Nguồn gốc của người Việt luôn là chủ đề nhận được rất nhiều sự quan tâm, chính vì thế mà những tranh luận về đề tài này diễn ra gay gắt, trong bài này chúng ta không đưa ra một giả thuyết mà sẽ cùng nhau khảo sát những bằng chứng.
Thanh Hóa là một vùng đất cổ, có một kho di sản quý là trống đồng các loại. Một trong những nét quý giá nhất di sản này thể hiện ở nghệ thuật tạo dáng và tạo hoa văn. Nghệ nhân Việt cổ đã ý thức được trống đồng là trống thần, là báu vật quốc gia, vì vậy có thể nói, nghệ nhân Việt cổ đã hình thành tư duy nghệ thuật tạo dáng trống đến đỉnh điểm, sự hoàn mỹ của tỷ lệ dáng trống.
Về nghệ thuật tạo dáng trống Đông Sơn: kiểu dáng trống qua mối liên hệ giữa mặt, tang, thân và chân là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên giá trị nghệ thuật của trống Đông Sơn. Có 2 dòng trống lưng thẳng và lưng choãi (thuộc nhóm B) ở Thanh Hóa, song chưa nhận thấy rõ sự tách biệt: Phải chăng trống lưng choãi ở miền núi, còn trống lưng thẳng ở đồng bằng?
Nghệ nhân Việt cổ đã ý thức được trống đồng là trống thần, là báu vật quốc gia, vì thế họ đã dày công nghiên cứu, tìm tòi tạo ra những chiếc trống có tạo dáng hài hòa với nhau, tỉ lệ giữa tang, thân và chân trống cho ta thấy đó là một tỉ lệ vàng. Phần tang trống được nghệ nhân cho phình ra đúng độ và thật sự đó là giới hạn vàng, để đảm bảo âm lượng khi tiếng trống phát ra âm thanh có nhịp điệu cao, thấp, trầm bổng khác nhau. Có thể nói, nghệ nhân Việt cổ đã hình thành tư duy nghệ thuật tạo dáng trống đến đỉnh điểm, sự hoàn mỹ của tỷ lệ dáng trống.
Các loại hoa văn trang trí trên trống Đông Sơn gồm: Hoa văn hình học (vòng tròn, vòng tròn tiếp tuyến, đoạn thẳng song song, hình tam giác, hình trâm, hồi văn, chấm giải); văn hiện thực (hình người hóa trang, hình nhà sàn, hình mặt trời, hình chim, hình bò); hoặc hoa văn cách điệu. Bố cục hoa văn trên mặt trống nhằm tôn vinh 3 vòng hoa văn chủ đạo: Vòng chủ đạo chính tâm là ngôi sao, số cánh sao tăng dần từ nhóm A đến C. Vòng chủ đạo thứ hai là hình chim (4 hoặc 6 con) hai bên có các vòng tròn tiếp tuyến, tam giác hoặc răng lược làm nền. Vòng chủ đạo thứ ba là hình người hoá trang, chỉ xuất hiện trên trống Đông Sơn sớm. Tang trống nhóm A lặp lại các hoạ tiết và kiểu bố cục trên mặt, nhưng nhóm B ít lặp lại, đến nhóm C xuất hiện trở lại vành hoa văn chủ đạo nhưng ở dạng cách điệu. Lưng trống bố cục theo ô hình chữ nhật: Nhóm A thường 4 ô, đề tài chính là người hoá trang và động vật, sang nhóm B có từ 10 đến 18 ô, đề tài chủ yếu là văn hình học, tới nhóm C, số ô ít hơn và đề tài hình người cách điệu, văn hình học.
Nghệ nhân Việt cổ lấy hoa văn tả thực làm chủ đề chính, đặt ở vị trí trang trọng nhất, chiếm diện tích lớn nhất. Lối bố cục này được tuân thủ một cách chặt chẽ từ trống Đông Sơn sớm đến trống muộn ở Thanh Hoá. Các mô típ hoa văn được bố cục theo băng ngang hoặc dải dọc và được giới hạn bởi đường chỉ đúc nổi, chúng được liên kết đơn, kép hoặc đối xứng.
Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trống Đông Sơn đã đạt tới trình độ hoàn mỹ, với đường nét tinh giản, mang tính khái quát cao. Chỉ cần vài đoạn thẳng hay một ít đường cong, đã diễn đạt được hình chim với đường nét sinh động của chim đứng, chim bay; hoặc biểu đạt hình người với những động thái hoạt động khác nhau (nhảy múa, đánh trống…). Sự vật, hiện tượng được thể hiện theo phong cách gián tiếp, đặc tả bản chất sự vật hay hiện tượng; không tuân thủ luật xa gần. Đó là phong cách nghệ thuật đồ hoạ ước lệ, tạo sự khoáng đạt trong tư duy của nghệ nhân Việt cổ.
Nghệ thuật tạo tượng trên trống Đông Sơn: Đa số trống Đông Sơn muộn ở Thanh Hóa, trang trí các khối tượng cóc trên mặt trống quay ngược chiều kim đồng hồ, đặc biệt có một trống trang trí 4 tượng vịt và một trống trang trí 4 tượng ốc. Mỗi trống 4 tượng, đều đúc rời và gắn vào sau, bố trí ở vị trí sát rìa ngoài của băng viền mặt trống, không vướng mặt trống khi sử dụng, không phá vỡ bố cục hoa văn trên mặt trống. Có vài trống tượng cóc đè lên vòng hoa văn hình học viền mặt trống. Các khối tượng trên trống Đông Sơn ở Thanh Hoá đều có sự thống nhất về phong cách: Trong tư thế ngồi, đầu thẳng cao, chân trước thẳng, lưng hơi cong, bụng nhỏ, đầu to. Tượng vịt cũng trong tư thế tĩnh, đang đứng. Người Đông Sơn cũng sử dụng thủ pháp tả thực và ước lệ, trong nghệ thuật tạo dáng tượng tròn một cách hợp lý. Con cóc là động vật nhỏ bé, xấu xí nhưng gắn liền với chu trình thời tiết, có liên quan đến nông nghiệp; vì vậy sử dụng trống đồng vào việc cầu mưa, thì sự có mặt của cóc hay “trống cóc” là điều dễ hiểu.
Kiểu dáng trống Đông Sơn ở lưu vực Sông Mã, không khác so với trống cùng loại ở Việt Nam, ngoài trống Làng Cốc, trống Sao Vàng, ít tìm thấy trống có kích thước lớn như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà, Cổ Loa.
Các mô típ hoa văn phổ biến trên trống Đông Sơn ở Thanh Hóa như hoa văn hình học (hình tròn, hình tam giác, đoạn thẳng song song…) cùng các loại hoa văn tả thực (hình người, hình nhà sàn, hình chim, hình bông lúa). Các hoa văn nói trên có sự thống nhất về mô típ hoa văn truyền thống, về bố cục, phong cách trang trí. Hoa văn trên trống Đông Sơn ở lưu vực Sông Mã và trên các sưu tập trống Đông Sơn khác ở Việt Nam, có những đặc trưng chung, phản ánh tính thống nhất của văn hóa Đông Sơn. Tính thống nhất về nghệ thuật tạo tượng cóc trên trống Đông Sơn lưu vực Sông Mã từ vị trí, khoảng cách, hướng, đến kiểu dáng, hoa văn trên lưng cóc. Sự có mặt của các khối tượng vịt, tượng ốc trên trống Đông Sơn ở Thanh Hóa cũng góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú nghệ thuật trống Đông Sơn ở Việt Nam.
So sánh với các trống loại I Heger ở Việt Nam, trống Đông Sơn Thanh Hóa có sự thống nhất về nghệ thuật tạo dáng và trang trí với các trống đồng cùng loại ở Việt Nam. Tuy nhiên, trống loại I Heger Thanh Hóa vẫn có nét riêng. Nơi đây không có nhiều trống to, trống đẹp như trống lưu vực sông Hồng. Trống nhóm B có lưng thẳng chiếm chủ đạo. Về nghệ thuật trang trí, trống Đông Sơn ở Thanh Hóa có xu hướng trang trí động vật như: bò trên trống Vĩnh Hùng; vịt trên trống Cẩm Giang… Có thể nghệ thuật trang trí khối tượng tròn, hoa văn khắc vạch, người, động vật và con thuyền trên trống Đông Sơn ở Thanh Hóa mang tính đột biến.
Nghệ thuật tạo dáng trống loại II Heger ở Thanh Hoá: Trống loại II Heger có kích thước lớn, mặt chờm ra khỏi tang, mặt trời phần lớn có 8 tia, có 4 (hoặc 6) khối tượng cóc; chủ yếu là hoa văn hình học, thân trống bị tiêu giảm. Trước đây, người ta cho rằng trống loại II hoa văn nghèo nàn, kiểu dáng ít thanh thoát.
Đến nay ở Việt Nam đã phát hiện hàng trăm trống loại II, riêng ở Thanh Hóa có hơn 100 chiếc. Trống loại II Heger ra đời tiếp sau văn hóa Đông Sơn, trong điều kiện lịch sử xã hội có nhiều biến động sâu sắc; nền văn hóa bản địa đang phải đối mặt với sự đồng hóa từ phương Bắc trong đêm trường Bắc thuộc. Trống loại II ở Thanh Hóa được phát hiện chủ yếu là ở miền núi, trùng khớp với diện phân bố của người Mường.
Trống loại II Heger phát triển kế thừa trống loại I Heger, nhưng có một số điểm mới: Kích thước trung bình; Mặt chờm khỏi tang là 2,26cm; Chiều cao 41,3cm; Đường kính mặt là 63,5cm; Trọng lượng trung bình một trống nặng 37,55kg. Các số đo này cho thấy, trống loại II lớn hơn trống loại I. Giữa thân và mặt, thân và chân tương quan thuận. Hiệu số đường kính chân và đường kính mặt thấp, trung bình là 1,8cm, thấp hơn các nhóm A và B Đông Sơn ở Thanh Hóa. Tỷ lệ về mặt tạo dáng giữa chiều cao và đường kính mặt trống ổn định cao. Chính điểm này tạo cho trống dáng cao, thân thẳng.
Do sự tương ứng giữa đường kính mặt và đường kính chân, chân lớn hơn chiều cao, nên trống loại II Heger ở Thanh Hóa có dáng khối chữ nhật đứng, dáng thon cao. Giữa tang và thân được phân cách bằng một (hoặc hai) đường đúc nổi to đậm, phần thân tiêu giảm là sự sáng tạo, tạo nét đẹp trong sự thanh thoát gọn gàng. Dáng trống loại II Heger to khoẻ, mập, biểu đạt sự phồn vinh của xã hội đương thời. Đó là sự sáng tạo nghệ thuật sau trống loại I Heger. Nghệ nhân Việt cổ tạo dáng trống loại II mang một tỉ lệ hoàn hảo giữa tang, thân, chân; quai trống không thô, mà nhỏ hơn quai trống loại I Heger, càng tạo ra sự uy nghi của dáng trống.
Nghệ thuật trang trí trên trống loại II Heger ở Thanh Hóa có sự ít dần về số vòng từ mặt đến tang, qua thân và ít nhất là chân, nhưng các mô típ văn chủ đạo lại không thay đổi, đó là văn hình thoi lồng (hay trám lồng). Việc bố cục hoa văn trên trống loại II Heger mang tính quy luật rõ rệt: hoa văn hình thoi được coi là trung tâm, hoa văn lá đề và cánh sen được đặt làm giới hạn cho mặt (vòng trong và vòng ngoài cùng), làm giới hạn trên cho tang và thân (đầu quay lên) và giới hạn dưới cho chân trống (đầu quay xuống). Dưới góc độ nghệ thuật, trống loại II Heger ở Thanh Hóa có sự kế thừa trực tiếp từ trống Đông Sơn, song nét mới sáng tạo trong nghệ thuật trống loại II Heger Thanh Hóa là dáng thanh thoát, nhẹ nhàng, vững chắc, xuất hiện nhiều đồ án hoa văn với bố cục độc đáo, dùng mô típ hoa văn là chủ đạo.
Hoa văn trên trống loại II ở Thanh Hóa đa dạng về loại hình: Hoa văn hình học (hình thoi, hình vuông, hình lục giác, hồi văn, hình tròn); hoa văn diễn tả tự nhiên (mặt trời, mây, sóng nước) diễn tả thực vật (lá đề, gân lá, hoa cúc, hoa chanh, hoa đồng tiền, hoa hướng dương) diễn tả động vật (hình chim thiên nga, con dê, khỉ, voi, ong, rùa). Các hoa văn trên trống loại II Heger ở Thanh Hóa, có đặc điểm chung của trống cùng loại ở Việt Nam, song nét riêng về mô típ hoa văn diễn tả động vật trên trống Thanh Hóa, là biểu hiện tính đa dạng trong nghệ thuật trang trí trống loại II Heger ở khu vực.
Về mô típ hoa văn trống loại II ở Thanh Hóa đã có sự thay đổi cơ bản so với trống Đông Sơn, tiếp nối truyền thống Đông Sơn và sáng tạo mới. Đó là chim lạc sang chim thiên nga, từ vòng tròn tiếp tuyến sang các hoa văn hình học khác, xuất hiện hoa văn mới là văn thực vật. Sự thay đổi về mô típ hoa văn, không làm cho trang trí hoa văn trên trống nghèo đi mà trái lại còn góp thêm phần sinh động.
Bố cục hoa văn trên trống loại II Heger: Những yếu tố kế thừa trống loại I Heger thể hiện ở lối bố cục các đường ngăn cách, hoa văn theo băng, các đường viền và cách bố cục tạo khoảng trống ở rìa mặt trống, mặc dù mặt luôn luôn chờm ra ngoài tang. Nhưng nét mới là ở trang trí hoa văn dày đặc và bố cục thành các dải hoa văn nền của văn cánh sen và sóng nước.
Bố cục hoa văn trên mặt trống: Trung tâm là hình mặt trời với số lượng từ 6 đến 10 tia, nhiều nhất là 8 tia; mỗi trống có từ 3 đến 10 vòng hoa văn. Trên trống loại II Heger, người xưa thay thế cách bố cục các vòng hoa văn chủ đạo bằng mô típ hoa văn chủ đạo. Phần lớn chỉ có một loại hoa văn duy nhất, có một số trang trí 2 hoặc 3 loại hoa văn kết hợp với nhau, nhưng bao giờ cũng có loại hoa văn hình thoi hay ô trám lồng. Văn hình thoi lồng là văn chủ đạo trên mặt và tang trống loại II Heger Thanh Hóa. Số vòng hoa văn ở chân lại ít hơn trên tang trống, chủ yếu là văn hình thoi lồng, văn lá đề, cánh sen cách điệu, văn sóng nước. Hầu hết quai trống loại II Heger không trang trí hoa văn (hay để trơn).
Nhìn chung, số vành hoa văn trên trống loại II Heger ít dẫn theo trật tự: mặt, tang, thân và chân. Các mô típ hoa văn trên các bộ phận của trống loại II Heger không nhiều, giữ vai trò chủ đạo là văn hình thoi lồng (hay trám lồng) và biến thể. Bố cục hoa văn trên trống loại II Heger mang tính quy luật: Trên mặt, văn hình thoi được coi là trung tâm, 2 phía là văn hình lá đề. Trên tang và trên thân, vành hoa văn hình thoi lồng làm trọng điểm, đặt dưới vành văn lá đề hay cánh sen (đầu quay lên). Trên chân, văn hình thoi nằm trên văn lá đề và cánh sen (đầu quay xuống).
Nghệ thuật trang trí hoa văn trống loại II Heger đã đạt tới trình độ biểu đạt cao, người xưa đã thể hiện khá sinh động thế giới tự nhiên xung quanh. Xu hướng đơn giản hóa trong nghệ thuật (Đơn giản hóa các vòng hoa văn, các họa tiết và trong bố cục các đồ án). Xu hướng tả thực là một phong cách chủ đạo trên trống loại II Heger. Khi cần thể hiện mô típ về một loại hoa văn nào đó hay một động vật nào đó, người xưa chú ý đặc tả nét đặc trưng nhất của nó mà người xưa định thể hiện. Xu hướng cách điệu và biến hóa thành nhiều biến thể khác nhau, tạo nên tính phong phú của hoa văn chủ đạo.
Phong cách phối hợp chiều nghiêng và mặt phẳng (thể hiện theo chiều ngang hoặc thẳng đứng như văn hình học thường được diễn tả theo chiều thẳng đứng. Nhờ đó, hình các bông hoa trở nên sinh động và gần với tự nhiên hơn như hoa chanh, hoa đồng tiền, hoa hướng dương, hoa cúc…)
Các khối tượng trên trống loại II Heger: Kích thước của tượng được thu nhỏ một cách hợp lý để tạo sự đồng đều về thể khối các loại tượng. Chẳng hạn, voi là động vật lớn nhưng khi tạo tượng người ta thu nhỏ bằng kích thước tượng cóc.
Về bố cục, phần lớn các khối tượng đều được đặt ở sát rìa mặt trống. Trên trống có hiện tượng cóc cõng nhau, thông thường con dưới to, con trên nhỏ, bố cục hình khối một cách khéo léo, trên các trống Đông Sơn cũng chưa thấy hiện tượng này. Tượng cóc quay ngược chiều kim đồng hồ (đa số là tượng đơn), số ít con cùng chiều kim đồng hồ, có trống cóc quay về 2 hướng khác nhau (trống Hoằng Phụ), có thể xem là “đột biến” trong tư duy nghệ thuật của chủ nhân trống loại II Heger. Hầu hết các trống có 4 khối tượng, đặt đối xứng nhau, dãn cách giữa các khối tượng đều nhau. Đặc biệt có một số trống có 3 khối tượng như trống: Thạch Lâm, Ngọc Lặc I, Bản Bơn, Lang Chánh II, Thọ Diên, Nam Tiến…. Các khối tượng trên trống loại II Heger đa số không có hoa văn trang trí. Tượng cóc trong tư thế “động”, đầu ngẩng cao, chân trước nhổm cao với tư thế sẵn sàng nhảy.
Nghệ thuật tạo tượng ở đây là thủ pháp tả thực và ước lệ, kích thước đồng đều nhau, không trang trí hoa văn nhưng vẫn biểu đạt nét đặc tả riêng của cóc. Đây là nét mới trong nghệ thuật tạo các khối tượng trên trống loại II Heger.
Các khối tượng được bố trí đối xứng trục và đối xứng tịnh tiến. Nhờ có thủ pháp này, nên luôn luôn tạo được sự cân đối hài hòa, trong việc tạo dựng cũng như sắp đặt hợp lý các khối tượng. Có thể nói sự đăng đối, hài hòa là một trong những yếu tố tạo nên giá trị thẩm mỹ của khối tượng.
Trống loại II Heger hiện biết ở Thanh Hóa chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi. Về tạo dáng, tỷ lệ giữa độ cao, đường kính mặt trống và đường kính thân ít biến đổi. Hiệu số giữa đường kính chân và đường kính mặt rất thấp, thấp hơn nhiều so với trống Đông Sơn ở Thanh Hóa. Đặc điểm này tạo cho trống loại II Heger đã đạt tới mức quy chuẩn.
So sánh với các sưu tập trống loại II Heger ở các tỉnh: Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La và Phú Thọ: Trống loại II Heger phân bố tập trung ở miền núi phía Tây và Tây Bắc, trùng khớp với diện phân bố chủ yếu của người Mường và một bộ phận người Thái. Nhìn chung trống đồng loại II Heger có tính ổn định thống nhất giữa các sưu tập. Về nghệ thuật trang trí, trống loại II đa số có khối tượng cóc, một số trống có khối tượng rùa, voi; hoa văn dê, khỉ trên trống Lang Chánh, chim thiên nga trên trống Hoàng Phụ…
Tuy nhiên, giữa chúng có sự khác nhau về kích thước và cách bố cục hoa văn. Trống Thanh Hóa và Hoà Bình có kích thước lớn nhất. Đây cũng là vùng phân bố chủ yếu của người Mường. Càng xa, trống càng thu nhỏ, như đã thấy trong sưu tập trống Nghệ An và Sơn La. Trống Thanh Hóa, Nghệ An và Sơn La đều có dáng cao so với trống cùng loại ở Hoà Bình.
Về hoa văn, trống loại II Heger Thanh Hóa còn giữ lại một số loại hoa văn truyền thống Đông Sơn như vòng tròn đồng tâm, vạch ngắn song song, tam giác trong có vạch chéo… Một số hoa văn thực vật như: Hoa chanh, hoa cúc, hoa hướng dương, văn mây, nhũ đinh… khá phổ biến ở sưu tập trống Sơn La, Hoà Bình và Nghệ An, Thanh Hóa cũng có ở một vài trống.
Nghệ thuật trống đồng ở Thanh Hóa ra đời và phát triển gắn liền với nghệ thuật văn hóa Đông Sơn, gắn chặt với các trung tâm trống đồng ở Bắc Việt Nam, đồng thời có quan hệ nhất định với trống Nam Trung Quốc và các nước thuộc Đông Nam Á. Mối quan hệ giữa nghệ thuật Đông Sơn với nghệ thuật khu vực dường như thực sự được xác lập từ nhóm Đông Sơn muộn, mà nhóm trống B ở lưu vực sông Mã (Thanh Hóa) là đại diện.
Nghệ thuật trống đồng cổ Thanh Hóa trong lịch sử đã được đồng bào các dân tộc Thanh Hóa bảo vệ, khai thác phục vụ cuộc sống. Nghệ thuật trống đồng cổ còn là nguồn sử liệu quan trọng nghiên cứu lịch sử mỹ thuật, văn hóa, xã hội của dân tộc ta. Bảo vệ và ứng dụng nghệ thuật trống đồng trong mỹ thuật hiện đại, nhằm bảo tồn bản sắc nghệ thuật dân tộc trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết.
TS. Đỗ Chung
Nguồn