266. Thế giới Tâm linh, Siêu hình của người Việt

Mục I: Vũ Trụ Qua Nhận Thức Thần Linh

Trong buổi bình minh của lịch sử loài người, tương tự những dân tộc khác, người Việt, khi mà tinh thần duy lý và thực nghiệm chưa được phát huy, đã nhìn vũ trụ bằng sự sợ hãi, tin tưởng. Từ đó đẻ ra những hình thức tín ngưỡng như: cúng, lạy, van xin, cầu khẩn, bói toán, đồng bóng… nhằm mục đích bảo vệ đời sống mà họ chưa đủ lý trí, óc phán đoán suy luận, nghị lực, ý chí, cũng như tự do để xây dựng và gìn giữ.

Bằng một cái nhìn khái quát, chúng ta thấy diễn trình nhận thức về vũ trụ của người Việt cũng bắt đầu từ giai đoạn bái vật giáo, tiến đến đa thần giáo, và dừng lại ở độc thần giáo như nhận thức của phần đông nhân loại. Cái nhìn của người Việt về vũ trụ ở giai đoạn này là một cái nhìn đầy tính chất bỡ ngỡ, ngạc nhiên. Từ đó nảy sinh lòng bái phục, biết ơn hay sợ hãi.

1. Vũ Trụ Qua Cái Nhìn Bái Vật:

Trước hết, chúng ta hãy nhận xét đến nhận thức vũ trụ có tính cách bái vật. Chúng ta thấy người Việt thờ kính từ một cái cây, một hòn đá, đến một con vật. Có thể nói đây là kết quả sự tác động của những đối tượng đó vào đời sống của người Việt, làm cho họ hạnh phúc hay đau khổ, thí dụ: tục thờ cây cối như cây đa, cây đề có thể bắt nguồn từ lý do mà chúng tôi ước đoán sau đây. Trong đời sống nông nghiệp vất vả, lam lũ, một lúc nào đó người nông phu Việt sau buổi cầy mệt nhọc lên ngồi nghỉ ngơi ở gốc cây đa, cây đề và cảm thấy lại sức nhanh chóng. Vì chưa có kiến thức khoa học để biết rằng sở dĩ họ cảm thấy khỏe khoắn vì phổi hấp thụ được nhiều dưỡng khí do cây nhả ra lúc hô hấp nên họ cho rằng cây có một quyền năng mầu nhiệm. Và từ đó, họ nhìn những cây to bóng mát (cây đa, cây đề) như những vị thần linh. Tục ngữ có câu:

“Vị thần phải nể cây đa. ”

Cũng trong tín ngưỡng bái vật, người Việt còn thờ Ông bình vôi và tôn kính cái bếp lò mà họ gọi là Ông đầu rau. Khi bếp lò bằng đất quá cũ, họ đem để dưới gốc cây đa. Cũng trong nhận thức bái vật phát sinh từ lòng biết ơn, chúng ta phải kể đến sự kính trọng một loài vật bé nhỏ là con cóc. Ca dao có câu:

“Con cóc là cậu Ông Trời,
Ai mà đánh nó thì Trời đánh cho. ”

Hai câu trên do truyện cổ cóc lên kiện Trời vì đã lâu Trời làm hạn hán. Sau khi đại thắng binh tướng nhà trời cóc đặt điều kiện khi nào cóc nghiến răng thì Trời phải mưa. Trời bằng lòng. [1] Vì nhận thấy mỗi khi cóc nghiến răng là Trời sắp mưa, người Việt rất kính trọng cóc vì mưa rất cần thiết cho mùa màng.

Bây giờ chúng ta xét đến động lực thứ nhì tạo thành tín ngưỡng bái vật là lòng sợ hãi: “Người ta tin rằng có nhiều hòn đá có thần. Nhất là những hòn đá kỳ hình, quái tượng ở hang động hay trước cửa đền chùa, hoặc những hòn đá ở giữa ghềnh hoặc ở bờ biển thường gây nguy hiểm cho ghe thuyền. ”[2]

Nếu những vật gì gây tai họa cho cuộc sinh hoạt được xem như có thần thì những loài thú nào gây nguy hiểm cho sinh mạng của mình cũng được người Việt thờ kính. “Cá voi được thờ như một vị thần bảo hộ của dân miền biển, cũng như cọp (Ông Cọp, Ông Ba Mươi) thì được dân miền rừng thờ. ”[3]

Voi và rắn là hai loài thú dữ cũng được người ta kính sợ mà tôn xưng; voi là “Ông Vâm”, rắn là “Ông Lốt”. Thậm chí đến chuột, một giống vật nhỏ bé, hay ăn thóc gạo, có thể gây ra nạn đói cũng được gọi là “Ông Tí”, “Ông Thiêng”. [4]

Sau khi lược xét quan niệm bái vật của người Việt, chúng ta nhận thấy cái nhìn của họ có những nét tương đồng với các dân tộc khác, chẳng hạn người Ấn. “Người Naga (thổ dân Ấn trước khi người Aryan tới) thờ vô số thần: thần đá, thần cây, thần gấu, thần cọp, thần sông, thần núi. Naga là rồng thần, Hanuman là khỉ thần, Nandi là bò mộng thần, Yaksha là cây thần. ”[5]

Như vậy chúng ta nhận thấy bái vật là nhận thức của những người ngây thơ và yếu đuối. Vì ngây thơ không hiểu rõ tương quan giữa những hiện tượng thiên nhiên với con người nên dễ phát sinh lòng biết ơn hay kính phục. Vì yếu đuối bất lực trước những thế lực có thể đem lại tai họa, đe dọa sinh mạng của họ, con người phải thờ kính chúng.

2. Vũ Trụ Qua Cái Nhìn Đa Thần:

Sau khi từ lòng sợ hãi hoặc biết ơn, từ đó nhìn xung quanh mình bằng cái nhìn bái vật người Việt bắt đầu cố gắng giải thích những hiện tượng tự nhiên có ảnh hưởng xa gần đến đời sống của họ. Lối giải thích này dĩ nhiên không phải bằng tương quan như chúng ta ngày nay mà bằng trí tưởng tượng của họ. Do đó mưa, gió, sấm, chớp, theo lòng tin của người Việt đều do thần tạo nên. “Thần Mưa là thần hình Rồng, thường xuống hạ giới hút nước biển, nước sông vào bụng rồi bay lên trời cao phun nước ra làm mưa cho thế gian có nước uống và cày cấy, cây cỏ trên mặt đất được tốt tươi. Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước cho các nơi. Công việc này nặng nề, một mình thần Mưa làm không xuể nên Trời phải mở cuộc thi chọn giống thủy tộc có tài trở thành Rồng hút nước phun mưa giúp sức thần mưa. Cuộc thi chọn Rồng này diễn ra ở Vũ Môn, thuộc tỉnh Hà Tĩnh ngày nay. Do đó trong dân gian có câu ca dao về việc cá chép hóa Rồng:

“Mồng ba cá đi ăn thề,
Mồng bốn cá về, cá vượt Vũ Môn. ”[6]

Ngoài những vị thần điều khiển việc thời tiết, người Việt tin rằng mỗi nơi, mỗi khu vực đều có thần cai quản. Tục ngữ có câu:

“Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá. ”

Một vị thần khác vô cùng quen thuộc với các gia đình Việt Nam là thần Bếp, còn gọi là Táo Quân hay Vua Bếp. Ca dao có câu:

“Thế gian một vợ, một chồng
Chẳng như Vua Bếp hai ông một bà. ”

Tóm lại, chúng ta nhận thấy sự cố gắng giải thích các hiện tượng vũ trụ hoặc những đối tượng vật giới của người Việt là hậu quả của nhận thức đa thần, theo đó không có việc gì là không có thần chủ nhiệm, không có nơi nào là không có thần cai quản.

3. Vũ Trụ Qua Cái Nhìn Độc Thần:

Theo sự tiến hóa của nhận thức, từ phức tạp đến đơn nhất, dần đần người Việt thấy rằng những vị thần của họ cũng cần phải có một vị thần tối cao điều khiển, chỉ huy thì mới có thể hoạt động trật tự và hiệu quả. Nếu không sẽ có một sự tranh chấp tạo ra hỗn loạn. Do đó, người Việt tưởng tượng rằng ở trên các vị thần có một vị thần duy nhất, tối cao mà họ gọi là Trời. Ông Trời, trong quan niệm của họ là người sinh ra loài người và muôn vật. Tục ngữ có câu:

“Trời sinh, trời dưỡng. ”

hoặc:

“Trời sinh voi, sinh cỏ. ”

Từ lòng tin ấy, họ thành khẩn cầu nguyện:

“Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp. ”

Ta có thể so sánh ông Trời của người Việt với thần Prajapati, chủ tể mọi thần linh trong tín ngưỡng của người Ấn: “Sự thờ thần Prajapati về sau gần như thành nhất thần giáo cho tới khi thần đó bị thần Brahma đoạt mất địa vị. ”[7]

Tóm lại, từ quan niệm đa thần giáo có tính cách phiếm thần người Việt đã tiến đến quan niệm độc thần giáo, mang màu sắc nhất nguyên luận.


Mục II: Vũ Trụ Qua Nhận Thức Siêu Hình:

Ở mục I, chúng ta thấy trí tưởng tượng và tình cảm chi phối cái nhìn của người Việt về vũ trụ ngoại giới. Như đứa trẻ thơ, người Việt dễ bị những sức mạnh vô hình chế ngự, điều khiển khiến họ tin kính và thờ phụng những quyền lực siêu nhiên mà chúng ta gọi là thần quyền. Tính mệnh và đời sống của họ dường như phó mặc cho quyền lực đó chi phối.

Nhưng dần dần, con người nói chung, người Việt nói riêng tiến hoá hơn. Người Việt bắt đầu biết quan sát những hiện tượng vũ trụ quanh mình. Họ bắt đầu đặt ra câu hỏi và tìm cách giải đáp. Nghĩa là họ không chỉ thỏa mãn với điều trước đây họ tin tưởng, thờ phụng. Họ đặt vấn đề nguyên nhân và hậu quả, lý do đầu tiên và cuối cùng cuả đời sống. Người Việt muốn giải thích mọi hiện tượng bằng thái độ vừa khôn ngoan hợp lý, vừa có tính cách phổ quát. Ý hướng muốn hiểu biết tận ngọn nguồn của sự vật ở người Việt khác nào hai câu thơ sau đây của thi hào Nguyễn Du:

“Trăm năm tính cuộc vuông tròn,
Phải dò cho tới ngọn nguồn, lạch sông. ”[8]

Trăm năm là cuộc sống vợ chồng, mà cũng có thể là cuộc nhân sinh. Như Khổng Tử đã nói: “Đạo của người quân tử lấy đạo vợ chồng làm đầu dây mối nhợ, nhưng nếu xét cho cùng cái lý của nó, chính là đạo của Trời Đất. ”[9]

Hạ Kinh của Kinh Dịch bắt đầu từ hai quẻ Hàm và Hằng, trong khi Thượng Kinh bắt đầu bằng hai quẻ Kiền và Khôn, có ý so sánh sự liên hệ giữa đạo Trời Đất và đạo vợ chồng. Bởi vì người xưa tưởng rằng Trời hình tròn, còn Đất hình vuông. Trời Đất cũng có nghĩa là sự sinh thành, nên tục ngữ Việt có câu:

“Mẹ tròn con vuông. ”

để nói lên ý nghĩa thành tựu viên mãn.

Chúng ta nhận thấy nếu trước đây Trời được tin tưởng như căn nguyên của vạn vật, thì bây giờ Trời là đối tượng của óc suy luận, thắc mắc. Người Việt nhận thức về Trời Đất, tức là về thời gian và không gian đã bao trùm bên trên và bên trong cuộc sống của mỗi người chúng ta… Trời, bởi vậy được biểu thị như Tình yêu thuần khiết, trí tuệ siêu việt và ý chí công chính.

1. Trời, nguồn yêu thương:

Ý niệm về tình yêu thương bao hàm ý niệm về sự sinh thành, che chở. Tục ngữ Việt có câu:

“Trời sinh, trời dưỡng. ”

hoặc: “Trời che đất chở. ”

Người Việt quan niệm Trời ở đây giống như người mẹ, mà vạn vật là con cái. Tiếng “Mẹ” cũng có nghĩa là cái nguồn nước chân thực nuôi sống muôn loài cho nên Lão Tử mới nói: “Ta quý Mẹ Thực: ngã độc dị ư nhơn, nhi quý Thực Mẫu. ”[10]

Trời hay vũ trụ là nguyên nhân tác thành vạn loại, có nghĩa vạn loại và vũ trụ cùng là một. Nói cách khác không thể tách rời sự sống ra khỏi vũ trụ cũng như không thể tách rời vũ trụ ra khỏi sự sống. Sự sống và vũ trụ là một đại thể không thể chia cách. Chúng tác thành nhau theo luật hỗ tương. Đời sống bao gồm ý nghĩa về sự sinh diệt, về hạnh phúc và đau khổ, về những gì đã được thực hiện hay chưa thực hiện. Bởi vậy tình yêu thương của Trời là năng lực sáng tạo, tài bồi. Đứng trước sự lớn lao cao rộng của vũ trụ người Việt dường như thấy mình bé lại, thấy mình như trẻ thơ đang nằm trong lòng mẹ, được hơi ấm và giòng sữa ngọt nuôi nấng. Cảm nhận này được nói lên trong câu tục ngữ:

“Trời cao Đất dày. ” 

Tiếng “dày” mang ý nghĩa “đầy đặn”, “trọn vẹn”. Tiếng “cao” biểu lộ sự “sáng suốt”, “tinh anh”. “Cao”, “dày” là đức lớn của Trời. Cái đức ấy chủ sự Sinh. Vì vậy người Việt không muốn ai “bứng cây sống, trồng cây chết”. Ca dao Việt có câu:

“Người trồng cây hạnh, người chơi,
Ta trồng Cây Đức để đời về sau. ”

Cây Đức ở đây tức là cây sống (tree of life).

Khi người Việt nói: “Trời cao biển thẳm” thì tiếng “thẳm” bao hàm một ý nghĩa sâu xa, không thể đo lường. Những hình dung từ (tính từ): dày, sâu, cao, thẳm… dùng để ca ngợi đức độ, tình yêu thương của Trời. Câu tục ngữ “Trời che Đất chở” cho ta một ý niệm về lòng bao dung, đùm bọc khiến ta liên tưởng đến một mái nhà ấm cúng, mà nóc nhà tượng trưng cho đỉnh cao chót vót. Điều này khiến ta liên tưởng đến Thái Cực của quẻ Kiền trong Kinh Dịch. Tục ngữ có câu:

“Con có cha, như nhà có nóc. ”

Tiếng “con” chỉ loài người và vạn vật; tiếng “cha” chỉ sự che chở, đùm bọc. Tiếng Trời mà người Việt dùng ở đây bao gồm cả vũ trụ, trong đó có Trời Đất. Một ngôi nhà với cái nóc cao cũng phải nhờ vào nền móng mới đứng vững. Đời sống cũng vậy, không thể không nương tựa vào Đất, khác nào bầy con phải nương tựa vào Mẹ. Tục ngữ Việt Nam có câu:

“Con nên nhờ phúc Mẹ. ”

Cái ý niệm Trời cha, Đất mẹ đó của người Việt chính là lấy đức Sinh làm nền tảng bởi vì đức lớn của Trời Đất hay vũ trụ là sự sinh hóa. Trời là nguồn gốc của sự sinh hóa nên nhận thức về Trời là nhận thức về sự sống. Mà yếu tố căn bản để cấu thành sự sống là tình yêu thương.

Tình yêu là sự tổng hợp của hai nguyên lý Cha và Mẹ, hay Trời và Đất. Đây có thể gọi là một đại nguyên lý của vũ trụ mà người Việt đã quan niệm:

“Có Cha, có Mẹ thì hơn,
Không Cha, không Mẹ, như đờn đứt dây. ”

Cả một đại hòa điệu của cuộc sống sẽ trở thành im lìm, tan rã, chết chóc nếu cái nguyên lý này vì một sự rủi ro nào đó biến mất, tức là không còn tương ứng với nhau nữa. Như vậy, vũ trụ, nếu nhìn toàn bộ là một nguyên động lực biến đổi không ngừng mà người Việt gọi là “Trời che đất chở.” Sự che chở ấy biểu thị tính cách vững vàng, ổn cố mà nguồn gốc của nó là cái lý Thái Cực hay bản chất tuyệt đối. Nói cách khác, chính cái vô sinh đã tác thành sự sống hay cái hữu sinh. Và nếu một vật hữu sinh thiếu yếu tố bên ngoài tạo nên nó, tức là thiếu sự bồi bổ, thì nó sẽ bị phân hoại. Tục ngữ Việt có câu:

“Cha sinh, Mẹ dưỡng”

Dưỡng là điều kiện bồi bổ cần thiết để tạo lập sự quân bình của đời sống vật chất và tinh thần. Chính điều kiện này đã tài bồi vật hữu sinh, làm cho nó liên tục hiện hữu. Ở vạn vật, ý niệm “hữu sinh, hữu dưỡng” của người Việt nhằm mục đích tạo lập thế quân bình.

Tình yêu chính là cái gạch nối giúp cho người Việt cảm thông được cái đại thể của vũ trụ, vạn vật. Trong đoạn trên chúng ta đã biết tình yêu của Trời là Đức sinh hóa mà đặc tính chung là sự tài bồi. Khi nhận thức được vũ trụ có năng lực sáng tạo (sinh hóa) và tình yêu (sự che chở) người Việt đã khám phá được chiếc cầu nối giữa tha nhân và chủ thể, giữa vũ trụ và vạn vật. Nói khác, họ không còn đứng về phía mình để nhìn vũ trụ một cách khách quan, mà họ đã xâm chiếm mạch máu, đường gân của vũ trụ. Họ biến Trời thành cái Tôi-Chủ-Thể, nghĩa là Trời đã sống trong tôi, đã hiện diện như tôi hiện diện. Và còn đang tiếp tục. Đây là Siêu-Việt-Tính thường tại, không cần vấn nại, dọ hỏi lý do. Ở đây chúng ta không thấy có sự hoài nghi hay phân biệt. Chỉ có thái độ đoan chắc, tin tưởng giữa chủ thể và khách thể, giữa vũ-trụ-hiện-hữu và cái-tôi-hiện-hữu. Vậy, siêu hình học về vũ trụ là một thứ siêu hình hướng nội, vừa có tính cách duy tâm, nhưng không phải duy tâm, mà đứng ngoài duy tâm, vừa có tính cách một luân lý nhưng không phải luân lý, mà đứng ngoài luân lý.

2. Trời, nguồn sáng:

Trong ngôn ngữ của người Việt, “Trời” được đối với “Đất”. Nếu chúng ta gọi Trời là nguồn sáng thì phải nghĩ Đất là bóng tối. Cũng như khi nói tới “động” thì phải nghĩ tới “tĩnh”, nói “dương” thì nghĩ tới “âm”, nói “cao” thì nghĩ tới “thấp”… Đó là luật đối xứng trong vũ trụ mà người Việt đã nhận thức một cách khái quát dựa trên giác quan và óc suy luận. Nếu phân loại, “Trời” được đi kèm với những tiếng sau đây: Trời-Sáng-Ngày-Động-Dương-Tinh Thần-Mạnh-Cứng-Cao… Như vậy khi nói tới Trời, người Việt nghĩ tới cái gì cao cả, mạnh mẽ, cứng cỏi, sáng láng. Ở đây đúng như ông Trần Trọng Kim đã nhận xét: “Văn đời cổ thường ít có những trừu tượng danh từ cho nên hay dùng những cụ thể danh từ để nói những điều cao siêu.”[11]

Khi người Việt nói “cao xanh” thì ta không nên hiểu là bầu trời hay các tầng khí quyển, mà phải hiểu cái nghĩa tiềm ẩn. “Cao xanh” là cái lẽ cao siêu nhiệm màu của vũ trụ mà con người khó dùng giác quan để thăm dò. Tri thức hữu hạn của con người khó lĩnh hội, khó nhận biết một vũ trụ lớn lao vô hạn. Cõi giới đó con người không nghe được, không tiếp cận được sự lớn lao của nó. Mặc dù nhận thức của họ tỏ ra bất lực trước sự sâu thẳm, bao la của vũ trụ, nhưng từ trong cõi lòng thầm kín con người vẫn hướng vọng về một thế thăng bằng giữa cái cực tiểu và cái cực đại, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa tinh thần và thân xác. Chính vì cảm nhận được phần tối tăm ngu dốt, bé nhỏ, yếu hèn của mình con người luôn tìm cách vươn lên, tìm cách lấp hố sâu ngăn cách giữa mình với vũ trụ. Nói cách khác, họ muốn thoát khỏi bóng tối để đến ánh sáng.

Sự sáng láng của Trời được người Việt học hỏi và ca ngợi. Tục ngữ có câu:

“Trời cao có mắt. ”

hoặc: “Đèn trời soi xét. ”

Lòng tin tưởng vào sự sáng láng của Trời được biểu lộ qua bài ca dao sau đây:

“Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề:
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.
Trông: cho chân cứng đá mềm,
Trời êm biển lặng mới yên tấm lòng. ”

Những tiếng “trông” trong bài này được lặp đi lặp lại chín lần. Tiếng “trông” ở câu 2 bao gồm ý nghĩa của 8 tiếng “trông” ở những câu dưới. Trông nhiều bề: 1/ Trời, 2/ Đất, 3/ Mây, 4/ Mưa, 5/ Nắng, 6/ Ngày, 7/ Đêm, 8/ Chân cứng đá mềm, trời êm, biển lặng.

Những tiếng “trông” trong bài ca dao ở trên đã không còn quỵ lụy như tiếng “lạy” trong bài “Lạy trời mưa xuống…” (mà chúng ta đã bàn ở Mục I). Tiếng “trông” ngoài nghĩa “tin cậy”, còn có nghĩa “quan sát”, nếu hiểu theo tinh thần thực nghiệm. “Trông” có nghĩa nhìn thấy bằng trực giác siêu hình, mà đối tượng là cái nhiều bề, cái bao quát cả thời gian và không gian, cả  chiều kích thứ tư như quan niệm của Einstein. Cái chiều kích sâu thẳm đó tuy chúng ta chưa thể nào dò biết được nhưng nó đã biểu lộ chân tướng bên ngoài. Tục ngữ Việt có câu:

“Coi mặt mà bắt hình dong. ”

“Hình dong” là toàn vẹn thân tâm của con người hay là cái đại thể của vũ trụ. Chúng ta nhận biết được sự sáng láng của vũ trụ nhờ sự soi sáng của mặt trời, mặt trăng. Cũng như chúng ta nhận biết được một con người là do thấy rõ tâm hồn của họ hiện ra ngoài mặt. Nói cách khác, là dựa vào cái rõ ràng, cái đã biết để phán đoán, hiểu biết phần tiềm ẩn. Suy ra nếu muốn hiểu thiên ý (bản ý của trời) thì trưóc tiên phải quan sát thiên tượng (mặt trời, mặt trăng…). Bản chất của thiên tượng là sự sáng, do đó chúng ta có thể tin tưởng hoàn toàn vào ý hướng sáng suốt của trời. Điều này phần lớn các tôn giáo và triết học của nhân loại đều đề cập đến.

3. Trời, nguồn lực:

Chúng ta thường nghe người Việt nói: “Trời làm, ” “Trời lấy, ” “Trời ở” như trong những câu ca dao sau đây:

“Trời làm một trận lăng nhăng,
Ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông!”

hoặc:

“ Của Trời, Trời lại lấy đi,
Giương đôi mắt ếch làm chi được Trời?”

hoặc:

“Trời sao Trời ở không cân,
Kẻ ăn không hết, người mần không ra?”

Những động từ “làm, lấy, ở” làm chúng ta nghĩ đến một nguồn lực bất diệt nào đó ở vũ trụ siêu hình. Nếu trước đây, chúng ta thấy người Việt xem mặt trời, mặt trăng là biểu hiện một trí tuệ sáng láng của Trời, soi chiếu cho cuộc đời của họ. Nhưng chỉ nhìn như vậy, chưa đủ giải thích lý do hay nguồn gốc đã biến mặt trời thành năng lượng ánh sáng. Nói cách khác, Trời làm cách nào để thấu hiểu tâm hồn con người? Nghĩa là, Trời có phải là một chủ lực, một sức mạnh để điều khiển và chế ngự vạn vật không? Cái gì đã khiến: “Nước trong giòng khi trong khi đục, ” và “Sông kia khi lở khi bồi. ”

Nếu câu “Trời cao có mắt” tượng trưng cho trí tuệ, sự minh triết của Trời thì ở đây Trời không nói mà làm. Câu tục ngữ “Trời sinh, Trời dưỡng” cho ta ý niệm về sự tác thành và nuôi nấng. Nhưng sự sinh dưỡng ấy không chỉ ở thể xác bề ngoài mà còn ở tâm tính bên trong nữa. Nói cách khác, nó bao gồm cả nội dung và hình thức mà người xưa gọi là Thiên Chí hay Nguồn Lực của Trời.

Mặc Tử, một triết gia Trung Hoa thời Chiến Quốc đã nhận ra Thiên Chí như một kết tinh của tư tưởng, học thuật Nho Giáo thời thượng cổ. “Thật vậy, Thiên Chí là do Thiên Mệnh hay Thiên Đế mà có. Mệnh cũng có nghĩa là thứ nghiêm pháp được ban ra từ tay kẻ có quyền lực. Chẳng hạn người ta nói Vương Mệnh, Quân Mệnh, Định Mệnh. Vậy chữ Mệnh đồng nghĩa với chữ Chí, tức là cái năng lực quyết định và thực thi một việc gì can dự đến sự sống chết của ai. ”[12]

Vậy Thiên Chí là cái lương tri lương năng của vũ trụ, tức là nguyên lý điều khiển hoạt động của vạn vật. Người Việt đã quan niệm việc Trời Đất lưu hành bằng hai tiếng “úp, mở. ” Úp mở ám chỉ một cái gì khó có thể bộc lộ tường tận, một tác động thu hút (úp) và trương nở (mở). Một cái gì vừa thấy đấy rồi bỗng biến mất như sự nhấp nháy của các vì sao trên dải Thiên Hà mà người Việt gọi là “Cửa Trời. ” Ca dao Việt có câu:

“Xưa kia nói nói thề thề,
Bây giờ bẻ khóa trao chìa cho ai?”

Chìa và khóa ở đây là cái then máy để đi đến chỗ ngẫu cơ (chẵn lẻ) hòa hợp, âm dương giao hội của Trời Đất cũng như con người. Ý niệm về thời gian biến đổi là một sức mạnh đã chi phối không những ngoại vật mà còn ngay cả đời sống con người:

“Làm người phải nghĩ thân sau,
Đất luôn cũng lở, huống cầu bắc ngang. ”

“Đất luôn”: là đất liền, tức là cái gì bền bỉ, vững chắc. Nhưng cái liền cũng có khi đứt. Vật lý học đã phân tích trong một mảnh hạt nguyên tử có nhiều mảnh hạt khác. Sự liền và đứt, sự cố định và bất định, sự úp mở…tương đối tương liên để tạo nên sự biến dịch. Vậy Trời là bậc đã nắm cái chìa khóa đóng mở này. Bằng con mắt quan sát thực nghiệm, người Việt đã trực nhận một điều vượt ngoài suy tưởng. Họ muốn từ bỏ nhận thức thần linh để đi tới việc phân giải những hiện tượng thiên nhiên bằng cái nhìn toàn diện. Họ cố gắng tìm một nguyên động lực duy nhất chế ngự và điều hành sự vật. Quan niệm về quyền lực siêu nhiên hay Thiên Chí nằm rải rác trong những câu tục ngữ mà chúng ta đã lược xét ở trên. Chúng tôi nhận thấy người Việt không dựa trên những lý số phức tạp để phỏng đoán lẽ tiến thoái đóng mở của Trời Đất mà họ xử dụng trực giác tâm linh để nhìn về nguyên lý tuyệt đối mang tính cố định thường hằng mà họ xem là nguyên lý mẫu mực. Nguyên lý này vừa là hữu thể (être) vừa là vô thể (non-être). Nguyên lý đó được xem như khởi nguyên của năng lực tinh thần. Vì vậy khi chúng ta nghe người Việt nói: “Mẹ tròn, con vuông” làm chúng ta nghĩ tới tấm lòng bao la của vũ trụ và sự biến thành sinh hóa muôn thuở của thời gian. Mẹ và con ở đây có thể sánh ngang với Trời và Đất. Ở đây, nhận thức vũ trụ của người Việt nhắm vào chiều hướng động lực siêu hình hay Thiên Chí làm chúng ta liên tưởng tới ý niệm Hữu Thể (l’être) của Heidegger gắn liền trong một thời gian và không gian duy nhất.


Mục III: Vũ Trụ Qua Nhận Thức Thực Nghiệm:

Nhận thức thực nghiệm về vũ trụ khác với nhận thức thần linh và nhận thức siêu hình ở phương pháp, đối tượng và mục đích. Thực vậy, quan niệm về thần thánh đến đây đã nhường bước cho quan niệm về con người. Một con người dứng giữa hai đối cực vô tận về sự nhỏ bé (microcosm) và sự lớn lao (macrocosm), về thần linh và thú vật. Con người thay vì chỉ sống bằng đam mê, cảm xúc, tưởng tượng, bằng tin tưởng theo tập quán, còn biết hoài nghi những gì được xem là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Con người biết dùng trí quan sát để thăm dò thực tại cụ thể, dùng tri giác để lãnh hội, dùng ý chí và nghị lực để thực thi những điều mình hiểu biết, để kiểm nghiệm đúng, sai. Lịch sử, xã hội, và con người Việt đã nhiều lần chứng tỏ khả năng nhận thức về thực tế của họ trên mọi lãnh vực xã hội, tôn giáo, chính trị, quân sự với những tác phẩm văn chương nghệ thuật có giá trị cao. Về mặt khoa học vũ trụ mặc dù người Việt chưa có những nhà bác học cỡ lớn, chưa có những máy móc tinh xảo để khảo sát các hiện tượng hữu hình. Nhưng người Việt cũng không cố chấp về một giả thuyết được coi là chân lý ngàn đời về vũ trụ.

Trước đây nhiều lần chúng tôi đã đề cập đến tiếng “Trời” trong ngôn ngữ Việt và chúng tôi đã trình bày quan niệm của họ về “Trời” như thế nào. Bây giờ một lần nữa chúng ta tìm hiểu quan niệm về Trời qua nhận thức thực nghiệm. Trước đây, trong nhận thức thần linh, chúng ta thấy họ tin tưởng và kính sợ TRỜI (viết hoa) xem như một vị thần tối linh, nắm trong tay mọi quyền sinh tử họa phúc. Qua nhận thức siêu hình, chúng ta thấy Ông Trời mà trước đây họ cầu xin, lạy lục trở thành một nguyên lý phổ biến bao trùm vũ trụ và nhân sinh, ở ngoài mọi lý do của vũ trụ hữu hình. Trời ở đây tượng trưng cho người nắm cán cân luật pháp, có uy quyền như một vị quan tòa hay một ông vua, ông cha. Bây giờ đến nhận thức thực nghiệm, ông Trời tối cao của họ đã mất bản chất thiêng liêng hoặc duy lý trừu tượng mà trở thành một hiện tượng có thể quan sát được. Ông trời (viết thường) đồng nghĩa với thiên nhiên, với tạo vật, với vũ trụ hữu hình, là đối tượng của tinh thần tìm hiểu, chế ngự, khắc phục. Một ông trời có tính cách tương đối, hoặc vô tính, bị con người nhìn bằng đôi mắt tò mò, phê phán. Chúng ta hãy nghe người Việt đặt vấn đề:

“Trời sao trời ở không cân,
Kẻ ăn không hết, người mần không ra. ”

Qua câu ca dao trên chúng ta nhận thấy ý thức của người Việt đã chuyển hướng. Thay vì chấp nhận những quan niệm cũ về trời một cách mù quáng, họ trở nên hoài nghi. Người Việt không còn xem trời là đấng đã sáng tạo ra vũ trụ nữa. Những tiếng họ nói thông thường như: trời mưa, trời nắng, trời tốt, trời xấu, trời lạnh, trời nóng… đã trở thành những tiếng thông thường để diễn tả những hiện tượng biến đổi của vũ trụ. Đó là quan niệm về một thiên nhiên nhiều mặt, bất thường, tương đối và phức tạp:

“Đố ai biết: lúa mấy cây?
biết: sông mấy khúc?
biết: mây mấy từng?
Đố ai quét: sạch lá rừng,
Để ta van gió: gió đừng rung cây. ”

Chúng ta biết rằng muốn có tinh thần thực nghiệm phải có sự tò mò, ngạc nhiên về những gì mình chưa biết. Sự tò mò kích thích tính hiếu kỳ của nhà khoa học khi ông đối diện sự ngu dốt mênh mông của con người. Trước những bí mật của vũ trụ tự nhiên người Việt đã sử dụng những câu đối, câu vè, câu hỏi nhằm mục đích đưa con người tới gần chân lý.

Dựa vào những vật quen thuộc mà giác quan có thể nhìn thấy được: cây lúa, con sông, đám mây, ngọn lá, trận gió, là những đối tượng có trong không gian và thời gian mà ai cũng có thể nhận biết, người Việt đã khéo dẫn dụ chúng ta bước vào một thực tại vượt ngoài tầm nhận thức để đi tới một thực tại siêu nhiên mà chúng tôi tạm gọi là thực tại siêu nghiệm. Nói cách khác, đó là thực tại tự nhiên nhưng vượt ngoài nhận thức thực nghiệm của con người.

Phân tích bài ca dao trên, chúng ta thấy người Việt thách thức: “Đố ai biết?” bằng ba lần đặt câu hỏi khi nêu lên những thí dụ thông thường trước mắt, để nói lên ý nghĩa của giới hạn (mây mấy từng), của phức số (lúa mấy cây), và của thời gian (sông mấy khúc). Đó là những vấn đề lớn của tri thức nhân loại: không gian, thời gian, định lượng… ở tầm độ tuyệt đối của sự quan sát.

Còn trên hành vi thì sao? Biết và làm tất nhiên phải đi đôi. Điều mà ta có thể biết được thì cũng có thể thực thi được, dù sớm hay muộn, dù ngay bây giờ hay mai sau. Nhưng làm gì có mai sau, khi mà ở tầm độ tuyệt đối ta không còn thấy có thời gian? Vậy nên, một lần nữa người Việt lại thách: “Đố ai quét sạch lá rừng?” Hành động biện minh cho lý thuyết. Nếu ở câu trên lý thuyết được xác nhận thì chắc hẳn chúng ta phải nhờ một cuộc thí nghiệm chắc chắn sẽ tạo lập ở câu dưới. Nói cách khác, nếu có người trả lời biết, ắt họ sẽ làm được. Tuy nhiên như ta đã thấy, về mặt luận lý, câu đố đã đưa chúng ta vào chỗ bí, thì về mặt hành động nó lại càng làm ta bối rối hơn. Người ra câu đố biết mình không thể làm được việc “van gió đừng rung cây” thì làm sao trong thiên hạ có người “quét sạch lá rừng”?

Câu đố trên sau khi nêu rõ tính cách giới hạn của hành vi và tri thức con người, nó đã dẫn ta đến một kết luận rằng: vũ trụ và nhân sinh có cùng năng lực tự tạo. Nghĩa là không do bàn tay của một vị thần chủ, một ông trời hoặc đấng tạo hóa nào sắp đặt cả. Chúng tôi dùng chữ “tự nhiên thành tựu” để chỉ sự tự sinh tự diệt của vũ trụ. Như vậy, một vật chất trong vũ trụ biến mất không phải là chết đi, là tiêu diệt mà thật sự để cấu thành một mảnh hạt mới, một vật chất khác. Thời gian ở giữa sự biến đổi hay tiêu diệt của một vật chất này và sự tái sinh một vật chất khác nhanh chóng đến nỗi ta không thể nào quan sát được khoảng cách trước sau. Vậy chữ “tự nhiên thành tựu” mà chúng tôi dùng để biểu thị nguồn gốc vũ trụ vượt ngoài không gian, thời gian và nhận thức hữu hạn của con người. Chúng ta hãy tìm hiểu câu ca dao sau đây:

“Núi kia ai đắp mà cao,
Sông kia ai bới, ai đào, mà sâu?”

Thật là một câu hỏi mà thoạt nghe chúng ta thấy quá trẻ con, ngây thơ. Nhưng xin chớ vội mỉm cười. Bởi vì sự giải thích về cấu tạo địa cầu qua các thời kỳ địa chất vẫn không làm chúng ta thỏa mãn. Ngày nay, chúng ta đòi hỏi muốn biết những mảnh hạt và những đám mây khinh khí lỏng tạo thành mặt trời và những vì tinh tú kia từ đâu mà có, và chúng được cấu tạo bằng cách nào? Chúng ta biết chúng là vật chất, nhưng không thấu triệt nguồn gốc của vật chất, cùng cách thức vật chất cấu thành. Nếu không có bàn tay của vị thần chủ hay ông trời nào đó tạo dựng thì tiếng “ai” được nhắc đi nhắc lại ba lần trong câu ca dao trên đây không gì khác hơn là “tự nhiên thành tựu. ” Và, nếu khoa học sau này tiến bộ, trả lời được cho con người câu hỏi đó, chính là vì tự bản chất câu hỏi không nêu lên một xác định nào về chân lý tuyệt đối cả.

Như vậy, đứng trên quan điểm vũ trụ luận, người Việt khi tìm hiểu nguồn gốc vũ trụ, chỉ đặt vấn đề hơn là giải quyết một cách hàm hồ, võ đoán. Trước kia, người ta tưởng căn bản của vật chất chỉ gồm ba mảnh hạt là dương-điện-tử (proton), âm-điện-tử (electron), và trung-hòa-tử (neutron) tạo thành hạt-nhân-nguyên-tử (nucleus). Nhưng người ta cũng chưa biết được nguyên nhân và bản tính vật chất. Các nhà khoa học đã hoài nghi ba mảnh hạt trên chưa phải là duy nhất. Năm 1932, nhà vật lý Hoa Kỳ David Anderson đã khám phá trong âm-điện-tử (electron) có phi-âm-điện-tử (antielectron) mà điện tích không giống với điện tích âm. Điều này đã chứng minh cho lý thuyết của nhà vật lý Anh quốc Paul Dirac công bố trước đó. Năm 1955, hạt phi-dương-điện-tử (antiproton) được chế tạo ở Đại Học Berkeley, Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, đứng trên quan điểm nhận thức, những vật-chất (matter) và phi-vật-chất (antimatter) cho ta biết một quan niệm về tổng hợp vật chất là do hai nghịch chất mà thành. Và một sự tương xứng được cấu thành bởi sự bất tương xứng. Nói cách khác, nếu đứng ở quan niệm nghịch để nhìn sang quan niệm thuận thì thuận niệm kia sẽ biến thành nghịch niệm này. Tức là, cái phải của người có thể là cái trái của ta, và cái phải của ta có thể là cái trái của người. Như vậy vạn vật trong vũ trụ đều có tính cách tương đối. Tuy nhiên, người Việt đã muốn vượt lên khỏi hai chiều đối nghịch mâu thuẫn đó. Họ muốn đi tìm một chân lý hòa điệu, vượt qua hai trạng thái thuận nghịch. Họ nhắm vào hiệu quả của vật chất, tức là cái năng lượng, hơn là tìm hiểu trạng huống đối nghịch. Đó là quan niệm về một vũ trụ toàn diện mà chúng tôi gọi là vũ trụ tự nhiên hay siêu nghiệm. Từ quan niệm toàn diện đó, người Việt không còn đứng ở lãnh vực siêu hình để nhìn về vũ trụ mà xử dụng giác quan thông thường để quan sát sự vật. Do đó, những hiện tượng vũ trụ dưới tầm mắt thông thường có một tương quan chặt chẽ với nhau, giữa hai chiều hướng tưởng như đối nghịch, bất tương ứng:

“Trăng bao nhiêu tuổi trăng già,
Lúa bao nhiêu tuổi gọi là lúa non?”

Một lần nữa, chúng ta lại thấy vấn đề thời gian (non, già) được đem ra chất vấn. Thời gian sở dĩ có là vì có chuyển động. Nếu đứng ở địa cầu, thì một năm có khoảng 365 ngày. Nhưng nếu so với Thủy Vương Tinh (Pluto), hành tinh cách xa mặt trời khoảng 5, 875 triệu km, thì một năm ở đó bằng 284 năm ở địa cầu. Điều này nói lên tính chất không đồng nhất của thời gian và không gian, tức là thời gian chỉ là một khái niệm tương đối.

Như vậy, chúng ta nhận thấy người Việt không quả quyết có Một Nguyên Nhân Duy Nhất cấu thành vật chất. Họ cũng không khẳng định có một thời gian đồng nhất và hiện tượng bất biến của vũ trụ. Qua những câu đố vừa trưng dẫn, chúng ta nhận thấy họ quan niệm vũ trụ là phức tạp, biến đổi, tương đối. Nói một cách khác, chúng ta có định luật: “Sự đơn giản cùng cực của vật chất là do sự phức tạp cùng cực của nó sinh ra”, hay ngược lại: “Sự phức tạp cùng cực sinh ra bởi cái đơn giản cùng cực”. Đó là cái nhìn động và tĩnh về vũ trụ: cái đơn giản là cái tĩnh, cái phức tạp là cái động. Hay nói một cách luận lý: cái đơn giản là cái phân tích được, và cái phức tạp là cái tổng hợp. Vậy, lý do sinh thành vũ trụ hiện tượng không chỉ là luật nhân quả tất định, mà còn ngẫu nhiên, còn bất định, còn điều kiện, còn nhu cầu hỗ tương, … Vì thế, đứng trước cái phức tạp và sự biến đổi liên hồi của vũ trụ vật chất, người Việt không phân định thời gian trước sau, hoặc khoảng cách không gian xa gần. Họ chỉ đặt câu hỏi mở đường cho tinh thần khám phá và phát minh. Một tầm độ nhận thức bao gồm cả động và tĩnh, cả đơn giản và phức tạp, cả siêu nhiên và thực nghiệm. Ở đây, chúng ta không đánh giá vào thành quả hay giá trị của lý thuyết mà người Việt muốn nêu lên. Chỉ cần nhìn vào những câu hỏi mà họ đặt ra tới tấp trong các câu đố, bài vè… chúng ta cũng thấy được tinh thần khách quan và cẩn trọng của người Việt khi họ đứng trước những hiện tượng hữu hình và vô hình, giữa cái hữu hạn và cái vô hạn.

Nếu ánh sáng là năng lượng của mặt trời thì chúng ta có thể nói tư tưởng hay nhận thức là năng lượng của con người và nhịp độ co giãn của mặt trời cũng giống như ý thức phản tỉnh, tự giác của con người. Ý thức đó giúp cho con người vươn lên khỏi mọi ràng buộc, mọi hệ thống, mọi ý thức hệ để hòa nhập vào trong sự Im Lặng không-thời-gian, không-không-gian, vô thủy vô chung. Nói cách khác, họ muốn rút gọn tất cả mọi câu hỏi thành một tiếng, và chỉ một tiếng thôi: “AI?” Rồi im lặng hoàn toàn. Đó chính là phương pháp người Việt áp dụng để tìm hiểu vũ trụ, để cuối cùng thoát ra khỏi giới hạn của vũ trụ.

Ôn Năng Khang
anviettoancau
Davis, August 20, 2005.
Tranh minh họa: Tuyệt Duyệt.

Tiểu sử

Giáo sư Ôn Năng Khang.
Sinh năm 1946 tại Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên, Việt Nam.
Tốt nghiệp cao học Triết Học Đông Phương tại Trường Đại Học Văn Khoa, Sàigòn năm 1972 với đề tài “Diễn Trình Nhận Thức Của Người Việt Nam Qua Văn Ngôn Truyền Khẩu.”
Giảng dạy Tư Tưởng Việt Nam tại Đại Học Vạn Hạnh, Sàigòn từ 1973-1975. Từ 1995 giảng dạy tại Đại Học dân lập Văn Lang và hiện đang tiếp tục nghiên cứu văn ngôn truyền khẩu Việt Nam


Chú thích:

[1] Nguyễn Văn Ngọc, TRUYỆN CỔ NƯỚC NAM, Tập 2, Saigon, Thăng Long, 1958 page 13-18.

[2] Đào Duy Anh, VIỆT NAM VĂN HÓA SỬ CƯƠNG, Saigon, Bốn Phương, 1951 page 222.

[3] Đào Duy Anh, s. đ. d. , page 222.

[4] Phan Kế Bính, VIỆT NAM PHONG TỤC, Sài Gòn, Phong trào Văn hóa 1970, page 320.

[5] Will Durant, THE STORY OF CIVILIZATION, Part I, New York Simon and Schuster 1958, page 402.

[6] Doãn Quốc Sỹ, THẦN THOẠI VIỆT NAM – TRUNG HOA, Sài Gòn Sáng Tạo, 1971, page 33.

[7] Will Durant, s. đ. d. , page 403.

[8] Nguyễn Du, ĐOẠN TRƯÒNG TÂN THANH, Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, Sài Gòn Tân Việt, in lần thứ 8, page 123, câu 1331-1332.

[9] Trần Trọng Kim, NHO GIÁO, quyển Thượng, Sài Gòn Tân Việt, in lần thứ 3, page 79.

[10] ĐẠO ĐỨC KINH, bản dịch của Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Sài Gòn Khai Trí 1961, page 117.

[11] Trần Trọng Kim, s. đ. d. , page 68.

[12] Nguyễn Đăng Thục, LỊCH SỬ TRIẾT HỌC ĐÔNG PHƯƠNG, Tập I, Saigon Duy Nhất, in lần thứ 2, 1961, page 264.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.