đá, chân chạm vào một vết lõm trên đó, về nhà mang thai Gióng. Dân gian vùng Phù Đổng truyền kể rằng Gióng được sinh ra từ vết chân của ông Đổng khổng lồ. Truyện kể nói đến việc mang thai vì giẫm lên vết chân lạ trong vườn cà là gợi nhắc, tái hiện đơn giản không gian dân dã của những ngày thư thái, của lễ hội vui xuân, trai gái tự do ân ái, từ đó nhắc lại quan niệm về những đứa con đặc biệt được sinh ra theo lối dã hợp trong hội xuân. Theo đó, dấu chân ông Đổng trong vườn cà là biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực. Làng Trẹo (Phú Thọ) có tục “rước chúa trai chúa gái” (Sơn Tinh, Mị Nương) cũng in rõ dấu vết tín ngưỡng này: Từ việc dân làng rước một đôi đồng nam đồng nữ vào đình ngồi bên nhau, tới nửa đêm tắt hết đèn, chiêng trống nổi lên, đến việc đám rước có một cụ già ôm cụm “lúa thần” đi đầu, cụm lúa nẩy hạt mà lõi là một khúc mía to. Chúa trai, chúa gái là hình thức âm dương hợp đức để tạo ra cuộc sống, còn cụm lúa và khúc mía lõi không gì khác hơn là tượng trưng âm tính và dương tính. Hình tượng Sơn Tinh, Mị Nương được gắn khá rõ với tín ngưỡng phồn thực của nhân dân vùng đất Tổ.
Như vậy, tín ngưỡng phồn thực với gốc rễ từ quan niệm kết hợp giữa âm – dương, nam – nữ, đực – cái sinh ra muôn vật đã có từ lâu đời trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân cư nông nghiệp, khi đi vào trong truyện kể dân gian với hằng số là các cặp đôi sáng tạo và để lại dấu ấn trên nhiều mặt của cuộc sống đương đại. Đặc biệt, các anh hùng văn hóa thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc ít nhiều đã để lại dấu tích trong tín ngưỡng phồn thực, đồng thời tín ngưỡng phồn thực cũng chi phối tới cách dân gian tạo dựng các nhân vật anh hùng văn hóa. Chẳng hạn motif sinh nở thần kỳ trong nguồn gốc các nhân vật anh hùng văn hóa, nhiều trường hợp liên quan tới hình tượng rắn cũng là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực. Rắn được giải mã là biểu tượng của tính lưỡng trị giới tính, “nó là đực mà cũng là cái, là song sinh trong chính nó, giống như các vị thần tạo hóa vĩ đại” [1; tr. 762], nó có ý nghĩa “cội nguồn sự sống” [1; tr.762]. Rõ ràng “rắn có liên quan mật thiết với ý niệm phồn thực trong tôn giáo nguyên thủy và các nghi lễ nông nghiệp.” [2; tr.23]. Bởi vậy trong huyền thoại về sự ra đời của các nhân vật anh hùng văn hóa liên quan đến yếu tố nước đều có dấu tích của con rắn, chẳng hạn hình ảnh rồng (rắn) phun chu tinh được thấy ở sự ra đời của Sơn Tinh; người mẹ nằm mơ thấy rắn hay sinh ra một bọc như trứng rắn ở sự ra đời của Thánh Gióng làng Bộ Đầu; bà Tăng Má rẽ xuống tắm dưới sông, thấy một con rắn, từ đó mang thai …
Với những biểu hiện như vậy, rõ ràng tín ngưỡng phồn thực đã để lại những dấu ấn độc đáo trong hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa của truyện kể dân gian. Sự chồng xếp của nhiều lớp ý nghĩa lịch sử đời sau đã làm lớp ảnh hưởng của tín ngưỡng phồn thực trong kiểu nhân vật này trở nên mờ nhạt, nhưng chỉ cần bóc tách các lớp văn hóa này, chúng ta vẫn có thể nhận ra những “tàn dư” đặc biệt đó.
2.2. Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên
Trong cuộc sống sinh hoạt và lao động, tự nhiên chi phối các hoạt động của con người, từ đó con người nảy sinh sự sợ hãi, tâm lý sùng bái, và từ đó con người nhìn nhận tự nhiên như những đấng thần thánh. Dễ nhận thấy, bên trong lớp lang mũ áo do diễn trình lịch sử bồi đắp, phần lớn các nhân vật anh hùng văn hóa thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc đều được hình thành từ tín ngưỡng sùng bái tự nhiên.
Trong các hình thức tín ngưỡng sùng bái tự nhiên không thể không kể đến tín ngưỡng thờ mặt trời – một hình thức tín ngưỡng rất cổ được thể hiện rõ nét trong đời sống tinh thần của cư dân từ thời Hùng Vương dựng nước. Mặt trời đóng vai trò tối quan trọng đối với mùa vụ và cuộc sống của người dân trồng lúa nước. Hình mặt trời nằm ở vị trí trung tâm được chạm khắc phổ biến trên mặt trống đồng, trên nắp thạp đồng. Những hình người và vật (hươu nai, chim chóc…) trên mặt các trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ… đều chuyển động xung quanh hình mặt trời ngược chiều kim đồng hồ phù hợp với hướng di chuyển từ đông sang tây của mặt trời. Con người thờ mặt trời và thờ cả một số loài chim với ý nghĩa “mang biểu tượng mặt trời bởi tính chất bay cao lên phía trên, gần với mặt trời nhất” [3;tr.50]. Chim có mối liên quan mật thiết tới nghi lễ cầu tạnh của cư dân nông nghiệp. Do đó, hình tượng Âu Cơ – nhân vật anh hùng văn hóa sinh ra bọc trăm trứng khởi nguyên chính là hình tượng điển hình nhất cho dòng giống Tiên – gắn liền với Chim và Mặt trời.
Cùng với mặt trời, nước là một thực thể khác đã được thần thánh hoá từ lâu đời. Nước trong tâm thức dân gian gắn liền với tính mẫu. (Đền thờ mẹ Âu Cơ, các đền thờ mẫu, đền thờ các công chúa của vua Hùng thường ở dọc các con sông mang biểu tượng văn hóa gốc “mẫu – nước”). Nước được tôn thờ như thế vì vai trò và ý nghĩa thiết thân của nó đối với nghề nông nghiệp. Trên thực tế, trong các mùa vụ của cư dân nông nghiệp lượng nước thường không ổn định. Do thời tiết lúc lũ lụt, khi hạn hán đã khiến người dân nảy sinh tâm lí cầu tạnh, cầu mưa. Cũng từ đó, tín ngưỡng thờ nước in dấu trong nhiều phương diện của đời sống văn hóa dân gian. Chẳng hạn trong hội Gióng, thời điểm mở hội ngày mồng chín tháng tư, chính là thời điểm bắt đầu vào mùa mưa. Lễ hội này được Trần Quốc Vượng gọi là “Tết mưa dông” – “Tiến hành hội Gióng là tuân theo một nghi lễ nông nghiệp… Đó là tín ngưỡng cầu mưa.” [9; tr.230]. Dân gian kể rằng, ông Đổng thường về làng vào dịp đầu hè và để lại những vết chân khổng lồ chứa nước cho mùa vụ cày cấy. Lễ hội cầu mưa đón bước chân ông Đổng là một ví dụ rõ nhất cho ước mong của dân chúng về những cơn mưa dông đầu hạ để mùa màng phong đăng.
Con người không chỉ cầu mưa khi mùa vụ hạn hán mà còn có ước vọng chế ngự nước khi lũ lụt. Một số lễ hội trấn thủy, chẳng hạn như hội đền Chèm, hội Gióng làng Bộ Đầu đã được tổ chức tại thời điểm mở đầu mùa mưa lũ hoặc ở đỉnh cao của mùa mưa lũ – đó chính là cách thức dân gian mô phỏng những nghi lễ ma thuật để nhắc nhớ sự hiện diện của những vị thần có khả năng diệt trừ loài thủy quái. Nếu như dòng nước lũ hung dữ được đội lốt là những hung thần thì những vị thần được nhân dân tôn vinh có công lao trấn diệt hung thần ấy được mang dáng dấp khổng lồ. Các nhân vật anh hùng văn hóa, từ đó, đã được mang vết dấu của những vị thần tự nhiên. Thánh Gióng khởi nguồn là một vị thần núi, theo vết chân của cư dân nông nghiệp định cư nơi vùng đầm phá vùng châu thổ thấp của sông Hồng, Đức Thánh Gióng đảm nhận vai trò của người anh hùng chống lụt có năng lực làm lui nước bảo vệ mùa màng. Theo thần tích tại thôn Bộ Đầu (thuộc Thường Tín, Hà Đông cũ) đức Thánh về cứu người dân quê mẹ thoát khỏi loài thủy quái. Hình ảnh đàn giao long hung dữ lên bờ vây bắt bà mẹ Gióng được ghi lại trong thần tích là sự hình tượng hóa những trận lũ lụt xảy ra tại vùng ven sông châu thổ. Người anh hùng văn hóa với sức mạnh khổng lồ, con trai của thần đá đã giẫm chết con giao long, chặn đứng dòng nước lũ. Tại đình làng Bộ Đầu, tượng của đức Thánh Gióng được đặt lên hai con thuồng luồng. Đây là sự mô phỏng hình tượng người anh hùng trong tâm thức dân gian, tái hiện đức Thánh trong vai trò của người anh hùng trấn trủy. Như vậy, có thể thấy nhân vật anh hùng văn hóa, cụ thể ở đây là hình tượng Thánh Gióng hiện diện trong môi trường diễn xướng dân gian với những hành trạng và chiến công khác biệt, phong phú hơn rất nhiều so với những truyện kể đã được cố định hóa trong các văn bản.
Các thần tự nhiên được thờ nhiều nhất là thần núi. Đây cũng là điều dễ giải thích vì địa bàn mà cư dân Việt cổ sinh tụ là vùng núi và bán sơn địa. Vị thần mà người Việt cổ sùng kính nhất chính là thần núi Tản Viên, đứng đầu thần điện Việt. Thần núi Tản Viên thoạt kỳ thủy là một vị thần núi của địa phương, thần bảo hộ của người Mường chân núi. Nhân vật này đã nhập vào tâm thức của đồng bào Mường và đồng bào Việt trở thành biểu tượng của văn hóa Việt Mường. Tại di tích Đền Hùng (Phú Thọ) thờ Đức Quốc Tổ, truy về nguồn là một đền thờ thần núi. “Bài vị chính ở đền Hùng ghi lời mở: “Đột ngột Cao Sơn” với hai bài vị hai bên tả hữu ghi là: “Ất Sơn” (núi phía Đông) và “Viễn Sơn” (núi xa phía tây và tây bắc)” [8; tr.38]. Thần Núi và tục thờ thần Núi là lớp tín ngưỡng khởi nguyên trên Núi Hùng (cư dân nơi đây gọi là Núi Cả). Đó là một minh chứng rõ nhất cho tín ngưỡng thờ thần tự nhiên trong buổi đầu hình thành các tín ngưỡng dân gian của cộng đồng cư dân Việt cổ. Với hình tượng anh hùng văn hóa Thánh Gióng, bản thân tên gọi dân gian Phù Đổng cũng đã thể hiện lớp nghĩa nguyên thủy của việc phụng thờ thần núi.. Tiếng Tày Thái cổ, Phù Đổng “có nghĩa là núi đá và hẳn tên Đống rút gọn từ đó” [7; tr.34]. Với nghĩa núi đá, ông Đổng cha và Đổng con trong tâm thức dân gian đều mang vóc dáng của vị thần khổng lồ – thuộc tính của núi. Có thể coi đây là vết dấu của tục thờ núi thoát thai từ motif người Khổng Lồ trong thần thoại suy nguyên. Trong đó, dân gian đồng nhất người khổng lồ với sức mạnh đặc biệt của vũ trụ, của những đỉnh cao vời vợi nối trời và đất. Lý Ông Trọng với huyền thoại diệt thuồng luồng, vung gươm chặt loài thủy quái cũng mang dáng dấp một trái núi khổng lồ. Theo sự giải mã của nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng, đó chính là dạng ẩn thân của tục thờ đá, thờ núi trong cơ tầng văn hóa Đông Nam Á. Cùng với Tản Viên sơn thánh, đức thánh Chèm Lý Ông Trọng, hình tượng Thánh Gióng, Bà chúa Thượng Ngàn, rõ ràng ra đời trên cơ sở tín ngưỡng bản địa chung với tục thờ núi từ thuở hồng hoang của lịch sử, những vị anh hùng gốc từ sơn thần sau đó qua quá trình chuyển hóa dài đã trở thành những vị thần bảo trợ nông nghiệp của cộng đồng cư dân Văn Lang – Âu Lạc.
3.3. Tín ngưỡng thờ lúa
Tín ngưỡng thờ lúa là một hiện tượng mang tính chất phổ biến trên toàn thế giới của các cư dân trồng lúa. Đây là hình thức tín ngưỡng xuất hiện cùng với nghề nông, in đậm trong các lễ hội với hình thức biểu hiện phong phú, đa dạng nhằm biểu đạt niềm tin bất diệt vào “linh hồn lúa”. Cư dân Văn Lang – Âu Lạc vốn sinh sống bằng nghề trồng lúa, chính vì thế, cây lúa đã trở thành một nhân tố quan trọng cấu thành nền văn hóa của người Việt cổ. Tín ngưỡng thờ mẹ lúa, vía lúa cũng từ đó mà định hình “tạo nên hình thái tín ngưỡng mới vượt qua tín ngưỡng thời kỳ hái lượm và săn bắt nguyên thủy.” [4;tr.332]. Điều đặc biệt trong tín ngưỡng thờ lúa của người Việt cổ là gắn với dấu tích, công trạng các vua Hùng. Dân gian kể rằng, vua Hùng dạy dân trồng lúa rồi cùng các cụ già trong làng khấn cầu trời đất, gọi vía lúa. Nơi vua Hùng tiến hành gọi vía lúa là đỉnh núi Nghĩa. Tại Đền Thượng nơi vua Hùng lập đàn tế trời có thờ “hạt thóc thần”, thể hiện ước nguyện mùa màng bội thu. Nghi lễ thờ thóc thần còn được bảo lưu ở tục thờ “cụm lúa thần” cùng với nghi lễ thờ sinh thực khí thuộc Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ. Nhiều làng có tục rước bông lúa thần. Đây thực sự là tín ngưỡng nông nghiệp, tín ngưỡng của công xã nông thôn ước vọng hồn lúa không bỏ cây lúa. Trước đây, mỗi năm mất mùa lúa, người Mường Kịt có tục đi gọi vía lúa từ làng khác về làng mình. Chúng ta còn thấy dấu vết của tín ngưỡng thờ lúa qua tục gọi gạo ở Bắc Giang và lễ rửa lá lúa ở Hà Tây (cũ). Cộng đồng cư dân Văn Lang tôn thờ lúa đồng thời đã tôn thờ những vị thủ lĩnh đầu tiên của liên minh các bộ lạc có công tìm ra cây lúa, dạy dân trồng lúa. Sự suy tôn Hùng Vương và các con trai, con gái đã cùng dân quải lúa, quải kê một phần xuất phát từ nguyên nhân này.
3. Kết luận
Như vậy, từ việc tìm hiểu và ghép nối những “mảnh vỡ” của nghi lễ và tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp, chúng ta đã nhận rõ hành trạng và chiến công của những vị thần bảo trợ nông nghiệp được dân gian tôn kính và phụng thờ trong suốt diễn trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Các hiện tượng văn hóa dân gian về nhân vật anh hùng văn hóa thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc vẫn đang tồn tại trong đời sống cộng đồng các dân tộc Việt Nam với một sức sống mạnh mẽ. Hình tượng các nhân vật được bắt rễ từ lịch sử khai thiên mở nước, được bồi tụ và đắp bồi qua dòng chảy của diễn trình lịch sử để rồi khơi dòng cho công cuộc xây dựng, sáng tạo những giá trị bền vững cho cuộc sống đương đại. Hình tượng nhân vật anh hùng văn hóa thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc là một hiện tượng văn hoá dân gian phức hợp, không chỉ sống trong các truyện kể mà còn được lưu giữ, tái hiện trong tín ngưỡng nông nghiệp, trở thành những cổ mẫu anh hùng văn hóa có đời sống đặc biệt trong đời sống chung của nền văn hóa dân tộc.
TS Đặng Thị Lan Anh
Trường Đại học Hải Dương
Bản gốc
Tranh minh họa: Vạn Tích.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Jean Chevalier – Alain Gheerbrant(2002) Từ điển biểu tượng văn hóa Thế giới, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng
- Nguyễn Từ Chi (1996), Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb VHTT và Tạp chí VHNT, HN
- Nguyễn Thị Bích Hà (2014),Nghiên cứu văn học dân gian từ mã văn hóa dân gian, Nxb Đại học Sư phạm, HN
- Sở VHTTTT Phú Thọ (2002), Tổng tập văn nghệ dân gian đất Tổ, tập 3,Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ xuất bản
- Trần Ngọc Thêm (2006), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam,Nxb Tổng hợp Tp HCM
- Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2012), Tín ngưỡng & văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Trẻ, HN
- Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần và người đất Việt, Nxb VHTT, HN
- Trần Quốc Vượng (1998), Việt Nam, cái nhìn địa -văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, HN
- Trần Quốc Vượng (2003), Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn học, HN
- Nguyễn Khắc Xương (1971), Truyền thuyết Hùng Vương, Chi hội Văn nghệ dân gian Vĩnh Phú xuất bản