Nhìn từ ngọn nguồn của các cộng đồng dân cư cổ sống trên lãnh thổ Việt Nam qua di tích khảo cổ học, các nhà khoa học đã nhận ra rằng từ rất sớm những người cổ ở Việt Nam đã biết được giá trị của biển khơi.
Từ địa điểm phố Bình Gia (Lạng Sơn), các nhà khoa học Pháp như Mansuy. M. Colony đã phát hiện những tàn tích của biển khơi. Đó là loài ốc biển Cypraea Linmé và loại Cyprerea arabicalinné. Chúng đều được mài lưng và có thể được xâu dây đeo làm đồ trang sức. (1) Ốc biển làm đồ trang sức, đó quả là một hiện tượng thú vị và nói lên tính chất quý hiếm vô cùng của các sản phẩm biển nơi rừng núi. Địa điểm Bình Gia thuộc văn hóa Bắc Sơn, một văn hóa thuộc sơ kỳ thời đại đá mới có niên đại khoảng từ 11.000 – 7.000 năm BP (BP viết tắt của Before Present – tuổi được tính bằng phương pháp phóng xạ Carbon C14).
Như vậy là từ hàng vạn năm trở về trước, con người từ các hang động cổ xa xăm ở Việt Nam đã có những tiếp xúc đầu tiên với biển khơi.
Chính vì biết tới biển sớm như vậy cho nên chuyển sang giai đoạn sau Hòa Bình – Bắc Sơn, những người cổ Hòa Bình có bước chuyển động mạnh mẽ ra vùng đồng bằng ven biển từ những nơi có địa hình, địa mạo thuận lợi nhất cho việc kiếm ăn, sinh sống. Kể từ đó, lịch sử Việt Nam cũng là lịch sử càng ngày càng vươn ra chiếm lĩnh biển khơi và làm chủ biển khơi.
Chúng ta hãy tìm hiểu điều đó qua việc theo dấu các nền văn hóa biển qua mỗi thời kỳ lịch sử.
1. Các văn hóa biển sau thời kỳ Hòa Bình – Bắc Sơn
Thời kỳ này chúng ta có một hệ thống văn hóa biển và các nhóm di tích biển:
- Nhóm di tích văn hóa Soi Nhụ (Quảng Ninh)
Có người đề nghị gọi nhóm di tích này là văn hóa Soi Nhụ. Soi Nhụ là tên của một cái hang thuộc đảo Soi Nhụ, xã Thạch Hà, huyện Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Hệ di tích Soi Nhụ phân bố trong các vùng hang động đá vôi trong khu vực vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Di vật là các công cụ cuội khá thô sơ và đồ gốm. Tích tụ rất nhiều sản phẩm biển như ốc núi, ốc suối, một số nhuyễn thể nước ngọt và biển. Do sống gần biển, cư dân Soi Nhụ chịu tác động mạnh mẽ của biển khơi. Một mặt họ khai thác sản phẩm biển khơi cho cuộc sống (ốc Malamia, sò kích thước lớn), mặt khác khi nước biển dâng cách đây 7.000 năm họ phải chuyển sang các khu vực sống cao hơn trước. Di cốt người Soi Nhụ Melanésien là người Mongoloid.
- Văn hóa Cái Bèo
Nối tiếp nhóm Soi Nhụ, văn hóa Cái Bèo lấy tên di chỉ Cái Bèo ở đảo Cát Bà (Hải Phòng). Người Cái Bèo sống trong môi trường ban đầu là lục địa, sau đó là môi trường biển. Họ cũng sử dụng cuội ghè, chế tạo đồ gốm. Ở giữa một môi trường thuận lợi khi nước biển dâng cao dần lên, cư dân Cái Bèo thực sự là những người khai thác biển giỏi đầu tiên ở khu vực Đông Bắc. Người ta đã tìm thấy một bộ sưu tập các động vật biển phong phú chưa từng thấy trước đó như cá heo, rùa biển, cá sạo, cá úc, cá hồng, cá nhám, cá mỏ xanh, cá dao. Chỉ riêng đợt khai quật năm 1973, đã thu được một khối lượng di cốt động vật biển khổng lồ với 105 kg xương trong đó có đốt sống cá có đường kính trên 20 cm được các nhà cổ sinh vật học ước tính nặng đến vài tạ thịt. Người Cái Bèo tiếp tục là người Soi Nhụ phát triển lên.
- Văn hóa Đa Bút
Văn hóa Đa Bút mang tên địa điểm Đa Bút ở Thanh Hóa với 10 địa điểm phân bố ở đồng bằng ven biển hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình, niên đại từ 7.000 – 4.000 năm BP. Vào giai đoạn sớm 7.000 – 5.000 năm BP, cư dân Đa Bút khai phá đồng bằng chân núi, tạo nên dạng cồn hến nổi tiếng. Đến giai đoạn muộn 5.000 4.000 năm BP, họ tiến ra khai thác ven biển với các di tích cồn cát ven biển. Đặc trưng nổi bật nhất của văn hóa Đa Bút là đồ gốm, làm từ đất sét pha nhiều sạn sỏi to, tạo dáng miệng đứng thẳng hoặc hơi loe, thành miệng cao, bụng hình cầu, kích thước 30 – 40 cm, đáy tròn, không chân đế. Khắp mặt ngoài từ đáy lên tới mép miệng là những vết đập hình nan đan, kiểu kỹ thuật khuôn đan (Basket workinruld). Trong khi đồ gốm văn đập nan đan tồn tại dai dẳng trong khoảng 6.000 – 7.000 năm, thì đồ đá văn hóa Đa Bút biến đổi nhanh, từ công cụ cuội ghè đẽo kém định hình sang công cụ định hình; từ công cụ ghè sang công cụ mài lưỡi, rồi mài rộng trên thân, cuối cùng là rìu tứ giác mài toàn thân. Vào giai đoạn muộn, xuất hiện chì lưới đánh cá bằng đất nung, có khấc buộc dây; đá gia trọng. Cư dân văn hóa Đa Bút làm chủ đồng bằng ven biển, tiến hành trồng trọt một số loại cây rau, củ và phát triển mạnh nghề đánh cá trên sông, rồi trên biển. Đây cũng là một trong những nhóm cư dân khai khẩn đầu tiên vùng châu thổ ven biển Ninh Bình – Thanh Hóa.
- Văn hóa Quỳnh Văn
Văn hóa Quỳnh Văn là văn hóa khảo cổ, mang tên làng Quỳnh Văn (Nghệ An), nơi có di tích cồn sò điệp (Kjokkenmodding), được M. Colani khai quật lần đầu vào năm 1930. Cho đến nay, đã phát hiện được 21 địa điểm thuộc văn hóa Quỳnh Văn, phân bố tập trung quanh vịnh cổ huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Người Quỳnh Văn chế tác công cụ đá thô sơ, kém định hình và duy trì tổ hợp công cụ này trong thời gian rất dài; trong khi đó gốm lại biến đổi rất nhanh, từ bình gốm đáy nhọn sang bình đáy bằng, từ trang trí hoa văn thừng, văn in ấn một mặt sang văn chải hai mặt và văn khắc vạch. Khác với người Cái Bèo (Hải Phòng), người Bàu Dũ (Quảng Nam) cũng khai thác biển, hoạt động kinh tế chủ đạo của người Quỳnh Văn là khai thác nhuyễn thể nước mặn, nghề đánh cá không phát triển, săn bắt có vị trí khiêm tốn. Hiện vẫn chưa thấy những dấu hiệu trực tiếp của hoạt động sản xuất như trồng trọt và chăn nuôi. Cư dân văn hóa Quỳnh Văn chôn người trong huyệt gần tròn tại nơi cư trú, theo tư thế ngồi bó gối hay nằm co, thường di cốt không đầy đủ. Nghiên cứu các cốt sọ ở đây cho thấy người Quỳnh Văn thuộc chủng tộc Australoid, có nét Mongoloid. Văn hóa Quỳnh Văn có nguồn gốc từ văn hóa Hòa Bình, (có thể từ nhóm di tích ở miền tây Thanh Hóa) và phát triển sang văn hóa Bàu Tró (Quảng Bình) qua loại hình văn hóa Thạch Lạc (Nghệ Tĩnh).
- Di tích Bàu Dũ
Di chỉ Bàu Dũ ở thôn Phú Trung, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam gần 4 km về phía đông nam, cách Đà Nẵng khoảng 62 km.
Tầng văn hóa là lớp đất cát pha màu nâu đen, dày từ 1,7 m – 1,8 m. Lớp mặt có vết tích gốm Bàu Trám, thuộc thời đại đồng thau, nhưng không tạo thành lớp văn hóa độc lập. Tầng văn hóa Bàu Dũ có niên đại thuộc Đá mới sau Hòa Bình.
Công cụ đá Bàu Dũ mang đậm đặc trưng văn hóa Hòa Bình, gồm 4 công cụ nạo hình đĩa, 4 rìu hình hạnh nhân, 14 rìu ngắn, 31 công cụ chặt thô, 10 choppers và đặc biệt là thu được một viên cuội có lỗ vũm, 1 rìu tay bằng đá cuội đẽo hai mặt cũng mang phong cách Hòa Bình. Ở Bàu Dũ đã tìm thấy 5 ngôi mộ (cả thám sát và khai quật), đều được chôn trong các hố vỏ sò điệp hoặc đặt trong những đống điệp lớn, khá dày. Tư thế ngồi bó gối, tương tự như Đa Bút (Thanh Hóa) và Quỳnh Văn (Nghệ – Tĩnh). Theo những kết quả nghiên cứu, di cốt người Bàu Dũ thuộc chủng tộc đen với đặc trưng Melanesien rõ nét.
Đặc trưng Biển của người Bàu Dũ thể hiện qua khối lượng lớn di cốt động vật và vỏ nhuyễn thể. Về động vật ở đây có tê giác, trâu bò, hươu, nai, sơn dương, khỉ, xương cá, về nhuyễn thể có các loài ngao, hàu, sò điệp và cua biển. Trong số xương răng động vật đã nghiên cứu chưa thấy di cốt của loài đã thuần dưỡng. Niên đại C14 Bầu Dũ 3.310 ± 60 năm BP (mức trên); 5.030 ± 60 năm BP (mức dưới), mức chứa công cụ đá và chưa xuất hiện đồ gốm. Những người khai quật cho rằng di chỉ Bàu Dũ thuộc bình tuyến Đá mới sau Hòa Bình tiến về khai thác ven biển Quảng Nam.
Tại hội nghị quốc tế về văn hóa Hòa Bình họp ở Hà Nội cuối 1992 đầu 1993, các nhà khảo cổ mới mở rộng không gian văn hóa Hòa Bình về phía Nam, miền Trung, với hang Tân Lâm ở Cam Lộ, Quảng Trị. Di chỉ Cồn Sò – ốc ven biển Quảng Nam ở Bàu Dũ (Tam Xuân – Tam Kỳ) được coi là “hậu Hòa Bình” (post – hoabinhian) với niên đại C14 khoảng 6.000 năm BP.
Ở Phú Yên còn có di chỉ Eo Bồng thuộc xã Sơn Thành, huyện Tuy Hòa. Giáo sư Trần Quốc Vượng, trưởng đoàn khảo sát Eo Bồng đã nhấn mạnh:
Công cụ Eo Bồng, ngoài loại hình kinh điển Sơn Vi như “phần tư viên cuội”, hình “múi bưởi”; kinh điển Hòa Bình như rìu ngắn, đá đục vũm, còn thiếu vắng loại hình điển hình Hòa Bình như Sumatralithe (công cụ hình đĩa, dẹt, ghè một mặt hay ghè vòng quanh (round scraper) nên Eo Bồng có thể thuộc giai đoạn Hòa Bình sớm.
Khu vực Eo Bồng – Hố Soài – Đùng Đùng ở chân dải núi Sặt, núi Hiền (tây), núi Cát (đông) với suối Đá – đập Bà Đỏ bao quanh tây – đông rồi đổ ra sông Đà Rằng, là một vùng bồn địa (basin) hay cũng được gọi là một vùng thung lũng.
Từ cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, trong một bài công bố trên Tạp chí Khảo cổ học, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã đề nghị, thay vì việc gọi văn hóa Hòa Bình là “văn hóa hang động” (caver culture) như M.Colani và nhiều học giả phương Tây khác, thì nay, dưới cái nhìn sinh thái nhân văn nên mệnh danh nó là “văn hóa thung lũng” (valley culture).
Như vậy, Eo Bồng chỉ đánh dấu sự phát tán của văn hóa Hòa Bình. Còn di chỉ Bàu Dũ là đại diện cho các bộ lạc Đá mới sau Hòa Bình ở vùng biển Nam Trung Bộ, đồng đại với các văn hóa Đa Bút và Quỳnh Văn. Dưới góc độ văn hóa, các bộ lạc này tiếp cận biển ở các địa bàn sinh thái khác nhau, xác lập định hướng khai thác biển không giống nhau. Người Cái Bèo (vùng biển Hạ Long) thiên về đánh cá biển, người Đa Bút (vùng đồng bằng ven biển Thanh Hóa – Ninh Bình) chuyên thu lượm nhuyễn thể sông, rồi đánh cá biển, còn người Quỳnh Văn (vùng biển Quỳnh Lưu, Nghệ An) thiên khai thác sò điệp thuộc đới ven bờ, còn ở Nam Trung Bộ, người Bàu Dũ khai thác đa tạp, các loài sò điệp ven bờ, đánh cá biển và săn bắt, hái lượm động thực vật trên cạn. Có thể thấy, các bộ lạc trên biển bị phân chia thành các nhóm kinh tế – xã hội tiền sử khác nhau, có khuynh hướng khai thác biển khác nhau và bắt đầu nảy sinh sự phát triển không đều về văn hóa giữa các khu vực.
2. Nhóm các văn hóa biển Hậu kỳ đá mới
- Văn hóa Hạ Long
Ở vùng biển Đông Bắc, nối tiếp văn hóa Cái Bèo, vào khoảng 4.500 năm cách ngày nay, đã nảy sinh văn hóa Hạ Long. Thời gian đầu, biển tiến đã dâng đến cực đại +4 và +5 m trên mực nước biển ngày nay. Địa bàn của Hạ Long trên cơ sở địa bàn Cái Bèo trước đó bị thu hẹp lại. Họ phải di chuyển lên sống ở vùng cao hơn theo hướng hút lên phía biển Hải Ninh tạo nên loại hình thoi Giếng. Vào lúc muộn hơn (khoảng 4.000 năm BP), người Hạ Long vừa mở rộng địa bàn ở biển, vừa có những nhóm tiến vào đồng bằng Bắc Bộ. Văn hóa biển Hạ Long là một văn hóa có đóng góp lớn tạo dựng nên nền văn minh Việt cổ ở khu vực châu thổ sông Hồng với sự có mặt của các dấu tích biển trong văn hóa Phùng Nguyên nổi tiếng. Tàn tích biển trong văn hóa Hạ Long chủ yếu là các vỏ nhuyễn thể biển, có chì lưới bằng đá cuội xuyên lỗ (tiến bộ hơn trước, mặc dù dấu tích xương cá do điều kiện môi trường thay đổi cho nên đã không lưu giữ được).
- Văn hóa Bàu Tró
Cho đến nay hơn 30 di tích khảo cổ học thuộc văn hóa Bàu Tró đã được phát hiện. Chúng phân bố ở đồng bằng ven biển từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và vùng núi kề cận phía tây. Các di tích này phân bố theo 3 kiểu địa hình chính là: Đồng bằng ven biển Nghệ – Tĩnh (17 địa điểm), đồng bằng ven biển Bình – Trị – Thiên (12 di tích) và khu vực miền núi kế cận phía Tây (4 địa điểm).
Cho đến nay, phần lớn các ý kiến đều cho văn hóa Bàu Tró có 2 loại hình văn hóa địa phương là loại hình Thạch Lạc (các di tích ở Nghệ An, Hà Tĩnh) và loại hình Bàu Tró (các di tích ở Bình Trị Thiên). Phạm Thị Ninh đề nghị tách các di tích phân bố trong hang động vùng núi phía tây ra thành một loại hình riêng, gọi là “loại hình Minh Cầm”.
Khi nghiên cứu tiền sử Quảng Bình, Lê Đình Phúc cho rằng, văn hóa Bàu Tró có hai loại hình: Loại hình văn hóa Thạch Lạc và loại hình văn hóa Bàu Tró. Loại hình văn hóa Bàu Tró có 2 nhóm di tích: Nhóm di tích miền núi Quảng Bình và nhóm di tích đồng bằng ven biển. Những thảo luận trên đây vẫn đang còn tiếp tục trong tương lai.
Cho đến nay vấn đề chủ nhân của văn hóa Bàu Tró còn đang thảo luận. Tài liệu cổ nhân học còn quá nghèo, mới chỉ biết về sọ trẻ em ở di chỉ Minh Cầm, di cốt người Lèn Hang Thờ (Nghệ An). Các nhà khảo cổ chứng minh, văn hóa Bàu Tró bắt nguồn từ văn hóa Quỳnh Văn. Trong cư dân Quỳnh Văn có dạng chủng tộc Australo – Negroide và hỗn chủng giữa họ với chủng Mongoloide, tức là người Indonesien. Sự tăng trưởng của yếu tố vàng Mongoloide từ phía bắc xuống và nhạt dần yếu tố đen Australo – Negroide diễn ra, cho tới cuối hậu kỳ Đá mới thì yếu tố đen dần dần mất đi. Nhưng yếu tố Indonesien vẫn tiếp tục tồn tại mãi về sau. Thật ra, loại hình người Indonesien nguyên thủy được coi như một ngành của giống Mongoloide phương nam đã hình thành trên bán đảo Đông Dương ít ra là từ thời đại Đá giữa và phát triển liên tục qua các thời đại. Mặc dù những tài liệu cổ nhân trong văn hóa Bàu Tró còn ít, song có thể ghi nhận thành phần người Indonesien đã tồn tại trong văn hóa Bàu Tró.
Văn hóa Bàu Tró mở đầu vào thời điểm kết thúc của văn hóa Quỳnh Văn, khoảng 4.000 năm. Vì vậy, văn hóa Bàu Tró nằm trong khung niên đại 4.500 – 3.000 năm trước Công nguyên. Với những tài liệu khảo cổ học thu được, cho đến nay chúng ta cũng có đủ cơ sở để khẳng định rằng văn hóa Bàu Tró bắt nguồn từ văn hóa Quỳnh Văn.
Văn hóa Bàu Tró là một văn hóa lớn nhất Trung Bộ có sức lan tỏa lớn chiếm vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển văn hóa tiền – sơ sử các tỉnh miền Trung. Cư dân văn hóa Bàu Tró đã định cư lâu dài trên các doi đất cao ven biển, ven sông, hoặc ven các đầm hồ lớn. Quy mô các di tích khá rộng và có sự quần tụ tương đối tập trung thành từng cụm, chiếm lĩnh những địa hình khác nhau. Họ là những người chế tác công cụ đá mài toàn thân và đồ gốm ở trình độ cao. Bên cạnh dựa vào sản xuất nông nghiệp là nguồn sống chính, hẳn, họ còn biết khai thác các thế mạnh của rừng, của sông suối, ao hồ và biển cả. Trong quá trình tồn tại và phát triển, họ có quan hệ giao lưu, trao đổi rộng với cư dân các văn hóa Hoa Lộc, Hạ Long ở phía Bắc; với cư dân văn hóa Xóm Cồn ở phía Nam, với cư dân văn hóa Biển Hồ, Buôn Triết,… ở Tây Nguyên. Văn hóa Bàu Tró là một trong những cội nguồn, thành tố quan trọng đóng góp vào sự ra đời của phức hệ văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung.
3. Nhóm các di tích và các văn hóa biển thuộc thời đại Đồng thau
- Dấu tích văn hóa Phùng Nguyên ở vùng biển Đông Bắc
Nhóm di tích này rộng tới 1.000 m2 ở Tràng Kênh (Hải Phòng). Cùng với Tràng Kênh còn có di tích Đầu Rằm, Bồ Chuyến ở Quảng Ninh. Có ý kiến cho rằng đây là dấu tích của người Phùng Nguyên từ đồng bằng trung du lan tỏa ra phía biển khơi. Cũng có ý kiến cho rằng nếu căn cứ vào đồ gốm có thể tách nhóm di tích này ra khỏi văn hóa Phùng Nguyên (đặc trưng gốm xốp). Đã có người đề nghị gọi đây là văn hóa Tràng Kênh, một văn hóa ven biển có tiếp xúc mạnh mẽ với văn hóa Phùng Nguyên, Hạ Long, Hoa Lộc…
Người Tràng Kênh biết làm nông, chăn nuôi, làm gốm, dệt vải, đánh cá (đã tìm thấy dụng cụ đan lưới làm bằng đá ngọc Nephrite). Người Tràng Kênh chế tác đồ đá đạt mức độ tinh xảo và trao đổi ở khắp nơi.
- Văn hóa Hoa Lộc (Thanh Hóa)
Văn hóa này lấy tên di tích Hoa Lộc ở huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Di tích Hoa Lộc cho thấy đây là một cư dân còn chưa rõ lắm về nguồn gốc nhưng trình độ phát triển ngang bằng với Phùng Nguyên và có phong cách trang trí hoa văn rất riêng. Người Hoa Lộc làm nông nghiệp, thẩm mỹ đồ gốm cao, săn bắt và nghề đánh cá khá phát triển (xương cá, mai cua, mai bò sát…).
Người Hoa Lộc tuy di duệ chưa được làm rõ nhưng chắc chắn là một văn hóa biển có quan hệ với văn hóa Hạ Long, văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Long Thạnh. Và như thế, văn hóa Hoa Lộc đã có sức lan tỏa khá mạnh góp phần tạo nên sự phát triển của các văn hóa tiếp theo.
- Nhóm di tích Đền Đồi – Rú Trăn (Nghệ Tĩnh)
Nhóm này nằm trong hệ thống văn hóa Tiền Đông Sơn ở khu vực sông Cả. Đền Đồi được xác định thuộc giai đoạn sớm, Rú Trăn được xác định là giai đoạn muộn hơn. Tính chất biển được thể hiện rõ ở di tích Đền Đồi.
Ở Đền Đồi (Quỳnh Hậu, Quỳnh Lưu, Nghệ An) sản phẩm biển được phát hiện gồm vỏ sò điệp, trai, ốc, nước mặn, cua biển, bên cạnh xương hàm và sừng nai. Như vậy, dẫu họ đã có kinh tế sản xuất nhưng vẫn tận dụng khai thác nguồn thức ăn ven biển và của rừng…
- Giai đoạn văn hóa Long Thạnh – Bình Châu (Nam Trung Bộ)
Tạm thời đã xác định giai đoạn Long Thạnh, tiếp theo là Bình Châu là hệ thống văn hóa Tiền Sa Huỳnh.
Giai đoạn Long Thạnh có niên đại thuộc giai đoạn đồng thau sớm ở miền Trung: Tất cả các di tích thuộc giai đoạn này đều chưa xuất hiện đồ đồng, công cụ bằng đá vẫn là chủ yếu. Dựa vào trình độ chế tác đá, gốm và so sánh loại hình học các công cụ sản xuất, đồ trang sức, đồ gốm có thể cho rằng các di tích giai đoạn Long Thạnh đã bước sang thời kỳ đồng thau.
Môi trường sống của chủ nhân giai đoạn Long Thạnh là trên các cồn cát ven biển, yếu tố biển ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, văn hóa của họ. Trước hết là sự phát triển của kinh tế khai thác thủy hải sản. Những bằng chứng cho thấy cư dân giai đoạn Long Thạnh đã tận dụng được thuận lợi của điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế khai thác thủy sản đặc biệt là khai thác biển. Trước hết là những công cụ có liên quan đến việc đánh bắt thủy hải sản. Đáng chú ý, tại Truông Xe đã tìm được 200 chì lưới bằng đá, ngoài ra tại Bãi Ông cũng đã phát hiện được chì lưới bằng đá. Tại Long Thạnh đã tìm được chì lưới bằng đất nung gồm có loại buộc dây xung quanh và loại xỏ lỗ. Bên cạnh chì lưới, lưỡi câu xương Long Thạnh cũng là một dụng cụ để đánh bắt thủy hải sản thời bấy giờ. Những mô típ hoa văn in mép vỏ sò trên đồ gốm cũng thể hiện yếu tố của văn hóa biển. Họ cũng biết làm nghề nông và làm đồ đá, đồ gốm.
Giai đoạn Long Thạnh được thành tạo qua sự tiếp xúc giao lưu cực kỳ rộng: Bàu Tró, Hoa Lộc, Phùng Nguyên, Buôn Triết, Biển Hồ, Lung Leng…
Bình Châu là giai đoạn tiếp theo. Các di tích ít hơn Long Thạnh nhưng nguồn gốc, đặc điểm được các nhà khảo cổ học kim khí xác định rõ là tiếp nối Long Thạnh, đặc biệt giai đoạn Bình Châu thể hiện sự tiếp xúc mạnh mẽ với Rú Trăn,Quỳ Chử, Gò Mun,… ở phía Bắc và chuẩn bị đầy đủ mọi mặt để trực tiếp tiến mở lên văn hóa Sa Huỳnh.
- Văn hóa Xóm Cồn (Khánh Hòa – Phú Yên)
Sự phân bố các di tích: Văn hóa Xóm Cồn gồm các di tích Xóm Cồn, Bình Hưng, Bình Ba, Bích Đầm, Bãi Trủ, Đầm Già. Gò Ốc, Giồng Đồn, Văn Tứ Đông, Cù Hin, Vĩnh Yên, Khe Ông Dậu phân bố trên các cồn cát gần biển hoặc trên đảo ven bờ ở Phú Yên, Khánh Hòa.
Giai đoạn sớm là các di tích Xóm Cồn, Bình Hưng, Bình Ba, Bình Đầm, Bãi Trà, Đầm Già, Gò Ốc, Giếng Đồn với niên đại khoảng 3500 – 3000 năm BP. Giai đoạn muộn khoảng 3000 – 2500 năm BP.
Dựa vào đặc điểm môi trường tự nhiên và sự phân bố của các di tích thời đại đồng thau ở miền Trung có thể thấy các cư dân ở đây có cuộc sống bám biển và khai thác các nguồn tài nguyên từ biển. Các di tích đều phân bố ở các vùng cồn – bàu ven biển hoặc trên đảo ven bờ, hoặc ở vùng chân núi giáp biển, xung quanh có các đầm, bàu, suối nước ngọt. Có thể thấy đặc trưng văn hóa của giai đoạn này mang đậm dấu ấn của biển. Trong địa tầng của các di tích thường có các vỏ nhuyễn thể, thậm chí có di tích vỏ nhuyễn thể ken dày và tạo thành từng cụm như Văn Tứ Đông, Xóm Cồn, Bích Đầm. Các loại này gồm sò, xút, hàu, ốc hương, óc cày, ốc ngựa, ốc ngọt, ốc nhảy, ốc tai tượng… Đây chủ yếu là các loại nhuyễn sống ở vùng nước nông ven bờ, bám vào đá, san hô, có thể dễ dàng thu lượm mà không cần bất kỳ một công cụ nào. Yếu tố biển thể hiện sự ảnh hưởng đậm nét đến văn hóa Xóm Cồn qua các đồ trang sức và công cụ được chế tác từ vỏ nhuyễn thể. Đó là các vòng được chế tác từ vỏ Tridacna với kỹ thuật khoan tách lõi được tìm thấy trong di chỉ Xóm Cồn khuyên tai có lỗ từ vỏ sò.
Về mặt địa lý, văn hóa Xóm Cồn tiếp giáp với cực Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên và hải đảo. Trong quá trình phát triển các cư dân của các khu vực này có sự trao đổi qua lại với nhau. Văn hóa Xóm Cồn được xác định là một nguồn hợp quý góp phần tạo nên văn hóa Sa Huỳnh.
4. Các nền văn hóa Biển trong thời đại Sắt sớm
- Di tích văn hóa Đông Sơn ở vùng biển Đông Bắc
Cần phải nói ngay rằng, văn hóa Đông Sơn là một văn hóa thuộc loại lớn nhất Đông Nam Á trong thời đại Sắt sớm. Địa bàn cơ bản của nó là ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn bao trùm khắp Đông Nam Á lục địa và hải đảo.
Người văn hóa Đông Sơn cũng đặc biệt chú ý tới biển. Họ đi chiếm lĩnh và làm chủ khu vực biển Hải Phòng – Quảng Ninh và thành lập một tộc lớn (có người gọi là tộc Việt Khê) với ngôi mộ thuyền của thủ lĩnh Việt Khê nổi tiếng. Ở Hải Phòng – Quảng Ninh đã có một hệ di tích Đông Sơn khá đậm như Việt Khê, Tràng Kênh, Núi Đá, Trại Sơn, Thủy Sơn, Núi Voi, Đầu Rằm… Bằng nhiều con đường, các di vật Đông Sơn đã có mặt ở Đông Nam Á hải đảo, trong đó có những trống đồng Đông Sơn nổi tiếng. Chính ở xứ này đã có trống đồng Hữu Chung và loại trống Hữu Chung đã có mặt ở Indonesia tạo nên làn sóng Hữu Chung xuống các vùng hải đảo Đông Nam Á. Điều đó nói lên khả năng làm chủ biển cả của người Việt Đông Sơn. Họ đã biết đóng thuyền tốt để khai thác hải sản, đã biết lợi dụng dòng hải lưu và gió mùa để vươn xa.
- Văn hóa Sa Huỳnh/ Văn hóa Xóm Cồn (Giai đoạn Vĩnh Yên)
Văn hóa Sa Huỳnh lấy tên từ địa điểm mộ chum Sa Huỳnh nổi tiếng ở tỉnh Quảng Ngãi. Số lượng các di tích Sa Huỳnh phát hiện là rất lớn bao trọn khu vực Nam Trung Bộ và phát ảnh hưởng mạnh mẽ ra các khu vực lân cận như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, hải đảo miền Trung và Nam Bộ. Cư dân Sa Huỳnh đạt trình độ mạnh mẽ không khác gì cư dân văn hóa Đông Sơn. Đặc điểm nổi trội của Sa Huỳnh là đóng thuyền để đi biển rất giỏi và có thể nói là giỏi nhất ở Việt Nam thời Sắt sớm. Họ chiếm cả toàn bộ hải đảo, đảo ven bờ bao trọn cả khu vực Nam Bộ như các đảo tiêu biểu là Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang), giao lưu đặc biệt mạnh với hải đảo Đông Nam Á và Ấn Độ tạo nên một mạng lưới giao thương rất rộng trong khu vực. Có nhà khoa học từng cho rằng cư dân Sa Huỳnh là cư dân biển.
- Văn hóa Đồng Nai
Khu vực Đông Nam Bộ là khu vực cư chiếm của cư dân văn hóa Đồng Nai. Tại đây chưa có tổng kết kỹ càng như văn hóa Đông Sơn, nhưng với hàng trăm di tích được phát hiện trong thời gian vừa qua, diện mạo văn hóa lưu vực sông Đồng Nai đã hiện lên với các giai đoạn tiêu biểu là Dốc Chùa trên cơ sở các giai đoạn trước đó có Cầu Sắt – Bến Đò – Cù Lao Rùa.
Cư dân Đồng Nai thường định cư thành các làng lớn ven sông, ven biển với các doi đất cao, và vùng sình lầy ngập mặn.
Cư dân cổ Đồng Nai theo đường biển có quan hệ khá mạnh với Sa Huỳnh và Đông Sơn, theo đường sông quan hệ với Đông Nam Á lục địa. Chất biển mạnh mẽ của cư dân Đồng Nai là hệ di tích vùng cửa sông vừa mang đậm yếu tố Sa Huỳnh, vừa mang giá trị Đông Nam Bộ và di tích Giống Nổi ở Bến Tre và đặc biệt là hệ thống di tích Giồng Cá Vồ -> Giống Phệt -> Giồng Am có niên đại bắt đầu từ cách đây 2.500 năm. Các di tích này cũng thể hiện rõ giai đoạn tiến lên văn hóa Óc Eo nổi tiếng sau đó vào khoảng thế kỷ II – VII Công nguyên.
5. Các di tích văn hóa biển Việt Nam dưới các thời kỳ lịch sử
Sau thời kỳ Đông Sơn – Sa Huỳnh – Đồng Nai, các cộng đồng cư dân cổ nước ta trên phạm vi cả nước dù khởi đầu có sự khác nhau chút ít nhưng nhìn chung đều dần dần bước vào thời kỳ lịch sử:
Ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ là thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc tiến lên Đại Việt – Đại Nam. Nhưng dưới góc độ nào thì biển luôn luôn là mối quan tâm mạnh mẽ của các vương triều.
Khoảng 10 thế kỷ sau Công nguyên ở phía Bắc trong thời Bắc thuộc, một thương cảng quốc tế lớn đã được tìm thấy qua khu mộ táng cổ ở Thủy Nguyên (Hải Phòng) và Yên Hưng (Quảng Ninh). Đây chính là cửa biển Bạch Đằng rất thuận tiện cho thuyền bè trên con đường giao thương Đông – Tây qua lại.
Đồng thời một loạt cửa biển khác cũng đã được khai thác như cửa Lạch Trường (Thanh Hóa), cửa Hội (Hà Tĩnh). Giao thương quốc tế qua Việt Nam khá nhộn nhịp vì vậy sử cũ gọi đây là “con đường biển Giao Chỉ”.
Cùng thời kỳ này, ở Champa nổi tiếng có thương cảng Cù Lao Chàm, Nha Trang (Kauthara), Phan Rang (Panduranga). Khảo cổ học ở đây đã tìm thấy nhiều di tích văn hóa Champa trong đó có sự xuất hiện của gốm Islam, hạt chuỗi, thủy tinh… dấu hiệu của các sản phẩm giao thương Đông – Tây.
Văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ là một cảng thị nổi tiếng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh khối lượng di tích, di vật khổng lồ là các di vật mang dấu ấn Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á với những di vật có hình ảnh vua Antonius Fius, Marcus Aurelius (vua La Mã) thế kỷ II, vua Ba Tư…
Khi Đại Việt giành lại độc lập, thời Lý, Trần, Lê đặc biệt chú ý xây dựng thương cảng quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh). Hiện nay ở Vân Đồn đã tìm thấy rất nhiều di tích bến bãi, chùa chiền, gốm sứ từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX – XX. Sử sách nhiều lần ghi thuyền buôn các nước Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan… cập bến buôn bán.
Thời nhà Mạc, các vua Mạc còn xây dựng kinh đô ở Hải Phòng, một loại kinh đô hướng biển của Việt Nam mà di tích đã được tìm thấy ở quận Kiến Thụy.
Đặc biệt dấu ấn Đại Việt đã được tìm thấy ở quần đảo Trường Sa qua các di vật gốm có niên đại từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX – XX chứng tỏ hoạt động lâu đời và liên tục của người Việt ở đây hàng nghìn năm qua.
Ở phía Nam, thời kỳ này, Champa tiếp tục nổi tiếng với các cảng của thời kỳ trước. Ở Nam Bộ, sau Óc Eo, việc giao thương không còn được như trước.
Dưới các thời Lê Trung hưng và thời Nguyễn, Đại Việt – Đại Nam vừa đẩy mạnh giao thương với Đông Á, Đông Nam Á và châu Âu vừa chú ý hơn đến chủ quyền biển đảo: Xây dựng hệ thống phòng thủ các đảo và các cửa biển, vẽ bản đồ và tổ chức các hải đội thực hiện quản lý Hoàng Sa và Trường Sa. Dấu tích của Hải đội Hoàng Sa và Bắc Hải đã được khảo cổ học tìm thấy qua các mảnh gốm Việt và tiền đồng Việt thời Lê – Nguyễn ở đảo Hoàng Sa.
Tóm lại, qua một số văn hóa khảo cổ học biển ta có thể thấy rõ Việt Nam là một quốc gia biển đảo, một nền văn hóa biển đảo.
Biển đem lại nguồn tài nguyên giàu có và một tuyến đường giao thông thuận lợi đưa Việt Nam đến với thế giới bên ngoài.
Điều đó, tất yếu dẫn đến các yếu tố văn hóa biển trong văn hóa Việt Nam như ta đã chứng kiến từ hàng vạn năm cách ngày nay với văn hóa Bắc Sơn. Vào thời dựng nước đầu tiên, trên phạm vi toàn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam đã có các cuộc dịch chuyển vĩ đại từ rừng núi, từ biển, từ bốn phương tạo nên huyền thoại Đẻ đất đẻ nước, Lạ̣c Long Quân – Âu Cơ ở phía Bắc và các nền văn hóa lớn Đông Sơn – Sa Huỳnh – Đồng Nai với sự kết nối, giao lưu chặt chẽ mở đầu cho truyền thống con Rồng – cháu Tiên phát triển cho đến tận ngày hôm nay, cho dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng vẫn vững vàng ra khơi vào lộng, bám biển đêm ngày, làm chủ và bảo vệ toàn vẹn lãnh hải thân yêu của Tổ quốc.
PGS, TS Tống Trung Tín
Viện khảo cổ học..
CHÚ THÍCH
1. Hà Văn Tấn (chủ biên), Khảo cổ học Việt Nam. Tập II, (Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1999), 175.